Amrita

3. (tiếp)



Đêm khuya, xong việc tôi về nhà thì thấy một lá thư của mẹ đặt trên mặt bàn trong bếp.

“Sakumi,

Nghe nói hôm nay con đi ăn okonomiyaki với Yoshio. Cám ơn con nhé. Thằng bé về nhà rồi. Sáng mai mẹ phải đi sớm (trường Yoshio mời) nên mẹ ngủ trước đây. Con cũng ngủ đi nhé.”

Đúng cái kiểu của mẹ, điều thực sự muốn nói ở trong dấu ngoặc đơn chứ không phải là cám ơn hay giục đi ngủ.

Mẹ đi rồi, tôi vừa định ngủ tiếp thì điện thoại reo. Nửa tỉnh nửa mơ, tôi đợi ai đó sẽ ra nhấc máy nhưng chuông cứ reo mãi mà chẳng ai ra cả. Phải rồi, lúc này tôi mới nhớ ra, cô Junko thì đã đi làm, Mikiko đến giảng đường, em trai tôi đi học, mẹ cũng đã đến trường nó rồi, nhà chẳng còn ai cả. Thế là tôi đành phải dậy, xuống cầu thang và nhấc máy.

– Alô! Alô! Một giọng phụ nữ không quen biết. Có chị Yukiko đấy không ạ?

Đó là tên mẹ tôi.

– Bây giờ mẹ cháu không có nhà. Tôi đáp. Lúc nào mẹ về, cháu sẽ nói lại. Xin lỗi, ai thế ạ?

– Người quen sơ của mẹ cháu ấy mà. À, cô xin tự giới thiệu, cô là Sasaki. Hôm trước cô nghe có người nói gần đây chị Yukiko lo phiền chuyện cậu con trai của mình nên cô gọi điện, định giới thiệu bác sĩ giỏi cho chị ấy ý mà.

– À, ra thế. Cháu sẽ nói lại.

Chuyện chẳng đâu vào đâu nên tôi ừ bừa cho qua chuyện. Không biết có phải bà ta nhận thấy trong giọng nói của tôi ý từ chối rõ ràng hay không mà vội vàng gửi lời hỏi thăm mẹ tôi rồi cúp máy. ở đời thật lắm kiểu người, tôi thầm nghĩ.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là loại chuẩn mực. Nào thì ngã chấn thương não, trí nhớ lờ mờ, gia cảnh phức tạp, bao nhiêu chuyện như thế, lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an. Cũng chính vì thế mà tôi chỉ toàn nghĩ đến những chuyện như ý nghĩa của cuộc đời, không những thế, những chuyện này tôi không muốn chia sẻ với người khác. Mà những chuyện như vậy, cứ im lặng thì đến một lúc nào đó người ta cũng sẽ cảm thông cho nhau. Đâu cần nói với nhau, đâu cần biết nhau. Nhiều khi thế lại làm hỏng mọi chuyện. Những chuyện quan trọng vẫn thường dần bị lãng quên ngay từ khi đang nói về nó. Chúng biến mất. Và rồi người ta thấy an tâm về chúng mặc dù mọi thứ thực ra chỉ còn lại lớp vỏ. Tôi có cảm giác như vậy.

Tôi còn một đứa bạn không bình thường gấp mấy lần tôi. Từ hồi nó ra nước ngoài, chẳng ai còn nghe tin gì về nó. Vốn mạnh mẽ, vui nhộn và là típ người có thể sống được ở bất kỳ đâu, hẳn là lúc này, dù đang ở đâu, nó cũng được mọi người xung quanh yêu mến. Nó có một đôi mắt kỳ lạ, lúc nào cũng long lanh, đến mức gây cảm giác nó có thể giết người bất cứ lúc nào. Nó có tới hai bà mẹ. Không biết có phải vì thế, hay vì nguồn năng lượng của một tính cách quá lạ lùng mà mặc dù là một đứa trẻ rất vui tính, nó không thể quen được với nền giáo dục phổ thông và lúc nào cũng ở sát lằn ranh của sự loạn trí. Từ trừ tà, tư vấn tâm lý, đến trị liệu thần kinh, nghe nói cái gì cũng đã thử hết cả. Tôi không rõ lắm, mà cũng chẳng muốn biết, nhưng nghe đâu hồi đó, nó còn theo học cả một lớp mà chính nó gọi là “học về ý nghĩa của cuộc sống với nhiều người”.

– Thế nào? Tóm lại là làm những gì? Nghe chuyện nó đi học được đúng một buổi rồi bỏ, tôi tò mò hỏi.

Tôi vẫn còn nhớ rõ tối hôm đó, hai đứa đã ăn và uống với nhau ở ngoài sân trời của một quán ăn nằm trên bờ vịnh. Một đêm cuối hạ, gió mang theo hương biển. Trên bàn chỉ có ánh nến, và mái tóc dài của nó vẽ lên hình gió đêm.

– Thế này nhé! Người ta bảo đó là những chuyện không được nói với người khác. Nó nói.

– Tại sao?

– Họ nói, những chuyện xảy ra ở đó là chuyện riêng tư chỉ của những ai có mặt ở đó, không được kể lại.

– Ồ! Nhưng cậu cứ thử nói một tý xem nào. Tôi vừa cười vừa nói.

Và thế là nó đáp lại:

– Ví dụ như… Để xem nào. Thỉnh thoảng lại có màn nói cho nhau nghe điều bí mật mà bản thân chưa từng nói với ai. Đến lượt tớ thì… Mà này nhé, người đó là một ông đã già và có vẻ rất hiền hậu, còn bí mật của tớ thì…

Và cứ thế, nó kể hết với tôi không chỉ nội dung của lớp học mà cả những bí mật có lẽ chưa từng kể với ai, trừ một ông nào đó mà tôi chưa từng biết mặt. Tôi bật cười vì cái vẻ hồn nhiên rất riêng của nó và hỏi:

– Thế… có gì khác không? Kết quả thế nào?

– Thế nào nhỉ? Chẳng hạn như đi làm muộn, bị sếp mắng cũng không sợ như trước nữa này!

Nó trả lời với một bộ mặt rất nghiêm túc. Còn tôi thì cười phá lên vì cái kết quả chẳng đáng kể gì mà nó vừa nói tới. Quả thực là tôi rất bất ngờ vì chuyện nó đã bỏ ra mấy trăm ngàn theo học lớp ấy mà kết cục là chẳng có tác dụng gì. Tôi biết trị liệu theo cách ấy, có người cảm thấy khá lên, có người cảm thấy xấu đi. Nhưng chỉ có nó là không có tác dụng gì. Đúng là nó có phần không bình thường thật, nhưng vẫn luôn tự quyết lấy mọi chuyện. Cái năng lực tự quyết ở nó mạnh trên mức cần thiết. Từ trang phục, đầu tóc, bạn bè, công việc, yêu và ghét, đến cả những thứ nhỏ nhặt nhất. Tôi có cảm giác hầu như chắc chắn rằng những cái đó tích lại sẽ tạo nên một khái niệm mà ta gọi là sự tự tin. Cứ nhìn nó sống lấp lánh như một ngôi sao, tôi lại thầm nghĩ, thật đẹp khi ta sống là chính mình, cho dù có thể vì thế mà phải gục ngã, và chẳng có gì đáng để người khác quyết định thay cho ta.

Khoảng hai giờ chiều, mẹ tôi trở về với một nếp nhăn giữa trán.

– Mẹ về rồi đây.

Nói rồi mẹ bước vào bếp và thả phịch người xuống ghế, không buồn cởi áo khác ngoài. Tôi pha một ấm trà mang đến và hỏi:

– Thế nào hả mẹ?

– Đúng là mẹ không thể nào chịu được mấy cái văn phòng. Từ xưa đã vậy. Bức bối chết được! Mẹ tôi nói.

– Yoshio sao thế ạ?

– Ai ngờ ở trường nó làm đủ trò. Đi học buổi có buổi không, trốn tiết ma-ra-tông, viết lách trong giờ học, thôi thì đủ thứ, chỉ nghe cũng đã phát mệt. Mà tất cả cũng chỉ mới bắt đầu gần đây thôi, từ khi nó trở thành ông đồng bà cốt đấy! Mẹ tôi nói.

– Mẹ à, nói huỵch toẹt kiểu ấy nghe ngộ quá! Tôi phá lên cười.

– Nhưng đúng là nó ngốc thật. Con và Mayu ngày trước có đứa nào như thế đâu. Mẹ tôi than.

– Nó không bị bạn bè trêu chọc chứ mẹ?

– Chuyện đó có lẽ không!

– Hừm…

– Nhà nào mà có lắm chuyện là bọn trẻ chịu đựng nhiều nhất. Đấy con xem, nó cứ ngốc ngốc làm sao ấy! Mẹ tôi lại nói. À, nhưng hình như khi kiểm tra, cu cậu luôn trúng tủ thì phải.

– Hay nó có năng lực khác thường gì đó… Mẹ có không nhỉ?

– Kiểu như giác quan thứ sáu á? Không đâu! Hồi bố con gặp tai biến mẹ cũng có cảm nhận được gì đâu. Con thì sao?

– Không hề!

– Vậy thì ở đâu ra nhỉ?

– Lạ thật!

° ° °

Phải chăng chuyện đó đến từ một nơi nào xa thẳm giữa đại dương hằng hà sa số các tổ hợp DNA? Hay từ một nơi nào đó trong sự kết nối của các tế bào thần kinh trong não thằng bé?

– À, nói ra mới nhớ, lúc nãy có một cô tên là Sasaki gọi điện cho mẹ đấy! Tôi chợt nhớ ra và nói mà chịu không đoán được mẹ tôi sẽ phản ứng ra sao.

Mẹ tôi vốn hay lắng nghe một cách nghiêm túc những lời khuyên chân thành của mọi người, nên đã đến mức đi nói chuyện đó với người ngoài thế này, ắt hẳn mẹ tôi cũng rất lo chuyện thằng bé. Có lẽ mẹ tôi ngại phải tự nói ra điều đó, tôi nhủ thầm. Nhưng nghe vậy, lúc đầu mẹ tôi ậm ừ, rồi nhướn mày và cuối cùng cười phá lên.

– Không biết mọi người làm sao cả rồi nhỉ? Mẹ tôi nói. Tại sao cả những người mình chưa gặp lần nào cũng đi lo cho con mình cơ chứ?

Nghe có vẻ buồn cười nhưng rất dễ hiểu.

– Gọi là rỗi hơi hay gọi là gì nhỉ…? Mẹ tôi nói rồi đứng dậy đi thay đồ.

Không hiểu tại sao nhưng tôi thấy an tâm vì chí ít mọi chuyện vẫn bình thường.

Rồi tôi bỗng nhớ ra một chuyện. Có lần tôi cùng với đứa bạn “Chẳng hạn như đi làm muộn, bị sếp mắng cũng không sợ như trước” và một cô bạn gái nữa, ba đứa đi Hồng Kông. Vốn ưa thoải mái, không thích bị ràng buộc, lúc ở Nhật, nó luôn cảm thấy không tự nhiên. Vì thế mà vừa mới ra nước ngoài, nó bỗng hoạt bát hẳn lên, như con cá quẫy nước. Bởi thế mà tôi và cả cô bạn còn lại đều yêu nó vô cùng. Trong căn phòng khách sạn sang trọng tưởng như không thể sang hơn, phía ngoài cửa sổ là trời đêm, ba chiếc giường mềm mại xếp thẳng hàng. Cô bạn đi cùng ngồi uống bia bên chiếc bàn lớn, tôi và nó thì vừa tắm xong, vẫn quấn khăn tắm nằm khểnh trên giường. Đúng vậy! Chúng tôi đã rất yêu và rất hiểu nó. Cả ba thao thao nói chuyện, nào kế hoạch hôm sau, nào chuyện chàng này chàng nọ. Bỗng nó ôm chầm lấy tôi, rồi gọi:

– Mama!

Tôi nghẹt thở, bèn vật nó xuống, đùa lại. Tất cả cảm xúc lúc đó hòa theo tiếng cười giòn tan. Giấy phút đó, cảm xúc ùa về, tràn ngợp, đến mức tưởng như sẽ không thể chứa đựng nổi nếu không để chúng tan chảy theo tiếng cười. Tất cả, tất cả những cảm xúc ấy, không thể nói bằng lời. Tất cả những gì chúng tôi cùng yêu thích, những gì chúng tôi cùng ghê sợ, những gì chúng tôi cùng nâng niu. Nếu là con trai, có lẽ tôi đã nhân cơ hội này mà ôm ghì lấy nó. Nếu tôi đang manng bầu, có lẽ tôi đã nhẹ nhàng xoa tay lên cái bụng to. Tuy chỉ trong giây lát, những cảm xúc ấy thật mãnh liệt. Chắc hẳn cô bạn kia cũng thế. Hồi tưởng lại tất cả những chuyện đó, tôi như muốn phát khóc với những xúc cảm dâng trào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.