Một mình ở châu Âu
Chương 06
Paris, ngày…
Sáng nay, tôi tỉnh dậy lúc 7 giờ rưỡi. Bên ngoài, trời sầm sì u ám. Kính cửa sổ phủ một lớp hơi nước dày, không sao nhìn được ra ngoài. Julia đã ra khỏi giường, vừa lục cục mở hành lý vừa thở nặng nề như người hen suyễn. Mũi và họng Julia chắc chắn đã tắc. Tôi hỏi Julia có muốn tôi đánh cảm cho không, Julia đồng ý… nhưng tôi chỉ mới bôi xong dầu cao và bắt đầu miết tay từ thái dương vào sống mũi thì Fulia đã kêu “ái… ái…” và bảo tôi dừng lại vì đau. Tôi nói phải đau thì mới tốt và tôi đang cố gắng trục khí độc ra khỏi Julia… À, nhưng Julia là một cô gái Hàn Quốc mẫu mực, và giống tất cả các cô gái Hàn Quốc mẫu mực, chị cảm ơn tôi đã có ý giúp đỡ nhưng Julia sẽ kiếm cách gì đó đỡ bạo lực hơn. Như ngủ chẳng hạn. Vậy là Julia lên giường đi ngủ còn tôi đi bộ ra Nhà thờ Đức Bà để leo tháp chuông.
Bên ngoài Paris không mưa và cũng không lạnh nhưng ẩm ướt và nhiều mấy xám. Vừa băng qua con đường chạy dọc sông, tôi lập tức phát hiện ra một điều: hóa ra những cái thùng lớn màu xanh lam đóng kín đặt dọc sông Seine mà tôi tưởng là thùng rác lại là các quầy bán sách và đồ lưu niệm. Hôm qua, vì trời mưa nên các “cửa hàng” đều đóng cửa. Còn hôm nay, có một dãy quầy sách cũ mở ra ở ngay chỗ tôi sang đường.
Tất cả sách đều bằng tiếng Pháp. Có một số tên quen thuộc đập ngay vào mắt như Aragon, Jean-Paul Sartre, Mallarmé và một hàng dài tác phẩm của André Malraw. Tôi đang cố đoán tên một số cuốn và nhìn lướt để tìm xem có cuốn tranh mỏng nào về Rodin không thì một monsieur khoảng ngoài sáu mươi tuổi bước lại. Monsieur cao dong dỏng, mặc áo sơ mi trắng bên trong, áo gió xanh nhạt bên ngoài, thắt cà vạt, đội một cái mũ Paris và, tất nhiên, có mang nước hoa. Khuôn mặt monsieur có một vẻ hài hước và thân thiện mà thoạt nhìn cũng nhận ra.
“Bonjour petite mademoiselle [36],” monsieur mỉm cười.
[36] Chào cô gái bé nhỏ.
“Bonjour,” tôi đáp lại và chuẩn bị bỏ đi vì từ xưa tới nay những người bán hàng hầu như luôn làm tôi sợ (hệ quả của thời bao cấp với các cô bán hàng mậu dịch mặt lạnh).
Nhưng tôi vừa dứt tiếng “Bonjour” thì một suối tiếng Pháp lập tức thánh thót tuôn ra, cộng với một cái khoát tay duyên dáng trên những cuốn sách, ra ý “Mademoiselle nhìn xem, những cuốn sách mới đẹp làm sao” (tôi hoàn toàn đồng ý). Tôi lập tức đoán monsieur là người bán sách nên giải thích với monsieur rằng tôi “non parle Francais”, tôi chỉ xem thôi chứ không mua vì, vâng, một lần nữa, tôi “non parle Francais”. Tôi tưởng là giống như những người bán hàng Mỹ, monsieur sẽ lịch sự mỉm cười rồi lảng ra tìm khách hàng khác; nhưng không, monsieur vẫn mỉm cười và nói một tràng dài đại ý mời mademoiselle cứ thoải mái xem đi, “pas de problème, pas de problème”.
Cung kính không bằng tuân mệnh. Tôi chiêm ngưỡng các cuốn sách thêm khoảng nửa phút cho phải phép. Rồi khi ngẩng lên định “merci, au revoir” thì trước mặt tôi monsieur đã đứng sừng sững, tay cầm một cuốn sách nhỏ, đồng thời ra hiệu cho tôi chờ. Tôi kịp liếc bìa sách: một cuốn thơ của Paul Verlaine. Tôi đang đoán là monsieur muốn gạ tôi mua cuốn thơ thì monsieur đã lật lật vài trang và ngoắc tay cho tôi ghé lại gần. Tôi lại cung kính tuân mệnh. Lập tức bên tai tôi vang lên những khổ đầu của một bài thơ có tiêu đề “Chanson l’automne [37]”:
[37] Khúc hát mùa thu, hay còn được dịch là Thu ca.
Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une lanheur
Monotone [38]
[38] Bài thơ này từng được dịch là Thu ca: “Đàn ai nức nở. Nhạc thu ngân dài. Điệu buồn buồn mãi. Lòng tôi ai hoài.” (Theo tham khảo trí nhớ một người bạn, không tìm được tên dịch giả).
Tôi vừa mơ màng thưởng thức những lời thơ du dương vừa nghĩ: “Bỏ bố!”
Quả thực là tôi quá bất ngờ. Cái phần lãng mạn trong tôi thì lơ lửng trên mây; phần trẻ con thì cười khúc khích; cái phần một phụ nữ Việt Nam đã lớn lên cùng những chương trình “kể..ể..ể chuyện cảnh giác” vào các tối thứ Bảy hàng tuần suốt những năm 1980 thì ngồi phắt dậy nghe ngóng, trong khi cái phần lý tính và thực dụng mà người Mỹ đã dạy cho tôi trong tám năm qua thì chống cằm “hừm, hừm, ông này muốn gì ở mình?”. Các phần còn lại thì vẫn đang bất tỉnh nhân sự vì bất ngờ.
Tôi còn đang chới với trong mớ hỗn độn các cảm giác thì nghe monsieur hỏi tôi có “cảm” được đoạn thơ này không. Tôi định thần lại rồi trả lời rằng tôi chỉ “cảm” một số từ thôi, ví dụ như “mon coeur” là “trái tim của tôi”, “mots” là “từ” (như trong bài Michelle của The Beatles: “Michelle, ma belle, sont des mots qui vont très bien ensemble”), “automne” thì chắc là “mùa thu” giống từ “autumn” trong tiếng Anh, “monotone” là “đơn điệu” còn “violon” thì, chậc, là violon. Thế nhưng toàn bộ khổ thơ nghĩa là gì thì tôi chịu. Monsieur bèn vui vẻ giải thích cho tôi từng câu thơ bằng một thứ tiếng Pháp pha tiếng Anh bồi. Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu đại khái khổ thơ này nói rằng mùa thu réo rắt những cây violon của nó, khiến cho trái tim người ta não nề.
“Toi chi muon đọọc dững cau thơ nay choa iem,” monsieur nói.
Nhìn khuôn mặt monsieur có vẻ rất thành thực thích thú việc đọc thơ này. “Wow, thì ra đây là cái mà người ta gọi là sự lãng mạn Pháp”, tôi nghĩ thầm với một sự thán phục và cảm động trong lúc phần lãng mạn thắng tuyệt đối phần cảnh giác. Nhưng vì cũng không có ý định mua sách gì, tôi “merci, merci beaucoup” và nói rằng đã đến lúc tôi phải đi.
Hoặc là monsieur không hiểu tôi nói gì hoặc có hiểu mà tảng lờ vì tôi vừa dứt lời thì monsieur yêu cầu “petite mademoiselle” hãy đọc lại bài thơ cho monsieur nghe. Đến đây thì tôi lại không còn hiểu ra sao nữa. Tôi lại nói lại câu kinh điển: xin lỗi monsieur, tôi “non parle Francais”.
“Khoong sao đau,” monsieur nói. “Đọọc đi, đọọc đi.”
Không biết phải làm thế nào với tình huống chưa có tiền lệ này và lại rất không biết nói “Không” với người khác nên “petite mademoiselle” là tôi đành phải đọc bài thơ. Dĩ nhiên là bằng một thứ tiếng Pháp bồi khủng khiếp. Khủng khiếp đến nỗi tôi không nhịn được, cứ phá ra cười trong lúc chật vật phát âm từng từ. Monsieur cũng cười hài lòng… và chỉnh lại phát âm cho tôi mỗi khi tôi phát âm sai.
Tôi đọc xong thì lập tức cảm ơn monsieur lần nữa và nói rằng tôi phải đi.
Nhưng một lần nữa, monsieur hoàn toàn tảng lờ việc tôi phải đi.
“Where you from, mademoiselle?” Monsieur hỏi.
“Vietnam.”
“Ah, Vietnam. Chao iem!” Monsieur nói tiếng Việt và chắp tay cúi đầu chào như… người Thái.
Trong lúc tai tôi vẫn còn lùng bùng hai tiếng “”Chao iem” thì monsieur đã lại nói rất nhanh rằng monsieur đã đến Việt Nam sáu lần. Và rồi monsieur đột nhiên nhắc đến Hồ Chí Minh.
“Ho Chi Minh gióng Charles de Gaulle,” monsieur nói.
“Ngươi Anh đen Phap, Charles de Gaulle noi cút đi. Ngươi Phap đen Vietnam. Ho Chi Minh noi cút đi. Gióng nhau, gióng nhau ca thoi.”
Liền đó monsieur tuyên bố rằng monsieur đã luôn có ý định dịch mười hai cuốn tuyển tập Hồ Chí Minh ra tiếng Pháp. Tôi không còn biết mình đang nói chuyện với một học giả đội lốt người bán sách hay là người bán sách đội lốt học giả hay bán sách kiêm học giả. Tôi đành cười và chúc monsieur thành công với dự định dịch sách của mình để giúp cho tình đoàn kết giữa Pháp và Việt Nam thêm thắm thiết.
Thế rồi, bất thình lình, câu hỏi sau đây bật ra rất rành rọt từ phía monsieur, bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn như đã được tập luyện nhiều lần:
“Em đi ăn tối với tôi nhé?”
“Bỏ cụ!” Tôi nghĩ.
Tuy luống cuống, tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng tôi không thể ăn tối với monsieur dù monsieur có đọc thơ Verlaine cho tôi nghe. Tôi cố gắng tìm một cách lịch sự để từ chối nhưng nghĩ mãi không ra cách gì, tôi sử dụng lý do kinh điển của các cô gái:
“Merci, merci monsieur nhưng bố mẹ tôi không cho tôi đi ăn tối với người lạ.”
“Oh lah lah…” monsieur vung hai tay lên trời một cách thất vọng, nhưng vẫn mỉm cười, “Bo mẹ, bo mẹ. Tại sao ngươi Vietnamien luc nao cung phai xin phep bo me?”
Câu hỏi này quá vĩ mô và không có lợi gì cho tình huống cụ thể của tôi lúc đó nên tôi vừa cười trừ vừa chỉ vào đồng hồ đeo tay:
“Merci monsieur nhưng thật sự là tôi phải đi.”
Quan sát nét mặt monsieur, tôi biết là tôi vừa mới đấm bị bông (Chúa phù hộ sự kiên nhẫn của đàn ông Pháp với phụ nữ!) Để thể hiện sự quyết tâm và tự chủ, tôi tuôn ra một tràng tiếng Anh rằng tôi có hẹn với bạn tôi, tôi nhất định phải đi nếu không tôi sẽ bị muộn, rằng monsieur đã rất tốt bụng khi đọc thơ cho tôi nghe, tôi rất cảm động nhưng tôi “thực sự, thực sự phải đi” và chúc monsieur bán được nhiều sách. Tôi vừa nói vừa bắt đầu rảo bước. Monsieur cũng rảo bước đi cùng và hỏi tôi có quay lại buổi chiều nay không, monsieur sẽ chờ tôi ở quán cà phê bên kia đường. Tôi nói non non, tôi không quay lại đâu – và bước nhanh hơn. Monsieur lại nói rằng ngày nào monsieur cũng đứng đây bán sách hoặc ngồi bên kia uống cà phê, nếu tôi đổi ý định muốn ăn tối hay uống cà phê với monsieur thì cứ tới tìm bất cứ lúc nào.
Tôi bước đi khỏi một đoạn đã xa mà vẫn thấy đầu óc lùng nhùng vì không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Một ví dụ nhỏ về sự lãng mạn Pháp hay chương một của một tiểu thuyết trinh thám Mỹ mà đến chương hai thì người bán sách mê thơ Verlaine sẽ hiện nguyên hình là sát thủ giết người hàng loạt?
Nhưng thở đều một lúc, sự lãng mạn đã lại thắng thế. Nghĩ cho kỹ, rõ ràng monsieur không hề có gì khả nghi và không làm gì hại tôi ngoài việc đọc thơ Verlaine cho tôi nghe và mời tôi uống cà phê. Tôi kết luận rằng tôi không cần phải lo lắng; không nên nghi ngờ oan cho monsieur mặc dù quả nhiên cách tiếp cận này hơi kỳ cục. Buổi tối nay, khi gặp Kai và Sarah, tôi sẽ hỏi họ chuyện này.
Tôi đã không liên hệ với bất cứ người bạn Việt Nam nào khi tới Paris lần này vì tôi muốn đi du lịch như một người không nguồn gốc, không quá khứ, không ràng buộc. Kai, người bạn cũ từ Đại học Chicago, là người duy nhất biết tôi tới.
Kai và Sarah tới lúc 7 giờ. Tôi đã cuống cuồng nhảy tàu điện từ khu Khải Hoàn Môn về khách sạn thay quần áo để kịp đi ăn tối với họ. Hôm nay là ngày thứ ba của tôi ở Paris, cả ba ngày đều lây rây lúc mưa lúc nắng; mà tôi thì không làm việc gì khác ngoài lang thang ngoài đường nên hôm nào quần áo cũng ẩm ướt và cả ba tấm bản đồ của tôi đều bắt đầu mục vì ngấm nước. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà đánh đổi lấy những ngày Paris toàn nắng đẹp. Paris trong mưa có cái gì đó quyến rũ vô cùng. Chiều tối nay, khi tôi nhìn thấy Kai và Sarah thong thả bước cạnh nhau từ phía con đường bờ sông tới trước khách sạn, thì tôi hiểu cái quyến rũ ấy là cảm giác Paris và người Paris chậm lại, xích lại gần nhau. Nó là sự lãng mạn được cô đặc, được làm giảm đi một chút bốc đồng để trở nên đằm và thật. Như chiều may, khi đi ngang Nhà thờ Đức Bà và nghe lỏm một người con trai nói trên điện thoại “Em nhất định phải đến, anh cần em” thì tôi tin là anh ấy cần cô gái kia thật. Làm sao có thể không cần một người khác trong cái se lạnh này của mùa thu Paris.
“Chào em,” Kai cười từ xa. “Em khỏe không?”
“Em khỏe,” tôi nói. “Kai ơi, Paris đẹp quá; em thật ghen với anh.”
“Dĩ nhiên rồi,” Kai cười, hôn tôi hai bên má. “Tất cả mọi người đều ghen với anh. Nhưng biết làm thế nào được.”
Không thể không nhận ra rằng Kai đã khác đi kể từ lần cuối cùng tôi gặp anh, cách đây chừng một năm, ở Chicago. Hồi đó, Kai bơ phờ và dường như lúc nào cũng ngấp nghé một miệng vực vô hình; còn bây giờ, khuôn mặt anh có một ánh sáng mới. Có lẽ Paris làm cho người ta hạnh phúc hơn.
Chúng tôi tới một tiệm ăn có tên “Les Philosopher” ở Rue Vieilles-du-Temple bên phía Marais, không xa khách sạn tôi ở (chắc chỉ có ở Paris thì tiệm ăn mới có những cái tên như “Nhà triết học” hay “Descarter”). Tiệm Les Philosopher nằm trên mặt phố, trong một căn nhà tường ốp gỗ với những cửa sổ lớn mở ra ngoài vỉa hè; vỉa hè cũng có bàn nhưng chủ yếu dành cho người uống cà phê, rượu, hút thuốc sau khi ăn. Chúng tôi vào bên trong; chọn một chiếc bàn gỗ nhỏ. Xung quanh chúng tôi, các bàn hầu như chật người; từng nhóm từng nhóm ngồi với nhau theo cái lối của những người đã đi ăn tối với nhau rất nhiều lần. Họ thoải mái, ồn ào, và tự nhiên. Mỗi lần có một người mới đến, người đó lại ồn ào chào hỏi rồi đi vòng quanh bàn hôn má từng người ngồi quanh bàn. Thật là một cảnh vui mắt. Người Mỹ không bao giờ cho phép mình ồn ào quá ở các nhà hàng mà chỉ có thể ồn ào ở các sport bar.
Kai nói món vịt ở đây khá ngon; vậy là tôi gọi vịt là món chính, khai vị là patê ngỗng. Chúng tôi gọi một chai vang đỏ.
“Chào mừng em đến Paris!” Kai nói. “Cho những ngày Paris vui vẻ!”
“Cho những ngày Paris vui vẻ!” Tôi nói.
“Ở Paris thì khó mà buồn được,” Sarah nói. “Em hiện nay chẳng làm gì, coi như thất nghiệp, thế mà cũng chẳng buồn.”
Sarah là người Mỹ, Kai người Nhật, hai người gặp nhau ở Chicago; rồi yêu nhau; khi Kai đi Paris nhận việc sau khi tốt nghiệp, Sarah chuyển sang sống chung. Hằng ngày, Kai đi làm, còn Sarah ở nhà học tiếng Pháp và tìm việc.
Chúng tôi hỏi thăm công việc và những người quen cũ ở Chicago. Rồi tôi không đừng được mà kể lại câu chuyện về người đàn ông bán sách đọc thơ Verlaine.
“Em vẫn không hiểu, tại sao ông ấy lại đọc thơ cho em nghe? Ông ấy muốn gì ở em?”
Kai phá lên cười.
“Chết thôi, em bị Mỹ hóa mất rồi. Người Mỹ lúc nào cũng hỏi tại sao, để làm gì, họ muốn gì ở tôi, tôi được gì, mất gì. Có thể ông ấy không muốn gì ở em cả, ông ấy chỉ muốn đọc thơ cho em nghe, đơn giản thế thôi.”
“Ồ, nếu em là một cô gái sexy, quyến rũ thì em còn hiểu được; đằng này…”
“Cũng chẳng sao, ông ấy muốn làm vậy vì ông ấy muốn làm vậy thôi. Đàn ông Pháp là thế.”
“Mà phải nói là họ kiên nhẫn thật. Em đã nói không không tôi phải đi bao nhiêu lần mà ông ấy không tha.”
“Ờ,” Kai tặc lưỡi, “về khoản kiên nhẫn thì công nhận đàn ông Pháp là số 1. Người Mỹ với Nhật chẳng bao giờ mất thời gian cho việc tán tỉnh vô thưởng vô phạt ngoài đường như thế, người Pháp thì khác, mà không, anh phải nói chính xác là người Paris thì khác. Đàn ông Paris là một giống riêng. Họ tán tỉnh như một bản năng; nếu thấy có một cái cửa; họ sẽ gõ; cửa chỉ cần hé ra là họ lách chân vào, rồi cứ thế đẩy dần cửa ra, và trước khi em nhận ra thì họ đã trong nhà em rồi.”
“Nhưng nhất định họ vẫn phải có một mục đích cuối cùng nào đó chứ. Ông ấy mời em đi ăn tối để làm gì? Họ mời các cô gái xa lạ qua đường đi ăn tối với mục đích gì? Để ngủ với họ à?”
“Cũng có thể là thế. Nhưng có người đơn giản là họ muốn đi ăn tối với em thôi. Với người Paris, đi ăn tối với ai đó, kể cả người xa lạ, là một niềm vui. Đơn giản thế thôi. Gặp nhau, ăn tối, uống chút rượu, nói chuyện phiếm, tán tỉnh nhau một chút, đại để là có mấy tiếng vui vẻ với nhau… đấy là văn hóa Paris. Có thể ông ấy chỉ muốn có người ăn tối cùng.”
“Cái đó thì em cũng hiểu. Em cũng ủng hộ sống cho ngày hôm nay, sống cho hiện tại, tận hưởng những khoảnh khắc với người khác, nhưng mà em vẫn thấy có cái gì đó kỳ kỳ.”
“Em ở Paris một thời gian, em sẽ không để ý nữa đâu.”
“Đúng rồi đấy,” Sarah nói. “Hồi em mới sang đây, em cũng gặp chuyện này, em dị ứng lắm. Gần nhà em ở có cái công viên; cứ lần nào em vào đấy chạy bộ hay đọc sách là y như rằng có một anh Parisien ra tán tỉnh. Em nghĩ, bỏ mẹ, không biết bọn này muốn gì ở mình. Trời ơi, có một lão trong công viên lại còn bảo em là lão phát điên vì yêu em… Làm em phải bỏ cả cái công viên đấy một thời gian. Giờ thì em quen rồi; lơ mơ là em chửi cho. Các lão ấy biết chị là khách du lịch mới đến nên thế thôi. Mà đàn ông Pháp thì thích các cô gái Á Đông nhỏ bé lắm.”
“Chị cứ tưởng là cái kiểu tâm lý thuộc địa đấy chỉ có ở thời Thế chiến chứ giờ vẫn còn à?”
“Còn đấy, một số đàn ông Pháp vẫn cứ thích các cô gái Á Đông vì họ dịu dàng, chiều chuộng. Chứ đàn bà Pháp với đàn bà châu Âu chả chịu được cái thói lãng mạn rửng mỡ của các ông ấy.”
Đến đây thì bồi bàn mang món patê ngỗng ăn với bánh mì nướng và một chút mứt dâu tây. Ở các bàn bên cạnh, thức ăn và rượu cũng đầy ắp, những câu chuyện ngày càng ồn ào. Vài người đàn ông mặt đỏ, tóc rối bời, đứng cả lên để tranh luận về chính phủ và Giáo hoàng (nghe nói sắp tới Giáo hoàng sẽ sang thăm Paris), và một thứ tiếng Pháp mê li cứ thế tuôn ra hôi hổi. Tôi vừa ăn vừa nói chuyện với Kai và Sarah vừa quan sát cái không khí một quán ăn tối Paris… Tại sao ngồi đây tôi lại có cảm giác nhớ không khí này và nhớ Paris như thể tôi từng ở Paris? Tại sao, giữa những người Paris trong quán ăn xa lạ này, tôi lại nhớ Hugo, Chopin, Verlaine như thể tôi đã từng ngồi ăn tối với họ ở đâu đó, trong những buổi tối Paris mùa thu?
Ở ngoài khách sạn, Kai và Sarah lại hôn tạm biệt tôi, hẹn rằng sẽ gặp lại trước khi tôi rời Paris.
“Cẩn thận nhé, Kai dặn tôi. Em chỉ có một mình, mà đàn ông Pháp thì mê phụ nữ Á Đông lắm và không phải ai trong số họ cũng tử tế đâu. Em nhớ nhé.”
Tôi nói với Kai rằng tôi sẽ cẩn thận. nhưng nếu tôi gặp những trường hợp tán tỉnh và mời đi ăn tối khác, tôi sẽ nhận lời để tìm hiểu xem rút cục thì những người đàn ông này muốn gì. Có thể nào người ta lãng mạn chỉ để lãng mạn mà thôi? Hay là tôi bị “Mỹ hóa” thật như Kai nói nhỉ? Lẽ nào tôi không còn tin và cũng không còn khả năng cảm nhận sự lãng mạn nữa?
Tôi đã tháo nhẫn cưới khỏi tay từ hôm đến Paris. Tôi không biết tại sao. Chắc chắn tôi không định tán tỉnh, yêu đương hay lừa ai nhưng tôi vẫn cứ bỏ nhẫn cưới ra.
Cái nhẫn cưới này, tôi và Sơn đã mua trong một cửa hàng trang sức ở Boston. Lúc ấy, tôi có hai sự lựa chọn: một cái nhẫn với một vòng tròn khép kín và mặt kim cương đính bên trên; hoặc một cái nhẫn với vòng tròn không khép kín và một mặt kim cương nằm giữa hai cái đầu không khép kín ấy. cuối cùng tôi đã chọn cái thứ hai. Trong suốt những năm đeo cái nhẫn này, ngón tay tôi thỉnh thoảng lại bị trầy bởi vì bị cái đầu nhọn kim loại của vòng tròn không khép kín đâm. Chị gái tôi – một người tương đối mê tín – đã nói với tôi khi nhìn thấy cái nhẫn rằng cái nhẫn thế này là biểu tượng của xa cách, hai người không làm thành một vòng tròn. Tôi đã cười, nói chị ấy vớ vẩn. Tôi cũng đã nghĩ những điều khác là vớ vẩn. Ví dụ như Sơn chưa bao giờ đeo nhẫn cưới và tôi chưa bao giờ bắt anh phải đeo.
Nhưng có thể, chúng không vớ vẩn như tôi tưởng? Có thể, để có một cuộc sống vợ chồng lâu bền thì cần có cả những thứ thủ tục, những khuôn khổ, những quy tắc mà người ta phải tuân theo để cầm cương cái bản ngã cá nhân luôn dễ dàng hư hỏng khi được dung túng?
Cả hai chúng tôi, hay ít nhất là tôi, hình như đã quá tự do và ngây thơ về hôn nhân cũng như về chính mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.