Một mình ở châu Âu

Chương 08



Paris, ngày…

Cuối cùng thì tôi cũng tới Maison de Victor Hugo. Buổi chiều tối ngày thứ năm sau khi tới Paris, tôi đã quyết định không thể chần chừ thêm nữa.

Nó bắt đầu từ một ý nghĩ vào buổi tối hôm trước. Tôi muốn đi tìm phố Rue Plumet và phố Rue Saint Denis. Trong những người khốn khổ, Rue Plumet là phố mà Cô-dét sống cùng Giăng Van Giăng, và từ đó bắt đầu tình yêu với Ma-ri-uýt trong những buổi dạo chơi ở vườn Luxembourg. Vào các buổi tối, Ma-ri-uýt thường lẻn tới ngôi nhà Cô-dét trên phố, lách qua hàng rào vườn; và họ sẽ ngồi cạnh nhau suốt đêm, chẳng để nói gì, mà chỉ để chiêm ngưỡng người kia và ngập trong tình yêu. Hugo gọi đó là “Tình ca phố Pơ Luy Mê”. Còn phố Saint Denis là phố mà những người bạn trong nhóm ABC đã lập chiến lũy làm cách mạng và Ma-ri-uýt đã tới đó để chết cho nền cộng hòa non tre khi nghĩ rằng Cô-dét bỏ đi. Ma-ri-uýt lẽ ra đã chết nếu Giăng Van Giăng không đến chiến lũy cõng anh trên vai, lội qua cống ngầm Paris để trả anh về cho ông nội. Trong Những người khốn khổ, Hugo gọi cuộc chiến của những người bạn ABC là “”anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni”. Sau buổi nói chuyện với Julia, tôi dứt khoát rằng tôi phải đi tìm xem có còn chút nào bóng dáng của cái “tình ca phố Pơ Luy Mê” và “anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni” ở Paris không.

Trước khi đi, để cho chắc chắn, tôi hỏi người lễ tân về phố Saint Denis. Anh ấy chỉ cho tôi con đường dài trên bản đồ; rồi nói một câu làm tôi đứng tim:

“Cô muốn tới đó làm gì? Phố này nổi tiếng là phố đèn đỏ.”

Tôi nói với người lễ tân rằng tôi cần đến đó tìm một thứ. Vậy là tôi đi dọc phố Rivoli và chỉ qua một quãng ngắn, tôi nhìn thấy tấm biển đề “Rue Saint Denis”. Con phố hoàn toàn không như tôi tưởng tượng.

Phố Saint Denis ở khúc này chỉ là một đoạn ngắn chừng vài trăm mét; chạy giữa phố Rivoli và phố Lombards. Một bên phố là một bức tường cao của một tòa nhà cổ; bên kia là một vài cửa hàng ăn Địa Trung Hải khá xập xệ theo tiêu chuẩn của Paris. Loanh quanh một lúc vẫn không thấy chút bóng dáng “anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni” nào, tôi quyết định sẽ ăn vội một bữa trưa gồm cơm sữa chua với thịt cừu nướng ở một nhà hàng Địa Trung Hải rồi sẽ đi tới Maison de Victor Hugo [42] và bỏ qua “Tình ca phố Pơ Luy Mê”.

[42] Nhà Victor Hugo.

Tôi không hy vọng gì nhiều. Thực sự, đến Paris lần đầu tiên và một mình bằng những ký ức về Paris trong các tiểu thuyết Pháp từ thế kỷ XVIII-XIX, tôi hiểu rằng tôi hầu như đã tự lên cho mình một kịch bản đầy các thất vọng và có khi còn đẩy mình vào những tình huống ngớ ngẩm kỳ lạ. Mầy ngày hôm nay, tôi đã rơi vào tình huống ấy rồi, khi cố gắng tìm cho được cái hàng cấy tròn vườn Luxembourg, nơi Ma-ri-uýt và Cô-dét nhìn thấy nhau lần đầu trong lúc đi dạo, cho đến lúc “Ma-ri-uýt yêu như si như dại”. Trong Những người khốn khổ, Hugo tả hàng cây này nằm gần cổng vào ở phổ Rue de I’Ouest và cạnh đó có mấy “pho tượng lực sĩ”. Tôi đã tìm suốt cả mấy hôm nay trên cả ba cái bản đồ tôi có nhưng không sao tìm thấy phố Rue de I’Ouest đâu, và tôi cũng đã đi loanh quoanh khắp vườn nhưng vẫn không xác định được chính xác hàng cây đó là ở chỗ nào vì không thấy chỗ nào có các “pho tượng lực sĩ” cả. Một buổi sáng, sau khi tìm mãi không thấy, tôi quyết định cầu cứu hai cô gái trẻ ngồi cạnh tôi trong vườn bằng cách chìa cuốn Những người khốn khổ bằng tiếng Anh cho họ xem và chỉ cho họ nơi tôi muốn tìm. Trong sách tiếng Anh, chỗ những hàng cây được gọi là “The Pepinere” và tôi chỉ cho họ chữ đó, cộng với “Rue de I’Ouest”. Hai cô gái bàn với nhau một lúc rồi quay sang tôi:

“Chị biết đấy, có khi những cái tên này chỉ là hư cấu thôi. Cuốn sách này cũ rồi mà.”

Phải, cuốn sách này cũ thật nhưng mấy cái tên này chắc chắn không phải hư cấu. Hugo không bịa ra chúng. Hugo đã mô tả Paris đúng như thời của ông. Có thể là tên đường đã thay đổi khi Paris được tái thiết theo kế hoạch của bá tước Haussmann. Có thể các cô gái này quá trẻ để biết và tin vào một Paris đó.

Vậy là tôi quyết định rời khỏi vườn và trở lại vào một ngày có nắng để tìm cho ra. Ngoài cổng vườn trên phố Thánh Michel, tôi nhìn thấy một hiệu bán sách và tạp chí với cái tên “The Economist [43]” nổi bật phía trên và bên cạnh đó là jazz club có tên The Little Journal mà cả mấy cuốn sách du lịch đều gợi ý tôi nên ghé vào. Vì tất cả giấy và bút tôi mang theo đều đã hết nên tôi ghé vào hiệu sách để mua thêm.

[43] Nhà kinh tế học.

Trả tiền xong và đã quay người đi, một cái gì đó kéo tôi quay lại hỏi người bán hàng – cũng là người chủ tiệm sách – rằng tại sao cửa hàng của ông ấy lại có tên “The Economist”. Người bán hàng hào hứng giải thích với tôi rằng cửa hàng của ông ấy là “đối tác” với tạp chí The Economist nổi tiếng. Tôi nói “oh très bien, excellent magazine [44]” và giải thích thêm với ông ấy rằng, hồi còn học đại học ở Hà Nội, tôi theo học ngành ngoại thương, thế nên hồi đó tôi đọc The Economist hằng tuần. Quả thật, hồi những năm từ 1995 đến 1997, khi Internet còn hiếm, tôi thường mua những bản The Economist, Time và Newsweek từ cửa hàng bán sách báo cũ trên phố Bà Triệu để học cái gọi là “tiếng Anh thương mại” và thỉnh thoảng dịch một bài tôi thích cho các báo Việt Nam. Hồi đó, tùy vào báo đã cũ một tuần hay hai tuần mà tôi sẽ trả hai ngàn đến mười ngàn đồng một tờ, và khi dịch xong một bài, tôi có thể được trả tứ tám mươi đến hai trăm ngàn đồng. Đấy là một trong những cách kiếm tiền đầu tiên của tôi ở đại hoc, trước khi tôi tìm ra những cách khác nhanh hơn và nhiều hơn.

[44] Ồ, hay quá, một tạp chí tuyệt vời.

Ông chủ hiệu sách rất vui khi biết rằng tôi đọc The Economist ở Việt Nam. Ông tặng tôi một cuốn sổ nhỏ có chữ “The Economist” bên ngoài làm kỷ niệm. Thấy ông vui tính, tôi lấy cuốn Những người khốn khổ trong túi ra hỏi xem ông có biết “the Pepienere” với phố Rue I’Ouest ở đâu không. Ông nói nó ngay bên đường kỳa cô kỳa, chính là cái hàng cây cắt phẳng đó, cô nhìn thấy chưa?

Trời ơi, tôi đã loanh quanh luẩn quẩn ở đó mấy lần; đã nằm đó mà đọc sách; thậm chí đã nằm ở đó để tra bản đồ tìm chính nó. Thật không thể tin được.

Nhưng lần này, rõ ràng không có bóng dáng anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni nào. Tôi cũng không hy vọng nhiều ở Maison de Victor Hugo.

Lúc 5 giờ chiều, từ cửa sổ tầng ba căn nhà Victor Hugo nhìn ra, Place des Vosges – cái công viên nhỏ hình chữ nhật có nhiều hàng cây dẻ xanh lá và những ghế băng dài – không một bóng người. Mưa đã ngớt nhưng mặt trời vẫn khuất sau mây và mặt đất trong công viên có những vũng nước nhỏ như những chiếc gương xám. Căn phòng tôi đang ngồi này có sàn gỗ, với những tấm rèm màu đỏ sẫm và thảm tường treo quanh phòng. Một cái gương, một bức tượng bán thân của Hugo và sáu bức tranh lớn trên tường trong đó có một bức vẽ Hugo và con trai mà tôi quen thuộc. Giữa phòng có hai tủ kính lớn báy bản tin đầu tiên của các tập thơ và kịch của Hugo: Lá thu, Ánh sáng và những cái bóng, Chàng hề của nhà vua. Có cả hai cái kiếm sắt cùng một số huân chương, mề đay được bày trong phòng.

Ba phòng liền kề căn phòng này hơi kỳ cục, nếu không muốn nói là xấu. Một căn phòng trưng bày rất nhiều đĩa sứ và đồ cổ từ phương Đông; tường nhà cũng được sơn và trang trí bằng sơn mài hoặc chất liệu gì đó, khiến cho căn phòng trở nên nặng nề, ngột ngạt. Thậm chí có cả một bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng sứ và một số đồ sứ minh họa các điển tích trong văn hóa Trung Hoa. Căn phòng tiếp theo có một cái bàn lớn ở chính giữa phòng, xung quanh là ghế và các tủ gỗ – đây là phòng ăn hoặc phòng hút xì gà. Phòng tiếp theo là phòng làm việc, nơi Hugo viết. Căn phòng chỉ có vài cái ghế, bút, lọ mực và một tủ sách. Kế đến là phòng ngủ. Căn phòng rất tối và lạ lùng – tường phủ thảm đỏ, và cái gường thì hết sức nhỏ; không thể tưởng tượng cái giường búp bê đó lại có thể chứa một con người như Hugo.

Từ lúc vào Maison de Hugo đến lúc này, tôi không hề có cảm giác rằng Hugo từng sống ở đây. Không một đồ vật nào gợi lên tinh thần của ông, khí chất của ông. Thứ duy nhất mang lại một chút liên hệ là những tấm kính màu nhỏ xíu ở các cửa sổ dọc cầu thang dẫn lên căn nhà. Và ở cái chiếu nghỉ giữa tầng hai và tầng ba có một tượng thần Cupid bằng đồng đen tinh nghịch nhìn xuống; tôi cứ nghĩ nếu cái tượng này đã ở đó từ lúc còn Hugo, thì thần Cupid xinh xắn kia đã chứng kiến Hugo đi lại trên cầu thanh này nhiều năm. Hugo hẳn là sẽ dừng lại ở cái chiếu nghỉ này mà nhìn qua những vuông cửa sổ nhỏ ra ngoài.

Nhưng ngoài hai chi tiết ấy, cả căn nhà là một cổ vật không linh hồn, không tính cách.

Ở Maison de Victor Hugo ra, trời bắt đầu nhá nhem tối và mưa xối xả. Không có ô nên tôi đành đứng lại trong mái hiên của khu nhà mà lúc nãy một nghệ sĩ piano đường phố có tên Yuri Klempert đang chơi nhạc. Tôi bỏ 1 euro để yêu cầu ông chơi bản Raindrops (Những giọt mưa) của Chopin. Rồi tôi yêu cầu vài bản nhạc nữa của Liszt và Tchaikovsky. Bên ngoài, mưa tiếp tục trút, khác hẳn những cơn mưa lây rây mấy hôm trước. Nước mưa chảy ròng ròng từ mái hiên xuống thành một bức rèm nước; ngoài công viên không một bóng người; chỉ có tiếng piano thánh thót lẫn tiếng mưa trong hành lang lớn bao bọc cả khu nhà này.

Tôi ngồi khoảng ba mươi phút thì một cô gái rất đẹp cũng ghé vào tránh mưa và cũng bỏ tiền để yêu cầu nghe Beethoven.

Thế rồi, giữa lúc mưa ngày một nặng hạt, một thanh niên chạy một chiếc xe Yamaha dừng lại dưới hiên. Cậu ta rất trẻ, có lẽ khoảng mười tám hay hai mươi tuổi. Cậu ta mặc một cái áo da đen với quần bò đen bó sát và giày da đen cao cổ kiểu nhà binh, dây buộc còn lòng thòng. Lúc mới tới, cậu ta đội mũ bảo hiểm nhưng giờ thì đã bỏ mũ ra ôm trước ngực. Lúc mới xuống khỏi xe, cậu ta bồn chồn, vừa hút thuốc vừa trầm ngâm nhìn ra ngoài trời mưa nặng hạt như sợ rằng sẽ không kịp đến một cuộc hẹn nào đó, nhưng sau khi hút hết điếu thuốc, cậu có vẻ bình tĩnh lại, rồi bỏ mũ xuống yên xe và giờ thì đang hướng về phía Yuri Kemplert để nghe nhạc. Lúc nãy tôi chỉ thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ta, giờ thì tôi thấy cả khuôn mặt.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Ma-ri-uýt trong Những người khốn khổ, nhưng nếu Ma-ri-uýt hiện ra bằng xương bằng thịt thì chắc sẽ có khuôn mặt của chàng trai này.

Và cái ý nghĩ tự nhiên tiếp theo, mà không, đó không phải ý nghĩ, nó là một cảm giác tự nhiên mà tôi cảm thấy bằng cả cơ thể: tôi yêu chàng trai này, không phải như yêu sự tái hiện của Ma-ri-uýt mà như chính cậu ấy, chàng trai Paris xa lạ này. Giá tôi có thể mời cậu ấy đi ăn tối. Giá mà có thể ngồi bên cạnh cậu ấy ăn một bữa tối, như hai người xa lạ, và cậu ấy có thể nói gì hoặc không nói gì cũng được, có thể hiểu tôi hoặc không hiểu tôi, có thể biết về tình yêu của tôi hoặc không biết cũng được, tôi không bận lòng. Chỉ cần được ngồi cạnh nhau ăn một bữa tối; tôi sẽ chấp nhận khoảng trống ở giữa để đổi lấy cái việc ở gần cậu ấy vào một chiều mưa thế này; như lúc này tôi đã đang chấp nhận khoảng trống giữa tôi với cậu ấy, với cô gái đẹp kia và với Yuri Klempert.

“Anh có thể đi ăn tối với tôi không?”

Như thế có kỳ cục quá không? Có rẻ tiền quá không? Tôi đang làm đúng cái việc mà người bán sách và “nhà khoa học sở hữu thuyết giãn nở vũ trụ” đã làm với tôi. Những cơn bốc đồng này? Chúng là lỗi của Paris hay của tôi? Nhưng mà thực sự, tôi ước gì tôi có đủ dũng cảm mà nói với cậu ấy “Anh có thể đi ăn tối với tôi không?”

Anh có thể đi ăn tối với tôi không?

Nhưng tôi là một kẻ hèn nhát, đã luôn là một kẻ hèn nhát trong những tình huống thế này. Thế nên tôi chỉ tiếp tục nghe nhạc và viết những dòng này vào sổ trong lúc vẫn theo dõi Ma-ri-uýt của tôi qua đuôi mắt. Ma-ri-uýt cũng đang theo dõi tôi – có lẽ cậu ấy đang tự hỏi không biết tôi viết gì, và chắc không thể ngờ rằng tôi đang viết về cậu ấy.

Người yêu Paris của tôi. Mon coeur. Tôi yêu cậu nhiều hơn cậu biết.

Trời vừa đổ một cơn mưa nặng hạt mới. Yuri Klepert đang chơi Pathetique của Beethoven và Ma-ri-uýt của tôi lại lo lắng nhìn ra trời mưa. Tôi mong trời ngớt mưa để cậu ấy kịp đến cuộc hẹn với Cô-dét của cậu ấy.

Đi đi, và hãy yêu cô ấy thật nhiều. Tôi sẽ không ghen.

Paris, ngày…

Francesca đã về Milan, Julia đã đi Nice, tôi đã chuyển sang phòng ở mới và có ba người bạn mới: Amy người Seattle, Tristan người Anh, và một phụ nữ trung niên bí ẩn người Canada. Amy là sinh viên ngành chính trị và quan hệ quốc tế tới Paris một năm theo chương trình trao đổi sinh viên; Tristan cũng là sinh viên đang đi du lịch. Còn người phụ nữ Canada to béo thì tôi hoàn toàn không biết lai lịch và cũng không biết lý do chị ấy tời Paris làm gì và tại sao lại có mặt ở cái khách sạn sinh vên này.

Rất nhiều người tới Paris để mua sắm. Nhiều cô gái đặc biệt tới Paris chỉ để mua sắm và ngắm thời trang. Nhưng mua sắm không nằm trong danh sách các việc tôi muốn làm khi tới Paris, và sự thật là chưa bao giờ nằm trong danh sách các việc tôi muốn làm ở bất cứ đâu. Từ hôm đến Paris, tôi chưa hề bước chân vào một cửa hàng quần áo giày dép nào mặc dù đã ngắm nghía từ xa những cửa hàng thời trang trên Rue de Royale và Rue St-Honoré. Nhưng chiêm ngưỡng cái đẹp và sự thanh lịch Paris vậy thôi, chứ tôi không có ham muốn mua những quần áo ấy mang lên người. Cho đến hôm nay, tôi mới chỉ lên một cơn shopping khi tôi gặp một cửa hàng bán sách và băng đĩa cũ ở số 20 phố Thánh Michel. Cũng ở đây lần đầu tiên tôi thấy phiền lòng với việc mình không biết tiếng Pháp và đành bất lực nhìn những dãy sách cũ như người đi trên sa mạc thấy nước mà không được uống. Có một số tên sách và tác giả ở khu “Poche Romantique” và “Romans Poche” là quen thuộc, như Barbara Taylor Bradford hay Danielle Sterk và “Arts Humor Theatre Poesie Cinema” có nhiều đầu sách mà tôi lờ mờ đoán được tên sách nhưng không thể biết thêm các tác giả Pháp viết gì, style ra sao.

Tuy thế, khi đọc sách du lịch về khu chợ trời Clignancent bên quận 18, nơi người ta bán “thượng vàng hạ cám”, tôi nhất định phải tới xem. Như giới thiệu thì đây là chợ trời lớn nhất trên thế giới, có rất nhiều thứ chỉ có thể kiếm được ở đây, và chỉ mở vào thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai.

Sáng nay, khi tôi chuẩn bị ra ngoài, Amy và Tristan hỏi tôi đi đâu; tôi nói “chợ trời” và Amy lập tức vùng dậy muốn đi cùng; nhưng vì Amy còn phải tắm gội, ăn sáng, và trang điểm rất lâu nên cô ấy bảo tôi cứ đi trước, với lời dặn:

“Khi nào tới nơi, em sẽ tìm chị rồi mình cùng mua sắm hay ăn trưa.”

Nhưng bây giờ, khi đang ở trong chợ rồi, tôi nhận thấy không có cách nào Amy có thể tìm ra tôi trong cái chợ trời lớn này. Khu chợ gồm rất nhiều các khu vực bán đồ khác nhau, chia theo thể loại, và đúng là bán thượng vàng hạ cám, bất cứ cái gì mà người ta có thể nghĩ tới, từ búp bê, kim chỉ, tranh ảnh, bàn ghế, đèn, đồ uống trà, đồ nhà bếp, đồ trên bàn ăn, thắt lưng, quần áo thời trang cổ xưa, găng tay, dây đeo chìa khóa, sách, cây cảnh, đĩa, đài quay đĩa cổ, thậm chỉ cả quan tài và bia mộ. Và mỗi một thứ đồ được bày thành khu riêng; như khu bán kim chỉ có cả vài đường ngách ngắn chỉ bán đủ các thứ kim chỉ, len, sợi cho những người thích khâu, may, đan lát.

Trong chợ trời ở Clignancourt có thượng vàng hạ cám. Đây là những bao diêm đủ loại (Paris)

Khi viết những dòng này, tôi ngồi ở góc cắt giữa Allée 3 (Ngách 3) và Allée 4 (Ngách 4) của Marche Antiques, khu chợ bán đồ cổ. Những ngách này chằng chịt khắp chợ, giống những đường làng nhỏ và ngắn, làm thành một ma trận. Vào đến đây, tôi mới thấy mình hoàn toàn sai lầm khi cho rằng mình không phải là người thích mua sắm. Tôi có thể ở đây cả ngày để đi khắp chợ bởi vì thực tế là tôi đã ngồi cả tiếng vừa rồi để đọc các postcard trong một cửa hàng bán postcard cũ. Tôi dĩ nhiên chỉ có thể đoán lờ mờ nội dung những tấm thiệp. Có một loạt thiệp từ một người đàn ông đang đi du lịch ở Ấn Độ vào năm 1063 gửi cho bạn ở Marseille; rồi một xấp thiệp từ một ông mục sư đều đặn hàng tháng gửi cho vợ từ châu Phi, kể những chuyện “safari” và bệnh “syphilis”. Có nhiều tấm thiệp gửi từ Việt Nam về Paris từ thời Đông Dương, với những hình phố cổ Hà Nội, vịnh Bắc Bộ, chợ Đồng Xuân, hay các cô gái Sài Gòn – Gia Định. Tôi bỏ 50 xu mua một tấm thiệp gửi từ Hà Nội năm 1926 từ một thanh niên pháp có vẻ đang rất nhớ nhà:

Georges thân mến,

Từ một xứ sở rất xa xôi mình gửi đến bạn những lời chúc cho năm mới 1926 và không phải không có những nỗi buồn. Mình đã nhớ nhà nhiều hơn mình tưởng.

Tuy nhiên mình cưỡi ngựa một giờ mỗi buổi sáng và bạn biết đó là một trong những niềm say mê lớn của mình. Có điều, suốt dọc đường, mình chỉ thấy cảnh ruộng lúa khá đơn điệu.

Khi cưỡi ngựa bạn có thể có ý niệm về nông nghiệp tại đất nước này; điều không may là bạn chẳng thể biết thêm gì chính xác vì một cách tự nhiên, tất cả những cánh đồng lúa đều ngập nước và người ta làm việc trong điều kiện như vậy.

Mình ở đây rất bận rộn (toàn chuyện pháp lý, ban hành luật lệ) và không còn lúc nào để đi săn. Còn bạn thì sao?

Hãy viết cho mình vài chữ, mình sẽ rất vui; nó mang tới cho mình chút hương của mảnh đất mình yêu hết lòng.

Thân ái

Ôm hôn từ một người bạn đã không quên bạn.

Những tấm thiệp đều đã ố vàng, nước mực đen nhem nhuốc, được đựng trong một cái hộp gỗ có lẽ cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Tất cả những người gửi thư này giờ đã chết. Georges có lẽ đã chết. Người gửi thư cho Georges cùng với nỗi nhớ nhà và những ký ức Việt Nam của anh ta cũng đã chết.

Tất cả những gì còn lại của họ đang được bán ở đây, với giá 50 xu. Họ có lẽ không bao giờ hình dung những tấm thiệp riêng tư lại ra chợ, xếp lẫn trong những bưu thiếp của hàng ngàn người khác. Ngồi đọc những tấm thiệp này giống như được mở những cánh cửa bí mật vào cuộc đời của những người xa lạ trong quá khứ và quan sát những chuyện đời vô danh đã trôi qua không ai ghi chép, kể lại.

Tôi may mắn làm sao khi còn đang sống đây, còn đang hít thở và đi lại. Càng may mắn hơn nữa vì tôi đang ở Paris vào một ngày như hôm nay; trời đã hửng nắng sau nhiều ngày mưa rả rích.

Đã trưa rồi và chợ ngày càng đông người tới mua sắm, trong đó có rất nhiều du khách Mỹ, người nào cũng hớn hở túi lớn, túi nhỏ. Chính tôi, mặc dù đã huy dộng tất cả ý chí và lý do, vẫn cứ mua ba cái áo thun mỏng cao cổ, hai cái mũ nồi (cùng với một bài học về cách đội mũ kiểu Paris từ người bán hàng Ấn Độ), một cái áo khoác mùa thu màu đen. Tất cả đều là đồ rẻ tiền nhưng lại rất đẹp. Ba cái áo có cổ đề giá 5 euro một cái nhưng tôi mua cả ba với giá 10 euro; cái áo khoác chỉ 23 euro. Tôi phải cố gắng lắm mới cưỡng lại được ham muốn mua giày cao gót và bốt vì chúng đẹp mà rẻ, một đôi bốt chỉ chừng 20 euro. Quả thực, ngay cả những đồ gia công bán ở chợ trời Paris cũng rất đẹp. Điều này thì Mỹ không bằng.

Rời khỏi khu chợ trời, tôi lên tàu số 4 rồi lên xuống bến Chateau Rouge của khu Montmartre. Lên khỏi bến, từ đầu tiên nảy lên trong óc tôi là “đen”. Người da đen ở khắp nơi; nhưng không phải kiểu người da đen đã bị Mỹ hóa qua hàng trăm năm như tôi thấy ở Chicago. Đây là những người da đen vẫn còn gần với châu Phi, có lẽ mới nhập cư từ các thuộc địa cũ của pháp. Cả phố dài dẫn từ bến tàu lên đến đỉnh đồi Montmartre san sát các hiệu làm đầu cho người da đen và của người da đen. Những bộ tóc giả đủ màu sắc trưng dọc các cửa kính đều là tóc của người da đen. Ở cuối một con đường hẹp, tôi leo mấy trăm bậc thang dọc theo Rue Foyatier để lên đỉnh đồi, chỗ có Sacré-Coeur Basilica.

Bên ngoài thánh đường Scacré-Coeur ở khu Montmartre của Paris

Lúc này, trời nắng rực rỡ và người tràn ra ngồi khắp các bậc đá dẫn lên Basilica trong lúc các nghệ sĩ đường phố chơi nhạc rộn ràng. Từ chỗ này có thể nhìn xuống toàn cảnh Paris… với những khối nhà mái xám, sông Seine và các đại lộ. Một thanh niên da đen đang vừa chơi guitar vừa hát bài I’ll survive trong lúc những khuôn mặt đẹp đẽ quanh tôi cứ ngửa lên hứng nắng và ôm lấy nhau. Trông ai cũng rạng ngời hạnh phúc và thảnh thơi.

Chiều tối nay, trên đường từ Basilica Sacré-Coeur xuống, tôi đi sau một đôi nam nữ đang khoác tay nhau bước chậm. Giữa con đường lát đá dốc xuống phía dưới, họ đột nhiên đứng lại hôn nhau như thể không có ai ở xung quanh. Mà quả thực là ngoài tôi thì không còn ai khác xung quanh thật. Tôi bước ngang qua họ như thể không hề biết là có người đang hôn nhau cạnh mình. Ở cuối con đường dốc, trước khi rẽ phải, tôi lén liếc nhìn lại. Đôi bạn trẻ vẫn đang hôn nhau, trời ơi! Nghĩa là họ đã hôn nhau không ngừng ít nhất là năm phút vừa rồi. Nhưng mà, quả thật, ở những bậc thềm dẫn lên Basilica, các đôi tình nhân cũng hôn nhau say đắm; thực tế là khắp Paris tôi đi, người ta hôn nhau như không biết có ngày mai. Mà không phải những cái hôn ngớ ngẩn, nụ hôn nào cũng dàiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.

Thực sự, ở Paris, không thể không nghĩ về tình yêu. Paris tôn thờ tình yêu – yêu như cách giải thoát duy nhất, yêu như biểu hiện cao nhất của sự duy mỹ, yêu như không thể tưởng tượng nổi một cách sống nào khác hơn.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.

Rời Montmartre, tôi bắt tàu về lại khách sạn. Vừa rời khỏi bến tàu Hôtel de Ville, cái không khí “nghệ sĩ” của Montmartre vừa ngấm vào tôi đã lập tức bị không khí rạo rực của khu Marais phủ nên. Lúc này, một cái chợ trời nhỏ vừa được mở ngay góc phố Rue de Rivoli; bày đầy những khúc xúc xích óng mỡ, những tảng thịt quay vàng, những tủ gà vịt rôti ngồn ngộn, khoai tây nướng trồng cao, rau củ quả la liệt, cộng với rất nhiều pho mát, bơ, bánh mì, rượu vang… cả một biển màu săc, mùi vị làm người ta ứa nước bọt.

Tôi mua một chùm nho và một nửa con gà quay nhỏ rồi trở về phòng. Nhưng gần đến cửa khách sạn, tôi nhìn thấy mấy bà sơ mặc áo thụng trắng thong thả bước từ căn nhà kế bên khách sạn vào nhà thờ đối diện. Tôi đã ở khách sạn này cả tuần và nghe chuông nhà thờ hằng ngày mà không biết gì về nhà thờ này, vậy là tôi đi theo họ.

Vừa vào qua cửa, tôi lập tức đứng lại nín thở và từ đó bắt đầu phải rón rén bước. Mỗi lần cái túi đựng nho và gà quay của tôi lạo xạo là tôi rúm lại chờ sấm sét giáng xuống đầu. Hóa ra đây là nhà tu Thánh Gervais thuộc cộng đoàn Jerusalem; và lúc đó trong nhà tu đang có buổi cầu kinh theo kiểu ngồi im (the silent mass). Tất cả các tu sĩ đều mặc áo thụng dài, nữ thì màu xanh nhạt hoặc trắng, nam thì màu đen; họ ngồi xếp thành nhiều hàng, cúi đầu im lặng trước bàn thờ Chúa. Cả nhà tu không một tiếng động. Chỉ có những bóng người ngồi im lặng nói chuyện với Chúa bằng ý nghĩ trong lúc ánh nắng cuối ngày rọi từng vệt màu lên những bức tường xám bằng đá cẩm thạch. Thật khó tin là ở ngay bên ngoài những tấm kính màu và những trụ tường xám đó, ở phía bên phải là Rue de Rivoli với một cái chợ trời đang náo nhiệt người mua bán và bên trái là con đường chạy dọc sông Seine lúc nào cũng đầy xe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.