Thư kiếm ân cừu lục

Hồi X – Chương 03



Kĩ nữ đó nghe tiếng ngâm thơ bèn quay đầu lại, nhoẻn nụ cười. Càn Long bất giác rung động trong lòng, thì ra cô nương này chính là Ngọc Như Ý mà mình đã gặp đêm trước, cũng trên mặt hồ này.

Đột nhiên nghe thấy tiếng oanh thỏ thẻ, trên chiếc thuyền hái sen Biện Văn Liên đã cất tiếng hát. Nàng hát dứt lời, thiên hạ vỗ tay hoan hô rồi tặng thưởng, những nén bạc to có nhỏ có chất đầy mặt bàn trên chiếc thuyền.

Sau đó Lý Song Bình ôm tì bà đàn bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ, rồi Ngô Thuyền Quyên thổi sáo. Càn Long nghe nàng thổi xong bài Thừa Long Giai Khách, hạ lệnh cho Hòa Thân lấy mười lượng vàng ra thưởng.

Cuối cùng, bao nhiêu du thuyền trên hồ đều quay mũi về phía chiếc thuyền hoa của Ngọc Như Ý. Nàng hé môi để lộ hàm răng ngà ngọc, cất lên một bài ca tả cảnh Giang Nam, nào là thiếu phụ vén màn nhìn cửa thành xa xa xanh mù dương liễu, nào là chiều xuân đôi én song song bay lượn dưới mái nhà ai.

Bây giờ là cuối thu, gió hồ đã hơi lạnh. Thế mà tiếng hát của Ngọc Như Ý triền miên uyển chuyển, lời bài ca lại nồng ấm hoa hương, khiến cho người nghe chưa uống đã say. Càn Long thở dài rồi nói: “Thật là ngòi bút của tài tử, bao nhiêu phong vật Giang Nam đều nằm hết trong khúc ca này.”

Y cũng biết đây là bài Phỏng Thúy trong vở Đào Hoa Tiễn do Khổng Tượng Nhâm sáng tác thời Khang Hy, tả lại câu chuyện Hầu Phương Vực gặp gỡ Lý Hương Xuân. Ngọc Như Ý vừa hát vừa đong đưa khóe mắt, không ngớt liếc nhìn Càn Long. Càn Long hoan hỉ vô cùng, biết cô nàng tự coi mình là danh kĩ Lý Hương Quân, ví mình với danh sĩ Hầu Phương Vực.

Bản tính Càn Long thích khoe khoang tài học của mình. Lần này đi về phía nam, đến chỗ nào y cũng viết thơ đề chữ, gặp thắng cảnh nào cũng tả một bài. Bọn cận thần đi cùng cứ mở miệng khen dồi, câu nào cũng là cẩm tú, chữ nào cũng đáng khuyên son, thơ hơn Lý Đỗ, bút vượt Chung Vương. Nhưng bản thân y cũng biết nịnh bợ là chuyện bình thường, nên những lời khen đó mất đi phần nào giá trị.

Lúc này y mặc thường phục vi hành mà được danh kĩ để ý, rõ ràng không phải nhờ vào thân phận đế vương mà hoàn toàn dựa vào thực học chân tài của bản thân mình. Càn Long càng nghĩ càng tin chắc là mĩ nhân thấy mình tình tứ như Tống Ngọc, dáng vẻ sánh Phan An, tài hoa gần bằng Tử Kiến. Năm xưa từng có chuyện cùng tuệ nhãn Hồng Phất Nữ nhìn ra Lý Tĩnh, chốn phong trần Lương Hồng Ngọc hậu đãi Hàn Thê Chung, có thể thấy danh kĩ nào cũng rất có nhãn lực. Nếu không báo đáp đặng ân tình, làm sao xứng với mắt xanh của người tri kỉ? Y lập tức hạ lệnh cho Hòa Thân tưởng thưởng năm chục lạng hoàng kim, rồi chau mày xoa bụng một hồi rặn ra được hai câu thơ vắt dòng: “Hàng Châu có ả Ngọc Như Ý nghìn mĩ nữ kinh sư chẳng bằng.”

Xưa nay Hàng Châu vẫn là một thành phố phồn vinh, có lệ mỗi năm một lần mở hội tuyển chọn hoa khôi. Những người hiếu sự ở đây đều dốc sức tham dự, ngay cả nhân sĩ vùng xa như Tô, Tùng, Thái, Thường, Gia, Hồ ngày này cũng tụ tập đến Hàng Châu, hoặc để khoe khoang ta đây hào phóng, hoặc để tỏ mình phong lưu nho nhã. Vì thế mà tiền thưởng được quăng lên thuyền rất nhiều. Thuyền hoa của các danh kĩ đều chất quà cao như núi, đương nhiên Tiền Đường Tứ Diễm được nhiều hơn cả.

Lúc này đã gần giờ Tí, ban tổ chức cuộc thi này bắt đầu đếm quà tặng, giống như chấm thi kiểm phiếu vậy. Không những các cô lo lắng, mà du khách trên hồ cùng chăm chú quan tâm.

Càn Long nói nhỏ mấy câu, Hòa Thân gật đầu một cái rồi lên một chiếc thuyền nhỏ, gấp rút chèo về dinh tuần phủ. Lát sau hắn xách một gói đồ quay lại.

Tiền thưởng đã đếm xong, mọi du thuyền đều dồn đến xung quanh con thuyền của ban tổ chức để nghe tuyên bố thứ tự bảng vàng. Trưởng ban cất giọng hô lớn: “Lúc này quà thưởng của Lý Song Đình cô nương nhiều nhất.” Câu này vừa nói ra, mặt hồ ầm ĩ cả lên. Người thì vỗ tay hoan hô khen phải, cũng có người âm thầm chửi mắng.

Một người la lên: “Khoan đã! Ta tặng thêm Biện Văn Liên cô nương một trăm lạng vàng.” Lập tức có người bưng mâm vàng tới.

Lại có một hào khách cất tiếng: “Ta tặng cho Thuyền Quyên cô nương một đôi vòng phỉ thúy, nạm thêm mười hạt minh châu.” Dưới ánh đèn rực rỡ, mọi người đều thấy đôi vòng óng ánh sắc ngọc xanh, minh châu vừa lớn vừa tròn, giá trị vượt xa trăm lạng hoàng kim. Ai cũng thở ra một hơi, xem chừng ngôi trạng nguyên năm nay khó mà lọt khỏi tay vị Hằng Nga trên cung Quảng.

Trưởng ban đợi thêm một lúc, thấy không ai tặng thêm gì nữa. Y định tuyên bố Thuyền Quyên là trạng nguyên năm nay, thì đột nhiên Hòa Thân hô lớn: “Lão gia của chúng ta có một gói quà tặng cho Ngọc Như Ý cô nương.” Hắn đưa cái gói đó ra trước mặt.

Người trưởng ban trạc tuổi tứ tuần, diện mạo thanh tú, râu thưa mắt sáng, sai gia nhân cầm gói quà tới trước mặt mình. Y mở ra xem thì thấy ba cuộn thư họa, bèn nghiêng đầu nói với một lão già ngồi bên tay trái: “Phạm tiên sinh! Vị này cũng là người phong nhã, không biết tặng những loại tinh phẩm gì.” Rồi y mở thư họa ra xem.

Càn Long khẽ bảo Hòa Thân: “Ngươi đi hỏi thử xem ban giám khảo này có những ai.”

Hòa Thân đi một lúc, trở về bẩm báo: “Trưởng ban là Hàng Châu tài tử Viên Mai tú tài, còn những người khác đều là danh sĩ ở Giang Nam.”

Càn Long mỉm cười nói: “Từ lâu ta đã nghe nói Viên Mai tinh nghịch lắm trò, quả nhiên không sai.”

Vừa mở cuộn thứ nhất ra, Viên Mai và mọi người đều giật mình kinh hãi. Đó là bài thơ Vô Đề của Lý Nghĩa Sơn do Trúc Doãn Minh viết.

Người mà Viên Mai gọi là Phạm tiên sinh tên là Lợi Ngạc, cũng người Hàng Châu, văn thơ rất giỏi, đặc biệt là từ. Những bài từ của ông âm luật nghiêm cẩn, ý tứ tuyệt diệu, có thể nói là số một đương thời. Phạm Lợi Ngạc vừa thấy thư pháp của Trúc Doãn Minh đã la lên: “Thật là báu vật!”

Thi nhân Triệu Dực người Hàng Châu vội vàng mở cuộn thứ hai ra, thấy đó là bức tranh thiếu nữ ngắm hoa do Đường Dần vẽ, trên đó có đóng ấn son Càn Long ngự lãm chi bảo. Viên Mai kinh ngạc trong lòng, liền hỏi hai người ngồi cạnh: “Thẩm nhân huynh, Tưởng đại ca! Các vị đoán xem người tặng thư họa này lai lịch như thế nào?”

“Thẩm nhân huynh” chính là Thẩm Đức Tiềm, hiệu Quy Ngu, là một đại thi nhân giữa đời Càn Long, cùng đậu tiến sĩ với Viên Mai vào năm Càn Long thứ tư, nhưng một người đậu hồi trẻ, một người đậu lúc già. Năm đó Viên Mai mới hai mươi bốn tuổi, còn Thẩm Đức Tiềm đã hơn sáu mươi rồi, nên người ta gọi họ Thẩm là Giang Nam Lão Danh Sĩ. Có người họ Tưởng tên là Sĩ Toàn, hiệu Tâm Như, là một người rất giỏi ca từ. Y cùng với Viên Mai, Triệu Dực được gọi chung là Giang Tả Tam Đại Gia. Hai người này xem xong đều trầm ngâm, không nói tiếng nào.

Thẩm Đức Tiềm là bậc lão thành trì trọng, bèn lên tiếng: “Chúng ta qua đó gặp họ xem thử?”

Thuyền bên phải đang có hai người ngồi, cũng là danh sĩ do Viên Mai mời đến, một là Kỷ Hiểu Lam khôi hài tuyệt đỉnh, một là Trịnh Bản Kiều thi họa tam tuyệt. Kỷ Hiểu Lam mỉm cười nói: “Chúng ta mà qua đó, chỉ sợ thiên hạ đánh giá giám khảo thiếu công bằng. Hai quyển thư họa này quý như thế, đương nhiên là Ngọc Như Ý trúng giải trạng nguyên rồi.”

Trịnh Bản Kiều nói: “Thế còn cuốn thứ ba là bảo vật gì, sao chúng ta không mở ra xem thử?”

Mọi người mở ra xem, thấy đó là một bức thư pháp viết thơ của u Dương Tu, bút pháp khá đẹp. Bên dưới không có lạc khoản và dấu ấn, chỉ có năm chữ nhỏ: Lâm triệu mãnh phù thư. Trịnh Bản Kiều nhận xét: “Cũng có tú khí, nhưng bút lực không đủ.”

Thẩm Đức Tiềm khẽ nói: “Ngự bút của đức kim thượng đấy.” Mọi người hoảng sợ muốn nhảy dựng lên, không ai dám phê phán tiếng nào nữa.

Viên tú tài dõng dạc tuyên bố: “Kiểm điểm quà tặng tiền thưởng đã xong. Trạng nguyên là Ngọc Như Ý, bảng nhãn là Ngô Thuyền Quyên, thám hoa là Biện Văn Liên.” Chung quanh lập tức nổi tiếng hoan hô vang dội.

Thấy ba quyển họa thư này, bọn Viên Mai đều biết người tặng nếu không phải tôn thất quý tộc, thì cũng là đại quan trong triều. Nhưng nhìn chiếc thuyền đó lại không thấy gì khác thường, trời tối nên khách trong thuyền cũng khó mà nhìn rõ diện mạo được. Ai cũng sợ cuộc thi hoa quốc này sẽ bị quan ngự sử bẩm cáo lên trên, đáng lẽ phải làm thơ từ câu đối gì đó để tả lại cảnh quang rực rỡ, nhưng bây giờ không dám nữa mà lén lút lên bờ giải tán.

* * *

Càn Long đang chuẩn bị quay về thì đột nhiên nghe thấy Ngọc Như Ý cất giọng hát trên thuyền bên kia. Nghe thanh âm dịu dàng mềm mại, y bất giác ngứa ngáy cả mình, bèn bảo Hòa Thân: “Ngươi gọi con bé kia qua đây.”

Hòa Thân vâng dạ định đi, Càn Long lại dặn thêm: “Nhớ đừng có nói cho cô ả biết ta là ai.”

Hòa Thân đáp: “Vâng, nô tài biết rồi.”

Du thuyền của Càn Long chèo tới gần cỗ thuyền hoa của Ngọc Như Ý. Hòa Thân bước qua thuyền kia, chốc lát đã cầm về một tờ giấy, dâng lên Càn Long rồi nói: “Cô ấy viết thư, bảo nô tài đưa cho lão gia.”

Càn Long cầm giấy, soi vào dưới ánh đèn đọc thấy bài thơ:

Hương thơm ngào ngạt trước lầu,

Lục Triều cảnh trí sánh nào bình khương,

Chơi xuân về mãi vấn vương,

Ngày mai chàng đến, đầy giường phủ hoa.

Chữ viết rất xấu, nhưng giấy thì hương thơm ngào ngạt, Càn Long vừa hít một hơi đã đê mê chỉ muốn lăn ra. Y mỉm cười nói: “Hôm nay đã đến thì đến luôn, sao lại phải ngày mai mới đến?”

Ngẩng đầu lên thì thuyền hoa của Ngọc Như Ý đã chèo khỏi đó. Càn Long là bậc đế vương, phi tần ở hậu cung muốn gặp y một lần đều phải tìm thiên phương bách kế, dĩ nhiên y chưa bao giờ biết mùi vị nữ nhân khước từ. Nhưng có câu theo tình tình trốn, trốn tình tình theo, Càn Long cảm thấy mùi vị này mới mẻ, nghĩ khi đạt được sẽ khoái lạc hơn nhiều, bèn truyền thánh chỉ bắt chèo nhanh hơn, cố đuổi kịp chiếc hoa thuyền kia.

Hoàng đế đang sốt ruột, kẻ thần tử không nhân cơ hội này tận trung báo quốc thì còn đợi đến chừng nào? Bọn thị vệ lập tức khua mái chèo ào ào, cố gắng hết sức. Chúng đều giỏi ngoại công mà nội lực cũng thâm hậu, bây giờ vì chữ Trung ra sức đáp tạ hoàng ân, mục tiêu phấn đấu rõ ràng, nên bao nhiêu kình lực đều dốc hết vào cánh tay, chèo thuyền lướt như tên bắn. Chỉ trong chốc lát, trước mắt đã hiện ra chiếc thuyền hoa của Ngọc Như Ý.

Càn Long đứng trước mũi thuyền, chỉ mong mau mau đuổi kịp con thuyền phía trước. Đèn đuốc trên hồ đã tắt dần, tiếng đàn sáo hát ca thì chưa dứt hẳn. Từ thuyền hoa phía trước vọng lại tiếng nói tiếng cười dịu dàng uyển chuyển, như có như không. Càn Long nghe thấy lại càng mê mẩn tâm thần, đột nhiên nhớ hai câu thơ: “Nữ tì nâng đỡ thân rũ liệt; Buổi đầu người đẹp thẩm ơn vua.”

Hai thuyền đã sát nhau. Cửa sổ của chiếc thuyền hoa chợt mở ra, một vật gì đó bay thẳng về phía Càn Long. Bạch Chấn giật mình, thầm la: “Hỏng bét!” Hắn lập tức tay trái xuất chiêu Hàng Long Phục Hổ, tay phải xuất chiêu Cầm Sư Tác Tượng. Đây là tuyệt kĩ thành danh Kim Câu Thiết Chưởng Đại Cầm Nã Thủ, xông trận có thể đoạt lấy đao thương, nửa đêm có thể đón bắt ám khí, trước nay chưa hề thất thủ. Phen này hắn đứng ở mũi thuyền bảo vệ cho hoàng đế, xuống tấn chắc như núi Thái Sơn, xuất chiêu nhanh như chớp giật, quả là phong độ của bậc đại gia tiền bối võ lâm. Bọn thị vệ nhìn thấy, không tên nào là không cất tiếng hoan hô.

Không ngờ khi Bạch Chấn bắt được vật đó vào tay lại thấy mềm mại dịu dàng, thì ra không phải là ám khí. Hắn bèn dâng lên hoàng đế. Càn Long đón lấy, mở ra xem thì đó là một cái khăn tay màu hồng, bốn góc đều thắt gút, bên trong có gói một miếng mứt ngó sen và một hợp mứt bách hợp.

Ngó sen tượng trưng cho giai ngẫu, bách hợp ý nói bách niên hảo hợp, đầu bạc răng long. Càn Long tự xưng tài cao lục đẩu, thi thần bát bộ, tuy ít hơn Tào Tử Kiến hai đẩu văn chương, làm thơ phải bước nhiều hơn một bước, nhưng cũng đủ hiểu ý tứ phong lưu. Chiếc khăn đó vừa mềm mại vừa thơm tho, hoàng đế cầm trong tay mà thần hồn điên đảo.

Lát sau, chiếc thuyền hoa cập sát vào bờ. Dưới ánh đuốc ai cũng thấy Ngọc Như Ý bước lên một cỗ xe ngựa, nàng còn quay lại mỉm cười với Càn Long rồi mới từ từ buông rèm xe xuống. Cạnh cỗ xe có hai người cầm đuốc, nhưng họ bất ngờ ném ngọn đuốc đi, tất cả chìm lẫn trong bóng tối.

Hòa Thân vội vã kêu lớn: “Này, chờ một chút, khoan đi đã!” Nhưng cỗ xe ngựa đó mặc kệ, tiếng vó ngựa lộp cộp chạy chầm chập về hướng nam.

Hòa Thân ra lệnh: “Nhanh chóng đi tìm xe!” Nhưng đêm đã khuya, ở nơi hoang vắng này biết tìm xe ngựa đâu ra?

Bạch Chấn dặn nhỏ mấy câu, Thoại Đại Lâm lập tức thi triển khinh công, chỉ hai thế Thất Bộ Truy Hồn và Bát Bộ Cản Thiềm đã qua mặt cỗ xe ngựa, ra lệnh cho phu xe chậm lại. Chẳng bao lâu Trừ Viên đã tìm được một cỗ xe, đương nhiên là cướp của người ta.

Càn Long lên xe, Trừ Viên đích thân đánh xe, bọn thị vệ và nội thị rảo bước chạy theo. Cỗ xe phía trước từ từ mà chạy, Trừ Viên để hết tinh thần điều khiển ngự xa đi sát theo sau, oai phong xem ra chẳng kém gì Cảo Phụ đánh xe bát tuấn chở Chu Mục Vương đi tuần du khắp thiên hạ.

Bạch Chấn thấy hai cỗ xe ngựa đã tiến vào nơi thị tứ phồn hoa, tin chắc không có gì xảy ra nữa mới yên tâm. Rồi hắn nghĩ đêm nay hoàng thượng ngủ lại nhà cô ca kĩ này, mà hôm trước đã thấy cô ả cùng đi với bọn Hồng Hoa Hội, e có âm mưu quỷ kế không thể không đề phòng. Bạch Chấn liền hạ lệnh cho Thoại Đại Lâm điều thêm nhân mã tới đây, để hộ giá cho cẩn thận.

Chiếc xe của Ngọc Như Ý đi dọc mấy con đường lớn rồi rẽ vào một ngõ hẻm sâu, dừng trước một cánh cửa quét sơn đen, một hán tử xuống xe gõ cửa. Càn Long cũng xuống xe đứng nhìn.

Nghe mấy tiếng ken két, cánh cửa sơn đen mở ra, một bà lão bước ra vén rèm xe chào hỏi: “Tiểu thư đã về đấy ạ!”

Ngọc Như Ý bước xuống xe, liếc thấy Càn Long đứng ở một bên bèn mỉm cười lên tiếng: “Trời ơi, Đông Phương lão gia đến rồi ư? Ngàn lần đa tạ một phen lão gia hậu thưởng! Xin mời vào trong, uống một chung trà với thiếp.” Càn Long mỉm cười theo vào.

Trừ Viên đi sát theo sau, mắt nhìn sáu phương, tai nghe tám hướng, tay siết chặt chuôi kiếm, vừa đề phòng thích khách hành hung phạm giá, vừa đề phòng khách làng chơi say rượu giành gái. Nếu có tên nào ghen ẩu, dĩ nhiên hắn sẽ lập tức thi triển Đạt Ma Kiếm Pháp mà chém giết cho tả tơi hoa lá, manh giáp không còn. Lần này Trừ Viên cẩn thận cột quần bằng một sợi xích sắt, không sợ Vô Trần dùng trường kiếm cắt đứt dây lưng nữa.

Trong cổng là một khu vườn, vừa bước vào là thấy ngay hương hoa bay vào mũi, bóng cây đu đưa dưới đất. Trong vườn có hai cây quế, hoa quế đang nở rộ. Càn Long theo Ngọc Như Ý vào một căn phòng nhỏ, trong nhà có đèn cầy thắp sáng, bài trí cũng khá thanh nhã.

Bạch Chấn tra xét khắp chỗ trong phòng, xem xét tỉ mỉ dưới gầm giường, không có kẻ gian ẩn nấp, xoay ta gõ bốn vách để biết không có vách kép cửa lùa, rồi mới yên tâm lùa ra.

Một đứa a hoàn bưng thức ăn và rượu lên. Càn Long thấy tám đĩa đựng thịt ướp, gà nấu rượu, trứng bách thảo, dưa ngâm dấm, đều là những món ăn nhẹ buổi tối, so với thịt cá trong cung thì phong vị thanh nhã hơn nhiều. Lúc này bọn Bạch Chấn tuần tra bên ngoài, trong phòng chỉ còn một mình Hòa Thân phục vụ. Càn Long phẩy ta một cái, đuổi hắn ra ngoài nốt.

A hoàn rót hai chén rượu. Đây là Nữ Trinh cất lâu năm, chỉ một giọt là bay mùi thơm ngát. Ngọc Như Ý cạn trước một chén, mỉm cười nói: “Đông Phương lão gia! Hôm nay thiếp phải tạ ơn lão gia như thế nào đây?”

Càn Long cũng nâng chén uống cạn, cười đáp: “Nàng hát một bài trước đã, còn tạ ơn cách nào thì lát nữa chúng ta sẽ từ từ mà tính.”

Ngọc Như Ý lấy đờn tì bà xuống, nhẹ nhàng vuốt khẽ dây đàn. Tiếng đàn dìu dặt vang lên, rồi mĩ nhân cất tiếng: “Gió lạnh cắt da; Đường trơn như mỡ…” Đó là bài Thiếu Niên Du của Chu Mỹ Thành, Càn Long mới nghe hai câu đã mặt mày rạng rỡ.

Năm xưa hoàng đế Tống Huy Tông ban đêm ra khỏi hoàng cung, lẻn tới nhà danh kĩ Lý Sư Sư, đem cho mĩ nhân mấy trái cam quý. Lý Sư Sư muốn giữ hoàng đế ở lại qua đêm, bèn dịu dàng nói: “Gió lạnh cắt da; Đường trơn như mỡ; Sương khuya xuống như mưa đổ; Người ơi người ở đừng về.” Chẳng ngờ mấy câu này lọt vào tai thi sĩ Chu Mỹ Thành nằm ở phòng bên, rồi được phổ thành một bài ca nổi tiếng. Về sau Tống Huy Tông bị quân Kim bắt đi rồi bỏ xác xứ người, nhưng câu chuyện phong lưu này vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Tống Huy Tông cũng là một hoàng đế có văn tài. Càn Long nghĩ bụng, mình với người xưa không chênh lệch bao nhiêu, diễm phúc đêm nay lại càng giống hệt. Y liền gân cổ hát theo: “Sương khuya xuống như mưa đổ; Người ơi người đuổi không về.”

Trong phòng thì hoàng đế khoan khoái uống rượu nghe hát, còn bên ngoài thì bọn Bạch Chấn bận bịu rối rắm như ngày hội. Thủy lục đề Lý Khả Tú vừa bị cách chức lưu nhiệm, đang cố công chuộc tội bằng cách thống lĩnh binh lính vây chặt từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Toàn bộ tổng binh, phó tướng, tham tướng, du kích dưới tay hắn chia nhau lục soát hết mọi hộ gia đình trong con hẻm này, chỉ trừ lại căn nhà của Ngọc Như Ý là không xét. Bạch Chấn thì dẫn thị vệ tuần tra trên mái nhà. Bốn phía xung quanh đều bố trí cung tên và quân thiết giáp, bao vây nhiều tầng nhiều lớp.

Xưa nay khách vào lầu xanh phải tới hàng ngàn hàng vạn, nhưng dứt khoát lần chơi kĩ viện này của Càn Long là quy mô nhất, chẳng những người trước không bằng mà mãi mãi về sau cũng không ai hơn được. Người đời sau có thơ diễn tả tình hình lúc đó:

Vây chặt tầng tầng thiết giáp

Sáng lòe lớp lớp đao thương

Dốc lòng trung báo đáp quân vương

Quyết phò chúa bình an hưởng lạc

Trên hồ mày đưa mắt biếc

Về phòng trăng gió lả lơi

Cứ thỏa tình phỉ chí ai ơi

Nóc nhà có Kim Câu Thiết Chưởng.

Quan quân và thị vệ bận rộn từ nửa đêm mãi đến sáng sớm, may mà được bình yên vô sự, ngay cả gà chó cũng không dám làm ồn.

Mặt trời lên cao, Hòa Thân mới khẽ khàng đến cửa phòng Ngọc Như Ý, ghé mắt vào khe cửa sổ nhìn vào. Hắn thấy dưới chân giường có đôi giày của Càn Long và một đôi hài nhỏ xíu thêu hoa, màn vẫn còn buông rủ, hoàn toàn không có tiếng người, bèn lè lưỡi lùi ra phòng khách.

Nào ngờ hắn đợi từ giờ Mão qua giờ Thìn, đến giờ Tị mà vẫn chưa thấy hoàng thượng dậy, không khỏi lo lắng trong lòng, bèn đứng ngoài cửa sổ khẽ gọi: “Lão gia! Lão gia! Đến giờ ăn sáng rồi!” Gọi liền mấy tiếng mà bên trong vẫn không có tiếng trả lời.

Hòa Thân kinh hãi bước tới định đẩy cửa phòng, nhưng bên trong cài chốt nên không đẩy được. Hắn gọi lớn thêm hai tiếng: “Lão gia! Lão gia!” mà trong phòng vẫn không thấy trả lời.

Hòa Thân lo lắng vô cùng, nhưng không dám đập cửa hay phá cửa vào, bèn ra ngoài bàn bạc với Lý Khả Tú và Bạch Chấn. Lý Khả Tú nói: “Chúng ta nhờ bà lão gọi cửa rồi đưa đồ điểm tâm vào, chắc hoàng thượng không trách.”

Bạch Chấn khen: “Lý tướng quân thật có nhiều diệu kế.” Ba người rủ nhau đi tìm bà lão, không ngờ cả cái ổ nhện này không có người nào.

Bọn chúng kinh hãi, biết hỏng việc rồi, liền đến gõ cửa phòng Ngọc Như Ý, càng gõ càng mạnh tay, nhưng bên trong vẫn không có tiếng động. Lý Khả Tú bảo: “Phá cửa!” Bạch Chấn vận sức lên song chưởng, ấn khẽ một cái là chốt cửa gãy nghe răng rắc.

Hòa Thân bước vào, nhẹn nhàng vén rèm ra nhìn, rồi ngất xỉu tại chỗ. Trên giường chăn đện lộn xộn, Càn Long và Ngọc Như Ý đã biến đâu rồi.

Bạch Chấn bèn gọi thị vệ vào lục soát trong nhà ngoài vườn, không có ngăn kéo nào là không xem xét tỉ mỉ, nhưng một chút xíu manh mối cũng không thấy. Cả bọn vừa sợ hãi vừa ngạc nhiên, suốt đêm phòng thủ nghiêm mật, một con chim bay vào bay ra cũng không lọt khỏi mắt, làm sao mà hoàng thượng mất tích được?”

Bạch Chấn lại kiểm tra một lượt các bức tường, xem có vách kéo cửa lùa hay cơ quan gì khác không, nhưng gõ mất nửa ngày vẫn không thấy chỗ nào đáng nghi.

Chẳng bao lâu, Phúc Khang An thống lĩnh ngự lâm quân và tuần phủ Triết Giang cũng được mật báo đến đây. Mọi người tập hợp trong lầu xanh, tay chân bối rối, hồn phách chơi xa, mặt tái như gà chết, ngơ ngác chẳng khác gì một bầy gà bằng gỗ.

Đúng là: “Hoàng thượng bất tri hà xứ khứ; Thử địa không dư tượng nha sàng.”

Vua Thanh ai bắt đi đâu;

Mà đây ổ nhện thanh lầu còn trơ;

Vua Thanh đi mất từ khuya;

Tổng binh thị vệ bây giờ còn đây;

Càn Long thân thể phơi bày;

Bãi xa Như Ý xanh đầy cỏ non;

Hoàng cung khuất bóng hoàng hôn;

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.(9)

Đêm đó Càn Long nghe Ngọc Như Ý hát một bài, uống cạn mấy chén rượu, tình cảm nổi dậy tràn trề, dằn không nổi nữa. Ngọc Như Ý cười đầy khêu gợi rồi thỏ thẻ nói: “Bây giờ tiện thiếp phục thị lão gia đi nghỉ nhé.” Càn Long mỉm cười gật đầu.

Ngọc Như Ý trút bỏ y phục giày dép cho Càn Long, dìu hắn năm trên giường, kéo mền đắp kín, rồi mỉm cười nói: “Tiện thiếp ra ngoài sửa soạn một chút, rồi trở lại ngay.”

Càn Long hít thở mùi hương u nhã của chăn gối, lim dim tưởng tượng đến những gì sắp xảy ra. Trong lúc mơ hồ, hắn nghe thấy trước giường có tiếng động, bèn mỉm cười nói: “Cô bé nghịch ngợm tai quái kia, còn không lên đây cho lẹ?”

Màn được vén ra, một cái đầu thò vào trong. Dưới ánh nến thấy rõ khuôn mặt rỗ chằng rỗ chịt, cặp mắt ốc nhồi trợn lên tròn xoe, dưới cằm thì râu ria rậm rạp hệt như con nhím. Thấy bộ mặt này thì cá cũng chìm, chim cũng rớt, nhưng hoàn toàn không giống vẻ trầm ngư lạc nhạn của Ngọc Như Ý. Càn Long tưởng mình bị hoa mắt, vừa đưa tay lên xoa xoa một chút, người kia đã móc ra một ngọn trủy thủ sáng loáng kề ngay vào cổ, nói rất khẽ: “Con mẹ nó! Tên hoàng đế chó má kia, ngươi mà lên tiếng là lão gia cho ăn dao lập tức.”

Nỗi bàng hoàng của Càn Long thật là không sao tả nổi. Lửa dục của hắn tắt ngấm trong nháy mắt, giống như bị xối một thùng nước lạnh từ đỉnh đầu tới chân. Người kia không nói năng gì nữa, lôi ra một chiếc khăn tọng ngay vào miệng Càn Long, rồi lấy chăn quấn hắn từ đầu đến chân như một đòn bánh, xách ra khỏi giường.

Càn Long không dám kêu là mà cũng không dám động đậy, mở to ra nhìn mà chỉ thấy trước mặt hoàn toàn đen tối. Hắn cảm thấy bị xách đi thấp dần xuống dưới, mũi ngửi thấy mùi đất ẩm thấp mốc meo, hồi lâu lại cảm thấy lên cao. Bây giờ hắn mới hiểu, thì ra bọn này đào đường hầm dưới đất chui lên vào trong phòng, nên không bị quan quân thị vệ cản trở.

Càn Long hiểu ra, bủn rủn cả tay chân. Sau đó hắn bị quẳng lên xe ngựa, rồi nghe tiếng bánh xe lăn lọc cọc. Hắn không biết bọn nào cả gan đại nghịch mưu phản, cùng không biết mình bị đem đi về đâu.

Xe đi một lúc thì đến đoạn đường gồ ghề, dằn xóc dữ dội, hình như đã ra ngoại thành. Khoảng nửa ngày thì xe ngựa đột nhiên dừng lại. Càn Long cảm thấy bị người ta khiêng đi càng lúc càng cao, lên mãi không dừng. Trong lòng hắn muôn phần sợ hãi, run bần bật cả tấm chăn, cơ hồ muốn khóc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.