LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 017 : Lục Phán



Chu Nhĩ Đán người Lăng Dương (tỉnh An Huy) tự Tiểu Minh, tính hào phóng nhưng tối dạ nên tuy chăm học vẫn không thành danh. Một hôm văn xã hội họp uống rượu, có người đùa nói “Ông có tiếng là hào, nếu đang đêm dám tới đền Diêm Vuơng cõng vị Phán quan ở hành lang bên trái về đây thì mọi người xin mời một bữa rượu”.

Nguyên ở Lăng Dương có đền thờ Diêm Vương, tượng thần đều chạm bằng gỗ, phục sức như sống, hành lang phía đông có tượng Phán quan đứng, mặt xanh râu đỏ trông rất dữ tợn. Có khi đang đêm nghe hai bên hành lang có tiếng tra khảo, ai vào cũng rợn tóc gáy nên mọi người lấy đó thách Chu. Chu cười đứng dậy đi thẳng, không bao lâu ngoài cửa có tiếng gọi lớn “Ta mời tôn sư rậm râu tới đây rồi!”.

Mọi người đứng cả dậy thì thấy Chu cõng tượng Phán quan vào đặt lên bàn, bưng chén mời rượu ba lần. Mọi người nhìn thấy co rúm cả lại trên ghế, lại xin cõng đi. Chu lại rót rượu xuống đất khấn “Đệ tử ngông cuồng thô suất, xin đại tôn sư bỏ qua đừng trách. Nhà tranh không xa đây mấy, lúc nào gặp hứng xin cứ tới lấy rượu uống, mong đừng khách sáo”, rồi cõng pho tượng đi. Hôm sau, mọi người quả mời Chu uống rượu, đến tối Chu ngà ngà về nhà chưa hết hứng lại khêu đèn uống một mình.

Chợt có người vén rèm bước vào, nhìn ra thì là Phán quan. Chu đứng dậy nói “Ôi, chắc ta sắp chết rồi, tối hôm qua ta trót xúc phạm nên hôm nay tới để trừng trị phải không?”. Phán quan vuốt chòm râu rậm cười khẽ, nói “Không phải thế, hôm qua đội ơn ông hẹn mời, đêm nay may được thong thả xin theo lời hẹn của bậc đạt giả”. Chu mừng rỡ kéo áo mời ngồi, tự đi rửa chén khơi lò Phán quan nói “Trời ấm uống rượu lạnh cũng được”, Chu theo lời đem vò rượu đặt lên bàn rồi chạy xuống sai người nhà sửa soạn thức ăn. Vợ nghe thế cả sợ bảo đừng ra, Chu không nghe, đứng đợi thức ăn làm xong rồi bưng ra, nâng chén mời xong mới hỏi tên họ.

Phán quan nói “Ta họ Lục, không có tên tự gì cả”, bàn tới chuyện văn chuơng điển tích thấy ứng đáp trôi chảy. Chu hỏi có biết văn chương kinh nghĩa không, ông ta đáp “Cũng có thể phân biệt được hay dở. Việc học hành ở âm ty đại khái cũng giống trên trần thế”. Lục uống rất hào, mỗi lần nâng chén là uống liên tiếp hàng chục chén, Chu vì đã uống suốt ngày nên bất giác gục xuống bàn ngủ khò, lúc tỉnh dậy thì ngọn đèn còn leo lét mà ông khách ma đã đi.

Từ đó cứ hai ba hôm Lục lại tới chơi, ngày càng thân thiết, có khi nằm gác chân lên nhau mà ngủ. Chu đem văn bài cho Lục xem, Lục lấy son sổ hết, chê là không hay. Một đêm Chu say đi ngủ trước, Lục còn ngồi uống một mình, Chu đang ngủ say chợt thấy tạng phủ hơi đau, mở mắt nhìn thì thấy Lục ngồi trước giường mổ bụng mình lôi ruột gan lên sắp lại, ngạc nhiên hỏi “Vốn không có thù oán, sao lại giết nhau?” Lục cười đáp “Đừng sợ, ta thay cho ông quả tim thông tuệ mà thôi”, rồi ung dung nhét ruột Chu vào khoang bụng, kéo hai mép lại, sau cùng lấy vải bó chân buộc ngang lưng Chu, xong rồi Chu nhìn tới giường không thấy dây vết máu nào, chỉ hơi ngứa ở bụng. Thấy có một khối thịt trên bàn, hỏi thì Lục đáp “Đó là quả tim của ông. Xem văn ông thấy không được hay, biết rằng tim ông có một khiếu không thông, vừa rồi ta chọn được một quả tim tốt trong ngàn muôn quả dưới âm ty để thay cho ông, còn quả này để bù vào đó”, rồi đứng dậy khép cửa đi.

Trời sáng Chu cởi áo xem thì vết rạch đã liền da, chỉ còn như vết chỉ đỏ, từ đó học hành tấn tới, sách vở đọc qua là nhớ không quên. Vài hôm sau đưa văn cho Lục xem, Lục nói “Được rồi, nhưng ông phúc mỏng không hiển đạt lớn được, chỉ đỗ thi hương thôi”. Chu hỏi bao giờ đỗ, Lục đáp “Năm nay ắt đỗ đầu” Không bao lâu Chu thi khảo khóa đứng đầu, kế thi huơng cũng lại đỗ đầu. Các bạn học vốn coi thường Chu, đến lúc đọc bài thi của Chu đều nhìn nhau kinh ngạc, hỏi kỹ mới rõ chuyện lạ, bèn nhờ Chu nói trước để xin làm quen với Lục.

Lục nhận lời, mọi người chuẩn bị tiệc rượu thịnh soạn để đợi, hết canh một thì Lục tới, hàm râu đỏ lay động, mắt sáng quắc như chớp. Mọi người khiếp đảm, răng đánh vào nhau lập cập, dần dần rút lui hết. Chu bèn dẫn Lục về nhà cùng uống rượu, khi đã ngà ngà say Chu nói “Được nhờ ơn lớn rửa ruột thay tim, nay lại có việc muốn làm phiền, không biết được không”. Lục xin cho biết, Chu nói “Đổi được tim ruột thì trộm nghĩ mặt mũi cũng thay được. Vợ ta thì phần thân thể không đến nỗi xấu, duy mặt mũi thì không được đẹp lắm, nếu muốn phiền đến lưỡi dao của ông thì thế nào?”. Lục cười đáp “Được thôi, nhưng để ta tính”.

Qua mấy hôm, nửa đêm Lục tới gọi cửa, Chu vội trở dậy mời vào, thắp đèn lên thấy có bọc một vật trong vạt áo. Hỏi thì Lục đáp “Hôm trước ông dặn kể cũng khó tìm, nhưng vừa may được cái đầu mỹ nhân, xin đem tới để phụng mệnh”. Chu mở ra xem, thấy máu trên cổ còn ướt. Lục giục vào ngay đừng để gà chó kinh động. Chu lo ban đêm vợ đóng cửa phòng nhưng Lục vào đẩy một cái thì cánh cửa mở ra ngay. Chu dẫn vào giường, thấy vợ đang nằm nghiêng mà ngủ, Lục đưa cái đầu cho Chu cầm rồi rút trong giày ra một lưỡi dao sáng loáng như thanh chủy thủ đặt lên cổ vợ Chu dùng sức ấn xuống như bổ dưa, cái đầu theo luỡi dao rơi xuống cạnh gối. Lục vội đỡ cái bọc từ tay Chu, lấy cái đầu mỹ nhân ra gắn lên cổ, ướm cho thật ngay rồi xoa miết cho liền vết, kế đặt gối đỡ vào dưới vai vợ Chu, bảo Chu đem đầu vợ chôn ở nơi sạch sẽ rồi đi. Vợ Chu tỉnh dậy thấy cổ hơi ngứa, sờ thấy vết máu khô sợ quá sai đứa tỳ nữ múc nước rửa mặt, đứa tỳ nữ thấy mặt vợ Chu máu me bê bết cũng phát hoảng, rửa xong nước trong chậu đỏ lòm, ngẩng đầu lên thấy mặt mày khác hẳn lại càng khiếp sợ. Vợ Chu soi gương cũng ngơ ngác không hiểu vì sao, Chu vào kể lại mọi chuyện, nhân nhìn kỹ thì thấy lông mày dài tới gần chân tóc, nụ cười tươi tắn như người trong tranh. Nhìn tới cổ thấy còn một ngấn đỏ vòng quanh, hai phần trên dưới màu da khác hẳn nhau.

Nguyên là quan Thị ngự họ Ngô có người con gái rất xinh đẹp, có hai người hỏi xong chưa kịp cưới đều chết nên mười chín tuổi vẫn chưa có chồng. Nhân tiết Thuợng nguyên nàng đi chơi điện Thập Vương, người đi chơi chen chúc, trong có một tên vô lại thấy nàng xinh đẹp bèn ngầm hỏi nhà cửa. Kế nhân đêm tối bắc thang leo vào, đào ngạch vào phòng ngủ, giết một tỳ nữ nằm dưới giường rồi ép cô gái giao hoan. Cô gái cố sức chống cụ la lớn, y tức giận giết luôn. Ngô phu nhân thoáng nghe tiếng, bảo tỳ nữ tới xem, thấy xác chết sợ mất vía. Cả nhà đều trở dậy, đem xác nàng đặt trên sảnh, để cái đầu bên cạnh khóc lóc ầm ĩ suốt đêm. Đến sáng mở chăn ra thì thân vẫn còn mà đầu thì biến mất, bọn tỳ nử bị đánh đòn suốt lượt vì tội canh giữ bất cẩn để chó ăn mất cái đầu.

Thị ngự trình lên quận, quan ra nghiêm hạn tìm bắt hung thủ, qua ba tháng vẫn không tìm ra được. Dần dần có người đem việc đổi đầu kỳ lạ ở nhà họ Chu kể cho ông Ngô nghe, Ngô ngờ vực sai người vú già tới thăm dò, bà ta vào nhà Chu nhìn thấy phu nhân hoảng sợ chạy về báo với. Ông Ngô thấy xác con gái vẫn còn, kinh nghi không hiểu vì sao, nghĩ là Chu dùng tà thuật giết chết con gái bèn tới cật vấn. Chu nói “Vợ ta nằm mơ thấy đổi đầu, thật cũng không hiểu vì sao, nếu nói là ta giết tiểu thư thì oan lắm”. Ngô không tin bèn kiện lên quan, quan bắt người nhà Chu tra vấn thì họ đều khai như lời Chu nói, quận thú không sao xét xử được.

Chu trở về hỏi kế Lục, Lục nói “Không khó gì, để bảo con gái y tự nói ra”. Ban đêm Ngô mơ thấy con gái về nói “Con bị tên Dương Đại Niên ở Tô Khê giết chứ không can gì tới Hiếu liêm họ Chu, vì ông ta thấy vợ không đẹp nên Phán quan họ Lục lấy đầu con thay vào, thế thì tuy thân con chết mà đầu vẫn sống, xin đừng thù oán họ”. Ngô tỉnh dậy kể cho phu nhân, phu nhân cũng mơ thấy như thế bèn lên thưa với quan. Hỏi ra quả có tên Dương Đại Niên bèn bắt lên tra khảo, y liền nhận tội. Ngô bèn tới nhà Chu xin gặp phu nhân, từ đó coi Chu như con rể rồi đem đầu vợ Chu về chôn với xác con gái.

Chu ba lần vào kinh thi hội nhưng đều phạm trường quy bị đánh rớt, từ đó công danh nguội lạnh, suốt ba mươi năm. Một đêm Lục nói “Ông không còn thọ lâu nữa đâu”, Chu hỏi đến lúc nào, Lục đáp trong năm ngày nữa. Chu hỏi có thể cứu nhau được không, Lục đáp “Đó là mệnh trời, ai mà thiên vị riêng tư được. Vả lại lấy con mắt đạt nhân mà xem thì sống chết cũng như nhau, cần gì phải sống thì vui mà chết thì buồn”.

Chu cho là đúng, liền cho chuẩn bị quần áo quan quách rồi ăn mặc chỉnh tề mà chết. Hôm sau phu nhân đang khóc ở bên quan tài bỗng Chu từ ngoài đi nhanh vào, phu nhân hoảng sợ, Chu nói “Ta đúng là ma nhưng cũng không khác gì lúc sống, nghĩ tới nàng mẹ góa con côi nên quyến luyến thôi”. Phu nhân đau lòng chảy nước mắt ròng ròng, Chu cố gắng an ủi. Phu nhân nói “Xưa có việc hoàn hồn sống lại, chàng đã linh thiêng sao không làm thế”. Chu nói “Số trời không thể trái được”. Phu nhân lại hỏi làm việc gì dưới âm ty, Chu đáp “Phán quan họ Lục tiến cử ta giữ chức đôn đốc việc án, được trao quan tước cũng chẳng có gì khổ”. Phu nhân còn muốn hỏi chuyện thì Chu nói “Ông Lục cùng về với ta, nàng dọn cho mâm rượu”, rồi rảo bước đi ra. Phu nhân theo lời dọn rượu, chỉ nghe nhà ngoài có tiếng cười nói uống rượu, ăn to nói lớn hệt như lúc sống, nửa đêm ra nhìn thì đã đi mất.

Từ đó cứ vài ba ngày Chu lại về một lần, có khi ở lại gần gũi với vợ, chỉ vẽ cho các việc trong nhà. Con trai là Vĩ lúc ấy mới năm tuổi, Chu về là bế ẵm, năm bảy tám tuổi đêm đêm vẫn được cha dạy học cho. Đứa con cũng thông minh, chín tuổi đã biết làm văn, mười lăm tuổi được vào học trường huyện nhưng vẫn không biết mình mồ côi cha. Nhưng từ đó Chu về cũng thưa dần, có khi cả tháng mới về. Một đêm về nói với phu nhân “Từ nay thì cùng nàng vĩnh biệt”. Phu nhân hỏi đi đâu, Chu đáp “Ta được Thuợng đế cho làm Thái Hoa khanh, sắp phải đi xa, việc bận đường xa nên không thể về được nữa”. Hai mẹ con ôm Chu khóc lóc, Chu nói “Đừng thế! Con trai đã khôn lớn, gia sản cũng đủ sống, mà có ai sau trăm tuổi không phải loan phượng chia lìa”, kế nhìn con nói “Con sống đừng làm hư sự nghiệp của cha, mười năm nữa sẽ có lần gặp nhau”, rồi ra cửa đi thẳng, từ đó không về nữa.

Về sau Vĩ hai mươi lăm tuổi thi đỗ Tiến sĩ, làm quan tới chức Hành nhân, phụng mệnh ra tế Tây Nhạc, đường đi ngang qua Hoa âm bỗng có toán xe kiệu cờ lọng rong ruổi xông vào giữa đoàn nghi trượng. Kinh ngạc nhìn kỹ thì người trong xe là cha, bèn xuống ngựa khóc lạy bên đường. Cha dừng xe nói “Con làm quan có tiếng tốt, ta nhắm mắt được rồi!”. Vĩ quỳ rạp không đứng lên, Chu giục xe đi như bay không ngoảnh lại, được mấy bước quay nhìn rồi cởi thanh bội đao sai người cầm lại cho con, từ xa nói “Đeo vào thì sẽ được quý hiển”. Vĩ muốn chạy theo thì thấy xe kiệu người ngựa lướt đi như gió, trong chớp mắt đã mất hút, đau xót hồi lâu. Rút thanh đao ra xem thấy chế tác rất tinh xảo, khắc một hàng chữ “Hành sự cần quả quyết, suy xét cần thận trọng, kiến thức cần đầy đủ, đức hạnh cần trọn vẹn*”.

* Hành sự… tron vẹn: nguyên văn là “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, trí dục phương nhi hạnh dục viên”, vốn là lời của Tôn Tư Mạo thời Đường nói với Lư Chiếu Lân.

Vĩ sau làm quan tới chức Tư mã, sinh năm con trai là Trầm, Tiềm, Vẫn, Hồn, Thâm. Một đêm mơ thấy cha về nói “Thanh bội đao nên cho thằng Hồn”. Vĩ theo lời. Hồn sau làm quan tới chức Tổng đốc, có tiếng về chính tích tốt.

Dị Sử thị nói: Cắt ngắn cổ hạc, nối dài chân le là lời gian dối, nhưng Dời đổi hoa lá, nối thêm gốc rễ thì thật kỳ lạ, huống hồ là việc đem rìu búa mổ gan ruột, lấy dao cưa cắt đầu cổ sao? Như ông Lục có thể nói là người diện mạo xấu xí mà lòng dạ đẹp đẽ vậy Từ cuối thời Minh đến nay năm tháng chưa xa, ông Lục ở Lăng Dương còn không? Không biết có còn linh thiêng không? Ta muốn cầm roi theo hầu, vì rất hâm mộ ông ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.