LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 110 : Thanh Mai



Trình sinh người Bạch Hạ (thuộc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô) tính không không chịu câu thúc. Một hôm từ ngoài về cởi đai áo thấy nặng như có vật gì bám vào, nhìn xuống không thấy gì nhưng vừa ngoảnh đi thì có cô gái sau áo hiện ra, vén tóc mỉm cưỡi, xinh đẹp tuyệt trần. Trình ngờ là ma, cô gái nói “Thiếp không phải là ma mà là hồ”. Trình nói “Đã được giai nhân thì cho dù là ma cũng không sợ, huống chi là hồ” bèn cùng nhau giao hoan. Hai năm sau nàng sinh được đứa con gái, đặt tên là Thanh Mai, thường nói với Trình đừng lấy vợ, ta sẽ sinh con trai cho chàng. Trình tin lời không lấy vợ, thân thích bạn bè đều đàm tiếu, Trình xiêu lòng lại lấy con gái nhà họ Vương ở Hồ Đông. Hồ nghe tin tức giận, tới cho con gái bú rồi giao cho Trình nói “Đây là món hàng phải bù tiền của nhà anh, nuôi sống hay giết chết là tùy anh, việc gì ta phải làm vú em cho người khác?”, rồi ra của đi thẳng.

Thanh Mai lớn lên thông minh, dáng mạo thanh tú giống mẹ. Kế Trình bệnh chết, Vương thị tái giá gửi Thanh Mai cho người chú họ nuôi. Chú phóng đãng vô hạnh, định đem bán để kiếm lợi. Gặp lúc có Tiến sĩ họ Vương còn chờ bổ quan ở nhà, nghe tiếng nàng thông minh, liền bỏ món tiền lớn mua về sai hầu hạ con gái mình là A Hỷ. Hỷ năm ấy mười bốn tuổi, dung nhan tuyệt thế, thấy Thanh Mai thích lắm, cho ngủ chung phòng. Mai cũng khéo hầu hạ, có thể nhìn mặt biết ý chủ nên cả nhà đều thương mến. Trong huyện có Trương sinh tự Giới Thụ, nhà rất nghèo không có của cải gì, thuê nhà Vương ở, tính rất hiếu thuận, cẩn trọng chăm học. Thanh Mai tình cờ sang nhà, thấy sinh ngồi trên bậc thểm đá ăn cháo tấm, vào nhà nói chuyện với bà mẹ thì thấy trên bàn có cái giò heo. Lúc ấy cha sinh ốm, sinh vào đỡ cha đi tiểu, nước tiểu dây bẩn ra áo sinh, cha thấy lấy làm ân hận, sinh vội che vết bẩn ra ngoài tự gột rửa, chỉ sợ cha biết.

Mai thấy thế lạ lắm, về kể rồi nói với cô chủ “Người khách thuê nhà của nhà ta không phải là kẻ tầm thường, nương tử không muốn lấy người chồng xứng đáng thì thôi, còn muốn lấy được người xứng đáng thì đó chính là Trương sinh đấy”. Cô gái sợ cha mẹ chê sinh nghèo, Mai nói “Không phải, việc này là ở nương tử, nếu thấy là được, thiếp sẽ nói riêng để chàng nhờ người làm mối. Phu nhân ắt sẽ gọi nương tử tới hỏi, nương tử chỉ cần vâng dạ là tốt đẹp thôi”. Cô gái lại sợ nghèo hèn suốt đời sẽ bị người ta chê cười, Mai nói “Thiếp dám nói là biết xem tướng kẻ sĩ trong thiên hạ, quyết không lầm đâu”. Hôm sau Mai qua nói chuyện với bà Trương, bà hoảng sợ cho lời ấy là điềm không lành. Mai nói “Tiểu thư nghe nói tới công tử cho là hiền đức, thiếp đã biết ý nên mới nói thế. Người mối tới, hai người chúng ta nói giúp chêm thì việc có thể xong, mà nếu không được thì công tử cũng có gì nhục?”, bà Trương nói “Được rồi”, rồi nhờ bà bán hoa họ Hầu tới nói.

Phu nhân nghe nói phì cười, kể lại với Vương, Vương cũng cười lớn, gọi con gái tới kể lại ý Hầu thị. Cô gái chưa trả lời, Thanh Mai đã ra sức tán tụng Trương sinh hiền đức, đoan chắc là sẽ quý hiển. Phu nhân lại hỏi “Đây là việc trăm năm của con, nếu ăn nổi cháo tấm thì ta sẽ gả ngay”. Cô gái cúi đầu hồi lâu rồi ngoảnh mặt vào vách nói “Giàu nghèo là số, nếu số tốt thì có nghèo cũng không lâu, mà kẻ không nghèo thì không bao giờ tới bước đường cùng. Còn nếu số không tốt thì những bậc vương tôn gấm vóc trở thành không tấc đất cắm dùi có ít đâu? Việc này xin tùy cha mẹ”. Bản ý Vương bàn với con gái là cũng định tìm một trận cười, khi nghe nàng nói thế thì không vui, nói “Ngươi muốn lấy họ Trương sao?” Cô gái không đáp, hỏi lần nữa vẫn không đáp, Trương tức giận nói “Quân này cốt cách bần tiện không khá được, lại muốn xách bị làm vợ thằng ăn mày, sao không biết nhục mà chết đi cho rồi!”. Cô gái đỏ mặt uất ức, rưng rưng nước mắt bước ra, bà mối cũng lủi trốn. Thanh Mai thấy việc không xong, muốn tự làm mối cho mình.

Mấy hôm sau đang đêm qua nhà sinh. Sinh đang đọc sách, giật mình hỏi tới làm gì, thấy nàng ăn nói úp mở liền nghiêm nét mặt từ khước. Mai khóc nói “Thiếp là con nhà tử tế chứ không phải kẻ dâm bôn, thấy chàng hiền đức nên xin theo nương tựa”. Sinh nói “Nàng yêu mà bảo ta là người hiền đức, nhưng đang đêm qua lại thì kẻ tự trọng cũng không làm, huống hồ là người hiền đức ư? Phàm trước tư thông mà sau nên vợ chồng, người quân tử còn cho là không được, huống chi nếu không thể nên vợ chồng thì hai bên sẽ tự đặt mình vào đâu?” Mai hỏi “Vậy nếu vạn nhất mà nên được vợ chồng thì có chịu cưu mang cho nhau không?”. Sinh đáp “Được người như nàng thì còn mong gì hơn, nhưng có ba điều không thể làm sao được nên không dám khinh suất nhận lời”. Mai hỏi “Ba điều gì?”, sinh đáp “Nàng không thể tự chủ thì không thể làm sao được, nếu nàng có thể tự chủ mà cha mẹ ta không bằng lòng thì không thể làm sao được, nếu cha mẹ ta bằng lòng mà thân nàng cao giá, ta nghèo không lo nổi thì càng không biết làm sao được. Thôi nàng về ngay đi, chuyện giàn bầu ruộng dưa* đáng sợ lắm”. Mai sắp đi lại dặn “Nếu chàng có lòng, xin cùng lo toan”, sinh nhận lời.

* Chuyện giàn bầu ruộng dưa: nguyên văn là “qua lý chi hiềm”, lấy ý câu “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan” (Đi ngang ruộng dưa thì đừng xỏ giày, đi ngang giàn bầu thì đừng sửa mũ), thì việc người quân tử thận trọng để tránh bị hiềm nghi.

Mai về, cô gái hỏi đi đâu, bèn quỳ mà tự thú. Cô gái giận là dâm bôn toan đánh đòn, Mai khóc nói không có làm chuyện gì khác nhân kể thật mọi chuyện. Cô gái than “Không đi lại cẩu thả là có lễ phải thưa với cha mẹ là có hiếu, không khinh suất nhận lời là có tín. Có ba đức ấy ắt trời sẽ giúp, không lo gì nghèo đâu”. Kế hỏi “Em định thế nào?” Mai thưa “Làm vợ chàng”. Cô gái cười nói “Con nhãi ngây có thể tự chủ sao?”. Mai nói “Không được thì chỉ còn chết thôi”. Cô gái nói “Ta sẽ làm cho ngươi được như nguyện”, Mai dập đầu lạy tạ.

Lại qua vài hôm, Mai nói với cô gái “Hôm trước là nói đùa hay quả có lòng từ bi thật? Nếu quả thế thì còn chút việc mọn xin rủ lòng thương cho trọn”. Cô gái hỏi việc gì, Mai đáp “Trương sinh không có nhiều tiền cưới vợ mà tiểu tỳ cũng không có sức tự chuộc mình, nếu đòi nhiều tiền thì có chịu gả thiếp cũng như không gả mà thôi”. Cô gái ngẫm nghĩ rồi nói “Việc này thì ta không làm được rồi. Ta nói gả chồng cho ngươi sợ còn chưa được, huống hồ còn nói không đòi tiền chuộc, điều ấy thì đại nhân ắt không nghe, mà ta cũng không dám nói kia”. Thanh Mai nghe thế nước mắt ròng ròng, chỉ xin thương xót cứu vớt. Cô gái nghĩ hồi lâu rồi nói “Thôi vậy, ta có để dành riêng được vài lượng vàng, sẽ dốc túi ra giúp”.

Mai lạy tạ, nhân lén qua nói với Trương. Mẹ Trương cả mừng tìm đủ cách vay mượn được đủ số cất đó chờ tin mừng. Vừa gặp lúc Vương được bổ làm Huyện lệnh Khúc ốc (tỉnh Sơn Tây), Hỷ nhân dịp nói với mẹ “Thanh Mai đã lớn, nay cha sắp phó nhiệm, chẳng bằng cho nó ra”. Phu nhân vốn thấy Thanh Mai khôn ngoan quá, sợ lại rủ rê con gái làm chuyện không hay, thường muốn gả đi mà sợ nàng không bằng lòng, nghe nàng nói thế mừng lắm. Qua hai ngày có người đàn bà làm thuê lên thưa lại ý của họ Trương, Vương cười nói “Nhà ấy chỉ xứng với tỳ nữ nhà ta thôi, lần trước sao càn rỡ thế. Nhưng mua tỳ thiếp nhà quan thì phải trả giá gấp đôi”. Cô gái vội bước lên nói “Thanh Mai hầu hạ con đã lâu, nếu đem bán làm thiếp thì thật không nỡ”. Vương bèn nhắn nhà họ Trương mang đủ số tiền mua ngày trước qua làm giấy tờ rồi gả Thanh Mai cho sinh.

Về tới nhà chồng, nàng hầu hạ cha mẹ chồng rất hiếu thảo, ân cần chăm sóc còn hơn cả sinh, mà làm lụng lại siêng năng, ăn uống cực khổ vẫn vui vẻ, vì thế cả nhà ai cũng yêu kính Thanh Mai. Mai lại làm thêm việc thêu thùa, hàng bán rất chạy, người mua cứ tới chờ ở cửa chỉ sợ không mua được, có thêm ít tiền nên nhà cũng đỡ túng thiếu. Lại thường khuyên chồng đừng lo việc nhà mà bỏ lỡ việc học, mọi chuyện trong nhà tự xin cáng đáng cả. Nhân chủ cũ lên đường phó nhiệm, nàng qua tiễn A Hỷ. Hỷ thấy nàng khóc nói “Em có nơi có chốn rồi, chứ ta thì không biết sẽ ra sao”. Mai đáp “Được thế này là nhờ ai mà dám quên, nhưng xin đừng nói là không bằng tiểu tỳ làm tiểu tỳ giảm thọ”, rồi khóc mà chia tay nhau.

Vương tới đất Tấn nửa năm thì phu nhân chết, quan tài quàn ở trong chùa. Lại hai năm sau Vương vì tham tang bị cách chức, phải bồi thường hàng vạn, dần dần nghèo túng không đủ ăn, đầy tớ đều bỏ trốn. Lúc ấy có trận dịch lớn, Vương mắc bệnh rồi chết, chỉ còn một bà già ở với cô gái, không bao lâu bà già cũng chết, cô gái càng lênh đênh khổ cực. Có bà già láng giềng khuyên đi lấy chồng, nàng nói “Ai chôn cất được cha mẹ sẽ xin theo về. Bà già thương xót cho đấu gạo rồi về, nửa tháng sau lại qua nói “Ta đã hết sức giúp nương tử nhưng việc này khó quá! Người nghèo thì không thể chôn cất cha mẹ cô, kẻ giàu thì chê cô là hậu duệ của gia dình sa sút, biết làm thế nào? Còn có một cách nhưng sợ nương tử không theo được thôi”. Nàng hỏi “Cách gì?” bà đáp “Ở đây có Lý lang muốn lấy vợ lẽ, nếu nhìn thấy dung nhan nương tử thì dù đòi tống táng cha mẹ thật linh đình ắt cũng không tiếc tiền”.

Nàng khóc òa nói “Thiếp là con quan mà phải đi làm lẽ người ta sao?”, bà già im lặng bỏ đi. Kế mỗi ngày nàng chỉ có một bữa cơm, cố sống để chờ người hỏi cưới nhưng được nửa năm thì không sao chi trì được nữa. Một hôm bà già tới, nàng khóc nói “Khốn đốn thế này chỉ muốn tự tử, sở dĩ còn chần chừ sống tạm chỉ vì quan tài cha mẹ còn đó, mình đã phơi xác nơi ngòi rãnh thì ai thu nhặt nắm xương song thân, nên nghĩ lại chăng bằng nghe theo lời bà”. Bà già bèn dẫn Lý tới, vừa thoạt thấy nàng đã rất ưa thích, tức thì bỏ tiền ra lo việc tống táng, hai chiếc quan tài hạ huyệt xong thì đón cô gái về. Vào chào vợ cả, vợ cả vốn dữ tợn hay ghen, lúc đầu Lý chưa dám nói là thiếp, chỉ nói thác là tỳ nữ mới mua. Đến khi gặp nàng vợ Lý đùng đùng nổi giận, đánh đập đuổi ra không cho vào nhà. Cô gái tóc tai rũ rượi, nước mắt giàn giụa, không còn nơi lui tới. Có ni cô già đi ngang thấy thế mời về ở cùng, nàng mừng rỡ theo về.

Vào tới trong am, nàng lạy xin xuống tóc cho, ni cô không cho, nói “Ta thấy nương tử không phải là kẻ chịu kiếp phong trần, trong am chén sành gạo xấu cũng tạm đủ sống, cứ tạm ở lại chờ thời, đến thời cô sẽ tự đi mà”. Không bao lâu, bọn vô lại trong chợ thấy nàng đẹp, cứ tới đập cửa buông lời cợt nhã làm vui, ni cô không ngăn cấm được, nàng gào khóc định tự tử. Ni cô tới xin ông Mỗ ở bộ Lại ra yết thị nghiêm cấm đám thiếu niên vô lại mới hơi nín tiếng. Sau đang đêm có kẻ khoét tường nhà chùa, ni cô hô hoán mới bỏ đi, vì thế lại báo lên quan bộ Lại, bắt được tên cầm đầu đưa tới quận phạt roi mới dần dần được yên. Lại được hơn năm, có vị công tử nhà quyền quý đi qua am, thấy cô gái vô cùng kinh ngạc, ép ni cô dỗ dành nàng, lại đưa nhiều tiền đến đút lót. Ni cô tìm lời dịu ngọt nói “Nàng ta là con nhà trâm anh, không chịu làm lẽ, công tử cứ về, để thong thả chắc chắn ta sẽ làm được theo lệnh”. Lúc công tử đi rồi, cô gái toan uống thuốc độc tự tử, đêm nằm mơ thấy cha tới, buồn thảm nói “Ta không theo ý con khiến con phải tới nông nỗi này, ăn năn đã muộn nhưng con đừng vội chết, ước nguyện cũ vẫn có thể thành mà”, nàng lấy làm lạ.

Sáng ra rửa mặt xong, ni cô nhìn thấy giật mình nói “Nhìn mặt em trọc khí đã tiêu hết, bọn càn rỡ không đáng lo nữa. Phúc sẽ tới, đừng quên già này đấy”, chưa dứt lời thì nghe tiếng gõ cửa, cô gái thất sắc nghĩ ắt là đầy tớ nhà công tử, ni cô ra mở cửa quả đúng. Bọn chúng xúm vào hỏi tính việc thế nào, ni cô ngọt ngào giả lả xin hoãn ba ngày nữa. Chúng nhắn lại lời chủ “Nếu việc không xong thì mụ vãi liệu hồn”, ni cô líu ríu vâng dạ, chúng bèn bỏ đi. Cô gái vô cùng đau xót, lại muốn tự tử, ni cô ngăn lại. Nàng lo ba ngày nữa chúng trở lại không biết trả lời thế nào, ni cô nói “Có lão thân ở đây, chém giết gì cứ để ta chịu cho”.

Hôm sau vừa đến buổi trưa thì mưa như trút nước, chợt nghe có mấy người đập cửa réo gọi ầm ĩ, cô gái nghĩ rằng lại có chuyện, khiếp sợ không biết làm sao. Ni cô đội mưa ra mở cổng, thấy có chiếc kiệu thơm dừng lại, mấy người tỳ nữ đỡ một người đẹp bước ra, đám tùy tùng đều oai vệ, mũ lọng rất lộng lẫy. Ni cô ngạc nhiên hỏi thì họ đáp là gia quyến quan Tư lý tạm vào tránh mưa, bèn đưa vào trong điện dời sập mời ngồi. Bọn tỳ nữ tớ gái túa vào thiền phòng tìm chỗ nghỉ, vào trong thấy cô gái đẹp quá liền chạy ra bẩm với phu nhân. Không bao lâu tạnh mưa, phu nhân đứng lên xin đi xem thiền phòng, ni cô liền đưa vào. Phu nhân nhìn thấy cô gái giật nảy mình nhìn không chớp mắt, nàng cũng nhìn lại hồi lâu, thì ra phu nhân không phải ai khác mà chính là Thanh Mai.

Hai người đều khóc lớn, nhân mới cùng kể lại chuyện đã qua, mới biết Trương ông đã ốm chết, Trương sinh mãn tang xong, liên tiếp đỗ thi hương rồi thi hội, được bổ làm Tư lý, đưa mẹ tới nơi phó nhiệm trước còn gia quyến đi sau. Cô gái than “Hôm nay nhìn nhau sao thấy như một trời một vực?”. Mai cười đáp “May là nương tử gặp bước gian truân chưa lấy chồng, chính vì trời muốn cho chúng ta sum họp đấy thôi. Nếu không bị mưa cản trở thì làm sao có cuộc gặp gỡ này được, bên trong là có quỷ thần chứ không phải sức người làm được đâu”. Bèn lấy mũ ngọc áo gấm ra giục cô gái thay, nàng cúi đầu ngần ngừ, ni cô cũng khuyên nhủ. Cô gái lo cùng ở chung thì danh không được thuận, Mai nói “Danh phận đã có từ trước, tiểu tỳ đâu đám quên ơn lớn, vả lại cứ nghĩ xem Trương lang có phải là kẻ phụ nghĩa đâu?”, rồi ép nàng thay quần áo, từ biệt ni cô ra đi.

Tới nơi, mẹ con Trương đều mừng rỡ, cô gái lạy nói “Ngày nay không mặt mũi nào nhìn mẹ!”. Mẹ cười an ủi, nhân bàn chọn ngày làm lễ hợp cẩn. Cô gái nói “Nếu trong am chỉ còn một đường sống bằng sợi tơ thì cũng không chịu theo phu nhân tới đây đâu, nếu còn nghĩ đến tình cũ, thì xin cất cho một túp lều để đặt tấm bồ đoàn ngồi niệm phật là đủ. Mai cười không nói gì, đến ngày ôm các thứ trang sức lộng lẫy đến, cô gái hai bề không biết tính sao. Giây lát nghe tiếng đàn sáo rộn rã, nàng càng không tự chủ được Mai sai đám tỳ nữ ép nàng mặc áo rồi kéo dìu ra. Thấy sinh mặc triều phục vái lạy, nàng bất giác cũng vái theo. Mai kéo nàng vào động phòng, nói “Để trống chỗ này chờ chị lâu rồi”, kế ngoảnh nhìn sinh nói “Đêm nay được dịp đền ơn phải làm cho tốt đấy”, rồi quay người bước ra.

Cô gái nắm ống quần kéo lại, Mai cười nói “Đừng giữ thiếp lại, chuyện này thì không làm thay nhau được đâu”, rồi gỡ ngón tay cô gái ra bỏ đi. Thanh Mai thờ phụng cô gái rất kính cẩn, không dám giành riêng phần ân ái, mà nàng vẫn thẹn thùng áy náy. Vì vậy mẹ bảo cùng gọi nhau là phu nhân, nhưng Thanh Mai vẫn giữ lễ tỳ thiếp, không dám bê trễ. Ba năm sau Trương được triệu về kinh, qua am ni cô, đem năm trăm lượng vàng để tạ ơn ni cô không nhận, cố ép mới nhận hai trăm lượng, dựng đền Đại sĩ* lập bia cho Vương phu nhân. Sau Trương làm quan tới chức Thị lang, Trình phu nhân sinh được hai trai một gái, Vương phu nhân sinh được bốn trai một gái. Trương dâng thư trần tình, hai người đều được phong là Phu nhân.

*Đại sĩ: tức Quan âm Đại sĩ, một danh hiệu khác của Quan Thế âm Bồ tát.

Dị Sử thị nói: Trời sinh người đẹp là để đền đáp cho những kẻ tài giỏi, nhưng những bậc vương công trên đời lại đem tặng cho đám con em nhà giàu sang khiến cho tạo vật có chuyện tranh giành. Nhưng lại ly ly kỳ kỳ, làm đủ cách để tác hợp cho người, hóa công cũng khổ làm sao! Chỉ có Thanh phu nhân riêng biết kẻ anh hùng lúc còn hàn vi, quyết tâm theo bằng được, đến chết mới thôi. Những kẻ nghiễm nhiên đội mão mặc áo lại bỏ đức hạnh mà mong sang giàu, sao mà thua trí một người tỳ nữ tới mức như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.