Công Viên Khủng Long Kỷ Jura

3. ĐIỀU KHIỂN



 

rong phòng điều khiển, Arnold thở ra:

 

– Ô kê. Con rex ngã rồi.

 

Ông ta ngả người ra ghế, đốt điếu thuốc cuối cùng rồi vò bao thuốc và cười hài lòng. Thế là xong. bước cuối cùng trong việc hồi phục sự hoạt động của công viên. Bây giờ còn lại những gì phải làm là ra đấy và chuyển nó đi. Muldoon nhìn màn hình giám sát:

 

– Đồ chó đẻ. Rốt cuộc tao cũng hạ dược mày. – ông quay sang Gennaro – Có điều là mất đến một tiếng nó mới chịu rớt.

Henry Wu cau mày nhìn màn hình:

 

– Nhưng nó có thể chết đuối, với tư thế đó…

 

– Nó không chết chìm đâu. – Muldoon nói – Chưa từng thấy một con thú khó hạ như thế.

 

– Tôi cho là chúng ta phải ra đấy đem nó đi. – Arnold nói.

 

– Chúng tôi sẽ ra. – Giọng Muldoon không mấy nhiệt tình.

 

– Đấy là một con thú có giá trị.

 

– Tôi biết đấy là một con thú có giá trị.

 

Arnold quay sang Gennaro. Ông ta không thể giấu một phút tự hào chiến thắng:

 

– Tôi đã vạch cho ông thấy, là công viên giờ đây đã hoàn toàn trở lại bình thường. Cho dù mô hình toán học của Malcolm có nói điều gì chăng nữa. Chúng ta đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.

Gennaro chỉ vào màn hình sau đầu Amold và hỏi:

 

– Cái gì thế?

 

Arnold quay lui. Ông ta ngạc nhiên thấy ở góc trái trên màn hình đang nhấp nháy dòng chữ màu vàng: AUX PWR LOW. Ông không hiểu chuyện gì xẩy ra. Tại sao nguồn năng lượng phụ lại gần hết? Họ đang dùng nguồn năng lượng chính, đâu phải nguồn năng lượng phụ. Ông bảo Wu:

 

– Này anh Wu, nhìn xem.

 

– Tại sao ông lại dùng nguồn điện phụ? – Wu hỏi.

 

– Tôi có dùng đâu.

 

– Trông như ông đang dùng đấy?

 

– Tôi đâu có dùng.

 

– Hãy cho in ra bảng sử dụng năng lượng xem. – Wu bảo – Máy có ghi nhận tình trạng năng lượng dùng trong vài giờ cuối.

 

Arnold bấm nút, và họ nghe tiếng rì rì của máy in hoạt động ở góc phòng. Wu đến bên máy in.

 

Arnold nhìn chòng chọc vào màn hình. Các chữ ở góc trái trên màn hình đã chuyển từ màu vàng sang màu đỏ và dòng chữ bây giờ là: AUX PWR FAIL. Các con số bắt đầu đếm ngược từ hai mươi.

 

– Việc quái quỷ gì thế này? – Arnold lẩm bẩm.

 
Hết sức thận trọng, Tim bước vài bước vào con đường mòn, ra ngoài ánh nắng. Cậu nhìn quanh thác nước, và thấy con tyrannosaur nằm nghiêng nổi bập bềnh trên mặt nước. Lex bước theo sau anh:

 

– Em mong cho nó chết quách.

 

Tim có thể thấy là nó chưa chết: lồng ngực con khủng long vẫn phập phồng, và một chi trước đang co giật. Nhưng đã có gì đó xảy ra cho nó. Rồi Tim nhìn thấy ống thuốc cắm vào sau đầu, gần mang tai:

 

– Nó bị một mũi tên thuốc.

 

– Đáng đời. Nó đã ăn chúng ta.

 

Tim nhìn con vật thở khó khăn. Cậu bé bất ngờ cảm thấy buồn bã khi con vật khổng lồ lâm vào tình trạng này. Cậu không muốn nó chết. Cậu bảo em:

 

– Không phải lỗi của nó.

 

– Ồ, xong rồi. Nó đã ăn chúng ta và nó không có tội gì.

 

– Nó là loài ăn thịt. Nó chỉ làm những gì nó làm.

 

– Nếu bây giờ anh ở trong bao tử nó rồi thì hết nói dóc thế.

 

Tiếng rơi của thác nước bỗng thay đổi. Từ tiếng ầm ầm điếc cả tai nó trở nên nhỏ hơn, êm lặng hơn. Màn nước rơi rầm rầm mỏng dần rồi chỉ còn những dòng chảy nhỏ. Và nước ngừng chảy.

 

– Thác nước ngừng đổ, anh Tim. – Lex la lên.

 

Bây giờ thác chỉ còn nhỏ giọt giống như mấy vòi nước không khóa kỹ. Mặt hồ ở đáy thác yên lặng. Hai đứa đứng gần đỉnh thác, trong một nơi giống như một miệng hang chứa đầy máy móc, nhìn xuống. Lex nhận xét:

 

– Thác nước thì có bao giờ ngừng được?

 

Tim gật đầu:

 

– Đúng. Đây hẳn là thác chảy nhờ năng lượng. Có ai đó đã ngắt điện.

 

Sau lưng chúng, tất cả các máy bơm, máy lọc đều tuần tự ngừng hoạt động cái này sau cái khác. Các đèn nháy tắt, máy ngừng chạy. Gian phòng trở nên yên lặng.

 

Và rồi một tiếng “tách” của một rơ le điện, chiếc cửa ghi MAINT 04 từ từ mở ra.

 

Grant bước ra, hấp him mắt vì ánh sáng:

 

– Giỏi lắm. Mấy đứa đã mở được cửa.

 

– Chúng cháu có làm gì đâu? – Lex nổi.

 

– Nguồn năng lượng bị cắt. – Tim nói.

 

– Thôi, đừng để ý. Vào đây xem mấy thứ bác tìm thấy.

 
Arnold nhìn sững, choáng người.

 

Tuần tự cái này sau cái kia, các màn hình giám sát tắt đèn và rồi ánh sáng trong phòng tắt lịm, toàn bộ căn phòng điều khiển bỗng tối om và lộn xộn. Mọi người đều lập tức la lớn. Muldoon vội kéo các màn cửa cho ánh sáng tràn vào. Wu mang bản in lại:

 

– Hãy xem cái này xem.

 

Wu trao tờ giấy cho Arnold và tiếp:

 

– Ông tắt máy vào lúc nằm giờ ba mươi phút sáng nay, và khi cho máy hoạt động lại, ông khởi động với nguồn năng lượng phụ.

 

– Chúa ơi! – Arnold kêu lên.

 

Rõ ràng máy điện chính đã không hoạt động kể từ lúc ông tắt hệ thống. Và khi ông đóng cầu dao hệ thống hoạt động trở lại, chỉ có máy điện phụ cung cấp năng lượng. Arnold đang cho rằng sự việc lạ lùng quá thì ngay đấy ông lại cho rằng như thế là bình thường. Rằng sự việc phải xảy ra như thế: máy điện phụ hoạt động được, và nguồn điện sẽ dùng để khởi động máy điện chính . Vì động cơ máy điện chính cần đến cường độ điện rất lớn mới khởi động được. Hệ thống đã được thiết kế theo cách hoạt động như thế.

Amold chưa từng có dịp tắt nguồn năng lượng chính. Khi đèn và các màn hình hoạt động trở lại, ông không hề nghĩ rằng nguồn điện chính chưa được hồi phục.
Máy điện chính đã không chạy trong suốt thời gian họ lục tìm con rex, và làm hết việc này đến việc khác. Thật sự, mọi rắc rối mới chỉ bắt đầu. Muldoon chỉ vào một dòng chữ, hỏi Arnold:

 

– Dòng chữ này nghĩa là gì?

 

– Có nghĩa là: báo động về tình trạng của hệ thống, đã được truyền đến các màn hình điều khiển. Liên quan tới các hàng rào.

 

– Ông có thấy dòng báo động này không?

 

Arnold lắc đầu:

 

– Không… Chắc lúc ấy tôi đang nói chuyện với ông ngoài cánh đồng.

 

– Mấy chữ này nghĩa là gì: “Warning: Fence status”?

 

– Ờ lúc nãy tôi đã không biết việc báo động này của computer, chúng ta đang dùng nguồn điện phụ. Và nguồn điện phụ không cung cấp đủ cường độ để truyền điện cho các hàng rào.

 

Muldoon gào lên nho nhỏ:

 

– Các hàng rào đều không được truyền điện?

 

– Vâng.

 

– Tất cả các hàng rào? Từ năm giờ sáng nay? Suốt năm tiếng đồng hồ vừa qua?

 

Arnold thở dài:

 

– Vâng.

 

– Kể cả các hàng rào nhốt lũ velociraptor?

 

– Vâng. – Arnold thở dài .

 

– Ôi lạy đức Jesus. – Muldoon kêu lên – Năm tiếng đồng hồ. Lũ súc sinh ấy hẳn đã thoát ra khỏi chuồng hết.

 

Và rồi, ở một nơi nào đó xa xa, họ nghe tiếng thét. Muldoon bắt đầu nói thật nhanh. Ông đi quanh phòng, phân phát những máy vô tuyến xách tay.

 

– Ông Arnold sẽ xuống nhà bảo quản đi khởi động máy điện chính. Tiến sĩ Wu, ngồi tại phòng điều khiển. Anh là người duy nhất có thể làm việc với các computer. Ông Hammond, trở lại khu nhà nghỉ. Đừng có cãi tôi vào lúc này. Khóa cổng lại, và ở nguyên trong ấy cho đến khi ông nghe tin tức của tôi. Đi ngay. Tôi sẽ giúp Arnold giải quyết mấy con raptor. – Ông quay sang Gennaro – Có muốn thêm vài phút nguy hiểm nữa chăng?

 

– Không muốn lắm. – Mặt Gennaro tái xanh.

 

– Tốt thôi. Vậy đi với mấy người trở về khu nhà nghỉ. – Muldoon quay người – Cứ thế, tất cả nghe tôi. Đừng có đi đâu.

 

Hammond rên rỉ.

 

– Nhưng anh sẽ làm gì mấy con thú của tôi?

 

– Đấy không phải là câu hỏi đúng. Phải hỏi là “Những con thú của ông sẽ làm gì chúng tôi?”.

 

Muldoon ra cửa, đi về cuối hành lang về phòng làm việc của mình. Gennaro bước theo cạnh ông. Muldoon hỏi:

 

– Ông thay đổi ý kiến?

 

– Ông sẽ cần giúp một tay.

 

– Có lẽ. – Muldoon vào phòng ghi ANIMAL SUPERVISOR, cầm lấy khẩu súng phóng tì vai, mở khóa một ngăn hộc gắn vào tường sau bàn giấy mình. Có sáu ống đạn phóng và sáu ống thuốc.

 

– Điều rắc rối với những con raptor này là chúng có một hệ thần kinh phân bố. Chúng không chết nhanh, xương sườn to làm cho cú bắn vào tim phải đi chệch, khó mà làm cho chúng què hai chi sau hoặc hai chi trước. Khó chảy máu, chậm chết. – Muldoon mở mấy ống phóng nhét ống thuốc vào. Ông thảy một thắt lưng to bản cho Gennaro – Mang cái này vào.

 

Gennaro thắt chặt thắt lưng và Muldoon trao cho ông mấy viên đạn:

 

– Những gì chúng ta hy vọng là có thể hạ lẻ từng con. Chẳng may chúng ta chỉ có sáu viên đạn. Mà có đến tám con velociraptor trong chuồng nhốt ấy. Đi thôi. Đi gần nhau. Ông giữ đạn đấy.

Muldoon ra khỏi phòng và chạy dọc theo hành lang, nhìn qua lan can xuống con đường dẫn đến căn lán bảo quản. Gennaro chạy theo ông bén gót. Họ xuống tầng cuối và bước ra ngoài cửa kính. Muldoon dừng lại.

 

Arnold đang đứng, lưng quay lại căn lán. Ba con velociraptor tiến đến gần ông ta. Arnold đã nhặt được một cây gậy và đang hoa lên về phía chúng, miệng hét lớn. Ba con velociraptor xòe chi trước ra khi chúng đến gần, một con đứng giữa, hai con bao hai bên. Phối hợp. Nhẹ nhàng. Gennaro rùng mình. Tập tính săn mồi theo bầy.

Muldoon đã quỳ xuống đặt súng phóng lên vai. Ông bảo Gennaro:

 

– Tra đạn vào. – Gennaro chuồi viên đạn vào súng phóng. Một tiếng điện xẹt. Chẳng việc gì xảy ra. – Chúa ơi, ông tra lộn ngược rồi. – Muldoon nói và dốc ngược nòng súng cho viên đạn chạy lọt ra tay Gennaro. Gennaro lắp đặt lại. Ba con velociraptor đang gầm gừ với Arnold, con thú bên phải giật lên, phần trên xương sườn của nó bay bổng lên không trung, máu bắn tung tóe như một trái cà chua vỡ dính lên mấy bức tưởng của tòa nhà. Phần còn lại gục ngã lên mặt đất, hai chân đá trong không khí, đuôi giật giật.

 

– Cú ấy sẽ làm mấy con còn lại nổi hung.

 

Arnold chạy về phía cửa lán. Hai con velociraptor quay lại, bắt đầu tiến về phía Muldoon và Gennaro. Chúng xòe mấy ngón chi trước ra trong khi tiến đến gần. Ở xa xa, đâu đó trong tòa nhà nghỉ, họ nghe những tiếng hét. Gennaro:

 

– Có thể đã có tai họa rồi.

 

– Tra đạn. – Muldoon bảo.

 
Henry Wu nghe mấy tiếng nổ và nhìn về phía cửa phòng điều khiển. Anh đi quanh mấy bàn phím điều hành, rồi ngừng lại. Anh muốn đi ra ngoài, nhưng anh biết mình phải ở lại trong phòng. Nếu Arnold có thể làm cho có điện – chỉ có trong một phút thôi – thì Wu có thể khởi động máy điện chính được. Anh phải ở lại.

 

Nghe tiếng ai đó thét lên. Như tiếng Muldoon.

 
Muldoon cảm thấy đau điếng người ở mắt cá, loạng choạng vấp một bờ đường, cố dốc hết sức để chạy. Nhìn lui, ông thấy Gennaro đang chạy về phía ngược lại, vào một khu rừng. Hai con velociraptor bỏ Gennaro, chỉ đuổi theo Muldoon. Lúc này chúng chỉ còn cách ông không đầy hai mươi mét. Muldoon vừa chạy vừa la đến khản cổ, mơ hồ tự hỏi không biết mình có thể chạy đi đâu.

 

Vì ông biết có lẽ ông chỉ có mười giây trước khi chúng chụp được ông.

 

Mười giây.

 

Có khi còn chưa tới.

 
Ellie phải giúp Malcolm lật người lại khi Harding đâm mũi kim và đẩy hết chỗ morphine. Malcolm thở dài và rũ người lại. Dường như từng phút một ông càng lúc càng yếu đi. Qua máy vô tuyến, họ nghe những tiếng thét và những tiếng nổ nho nhỏ từ trung tâm nhà khách.

 

Hammond bước vào phòng và hỏi:

 

– Ông ta thế nào?

 

– Đang cố kìm đau đớn. Hơi nói sảng một chút.

 

Malcolm:

 

– Tôi không mê sảng chút nào đâu. Tôi hoàn toàn sáng suốt. – Họ lắng nghe qua radio – Nghe như có cả cuộc chiến tranh ngoài kia.

 

Hammond:

 

– Mấy con velociraptor sổng chuồng?

 

– Chúng ra được? – Malcolm thở dốc – Làm sao mà việc ấy có thể xảy ra?

 

– Do một vụ phá rối hệ thống. Arnold đã không nhận ra được là nguồn điện phụ đang được sử dụng, và hàng rào không được truyền điện.

 

– Thế đấy.

 

– Chết rấp đi, đồ quỷ hợm hĩnh.

 

Malcolm:

 

– Nếu không nhớ lầm, tôi đã nói trước là hàng rào truyền điện sẽ có ngày gây ra biến cố.

 

Hammond thở dài, nặng nề ngồi xuống ghế:

 

– Thật chả ra gì. – Lão lắc đầu – Như ông chú ý và nhận thấy đấy, những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện ở đây chỉ là một ý tưởng kỳ diệu, đấy là một loại du hành ngược thời gian. Chỉ là sự du hành ngược thời gian trên quả đất này. Làm chúng sống trở lại, vậy thôi. Vì công việc rất hào hứng, và vì có thể thực hiện được, chúng tôi quyết định tiến tới. Chúng tôi thuê đảo này và tiến hành. Tất cả đều đơn giản.

 

– Đơn giản. – Không hiểu bằng cách nào, Malcoìm tìm được sức lực để ngồi dậy trên giường – Đơn giản? Ông là một gã điên, điên hơn cả tôi tưởng. Tôi nghĩ rằng ông là một gã điên vì quá thừa thãi tiền của.

 

Ellie:

 

– Tiến sĩ Malcolm. – Cô cố dìu ông nằm xuống. Nhưng Malcolm không để ý. Ông chỉ về chiếc máy vô tuyến đang vang tiếng la hét.

 

– Cái gì đang xảy ra ngoài kia? – Malcolm nói tiếp – Đấy là ý tưởng đơn giản của ông. Đơn giản. Ông sáng tạo ra những dạng sống mới mà ông chẳng biết gì về chúng cả. Ông tiến sĩ Wu của ông thậm chí không biết tên những con vật do ông ta sáng tạo ra. Ông ta không hề bị quấy rầy với những chi tiết như con này gọi là con gì, cứ mặc cho nó ra sao thì ra. Ông tạo ra nhiều thứ trong một thời gian ngắn, ông không hề học hỏi gì để biết về chúng, thế nhưng ông trông chờ chúng tuân lệnh ông, và vì ông tạo ra chúng cho nên ông cho ông là chủ sở hữu của chúng; ông quên rằng chúng là những con thú sống, chúng có trí thông minh, chúng có thể không tuân theo lệnh ông; ông quên mất là ông hiểu biết chúng ít ỏi đến thế nào, ông thiếu khả năng đến chừng nào để làm những điều mà ông quá bông lơn gọi là đơn giản… Ôi Chúa ơi…

 

Malcolm ngồi lui vào, ho sặc sụa..

 

– Ông có biết có điều gì sai đối với sức mạnh của khoa học không? -Malcolm tiếp – Đấy là hình thức của một gia tài được thừa kế và ông biết những gã óc lừa bẩm sinh đã giàu có như thế nào.

 

Hammond:

 

– Ông ta đang nói vấn đề gì vậy?

 

Harding phác một cử chỉ, hàm ý là tình trạng mê sảng. Malcolm nháy mắt:

 

– Tôi sẽ cho anh biết những gì tôi đang nói. Phần lớn các loại sức mạnh đòi hỏi một sự hy sinh vật chất với những ai muốn có sức mạnh ấy. Để học được một nghề, phải chịu đựng luyện tập trong nhiều năm. Bất cứ loại sức mạnh nào ông muốn. Chủ tịch một công ty. Đai đen karaté. Giáo sư thần học. Bất cứ thứ gì ông muốn có ông phải mất nhiều thời gian, thực hành, sức lực. Ông phải chối bỏ nhiều thứ để có nó. Nó phải rất quan trọng đối với ông. Và mỗi khi ông đạt được, nó là sức mạnh của ông. Ông không thể chối bỏ nó: nó khu trú trong ông. Thực chất đấy là kết quả của sự rèn luyện.

 

– Bây giờ, điều cần quan tâm tới của quá trình này là, vào lúc một người nào đó đạt được khả năng giết người bằng tay không, anh ta cũng đạt được quan điểm chín muồi là mình sẽ không dùng sức mạnh ấy một cách không khôn ngoan. Cho nên thứ sức mạnh ấy có một bộ kiểm soát kiềm chế. Sự rèn luyện để có được sức mạnh đã biến đổi ông để ông không lạm dụng nó.

Nhưng sức mạnh của khoa học là một thứ gia tài được thừa hưởng; có được mà không phải qua một sự rèn luyện nào. Ông đọc những gì người khác làm và ông làm bước kế tiếp. Ông có thể làm khi còn rất trẻ . Ông có thể thực hiện những tiến bộ rất nhanh. Không có những sự rèn luyện kéo dài nhiều chục năm. Không có sự làm chủ: những nhà khoa học cổ xưa bị bỏ lơ. Không có sự khiêm tốn trước thiên nhiên mà chỉ có những triết nhân làm – giàu – gấp – rút, tự – tạo – tên – tuổi – nhanh. Lừa đảo, nói dối, làm của giả – không một ai phê bình chỉ trích. Không một ai có bất cứ tiêu chuẩn gì. Mọi người đều cố gắng làm một điều: làm một việc gì đó thật lớn, và làm thật nhanh.
Và vì ông đứng trên vai một người không lồ khác, ông có thể hoàn thành mọi việc một cách nhanh chóng. Thậm chí ông không biết chính xác những gì ông đã làm nhưng ông dã báo cáo, đã trình tòa, lấy bản quyền và sản xuất đem bán. Và người mua còn có ít sự rèn luyện hơn cả ông nữa. Người mua chỉ đơn thuần mua sức mạnh, như mua một thứ tiện nghi nào. Người mua thậm chí không hiểu là bất cứ sự rèn luyện nào cũng rất cần thiết.

 

Hammond hỏi:

 

– Các người có biết ông ta đang nói gì không?

 

Ellie gật đầu. Hammond nói :

 

– Tôi chẳng nắm được đầu cua tai nheo gì.

 

– Tôi sẽ nói đơn giản hơn. Một tay karaté siêu đẳng không giết người với tay không. Anh ta không mất bình tĩnh đến phải giết vợ mình. Kẻ giết người là kẻ không có sự luỵện tập, không có sự kiềm chế, và là người mua được sức mạnh như mua một đêm ăn chơi. Và đấy là loại sức mạnh mà khoa học khuyến khích, và cho phép. Và đấy là lý do tại sao ông nghĩ rằng xây dựng nên một nơi như chỗ này là đơn giản.

 

– Nhưng quả thật là đơn giản. – Hammond bảo.

 

– Thế tại sao nó đã gặp rắc rối?

 
Choáng váng, John Arnold xô cửa lán bước vào bóng tối bên trong. Ôi Chúa, căn phòng tối đen. Đáng lẽ ông phải nhận ra là đèn đã tắt hết. Ông cảm thấy không khí mát lạnh, khoảng không gian sâu như cái hang, và hai tầng nhà trải dài dưới chân. Ông phải tìm ra lối đi men giữa đám máy móc. Ông phải cẩn thận, không thì gãy cổ.

 

Lối đi men.

 

Ông sờ soạng như một người mù cho đến khi nhận ra là vô ích. Bằng cách này cách khác ông phải để ánh sáng vào lán. Ông quay trở lại cửa và mở hé ra chửng một tấc. Thế là có đủ ánh sáng. Nhưng không có cách gì giữ cho cửa mỏ. Ông tháo nhanh một chiếc giày và chèn vào cửa.

Ông trở lại tìm lối đi men và dễ dàng tìm thấy. Ông bước dọc theo tấm kim loại lót lối đi, nghe từng bước chân khác nhau, một bước nặng, một bước nhẹ. Nhưng cuối cùng ông có thể thấy. Phía trước là cầu thang dẫn xuống hầm để máy phát điện. Đi thêm mười mét nữa.
Bỗng tối om.

 

Ánh sáng biến mất.

Arnold nhìn ra cửa, và thấy ánh sáng bị chắn mất bởi thân hình một con velociraptor. Con vật cúi xuống và cẩn thận khịt mũi ngửi chiếc giày.
 
Henry Wu đưa tay sờ trên mấy bàn phím điều khiển computer. Anh vuốt mấy màn hình. Anh cử động liên tục. Anh gần như điên cuồng vì căng thẳng.

 

Anh ôn lại những bước anh sẽ phải làm. Anh phải nhanh tay. Màn hình đầu tiên sẽ sáng lên, và anh sẽ bấm…

 

– Wu! – Máy Vô tuyến kêu xè xè.

 

Anh chụp ngay lấy nó:

 

– Vâng. Tôi đây.

 

– Có được tý điện nào chưa? – Đấy là Muldoon. Giọng ông có chút gì kỳ dị, khác thường.

 

– Chưa. – Wu mỉm cười, yên tâm vì biết Muldoon còn sống.

 

– Tôi nghĩ là Arnold đã vào được căn lán. Sau đó, tôi không biết!

 

– Ông ở đâu vậy?

 

– Tôi bị nhét…

 

– Cái gì?

 

– Tôi bị nhét vào một ống dẫn nước. Và vào lúc này, tôi ở tình thế rất nguy hiểm.

 
Muldoon nằm dài trong một ống nước. Có một đống ống dẫn nước nằm sau khu trung tâm nhà khách, và ông đã chui vào một ống gần nhất, ép người vào cống như một gã khốn khổ. Ống nước thật hẹp, bó khít lấy người ông, nhưng mấy con raptor không theo ông vào trong đấy được.
Sau khi bắn đứt chân một con khi con thú đáng ghét này mon men đến gần ống nước, nó đã rên rỉ lết đi, mấy con khác cũng phải chùn bước. Sự hối tiếc của ông là ông đã không chờ đến khi thấy mõm của nó ở đầu ống rồi mới lẫy cò.
Nhưng ông có thể vẫn còn cơ may, còn ba hay bốn con lẩn quẩn bên ngoài khịt mũi gầm gừ với ông. Ông nói vào radio:

 

– Vâng, rất nguy hiểm.

 

– Arnold có vô tuyến không? – Wu hỏi.

 

– Chắc là không. Bây giờ tôi đang ngồi bó rọ và chờ chúng đi.

 
Arnold đi thụt lùi theo con đường men. Con velociraptor hầu như chỉ cách ông chừng 3 mét, len lén theo ông, đi vào vùng bóng tối. Arnold có thể nghe tiếng côm cốp của những móng chân kinh khiếp của nó gõ trên tấm sắt lót lối đi.
Nhưng Arnold đang lùi chầm chậm. Ông biết con thú có thể thấy rất rõ nhưng những chấn song lan can dọc theo lối đi men, mùi vị không quen thuộc của kim loại làm nó thận trọng. Sự thận trọng của nó là dịp may duy nhất cho mình, Arnold nghĩ. Nếu ông có thể đến đầu cầu thang, và rồi đi xuống tầng dưới. Bởi vì ông biết chắc là con velociraptor không thể leo cầu thang, đặc biệt là cầu thang hẹp và đứng.
Arnold nhìn lui, đến cầu thang chỉ còn vài bước. Chỉ thêm vài bước nữa.

 

Ông đã đến đầu cầu thang! Với tay lui, ông sờ thấy tay vịn, bắt đầu bò xuống các bậc thang hầu như thẳng đứng. Chân ông chạm mặt nền đúc xi măng. Con velociraptor đứng trên lối đi men cách trên đầu ông sáu mét, gầm gừ giận dữ.

 

– Xoàng quá, chú mày. – Arnold quay đi. Lúc này ông đến rất gần máy phát điện phụ. Chỉ bước thêm vài bước nữa là ông sẽ nhìn thấy cho dù trong thứ ánh sáng lờ mờ thế này.

 

Một tiếng thụp sau lưng ông.

 

Arnold quay lui.

Con raptor đã đứng đấy, trên nền đúc, gầm gừ.
Nó đã nhảy xuống.
Ông nhìn quanh tìm một thứ gì làm khí giới bỗng thình lình thấy mình ngã vật ngửa xuống nền đúc xi măng. Một thứ gì nặng nề đè lên ngực làm ông thấy khó thở, ông nhận ra là con velociraptor đang đứng trên ngực ông, ông cảm thấy những móng nhọn của nó đào sâu vào ngực mình, ông ngửi thấy hơi thở hôi hám từ chiếc đầu động đậy trên người ông, và ông mở miệng hét lên.
 
Ellie giữ máy vô tuyến trong tay, lắng tai. Thêm hai công nhân đã đến nhà nghỉ mát; họ dường như biết ở đây an toàn. Nhưng trong mấy phút vừa qua, không có thêm người nào đến nữa. Và bên ngoài hình như yên tĩnh hơn. Qua radio, nghe giọng Muldoon hỏi:

 

– Lâu mau rồi?

 

– Chừng bốn hay năm phút. – Giọng Wu đáp.

 

– Lúc này Arnold phải làm được rồi, nếu anh ta vào được trong ấy. Có ý kiến gì không?

 

– Không.

 

– Có nghe tin gì của Gennaro không?

 

Tiếng Gennaro:

 

– Tôi đây.

 

– Ông ở vào cái xó xỉnh nào vây? – Giọng Muldoon.

 

– Tôi sắp đi vào nhà báo quản đây. Hãy cầu chúc cho tôi gặp may.

 
Gennaro bò trong đám tàn lá, lắng tai.

 

Ngay trước mặt, ông ta thấy con đường mòn trồng cây hai bên dẫn đến khu nhà khách. Gennaro biết căn lán bảo quản ở đâu đó về phía đông. Ông nghe tiếng chim chíp chíp trên cây. Một làn sương nhẹ đang bay qua. Một trong mấy con raptor rít lên, nhưng đâu đó ở xa xa. Nghe như về phía bên phải. Gennaro bắt đầu bò ra, rời con đường nhỏ, chui vào đám tàn lá.

Ông đang hành động một cách nguy hiểm?

 

Không hẳn là như vậy.

Thật vậy, ông không liều mình một cách nguy hiểm. Nhưng Gennaro nghĩ là mình đã có một kế hoạch, hay ít nhất, một khả năng có thể xảy ra. Nếu ông đang ở phía bắc các ngôi nhà chính, ông có thể đến lán bảo quản từ phía sau. Tất cả các con raptor có thể đều đang quanh quất ở các ngôi nhà khác về phía nam. Không có lý do gì mà chúng lại ở trong rừng.
Hoặc ít ra ông cũng hy vong thế.

 

Ông di chuyển thật yên lặng, và không mấy an tâm khi thấy mình vẫn gây nên quá nhiều tiếng động ông bắt mình đi chậm lại nghe tiếng tim đập thình thịch. Đám tàn lá hết sức dày đặc; ông không thể thấy quá hai ba bước về phía trước. Ông bắt đầu lo lắng là mình đã đi quá căn lán bảo quản. Nhưng rồi ông thấy mái lán về phía phải, cao trên các đọt co dừa.

Ông di chuyển về phía lán, đi quanh một bên. Ông tìm thấy cửa, mở ra, và lọt vào trong. Bên trong tối om. Ông vấp phải một vật gì.
Một chiếc giày.
Gennaro cau mày. Ông đẩy cửa mở rộng và tiếp tục đi sâu vào ngôi lán. Ông thấy một lối đi men ở ngay phía trước. Đột nhiên ông nhận ra là không biết mình đi vào chỗ nào. Và ông đã để máy vô tuyến ngoài kia. Chó thật!

 

Có thể có một máy vô tuyến đâu đó trong tòa nhà bảo quản. Hay là ông chỉ việc tìm cho ra máy phát điện. Ông biết mình có thể nhận ra được một máy phát điện. Có lẽ nó ở đâu đó dưới tầng hầm. Ông tìm được một cầu thang dẫn xuống dưới tầng hầm.

 

Ở dưới tầng hầm còn tốt hơn, và khó nhìn được mọi thứ. Ông đi giữa những đám ống dẫn, đưa tay cao khỏi đầu để tránh va chạm.

Ông nghe thấy tiếng một con thú gầm gừ và khựng người lại. Ông lắng tai nhưng tiếng gầm không còn nữa. Ông thận trọng đi tới trước. Có thứ gì rỏ lên vai ông, lên cánh tay trần. Hơi âm ấm, như nước. Ông quẹt tay vào xem thử trong bóng tối. Dinh dính. Ông đưa tên ngửi.
Máu.

 

Ông nhìn lên. Con raptor ngồi vắt vẻo trên mấy đường ống, chỉ cách đầu ông có mấy tấc. Máu đang nhỏ giọt ra từ móng chân nó. Với cảm giác kỳ dị mong được thoát ngay, ông tự nghĩ có khi nó bị thương. Và rồi ông bắt đầu chạy, nhưng con raptor nhảy lên lưng ông, đẩy ông nhào xuống đất.

 

Gennaro khá khỏe, ông rướn người lên, hất được con raptor đi và lăn trên nền nhà tránh qua một bên. Khi ông quay lui, ông thấy con raptor đang nằm nghiêng, thở hổn hển.

 

Đúng. Nó đã bị thương. Chân nó cháy máu, vì một lý do nào đó.

Giết nó đi.

 

Gennaro loạng choạng đứng dậy, tìm một thứ khí giới. Con raptor vẫn còn nằm thở hổn hển trên nền nhà. Ông điên cuồng tìm một thứ gì đó – bất cứ thứ gì – để dùng như một khí giới. Khi ông quay lui, con raptor đã đi mất.

 

Nó gầm gừ, âm thanh dội lại trong bóng tối.

 

Gennaro quay một vòng, đưa cả hai tay ra lần tìm. Và rồi ông thấy đau nhói ở bàn tay phải.

 

Răng nhọn. Nó đã cắn ông

 

Con raptor gật đầu, và Donald Gennaro bị giật ngã nhào.

 
Nằm trên giường, người đẫm mồ hôi, Malcolm lắng nghe tiếng nói trong radio.

 

– Có gì không? – Giọng Muldoon – Anh nghe được gì không?

 

– Không có tin tức gì. – Giọng Wu.

 

– Chó thật. – giọng Mudoon.

 

Một lúc yên lặng. Malcolm thở dài:

 

– Tôi không thể chờ được để nghe kế hoạch mới của anh ta. Điều tôi muốn làm là đưa mọi người vào nhà nghỉ, tập họp họ lại.

 

– Nhưng tôi không biết phải làm thế nào. – Giọng Muldoon.

 

– Có một chiếc Jeep ở khu nhà khách. – giọng Wu – Nếu tôi lái đến chỗ ông, liệu ông có thể chui vào xe được không?

 

– Có thể. Nhưng anh sẽ phải bỏ trống phòng điều khiển.

 

– Nhưng hiện giờ ở đây tôi cũng chẳng biết làm gì.

 

– Có Chúa biết đấy là sự thật. – Malcolm nói – Phòng điều khiển mà không có điện thì còn gì là phòng điều khiển nữa.

 

– Thôi được. – Giọng Mulidoon – Cứ thử xem. Thế này xem ra không hay chút nào.

 

Nằm trên gường, Malcolm nói:

 

– Thế này không phải là xem ra không hay. Mà xem ra giống như một thảm họa.

 

– Mấy con raptor đang đi theo chúng ta khắp mọi nơi. – Giọng Wu.

 

Malcolm nói:

 

– Tốt hơn là đừng nghe nữa. Tắt máy đi.

 

Radio ra tắt. Malcolm nhắm mắt lại, thở chầm chậm, lấy lại sức.

 

Ellie:

 

– Hãy nằm cho khỏe, tiến sĩ Malcolm. Hãy bình tĩnh.

 

Malcolm:

 

– Quý vị biết là chúng ta đang nói về vấn đề gì ở đây. Tất cả những cố gắng để điều khiển… Chúng ta đang nói đến thái độ cư xử của phương tây cũ cách đây năm trăm năm. Họ bắt đầu từ lúc miền Florence ở Ý còn là thành phố quan trọng nhất trên thế giới. Cái tư tưởng cơ bản của khoa học – là một phương pháp mới để nhìn vào thực tế, là khoa học là bắt buộc, khoa học không tùy thuộc vào niềm tin hay quốc tịch, là khoa học dựa trên lý trí – cái tư tưởng đó rất mới và rất kích thích, vào thời đó. Khoa học đã trao cho người ta sự hứa hẹn và niềm hy vọng đối với tương lai, và nó quét sạch hệ thống suy nghĩ cũ kỹ thời trung cổ vốn xưa hàng trăm năm. Thế giới trung cổ của những giáo điều tôn giáo và chính trị truyền từ đời này sang đời khác với những dị đoan đáng ghét ngã gục trước khoa học. Nhưng, nói đúng ra, nó phải như thế vì thế giới trung cổ thật sư chẳng còn gì hoạt động nữa. Nó không hoạt động về mặt tinh thần, nó không hoạt động về mặt kinh tế, và nó cũng chẳng thích hợp với thế giới mới vừa xuất hiện.

Malcolm ho lên, và tiếp:

 

– Nhưng ngày nay, khoa học là một hệ thống tín ngưỡng có hàng trăm năm nay Và giống như hệ thống trung cổ trước nó, khoa học bắt đầu không thích hợp với thế giới nữa. Khoa học đã đạt được quá nhiều sức mạnh đến nỗi những giới hạn thực tế của nó bắt đầu lộ rõ. Nói rộng ra, thông qua khoa học hàng tỷ người chúng ta sống trong một thế giới nhỏ bé, chen chúc chật chội và thông tin liên lạc với nhau. Nhưng khoa học không thể giúp chúng ta khẳng định phải làm những gì với thế giới ấy, hay là sống như thế nào. Khoa học có thể thực hiện được những phản ứng hạt nhân, nhưng nó không thể bảo chúng ta đừng có làm điều đó. Khoa học có thể tạo nên thuốc trừ sâu, nhưng không thể bảo chúng ta đừng có dùng nó. Và thế giới chúng ta dường như đã bắt đầu bị ô nhiễm những phần cơ bản nhất – không khí, nước, đất đai – bởi vì không ai thống trị được khoa học. – Ông thở dài – Điều này đối với mọi người quá rõ ràng.

 

Yên lặng. Malcolm nằm nhằm mắt, hơi thở nặng nhọc. Không một ai nói lời nào, và đối với Ellie thì dường như cuối cùng Malcolm cũng đã ngủ được. Rồi đột nhiên, ông ta ngồi dậy.

 

– Cũng lúc đó, sự biện hộ cho tinh thần vĩ đại cua khoa học biến đâu mất. Kể từ thời Newton và Descarte khoa học đã dứt khoát trao cho chúng ta điều mơ ước được kiểm soát tất cả. Khoa học đã công bố sức mạnh của nó để cuối cùng đã diều khiển mọi thứ, bất chấp cả sự hiểu biết các định luật thiên nhiên. Nhưng vào thế kỷ hai mươi, lời công bố đó đã bị đổ vơ không thể hàn gắn được. Thoạt tiên, định luật bất ổn của Heisenberg đặt ra những giới hạn về những gì chúng ta có thể biết được về thế giới nhỏ hơn nguyên tử. Ồ, tốt thôi, chúng ta bảo không một ai trong chúng ta sống trong thế giới nhỏ hơn nguyên tử. Thực tế nó chẳng dính líu gì đến chúng ta khi ta sống hết cuộc đời. Rồi lý thuyết của Godel đặt những giới hạn tương tự cho toán học, ngôn ngữ chính thức của khoa học. Các nhà toán học thường cho rằng ngôn ngữ của họ có một sự thật được thừa kế đặc biệt nào đó được rút ra từ những định luật logic. Bây giờ chúng ta biết rằng điều chúng ta gọi là “lý luận” chỉ là một trò chơi tự ý. Nó chẳng có gì đặc biệt, theo cách chúng ta suy nghĩ.

Và ngày nay lý thuyết bất ổn chứng minh rằng tính không đoán trước được xây dựng sẵn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó cũng bình thường như là mưa bão chúng ta không thể đoán trước được. Và vì thế điều mơ ước to lớn của khoa học, có đã hàng trăm năm – ước mơ điều khiển tất cả – đã chết, trong thế kỷ của chúng ta. Và cùng với nó, phần lớn sự biện hộ, lý trí dành cho khoa học làm những điều nó cần làm, cũng chết theo. Và chúng ta không còn cơ hội để lắng nghe. Khoa học vẫn luôn bảo rằng nó có thể không biết hết mọi thứ vào lúc này nhưng cuối cùng cũng sẽ biết. Nhưng ngày nay chúng ta thấy rằng điều đó không đúng. Đấy chỉ là một sự khoe khoang ngu ngốc. Rất điên khùng, và lạc đường, cũng giống như một đứa trẻ nhảy ra khỏi cầu vì nó tin tưởng rằng nó có thể bay.
Hammond lắc đầu:

 

– Ông chỉ nói chuyện trên trời dưới nước.

 

– Chúng ta đang làm chứng cho việc chấm dứt của kỷ nguyên khoa học, cũng giống như các hệ thống lỗi thời khác, đang tự hủy diệt. Khoa học có được trong tay sức mạnh, nhưng nó tự chứng tỏ là không có khả năng kiềm chế được sức mạnh đó. Bởi vì ngày nay mọi việc tiến thật nhanh. Năm mươi năm trước, mọi người đều tự đắc với quả bom nguyên tử. Đấy là sức mạnh không ai có thể tưởng tượng ra bất cứ thứ gì hơn nữa. Thế nhưng chỉ một thập kỷ sau quả bom, chúng ta có sức mạnh của kỹ thuật di truyền. Và sức mạnh di truyền có tiềm năng bỏ rất xa bom nguyên tử. Và nó sẽ nằm trong tầm tay của mọi người. Nó sẽ nằm trong thùng đựng đồ nghề dành cho những người làm vườn ở sân sau. Những thí nghiệm cho học sinh tiểu hoc. Những phòng thí nghiệm rẻ tiền cho những tên khủng bố và những nhà độc tài. Và điều đó sẽ bắt buộc mọi người phải cùng đặt một câu hỏi: “chúng ta nên làm gì với sức mạnh của chúng ta?” vốn chính là câu hỏi mà khoa học nói là không thể nào trả lờ.

 

– Vậy việc gì sẽ xảy ra? – Ellie hỏi.

 

Malcolm rùn vai:

 

– Một sự thay đổi.

 

– Loại thay đổi nào?

 

– Tất cả những thay đổi lớn đều giống như chết. Cô không thể tham gia vào mặt kia cho tới chừng nào cô hiện diện ở đây. – Và ông ta nhắm mắt.

 

– Con người khốn khổ. – Hammond lắc đầu.

 

Malcolm thở dài:

 

– Ông có suy nghĩ chút nào không, về việc ông, hay bất cứ ai trong chúng ta, sẽ ra khỏi được đảo này mà còn sống sót?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.