48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực
NGUYÊN TẮC 36: PHỚT LỜ NHỮNG GÌ NGOÀI TẦM TAY
Thừa nhận một vụ việc cỏn con tức là làm cho nó hiện diện cụ thể hơn. Càng chú ý đến kẻ thù, ta càng làm cho nó mạnh thêm. Một lỗi đáng ra chỉ nhỏ xíu và khó thấy, nhưng khi ta cố gắng sửa chữa thì nó lại thêm phần tồi tệ và thu hút sự chú ý của mọi người. Trong cuộc sống, nhiều khi ta nên để yên mọi việc. Một khi không thể có được điều gì đó, tốt hơn ta không nên quan tâm đến nó nữa. Càng ít biểu lộ sự quan tâm, ta càng tỏ ra ở thế thượng phong.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Pancho Villa, lãnh đạo quân phiến loạn Mexico, thoạt tiên chỉ là trùm băng cướp, nhưng sau khi cách mạng nổ ra vào năm 1910, ông ta trở thành một dạng anh hùng dân gian – lấy của người giàu để cho người nghèo, đứng đầu nhiều cuộc cướp táo bạo, thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu lãng mạn làm mềm lòng phụ nữ. Những kỳ tích của Villa rất hấp dẫn người Mỹ, bởi ông ta có vẻ như đến từ một thời kỳ khác, nửa Robin Hood, nửa Don Juan. Tuy nhiên sau nhiều năm chiến đấu, tướng Carranza là người chiến thắng, vì vậy Villa dẫn bại quân lui về cố quận ở bang Chihuahua. Quân đội Villa rơi rụng dần và cuối cùng trở thành băng cướp, gây phương hại đến tình cảm của quần chúng từng dành cho ông. Sau đó có lẽ vì quá thất vọng hóa cuồng, Villa bắt đầu tấn công vào nước Mỹ.
Tháng 3 năm 1916 Pancho Villa cướp phá thị trấn Columbus ở bang New Mexico, giết chết 17 người Mỹ, kể cả thường dân lẫn quân sự. Như nhiều người Mỹ khác, tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng từng khâm phục Villa, nhưng giờ đây ông buộc phải ra tay trừng trị. Nhóm cố vấn giục Wilson gửi quân vượt qua biên giới để bắt sống Villa.
Áp lực ngày càng tăng nên cuối cùng với sự ưng thuận của chính quyền Carranza, tướng Mỹ Pershing dẫn 10.000 quân sang Mexico.
Quân Mỹ phân tán nhỏ để lùng sục vùng hoang dã phía Bắc Mexico. Trước đây khi Villa trở lại cướp bóc thì dân chúng chán ghét, nhưng giờ họ lại tôn sùng vì ông dám chống lại quân đội Mỹ hùng mạnh. Một mặt họ che giấu Villa, mặt khác họ cung cấp cho tướng Pershing nhiều thông tin sai lạc.
Đến mùa Hè năm đó quân Mỹ đã tăng lên 123.000 người nhưng vẫn không bắt được Villa. Tướng cướp này thoắt ẩn thoắt hiện giữa vùng đồi núi hoang vu mà quân Mỹ chưa quen phong thổ. Dịch bệnh bắt đầu hành hạ họ, chưa kể sự chán ghét của người dân địa phương.
Đến mùa đông năm đó, Villa vẫn tiếp tục trò chơi ú tim, còn phía Mỹ vừa cảm thấy cuộc hành quân này giống như trò hề, vừa ít nhiều khâm phục Villa. Sang đầu năm 1917, cuối cùng Wilson lệnh cho Pershing dẫn quân về nước.
Diễn giải
Phía Mỹ tung lực lượng hùng hậu toan dạy cho Pancho Villa một bài học, nghĩ rằng chiến dịch chỉ kéo dài vài tuần và sau đó sẽ không còn ai nhớ đến ông ta nữa.
Nhưng càng kéo dài, chiến dịch càng chứng tỏ phía Mỹ bất tài, còn Villa thì quá tinh khôn. Chút phiền toái địa phương trở thành sự lúng túng trên chính trường quốc tế. Mỹ càng triển khai thêm quân thì cán quân lực lượng càng làm cho vụ việc giống như trò đùa. Cuối cùng thì con voi lại thua con chuột, phải nhục nhã rút quân về.
Liệu Wilson còn cách làm nào khác? Còn, vì ông ta có thể yêu cầu chính quyền Carranza truy lùng Villa. Hoặc giả Mỹ có thể thương lượng với một số đào binh của Villa để bắt sống ông ta. Hoặc giăng bẫy tại biên giới chờ Villa tiến quân lần nữa. Hoặc Wilson có thể chọn thái độ là phớt lờ phứt rồi, để rồi theo thời gian, chính quân đội Carranza sẽ làm thịt Villa.
Bạn ghi nhớ điều sau đây: Bạn bị bất ổn bởi tình huống vì chính bạn chấp nhận bị. Ngược lại bạn có thể chọn thái độ phớt lờ kẻ gây hấn, xem như chuyện vặt không đáng quan tâm. Đây là một nước cờ mạnh. Bạn không phản ứng lại đối tượng, thì đối tượng sẽ không thể lôi kéo bạn vào mớ rắc rối vô ích. Ở đây không dính dáng gì đến lòng tự hào của bạn cả. Hãy dạy cho con bọ chét cắn ngứa một bài học, bằng cách phớt lờ và cho nó vào quên lãng. Trong trường hợp không thể phớt lờ (thực tế Pancho Villa đã giết nhiều người Mỹ), ta có thể âm thầm lập kế triệt tiêu đối tượng, chứ đừng làm mọi người chú ý đến một con côn trùng nhỏ nhoi trước sau gì cũng sẽ đi chỗ khác chơi hoặc cũng chết mất. Nếu phí thời gian và sức lực vào mớ rắc rối ấy thì đó là lỗi của ta. Hãy học cách đánh lá bài làm cao, quay lưng lại với những gì về lâu về dài không thể gây phương hại cho ta.
Thử nghĩ mà xem – chính phủ các vị phải tốn 130 triệu đôla để bắt tôi. Tôi lôi kéo họ lên miền đồi núi gian nan. Đôi khi đi một lèo năm mươi dặm không lấy đâu ra giọt nước. Họ không tìm được gì ngoài nắng nôi và muỗi mòng… Để rồi chẳng được gì cả.
(Pancho Villa, 1878-1923)
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Năm 1527, vua Henry VIII nước Anh quyết tìm cách dứt bỏ cục nợ Catherine xứ Aragon, bà vợ của ông ta. Catherine không sinh cho Henry một đứa con nào để nối dõi, và Henry nghĩ là mình biết lý do: Ông biết trong Kinh thánh có đoạn “nếu một người lấy vợ của anh hoặc em mình thì đó là việc ô uế: Vì hắn đã vạch trần sự lõa lồ của người anh em đó, vì vậy họ sẽ không có con”. Trước khi Henry cưới nàng, Catherine đã thành hôn với anh của Henry là Arthur, nhưng Arthur đã qua đời 5 tháng sau lễ cưới. Chờ hết thời gian tang chế, Henry tiến hành lễ cưới với chị dâu.
Catherine là con gái của Vua Ferdinand và Hoàng hậu Isabella Tây Ban Nha, và hôn lễ đã duy trì được một liên minh quý báu. Nhưng giờ đây Catherine phải chứng minh với Henry rằng cuộc hôn nhân chóng vánh với Arthur thật ra chưa bao giờ tới nơi tới chốn, nếu không quan hệ của họ sẽ bị xem là loạn luân và cuộc hôn nhân thứ nhì bị tuyên bố là vô hiệu lực. Catherine đã thuyết phục được Giáo hoàng Clement VII rằng qua cuộc hôn nhân thứ nhất bà hãy còn trinh, sau đó giáo hoàng đã ủng hộ bằng cách ban phúc lành cho lễ cưới, điều mà ông sẽ không làm nếu cho rằng cuộc hôn nhân ấy loạn luân. Tuy nhiên qua nhiều năm chung sống với Henry, Catherine vẫn không sinh nở và vào thập niên 1520 bà bước vào giai đoạn mãn kinh. Với đức vua, điều đó có nghĩa là hoàng hậu đã nói dối về trinh tiết của mình, rằng cuộc hôn nhân của họ là loạn luân, do đó Thượng đế đã trừng phạt họ.
Còn một lý do khác khiến Henry muốn dứt bỏ Catherine: Ông đã yêu một thiếu phụ khác tên Anne Boleyn, và hy vọng cưới nàng để có mụn con nối dõi. Muốn vậy phải hủy cuộc hôn nhân với Catherine, nhưng giáo hoàng Clement đã từ chối đề nghị của Henry.
Đến mùa Hè năm 1527 Henry bắt đầu sang phòng khác chứ không ngủ chung với Catherine nữa, vì ông tuyên bố rằng bà là chị dâu chứ không phải vợ ông. Ông khăng khăng gọi bà là Sương Công chúa xứ Wales, vốn là tước danh của bà với tư cách là quả phụ của Arthur. Năm 1531 ông cấm không cho bà vào triều, sai người đưa bà đến một lâu đài cách xa. Giáo hoàng dọa sẽ rút phép thông công nếu Henry không triệu hồi Catherine về cung. Henry không chỉ phớt lờ lời đe dọa đó mà còn khẳng định rằng cuộc hôn phối đã tan vỡ, và sang năm 1533 tiến hành cưới Anne Boleyn.
Clement không công nhận nhưng Henry chẳng bận tâm. Ông không còn nhìn nhận thẩm quyền của giáo hoàng và cắt đứt quan hệ với Giáo hội La Mã, thiết lập Giáo hội Anh Quốc, mà người đứng đầu là đức vua. Do đó cũng không lạ gì khi Giáo hội tân lập này tuyên bố Anne Boleyn là hoàng hậu chính thức của Anh Quốc.
Cho dù giáo hoàng có thử đe dọa cách mấy cũng chẳng hiệu quả gì, bởi Henry đơn giản phớt lờ ông ta. Ông ta tức điên người, vì trước giờ chưa kẻ nào dám khinh thường giáo hoàng đến như vậy. Henry hạ nhục ông ta, và ông không thể làm gì được. Ngay cả việc rút phép thông công (mà ông luôn mang ra dọa nhưng chưa bao giờ thực hiện) cũng không ăn nhằm gì.
Bản thân Catherine cũng choáng váng vì đòn khinh bạc của Henry. Bà cố gắng đủ cách, đủ lời lẽ nhưng chỉ gặp phải tai điếc. Bị cô lập khỏi triều đình, bị nhà vua không đếm xỉa, điên cuồng vì giận dữ và vô vọng, Catherine dần dần tàn lụi, và cuối cùng qua đời hồi tháng Giêng năm 1536 bởi một khối ung thư trong tim.
Diễn giải
Khi ta chú ý đến ai thì xem như hai người trở thành đồng hội đồng thuyền, người này chuyển dịch hợp theo hành động hoặc phản ứng của người kia. Và trong tiến trình đó ta mất thế chủ động. Đồng hội với người khác, ta phải chung vai sát cánh với họ và mở cửa đón nhận ảnh hưởng của họ. Nếu mắc mứu với Catherine, Henry sẽ sa lầy vào những cuộc tranh cãi khôn cùng, có khả năng làm suy yếu quyết tâm và hao mòn sinh lực ông. Nếu chọn cách thuyết phục Clement, hoặc thương lượng hay thỏa hiệp, Henry sẽ lọt vào thế trận mà Clement ưa chuộng: Tận dụng thời gian, hứa hẹn lỏng lẻo, nhưng cuối cùng sẽ đến điểm mấu chốt mà các giáo hoàng luôn đạt đến – làm những gì họ muốn.
Nhưng Henry không sa lầy hay lọt bẫy, mà tiến hành một nước cờ có sức càn quét lớn – khinh thị hoàn toàn. Phớt lờ thiên hạ tức là khử bỏ họ. Họ sẽ bị bất ngờ và phẫn nộ, nhưng vì không có quan hệ gì với ta nên họ cũng chẳng làm được gì.
Đây chính là khía cạnh tiến công của Nguyên tắc này: Nước cờ khinh thị là nước cờ mạnh, vì nó cho phép ta khẳng định các điều kiện của cuộc đối đầu. Chiến tranh được tiến hành theo điều kiện mà ta đặt ra. Ta là vua và ta không đếm xỉa đến kẻ xúc phạm. Hãy thử nhìn xem chiến thuật này làm đối phương tức tối đến mức nào – hết một nửa việc họ làm chính là khiến ta phải quan tâm, và khi ta thu hồi mối quan tâm đó thì họ sẽ sụp đổ vì vỡ mộng.
CON NGƯỜI:
Bạn đá hắn – hắn sẽ tha thứ cho bạn.
Xu nịnh hắn – có thể hắn bị bạn lừa, có thể không.
Nhưng bạn không thèm biết hắn là ai thì hắn sẽ ghét bạn.
(Idrie Shah, Caravan of Dreams, 1968)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Sự khát khao thường tạo ra hiệu ứng trái ngược: Càng ao ước điều gì, càng đuổi theo nó thì nó càng lẩn tránh bạn. Càng quan tâm đến đối tượng chừng nào thì đối tượng càng khước từ bạn. Như thế bởi vì mối quan tâm của bạn quá lớn, làm cho người ta ngượng ngùng, thậm chí sợ hãi. Dục vọng không thể kiềm chế được sẽ làm cho bạn có vẻ yếu đuối, không xứng đáng, và trông thật thảm hại.
Nếu muốn mà không được, thà bạn quay lưng, chứng tỏ mình chẳng thèm, mình rẻ rúng. Thái độ này sẽ làm cho đối tượng tức điên lên. Đến lượt họ sẽ muốn điều gì đó, chẳng qua là để gây ấn tượng đối với bạn – có thể là để chiếm hữu hoặc gây tổn thương cho bạn. Nếu họ muốn chiếm hữu, xem như bạn đã thành công bước đầu dụ dỗ. Còn nếu họ muốn gây tổn thương, nghĩa là bạn đã làm họ bất ổn và khiến họ chơi theo quy luật do bạn đề ra (xem các Nguyên tắc 8 và 39 về việc dụ người khác động thủ).
Khinh miệt là độc quyền của nhà vua. Tia nhìn của ngài rọi vào vật nào thì vật ấy mới hiện hữu, điều gì bị ngài phớt lờ và quay lưng thì xem như quá cố. Đây là vũ khí của vua Louis XIV – nếu không thích bạn, ông ta sẽ xử sự như thể bạn không có mặt, ông giữ thế thượng phong bằng cách cắt đứt động lực của sự tương tác. Đó chính là loại sức mạnh ta sẽ có khi đi nước cờ khinh thị, để thỉnh thoảng chứng tỏ với đối phương rằng không có mợ thì chợ vẫn đông.
Nếu nước cờ phớt tỉnh làm tăng sức mạnh, thì tất nhiên điều ngược lại sẽ làm ta suy yếu. Nếu để ý thái quá đến một đối thủ yếu ớt, chính ta sẽ có vẻ yếu ớt, và nếu ta càng tốn nhiều thì giờ để đối phó với một đối thủ như thế thì hắn sẽ càng có vẻ vĩ đại hơn. Đây là lỗi lầm mà thành phố Athens cổ phạm phải khi dẫn quân tiến công thị trấn nhỏ Syracuse, cũng là lỗi lầm của Tổng thống Kennedy khi thất bại tại Vịnh con Heo ở Cuba, làm cho Castro trở thành người hùng quốc tế.
Mối nguy thứ hai: Nếu nghiền nát đối tượng, hay thậm chí chỉ cần làm cho nó trầy xước, thì ta sẽ làm thiên hạ cảm thương cho kẻ yếu. Phe đối lập thường chỉ trích tổng thống Franklin D. Roosevelt về những khoản chi đó là đúng vì góp phần chấm dứt cuộc Đại Suy thoái. Sau đó phe đối lập lại nắm lấy một cơ hội mà họ nghĩ là sẽ chứng minh được sự xa hoa của tổng thống: Ông tiêu tốn khá nhiều cho con chó Fala. Nhưng Roosevelt có câu trả lời: Tại sao bọn họ dám chỉ trích một con chó nhỏ tội nghiệp không có khả năng để tự vệ? Diễn văn bênh vực chó Fala là một trong những bài nói được ngưỡng mộ nhất của Roosevelt. Trong trường hợp này, kẻ yếu đuối đáng thương là con chó của tổng thống, và phe đối lập bị tác dụng ngược – về sau, nhân dân càng cảm thông với tổng thống vì khuynh hướng tự nhiên là về phe “kẻ yếu”, cũng như công luận Mỹ thương cảm cho Pancho Villa.
Theo khuynh hướng tự nhiên, ta cố gắng khắc phục lỗi lầm, nhưng càng cố thì lỗi càng tệ. Đôi khi để y như vậy còn hay hơn. Năm 1971 khi tờ New York Times công bố Hồ sơ Ngũ giác đài (liên quan đến việc chính phủ Mỹ sai lầm tại Đông Dương), Henry Kissinger nổi trận lôi đình. Sôi máu khi thấy chính phủ Nixon bị suy yếu bởi chỗ rò rỉ đó, ông đưa ra những chỉ đạo đối phó, dẫn đến việc thành lập nhóm bưng bít được gọi là “Thợ hàn”. Chính nhóm này sau đó đã đột nhập vào văn phòng phe Dân chủ ở khách sạn Watergate đặt thiết bị nghe lén, rồi bị đổ bể, tạo ra chuỗi sự kiện khiến chính quyền Nixon sụp đổ. Thật ra việc công bố Hồ sơ Ngũ giác đài chưa phải là mối nguy trầm trọng cho chính phủ, nhưng chính phản ứng của Kissinger đã làm cho nó trở nên trầm trọng. Khi định sửa chữa sai lầm này ông lại tạo ra sai lầm khác: Nỗi ám ảnh về an ninh rốt cuộc còn tàn phá dữ dội hơn. Nếu cứ phớt lờ Hồ sơ Ngũ giác đài, có lẽ dần dà rồi quả bóng cũng xì hơi thôi.
Vì vậy khi đánh giá đúng tình huống, nhiều lúc ta nên phớt lờ, giống như nhà quý tộc không thèm để ý đến vụ việc. Có nhiều cách để áp dụng quy tắc này.
Thứ nhất là lý luận theo kiểu chùm nho xanh. Nếu khao khát điều gì mà không đạt được, thì cách tệ nhất để thiên hạ để ý mình chính là than thở rên xiết về điều đó. Chiến thuật hùng mạnh hơn chính là hành xử như thể ta không thèm quan tâm đến nó. Khi được các đồng nghiệp ủng hộ tranh cử chiếc ghế thành viên nữ của Académie Française vào năm 1861, George Sand nhanh chóng nhận ra rằng viện hàn lâm sẽ không bao giờ chuẩn thuận.
Thay vì kêu ca, Sand cho biết mình không hứng thú để gia nhập cái nhóm ba hoa già nua, tự đánh giá quá cao và xa rời thực tế đó. Thái độ này rất hay, bởi vì nếu nổi giận vì không được gia nhập, Sand sẽ chứng tỏ mình ao ước chiếc ghế ấy biết bao. Tuyên bố “chùm nho còn chua” đôi khi bị xem là phản ứng của kẻ yếu, nhưng thật ra đó là chiến thuật của kẻ tài ba.
Thứ hai, khi bị cấp dưới chỉ trích, ta hãy đánh lạc hướng mọi người bằng cách giả vờ không cảm nhận đòn chỉ trích ấy. Ta có thể ngó lơ, hoặc giả ứng xử nhẹ nhàng như thể đòn đó không ăn nhằm gì mình. Tương tự, khi lỡ phạm sai lầm, ta nên khỏa lấp bằng cách xem đó là chuyện nhỏ.
Là môn đồ thuần thành của trà đạo, Nhật hoàng Go-Saiin sở hữu một chén uống trà cổ vô giá mà tất cả triều đình đều thèm khát. Ngày kia người khách viếng tên là Dainagon Tsunehiro xin phép được mang chén ra chỗ sáng để có thể xem xét tỉ mỉ hơn. Ít khi nào cái chén rời khỏi vị trí cố định trên bàn, tuy nhiên hôm đó Nhật hoàng đang vui nên ông chấp thuận. Nhưng khi đang xăm xoi ở hành lang thì Tsunehiro lỡ tay làm rớt khiến cái chén tan thành trăm mảnh.
Tất nhiên Nhật hoàng giận điên người. “Thần quả thật đáng tội khi lỡ tay đánh rớt,” Tsunehiro cúi rạp mình, “nhưng thật ra cũng không có việc gì quá trầm trọng. Cái chén này đã quá xưa rồi, có thể tự nứt bất kể lúc nào, nhưng bề nào thì nó cũng không có lợi ích gì về mặt công cộng, vì vậy thần nghĩ rằng thật may mắn khi nó kết thúc như thế.” Lối ứng xử bất ngờ này lập tức có hiệu quả: Nhật hoàng nguôi giận. Tsunehiro không vật vã sụt sùi, cũng không quá lời tạ lỗi, nhưng cho thấy giá trị và sức mạnh của mình khi xử lý lỗi lầm với một giọng khinh bạc. Nhật hoàng cảm thấy mình cũng phải đáp trả bằng thái độ quân tử, chứ nếu nổi giận thì quá thấp hèn nhỏ mọn – một hình ảnh mà sau này Tsunehiro có thể lợi dụng.
Giữa những người đồng đẳng với nhau, chiến thuật này có khả năng dội ngược: Họ có thể lên án ta là vô tâm hoặc tàn nhẫn. Nhưng với kẻ bề trên, nếu ta nhanh chóng phản ứng gọn gàng thì sẽ rất hiệu quả: Ta né được phản ứng giận dữ, giúp sư phụ khỏi phung phí thời gian và sức lực càu nhàu, tạo điều kiện cho sư phụ chứng minh mình cao cả và rộng lượng.
Trong trường hợp bị bắt quả tang phạm sai lầm, nếu ta cứ quanh co chối cãi hoặc suýt soa xin lỗi, có khả năng mọi việc sẽ tồi tệ thêm. Đôi khi tốt hơn ta nên ứng xử ngược lại. Nhà văn thời Phục hưng Pietro Aretino thường khoe khoang về gia phả quý tộc của mình, và tất nhiên điều đó chỉ là xạo sự vì thật ra anh ta chỉ là con ông thợ đóng giày. Cuối cùng khi có kẻ thù tiết lộ sự thật, thiên hạ đồn rùm khắp Venice và mọi người hết sức ngạc nhiên. Nếu lúc đó Aretino cố biện minh hay xin lỗi, có thể mọi thứ sẽ sụp đổ. Đàng này anh mạnh mẽ nhìn nhận sự thật, và sự thật này ngày càng chứng minh cho ý chí vượt khó của anh, vì từ vị trí thấp kém trong xã hội, anh đã kiên trì leo lên đỉnh cao. Từ đó về sau Aretino không bao giờ nhắc đến lời nói dối trước đó, mà chỉ nhấn mạnh đến xuất xứ bình dân của mình.
Hãy nhớ: Với những chuyện không đáng, tầm phào và bực bội nhỏ nhoi, bạn nên phớt lờ và khinh bạc. Đừng bao giờ cho thấy mình bị ảnh hưởng hoặc xúc phạm, vì như vậy vấn đề chỉ càng hiển nhiên hơn mà thôi.
Hình ảnh:
Vết thương nhỏ. Tuy nhỏ nhưng nó làm ta đau và bực mình. Ta kêu ca, gãi ngứa, gỡ mày và thử đủ loại thuốc chữa. Đến bác sĩ còn làm nó tệ hơn, vết thương nhỏ trở thành vấn đề lớn. Phải chi ta cứ để yên đó, cho thời gian hàn gắn và giải thoát ta khỏi những lo lắng muộn phiền.
Ý kiến chuyên gia:
Hãy học nước cờ khinh bạc. Đó là cách trả thù khôn ngoan nhất. Bởi vì có nhiều người lẽ ra thiên hạ không thể biết gì về họ, nếu đối thủ của họ không quan tâm đến họ. Không có sự trả thù nào bằng việc lãng quên, vì như vậy chính là chôn vùi kẻ hèn mọn dưới lớp cát bụi của chính sự nhỏ mọn của họ.
NGHỊCH ĐẢO
Nước cờ khinh bạc, bạn phải chơi thật kỹ lưỡng và tinh tường. Hầu hết các chuyện vặt sẽ tự mờ phai nếu bạn phớt lờ chúng, nhưng vẫn có những vấn đề sẽ ung thối lên nếu bạn không can thiệp. Phớt lờ một đối thủ nhỏ yếu, sau đó hắn trở thành kẻ thù đáng ngại, cay đắng hận thù vì trước đó bạn khinh thường hắn. Những ông hoàng Italia thời Phục hưng không đếm xỉa gì khi Cesare Borgia khởi đầu sự nghiệp, nhưng khi họ biết quan tâm thì đã quá trễ – thú con giờ đã hóa sư tử, từng bước thôn tính toàn cõi Italia. Vì vậy trước khi công khai bày tỏ thái độ xem thường, bạn cần phải âm thầm theo dõi riêng đối tượng đó. Đừng để nó biến thành tế bào ung thư.
Hãy phát triển kỹ năng đánh giá vấn đề chưa hệ trọng, và can thiệp trước khi chúng quá tầm tay. Hãy học cách phân biệt điều gì có tiềm năng tai họa với việc chỉ gây bực dọc chút đỉnh. Tuy nhiên cho dù trường hợp nào thì bạn cũng không nên hoàn toàn bỏ mặc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.