48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực
NGUYÊN TẮC 38: NGHĨ THEO Ý MÌNH, LÀM NHƯ SỐ ĐÔNG
Nếu muốn chơi nổi bằng cách đi ngược lại thời thế, phô trương những ý tưởng trái quy ước và phong cách khác thường, thiên hạ sẽ cho rằng bạn muốn gây chú ý và bạn trịch thượng. Họ sẽ tìm cách trừng trị vì bạn làm họ tự ti. Tốt hơn bạn nên theo xu thế chung. Chỉ chia sẻ nét độc đáo với những bạn bè bao dung và những ai chắc chắn thưởng thức được nét độc đáo ấy.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Khoảng năm 478 TCN, thành phố Sparta phái nhà quý tộc trẻ Pausanias dẫn đầu đoàn viễn chinh nhắm nước Persia trực chỉ. Các thị quốc ở Hy Lạp vừa đẩy lùi đợt xâm lược hùng mạnh của Persia, và giờ đây cùng với những chiến thuyền đồng minh Athens, họ được lệnh trừng phạt quân xâm lược và đoạt lại những hòn đảo cùng cùng duyên hải nào bị Persia chiếm đóng. Cư dân cả hai thành phố Athens và Sparta đều kính nể Pausanias, vì anh ta từng chứng minh mình là chiến binh can trường.
Với sức mạnh thần tốc, Pausanias dẫn quân tiến chiếm đảo Cyprus, rồi dùng bàn đạp đó xâm lược vùng Hellespont ở Tiểu Á, hạ thành Byzantium (ngày nay là Istanbul). Lúc này khi làm chủ được một phần đế chế Persia, Pausanias bắt đầu tỏ lộ những dấu hiệu cư xử vượt quá tính nết lòe loẹt thường ngày. Khi xuất hiện trước đám đông, anh ta ăn mặc theo kiểu Persia, tóc bôi sáp thơm, luôn có cận vệ Ai Cập kè kè. Bảy ngày tiệc lớn ba ngày tiệc nhỏ, Pausanias còn bắt chước ngồi theo kiểu Persia và đòi hỏi phải có đàn ca xướng hát. Anh ta không màng đến bạn cũ, giao du với vua Xerxes của Persia, và mỗi mỗi đều cư xử như một nhà độc tài Persia.
Rõ ràng quyền lực và thành công đã làm Pausanias mê muội đầu óc. Quân đội liên minh dưới quyền anh ta thoạt đầu cứ tưởng đó là thú ngông cuồng chóng qua, vì trước nay Pausanias vẫn còn tiếng chơi nổi. Nhưng khi anh ta tỏ rõ sự khinh miệt đối với lối sống đơn giản của người Hy Lạp và xúc phạm người lính Hy Lạp bình thường, liên quân cảm thấy Pausanias đã đi quá xa. Mặc dù chưa có gì xác đáng, nhưng tin râm ran rằng anh ta đã theo phe địch và muốn trở thành một Xerxes thứ hai. Để tránh khả năng tạo phản, binh đội Sparta tước quyền cầm quân của Pausanias và triệu hồi anh ta về.
Tuy nhiên về đến quê nhà rồi anh ta vẫn ăn mặc theo kiểu Persia. Vài tháng sau Pausanias tự ý mướn thuyền trở lại Hellespont, lấy cớ là tiếp tục chiến đấu chống quân thù. Thật ra Pausanias toa rập với Xerxes để trở thành kẻ thống trị toàn cõi Hy Lạp. Nhưng sau đó mưu cơ bại lộ, anh ta bị truy đuổi phải chạy chốn vào một ngôi đền nhưng vẫn không chịu đầu hàng. Không muốn dùng bạo lực cưỡng chế Pausanias ra khỏi đền thờ, nhà cầm quyền bao vây cho đến khi anh ta chết đói.
Diễn giải
Thoạt nhìn ta cứ tưởng Pausanias quá yêu mến một nền văn hóa khác, vốn là hiện tượng vẫn thường xuyên xảy ra ở mọi thời kỳ. Sparta luôn nổi tiếng về sự khắc kỷ nên Pausanias không được thoải mái ở quê nhà, vì vậy anh ta đắm say lối sống xa hoa và dục lạc của Persia. Cách ăn mặc cầu kỳ thơm phức của anh ta là một hình thức giải thoát khỏi kỷ luật và sự đơn giản của nền văn hóa Hy Lạp.
Đó là những dấu hiệu nơi những ai theo chân một nền văn hóa khác với nền văn hóa nơi họ được sinh ra và trưởng dưỡng. Tuy nhiên thường khi hãy còn một yếu tố khác trong cuộc: Có người công khai tôn sùng nền văn hóa ngoại lai song song với việc khinh thị nền văn hóa mẹ đẻ. Họ sử dụng vẻ bề ngoài ngoại lai để phân biệt mình với những đồng bào đang điềm nhiên tuân thủ các phong tục tập quán tại chỗ, họ muốn chứng tỏ mình hơn người. Chứ nếu không, họ đã ứng xử có giáo dục hơn và tỏ vẻ nể nang những người không chia sẻ những khát khao của họ. Quả tình vì không làm chủ được nhu cầu chơi trội nên thường khi họ bị căm ghét, bởi vì họ đã thách thức phong tục tập quán, cho dù thách thức một cách gián tiếp và tinh vi, nhưng dù sao sự thách thức ấy vẫn xúc phạm.
Như Thucydides viết về Pausanias: “Tỏ vẻ khinh thị luật lệ, bắt chước phong cách ngoại lai, anh ta làm đông đảo mọi người nghi là anh không muốn tuân thủ những chuẩn mực thông thường”. Nếu văn hóa có những chuẩn mực phản ánh những niềm tin và lý tưởng được sẻ chia qua hàng bao thế kỷ. Đừng nghĩ rằng có thể đùa với những điều đó mà không phải trả giá. Những vi phạm sẽ bị trừng trị bằng cách này hay cách khác, thậm chí chỉ bằng hình thức bị cô lập – một tình trạng bất lực hoàn toàn.
Nhiều người trong chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi tiếng gọi của hương xa. Hãy liệu chừng và tiết chế ước mong ấy. Phô trương sở thích của mình bằng những cách suy nghĩ và hành động lạ lùng sẽ để lộ một động cơ khác hẳn – chứng tỏ mình trội hơn người khác.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Cuộc cải chính Tin lành tại Italia gặp phải những phản ứng mạnh bạo cuối thế kỷ XVI. Phong trào Phản-Cải chính có một phiên bản riêng giống như ban thanh tra dị giáo, nhằm đánh bật gốc mọi dị bản của Giáo hội Công giáo. Trong số những nạn nhân có nhà khoa học Galileo, nhưng còn một nhà tư tưởng khác còn chịu nhiều đớn đau hơn nữa, đó là giáo sĩ dòng Đa Minh, đồng thời là triết gia Tommaso Campanella.
Là môn đồ chủ thuyết vật chất của triết gia La Mã Epicurius, Campanella không tin vào phép lạ, cả thiên đàng và địa ngục cũng không tin. Ông ta viết rằng Giáo hộ cổ xúy những thứ mê tín đó để kiểm soát người dân thường, bằng cách làm cho họ sợ. Những ý tưởng như thế gần như là thuyết vô thần, nhưng Campanella vẫn phát biểu liều lĩnh. Năm 1593 Ban thanh tra dị giáo quăng ông ta vào tù, sáu năm sau, bản án được giảm một phần, ông ta được quản thúc trong một tu viện ở Naples.
Vào thời kì này Italia chịu sự kiểm soát của Tây Ban Nha và Campanella lại dính dáng vào một âm mưu đánh đuổi quân xâm lược. Ông ta hy vọng thành lập một nền cộng hòa độc lập căn cứ trên những ý không tưởng của mình.
Các lãnh đạo ban thanh tra dị giáo Italia bắt tay với đồng nghiệp Tây Ban Nha tống giam Campanella, lần này đi kèm với tra tấn. Ông ta được nếm mùi la veglia: hai cách tay bị trói thúc treo ngược lên, phía dưới là hầm chông. Chống trọi lại nỗi đớn đau khi bị treo lên đã quá sức người, nói gì đến việc rơi xuống chông nhọn, vì vậy tinh thần của tội đồ hết sức khủng hoảng.
Suốt những năm đau khổ đó Campanella đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm về quyền lực. Đối mặt với khả năng tử hình vì dị giáo, ông ta thay đổi chiến lược: Không chối bỏ niềm tin của riêng mình, nhưng ngụy trang chúng dưới một bề ngoài khác hẳn.
Thoạt tiên ông giả điên, để cho các thanh tra nghĩ rằng những gì ông tin đều xuất phát từ một cái đầu không bình thường. Mặc dù ông vẫn tiếp tục bị tra tấn thêm một thời gian xem điên thật hay điên giả nhưng đến năm 1603 án tử hình giảm xuống còn chung thân. Trong bốn năm đầu ông bị xiềng cứng vào bức tường lạnh giá của xà lim ngầm. Dù vậy, Campanella vẫn tiếp tục viết.
Một trong những tác phẩm của ông là quyển The Hispanic Monarchy, cho rằng Tây Ban Nha mang mệnh trời để triển khai quyền lực khắp thế giới. Sách hiến một số kế kiểu Machiavelli cho vua Tây Ban Nha để ngài nhanh chóng đạt thành ý nguyện. Thật ra tác phẩm này chỉ là cái cớ để Campanella cho mọi người thấy rằng ông đã cải tà quy chính. Sáu năm sau, giáo hoàng trả tự do cho ông.
Không bao lâu sau, Campanella xuất bản quyển Atheism Conquered chỉ trích bọn độc lập tư tưởng, môn đồ chủ nghĩa Machiavelli, tín đồ Tin lành phái Calvin và nói chung là bọn vô thần dị giáo đủ loại. Theo cách trình bày trong sách, trước hết người dị giáo phát biểu quan điểm của họ, sau đó bị lý luận Công giáo cao siêu đả phá. Rõ ràng là Campanella đã cải tà quy chánh – quyển sách đã làm sáng tỏ việc này. Có thật sự vậy không?
Lập luận do những người dị giáo nói ra trong sách của Campanella chưa bao giờ hùng hồn khỏe khoắn đến như thế. Lấy cớ là trình bày ý kiến của bọn họ để dễ bề đả phá, thật ra Campanella tóm lược lập trường chống lại Công giáo với tất cả nhiệt huyết. Còn khi lý luận cho phe kia, được xem là phe mình, Campanella lại sử dụng những câu sáo ngữ ôi thiu và lý luận vòng vo rắc rối. Được trình bày ngắn gọn và hùng biện, lập trường phe dị giáo thật dũng cảm và chân thành. Còn lý luận dài dòng của Công giáo thật phát mệt và không thuyết phục.
Người Công giáo thấy quyển sách này lập lờ và không ổn, nhưng vẫn không thể kết tội nó là vô thần hay dị giáo. Nói cho cùng thì Campanella vẫn dùng y hệt những lý luận mà họ dùng hàng ngày. Tuy nhiên những năm sau đó quyển Atheism Conquered trở thành sách gối đầu giường cho giới vô thần, các môn đệ Machiavelli và những người tự do tư tưởng. Họ dùng những lập luận do Campanella viết sẵn để bênh vực những ý tưởng của mình. Phối hợp vẻ bề ngoài tuân thủ đúng phép tắc, với cách phát biểu niềm tin thật sự của mình để những người đồng tình có thể hiểu được, Campanella chứng tỏ mình đã thuộc bài.
Diễn giải
Đối diện với án tử hình, Campanella vạch ra ba bước chiến lược giúp ông giữ được sinh mệnh, thoát khỏi ngục tù và tạo điều kiện tiếp tục phát biểu niềm tin. Thoạt tiên ông giả điên, sau đó viết sách với nội dung hoàn toàn ngược lại những điều ông tin trước đó. Cuối cùng việc thông minh nhất là nghi trang tư tưởng mình dưới hình thức chống đối chúng. Đây là mánh khóe xưa cũ nhưng rất mạnh: Giả vờ phản bác các ý kiến nguy hiểm, nhưng trong quá trình chống đối , ta phát biểu và tuyên truyền chúng. Giả vờ tuân thủ tính chất chính thống đang được thời, nhưng những ai tinh ý sẽ hiểu ra lối biếm nhã bên trong. Ta bình an vô sự.
Trong xã hội có những tình trạng những giá trị hay tục lệ nào đó mất dần liên lạc với những động cơ nguyên thủy của chúng, từ đó trở nên ngột ngạt và áp đặt. Và sẽ luôn có người chống lại sự áp đặt ấy, nói lên những ý tưởng đi trước thời đại khá xa. Tuy nhiên như Campanella, ta sẽ không được lợi ích gì khi phát biểu lập trường của mình, nếu sau đó ta phải chịu cực hình khổ ải. Ở đây làm thánh tử đạo cũng vô ích, chẳng thà tiếp tục sống trong một thế giới đàn áp, thậm chí tìm cơ phát triển nó. Sau đó ta sẽ tìm cách tinh tế nói lên ý kiến của mình cho những người thông hiểu. Đàn gảy tai trâu chỉ thêm phần rắc rối.
Suốt một thời gian rất dài tôi không nói ra những gì mình tin, và cũng không tin những gì mình nói, và nếu đôi khi thật sự tình cờ phải nói sự thật tôi giấu sự thật ấy trong nhiều tầng dối trá rất khó phát hiện.
(Niccolò Machiavelli)
CỐT TỦY NGUYÊN TẮC
Tất cả chúng ta ai cũng nói dối và che đậy cảm tưởng thật của mình, vì tự do phát biểu tuyệt đối là điều bất khả về mặt xã hội. Từ khi còn bé ta đã tập tành che đậy những gì mình nghĩ, chỉ nói ra cho bọn nhạy cảm và đa nghi nghe những gì mà ta biết họ muốn nghe, cẩn thận để không làm mất lòng họ. Đối với hầu hết chúng ta, điều vừa kể trên là tự nhiên thôi – có những ý tưởng và giá trị mà đa số thiên hạ công nhận, do đó có cãi lại cũng không ích lợi gì. Chúng ta tin tưởng những gì mình muốn tin, nhưng bề ngoài thì lại phải mang mặt nạ.
Tuy nhiên có nhiều người xem sự kiềm chế đó là việc xâm phạm không thể chấp nhận đối với quyền tự do của họ. Họ có nhu cầu chứng tỏ rằng lập trường của họ chỉ thuyết phục được một số ít và làm mất lòng số đông. Lý do là vì hầu hết mọi người bảo lưu ý kiến và niềm tin của họ do xúc cảm hơn là tư duy. Thật ra họ không muốn làm lại mới từ đầu những thói quen suy nghĩ, và khi ta có nói điều gì trái ý họ, cho dù trực tiếp bằng lý luận hay gián tiếp bằng hành động, họ sẽ tỏ thái độ không thân thiện.
Những người thông minh và khôn ngoan sớm hiểu ra rằng mình có thể nói và làm theo quy ước nhưng thật ra trong bụng chẳng tin chút nào. Sức mạnh mà họ thu lượm được từ sự uyển chuyển đó là họ được yên thân để tùy ý muốn nghĩ gì thì nghĩ, và chỉ nói ra cho những người mà họ muốn nói ra, như thế tránh bị cô lập hoặc bị tẩy chay. Một khi đã thiết lập được vị trí quyền lực, họ sẽ chứng minh sự đúng đắn của tư tưởng mình cho cử tọa đông đảo hơn. Nếu cần, họ có thể sử dụng chiến lược của Campanella để nói bóng gió và biếm nhã.
Vào cuối thế kỷ XIV, dân Tây Ban Nha bắt đầu khủng bố ồ ạt những người Do Thái, ám sát hàng ngàn người và lưu đầy những người còn lại. Ai muốn ở lại Tây Ban Nha thì phải cải đạo. Nhưng suốt 300 năm sau đó, người Tây Ban Nha rất lo âu bởi một hiện tượng lạ: Nhiều người đã cải đạo tuy bề ngoài theo Công giáo những vẫn xoay xở để duy trì tín ngưỡng Do Thái giáo, vẫn hành trì ở chốn riêng tư. Họ bị gọi là hạng Marrano (nguyên chữ Tây Ban Nha là “heo”), nhưng vẫn leo lên đến nhiều địa vị quan trọng trong chính quyền, thiết lập quan hệ hôn nhân với giới quý tộc, vẫn chứng tỏ là tín đồ Công giáo thuần thành, nhưng chỉ đến cuối đời mới bị phát hiện là thực sự theo đạo Do Thái. Theo năm tháng, người Marrano đã thành thạo nghệ thuật giả vờ, công khai theo thập giá, tài trợ nhà thờ thật rộng rãi, thậm chí đối khi còn nói những câu bài – Do Thái – nhưng trong lòng vẫn duy trì tự do tâm linh.
Người Marrano biết rằng trong xã hội thì vẻ bề ngoài mới là quan trọng. Và điều này luôn đúng cho đến ngày nay. Như Campanella đã viết trong quyển Atheism Conquered, hãy ra vẻ phục tùng, thậm chí bạn có thể chứng tỏ mình cúc cung cho lý thuyết chính thống đang được thời. Như vậy ít ai ngờ rằng bạn có quan niệm trong chốn riêng tư.
Đừng suy nghĩ sai lầm rằng thời đại tân tiến này không đặt ra những vấn đề chính thống cổ xưa. Ví dụ như Jonas Salk từng tưởng rằng khoa học đã vượt qua chính trị và nghi thức. Vì vậy khi nghiên cứu thuốc chủng ngừa bại liệt, ông đã phá vỡ mọi quy ước – công bố khám phá trước khi trình bày với cộng đồng khoa học gia, xác nhận công lao mình đối với thuốc chủng ngừa mà không để cập đến những đồng nghiệp khác đã “lót đường” trước đó. Công chúng có thể yêu mến ông nhưng cộng đồng khoa học lại tẩy chay. Vì không tôn trọng những quy ước chính thống nên ông bị cô lập, nên sau đó ông phải mất nhiều năm để sửa chữa sai lầm và rất vả để tìm tài trợ.
Bertolt Brecht từng là nạn nhân của một dạng Ban Thanh tra dị giáo thời hiện đại – Ban điều tra và những hành động chống Mỹ của hạ viện. Nhà làm phim này có nhiều hành động táo bạo trong thời kỳ Thế chiến II, nên Ban điều tra buộc ông phải trình diện để trả lời về thái độ thân Cộng. Những văn nghệ sĩ khác bị trát đòi đều kiên quyết có những hành vi chống đối. Mặc dù thật sự có cảm tình với Cộng sản, song Brecht lại chọn thái độ mềm mỏng. Với những câu hỏi được đặt ra, ông đều có cách trả lời mơ hồ và nước đôi, sau đó nại cớ là thông dịch viên dịch không đúng để phản cung.
Sau khi thoát nạn ở Mỹ để trở về Đông Đức, ông lại phải đối đầu với Ban thanh tra bên đó vì họ cho rằng các vở kịch của ông có nội dung suy đồi và bi quan. Brecht cũng không cãi lại lời nào mà im lặng chấp hành những chỉ đạo sửa chữa. Nhưng mặt khác ông vẫn xoay xở để in ấn kịch bản nguyên xi, không thay đổi chữ nào. Nhờ trò hai mang này mà ông có thể tiếp tục sống và làm việc yên thân, trong khi vẫn trung thành với những ý tưởng của riêng mình.
Người tài năng không chỉ tránh làm mất lòng theo kiểu Pausanias hoặc Salk, mà còn đóng vai con chồn tinh khôn, giả vờ thuận theo xu thế chung. Bọn thầy lừa và chính khách của mọi thời đại luôn sử dụng mánh khóe này. Các lãnh tụ như Julius Caesar hay Franklin D. Roosevelt đã tạm gác tư thế quý tộc để duy trì lối ứng xử bình dân. Cử chỉ và lời nói của họ thường mang tính tượng trưng, chứng tỏ với dân thường rằng cho dù khác nhau về tầng lớp nhưng họ vẫn chia sẻ những chuẩn mực của quần chúng.
Khi đến với đám đông, bạn hãy cất những lập trường quan điểm riêng tư lại nhà và đeo vào cái mặt nạ thích hợp với tập thể mà bạn sinh hoạt. Bismarck từng chơi trò này suốt nhiều năm. Thiên hạ tưởng ông chia sẻ những quan niệm của họ. Nếu thực hiện kỹ lưỡng, bạn sẽ không bao giờ bị lộ tẩy.
Hình ảnh
Con chiên ghẻ. Đàn cừu lánh xa con chiên ghẻ vì không biết nó có thuộc đàn hay không. Vì vậy chiên ghẻ thường vẫn vẩn vơ ở phía sau hoặc đi lạc khỏi đàn, và cuối cùng bị sói xơi thịt. Bạn hãy luôn ngụ chung với đang, số đông sẽ giúp bạn an toàn. Hãy cất riêng những điểm dị biết chứ đừng để lộ ra ngoài.
Ý kiến chuyên gia
Đừng bỏ vật thánh cho chó cũng đừng quăng ngọc châu của mình cho heo kẻo nó giãy đạp, rồi quay lại cắn xé các ngươi.
(Jesus Christ, Mattbew 7:6)
NGHỊCH ĐẢO
Khi bạn đã có vị trí vượt trội rồi, thì mới nên chơi trội – khi bạn đã có vị trí quyền lực vững chắc bất khả lay chuyển và có thể phô trương sự cách biệt như là dấu hiệu khoảng cách giữa bạn với người khác. Với tư cách là tổng thống Mỹ, Lyndon Johnson thỉnh thoảng lại cho họp trong khi ông đang ngồi toa-let. Vì không ai khác có thể có “ưu tiên” đó nên Johnson có thể chứng tỏ ông có quyền bỏ qua mọi nghi thức và tế nhị dành cho người khác. Hoàng đế La Mã Caligula cũng từng làm như thế: Khoác một chiếc áo choàng tắm hoặc một áo xoàng của phụ nữ để tiếp khách quan trọng. Ông còn ngông đến độ cho mọi người bầu con ngựa của mình làm quan chấp chính. Nhưng cái giá phải trả là ông bị dân chúng ghét. Vì vậy ngay cả những người ở vị trí quyền lực tối cao cũng nên giả vờ theo khuynh hướng chung, bởi vì trước sau gì họ cũng cần đến sự ủng hộ của quần chúng.
Nhưng nói cho cùng thì đôi khi trời cũng dành một chỗ cho kẻ chơi ngông, kẻ đi ngược lại lệ thường và châm biếm những gì không còn sức sống trong nền văn hóa. Chẳng hạn như Oscar Wilde đã thành tựu được một loại quyền uy về mặt xã hội trên nền tảng sau đây: Ông tuyên bố rõ là mình khinh thị mọi lề thói thông thường. Cử tọa biết rằng khi diễn thuyết, ông sẽ thóa mạ họ và họ lại hoan nghênh hành động ấy. Đừng quên là ông có một thiên tài phi thường: Nếu không có tài năng làm mọi người vui thích và thú vị đó, sức chua cay của ông chỉ làm mất lòng mà thôi. Tuy nhiên chúng ta cũng nhắc nhớ rằng thói ngông cuồng ấy cuối cùng cũng làm hại ông.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.