Amrita
17. (tiếp)
– Được thôi! Chị em mình cùng đi nhé! Tiện thể, mình sẽ ăn món Trung Quốc ở khu phố Trung Hoa!
– Thật hả chị?!
– Sau rồi mẹ cũng sẽ biết chuyện thôi!
– Vâng!
Tôi đề xuất nhờ Ryuichiro lái xe đưa đi nhưng thành bé không chịu.
– Sao thế? Mà gần đây, em có vẻ không ưa anh ấy thì phải?! Tôi nói.
Quả là từ khi đi Saipan về, nó chẳng hề có ý định gặp anh ấy. Tôi nghĩ chắc nó ghen nên nói:
– Được rồi! Mình đi tàu điện vậy!
Thế nhưng, thằng bé vẫn có vẻ muốn nói thêm điều gì.
– Còn gì nữa?
– Chị có biết mình đang bị lừa dối không?
– Chuyện gì chứ? Em định nói anh ấy có vợ mà giấu chị sao?! Tôi bật cười.
– Không phải chuyện đó! Nó lúng búng.
– Chị tò mò rồi đấy! Em nói ra xem nào! Tôi thử hỏi dò.
– Chị đã biết chị Mayu từng hai lần phá thai để bỏ con chung với anh Ryu chưa?
– Chưa! Tôi đáp.
Tôi ngạc nhiên, vì thằng bé biết từ “phá thai” và nói ra miệng từ đó hơn là vì sự thật kia.
– Em sớm biết mấy từ đó sẽ chỉ tổ sớm làm khổ con gái nhà người ta mất thôi! Tôi vừa nói vừa nhủ thầm, đúng là chơi với bọn “Yankee” chẳng có gì là hay cả.
Rồi tôi nghĩ thêm. Thằng bé này đúng là có một khả năng thiên bẩm đối với thế giới siêu hình. Nó cũng biết cách để sử dụng khả năng đó. Không những thế, nó còn biết cách lay chuyển người khác để lôi kéo họ đồng tình với nó. Tôi không muốn dung thứ cho điều đó chỉ vì nó vẫn còn là trẻ con nhưng lúc này thì khác. Tôi cảm nhận được sự tế nhị, không muốn làm tôi bị tổn thương và một điều gì đó thật buồn ở nó.
– Lúc nào và tại sao em biết điều đó? Em nghe trực tiếp từ anh ấy sao?
– Xin lỗi chị nhé! Nó nói. Chị có sốc không?
– Không hẳn… Để chị nghĩ xem nhé!
Tôi nghĩ một lúc.
– Chuyện cũng lâu rồi… Vả lại, chắc tại chị Mayu không muốn giữ. Chị ấy chẳng muốn đứa trẻ nào khác ngoài em ra. Cũng có thể một phần là do chính chị ấy vẫn còn trẻ con. Dù sao thì lẽ ra anh ấy vẫn nên nói ra điều đó, còn hơn là cứ giấu kín đến chết. Còn chị, nói thẳng ra là thấy sốc về chuyện hai người bọn họ đã làm chuyện ấy với nhau kia. Dù rằng đó cũng là chuyện thường và chẳng có gì lạ!
Tôi thực sự nghĩ vậy và buột miệng nói hết ra với thằng bé.
– Sao chị lại bình thản thế? Em tôi hỏi.
– Vì em thực sự đã rất gắn bó với chị Mayu đấy! Tôi đáp.
Có lẽ thằng bé đã cảm nhận thấy nét nữ tính mà nó ngưỡng mộ ở Mayu chứ không phải ở người phụ nữ cứng rắn là mẹ tôi hay ở tính cách như con trai của tôi. Ngốc ạ, rồi sau này lại khổ vì đàn bà mất thôi, tôi nghĩ thầm. Tôi chỉ cố che giấu vẻ nữ tính của mình thôi chứ thực ra không phải tôi không có, nhưng những người đàn bà như Mayu sẽ cuốn đàn ông vào cái đầm lầy của bản thân mình và không để họ trốn thoát. Điều đó như một hệ thống, bởi nó sống với một nhân sinh quan rất riêng nên một khi đã cặp đôi với nhau thì dù có mệt mỏi đến đâu chăng nữa, người ta cũng sẽ không còn cảm thấy sự hấp dẫn của bất kỳ thế giới nào khác. Ở Mayu, chính vì không tự nhận thức được bản thân mà điều đó càng thêm phần đáng sợ. Mỗi lần cảm nhận được sự cám dỗ ở nó, tôi lại thấy mừng rằng mình không phải là đàn ông. Đó là cái kỹ năng không bao giờ mang lại sự yên ổn. Nó mất hết các bạn gái và chỉ còn cánh đàn ông giữ quan hệ với nó. Nó trở thành nữ hoàng trong một vũ trụ nhỏ bé mà ở đó nó một mình đau khổ, một mình tổn thương và trầm uất một cách vô thức. Giờ đây, tôi lại đang cặp đôi với chính người đàn ông đã bị cuốn vào chuyện đó, nhưng Ryuichiro vốn thông minh nên hẳn cũng đã cảm thấy tình yêu đối với số phận đau khổ đó của Mayu.
– Mà tại sao em biết chuyện đó? Vẫn chưa trả lời chị đâu đấy! Tôi nói.
– Em thấy trong mơ. Nó nói. Nhưng chuyện đó không phải là mơ đâu. Chị tin chứ?
– Em không phải hỏi đi hỏi lại chị câu đó nữa đâu!
– Em đã gặp chị Mayu!
Nó bắt đầu kể, rằng nó đã đến một nơi mà nó chưa từng đến, có một hành lang dài, những vòng hoa và rất nhiều căn phòng nhỏ. Có rất nhiều những tấm vải đủ màu sắc, có cả các bức vẽ quảng cáo nhưng cảm giác như đang nhìn từ phía sau. Đó có lẽ là phòng thay đồ sau cánh gà, tôi nhủ thầm. Hồi mới sống chung với Ryuichiro, có lần Mayu đã lên sân khấu. Đó là vở kịch được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của nó. Có lẽ em tôi đang nói đến phòng thay đồ của sân khấu ấy. Len lỏi qua những người đang chạy đi chạy lại, em tôi bước vào căn phòng có đề tên Mayu ngoài cửa. Mayu với bộ mặt trang điểm trắng xóa đang ngồi một mình trước tấm gương có gắn đèn, trên chiếc ghế nhỏ hình tròn, mặc một chiếc kimono có hoa văn bằng vàng. Đúng rồi! Tôi vẫn nhớ chuyện đó. Lần ấy Mayu đóng vai Phật Bà Quan Âm và trang phục do một nhà thiết kế khá nổi tiếng may cho. Nhớ chị, em tôi rất muốn chạm vào người Mayu nhưng không thể. Nó thấy sờ sợ khuôn mặt tươi cười và màu trắng tưởng như trong suốt ấy, và dù là trong mơ, không hiểu sao nó vẫn biết là Mayu đã chết rồi.
– Yoshio! Ngối xuống đi em! Mayu nhẹ nhàng nói.
Em tôi khẽ ngồi xuống. Hình ảnh Mayu càng cố nhìn cho rõ thì lại càng mờ, nhưng nếu cứ nhìn một cách bình thường thì rõ nét đến mức rực rỡ.
– Có hai đứa trẻ chưa bao giờ được sinh ra! Mayu nói.
Lúc đó, em tôi không hiểu ý nghĩa của những từ này.
– Chị chỉ tiếc mỗi điều đó thôi. Hãy nói với chị Saku là chỉ có thế thôi. Nói rằng chị cảm ơn vì khi ở trong rừng Saipan, hai người đã nhớ đến chị. Em nói thêm với chị ấy là chữ “saku” trong tên chị Saku không có nghĩa là trăng non đâu nhé. Nói cả với mẹ là bố rất tiếc vì mẹ đã quên mất điều đó. Chỉ cần mọi người biết thế là đủ. Em nhớ được không?
Thằng bé gật đầu.
– Em ngoan lắm. Lớn lên nhiều nhỉ! Mayu mỉm cười. Chắc chắn lớn lên em sẽ hạnh phúc.
Em tôi khóc. Nó biết Mayu đang phải cố kiềm chế.
– Em biết từ “đại đoàn viên” không? Mayu hỏi.
Thằng bé lắc đầu. Mayu cố hết sức giải thích cho nó:
– Chỉ cần nhìn thấy điều đó là chị mãn nguyện rồi. Thật đấy! Có thể một lúc nào đó chị sẽ lại được sống một lần nữa và lần này sẽ không vội vàng đâu. Chỉ tại chị đã quá vội vàng thôi, còn không ai có lỗi cả. Chị nghĩ thế đấy. Em cũng trưởng thành sớm quá. Phải cẩn thận đấy. Đừng có vội vàng như chị. Hãy nhìn thật kỹ những thứ như bữa cơm mẹ nấu, chiếc áo len mẹ mua cho em, khuôn mặt bè bạn trong lớp, ngôi nhà hàng xóm lúc phá đi xây lại… Những thứ đó ta sẽ không nhận ra khi đang sống, nhưng lúc ở sau cánh gà này lại nhìn thấy rất rõ. Bầu trời xanh, bàn tay có năm ngón, ta có cha, có mẹ, ta chào hỏi một người lạ gặp trên đường… Tất cả giống như ta đang uống một dòng nước mát. Ta không thể sống tiếp được nếu hàng ngày không uống dòng nước đó. Tất cả đều như vậy. Nếu không uống, nếu có tất cả những thứ đó mà không uống, ta sẽ chết vì khát. Chị ngốc nên không biết diễn tả thế nào nhưng đúng là thế đấy. Hãy nói với mọi người rằng chị không hối hận. Chị đã luôn làm tất cả bài tập hè chỉ trong một tuần đầu tiên, thậm chí đến cả việc viết nhật ký. Chị luôn ghen tỵ khi thấy mọi người luôn để nước đến chân mới nhảy. Nhưng chị vẫn luôn làm thế, vì lo sợ. Chị đã là một đứa trẻ như thế. Nhưng lần này chị sẽ không làm thế với nhật ký nữa, sẽ để ngày nào viết ngày ấy. Cái nóng và mặt trời mùa hè… chị sẽ đón nhận những gì thuộc về ngày hôm đó trong ngày hôm đó. Chị đã quá vội vàng. Chỉ thế thôi.
Em tôi khẽ gật đầu. Mayu cười và đứng dậy, đưa tay với chiếc ấm, định pha trà… Em tôi choàng tỉnh dậy. Mayu không có ở đó, chỉ có em tôi đang nằm trên giường.
Đó là toàn bộ câu chuyện về giấc mơ của em tôi. Ngồi trên tàu đi Yokohama, tôi im lặng và nghĩ mãi về ý nghĩa của giấc mơ đó. Phố đêm sáng rực qua ô cửa kính. Con tàu im lặng lắc lư, hướng tới đích của nó, chở theo cuộc đời biết bao người đang ngồi trên đó. Tôi chỉ thấy buồn, một nỗi buồn da diết khi nghĩ tới Mayu. Lúc này, trong tôi chỉ có điều đó. Có lẽ nếu tôi chết đi mà cũng không đến được chỗ nó, tôi sẽ mãi chỉ cảm thấy điều này mà thôi. Tôi nhớ nó, muốn lấy lại những gì đã qua và cảm thấy thật buồn. Tôi yêu nó, ghét nó, muốn được chạm vào nó. Cứ nối tiếp như thế. Quay vòng. Một vòng tròn khép kín.
Xuống ga, tôi gọi điện cho bố thằng bé. Ông ấy rất ngạc nhiên nhưng nói sẽ ra đón ngay vì không bận gì cả và hẹn gặp chúng tôi ở quán trà ngay đầu phố Trung Hoa. Không biết bao nhiêu năm nay tôi mới gặp lại ông ấy. Tôi hơi bồn chồn một chút. Tôi nhớ lại những tháng ngày một thiếu nữ phải gọi một người hoàn toàn xa lạ là bố, sống cùng một nhà mà vẫn phải giữ ý tứ đến cả quần áo khi đem giặt. Hai chúng tôi vui vẻ uống đủ các loại trà Tàu, ăn cả bánh trôi vừng trong lúc đợi. Rồi “bố” cũng đến. Ông mặc quần bò với áo len, trông rất trẻ trung nhưng nhiều nếp nhăn hơn so với hồi còng sống cùng chúng tôi và khung người hơi nhỏ đi một chút.
– Hai chị em cùng bỏ nhà đi cơ à?! “Bố” bật cười.
Nói rồi ông nhìn em tôi, hơi nheo mắt lại, nét mặt nở ra trông thực sự vui mừng. Nét mặt tươi vui này công hiệu hơn bất cứ thứ gì, tôi thầm nghĩ. Có lẽ em tôi đang cảm thấy thật tuyệt là mình đã lớn lên nhiều như thế trong những tháng ngày qua. Dù không nói ra lời rằng tuy ở xa nhưng bố vẫn rất yêu con, có lẽ em tôi vẫn cảm nhận được đầy đủ rằng bố nó đã nhớ nó đến mức nào.
– Yoshio lớn quá rồi nhỉ! Ông nói.
– Bố…! Trông thằng bé như sắp khóc.
– Sakumi trông khác quá! Có vẻ người lớn lắm. Bao lâu rồi nhỉ?!
– Có lẽ từ đám tang Mayu!
– Chuyện đó thật đáng tiếc. Mayu còn trẻ quá?! Nhưng chẳng lẽ không gặp nhau lâu thế rồi kia à? Bố không hề cảm thấy thế. Mẹ có khỏe không?
– Có ạ! Vẫn không có gì khác ạ!
Tôi thấy lạ là mình lại nói năng khách sáo thế. Dù đã sống cùng nhau nhưng khi không còn lý do nữa thì chỉ còn là một ông chú xa lạ. “Lý do” quả thật rất quan trọng.
Cái gia đình hờ ấy nhanh chóng đi vào khu phố Trung Hoa. Quả là một nơi cực kỳ náo nhiệt. Những khuôn mặt tươi vui của dòng người đi trên phố khiến tôi tưởng như đang đi giữa một lễ hội ở một xứ sở khác. Hai bên đường bày bán những món dum-sum (âm Hán Việt là “điểm tâm”, món ăn nhẹ dùng với trà trong ẩm thực Trung Hoa – ND) ấm nóng nghi ngút khói, còn trước cửa các quán hàng la liệt những nguyên liệu nấu nướng mà tôi cũng chưa thấy bao giờ. Tôi vô cùng thích khu phố Trung Hoa này, đến nỗi hồi bé, khi được đến đây lần đầu, tôi phấn khích đến chảy cả máu cam. Đến nỗi mẹ tôi bảo, thật ngược cả người. Sự náo nhiệt không tả được này làm sống dậy một cái gì đó thật nóng bỏng đang ngủ yên trong tôi. Những ánh đèn nê-ông sặc sỡ trên biển hiệu chồng chéo lên nhau, vẻ háo hức khó tả của những thực khách đến đây, trên mỗi con phố có biết bao nhiêu là cửa hiệu nhỏ nằm chen chúc và dòng người cứ trôi đi mãi… Nơi đây có một quốc gia thật khác, một trật tự khác. Tôi cảm thấy tò mò pha lẫn kính trọng. Đó là tâm trạng của tôi. “Bố” và em trai tôi khoác tay nhau. Cả khuôn mặt của “bố” đang say mê giới thiệu các cửa hàng và khuôn mặt của em tôi đang chăm chú lắng nghe đều sáng bừng lên. Thật tuyệt! Cứ như trong một giấc mơ ấy, tôi vừa lơ đãng bước đi vừa nghĩ thầm. Tôi cảm thấy một điều gì đó trên khuôn mặt của những người tôi yêu quý và cả của những người xa lạ đang đi trên phố. Vẻ đáng yêu, mùi hương của hoàng hôn, những chiếc ấm, những chiếc nồi nằm rải rác đây đó, ông, bà của những con người này, đám cưới và lễ xá tội vong nhân, những đất nước mà tôi đã đi qua, những món quà tôi đã mua ở đó… Mùi tanh nồng xộc lên từ mọi thứ. Trong nỗi nhớ nhung và những dư ảnh, nó vẫn còn đọng lại. Mùi vị của những nơi mà con người đang sinh sống. Tất cả đều có bố và có mẹ, đều thay bỉm cho con, đều cãi vã vợ chồng, và rồi cùng đến đây, đi trên con phố này… Dù là người giàu hay người nghèo, đêm đến, tất cả đều chui vào trong chăn, đón những giấc mơ. Hơi ấm nồng nàn của sự sống đó… Bây giờ tôi đang bước đi ở đây, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ chết đi và không còn trên đời này nữa. Ngay cả lúc ấy, có lẽ khu phố này cũng không hề thay đổi và vẫn náo nhiệt như lúc này. Điều đó mang đến cho tôi một cảm giác yên lòng và buồn kỳ lạ. Tôi cảm thấy mình như biến thành một chất khí và quên đi thân xác này, như thể chính mình cũng chỉ là một ảo ảnh, lang thang trên phố như lúc này và rồi sẽ tan biến.
– Bố vẫn dạy ở trường đại học chứ? Tôi hỏi mà như đang tan trong không gian.
Trong nhà hàng Trung Hoa bố đưa chúng tôi vào, tôi ăn no căng và đang bắt đầu ăn món sẳn tráng miệng thì nói đến chuyện đó.
– Ừ, bố vẫn chưa bị đuổi việc!
Ông nhiên cứu văn học Châu Á và có thể nói được rất nhiều ngoại ngữ.
– Hôm nào đó con sẽ đến thăm trường bố nhé! Em tôi nói.
– Đến lúc đó có lẽ bố đã nghỉ mất rồi. Giờ bố đã không còn đứng lớp nữa.
– Cuộc hôn nhân mới của bố có ổn không? Bố có kể là đã sinh em bé rồi nhỉ! Tôi hỏi.
– Anh em ruột của con sao? Em tôi hỏi với vẻ ngạc nhiên.
– Em gái một tuổi, tên là Shoko! Chữ Hán là Trang Tử đấy. Một cái tên rất đơn giản, thậm chí còn ngô nghê nữa!
– Có vẻ nó sẽ làm lớn đấy! Tôi vừa nói vừa nghĩ thầm, quả là một cái tên đơn giản thật.
– Tuy cùng lấy từ tiếng Trung Quốc nhưng tên em nó không ý nghĩa như tên Sakumi của con! Ông bật cười.
– Ôi! Tôi sững người. Có lẽ em tôi cũng nghĩ như tôi. Hai chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.
– Thế chữ Saku trong tên con không phải là trăng khuyết, trăng non hay sao? Con nghe mẹ nói thế mà! Tôi hỏi.
– Không phải bố đặt tên đó cho con nên cũng không chắc lắm, nhưng chuyện bố nghe lại khác cơ. Có lẽ mẹ con quên hoặc nhớ nhầm đấy!
– Thế bố có biết nghĩa là gì không? Tôi hỏi tiếp.
– Bố không chắc là mình biết rõ, nhưng hẳn con còn nhớ bố con là người rất hay đọc sách kinh tế? Những sách dạy người ta cách thành công trong cuộc đời hay đại loại thế. Nghe đâu ông lấy từ trong sách đó ra đấy. Đó là một điển cố của Trung Quốc mà bố cũng biết nên vẫn còn nhớ!
– Điển cố thế nào ạ?
– Xưa, ở nước Hán có một dị nhân tên là Đông Phương Sóc. Không hiểu tại sao người này rất được Hoàng đế yêu mến. Song ông ta không hề coi trọng những tặng phẩm vua ban. Nhận được lụa quý, ông ta vắt lên vai ngông nghênh đi lại. Nhận được thịt ngon, ông ta bỏ vào túi cạnh sườn, để bẩn bê hết. Nhận được tiền bạc, ông ta đem cho con gái hết. Một người như vậy đấy!
– Thế thì có gì là hay đâu!
– Không! Đoạn sau đó mới hay đây này! Thấy thế, những người xung quanh đều bảo ông ta là đồ dở hơi, đồ dị hợm. Nghe vậy, ông ta bèn đáp “Không đâu! Cổ nhân ẩn thân trên núi cao, nay Sóc đây ẩn thân trong triều đình đó thôi!” Chuyện như vậy đấy!
– Con vẫn chẳng thấy hay ở đâu cả! Tôi nói. Tôi hiểu ý của câu chuyện nhưng vẫn chưa hiểu Mayu muốn nói điều gì.
– Em thấy trăng non nghe lãng mạn và nữ tính hơn! Em tôi chêm vào.
– Nhưng bố thấy con hợp với cái tên ấy đấy! “Bố” nói.
– Con cũng hơi hiểu một chút! Em tôi nói.
– Tất nhiên là con hiểu ý của câu chuyện, nhưng… Tôi đáp.
Tôi hiểu rất rõ ẩn ý của câu chuyện, nhưng còn một chi tiết chưa ăn khớp. Là sự sẻ chia nhỏ nhoi mà Mayu mong mỏi ở tôi.
– Vậy là được rồi! “Bố” tôi nói.
Tôi vẫn nhớ ông là một người cả ghen. Hồi sống với mẹ tôi, tôi có cảm tưởng ông không được nghỉ một giây nào. Còn giờ đây, trông ông có vẻ điềm tĩnh và đầy tự tin. Tôi không muốn nghĩ rằng những ngày ông sống với mẹ tôi là một sự nhầm lẫn, nhưng hẳn là bây giờ ông đang sống ở một nơi mà ông cảm thấy rất dễ chịu. Em tôi thay đổi hẳn tâm trạng và cười hồn nhiên đúng như một đứa trẻ. Sự phản ứng ngay lập tức này, sự cảm thụ nhanh chóng này chính là nhờ sức trẻ. Khi tiễn chúng tôi lên taxi, bố còn nói đi nói lại với chúng tôi “Nhớ lại đến nữa đấy!” và dặn người lái xe “Bác đi giùm lối qua cầu trên vịnh nhé!” rồi ông đứng đó, vẫy tay mãi. Vậy là đến tận phút cuối, em tôi cũng chẳng hỏi bố mình một câu nào đặc biệt. Nhưng điều nó định hỏi có lẽ sẽ như thế này: “Bố có nghĩ con là con của bố không?” Và nó đã có câu trả lời từ nét mặt tươi cười ngay lúc đầu và cái vẫy tay thật dài sau cùng của ông. Riêng tôi, quá xúc động trước những điều đó, tôi có cảm giác như mình đã đi một chuyến rất xa, cùng với em trai tôi, đến một nơi tít tận đâu đó. Tâm trạng này càng trở nên mãnh liệt hơn khi xe chạy qua cầu trên vịnh trong đêm. Bóng cây cầu được chiếu sáng lung linh hình chữ “H” nổi bật trên phố cảng. Những con tàu say ngủ trên cảng lặng lẽ soi sáng mặt biển đêm. Những ánh sáng đỏ, cam, trắng, cái xa, cái gần. Những con đường hình xoắn trôn ốc… Những dải sáng xinh đẹp nối đuôi nhau… Lướt trên con đường đó, tôi có cảm giác như mình đang di chuyển trong ánh sáng. Tất cả làm nên một cảnh đêm huy hoàng và chúng tôi lướt đi giữa không gian đó.
– Như đi giữa dải Ngân Hà ấy! Em tôi nói thật to. Chị đến đây bao giờ chưa?
– Rồi chứ!
Tôi đã đến đây biết bao lần. Nhưng đêm nay là đẹp nhất. Hơn rất nhiều so với tất cả những lần trước cộng lại.
– Như đi du lịch ấy! Em tôi lại nói.
Trong lúc chúng tôi còn đang say sưa, xe lao ra khỏi vòng xoáy ánh sáng ấy và bắt đầu tiến vào đường cao tốc. Cái cảm giác đó, cảm giác thật da diết khi nhớ lại một khoảng thời gian tuyệt diệu nào đó, chính là những chuyến đi.
Về đến nhà, tôi gọi điện cho Ryuichiro nhưng chưa thể nói chuyện của Mayu ra được. Tôi định bụng đến lúc gặp rồi sẽ nói. Vì vậy, tôi chỉ kể chuyện xuất xứ tên của tôi ra thôi. Nghe xong, Ryuichiro phá lên cười ha hả. Thậm chí khi nghe tôi nói, nghiêm túc lên một tí nào, anh cũng vẫn tiếp tục cười. Tiếng cười sảng khoái của anh lúc này, cũng như điều mà bố tôi mong đợi khi đặt cho tôi cái tên này có lẽ chưa hẳn là điều Mayu muốn nhắn nhủ tới tôi nhưng tôi cảm thấy thật vui
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.