Lão Goriot
CHƯƠNG 21
Anh chàng xứ Savoyard đang ngủ chợt tỉnh giấc lập tức và nói:
– Thưa bà sao cơ?
– Chàng trai khốn khổ, trông anh như một chú chó, Sylvie nói.
– Một mùa chết chóc, mỗi người một công việc. Cô ta đã làm cho tôi bị mất hết khách. Tôi như bị mất trí. Cô ả Michonneau đã rời khỏi đây với Poiret. Cô ta đã làm gì gã ấy để gã ta theo cô ấy như con cún con?
– À, thưa bà, Sylvie lắc đầu, hạng phụ nữ ấy thì còn có điều gì không dám làm.
– Ông Vautrin khốn khổ của tôi, người ta bảo ông ấy là một người tù khổ sai, người đàn bà goá nhắc lại. Này! Sylvie, tao vẫn không thể tin được điều đó. Một người đàn ông vui vẻ, ông ấy đã trả mười lăm phơ-răng mỗi tháng và ông ấy đã trả hoàn toàn đầy đủ mọi thứ!
– Và ông ấy thật hào hiệp! Christophe nói.
– Có thể người ta sai lầm, Sylvie nói tiếp.
– Nhưng không đâu, ông ấy đã tự thú rồi cơ mà, bà Vauquer nhắc lại. Chẳng thể ngờ được mọi chuyện lại xảy ra ở đây, một cái góc phố chẳng có ma nào qua lại. Tôi cứ như là đang mơ ấy. Chúng ta đã thấy vua Louis XVI khi ngài bị lâm nạn, đã thấy thời đế chế bị suy sụp và lại thấy nó hồi sinh; sau đó lại suy sụp. Tất cả là qui luật, là lẽ thường thôi nhưng ở những quán trọ như thế này thì chẳng có thể lúc lên voi xuống chó được; người ta có thể bỏ qua vua, nhưng ăn thì không bỏ được; và khi một người đàn bà tử tế dòng họ Conflan như tao cho ăn uống ngon lành nhất như vậy; thì có lẽ là tận thế… mà đúng là tận thế rồi.
– Lại nghĩ đến cái cô Michonneau, người đã làm bà phải điêu đứng ấy sắp được lĩnh một nghìn ê qui lợi tức đấy, Sylve thốt lên.
– Thôi đừng nói về điều đó nữa. Đó là một tội lỗi. Bà Vauquer nói. Nó lại còn sang trọ nhà mụ Buneaud nữa mới tệ chứ. Loại ấy thì có gì mà không làm, chắc trước đây đã từng làm đủ chuyện ghê tởm: trộm cắp, giết người. Đáng lẽ con mụ ấy phải ở nơi giam giữ tội phạm khổ sai, cái chỗ mà con người khốn khổ yêu quí của chúng ta đang phải chịu.
Trong lúc đó, Eugène và lão Goriot kéo chuông.
– Ồ, hai người bạn trung thành của tôi đây rồi, mụ góa vừa lên tiếng vừa thở dài.
Hai vị khách trung thành chẳng còn nhớ gì mấy tới những tai họa của cái quán trọ này nữa.
Họ thông báo không chút kiểu cách gì với bà chủ quán là họ sắp dọn tới Chaussec d’Antin.
– A! Sylvie, bà goá nói, đây là đòn cuối cùng. Các quý ông đã đưa đến một cái chết bất ngờ, đã đạp thẳng vào lòng can đảm của tôi. Tôi như có sóng cồn ở trong lòng. Tôi phát điên lên mất, tôi nói thật đấy! Tôi phải làm gì với món đậu này? A, nếu như tôi ở đây một mình, thì anh sẽ đi vào ngày mai, Christophe ạ. Ôi trời, chúc quý ông ngủ ngon.
– Bà ấy làm sao vậy? Eugène hỏi Sylvie.
– Thì đấy! Tất cả mọi người đều ra đi để theo đuổi công việc. Điều đó làm cho bà ấy rối loạn đầu óc. Vừa rồi, tôi đã thấy bà ấy khóc và càu nhàu, đây là lần đầu tiên bà ấy đã rơi lệ kể từ lúc tôi xuống đây giúp bà ấy.
Hôm sau, bà Vaquer đã tự hóa giải được theo cách của bà ta. Tuy bà ta có vẻ rầu rĩ vì tình cảnh mất hết khách trọ và đời sống bị đảo lộn nhưng bà ta vẫn hoàn toàn tỉnh táo và tỏ ra một nỗi đau khổ thật sự, một nỗi đau khổ sâu cay, nỗi đau khổ do bị mất mối lợi, do nếp sống đã quen nay bị phá nát.
Con mắt của một gã tình nhân nhìn lại nơi ăn ở của người yêu khi bắt buộc phải rời xa chắc hẳn không buồn hơn con mắt của bà Vauquer khi nhìn cái bàn ăn trống trơ của mình. Eugène an ủi bà ta rằng vài ngày nữa Bianchon sẽ hết thời kỳ nội trú và chắc chắn sẽ thuê phòng của mình; còn anh chàng nhân viên bảo tàng thì thường xuyên tỏ ý muốn một căn phòng như phòng bà Couture; trong vài ngày nữa nhân khẩu của quán trọ sẽ tăng lên.
– Cầu chúa nghe được lời cậu nói! Nhưng điều bất hạnh đã xảy ra ở đây rồi. Chỉ trong khoảng mười ngày nữa là cái chết tìm đến nơi đây. Rồi mọi người xem, bà ta vừa nói vừa nhìn phòng ăn một cách thê thảm. Không biết rồi ai sẽ chịu đựng đây.
– Chúng ta dọn đi là đúng quá. Eugène nói với lão Goriot.
– Thưa bà, Sylvie vừa nói vừa chạy vội tới vẻ hoảng sợ, đã ba ngày nay tôi không nhìn thấy Mistignis.
– Ôi, nếu con mèo của tôi chết, nếu nó đã rời khỏi chúng tôi thì tôi…
Người đàn bà goá tội nghiệp, quá sợ hãi về cái điềm khủng khiếp ấy, bà nắm chặt hai tay lại và ngã người xuống ghế tựa.
Vào khoảng trưa, đúng giờ mà người đưa thư đến khu phố cổ Pantheon, thì Eugene nhận được một lá thư với phong bì rất lịch sự có gắn huy hiệu của tử tước Beauseant. Bên trong là một tấm thiếp mời ông bà nam tước Nucingen tới dự một buổi dạ hội lớn, đã được báo trước từ một tháng nay và được tổ chức ở nhà tử tước Beauseant. Kèm theo lời mời còn có một bức thư ngắn gửi cho Eugene:
“Thưa ông, tôi nghĩ rằng ông sẽ rất vui lòng được là người chuyển những tình cảm tốt đẹp của tôi tới bà nam tước Nucingen. Tôi gửi cho ông tấm thiếp mời mà ông đã yêu cầu. Và hơn nữa tôi cũng rất vui mừng được làm quen với em gái bà bá tước Restaud, vậy tôi mong ông sẽ giúp tôi mời người phụ nữ xinh đẹp đó đến dự dạ hội. Tôi cũng mong rằng ông làm cách nào đó để bà ấy đừng chiếm hết tình cảm của ông; ông còn phải dành cho tôi một ít tình cảm để đền đáp tấm lòng quí mến của tôi đối với ông đấy.”
Nữ tử tước de Beauseant.
Như thế rõ ràng là phu nhân Beauseant không ưa gì bà nam tước. Eugene vừa đọc bức thư vừa tự nhủ. Sau đó chàng vội vàng đến nhà Delphine. Chàng cảm thấy thật sung sướng được mang đến một tin vui cho nàng và có thể chàng sẽ được thưởng bù đắp.
Đến nơi thì bà Nucingen đang tắm. Rastignac ngồi đợi ở phòng khách. Lấy làm sốt ruột, đó cũng là điều dễ hiểu đối với một chàng trai trẻ nồng nàn và nóng lòng chiếm được người mình yêu sau cả năm trời ao ước. Ấy là những cảm xúc không xảy ra hai lần trong đời một chàng trai, người đàn bà đầu tiên mà người đàn ông quyến luyến là người đàn bà đến với chàng trong tất cả các nghi thức lộng lẫy mà xã hội Paris đòi hỏi, người đàn bà ấy không bao giờ có đối thủ. Tình yêu ở Paris khác hẳn với những nơi khác, ở đây không một người đàn ông hay người phụ nữ nào lại khờ khạo phô trương tình cảm của mình ở những nơi công cộng, nơi mà ai cũng tỏ ra tế nhị khi bộc lộ cái gọi là tình cảm vô tư, trong sáng của mình. Ở xứ sở này, một người phụ nữ không được chỉ hài lòng với quan hệ tình cảm và ham muốn dục vọng mà họ còn có rất nhiều nghĩa vụ phải thực hiện và hàng nghìn điều đáng tự hào mà cuộc sống tự tạo nên. Ở trong xã hội đó, tình yêu chủ yếu giống sự khoe khoang, bịp bợm thật phung phí, trơ trẽn và xa xỉ.
Nếu như dưới triều đại vua Louis XIV, tất cả phụ nữ đều thèm muốn được giống như quý cô La Valliere, sức hấp dẫn của cô ta đã làm cho ông hoàng vĩ đại này quên đi rằng mỗi cái măng séc tay áo của ông ta đáng giá hàng nghìn écus khi ông xé nó ra để giúp cho công tước Vermandois nhập vào giới thượng lưu dễ dàng hơn. Thì bây giờ, người ta còn đòi hỏi gì ở con người? Bạn trẻ trung, giàu có và quyến rũ, bạn còn có thể hơn thế nếu bạn muốn. Bạn càng ra sức nịnh nọt người đẹp thì bạn càng được cô ta tán thưởng. Tất nhiên bạn phải có một thần tượng rồi. Trong thời kỳ này, người ta coi tình yêu như một thứ tôn giáo mà giá trị của nó phải cao hơn tất cả những thứ tôn giáo khác. Nhưng nó cũng lướt qua rất nhanh giống như những đứa trẻ tinh nghịch muốn đánh dấu bước đi của mình bằng sự phá phách. Sự dồi dào về tình cảm ví như áng thi ca về các vựa lúa, không có nó, tình yêu sẽ ra sao? Nếu như có các ngoại lệ đối với những đạo lý, nguyên tắc hà khắc của Paris thì những ngoại lệ đó chỉ thấy ở nơi vắng bóng người hoặc ở những tâm hồn không bị chi phối bởi các luân lý xã hội. Họ vui vẻ sống gần dòng suối trong xanh, mát mẻ, nước chảy không ngừng, trung thành với những tán lá cây xanh mát rượi, hạnh phúc lắng nghe những âm thanh từ vô tận. Những ngoại lệ ấy có thể tìm thấy trong mọi thứ và trong chính bản thân nó, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi.
Còn với Rastignac, cũng giống như đa số những người trẻ tuổi, chàng cũng nóng lòng muốn nếm mùi vinh quang, muốn tự mình phong kỵ sĩ trên đấu trường. Chàng nhiệt tình, hăng say theo đuổi nó và chàng cũng cảm thấy có một sức mạnh để chế ngự nó nhưng chàng không biết mục đích và cách thực hiện tham vọng đó như thế nào? Dù không có một tình yêu trong sáng và thánh thiện tràn ngập trong cuộc sống thì khát vọng quyền lực này cũng có thể trở thành một cái gì đó đáng ca ngợi, đủ để lấy đi tất cả lợi ích riêng tư của con người và cũng đáng để tỏ ra cao thượng ở một xứ sở luôn sống vì mục đích. Nhưng cậu sinh viên trẻ còn chưa đạt được đến cái mức mà con người có thể ngẫm nghĩ và đánh giá về cuộc đời. Ngay cả đến khi anh ta hoàn toàn rung động trước sự lôi cuốn của những ý tưởng mới mẻ và ngọt ngào giống như tán lá cây bao bọc suốt thời niên thiếu khi anh còn ở tỉnh lẻ, thì anh vẫn phải lưỡng lự khi vượt qua ngưỡng cửa của Paris đô thị.
Mặc dù rất muốn biết nhưng chàng vẫn luôn giữ ẩn ý về cuộc sống hạnh phúc của một nhà quý tộc thật sự trong lâu đài của mình. Tuy nhiên đến hôm qua thì những đắn đo cuối cùng của chàng cũng không còn nữa khi chàng nhận thấy mình vẫn đang ở trong căn phòng mới của mình. Chàng muốn tận hưởng sự giàu có về vật chất giống như chàng đã được hưởng những giá trị đạo đức mà từ lâu cuộc sống đã cho. Chàng đã vứt bỏ dáng vẻ bên ngoài của một chàng trai tỉnh lẻ và từ từ tạo lập cho mình một chỗ đứng để từ đó chàng nhận thấy một tương lai xán lạn phía trước. Cũng trong lúc chờ Delphine, ngồi trong căn phòng xinh xắn mà giờ đây đã có vẻ gần gũi với anh, chàng hồi tưởng lại quãng thời gian năm ngoái khi vừa đặt chân lên Paris. Chàng tự hỏi liệu trong lúc này mình có còn là mình nữa không?
– Phu nhân ở trong phòng ngủ, chàng giật mình bởi tiếng nói của Thérèse.
Rastignac đi vào phòng, anh thấy Delphine nằm trên chiếc ghế trường kỷ ở cạnh lò sưởi, trông nàng thật tươi tỉnh và khoẻ khoắn trong chiếc váy nhiều tầng bằng vải mút xơ lin. Vẻ đẹp của nàng lúc này không thể không so sánh với hình ảnh của bông hoa đang hình thành trái trên những cây gỗ vang thật đẹp.
– Chao ôi! Chàng đây rồi, Delphine nói với giọng thật xúc cảm.
– Nàng đoán xem tôi mang đến cho nàng cái gì này. Eugène vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh bà nam tước và anh hôn lên tay nàng.
Nam tước phu nhân tỏ ra rất vui mừng khi đọc thiếp mời. Bà ta quay lại nhìn Eugène với đôi mắt ướt át và đưa tay ôm lấy cổ Eugène kéo về phía mình trong một cơn cuồng nhiệt của tính chuộng hư vinh được thỏa mãn.
– Chính chàng (chàng hãy nghe này, bà ta nói nhỏ vào tai Rastignac; Thérèse đang ở trong phòng tắm đấy, chúng mình phải thận trọng!), chính chàng là người mang đến cho em niềm hạnh phúc này sao? Phải rồi, em dám coi đó là một niềm hạnh phúc. Chàng đã có được nó, như vậy đó không phải là một sự thắng lợi của một tình yêu trong sáng sao? Không ai muốn em có mặt trên thế giới này ngoài chàng ra. Cũng có thể trong lúc này chàng thấy em thật nhỏ bé, viển vông và yếu ớt như một phụ nữ Paris; nhưng chàng của em ơi, chàng hãy nghĩ rằng em sẵn sàng hy sinh tất cả vì chàng, và em mong muốn hơn bao giờ hết được đến ngoại ô Saint-Germain, là vì có chàng ở đó.
Chợt Eugène cắt lời.
– Em không nghĩ là bà Beauséant có vẻ muốn nói với chúng ta là bà ấy không để ý đến việc ngài nam tước Nucingen có mặt ở buổi dạ hội phải không?
– Ồ vâng, nam tước phu nhân nói và đưa trả lá thư cho Eugène. Những người đàn bà như thế thường có kiểu ăn nói kiêu căng mà. Nhưng cho dù có thế nào đi nữa thì em cũng sẽ tới. Chị gái em thể nào cũng có mặt ở đó, em biết chị ấy đang sửa soạn một bộ váy tuyệt đẹp. Eugène này, Delphine tiếp tục nói với giọng nhỏ nhẹ, chị ấy sẽ đến đó để làm tiêu tan những ngờ vực đáng ghét. Chàng không biết những tiếng xì xào bàn tán sau lưng chị ấy à? Vừa sáng nay Nucingen đã đến nói với em rằng ở câu lạc bộ người ta đã bàn tán không ngớt. Còn gì nữa? Danh dự của người phụ nữ và danh dự gia đình? Em đã cảm thấy bị công kích và tổn thương vì người chị gái đáng thương của em. Theo như một số người thì ông Trailles đã ký vào rất nhiều hối phiếu, số tiền lên tới hàng trăm nghìn phơ-răng, hầu hết số hối phiếu đó đã đến hạn phải trả, và với số hối phiếu này có thể ông ta sẽ bị truy tố trước pháp luật. Trong trường hợp xấu nhất thì chị gái em sẽ phải bán số kim cương của chị ấy cho một người Do thái, những viên kim cương tuyệt đẹp, mà chàng đã thấy chúng, đó là của bà mẹ Restaud. Nhưng cuối cùng cũng chấm dứt, từ hai ngày nay người ta không còn nhắc đến vấn đề này nữa. Em có thể hình dung ra cảnh chị Anastasie sẽ đẹp lộng lẫy trong chiếc áo dài dệt kim tuyến, và cuốn hút mọi sự chú ý ở nhà tử tước phu nhân Beauséant về phía mình, chị ấy sẽ xuất hiện ở đó với vẻ đẹp rực rỡ cùng các viên kim cương. Nhưng em cũng sẽ không chịu thua kém đâu. Chị ấy luôn tìm cách vượt trội hơn em, chị cũng chưa bao giờ đối xử tốt với em cả, còn em thì luôn giúp đỡ chị ấy, em luôn đưa tiền khi chị không có. Mà thôi chúng ta hãy gác chuyện của mọi người lại đó, hôm nay em muốn mình thật là hạnh phúc.
Rastignac còn ở nhà bà Nucingen đến tận một giờ sáng. Trong khi chia tay với chàng một cách chứa chan tình đằm thắm, cái chia tay hứa hẹn bao buổi hoan lạc sau này, nàng nói với tình nhân giọng đượm buồn:
– Em sợ lắm, sợ đến mức trở nên mê tín, chàng hãy đặt cho những linh cảm của em một tên mà chàng thích nhất, em sợ phải trả giá cho hạnh phúc của mình bằng tai hoạ khủng khiếp nào đó.
– Thật trẻ con, Eugène nói.
– Ồ, tối nay em thật sự trẻ con, Delphine vừa cười vừa nói.
Eugène trở về nhà bà Vauquer với niềm tin chắc chắn là ngày mai sẽ rời khỏi đó, vì vậy anh bước đi trên đường và chìm đắm trong những giấc mơ đẹp mà những thanh niên trẻ thường có khi họ vẫn còn cảm thấy hương vị hạnh phúc trên môi.
– Có chuyện gì thế? Ông Goriot hỏi khi Rastignac đi ngang qua cửa.
– Vâng! Eugène trả lời, ngày mai con sẽ nói cho cụ nghe tất cả.
– Tất cả thật không? lão kêu lên. Bây giờ thì cậu hãy đi ngủ đi, ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu cuộc sống hạnh phúc của chúng ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.