Công Viên Khủng Long Kỷ Jura

5. MALCOLM



 Khoảng vài phút trước nửa đêm, ông ta bước lên máy bay tại phi cảng Dallas, một người hói đầu, cao, gầy, khoảng ba mươi lăm tuổi, ăn mặc toàn đen từ đầu đến chân: sơ mi đen, quần đen, vớ đen, giầy đen.

 

– A, tiến sĩ Malcolm. – Hammond chào, cố mỉm cười ra vẻ thân mật.

 

Malcolm cười:

 

– Hello, ông Hammond. Tôi e là người bạn cũ của ông sẽ làm ông khó chịu ở đây.

 

Malcolm bắt tay mọi người, tự giới thiệu nhanh:

 

– Kính chào quý vị. Tôi là Ian Malcolm. Tôi làm toán. – Ông ta làm cho Grant có ấn tượng là mình thích chuyến đi chơi này nhiều hơn bất cứ ai khác.

 

Chắc chắn là Grant nhớ tên ông ta. Ian Malcolm là một trong các nhà toán học nổi tiếng của thời đại luôn quan tâm đến câu hỏi “thế giới thật sự hoạt động như thế nào”. Các nhà toán học này đã vượt ngoài khuôn khổ toán học truyền thống trong một số phương thức quan trọng. Vì một mặt, họ thường xuyên dùng các computer, một lối thực hành các nhà toán học cổ truyền chẳng mấy thích. Về mặt khác, họ chuyên giải các bài toán, phương trình không có đường biểu diễn, trong một lãnh vực mà họ gọi là “lý thuyết bất ổn”. Mặt khác họ cho rằng toán học họ đang nghiên cứu diễn tả được điều gì đó tồn tại trong thế giới. Và cuối cùng, dường như để làm nổi bật việc họ rời bỏ lý thuyết dấn thân vào thế giới thực tại, họ ăn mặc và nói năng theo một phong cách mà một nhà toán học cao niên bảo là “một sự vượt quá khuôn khổ đáng tiếc của tính cá biệt”. Thực tế, họ ăn mặc, cư xử như những ca sĩ nhạc rock.

 

Malcolm ngồi vào một ghế nệm da. Nữ tiếp viên hỏi ông ta có uống gì không. Ông ta nói:

 

– Coca pha. Lắc nhưng đừng khuấy.

 

Không khí ẩm ướt của Dallas len vào cánh cửa mở. Ellie hỏi:

 

– Mặc đồ đen thì có nóng hơn một chút, phải không?

 

– Cô thật hết sức xinh xắn, tiến sĩ Ellie à. Tôi có thể ngồi suốt ngày để ngắm đôi chân cô. Nóng hơn một chút à? Thật sự thì màu đen là màu tối ưu cho sức nóng. Nếu cô nhớ lại sự phát xạ của các vật thể đen, màu đen luôn hết sức tốt đối với nhiệt. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi chỉ mặc hai màu: đen và xám.

 

Ellie rniệng mở to, nhìn sững ông ta. Malcolm tiếp:

 

– Hai màu này thích hợp cho mọi dịp. Chúng đi đôi với nhau rất đẹp, nhỡ tôi có vì nhầm lẫn mà mang một đôi vớ xám khi mặc quần đen.

 

– Nhưng ông không thấy nhàm chán khi chỉ mặc có hai màu?

 

– Không bao giờ. Tôi lại thấy được tự do. Tôi tin rằng đời tôi có giá trị và tôi không muốn phí thời gian suy nghĩ về chuyện ăn mặc. Tôi không muốn suy nghĩ tôi sẽ mặc gì vào buổi sáng. Thật sự cô có thể tưởng tượng ra chuyện gì nhàm chán hơn chuyện thời trang không? Thế thao nhà nghề, chẳng hạn. Những người lớn tuổi giành giật nhau quả bóng nhỏ trong khi những người còn lại trả tiền để vỗ tay. Nhưng về đại để, tôi thấy thời trang còn nhàm chán hơn thể thao nhiều.

 

Hammond giải thích:

 

– Tiến sĩ Malcolm là một người có những ý kiến rất mới lạ.

 

Malcolm vui vẻ:

 

– Và hơi khùng nữa. Nhưng quý vị phải thừa nhận rằng đấy lả những vấn đề chẳng có ý nghĩa gì lắm. Chúng ta sống trong một thế giới đầy những thứ định sẵn dễ sợ. Định sẵn là bạn phải cư xử thế này, định sẵn là bạn phải để tâm đến cái kia. Không ai nghĩ ngợi gì về các chuyện định sẵn. Đấy không đáng ngạc nhiên sao? Trong một xã hội thông tin, không một ai suy nghĩ, chúng ta trông chờ đốt bỏ mọi thứ giấy tờ, nhưng chúng ta thực sự đã đốt bỏ tư tưởng.

 

Hammond quay sang Gennaro, đưa cả hai tay lên:

 

– Anh đã mời ông ta!

 

Malcolm:

 

– Và cũng là một điều may nữa đấy. Bởi vì hình như quý vị có một vấn đề gì nghiêm trọng.

 

Hammond nói nhanh:

 

– Chúng tôi chẳng có vấn đề gì.

 

Malcolm:

 

– Tôi luôn giữ ý kiến là hòn đảo này rồi chẳng thể nào hoạt động được. Tôi đã tiên đoán từ lúc bắt đầu. – Ông ta với tay lấy chiếc cặp da mềm – Và tôi tin rằng vào giờ này, chúng ta đều biết rằng việc phải xảy ra sắp xảy ra. Ông sắp phải ngưng mọi hoạt động.

 

Hammond nổi nóng:

 

– Ngưng mọi hoạt động! Đừng có nói tầm phào.

 

Malcolm nhún vai, dửng dưng trước cơn giận của Hammond:

 

– Tôi có mang theo đây bản sao tài liệu của tôi để ông xem lại. Bản tham khảo ý kiến gốc của tôi soạn cho InGen. Toán học hơi rắc rối một tý, nhưng tôi có thể dẫn ông vào được. Ông sắp đi đâu à?

 

Hammond:

 

– Tôi cần gọi mấy cú điện thoại. – Lão đứng dậy đi vào cabin phía trước.

 

Malcolm nói với mấy người còn lại:

 

– Vâng, chuyến bay khá lâu. Ít ra thì bản tham khảo của tôi sẽ giúp quý vị có chuyện mà làm.

 

Chiếc phản lực băng mình trong đêm.

 

Grant giở tập tài liệu, nhìn các phương trình:

 

– Bản tham khảo của ông kết luận là đảo của Hammond chắc chắn phải thất bại?

 

– Đúng thế.

 

– Vì lý thuyết bất ổn?

 

– Đúng thế. Chính xác hơn là vì hoạt động của hệ thống trên đảo không đúng vị trí không gian.

 

Gennaro để xấp tài liệu quá một bên và nói:

 

– Ông có thể giải thích?

 

– Sure. Nào, hãy xem ta có thể bắt đầu từ đâu. Ông biết một phương trình không đường biểu diễn chứ?

 

– Không.

 

– Các lực hấp dẫn từ xa?

 

– Không.

 

– Thôi được. Ta hãy trở lại từ đầu. – ông ta dừng một chút, nhìn trần máy bay – Vật lý đã có những thành công lớn mô tả được một số sự việc: các hành tinh trong quỹ đạo, phi thuyền bay lên mặt trăng, con lắc, lò xo, hòn bi lăn, các thứ đại loại như thế. Chuyển động đều của các vật thể. Những thứ này được miêu tả bằng cái được gọi là các phương trình có đường biểu diễn, và các nhà toán học có thể giải những phương trình này rất dễ dàng. Chúng tôi đã làm thứ công việc này hàng trăm năm nay.

 

– Ô kê.

 

– Nhưng có một loại sự kiện khác mà vật lý còn chưa giải thích tốt. Ví dụ cái gì liên quan đến tình trạng hỗn độn. Nước từ nguồn phun ra. Không khí di chuyển bên trên cánh máy bay. Thời tiết. Máu chảy qua tim. Các sự kiện hỗn độn được miêu tả bằng các phương trình không có đường biểu diễn. Loại phương trình này khó giải – thực tế thường chúng không thể giải được. Vì thế vật lý chưa bao giờ hiểu thấu các loại sự kiện này. Cho đến cách đây mười năm. Lý thuyết miêu tả loài hiện tượng gọi là lý thuyết bất ổn.

 

– Lý thuyết bất ổn – Malcolm tiếp – khởi đầu là để thực hiện những bản mẫu về thời tiết qua computer. Thời tiết là một hệ thống phức tạp, gọi đúng tên là bầu khí quyển của mặt đất khi nó hoạt động cùng với các hoạt động của đất đai và mặt trời. Cách hoạt động của hệ thống phức tạp to lớn này luôn thách đố sự tìm hiểu. Vì thế lẽ tự nhiên là ta đã không thể đoán trước được thời tiết. Nhưng những gì mà các nhà khảo cứu trước đây biết được qua các bản mẫu của computer là, cho dù anh có hiểu được hệ thống, anh vẫn không thể tiên đoán được. Sự tiên đoán chính xác thời tiết tuyệt đối không thực hiện được. Lý do là hoạt động của hệ thống phụ thuộc một cách nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu.

 

Gennaro:

 

– Ông làm tôi lạc lối rồi đấy.

 

– Nếu tôi dùng một khẩu đại bác bắn một viên đạn có trọng lượng nào đấy, một vận tốc nào đấy, với một độ nghiêng súng nào đấy – và nếu tôi bắn viên đạn thứ hai với cùng trọng lượng, vận tốc, độ nghiêng – Việc gì sẽ xay ra?

 

– Hai viên đạn sẽ rơi gần như cùng một vị trí.

 

– Đúng. Đấy là chuyển động có đường biểu diễn.

 

– Ô kê. – Gennaro gật đầu.

 

– Nhưng nếu tôi có một hệ thống thời tiết và tôi bắt đầu với một nhiệt độ nào đấy, một tốc độ gĩó nào đấy, một độ ẩm nào đấy và tôi lại lặp lại đúng y nhiệt độ, vận tốc gió, độ ẩm, hệ thống thứ hai sẽ chẳng xảy ra y như trước. Nó sẽ xảy ra rất khác với hệ thống thứ nhất, mưa bão thay vì nắng đẹp. Đấy là các hiện tượng không có đường biểu diễn. Các hiện tượng này rất nhạy cảm với những điều kiện ban đầu: những khác biệt rất nhỏ được khuếch đại ra.

 

– Tôi thấy có thể hiểu được.

 

– Điều thiếu sót là “hiệu quả cánh bướm”. Một con bướm đập cánh ở Bắc Kinh, và thời tiết ở New York đổi khác.

 

– Vậy bất ổn chỉ toàn thứ bất ngờ không đoán trước được, phải không?

 

– Không. Thật sự chúng tôi đã tìm được nhưng quy tắc ẩn núp trong sự biến đổi phức tạp của một hệ thống di chuyển. Vì thế lý thuyết bất ổn bây giờ đã trở thành một lý thuyết rộng lớn dùng để nghiên cứu mọi thứ, từ thị trường chứng khoán đến những đám đông nổi loạn, làn sóng điện não trong cơn co giật. Chúng tôi có thể tìm được một trật-tự-ẩn trong đó. Hiểu chứ?

 

– Hiểu. Nhưng trật tự ẩn là gì?

 

– Bản chất nó được định tính bằng chuyển động của hệ thống trong một khoảng không gian.

 

– Ôi Chúa ơi! – Gennaro lắc đầu – Tất cả điều tôi muốn hiểu là tại sao ông cho rằng đảo của Hammond không thể hoạt động được.

 

– Tôi hiểu. Tôi sẽ nói đến điều ấy. Lý thuyết bất ổn nói hai điều: Thứ nhất, là các hệ thống phức tạp như thời tiết có một trật tự ẩn. Thứ hai, đảo đề của nó là các hệ đơn giản có thể sinh ra các hiện tượng phức tạp. Ví dụ chơi billard. Ông thúc một quả bóng. Nó bắt đầu lăn, đụng đến mép bàn bên kia và dội ra. Về lý thuyết, đấy là một hệ thống khá đơn giản, hầu như nằm trong hệ lý thuyết Newton. Vì ông có thể tính được lực tác động lên quả bóng, trọng lượng quả bóng và góc mà nó sẽ chạm mép bên kia, ông có thể đoán được sự vận chuyển của nó. Về lý thuyết, ông có thể tiên đoán sự vận chuyển của quá bóng trong tương lai, khi nó cứ tiếp tục chạm nẩy từ mép bàn này đến mép bản khác. Ông có thể tiên đoán nó sẽ chấm dứt chỗ nào trong ba tiếng đồng hồ tới, kể từ lúc này, về lý thuyết.

 

– Ô kê. – Gennaro gật đầu.

 

– Nhưng thật sự, hóa ra là ông không thể đoán được hơn vài giây trong tương lai. Vì hầu như ngay lập tức, những hậu quả nhỏ – sự không hoàn toàn của mặt quả bóng, sự lồi lõm rất không đáng kể của gỗ mặt bàn – bắt đầu làm cho sự việc khác đi. Và nó chẳng mất mấy thời gian trước khi làm sự tính toán của ông thành ra sai lạc. Thành thử hệ thống đơn giản của một bàn billard cũng có những chuyển động không đoán trước được.

 

– Ô kê.

 

– Và dự án của Hammond, rõ ràng là một hệ thống đơn giản khác – các thú vật trong môi trường sống của chúng – điều này cuối cùng sẽ có những hiện tượng không đoán trước được.

 

– Ông biết thế là vì…

 

– Vì lý thuyết.

 

– Nhưng ông chưa đến đảo để thấy những gì ông ấy đã làm được.

 

– Không. Việc ấy hoàn toàn không cần thiết. Chi tiết chẳng có ý nghĩa gì. Lý thuyết cho tôi biết là đảo sẽ nhanh chóng có những hoạt động chệch hẳn những gì tiên đoán.

 

– Và ông tin vào lý thuyết của ông?

 

– Ồ, vâng. – Malcolm tựa lưng vào ghế – Hoàn toàn tin tưởng. Đảo đang có vấn đề. Đấy là một tai họa sắp xảy ra.

 
ĐẢO ISLA NUBLAR
Với tiếng rú, cánh quạt bắt đầu quay tròn trên đầu, in bóng xuống đường băng của phi trường San José. Grant lắng nghe tiếng lách cách trong ống nghe của mình khi phi công nói với đài kiểm lưu.

 

Họ đón thêm một hành khách ở San José, một người tên là Dennis Nedry, đã bay đến đẩy để gặp họ. Anh này mập bự, vẻ yếu ớt đang ăn một thỏi kẹo, ngón tay dính đầy chocolate, mấy mảnh vụn giấy bạc gói kẹo dính nơi áo. Nedry nói lúng búng điều gì đó về việc điều khiển computer trên đảo và không bắt tay ai.

 

Qua cửa kính, Grant nhìn đường băng đúc bê tông xa dần dưới chân mình, và ông thấy bóng chiếc trực thăng chạy theo khi họ bay về hướng tây đến mấy dãy núi.

 

Tiếng Hammond từ một chỗ ngồi phía sau nói vọng tới:

 

– Chuyến bay này mất chừng bốn mươi phút.

 

Grant nhìn những ngọn đồi thấp xa dần, và rồi họ bay qua những đám mây, vượt ra ngoài nắng. Núi non nhấp nhô trải dài, các đồi trọc bị xói mòn nối tiếp nhau. Tiếng Hammond tiếp:

 

– Sự kiểm soát dân số ở Costa Rica tốt hơn nhiều quốc gia khác ở Trung Mỹ. Nhưng cho dù vậy, việc khai hoang phá rừng tệ quá. Tình trạng phần lớn đất đai thế này đã có từ mười năm trở lại đây.

 

Họ bay thấp xuống, ra khỏi một đám mây ở bên kia dãy núi và Grant thấy biển ở bờ tây. Họ bay trên một làng ven biển. Viên phi công cho biết:

 

– Làng Bahia Anasco. Một làng đánh cá. – Anh ta chỉ về phía bắc – Bờ biển phía trên kia, quý vị thấy khu bảo tồn thiên nhiên Blanco. Những bờ biển thật đẹp.

 

Phi công cho máy bay bay ra biển. Nước biển xanh, rồi trở nên xanh thẳm. Ánh nắng lấp lánh trên nước. Lúc này vào khoảng mười giờ sáng. Hammond nói:

 

– Chỉ vài phút nữa chúng ta sẽ nhìn thấy đảo Isla Nublar.

 

Isla Nublar, Hammond giải thích, thật sự không phải là một hòn đảo. Đúng hơn, đấy là một ngọn núi, một khối núi lửa trồi lên từ đáy biển. Lão nói:

 

– Nguồn gốc của núi lửa có thể thấy khắp đảo. Có lỗ thoát hơi ở nhiều nơi, và đất dưới chân thường nóng. Vì lý do này, vì các dòng hải lưu, đảo Isla Nublar nằm trong một vùng sương mù. Khi đến đấy quý vị sẽ thấy… A, chúng ta thấy đảo rồi đấy.

 

Chiếc trực thăng bươn tới trước, thấp gần mặt nước. Ở phía trước, Grant thấy một hòn đảo, nhấp nhô lởm chởm, nổi lên rõ ràng trên mặt nước. Malcolm thốt lên:

 

– Chúa ơi. Trông giống đảo Alcatraz ở vịnh San Francisco quá.

 

Những triền dốc rừng bị che mờ trong sương làm cho đảo có một vẻ huyền bí.

 

– Nhưng rộng hơn nhiều – Hammond nói – dài tám dặm và rộng ba dặm ở điểm rộng nhất, toàn bộ khoảng hai mươi hai dặm vuông. Đảo sẽ là nơi bảo tồn thú rộng nhất ở Bắc Mỹ.

 

Chiếc trực thăng bắt đầu lên cao, bay về phía bắc của đảo. Grant cố nhìn xuyên qua lớp sương mù dày đặc.

 

– Thường đảo không có sương mù nhiều như thế này. – Hammond nói. Giọng lão có vẻ lo lắng.

 

Đầu phía bắc của đảo là những ngọn đồi cao nhất, vượt lên khỏi mặt nước biển sáu trăm mét. Đỉnh các ngọn đồi nằm trong sương mù, nhưng Grant thấy các vách núi đá lởm chởm và mặt biển nhấp nhô ở dưới. Chiếc trực thăng bay cao bên trên mấy dãy đồi. Hammond tiếp:

 

– Thật không may. Chúng ta phải đáp lên đảo. Tôi chẳng muốn làm thế, vì sẽ quấy rối đàn thú. Và đôi khi hơi dễ sợ một tí…

 

Giọng Hammond bị ngắt quãng khi người phi công nói:

 

– Bắt đầu hạ cánh rồi đấy, ngồi vững vào, quý vị.

 

Chiếc trực thăng hạ thấp xuống và lập tức họ bị bao bọc trong làn sương mù. Grant nghe tiếng bíp bíp liên hồi qua ống nghe, nhưng ông không thể thấy gì cả; rồi ông bắt đầu nhận thấy mờ mờ các cành thông xanh vươn ra khỏi đám sương mít Một vài cành rất gần.

 

– Anh ta làm quỷ gì vậy? – Malcolm hỏi, nhưng không ai trả lời.

 

Viên phi công điều khiển cần lái về phía phải rồi về phía trái, mắt nhìn vào rừng thông. Đám cây vẫn rất sát. Phi cơ xuống thật nhanh.

 

Tiếng bíp bíp to hơn. Grant nhìn viên phi công. Anh ta đang tập trung. Grant nhìn xuống và thấy ánh đèn xuyên sương mù ở dưới. Ánh đèn đang nhấp nháy báo hiệu. Phi công điều khiển máy bay chậm lại và đỗ xuống bãi đáp trực thăng. Tiếng máy chậm dần rồi dừng hẳn. Grant thở phào và cởi dây lưng an toàn. Hammond nói:

 

– Chúng ta phải xuống nhanh bằng cách ấy. Vì có gió tạt. Ở đây thường hay có loại gió tạt rất tệ hại, và… tốt thôi, chúng ta đã xuống an toàn.

 

Một người đang chạy tới phía trực thăng. Một người đội mũ lưỡi trai, tóc đỏ. Anh ta chạy tới kéo cửa máy bay mở rộng và vui vẻ:

 

– Xin chào. Tôi là Ed Regis. Hoan nghênh quý vị đến viếng đảo Isla Nublar. Xin bước cẩn thận.

 

Một con đường hẹp chạy quanh co xuống đồi. Không khí ẩm và hơi ớn lạnh. Khi họ xuống thấp hơn, sương mù quanh họ mỏng dần và Grant có thể thấy quang cảnh rõ hơn. Ông thấy đảo rất giống bán đảo Olympic ở tây bắc Thái Bình dương.

 

– Đúng vậy. – Regis nói – Hệ sinh thái nguyên thủy ở đây là rừng mưa không đều. Hơi khác với đất trồng ở đất liền, vốn thuộc dạng rừng mưa cổ điển. Nhưng đây là một loại khí hậu chỉ có ở những vùng cao, trên những đồi phía bắc. Khí hậu phần lớn ở đảo là nhiệt đới.

 

Ở phía dưới xa, họ có thể thấy những mái thẳng của những tòa nhà lớn nằm giữa những đám cây trồng. Grant lấy làm ngạc nhiên. Sự xây cất thật kỹ lưỡng. Họ xuống thấp dần, ra khỏi hẳn đám sương, và bây giờ ông có thể thấy toàn bộ miền đất trải dài về phía nam của đảo. Đúng như Regis nói, đảo hầu như bao phủ bởi rừng nhiệt đới.

 

Về phía nam, vươn cao lên khỏi ngọn các cây cọ dừa, Grant thấy một thân cây đứng riêng không có một ngọn lá nào, chỉ với một chỗ uốn cong phía trên. Và rồi thân cây chuyển động, vặn mình đối diện với đám người mới đến. Grant nhận thấy đấy chẳng phải là một thân cây nào cả.

 

Ông đang nhìn vào một chiếc cổ cong mượt mà của một sinh vật khổng lồ đứng cao hơn mười lăm mét trên không.

 

Ông đang nhìn một con khủng long.

 
TIẾP ĐÓN
– Lạy Chúa tôi. – Ellie thốt lên. Cả sáu người đang nhìn vào con vật cao quá mấy ngọn cây. – Lạy Chúa tôi.

 

Ý nghĩ đầu tiên của cô là khủng long là một con thú đẹp một cách kỳ lạ. Sách vở miêu tả khủng long là loài thú to ngoại khổ, thấp, mập mạp, nhưng con thú cổ dài này khi cử động có một vẻ duyên dáng, gần như cao quý. Và rất nhanh nhẹn – Không một chút vẻ chậm chạp hoặc đần độn. Con sauropod cảnh giác nhìn chăm chú vào đám người và cất lên một tiếng rống nghe như tiếng rống của voi. Một lát sau, một chiếc đầu thứ hai cất cao lên khỏi đám lá, và rồi đầu thứ ba, đầu thứ tư.

 

– Lạy Chúa tôi. – Ellie lại thốt lên.

 

Gennaro không nói được lời nào. Ông ta đã thấy những gì muốn thấy – ông đã biết trong mấy năm nay – nhưng vì những lý do này khác, ông không bao giờ tin là việc đó sẽ xảy ra, và bây giờ ông ta choáng người đến sững sờ. Khả năng kinh khủng của kỹ thuật di truyền mới, mà trước đây ông cho là rườm rà trong những cuốn sách dùng toàn ngôn từ khó hiểu – cái khả năng ấy bây giờ bỗng trở nên rõ ràng trước mắt ông. Những con vật to ghê gớm! Đúng là khổng lồ! Như tòa nhà! Và thật nhiều! Những con khủng long quỷ quái có thật! Có thật sự như ta muốn có.

 

Gennaro nghĩ: chúng ta sắp có cả một kho tiền trên đảo này. Một kho tiền.

 

Ông ta cầu trời cho hòn đảo được bình yên.

 

Grant đứng trên con đường mòn bên sườn đồi, sương mù phả vào mặt, nhìn chăm chú vào những chiếc cổ xám vươn cao quá những cây cọ dừa. Ông cảm thấy chóng mặt, dường như đất sườn đồi đang trượt xuống, chao đảo. Ông cảm thấy khó thở. Vi ông đang nhìn vào cái gì đó ông không bao giờ chờ được thấy trong đời mình. Nhưng ông đang thấy nó.

 

Những con thú trong đám rừng sương mù là những con apatosaur cỡ trung bình. Trí óc đang kinh ngạc của ông hiện ngay ra những liên hệ về các kỷ: loài khủng long ăn cỏ miền Bắc Mỹ thuộc hậu kỷ Jurassic. Có tên chung là “brontosaur”. Đầu tiên được phát hiện do nhà cổ sinh vật học E.D.Cope ở bang Montana vào năm 1876. Chủng loại này liên quan với thời gian cấu tạo địa tầng Morrison ở Colorado, ở Utah và ở Oklahoma. Gần đây hai nhà cổ sinh vật học xếp chúng vào chủng loại diplodocus dựa vào bề ngoài hộp sọ. Brontosaur vẫn thường được tin là sống phần lớn cuộc sống của chúng ở các đầm nước để giúp nâng đỡ thân hình to lớn của chúng. Mặc dầu con vật này rõ ràng không ở trong nước, nó đang cử động nhanh nhẹn, chiếc đầu và cổ cất cao qua các đọt cọ dừa với phong cách linh hoạt – một phong cách linh hoạt đáng ngạc nhiên.

 

Grant bắt đầu cười. Hammond hỏi, giọng lo lắng:

 

– Gì vậy? Có chuyện gì bất ổn?

 

Grant chỉ lắc đầu, và tiếp tục cười. Ông không thể nào nói cho họ hiểu điều kỳ lạ là dù ông chỉ mới thấy lũ thú có vài giây, nhưng ông đã bắt đầu thừa nhận chúng, và dùng những quan sát của mình để trả lời những câu hỏi đã dài ngày ở công trường khai quật.

 

Ông vẫn còn đang cười tiếp khi nhìn thấy chiếc cổ thứ năm và thứ sáu ngóng cao lên khỏi đám cọ dừa. Mấy con sauropod ngắm đám người đi đến. Chúng làm Grant nghĩ đến những con hươu cao cổ to quá khổ – mấy con thú này cũng có cái nhìn bằng lòng, hơi ngốc nghếch.

 

Malcolm nói:

 

– Tôi cho chúng là những con vật điện tử. Chúng rất giống những con thú thật.

 

Hammond:

 

– Ông tin thế ư? Chúng thật đấy. Chúng là những con thú thật sự, không phải sao?

 

Từ phía xa xa, họ lại nghe tiếng rống. Đầu tiên do một con vật cất lên, rồi những con khác cất tiếng rống nối tiếp. Ed Regis nói:

 

– Đấy là tiếng kêu của chúng. Hoan nghênh chúng ta viếng đảo.

 

Grant đứng lắng nghe một chút, mê mẩn.

 

Rồi đám người đi tiếp xuống đồi. Hammond nói:

 

– Có lẽ quý vị muốn biết những gì tiếp theo nữa. Chúng tôi đã sắp đặt một thời khóa biểu cho chuyến viếng thăm đảo của quý vị với đầy đủ tiện nghi, và một chuyến tham quan các con thú trong công viên vào xế chiều nay. Tôi sẽ theo quý vị đi ăn trưa, và sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào của quý vị vào lúc đó. Bây giò xin mời quý vị theo ông Regis…

 

Đám người đi theo Ed Regis đến những tòa nhà gần nhất. Trên cao, ngang qua con đường mòn, một tấm bảng sơn to viết bằng tay: “Nhiệt liệt đón chào quý khách viếng thăm công viên kỷ Jura”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.