48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 47: BIẾT CHIẾN THẮNG VÀ BIẾT DỪNG LẠI



Thời điểm vinh quang thường là thời điểm nguy hiểm nhất. Trong cơn sốt chiến thắng, lòng ngạo mạn và sự tự tin quá lố sẽ thúc đẩy ta vượt quá mục tiêu ban đầu, và khi đó ta sẽ còn tạo ra nhiều kẻ thù hơn là số mà ta vừa đánh bại. Đừng để thành công làm đầu óc ta quay cuồng. Không có gì thay thế được chiến lược và có kế hoạch kỹ lưỡng. Ta hãy đặt ra một mục tiêu, và khi đạt được rồi thì nên dừng lại.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Năm 559 TCN, chàng thanh niên tên Cyrus tập hợp một đạo quân khổng lồ từ những bộ lạc sống rải rác khắp Persia, rồi tiến công chính ông nội mình là Astyages, vua xứ Medea. Cyrus dễ dàng chiến thắng Astyages, tự phong vua xứ Medea và Persia, và bắt đầu dựng lên đế chế Persia. Chiến thắng nhanh chóng tiếp nối chiến thắng. Cyrus hạ Croesus vua Lydia, chinh phục quần đảo Ionia cùng các vương quốc nhỏ khác. Sau đó dẫn quân nghiền nát Babylon. Giờ đây mọi người gọi ông là Đại đế, Vua của Hoàn cầu.

Sau khi chiếm đoạt của cải thành Babylon, Cyrus ghé mắt về phía Đông, về hướng các bộ lạc Massagetai, dòng giống chiến binh do nữ hoàng Tomyris cầm đầu. Những bộ lạc này không có nhiều của cải như Babylon, nhưng Cyrus vẫn quyết tâm tấn công vì tin rằng minh là siêu nhân bất bại. Massagetai sẽ đại bại, đế chế của ông ta sẽ rộng thêm.

Cyrus đóng quân bên dòng sông Araxes, cửa ngõ dẫn vào vương quốc Massagetai. Nữ hoàng Tomyris phái sứ giả đến trao thư, đề nghị cả đôi bên đều rút quân để tránh một cuộc chiến tương tàn. Để tỏ thiện chí, nữ hoàng cho quân mình rút trước. Cyrus vẫn cho quân tiến sang bờ bên kia, hạ trại, sai quân dựng nhiều bàn tiệc dài, đầy ắp những cao lương mỹ vị cùng với rượu ngon, những thứ mà các bộ lạc bán sơ khai Massagetai chưa bao giờ biết tới. Chỉ để lại một toán quân nhỏ canh phòng, Cyrus lệnh đại quân rút về phía bờ sông. Chẳng mấy chốc, đông đảo quân Massagetai tấn công và giết hết toán quân nhỏ Persia, rồi sẵn rượu thịt, họ chè chén một bữa no say, sau đó lăn đùng ra ngủ. Đại quân Persia quay lại tấn công, tha hồ chém giết và bắt sống tướng soái Spargapises, con trai của nữ hoàng Tomyris.

Nghe tin này, nữ hoàng lập tức sai sứ giả đến dâng thư cầu hòa và cống nạp một phần ba lãnh thổ Massagetai, với điều kiện Cyrus trao trả tự do lại cho con bà và lập tức lui quân, nếu không bà thề sẽ làm cho máu đổ nhiều đến nỗi quân Persia uống không hết. Cyrus cả cười, từ chối trao trả người con và quyết định nghiền nát quân Massagetai.

Biết rằng sẽ không được thả, hoàng tử Spargapises tự sát vì không chấp nhận nỗi nhục bị giam cầm. Tin này vừa tới tai, nữ hoàng nổi trận lôi đình, quy tụ tất cả lực lượng trên khắp vương quốc, và xuất quân trong khí thế căm hờn.

Sau trận chiến khốc liệt và đẫm máu, sự phẫn uất đã thúc giục quân Massagetai chiến đấu, và cuối cùng họ tàn sát quân Persia, giết chết Cyrus.

Sau khi Cyrus qua đời, đế chế Persia tan rã. Chỉ một hành động ngạo mạn đã hủy hoại hết tất cả công trạng của một đại vương.

Diễn giải

Không có gì làm ra say hơn là men chiến thắng, thật không có gì nguy hiểm hơn.

Cyrus đã dựng xây cơ đồ trên nền tảng hoang tàn của đế chế cũ. Một thế kỷ trước đó, đế chế Assyria hùng mạnh đã hoàn toàn bị hủy diệt, cũng chỉ vì đi quá xa đến quên mất cả mục tiêu ban đầu đã đặt ra. Say men chiến thắng, người Assyria tàn phá tất cả đô thị nằm trên đường họ đi, tạo ra vô số kẻ thù, những người sau này đã đoàn kết lại để đánh bại họ.

Cyrus đã quên hay không biết bài học Assyria? Cho dù mọi người khuyên can, ông ta vẫn không ngại xúc phạm đến một nữ hoàng. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng đã khiến ông mất trí, che mờ hết lương tri. Thay vì củng cố một đế chế trên thực tế đã quá rộng lớn, ông vẫn muốn tiếp tục chinh phục vì tin vào khả năng bất bại của mình.

Bạn nên nhớ: Trong lĩnh vực quyền lực, hãy để lý trí hướng dẫn hành động. Đừng để một phút giây phấn khích phá hoại cả một công trình. Khi đã đạt đến thành công rồi, bạn hãy lùi lại một bước. Hãy thận trọng. Trong chiến thắng có phần không nhỏ của những điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt, vì vậy bạn đừng chỉ đơn thuần lặp đi lặp lại những động tác cũ. Lịch sử vẫn còn đầy ra đó những tàn tích của các đế chế liệt oanh, những thây ma của các lãnh đạo không biết dừng đúng lúc và củng cố những gì mình chiếm hữu.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Trong lịch sử, vị trí mong manh và bấp bênh nhất thuộc về vương phi. Vương phi không có nền tảng quyền lực thật sự hoặc chính thống nào để lui về nương tựa khi gặp rắc rối. Chung quanh nàng là hàng tá triều thần ganh tỵ nóng lòng làm cho nàng thất sủng. Và cuối cùng, vì nguồn quyền lực của nàng thường là vẻ đẹp thể xác, cho nên với hầu hết các vương phi, sự xuống dốc ấy là không tránh khỏi.

Vào giai đoạn đầu tiên khi mới lên ngôi, Vua Louis XV nước Pháp đã có nhiều vương phi, và mỗi người chỉ được chiếu cố chừng vài năm. Rồi đến phiên Madame de Pompadour, một cô gái trung lưu tên thật là Jeanne Poisson, mà khi mới lên chín tuổi, đã được thầy bói báo trước là sẽ trở thành đệ nhất vương phi. Đây chừng như là điều không tưởng, bởi vì hầu hết các vương phi đều xuất thân từ gia đình quý tộc. Tuy nhiên Jeanne vẫn tin lời thầy bói, và niềm tin trở thành nỗi ám ảnh. Cô gái bắt đầu học hỏi những gì mà một vương phi cần phải biết – âm nhạc, khiêu vũ, kịch nghệ, cưỡi ngựa – và ở môn nào cô cũng xuất sắc. Đến tuổi trưởng thành, Jeanne lập gia đình với một người quý tộc cấp thấp, nhờ đó nàng mới có quyền bước chân vào những salon sang trọng của Paris. Nét đẹp, tài năng, duyên dáng, và trí thông minh của nàng bỗng chốc được đồn xa.

Trở thành bạn thân của Voltaire, Montesquieu, và những bộ óc vĩ đại khác của thời ấy, nhưng Jeanne không bao giờ quên cái mục tiêu mà nàng đã vạch ra từ hồi còn con gái: chiếm đoạt trái tim hoàng thượng. Chồng nàng có một lâu đài trong rừng nơi nhà vua thường lui tới săn bắn, và nàng cũng thường xuyên lưu lại đó khá lâu. Quan sát đường đi nước bước của vua như diều hâu rình mồi, nàng quyết tạo điều kiện để cho vua “tình cờ” gặp, khi nàng đang bách bộ với chiếc váy đẹp nhất, hoặc dạo chơi trong cỗ xe lộng lẫy nhất. Sau đó nhà vua để ý nàng, tặng nàng những thú rừng vừa săn được.

Khi vương phi tại vị là nữ công tước Châtearoux vừa qua đời, Jeanne tăng nhịp tấn công. Nhà vua đến đâu cũng gặp nàng: Trong vũ hội hóa trang ở Versailles, tại nhà hát opéra, bất cứ nơi nào mà “định mệnh” đã run rủi hai người gặp nhau, nàng đều phô bày tài nghệ phong phú. Nhà vua không cưỡng nổi và cô gái trung lưu 24 tuổi trở thành đệ nhất vương phi. Và vì một số triều thần tức tối tại sao vua lại chọn một thiếu phụ tầng lớp thấp kém như vậy, nên ngài phong cho nàng chức hầu tước. Từ đó về sau, mọi người gọi nàng là Madame de Pompadour.

Nhà vua là loại người dễ dàng cảm thấy ngột ngạt bực bội khi buồn chán, vì vậy bà Pompadour hiểu rằng muốn quyến rũ ngài là phải giải khuây. Bà tổ chức nào là dạ tiệc, săn bắn, sân khấu, và tất cả những thứ nào làm đẹp lòng vua khi ngài bước ra khỏi giường. Bà trở thành mạnh thường quân, đồng thời là người cầm cân nảy mực cho mọi thời trang và phong vị toàn nước Pháp.

Với kẻ ganh tỵ, bà vuốt ve bằng cung cách lịch sự, duyên dáng, và quyến rũ. Điều bất ngờ là bà kết thân với hoàng hậu, yêu cầu Louis XV năng chăm sóc và đối xử tử tế hơn với vợ mình. Ngay cả hoàng tộc cũng phải miễn cưỡng ủng hộ bà Pompadour. Được nhà vua phong chức công tước, ảnh hưởng của bà càng lớn. Ảnh hưởng ấy lan rộng sang lĩnh vực chính trị, nơi bà thực sự là một bộ trưởng ngoại giao không danh nghĩa.

Năm 1751 khi đạt đến đỉnh cao quyền lực, bà Pompadour bị cơn khủng hoảng trầm trọng đầu tiên. Cơ thể bị suy yếu bởi gánh nặng của vị trí, càng ngày bà càng cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phòng the. Thông thường, đây là thời điểm mà một vương phi bắt đầu kết thúc sự nghiệp. Nhưng bà Pompadour có chiến lược khác: Khuyến khích vua lập ra một dạng nhà chứa, gọi là Parc aux Cerfs, ngay trên khu đất hoàng cung Versailles. Ở đó nhà vua trung niên có thể quan hệ với những giai nhân xuất sắc nhất vùng.

Bà Pompadour khôn khéo biết rằng vua không thể nào thiếu nét quyến rũ và sự nhạy bén chính trị của bà. Vì vậy bà không sợ gì một mỹ nhân 16 tuổi hoàn toàn không chút quyền lực, kinh nghiệm và sức hấp dẫn như mình. Bà không sợ bị soán mất vị trí trong phòng ngủ, khi và vẫn là người phụ nữ quyền lực nhất nước Pháp. Để củng cố vị trí đó, bà càng thân thiết hơn nữa với hoàng hậu, cùng đi dự thánh lễ với hậu. Tuy những kẻ ganh tỵ trong cung muốn hất chân bà Pompadour, song nhà vua vẫn duy trì vị thế cho bà, vì ngài cần đến tài vỗ an mọi sự của bà.

Diễn giải

Ý thức tính phù du của khả năng quyến rũ, một vương phi thường khi tất tả thực hiện mưu đồ sau khi được vua sủng ái: Trước hết cố gắng vơ vét tiền của càng nhiều càng tốt để lo hậu vận, sau đó thẳng tay trừng trị các đối thủ trong cung, nhằm bành trướng quy mô quyền lực. Nói tóm lại, vị trí bấp bênh đó thường buộc vương phi phải hành động theo lòng tham và oán hận, vốn thường là động cơ khiến nàng thất sủng. Madame de Pompadour thành công ngay chỗ kẻ khác thất bại, vì bà không thúc ép vận may. Thay vì trù dập triều thần, bà lại tìm cách lấy lòng họ. Bà không bao giờ để lộ tí lòng tham hay ngạo mạn. Khi không còn khả năng làm tròn bổn phận phòng the, bà hoàn toàn không phiền khi có người thay thế. Ngược lại bà tuyển những thôn nữ đẹp nhất vùng vào hậu cung cho vua giải trí, biết rằng trước sau gì ngài cũng chán vì các ả kia quê mùa kém trí.

Thành công thường làm lu mờ lý trí. Nó làm ta tưởng chừng mình bất bại, khiến ta quá nhạy cảm và khó thân thiện khi có người thách thức quyền lực. Thành công làm ta bớt đi khả năng thích nghi với tình thế. Dần dà ta sẽ nghĩ rằng thành công là nhờ nghị lực của mình, chứ không do chiến lược và kế hoạch. Đó là điều sai lầm.

Hãy bắt chước Madame de Pompadour, cần nhớ rằng khoảnh khắc vinh quang là khoảnh khắc mà ta cần vận dụng sự khôn ngoan và chiến lược nhiều nhất, nhằm củng cố cơ sở quyền lực, nhìn nhận vai trò của may mắn và hoàn cảnh đối với thành công, đồng thời cảnh giác trước mọi đổi thay trong thời vận. Chính lúc vinh quang là lúc ta cần áp dụng trò chơi của triều thần, đồng thời chú ý hơn nữa đến những nguyên tắc của quyền lực.

Mối nguy to lớn nhất xuất hiện vào khoảng khắc vinh quang.

(Napoléon Bonaparte, 1769-1821)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Quyền lực có nhịp điệu và khuôn mẫu của riêng mình. Chiến thắng trong cuộc chơi này là những ai kiểm soát được những khuôn mẫu và tùy nghi biến đổi chúng, và họ vẫn giữ vững nhịp điệu trong khi kẻ khác lại lạc bước. Cốt lõi của chiến lược là kiểm soát được điều sắp xảy ra, trong khi cơn phấn chấn của vinh quang sẽ làm ta mất quyền kiểm soát theo hai cách. Thứ nhất, ta thành công là nhờ một khuôn mẫu, mà ta lại có khuynh hướng lặp lại khuôn mẫu ấy. Ta sẽ cố chuyển động theo cùng hướng cũ mà không thèm dừng lại xem đó còn là hướng tốt nhất với ta hay không.

Thứ hai, thành công sẽ có chiều hướng làm mờ tâm trí, và ta bị tình cảm điều khiển. Tự cho rằng mình bất bại, ta sẽ hành động hung hăng hơn, có khả năng làm đổ vỡ tất cả sự vinh quang vừa đạt tới.

Bài học ở đây là: Người tài ba phải thay đổi nhịp điệu và khuôn mẫu, chỉnh sửa lộ trình, thích nghi tình thế, tùy cơ ứng biến. Thay vì để cho cái trớn tiếp tục đẩy mình đi tới, người tài ba sẽ biết dừng lại quan sát tình hình. Họ tự trấn tĩnh, tạo một khoảng lùi để suy xét tận tường mọi diễn biến, xem xét vai trò của hoàn cảnh và vận may đối với thành công. Tại các trường dạy cưỡi ngựa, câu nói được lặp đi lặp lại là ta phải có khả năng tự điều khiển trước khi điều khiển được con ngựa.

Trong cuộc chơi quyền lực, vận đỏ và hoàn cảnh luôn có vai trò không nhỏ. Điều này là tất yếu và làm cho cuộc chơi thú vị hơn. Nhưng cho dù ta có nghĩ như thế nào, thì vận may vẫn nguy hiểm hơn vận rủi. Vận rủi sẽ dạy ta nhiều bài học về tâm kiên nhẫn, phối hợp thời biểu, và chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Vận may làm ta lạc vào lối ngược lại, khiến ta tự hào cho rằng sự giỏi giang sẽ giúp mình chiến thắng. Chắc chắn thời vận sẽ đổi thay, và khi điều đó xảy ra ra sẽ hoàn toàn hụt hẫng.

Người nào liên tiếp thành công có thể bị nhiễm một loại sốt, và ngay khi cả họ cố trấn tĩnh thì cấp dưới lại ép họ vượt quá mục tiêu, sa chân vào vùng nước xoáy. Với dạng cấp dưới hay xúi giục như vậy, bạn phải có cách xử lý. Chứ nếu chỉ đơn giản ca bài tiết chế thì họ sẽ bảo mình yếu đuối và không biết nhìn xa trông rộng. Quyền lực của bạn có thể giảm nếu họ thấy bạn thắng rồi mà không dám đánh nữa.

Khi thủy quân của tướng Pericles liên tục chiến thắng trên vùng Biển Đen vào năm 436 TCN, nhân dân thành Athens vô cùng phấn khởi và thúc giục ông tiếp tục đánh nhanh đánh mạnh. Họ mơ ước chinh phục Ai Cập, nghiền nát Persia, tiến chiếm Sicily. Một mặt, Pericles điều tiết bớt các cảm xúc nguy hiểm của dân chúng bằng cách cảnh báo về mối nguy khinh địch. Mặt khác ông thỏa lòng họ bằng những chiến trận nhỏ mà ông biết chắc chiến thắng dễ dàng, đồng thời ra vẻ như để dành tổng lực cho chiến dịch to lớn sau cùng. Hậu thế chỉ biết được tài khéo léo của ông trong cuộc chơi này, sau khi ông qua đời, khi những kẻ mị dân khác lên cầm quyền, thúc đẩy Athens tiến công Sicily, và chỉ trong thời gian ngắn đã hủy diệt nguyên cả đế chế.

Nhịp điệu quyền năng thường khi đòi hỏi ta phải luân phiên sử dụng sức mạnh và mánh khóe. Quá nhiều bạo lực sẽ tạo ra phản ứng, quá nhiều mánh khóe, cho dù quỷ quyệt cách mấy, cuối cùng cũng lòi đuôi. Tại Nhật Bản hồi thế kỷ XVI, vâng lệnh sứ quân Oda Nobunaga, vị tướng (và là Nhật hoàng tương lai) Hideyoshi xuất quân và mang về chiến thắng vang dội khi đánh bại bạo quân vĩ đại của tướng Yoshimoto. Lúc ấy sứ quân muốn Hideyoshi thừa thắng xông lên nghiền nát thêm một kẻ thù hùng mạnh, nhưng Hideyoshi nhắc sứ quân nhớ một thành ngữ xưa: “Khi vừa thắng một trận đánh, nhớ thắt chặt dây buộc nón trận”. Hideyoshi cho rằng đây là lúc mà sứ quân nên chuyển từ sức mạnh sang mưu kế và nghi binh, tạo ra một loạt liên minh hỏa mù đẻ đâm bị thóc thọc bị gạo.

Những người vượt quá mục tiêu ban đầu thường là để làm đẹp lòng chủ nhân. Nhưng khi nỗ lực thái quá, chính chủ nhân sẽ nghi ngờ bạn. Đã nhiều lần, một số tướng lãnh dưới quyền vua Philip xứ Macedon bị thất sủng và giáng chức ngay sau khi chiến thắng vinh quang. Philip e rằng chỉ cần một vinh quang như thế nữa thôi, thì vị tướng kia sẽ trở thành kình địch của mình.

Khi phục vụ cho chủ, bạn nên khôn ngoan giới hạn các chiến thắng của mình, để cho chủ công hưởng hết vinh quang, đừng làm hắn ta chột dạ. Và bạn cũng nên lập ra một khuôn phép phục tùng nghiêm chỉnh để được hắn tin dùng. Vào thế kỷ IV trước công nguyên, một vị tiểu tướng dưới trướng thống soái Ngô Khởi[12] bỗng dưng hăng tiết lên, thúc ngựa xung phong khi chưa có pháo lệnh, và lúc quay về khoái trá ném xuống đất mấy cái đầu của tướng địch. Anh ta tự hào về tài chém tướng trong chớp mắt, nhưng Ngô Khởi tuyệt nhiên không ấn tượng. “Đúng là một vị tướng tài,” ông thở dài khi lệnh cho binh sĩ mang tiểu tướng kia ra chém đầu, “nhưng bất tuân quân lệnh”.

Còn một tình huống khác mà một thành công nhỏ có thể làm hỏng cơ may cho một thành công lớn hơn, đó là khi chủ nhân chiếu cố ta: Lúc ấy có thể là dại dột nếu ta đòi hỏi thêm. Ta sẽ bị đánh giá là dễ dao động – ta cảm thấy như thế là chưa đủ, và cố gắng vơ vét càng nhiều càng tốt khi có dịp, một dịp may có thể không lặp lại. Cách hay nhất là ta lịch sự đón nhận ân huệ đó rồi lui bước. Những đặc ân khác sau này sẽ tự đến mà ta không phải đòi hỏi.

Cuối cùng, điều quan trọng là biết chọn thời điểm để dừng. Điều gì đến sau cùng sẽ khiến mọi người ghi nhớ như một loại dấu chấm than. Lúc tốt nhất để dừng lại và ra đi là sau khi chiến thắng. Chứ còn tiếp tục thì hiệu quả sẽ giảm thiểu, thậm chí biết đâu sau đó ta bại trận. Đối với công tác thẩm vấn, giới luật sư thường khuyên “Luôn dừng lại sau khi chiến thắng.”

Hình ảnh:

Icarus rơi từ trời cao. Ông cha Dedalus đã dùng sáp dán lông vũ vào nhau để chế ra những cặp cánh giúp hai cha con bay thoát khỏi mê cung có quái thú Minotaur. Say sưa bay lượn, Icarus bay càng lúc càng cao, cho đến khi tia nắng mặt trời làm chảy sáp rớt lông, và anh ra rơi tòm chí tử.

Ý kiến chuyên gia:

Các vương tôn và những nền cộng hòa nên hài lòng với vinh quang, bởi khi muốn được thêm, họ thường thất bại. Việc sử dụng ngôn ngữ sỉ nhục nhắm vào kẻ thủ phát xuất từ sự ngạo mạn của vinh quang, hoặc từ ảo vọng chiến thắng, vốn cuối cùng sẽ làm người ta sai lầm cả trong lời nói và hành động, bởi vì khi ảo vọng này làm lý trí lu mờ, nó cũng khiến họ đi quá mục tiêu, và xui họ hy sinh một giá trị chắc chắn để đổi lấy điều được tin là giá trị hơn, nhưng thật bấp bênh.

(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

NGHỊCH ĐẢO

Như Machiavelli từng khuyên: hoặc là ta tận diệt kẻ thù, hoặc là tha cho nó toàn mạng. Trừng phạt nửa vời chỉ làm hắn tăng lòng căm hận và tìm cách báo thù. Vì vậy hễ đánh địch là đánh cho tan nát không thể tồn tại. Ta nên dằn lòng trong giây phút chiến thắng, nhưng như thế không phải để không nghiền nát kẻ thù, mà để đừng tiến công những đối thủ khác một cách vô ích. Ta không khoan dung với kẻ thù, nhưng cũng đừng tạo ra kẻ thù mới bằng hành động thái quá.

Sau khi chiến thắng, nhiều người tăng cường cảnh giác vì họ thấy là chiến thắng đã mang lại cho họ thêm nhiều của cải để canh chừng và bảo vệ. Ta cũng nên cảnh giác, nhưng đừng để sự cảnh giác này làm mình do dự, hoặc mất khí thế, mà chỉ dùng sự cảnh giác làm dây cương hãm bớt tính nông nổi. Cái khí thế này thường được đánh giá quá cao. Thành công là do ta, và nếu thành công nối tiếp thành công, thì đó là kết quả việc của ta làm. Chứ nếu tin vào khí thế, ta sẽ bị xúc cảm tác động, làm chậm các động tác chiến lược, và có khuynh hướng lặp lại những phương pháp cũ. Hãy nhường cái khí thế đó cho những ai không thể tin cậy vào điều gì tốt hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.