Amrita
15. 3 AM Eternal
Khi chúng tôi trở về đến Nhật thì đã là mùa đông, phố phường chìm trong hơi lạnh. Không hiểu sao tôi thấy Tokyo lại nhàn rỗi đến thế, nhàn rỗi nhưng sao không có núi rừng, biển cả để cho đôi mắt người ta được nghỉ ngơi. Đầu óc tôi chỉ nghĩ toàn những chuyện lan man như vậy. Việc làm thêm trước đây của tôi cũng không còn. Khi tôi về đến nơi thì ông chủ đã đóng cửa quán mất rồi. Nghe nói chuyến đi của tôi khiến ông ấy cũng nổi máu phiêu du và đã lên đường sang Jamaica. Tôi gọi điện đến đó mấy bận nhưng không ai nghe máy. Cuối cùng, đến ngày thứ ba, khi tôi đến tận nơi thì chỉ thấy ghi trên cửa “Tạm nghỉ một thời gian. Belize”. Ha ha ha… “Một thời gian” là thế nào mới được chứ?! Tôi cười thầm, đúng là mình đã quên mất rằng ông ta còn tùy tiện gấp mấy lần mình. Vẫn biết ngày này rồi sẽ đến, song tôi không nghĩ nó lại đến vào lúc này. Giờ thì tôi đã hiểu việc tôi chăm chỉ đến quán làm việc có ý nghĩa ghìm giữ máu phiêu du trong con người ấy đến mức nào. Tôi đứng lặng người trước cửa quán một lúc. Trời mùa đông xanh nhạt. Hàng cây trụi lá, vươn những cành khẳng khiu trên phố. Dòng người mặt áo len qua lại. Bỏ lại quán phía sau, tôi thẫn thờ bước đi. Tối hôm đó, tôi gọi điện cho người bạn của ông chủ quán.
– Nó ấy à, chẳng biết đi dự tiệc ở nhà ai, gặp một ông thầy bói từ Tây Tạng đến, nghe ông ấy nói kiếp trước nó là người Jamaica cho nên tốt nhất là qua sống ở bên đó, thế là khăn gói, đưa cả vợ con đi mất rồi. Chắc cũng phải một năm nữa nó mới về. Nó gửi lời hỏi thăm cháu đấy. Còn hứa sẽ viết thư nữa.
– Thế ạ?! Cháu hiểu rồi!
Miệng nói thế song quả thực tôi không hiểu Tây Tạng thì liên quan gì đến Jamaica. Chắc ông ấy lại ăn mặc theo lối hâm mộ nhạc Reggae đi dự tiệc nên tay thầy bói kia được dịp nói mò rồi. Tầm phào! Nhưng thật vậy sao?! Chia ly bao giờ cũng đến thật bất ngờ vậy sao?! Bình tâm lại, tôi mới nhận ra điều đó. Tôi với ông ấy biết nhau đã khá lâu. Từ hồi còn là khách của quán, cứ kéo cánh cửa ra là y như rằng thấy ông ấy đứng ở đó. Từ vòi nước bồn rửa, cách bày ly, đĩa đến không gian mà những điệu nhạc quen thuộc tạo ra, tất cả vẫn thân thuộc với tôi như mới hôm qua. Vậy mà tôi sẽ không bao giờ được đến đó nữa! Đêm trước khi chia tay, nghe Ryuichiro nói “Bọn mình vẫn là người ngoài mà. Nếu chia tay nhau ở sân bay rồi không bao giờ gặp lại nữa cũng chẳng có gì là lạ cả!” tôi cứ nghĩ đó chỉ là sự lo lắng của một anh chàng đang yêu. Nhưng tôi vẫn nhớ nét mặt nghiêm trang đến tức cười của anh. Chia tay là đây sao?! Giờ thì tôi đã hiểu điều đó. Sự bất ngờ này, cái cảm giác mất mát đến thẫn thờ này có thể xảy đến giữa bất kỳ ai với ai, vào bất kỳ lúc nào. Có lẽ Ryuichiro đã thấm thía điều này qua những chuyến đi. Chỉ có tôi là chưa biết. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu.
Vậy là tôi bắt đầu phải tính xem mình sẽ làm gì tiếp theo đây. Tôi vốn ghét việc văn phòng. Công việc đó khéo khiến tôi phát điên lên mất. Có lẽ tôi chỉ hợp với những việc không chính thức, kiểu như làm ở một quán nào đó mà tôi ưa thích hay làm lễ tân mà thôi. Trong nghề phục vụ khách, tôi không cho mình nhiều lựa chọn. Tạm thời, tôi đi bơi đều đặn và kệ cho bạn bè coi tôi là kẻ vô công rồi nghề. Mikiko có người yêu mới nên hẳn là không thiết gì bơi lội, còn em trai tôi, sau khi về nước, bắt đầu chăm chỉ tới trường, thành ra chỉ có mình tôi cần mẫn đi bơi. Cứ mỗi khi ngắm nhìn bầu trời những chiều đông trên đường đi bơi về, tôi lại nhớ Saipan, nhớ vợ chồng Kozumi và nhớ Ryuichiro đến thổn thức. Nơi đó có những người hiểu tôi. Và biển rực nắng chiều. Tôi thèm được ai đó biết tôi đang hiện hữu ở đây.
“Chị Saku,
Em vẫn khỏe.
Có chuyện này em muốn nhờ chị. Chị xin mẹ cho em một ít mơ muối được không? Anh Ryu ghét mơ muối nên lâu rồi em cũng không ăn! Chị có tưởng tượng được điều đó không, một đứa mà ngày trước cứ đến hè là chỉ có ăn mơ muối như em? Không biết đây có phải là cái mà người ta vẫn gọi là “hôn nhân” không nhỉ? Nói gì thì nói nhưng em vẫn thèm ăn mơ muối lắm. Hôm tới, khi mình gặp nhau, chị nhớ mang cho em nhé.
Chuyện này lẽ ra chỉ cần gọi điện thoại nhờ chị là được, nhưng em đang rảnh quá nên tự nhiên muốn viết thư. Cuộc đời diễn viên chỉ được ngủ có hai tiếng mỗi ngày mãi cho đến cách đây hơn hai năm đã khiến em không biết phải làm gì những lúc rảnh. Hồi đó, em chẳng bao giờ dạo phố một mình vì đi đâu cũng có chị quản lý đi cùng. Thế mà mãi sau này em mới biết, chị ấy cũng chẳng yêu quý gì em (Tất nhiên cũng không phải thù ghét gì! Em cũng không đòi hỏi vô lý bao giờ mà!) Tất cả chỉ là công việc. Bằng chứng là giờ bọn em không gặp nhau nữa. Chị ấy chẳng bao giờ muốn gặp lại em, theo kiểu bạn bè gặp lại nhau. Cứ nghĩ đến chuyện ấy, em lại thấy buồn. Từng ấy thời gian cùng ngủ, cùng bay, cùng ăn, cùng làm, vậy mà chẳng phải do quý mến gì. Thế mà hồi trước cũng chị chị, em em quấn quýt ra phết đấy.
Dạo này, em hay xem lại những phim mình đóng. Không biết đó có phải bệnh tự yêu mình không nữa. Vừa xem, em vừa nghĩ “Kém thật! Đúng là chẳng có chút tài cán nào!” Tất nhiên, anh Ryu không công nhận điều đó, lúc nào cũng bảo em có hồn và tạo được một không khí đặc biệt. Song đúng là em diễn kém thật. Biết làm sao được. Rút lui là sáng suốt. Nhưng em thấy mình trong phim thật lạ. Cứ như trong mơ ấy. Hóa ra con người này cười như thế, ngủ như thế, khi hạnh phúc trong vòng tay người yêu thì nét mặt như thế… Cứ thế, em có cảm giác như mình đang gặp một người thân thiết mà mình rất yêu quý. Nhưng đó lại là chính mình. Em chỉ muốn âu yếm ôm cô ấy vào lòng, và bảo rằng em rất mong gặp cô ấy.
Thôi, hẹn chị ngày kia nhé. Gặp chị, em sẽ chẳng nói những chuyện thế này đâu. Nhớ chị nhiều.
Mayu.”
Dọn dẹp giá sách, tôi sững người khi tình cờ thấy bức thư này của Mayu. Tôi không hề nhớ mình từng nhận được một bức thư như thế. Cú ngã đập đầu của tôi có lẽ cũng có một phần lỗi trong chuyện này. Hồi đó, tình trạng của Mayu cũng đã khá nghiêm trọng rồi. Nó chẳng thèm nghe lời bất cứ ai. Toàn bộ con người nó như đã cạn kiệt sinh lực chỉ để nói lên rằng nó đang hiện hữu ở đó, đừng quên điều đó. Mayu! Mayu vẫn ở đó! Nét chữ, câu chuyện… tất cả ùa về, với tầng tầng lớp lớp nhớ nhung, tràn ngập cả gian phòng. Tôi định bụng đưa bức thư đó cho mẹ tôi xem nhưng lại thôi. Tôi sợ điều đó sẽ gợi lại sự hối tiếc, rằng “Lẽ ra đã có thể ngăn được nó lại!” của mẹ tôi. Đến chính tôi, giờ đây vẫn còn cảm thấy bóng dáng của cái chết, cảm giác tuyệt vọng, sự khô héo, sự chờ mong khắc khoải. Người ta bao giờ cũng cảm thấy những cái mất đi lớn hơn nhiều lần những gì giành được. Chuyện đã vậy, nói sao mà chẳng được. Chỉ có một sự thực là đã không ai ngăn được điều đó. Thậm chí là còn làm nó xảy đến nhanh hơn.
Rảnh rỗi, tôi quyết định đi thăm Eiko. Từ hôm về, tôi cố ý chưa đến gặp vì sợ sau khi cô ấy ra viện, mọi người trong nhà sẽ còn mặt nặng mày nhẹ với nhau vài bữa. Và thế là Eiko gọi cho tôi. Có lẽ từ hồi học cấp ba đến giờ, tôi mới lại đến nhà Eiko. Nói “có lẽ” nghĩa là thực ra tôi chẳng còn nhớ gì cả. Nghe Eiko nói qua điện thoại “Từ hồi cấp ba đến giờ đấy nhé!” tôi mới hay mình đã có lần đến nhà cô ấy. Có lẽ cú ngã của tôi có lỗi cả trong chuyện này nữa nên quả thực, tôi chẳng còn nhớ tí gì. Vậy nhưng, khi đứng trước ngôi nhà ấy, đôi chân như nhận ra con đường và ký ức trong tôi bỗng ùa về như thác đổ. Tôi nhớ lại gấu chiếc váy hoa tôi mặc hồi đó, cả đôi giày Haruta (tên một thương hiệu giày của Nhật)… Bước trên lối đi rải đá giữa khu vườn rộng thênh thang, tôi đứng trước một cánh cửa bằng gỗ dày có gắn chiếc chuông cửa rất điệu. A, phải rồi, mình đã từng đến đây rồi mà. Mình đã từng trông thấy khu vườn này. Mình đã từng bước trên lối đi này. Tự nhiên tôi thấy thật vui, như thể mình đã ngủ xuyên thời gian đến lúc này mới tỉnh dậy và gặp lại chính tôi hồi cấp ba. Tôi như đang đi trong mơ và lạc đến một tòa lâu đài tuyệt đẹp. Tôi háo hức bấm chuông cửa và bà giúp việc, già hơn một chút so với hình dung của tôi, cùng mẹ Eiko bước ra. Hình ảnh đó càng làm tôi thấy mình giống Urashima (một nhân vật trong truyện thần thoại của Nhật Bản có lần tới thăm Thủy Cung và ở lại chơi vài ngày, khi trở lại mặt đất thì hàng chục năm đã trôi qua – ND) hơn và thất thần trong giây lát.
– Cám ơn cháu đã qua chơi! Mẹ Eiko mỉm cười và nói. Cha mẹ đúng là không biết phải làm gì những lúc như thế này. Mà con bé cũng cứ ở lỳ trong phòng, chẳng mấy khi ra ngoài đâu cháu ạ.
Một vẻ đẹp mặn mà, hoàn hảo đến không chê vào đâu được. Nhưng trong hoàn cảnh này, chính điều đó lại có vẻ không ăn nhập chút nào. Tôi chỉ đáp “Vâng ạ!” một tiếng rồi cứ thế đi thẳng lên phòng Eiko.
– Sakumi! Ôi… Nhớ cậu quá đi! Nói rồi cô ấy tinh nghịch ôm dính lấy tôi.
Một quần thâm phía dưới mắt, trông cô ấy hơi gầy đi một chút và chẳng có vẻ gì là khỏe mạnh cả, nhưng cái vẻ cứng cỏi thường thấy vẫn toát lên rất kiên nghị. Tôi có cảm giác, tuy tính cách rất giống với Mayu, cô ấy sẽ chẳng bao giờ gục ngã theo cái cách của nó, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Vậy thì cái gì làm nên sự khác biệt đó? Tôi cứ nghĩ mãi và trong đầu tôi hiện lên cụm từ “sự trưởng thành”. Điều đó quả là đáng buồn.
Bà giúp việc mang tới một bữa trà chiều đúng kiểu Anh trên chiếc bàn đẩy, với bình đựng đường bằng bạc, bộ đồ trà Wedgwood (tên một thương hiệu của Anh), mấy chiếc bích-quy và còn cả bánh sandwich nữa. Tuy miệng tươi cười nói cám ơn song khuôn mặt của Eiko vẫn có một vẻ gì đó rất u ám.
– Bị giam lỏng sao? Tôi vừa rau ráu nhai bánh sandwich vừa hỏi.
– Tớ có còn là trẻ con nữa đâu. Mà cũng đâu đến mức ấy! Eiko phá lên cười. Nhưng mà đi đâu, gặp ai cũng bị hỏi kỹ lắm, và nhất là cấm tiệt ngủ đêm ở bên ngoài.
– Đương nhiên rồi! Tôi cũng bật cười.
– Vậy sao?! Eiko cười theo. À, còn chuyện này nữa. Tớ sẽ đi Hawaii đấy. Cùng với mẹ tớ và dì tớ. Có lẽ chừng nửa năm… Các cụ gọi là để bình tâm trở lại!
– Dù để làm gì thì cũng đúng kiểu con nhà giàu rồi nhé!
Tôi bắt đầu nhớ lại cái cảm giác khó thở sinh ra từ sự choáng ngợp trước không gian trong ngôi nhà này. Ánh nắng nhạt của buổi chiều mùa đông rọi qua khung cửa sổ. Tấm rèm cửa rất thưa, nhìn rõ những bụi cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng trong vườn. Một con cá chép đỏ rực, tưởng như không thể đỏ hơn thế được, lượn dưới mặt nước ao lạnh lẽo. Lớn lên ở đây, được yêu thương ở đây, được nuôi nấng ở đây và chẳng bao giờ đủ cứng cáp để rời khỏi đây được. Thậm chí, tôi còn cảm thấy rằng mọi phiền não trong cuộc đời Eiko cũng từ đó mà ra cả.
– Đừng có nói với tớ thế chứ! Vì kể ra thì có phải tớ muốn đi đâu, mặc dù tớ cũng chẳng phản đối gì chuyện này! Eiko nói.
– Nhưng dù sao, tớ tin là cậu sẽ khuây khỏa đầu óc đấy! Nửa năm thôi mà, qua nhanh lắm! Cứ đến đó mà nghỉ ngơi cả đầu óc lẫn thể xác đi! Tôi nói. Vừa rồi tớ đi Saipan có hơn một tháng thôi mà thấy khỏe hẳn lên, cứ như vừa được tái sinh ấy! Trước hết là thay đổi khung cảnh. Chỉ thế thôi cũng đã thấy khác lắm rồi!
– Thế à? Vậy thì tớ cũng sẽ thử xem sao! Biết đâu đấy! Chẳng nghĩ ngợi gì, chẳng làm gì, chỉ suốt ngày mua sắm rồi lại bơi lội thôi! Kể cũng được đấy chứ! Cứ coi như đang báo hiếu các cụ vậy!
Mãi đến lúc này, Eiko mới thực sự mỉm cười. Quả là cô ấy rất mệt mỏi, và chắc chắn là đã rất sợ hãi. Khuôn mặt ngây thơ trong chiếc áo len Kashmir (áo len cao cấp làm bằng lông cừu Kashmir – ND) trắng muốt, mái tóc tết ba, trông cô ấy như một đứa trẻ, bé bỏng và yếu ớt. Cũng chính vì thế, tôi đã cố tình không đả động gì đến bạn trai của cô ấy mà chỉ nói cảm giác trong căn phòng trông giống như một khu vườn cảnh này, thời gian như đang uể oải trôi theo một cách rất riêng của nó. Còn cái tâm trạng hối hận buồn bã của Eiko thì dù có tới Hawaii hay bất kỳ nơi nào khác cũng khó mà mất đi được. Một lúc khá lâu sau đó, tôi mới gạn hỏi:
– Từ sau chuyện đó, cậu đã gặp lại anh ta chưa?
– Chưa!
Cô ấy đáp cụt lủn và mỉm cười như không muốn tôi hỏi tiếp chuyện đó. Thế nhưng, sau đó ít phút, chính cô ấy lại là người bắt đầu trước.
– Tớ chỉ không muốn để cho bố mẹ giải quyết mọi hậu quả, còn bản thân mình thì coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra thôi. Làm thế khác gì bọn mới lớn. Tớ muốn gặp để nói chuyện cho ra nhẽ nhưng khó quá!
– Tại sao?
– Sau một chuyện như thế, tớ không thể chường mặt đến công ty được. Tuy đã nói chuyện một chút qua điện thoại, nhưng tớ không đủ dũng cảm để hẹn gặp anh ấy. Nối lại quan hệ thì dễ thôi, nhưng chính tớ cũng chưa biết phải làm gì vào lúc này. Đầu óc cứ rối tung cả lên.
Tôi biết tính Eiko, dù thế nào, cô ấy cũng không thích nói thành lời những ham muốn của mình. Một khi đã nói ra miệng muốn gặp anh ta như vậy thì chắc hẳn cô ấy đang muốn điều đó đến phát điên lên mất.
– Nếu chỉ một chút thôi thì tớ sẽ giúp. Tôi nói.
– Bằng cách nào?
– Tớ sẽ xin phép ra ngoài đi dạo cùng cậu khoảng hai tiếng. Công ty cậu ở Ginza đúng không?! Cứ tính cả đi lẫn về mất khoảng bốn mươi phút thì vẫn đủ thời gian để gặp nhau. Sau đó tớ sẽ về cùng cậu cho bố mẹ cậu khỏi nghi. Còn ở công ty, tớ sẽ đăng ký tên tớ để gọi anh ta ra ngoài. Từng ấy thời gian chắc không đủ để bọn cậu tình tứ với nhau, nhưng nếu chỉ uống nước nói chuyện thì tớ nghĩ là đủ.
– Bụng dạ nào mà còn tính chuyện đó chứ! Nhưng… cậu sẽ giúp thật chứ? Eiko hỏi lại, mắt long lanh.
– Nếu chỉ một lần thôi! Tôi đáp.
– Bọn con đi uống cà phê và mua sắm một chút nhé. Sẽ về nhà trước giờ cơm tối! À, tối nay Sakumi ở lại ăn tối có được không hả mẹ?
Nghe Eiko nhẹ nhàng xin phép, cả mẹ cô ấy lẫn bà giúp việc đều tươi cười tiễn chúng tôi ra tận cửa. Đúng như tôi nghĩ, lên taxi là cô ấy nín thinh. Bị đâm bằng dao tất nhiên không giống một vở kịch. Nó có nghĩa là mình bị ai đó giết, một ai đó muốn lấy đi mạng sống của mình. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ tạo nên một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Mãi một lúc sau, cô ấy mới lên tiếng:
– Lâu lắm tớ mới lại đi xa thế này. Phố xá đẹp quá!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.