Một mình ở châu Âu

Chương 02



Đêm qua, trước khi đi ngủ, rồi đã nhủ thầm rằng sáng nay sẽ dậy trước 6 giờ để tới nhà thờ Santa Maria Maggiore xem người Rome xưng tội trong lễ sáng. Tuy nhiên, khi tôi mở được mắt, đồng hồ đã chỉ 7 giờ. Ngoài cửa sổ, bầu trời có màu xanh Địa Trung Hải ngăn ngắt, không mây. Một ngày nắng rực rỡ.

Hơn 8 giờ, chị Mai tới. Hôm qua, chị mặc áo trắng với váy đen; hôm nay áo hoa và váy hoa vải phin thô màu vàng nhạt nhưng kiểu dáng giống hệt hôm qua. Chị đi xăng đan da nâu và đội mũ vải mềm – gợi tôi nhớ đến những bức ảnh các thiếu nữ trường dòng Sài Gòn từ trước năm 1975. Chị nhìn tôi bằng đôi mắt nâu rất trong, mỉm cười:

“Hôm qua Việt ngủ có ngon không?”

Chị nói chậm; và sự chậm rãi, cộng với cái nhìn của chị đột nhiên gột khỏi tôi một cái gì đó. Có lẽ là sự đề phòng bản năng. Chị đã hỏi một câu đơn giản nhưng thật lòng.

“Em ngủ như chết.” – Tôi nói. Tôi đã ngủ như chết thật.

Chị Mai chỉ hơn tôi bốn tuổi, người gốc Huế. Chị vào nhà dòng từ năm mười sáu tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học. Chị đã sống nhiều năm ở Pháp rồi qua Rome từ bốn năm nay để học tiếp. Khi nào học xong trong trường dòng, chị sẽ ở lại đây và sống vĩnh viễn trong nhà dòng. Dòng tu mà chị theo gọi là dòng Nữ Công Truyền Giáo; những người theo dòng này không mặc trang phục nữ tu như các dòng khác (tức áo thụng với khăn trùm đầu) mà vẫn mặc quần áo bình thường vì họ muốn sống đạo giữa đời.

Sáng nay, trên tàu điện ngầm đi Vatican, tôi hỏi rất nhiều về cuộc sống trong nhà dòng của chị. Ví dụ như hằng ngày lịch hoạt động của chị như thế nào, chị lấy đâu ra tiền để sống; chị nói rằng nhà dòng chu cấp cho chị “mọi thứ”, chị không phải lo gì cả.

“Mọi thứ tức là,” tôi cố nghĩ ra cái gì đó thật riêng tư “em xin lỗi chị, kể cả quần áo lót và băng vệ sinh?”

“Ừ,” chị cười. “Bọn mình có một chị bề trên lo quản lý tất cả những thứ đó, khi nào hết thì chị phát cho.”

“Thế nếu chị muốn tiêu gì đó riêng thì sao?”

“Bọn mình không phải tiêu gì riêng hết,” chị lại cười từ “riêng” của tôi. “Bọn mình sống chung, hưởng chung, có gì cần thì trình bày với chị bề trên, chị sẽ cung cấp cho.”

“Nhưng mà… chị vẫn phải có những thứ cần dùng riêng chứ. Như hôm nay chị ra ngoài thì vé tàu điện ngầm chị lấy tiền ở đâu để mua? Nếu chị muốn ăn kem hay uống nước bên ngoài thì sao?”

“À, cũng được lo hết rồi; mình trình bày với chị bề trên và chị đưa vé cho mình. Mỗi tháng, mình được 15 euro để chi các khoản riêng như Việt nói. Nhưng bọn mình không có đi ra ngoài nhiều như người thường, hôm nay mình ra gặp Việt thì mình trình bày với chị bề trên là em xin phép ra ngoài gặp gia đình từ Việt Nam sang.”

Chị cho tôi biết chị sống cùng với một sơ người châu Phi nữa trong một căn phòng nhỏ. Tôi không nhịn được tò mò nên cứ căn vặn chị mô tả tỉ mỉ cho tôi xem phòng đó trông thế nào, diện tích bao nhiêu mét vuông, đồ đạc chính xác có những gì, giường có đệm không, có toilet riêng không, có ti vi, radio, máy tính không, có Internet không, vân vân… Chị cười, kiên nhẫn trả lời tôi rằng phòng của chị khoảng 12 mét vuông, trong phòng có vài cái ghế gỗ, hai cái bàn, không có tivi với radio, Internet thì có ở một cái máy tính chung cho mọi người và chỉ dùng vào cuối tuần. Chị và sơ cùng phòng mỗi người có một giường ngủ đơn chứ không có phòng ngủ riêng và quanh giường của mình thì “mình cũng có thể trang trí tùy theo sở thích”.

“Thế sở thích của chị là gì?”

“Mình chỉ muốn phụng sự Chúa thôi!” Chị Mai cười ngất trước sự háo hức của tôi.

“Thế chị trang trí quanh giường thế nào? Các bạn của chị trang trí như thế nào?” (Tôi cứ hình dung các phòng ký túc xá của sinh viên ở Việt Nam với những cái giường cá nhân quây ri đô, và những bức tường dán đầy ảnh Brad Pitt.)

“Mình thì không trang trí gì cả; chỉ có ảnh Chúa,” chị Mai cười. “Các chị em khác cũng thế. Có người thì có ảnh gia đình, có người thì không.”

Tôi càng tò mò không biết sống trong nhà dòng thì thế nào.

“Chị Mai ơi, cho em vào sống với chị mấy ngày được không?”

Chị Mai ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi chị nói nếu tôi nghiêm túc thì chị sẽ trình với “chị bề trên” xem thế nào.

Tôi nghiêm túc chứ. Cách đây hơn mười năm, tôi từng vô cùng dị ứng với đạo Thiên Chúa khi Quang Anh, người bạn thân của tôi lúc đó, quyết định theo đạo. Tôi từng nghe rằng tôn giáo “là thuốc phiện của đám đông”, chỉ dành cho những người yếu đuối, không làm chủ được cuộc sống của mình nên phải trông vào một đấng siêu nhiên. Khi thấy Quang Anh đổi từ “lương” sang “đạo” vào năm thứ hai ở đại học, tôi bắt đầu đi nhà thờ theo bạn, thậm chí còn đến các lớp học Kinh Thánh do một nhà truyền giáo Tin Lành người Mỹ dạy trong hai năm. Nhưng sự thật là trong suốt những năm ấy, cái duy nhất mà tôi thích trong đạo Tin Lành chỉ là những buổi thánh ca miễn phí ở nhà thờ. Tôi không sao có thể tin Chúa.

Thế thì những người tin Chúa là như thế nào? Cái gì làm cho tôi không thể tin mà họ lại tin? Tôi chắc chắn người Mỹ không phải “những người yếu đuối, không làm chủ được cuộc sống của mình”; tại sao đa phần người Mỹ tin Chúa? Mà thực tế là hơn hai tỷ người trên thế giới này đang tin Chúa. Hơn thế, nếu chỉ lựa chọn tin Chúa nhưng vẫn sống cuộc sống thế tục thì không sao, nhưng còn những người vào nhà dòng để toàn tâm toàn ý phụng sự Chúa? Cái đức tin ấy của họ là thế nào, cái đời sống ấy là thế nào? Không ít người cho rằng những người tu hành sống đời khổ hạnh, thậm chí hành xác, không có tự do. Nhưng nhìn chị Mai, tôi không thấy bóng dáng khổ hạnh, cũng không có bóng dáng sự tù túng. Trên mặt chị ít khổ đau hơn hầu hết những người “vô thần”, “tự do” mà tôi gặp.

Một bà sơ trên đường phố Rome.

Sáng nay, chúng tôi định sẽ tới bảo tàng Vatican trước. Lúc 9 giờ sáng, bên ngoài bảo tàng đã có một hàng người dài khoảng hai trăm mét, vắt từ cổng qua hai khúc quanh của con đường. Họ nhích chậm chạp dưới cái nắng ngày càng gay gắt. Những người đứng xung quanh tôi – đa phần là khách du lịch da trắng – vừa liên tục uống nước, vừa thở nặng nề và lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trên cổ. Nhìn tốc độ di chuyển của dòng người, chúng tôi quyết định bỏ cuộc để đi sang nhà thờ Thánh Peter.

Nhà thờ Thánh Peter là một trong những điểm du lịch chính của Vatican và cũng là nơi công chúng được vào tự do, những nơi khác đều có những người lính Thụy Sĩ mặc đồng phục vàng, xanh, đỏ, đeo súng đứng gác. Trên đường từ bảo tàng Vatican sang nhà thờ, tôi nhìn thấy nhiều linh mục mặc áo thụng đen và các bà sơ mặc áo thụng xanh nhạt nghiêm trang đi ra đi vào các cánh cổng có lính gác. Họ băng qua đường, chậm rãi bước trên các vỉa hè lát đá, khuôn mặt không thuộc về thế giới này và không hề quan tâm tới những dòng xe cộ đông đúc. Đây hẳn là một cảnh bình thường với Rome và với chị Mai nhưng tôi phải đứng lại nhìn. Có cái gì đó siêu thực trong chuyển động của những khuôn mặt bình thản ấy giữa phố phường Rome ngập người và xe.

Quảng trường Thánh Peter là một không gian đồ sộ. Tôi chưa từng thấy một quảng trường nào đồ sộ như vậy. Cả quảng trường được bao bởi những hành lang vòng cung lớn với 248 cột đá khổng lồ, mỗi cột cao hai mươi mét, đường kính mấy người ôm, được dựng song song theo kiểu các hàng cột của đền Pantheon. Trên đỉnh các hành lang vòng cung là 140 bức tượng thánh trong các tư thế rất sinh động, đang đổ những bóng dài trên quảng trường ngập nắng.

Nhưng tôi thích quảng trường bên ngoài bao nhiêu thì lại không thích bên trong nhà thờ Thánh Peter bấy nhiêu, mặc dù, đây nữa, đây cũng là một công trình khổng lồ. Có quá nhiều thứ được “trưng bày” ở đây; bức tranh nào, bức tượng nào cũng đi kèm những dòng giới thiệu về kì tích có một không hai của nó, khiến cả basilica [6] như một bữa tiệc thánh tích ngồn ngộn mà chỉ nhìn đã phải bội thực. Nào là các thánh tích và hầm mộ của các Giáo hoàng; nào là tượng của Michelangelo; nào là tranh, bàn thờ của người nổi tiếng này người nổi tiếng khác. Tôi không thấy Chúa hay “đạo” ở đây. Cũng không thấy có sự thiêng liêng hay bình yên nào – ngay cả trong những phòng nguyện nhỏ hai bên nhà thờ cho các khách du lịch vào cầu nguyện.

[6] Basilica là nhà thờ kiểu lớn, xây kiểu hoàng cung La Mã.

Cái duy nhất có vẻ có tính đạo trong nhà thờ Thánh Peter là cảnh một nhóm khoảng hai mươi phụ nữ Hàn Quốc đứng xung quanh một cây thánh giá gỗ gắn trên một bức tường trần trụi hiếm hoi trong nhà thờ. Họ cùng vươn tay về cây thánh giá; những người không đứng gần cây thánh giá thì vươn tay chạm vào vai người đứng trước. Trông họ như những cái rễ mọc ra từ cây thánh giá trong lúc họ cúi đầu, lầm rầm cầu nguyện.

Ở nhà thờ thánh Peter ra, chúng tôi đi tới Spanish steps, qua quảng trường Republica, qua Piazza del Popolo (quảng trường Nhân dân); rồi đi qua các đường phố hẹp lát đá tới đài phun nước Trevi. Có đi bộ như vậy mới bắt đầu hình dung được Rome và cái tinh thần thần thánh của Rome. Ở Rome, nếu tính tỷ lệ, có lẽ đài phun nước, nhà thờ, và các quảng trường công cộng là ba dạng công trình có mật độ dày đặc nhất. Cứ đi vài phố lại thấy một đài phun nước giữa một quảng trường lớn hoặc nhỏ. Và nhà thờ thì hầu như góc phố nào cũng có. Hình như từ ban đầu, người La Mã hiểu rằng để có một xã hội tốt và một đời sống cao thì phải có một xã hội dân sự và người dân cần được thực hành quyền dân chủ của mình bên cạnh việc vui chơi giải trí. Họ hiểu rằng con người thực sự là một thực thể xã hội, bên cạnh việc là một thực thể sinh học và tâm linh. Một điều nữa cũng khiến tôi nghĩ: Rome thực sự rất nhỏ về diện tích và theo một số tài liệu tôi từng đọc thì người La Mã cổ đại chỉ có chiều cao trung bình khoảng một mét rưỡi, nhưng họ đã thiết kế tất cả các công trình công cộng với một sự phóng khoáng và vĩ đại cả về ý nghĩa và kích thước thực. Những quảng trường thênh thang, những nóc nhà cao, những hành lang đá lớn, những trụ tường cẩm thạch mấy người ôm, những tháp nhà thờ vươn thẳng lên trời, những bậc thềm, và những chạm trổ kỳ công… Mọi thứ đều phải cao rộng, hoành tráng, phải như thế giới của các vị thần, của Chúa trên thiên đàng. Con người quả là một bản sao của thế giới thần thánh; và nghiễm nhiên có thể là thần thánh.

Sau 3 giờ chiều, Rome tràn ngập người ngồi nhàn tản sưởi nắng ở các quảng trường – cả dân cư Rome và khách du lịch. Cũng khó mà có thể vội vã trong một ngày nắng đẹp như thế này, giữa một thành phố chậm rãi thế này. Trên phố, các tiệm kem đầy ắp người. Ngay cả những cảnh sát lực lưỡng, bảnh bao cũng vừa tán chuyện, vừa ngả ngốn trên những chiếc xe Vespa mà ăn kem thoải mái. Những người đàn ông đi bộ trên phố với một vẻ tự tin và trễ nải của những con báo ăn no đang đi dạo. Tôi thấy cả những ông già mặc com lê nghiêm chỉnh đủng đỉnh bước đi, vừa đi vừa liếm kem như một đứa trẻ. Các cô gái mặc đẹp chạy rông trên phố với mái tóc đen buông xõa; họ thoải mái phô bày cái cơ thể sexy như một quyền tự nhiên của con người.

Quanh đài phun nước Trevi, khách du lịch và người Rome la liệt nằm, ngồi, sưởi nắng; họ ở sát cạnh nhau mà không thấy chật chội. Ngay cạnh đó, tôi nhìn thấy một cánh cửa gỗ màu đen pha đỏ, trông rất cổ kính; tôi không rõ nó là cửa vào cái gì nhưng cứ liều đẩy thử rồi bước vào. Bên trong hóa ra là một nhà thờ nhỏ hoàn toàn tĩnh lặng. Nhà thờ chỉ có diện tích như một gian phòng nhỏ, tối, với một ban thờ Chúa ở chính giữa và một vài hàng ghế. Có ba người đang gục đầu yên lặng cầu nguyện trong khi chỉ cách vài bước chân là bao nhiêu khách du lịch và người Rome đang ngồi ăn kem sưởi nắng. Nhìn từ bên ngoài, không thể biết được đây là một nhà thờ – và có lẽ có tuổi đời cả ngàn. Không biết có bao nhiêu nhà thờ như thế này ở Rome – thật khó tưởng tượng rằng tôi đang ngồi ở một tàn tích có thể đã có từ thời Julius Caesar Cleopartra, Antony, khi mà đế chế La Mã trải rộng tới tận sông Nile.

Tối nay, đã chán ngán các loại pizza và mỳ ống, tôi ăn tối ở một nhà hàng Trung Quốc gần khách sạn. Bàn bên cạnh là một cặp vợ chồng châu Á và một cậu con trai nhỏ – có vẻ như cặp vợ chồng đã cãi nhau trước khi đi ăn tối nên họ không hề nói chuyện với nhau và cũng không nhìn nhau suốt bữa; cả hai chỉ nhìn vào cậu con trai. Người vợ có một vẻ mặt khiến cho tôi nghĩ tới cụm từ “bể khổ”. Hai mắt chị là hai cái hố khổ và khuôn mặt chị là một bản khắc sống của những năm tháng không vui; một khuôn mặt chỉ chực gục xuống khóc nếu quanh đây không có người. Chị có vẻ rất muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này nhưng không biết cách, có khi không biết lựa chọn đó liệu có tồn tại với chị. Giữa hai người ngồi đó là một khoảng trống chết chóc. Thật là một cảnh đau lòng giữa Rome – thành phố mà người ta hôn nhau ở khắp các góc phố và cúi xuống buộc giày cho nhau.

Tôi vừa ăn vừa liếc nhìn chị và tự hỏi, không biết chị đang nghĩ gì.

Khó lắm, tôi biết chứ.

Những ngày này, tôi chỉ ngủ từ hai đến năm tiếng mỗi ngày. Đã thế, ngày nào tôi cũng đi bộ liên tục, ăn ít, chỉ uống nước là nhiều. Vậy mà không thấy mệt.

Sáng nay, tôi mở mắt lúc 3 giờ sáng và đến 5 giờ đã ra khỏi nhà, xuống tàu điện tới bảo tàng Vatican. Tôi muốn đến sớm để xếp hàng mua vé và có thể vào được bảo tàng trước khi rời Rome.

Bên ngoài, trời còn tối và hơi lạnh. Những đường phố Rome yên tĩnh. Dưới bến tàu điện, chỉ có một vài người chờ tàu. Trông họ đều mệt mỏi và nhem nhuốc – điều rất khó thấy ở Rome. Họ chắc chắn không phải người Ý. Có vẻ như họ là dân nhập cư từ Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay một nước nào đó có màu da sẫm màu.

Lúc hơn 6 giờ 15, bên ngoài bảo tàng chưa hề có ai. Nhưng chỉ vài phút sau, một nhóm người Tây Ban Nha xuất hiện: một gia đình bốn người, gồm bố mẹ và hai người con có lẽ đang là học sinh cấp ba. Sau đó, một chiếc xe buýt dừng lại ở ngay chỗ chúng tôi và hai bà sơ chừng ngoài bốn mươi tuổi bước xuống, một mặc áo thụng trắng, một mặc áo thụng đen. Hôm trước, tôi hỏi chị Mai các màu áo có nghĩa là gì; có phải giống như là đai trắng, đai đen trong võ thuật không; chị Mai cười, bảo không phải, màu khác nhau là do các dòng tu khác nhau. Hai bà sơ đi tới chỗ tôi đứng; nhìn tấm biển báo giờ mở cửa; rồi có vẻ không chắc chắn lắm, họ hỏi tôi. Người mặc áo trắng nói tiếng Anh không sõi nhưng có thể hiểu được; vậy là chúng tôi bập bõm tán gẫu. Hóa ra, họ từ Philippines tới. Tôi nói rằng bảo tàng phải đến 8 giờ 30 mới mở cửa, nhưng người ta có thói quen đến từ sớm để xếp hàng. Sau khi nghe thông tin này và thấy mới chỉ có khoảng chục người đứng xếp hàng, hai bà sơ đi ra trước hai cánh cổng kín bằng gỗ của bảo tàng để chụp ảnh cho nhau. Họ giơ tay giơ chân làm điệu bộ, rồi trêu nhau gì đó và cười lăn lộn, đến mức phải ngồi xuống cho khỏi ngã. Trông họ giống như hai cô gái trẻ thân nhau đang đi shopping trong siêu thị chứ không phải hai nữ tu sĩ. Tôi quan sát họ và cũng thấy vui lây.

Trời buổi sớm có gió lạnh nên những người đứng đợi bắt đầu co ro. Chẳng mấy chốc, có mấy người phụ nữ mang rất nhiều khăn quàng và mũ len đến chào bán. Khăn mũ đủ các loại màu sắc, bằng lụa và len, giá từ 3 đến 5 euro. Họ bán những thứ này vì bảo tàng cấm những người mặc quần sooc và áo cộc tay vào bên trong, những người này phải mua khăn để trùm lên.

Đến 8 giờ 30, bảo tàng mở cửa. Phòng đầu tiên là các cổ vật và tượng thần trong Thần thoại Hy Lạp, hầu hết được làm từ trước hay ngay đầu Công nguyên. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi cần cả tuần mới có thể xem hết được bảo tàng này, mà tôi chỉ có buổi sáng nay. Vậy là tôi đành bỏ qua một loạt phòng để đi thẳng tới Nhà nguyện Sistine.

Đường đi tới đó không dễ. Phải đi lên đi xuống các cầu thang hẹp và xuyên qua các căn phòng đầy những bức tranh trần và tranh tường lớn, vẽ các tích tôn giáo. Một ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong đầu tôi: tại sao ở các nền văn minh đầu tiên của con người, đời sống nghệ thuật và tôn giáo – tâm linh được hòa trộn tự nhiên đến thế vào đời sống thế tục? Nghĩa là việc kính Chúa, thờ thần, việc coi con người như một hóa thân hoặc sự nối dài của thế giới thần linh là một việc tự nhiên; trong khi thế giới hiện đại của chúng ta dễ coi điều đó là biểu hiện của sự tăm tối và ngu dốt. Kết luận này có vẻ quá vội vàng và là một sản phẩm chính trị – xã hội nhiều hơn là sự thật. Con người hiện đại có lẽ đã quá tự mãn về quyền lực của mình và trong sự tự mãn đó đã cắt đứt mình khỏi một sợi dây nối với một cái gì đó cao cả, toàn thiện.

Phần chính của nhà nguyện Sistine là một căn phòng kiến trúc Phục hưng được xây dựng theo kích thước của đền thờ Solomon trong kinh Cựu ước – và lúc này đông nghẹt người. Tôi hầu như không thể di chuyển mà chỉ có thể thả lỏng cho mình được đẩy đi trong cái sóng người đều đang ngửa cổ nhìn lên trần nhà. Trên đó, trong vòng bốn năm từ 1508 đến 1512, Giáo hoàng Julius đệ nhị đã thuê Michelangelo vẽ chín bức bích họa để mô tả ba giai đoạn trong quan hệ của con người với Chúa trời: Chúa tạo ra thế giới, Chúa và con người, Loài người phản bội lại Chúa. Sau đó, từ năm 1537 đến năm 1541, Giáo hoàng lại thuê tiếp Michelangelo vẽ bức Sự phán xử cuối cùng (The Last Judgment) để tạo nên mắt xích cuối cùng cho tổng thể câu chuyện về loài người và Chúa.

Căn phòng lúc này rất tối vì toàn bộ cửa sổ đều bị đóng và do vậy khó mà nhìn rõ các họa tiết, nhất là trong tư thế ngửa đầu. Tuy thế, chỉ quy mô của những bức họa cũng có thể khiến người ta choáng ngợp. Tất cả những người trong phòng hẳn đều cũng có cảm giác này nên hầu như không ai nói gì, chỉ ngửa cổ nhìn, và thỉnh thoảng khẽ tặc lưỡi. Sự chiêm bái và ngả mũ này chỉ có một nửa với Chúa; nửa còn lại là với sức sáng tạo kinh khủng của Michelangelo. Ít nhất là tôi cảm thấy thế. Tôi không có gì để nói khi đứng đây. Tôi chỉ có thể im lặng và đồng tình với cái tuyên ngôn không lời của Michelangelo khi ông vẽ những bức fiasco này: hoặc là thế này, hoặc là không gì cả.

Nhưng thế này thực sự khó lắm. Những người cho rằng nó dễ là những người hoặc rất may mắn, hoặc không hề biết họ đang nói gì.

Tôi tới Rome làm gì? Câu hỏi này trở đi trở lại trong đầu tôi tối qua. Đa số những người tới Rome – mà phần nhiều là từ các nước phương Tây, hoặc các nước châu Á thân phương Tây như Nhật, Hàn Quốc, Singapore – đều ít nhiều có mục đích hành hương. Họ tới Rome để tới Vatican, để được gần Chúa hơn thông qua việc gần với Giáo hoàng hơn và gần với đất thánh hơn. Nói gì đi nữa, Thiên Chúa giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại, với khoảng hơn hai tỷ tín đồ, trong đó có quá nửa thuộc Thiên Chúa giáo La Mã.

Với tôi, mục đích hành hương này hoàn toàn không có. Từ lâu tôi đã nghĩ, ngoại trừ chuyện một người xuất thân trong gia đình nào và xã hội nào, sự lựa chọn tôn giáo của người đó còn phụ thuộc tạng người. Tạng của tôi không sao tin được những điều cơ bản mà người theo đạo Thiên Chúa nào cũng tin: có một đấng sáng tạo, gọi là Chúa Trời, đã tạo ra thế giới và con người từ cát bụi; loài người đã phản bội lại Chúa và vì thế mà tất cả chúng ta sinh ra đã có tội lỗi khởi thủy; tuy nhiên Chúa thương loài người nên đã cử con duy nhất của Ngài là Jesus xuống chịu tội cho loài người bằng cách chết trên thánh giá; và những ai tin nhận Chúa sẽ được rửa sạch tội lỗi để lên thiên đường sau khi chết còn tất cả những người không tin Chúa sẽ xuống địa ngục [7].

[7] Dĩ nhiên là một số dòng chỉ tin chúa Jesus là sứ giả của Chúa chứ không phải con của Chúa.

Đi nhà thờ với Quang Anh đến hai năm và dầu cố gắng hết sức, tôi vẫn không sao chấp nhận được những điều này. Có cái gì đó trong tôi cứ cưỡng ra. Có lần, khi hết cả kiên nhẫn với tôi, Quang Anh đã nói:

“Tại sao chị bướng thế nhỉ? Chị không chịu tin nhận Chúa chẳng qua là do chị kiêu ngạo chứ không phải vì nó phi logic. Chị sợ người ta bảo chị ngu ngốc.”

Bướng thì tôi công nhận, nhưng sợ người ta bảo mình ngu ngốc thì chắc chắn là không.

“Em nhầm,” tôi nói, “Nếu thực sự có Chúa, và Chúa đã để Jesus chết trên thánh giá để rửa tội cho con người, thì chị hết tội rồi, tại sao chị lại phải theo Đạo, mà không chị lại còn phải xuống địa ngục. Đã bảo là chết để đền tội thay rồi mà vẫn còn bắt vào đạo mới được chuộc tội thật; cái lỗi đấy là lỗi phiên dịch và cưỡng ép của nhà thờ, chị chẳng tin Chúa tử tế nào lại ép người ta như thế. Phật chẳng bao giờ ép ai theo đạo Phật, Phật bảo mỗi người đều là Phật, phải tự mà cứu mình.”

Nghe đến Phật thì dĩ nhiên Quang Anh càng điên tiết. Nhất là vì lúc đó, trong cố gắng tìm một lối tắt để đi tới sự thật (trời ơi!), tôi vừa đi nhà thờ cùng Quang Anh vừa bắt đầu tập thiền cùng với một nhóm bạn khác.

“Đây không phải là phiên dịch của nhà thờ,” Quang Anh nói “Đây là Kinh Thánh nói! Kinh Thánh là lời Chúa; chị đã đọc sách Luke và Mathew trong Tân ước, chị biết việc Chúa Jesus là con của Chúa chính là lời Chúa nói trong Kinh Thánh chứ không phải là sự phiên dịch của nhà thờ.”

“Dào,” tôi tặc lưỡi, “Luke và Mathew trước hết là các nhà chính trị.”

Đến đây thì Quang Anh hết chịu nổi.

“Vấn đề không phải là logic, vấn đề là chị chưa thấy địa ngục đấy thôi; nếu chị biết chắc chị sẽ phải xuống địa ngục nếu không tin Chúa thì chị đã ba chân bốn cẳng tin nhận rồi. Chị đúng là chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ.”

“Em lại nhầm nữa rồi,” tôi cũng phì khói qua hai tai. “Nếu quả thực là như thế thì lại càng phi lý. Thế thì chị thà xuống địa ngục còn hơn. Đằng nào thì đa số bạn của chị với em cũng xuống địa ngục với chị. Xuống đấy cũng vui chán.”

Lúc ấy chúng tôi đang uống sinh tố trên phố Hoàng Diệu vào một buổi tối thứ Bảy, sau khi đi tập thánh ca ở nhà thờ về (hồi đó, phố Hoàng Diệu còn là phố sinh tố). Đến đây thì Quang Anh không nói không rằng, lên xe đi thẳng.

Cũng vì xung đột này mà bọn tôi đã từ mặt nhau một thời gian dài trước khi làm bạn trở lại một cách dè dặt. Chúng tôi học cách không mang chuyện tôn giáo ra tranh luận nữa; nhưng tôi biết Quang Anh vẫn không thể tiêu hóa nổi việc tôi lại không nhận ra cái sự thật rành rành về Chúa.

Chị Mai, trái lại, thuộc tạng có thể theo đạo Thiên Chúa và thực tế là chị đang hiến cả đời mình cho Chúa. Tôi đoán, khi tôi và chị Mai đứng trong nhà nguyện Sistine nhìn lên những bức fiasco của Michelangelo, chị Mai nhìn thấy Chúa, còn tôi chủ yếu thấy Michelangelo. Chị Mai cho rằng ngay cả sự sáng tạo của Maichelangelo cũng thuộc về Chúa, nếu không nhờ ân phước của Chúa thì Michelangelo không thể nào tạo ra kiệt tác này; còn tôi thì chỉ nhìn thấy cơ bắp và các nơ ron thần kinh của Michelangelo căng ra trong lúc ông ngửa đầu ra vẽ, bất kể Chúa hay quỷ Satan có muốn ông vẽ hay không.

Nhưng rốt cuộc, tôi tới Rome để làm gì?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.