48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 10: TRÁNH KẺ XẤU SỐ, ĐỂ KHỎI XUI LÂY



Bạn có thể chết vì sự khốn khổ của kẻ khác – trạng thái xúc cảm cũng truyền nhiễm như bệnh tật vậy. Bạn tưởng mình cứu giúp người sắp chết đuối, nhưng thật ra bạn đang thò một chân vào tai họa. Kẻ xấu số đôi khi run rủi điều bất hạnh đến với họ; nhưng họ cũng run rủi bất hạnh đến với bạn. Bạn chỉ nên cộng tác với người hạnh phúc và may mắn.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Ra đời năm 1818 tại Ireland, Marie Gilbert đến Paris vào thập niên 1840 để thử vận may bằng nghề biểu diễn ca múa. Lấy nghệ danh là Lola Montez (mẹ cô ta có dòng máu Tây Ban Nha xa xôi), cô ta tuyên bố mình là vũ công flamenco đến từ Tây Ban Nha. Đến năm 1845 thì nghề nghiệp xuống dốc, Lola phải chuyển sang làm gái bao hạng sang, và chẳng bao lâu sau trở thành một trong những người thành đạt nhất Paris.

Chỉ một người có thể cứu nguy cho sự nghiệp vũ công của Lola: Alexandre Dujarier, chủ tờ báo có số lượng phát hành cao nhất nước Pháp, đồng thời là người giữ nguyên mục bình luận sân khấu. Lola quyết chí gặp và chinh phục Dujarier. Quan sát thói quen mỗi ngày, cô thấy sáng nào anh ta cũng đi quần ngựa. Bản thân là kỵ sỹ giỏi, sáng ngày nọ Lola cũng cưỡi ngựa đi dạo và “tình cờ” va vào ngựa của Dujarier. Chẳng bao lâu sau hai người cùng cưỡi ngựa đi dạo mỗi sáng. Ít tuần sau nữa, Lola dọn vào ở chung với anh ta.

Cả hai sống hạnh phúc được một thời gian. Với sự giúp đỡ của Dujarier, Lola bắt đầu hồi sinh sự nghiệp múa. Bất chấp những rủi ro đối với vị trí xã hội, Dujarier báo cho bạn bè biết sang xuân anh sẽ cưới nàng. (Lola chưa cho anh ta biết rằng năm lên 19 tuổi cô từng bỏ trốn gia đình để kết hôn với một người Anh, và do đó về mặt pháp lý Lola vẫn là vợ ông ta.) Dujarier yêu say đắm, nhưng cuộc đời anh bắt đầu xuống dốc.

Trong kinh doanh anh gặp toàn rủi ro và bạn bè có thế lực bắt đầu xa lánh. Có lần Dujarier được mời dự đại tiệc, nơi quy tụ nhiều gương mặt trẻ giàu có nhất Paris. Lola đòi đi theo nhưng Dujarier không cho. Lần đầu tiên sau khi chung sống, hai người cãi vã nhau, và Dujarier đến buổi dạ tiệc trong tâm trạng nặng trĩu. Anh ta mượn rượu giải sầu rồi xúc phạm Jean-Baptiste Rosemond de Beauvallon, một nhà bình luận sân khấu nổi tiếng, có lẽ vì người này đã nói gì đó động chạm đến Lola. Beauvallon thách thức Dujarier đọ súng tay đôi ngay sáng hôm sau. Dujarier xin lỗi nhưng Beauvallon không chịu nên cuộc song đấu vẫn diễn ra. Vì Beauvallon thuộc nhóm xạ thủ hàng đầu ở Pháp nên Dujarier gục ngã. Như thế kết thúc cuộc đời của chàng trai trẻ triển vọng nhất Paris. Lola sụp đổ và giã biệt kinh thành.

Năm 1846 Lola có mặt ở Munich, nơi cô ta quyết định ve vãn và chinh phục nhà vua Ludwig xứ Bavaria. Cô phát hiện ra cách tốt nhất tiếp cận Ludwig là thông qua sĩ quan tùy phái, Bá tước Otto von Rechberg, người nổi tiếng háo sắc. Ngày kia khi bá tước đang dùng bữa sáng ở quán cà phê lộ thiên, Lola cưỡi ngựa ngang qua và “rủi ro” ngã ngựa nên té sõng soài ngay dưới chân Rechberg. Bá tước lật đạt đỡ người đẹp dậy, sau đó hứa sẽ tiến dẫn nàng đến nhà vua.

Rechberg sắp xếp buổi diện kiến, nhưng khi đứng ngoài tiền sảnh, Lola nghe vua bảo là ông quá bận nên không thể tiếp một người lạ đến xin ân huệ. Lola đột ngột chạy thẳng vào trong và xô đẩy với lính canh. Vạt áo trước cô ta rách toạc và trước sự ngỡ ngàng của mọi người, đặc biệt là nhà vua, để phô ra lồ lộ hai quả ngực trần. Lola được chấp nhận diện kiến. Năm mươi lăm giờ đồng hồ sau cô ta bắt đầu biểu diễn trên sân khấu Bavaria. Giới bình luận báo chí phê phán dữ dội, nhưng vua vẫn cho tổ chức biểu diễn tiếp.

Theo chính lời của ông ta, thì Ludwig đã bị Lola “mê hoặc”. Ông bắt đầu xuất hiện trước công chúng với Lola ôm lấy cánh tay, rồi ông mua một căn hộ cho nàng ở đại lộ sang trọng nhất Munich. Mặc dù nổi tiếng hay là tay tằn tiện và không hề chơi ngông, nhưng bây giờ Ludwig lại xối xả mua quà cho Lola, rồi lại còn làm thơ tặng nàng. Trở thành đệ nhất ái phi, chỉ đầu hôm sáng mai Lola được phóng lên đài danh vọng.

Cô nàng bắt đầu đánh mất ý niệm về chừng mực. Sáng hôm nọ đi cưỡi ngựa dạo chơi, Lola bực mình khi có một lão kỵ sĩ đi khá chậm trước mặt. Vì đường chật mãi không qua được, cô ta dùng cán roi quất ông. Lần khác Lola cho chó đi dạo nhưng không buộc dây nên chó cắn người đi đường. Thay vì mắng chó, cô ta còn dùng xây xích quất người ta. Tuy có tiếng tăm là lãnh đạm nhưng cư dân Bavaria vẫn phẫn nộ trước những hành động như thế và kiến nghị lên nhà vua. Tuy nhiên Ludwig một mực bênh vực tình nhân, thậm chí còn nhập tịch cho cô nàng. Các quan cận thần cố gắng thức tỉnh nhà vua, nhưng người nào chỉ trích Lola thì bị ngưng chức hết sức đơn giản.

Nhân dân Bavaria từng yêu mến nhà vua song giờ đây lại công khai bất kính ông. Nhưng mặc, vua còn phong tước cho Lola và xây cho nàng một cung điện mới. Lola bắt đầu học đòi làm chính trị, cố vấn cho Ludwig về quốc sách, trở thành quyền lực hàng đầu trong vương quốc. Cô nàng ngày càng lấn sân vào nội các, và xem những bộ trưởng khác không ra gì. Hậu quả là nhiều cuộc nổi loạn bùng lên khắp nơi. Từng là vùng đất bình yên, giờ đây Bavaria đang trên bờ vực nội chiến, sinh viên xuống đường biểu tình hô to khẩu hiệu “Tống cổ Lola!”

Đến tháng Hai năm 1848, cuối cùng Ludwig không còn chịu nổi áp lực nên cam lòng yêu cầu Lola rời khỏi Bavaria tức khắc. Cô ta ưng thuận với điều kiện khá nhiều tiền. Suốt năm tuần sau đó, nhân dân vẫn còn phẫn nộ với nhà vua, và sau tháng Ba, vua phải thoái vị.

Lola Montez di trú sang Anh Quốc. Điều cô ta cần hơn hết là một tư cách đàng hoàng, và mặc dù là gái có chồng (Lola vẫn chưa thu xếp được vụ ly dị với ông chồng người Anh đã cưới nhiều năm trước đó), cô ta vẫn ngắm nghía George Trafford Heald, một sĩ quan quân đội đầy triển vọng, đồng thời là con trai một luật sư nổi tiếng. Tuy nhỏ hơn Lola đến mười tuổi, tuy có thể chọn vợ giữa những thiếu nữ xinh đẹp và giàu sang nhất nước Anh, Heald vẫn yêu Lola mê mệt. Họ làm đám cưới năm 1849. Bị cảnh sát truy lùng vì tình trạng song hôn, Lola rủ Heald bỏ trốn sang Tây Ban Nha. Sang bên đó mọi việc trở nên tồi tệ, họ cãi nhau dữ dội và có lần Lola gây thương tích cho Heald bằng dao. Cuối cùng cô đuổi anh chàng dại gái ra khỏi nhà. Trở về Anh Quốc, Heald đã mất vị trí cao quý trong quân đội. Bị cộng đồng người Anh tẩy chay, anh ta phải lưu lạc tận Bồ Đào Nha và sống thật nghèo khổ. Vài tháng sau đó anh qua đời trong tai nạn đường thủy.

Biết cuộc đời sóng gió của Lola, có người tổ chức xuất bản quyển tự truyện của cô nàng, và vài năm sau đó anh ta phá sản.

Năm 1853 Lola sang California, kết hôn với một thanh niên tên Pat Hull. Quan hệ mới này cũng bão táp không kém những quan hệ trước đó, và cô ta bỏ Pat đi lấy chồng khác. Pat thất vọng quay sang rượu chè, suy sụp tinh thần kéo dài bốn năm đến khi anh ta qua đời khi hãy còn trẻ.

Đến năm 41 tuổi, Lola cho hết mọi quần áo trang sức sang trọng và hướng về đạo. Cô thường đi khắp nước Mỹ thuyết giảng những chủ đề tôn giáo, những dịp như thế cô mặc toàn đồ trắng, trên đầu có vật trùm trông giống vầng hào quang. Cô ta qua đời hai năm sau đó.

Diễn giải

Lola Montez dùng mưu mẹo để quyến rũ đàn ông, song quyền lực cô ta đối với họ còn vượt trên cả vấn đề thân xác. Chính sức mạnh cá tính cô ta đã giữ họ trong cơn mê muội. Đàn ông bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy mà cô ta khuấy quanh mình. Họ cảm thấy rối bời, chao đảo nhưng cường độ cảm xúc do cô tạo ra lại cũng khiến cho họ có sức sống mới.

Như đối với trường hợp lây nhiễm, các vấn đề chỉ trầm trọng thêm theo thời gian. Cái nghiệp bất ổn của Lola dần dần hưởng sang những người tình. Họ cảm thấy mình bị sa lầy vào những vấn đề của cô ta, song vì tình cảm sâu đậm, họ lại muốn ra tay nghĩa hiệp. Đó chính là điểm sinh tử của căn bệnh – vì không ai có thể cứu rỗi cho Lola được cả. Nghiệp chướng của cô ta quá nặng nề. Người đàn ông nào nhúng tay vào xem như bị họa. Tự dưng hắn ta phải hứng chịu những tai họa từ trên trời rơi xuống. Cái cộng nghiệp đó còn lây sang cả gia đình và bạn bè hắn, hoặc, nhưng trong trường hợp Ludwig, còn lan ra cả quốc gia. Giải pháp duy nhất là phải đoạn nghiệp, nhanh chóng cắt đứt quan hệ càng sớm càng tốt, nếu không sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Không chỉ có phụ nữ mới lây nhiễm ác nghiệp cho người khác, vì sự lây nhiễm không phân biệt giới tính. Sức lây nhiễm này xuất phát tự sự bất ổn bên trong rồi phát tiết ra ngoài, chiêu tai giáng họa xuống chủ thể. Gần như đó là một ý nguyện phá rối và hủy diệt. Bạn không nên mất thì giờ để nghiên cứu bệnh lý của dạng người hay làm lây nhiễm ấy, bởi vì bạn sẽ phí phạm cả đời – chỉ nên rút kinh nghiệm thôi. Khi cảm thấy mình đang đối diện với dạng người như vậy, bạn đừng tốn nhiều lời, đừng thử cứu giúp họ, đừng giới thiệu họ với bạn bè, nếu không bạn sẽ sa lưới. Hoặc bạn tránh tiếp xúc với dạng người đó, hoặc bạn gánh mọi hậu quả.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Quanh ta có những người bất hạnh vì hoàn cảnh đã vượt quá tầm kiểm soát của họ, họ xứng đáng được thông cảm và giúp đỡ. Nhưng ngoài ra còn có dạng người luôn chiêu điều xui xẻo và tai họa, có thể vì hành động của họ gây bất ổn và nguy hại đến người khác. Sẽ là quá tuyệt với nếu ta có thể nâng đỡ họ, thay đổi số phận họ, nhưng thường khi chính số phận họ lại cuối cùng lây nhiễm sang ta khiến ta phải vạ lây. Lý do thật đơn giản – con người rất nhạy cảm với những tâm trạng, cảm xúc, và thậm chí cách suy nghĩ của những người mà họ lân la.

Những người đã có số phận bất hạnh và bất trắc có sức truyền lan rất mạnh, bởi vì tính cách và cảm xúc của họ rất mạnh. Họ thường ra vẻ mình là nạn nhân, khiến người đối diện thoạt tiên khó nhận ra chính họ mới tự gây tai họa. Bạn chưa kịp nhận chân ra vấn đề của họ thì đã bị vạ lây.

Bạn nên tự hiểu thế này: Trong trò chơi quyền lực, việc ta hợp tác với ai cực kỳ quan trọng. Lỡ hợp tác với dạng người lây nhiễm kể trên, ta sẽ phí phạm thời gian và sinh lực quý báu để vùng vẫy thoát ra. Và một khi thoát được rồi, ta sẽ lại cảm thấy tội lỗi dưới mắt người khác. Đừng bao giờ đánh giá thấp những nguy hiểm của việc lây nhiễm.

Có nhiều loại người hay gây tai họa cho kẻ khác, nhưng quái ác nhất là dạng cảm thấy bất mãn triền miên. Cassius, tên La Mã âm mưu chống lại hoàng đế Caesar, luôn bất bình vì lòng ganh tỵ sâu xa. Hắn không chịu được những ai giỏi hơn mình. Có lẽ đã nhận thức được nét cay cú không cùng của Cassius nên Caesar không giao chức pháp quan cho hắn mà giao cho Brutus. Cassius ấp ủ hận thù và ấp ủ, đến nỗi trở thành căn bệnh. Là người tôn thờ nguyên tắc cộng hòa, bản thân Brutus cũng không thích chế độ độc tài của Caesar. Phải chi kiên nhẫn chờ đợi thêm ít lâu, Brutus sẽ nắm quyền La Mã sau khi Caesar qua đời, từ đó tha hồ hóa giải những tai hại của chính thể độc tài. Nhưng Cassius lại thường xuyên lây nhiễm hiềm khích, ngày đêm rót vào tai Brutus những câu chuyện về tác hại của Caesar. Cuối cùng, hắn thuyết phục được Brutus tham gia âm mưu thích khách. Đó là bước đầu của bi kịch lớn. Sẽ tránh được biết bao tai họa nếu Brutus cảnh giác được sức mạnh của lây nhiễm.

Với sự lây nhiễm, ta chỉ có giải pháp duy nhất là cách ly. Nhưng thường khi ta nhận ra được vấn đề thì đã quá trễ. Một Lola Montez sẽ trấn áp ta bằng tính cách mãnh liệt. Một Cassius sẽ dụ dỗ ta bằng tấm lòng bộc bạch và xúc cảm nhiệt thành. Ta tự vệ ra sao đối với những virus quỷ quyệt như thế? Bằng cách đánh giá thiên hạ qua tác động của họ đối với những người xung quanh, chứ không qua các lý do mà họ biện minh cho vấn đề của họ. Ta có thể phân biệt họ qua những tai họa mà họ tự chuốc lấy, qua quá khứ sóng gió của họ, qua sức mạnh của tính cách họ, cái tính cách cuốn hút ta mãnh liệt và làm ta mất hết tỉnh táo. Hãy cảnh giác đối với những triệu chứng lây nhiễm vừa kể, hãy học cách phát hiện điều gì đó bất ổn trong tia nhìn của họ. Và quan trọng hơn cả là bạn đừng thương xót. Đừng chìa tay cứu giúp rồi cùng chết chùm.

Tác động của sự lây nhiễm cũng có thể xảy ra ở mặt khác, và có lẽ dễ nhận ra hơn: Có những người sờ đến đâu thành công đến đó, luôn gặp may vì tính tình vui vẻ, hăng hái tự nhiên, thông minh dĩnh ngộ. Họ là nguồn vui, và ta nên hợp tác với những người như thế để chia sẻ sự thịnh vượng mà họ lôi cuốn về mình.

Điều vừa kể không chỉ đúng cho sự vui vẻ và thành công: Mọi thái độ tích cực đều tác động đến ta. Tính tình Talleyrand có nhiều nét lạ lùng và đáng sợ, nhưng hầu hết đều nhìn nhận rằng ông hơn hẳn mọi người về nét duyên dáng, sự hấp dẫn quý phái và tinh tế. Tất nhiên ông xuất thân từ một trong những dòng quý tộc lâu đời nhất nước Pháp, tuy nhiên ông dấn thân sâu xa vào con đường dân chủ đề đấu tranh cho chính thể cộng hòa, nhưng dù sao ông vẫn lưu giữ tác phong thượng lưu quý phái. Người đương thời Napoléon có nhiều nét ngược lại với ông – xuất thân từ gia đình nông dân đảo Corse, hoàng đế vốn lầm lì và khiếm nhã, thậm chí hung bạo.

Napoléon không thán phục ai hơn Talleyrand. Hoàng đế ước ao được lòng mọi người như vị bộ trưởng của mình, được sự dí dỏm và khả năng quyến rũ phụ nữ như ông ta, và luôn tìm cách giữ ông ta quanh mình để thẩm thấu nét văn hóa mà mình khiếm khuyết. Nếu còn tiếp tục trị vì chắc con người Napoléon sẽ thay đổi. Mọi nét thô thiển sẽ dần dà mềm mại đi nhờ thường xuyên tiếp xúc với Talleyrand.

Ta hãy tận dụng khía cạnh tích cực của sự thẩm thấu này. Nếu chẳng hạn bản thân đã lỡ keo kiệt thì ta không thể vượt qua giới hạn nào đó, vì chỉ có những tâm hồn cao thượng mới đạt đến sự vĩ đại mà thôi. Vậy ta nên hợp tác với những người bao dung, rồi họ sẽ truyền sự bao dung ấy cho ta, sẽ cởi mở những gì ke re cắc rắc trong ta. Nếu tính ta u uất thì hãy kết bạn với người vui vẻ. Nếu ta có khuynh hướng cô độc thì hãy ép mình chơi với những người thích giao du. Đừng bao giờ kết giao với những kẻ có cùng nhược điểm như mình – họ sẽ tăng cường những trở lực cản ngại ta. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Đó là quy luật của cuộc đời, sẽ đem đến cho ta còn nhiều lợi ích hơn là tất cả phương trị liệu trên toàn thế giới.

Hình ảnh:

Con virus: Bạn không thể thấy, nó chui vào lỗ chân lông hồi nào bạn không hề hay, âm thầm lây lan dần. Đến lúc phát hiện được thì nó đã ăn sâu trong cơ thể bạn.

Ý kiến chuyên gia:

Hãy tập cách phát hiện người có duyên may để có thể chọn lựa giao du, và người bị vận rủi để mà tránh né. Đó là loại bệnh hết sức truyền nhiễm. Đừng bao giờ mở cửa cho bất hạnh, dù là bất hạnh nhỏ nhất, nếu không nhiều bất hạnh khác sẽ được nước kéo vào theo… Đừng chết vì sự khốn khổ của người khác.

(Baltasar Gracián, 1610-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Nguyên tắc này không chấp nhận nghịch đảo nào cả. Nó đúng cho mọi lúc mọi nơi. Bạn sẽ không được gì khi liên đới với những người truyền cho bạn nỗi khổ của họ. Chỉ nên giao du với người vận đỏ để cùng hưởng may mắn và sức mạnh. Ai phớt lờ nguyên tắc này, khi tai họa xảy đến thì ráng chịu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.