Công Viên Khủng Long Kỷ Jura
2. NEW YORK
– Ồ rất thú vị. Xác bị ăn dở của con kỳ đà Costa Rica chưa xác định được chủng loại. – Cô ta nhăn mũi – Có việc làm rồi đây, tiến sĩ Richard ạ.
Richard bước đến xem xét mẫu vật mới gửi đến. Ống chứa mẫu nghiệm bằng nhựa trắng có dung tích hai lít rưỡi. Nắp kim loại vặn có khóa cài. Ống dán nhãn “Bình mẫu nghiệm sinh vật quốc tế” và lời cảnh cáo Nhãn này giữ cho ống khỏl bị những nhân viên quan thuế tò mò mở xem.
Rõ ràng là lời cánh cáo có tác dụng; khi quay đèn chiếu rọi xem, Richard thấy dấu niêm phong còn y nguyên. Ông mang găng tay plastic và bao che mặt. Ông phải cẩn thận thế vì gần đây, phòng thí nghiệm phát hiện ra là các mẫu nghiệm thường bị nhiễm vi trùng bệnh sốt ngựa ở Venezuela, bệnh viêm màng não Nhật, vi khuẩn vùng rừng Kyasanur, vi khuẩn Laugat và Mayaro. Rồi ông mở nắp.
Có tiếng xì xì do hơi thoát ra và khói trắng bốc lên. Bình chứa trở nên lạnh băng. Trong bình là một túi plastic có khóa kéo chứa một thứ gì đó màu lục. Richard trải một tấm khăn giải phẫu lên mặt bàn và dốc túi plastic cho vật mẫu rơi ra. Một miếng thịt tươi đông lạnh rơi xuống bàn với một tiếng bịch khô khan. Cô kỹ thuật viên nói:
– Ô, trông như thứ gì ăn dở.
– Đúng thế. Họ muốn chúng ta làm gì đây.
Cô kỹ thuật viên xem giấy tờ kèm theo:
– Kỳ nhông hoặc kỳ đà đang cắn trẻ em địa phương. Họ cần nhận dạng chủng loại và tìm xem có bệnh truyền qua vết cắn không. – Cô đưa ra bức vẽ một con kỳ đà, ký tên Tina bên trên – Một trong mấy đứa trẻ đã vẽ con vật.
Richard liếc nhìn bức vẽ:
– Rõ ràng là chúng ta không thể xác định được chủng loại, nhưng có thể kiểm tra xem nó mang bệnh gì khá dễ dàng nếu chúng ta có thể có được một ít máu của con vật. Họ gọi là con gì vậy?
Cô kỹ thuật viên đọc:
– Basiliscus amoratus, với chân ba ngón đột biến dị thường.
– Ô kê. Chúng ta bắt đầu thôi. Trong khi chờ tan, hãy chuẩn bị chụp X-quang và ảnh màu polaroid cho vào hồ sơ. Khi lấy được máu, bắt đầu tìm các vi khuẩn gây bệnh cho đến khi có kết quả. Cho tôi hay nếu có vấn đề gì.
Trước giờ ăn trưa, phòng thí nghiệm đã có câu trả lời. Richard Stone ghi là “không đáng lưu ý” trong bản Fax do kỹ thuật viên gửi đi cho tiến sĩ Guitierrez tối hôm ấy.
Không có câu trả lời cho việc nhận dạng chủng loại con kỳ đà. Việc này phải để giáo sư Edward Simpson. Ông ta còn nhiều tuần nữa mới trở về và thư ký của Guitierrez yêu cầu phòng thí nghiệm bệnh nhiệt đới vui lòng cất mẫu nghiệm vào phòng lạnh. Richard lại để mẫu nghiệm vào túi plastic và cất vào ngăn đông.
Tiến sĩ Guitierrez đọc bản Fax ngắn gọn.
ĐỀ TÀI: Basiliscus amoratus đột biến dị thường.
(Do văn phòng giáo sư Simpson gửi đến)
MẪU NGHIỆM: phần thân sau, thú? bị ăn dở.
PHƯƠNG THỨC THÍ NGHIỆM: X-quang hiển vi điện tử, RTX vi rút, vi khuẩn, vi sinh
KẾT QUẢ: Không có bằng chứng gây bênh cho người.
Ký tên
Tiến sĩ giám đốc: Richard Stone
Guitierrez đặt hai giả thiết căn cứ trên lời ghi. Thứ nhất, việc nhận dạng con vật là loài kỳ nhông amoratus của ông đã được các nhà khoa hoc ở Đại học Columbia xác nhận. Thứ hai, sự vắng mặt tác nhân gây bệnh trong con vật có nghĩa là chẳng có gì nguy hiểm cho sức khỏe của dân Costa Rica. Ông cảm thấy quan điểm đầu tiên của mình là đúng: một chủng loại kỳ nhông mới bị đuổi khỏi rừng rậm đến một môi trường sống mới, và đang tiếp xúc với dân làng. Guitierrez tin chắc rằng vài tuần lễ nữa loại kỳ nhông này sẽ sống ổn định và thời kỳ cắn trẻ con sẽ chấm dứt.
Bà Morales mở cửa. Đứa bé mới sinh nằm trong chiếc nôi gỗ liễu, đắp chiếc chăn nhẹ, chỉ hở mặt. Xung quanh thành nôi, ba con kỳ đà màu lục đậm bám vào song chắn, miệng há rộng. Khi thấy bà Morales cả ba con cùng ngúc ngoắc đầu; nhìn bà chòng chọc trong ánh đèn rọi, bà Morales thấy máu ra từ miệng chúng. Kêu lên mấy tiếng chíp chíp nhỏ, một con hạ thấp đầu, và với một cái giật nhẹ, rứt ra một miếng thịt tươi trên thân thể đứa bé.
Bà Morales bổ nhào tới, hét lên, và cả ba con vật chạy biến vào đêm tối.
Trước khi đến được bên chiếc nôi, bà đã kịp nhận biết điều gì đã xảy ra, khi nhìn vào mặt đứa bé, bà biết nó đã chết. Ba con kỳ nhông chạy tản trong đêm mưa, kêu chíp chíp, để lại những dấu chân ba ngón như dấu chân chim.
Phòng thí nghiệm ở San José phân tích mẫu nghiệm nước miếng dính ở tay Tina Bowman đã phát hiện nhiều điều đáng chú ý. Đúng như dự đoán, có một lượng serotonin. Nhưng giữa những protein nước miếng có một con quái vật thật sự: khối lượng phân tử lên dến 1980, một trong những protein lớn nhất được biết đến. Hoạt động sinh hóa của chất này vẫn đang được khảo sát, nhưng đấy dường như là một chất độc gây hại cho thần kinh liên quan đến nọc rắn Cobra ở Ấn Độ, mặc dầu cấu trúc phân tử còn rất sơ khai.
Phòng thí nghiệm còn tìm ra dấu vết của một lượng lớn chất gamma-amino methionine hydrolase. Vì loại enzyme này chỉ hiện diện trong kỹ thuật di truyền, không bao giờ tìm thấy ở thú vật hoang dã, các kỹ thuật viên cho rằng đây Ià do nhiễm độc ở phòng thí nghiệm và không báo cáo điều này khi họ phôn cho bác sĩ Cruz, người cần biết sự việc ở Puntaneras.
Những mảng thịt kỳ đà nằm lại trong tủ lạnh của phòng thí nghiệm Đại học Columbia, chờ tiến sĩ Simpson về, ít nhất một tháng nữa. Và như thế sẽ chưa có gì xảy ra, nếu không có một kỹ thuật viên tên là Alice Levin đi vào phòng thí nghiệm. Chị thấy hình vẽ của Tina và nói:
– Ô, nhỏ nào vẽ con khủng long thế này?
– Cái gì? – Richard hỏi, chầm chậm quay qua chị kỹ thuật viên.
– Con khủng long. Không phải con khủng long đấy sao. Thằng nhỏ nhà tôi vẫn thường vẽ.
Richard nói:
– Đây là con kỳ đà. Ở Costa Rica. Một cô bé nào ở đấy vẽ.
Alice lắc đầu:
– Không phải. Giáo sư nhìn xem, thật rõ ràng, cái đầu này, cái cổ dài này, đứng trên hai chân sau, cái đuôi dài, to này. Đây là con khủng long.
– Không thể. Nó chỉ cao có ba tấc thôi.
– Thế à? Vậy thì đây là con khủng long con. Tin tôi đi. Tôi có hai thằng em trai, tôi biết rõ khủng long lắm. Những khủng long nhỏ thường không cao quá ba tấc. Có tên gọi là teenysauries hay gì đó tôi không biết.
Richard nói:
– Cô không biết. Đây là hình vẽ của một con vật đang sống. Họ có gửi cho tôi mấy miếng thịt của nó. Trong ngăn lạnh ấy. – Richard đến tủ lạnh lấy bao plastic và rũ mấy miếng thịt rơi ra.
Alice nhìn vào phần thịt ở chân và đuôi mà rùng mình. Chị ta không dám sờ đến.
– Tôi không biết. Nhưng những thứ tôi nhìn đây đúng là của một con khủng long.
Richard lắc đầu:
– Không thể thế được.
– Tại sao? Nó có thể là một con con còn sót lại, hay nó là dấu vết hậu duệ của loài khủng long, hay là cái gì đó tùy mấy người gọi.
Richard tiếp tục lắc đầu. Alice không được thông tin. Chị ta chỉ là kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm vi trùng học ở phòng dưới. Và chị ta có trí tưởng tượng khá phong phú. Alice nói:
– Tiến sĩ biết đấy, nếu quả thật đây là một con khủng long thì có thể là một sự việc lớn đấy.
– Nó không phải là một con khủng long.
– Đã có ai kiểm tra xem chưa?
– Chưa.
– Thế thì hãy đem nó đến Bảo tàng lịch sử thiên nhiên hay nơi nào tương tự. Tiến sĩ nên làm đi.
– Làm thế thì buồn cười và kỳ quá.
– Tiến sĩ muốn tôi đưa nó đi giúp ông không?
– Không. Tôi không định làm thế.
– Ông sẽ không làm gì cả à?
Richard bỏ vật mẫu vào bao, đặt vào chỗ cũ ở ngăn lạnh, đóng mạnh cửa:
– Đấy không phải là khủng long, đấy là con kỳ đà. Và cho dù là con gì thì nó cũng phải chờ cho đến khi tiến sĩ Simpson từ Bornéo trở về nhận dạng. Chỉ có thế, Alice à, con kỳ đà khủng long chẳng đi đâu được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.