Công Viên Khủng Long Kỷ Jura
6. CÔNG VIÊN
– Không, không cần. – ông bảo – Chỉ dây thừng thôi, Carlo. Chúng ta không cần phải cưa nó đi.
Ông quay trở lại nhìn hàng rào. Thoạt tiên, rất khó khăn họ mới tìm thấy khoảng bị hư hại ngắn này, và chẳng có gì nhiều để thấy: một cây xương rồng lớn tựa vào hàng rào. Đó là một trong những cây được trồng ở vùng này trong công viên. Các cành lá đầy gai nhọn của nó che bớt tính cách kiên cố của hàng rào, làm cho người xem thấy dễ chịu hơn.
Nhưng chiếc cây đặc biệt này đã bị đè bẹp xuống bởi dây điện và các mắt khóa nối dây. Các dây điện dọc theo rào đã bị đứt trong cơn bão, các khóa nối rơi xuống hàng rào gây chạm điện. Dĩ nhiên những việc này không đáng để xẩy ra, nếu dùng dây bọc nhựa thay dây trần và các khóa nối đều bọc sành cách điện ở chỗ gần hàng rào.
Dù trường hợp nào thì đây cũng không phải là một công việc lớn. Tất cả những gì phải làm là kéo cây ra khỏi hàng rào, gỡ dây điện vướng đánh dấu chỗ cho các người làm vườn trồng lại vào sáng hôm sau. Sẽ chẳng mất quá hai mươi phút. Và phải làm nhanh, bởi vì Muldoon biết là mấy con dilophosaur luôn luôn ở gần con sông. Cho dù các công nhân được hàng rào ngăn cách khỏi con sông, các con dilos vẫn có thể phóng độc quá hàng rào, gây mù mắt.
Ramon, một trong mấy công nhân đến gần:
– Thưa ông Muldoon, ông có thấy ánh đèn không?
– Ánh đèn gì?
Ramon chỉ về hướng đông, qua cánh rừng rậm:
– Tôi thấy ánh đèn ấy khi chúng ta vừa đến đây. Ở kia, rất mờ. Ông thấy không? Trông giống như ánh đèn xe, nhưng không chuyển động.
Muldoon nháy mắt. Có thể đấy là ánh đèn của đội bảo quản. Rốt cuộc thì năng lượng đã có lại. Ông bảo:
– Chúng ta sẽ để ý đến việc đó sau. Bây giờ… chúng ta hãy đem cái cây kia ra đã.
– Hiệu ứng Malcolm? Ông băn khoăn chuyện đó à?
– Chỉ vì tò mò thôi.
– Ông muốn tôi nói tại sao Ian Malcolm sai không?
– Đúng thế.
Arnold đốt một điếu thuốc lá khác:
– Đấy là thuộc về kỹ thuật.
– Gắng nói cho tôi hiểu đi .
– Ôkê. Lý thuyết bất ổn diễn tả những hệ thống đường thẳng không liên tục. Bây giờ nó trở nên một lý thuyết rộng rãi dùng để khảo sát mọi thứ từ thị trường chứng khoán, đến đám đông nổi loạn, tới làn sóng điện não trong cơn động kinh. Một lý thuyết thời thượng. Có khuynh hướng ứng dụng lý thuyết này vào bất cứ hệ thống phức tạp nào có những sự việc không đoán trước được. Ôkê?
– Ôkê.
– Ian Malcolm là một nhà toán học đặc biệt chuyên về lý thuyết bất ổn. Hay đùa và có cá tính. Nhưng cơ bản, về những điều ông ta làm, ngoài chuyện mặc toàn đồ đen, là dùng computer để hình thành nên những gì xảy ra trong những hệ thống phức tạp. Và ông Hammond thiếu cái mốt khoa học nhất thời mới nhất đó, vì thế yêu cầu Malcolm làm nên mô hình cho công viên. Malcolm đã thực hiện. Mô hình của Malcolm là những hình dạng lồi lõm trong không gian có được từ một màn hình computer. Ông đã thấy những hình ấy chưa?
– Chưa.
– Ấy, nó giống như chân vịt của một chiếc tàu thủy, méo mó, kỳ dị. Theo Malcolm, mọi thứ xảy ra của bất cứ hệ thống nào đều đi theo bề mặt của chân vịt. Ông hiểu tôi chứ?
– Không hiểu lắm.
Arnold đưa một tay lên:
– Giả sử ta rỏ một giọt nước lên lưng bàn tay tôi. Giọt nước sẽ chảy khỏi tay tôi. Có thể nó sẽ chảy về cổ tay. Có thể nó chảy về ngón cái hay giữa các ngón tay khác. Tôi không biết nó sẽ chảy đi đâu nhưng tôi biết nó sẽ chảy đến đâu đó trên lưng bàn tay tôi. Nó phải thế.
– Ôkê.
– Lý thuyết bất ổn cho rằng mọi thứ trong toàn bộ hệ thống sẽ xảy ra y như một giọt nước chảy trên bề mặt phức tạp của chiếc chân vịt. Giọt nước có thể chảy xuống theo hình xoắn ốc, hoặc chảy ra mép. Nó có thể làm nhiều điều khác nhau, tùy ý. Nhưng nó sẽ luôn luôn đi theo bề mặt của chân vịt.
– Ôkê.
– Mô hình của Malcolm có khuynh hướng có một chỗ lồi lên, hay một chỗ ngoặt dốc, nơi mà tốc độ có thể tăng nhanh. Ông khiêm nhường gọi chuyển động tăng nhanh này là hiệu ứng Malcolm. Toàn bộ hệ thống có thể bất ngờ sụp đổ. Và đấy là những gì ông ta nói về công viên kỷ Jura. Đó là tính không bền vững cố hữu.
– Tính không bền cố hữu. – Gennaro hỏi – Thế quý vị làm gì khi nhận được báo cáo của ông ta?
– Chúng tôi không đồng ý với bản báo cáo, và bỏ qua luôn, dĩ nhiên.
– Thế có khôn ngoan không?
– Hiển nhiên là thế. Chúng tôi làm việc với những hệ thống sống. Đây là sự sống, không phải là các mô hình computer.
– Chú ý! Cân thận đấy!
Harding càu nhàu đè chiếc đầu vào lại sợi dây da. Ông không muốn làm trở ngại sự tuần hoàn của các động mạch cổ. Chiếc cần cẩu kêu xì xì khi nó nhấc con thú lên không, đưa vào thùng sau của chiếc xe tải. Con hypsi này là một con dryosaur nhỏ, dài hai mét, cân nặng hai trăm rưỡi ký. Con vật màu lục đậm với vằn nâu. Nó đang thở nặng nhọc, nhưng dường như không hề gì. Harding đã bắn một ống thuốc gây tê thần kinh vào con thú một lúc trước đây. Và rõ ràng là ông ta đã lường đúng liều lượng. Luôn luôn phải tính toán kỹ khi đoán định liều thuốc gây liệt này. Quá ít thì nó sẽ chạy mất vào rừng, sụm vào một nơi nào đó không thể tìm ra. Quá nhiều thì nó bị trụy tim mạch và dẫn đến đứng tim. Con này chỉ nhẩy lên được một cú và rồi ngã nhào. Một liều thuốc chính xác.
– Coi chừng nó! Nhẹ nhẹ thôi! – Hammond lại đang la lớn với mấy công nhân.
– Ông Hammond, xin ông để họ làm. – Hardmg nói.
– Ấy, nhưng chúng ta nên cẩn thận.
– Họ đang cẩn thận đấy.
Harding leo lên thùng xe khi con hypsi hạ xuống và đưa nó vào gọn trong chiếc cũi lớn. Ông gắn máy đo nhịp tim và lấy một ống nhiệt đút vào hậu môn con vật. Đây là ống kẹp nhiệt điện tử, nó tít báo cho biết 36,0 độ bách phân.
– Nó ra sao? – Hammond cáu kỉnh hỏi.
– Tốt. Chỉ xuống có một độ.
– Thế là quá nhiều. Quá liều rồi đấy.
Harding bẻ lại:
– Ông không muốn nó tỉnh lại và nhẩy khỏi xe chứ?
Trước khi đến làm việc tại công viên này, Harding đã là thú y trưởng ở sở thú San Diegro, và là một chuyên gia hàng đầu của thế giới về chăm sóc loài thú bay. Ông đã đi khắp thế giời, tham khảo ở các vườn thú châu Âu, Ấn và Nhật về các trường hợp chim bị ngộ độc. Ông chả thích gì ông già khó tính hay lên mặt này, khi lão đề nghị công việc với ông. Nhưng khi ông biết về những việc Hammond đang làm… khó mà bỏ qua. Harding cũng có khả năng học thuật, và ý muốn viết lách.
Con hypsi hắt xì mấy cái và giật người. Nó vẫn thở nông; chưa có phản xạ mắt. Nhưng đã đến lúc đưa ngồi. Ông hô lớn:
– Tất cả lên xe. Đem ả ta về chuồng của ả.
– Hệ thống sống không thể giống hệ thống cơ học được. Hệ thống sống không bao giờ thăng bằng. Chúng có đặc điểm cố hữu là không bền. Chúng có vẻ bền, nhưng thật ra thì không. Mọi thứ đang chuyển động và thay đổi. Về một ý nghĩ nào đã mọi thứ đều ở trên bờ vực tan rã.
Gennaro cau mày:
– Nhưng có bao nhiêu thứ không thay đổi; thân nhiệt không thay đổi, và mọi thứ khác.
– Thân nhiệt thường xuyên thay đổi đấy chứ. Thường xuyên, theo chu kỳ suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Thấp nhất vào buổi sang, cao nhất vào buổi chiều. Nó thay đổi theo tâm trạng, bệnh tật, sự luyện tập, với nhiệt độ bên ngoài, với thức ăn. Nó liên tục dao động lên xuống. Những dịch chuyển rất nhỏ trên biểu đồ. Bởi vì vào bất cứ lúc nào cũng có một lực nào đó kéo nhiệt độ lên và những lực khác kéo xuống. Nó cố hữu là không vững chắc. Và mọi phương diện khác của hệ thống sống cũng như thế.
– Vậy thì anh đang nói…
– Malcolm chỉ là một nhà lý thuyết. Ngồi trong phòng làm việc, ông ta thiết lập nên một hình mẫu toán học, và chẳng bao giờ ông ta gặp phải những khuyết điểm cần phải gặp để giải quyết. Hãy thử xem, khi tôi đang làm việc với các phi đạn, tôi dính líu tới một vấn đề gọi là “chệch hướng âm thanh”. Chệch hướng âm thanh có nghĩa là, cho dù một phi đạn chỉ hơi không vững một tí khi ra khỏi giá bắn, nó không hi vọng trúng đích. Rõ ràng không tránh khỏi nó đi thoát ra ngoài sự điều khiển. Đấy là một đặc tính của cơ học. Một chút sai lệch nhỏ có thể càng lúc càng lớn cho đến khi toàn bộ hệ thống sụp đổ. Nhưng những sai lệch đó là bản chất của hệ thống sống. Nó có nghĩa là hệ thống khỏe mạnh và sẵn sàng đáp ứng. Malcolm không bao giờ hiểu điều đó.
– Anh có chắc là ông ta không hiểu điều đó không? Dường như ông ta hiểu rất rõ sự khác biệt giữa tính sống động và không sống động.
Arnold chỉ vào bản đồ:
– Thì hãy xem kia. Chứng cứ ở đây. Trong không đầy một tiếng nữa, công viên sẽ trở lại bình thường. Điều duy nhất tôi chưa tái lập lại được là điện thoại. Vì một lý do nào đó, điện thoại vẫn chưa hoạt động. Nhưng mọi thứ khác sẽ chạy đều. Và đấy không phải là lý thuyết. Đấy là sự việc.
– Tất cả tránh lui. Tránh xa ra.
Con khủng long lảo đảo chồm dậy, đứng ngả nghiêng như say rượu. Nó hất chiếc đầu kỳ đà nhìn mấy người đứng sau ánh đèn thạch anh và nhấp nháy đôi mắt. Hammond lo lắng:
– Nó đang chảy nước mũi.
– Một chốc thôi. Sẽ hết ngay.
Con dryosaur ho lên mấy tiếng rồi chầm chậm di chuyển qua cánh đồng.
– Tại sao nó không nhảy tung tăng? – Hammond hỏi lại.
– Phải mất một tiếng nó mới hoàn toàn hồi phục, sẽ tung tăng bây giờ đấy. – ông quay lại mấy công nhân – Ôkê, các cậu, giờ đến lượt tới với con stegos.
– Allo phòng điều khiển. Đây là Muldoon. Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu việc chữa hàng rào.
– Được rồi. – Giọng Arnold – Sẽ cắt điện ở khu vực ông ngay.
Muldoon nhìn đồng hồ. Ở một nơi nào xa xa, ông nghe tiếng rúc nhẹ. Nghe như tiếng cú kêu, ông biết đấy là con dilophosaur. Ông bước đến bên Ramon và bảo:
– Chúng ta sẽ chữa cho xong chỗ này. Tôi muốn đến mấy chỗ hỏng kia.
– Việc gì đang xảy ra?
– Tôi đang cố tái lập các đường điện thoại. Để có thể gọi giải quyết trường hợp tiến sĩ Malcolm.
– Không. Tôi hỏi ở ngoài kia.
Arnold nhìn bản đồ:
– Trông như họ đang xử lý mấy con thú và hai chỗ hàng rào hỏng. Như tôi đã nói, công viên đã trở lại trong tầm điều khiển. Thật sự, chỉ có chỗ hỏng thứ ba của hàng rào.
– Arnold? – Đây là giọng Muldoon.
– Tôi đây?
– Anh có thấy chỗ hàng rào hỏng này không?
– Chờ một chút.
Trên màn hình quan sát, Gennaro thấy một góc đồng cỏ lay lất trong gió. Xa xa là một mái đúc thấp. Arnold giải thích:
– Đây là tòa nhà chăm sóc sauropod. Dùng để chứa dụng cụ, tồn trữ thực phẩm, v.v… – Trên màn hình, các hình ảnh thay đổi – Chúng tôi đang xoay camera để nhìn vào hàng rào.
Gennaro thấy một dãy hàng rào bằng một lưới sắt sáng lên dưới ánh đèn. Một đoạn rào bị xô ngã, nằm rạp xuống mặt đất. Chiếc Jeep của Muldoon và đội sửa chữa có mặt ở đấy.
– Ui chà. Trông như con rex đã đi qua khu sauropod. – Arnold kêu lên.
Giọng Muldoon:
– Đêm nay tôi ăn ngon rồi đấy.
– Chúng ta phải đem con rex ra khỏi đây chứ. – Arnold nói
– Đem với cái gì đây? Chung tôi không đem thứ gì để làm việc với con rex cả. Tôi sẽ chữa xong hàng rào này, nhưng tôi sẽ không đi vào đấy cho đến sáng mai.
– Ông Hammond không chịu đâu.
– Chúng ta sẽ bàn chuyện ấy khi tôi trở về.
– Con rex sẽ giết bao nhiêu con sauropod?
– Có lẽ chỉ một. – Harding trả lời – Sauropod rất lớn; con rex có thể để dành ăn trong vài ngày chỉ với một chuyến săn mồi.
– Chúng ta phải ra đấy đem nó trở lại trong đêm nay.
Muldoon lắc đầu:
– Tôi sẽ không vào đấy cho đến sáng ngày mai, lúc ban ngày.
Hammond đang nhún người trên gót chân, kiểu lão ta vẫn làm khi nổi giận:
– Anh quên là anh đang làm việc cho tôi?
– Không, ông Hammond. Tôi không quên. Nhưng đấy là một con khủng long bạo chúa đã trưởng thành. Ông có kế hoạch như thế nào để bắt nó?
– Chúng ta có súng bắn thuốc mê.
– Chúng ta có những súng bắn được những ống thuốc 20cc. Rất hữu hiệu với con thú cân nặng từ hai trăm đến hai trăm rưỡi ký, con tyrannosaur ấy nặng tám tấn. Thậm chí nó chẳng cảm thấy gì.
– Anh đã cho đặt những súng lớn hơn.
– Tôi cho đặt ba súng phóng lớn hơn, ông Hammond, nhưng ông không chấp thuận, chỉ cho một. Và mất rồi. Nedry đem theo khi gã ta lái xe đi.
– Chuyện ấy thật ngu ngốc. Ai để cho việc ấy xẩy ra?
– Nedry không phải là chuyện của tôi, ông Hammond.
– Anh đang nói rằng vào lúc này, không có cách nào để bắt con tyrannosaur?
– Đúng như tôi nói.
– Thế thì buồn cười quá.
– Đây là công viên của ông, ông Hammond. Ông không muốn ai làm bị thương con thú qúy giá của ông. Thế nhưng, giờ đây, con rex vào khu sauropod mà ông không có một thứ gì để giải quyết cả. – Muldoon quay người ra khỏi phòng.
Hammond bước mau theo Muldoon:
– Chờ một tí.
Gennaro chăm chú nhìn các màn hình và lắng nghe tiếng cãi cọ vọng vào từ ngoài hành lang. Ông bảo Arnold:
– Rốt cuộc, tôi đoán là anh vẫn chưa nắm được việc kiểm soát công viên.
– Đừng có đùa. – Arnold châm một điếu thuốc khác – Chúng tôi đã nắm công viên. Trời sẽ sáng trong vài tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi có thể mất một hai con thú trước khi chúng tôi đem con rex ra khỏi chỗ ấy, nhưng tin tôi đi, chúng tôi đã nắm được công viên.
Ánh sáng vàng nhạt chiếu vào lán qua chiếc cửa sổ một bên. Trời sáng rồi: ông đã ngủ suốt đêm! Ông liếc nhanh đồng hồ: 5 giờ 30. Vẫn còn sáu tiếng để đi về trước khi con tàu phải được gọi trở lại. Ông cong người, rên ri. Đầu ông choáng váng, thân mình đau nhức như dần. Từ một góc, ông nghe tiếng kín kít, như một bánh xe rỉ. Và rồi Lex cười khúc khích.
Grant chầm chậm đứng dậy, và nhìn tòa lán. Giờ là vào lúc ban ngày, ông có thể thấy rõ đây là một loại nhà kho, với những đống cỏ khô và các thứ dự trữ. Trên tường ông thấy một thùng sắt xám có ghi SAUROPOD MAITENANCE BLDG(04). Đây ắt là khu nuôi sauropod, như ông đã nghĩ. Ông mở thùng sắt và thấy một điện thoại, nhưng khi nhấc ống nghe lên thì chỉ có tiếng xì xì tĩnh điện. Rõ ràng là các đường điện thoại chưa hoạt động trở lại.
– Nhai đi, mày. Đừng có ngu như đồ lợn, Ralph. – tiếng của Lex.
Ông đi quanh góc và thấy Lex đứng bên các chấn song cửa, thò một nắm cỏ ra ngoài cho con thú ăn. Con thú trông giống như một con lợn màu hồng kêu lên những tiếng kít kít ông nghe hồi nãy. Thật sự đây là một con triceraptor non, vào cỡ một con ngựa nhỏ. Con thú non chưa có sừng trên đầu, chỉ mới nhú lên một điểm sụn tròn sau đôi mắt to. Nó thò mõm vào song cửa về phía Lex, đôi mắt trông vào cô bé khi Lex lấy thêm cỏ cho nó.
– Thế là tốt. – Lex nói với con thú – Còn nhiều cỏ lắm, mày đừng có lo. – Cô bé vỗ vào đầu con thú. – Mày thích cỏ hả, Ralph?
Lex quay lui và thấy Grant:
– Đây là Ralph, bạn cháu. Nó thích ăn cỏ.
Grant bước tới một bước rồi dừng lại, cúi người.
– Bác xoàng quá. – Lex bảo ông.
– Bác cảm thấy ê ẩm cả người.
– Tim cũng thế. Mũi anh ấy sưng vù.
– Nó đâu rồi.
– Anh ấy đi giải. Bác có muốn giúp cháu cho Ralph ăn không?
Con triceraptor non nhìn Grant. Cỏ nhồm nhoàm ở hai khóe miệng, rơi vãi xuống đất khi nó nhai. Lex nói:
– Nó tạp ăn quá. Và chắc là đang đói ghê lắm.
Con thú non nhai hết chỗ cỏ và liếm môi. Nó há miệng rộng, chờ thêm. Grant có thể nhìn thấy hàm răng dưới mảnh, nhọn, và hàm trên nhọn úp lại, như một con vẹt. Lex bảo con thú:
– Ôkê, chờ tao một phút. – Cô bé lấy thêm cỏ trên nền nhà. – Ralph cứ thật tình đi nhé. Má mày chắc không bao giờ cho mày ăn.
– Tại sao nó tên là Ralph?
– Vì nó trông giống như bạn Ralph ở trường cháu.
Grant đến bên cửa, sờ nhẹ vào da cổ con vật. Lex nói:
– Nó dễ chịu lắm. Bác có thể cưng nó. Nó thích lắm nếu bác cưng nó, phải không mày, Ralph?
Da con vật khô và ấm, mềm như da một quả bóng. Ralph kêu lên mấy tiếng kít kít khi Grant vuốt cổ nó, chiếc đuôi ve vẩy tỏ ý thích thú.
– Nó thuần hóa rồi. – Lex nói. Con vật nhìn Lex rồi nhìn Grant – Khi ăn nó không tỏ vẻ gì sợ hãi. Có lẽ chán cưỡi nó được đấy.
– Đừng có cưỡi.
– Cháu cá là nó sẽ cho cháu cưỡi. Cưỡi khủng long thì chắc là thú vị lắm. – Grant nhìn qua cửa sắt về phía cánh đồng sau con thú. Cánh đồng cỏ khu nuôi sauropod sáng dần lên từng phút một. Ông phải đi ra ngoài kia, Grant suy nghĩ, và đứng trước một hộp cảm ứng trên cánh đồng mà vẫy tay. Và ông cảm thấy hơi băn khoăn, khi thấy đường dây điện thoại vẫn chưa hoạt động…
Ông nghe một tiếng khịt mũi, như tiếng khịt của một con ngựa rất lớn, và đột nhiên con thú non có vẻ lo lắng. Nó cố thu đầu lui khỏi cửa, nhưng bị kẹt giữa hai chấn song vì thịt hai bên mép hàm. Và nó kêu lên kít kít sợ hãi.
Tiếng khịt mũi lại vẳng đến, lần này gần hơn.
Ralph rướn người lui bằng hai chân sau, điên cuồng rút đầu ra khỏi hai song sắt. Đầu nó thụt tới thụt lui, cà vào các thanh sắt. Lex bảo:
– Cứ từ từ, Ralph.
– Đẩy nó ra, Lex. – Ông đến gần bên, đưa tay ấn lên đầu con vật, tay kia ép thụt hai bên mép nó lại, đẩy đầu nó lui. Con thú rụt đầu ra khỏi mấy song sắt, mất thăng bằng té nằm nghiêng. Rồi con thú non bị một cái bóng phủ lên, và một chiếc chân khổng lồ xuất hiện trong tầm nhìn, to như một thân cây. Bàn chân có năm móng như một chân voi.
Ralph nhìn lên và kêu kít kít. Một chiếc đầu cúi xuống: dài ba mét với ba chiếc sừng trắng, hai chiếc lớn, mỗi chiếc nằm trên một con mắt nâu thật to và một chiếc nhỏ hơn nằm đầu chóp mũi. Đấy là một con triceraptors hoàn toàn trưởng thành. Con vật to lớn nhìn Lex và Grant, mắt nhấp nháy chậm rãi, rồi quay lại chú ý đến Ralph. Một chiếc lưỡi dài thè ra liếm con con, Ralph kêu kít kít, cọ mình vào chiếc chân lớn, sung sướng. Lex nói:
– Phải mẹ nó không?
– Trông có vẻ như thế.
– Chúng ta cho con mẹ ăn không?
Nhưng con triceraptors đã dùng mõm húc vào Ralph, đẩy con con tránh xa các song sắt.
– Không nên. – Grant bảo.
Con thú non quay người khỏi mấy chấn song và bỏ đi. Thỉnh thoảng con mẹ dùng mõm đẩy con con, và cả hai con đi vào cánh đồng. Lex vẫy tay.
– Tạm biệt, Ralph.
Tim từ sau căn nhà xuất hiện. Grant bảo hai đứa:
– Này, bác sẽ ra kia chỗ ngọn đồi để ra dấu cho mấy bộ cảm ứng, để cho họ biết mà đến đem chúng ta về. Hai đứa ở đây chờ.
– Không. – Lex không chịu.
– Sao vậy? Ở đây an toàn hơn.
– Bác đừng để bọn cháu lại. Đúng không, anh Tim.
– Ừ.
– Vậy thì cùng đi.
Cả ba chui qua mấy chấn song, bước ra ngoài.
Vào lúc trước bình minh.
Không khí nóng và ẩm ướt, bầu trời hồng và tím nhạt. Một đám sương trắng là đà sát mặt đất. Xa xa, ba người thấy con triceraptors mẹ và con con đi xa dần về phía một đàn lớn hadrosaur mỏ vịt, đang ăn lá cây ở bên bờ vịnh.
Một vài con hadrosaur đứng dưới nước, nước ngập đến đầu gối, chúng uống nước, chiếc đầu dẹt hạ thấp xuống, chạm vào chính chiếc bóng của nó ở mặt nước. Rồi chúng lại ngửng lên, đầu quay quanh. Ở rìa vịnh, mấy con con bước khỏi nước, kêu chít chít, mấy con lớn đứng nhìn, vẻ ung dung.
Xa hơn nữa về phía nam, các con hadrosaur khác đang ăn cây cỏ mọc ở tầng thấp hơn. Thỉnh thoảng chúng rướn người đứng trên hai chân sau, đặt hai chi trước lên thân cây để vói rứt lá ở các cành trên cao. Và ở phía xa xa một con aptosaur khổng lồ đứng cao vượt quá các ngọn cây, chiếc đầu nhỏ quay qua quay lại trên cần cổ dài. Quang cảnh quá êm đềm, Grant khó mà tưởng tượng được điều gì nguy hiểm. Bỗng Lex la lớn:
– Eo ơi? Con gì thế? – Hai con chuồn chuồn voi khổng lồ màu đỏ, cánh dang rộng đến gần hai mét bay vù qua mặt họ.
– Chuồn chuồn. – Grant nói – Jurassic là kỷ của loài côn trùng khổng lồ.
– Chúng cắn không?
– Bác nghĩ là chúng không cắn đâu.
Tim đưa tay ra. Một trong hai con chuồn chuồn đáp xuống tay cậu bé. Cậu cảm thấy sức nặng của con côn trùng khổng lồ. Lex cảnh cáo:
– Coi chừng nó cắn anh đấy.
Nhưng con chuồn chuồn chỉ nhẹ nhàng đập đôi cánh to trong suốt với những mạch máu đỏ và rồi khi Tim cử động tay, nó lại bay đi. Lex hỏi:
– Chúng mình đi đường nào?
– Đường kia.
Họ bắt đầu đi ngang cánh đồng. Họ đến trước một chiếc hộp đen đặt trên một đế ba chân vùng chãi, bộ cảm ứng đầu tiên. Grant dừng lại và vẫy tay qua lại trước hộp, nhưng hình như không có gì xảy ra. Nếu điện thoại không hoạt động, có thể các hộp cảm ứng cũng không hoạt động.
– Chúng ta thử tìm một hộp khác xem. – ông chỉ qua cánh đồng. Ở một nơi nào xa xa, họ nghe tiếng rống của một con thú lớn.
– Quỷ thật, tôi không thể tìm ra được.
– Tìm gì?
– Điện thoại vẫn không hoạt động. Tôi không thể làm cho chúng hoạt động trở lại. Tôi chắc là Nedry đã làm cái gì đó với điện thoại.
Wu nhấc một điện thoại, nghe tiếng xì xì:
– Nghe như tiếng đang chuyển số liệu.
– Nhưng không phải. Tôi đã xuống tầng hầm và cắt tất cả các đường dây chuyển số liệu. Tiếng anh vẫn nghe chỉ là âm thanh trắng, nghe như bộ chuyển đang hoạt động.
– Vì thế các đường điện thoại đều bị nghẽn?
– Về cơ bản, đúng thế. Gã ta đã làm tắc nghẽn các đường điện thoại rất kỹ. Gã đã cho một loại mã khóa vào mã chương trình, và hiện giờ tôi không thể tìm ra, bởi vì tôi đã ra một lệnh hồi phục và lệnh này xóa đi một phần liệt kê mã chương trình. Những rõ ràng lệnh cắt điện thoại vẫn nằm trong bộ nhớ computer.
Wu nhún vai:
– Như thế à? Vậy chỉ việc đặt lại: xóa toàn bộ hệ thống, và sẽ xóa hết bộ nhớ để bắt đầu lại.
– Tôi chưa làm thế bao giờ và tôi cũng chống lại việc làm như thế. Có thể toàn bộ hệ thống sẽ khỏi hoạt động trở lại, nhưng có thể cũng không. Tôi không phải là chuyên gia computer và anh cũng thế. Mà điện thoại không hoạt động, chúng ta cũng không hề liên lạc được với một chuyên gia nào.
– Nếu lệnh này trong bộ nhớ RAM, nó sẽ không cho ta biết ở mã. Ông có thể cho xuất hiện bộ nhớ để tìm, nhưng ông lại không biết mình tìm gì. Vì thế những gì cần làm theo tôi nghĩ là ông nên xóa tất cả, và đặt lại.
Gennaro chen vào:
– Chúng ta vẫn chưa có điện thoại.
– Tôi đang chữa đây.
– Ông đã làm việc trắng đêm. Mà Malcolm thì đang nặng hơn. Ông ấy cần đến y tế bên ngoài đảo.
– Thế có nghĩa là tôi phải xóa tất cả. – Arnold nói – Mà tôi không thể chắc chắn là hệ thống có trở lại hoạt động không?
Gennaro:
– Cứ nghĩ xem. Một người bệnh nặng ở khu nhà nghỉ kia. Ông ta cần có một bác sĩ, hoặc sẽ chết. Mà anh không thể gọi bác sĩ trừ phi anh có điện thoại. Bốn người có thể cũng đã chết đâu đó rồi Nào, xóa hết đi và cho điện thoại hoạt động.
Arnold ngần ngại. Gennaro hỏi:
– Sao?
– Vâng, ấy chỉ là… các hệ thống bảo mật không cho phép computer xóa, và…
– Vậy thì xóa cả các hệ thống bảo mật luôn! Ông có thấy được vấn đề là ông ta sắp chết nếu không có sự giúp đỡ?
Arnold thở ra:
– Vậy thì ôkê.
Ông đứng dậy đi đến bên bảng điều hành chính. Ông mở các cửa ô có các then khóa chặn các công tắc an toàn, và bật tắt bốp bốp từng cái một.
– Ông yêu cầu, và tôi làm theo lời ông. – Arnold bật chiếc công tắc chính.
Căn phòng điều khiển tối om. Tất cả các màn hình giám sát tắt đen. Ba người đứng trong bóng tối. Gennaro hỏi:
– Chúng ta phải chờ bao lâu?
– Ba mươi giây. – Arnold trả lời.
– Eo ơi!
– Gì vậy? – Grant hỏi.
– Mùi gì ấy. Hôi như thức ăn thối.
Grant do dự. Ông nhìn qua cánh đồng về phía các cây to ở xa xa, để ý xem có thứ gì chuyển động không. Ông không thấy gì. Họa hoằn mới thấy cơn gió lay động mấy cành cây. Quang cảnh thật êm đềm và yên tĩnh trong buổi sáng sớm. Ông nói:
– Bác chắc là cháu tưởng tượng thôi.
– Không đâu…
Và ông nghe tiếng kêu như ngỗng. Tiếng kêu của khủng long mỏ vịt hadrosaur phía sau lưng họ. Đàn thú mỏ vịt xáo động, nhảy và quay người vội vã lên khỏi nước, bao quanh lấy mấy con con để bảo vệ. Chắc mấy con vật đó cũng ngửi thấy mùi gì, Grant nghĩ.
Với một tiếng gầm, con khủng long bạo chúa từ những cây cách đám thú mỏ vịt năm mươi mét nhảy lồng ra. Nó tuôn qua cánh đồng bằng những bước nhảy khổng lồ. Nó không chú ý đến ba người, chỉ nhắm đàn hadrosaur chạy đến. Lex gào lên:
– Cháu đã bảo mà, không ai tin cháu.
Ở rìa bờ vịnh, đàn khủng long mỏ vịt kêu quàng quạc và bắt đầu bỏ chạy. Grant có thể cảm thấy đất rung chuyển dưới chân.
– Nào hai đứa. – Grant chụp lấy Lex nhấc bổng cô bé và cùng Tim chạy qua đám cỏ. Ông thoáng thấy bóng con khủng long bạo chúa chạy xuống bờ vịnh, xông vào đám hadrosaur, lũ thú này đang nguẩy đuôi trong tư thế tự vệ, kêu lên những tiếng quàng quạc thật to và liên tục. Ông cũng nghe thấy tiếng cành cây gãy răng rắc, và khi nhìn lại, đàn thú mỏ vịt đang bỏ chạy.
Không có việc gì xẩy ra cả.
Bao tử Arnold thắt lại. Ông kéo cầu dao ra rồi đóng lại. Vẫn không thấy gì xảy ra. Mồ hôi ông tuôn ròng ròng trên trán.
Gennaro hỏi :
– Có gì sai chập?
– Ồ, quỷ thật. – Arnold nhớ lại là phải đóng hết các công tắc bảo mật lại trước khi đóng câu dao cung cấp năng lượng. Ông bật mở ba công tắc bảo mật, gài các then chặn lại. Rồi ông nín thở, đóng cầu dao năng lượng.
Đèn trong phòng bật sáng.
Các computer kêu bíp bíp.
Các màn hình kêu xì xì.
– Ôi, lạy Chúa. – Aronld bước gấp trở lại bảng điều khiển màn hình giám sát công viên: dòng chữ JURASSIC PARK – STARTUP nằm trên một mâm các ô ghi tất cả các chi tiết của hệ thống đang chờ lệnh vào mã điều khiển.
Gennaro với lấy một điện thoại, nhưng điện thoại hoàn toàn tắc tiếng không có tiếng ù ù chờ đợi, cũng không có tiếng xì xì bận đường dây. Không có gì cả.
– Sao thế này?
– Chờ tôi một giây. – Arnold bảo – Sau khi xóa và đặt lại, tất cả các module của hệ thống phải đưa lại hoạt động bằng tay.
Gennaro hỏi:
– Tại sao lại phải bằng tay?
– Ôi, lạy Chúa, ông để cho tôi làm việc với chứ.
Wu đáp thay:
– Hệ thống không hề có ý định xóa. Vì thế, khi xóa, nó cho rằng có vấn đề ở đâu đó, nó yêu cầu phải đóng lại từng phần bằng tay. Bằng không nếu có chạm mạch chỗ nào đấy, cả hệ thống sẽ đóng, tắt, đóng, tắt trong một chu kỳ bất tận.
– Được rồi. – Arnold nói.
Gennaro nhấc ống điện thoại và bắt đầu quay số, bỗng nhiên ông ngừng tay.
– Ôi, Chúa ơi, nhìn xem kìa. – ông chỉ vào một màn hình giám sát.
Nhưng Arnold không nghe ông. Ông ta đang nhìn chăm chú vào bản đồ, nơi có một chỗ tập trung nhiều điểm sáng đã bắt đầu chuyển động. Chuyển động thật nhanh, một loại chuyển động quay vòng.
Gennaro hỏi:
– Việc gì vậy.
– Lũ khủng long mỏ vịt. – Arnold đáp – Chúng đang chạy tán loạn.
Grant không thể thấy con khủng long bạo chúa đâu cả.
Lũ khủng long mỏ vịt chạy về phía ba người.
Vẫn ẵm Lex, Grant tìm cách chạy về phía một tảng đá trồi lên cao, nằm gần bên một gốc cây bách. Họ chạy thật nhanh, cảm thấy đất rung chuyển dưới chân. Tiếng quàng quạc của lũ thú đến gần làm điếc cả tai, nghe như tiếng rú của động cơ phản lực trong một phi trường. Tiếng kêu của lũ thú tràn ngập không gian, làm đau nhức cả tai. Lex đang hét lởn một điều gì đó, nhưng ông không thể nghe được. Và khi họ nhảy được lên mấy tảng đá, bầy thú đã đến gần sát bên họ.
Grant thấy những chiếc chân to rộng của những con hadrosaur chạy ngang qua, mỗi con nặng năm tấn, và rồi chúng bị bao phủ bởi một đám bụi mù dày đặc đến nỗi ông không thể thấy gì được nữa. Ông chỉ có ấn tượng của những thân hình khổng lồ, những chiếc cẳng chân to lớn, rống lên những tiếng đau đớn khi lũ thú chạy quay vòng tròn. Một con thú mỏ vịt tông nhằm một hòn đá tròn lớn lăn lông lốc ngang chỗ họ qua cánh đồng bên kia.
Trong đám bụi mù dày đặc, họ không thể thấy gì bên ngoài mấy tảng đá. Họ bấu chặt vào mấy hòn đá tảng, nghe tiếng kêu sợ hãi và tiếng quàng quạc, và tiếng gầm đe dọa của con khủng long bạo chúa. Lex bấu chặt tay vào vai Grant.
Một con khủng long quất mạnh đuôi vào một tảng đá làm phun ra một đám máu nóng. Grant chờ cho đến khi tiếng ồn ào của trận chiến di chuyển xa về phía trái, rồi đẩy hai đứa bé leo lên một cây lớn nhất. Họ leo một cách khó nhọc, mò mẫn tìm từng cành, trong khi lũ thú chạy tán loạn xung quanh họ trong đám bụi. Họ leo lên được sáu mét và rồi Lex bám vào Grant không chịu leo lên nữa. Tim cũng đã quá mệt. Grant nhìn lại, nghĩ là họ đã lên đủ cao. Qua đám bụi, họ có thể thấy những tấm lưng to lớn của lũ thú phía dưới khi chúng vừa chạy vừa kêu quàng quạc. Grant tựa người vào một cành cây to vỏ xù xì, ho rũ rượi vì đám bụi, nhắm mắt lại và chờ.
– Tốt hơn là bảo Muldoon ra đấy xem sự thể ra sao.
– Để tôi tìm bảo ông ta. – Gennaro nói và bước ra khỏi phòng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.