Một mình ở châu Âu

Chương 03



Ngày hôm nay, tôi đối mặt lại với câu hỏi này, nhưng là trước “chị bề trên” trong nhà dòng của chị Mai. Chiều nay, khi gặp chị Mai, tôi lại hỏi chị không biết chị đã hỏi “chị bề trên” cho tôi chưa.

“Nếu chị bề trên đồng ý thì em sẽ quay lại Rome để đến sống thử trong nhà dòng,” tôi nói.

“Chị hỏi rồi,” Chị Mai cười. “Chị bề trên bảo sao cứ nói mà mãi không đưa cô ấy đến đây giới thiệu.”

Lúc ấy, chúng tôi đang đứng bên ngoài nhà ga Termini, tôi nói, “ Thế thì đi luôn bây giờ được không chị, để em xuống rửa mặt một chút trông cho tử tế đã.” Tôi chạy xuống tầng dưới để vào nhà vệ sinh. Nhưng tôi vội quá và có lẽ là mừng quá nên đã chạy nhầm và toilet nam mà không biết. Trong lúc trang điểm, tôi nhìn vào gương và nhận thấy những người đàn ông đi ngang phía sau tôi cứ nhìn tôi chằm chằm. Đến lúc, những cái nhìn xoáy quá, tôi quay lại nhìn họ và nhận ra mình đang ở trong nhà vệ sinh nam. Tôi vội vàng ôm túi đồ trang điểm chạy ra khỏi phòng.

Nhà dòng của chị Mai ở trong một con phố rất hẹp cạnh khu Piazza Navona. Không có cổng vào, không có tường cao, không có hàng rào, không có thánh giá hay bất cứ dấu hiệu nào bên ngoài cho thấy đây là một nhà dòng. Đó chỉ là một căn nhà hai tầng sơn màu vàng mang kiến trúc Phục Hưng như những căn nhà bên cạnh. Chúng tôi đi qua một cái cửa nhỏ, rồi chị Mai dẫn tôi sang một căn phòng giống như một cái am, ở đó có một bàn thờ Chúa và Đức Mẹ Maria rất đơn giản. Chị bỏ dép, quỳ xuống làm dấu thánh – tuy chỉ trong vài giây nhưng các cử động đều tập trung, tự nhiên, và nối nhau mềm mại như một thứ bản năng thường hằng, tôi cũng vội vàng bỏ dép, quỳ xuống sau chị, và cũng bất giác làm dấu thánh mặc dù ngay trong lúc đang làm dấu, trí óc lập tức đánh động tôi rằng cái dấu thánh của tôi hoàn toàn trống rỗng về nghĩa (và ở đây thì có một phần khác lại lặng im ghi nhận rằng cái phản xạ làm dấu đầu tiên, trước khi trí óc tôi can thiệp, là một phản xạ tự nhiên để đáp lại một điều gì đó tự nhiên mà gọi bằng tên không gì quan trọng). Rồi chị đứng dậy, nói với tôi rằng mỗi lần đi ra ngoài hay đi về, mọi người trong nhà dòng đều phải chào Chúa trước.

“Giống như con cái khi ra ngoài nhà hay đi về đều phải chào bố mẹ mình,” chị nhẹ nhàng nói.

Chào Chúa xong, chị Mai dẫn tôi đi qua một cái cửa ngách để vào bếp – chị giải thích rằng phải đi qua bếp mới lên được nhà trên, nơi mọi người sinh hoạt. Vừa bước vào bếp, tôi đã nghe tiếng cười lớn và sau tiếng cười là bốn phụ nữ da đen to lớn, đầu vấn khăn, mặc váy hoa rộng kiểu châu Phi, đang lau dọn những cái bồn rửa bát to như những bể nước ở giữa phòng (họ lập tức gợi tôi nhớ đến những bộ phim từ thời những năm 1980 như Nô tì Isaura). Chị Mai nói với họ rằng tôi là người nhà của chị từ Việt Nam sang (họ nói với nhau bằng tiếng Pháp), rồi giới thiệu với tôi lần lượt cả bốn người: hai chị từ châu Phi, một chị từ Úc và một từ Haiti. Mỗi lần chị Mai giới thiẹu đến ai, người đó lại tiến tới hôn tôi vào hai bên má.

“Bonjour. Enchanté!” các chị cười hiền hậu.

“Bonjour,” tôi luống cuống đáp lại vì còn bất ngờ với những cái hôn. “Enchanté!”

Các chị lúc đó chưa biết tôi không nói tiếng Pháp nên hỏi tôi “Comment ca va [8]?” và nhiều câu khác, tôi trả lời rằng tôi “très bien [9]” và tôi “non parle Francaise [10]”. Vậy là họ chỉ mỉm cười rất trìu mến, mắt ai cũng lấp lánh niềm vui. Tôi nhìn thấy trên bàn cạnh đó hai thùng đựng sâm banh nên nói:

“Ah, champane… Beaucoup de champagne. Champage no good for sisters [11].”

[8] Em khỏe không?

[9] Rất khỏe.

[10] Không biết nói tiếng Pháp.

[11] A, sâm banh… Nhiều sâm banh quá. Sâm banh không tốt cho các bà sơ đâu.

Các chị phá lên cười, rồi giải thích với tôi qua chị Mai rằng “non non”, sâm banh này không phải cho các sisters, sâm banh này là cho “restaurant”. Họ đang chuẩn bị mở một cửa hàng nấu món ăn Pháp để có thêm thu nhập cho nhà dòng. Một chị nói gì đó với chị Mai và chỉ lên nhà trên, ra ý rằng chị bề trên đang ở trên đó.

Tôi theo chị Mai đi qua một cầu thang gỗ lên nhà trên. Ngang qua một căn phòng nhỏ, tôi nhận thêm vài chục cái “bious” vào má từ khoảng chục sơ mặc đồng phục trắng đen, đang ngồi trong phòng nói chuyện rất vui vẻ với một đức cha vừa từ Pháp sang. Họ cười rất nhiều và đều lần lượt đứng lên hôn tôi vào hai má khi chị Mai giới thiệu – kể cả người ngồi xa nhất trong phòng và phải đi vòng qua người khác để ra cửa hôn tôi. Ở phòng lớn bên cạnh – mà chị Mai giải thích là phòng ăn và phòng họp của nhà dòng – tôi gặp chị bề trên.

Chị bề trên là một phụ nữ da đen gốc châu Phi và nói tiếng Anh với giọng của người châu Phi. Trông chị nghiêm nghị hơn những người còn lại trong nhà. Chị mời tôi ngồi, lấy nước cho tôi, rồi hỏi:

“Em muốn tới nhà dòng để làm gì?”

“Em muốn tìm hiểu về đời sống ở nhà dòng.”

“Tại sao em muốn tìm hiểu? Tìm hiểu cái gì?”

Cố gắng tỏ ra tự tin thật vô ích và ngớ ngẩn.

“Em cũng không biết chắc,” tôi cố tìm cách sắp xếp các ý nghĩ của mình cho các trật tự logic, mặc dù tôi cũng lập tức hiểu rằng các ý muốn tạo logic cho câu trả lời của mình có lẽ là vô nghĩa, nhưng dù sao tôi cũng sẽ cố. “Em muốn đến đây sống cùng các chị trước hết để quan sát xem các chị sinh hoạt như thế nào. Là người bên ngoài, bản thân em và nhiều người em biết ở Việt Nam nghĩ rằng đời sống ở nhà dòng rất khổ hạnh, khắc nghiệt, nhưng em thấy mọi người ở đây và em thấy chị Mai chẳng hạn, rất vui vẻ thanh thản. Em muốn tìm hiểu điều đó.”

“Điều đó là điều gì?”

“Sự thanh thản, niềm vui sống.”

“Để giải thích với mọi người à?”

“Có thể. Nhưng trước hết là để cho em hiểu. Em nghĩ ai cũng muốn sống thanh thản, ai cũng muốn tìm điều đó, bản thân em cũng tìm, cho nên khi thấy có người có thể đã tìm được thì em muốn tìm hiểu. Sau đó thì có thể là em sẽ viết cái gì đó, ví dụ như một bài báo, để cho mọi người có cái nhìn đúng hơn về các nhà dòng và người đi tu.”

“Nhưng nhà dòng và người theo đạo không cần thanh minh với ai cả,” chị mỉm cười.

“Không phải là thanh minh, nhưng để cho xã hội có một cái nhìn chính xác hơn thì cũng tốt phải không ạ? Vả lại, cơ bản là cho em, em muốn tìm hiểu.”

“Chính xác là hiểu cái gì?”

“Hiểu vì sao mọi người đi tu, hiểu xem lựa chọn ấy là như thế nào?”

“Mọi người vào nhà dòng là do ơn gọi của Chúa em ạ,” chị nói. “Em có cảm thấy được gọi không?”

Có chứ, tôi nghĩ, có trước hết là sự tò mò gọi tôi; tò mò theo nghĩa cơ bản nhất và lành nhất. Và cả cái gì đó tôi không gọi tên được nhưng nhận biết trong tim tôi, nó là cái mà bao năm qua đã luôn dẫn đường và thầm mách tôi câu trả lời vào những lúc tôi đứng ở ngã ba đường. Tôi cố gắng trình bày những ý nghĩ của mình trong khoảng thời gian năm phút.

“Chị rất thông cảm với ý muốn tìm hiểu của em,” chị bề trên cười sau khi lắng nghe tôi một lúc. “Nhưng chị sợ là không đồng ý cho em vào được vì như vậy là trái với quy định của nhà dòng. Nếu chị đồng ý cho em vào, chị sẽ phải đồng ý cho người khác, và như thế có thể xáo trộn đời sống của các chị em ở đây. Khi nào em có ơn gọi, chắc chắn em sẽ đến. Khi đó, nhà thờ sẽ rộng cửa đón em.”

Tôi đã đoán trước được câu trả lời này. Thực sự, nếu như là chị, tôi cũng sẽ không cho tôi đến. Tôi nói không sao đâu, chỉ cần đến đây một tiếng vừa rồi là em cũng đã biết thêm một số thứ rồi.

Trên đường trở lại nhà ga cùng chị Mai, tôi không nhịn được lại hỏi:

“Chị Mai ơi, chị đã yêu ai bao giờ chưa?”

Chị cười:

“Mình chưa. Mình vào nhà dòng từ năm mười sáu tuổi mà.”

Trời ơi, phí quá, lẽ ra một hoặc nhiều người đàn ông đã có thể có cái hạnh phúc được yêu chị Mai hoặc được chị Mai yêu.

“Em mà là con trai, nhất định em phải quyến rũ chị mới được,” tôi nói.

Chị lại cười và nói với tôi rằng các chị trong nhà dòng đều cảnh báo với chị thế nào cũng có ngày chị phải đối mặt với thử thách này và nó sẽ là một thử thách rất khó vượt qua. Các chị trong nhà dòng đều đã trải qua thử thách đó; một số người đã không vượt qua và bỏ nhà dòng ra ngoài. Những người còn lại ở trong nhà dòng hiện giờ thì, nếu họ đã vượt qua thử thách yêu đương, họ sẽ đeo một cái nhẫn cưới ở ngón áp út, để chứng tỏ rằng họ đã kết hôn với Chúa Jesus, còn những cô gái trẻ như chị Mai thì sẽ đeo nhẫn đính hôn, để nói rằng họ đã được đính hôn, được hứa gả cho Chúa Jesus, nhưng có kết hôn hay không còn tùy thuộc vào việc họ có vượt qua được thử thách khi họ phải lòng một người đàn ông và sẽ phải chọn giữa Chúa và con người.

“Thế thì chị đã đến nơi lý tưởng cho thử thách này rồi.” Tôi nói “Đàn ông Rome rất đẹp trai và có biệt tài tán tỉnh. Chắc chắn là chị sẽ sớm được thử thách.”

“Chị cũng mong như vậy. Chị mong sớm được thử thách để có trưởng thành hơn trong Chúa.”

Tôi bật cười. Ôi chị Mai ơi, có lẽ không nên mong được thử thách bằng tình yêu với một người đàn ông trong lúc đã được hứa hẹn hoặc kết hôn với một người khác. Thử thách ấy không phải là một thứ nên được mong chờ đâu. Nó có khả năng hủy hoại chị theo những cách không thể tưởng tượng được; đã có quá nhiều người rơi vào cái vết xe đổ ấy. Như trong Kinh Cựu ước, Adam đã nghe con rắn và Eva mà ăn quả táo cấm, và mở mắt, và biết mình đang trần truồng, và lần đầu biết thế nào là xấu hổ, và Adam đã phải ra khỏi thiên đường.

“Nhưng như thế tức là tình yêu với Chúa của mình không đủ mạnh rồi,” chị Mai nói. “Và như thế thì mình ra khỏi nhà dòng là đúng. Các chị trong nhà dòng đều cảnh báo mình rằng sẽ rất khó, nhưng mình mong là lúc đó, mình sẽ đủ tình yêu với Chúa để chọn Chúa.”

“Chọn” – chính là cái từ này. Tất cả khó khăn của cuộc sống chúng ta, dù là khó khăn thật hay ảo tưởng, hẳn đều nằm ở cái từ này. Làm sao để biết mình chọn đúng? Làm sao biết lựa chọn của mình tối ưu? Làm sao để biết lựa chọn của mình có nghĩa khi mà thông tin và thời gian luôn luôn hữu hạn?

– Chị có bao giờ tiếc không? Tiếc là chị đã theo đạo? Chị không được ra ngoài, đi chơi, đi du lịch như em, rồi lấy chồng, có con, rồi làm việc này việc khác… sống điên rồ, tự do một tí chẳng hạn. Lấy chồng, có gia đình cũng vui.

– Không, mình chưa bao giờ tiếc cả. Mình cảm thấy lời gọi của Chúa với mình rất rõ ràng. Khó giải thích lắm nhưng mà mình muốn cuộc sống này hơn bất kì thứ gì khác. Mình chưa bao giờ tiếc.

Bên ngoài cửa sổ xe buýt, Rome bắt đầu lác đác ánh đèn. Thành phố đầy những người hối hả tìm cách vượt qua đám tắc đường để tới một cái đích nào đó: một buổi hẹn với người yêu, về nhà với chồng con sau giờ làm, trốn vợ đi vụng trộm với bồ, hoặc tới lớp học đêm sau tám tiếng làm ngày… Chúng tôi quặt qua một con phố và tôi nhìn thấy ngay giữa khúc giao của hai con đường đầy ô tô và các cửa hàng thời trang Ý hào nhoáng là một khoảng tường thành hõm xuống, nham nhở gạch, cỏ dại phủ kín chân tường và mèo hoang dàn hàng chờ đêm trên các bờ tường. Đây là tàn tích của nền văn minh La Mã đã bị phá hủy, một thời hoàng kim chỉ còn là quá khứ. Tôi cầu mong chị Mai sẽ mãi giữ được cái chị đang có ngày hôm nay dù rằng cái dấu tích La Mã cổ đang nằm như một vết thương không thể kín miệng giữa đường phố Rome hào nhoáng nói với tôi rằng không có bất cứ thứ gì trên đời là vĩnh viễn không đổi thay.

Chị Mai dĩ nhiên sẽ nói: “Việt, không có gì trên đời không thay đổi, ngoài Chúa.”

Tôi suýt không gặp được chị Mai trước khi rời Rome.

Chúng tôi đã hẹn gặp để chào nhau nhưng do hiểu nhầm, tôi đợi chị ở bên ngoài bảo tàng Vatican còn chị thì đợi tôi ở đền Pantheon. Chờ một lúc không thấy chị và cũng không có điện thoại để gọi, tôi về khách sạn, check out và ra nhà ga Termini đợi đến giờ ra sân bay. Tôi không quên gọi điện đến nhà dòng để nhắn lại lời chào tạm biệt. Trong lúc đó, chị chờ tôi hai tiếng ngoài Pantheon, rồi đi về nhà, nhận được tin nhắn lại vội vàng trở lại nhà ga. Khi tôi nhìn thấy chị đi lẫn trong dòng người tấp nập của nhà ga, vẫn giản dị trong một bộ váy hoa bằng vải thô, khuôn mặt hơi lo lắng nhưng bình an, một niềm vui ào ạt nhấn chìm tôi.

“Chị Mai! Chị Mai!” Tôi kêu to.

Chị quay đầu, nhìn thấy tôi và, trái với sự khoan thai thường ngày, chạy sà lại chỗ tôi đang ngồi. Hai chị em ôm chầm lấy nhau cười như thể chúng tôi đã thân với nhau lâu lắm chứ không phải mới gặp nhau cách đây mấy hôm. Ôi, chị Mai! Đây là một con người mà tôi sẽ dùng từ “đẹp” để mô tả. Chị Mai là một người đẹp; một tâm hồn như một dòng nước suối mà người ta muốn ở gần. Tôi yêu quý chị quá thể.

Bên ngoài đường tàu của nhà ga Roma Termini, tôi “bisous” chị vào hai bên má. Sau đó, tàu bắt đầu chuyển bánh. Chị vẫn đứng trên sân ga, nhỏ bé, mảnh mai, tay vẫy và cười với tôi – nụ cười trên miệng và cả trong đôi mắt sáng, trong, hiền mà tôi rất hiếm thấy ở những người khác.

Và đấy là hình ảnh cuối cùng tôi mang về từ Rome.

Rostock, ngày…

Suốt mấy ngày vừa rồi, tôi đã trở lại Đức dự lễ nhập học của cháu tôi. Ở Đức, lễ vào lớp một là dịp trọng đại ngang với lễ tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học ở Mỹ.

Từ sáng, chúng tôi đã dậy chuẩn bị. Tất cả đàn ông đều mặc com-lê, kể cả bé Andy hai tuổi. Tôi đã lo lắng chúng tôi ăn mặc quá trịnh trọng nhưng khi tới trường của Nam, nỗi lo của tôi tan biến vì các gia đình khác và lũ trẻ đều mặc lễ phục cả. Đứa trẻ nào cũng được tháp tùng bởi ông bà nội ngoại, bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị em họ… Họ mang theo hoa, bóng bay chúc mừng, máy quay phim, máy chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc trọng đại này.

Phụ huynh và học sinh tập trung trong nhà thể thao của trường. Ở đó, các giáo viên và học sinh các lớp lớn hơn đã trang trí rất nhiều băng rôn, biểu ngữ chào mừng các em lớp một. Học sinh trật tự xếp hàng theo lớp; phụ huynh ngồi ở các hàng ghế xung quanh. Ở chỗ này tôi phải mở ngoặc nói rằng trẻ con Đức, từ những em bé một, hai tuổi đã có ý thức kỷ luật và tự lập một cách kinh ngạc; không hề có cảnh trẻ con khóc lóc, bám bố mẹ; không có cảnh bố mẹ dỗ dành, quát nạt, bú mớm, cho con ăn uống, tay xách nách mang. Một cô giáo hình như là cô hiệu phó đứng phía trên cầm micro hướng dẫn các em ngồi vào chỗ của mình, và học sinh cứ thế răm rắp làm theo, không hề có chen lấn, xô đẩy.

Đúng giờ, lễ nhập học bắt đầu. Các em học sinh lớp ba hát một vài bài hát và đóng một vở kịch ngắn; sau đó, cô hiệu trưởng đọc lời chào mừng các học sinh lớp một; rồi giáo viên chủ nhiệm của mỗi lớp một mới đọc tên từng học sinh để các em đi vào các lớp. Cô giáo gọi đến tên ai, em đó đứng lên, và gia đình vỗ tay, chụp ảnh rồi đi vào lớp rất trật tự. Điều mà tôi nghĩ đến nhiều nhất khi chứng kiến toàn bộ buổi lễ này là “sự tôn trọng”. Trẻ em ở đây được tôn trọng như những cá thể độc lập và có ý thức; cho nên chúng được đối xử trên tinh thần như thế; và chúng cư xử lại cũng với tinh thần như thế. Không có sự bao bọc, nuông chiều, cung phụng, hoặc hách dịch với trẻ em.

Chúng tôi theo Nam vào lớp. Trong lớp, cô chủ nhiệm nói thêm vài lời chúc và dặn dò; rồi các em được về – để các gia đình có thể tổ chức tiệc nhập học ở nhà. Buổi lễ rất đơn giản nhưng sang trọng. Sau lễ, chúng tôi đi tới một nhà hàng để ăn trưa, rồi lên tàu đi ra một hòn đảo cách đó ba mươi phút. Ở đó có bãi biển và bọn trẻ con được xuống tắm. Hầu hết các bố mẹ ngồi hoặc sưởi nắng ở bên trên, mặc bọn trẻ muốn làm gì thì làm. Có những đứa bé chỉ lẫm chẫm đi, hoặc còn đang bò nhưng bố mẹ chúng mặc kệ cho chúng bò xuống mép nước hoặc nghịch cát. Họ chỉ im lặng quan sát và theo dõi từ xa chứ không kè kè bên cạnh, cũng không ngăn cản, đe dọa, khuyên bảo, dỗ dành. Tôi quan sát một em bé còn đeo tã lẫm chẫm đi ra mép nước, ngồi xuống sờ tay vào nước và hét lên thích thú, rồi bị một cơn sóng đánh ngã ra nhưng bố mẹ em chỉ chăm chú theo dõi mà không chạy tới giúp. Em bé lồm cồm bò dậy, tự động lùi lại rồi tiếp tục sục tay xuống nước để vầy. Ở ngoài xa hơn một chút, những đứa bé ba, bốn tuổi; và xa hơn là bọn trẻ mười – mười lăm tuổi túm tụm chơi đùa. Chúng có thể cãi nhau và đánh nhau, và phải tự giải quyết lấy; người lớn sẽ không can thiệp ngay cả khi trẻ con quay về “mách”.

“Việc của con, con tự giải quyết” tôi nghe thấy một ông bố nói với đứa con khoảng sáu tuổi của mình; trong lúc đó, người mẹ nằm sưởi nắng đọc sách.

Tôi nằm trên cát, cạnh những bụi sậy úa vàng dưới nắng hè xem bọn trẻ đùa trên bãi biển và kinh ngạc vì cái cách mà người Đức dạy con. Họ kỷ luật và lý tính còn hơn người Mỹ. Được nuôi lớn lên trong sự bình tĩnh và kỷ luật tự nhiên như thế này, hy vọng những đứa trẻ sẽ có cơ hội giữ được bình tĩnh và kỷ luật trước những biến động và cám dỗ của cuộc sống người lớn sau này.

Đây có lẽ là điều tôi yêu nhất ở Sơn. Anh không bị cám dỗ bởi tiền bạc; không coi việc phải có nhà cửa ổn định, công việc ổn định, thăng tiến trong xã hội là mục đích sống – và tôi đồng ý với điều đó.

Nhưng anh lại cũng không thông cảm và kiên nhẫn được với những người yếu đuối hơn anh. Có phải ai sinh ra cũng đã may mắn có được sự mạnh mẽ đâu, ngay cả khi họ cố hết sức.

Biển Baltic, ngày…

Những ngày này, tôi đã hoàn toàn mất cảm giác về thời gian. Tôi không còn nhớ hôm nay là thứ Hai, thứ Ba hay thứ Tư. Ngay cả cảm giác về những nơi chốn cũng trở nên nhạt nhòa; những địa danh chỉ giống như những hình ảnh nhòe trong một cuộn phim chụp hỏng.

Hôm trước, ở nhà ga trung tâm khổng lồ của Berlin, nhìn những tàu con thoi tốc độ chạy xuyên quốc gia và tầng tầng bến tàu đổ đi các hướng, tôi còn có cảm giác như mình lạc vào một bộ phim khoa học viễn tưởng và sẽ không ngạc nhiên nếu thấy những chiếc ô tô vun vút hạ từ trên trời xuống và Skywalker bước ra. Cũng ở Berlin, khi xuống khỏi bến tàu điện ở khu trung tâm, tôi tưởng như mình đang ở trên Đại lộ Michigan ở Chicago bởi vì kiến trúc của các tòa nhà vừa cửa hiệu ở đây giống hệt Magnificient Mile [12] của Chicago: cũng Chanel, H&M, Niketown, Salvatore Ferragamo, McDonald, và cả Dunkin Donuts. Nhưng chỉ đi ngược một đoạn ra tàn tích của bức tường Berlin, trả mấy euro để chụp một tấm ảnh lưu niệm với hai người mặc đồng phục Hồng quân Liên Xô và Đức Quốc xã, tôi lại tưởng như mình đang sống trong Thế Chiến II hay Chiến tranh Lạnh. Hay hôm nay, ở Copenhagen, khi bước trên những đường phố nhỏ gần nhà An-đéc-xen, tôi ngỡ có thể thấy ông từ đâu đó đi ngược lại phía tôi, cao, gầy, đầu đội mũ, tay chống một chiếc ba toong đen.

[12] Đoạn phố Chicago trong khu trung tâm, toàn các cửa hàng hào nhoáng.

Copenhagen nhỏ, hiền hòa. Xe đạp ở khắp nơi. Những ngôi nhà và những con đường đầy cây, gợi cảm giác chúng đã ở đó từ thế kỉ XIV, XV, và sẽ vẫn ở đó rất lâu, ngay cả khi phần còn lại của thế giới được số hóa và ảo hóa. Ngay cả khu bến tàu bận rộn nhất của thành phố cũng có một vẻ hiền hòa, nhàn tản, khiến cho tôi nghĩ đến những cảng cá luôn thổi một thứ “gió sầu phương Bắc” ru thành phố ngủ mà An-đéc-xen đã nhắc đến.

Copenhagen thực sự rất chậm và có thể làm nản lòng những người muốn tìm kiếm giải trí. Đây là một thành phố hoặc sẽ bị coi là nhạt nhòa và điển hình của sự già cỗi châu Âu hoặc một thành phố dường như đang điềm tĩnh cưỡng lại sự toàn cầu hóa bằng một ý thức sâu sắc về sự trụy lạc và tự diệt vong trá hình dưới cái vỏ “hiện đại hóa”. Copenhagen vẫn còn đầy bóng dáng của sự cổ điển.

Ở Copenhagen cũng như ở Berlin, ở Rome những ngày này, cảm giác nổi trội nhất trong tôi chỉ là cảm giác về sự di chuyển: tôi chỉ đang trôi từ nơi này tới nơi khác trong một thế giới đã hóa lỏng.

Nhưng vào lúc hoàng hôn ngày hôm nay, khi vượt qua biển Baltic trên chiếc tàu phà khổng lồ Seandlines để trở lại Rostock từ Copenhagen, nhìn những con sóng bị mũi tàu đánh tơi thành những đám bọt trắng trong lúc con tàu tiến nhanh về phía Nam, ngay cả cảm giác di chuyển cũng dừng lại. Tất cả những gì tôi cảm thấy chỉ là một sự bình yên được bỏ neo sâu và chắc chắn bên trong – ở nơi nào thì tôi không biết. Cái khối bình thản ấy không chứa trong nó bất cứ ý nghĩ cụ thể nào nhưng nó làm nước mắt tôi dâng lên. Tôi cứ đứng ngoài boong tàu ngắm mặt trời lặn trong lúc mọi người đã vào cả trong khoang để tránh gió.

8:00: Mặt trời đang xuống nhanh. Ánh nắng chỉ còn có ở góc xa của mặt biển, hắt chéo lên những cột buồm cao của những con tàu lớn đứng rải rác trên mặt nước. Mặt biển chìm trong bóng râm. Nước có một màu thép non hiền lành ở bên trên nhưng hứa hẹn những vực tối bên dưới.

8:03: Mặt trời chuẩn bị chạm vào mặt nước. Trông như một quả cầu lửa chuẩn bị được nhúng xuống một chảo nước khổng lồ.

8:09: Một nửa mặt trời đã chìm xuống nước và đang chìm rất nhanh.

8:11: Khoảng 4/5 mặt trời đã biến mất.

8:12: Tất cả quả cầu đã biến mất. Chỉ còn một quầng sáng màu lửa dội lại từ chỗ mặt trời lặn xuống. Mặt biển đã chuyển sang màu xám thẫm, có lẫn màu xanh đen.

Hôm kia, tôi cũng đã nhìn thấy một hoàng hôn tương tự bên bờ biển Rostock. Lúc ấy, chúng tôi đã từ lễ nhập học về và vào ăn tối ở một nhà hàng Việt Nam. Tôi ăn xong trước mọi người nên ra ngoài đi dạo bên bờ nước. Mặt trời lúc đó đã lặn nhưng mặt nước ở phía xa vẫn có màu lửa tối trong khi ở phía này đã chuyển màu xanh đen.Những cây sậy ở mép nước chỉ còn là những bóng đen phơ phất trên nền trời và từ chỗ tôi ngồi, tất cả khung cảnh này làm tôi nghĩ tới những bức tranh của Monet.Tôi đang ngồi trên một cái trụ gỗ thấp mà người ta dùng để buộc thuyền vào bến. Một còn vịt trời bay ngang qua mặt nước, cánh của nó chạm khẽ vào chỗ này, chỗ kia, tạo nên những vòng sóng tròn nhỏ trên mặt nước hoàn toàn tĩnh lặng. Dọc vỉa hè, rất nhiều người ngồi yên ngắm mặt trời lặn. Một người đàn ông, chắc cũng là khách du lịch, hỏi tôi:

“Cô từ đâu tới?”

“Chiacago,” tôi đáp.

Tôi nói xong thì mới nghĩ ra câu trả lời thực ra không chính xác.Tôi đang sống ở New Hampshire chứ không phải Chicago; thực tế từ mấy năm nay tôi đã không sống ở Chicago thường xuyên. Nhưng tại sao, khi nghĩ đến “nhà”, tôi vẫn cứ nghĩ đến Chicago. Có thể là vì những ngày ở Chicago là khoảng thời gian chỉ có đọc, lên lớp, viết, và đắm chìm trong thế giới tri thức và vì thế mà tôi thường trực có cảm giác “neo đậu”. Hay vì đấy là nơi cuối cùng mà tôi sống cuộc sống độc thân, trước khi tôi hiểu ra rằng cái cô đơn có thể có trong quan hệ với người khác – nhất là với những người mà mình coi là quan trọng nhất trong cuộc đời mình – còn thấm thía hơn nhiều trạng thái một mình?

Con tàu lúc này đang tiến nhanh về bến và gió thổi lạnh hơn. Trên khoang tàu không còn bóng người nhưng tôi vẫn sẽ đứng đây để lấy cảm giác này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.