Công Viên Khủng Long Kỷ Jura

2. CHUYẾN THAM QUAN



 

ậu bé Tim Murphy nhận ra ngay có điều gì đó bất ổn. Ông nội đang cãi cọ với một người trẻ hơn, mặt đỏ gay, đứng đối diện với nội. Và còn mấy người lớn tuổi khác, đứng đằng sau, trông có vẻ bối rối. Cô bé Lex cũng cảm thấy có sự căng thẳng, vội dừng lại, tung qủa bóng lên chụp bắt. Cậu bé phải đẩy em:

 

– Tới đi chứ Lex.

 

– Anh Tim đi trước đi.

 

– Đừng có nhút nhát.

 

Lex nhìn anh, nhưng Regis đã vui vẻ nói:

 

– Để chú giới thiệu hai đứa với mọi người, và chúng ta có thể đi theo họ xem mọi thứ.

 

Lex e ngại:

 

– Thôi, cháu không đi đâu.

 

– Để chú giới thiệu cháu trước. – Và Regis bắt đầu. Trước hết với ông nội, Hammond hôn hai đứa. Rồi với người mà nội đang cãi cọ. Ông này dáng chắc khỏe, tên là Gennaro. Phần giới thiệu còn lại làm Tim lờ mờ nhớ đến điều gì đó. Có một cô tóc vàng mặc đồ soóc một người đàn ông râu quai nón mặc quần Jeans và áo sơ mi kiểu Hawaii. Ông này trông có vẻ là một người chuyên hoạt động ngoài trời. Rồi một anh mập mạp đến đảo làm chuyện gì đó với mấy cái computer. Cuối cùng là một người gầy gầy mặc đồ đen, không bắt tay chúng mà chỉ gật đầu. Tim cố lục lại trí nhớ khi nhìn vào chân của cô tóc vàng, và đột nhiên nhớ ra là cậu đã biết người đàn ông râu quai tròn là ai.

 

Lex bảo anh:

 

– Miệng anh đang há hốc ra đấy.

 

– Tao biết ông ấy. – Tim nói.

 

– Ồ, thì chắc chắn rồi. Anh vừa mới được giới thiệu đấy.

 

– Không phải, tao có sách của ông ấy.

 

Người râu quai nón hỏi:

 

– Sách gì, Tim?

 

– Thưa bác, cuốn Lost World of Dinosanura.

 

Lex cười khúc khích:

 

– Bố nói óc anh Tim chứa toàn khủng long.

 

Tim không nghe cô em nói gì. Cậu đang nghĩ đến những gì mình biết về ông Alan Grant. Ông Grant này là người bênh vực lý thuyết cho rằng khủng long là loài máu nóng. Ông đã thực hiện nhiều vụ khai quật tại một nơi có tên là Đồi Trứng ở bang Montana, một địa điểm nổi tiếng vì có quá nhiều trứng khủng long. Grant đã tìm thấy phần lớn số trứng khủng long chưa từng được phát hiện. Ông cũng là người vẽ minh họa, và đã vẽ các hình cho sách của mình. Người râu quai nón nói:

 

– Đầu chứa toàn khủng long? Thế thì bác với cháu giống nhau. Đầu bác cũng toàn khủng long.

 

Bé Lex:

 

– Bố nói lũ khủng long đần độn lắm. Bố bảo anh ấy nên ra ngoài trời nhiều và chơi các môn thể thao.

 

Tim cảm thấy hơi ngượng. Cậu bảo em:

 

– Tao thấy là mày phải đi theo họ rồi chứ?

 

– Một phút nữa đã.

 

– Rồi mày phải chạy theo cuống lên.

 

Bé Lex đứng tay chống nạnh, vênh mặt, bắt chước điêu bộ khiêu khích của mẹ:

 

– Em không phải là loại người mà ai bảo chi cũng nghe đâu.

 

Regis nói với mọi người:

 

– Thưa quý vị xin mời tất cả hãy trở lại nhà khách để chúng ta có thể bắt đầu chuyến tham quan.

 

Mọi người bắt đầu bước đi. Tim nghe ông Gennaro nói nhỏ vào tai ông nội: “Tôi có thể giết ông được vì chuyện này đấy”, rồi Tim nhìn lên và thấy tiến sĩ Grant đã bước theo bên cạnh.

 

– Cháu mấy tuổi rồi, Tim?

 

– Dạ, mười một.

 

– Cháu thích khủng long từ lúc nào?

 

Tim nuốt nước miếng:

 

– Mới đây thôi. – Cậu cảm thấy lúng túng khi nói chuyện với tiến sĩ Grant – Chúng cháu thỉnh thoảng có đến viện bảo tàng, và cháu nói về khủng long với ba cháu.

 

– Ba cháu không thích khủng long à?

 

Tim gật đầu, và kể cho Grant nghe chuyến thăm viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên mới đây của gia đình. Ba cậu nhìn vào một bộ xương và nói : “Chà, bộ xương to ghê”.

 

Tim đã nói với ba: “Không to ghê đâu ba. Mới cỡ trung bình thôi. Đấy là con comptosaurus”.

 

“Ồ ba không biết. Ba thấy to ghê quá.”

 

“Thế mà nó chưa trưởng thành hoàn toàn đấy, ba”.

 

Ba cậu nhìn một bên bộ xương: “Nó thuộc kỷ nào, Jurassic?”

 

“Không phải đâu. Kỷ Cretaceous.”

 

“Cretaceous à. Hai kỷ này cách nhau bao lâu?”

 

“Chỉ vào khoáng một trăm triệu năm.”, Tim nói.

 

“Kỷ Cretaceous trước à?”

 

“Không, ba. Jurassic trước chứ.”

 

Ba cậu bảo: “Thế nhưng, đối với bố thì nó hết sức to rồi đấy.” ông bước lui và quay sang Tim chờ sự đồng ý. Cậu bé biết là mình nên đồng ý với bố vì thế cậu lẩm bẩm một điều khác. Và hai cha con đi tiếp xem nơi khác.

 

Tim đứng trước một bộ xương – một con tyrannosaụrus rex, một mãnh thú săn mồi mạnh chưa từng có. Cuối cùng, ba cậu hỏi: “Con nhìn gì đấy?”

 

“Con đếm đốt sống.”

 

“Đốt sống?”

 

“Xương sống lưng ấy.”

 

“Ba biết đốt sống là gì rồi.”, ba nói vẻ khó chịu. ông đứng với cậu một lúc rồi hỏi “Con đếm làm gì?”

 

“Con thấy các đốt sống này không đúng. Con tyrannosaurus đúng ra cho có ba mươi bảy đốt sống ở đuôi thôi. Con này có nhiều hơn.”

 

Ba cậu nói: “Con có ý bảo là viện bảo tàng có một bộ xương không đúng. Ba không thể tin được.”

 

“Bộ xương này không đúng đấy.”

 

Ba cậu bỏ về phía người trông nom viện bảo tàng ở góc. Mẹ cậu hỏi: “Con làm phiền gì ba thế?”

 

Tim nói: “Con chẳng làm gì cả. Con chỉ nói bộ xương khủng long không đúng như thật, thế thôi.”

 

Và rồi ba cậu quay lui với vẻ mặt lạ lùng, vì dĩ nhiên là người coi bảo tàng bảo là bộ xương có quá nhiều đốt sống ở đuôi. Ba cậu nói: “Làm sao con biết được?”

 

“Con đọc sách.”

 

“Chuyện lạ đấy, chú nhỏ.” Ông ta đặt tay lên vai cậu, ấn nhẹ. “Con biết được có bao nhiều đốt sống ở cái đuôi ấy. Ba chưa từng thấy đứa nào thế. Óc con đúng là chứa toàn khủng long.”

 

Và rồi ba cậu nói ông muốn xem hiệp hai của trận bóng gậy trên ti vi. Lex nói bé cũng thích, và cả nhà rời viện bảo tàng. Tim không được xem thêm con khủng long nào nữa.

 

Bao nhiêu việc lộn xộn vẫn thường xẩy ra trong gia đình, Tim cố nhớ lại. Bây giờ, ba cậu đang lo chuyện li dị với mẹ cậu, mọi việc có lẽ sẽ khác hẳn. Ba cậu đã bỏ đi khỏi nhà, dù vậy, Tim lấy làm lạ là mình lại thích thế. Cậu nghĩ là mẹ có một ông bạn, nhưng cậu không chắc được, và dĩ nhiên cậu không bao giờ nhắc đến điếu ấy với Lex. Em gái cậu rất buồn khi phải xa ba, và trong mấy tuần gần đây, cô bé trở nên bẳn tính đến nỗi…

 

Grant hỏi Tim:

 

– Có phải bộ xương số 5027 không?

 

– Bác nói sao?

 

– Con tyrannosaurus ở viện bảo tàng ấy, có phải số 5027 không?

 

– Phải. Sao bác biết?

 

Grant cười:

 

– Họ vừa bàn chuyện làm sao mà giữ nó cho được nhiều năm. Nhưng bây giờ việc ấy có lẽ chẳng cần đến nữa.

 

– Tại sao vậy?

 

– Vì những gì đang xẩy ra ở đây, trên đảo của nội cháu.

 

Tim lắc đầu. Cậu chẳng hiểu Grant đang nói đến điều gì.

 

– Mẹ cháu bảo đảo là một nơi nghỉ mát, với hồ bơi và sân tenis.

 

– Không đúng. Bác sẽ giải thích cho cháu biết khi chúng ta cùng đi.

 

Bây giờ mình còn kiêm nhiệm thêm cái việc “cô nuôi dạy trẻ” chán ngấy này nữa, Regis bực mình nghĩ ngợi khi anh ta nghỉ ở nhà khách. Ông già ấy bảo mình: Cậu phải trông chừng mấy đứa nhỏ cẩn thận như gà dắt con đi ăn đấy. Trách nhiệm của cậu trong kỳ nghỉ cuối tuần này đấy.

 

Regis chẳng thích chuyện này tí nào. Anh ta cảm thấy mình giảm giá trị. Mình đâu phải là một ả giữ trẻ. Và còn chuyện này, anh ta đâu phải là người hướng dẫn tham quan, ngay cả hướng dẫn các VIP đi nữa. Anh ta là trưởng ban giao tiếp của công viên này, và còn bao nhiêu điều cần chuẩn bị từ bây giờ cho đến khi khai trương đảo, trong vòng một năm tới. Mọi việc liên hệ với các công ty giao tiếp ở San Francisco và London, với các tổ chức du lịch ở New York và Tokyo cũng đã chiếm hết thì giờ làm việc, đặc biệt vì chưa thể cho các công ty dịch vụ du lịch này biết có những điểm hấp dẫn gì ở đảo. Tất cả các tổ chức này chỉ vạch dự án đoán chừng, không có gì chính xác, và họ không mấy bằng lòng. Những con người sáng tạo cần được nuôi dưỡng chứ. Họ cần được khuyến khích để làm tốt công việc của mình chứ. Anh ta không thể phí thời gian làm cái việc vớ vẩn hướng dẫn các nhà khoa học thăm đảo được

 

Nhưng cái nghề giao tiếp công cộng này vốn rắc rối – không ai coi “nghề” này là một nghề nghiệp thật sự. Regis đã tới lui làm việc trên đảo này bảy tháng qua, và họ vẫn gán cho anh những công việc kỳ cục. Như dạo tháng giêng vừa qua. Đáng lẽ cái lão bác sĩ Harding phải làm việc ấy. Harding, mà không thì Owens, tay tổng thầu ấy. Thế mà việc lại giao cho Ed Regis. Anh ta thì biết gì về việc chăm sóc cho công nhân gặp tai nạn chứ. Và bây giờ lại là một hướng dẫn viên tham quan kiêm chị vú chết rấp. Anh ta quay lui và đếm mấy cái đầu. Vẫn còn thiếu một.

 

Rồi, từ phía sau, anh ta thấy nữ tiến sĩ Ellie Sattler ló ra khỏi phòng tắm. Anh ta cất tiếng:

 

– Nào, thưa quí vị, hãy bắt đầu chuyến tham quan tầng lầu một.

 

Tim đi với mấy người khác, tất cả theo ông Regis lên chiếc cầu thang màu đen lên tầng một của tòa nhà. Họ đi ngang một tấm biển đề: Vùng cấm – Chỉ dành cho nhân viên có thẩm quyền.

 

Tim hơi sợ khi thấy tấm biển. Họ đi theo hành lang tầng lầu về phía cuối. Một bên tường gắn kính, nhìn ra bao lơn với những cây sồi trong màn sương mỏng. Một bên tường còn lại là một dãy các cánh cửa phòng cách đều nhau, giống các văn phòng.

 

Khoảng giữa hành lang, họ đến một nơi xây toàn bằng kính, có tấm biển ghi: Phòng thí nghiệm sinh học – coi chừng – nguy hiểm

 

Phía dưới có tấm bảng ghi: Coi chừng – Chất sinh quái vật – Phụ nữ có thai cấm vào đây.

 

Tim càng lúc càng thấy kích động. Chất sinh quái vật tạo nên những quái thai. Cậu cảm thấy hơi rợn người, và lại cảm thấy thất vọng khi nghe Rehris nói: “Đừng có tin vào mấy cái biển đó. Chúng được treo lên đấy chỉ vì lý do pháp lý thôi. Chúng tôi bảo đảm với quý vị là mọi thứ ở đây đều an toàn”. Anh ta dẫn cả đoàn đi qua cửa. Phía bên kia có một nhân viên bảo vệ. Regis quay lại nói với nhóm tham quan:

 

– Quý vị có thể chú ý là chỉ có một số nhân viên tối thiểu. Chúng tôi có thể điều hành trung tâm với tổng số hai mươi người. Dĩ nhiên, cần thêm người khi có khách đến đảo, nhưng vào lúc này thì chỉ hai mươi. Đây là phòng điều hành. Toàn thể công viên được điều khiển từ phòng này.

 

Họ dừng lại trước một dãy cửa sổ và nhìn vào bên trong một căn phòng tối lờ mờ. Một bản đồ toàn bộ công viên vẽ trên một tấm kính trong suốt dựng đứng, trước bản đồ là một dãy các bàn phím điều khiển và các computer. Một vài màn hình đang cho các bảng số liệu, nhưng phần lớn các màn hình đều cho thấy các hình ảnh quanh công viên. Trong phòng có hai người đang ngồi nói chuyện. Regis chỉ vào một người mặc sơ mi ngắn tay, mang cà vạt, đang hút thuốc:

 

– Người ngồi bên trái này là kỹ sư trưởng của chúng tôi, kỹ sư John Arnold, vá người ngồi bên cạnh quản lý công viên, ông Robert Muldoon, một tay đi săn nổi tiếng ở Nairobi.

 

Muldoon là một người to con, mặc kaki, kính mát móc ở túi áo trên. Ông ta liếc nhìn nhóm người, khẽ gật đầu rồi quay lại với các màn hình computer. Ed Regis tiếp:

 

– Tôi chắc là quý vị muốn xem căn phòng này, nhưng trước hết chúng ta hãy xem xem chúng tôi lấy được DNA của khủng long bằng cách nào.

 

Tấm biển trên cửa đề EXTRACTIONS, và giống như mọi cánh cửa khác của tòa nhà dành cho các phòng thí nghiệm, cửa được mở bằng một thẻ bảo mật. Eo Regis nhét chiếc thẻ vào khe, ánh sáng nhấp nháy và cửa mở.

 

Bên trong Tim thấy căn phòng nhỏ, ánh sáng màu lục. Bốn kỹ thuật viên đồng phục phòng thí nghiệm đang chăm chú nhìn vào mấy ống kính hiển vi điện tử hoặc nhìn các hình ảnh chuyển trên một màn hình có độ phân giải cao. Căn phòng chứa đầy một loại đá màu vàng. Đá đặt trên các bệ bằng kính; trong các thùng bìa cứng, trong các hộc tủ. Mỗi viên đá đều có buộc nhãn đánh số bằng mực đen. Regis giới thiệu Henry Wu, một người mảnh khảnh tuổi khoảng ba mươi.

 

– Tiến sĩ Henry Wu là trưởng nhóm di truyền của chúng tôi. Ông Henry Wu sẽ giải thích công việc của phòng này với quý vị.

 

Wu mỉm cười:

 

– Tôi xin cố gắng. Di truyền có hơi phức tạp một tí. Có lẽ quý vị đang thắc mắc chúng tôi lấy được DNA khủng long từ đâu.

 

Grant:

 

– Đúng thế. Việc này cứ đánh dấu hỏi trong óc tôi.

 

– Thật sự thì, có hai nguồn gốc có thể cung cấp. Bằng cách dùng kỹ thuật rút kháng thể của Loy, đôi khi chúng tôi có thể lấy được DNA khủng long trực tiếp từ xương khủng long.

 

– Lấy trực tiếp từ xương?

 

– Vâng, phần lớn protein hòa tan đã thoát khỏi xương trong suốt thời gian hóa thạch, nhưng hai mươi phần trăm các protein vẫn thu lại được bằng cách nghiền nát xương rồi dùng phương pháp Loy. Tiến sĩ Loy đã dùng chính phương pháp này để lấy được các protein của con morsupial đã tiệt giống ở Úc, cũng như đã lấy được một số tế bào máu từ các thứ thuộc cơ thể loài người cổ đại khai quật được. Kỹ thuật này cần chất thử nghiệm rất tinh túy, chỉ thực hiện được với năm mươi nanogram chất liệu. Nanogram là một phần tỉ của gam.

 

Grant:

 

– Quý vị đã phỏng theo phương pháp ấy?

 

– Chỉ như kỹ thuật phụ thôi. Như quý vị có thể tưởng tượng, hai mươi phần trăm các protein không thể nào đủ. Chúng tôi cần một chuỗi đầy đủ DNA khủng long để tái sinh. Và chúng tôi lấy được ở đây, – Wu nhấc một viên đá màu vàng lên – ở hổ phách, một thứ nhựa cây hóa thạch từ thời tiền sử.

 

Grant nhìn Ellie, rồi Malcolm. Nhà toán học gật đầu:

 

– Rất thông minh.

 

Grant thú nhận:

 

– Tôi vẫn không hiểu.

 

Wu giải thích:

 

– Nhựa cây thường là cái bẫy đối với côn trùng. Nhựa sẽ bọc kín côn trùng và bảo toàn được chúng khi nhựa bị hóa thạch. Người ta tìm được đủ loại côn trùng trong hổ phách – kể cả các loại côn trùng sống bằng cách hút máu các loại thú lớn.

 

– Hút máu. – Grant nhắc lại – Anh muốn nói là hút máu khủng long?

 

– Chúng tôi hy vọng thế? Vâng.

 

– Và rồi các côn trùng được bảo toàn trong hổ phách… – Grant lắc đầu – Tôi thật ngu ngốc. Điều này đúng là có thể xẩy ra.

 

– Tôi bảo đảm với ông là việc ấy đã thật sự xẩy ra.

 

Wu đến bên một kính hiển vi, một kỹ thuật viên đặt một mảnh hổ phách có chứa một con ruồi vào kính soi Trên màn hình, họ quan sát nhân viên kỹ thuật dùng một kim dài đâm xuyên qua miếng hổ phách đến họng của con ruồi tiền sử ông ta giải thích:

 

– Nếu con ruồi này có các tế bào máu lạ, chúng tôi sẽ có khả năng rút ra, và có được paleo – DNA, tức là DNA của một sinh vật tiệt giống từ thời tiền sử. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể biết chắc là có hay không, cho đến khi rút được bất cứ thứ gì trong con ruồi, nhân phiên bản lên, rồi thử nghiệm. Đấy là những gì chúng tôi đã làm suốt năm năm nay. Đấy là cả một quá trình lâu dài và chậm chạp – nhưng chúng tôi đã được trả công xứng đáng.

 

– Thật sự thì, – Wu nói tiếp – bằng cách này, DNA khủng long lấy được có phần dễ dàng hơn là lấy DNA của các loài thú có vú. Lý do là hồng cầu của loài thú có vú không có nhân, và vì thế không có DNA trong hồng cầu của loài này. Để tái sinh một con thú có vú chúng tôi phải tìm bạch cầu, hiếm hơn nhiều so với hồng cầu. Nhưng khủng long có hồng cầu có nhân, như các loài chim ngày nay. Đấy là một trong số nhiều chỉ dẫn khiến chúng tôi tin khủng long không phải là loài bò sát. Chúng thuộc loài chim lớn có lông vũ.

 

Tim thấy tiến sĩ Grant vẫn do vẻ nghi ngờ và Dennis Nedry, một kỹ thuật viên mập mạp, trông có vẻ chẳng chú tâm tới điều gì, hình như anh ta đã biết hết mọi chuyện. Anh ta cứ nhìn vào phòng kế với vẻ sốt ruột. Wu nói:

 

– Ông Dennis Nedry đã chuẩn bị cho chúng ta xem các khâu tiếp theo của công việc. Làm thế nào để xác định được DNA. Muốn thế, chúng tôi phải dùng các computer cực mạnh.

 

Họ qua một cánh cửa đẩy, vào phòng lạnh có tiếng máy chạy rì rì. Hai cái tháp tròn cao hai mét đứng ngay giữa phòng, kê dọc theo các bức tường là những dãy thùng làm bằng sắt không rỉ cao ngang thắt lưng. Wu nói:

 

– Ở đây toàn là máy móc kỹ thuật cao cấp. Những thùng để dọc theo các bức tường là những máy Hamachi-Hood phân giải gen tự động. Chúng đang hoạt động, với tốc độ cực kỳ nhanh, do các máy siêu điện toán Cray XMP điều khiển. Giữa phòng là hai máy supercomputer Cray XMP- Quý vị đang đứng tại trung tâm một nhà máy sản xuất gen di truyền cực kỳ siêu việt, đến mức khó tin.

 

Có nhiều màn hình điều hành, và tất cả đang vận hành thật nhanh rất khó thấy chúng đang thể hiện những gì. Wu ấn một nút cho một hình dừng lại và giải thích:

 

– Quý vị đang nhìn cấu trúc của một đoạn nhỏ trong chuỗi DNA khủng long. – (trên màn hình là 23 hàng chữ, mỗi hàng có 60 chữ cái tượng trưng cho mỗi vòng xoắn của chuỗi DNA) – Xin chú ý là chuỗi cấu thành do bốn hợp chất cơ bản – adenine, thymine, guamne, và cytosine. Lượng DNA này có lẽ chứa theo thứ tự những phần tử cấu tạo nên một protein đơn lẻ, tức là một hormone hay một enzyme. Một phần tử DNA đầy đủ chứa đến ba tỉ protein cơ bản này. Nếu chúng ta nhìn vào một hình như thế này một giây mỗi hình, mỗi ngày tám tiếng, vẫn phải hơn hai năm mới nhìn hết một chuỗi DNA.

 

Tiến sĩ Wu chỉ vào hình:

 

– Đây là một ví dụ điển hình, bởi vì quý vị thấy mẫu DNA này có một sai sót, ở dòng 1201. Phần lớn các DNA chúng tôi rút được là các phần rời rạc hoặc không hoàn toàn. Vì thế điều chúng tôi phải làm trước tiên là sửa chữa chắp nối lại, hay đúng hơn, máy điện toán làm. Máy sẽ cắt DNA, dùng thứ mà chúng tội gọi là các enzyme giới hạn. Computer sẽ chọn một số các enzyme khác nhau để thực hiện công việc.

 

Wu lại bấm nút, một hình khác hiện lên:

 

– Hình này cũng là mẫu DNA vừa rồi. Nhưng quý vị hãy nhìn vào dòng 1201, ở chỗ sai sót đã có hai enzyme cắt hai bên vòng xoắn bị hư để chỉ định chỗ cần sửa chữa. Thường, chúng tôi để cho máy computer quyết định dùng enzyme nào để cắt. Nhưng chúng tôi cũng cần biết phải dùng cặp vòng xoắn cơ bản nào để thay vào chỗ vòng bị hư. Muốn thế, computer phải phân giải hàng vòng xoắn có sai sót. – Wu bấm nút, màn hình hiện rõ phần chuỗi xoắn có một xoắn bị cắt trống – Bây giờ chúng tôi đang tìm xoắn DNA bị hư. Và quý vị thấy là chúng tôi có thể tìm được. Chuỗi xoắn đậm nét là một đoạn nhỏ của DNA khủng long, bị cắt bởi hai enzyme và được phân tích. Bây giờ máy điện toán đang kết hợp lại, bằng cách tìm những xoắn đúng mã. Cũng tương tự như chơi ô chữ vậy. Máy điện toán có thể thực hiện động tác này rất nhanh.

 

Màn hình bây giờ là một hình khác, giống như hình đầu tiên nhưng chỗ sai sót ở dòng 1201 đã được kết hợp liên tục. Wu giải thích tiếp:

 

– Và đây là chuỗi DNA đã được kiểm tra sửa chữa cẩn thận, nhờ computer. Việc phân giải sửa chữa mà quý vị vừa chứng kiến sẽ phải mất hàng tháng trong một phòng thí nghiệm thông thường, nhưng chúng tôi có thể thực hiện trong vài giây.

 

Grant hỏi:

 

– Và quý vị đang làm việc với toàn bộ chuỗi DNA?

 

– Ồ, không. Chúng tôi đã bắt đầu từ những năm sáu mươi, lúc mà toàn thể một phòng thí nghiệm phải mất bốn năm để giải mã một đoạn xoắn như ở màn hình này. Bây giờ computer có thể làm trong hai tiếng đồng hồ. Nhưng cho dù vậy, số phân tử của DNA vẫn quá lớn. Chúng tôi chỉ nhìn xem các đoạn chuỗi của thú vật này khác với thú vật khác, hoặc khác với DNA hiện thời. Từ chủng loại này qua chủng loại khác, chỉ có vài phần trăm nucleotid là khác nhau. Đấy là điều chúng tôi cần phân tích, và đấy là một công việc quá lớn.

 

Dennis Nedry ngáp dài. Từ lâu anh ta đã đoán chừng rằng InGen hẳn phải làm những thứ đại loại như thế này. Cách đây hai năm, khi InGen thuê Nedry thiết kế hệ thống điều khiển công viên, một trong những thông số thiết kế đầu tiên được ghi với con số 3×109 lĩnh vực cần dữ liệu. Nedry xem đấy chỉ là một nhầm lẫn, và phôn đến Palo Alto để điều chỉnh lại. Nhưng họ bảo con số ấy chính xác. Ba tỷ lĩnh vực.

 

Nedry đã từng thực hiện một số khá nhiều hệ thống lớn. Anh ta đã tạo được tên tuổi mình khi thiết lập các hệ thống liên lạc bằng điện thoại khắp thế giới cho những tập đoàn đa quốc gia. Thường những hệ thống ấy có hàng triệu dữ kiện cần ghi bộ nhớ. Anh ta đã quen với chuyện ấy. Nhưng InGen muốn một thứ gì đó lớn hơn nhiều…

 

Rất bối rối, Nedry đã tìm gặp Barney Follows, một chuyên gia lừng danh về các hệ thống computer ở Cambridge để hỏi.

 

– Có loại database nào có đến ba tỷ dữ liệu được ghi không, thưa ông Barney?

 

Barney cười, bảo:

 

– Một sự nhầm lẫn. Họ đã thêm vào một hoặc hai con số không.

 

– Không phải nhầm. Tôi đã kiểm tra lại. Đó là những gì họ muốn.

 

– Nhưng đấy là điều điên khùng. – Barney nói – Điều không thể thực hiện được. Cho dù anh có những quá trình thực hiện nhanh nhất và những thuật toán nhanh như chớp thì việc tìm một dữ liệu cũng sẽ mất nhiều ngày. Có thể là nhiều tuần.

 

– Vâng, tôi hiểu. May là họ không yêu cầu tôi làm thuật toán. Tôi chỉ được yêu cầu thực hiện phần lưu trữ và phần ghi nhớ cho toàn nghệ thống. Nhưng vấn đề là… cái database với ba tỷ dữ liệu này có thể dùng vào việc gì?

 

Barney cau mày:

 

– Anh có thể nói rõ hơn về nơi anh làm việc?

 

– Đấy là một cơ sở di truyền sinh vật.

 

– Kỹ thuật di truyền… Vậy thì có một điều khá rõ…

 

– Điều gì?

 

– Một phân tử DNA.

 

Nedry lắc đầu:

 

– Ôi chuyện ấy thì không có đâu. Không ai có thể phân tích nổi một phân tử DNA. – Anh ta biết các nhà sinh vật học đang có dự án phân tích toàn thể một chuỗi DNA của người. Nhưng công việc này cần đến sự hợp tác thực hiện ít nhất cũng mười năm của toàn thể các phòng thí nghiệm khắp thế giới. Đấy là cả một khối lượng công việc khổng lồ cũng như dự án Manhattan thực hiện bom nguyên tử. Nedry nói thêm – Đây là một cơ sở tư nhân.

 

– Với ba tỷ dữ liệu, tôi nghĩ không thể là điều gì khác ngoài điều đó. Có thể họ quá lạc quan trong công việc thiết kế hệ thống ấy.

 

– Rất lạc quan.

 

– Hoặc có thể chỉ phân tích từng đoạn xoắn của DNA. Nhưng nếu thế thì họ đã có phương thức thuật toán RAM rất hiệu quả.

 

– Điều này khiến sự việc thêm ý nghĩa. Các kỹ thuật tìm dữ kiện ở database này cần rất nhiều thứ vào bộ nhớ.

 

– Anh biết ai thực hiện thuật toán cho họ? – Barney hỏi.

 

– Không. Công ty này bảo mật tuyệt đối.

 

– Vậy thì, dự đoán của tôi là họ đang làm chuyện gì đó với DNA. Hệ thống của họ là gì?

 

– Multi XMP.

 

– Multi XMP. Anh muốn nói là nhiều hơn một máy Cray XMP? Chà. – Barney lại nhíu mày, suy nghĩ thêm – Anh có thể nói thêm cho tôi biết điều gì khác nữa không?

 

– Rất tiếc, tôi không thể nói được.

 

Và Nedry đã trở về và thiết kế các hệ thống điều khiển. Toán kỹ thuật thực hiện chương trình cùng với anh ta đã mất hơn một năm, và đặc biệt công việc thêm khó khăn vì công ty không bao giờ bảo cho anh ta biết hệ thống này dùng vào việc gì. Các chỉ dẫn chỉ đơn giản là “Thiết kế một modun để lưu giữ dữ kiện” hoặc “Thiết kế một modun để trình bày hình ảnh”. Họ cho anh ta các thông số thiết kế nhưng không cho một chi tiết nào về việc sử dụng. Anh ta đã phải làm việc trong bóng tối. Và bây giờ hệ thống đã thiết kế xong và đang vận hành, anh ta chẳng ngạc nhiên khi biết hệ thống có nhiều điều chưa hoàn chỉnh. Và họ đã ra lệnh cho anh ta đến đây, bực mình, khó chịu với những khiếm khuyết “của anh ta”. Thật chán ngấy, Nedry nghĩ.

 

Nedry quay qua nhóm người khi nghe Grant hỏi:

 

– Và một khi computer đã phân tích một DNA, làm thế nào anh biết loài thú nào máy cho mã?

 

Wu:

 

– Chúng tôi có hai cách, cách thứ nhất là làm một đồ bản về gốc và sự phát triển của một chủng loại. DNA tiến hóa theo thời gian giống như mọi thứ khác trong một cơ chế – tay, chân, hay bất cứ thứ nào thuộc cơ thể. Vì thế chúng tôi có thể lấy một xoắn chưa biết rõ của DNA, nhở computer định xem nó khớp vào chỗ nào trong quá trình tiến hóa liên tục. Cách này rất mất thì giờ nhưng có thể thực hiện được.

 

– Cách thứ hai.

 

Wu nhún vai:

 

– Chỉ việc nuôi cho nó lớn lên xem thử nó là loài thú nào. Đấy là cách chúng tôi thường làm. Tôi sẽ chỉ cho quý vị cách ấy thực hiện thế nào.

 

Tim cảm thấy sốt ruột khi chuyến đi xem tiếp tục. Cậu bé thích các thứ máy móc kỹ thuật, nhưng dù vậy, cậu đang mất dần thích thú. Họ đến một cánh cửa, có tấm biển ghi FERTILIZATIONS. Tiến sĩ Wu mở cửa với thẻ bảo mật đặc biệt và mọi người bước vào.

 

Tim thấy lại vẫn một căn phòng khác với những kỹ thuật viên đang chăm chú làm việc với các kính hiển vi. Phía sau là một gian hoàn toàn được chiếu sáng bằng màu xanh của ánh sáng cực tím. Tiến sĩ Wu giải thích là công việc với DNA đòi hỏi sự phân chia tế bào tại các thời điểm chính xác, và vì thế họ giữ một số vi khuẩn độc hại nhất. Ông ta chỉ vào một loạt các ống tiêm đặt dưới ánh sáng cực tím:

 

– Helotoxin, colchicinold, beta-alkaloid. Giết bất cứ con thú nào trong vòng một hoặc hai giây.

 

Tim nghe thêm nữa về các chất độc nhưng tiến sĩ Wu lại nói về việc dùng trứng chưa có trống của cá sấu, về việc thay thế DNA, và rồi giáo sư Grant hỏi mấy câu hỏi phức tạp. Một bên căn phòng là những bình chứa lớn dán nhãn LIQUID N2. Và có những ngăn đông lạnh lớn xếp thành kệ chứa những phôi, mỗi phôi được bọc trong một loại giấy bạc nhỏ.

 

Lex thấy buồn chán. Nedry thì ngáp, và thậm chí tiến sĩ Ellie cũng không còn mấy chú ý. Tim cảm thấy mệt vì phải xem mãi những phòng thí nghiệm rắc rối này. Cậu muốn thấy những con khủng long.

 

Căn phòng kế có biển đề Phòng ấp. Tiến sĩ Wu nói:

 

– Ở đây hơi nóng và ẩm. Chúng tôi giử cho phòng ở nhiệt độ ba mươi bảy độ rưỡi và độ ẩm tương đối một trăm phần trăm. Chúng tôi cũng cho tập trung nhiều ôxy hơn. Đến ba mươi ba phần trăm.

 

Grant nói:

 

– Đấy là bầu khí quyển của kỷ Jurassic.

 

– Vâng, ít nhất chúng tôi cũng cho là như thế. Nếu vị nào cảm thấy khó chịu, xin cho tôi hay.

 

Tiến sĩ Wu chuồi thẻ bảo mật vào khe, cửa phòng ngoài kêu xì xì mở ra. Ông mời mọi người vào:

 

– Chỉ xin nhắc một điều: đừng đụng đến bất cứ thứ gì trong phòng. Một số những quả trứng rất dễ thấm chất nhờn ở da người. Và coi chừng phía trên đầu. Các bộ cảm ứng nhiệt luôn chuyển động.

 

Ông mở cửa phòng trong và cả nhóm bước vào phòng ươm nuôi. Tim đứng trước một căn phòng rộng rãi tràn ngập ánh sáng đỏ của đèn hồng ngoại. Trứng nằm trên các bàn dài, màu xám vỏ trứng mờ mở trong đám hơi sương bao phủ các bàn, những quả trứng đang lắc lư, động đậy nhẹ nhàng.

 

– Trứng loài bò sát chứa một lượng lòng đỏ lớn nhưng không có chút nước nào. Phôi phải rút nước từ môi trường xung quanh, vì thế mà phải có hơi sương.

 

Tiến sĩ Wu cho biết mỗi bàn có 150 trứng, một lứa mới rút DNA. Mỗi lứa ấp được phân loại nhận dạng bằng những con số.

 

Đám sương mờ lên cao đến thắt lưng, mấy công nhân trong phòng ươm di chuyển trứng này đến trứng khác, thò tay vào đám hơi sương, xoay từng trứng mỗi giờ, và kiểm tra nhiệt độ bằng các bộ cảm ứng nhiệt. Căn phòng được điều khiển hoạt động từ xa nhờ một camera video đặt cao quá đầu, và những bộ cảm ứng di động. Một bộ cảm ứng nhiệt bên trên di chuyển từ trứng này đến trứng kế, chạm vào mỗi trứng bằng một dây băng, kêu túp túp rồi chuyển qua trứng khác.

 

– Trong phòng ấp này, chúng tôi đã cho ấp nở hơn mười hai lứa do phòng EXTRACTIONS rút ra được, cho hai trăm ba mươi tám con thú sống. Tỷ lệ sống được vào khoảng 0,4%, và dĩ nhiên chúng tôi muốn cải thiện tỷ lệ này. Nhưng bằng vào sự phân tích của computer, chúng tôi đang làm một công việc với năm trăm biến cố; một trăm hai mươi về môi trường, hai trăm về phần bên trong của trứng, số còn lại là của chất di truyền. Vỏ trứng bằng plastic. Các phôi được cho vào trứng và đem đến ấp ở đây.

 

– Phải nuôi bao lâu mới lớn?

 

– Khủng long trưởng thành rất nhanh, đạt đến cỡ lớn hoàn toàn từ hai đến bốn năm. Vì thế hiện giờ chúng tôi đã có được một số chủng loại đã trưởng thành trong công viên.

 

– Các con số có ý nghĩa gì?

 

– Những mã số đó để nhận dạng những lứa DNA rút được: Bốn chữ đầu cho biết tên con thú đang được ươm nuôi. Như ở bàn kia, TRIC tức là triceraptors. Và STEG nghĩa là stegosaurus, vân vân.

 

– Còn bàn này? – Grant hỏi – Mã số ghi xxxx – 0001/1. Phía dưới có ghi mấy từ “Presumed Coelu”.

 

– Đấy là một lứa DNA mới. Chúng tôi không biết rõ nó sẽ cho ra loại gì. Một lứa rút đầu tiên được đem ấp, chúng tôi không biết nó sẽ nở ra con thú gì. Ông có thể thấy nó được đánh dấu là “Presumed Coelu” nghĩa là nó có thể là loại coelurosaurus. Một loài khủng long ăn cá nếu tôi không nhớ nhầm. Đối với tôi, việc nhớ được tên mấy con vật thật là khó. Cho đến nay hình như có đến ba trăm thế hệ con cháu khủng long được biết đến.

 

– Ba trăm bốn mươi bảy. – Tim nói góp.

 

Grant mỉm cười, rồi nói:

 

– Có con nào đang nở không?

 

– Vào lúc này thì chưa. Thời gian ấp trứng thay đổi theo mỗi loại thú nhưng đại để thường phải mất khoảng hai tháng. Chúng tôi cố bố trí thời gian ấp trứng sao cho bộ phận nuôi dưỡng không bị dồn việc. Quý vị cứ thử tưởng tượng xem chúng tôi phải làm sao nếu cả một trăm năm mươi con cùng nở trong một vài ngày. Cho dù phần lớn không sống được. Quý vị hỏi gì nữa không? Không? Vậy chúng ta đến phòng nuôi, nơi có những con mới sinh.

 

Đấy là một phòng tròn, toàn màu trắng. Có một số đồ dùng trông giống như cái nôi vẫn thường thấy ở các phòng nuôi trẻ sơ sinh, nhưng còn trống. Các đồ dùng lặt vặt và đồ chơi nằm rải rác trên nền nhà. Một người đàn bà trẻ mặc áo choàng trắng đang ngồi giữa nhà, xây lưng về phía cửa. Tiến sĩ Wu hỏi:

 

– Hôm nay chị nhận gì vào đây, Kathy?

 

Người đàn bà trả lời:

 

– Chẳng có gì nhiều. Chỉ có một con raptor sơ sinh.

 

– Cho chúng tôi xem qua.

 

Chị ta đứng dậy bước tránh qua một bên. Tim nghe Nedry nói:

 

– Trông giống như một con thằn lằn.

 

Con thú trên nền nhà dài chừng năm tấc, nó có đầu thằn lằn, sống mõm dài, nhưng đứng trên hai chân sau rất mạnh mẽ, giữ thăng bằng bằng chiếc đuôi dày, thẳng. Hai chân trước ve vẩy trong không khí. Đầu nghiêng nghiêng ngúc ngắc nhìn đám người vào phòng. Alan Grant nói nhỏ:

 

– Một con velociraptor.

 

Wu gật đầu:

 

– Con velociraptor mongoliensis. Một con thú ăn thịt sống. Con này sáu tuần tuổi.

 

Grant cúi người nhìn gần hơn:

 

– Tôi vừa mới đào được một con raptor.

 

Lập tức con thằn lằn không lồ nhảy qua đầu Grant lên tay Tim. Cậu bé thốt lên:

 

– Ui cha!

 

Wu nói:

 

– Chúng có thể nhảy. Những con sơ sinh ấy. Và dĩ nhiên, các con trưởng thành cũng nhảy được.

 

Tim ôm con thú vào người. Con vật nhỏ chẳng nặng mấy, khoảng chửng một ký. Da ấm và hoàn toàn khô, chiếc đầu nhỏ cách đầu Tim có mấy phân, đôi mắt đen, tròn như hai viên bi mở lớn nhìn Tim. Lưỡi như một cái chĩa thò ra thụt vào. Tim hỏi:

 

– Nó có cắn cháu không?

 

– Không. – Wu đáp – Nó rất thân thiện.

 

Alan Grant hỏi, giọng nghi ngại”

 

– Ông có chắc vậy không?

 

– Ồ, hoàn toàn chắc. Ít nhất cũng đến lúc nó lớn hơn chút nữa. Nhưng chắc hay không, con vật non này chẳng có chiếc răng nào, cho dù là răng trứng.

 

– Răng trứng? – Nedry hỏi.

 

– Phần lớn khủng long khi nở ra là đã có rắng trứng – những sừng nhỏ ở đầu mõm, giống như sừng tê giác, giúp chúng khẽ bể vỏ trứng. Nhưng raptor không có. Chúng thọc bể vỏ trứng nhờ chiếc mõm nhọn và rồi nhân viên phòng ấp phải giúp chúng ra khỏi trứng.

 

– Quý vị phải giúp chúng nở. Vậy ngoài thiên nhiên chúng làm thế nào?

 

– Ngoài thiên nhiên?

 

Grant nhắc lại:

 

– Vâng. Khi chúng ấp ngoài thiên nhiên. Khi chúng tự làm tổ.

 

– Ồ, chúng không thể làm thế được. Không một con thú nào của chúng tôi có khả năng sinh sản cả. Và đấy là lý do tại sao chúng tôi phải có phòng ấp này, cách duy nhất để thay thế đàn thú ở công viên này.

 

– Tại sao các con thú lại không có khả năng sinh sản?

 

– Vâng, quý vị có thể tưởng tượng được không, chúng không thể sinh sản. Chúng tôi luôn luôn chuẩn bị ít nhất hai quá trình kiếm soát. Trong trường hợp này, có hai nguyên nhân độc lập với nhau làm cho thú không sinh sản được. Thứ nhất, chúng đã được làm tiệt mầm sinh sản. Chúng tôi phóng xạ chúng với tia X.

 

– Còn nguyên nhân thứ hai?

 

– Tất cả các con thú trong công viên này đều là con cái. – Wu trả lởi với nụ cười mỉm bằng lòng.

 

Malcolm:

 

– Tôi muốn nên có sự làm rõ ràng hơn về việc này. Vì đối với tôi thì dường như việc phóng xạ không có gì bảo đảm chắc chắn. Liều lượng phóng xạ có thể sai lạc, hoặc tia phóng xạ không đi đến đúng phần cơ thể cần thiết của con thú…

 

– Hoàn toàn đúng. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng là chúng tôi đã phá hủy được các mô sinh dục.

 

– Còn về chuyện tất cả các con thú đều là cái, việc này có được kiểm tra không? Có ai đi ra công viên… và “vén váy” mấy con khủng long và nhìn thử xem không? Tôi có ý nói là làm thế nào mà người ta biết được giới tính của một con khủng long?

 

– Cơ quan sinh dục của thú thay đổi tùy chủng loại. Một vài loại thì rất dễ biết, ở một vài loại khác hơi khó hơn. Nhưng để trả lời câu hỏi này, lý do chúng tôi biết tất cả các con thú đều cái thật sự là thế này: chúng tôi kiểm soát chromosome của chúng, và chúng tôi kiểm soát môi trường phát triển bên trong trứng. Từ quan điểm kỹ thuật sinh học, con cái thì dễ được sinh sản hơn. Có thể quý vị cũng biết là tất cả các phôi loài có xương sống vốn luôn là cái. Tất cả chúng ta bắt đầu cuộc đời bằng giống cái. Sau đó một số các hiệu quả nào đó được thêm vào – ví dụ một hormone nào đó đúng lúc đang phát triển – biến đổi cái phôi đang lớn thành ra đực. Vậy nếu loại bỏ được các hiệu quả đó, phôi sẽ tự nhiên trở thành cái. Vì thế, các con thú của chúng tôi đều là cái. Chúng tôi có khuynh hướng khi nhắc tới một con thú nào đớ, chúng tôi gọi nó là một “cậu”, tỷ như con tyrannosaurus rex nhưng thật sự, nó là một con cái. Và, xin cứ tin chúng tôi, chúng không thể sinh sản được.

 

Con veilciraptor nhỏ đưa mõm khịt khịt vào Tim rồi cọ đầu vào cổ cậu bé. Tim thấy nhột. Wu nói:

 

– Nó muốn cháu cho ăn đấy.

 

– Nó ăn gì?

 

– Chuột. Nhưng nó vừa mới ăn xong, vì thế chưa cần phải cho ăn vào lúc này đâu.

 

Con raptor nhỏ ngửng đầu, nhìn Tim, và vẫy hai chi trước trong không khí. Tim thấy những vuốt nhỏ ở ba ngón của mỗi bàn chân. Rồi con raptor lại vùi đầu vào cổ cậu bé.

 

Grant đến gần một bên, nhìn thật chăm chú vào con vật để tìm hiểu. Ông vuốt nhẹ một chi trước của nó và nói với Tim:

 

– Đưa bác ẵm nó một chút xem.

 

Tim trao con vật cho Grant. Grant cầm lấy con thú trở qua trở lại xem xét từ sống lưng đến bụng trong khi con vật kêu chít chít. Ông đưa lên cao để nhìn nghiêng và con vật kêu lên sợ hãi. Regis nói:

 

– Nó không thích thế. Nó không thích bị đưa cao xa khỏi người ôm nó.

 

Con raptor đang kêu to lên nhưng Grant không để ý đến. Ông đang bóp đuôi nó dò tìm xương đuôi. Regis nói:

 

– Tiến sĩ Grant. Xin ông…

 

– Tôi không làm đau nó đâu.

 

– Tiến sĩ Grant. Những sinh vật này không phải ở thế giới chúng ta. Chúng có mặt từ lúc không có con người quanh chúng để nắn bóp tìm tòi gì nơi cơ thể chúng.

 

– Tôi không nắn bóp gì và…

 

Ed Regris:

 

– Xin ông cho nó xuống.

 

– Nhưng…

 

Regis bắt đầu thấy khó chịu. Anh ta dứt khoát:

 

– Xin để nó xuống ngay cho.

 

Grant trao con vật lại cho Tim. Nó ngừng kêu. Tim có thể cảm thấy trái tim nhỏ của nó đập nhanh qua ngực cậu.

 

– Xin lỗi, tiến sĩ Grant – Regis nói – những con thú sơ sinh này rất yếu ớt. Chúng tôi đã mất đi nhiều con chỉ vì những cử chỉ như thế. Chúng bị suy tim. Nhiều con chết trong vòng năm phút.

 

Tim vuốt ve con vật nhỏ

 

– Yên rồi, không có gì đâu, mày. – Tim con vật vẫn còn đập nhanh.

 

Regis:

 

– Ở đây chúng tôi cảm thấy một điều thật quan trọng là mấy con thú phải được đối xử với cử chỉ dịu dàng của người. Tôi hứa là ông sẽ còn nhiều cơ hội để xem xét.

 

Nhưng Grant không thể rời xa con vật được. Ông lại đến gần con thú trên tay Tim, nhìn soi mói. Con thú nhỏ mở mồm phun phì phì vào Grant, trong một tư thế giận dữ bất ngờ. Tim hỏi:

 

– Cháu có thể ở lại đây chơi với nó không?

 

Regis nhìn đồng hồ tay:

 

– Lúc này thì không được. Bây giờ là ba giờ, thời gian tốt nhất để đi thăm công viên, và quý vị sẽ thấy tất cả các con khủng long trong môi trường chúng tôi tạo ra.

 

Tim thả con raptor xuống nhà. Con thú nhảy quanh phòng, chụp lấy một mảnh vải, cho vào miệng, giựt giựt đầu mảnh vải với những chiếc móng nhỏ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.