Thư kiếm ân cừu lục

Hồi thứ bảy: Đàm ngâm réo rắt như phượng gáy



Kiếm khí âm trầm tựa rồng gầm

Chưa đầy một ngày quần hùng đã đến Từ Châu. Đà chủ phân đà Hồng Hoa Hội nơi đó thấy tổng đà chủ và các vị hương chủ nội hương đường ngoại hương đường đột ngột đến cả đây, lập tức cung kính đón tiếp, không khỏi bận rộn suốt ngày. Hội chúng vùng Giang Bắc này do Dương Thành Hiệp thống lĩnh, y hạ lệnh cho phân đà chủ không được bày vẽ rườm rà, cũng không cần phải thông báo cho anh em trong hội đến tham kiến tổng đà chủ.

Quần hùng chỉ nghỉ một đêm, rồi đi miết về hướng nam. Mọi bến đò vượt sông đều có đầu mục hay phân chi Hồng Hoa Hội, nhưng quần hùng muốn giữ cơ mật nên không kinh động ai cả, chỉ nhanh chóng vượt qua. Mấy ngày sau mọi người đã đến Hàng Châu, nghỉ tại nhà Mã Thiện Quân là chủ phân đà Hàng Châu. Gia trang nhà họ Mã tọa lạc dưới chân núi Cô Sơn ở Tây Hồ. Nơi này sản vật phong phú, cảnh trí tuyệt vời, lại vô cùng yên tĩnh.

Mã Thiện Quân chuyên nghề buôn bán vải vóc, làm chủ hai xưởng dệt tơ lụa khá lớn. Tính ông hiếu võ nên kết giao với Vệ Xuân Hoa, rồi được họ Vệ giới thiệu vào Hồng Hoa Hội. Mã Thiện Quân thân hình mập mạp, tuổi trạc ngũ tuần, thường mặc áo bào bằng tơ lụa in bông lớn, ngoài khoác thêm áo ngắn màu đen. Nhìn y chẳng khác gì một vị đại gia sống trong nhung lụa, nào ngờ cũng là hiệp khách phong trần.

Đêm đó đón tiếp quần hùng trong hậu sảnh, mọi người bàn đến việc cứu Văn Thái Lai. Mã Thiện Quân nói: “Để thuộc hạ lập tức cho người đi điều tra xem Tứ đương gia bị nhốt trong lao nào, rồi chúng ta theo tình hình mà hành sự.” Y bèn lệnh cho con trai Mã Đại Đình ra ngoài sắp xếp mọi chuyện.

Sáng hôm sau Mã Đại Đình về báo: “Đã cho huynh đệ đi thám thính khắp các nha môn phủ Hàng Châu, huyện Tiền Đường, huyện Nhân Hòa, kể cả doanh trại của tướng quân trú phòng, thủy lục đề đốc, nhưng không có tin tức gì của Văn tứ đương gia.”

Trần Gia Lạc triệu tập quần hùng nghị sự. Mã Thiện Quân nói: “Trong nha môn quan phủ, doanh trại tướng quân đều có huynh đệ chúng ta nằm vùng, nếu Văn tứ đương gia bị giam trong nhà lao của quan sai thì chắc chắn sẽ tìm được. Chỉ sợ Tứ đương gia gây trọng án nên chúng phải nhốt riêng, vậy thì khó mà xoay xở.”

Trần Gia Lạc nói: “Bước đầu chúng ta phải điều tra cho được Tứ ca đang ở đâu. Phiền Mã đại ca tiếp tục cử các huynh đệ đắc lực đi tìm kiếm, thám thính lại các nơi quan phủ. Đêm nay mời đạo trưởng, Ngũ ca, Lục ca đến dinh tuần phủ xem thử. Quan trọng nhất là đừng đánh cỏ động rắn, bất kể thế nào cũng không nên động võ.” Bọn Vô Trần vâng lệnh, hỏi tỉ mỉ Mã Thiện Quân về đường đi nước bước và tình hình trong ngoài dinh tuần phủ.

Giờ Tí đêm đó ba người xuất phát, hai canh giờ sau về báo cáo. Dinh tuần phủ canh gác nghiêm mật khác thường, hàng ngàn binh lính đèn đuốc sáng trưng canh giữ suốt đêm, rất nhiều quan quân tuần tra thuộc hàng nhị phẩm tam phẩm đội nón đỏ. Họ không dám xông vào, nấp ngoài chờ đợi hồi lâu. Đơi mãi vẫn thấy chúng chẳng có vẻ gì lơi lỏng, ba người đành phải trở về.

Quần hùng đều kinh ngạc, không sao ngờ đến cục diện này. Mã Thiện Quân nói: “Mấy ngày nay trong thành Hàng Châu nơi nào cũng tra xét cẩn mật. Ngay cả chốn lầu xanh, thậm chí thuyền bè qua lại trên sông cũng bị quan sai xét hỏi. Rất nhiều người vô cớ bị bắt đi. Chẳng lẽ những việc đó có liên quan đến Văn tứ gia hay sao?”

Từ Thiên Hoằng nói: “Chắc không phải vậy. Không chừng có khâm sai đại thần gì đó từ kinh đến đây, nên quan lại địa phương mới hao công tốn sức như thế.”

Mã Thiện Quân nói: “Nhưng lại không nghe nói có quan khâm sai nào đến Triết Giang.” Mọi người bàn luận khá lâu, cuối cùng cũng chẳng được gì.

Hôm sau Chu Ỷ nũng nịu bắt cha mẹ đi chơi hồ với nàng, Chu Trọng Anh đồng ý. Chu Ỷ nháy mắt với Từ Thiên Hoằng, muốn chàng cùng đi. Họ Từ không dám mở miệng, làm như chẳng biết gì.

Nhưng người xưa có nói, biết con không ai bằng cha. Chu Trọng Anh hiểu tâm sự của nàng, cười bảo: “Hoằng nhi! Chúng ta chưa đến Hàng Châu bao giờ. Con đi chung với chúng ta, đừng để ông bà già cả này lạc mất đường về.”

Từ Thiên Hoằng vâng dạ. Chu Ỷ khẽ trách: “Gia gia kêu thì ca ca đi, còn muội kêu thì ca ca không chịu.” Từ Thiên Hoằng mỉm cười không nói. Chàng từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, phiêu bạt điêu linh, bây giờ đột nhiên được vợ chồng Chu Trọng Anh coi mình như con ruột, lại thêm hôn thê ngây thơ khả ái, đối với chàng thân mật muôn phần, trước mặt người khác cũng không chút e dè. Không những bản thân chàng hoan hỉ, mà các huynh đệ cũng thấy vui lây.

Trần Gia Lạc cũng dẫn Tâm Nghiễn đi dạo cảnh hồ. Dạo qua Tô Đê, Bạch Đê, chàng lên cầu ngồi nhìn về ngọn núi xa xôi. Không mưa mà vẫn um tùm cây cối xanh xanh trùng điệp, không khói mà vẫn nhòa nhạt những đỉnh núi hùng vĩ thấp thoáng trong mây. Trần Gia Lạc nghĩ: “Người xưa lần đầu đến Tây Hồ đã ví mình như Tào Thực kiến diện nữ thần sông Lạc, vừa ngẩng đầu lên đã thấy ngợp mắt lạc thần, quả thật không sai.”

Trần Gia Lạc đã đến Tây Hồ mấy lần, nhưng lúc đó còn nhỏ không hiểu được cái đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Lần này chàng quay lại mới hiểu được thế nào là sơn dung thủy ý, hoa thái liễu tình. Chàng say mê thưởng ngoạn hơn nửa ngày rồi mới thuê xe ngựa vào chùa Linh Ẩn để thăm Phi Lai Phong.

Ngọn núi này cao hơn năm mươi trượng, từ chân lên tới đỉnh toàn là đá, dưới những khe đá mọc nhiều cây cối cành lá xum xuê. Trên cao có những tảng đá lởm chởm, chông chênh như chỉ chực rơi xuống dưới. Trần Gia Lạc cao hứng, bảo Tâm Nghiễn: “Chúng ta lên đó xem thử.” Vốn không có đường lên đỉnh núi, nhưng hai người ỷ vào khinh công phi phàm, vừa nói chuyện vừa bước nhẹ như không.

Nhìn về phía Tam Thiên Trúc thấy phong cảnh thanh nhã thoát tục, Trần Gia Lạc bèn nói: “Bên kia lại càng tuyệt đẹp.” Hai người bèn chậm rãi xuống núi, tiến đến Tam Thiên Trúc.

Được mười mấy trượng thì có hai đại hán mặc trường bào màu lam đi qua mặt, nhìn hai thầy trò tỉ mỉ, sắc mặt lộ vẻ kinh ngạc. Tâm Nghiễn khẽ nói: “Thiếu gia, hai người này biết võ công.”

Trần Gia Lạc cười đáp: “Nhãn lực của ngươi không tệ.” Chưa dứt câu, trước mặt lại có hai người đi tới, phục sức giống hai người trước, ra vẻ đang thưởng ngoạn phong cảnh, khẩu âm như người Mãn Thanh. Cứ thế, rải rác dọc đường lên núi có tới ba bốn chục người biết võ công mặc trường bào màu lam. Nhìn thấy Trần Gia Lạc, chúng đều lộ vẻ khác thường.

Tâm Nghiễn hoa cả mắt, Trần Gia Lạc cũng phải ngạc nhiên thầm nghĩ: “Chẳng lẽ có bang hội hay võ phái nào hội họp ở đây hay sao? Nhưng Hàng Châu là địa bàn của Hồng Hoa Hội, nếu vậy thì nhất định họ phải thông báo cho mình biết. Hơn nữa, những người này nhìn mình rất lạ, hẳn phải có lí do.”

Thầy trò đi qua một khúc quanh, sắp lên tới Quan Âm Miếu trên Tam Thiên Trúc thì đột nhiên bên trên vọng xuống tiếng đàn thánh thót ngân vang, nghe như tiếng thác nước đổ từ trên núi. Tiếng nhạc ngân nga ca ngợi Thanh triều giang sơn cẩm tú, nhờ hoàng ân mà lê dân được sống an bình, thôn xóm nào cũng có nhà dựng cờ bán rượu.

Trần Gia Lạc nghĩ: “Tiếng đàn bình hòa nhã nhặn, thế mà ca từ lại đầy vẻ nịnh bợ, thật không tương xứng. Nhưng bảy chữ An đỗ thôn thôn dương tửu kì quả nhiên xuất sắc. Nếu thôn xóm nào trên thiên hạ cũng có tửu gia, thì dĩ nhiên là lê dân bá tánh được sống vui vẻ rồi.”

Nhắm hướng tiếng đàn đi tới, chàng thấy giữa tòa núi đá có một thư sinh trạc tứ tuần đang ngồi đánh đàn, bên cạnh có hai người áo lam đứng hầu, một ông lão gầy ốm và một đại hán thấp lùn. Trong lòng Trần Gia Lạc đột nhiên phát sinh cảm giác mình với người đang chơi đàn đã quen biết lâu rồi. Y có dáng vẻ thanh tú, cốt cách cao quý, chàng càng nhìn càng thấy quen thuộc nhưng mãi không sao nhớ được đã gặp ở đâu. Trong phút chốc, đầu óc chàng mơ hồ như đang nằm mộng, cảm thấy người này đối với mình hết sức thân cận mà cũng rất đỗi xa xôi.

Lúc đó, hai người áo lam kia cũng chăm chú quan sát Trần Gia Lạc và Tâm Nghiễn, hình như muốn bước tới nói hỏi han. Thư sinh bỗng đưa ba ngón tay chặn lên dây đàn, âm thanh vụt tắt. Trần Gia Lạc tiến lên hai bước, chắp tay nói: “Vừa rồi mạo muội trộm nghe nhân huynh tấu nhạc, ca từ mới lạ tân kì. Chẳng hay bài ca đó có phải của nhân huynh vừa phổ nhạc hay không.”

Người kia cười đáp: “Đúng vậy! Bài Cẩm tú càn khôn này do tại hạ phổ nhạc gần đây. Các hạ quả nhiên là bậc tri âm, xin được nghe chỉ giáo.”

Trần Gia Lạc khen: “Cao minh, cao minh. Câu An đỗ thôn thôn dương tửu kì quả thật tuyệt vời.”

Người kia lộ vẻ hân hoan nói: “Huynh đài mới nghe mà đã nhập tâm như vậy! Xin mời đến đây đàm đạo.”

Trần Gia Lạc nghĩ: “Nhưng mấy câu kia thì sặc mùi bợ đít triều đình, ngươi cũng chỉ vào hạng tầm thường.” Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng không biết vì sao chàng lại có ý muốn thân cận với người này, bèn tới thi lễ rồi ngồi xuống. Người kia nhìn kĩ dung mạo Trần Gia Lạc, cũng ra vẻ ngơ ngác hồi lâu.

Trần Gia Lạc cười nói: “Dọc đường lên núi gặp rất nhiều du khách, người nào gặp tiểu đệ cũng để lộ sắc thái khác thường như vậy. Vừa rồi huynh đài cũng thế, chẳng lẽ mặt mày tiểu đệ có gì cổ quái hay sao? Mong được chỉ giáo.”

Người kia mỉm cười đáp: “Huynh đài không hiểu cũng phải. Tại hạ có một người thân thích, tướng mạo rất giống huynh đài. Những du khách đó đều là bằng hữu của tại hạ, nên họ mới ngạc nhiên như vậy.”

Trần Gia Lạc cười nói: “Thì ra là thế. Tiểu đệ cũng thấy tướng mạo nhân huynh rất quen thuộc, hình như đã gặp ở đâu nhưng tiểu đệ ngu muội không sao nhớ nổi. Không biết nhân huynh nghĩ thế nào?”

Người kia cười rộ lên: “Chúng ta thật hữu duyên. Xin hỏi cao danh quý tánh nhân huynh?”

Trần Gia Lạc danh tiếng lẫy lừng trong giang hồ, không muốn nói thật bèn đáp bừa: “Tiểu đệ họ Lục, tên Gia Thành.” Đây chỉ là ba chữ Trần Gia Lạc đọc ngược lại. Rồi chàng cũng hỏi: “Xin hỏi tôn tánh huynh đài?”

Người kia suy nghĩ một lúc rồi nói: “Tại hạ họ kép là Đông Phương, tên chỉ có một chữ Nhĩ, là người Trực Lệ. Nghe khẩu âm thì hình như huynh đài là người địa phương này?”

Trần Gia Lạc đáp: “Tiểu đệ đúng là người ở đây.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Từ lâu đã nghe nói phong cảnh Giang Nam thiên hạ vô song, hôm nay đến đây quả nhiên danh bất hư truyền. Không những nơi này núi non hùng vĩ, lại còn địa linh nhân kiệt. Tại hạ gặp rất nhiều nhân vật, đa số là học sĩ tài ba.”

Trần Gia Lạc nghe y nói chuyện phong thái bất phàm, lại thấy đại hán và ông lão kia đối với y mười phần cung kính, thõng tay đứng hầu không chút trễ nãi. Chàng thật sự không biết người này là nhân vật thế nào, bèn nói: “Huynh đài đã yêu thích Giang Nam tại sao không định cư hẳn nơi đây, để tiểu đệ thường xuyên được nghe lời dạy bảo?”

Đông Phương Nhĩ cười lớn: “Tranh thủ nửa ngày nhàn hạ, đi chơi một buổi ở đây đã là quá lắm rồi. Người tục lụy như tại hạ đây, phước phận như lúc này không phải hễ muốn là được. Huynh đài hiểu được tiếng đàn của tại hạ, nhất định là bậc cao nhân. Xin huynh đài tấu thử một khúc, có được hay không?” Nói xong, y khẽ đẩy cây thất huyền cầm đến trước mặt Trần Gia Lạc.

Trần Gia Lạc thử đưa ngón tay lướt nhẹ, thấy tiếng đàn thanh thoát tuyệt diệu. Chàng nhìn kĩ cây đàn thấy trên đầu có buộc chùm tua xen kẽ sợi vàng thắt thành hai chữ triện Lai Phượng, còn chất liệu và hoa văn thì tuyệt hảo, giống như cổ vật cả ngàn năm. Chàng âm thầm kinh hãi, biết cây đàn này là bảo vật vô giá, không biết người này có được từ đâu, bèn nói: “Tiểu đệ mạn phép tấu đàn trước mặt cao nhân, mong huynh đài đừng có chê cười.”

Trần Gia Lạc gảy một bài Bình Sa Lạc Nhạn, Đông Phương Nhĩ chăm chú ngồi nghe. Nghe xong y hỏi: “Chắc hẳn huynh đài đã từng đến vùng biên ải?”

Trần Gia Lạc nói: “Đúng là tiểu đệ vừa từ Hồi Cương trở về, không hiểu sao nhân huynh biết được?”

Đông Phương Nhĩ đáp: “Tiếng đàn của huynh đài đạm bạc mà khoáng đạt mênh mông, phong cảnh hùng vĩ nơi đại mạc thể hiện rõ ràng trong đó. Nghe tiếng đàn của huynh phải nhớ tới bài từ của Tân Gia Hiên: Say rượu khêu đèn ngắm kiếm; Nhớ về những tháng năm xưa; Biếm ra ngoài tám trăm dặm; Tai nghe đàn năm mươi dây; Tiếng đàn ngoại tộc vùng biên ải; Tưởng trống điểm binh chốn sa trường. Tại hạ đã nghe khúc Bình Sa Lạc Nhạn này mấy chục lần, nhưng chưa từng thấy khí tượng bát ngát xung thiên như tiếng đàn của huynh đài.” Trần Gia Lạc thấy y quả đáng mặt tri âm của mình, không khỏi cao hứng.

Đông Phương Nhĩ lại nói: “Tại hạ còn một việc không rõ, muốn thỉnh giáo huynh đài. Nhưng vừa mới quen nhau, giao thiệp còn nông cạn, mở lời không khỏi e ngại.”

Trần Gia Lạc nói: “Rất mong được nghe tôn ý huynh đài.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Trong tiếng đàn của huynh đài còn chất chứa can qua, như ẩn tàn mười vạn binh giáp bên trong. Nhưng nhìn dáng vẻ huynh đài lại như một công tử quý phái, văn nhã ôn hòa, chắc chắn không phải là đại tướng thống binh. Thật sự tại hạ không hiểu ra sao.”

Trần Gia Lạc cười nói: “Tiểu đệ chỉ là một kẻ thư sinh lang bạt giang hồ. Lời nói của huynh đài khiến đệ nghe mà xấu hổ.”

Dường như Đông Phương Nhĩ không tin lắm, lại hỏi tiếp: “Cũng có thể huynh đài xuất thân thế gia con nhà đại tướng. Không biết tôn đại nhân bây giờ làm đến chức quan nào, còn công danh huynh đài ra sao?”

Trần Gia Lạc đáp: “Tiên phụ bất hạnh đã tạ thế từ lâu. Còn tiểu đệ tài sơ trí thiển, hoàn toàn vô duyên với công danh lợi lộc.”

Đông Phương Nhĩ lại hỏi: “Chỉ nghe lời đàm luận đủ biết huynh đài tài ba lỗi lạc. Chẵng lẽ huynh đài không đặt mục đích kiến thân lập nghiệp hay sao?”

Trần Gia Lạc lắc đầu đáp: “Chuyện đó thì không phải.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Tuần Phủ Triết Giang là chổ tri giao của tại hạ. Ngày mai huynh đài thử dời gót đến gặp ông ấy, không chừng sẽ có một phen hạnh ngộ.”

Trần Gia Lạc nói: “Hảo ý của huynh đài đệ xin cảm tạ, nhưng thật sự đệ không có ý làm quan.”

Đông Phương Nhĩ hỏi: “Chẳng lẽ huynh đài cam chịu để tài năng mai một suốt đời như vậy sao?”

Trần Gia Lạc đáp: “Trước mặt bình dân bá tánh mà lộ vẻ anh hùng, chẳng khác gì hành vi bỉ ổi.” Đông Phương Nhĩ nghe xong câu này, bất giác nét mặt thay đổi. Hai người áo lam thấy vậy đều bước lên một bước.

Đông Phương Nhĩ im lặng một lát rồi nói: “Huynh đài là bậc cao nhân nhã trí, đương nhiên những kẻ phàm tục như tại hạ không sao sánh kịp.”

Hai bên quan sát lẫn nhau, đều cảm thấy đối phương là nhân vật không phải tầm thường, mà trong sự đề phòng lại không nén nổi phát sinh cảm giác thân tình. Đông phương Nhĩ lại cất tiếng: “Huynh đài đi từ Hồi Cương đến tận Giang Nam này, dọc đường chắc hẳn đã thưởng ngoạn rất nhiều cảnh đẹp.”

Trần Gia Lạc đáp: “Thần Châu vạn dặm, thắng cảnh sông núi đương nhiên không sao xem hết được. Nhưng thấy Hoàng Hà lũ lụt, dân tình khắp nơi thê thảm bi ai, tiểu đệ chẳng còn tâm trí đâu du ngoạn nữa.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Nghe nói dân chúng bị thiên tai ở Lan Phong đã cướp hết quân lương của đại quân tây chinh. Dọc đường huynh đài có nghe thấy vụ này hay không?”

Trần Gia Lạc giật mình nghĩ: “Tin tức của người này tại sao mau lẹ đến thế? Chúng ta cướp lương xong là đi thẳng Giang Nam, ngày đêm không dừng bước, mà y đã biết rồi.” Chàng bèn đáp: “Đúng là có chuyện đó, nhưng thiết nghĩ nạn dân không có cơm ăn áo mặc, thế mà quan phụ mẫu không thương xót chút nào. Họ chỉ vì muốn sống mà gây ra chuyện đó, về tình thì có thể tha thứ được.”

Đông Phương Nhĩ chậm rãi lắc đầu, từ từ nói: “Xem ra sự việc không đơn giản như vậy. Vụ này là do Hồng Hoa Hội xách động nạn dân phạm thượng làm loạn.”

Trần Gia Lạc vờ hỏi: “Hồng Hoa Hội là cái gì vậy?”

Đông Phương Nhĩ trả lời: “Đó là một bang hội mưu đồ tạo phản trên giang hồ. Huynh đài chưa từng nghe thấy hay sao?”

Trần Gia Lạc nói: “Tiểu đệ đắm mình trong cầm kì, đối với chuyện thế gian không hiểu là mấy. Nói ra xấu hổ, một bang hội danh tiếng lẫy lừng như thế mà đến hôm nay tiểu đệ mới nghe thấy lần đầu.” Chàng dừng lại một chút rồi tiếp: “Triều đình nghe tin này, chắc chắn sẽ nghiêm phạt Hồng Hoa Hội.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Đó là lẽ đương nhiên, một nhúm phản tặc đó không đủ trở thành đại họa.”

Trần Gia Lạc không phản đối, chỉ hỏi: “Huynh đài căn cứ vào đâu mà nói thế?”

Đông Phương Nhĩ đáp: “Đương kim thiên tử là bậc thánh minh, chỉ cần phái một hai nhân vật tài cán hơn người, Hồng Hoa Hội sẽ bị tiêu diệt trong chốc lát.”

Trần Gia Lạc nói: “Tiểu đệ không rõ về triều chính, nếu ăn nói hoang đường mong nhân huynh đừng cười là ngu muội. Tiểu đệ cho rằng trong triều chỉ có hạng giá áo túi cơm, chưa chắc làm nổi việc gì.” Câu này vừa thốt ra, Đông Phương Nhĩ và hai kẻ hầu cận áo lam đều biến sắc.

Đông Phương Nhĩ nói: “Huynh đài nói như vậy, thật không ngoài cách nghĩ của học trò. Chưa cần nhắc đến vô số danh tướng cùng hiền sĩ trong triều, chỉ riêng mấy bằng hữu của tại hạ đây cũng không phải tầm thường. Chỉ tiếc huynh đài là hạng thư sinh, không thì có thể bảo họ thi triển mấy chiêu. Nếu huynh đài biết võ công, sẽ hiểu lời nói của tại hạ không phải là vô căn cứ.”

Trần Gia Lạc nói: “ Tiểu đệ trói gà không chặt, nhưng đã từng đọc Du Hiệp Liệt Truyện của Thái Sử Công, bản thân cũng rất thán phục các bậc anh hùng hiệp sĩ. Không hiểu huynh đài là tôn chủ phái nào, các vị đây có phải là đệ tử quý phái hay không? Cảm phiền huynh đài mời họ biểu diển môt vài tuyệt kĩ cho tiểu đệ được mở rộng tầm mắt.”

Đông Phương Nhĩ bảo hai người áo lam: “Các ngươi thử làm trò để ra mắt Lục gia.”

Trần Gia Lạc đưa tay mời, nghĩ bụng: “Chỉ cần bọn bay xuất thủ là ta biết ở phái nào ngay.”

Gã đại hán bước lên nói: “Con sẻ trên cành cây kia ồn ào đáng ghét quá. Để tiểu nhân lôi nó xuống đây cho nhĩ căn được thanh tịnh hơn.” Hắn nói xong vẫy tay, một mũi tụ tiễn bắn về phía con chim sẻ đang đậu trên cành. Nào ngờ tụ tiễn đến gần thì đột ngột rẽ sang bên, bay lạc mất.

Đông Phương Nhĩ thấy hắn không đánh trúng thì rất bất ngờ. Đại hán kia xấu hổ đỏ mặt tía tai, lại vung tay, một mũi tụ tiễn nữa bắn lên. Lần này mọi người nhìn thấy rõ ràng, khi tụ tiễn tới gần con sẻ thì khống biết từ đâu có một viên đất bắn tới làm tụ tiễn bay lệch đi. Ông lão gầy ốm đứng bên Đông Phương Nhĩ thấy tay phải Tâm Nghiễn hơi rung động, biết cậu là thủ phạm bèn lên tiếng: “Không ngờ tiểu huynh đệ này công phu không tệ. Chúng ta làm quen một tí!” Lão bèn đưa năm ngón tay ra thành cương trảo, giống như móc sắt móc vào tay Tâm Nghiễn.

Trần Gia Lạc thấy ông lão này sử dụng Đại Lực Ưng Trảo Công của phái Tung Dương, xuất thủ không nhanh mà bàn tay đã có tiếng gió rít lên. Chàng thầm kinh hãi, nghĩ bụng: “Võ công người này có thể gọi là cao thủ đệ nhất trên giang hồ, nếu không phải là tôn chủ một phái thì cũng là tiền bối võ lâm. Sao lão lại chịu làm nô bộc cho gã Đông Phương Nhĩ này?”

Chàng nghĩ vậy, vội phẩy cây quạt xếp trong tay một cái, xòe ra cản giữa ông lão và Tâm Nghiễn. Ông lão lập tức rút tay về, nghĩ thầm: “Chủ nhân vừa đối xử với gã này như bằng hữu, nếu phá hủy đồ vật của hắn thì thật vô lễ.” Lão nhìn chằm chằm Trần Gia Lạc từ trên xuống dưới xem thử chàng có biết võ công hay không, nhưng chỉ thấy chàng đưa quạt nhẹ nhàng như không chú ý, hình như lần can thiệp vừa rồi chỉ là may mắn.

Đông Phương Nhĩ nói: “Tiểu huynh đệ này tuổi tác còn nhỏ mà võ nghệ cao cường. Huynh đài tìm đâu ra thư đồng như vậy?”

Trần Gia Lạc đáp: “Nó không biết võ đâu. Chỉ vì từ nhỏ nó thích bắt sâu bắt chim, nên ném đất cũng khá chính xác.”

Đông Phương Nhĩ thấy chàng đáp không thật lòng nên không hỏi vặn. Y nhìn cây quạt xếp trong tay chàng, hỏi: “Không hiểu cây quạt xếp trong tay huynh đài có bút tích của ai, có thể cho xem một lát không?” Trần Gia Lạc bèn đưa cây quạt xếp qua.

Đông Phương Nhĩ cầm xem, thấy trên quạt có thủ bút bài từ Kim Lũ Khúc của Nạp Lan Tính Đức là một thi nhân tiền triều, ý tứ cao siêu, bút phong tuấn nhã. Y bèn nói: “Nạp Lan là công tử nhà tướng quốc nên viết thi từ rất có khí phách, sánh được Tô Đông Pha thời xưa. Triều đình lúc ấy chỉ có một mình ông đáng nói. Thư pháp này theo kiểu Chư Hà Nam, cũng ẩn tàng đôi chút phong thái vương tôn. Chiếc quạt và bài từ này có thể gọi là song bích, rất hợp với nhau, không phải là cao nhân thì chắc chắn không có duyên sử dụng. Không hiểu huynh đài từ đâu có được?”

Trần Gia Lạc đáp: “Tiểu đệ tình cờ dùng mười lạng vàng mua được trong kho sách cũ.”

Đông Phương Nhĩ nói: “Nếu đắt gấp mười, bỏ trăm lạng vàng mua được cây quạt này cũng là quá rẻ. Đa số văn vật kiểu này chỉ truyền đời trong nhà thế gia, huynh đài mua được trong kho sách cũ thì quả là kì ngộ hiếm thấy trên đời.” Y nói xong cười rộ, Trần Gia Lạc biết y tỏ ý không tin nhưng cứ mặc kệ, mỉm cười bỏ qua.

Đông Phương Nhĩ lại nói: “Nạp Lan công tử tài hoa tuyệt diệu, tự thị là anh kiệt trong đám thư sinh. Huynh đài xem, trong bài từ của ông ấy có mấy câu:

Mày ngài có ngày nhăn nhíu,

Từ xưa ai cũng ngại ngùng,

Cuộc thế đáng gì mà hỏi,

Chỉ nên cười nhạt mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.