Thư kiếm ân cừu lục

Hồi IV – Chương 02



Dọc đường lúc nào Chu Ỷ cũng kình chống Từ Thiên Hoằng. Dường như nàng thấy họ Từ làm gì nói gì cũng có chỗ không đúng. Chu Trọng Anh nghiêm mặt trách mắng cũng vậy. Lạc Băng mỉm cười khuyên giải cũng thế. Từ Thiên Hoằng đã cố nhẫn nại nói năng nhỏ nhẹ nhưng Chu Ỷ quyết không chịu buông tha, cứ mở miệng ra là bóng gió, chẳng nể mặt chút nào.

Từ Thiên Hoằng cũng phải bực tức trong lòng, nghĩ: “Chẳng qua là ta nể mặt phụ thân cô mà nể cô ba phần. Chẳng lẽ ta sợ cô thật hay sao? Võ Gia Cát này ngang dọc giang hồ, anh hùng hào kiệt không ai là không kính trọng, chẳng lẽ hôm nay để con nhãi này trêu cho tức được?” Chàng cứ cưỡi ngựa đi sau cùng, không nói câu nào, cứ đêm dừng lại ăn xong là ngủ ngay, sáng sớm lại lên đường. Suốt con đường ngựa không dừng vó, đến ngày thứ ba đã ra khỏi ải Gia Cốc.

Chu Trọng Anh thấy con gái không biết nghe lời, đã nhiều lần gọi riêng ra mà trách cứ. Chu Ỷ vâng vâng dạ dạ, nhưng mỗi khi nhìn thấy Từ Thiên Hoằng lại nhịn không nổi, kê tủ đứng vào miệng chàng. Chu Trọng Anh nghĩ bụng: “Nếu có vợ mình ở đây, có thể sẽ dạy dỗ được con gái. Bây giờ bà ấy đã tức giận bỏ đi, không biết lưu lạc nơi nào.” Nghĩ đến đó ông bất giác buồn rầu, nhìn qua thấy Từ Thiên Hoằng không vui lại thêm phần áy náy.

Một đêm đi đến Túc Châu, bốn người trọ lại một khách sạn gần Đông Môn. Từ Thiên Hoằng ra ngoài, một hồi trở lại nói: “Thập tứ đệ chưa đuổi kịp Tứ ca, cũng chưa gặp Tây Xuyên song hiệp.”

Chu Ỷ không nhịn được, chõ miệng vào: “Làm sao huynh biết được, chỉ tổ nói bừa.” Từ Thiên Hoằng liếc nàng một cái, không nói gì.

Chu Trọng Anh sợ con gái tiếp tục buông lời vô lễ, bèn lên tiếng: “Rượu ở vùng này nổi tiếng là ngon. Thất gia, hai chúng ta đi qua đại lộ phía đông, đến Hạnh Hoa Lâu uống mấy chén.”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Thế thì tuyệt diệu.”

Chu Ỷ lên tiếng: “Gia gia con cũng đi.”

Từ Thiên Hoằng cười khì một tiếng. Chu Ỷ giận dữ nói: “Huynh cười cái gì? Chẳng lẽ ta không đi được hay sao?”

Từ Thiên Hoằng quay mặt đi, coi như không nghe thấy. Lạc Băng mỉm cười giảng hòa: “Ỷ muội, chúng ta cùng đi. Tại sao nữ nhân lại không được đến tửu lâu uống rượu?” Chu Trọng Anh là người phóng khoáng nên cũng không ngăn trở.

Bốn người đến Hạnh Hoa Lâu gọi rượu và thức ăn. Nước suối vùng Túc Châu trong xanh đặc biệt đem cất rượu thơm tho vô cùng, có thể gọi là số một vùng tây bắc. Tiểu nhị lại đưa lên một khay bánh nướng hảo hạng ở Túc Châu, mềm như giấc mộng mùa xuân, trắng như trăng giữa đêm thi, vừa dẻo vừa giòn. Chu Ỷ vừa thưởng thức vừa khen liền miệng. Tửu lâu này đông khách nên bốn người không tiện thương lượng về việc cứu Văn Thái Lai, chỉ nói chuyện phiếm về phong cảnh dọc đường.

Chu Trọng Anh bỗng hỏi Từ Thiên Hoằng: “Trần đương gia của quý hội tuổi còn rất trẻ, dáng vẻ như công tử nhà giàu, thế mà tinh thông quyền thuật nhiều nhà nhiều phái, thật sự xưa nay chưa từng thấy. Lúc đấu quyền với ta, bộ quyền pháp cuối cùng mà y sử dụng thật là kì dị, không hiểu gọi là gì? Thất gia có biết hay không?” Chu Ỷ cũng đang thắc mắc chuyện này, nghe phụ thân hỏi bèn im lặng mà nghe.

Từ Thiên Hoằng đáp: “Trần đương gia là tam công tử của Trần Các Lão ở Hải Ninh. Phen này cũng là lần đầu tiên tại hạ gặp Trần đương gia. Năm mười lăm tuổi, y đã được Vu lão đương gia của bọn tại hạ dẫn lên Thiên Sơn gặp Thiên Trì Quái Hiệp bái sư, mãi không trở về Giang Nam. Trong tệ hội chỉ có Vô Trần đạo trưởng, Triệu tam ca và mấy vị hương chủ lớn tuổi là đã từng gặp y hồi nhỏ. Bộ quyền pháp đó, theo tại hạ thì chắc là do Thiên Trì Quái Hiệp sáng chế ra rồi truyền thụ cho Trần đương gia.”

Chu Trọng Anh nói: “Hồng Hoa Hội lừng danh khắp Giang Nam mà tổng đà chủ lại giống như một công tử phú quý. Lúc ta vừa gặp đã thấy kinh ngạc, thấy có phần không tương xứng. Sau này đối đáp rồi giao thủ với y, mới biết y chẳng những võ công rất giỏi mà kiến thức cũng bất phàm, thật sự là một nhân vật ít ai bì được. Thế mới gọi là chân nhân không thể coi tướng mà lường.”

Từ Thiên Hoằng và Lạc Băng nghe ông nhiệt liệt tán dương thủ lãnh của mình, dĩ nhiên rất vui mừng. Nhưng chỉ chốc lát, Lạc Băng lại nghĩ đến chuyện an nguy của chồng mình, lo chàng đang bị bọn công sai ngược đãi, nên sầu não lại ngay.

Chu Trọng Anh lại nói: “Mấy năm gần đây, trong võ lâm xuất hiện không ít nhân vật kiệt xuất. Thật là Trường Giang sóng sau dồi sóng trước, chỉ mười năm mà nhân sự đã mấy lần thay đổi. Cũng như lão đệ thôi, trí dũng song toàn ít thấy trong giang hồ. Lão đệ đừng để uổng phí thân thủ thế này, phải cố mà làm nên sự nghiệp.”

Từ Thiên Hoằng liên tiếp vâng dạ, còn Chu Ỷ lại hừ một tiếng, nghĩ bụng: “Gia gia của ta tán dương ngươi quá đáng. Thế mà ngươi còn khen phải, không biết mắc cỡ hay sao?”

Chu Trọng Anh uống một hớp rượu rồi nói: “Từng nghe nói Vu lão đương gia của quý hội là đệ tử Thiếu Lâm, rất gần với môn hộ của ta. Từ lâu ta đã muốn gặp ông ấy để thỉnh giáo một lần, nhưng người Giang Nam kẻ tây bắc, tâm nguyện đó chưa đạt được mà ông ấy đã về cõi tây thiên rồi. Ta vẫn thường hỏi về lai lịch sư thừa của ông ấy, nhưng người nói thế này người nói thế kia, cuối cùng không biết tin nào là chính xác.”

Từ Thiên Hoằng nói: “Trước nay Vu lão đương gia vẫn không nhắc đến sư thừa, mãi đến lúc lâm chung mới nói ra. Trước kia ông ấy học võ nghệ ở Phúc Kiến Thiếu Lâm tự.”

Chu Trọng Anh nói: “Ta lại học ở Thiếu Thất, tỉnh Hà Nam. Thiếu Lâm bắc phái hay nam phái cũng vốn một nhà, thế thì ta cùng Vu lão đương gia tuy không học cùng tu viện nhưng có thể gọi là đồng môn.” Ông ngừng một chút rồi nói tiếp: “Trước kia nghe nói võ công của tổng đà chủ Hồng Hoa Hội rất gần với Thiếu Lâm, ta vì ngưỡng mộ nên đã hỏi thử bối phận của ông ấy ở phái Thiếu Lâm mà không ai biết, nên cảm thấy kinh ngạc trong lòng. Nhân vật lừng lẫy như ông ấy, nếu xuất thân từ phái Thiếu Lâm mà không ai biết thì thật là kì lạ. Ta cũng từng viết thư, ông ấy hồi đáp rất khiêm cung, nhưng chỉ toàn là câu khách sáo, hoàn toàn không nhắc đến môn phái Thiếu Lâm.”

Từ Thiên Hoằng nói: “Vu lão đương gia không đề cập đến môn phái võ công của mình, chắc chắn có chỗ khuất khúc gì khó nói. Xưa nay ông ấy rất thích kết giao bằng hữu. Người nhiệt tình trọng nghĩa như lão tiền bối, nếu gặp Vu lão đương gia thì nhất định hai người mới gặp đã tình như cố cựu.”

Chu Ỷ lạnh lùng lên tiếng: “Nhân vật Hồng Hoa Hội rất thích coi thường người khác. Băng tỉ, không phải muội nói tỉ tỉ đâu.” Từ Thiên Hoằng mặc kệ không lí gì đến nàng.

Chu Trọng Anh lại hỏi: “Không hiểu Vu lão đương gia mắc bệnh gì mà tạ thế? Tuổi tác của ông ấy hình như cũng không lớn hơn ta là mấy.”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Vu lão đương gia hưởng thọ được sáu mươi lăm tuổi. Nguyên do bệnh trạng của ông ấy nói ra rất dài dòng, chỗ này lại đông người tạp nhạp. Đêm nay chúng ta cố đi thêm mấy chục dặm, tìm nơi hoang dã để tại hạ có thể bẩm báo với tiền bối tỉ mỉ hơn.”

Chu Trọng Anh khen phải, bèn gọi tính tiền. Từ Thiên Hoằng nói: “Xin đợi chốc lát, tại hạ phải xuống dưới một chút đã.”

Chu Trọng Anh vội bảo: “Lão đệ! Đây là ta mời, lão đệ không được giành thanh toán.” Từ Thiên Hoằng vâng dạ rồi nhanh chân bước xuống lầu.

Chu Ỷ bĩu môi rồi nói: “Lúc nào cũng lén lén lút lút.”

Chu Trọng Anh trách mắng: “Con gái gì mà ăn nói bừa bãi, chẳng có quy củ gì cả.”

Lạc Băng mỉm cười lên tiếng: “Ỷ muội! Thất ca của ta có lắm sở trường. Muội mà trêu chọc y, nhớ cẩn thận coi chừng bị y bắt chẹt.”

Chu Ỷ hứ một tiếng rồi nói: “Nam tử hán gì mà đứng chưa cao bằng muội! Chẳng lẽ muội sợ hắn hay sao?” Chu Trọng Anh muốn trách cứ gì đó, nhưng bỗng nghe tiếng bước chân lên lầu bèn im lặng không nói nữa.

Từ Thiên Hoằng lên tới nơi rồi nói: “Thôi, chúng ta đi.” Chu Trọng Anh bèn thanh toán tiền, quay về khách sạn lấy đồ đạc quần áo, rồi lên ngựa ra ngoài thành. May mà trời chưa tối nên cửa thành còn mở.

Bốn con ngựa chạy một hơi ngoài ba chục. Tới chỗ bên trái có một dãy mười mấy gốc cây lớn, phía sau hàng cây này lại có nhiều tảng đá dựng lên như bình phong, đúng là một nơi ẩn náu rất tốt. Chu Trọng Anh bảo: “Chúng ta ở đây nhé.”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Hay lắm!” Bốn người bèn buộc ngựa rồi ngồi tựa vào gốc cây. Lúc này trăng sáng sao thưa, đêm thanh mát mẻ, gió lay ngọn cỏ nghe xào xạc.

Từ Thiên Hoằng đang định kể chuyện thì bỗng nghe thấy xa xa có tiếng vó ngựa, bèn nằm áp tai xuống đất lắng nghe một lúc, rồi đứng dậy nói: “Có ba con ngựa chạy tới đây.” Chu Trọng Anh đưa tay ra hiệu, bốn người tháo dây cương, dẫn ngựa nấp sau tảng đá.

Không bao lâu, tiếng vó ngựa lại gần, ba con ngựa cứ theo đường cái mà chạy về hướng đông. Dưới ánh trăng thấy rõ cả ba kị sĩ đều cột vải trắng trên đầu, người khoác áo dài có sọc, đúng là cách ăn mặc của người Hồi. Trên yên ngựa đều có treo loan đao.

Đợi ba con ngựa chạy xa, bốn người mới quay về chỗ ngồi cũ. Suốt ngày đi đường không rảnh rỗi để nói chuyện, lúc này Chu Trọng Anh mới hỏi đến nguyên do tại sao triều đình quyết bắt Văn Thái Lai.

Lạc Băng nói: “Quan phủ vẫn coi Hồng Hoa Hội là cái gai trước mắt, chuyện đó không cần phải nói. Nhưng lần này chúng phái đi rất nhiều võ lâm cao thủ, không bắt được Tứ ca chưa chịu buông tay, đó là có nguyên nhân khác. Tháng trước Vu lão đương gia từ tổng đà ở Thái Hồ đi đến Bắc Kinh, có gọi vợ chồng vãn bối đi cùng. Khi đến Bắc Kinh, Vu lão đương gia nói nhỏ: đêm nay phải vào Hoàng cung để gặp hoàng đế Càn Long. Chuyện này khiến bọn vãn bối phải một phen hoảng sợ, hỏi lão đương gia gặp tên hoàng đế kia để làm gì nhưng ông ấy không chịu nói. Tứ ca bèn khuyên: tên hoàng đế này âm hiểm độc ác, tốt nhất là gọi thêm Vô Trần đạo trưởng, Triệu tam ca, Tây Xuyên song hiệp đến kinh thành rồi nhờ Thất ca tính một cách an toàn nhất.”

Chu Ỷ liếc Từ Thiên Hoằng một cái, thầm nghĩ: “Chẳng lẽ tên lùn này lại có bản lĩnh đến thế? Mọi người phải đến thỉnh giáo ngươi ư, ta quyết không tin.”

Chu Trọng Anh khen: “Tứ gia nói đúng lắm.”

Lạc Băng kể tiếp: “Vu lão đương gia nói ông ấy đi gặp hoàng đế là có việc trọng đại, không thể đi nhiều người vào cung, rất dễ phát sinh biến cố. Tứ ca nghe lão đương gia nói thế, đương nhiên phải tuân hiệu lệnh. Đêm hôm đó hai người đi vào trong cung, vãn bối cứ đứng ngoài tường hoàng cung mà trông đợi, thấp thỏm sợ hãi. Mãi hơn một giờ sau họ mới nhảy ra khỏi tường, rồi sáng sớm hôm sau cả ba rời khỏi kinh thành, lập tức trở về Giang Nam. Vãn bối lén hỏi Tứ ca xem có gặp tên hoàng đế hay không, rốt cuộc là việc gì. Tứ ca đáp, hoàng đế thì đã gặp rồi, còn việc này liên quan đến chuyện lật đổ Thanh triều, khôi phục đại nghiệp cho người Hán. Dĩ nhiên không phải là Tứ ca không tin vãn bối nhưng thêm một người biết thì thêm một phần rủi ro tiết lộ bí mật nên không nói rõ ra. Vãn bối cũng không hỏi thêm nhiều.”

Chu Trọng Anh lại khen ngợi: “Hoài bão của Vu lão đương gia thật là không nhỏ, dám lẻn vào cung tìm gặp hoàng đế. Trong khắp thiên hạ, chẳng có mấy người can đảm đến thế.”

Lạc Băng kể tiếp: “Về tới Giang Nam, Vu lão đương gia chia tay với bọn vãn bối. Bọn vãn bối quay về tổng đà ở Thái Hồ, còn ông ấy đi đến Hải Ninh ở Hàng Châu. Từ lúc đi Hải Ninh về, thần sắc ông ấy thay đổi hẳn, giống như đột ngột già thêm mười mấy tuổi, suốt ngày không thấy nụ cười, rồi vài ngày sau thì khởi bệnh. Tứ ca có nói nhỏ cho vãn bối biết, vì người yêu nhất trong đời của lão đương gia đã tạ thế nên ông ấy quá thương tâm mà chết…” Nói đến đây, Lạc Băng và Từ Thiên Hoằng đều rơi nước mắt. Chu Trọng Anh cũng không nén nổi, quay đi hỉ mũi.

Lạc Băng lau nước mắt rồi nói tiếp: “Trước lúc lâm chung, lão đương gia cho triệu tập mười hai người chánh phó hương chủ của nội tam đường và ngoại tam đường, hạ lệnh đi đón thiếu đà chủ về, tiếp nhiệm ngôi vị tổng đà chủ. Ông còn nói: đây không phải vì ích kỉ hay tư tâm gì, nhưng chuyện này có liên quan đến việc quang phục thiên hạ nhà Hán, đó là việc quan trọng nhất. Nguyên nhân bên trong thì bây giờ chưa thể nói rõ, sau này mọi người sẽ biết. Mà cho dù ông ấy không để lại di ngôn nhất định huynh đệ cũng vì cảm ân đức mà nhất trí ủng hộ thiếu đà chủ tiếp quản đại nhiệm này.”

Chu Trọng Anh hỏi: “Không hiểu thiếu đà chủ xưng hô như thế nào với lão đương gia?”

Lạc Băng đáp: “Vốn là nghĩa tử! Thiếu đà chủ vốn là tam công tử của Trần Các Lão ở Hải Ninh, năm mười lăm tuổi đã đỗ cử nhân. Đỗ đạt chưa được bao lâu thì lão đương gia đã dẫn y đến Thiên Sơn Bắc, tìm Thiên Trì quái iệp Viên lão anh hùng để xin học võ. Còn tại sao công tử của Tướng Quốc phủ lại có thể bái một hào kiệt võ lâm làm nghĩa phụ thì chuyện này bọn vãn bối không sao biết được.”

Chu Trọng Anh nói: “Nguyên nhân chuyện đó chắc chắn Văn tứ gia đã biết.”

Lạc Băng nói: “Hình như Tứ ca cũng không rõ lắm. Lúc lão đương gia sắp chết, còn một tâm nguyện chưa hoàn thành nên rất cần gặp thiếu đà chủ một lần. Ông ấy vừa từ Bắc Kinh trở về đã gấp rút người đến Hồi Cương, dặn thiếu đà chủ về gấp Ngọc Hư đạo quán ở An Tây đợi lệnh. Viên lão tiền bối Thiên Trì Lão Quái không yên tâm nên cùng đi với thiếu đà chủ về phía đông. Không ngờ lão đương gia lại tạ thế nhanh chóng như thế. Từ An Tây đi đến tổng đà ở Thái Hồ đường xa vạn dặm, tuy thiếu đà chủ được tin là trở về ngay, nhưng lão đương gia biết không đợi nổi bèn sai lục đường chánh phó hương chủ đi về tây bắc đón thiếu đà chủ để bàn luận đại sự. Chuyện cơ mật đó, khi gặp chính thiếu đà chủ Tứ ca sẽ tường trình lại. Nào ngờ Tứ ca gặp phải kiếp nạn này…” Nói đến đây, giọng nàng nghẹn hẳn đi: “Lỡ Tứ ca có mệnh hệ gì, di chỉ của lão đương gia sẽ không ai biết nữa.”

Chu Ỷ dỗ dành: “Băng tỉ đừng quá buồn lòng. Nhất định chúng ta có thể cứu Văn gia ra.” Lạc Băng nắm tay nàng, khẽ gật đầu, nhoẻn nụ cười buồn.

Chu Trọng Anh lại hỏi: “Văn tứ gia bị thương như thế nào?”

Lạc Băng kể: “Các huynh đệ đều chia nhóm đi nghênh tiếp thiếu đà chủ, vợ chồng vãn bối là nhóm cuối cùng. Vừa đến Túc Châu, đột nhiên có tám tên đại nội thị vệ đến khách sạn tìm gặp, nói là phụng mệnh mời bọn vãn bối về Bắc Kinh gấp. Tứ ca nói gặp thiếu đà chủ xong mới có thể phụng mạng được. Tám tên thị vệ kia ăn nói rất khách sáo nhưng vẫn buộc Tứ ca lập tức hồi kinh. Tứ ca khước từ, hai bên càng nói càng căng thẳng, cuối cùng xảy ra chuyện động thủ. Tám thị vệ đó đều là cao thủ được tuyển chọn đặc biệt, bọn vãn bối lấy hai địch tám, dần dần ở thế hạ phong. Tứ ca nổi nóng lên, nói là Bôn Lôi Thủ này dù mất mạng cũng không để chúng bắt đi. Trong trận ác chiến, huynh ấy dùng đơn đao chém chết hai tên, phóng chưởng đánh chết ba tên, lại còn hai tên trúng phi đao của vãn bối. Tên cuối cùng thấy không êm nên bỏ chạy, nhưng Tứ ca cũng bị thương tới sáu bảy chỗ. Trong lúc đánh nhau, huynh ấy trước sau vẫn lo bảo vệ cho vãn bối nên vãn bối không bị thương chút nào cả.”

Khi Lạc Băng kể đến chỗ phu quân múa đao phóng chưởng đánh tan tác tám tên đại nội thị vệ, Chu Ỷ nghe đến ngẩn mặt ra. Nàng tưởng tượng đến phong độ anh hùng của Bôn Lôi Thủ, không nén nổi đem lòng ngưỡng vọng. Hồi lâu Chu Ỷ mới thở ra một hơi, giương mắt lên nhìn Từ Thiên Hoằng, mặt đầy sắc thái chê cười.

Dĩ nhiên Từ Thiên Hoằng hiểu được ý nàng. Chàng nghĩ bụng: “Tứ ca là anh hùng hào kiệt, trên đời ít ai bì được. Từ Thiên Hoằng mỗ không sánh kịp Tứ ca, chuyện đó ai cũng biết, không cần cô nương phải nói.”

Lạc Băng kể tiếp: “Bọn vãn bối biết chắc không thể nghỉ lại Túc Châu được nữa, bèn cố vượt qua ải Gia Cốc. Nhưng Tứ ca đã bị thương nặng, thật sự không đi nổi nữa, bèn tìm một khách sạn để dưỡng thương, chỉ mong thiếu đà chủ và các huynh đệ mau mau quay lại. Nào ngờ bọn chó săn ở Bắc Kinh và Lan Châu lại tìm đến. Những việc sau này, mọi người đều biết hết rồi.”

Từ Thiên Hoằng nói: “Tên hoàng đế kia càng sợ Tứ ca lại càng hận Tứ ca. Trước mắt Tứ ca hoàn toàn không phải lo âu về tính mạng. Quan phủ và bọn ưng trảo đã biết huynh ấy là khâm phạm, chắc chắn không dám tùy tiện đối xử tồi tệ.”

Chu Trọng Anh khen: “Lão đệ đoán không sai.”

Chu Ỷ bỗng nói với Từ Thiên Hoằng: “Nếu các vị đi đón Văn tứ gia sớm một chút thì hay quá rồi. Bọn chó săn đó sẽ bị giết cho sạch sẽ. Văn tứ gia không gặp rủi ro mà các vị cũng không cần phải đến Thiết Đảm Trang kiếm chuyện…”

Chu Trọng Anh vội vàng quát lên ngắt lời: “Con nha đầu này, ngươi nói gì lạ vậy?”

Từ Thiên Hoằng nói: “Chỉ vì thiếu đà chủ khiêm cung khách sáo quá, nói sao cũng không chịu tiếp nhận chức tổng đà chủ. Một bên ép một bên từ chối, chậm trễ bao nhiêu ngày tháng. Hơn nữa Tứ ca và Tứ tẩu đều bản lãnh đầy người, ai ngờ lại có kẻ cả gan đụng đến.”

Chu Ỷ nói: “Huynh đã là Gia Cát Lượng, sao lại không ngờ được?”

Từ Thiên Hoằng bị hỏi một câu vô lí tới như vậy, cho dù đầu óc linh hoạt gấp đôi thì cũng không biết trả lời sao, chỉ còn cách im lặng.

Chu Trọng Anh bèn nói: “Nếu Thất gia ngờ được việc này, thì chúng ta không được quen biết các hảo bằng hữu trong Hồng Hoa Hội. Nhân vật cao thâm lại tuấn nhã như Trần đương gia, ở vùng biên cương tây bắc chúng ta khó mà gặp được.” Ông quay lại hỏi Lạc Băng: “Phu nhân của y là ai, là danh môn khuê nữ hay hiệp nữ giang hồ?”

Lạc Băng đáp: “Trần đương gia vẫn chưa thành thân.”

Chu Trọng Anh không hỏi gì nữa. Lạc Băng bỗng bật cười khúc khích, hỏi: “Còn Chu Ỷ muội muội thì sao, bao giờ mới cho chúng ta uống chén rượu mừng?”

Chu Trọng Anh cười đáp: “Con nha đầu đó dở điên dở dại chẳng ai thèm lấy, chắc phải sống cả đời với lão già này thôi.”

Lạc Băng cười rộ lên: “Đợi khi cứu được Tứ ca, vợ chồng vãn bối sẽ làm mai cho Ỷ muội, đảm bảo kiếm cho lão tiền bối một chàng rể vừa ý.”

Chu Ỷ vội vàng nói: “Các vị còn trêu chọc ta nữa thì ta phải đi trước một mình đấy.” Ba người nhìn nhau mỉm cười, không nói gì nữa.

Qua một hồi lâu, Từ Thiên Hoằng bỗng bật cười thành tiếng. Chu Ỷ giận dữ nói: “Huynh lại cười cái gì rồi?”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Ta cười chuyện của ta, có liên quan gì đến cô đâu?”

Chu Ỷ không biết giấu giếm là gì, hừ một tiếng rồi nói: “Huynh cười chuyện gì chẳng lẽ ta không biết hay sao? Các vị muốn gả ta cho Trần Gia Lạc, nhưng người ta là công tử nhà tể tướng, làm sao ta với tới được. Mà mặc kệ các vị coi y là bảo bối, ta cứ không thèm. Lúc y tỉ đấu với gia gia của ta, ngoài mặt thì nói năng lịch sự, nhưng trong lòng lại xảo trá vô cùng. Ta thà cả đời ở vậy còn hơn lấy một tên miệng nam mô bụng bồ dao găm như thế.”

Chu Trọng Anh vừa tức giận vừa tức cười, hét lên bảo nàng im, nhưng Chu Ỷ cứ mặc kệ, nói một hơi cho hết, đúng như pháo nổ nguyên dây.

Lạc Băng mỉm cười nói: “Được rồi, được rồi! Sau này ta sẽ giới thiệu cho Ỷ muội một bậc đại anh hùng hào kiệt lòng thật miệng nhanh là được rồi. Như vậy đã vừa ý chưa?”

Chu Trọng Anh cũng cười nói: “Con nha đầu này miệng lưỡi không có hàng rào, đúng là không biết sợ Thất gia và Văn phu nhân chê cười. Thôi được rồi, mọi người ngủ đi một chút để sáng mai đi đường thoải mái hơn.” Bốn người bèn tới chỗ buộc ngựa, lấy chăn ra đắp lên người, nằm ngủ dưới gốc cây.

Chu Ỷ bỗng hỏi nhỏ: “Gia gia! Gia gia có mang theo cái gì ăn hay không, con đói lắm rồi.”

Chu Trọng Anh đáp: “Ta không mang theo. Sáng mai chúng ta khởi hành sớm một chút, đi đến Song Tỉnh rồi ăn sáng.”

Một lúc sau, ông đã ngáy khò khò, hình như ngủ say rồi. Còn Chu Ỷ thì bụng đói cồn cào, trở qua lăn lại không sao ngủ được. Nàng nhìn qua Lạc Băng nằm ngủ bên cạnh, rồi bỗng nhìn thấy Từ Thiên Hoằng ngồi dậy, từ từ đi đến nơi buộc ngựa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.