30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết
Kết cấu của bài ứng khẩu
Có nhiều diễn giả trình bày bài phát biểu được chuẩn bị trước theo một kết cấu nhất định nhưng họ sẽ nói mà không chuẩn bị trước khi trả lời mục Hỏi & Đáp. Nếu bài nói của bạn không có kết cấu, người nghe có thể bị mất phương hướng. Nếu họ mất phương hướng, họ sẽ cảm thấy bực mình và không lắng nghe nữa.
Mọi bài diễn thuyết hay đều có chung một kết cấu: mở bài, thân bài và kết luận. Bạn có thể ứng biến tùy ý trong phạm vi 3 phần này. Mặc dù vậy, kết cấu cơ bản luôn cố định. Tuy nhiên, bài nói của bạn là bài nói không được chuẩn bị trước, vì vậy hãy sáng tạo tuân theo cấu trúc cơ bản.
Mở bài
Mục đích chính của phần mở bài là chiếm được sự chú ý của khán giả và truyền tải một chút hơi hướng của những điều bạn cần nói. Có rất nhiều cách để bắt đầu một bài phát biểu ứng khẩu; tuy vậy, dưới đây là 3 phương pháp được chứng minh là hiệu quả nhất.
Bắt đầu bằng một lời tuyên bố
Bạn có thể bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một lời tuyên bố ở địa vị của bạn hoặc bằng một lời tuyên bố khiến mọi người phải sửng sốt. Ví dụ: “Khi tôi 9 tuổi, tôi muốn trở thành một vũ công. Khi tôi 19 tuổi, tôi trở thành một kỹ sư lập trình mạng. Khi tôi 26 tuổi, tôi sẽ là một vũ công.” Lời tuyên bố bất thường đó sẽ khiến khán giả phải chú ý và cho họ một chút hình dung về hướng đi của bài phát biểu.
Bắt đầu bằng cách gợi lại
Một cách vô cùng hiệu quả để bắt đầu một bài phát biểu ứng khẩu là gợi lại trải nghiệm của khán giả. Hãy nhắc lại điều mà diễn giải trước đó đã nói, một sự kiện vừa xảy ra trong nhóm các khán giả, hoặc đề cập tới một người nào đó mà bất cứ ai trong số các khán giả đều biết.
Việc gợi lại khiến cho khán giả cảm thấy bài nói của bạn rất riêng và đặc biệt. Mọi người cảm thấy bài nói của bạn là dành riêng cho họ. Mỗi khi bạn gợi lại, bạn có thể nhận thấy phản ứng của khán giả. Phương pháp này có tác động mạnh tới mỗi khán giả gần như lúc nào cũng có phản ứng.
Bắt đầu bằng một câu chuyện
Ai cũng thích được nghe kể chuyện dù là trên phim ảnh, trong các buổi truyền hình thực tế hay trong các bài diễn thuyết. Khi được nghe một câu chuyện, bạn có thể tái hiện lại một chương trong cuộc đời của các nhân vật trong câu chuyện. Khi bạn bắt đầu một bài phát biểu với một câu chuyện, bạn sẽ chiếm được sự chú ý của khán giả và không chỉ giới thiệu với khán giả về bài phát biểu của bạn mà còn về thế giới của các nhân vật trong câu chuyện của bạn.
Ví dụ: “Hai năm trước, bạn học đại học của tôi, John, gọi tôi cho và nói rằng…” hoặc “Hè năm ngoái, ở London, tôi được mời đến dự một bữa tiệc Giáng sinh. Buổi tối hôm đó đã thay đổi hoàn toàn thái độ của tôi đối với điệu tango của Argentina.”
Mọi người thường hỏi tôi rằng: “Andrii, đoạn mở bài và thân bài trong một bài phát biểu ứng khẩu có khác đoạn mở bài và thân bài trong một bài phát biểu được chuẩn bị không?”
Có đấy. Bởi vì một bài ứng khẩu thường chỉ dài từ 1 – 3 phút, các thành phần của nó ngắn hơn nhiều so với một bài phát biểu được chuẩn bị. Ví dụ, đoạn mở bài và đoạn kết luận đôi lúc có thể chỉ dài đúng một câu. Bởi vì bạn suy nghĩ trong lúc nói và có khả năng thay đổi hướng đi của bài phát biểu khi đang nói giữa chừng, đôi khi phần mở đầu có thể không liên quan nhiều đến những phần còn lại của bài phát biểu, nhưng phần kết luận phải luôn phù hợp, mạnh mẽ và rõ ràng.
Thân bài
Ở phần thân bài phát biểu ứng khẩu của bạn, hãy luôn chia sẻ chỉ một luận điểm duy nhất. Bởi một bài ứng khẩu thường rất ngắn, bạn chỉ có thể truyền đạt hiệu quả duy nhất một luận điểm. Nếu bạn cố truyền đạt hai luận điểm trở lên, việc đưa ra một câu trả lời thuyết phục là bất khả thi. Bạn có thể truyền đạt những thông điệp khác trong quá trình trả lời những câu hỏi bên lề khi được phỏng vấn hoặc trong mục Hỏi & Đáp. Câu trả lời của bạn càng tập trung, càng đanh thép.
Các diễn giả ứng khẩu sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để trả lời một câu hỏi, nhưng có ba khung sườn chứng minh được là hiệu quả nhất. Các sườn bài này luôn được các diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới sử dụng. Kể cả khi bạn chỉ sử dụng ba khung sườn này để trả lời các câu hỏi, mọi câu ứng khẩu bạn nói vẫn sẽ ở mức rất tốt.
Kết luận
Kết luận có lẽ là phần quan trọng nhất của cả bài phát biểu bởi những câu nói cuối cùng là những gì được khán giả ghi nhớ nhất. Nếu bài nói của bạn hay, câu cuối cùng bạn phát biểu sẽ là câu được khán giả đưa ra để bình luận với bạn bè của họ.
Kết thúc bài phát biểu của bạn bằng một lời tuyên bố và khán giả sẽ ghi nhớ quan điểm của bạn. Kết thúc bài phát biểu của bạn bằng một lời kêu gọi hành động và có thể khán giả của bạn sẽ hành động khác đi sau bài phát biểu. Đây là hai cách phổ biến nhất dùng để kết thúc một bài phát biểu, và cả hai đều được chứng minh sự hiệu quả của chúng đối với những bài phát biểu ngẫu hứng mạnh mẽ.
Phần kết luận cần phải tóm lược được những thông điệp thực tế của bài phát biểu và tái tuyên bố luận điểm của bạn. Mục đích của ứng khẩu không phải là lấp đầy khoảng trống thời gian mà là truyền đi những giá trị tới khán giả và chia sẻ góc nhìn độc đáo của bạn đối với câu hỏi. Đừng lẩn trốn phía sau những lời thông thái và vô nghĩa. Bất cứ một bài phát biểu không chuẩn bị nào cũng cần một luận điểm rõ ràng để đạt được hiệu quả.
Nói rõ hơn, luận điểm của bạn phải ngắn hơn 15 từ và nên hàm chứa một thông điệp mà bạn muốn khán giả của mình sẽ ghi nhớ nếu họ có quên hết tất cả những gì bạn nói trước đó. Bạn sẽ thấy thông điệp thực tế của mình không được rõ ràng nếu nó dài quá 15 từ, và nếu bạn không rõ chính thông điệp của mình thì khán giả của bạn cũng chẳng thể nào hiểu được nó.
Thêm một việc nữa… Đó là hãy chọn một cách thật tinh tế để liên kết phần kết luận với phần mở đầu của bài phát biểu. Nếu bạn có thể xoay xở việc đó, bạn sẽ khiến bài phát biểu của mình vững chắc và nhất quán.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.