Một mình ở châu Âu

Chương 10



Tôi đã ở Paris cả tuần mà vẫn chưa tới tháp Eiffel. Thực tế là tôi sẽ hoàn toàn hài lòng khi rời Paris mà không tới đó bởi vì cái cột sắt cao ấy không có ý nghĩa cá nhân nào đối với tôi. Nhưng tôi đã tưởng tượng trước: thế nào cũng sẽ có người hỏi tôi khi họ biết tôi tới Paris rằng tôi có trèo lên đỉnh tháp Eiffel không. Tôi có thể tưởng tượng họ nói:

“Trời ơi, làm sao có thể tới Paris mà không tới tháp Eiffel.”

Và vì thế nên, sống chết thế nào, tôi cũng phải đến nhìn tháp Eiffel một cái, dù chỉ để tránh phải giải thích dài dòng tại sao tôi đến Paris mà không tới tháp Eiffel.

Thực ra, ngày đầu tiên ở Paris, sau khi rời bảo tàng Rodin, tôi đã cố tới tháp Eiffel để giải quyết cho xong món nợ đó. Có điều là tôi không tới được tận chân tháp. Ngày hôm đó, cố lắm tôi cũng không mấy ấn tượng – rồi về khách sạn với ý nghĩ một hôm nào đó sẽ quay lại leo lên đỉnh tháp như tất cả những người đến Paris vẫn làm.

Nhưng đấy chính là vấn đề. Quá nhiều thứ chúng ta làm trong đời chỉ vì tất cả mọi người đều làm chứ không phải vì chúng ta thực sự muốn. Dường như con người không bao giờ biết giá trị thật của một thứ trừ khi họ nhìn xem người khác đối xử với thứ đó như thế nào. Chúng ta lúc nào cũng cuống cuồng, vội vã bon chen bởi vì chúng ta nhìn người khác và so sánh, và thèm muốn, và nhầm cái họ cần với cái mình cần.

Như sáng nay, khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là trời ơi, có quá nhiều thứ cần phải làm ở Paris mà tôi vẫn chưa làm. Tôi cần đi nghe đọc thơ ở Shakespeare & Co, tôi cần đi nghe hòa nhạc Vivaldi ở nhà thờ Eglise, tôi cần đi tới một quán bar chơi nhạc sống, tôi cần đi thuyền trên sông Seine để ngắm thành phố từ dưới sông lên, tôi cần phải tới quận 13 xem người Việt Nam ở Paris sống thế nào, tôi cần tới nhà ngục Bastille, tôi cần phải đi thăm nhà hát opera Paris, tôi cần phải tới kênh đào Martin, tôi cần… tôi cần… Cuối cùng tôi lại hít một hơi và tự nói với mình: “Đây là chuyến đi Paris của mình và không của ai khác, mình sẽ chỉ làm những gì mình muốn. Ừ, dậy muộn thì cũng đã sao? Đã thế, mình sẽ còn ỳ ra bằng cách sẽ đi ăn một bữa sáng tử tế cái đã…”

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm và tôi đã hoàn toàn đánh giá thấp sức mạnh của thói quen. Khi tôi ra khỏi khách sạn lúc 9 giờ, nhìn thấy dòng người du lịch nườm nượp trên phố, ai nấy hớn hở khám phá Paris, sự bon chen lại tóm được tôi và bảo tôi cần phải nhanh lên, ngày sắp hết rồi mà còn bao nhiêu chỗ phải đi. Vậy là tôi đành thỏa hiệp: thay vì một bữa sáng thảnh thơi kiểu Paris ở một tiệm cà phê trên phố, tôi chỉ ăn một cái bánh bao và uống một cốc chocolate nóng ở một tiệm fastfood gần Hôtel de Ville.

Sau khi đấu tranh để gạch đi một số thứ, tôi còn lại một danh sách những chỗ tôi muốn đến và những chỗ tôi không muốn lắm nhưng vì ở gần nơi tôi muốn đến nên tôi cũng sẽ đến. Như bây giờ, lúc hơn 3 giờ, tôi đang ngồi ở một quán phở trên Avenue de Choisy thuộc quận 13 để, chậc, ăn một bát phở Việt Nam giữa lòng nước Pháp. Và chiều tối nay thì sẽ tới tháp Eiffel để xem họ lên đèn.

Trên đường tới đây, tôi nhìn thấy một Paris khác nữa – Paris của những người lao động, Paris của những chung cư khá nhem nhuốc, rất nhiều người da đen và các quán ăn châu Á – nào Thái, nào Tàu, nào Nhật. Chúng gợi cho tôi nghĩ đến khu Nghĩa Đô, Bạch Mai ở Hà Nội vào những năm 1990. Một vẻ khắc khổ và vất vả trùm lên khu vực này, khác hẳn với khu trung tâm Paris.

Phở ở đây không ngon, cũng là kiểu phở đã được Tây hóa; bánh phở thực ra là mì, nước phở có nhiều bột ngọt, thịt bò không tươi. Tôi không nghĩ là tôi có thể ăn hết bát phở này mặc dù rất đói; nhưng tôi sẽ cố gắng ăn càng nhiều càng tốt vì tôi không muốn chủ quán buồn. Anh ấy biết tôi là người Việt Nam vì đã hỏi khi mang thực đơn ra:

“Em là người Việt Nam hả?”

“Vâng.”

“Người Bắc ha.”

Sự vui mừng của anh làm tôi thấy mình có trách nhiệm phải ăn hết bát phở.

5:37: Bây giờ thì tôi đang ngồi ở thảm có phía trước chân tháp Eiffel cùng với rất nhiều người mà tôi đoán là cũng đang chờ tháp lên đèn. Trời lại bắt đầu sầm sì mây xám. Có mấy đôi đang chụp ảnh cưới trước chân tháp và đều là người châu Á. Trông họ thật rạng rỡ và háo hức chuẩn bị cho ngày trọng đại này của mình. Còn quanh chỗ tôi, có rất nhiều người ngồi nói chuyện, ném đĩa, đọc sách và chơi trò chơi. Những chiếc xe buýt đỏ hai tầng chở đầy khách du lịch lượn vòng quanh, và những người hướng dẫn du lịch cầm micro nói oang oang về các kỳ tích và số liệu của tháp Eiffel. Tôi chẳng quan tâm; tôi ngồi ngắm mấy đôi chụp ảnh cưới và những đứa trẻ lẫm chẫm đi một lúc; rồi nằm ra cỏ, ngửa đâu nhìn trời và nghe Chopin từ ipod.

Thế rồi, những hạt mưa bắt đầu lác đác rơi xuống mặt tôi. Lúc này đã là 5:45: Chỉ còn 15 phút nữa là tháp sẽ lên đèn. Xung quan tôi, những ông bố bà mẹ trẻ dẫn con chạy vào trú mưa dưới những tán cây dẻ dọc hai bên bãi cỏ. Mấy đôi chụp ảnh cưới cũng thu dọn máy ảnh, áo váy và đạo cụ để chạy mưa. Chú rể nâng váy cho cô dâu chạy ré vào vì mưa đột ngột nặng hạt. Sau hai phút, cả một bãi cỏ lớn bằng một sân vận động chỉ còn lại tôi và mấy cậu trẻ chơi ném đĩa.

Tôi ngồi dậy mở cái ô đen nhỏ để che lên đầu. Tôi không muốn đi đâu cả. Tôi sẽ ngồi đây chờ đến lúc lên đèn.

Rồi mưa ào xuống và cả bọn trẻ ném đĩa cũng che áo lên đầu, chạy vào trong. Tôi còn lại một mình, ngồi thu lu dưới cái ô nhỏ giữa bãi cỏ rộng, đối diện với tháp Eiffel trong lúc mưa như trút. Cái cảnh ấy hẳn là kỳ cục lắm bởi vì những người ngồi trên các xe du lịch hai tầng bắt đầu chĩa máy ảnh vào tôi mà chụp. Thậm chí cả những người đứng trú mưa dưới những cây dẻ cũng lấy máy ảnh ra chụp.

Tôi vẫn chờ. 5 giờ 57 phút. Mưa rơi ào ào, thành một màn trắng và tháp Eiffel nhạt nhòa trong mưa; khoảng sân lát đá phía trước tháp cũng không một bóng người trong khi dước bốn góc chân tháp, khách du lịch túm tụm như những búi kiến đen nhỏ. Tôi vẫn ngồi. Rồi 5 giờ 58 phút. Rồi 6 giờ.

Đèn không hề sáng. Tháp Eiffel vẫn sừng sững trong mưa, chỉ là một khối sắt mờ mờ, phần đỉnh tháp đang nhòa dần trong bóng tối và mưa xuống. Tôi không hiểu. Tại sao đèn không sáng. Tôi chờ tiếp. Những người đứng trú dưới các bóng dẻ đã bỏ đi và bóng tối đang xuống nhanh. Một lúc sau, cả khu vực quanh tháp đã vắng người. Đến 6 giờ 15, vẫn không thấy có đèn sáng, hẳn là tôi đã có thông tin sai về việc lên đèn của tháp Eiffel nên đã chờ đợi vô ích. Đèn sẽ không bao giờ sáng. Một cái gì đó giống như một sự tỉnh thức bỗng nhiên choán lấy tôi, khiến tôi không đứng lên nổi.

Đèn sẽ không bao giờ sáng, dù tôi có chờ hết đêm.

Tôi ngồi đó không biết bao lâu rồi đứng lên trở về nhà. Có một lúc, tôi không biết là nước mưa bắn vào mặt tôi hay là tôi đã khóc.

Tôi nhớ buổi sáng ngày trước Giáng sinh năm ngoái, Sơn và tôi lại cãi nhau. Sau đó, Sơn lấy xe đi Providence chơi với các bạn của anh. Đến đêm anh cũng không về. Tôi dọn đồ đạc vào trong vali. Tôi quyết định sẽ về Chicago; tôi không thể tiếp tục sống với Sơn nữa. Nhưng hôm đó là Giáng sinh không còn chuyến bay nào, và xe buýt cũng không chạy. Tôi kéo vali ra khách sạn Red Roof Inn ở gần nhà, định chờ đến ngày mai thì sẽ về Chicago.

Nhưng rồi Sơn gọi điện cho tôi.

“Em đang ở đâu?” Anh nói như thể không hề có chuyện gì xảy ra, như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra.

“Em ở Chicago,” tôi nói.

“Đâu mà,” Sơn cười. “Em ở đâu để anh đi đón?”

Cuối cùng thì Sơn đến khách sạn đón tôi về. Hôm đó, vào trong ô tô để về lại nhà, tôi đã khóc và một cái gì đó trong lòng tôi đã sụp xuống, vỡ vụn.

Paris, ngày…

Tôi sẽ không thể viết nhiều hôm nay; tôi bắt đầu ôm ốm rồi. Cũng không có gì nghiêm trọng; đầu chỉ hơi nóng và cổ họng đau. Chắc tôi đã viêm họng do hít nhiều khói thuốc lá và nhiễm lạnh, lại ăn uống thất thường và đi bộ quá nhiều. Đầu tôi hoàn toàn tỉnh táo, tôi vẫn còn muốn đi nữa, nhưng cơ thể tôi đã tạo phản [49].

[49] Sau này tôi mới biết hiện tượng này được gọi là “cúm Paris”, do một loại virus đặc biệt ở Paris gây ra, và hầu như khách du lịch nào tới Paris cũng có thể mắc.

Cách đây năm phút, tôi đã hỏi người bồi bàn của quán cà phê cho một ly nước để uống ba viên Advil, hy vọng là sẽ đỡ sốt. Đêm qua, khi tôi từ tháp Eiffel về, Amy đã đi nhưng có để lại một mẩu giấy trên giường. “Rất vui được biết chị và cảm ơn đã nói chuyện với em về nhiều thứ. Nhớ giữ liên lạc nhé.” Cô ấy viết trên một cái giấy ăn trắng và còn vẽ thêm một cái mặt cười lớn.

Người phụ nữ Canada cũng đã chuyển đi – vậy là tôi không có cơ hội nào để tìm hiểu về người phụ nữ này. Chị ấy làm tôi nghĩ đến cụm từ “góa phụ vui vẻ”.

Đêm qua, chỉ còn lại Tristan và tôi trong phòng; trong khi tôi gai ớn khắp người thì Tristan lại thấy nóng. Tôi đi ngủ với áo khoác và mũ trùm kín đầu, cộng thêm chăn; còn Tristan thì mặc áo hai dây, quần cộc. Sáng ra, khi tỉnh dậy, người nặng nề và váng vất, vậy là tôi nằm đến tận 10 giờ. Tristan đã dậy đóng đồ. Cô đã quên không báo với khách sạn rằng mình muốn ở thêm; vậy là bây giờ phải chuyển đi.

Tôi đang ăn một bữa sáng đơn giản: có bánh mì nướng với mứt dâu, ba quả trứng ốp-la với jambon, một ly sô cô la nóng và một ly nước cam. Tôi không định ăn sớm thế này nhưng vì đang hâm hấp sốt nên tôi muốn ăn và uống thuốc trước khi mọi việc trở nên tệ hơn. Ngày hôm nay tôi sẽ tới nhà hát opera Garner; rồi tùy vào sức khỏe và tùy hứng, có thể tôi sẽ đi đâu đó nữa.

Đang hâm hấp sốt nên tôi muốn ăn và uống thuốc trước khi mọi việc trở nên tệ hơn

Chị Mai mới gửi email, Việt ơi, đi Paris có vui không, nếu có quay lại Ý thì nói với chị nhé. Nhà xuất bản gửi email về việc chỉnh lại bìa cho cuốn truyện ngắn. Đấy là tất cả những kết nối với thế giới cũ của tôi vào những ngày này và thế là đủ. Tôi thấy yên ổn vì không ai có thể chạm tới tôi lúc này và tôi không phải lo lắng về bất cứ điều gì ngoài bản thân tôi – ăn ở đâu, đi chỗ nào, xem gì… những thứ nho nhỏ ấy… vậy thôi, thật tốt. Đêm qua, tôi gửi thư cho Kai và Sarah; chúng tôi sẽ đi ăn tối với nhau trước khi tôi rời Paris.

Tôi đã không có dáng đi của một khách du lịch nữa, cũng không chĩa máy ảnh khắp nơi chụp lấy, chụp để, và không còn ồ à về những tòa nhà và những quán cà phê. Tôi đang chìm dần vào sự thong thả của một người sống ở Paris, thật tốt. Tôi ước sao có thể nhấc hết khách du lịch khỏi Paris (trừ tôi) để trả lại sự bình an thật sâu và chất Paris đậm đặc cho thành phố. Thành phố này quá tuyệt vời để mà bị khách du lịch pha loãng trong nhu cầu giải trí của họ. Paris không bao giờ nên bị buộc phải trở thành nguồn cứu rỗi cho sự buồn tẻ của con người.

Đêm qua, trên đường trở về khách sạn trong một cảm giác âm thầm không tên, tôi đi ngang qua một người ăn xin (một ông già) đang ngồi trên vỉa hè, lười biếng chìa cái cốc ra. Cái cốc của ông ta rỗng không – cũng không dễ hiểu vì ông ấy chìa cái cốc với một vẻ “je ne care pas [50]”. Tôi đã đi qua, nhưng được mấy bước thì quay lại bỏ 1 euro vào cái cốc rỗng. Paris đã cho không tôi quá nhiều, tôi cũng nên trả lại cho Paris một chút ít. Ông già đột nhiên mỉm cười, mắt lấp lánh trong bóng tối; ông ta nói “merci beaucoup” và điều gì đó nữa bằng tiếng Pháp mà tôi không hiểu.

[50] Tôi cóc quan tâm.

Cơn mệt mỏi vẫn đeo đẳng tôi từ sáng. Đến nỗi từ lúc rời quán cà phê Hôtel de Ville đi đến đây, tôi phải dừng lại ba lần để nghỉ: một trong nhà hát opera, một trong Galeries Lafayette, và giờ là lần thứ ba.

Tôi ngồi ở thềm một tòa nhà khóa trái cửa trên đại lộ Haussmann. Bá tước Haussmann là người đã tạo ra rất nhiều thay đổi cho kiến trúc Paris, nhất là các đại lộ lớn ở khu nhà hát opera Garnier này và quanh khu Champs Elysees. Sáu đại lộ lớn hòa vào nhau ở Place de Opera và đường nào cũng ngập người shopping.

Một phụ nữ có bầu đi ngang qua tôi, và tôi đột nhiên nhận ra rằng từ hôm tới Paris, tôi hầu như không nhìn thấy người phụ nữ mang bầu nào trong khi ở Mỹ, họ khắp nơi. Cũng có thể là phụ nữ mang bầu ở Pháp được nghỉ ở nhà lâu hơn, có thể họ không muốn ra ngoài khi mang bầu, mà cũng có thể phụ nữ Pháp không muốn có con. Người Mỹ thì khác. Có lẽ do trào lưu nhiều con gần đây của Hollywood mà cả nước Mỹ bây giờ thi nhau có con sau nhiều thập kỷ lấy việc không có con hoặc ít con như một cách chứng tỏ sự tự do. Ở khắp nơi – hiệu sách, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim, trên đường, những người phụ nữ sắp làm mẹ hãnh diện vác bụng bầu như vác một biểu tượng mới của nữ quyền.

Những người đi lại ở khu vực grand boulevards [51] này trông cũng giống người Mỹ hơn là người Paris. Nghĩa là họ béo. Rất nhiều những cái bụng bự và cách ăn mặc theo lối thực dụng Mỹ: quần bò, áo phông, và giày thể thao. Rất nhiều trung niên và những người trông có vẻ thuộc tầng lớp trung lưu và lao động. Khu Marais và khu Latin trẻ hơn, hip hơn và chic hơn nhiều. Có lẽ vì thế mà Amy đã rất vui khi tìm được nhà ở đó. Sáng sớm nay, cô ấy quay lại khách sạn để tạm biệt tôi, lúc tôi quá buồn ngủ, không cả mở được mắt ra. Amy đập mạnh vào tay tôi đau điếng, “Chị ơi, em tìm được nhà rồi”, nhà Amy ở ngay gần Nhà thờ Đức Bà. Cô ấy thật may mắn.

[51] Khu đại lộ.

Nhà hát opera Garnier đứng sừng sững, tự tin đối mặt với các đại lộ. Trên nóc nhà hát là hai bức tượng vàng mà vì chói nắng và vì mệt, tôi không nhận ra là tượng gì. Tôi chỉ nhớ mang máng bức bên trái trông gần giống tượng Nữ thần Tự Do ở New York. Mặt trước của nhà hát được trang trí bằng rất nhiều tượng theo phong cách Hy Lạp và La Mã… và có một số tên được khắc trên các bức tường. Bach, Percolese, Haydn, Cimarosa, Beethoven, Mozart, Rossini, Spontini, Auber, Meyerbeer, Halévy, vân vân… Những ngày này, nhà hát đang trình diễn Eugène Onéguine, một vở opera của Tchaikovsky, do nhà hát Bolchoї của Matxcơva trình diễn. Tôi mua một vé xem vở diễn vào tối nay.

Những người bán vé ở nhà hát thật kinh khủng; nói chung việc phục vụ ở Paris thật kinh khủng – và đây có lẽ là phàn nàn lớn nhất của tôi về Paris. Có một hàng dài người chờ mua vé nhưng chỉ có duy nhất một người bán; ở Mỹ mà thế này thì họ phải lập tức đi huy động người ra phục vụ, kể cả giám đốc, lao công nếu cần. Chờ một lúc mà hàng người chỉ chậm chạp nhích lên và anh chàng bán vé thì làm việc một cách lười biếng, tôi đi tới quầy hỏi xem liệu anh ta có thể gọi thêm người bán vé không; anh ta nhìn tôi với cái nhìn “Cô nghĩ cô là ai mà dám yêu cầu?”; chắc anh ta không thường xuyên nhận được yêu cầu như vậy. Tôi hoàn toàn có thể nói “Tôi là khách hàng của anh chứ còn ai nữa” và nghĩa của câu này quá rõ ràng ở Mỹ hay ở Đức. Nhưng ở Paris, có vẻ như chữ “Khách hàng” chẳng có nghĩa gì cả, thậm chí còn là một dạng tội nợ cho những người bán hàng. Lúc cố gắng đặt khách sạn cho chuyến đi này, tôi đã được nếm thử cái địa vị tội nợ của mình, nhưng tới Paris, điều đó trở nên rõ ràng hơn.

Bây giờ là 7:20 trong nhà hát opera Garnier. Mười phút nữa vở opera Eugène Onéguine của Tchaikovsky sẽ bắt đầu. Dàn nhạc đang lên dây và khán phòng vẫn tấp nập người ra người vào. Một người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đã phải cãi lộn với anh chàng phục vụ người Pháp để có thể vào được chỗ ngồi của mình. Rõ ràng là cô gái có nhiệm vụ mở cái box này cho chúng tôi đang tập việc ngày đầu tiên và không hề biết mình phải làm gì… vậy là cô ấy luôn biến mất ở đâu đó trong khi chúng tôi phải chờ mười lăm phút bên ngoài box đã khóa cửa. Suốt mười lăm phút đó, một anh chàng phục vụ đứng nhởn nhơ; nhưng khi chúng tôi hỏi liệu anh ta có thể giúp mở cửa box thì anh ta từ chối với lý do việc của anh ta là trông nom cái box của anh ta chứ không phải là giúp đồng nghiệp ở box bên cạnh. Cả người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đều nổi giận – tôi đoán chị ấy cũng đã phải chịu đựng quá đủ cái cung cách phục vụ khách hàng của người Pháp – nên cả hai chúng tôi gần như đồng thanh kêu lên bằng tiếng Anh:

“Tại sao anh lại bất lịch sự đến như vậy?”

“Tại sao anh lại có thể vô trách nhiệm thế?”

Anh ta chắc chắn hiểu chúng tôi nói gì, nhưng anh ta cứ giả vờ “What? What?” Người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ nói “Chúng tôi là khách hàng của anh, cô ấy thì là đồng nghiệp của anh, chúng tôi thì chờ ở đây mười lăm phút rồi, anh thì đứng chơi không, cô ấy thì chạy đôn chạy đáo, thế mà chúng tôi yêu cầu anh giúp đỡ thì anh lại bảo không, thế là thế nào, tại sao anh lại vô trách nhiệm thế? Tại sao anh lại bất lịch sự thế hả?”. Anh chàng sợ quá lảng ra chỗ khác rồi biến mất. Vài phút sau, cô gái kia xuất hiện và anh ta chạy tót lại, thì thầm gì đó vào tai cô gái. Cô gái lập tức chạy đến box chúng tôi để mở cửa và luôn miệng xin lỗi.

Người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tên là Laura, chị là người thiết kế quần áo trẻ em và đang làm việc mấy tháng ở Paris. Chị nói đã tới Việt Nam vài tháng rồi và trẻ con Việt Nam xinh nhất thế giới. Tôi hỏi chị đến Việt Nam làm gì, chị ấy bảo chị muốn đến thì đến thôi; như lần này, chị cũng sang Paris chỉ để xem, để biết, và để thiết kế…

Có thể là tôi sẽ đến Paris sống một năm và viết. Sao lại không chứ? Carrie, người bạn cùng phòng mới của tôi, đang làm vậy. Mà hình như tôi chưa nhắc đến Carrie.

Chiều này, khi về lại khách sạn, tôi thấy một cô gái đang nằm ngả ngớn trên giường tôi, quần áo, sách du lịch và bản đồ bày đầy xung quanh như một pháo đài nhỏ.

“Ê, bạn đang ở trên giường tôi,” tôi kêu lên.

“Thế sao?” cô gái nói giọng Mỹ, vẻ thách thức “Bạn ở cái giường này từ bao giờ?”

“Suốt bốn đêm vừa rồi.”

“Ồ, nhưng mà tôi thấy giường nào cũng trống; tôi tưởng ai vào trước lấy giường nào thì lấy chứ.”

Rõ ràng là cô ấy không tin tôi và cũng không có ý định trả giường cho tôi.

“Bạn không hiểu rồi. Ngày nào họ cũng thay ga trải giường cho nên họ yêu cầu phải bỏ hết đồ ra khỏi giường vào buổi sáng để họ vào thay ga. Mà họ cũng không cho bạn ở trong phòng từ 12 giờ đến 3 giờ chiều để họ còn thay đồ. Thế nên các giường đều trống.”

“Ồ thế à, tôi xin lỗi.”

Cô ấy nói xin lỗi nhưng trông chẳng có vẻ gì là hối lỗi. Đây có lẽ là một cô gái Mỹ ở bờ Đông. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cô ấy nói là người New York.

Sau màn đụng độ này, Carrie nhanh chóng tự giới thiệu và thực ra rất dễ thương bên trong cái vỏ bặm trợn đó. Carrie hai mươi hai tuổi, người Boston, vừa tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn và đến Paris chỉ vì cô muốn chuyển đến đây sống khoảng một năm. “Em muốn đến Paris, chỉ thế thôi, cứ đến đây rồi tính tiếp,” cô ấy nói. Carrie đã phục vụ ở các quán bar trong suốt bốn năm đại học và định sẽ kiếm việc tương tự để sống ở Paris trong năm tới. Lần đi này, Carrie sẽ tìm nhà và chuyển vào luôn. Cô ấy đã mang theo cả đống va li đồ đạc hiện đang ở trong phòng để đổ. Ngày kia, cô ấy sẽ đi xem mấy căn hộ để thuê.

“Tại sao em muốn đến sống ở Paris?”

“Vì em là nhà văn,” Carrie nói. “Em muốn đến Paris để viết.”

Carrie dĩ nhiên không phải người đầu tiên có ý nghĩ này. Cả một thế hệ Hemingway, Fitzgerald, Gertrude Stein, James Joyce, Ezra Pound, T.S. Eliot, John Dos Passos vân vân… đã đến đây và lập nghiệp ở đây. Thế hệ sau này có Henry Miller, James Baldwin và nhiều người khác. Chưa kể các họa sĩ như Picasso, Salvador Dali…

“Em đang viết gì?” Tôi hỏi.

“Em đang viết lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ đại. Đại loại là lấy cốt truyện cổ đại đó nhưng lại viết theo nội dung hiện đại. Fuck, viết văn khó thật, chị nhỉ.”

“Dĩ nhiên rồi, viết văn is fucking khó,” tôi nói rồi trèo lên cái giường mới của mình và ngủ mê mệt, đến 6 giờ tối thì dậy, ra metro đi tới nhà hát. Lần đầu tiên kể từ hôm đến Paris, tôi đã lên nhầm tàu. Có lẽ sự ốm mệt đã làm tôi không còn đủ tỉnh táo. Paris bắt đầu có cảm giác của một màn sương mờ bồng bềnh mà tôi có thể tan biến vào trong bất cứ lúc nào.

Nhưng bây giờ, buổi diễn đã bắt đầu rồi. Họ đã bắt đầu kéo màn và đèn đã tắt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.