LIÊU TRAI CHÍ DỊ
Chương 028 : Liên Hương
Tang sinh tên Hiểu tự Tử Minh là người huyện Nghi Châu (tỉnh Sơn Đông), mồ côi từ nhỏ, dạy học ở phố Hồng Hoa. Sinh là người lặng lẽ yên phận, mỗi ngày hai lần qua nhà láng giềng ăn cơm, ngoài ra chỉ ngồi lì ở nhà mà thôi. Người bạn nhà láng giềng tình cờ ghé chơi, đùa nói “Ông ở một mình mà không sợ hồ quỷ à?”. Tang cười đáp “Trượng phu sợ gì hồ quỷ. Con đực tới thì ta có gươm sắc, con cái tới thì sẽ mở cửa mời vào”.
Bạn về bàn với người quen, cho một kỹ nữ bắc thang trèo qua tường gõ cửa. Sinh nhìn ra hỏi là ai, người kỹ nữ tự xưng là ma. Sinh sợ quá run cầm cập, người kỹ nữ quanh quẩn một lúc rồi bỏ đi. Sáng sớm người bạn nhà láng giềng tới, sinh kể lại rồi nói muốn về quê, bạn vỗ tay cười hỏi “Sao không mở cửa mời vào?”. Sinh sực hiểu là giả nên lại ở yên như cũ.
Được nửa năm có cô gái đang đêm tới gõ cửa, sinh cho là bạn lại trêu ghẹo liền mở cửa mời vào, thì là một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, kinh ngạc hỏi từ đâu tới. Cô gái đáp “Thiếp là Liên Hương, kỹ nữ bên xóm tây”. Nguyên trên phố vốn có nhiều thanh lâu nên sinh tin là thật, bèn tắt đèn lên giường, yêu đương cực kỳ âu yếm. Từ đó cứ năm ba ngày nàng lại tới một lần.
Một đêm sinh đang ngồi một mình nghĩ ngợi thì có một thiếu nữ lãng đãng bước vào Sinh cho là Liên Hương nên bước ra chào hỏi, nhưng nhìn mặt thì không phải, thấy khoảng mười lăm mười sáu tuổi, tay áo tha thướt, mái tóc buông rủ, dáng vẻ phong nhã xinh đẹp, bước chân nửa như muốn tới nửa như muốn lui, sinh hết sức kinh ngạc, ngờ là hồ. Nàng nói “Thiếp là con nhà lương dân, họ Lý, hâm mộ chàng cao nhã, mong được đoái tuởng”. Sinh mừng rỡ cầm tay nàng, thấy lạnh như băng liền hỏi sao lạnh thế, nàng đáp “Tấm thân yếu đuối đơn hàn lại dầm sương đêm làm sao không lạnh”. Kế cởi bỏ quần áo thì rõ ràng còn là xử nữ. Nàng nói “Thiếp vì tình duyên mà tấm thân nhỏ nhoi này một sớm không giữ được nữa, nếu chàng không chê là xấu xí hèn hạ thì xin được thường hầu hạ chăn gối. Trong nhà chàng không có ai khác chứ?”. Sinh đáp “Không có ai khác, chỉ có một kỹ nữ ở cạnh đây nhưng cũng không tới thường” Cô gái nói “Thế thì phải tránh mặt, thiếp không thể ví như hạng kỹ nữ. Xin chàng giữ kín đừng tiết lộ, cứ cô ta tới thì thiếp đi, cô ta đi thì thiếp tới là được”.
Khi gà gáy nàng muốn ra đi, tặng sinh một chiếc giày thêu, nói “Đây là vật thiếp mang dưới chân, mân mê cũng đủ bớt nhớ nhung, nhưng có người khác thì cẩn thận đừng lấy ra”. Sinh cầm xem thấy cong cong nhỏ tí, trong lòng rất thích. Qua đêm sau nhân lúc vắng người lấy ra ngắm nghía vuốt ve, chợt cô gái lãng đãng bước vào, lại cùng nhau ân ái. Từ đó cứ lúc nào sinh đem chiếc giày ra là cô gái theo lòng mong mỏi tới lập tức. Sinh lấy làm lạ gạn hỏi thì nàng cười đáp “Ngẫu nhiên đúng lúc thôi”.
Một đêm Liên Hương tới, sửng sốt nói “Thần sắc chàng sao tiều tụy thế?”, sinh đáp là không biết. Liên Hương bèn từ biệt, hẹn mười ngày nữa sẽ tới. Sau khi Liên đi đêm nào Lý cũng tới, thường hỏi “Tình nương của chàng sao lâu quá không thấy tới?” sinh bèn nói lại lời hẹn. Lý cười hỏi “Chàng thấy thiếp với Liên Hương ai đẹp hơn?”. Sinh đáp “Có thể nói cả hai đều rất đẹp, nhưng nàng Liên Hương thì da thịt ấm áp hơn”. Lý biến sắc nói “Chàng nói hai người cùng đẹp chỉ là chiều lòng thiếp thôi. Chắc cô ta là người tiên trên Nguyệt điện, thiếp không bằng được”. Vì thế không vui, nhân tính lại đã hết kỳ hạn mười ngày bèn dặn sinh giữ kín để nàng nhìn lén xem sao.
Đêm sau quả Liên Hương tới, nói cười rất vui vẻ, đến lúc đi ngủ hoảng sợ nói “Chết rồi, mười ngày không gặp nhau sao chàng thêm suy yếu thế này, có gặp gỡ ai phải không?” Sinh hỏi sao biết, nàng đáp “Thiếp theo thần khí của chàng mà nghiệm thôi. Mạch yếu ớt như tơ rối, đúng là bệnh ma làm”. Đêm sau Lý tới, sinh hỏi thấy Liên Hương ra sao, nàng đáp “Đẹp lắm. Thiếp vốn ngờ trên đời không có ai đẹp tới mức ấy, đúng là hồ. Khi cô ta đi ra, thiếp theo sau tới tận hang ở Nam Sơn”. Sinh nghi là Lý ghen nên chỉ ậm ừ, cách một đêm nữa đùa nói với Liên Hương “Ta vốn không tin đâu, nhưng có kẻ nói nàng là hồ đấy”. Liên Hương hỏi ai nói thế, sinh cười đáp “Ta nói đùa thôi”. Liên Hương nói “Hồ thì khác người chỗ nào?” sinh nói “Người mà bị hồ mê hoặc bệnh nặng quá thì chết, nên rất đáng sợ”. Liên nói “Không phải thế, như tuổi chàng thì ba ngày sau khi ăn nằm với đàn bà tinh khí sẽ phục hồi, cho dù với hồ cũng có gì hại. Còn nếu đêm nào cũng truy hoan thì người còn hại hơn hồ nhiều. Chẳng lẽ những con ma ho lao, cái xác mòn mỏi trong thiên hạ đều ngu xuẩn chết vì hồ cả à? Tuy nhiên ắt có kẻ bình phẩm về ta rồi đây”. Sinh cố phân trần là không có ai cả nhưng Liên càng ra sức gạn hỏi, sinh bất đắc dĩ phải nói thật. Liên nói “Thiếp vẫn lấy làm lạ là sao chàng suy yếu, mà sao lại mau lẹ đến thế? Hay cô ta không phải là người chăng?”. Chàng cũng đừng nói gì, tối mai thiếp sẽ làm đúng như cô ta lén nhìn thiếp hôm trước vậy”
Đêm ấy Lý tới, vừa nói vài câu chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng ho hắng, vội vàng bỏ đi. Liên vào nói “Thôi chàng nguy rồi. Cô ta đúng là ma, nếu chàng còn mê sắc đẹp không dứt tình ngay đi thì đường xuống âm ty gần lắm”. Sinh nghĩ nàng ghen nên im lặng không đáp. Liên lại nói “Thiếp biết ngay rằng chàng không thể dứt tình, nhưng không nỡ ngồi nhìn chàng chết, ngày mai sẽ đem thuốc tới đây để trừ âm độc cho chàng. Cũng may là gốc bệnh còn cạn, trong mười ngày sẽ khỏi, xin nằm chung giường để săn sóc đến tới khi khỏi hẳn”.
Đêm sau quả nàng đem thuốc tới sắc cho sinh uống, phút chốc đi ngoài hai ba lần, thấy ruột gan mát mẻ, tinh thần sảng khoái, trong lòng rất biết ơn nàng nhưng rốt lại vẫn không tin mình bị ma làm. Liên cứ đêm đêm ngủ chung để chăm sóc, sinh muốn giao hoan thì nàng không chịu. Mấy hôm sau sinh khỏe lại rồi, nàng từ giã dặn đi dặn lại là phải dứt tình với Lý, sinh giả vâng dạ. Kế đóng cửa khêu đèn, lại đem chiếc giày ra vuốt ve mơ tưởng. Lý chợt tới, vì xa cách mấy ngày nên có nét hờn giận. Sinh nói “Cô ta suốt mấy đêm liền lo thuốc men cho ta, xin đừng giận dỗi, thương yêu là ở ta thôi”, Lý mới hơi nguôi. Khi cùng nằm chung, sinh nói nhỏ “Ta rất yêu nàng, nhưng có kẻ nói nàng là ma đấy”. Lý đớ lưỡi hồi lâu rồi mắng “Chắc là con chồn dâm dục nói bậy với chàng rồi. Nếu chàng không dứt tình với nó thì thiếp không tới nữa đâu, rồi khóc hu hu, sinh khuyên giải đủ cách mới nín.
Đêm sau Liên Hương tới, biết Lý lại ghé liền nổi giận nói “Chàng nhất định chết phải không?”. Sinh cười đáp “Sao nàng ghen với cô ta quá thế?” Liên càng tức giận, nói “Chàng gieo mầm chết, thiếp đã trừ cho, không ghen mà được à?”. Sinh đặt chuyện để đùa, nói “Cô ta nói hôm trước ta bị bệnh là do hồ gây ra đấy”. Liên bèn than “Nếu như lời chàng nói thì chàng say đắm không tỉnh, vạn nhất có bề gì thì dẫu thiếp có trăm miệng cũng làm sao phân trần cho được? Vậy xin giã biệt từ đây sau trăm ngày sẽ xem chàng nằm liệt giường”. Sinh cố giữ lại không được, nàng phẩy tay đi thẳng.
Từ đó đến đêm là Lý tới khoảng hơn hai tháng thì sinh thấy mỏi mệt quá, lúc đầu còn tự an ủi nhưng ngày càng kiệt sức, chỉ uống được một chén nước cháo. Muốn về quê dưỡng bệnh mà còn bịn rịn với Lý không nỡ đi ngay, cứ thế thêm vài ngày thì bệnh nặng không sao dậy nổi. Người bạn láng giềng thấy sinh yếu quá, ngày ngày sai học trò trong trường lo lắng cơm nước cho. Sinh lúc ấy mới nghi ngờ Lý, nhân nói với Lý rằng “Ta hối hận không nghe lời Liên Hương nên mới tới nông nỗi này”. Nói xong thì ngất đi, giây lát mới tỉnh, giương mắt nhìn quanh thì Lý đã bỏ đi rồi, từ đó bặt tăm luôn. Sinh nằm một mình trong căn nhà vắng, mong đợi Liên Hương như nhà nông chờ ngày lúa chín vậy.
Một hôm đang tơ tưởng chợt có người vén rèm bước vào, thì ra là Liên Hương. Nàng tới cạnh giường, nhếch mép cười nói “Anh nhà quê, ta nói có sai đâu?”. Sinh nghẹn ngào hồi lâu, tự nói đã biết tội, chỉ xin cứu cho. Liên nói “Bệnh chàng đã vào sâu trong tim phổi, thật không có cách gì cứu được, ta ghé qua để cùng chàng vĩnh biệt cho rõ là không phải ghen tuông thôi”. Sinh vô cùng đau xót, nói “Dưới gối có một vật, phiền nàng xé nát giùm”. Liên tìm được chiếc giày, đem ra trước đèn xoay trở ngắm nghía. Lý chợt bước vào, vừa thấy Liên Hương vội quay ra định chạy. Liên đứng chặn ngang cửa, Lý cùng đường không biết chạy đâu. Sinh trách mắng kể tội, Lý không sao đáp được. Liên cười nói “Thiếp nay mới được giáp mặt chị để đối chất. Hôm trước chị nói lang quân mắc bệnh chưa chắc không phải là thiếp gây ra, bây giờ thì sao?”. Lý cúi đầu tạ tội, Liên nói “Trông xinh đẹp như thế mà đem tình yêu kết oán cừu sao?”. Lý nằm phục xuống đất khóc nức nở, xin thương tình cứu giúp.
Liên đỡ dậy hỏi lai lịch, nàng nói “Thiếp là con Lý Thông phán, tuổi nhỏ chết non, chôn ngoài tường này. Tằm xuân đã chết mà mối tơ chưa dứt, gắn bó với chàng là điều thiếp mong mỏi, chứ thật lòng đâu muốn làm cho chàng chết”. Liên hỏi “Nghe nói ma hay làm cho người chết để có thể gặp nhau thường phải không?” Lý đáp “Không phải thế. Hai con ma gặp nhau thì không có gì chút sung sướng, nếu sung sướng thì há dưới suối vàng lại thiếu kẻ trai tráng sao!”. Liên nói “Ngốc thật, cứ đêm đêm hành dâm thì với người cũng không chịu nổi, huống chi là với ma”. Lý hỏi hồ cũng hiếu dâm làm chết người chứ đâu riêng gì ma, Liên đáp “Đó là bọn hút tinh khí tu luyện nhưng thiếp không phải loại ấy. Cho nên ở đời có loại hồ không hại người, nhưng quyết không có loại ma nào không hại người, vì âm khí nặng nề vậy”.
Sinh nghe nói chuyện mới biết hai người đúng là hồ và ma, nhưng vì gần gũi đã quen nên cũng không sợ hãi, song nghĩ mình hơi thở chỉ còn như sợi tơ bất giác đau lòng khóc lớn. Liên nhìn lại hỏi định xử sự với lang quân thế nào, Lý ấp úng từ tạ. Liên cười nói “Chỉ e lang quân khỏe rồi nương tử lại ghen với ta?”. Lý khép nép nói “Nếu chị có tài thần y giúp thiếp khỏi mang tội với lang quân thì thiếp phải úp mặt xuống đất chứ đâu còn dám nhìn thiên hạ nữa!”. Liên mở túi lấy thuốc ra nói “Thiếp đã biết trước là sẽ có hôm nay nên sau khi từ giã liền đi hái thuốc khắp các núi, suốt ba tháng mới đủ dược vị, dù bệnh nặng gần chết uống vào cũng khỏi. Nhưng vì đâu mà mắc bệnh thì phải lấy đó dẫn thuốc, nên không thể không nhờ nàng ra sức”.
Lý hỏi cần giúp gì, Liên đáp “Chỉ cần một ít nước bọt từ môi son thôi. Ta sẽ đặt hoàn thuốc lên miệng chàng, phiền nàng kề môi nhổ nước bọt đưa thuốc xuống”. Lý đỏ bừng cả mặt, cúi đầu quay qua ngó chiếc giày Liên hỏi “Em chỉ có chiếc giày là đắc ý thôi sao?”. Lý càng thẹn, nhìn quanh như không còn mặt mũi nào, Liên nói “Đó là ngón thường ngày đã quen nay sao lại tiếc?”, kế lấy thuốc đặt lên môi sinh rồi quay qua giục Lý. Lý bất đắc dĩ phải làm, Liên bảo nhổ thêm lần nữa, Lý lại làm theo, ba bốn lần thì hoàn thuốc trôi xuống cổ họng sinh. Giây lát trong bụng sinh có tiếng ùng ục như sấm, Liên cho uống một hoàn nữa, tự mình kề môi tiếp hơi cho sinh nuốt. Sinh thấy đan điền nóng ran, tinh thần phấn chấn, Liên nói “Khỏi rồi”.
Lý nghe gà gáy vội vàng từ giã.
Liên vì sinh vừa khỏi bệnh còn cần chăm sóc, qua láng giềng ăn cơm thì không tiện bèn đóng cổng lại khóa ngoài, giả làm ra vẻ như sinh về quê để tuyệt hết bạn bè, ngày đêm ở cạnh chăm sóc cho sinh. Lý thì đến đêm là tới, lo cơm nước rất ân cần, thờ Liên như chị, Liên cũng rất thương yêu. Được ba tháng thì sinh khỏe mạnh như cũ, Lý bèn vài đêm mới tới. Ngẫu nhiên ghé qua thì chỉ nhìn qua sinh rồi đi ngay, lúc ngồi với nhau cũng thường rầu rầu không vui. Liên thường giữ lại ngủ chung nhưng nhất định không chịu, sinh đuổi theo bế về, thấy thân thể nhẹ bổng như hình nộm. Lý không trốn được bèn để nguyên áo nằm yên, co ro còn không đầy hai thước, Liên càng thêm thương xót, lén bảo sinh ôm ấp vuốt ve nhưng lay gọi mấy cũng không tỉnh. Sinh thiếp đi, khi tỉnh dậy sờ xem thì nàng đã biến mất.
Hơn mười ngày sau Lý không tới nữa, sinh nhớ nhung tha thiết cứ đem chiếc giày ra mân mê. Liên than “Người yểu điệu như thế thiếp nhìn thấy cũng thương, huống gì là đàn ông”. Sinh nói “Trước đây cứ mân mê chiếc giày là lập tức nàng tới, ta vẫn ngờ vực nhưng không ngờ nàng là ma. Nay thấy vật nhớ người, thật rất thương xót” rồi sa nước mắt.
Nguyên là nhà giàu họ Chương có con gái tên Yến Nhi, mười lăm tuổi thì bị bệnh tắc mồ hôi chết, qua đêm lại sống lại, trở dậy nhìn ngó rồi định chạy, Chương đóng chặt cửu không cho chạy ra. Cô gái nói “Ta là hồn con gái Lý Thông phán, cảm tình Tang quân thương yêu, giày ta còn để ở nhà chàng. Thật ra ta là ma thôi, ngăn cấm ta làm gì” Chương nghe lời nói có duyên do liền hỏi vì sao tới đây cô gái cúi xuống ngẩng lên cũng mịt mờ không tự hiểu. Có người nói Tang sinh bị ốm đã về quê rồi, nàng cố cãi là bịa đặt, người nhà nghe thế rất nghi ngờ. Người bạn láng giềng của sinh nghe chuyện bèn trèo tường vào nhìn, thấy sinh đang ngồi trò chuyện với một mỹ nhân liền xô cửa xông vào, đang lúc ầm ĩ thì mỹ nhân đã biến mất. Bạn hoảng sợ gạn hỏi, sinh cười nói “Lúc trước ta đã nói với ông rồi, con cái tới thì sẽ mời vào mà”.
Bạn kể lại lời Yến Nhi, sinh muốn ra ngoài tới nhà họ Chương dò la nhưng khổ nỗi không có cớ. Bà Chương nghe tin quả sinh chưa về quê càng lấy làm lạ bèn sai mụ ở tới đòi chiếc giày, sinh liền đưa ra. Yến Nhi được giày rất mừng nhưng mang thử thì nhỏ hơn chân một tấc, cả sợ cầm gương soi bỗng sực hiểu ra là mình mượn xác để sống lại, nhân kể rõ lại mọi việc, bà Chương lúc ấy mới tin. Cô gái soi gương khóc lớn, nói “Mặt mũi ngày trước thấy rất tự tin mà mỗi khi gặp chị Liên còn xấu hổ, giờ đây thành ra thế này thì cứ làm ma còn hơn?”. Rồi cầm chiếc giày kêu khóc không ai khuyên dỗ được, kế trùm chăn nằm yên, mang cơm tới cũng không ăn, toàn thân sưng phù. Bảy ngày liền không ăn uống mà không chết, dần dần hết phù, thấy đói quá không chịu nổi bèn ăn uống trở lại. Vài hôm sau toàn thân ngứa ngáy, da cũ lột hết, sáng ra mang giày thấy rơi ra mới so lại thì giày lớn quá, lại thử chiếc giày cũ thấy vừa khít. Mừng quá soi gương thì mặt mũi mày mắt giống hệt lúc trước, càng mừng rỡ liền rửa mặt chải đầu tới gặp mẹ, ai thấy cũng ngạc nhiên.
Liên Hương nghe chuyện lạ bèn khuyên sinh nhờ người mai mối dạm hỏi, nhưng sinh vì giàu nghèo xa cách nên chưa dám làm ngay. Vừa gặp dịp sinh nhật bà mẹ Yến Nhi, sinh theo bọn con cháu dâu rể tới chúc thọ. Bà thấy có tên sinh bèn bảo Yến Nhi đứng sau rèm nhận mặt. Sinh vào sau cùng, nàng sấn ra kéo áo đòi theo về nhà, mẹ quát mắng mới xấu hổ trở vào. Sinh nhìn kỹ rõ ràng là Lý, bất giác động lòng rơi lệ lạy phục xuống đất không đứng dậy, bà không cho là khinh mạn, bước ra đỡ lên. Sinh về năn nỉ ông cậu làm mối, bà Chương bàn cho sinh ở rể. Sinh về kể lại cho Liên Hương và bàn chuyện sính lễ. Liên buồn bã hồi lâu rồi từ biệt đi. Sinh hoảng sợ khóc lóc, Liên nói “Chàng làm đám cưới ở nhà người ta, thiếp đi theo thì còn mặt mũi nào nữa?”. Sinh bàn trước hết đưa Liên về quê rồi sau sẽ cưới Yến Nhi, Liên nghe theo. Sinh đem tình thật thưa với Chương, Chương nghe nói sinh đã có vợ nổi giận chửi mắng, Yến Nhi hết sức phân trần Chương mới nghe theo.
Đến ngày sinh đi đón dâu, khi đi trong nhà chỉ xếp đặt qua loa nhưng lúc về thì từ cổng tới thềm đều trải nệm, trăm ngàn ngọn đèn lồng sáng rực bày ra như gấm. Liên Hương đỡ cô dâu vào phòng tân hôn, bỏ khăn che mặt ra, hai người thấy nhau vui mừng chuyện trò như ngày trước. Liên Hương mời rượu hợp cẩn rồi gạn hỏi chuyện lạ hoàn hồn. Yến Nhi nói “Hôm ấy uất ức buồn bã, nghĩ mình là ma rất thẹn thùng nên sau khi từ biệt phẫn uất không trở về mồ, theo gió phiêu bạt, thấy người sống nào cũng thèm, ban ngày thì nương tựa cỏ cây, ban đêm thì theo chân vất vưởng. Ngẫu nhiên tới nhà họ Chương, thấy có xác thiếu nữ nằm trên giường liền nhập luôn vào, cũng không biết là được sống lại ngay”.
Liên nghe thế im lặng như có điều suy nghĩ. Hai tháng sau Liên sinh một con trai, sinh xong phát bệnh nặng, ngày càng trầm trọng, cầm tay Yến nói “Dám xin lấy đứa nhỏ làm phiền, con ta cũng như con nàng vậy”. Yến sa nước mắt ân cần an ủi, bàn rước thầy thuốc nhưng Liên cứ chối từ. Bệnh Liên càng nặng, hơi thở thoi thóp, sinh và Yến Nhi đều khóc. Chợt Liên giương mắt nói “Đừng như thế, chàng vui được sống, riêng thiếp vui được chết, nếu có duyên thì mười năm sau lại gặp thôi”, dứt lời thì tắt hơi. Mở chăn ra liệm thấy xác dã biến thành chồn, sinh không nỡ coi là khác loài, chôn cất rất hậu.
Đứa con tên Hồ Nhi, Yến săn sóc như con mình sinh ra, mỗi năm đến tiết Thanh minh đều bế ra mộ Liên khóc lóc. Mấy năm sau sinh đỗ thi hương, nhà cũng dần khá giả, chỉ ngặt nỗi Yến không sinh nở, mà Hồ Nhi thông minh nhưng yếu ớt nhiều bệnh nên Yến thường nghĩ tới việc mua hầu thiếp cho sinh. Một hôm chợt tỳ nữ thưa ngoài cổng có một bà già dắt con gái muốn bán. Yến gọi vào, vừa nhìn đã cả kinh nói “Chị Liên lại ra đời sao?”. Sinh nhìn thấy thấy quả rất giống cũng kinh ngạc, hỏi nàng ta bao nhiêu tuổi, bà già đáp là mười bốn. Hỏi muốn bán giá bao nhiêu, bà nói “Già chỉ có mình nó là con, nếu nó được chỗ yên thân, ta cũng có cơm ăn, sau này nắm xương già không bị ném ra ngoài ngòi rạch là đủ”. Sinh trả nhiều tiền, giữ bà ở lại. Yến cầm tay cô gái dắt vào phòng kín cười hỏi “Ngươi biết ta không?”, nàng đáp không biết. Hỏi tên họ, nàng nói “Thiếp họ Vi, cha làm nghề bán tương ở thành Từ Châu, qua đời đã ba năm”. Yến bấm đốt tay nghĩ lại thì Liên đã chết đúng mười bốn năm, lại nhìn kỹ mặt mũi dáng điệu nàng thấy đều giống hệt Liên bèn đập vào trán nàng gọi “Chị Liên, chị Liên, đã hẹn mười năm gặp lại, xin đừng dối ta!”.
Cô gái chợt như tỉnh mộng, bật kêu lên “ôi!” rồi nhìn Yến Nhi chằm chằm. Sinh cười nói “Đây cũng giống chim én quen nhà về chốn cũ vậy”. Cô gái sa nước mắt nói “Phải rồi. Nghe mẹ nói lại là lúc thiếp vừa sinh ra đã biết nói, nhà cho là điềm bất tường bèn lấy máu chó cho uống nên quên mất tiền duyên, nay thật đúng như vừa tỉnh mộng. Nương tử là dì Lý tủi phận làm ma đó chăng?”, rồi cùng nói chuyện tiền sinh, nửa mừng nửa tủi. Một hôm vào ngày Hàn thục, Yến nói “Hàng năm đến hôm nay là ngày thiếp với lang quân khóc chị”. Rồi cùng nhau tới mộ Liên, thấy cỏ hoang rậm rạp, cây cối đã vừa ôm, cô gái cũng than thở, nói với sinh rằng “Thiếp cùng chị Liên hai đời tình nghĩa, không nỡ xa nhau, nên chôn chung một huyệt”.
Sinh theo lời, bốc mộ Lý lấy cốt đem về hợp táng với di cốt Liên. Bạn bè nghe chuyện lạ mặc quần áo đẹp tới dự lễ hợp táng, không hẹn mà có tới vài trăm người.
Năm Canh tuất ta đi chơi miền nam tới Nghi Châu gặp mưa dầm nghỉ lại nhà trọ, có Lưu Tử Kính là anh em cô cậu đưa cho xem tập Tang sinh truyện do bạn đồng xã là Vương Tử Chương soạn khoảng hơn vạn chữ, ta được đọc hết, đây chỉ tóm tắt ghi lại thôi.
Dị Sử thị nói: Than ôi, người chết thì cầu đưọc sống, kẻ sống lại cầu được chết, cái khó có được trên đời há không phải là thân xác con người sao? Sao có được tấm thân trọn vẹn lại bỏ mặc, đến nỗi thản nhiên mà sống chẳng bằng hồ, lặng lẽ mà chết chẳng bằng ma!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.