Thư kiếm ân cừu lục

Hồi XIX – Chương 03



Chàng mới đi được mấy bước, trước mặt lại có đao quang lóe lên. Một hòa thượng khác sử một cặp giới đao chém thẳng tới. Văn Thái Lai không muốn đánh nhau, rẽ sang một bên bỏ chạy. Hai hòa thượng cùng la lên: “Để binh khí lại đây, chúng ta sẽ thả ngươi đi.”

Văn Thái Lai sắp chạy được vào rừng thì bỗng nghe tiếng gió trên đỉnh đầu, vội dạt qua bên trái để tránh né. “Rầm” một tiếng, một cây thiền trượng đập xuống mặt đất làm bụi cát văng lên, thế đập cực kì hung hãn. Một hòa thượng vừa thấp vừa lùn vừa bé nhỏ đứng cản đường phía trước.

Văn Thái Lai nói: “Tại hạ đến đây hoàn toàn không có ác ý, xin ba vị đại sư cho đi. Sáng mai tại hạ sẽ quay lại tạ tội.”

Hòa thượng thấp bé nói: “Giữa đêm mà ngươi dám xông vào chùa Thiếu Lâm, chắc chắn võ nghệ kinh người. Hiển lộ chút bản lãnh đi, rồi mới được rời khỏi đây.” Y không đợi chàng trả lời, liền quét ngang thiền trượng vào ngực Văn Thái Lai. Chàng vội luồn qua dưới cây thiền trượng.

Người sử giới đao cất tiếng khen ngợi: “Thân pháp rất hay!”, rồi vung đao chém tới. Người cầm phương tiện sạn cũng nhảy tới giáp công.

Văn Thái Lai đã nhường ba chiêu, binh khí đối phương đều quét sát sạt bên mình, khoảng cách không thể chèn thêm sợi tóc. Chàng biết ba người này đều là cao thủ trong chùa Thiếu Lâm, nếu mình tiếp tục nhường nhịn thì đêm tối rất dễ bất cẩn, không chết cũng bị thương. Cho dù ba tăng nhân này không có ý giết mình, nhưng oai danh một đời của mình không khỏi trôi theo dòng nước.

Thế là Văn Thái Lai chém liền ba đao veo véo, xuyên qua xuyên lại giữa ba món binh khí mà đánh trả, thân pháp vừa linh hoạt vừa lợi hại.

Ba hòa thượng đột nhiên lùi ra, đồng thời niệm Phật hiệu “A Di Đà Phật.” Người cầm thiền trượng nói: “Chúng ta đều là thượng tọa ở Đạt Ma Viện trong chùa.” Y chỉ hòa thượng sử giới đao, nói: “Vị này pháp danh là Nguyên Vi.” Chỉ qua người cầm phương tiện sạn, nói: “Vị này pháp danh là Nguyên Thống, còn ta là Nguyên Thương. Xin hỏi cao danh quý tánh của cư sĩ?”

Văn Thái Lai đáp: “Tại hạ họ Văn, tên là Thái Lai.”

Nguyên Thống nói: “À, thì ra là Bôn lôi chủ Văn tứ gia, chẳng trách bản lãnh cao cường như vậy. Văn tứ gia xông vào tệ tự, có phải là theo di mạng của Vu Vạn Đình lão đương gia của quý hội không?”

Văn Thái Lai đáp: “Vu lão đương gia không có di mạng gì cả. Tại hạ đang truy đuổi hai tên ưng trảo, lầm lỡ xông vào quý tự. Xin được thứ lỗi.”

Ba hòa thượng khẽ thương lượng mấy câu, rồi Nguyên Thống nói: “Oai danh của Văn tứ gia lừng lẫy trong thiên hạ. Hôm nay may được gặp, tiểu tăng xin được thỉnh giáo mấy cao chiêu.”

Văn Thái Lai nói: “Thiếu Lâm Tự là thánh địa của võ học, tại hạ sao dám làm bừa? Xin cáo từ!” Chàng lập tức cho đao vào vỏ, chắp tay thi lễ rồi quay người bỏ đi.

Ba tăng nhân thấy địch thủ khiêm nhường lùi bước, lại biết người này quyết không nhát gan sợ sệt, chắc chắn là có ẩn tình gì đây. Họ nghĩ: “Cố tổng đà chủ Vu Vạn Đình của Hồng Hoa Hội là đệ tử bị trục xuất của Thiếu Lâm. Không chừng người này đến đây tính chuyện rửa hận cho thủ lĩnh.”

Ba người nhìn nhau một cái, Nguyên Thống huy động cây phương tiện sạn cho những cái vòng vàng trên cán khua loảng xoảng, đâm thẳng ra trước. Văn Thái Lai là anh hùng đương thế, quyết không chịu bó tay khuất phục, chỉ còn cách múa đao chống đỡ.

Nguyên Thống múa tít cây sạn đến nỗi mặt sạn phát ra ánh sáng, hàn khí ép người. Nhưng bây giờ Văn Thái Lai đã hết cơn say, tinh lực dồi dào, xuất chiêu đao nào cũng tuyệt diệu tinh kì, Nguyên Thống dần dần không chống đỡ nổi. Nguyên Thương bèn cầm thiền trượng bước vào vòng chiến. Đánh đến lúc hăng say, đôi giới đao của Nguyên Vi cũng tham gia.

Văn Thái Lai lấy một địch ba, nhưng vẫn công nhiều thủ ít. Đột nhiên dưới ánh trăng chàng thấy dưới đất có mấy chục bóng người, thì ra tăng chúng trong chùa đã kéo tới rất đông. Bất giác chàng rùng mình một cái. Chỉ phân tâm một chút, chàng để cây thiền trượng của Nguyên Thương quét trúng sống đao của mình. Tia lửa bắn ra tứ tung, thanh đao văng tuốt ra xa, mất hút trong rừng.

Bôn Lôi Thủ thật sự nhanh như sấm sét. Văn Thái Lai hơi cúi xuống một chút, tay phải đã chụp được cán cây phương tiện sạn của Nguyên Thống đang xắn xuống, dùng sức vặn ngược lại. Nguyên Thống phải buông sạn ra, Văn Thái Lai lại phóng chân phải ra đá trúng đầu gối của y. Thân hình mập mạp của Nguyên Thống lập tức bị hất văng ra ngoài.

Lúc này thiền trượng của Nguyên Thương và giới đao của Nguyên Vi đồng thời công tới. Văn Thái Lai nắm chắc cây sạn, gạt mạnh vào thiền trượng. “Choảng” một tiếng điếc tai, hai món binh khí nặng nề bằng thép ròng va chạm, tiếng động âm vang cả một vùng sơn cốc, ngân rền hồi lâu chưa dứt. Hổ khẩu của Nguyên Thương bị chấn động toạc ra, máu tươi nhỏ giọt xuống đất, buông rơi thiền trượng.

Văn Thái Lai nghiêng mình tránh né cặp giới đao, đâm thẳng lưỡi sạn vào mặt Nguyên Vi. Nguyên Vi đang hoảng sợ đến độ mất tinh thần, trước mặt sơ hở vô cùng, ai cũng thấy lưỡi sạn sắp xắn đứt nửa cái đầu của y. Văn Thái Lai không muốn đả thương, đang định thu sạn về thì bỗng nghe có tiếng ám khí phóng tới.

Chàng định tránh né thì nghe “keng” một tiếng, tay mình chấn động, cây sạn bị hất ra ngoài một thước. Sau đó lại nghe hai tiếng bịch bịch, từ trên cành cây có hai người rớt xuống.

Văn Thái Lai vội nhảy tới nhặt cây phương tiện sạn, khi quay đầu lại thì thấy Trần Gia Lạc cùng mọi người đã tới. Chàng đang mừng rỡ, lại thấy trong đám tăng nhân đối diện có một ông lão đầu tóc bạc phơ bước ra lên tiếng: “Văn tứ gia! Ta phải ra tay ngăn cản, thật tình xin lỗi.”

Ông lão đang chắp tay thi lễ thì Chu Ỷ hô lớn: “Gia gia!” Thì ra đây chính là Thiết đảm Chu Trọng Anh.

Văn Thái Lai nhìn thấy lưỡi sạn trong tay bị đánh móp một mảng lớn, khuyết mất một chỗ, trong lòng vô cùng thán phục Chu Thiết Đảm danh bất hư truyền. Chàng nhìn xuống hai người vừa rơi xuống đất, lại càng cảm thấy kì lạ. Một người là Thành Hoàng, người kia chính là Thoại Đại Lâm.

Thì ra lúc chạy trốn vào chùa, hai tên này đã bị đại sư giám tự là Đại Khổ đuổi ra ngoài, rồi lén trốn trên cây. Khi thấy Văn Thái Lai sắp thắng ba hòa thượng kia, Thoại Đại Lâm trên cành cây ngầm phóng tụ tiễn. May mà Đại Si là thủ tọa Tàng Kinh Các dùng Thiết bồ đề đánh rơi ám khí, rồi lại đánh hai tên kia rơi xuống.

Chu Trọng Anh giới thiệu quần hùng Hồng Hoa Hội và quần tăng Thiếu Lâm Tự với nhau.

Ngày đó Chu Trọng Anh, Mạnh Kiện Hùng, An Kiên Cương và Chu đại phu nhân rời khỏi Thiên Mục sơn, đi về phía nam tới Phúc Kiến, đến chùa Thiếu Lâm gặp phương trượng là Thiên Hồng đại sư. Nam Thiếu Lâm và Bắc Thiếu Lâm vốn cùng một nhà, gia số võ công không khác biệt gì lắm. Chu Trọng Anh danh tiếng lừng lẫy võ lâm, quần tăng ở Nam Thiếu Lâm trước nay đã từng ngưỡng mộ. Hai bên ấn chứng trao đổi võ công tâm đầu ý hợp, Thiên Hồng đại sư thiết tha giữ khách, nên Chu Trọng Anh ở lại chùa suốt mấy tháng nay.

Đêm nay nghe tiếng báo động liên hồi, nói là có một cao thủ xông vào tự viện giao đấu với ba vị thượng tọa Đạt Ma Viện, ông ra xem thì không ngờ là Văn Thái Lai. Trong lúc nguy cấp ông ra tay cản trở, sợ Văn Thái Lai trách liền bước tới để tạ lỗi.

Dĩ nhiên Văn Thái Lai không bắt bẻ gì. Chàng chắp tay tạ lỗi với giám tự là Đại Khổ về việc quấy rầy Thiếu Lâm Tự, rồi xin đem Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm đi. Đại Khổ nói: “Hai vị thí chủ này vì tránh nạn mà đến bổn tự. Cửa Phật rộng lớn lấy từ bi làm gốc, xin Văn thí chủ nể mặt tiểu tăng mà tha cho họ.”

Văn Thái Lai không làm gì được, đành phải theo lời. Lục Phi Thanh bèn dẫn hai tên đó qua một bên, lịch sự hỏi chúng đi từ Bắc Kinh đến Phúc Kiến để truyền mật chỉ gì.

Thành Hoàng đáp: “Hoàng thượng đã phái Kim câu thiết chưởng Bạch Chấn dẫn mười mấy cao thủ thị vệ tới Phúc Kiến, ra lệnh cho tổng binh Phúc Kiến triệu tập ba ngàn lính Mãn Thanh và quân Hán, đợi lệnh ở thành Đức Hóa. Hoàng thượng có gửi mật chỉ cho Phương phiên đài, bảo ông ấy cùng Bạch Chấn và tổng binh theo lệnh hành sự. Còn số binh mã sử dụng vào đâu, thì khi mở mật chỉ ra mới biết được.”

Lục Phi Thanh nghĩ: “Dụng binh đương nhiên phải như vậy, không nên tiết lộ bí mật sớm. Hoàng đế sai tới Bạch Chấn, đủ biết chuyện này không phải là nhỏ, nhất định hai tên này không thể biết được.” Trước mặt tăng chúng chùa Thiếu Lâm mà gia hình lấy khẩu cung thì không tiện, ông bèn giải khai huyệt đạo thả chúng đi, rồi thầm kể cho Trần Gia Lạc biết.

Đại Khổ đại sư mời quần hùng vào trong chùa. Thiên Hồng đại sư dẫn thủ tọa Đạt Ma Viện là Thiên Kính đại sư, thủ tọa Giới Trì Viện là Đại Điên đại sư ra cửa chùa đón tiếp. Thông báo danh tánh xong, Thiên Hồng đại sư nói với Lục Phi Thanh: “Từ lâu đã nghe danh Miên Lý Châm ở phái Võ Đang. Hôm nay may được gặp, thật là vinh hạnh cho tệ tự.”

Lục Phi Thanh đa tạ. Thiên Hồng mời quần hùng đến tịnh thất dùng trà, rồi hỏi nguyên nhân đến Thiếu Lâm Tự.

Trần Gia Lạc thấy trong phòng đều là những vị cao tăng giữ trọng trách trong chùa, không có loại người tạp nhạp. Chàng đột nhiên bước tới, quỳ xuống trước mặt Thiên Hồng đại sư. Thiên Hồng vội đưa tay đỡ dậy rồi hỏi: “Trần tổng đà chủ có gì xin cứ nói, sao lại thi đại lễ?”

Trần Gia Lạc lên tiếng: “Tại hạ có một việc không hợp tình hợp lí, theo quy củ võ lâm thì không nên mở miệng, nhưng vì hàng vạn hàng ức sinh linh mà cả gan cầu xin đại sư.”

Thiên Hồng bảo: “Xin cứ nói ra, đừng ngại.”

Trần Gia Lạc nói: “Vu Vạn Đình lão gia là nghĩa phụ của…”

Vừa nghe thấy tên Vu Vạn Đình, sắc mặt Thiên Hồng thay đổi hẳn, đôi mày bạc trắng hơi dựng lên. Trần Gia Lạc kể lại ngắn gọn những chuyện liên quan giữa mình với Càn Long, rồi nhắc đến kế hoạch đuổi Mãn phục hưng nhà Hán. Chàng xin Thiên Hồng đại sư cho biết nguyên nhân nghĩa phụ mình bị trục xuất ra khỏi môn phái, vì rất có thể chuyện này liên quan đến thân thế thật sự của Càn Long. Cuối cùng chàng nói: “Mong đại sư nghĩ đến bá tánh trong thiên hạ mà…”

Thiên Hồng im lặng không nói gì, đôi mày dài ủ xuống, hai mắt nhắm nghiền, tập trung suy nghĩ. Mọi người đều không dám quấy rầy.

Chừng cạn tuần trà, Thiên Hồng mới hé mắt ra mà nói: “Trần tổng đà chủ đến bổn tự để hỏi về những chuyện ngoài thế tục của Vu Vạn Đình là đệ tử đã bị trục xuất khỏi sư môn. Việc này nếu theo quy củ của bản tự thì không thể được, nhưng lại có liên quan đến sinh linh khắp thiên hạ, dĩ nhiên bần tăng phải phá lệ một phen. Mời Trần tổng đà chủ phái người vào Giới Trì Viện trong tệ tự, lấy án quyển mà xem.”

Trần Gia Lạc vội khom người cảm ơn, rồi tri khách tăng dẫn quần hùng vào nhà khách để nghỉ ngơi.

Quần hùng đang hoan hỉ, bỗng thấy Chu Trọng Anh nhăn tít mặt mày, sắc mặt lo âu mà nói: “Phương trượng nói là Trần tổng đà chủ cứ phái người vào Giới Trì Viện. Muốn tới Giới Trì Viện phải vượt qua năm tòa điện, mỗi điện đều có một đại sư võ công cực cao phòng thủ. Vượt qua năm điện này, than ôi, cực kì khó khăn, cực kì khó khăn…”

Nghe vậy, mọi người mới biết còn phải trải qua ác chiến. Văn Thái Lai nói: “Chu lão gia thì nhất định không giúp bên nào rồi. Để bọn vãn bối thử cố gắng một phen.”

Chu Trọng Anh lắc đầu nói: “Khó ở chỗ một người phải liên tiếp vượt qua năm tòa điện. Nếu có người tương trợ thì Thiếu Lâm Tự cũng sẽ cử người tới giúp, gây ra hỗn chiến thì không ổn chút nào. Các đại sư thủ điện thì vị sau mạnh hơn vị trước. Dù qua được mấy điện ở phía trước thì cũng hao tổn sức lực, một hai điện cuối cùng thật khó qua.”

Trần Gia Lạc suy nghĩ một lúc rồi nói: “Phải liên tiếp vượt qua năm tòa điện, e rằng khó mà làm nổi. Chỉ cầu mong ngã Phật từ bi sẽ giúp vãn bối đi qua.” Chàng lập tức cởi áo dài, mang theo một túi quân cờ vây, cài thanh đoản kiếm vào hông, rồi nhờ Chu Trọng Anh dẫn đến Diệu Pháp Điện.

Tới cửa điện, Chu Trọng Anh khẽ nói: “Trần lão đệ! Nếu qua không nổi hãy quay về ngay, chúng ta sẽ tìm cách khác. Đừng gắng gượng quá sức để tránh tổn thương.” Trần Gia Lạc vâng dạ. Chu Trọng Anh chúc chàng vạn sự như ý, rồi đứng qua một bên.

Trần Gia Lạc đẩy cửa bước vào, thấy trong điện đèn đuốc sáng trưng, chính giữa có một tăng nhân ngồi trên bồ đoàn, chính là giám tự Đại Khổ đại sư. Ông đứng dậy mỉm cười nói: “À, thì ra Trần tổng đà chủ đích thân thỉnh giáo, thật là tuyệt diệu. Bần tăng xin thỉnh giáo mấy chiêu quyền pháp.”

Trần Gia Lạc đứng ở mé dưới, chắp tay nói: “Xin mời!”

Đại Khổ tay trái nắm thành quyền, vung ra thành một vòng lớn, sau đó đưa hữu chưởng lên. Trần Gia Lạc biết chiêu này là Nan Thủ Kích Thiên, thì ra Đại Khổ dùng Túy Quyền để đấu với mình. Tuy chàng đã từng học loại quyền này, nhưng nhớ lại hồi tỉ võ với Chu Trọng Anh ở Thiết Đảm Trang, mình dùng Thiếu Lâm quyền để đấu với Thiếu Lâm quyền của Chu lão gia suýt nữa bị thua, nên bây giờ không dám khinh suất.

Chàng lập tức vỗ hai chưởng vào nhau một cái, nhảy ra một bước rồi xoay tay đánh lại, lập tức xuất một tuyệt chiêu của Bách Hoa Tá Quyền. Đại Khổ bị bất ngờ, suýt trúng chưởng phải nhào ngửa ra mới tránh kịp. Ông bèn thuận thế ra chiêu Quái Liễu Tảo Vân, ngẩng mặt lên trời chống tay dưới đất, hai chân vung lên phản kích. Sau đó ông nhảy bật lên, rồi bước chân nghiêng ngả, tay vung loạn xạ, dương đông kích tây, chỉ trước đánh sau, ngã bên này té bên kia giống hệt một người say rượu.

Trần Gia Lạc đã biết loại quyền này, liền chăm chú tinh thần mà chiết giải. Pho Túy Quyền của Đại Khổ có mười sáu đường, hạ bàn giống như hư ảo mà rất ổn định, quyền chiêu như phủ bụi mà lại nặng nề, bộ pháp cứ suýt té rồi lại phóng tới, biến hóa vô cùng sinh động.

Tỉ đấu đến lúc hăng say, Đại Khổ phóng tới một bước, vọt cả người lên không. Khi chạm đất ông đưa chân quét thành vòng như một đóa hoa, ra chiêu Thiết Ngưu Canh Địa, hữu quyền đánh vào hạ bàn đối thủ. Trần Gia Lạc đảo người lùi lại, biết chắc ông xuất quyền không trúng đích sẽ nhảy lên biến chiêu thành Diêu Tử Phiên Thân. Chàng nhằm bộ vị chính xác, đợi chân trái đối thủ chạm đất liền đưa chân phải quét ra, tay nhẹ nhàng ấn vào lưng.

Đại Khổ không xoay người lại được, liền té sấp xuống. May mà Trần Gia Lạc dùng tay đỡ nhẹ vào vai, Đại Khổ mượn thế nhảy lên nên mới không vập mặt xuống đất. Mặt ông đỏ ửng lên, chỉ tay vào trong mà nói: “Xin mời!”

Trần Gia Lạc chắp tay thi lễ rồi đáp: “May được đại sư nhân nhượng.”

Đi vào trong, lại là một đại điện. Thủ tọa Đại Điên của Giới Trì Viện ngồi chính giữa. Thấy chàng đi vào, ông lập tức đứng dậy, cầm cây thiền trượng vĩ đại dựng bên dộng xuống đất một cái, làm chấn động cả vách tường, bụi bặm trên mái nhà rơi xuống ào ào. Trần Gia Lạc âm thầm kinh hãi: “Người này quả là thần lực!”

Đại Điên tay trái cầm trượng, tay phải phóng hai chưởng hai bên trái phải. Sau đó trượng bên tay trái quét ngang, tay phải ngửa lên đón lấy đầu trượng, bước lên hai bước. Đây chính là những chiêu khởi đầu của Phong Ma trượng pháp.

Thấy địch thủ vung trượng phát ra tiếng gió, bộ pháp vững chắc phi thường, Trần Gia Lạc không dám khinh địch. Chàng liền rút thanh đoản kiếm ra, tháo bỏ lớp vỏ, một làn hào quang màu tím từ lưỡi kiếm lập tức chiếu ra. Đại Điên nhìn thấy kiếm khí ép người không khỏi chấn động tinh thần, bèn xuất chiêu Hổ Vĩ Tiên quét trượng ngang qua, tốc độ đã nhanh mà bộ vị cũng chính xác. Trần Gia Lạc cúi người luồn dưới trượng, xông vào đánh trả một kiếm. Binh khí một người cực dài, một người cực ngắn, khai diễn một trường ác đấu trong tòa đại điện.

Trần Gia Lạc từng thấy trượng pháp của Tưởng Tứ Cân, biết yếu quyết của Phong Ma Trượng là điên khùng như ma nhập. Trượng pháp này bắt nguồn từ một trăm lẻ tám đường côn pháp của Cẩn Na La vương ở Thiên Trúc, khi truyền vào Trung Nguyên lại được bổ sung những tinh hoa của Dọa Xa Côn và Thủ Kinh Côn, lợi hại vô cùng.

Những người chuyên về trượng pháp đều phải tay dài vai rộng, sức lực hơn người. Đại Điên đại sư có thần lực trời sinh, xuất luôn mấy chiêu Phiên Thân Bích Sơn, Dạ Xoa Thám Hải, Lôi Trâm Oanh Mộc, chiêu nào cũng mãnh liệt, đầy vẻ liều mạng như một kẻ điên đang bị ma nhập, vũ lộng cây thiết trượng nặng mấy chục cân công kích chẳng nể nang gì.

Trần Gia Lạc thầm khen: “Phải sử dụng được thế này thì mới xứng với hai chữ Phong Ma.” Chàng không dám mạo hiểm tấn công mà cứ mãi tránh né, nghĩ rằng cương mãnh thì khó duy trì, đợi khi nhuệ khí đối phương giảm bớt rồi mình sẽ phản kích. Nào ngờ nội công Đại Điên cũng rất thâm hậu, tấn công ác liệt một hồi lâu mà trượng pháp vẫn không lộ ra chút sơ suất nào, ngược lại càng đánh càng nhanh, lát sau đã ép Trần Gia Lạc lùi tới góc tường.

Đại Điên thấy chàng không còn chỗ nào tránh né nữa, dùng hai tay liên tiếp xoay thiền trượng thành những vòng tròn, rồi xuất chiêu Hồi Long Trượng đập từ trên xuống vô cùng mãnh liệt.

Trần Gia Lạc nghĩ: “Bên trong này hãy còn ba cao thủ nữa, ta không nên kéo dài dễ hao sức lực.” Thấy chiêu trượng này dữ dội, chàng quyết chí mạo hiểm để cầu thắng, bèn không tránh né.

Đại Điên biết Trần Gia Lạc là bạn chứ không phải địch, nên khi thiền trượng còn cách đỉnh đầu chàng chừng hai thước thì đột nhiên ông giật trượng về, biến chiêu từ đập xuống thành quét ngang. Ông tưởng có thể quét ngã chàng, ít ra cũng khiến chàng biết khó mà lùi, bỏ ý định tiến vào trong.

Trần Gia Lạc thì đang đợi thiền trượng xuống gần rồi đột ngột phóng tới đánh vào ngực đối phương, nhập nội lấy ngắn đánh gần. Đột nhiên chàng thấy địch thủ nửa chừng biến chiêu, kình lực suy giảm rất nhiều, bèn lập tức tùy cơ ứng biến. Tay trái chàng chụp lấy đầu trượng, tay phải vận kình vào thanh đoản kiếm quét ra. Thiền trượng bị gãy đôi, mỗi người nắm lấy một đầu.

Đại Điên đại sư lập tức nổi giận, phóng lên tái đấu. Trần Gia Lạc nhảy ra một trượng, khom lưng lên tiếng: “Đại sư hạ thủ lưu tình, tại hạ vô cùng cảm kích.” Đại Điên mặc kệ, cứ cầm nửa cây thiền trượng đánh thẳng tới trước mặt. Nhưng chẳng được mấy chiêu, nửa cây trượng lại bị đoản kiếm chém gẫy đôi.

Trần Gia Lạc cũng thấy áy náy. Chàng sợ ông đòi đánh tay không, bèn chạy thẳng vào phía sau tòa điện. Đại Điên nghĩ mình vì lòng nhân ái mà thua, tức giận đuổi theo. Ông đuổi mấy bước thấy không kịp, dừng chân thét một tiếng vang trời dậy đất, quẳng mạnh một phần tư cây thiết trượng xuống đất, lửa bắn ra tứ phía.

Trần Gia Lạc vào tòa điện thứ ba, bỗng thấy trước mặt sáng bừng lên. Hai bên tòa điện này thắp chi chít nến và nhang, phải đến mấy trăm cây. Đại Si thủ tọa Tàng Kinh Các mỉm cười đầy vẻ hiền hòa thân mật rồi nói: “Trần đương gia! Chúng ta tỉ thí một phen về ám khí đi.”

Trần Gia Lạc khom lưng nói: “Xin đại sư chỉ giáo!”

Đại Si thiền sư mỉm cười nói: “Chúng ta mỗi người phòng thủ một bên. Mỗi bên đều có chín cây nến, tám mươi mốt cây nhang. Người nào dập tắt hết nhang đèn của đối phương trước thì người ấy thắng. Cách tỉ thí này không tổn thương hòa khí.”

Ông đưa tay chỉ cái bàn bày cúng phẩm ở dưới điện, nói tiếp: “Tụ tiễn, Thiết liên tử, Bồ đề tử, Phi tiêu… loại ám khí nào trên bàn cũng có. Sau khi dùng hết có thể lấy tiếp.”

Trần Gia Lạc lấy trong bọc ra một nắm quân cờ vây, nghĩ bụng: “Vị đại sư này chắc chắn có công phu độc đáo về ám khí. Nếu bình thời ta chịu khó thỉnh giáo Triệu tam ca, thì bây giờ nắm chắc hơn nhiều.” Chàng bèn nói: “Xin mời!”

Đại Si thiền sư mỉm cười nói: “Tiên khách hậu chủ.”

Trần Gia Lạc suy nghĩ: “Ta phải ra chiêu Mãn Thiên Hoa Vũ để đánh phủ đầu, cướp tinh thần đối thủ.” Chàng bèn ném ra năm quân cờ một lúc. Ở chân tường bên kia, năm cây nhan đồng thời tắt ngóm.

Đại Si thiền sư khen ngợi: “Hảo công phu!” Ông tháo xâu chuỗi trên ngực xuống, giật đứt sợi chỉ xâu, lấy năm hạt niệm châu quăng ra dập tắt năm cây nhang.

Tiếng gió rít lên, Trần Gia Lạc lại dập tắt năm cây nhang nữa. Đại Si đáp lại bằng hai cái vẫy tay, chín cây nến tắt hết. Nến vừa tắt, trong bóng tối những bóng lửa ở đầu nhang nhìn rất rõ ràng, dễ đánh trúng hơn nhiều.

Trần Gia Lạc nghĩ: “Đúng là phải như vậy. Sao mình không nghĩ tới?” Chàng lập tức búng ra chín quân cờ, chia làm ba đường bắn thẳng vào ba ngọn nến, nhưng chỉ nghe thấy những tiếng lốp đốp, lửa nến vẫn y nguyên. Thì ra chín quân cờ vây đó đều bị Đại Si dùng niệm châu đánh rớt giữa đường.

Trần Gia Lạc chưa hết ngơ ngác, Đại Si đã thừa cơ đánh tắt thêm bốn cây nhang. Ông lại ném tới năm hạt niệm châu nữa, Trần Gia Lạc bèn ném quân cờ ra đón lấy niệm châu. Nhưng vì nến bên mình đã tắt hết, đầu nhang chỉ có một chút ánh sáng, không thể nhìn rõ được những hạt niệm châu nhỏ xíu của đối phương. Năm hạt niệm châu đó chàng chỉ đỡ được hai hạt, còn ba hạt thì đánh tắt ba cây nhang nữa.

Tới lúc này Đại Si đại sư tạm thời dẫn trước chín ngọn nến và hai cây nhang. Ông dùng niệm châu vừa cố gắng bảo vệ chín ngọn nến, vừa tranh thủ tấn công đối phương, thêm vài hiệp lại dập tắt mười bốn cây nhang nữa. Trần Gia Lạc dốc hết toàn lực cũng chỉ đánh tắt được hai ngọn nến, ruột nóng như lửa đốt.

Đại Si thừa thắng tấn công, đánh một hơi tắt luôn mười chín cây nhang. Trần Gia Lạc thấy bên đối phương đèn đuốc huy hoàng, còn mình chỉ còn hơn hai chục cây nhang, nghĩ bụng: “Chẳng lẽ ta không qua được tòa điện thứ ba này?” Trong lúc nguy cấp chàng đột nhiên nghĩ đến Phi Yến ngân châm của Triệu Bán Sơn, bèn chọn đúng phương vị, rồi ném ba quân cờ vây thẳng vào tường.

Đại Si thấy chàng ném trật rất xa, mỉm cười thầm nghĩ: “Dù sao thì y vẫn còn trẻ không biết trấn tĩnh, mới thua đã nổi nóng.” Nào ngờ ba quân cờ đó chạm vào tường liền bắn ngược trở lại, chỉ có một quân không trúng, còn hai quân đánh tắt được hai ngọn nến. Đại Si không khỏi giật mình, bất giác lên tiếng khen ngợi.

Trần Gia Lạc biết, nếu mình liên tiếp dùng biện pháp này thì Đại Si không có cách nào giữ được số nến còn lại. Nhưng Đại Si thấy đã hơn hẳn mấy chục cây nhang, bây giờ không cần phòng thủ nữa, cứ vẫy lia lịa hai tay để dập tắt nhang của đối phương. Đột nhiên trong điện tối hẳn đi, Trần Gia Lạc đã đánh tắt hết những ngọn nến. Bên chàng chỉ còn lại bảy cây nhang, còn đối diện thì đốm lửa chi chít, ít ra cũng tới ba mươi cây.

Chàng đang nản lòng, thì đột nhiên Đại Si gọi lớn: “Trần đương gia! Ám khí của ta hết rồi. Chúng ta tạm ngưng, tới chỗ bàn bày đồ cúng tế để lấy thêm, rồi sẽ đấu tiếp.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.