Công Viên Khủng Long Kỷ Jura
7. NƠI SINH SẢN
– Nơi sinh sản?
Grant:
– Tổ trứng. Giả sử trung bình mỗi tổ có từ tám đến mười hai trứng ấp nở, con số này cho thấy lũ compys có hai tổ. Mấy con raptor có hai tổ. Con othys một tổ. Và các con hypsys và maias mỗi con một tổ.
– Những tổ này nằm ở đâu?
– Chúng ta sẽ tìm. Khủng long làm tổ ở những nơi hẻo lánh.
– Nhưng tại sao số thú lớn quá ít? Nếu có một tổ maias từ tám đến mười hai trứng thì phải có từ tám đến mưởi hai con maias mới thêm vào, không phải chỉ một con.
– Đúng thế. – Grant nói – Ngoại trừ các con raptor và compys thả lỏng trong công viên có thể ăn trứng các con lớn hơn, và có thể ăn luôn các con mới nở.
Giọng Arnold xen vào qua radio:
– Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy điều đó.
– Raptor là loài ăn đêm. Có ai canh chừng công viên vào ban đêm không?
Yên lặng một lúc lâu.
Grant:
– Chắc chẳng có ai.
Giọng Wu:
– Nhưng việc ấy cũng không có ý nghĩa. Ông không thể nuôi năm mươi con thú thặng dư chỉ với hai tổ trứng.
– Vâng. Tôi cho là chúng ăn thêm thức ăn gì khác nữa. Có lẽ là loại gặm nhấm, như chuột nhắt, chuột đồng.
Một lúc yên lặng khác. Rồi Grant lên tiếng: .
– Tôi thử đoán xem. Khi thoạt tiên quý vị đến đảo, quý vị đã gặp vấn đề với lũ chuột. Rồi thời gian trôi qua, vấn đề mất dần đi.
– Vâng. Đúng như thế…
– Và quý vị không bao giờ nghĩ đến việc điều tra xem lý do tại sao.
– Ơ chúng tôi chỉ cho rằng… – Giọng Arnold ngập ngừng.
Giọng Wu:
– Thế nhưng, vấn đề là: Tất cả các con thú đều là cái, chúng không thể sinh sản.
Grant cũng đã suy nghĩ về điều đó. Gần đây ông có biết đến một khảo cứu khá thú vị của Tây Đức, có khả năng trả lời cho câu hỏi đau đầu này. Ông hỏi Wu:
– Khi anh thực hiện việc rút DNA khủng long, anh làm việc với những chuỗi không nguyên vẹn, phải không?
– Phải.
– Để có được một chuỗi DNA hoàn toàn, anh có dùng đến một số xoắn DNA của các chủng loại khác không?
– Thỉnh thoảng. Đấy là cách duy nhất để hoàn thành công việc. Đôi khi chúng tôi thêm vào DNA loài cầm, của các loài chim khác nhau, đôi khi của loài bò sát.
– Anh có dùng DNA loài lưỡng cư không, chính xác là, của loài ếch nhái không?
– Có thể có. Tôi phải kiểm tra lại đã.
– Hãy kiểm tra lại đi. – Grant bảo – Tôi cho là anh sẽ tìm được câu trả lời ở đấy.
Malcolm hỏi:
– DNA của ếch nhái. Tại sao lại DNA ếch nhái?
Gennaro sốt ruột xen vào:
– Này, chuyện quý vị đang nói thú vị đấy, nhưng chúng ta quên mất câu hỏi chủ yếu: có con thú nào thoát khỏi đảo không?
Grant:
– Chúng ta không thể trả lời căn cứ theo các số liệu này được.
– Vậy làm sao chúng ta biết được?
– Tôi chỉ thấy một cách. Chúng ta sẽ phải tìm cho ra từng ổ trứng, khảo sát, rồi đếm mảnh vỏ trứng. Từ đấy ta có thể xác định có bao nhiêu khủng long được ấp nở. Rồi đếm lại số thú trên đảo xem có thiếu không.
Malcolm:
– Cho dù vậy, ta cũng không biết được là những con thú thiếu là do bị giết, hay chết vì những nguyên nhân tự nhiên, hoặc đã rời khỏi đảo.
– Không biết được, đúng thế, nhưng đấy là bước đầu tiên. Và tôi nghĩ là chúng ta có thể có thêm thông tin qua xem xét kỹ các biểu đồ mật độ thú.
– Làm thế nào chúng ta có thể tìm được các tổ trứng này?
– Thật ra thì – Grant nói – tôi cho là computer có thể giúp chúng ta trong việc này được.
Lex lại lên tiếng:
– Chúng ta về được chưa? Cháu đói bụng quá.
Grant nhìn cô bé, mỉm cười:
– Được rồi, chúng ta về thôi. Cháu kiên nhẫn lắm rồi.
Regis bắt đầu đến bên mấy chiếc Land Cruiser:
– Quý vị có thể dùng bữa sau khoảng hai mươi phút nữa.
Ellie đề nghị:
– Tôi sẽ ở lại thêm một lát, để mượn máy ảnh của bác sĩ Harding chụp vài bức ảnh con stegos này.
– Tôi muốn về. – Grant bảo – Tôi sẽ đi với mấy đứa nhỏ.
– Tôi cũng thế. – Malcolm tiếp lời.
– Tôi sẽ ở lại – Gennaro nói – và sẽ cùng về với tiến sĩ Ellie bằng xe của bác sĩ Harding.
– Tốt quá. Vậy đi thôi.
Họ bắt đầu đi đến bên mấy chiếc Land Cruiser. Tim đề nghị:
– Lần này, cháu muốn đi xe trước với tiến sĩ Grant.
Malcolm nói:
– Không được đâu, cháu. Tiến sĩ Grant và bác cần nói chuyện.
– Cháu chỉ ngồi nghe. Cháu sẽ không nói gì cả.
– Hai bác nói chuyện riêng.
Regis bảo Tim: .
– Chú đề nghị thế này. Để hai bác ấy ngồi xe sau. Chúng mình ngồi xe trước và cháu có thể dùng kính nhìn đêm. Đấy là kính nhìn rất rõ, cháu sẽ thấy mọi thứ trong bóng tối .
– Vậy thì được. – Tim tỏ vẻ thích thú và tiến tới xe trước.
Lex chạy theo:
– Ê em cũng muốn nhìn nữa.
– Không được.
– Không công bằng! Không công bằng! Cái gì anh cũng giành làm cả, anh Tim.
Regis đứng nhìn chúng đi đến xe trước và bảo Grant:
– Nào, lên xe thôi, và xem thử chuyến trở về có gì vui không.
Grant và Malcolm leo vào chiếc xe sau. Một vài giọt mưa rơi bồm bộp vào mặt kính trước. Regis đóng cửa xe:
– Chúng ta đi thôi. Tôi chuẩn bị bụng ăn tối rồi đây. Và tôi sẽ nhắm rượu chuối. Quý vị thấy sao? Rượu chuối, nghe ngon không? Gặp lại quý vị ở nhà khách.
Regis chạy về phía chiếc xe trước, leo vào. Ánh đèn báo màu đỏ chớp chớp ở bảng đồng hồ. Với tiếng động cơ điện êm ru, hai chiếc Land Cruiser lăn bánh.
Ngồi trên chuyến xe về chạy trong ánh sáng mờ nhạt, Malcolm cảm thấy bất an. Grant hỏi:
– Anh hẳn cảm thấy mình đã suy nghĩ đúng? Về lý thuyết của anh?
– Thật ra, tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi ngờ rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm rất nguy hiểm.
– Tại sao?
– Do trực giác.
– Các nhà toán học tin vào trực giác không?
– Tuyệt đối tin. Rất quan trọng là trực giác. Thật sự tôi đang nghĩ đến loại hình học tỉ lệ. Anh biết hình học tỉ lệ chứ?
Grant lắc đầu:
– Không, chỉ nghe đến thôi.
– Hình học tỉ lệ là một loại hình học liên quan đến một người có tên là Mandelbrot. Không giống như hình học Euclid mà mọi người đều có học ở nhà trường gồm những hình vuông, hình tròn, hình cầu… Hình học tỉ lệ dường như diễn tả những vật thật trong thế giới tự nhiên. Núi và mây là những hình thể tỉ lệ. Vì thế hình học tỉ lệ có thể liên hệ đến tính thật. Bằng cách nào đấy. Vâng. Mandelbrot đã tìm ra một điều đáng lưu ý với những dụng cụ hình học của mình. Ông ta tìm ra được là mọi thứ trông rất giống nhau ở quy mô tỉ lệ khác nhau.
– Quy mô tỉ lệ khác nhau? Tôi chưa hiểu.
– Ví dụ, một ngọn núi lớn, nhìn từ xa, có hình dạng là một ngọn núi lởm chởm nào đấy. Nếu anh đến gần hơn và quan sát một đỉnh nhỏ của ngọn núi lớn, nó sẽ có hình dạng của ngọn núi lớn. Thực tế anh có thể đi suốt tỉ lệ này từ hình thể to nhất đến hình thể nhỏ nhất là một hạt bụi đá nhìn dưới kinh hiển vi, nó vẫn có hình dạng cơ bản của một ngọn núi lớn.
Grant che miệng ngáp:
– Tôi thật sự không thấy lý do tại sao lý thuyết này làm anh băn khoăn. – Ông ngửi thấy mùi lưu huỳnh của đám hơi nóng núi lửa. Bây giờ, họ đang đi trên con đường chạy gần bờ biển, nhìn xuống bãi biển và đại dương.
– Đấy là một cách để nhìn sự vật. – Malcolm giải thích – Mandelbrot đã tìm ra được rằng sự giống nhau về tỉ lệ này cũng thấy có ở các biến cố.
– Biến cố?
– Hãy xét đến giá bông vải. Có đủ tài liệu ghi lại giá bông vải từ cách một trăm năm trở lại đây. Nếu xem lại sự dao động của giá cả loại nguyên liệu vải sợi này, ta sẽ thấy biểu đồ dao động giá trong thời gian một ngày cơ bản giống như biểu đồ trong một tuần, biểu đồ một tuần giống biểu đồ của một năm, của mười năm. Và đấy là cách mọi sự vật diễn ra. Một ngày cũng giống như toàn bộ cả cuộc đời Anh bắt đầu làm một việc, nhưng chấm dứt bằng cách làm một việc khác, dự định đến một nơi nào đấy, nhưng không bao giờ đến đấy… Và cho đến cuối cuộc đời, toàn bộ sự tồn tại của anh cũng có tính cách ngẫu nhiên như thế. Toàn bộ cuộc đời anh có hình dạng của một ngày đơn lẻ.
– Tôi cho rằng đấy chỉ là một cách nhìn sự vật.
– Không phải là một cách nhìn mà là cách duy nhất để nhìn sự vật. Hay ít ra, đấy cũng là cách duy nhất đúng với thực tế. Anh thấy đấy, cái ý tưởng giống nhau về tỉ lệ chứa trong nó một phương diện toán học, một cách nhân đôi chính bản thân, có ý nghĩa là biến cố thì không thể nào đoán trước được. Biến cố có thể thay đổi bất thình lình, và không có báo trước.
– Ô kê…
– Nhưng chúng ta tự xoa dịu bằng cách tưởng tượng sự thay đổi bất thường như là một cái gì xẩy ra ngoài sự tuần tự thông thường của sự vật. Một tai nạn, như một vụ tông xe. Hay là ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, như một căn bệnh nguy hiểm chẳng hạn. Chúng ta không nhận biết được sự thay đổi bất ngờ, có nguyên do, khó chịu, vốn là chất liệu chính của sự tồn tại. Nhưng sự thay đổi ấy có đấy. Như lý thuyết bất ổn đã bảo ta: tính chất đường thẳng, mà chúng ta vẫn xem là đương nhiên tồn tại ở mọi thứ, từ vật lý cho đến sự tưởng tượng ra các hoạt động, thật ra là không tồn tại. Tính chất đường thẳng là một loạt các biến cố liền với nhau cái này theo cái kia như một chuỗi hột đeo cổ. Cuộc sống thật sự là một biến cố theo sau một cách hoàn toàn không thể đoán trước được, thậm chí bằng cách hủy diệt. – Malcolm ngồi lui, nhìn chiếc Land Cruiser phía trước, cách xe sau vài mét – Đấy là sự thật hoàn toàn về cấu trúc vũ trụ. Nhưng vì lý do nào đó, chúng ta cứ nhất mực xử sự dường như đấy là không đúng sự thật.
Vào lúc đó hai chiếc xe nẩy lên rồi dừng lại. Grant hỏi:
– Việc gì thế?
Ở phía trước, hai người thấy hai đứa bế trong xe đưa tay chỉ ra ngoài biển. Ngoài khơi, dưới những đám mây thấp, Grant thấy bóng đen của con tàu đang trên đường trở lại Puntarenas. Malcolm hỏi:
– Tại sao xe dừng lại?
Grant bật radio và nghe bé Lex la lớn kinh động:
– Nhìn kìa, anh Tim! Anh thấy không, nó ở đấy!
Malcolm liếc nhìn chiếc tàu:
– Tụi nó đang nói về chiếc tàu?
– Rõ ràng như thế.
Regis leo ra khỏi xe chạy đến cửa xe họ:
– Xin lỗi, nhưng cả hai đứa bé đều kích động. Quý vị có ống nhòm đấy không?
– Để làm gì?
– Con bé nói nó có thấy cái gì trên tàu, như là một con thú.
Grant chụp cái ống nhòm, tì tay lên cửa sổ chiếc Land Cruiser. Ông nhìn quét hết chiều dài của chiếc tàu. Trời chiều và chiếc tàu quá xa, gần như chỉ là một cái bóng mờ; khi ông nhìn, đèn trên tàu bật lên, chiếc tàu sáng lên trong ánh tím hoàng hôn. Regis hỏi:
– Ông thấy gì không?
– Không.
Giọng Lex qua radio:
– Chúng ở dưới thấp ấy. Nhìn thấp xuống.
Grant hạ thấp ống nhòm, nhìn quét hông tàu nằm gần mặt nước. Chiếc tàu chói sáng với những chấm đèn chạy suốt chiều dài con tàu. Nhưng lúc đó đã hoàn toàn tối, và ông khó mà thấy được chi tiết.
– Không, không có gì…
– Cháu có thể thấy chúng mà, – Lex sốt ruột la lên – gần phía sau ấy. Bác hãy nhìn gần cuối tàu.
Malcolm hỏi:
– Làm sao nó thấy gì được trong ánh sáng này?
– Tụi nhỏ có thể nhìn thấy. Chúng có sức nhìn mạnh hơn mà chúng ta quên là mình cũng từng có.
Grant đưa ống nhòm về phía cuối tàu, đưa chầm chậm và thình lình ông thấy một con vật. Chúng đang đùa, giỡn, nhảy tới nhảy lui giữa bóng đen của đuôi tàu. Ông chỉ có thể thấy thấp thoáng, nhưng dù ngay trong ánh sáng mờ nhạt, ông có thể nói rằng đấy là những con vật đứng thẳng cao khoảng hơn nửa mét, lấy thăng bằng nhờ ở đuôi cứng.
Lex hỏi:
– Bác đã thấy chúng chưa?
– Bác thấy rồi.
– Chúng là những con gì?
– Chúng là những con raptor. Ít nhất là hai con. Có thể hơn. Những con gần trưởng thành.
Regis kêu lên:
– Chúa ơi. Chiếc tàu ấy đang đi về đất liền.
Malcolm nhún vai:
– Đừng có hoảng hốt. Chỉ việc gọi phòng điều khiển và bảo họ gọi chiếc tàu quay lại.
Regis với tay vào xe chụp lấy radio ở bảng điều khiển. Họ nghe tiếng lách tách lốp bốp khi anh ta thay đổi nhanh băng tần:
– Máy này có gì trục trặc rồi. Nó không hoạt động.
Anh ta chạy trở lại chiếc Land Cruiser thứ nhất. Họ thấy anh ta chui vào xe. Rồi nhìn về phía họ:
– Có gì trục trặc ở cả hai máy vô tuyến. Tôi không thể gọi được phòng điều khiển.
– Vậy chúng ta đi thôi – Grant nói.
– Hai chiếc Land Cruiser đã lại bắt đầu đi. Trên đường về.
– Nhưng tại sao họ dừng lại? – Hammond hỏi – Và tại sao chúng ta không thể nói chuyện được với họ?
– Tôi không biết. Có lẽ họ tắt radio ở xe họ.
Muldoon:
– Có lẽ vì cơn giông. Mất truyền sóng vì cơn giông.
Hammond:
– Họ sẽ về đây trong hai mươi phút nữa. Tốt hơn cả là anh nên gọi xuống và biết chắc rằng phòng ăn sẵn sàng đón tiếp họ. Hai đứa nhỏ đói bụng lắm rồi.
Arnold nhấc ống nghe và nghe tiếng xì xì đơn điệu đều đặn:
– Gì thế này? Có gì xảy ra?
Nedry la lên:
– Chúa ơi, đặt xuống đi. Ông đang làm rối cả dòng số liệu đấy.
– Anh dùng hết tất cả đường điện thoại à? Kể cả điện thoại nội bộ.
– Tôi sử dụng hết các đường liên lạc ra ngoài đảo. Nhưng những đường nội bộ trên đảo vẫn hoạt động.
Arnold bấm những nút điều khiển, hết nút này đến nút khác. Ông chẳng nghe gì khác ngoài tiếng lì xì trên tất cả các đường dây.
– Hình như anh đã sử dụng hết tất cả.
Nedry:
– Xin lỗi về vụ này. Tôi sẽ giải phóng hai đường dây dành cho ông vào cuối lần chuyển số liệu tới, khoảng mười lăm phút nữa. – Anh ta ngáp – Mấy ngày cuối tuần đối với tôi dài quá. Tôi phải đi kiếm một chai coca đã. – Nedry với lấy túi đeo vai và bước về phía cửa. – Đừng có động tới bảng điều khiển của tôi, được chứ?
Cánh cửa đóng lại. Hammond thốt lên:
– Thật là một gã cẩu thả.
– Vâng, – Arnold nói – nhưng tôi thấy là gã làm việc được.
– Chiếc tàu mất bao lâu mới đến đất liền?
Ed Regis trả lởi:
– Mười tám tiếng. Hơn kém khoảng chừng ấy. Tàu chạy khá đúng giờ. – Anh ta nhìn đồng hồ – Tàu sẽ phải đến vào mười một giờ sáng hôm sau.
Grant cau mày:
– Anh vẫn không liên lạc được với phòng điều khiển?
– Chưa liên lạc được.
– Thế Harding thì sao? Anh bắt liên lạc với ông ấy được không?
– Không. Tôi đã thử rồi. Có lẽ ông ta không mở radio.
Malcolm đang lắc đầu:
– Vậy thì chỉ chúng ta là những người duy nhất biết có mấy con thú trên tàu.
Regis:
– Tôi đang gắng báo động cho người nào đó. Ôi, Chúa ơi, chúng tôi không muốn mấy con vật đó lên đất liền.
– Mất bao lâu nữa chúng ta về đến nhà nghỉ?
– Từ đây, khoảng mười sáu mưởi bảy phút.
Ban đêm, toàn bộ con đường đều được thắp sáng bằng những dãy đèn mờ ở hai bên đường. Grant có cảm tưởng là họ đang đi vào một con đường hầm phủ lá màu rực rực rỡ. Những hạt mưa lớn đập vào kính chắn. Grant cảm thấy chiếc xe điện chạy chậm lại, rồi dừng hẳn.
– Lại chuyên gì nữa?
Lex la lên:
– Cháu không muốn dừng. Tại sao dừng?
Và rồi, đột nhiên, tất cả ánh điện tắt ngấm. Con đường chìm ngập vào bóng tối. Lex lại la lên:
– Eo ơi!
Regis:
– Có lẽ là điện ngưng hoạt động hay gì đó. Tôi chắc là ánh sáng sẽ trở lại trong một phút thôi.
– Chuyện quỷ gì thế này?
Muldoon hỏi:
– Chuyện gì vậy. Mất điện à?
– Vâng, nhưng chỉ điện ở vùng ngoài. Mọi thứ trong tòa nhà này vẫn hoạt động tốt. Nhưng ngoài kia, trong công viên, năng lượng mất hết. Đèn, camêra truyền hình, mọi thứ.
– Hai chiếc Land Cruiser thì sao?
– Dừng đâu đó quanh khu vực của mấy con tyrannosaur.
Muldoon nói:
– Vậy gọi bộ phận sửa chữa để họ lo cho có điện lại.
Arnold nhấc ống nghe và nghe tiếng xì xì. Các computer của Nedry đang liên lạc giao nhận dữ kiện:
– Không có điện thoại. Gã Nedry chết tiệt. Nedry! Ai biết gã ở đâu bây giờ.
Dennis Nedry đẩy cánh cửa có ghi FERTILIZATION. Do điện vòng ngoài bị cúp, tất cả những cửa an toàn mở với cách riêng đều mất tác dụng. Mọi cánh cửa trong tòa nhà giờ chỉ mở bằng một cái đẩy nhẹ. Các vấn đề dính líu đến kỹ thuật bảo đảm hệ thống an toàn ở công viên có rất nhiều lỗi kỹ thuật của Nedry.
Nedry tự hỏi không biết đã có ai nghĩ rằng đấy chẳng phải lỗi kỹ thuật – rằng đấy chỉ là do Nedry lập chương trình theo cách ấy. Anh ta đã cho gắn vào một loại khóa cổ điển. Rất ít nhà lập chương trình cho những hệ thống computer lớn có thể chống lại nỗi cám dỗ để lại cho họ một lối vào bí mật. Một phần là do lương tâm: nếu người dùng lúng túng làm hệ thống khóa lại, và rồi kêu giúp đỡ người thiết lập luôn có cách lọt vào để sửa chữa.
Và một phần là do sự bảo đảm cho tương lai. Nedry thấy khó chịu với dự án công viên; về cuối chương trình, InGen đã yêu cầu có những sửa đổi rộng rãi cho hệ thống nhưng lại không muốn trả tiền cho những sửa đổi này, lý luận rằng việc ấy có trong hợp đồng nguyên thủy. Nedry bị đe dọa sẽ nhờ tòa án can thiệp, nhiều thư được gửi đến cho các khách hàng khác của Nedry, hàm ý anh ta là người không tin cậy được. Đấy là những thư nặc danh, và cuối cùng Nedry bắt buộc phải thực hiện những gì Hammond muốn.
Nhưng sau đó, khi được tiếp cận với Lewìs Dodgson ở công ty Biosyn, Nedry sẵn sàng nghe. Và thật sự có thể nói rằng anh ta đã nắm hết mọi vấn đề an toàn ở công viên kỷ Jura. Anh ta có thể vào bất cứ phòng nào, bất cứ hệ thống nào, bất cứ nơi nào trong công viên. Bởi vì anh ta đã lập chương trình theo cách ấy. Chỉ để có dịp.
Anh ta bước vào phòng nuôi phôi. Phòng thí nghiệm vắng lạnh như anh ta dự đoán. Các nhân viên đều đang ăn tối. Nedry mở khóa kéo túi đeo vai và lấy ra hộp kem cạo râu hiệu Gillette. Anh ta mở vít tháo đáy hộp ra và thấy bên trong được chia ra thành từng ô hình trụ.
Nedry mang vào một đôi găng tay cách điện dày và mở ngăn chứa phôi xây vào tường, chỗ có tấm biển ghi: CONTENTS – VIABLE BIOLOGICAL MAINTAIN – 100C MINIMUM. Phòng đông lạnh rộng cỡ bằng một phòng rửa mặt nhỏ, có những ngăn bệ từ mặt đất lên đến trần nhà. Phần lớn các bệ chứa các loại thuốc thử phản ứng và các chất lỏng trong các túi plastic. Phía một bên, anh ta thấy một ngăn hộc nhỏ làm lạnh bằng chất nitrogen với cửa dày bằng gốm. Nedry mở cửa hộc và một giá chứa những ống trượt ra trong một đám hơi lạnh nitrogen lỏng.
Các phôi được sắp theo chủng loại: stegausaurus, aptosoraus, hadrosaur. Mỗi phôi chứa trong một đồ dựng bằng thủy tinh, gói trong giấy bạc, cột bằng dây polylene. Nedry nhanh tay lấy mỗi thứ hai cái, nhét vào ống thuốc cạo râu.
Rồi anh ta đậy nắp đáy lai, vặn vít và xoay nắp hộp. Có tiếng xì xì của ga được giải phóng bên trong và chiếc hộp lạnh lên trong tay anh ta. Dodgson nói là chất đông lạnh có thề kéo dài đến ba mươi sáu tiếng, lâu hơn thời gian đi từ đảo đến San José.
Nedry rời phòng đông lạnh trở ra phòng thí nghiệm chính. Anh ta thả chiếc hộp vào túi xách, kéo khoá kéo lại.
Anh ta trở lại hành lang. Việc đánh cắp kéo dài không quá hai phút. Nedry có thể tưởng tượng ra được sự hoang mang trên phòng điều khiển, khi họ nhận thấy việc gì đang xẩy ra. Tất cả các mã an toàn đều bị thay đổi tần số, các đường điện thoại bị nghẽn. Nếu anh ta không gỡ, họ sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ mới đem được hệ thống trở lại hoạt động bình thường. Nhưng chỉ trong vài phút thôi, Nedry sẽ trở lại phòng điều khiển, và mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy
Và không một ai nghi ngờ gì việc anh ta vừa làm.
Miệng mỉm cười, Nedry đi xuống tầng trệt, gật đầu với người gác, tiếp tục bước các bậc cầu thang xuống tầng hầm. Đi ngang qua các dãy xe điện sắp hàng gọn gàng, anh ta đến bên chiếc Jeep chạy xăng đỗ sát tường. Anh ta leo lên xe, và chạy thấy có ống gì màu xam xám ở băng sau. Trông như một khẩu phóng phi đạn, Nedry nghĩ vậy khi anh ta xoay khóa công tắc và khởi động chiếc Jeep.
Nedry liếc nhìn đồng hồ. Từ đây, ra công viên, và ba phút chạy thẳng tới bến tàu phía đông. Ba phút từ đấy trở lại phòng điều khiển
Dễ như trở bàn tay.
Muldoon đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài công viên. Đèn trên đảo tắt ngấm, trừ những vùng xung quanh gần tòa nhà chính. Ông thấy một vài nhân viên chạy gấp gáp ra ngoài mưa, nhưng dường như không một ai biết được có điều gì xảy ra. Muldoon nhìn qua khu nhà khách, nơi vẫn sáng chói lọi.
Arnold:
– Ơ, ơ, chúng ta gặp rắc rối thật rồi.
– Gì thế? – Muldoon từ cửa sổ quay lại hỏi và vì thế ông không thấy chiếc Jeep từ garage ở tầng hầm chạy ra, hướng về phía đông của đảo, theo con đường dành cho nhân viên bảo trì vào công viên.
– Gã ngu ngốc Nedry ấy đã tắt tất cả các hệ thống an toàn. Tất cả tòa lầu xem như mở trống. Không còn cửa nào khóa nữa.
Muldoon:
– Tôi sẽ lưu ý những người bảo vệ.
Arnold:
– Việc đó chưa ăn thua gì. Khi hệ thống an toàn tắt, tất cả các hàng rào ngoại biên cũng tắt nữa.
– Hàng rào?
– Ừ, hàng rào điện. Hàng rào không còn truyền điện nữa, khắp đảo.
– Anh muốn nói là…
– Đúng thế. Mấy con thú có thể ra khỏi hàng rào vào lúc này. – Arnold châm một điếu thuốc – Có thể chẳng xảy ra việc gì, nhưng ai mà biết được…
Muldoon bước về phía cửa.
– Vậy tốt hơn là tôi lái xe đến đem mấy người trong chiếc Land Cruiser đó về. Lỡ ra có việc gì…
Muldoon nhanh chân xuống lầu tới hầm garage. Thật sự ông không lo lắng gì về mấy lớp hàng rào. Phần lớn lũ khủng long đã ở trong khu nuôi nhốt chín tháng hay hơn rồi và chúng cũng đã rút kinh nghiệm tránh bị gây sốc. Người ta có thể huấn luyện một con bồ câu với chỉ hai hay ba lượt tập luyện.
Vì thế không chắc gì lúc này lũ khủng long sẽ đến gần hàng rào điện.
Muldoon chỉ chú tâm đến việc mấy người trong xe sẽ làm. Ông không muốn họ rời khỏi mấy chiếc Land Cruiser, bởi vì mỗi khi điện có lại, mấy chiếc xe sẽ lại bắt đầu chạy, cho dù có người trong xe hay không. Họ có thể bị bỏ lại giữa công viên. Dĩ nhiên trong cơn mưa thế này, không chắc họ rời xe. Nhưng, dù thế nào, ai mà biết được…
Ông đến garage và đi gấp đến chiếc xe Jeep. Cũng thật may ông đã thấy trước điều gì đó và đã để khẩu phóng phi đạn trên xe. Ông có thể lên xe ngay, rời khỏi đây và ra ngoài kia trong vòng…
Chiếc xe Jeep không còn đấy!
– Chuyện quỷ gì thế này? – Muldoon nhìn chòng chọc vào chỗ để xe, ngạc nhiên.
Chiếc xe đi đâu mất!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.