Dạy Con Làm Giàu – Tập 5
CHƯƠNG 11
Sức bật của sự toàn vẹn
Từ năm 1985 đến 1989, tôi và Kim không có một thu nhập thụ động hay thu nhập đầu tư nào. Chúng tôi chăm chỉ xây dựng các doanh nghiệp để có được nhiều thu nhập tiền lương hơn. Tất cả những số tiền phụ thêm chúng tôi đều đổ vào việc xây dựng doanh nghiệp. Chúng tôi biết mình muốn có loại thu nhập nào, chúng tôi biết mình cần phải chuyển các thu nhập tiền lương thành thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư, nhưng lúc đó chúng tôi vẫn chưa có được hai loại thu nhập này. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ lời người bố giàu đã nói: “Khi nào nguồn thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư của con trở nên ổn định thì cuộc sống của con sẽ thay đổi”.
Tôi đã gặp nhiều người tự xưng mình là một nhà đầu tư. Khi tôi hỏi số thu nhập thụ động hay thu nhập đầu tư của họ là bao nhiêu, nhiều người thừa nhận họ không có hoặc có không nhiều, dù vậy họ vẫn cho rằng mình là những nhà đầu tư. Một trong những lý do có quá ít người về hưu sớm trong sự giàu có là vì họ không nói thật lòng. Họ dùng những từ ngữ không thật đối với họ.
KHÔNG CHỈ LÀ CÁC ĐỊNH NGHĨA
Nếu đã đọc cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 1 hẳn bạn còn nhớ những định nghĩa khác nhau của hai người bố về tài sản và tiêu sản. Người bố nghèo cho rằng ông hiểu hết ý nghĩa của hai từ này nên chẳng bao giờ buồn tra tự điển. Nhưng dù có tra tự điển thì có thể ông vẫn sẽ không hiểu vì các định nghĩa trong hầu hết những cuốn tự điển kinh viện thường không giải thích rõ được sự khác biệt.
Tôi rất ghét phải tra tự điển nhưng vẫn phải tra những định nghĩa mà mình thật sự không hiểu. Tại sao lại như vậy? Tôi làm thể bởi vì theo tôi, từ ngữ là những công cụ mạnh mẽ nhất của con người. Người bố giàu của tôi đã nói: “Từ ngữ là công cụ của trí não. Từ ngữ giúp cho trí não thấy được những điều mà mắt thường không thấy được”. Ông còn bảo rằng: “Người nào sử dụng những từ ngữ nghèo nàn thì cũng sẽ có những ý tưởng nghèo nàn và một cuộc sống nghèo nàn”. Hãy suy nghĩ một chút về sự khác biệt sâu sắc giữa những điều mà thu nhập tiền lương, đầu tư và thụ động đem đến cho cuộc sống của tôi và của nhiều người khác nữa. Chúng là những từ tương đối đơn giản nhưng biết được những khác biệt của chúng sẽ là một thay đổi rất lớn trong cuộc sống của bạn.
Nếu bạn muốn thay đổi tương lai tài chính của mình, một trong những bước quan trọng nhất và không tốn xu nào là hãy nghiêm túc tìm hiểu định nghĩa của những từ ngữ bạn đang sử dụng. Trên TV, một số nhà môi giới đầu tư lớn và nổi tiếng thường dùng những từ ngữ như số p/e, kế hoạch đầu tư lại cổ tức, tư bản hóa thị truờng… và nhiều từ ngữ tân thời hay những biệt ngữ khác về đầu tư. Tuy nhiên đó là những định nghĩa cơ bản và rất quan trọng cần biết nếu bạn thực sự đang lên kế hoạch để về hưu sớm trong sự giàu có. Một số từ ngữ cơ bản và quan trọng cần phải hiểu là những từ như tỉ số không trả lãi trước kỳ, tỉ số nhanh, tỉ số thanh toán tiền mặt, tỉ số nợ và giá trị tài sản cầm cố, cũng như những khác biết giữa tài sản và tiêu sản, sự khác biệt giữa thu nhập tiền lương, thu nhập đầu tư và thu nhập thụ động.
KHAI THÁC SỨC MẠNH TỪ NGỮ
Những từ ngữ như tỷ số nợ và giá trị tài sản cầm cố hay tỷ số thanh toán tiền mặt là những khái niệm nền tảng rất hữu ích đối với cuộc sống của bạn. Nếu bạn hiểu được cách áp dụng những tỷ số này vào cuộc sống tài chính cá nhân của mình thì bạn đã có thể khai thác được sức mạnh của từ ngữ.
Trong cơn sốt Internet, rất nhiều cổ phiếu có giá rất cao và không có chút lợi tức nào, điều đó khiến việc đầu tư vào thị trường trên mạng có vẻ thật lố bịch nếu bạn chỉ nghĩ về khía cạnh giá cả – lợi tức. Khi thị trường sụp đổ, rất nhiều người ước gì mình đã mua những món thịt rẻ tiền và bỏ nó vào tủ lạnh thay vì mua những cổ phiếu có giá cao mà không có lợi tức. Ngày nay, ngay cả những món thịt đông lạnh còn có giá trị hơn một số cổ phiếu trên thị trường trên mạng. Nhưng những “bị thịt” thực sự chính là những người tin rằng bạn có thể đầu tư cho tương lai mà không cần một thực tế nào trong hiện tại cả. Nhiều người sáng lập các doanh nghiệp trên mạng có được một bối cảnh đúng đắn nhưng họ không có được một nội dung thích hợp, những nội dung về kiến thức doanh nghiệp và kinh nghiệm đầu tư.
Còn có những tỉ số cơ bản quan trọng hơn cần phải hiểu, và nếu có thể hiểu và sử dụng được thì cơ hội làm giàu của bạn sẽ tăng lên gấp bội. Một tỉ số khá hữu ích là tỉ số nợ và giá trị tài sản cầm cố. Tại sao nó lại quan trọng như vậy? Vì mỗi người trong chúng ta đều có thể sử dụng tỉ số này, và chúng ta nên sử dụng nó mỗi tháng. Chẳng hạn như nếu bạn có một món nợ dài hạn hoặc ngắn hạn, ví dụ khoảng 100.000$ và giá trị tài sản cầm cố của bạn là 20.000$ thì tỉ số nợ trên giá trị tài sản cầm cố của bạn là:
Khi đó, tỉ số này sẽ là 5. Câu hỏi được đặt ra là điều đó có ý nghĩa gì? Trên thực tế, nó gần như chẳng có ý nghĩa gì cả. Tuy nhiên, nếu tháng tới mà tỉ số này tăng lên 10 thì có thể bạn đã không quản lý tốt vấn đề tài chính của mình. Tỷ lệ nợ và giá trị tài sản cầm cố bằng 10 có nghĩa là hoặc các món nợ của bạn đã tăng lên 200.000$ hoặc tài sản cầm cố của bạn đã giảm xuống 10.000$. Trong cả hai trường hợp, những con số này có ý nghĩa hơn nhiều vì chúng là những con số thực có liên quan đến cuộc sống của bạn. Người bố giàu đã nói: “Hãy quan tâm đến việc kinh doanh của riêng mình”. Biết được những tỉ số đơn giản này, bạn sẽ có một công cụ tuyệt vời để tự học cách quản lý việc kinh doanh của riêng mình .
NHỮNG TỈ SỐ ÁP DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG
Cũng như những tỉ số p/e có khuynh hướng phản ánh độ tin cậy của các công ty đầu tư đối với việc quản lý của một công ty cổ phiếu, bạn cũng cần có những tỉ số áp dụng trong cuộc sống của bạn với vai trò người quản lý đời sống tài chính của riêng mình. Sau đây là một số tỉ số mà có thể bạn cần phải theo dõi để kiểm soát vấn đề tài chính tốt hơn.
Một trong những tỉ số mà người bố giàu khuyên tôi nên theo dõi đó là tỉ số tài sản. Tỷ lệ tài sản này được tính như sau:
Mục đích của việc tính tỉ số tài sản này là làm cho tổng số thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư bằng hoặc hơn tổng chi phí của bạn. Điều này cũng có nghĩa là khi đó bạn có thể bỏ việc, bỏ nguồn thu nhập tiền lương, mà vẫn có thể sống thoải mái. Một khi tổng số thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư của bạn đã lớn hơn tổng chi phí thì tỉ số này có thể lớn hơn 1 và lúc đó bạn đã thoát khỏi đường Rat Race. Đây cũng là mục đích của trò chơi Cashflow 101, trò chơi mà tôi đã được cấp bằng sáng chế, nhằm hướng dẫn bạn làm thế nào để tạo ra nguồn thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư.
Ví dụ như bạn có tỉ số tài sản là:
Nếu người bố giàu nhìn thấy tỉ số này, nghĩa là tổng thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư bằng 20% tổng chi phí của bạn, thì ông sẽ thuyết bạn một trận về việc làm thế nào để tăng thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư lên. Ông từng nói: “Khi nào nguồn thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư của con trở nên ổn định thì cuộc sống của con sẽ thay đổi”. Với ông, tôi càng thực sự hiểu được thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư là gì thì cuộc sống của tôi sẽ càng thay đổi cùng những thay đổi về nhận thức của mình.
Người bố giàu cho rằng tỉ số tài sản là rất quan trọng và cần phải hiểu biết về nó một cách tường tận vì đó là một kim chỉ nam rất tốt cho thấy bạn đã quản lý tài chính như thế nào. Ông nói: “Hầu hết mọi người đều về hưu trong cảnh nghèo khó đơn giản vì họ không bao giờ biết được cảm giác khi có được một thu nhập thụ động hay thu nhập đầu tư thực sự là như thế nào. Có thể họ biết những định nghĩa, nhưng họ không hiểu được sự toàn vẹn khi áp dụng những tữ ngữ này vào cuộc sống”.
Trong suốt 5 năm, tôi và Kim đã biết được định nghĩa của những từ này, chúng tôi biết mình muốn có nhưng đã không có được 2 loại thu nhập đó. Nhưng sau cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1987 và cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn kỳ suốt 7 năm sau đó, chúng tôi biết rằng cánh cửa cơ hội lại mở ra. Đã đến lúc chúng tôi áp dụng những từ ngữ này vào cuộc sống. Đã đến lúc chúng tôi có được một tỉ số tài sản lớn hơn zero. Chúng tôi mua những tài sản đầu tiên vào năm 1989 và đến năm 1990 thì chúng tôi có được khoảng hơn 10.000$ thu nhập thụ động một tháng và tổng chi phí một tháng của chúng tôi là 3.000$. Như thế chúng tôi có tỉ số tài sản là 3,3. Ngày nay, tỉ số tài sản của chúng tôi lên đến hơn 12 dù tổng chi phí của chúng tôi đã tăng lên rất nhiều. Đó là sức mạnh của việc áp dụng được những từ ngữ này vào cuộc sống của bạn.
Nếu bạn nghiêm túc trong việc muốn về hưu sớm trong sự giàu có, hãy áp dụng tỉ số tài sản của người bố giàu trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn kiểm tra tỉ số này mỗi tháng, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi nhanh hơn nhiều so với một người làm việc với hy vọng được tăng lương. Tỷ lệ tài sản của người bố giàu đã ảnh hưởng rất lớn đến những điều tôi cho là quan trọng trong cuộc sống của mình.
TĂNG THÊM SỨC MẠNH CỦA MÌNH
Trong phần này tôi muốn làm rõ hai điểm về ngôn từ, hành động và sự toàn vẹn. Điểm thứ nhất là một số định nghĩa và những con số đơn giản có thể tăng thêm sức mạnh rất nhiều cho bạn. Cũng như một người đi chợ giỏi muốn biết giá tiền mỗi cân thịt mỗi người trong chúng ta đều cần phải biết được những tỉ số nợ và giá trị tài sản cầm cố, tỉ số tài sản cá nhân của mình cũng như những kim chỉ nam toán học khác mà tôi không nói nhiều ở đây.
Điểm thứ hai là để thành công, bạn cần nhiều hơn là chỉ biết định nghĩa các từ ngữ này và nói vung vít để tỏ ra mình thông minh lắm. Ngày nay rất nhiều người sử dụng những từ ngữ mà thực sự họ không hiểu. Nhiều nhà kinh doanh dịch vụ tài chính sử dụng những từ ngữ tài chính mà họ không thực sự hiểu rõ ví dụ như “tỉ số p/e” chẳng hạn, nhằm tỏ ra thông minh hơn những khách hàng của mình. Điểm chính là nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn cần phải thường xuyên cải thiện vốn từ vựng của mình. Nhưng để có thể cải thiện hoàn toàn vốn từ vựng của mình thì bạn cần phải biết nhiều hơn chứ không chỉ là những định nghĩa của một từ. Theo tôi, điều quan trọng là hãy áp dụng từ ngữ đó vào cuộc sống của bạn. Ví dụ như khi nói chữ “thu nhập thụ động” tôi nói với tất cả tình cảm của mình vì nó là một phần cuộc sống của tôi. Thu nhập thụ động với tôi cũng giống như sự tăng lương đối với những người làm công khác vậy. Tôi không thiết tha gì lắm với sự tăng lương vì sự tăng lương của tôi là một thu nhập mà không cần bỏ nhiều công sức trong tương lai.
Tôi đã bỏ ra nhiều năm để học cách làm thế nào chuyển thu nhập tiền lương thành thu nhập thụ động. Càng dành nhiều thời gian để làm việc này thì tôi càng có nhiều kinh nghiệm thực trong cuộc sống. Tôi thấy có một vấn đề với rất nhiều nhà kinh doanh dịch vụ tài chính như những người môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản và những nhà kế hoạch tài chính, là trong khi đang bán các sản phẩm đầu tư cho bạn, những sản phẩm mà bạn hy vọng sẽ đem đến cho mình nguồn thu nhập thụ động hay thu nhập đầu tư vào một ngày nào đó, thì ngay khi ấy, bản thân họ cũng đang làm việc để kiếm thu nhập tiền lương. Với tôi, điều đó có phần không toàn vẹn.
NHÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH CỦA BẠN CÓ PHẢI LÀ MỘT PINOCCHIO THỨ HAI?
Người bố giàu rất thích các câu chuyện cổ tích. Một trong những câu chuyện ưa thích của ông là truyện Pinocchio, một con rối bằng gỗ muốn trở thành một đứa trẻ thật. Trong câu chuyện, Pinocchio thường nói dối và càng nói dối thì cái mũi gỗ của cậu càng dài ra. Chỉ sau khi tìm được trái tim và bắt đầu nói thật thì cậu bé mới trở thành người bằng xương bằng thịt.
Khi tôi nghĩ đến hàng triệu người đang đánh cược tương lai và sự an toàn tài chính của mình trên thị trường chứng khoán, tôi cảm thấy rùng mình. Hàng triệu người đang lo lắng về tương lai tài chính của mình khi số thời gian tạm giãn thợ đang gia tăng và thị trường tiếp tục chao đảo. Trong một bài báo tôi mới đọc có một câu chuyện về những người về hưu đã mất hầu hết số tiền tiết kiệm nghỉ hưu vào tay các nhà tư vấn đầu tư và những người bán bảo hiểm mà họ tin tưởng. Bài báo nói rằng những nhà tư vấn và các nhân viên bảo hiểm đang bắt đầu bán cho những người về hưu những món đầu tư không có thật, không được công ty môi giới hay công ty bảo hiểm phê chuẩn, đơn giản vì công ty nơi họ làm việc đã cắt bớt số hoa hồng (thu nhập tiền lương) trả cho nhân viên vì vậy nên các nhân viên phải tìm thêm những sản phẩm mới không có thật để bán cho những người tin tưởng họ, những người đang hy vọng sẽ có được một số thu nhập đầu tư và thu nhập thụ động khi về già.
SỨC MẠNH CỦA SỰ TOÀN VẸN
Dù hai người bố của tôi không nhấn mạnh tầm quan trọng của các từ giống nhau nhưng cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ “toàn vẹn”. Cả hai đều đồng ý rằng một trong những định nghĩa của sự toàn vẹn là sự tương quan giữa ngôn từ và hành động của một người. Cả hai đều nói: “Hãy lắng nghe những gì họ nói nhưng quan trọng hơn, hãy nhìn những gì họ làm”. Nói cách khác, nếu một người bảo: “Tôi sẽ gặp anh lúc 7 giờ” và đến đúng 7 giờ, thì khi đó anh ta toàn vẹn 100%. Nhưng nếu một người nói: “Tôi sẽ gặp anh lúc 7 giờ” nhưng lại không đến, cũng không gọi điện thoại, không xin lỗi thì khi đó, anh ta không có phần trăm toàn vẹn nào. Hành động và lời nói của anh ta không đi đối với nhau, không toàn vẹn với nhau.
Bố tôi đã chỉ cho tôi một trong những định nghĩa trong từ điển của chữ “toàn vẹn” nghĩa là “nguyên vẹn” hay “đầy đủ”, “hoàn toàn”. Ông nói: “Lời nói thể hiện bản chất của con”. Ông thường nhắc nhở chúng tôi về sự quan trọng của việc giữ lời hứa. Ông bảo: “Nói cho cùng thì tất cả những gì chúng ta có là những lời nói. Nếu lời nói của con không tốt thì con cũng vậy”. Đó là lý do vì sao ông bảo rằng: “Đừng bao giờ hứa nếu không định giữ lời hứa”.
Một hôm ở Dallas, có hai người hỏi tôi xem họ có thể tham dự các buổi hội thảo của tôi được không. Họ xin tôi vé mời vì họ không có tiền. Họ tỏ ra quá ham thích và nhiệt tình nên tôi và Kim đồng ý tặng họ hai vé mời. Thế nhưng họ không đến và tôi có thể hiểu tại sao họ lại gặp rắc rối trong vấn đề tài chính dù có những công việc rất tuyệt vời.
MỘT KẾ HOẠCH TOÀN VẸN
Một trong những phần đơn giản nhưng quan trọng trong kế hoạch để có một cuộc sống giàu có của tôi là: phải chắc chắn những ngôn từ mình sử dụng thật sự toàn vẹn, và xem trọng sức mạnh của ngôn từ qua việc làm đúng theo những gì mình đã nói. Trong nhiều năm, người bố giàu luôn bắt tôi giữ đúng lời hứa trong các thỏa thuận, dù là những thỏa thuận nhỏ nhặt nhất. Ông nói: “Nếu con giữ được những thỏa thuận nhỏ thì con sẽ giữ được các hợp đồng lớn. Một người không giữ được những thỏa thuận nhỏ thì sẽ không bao giờ có thể biến những giấc mơ lớn hơn thành hiện thực”.
Tôi nhắc đến điều này vì nhiều người có những kế hoạch lớn nhưng chúng không bao giờ trở thành hiện thực. Lý do là vì có quá nhiều người có những kế hoạch lớn nhưng lại thất bại trong việc giữ được những hợp đồng nhỏ. Như người bố giàu đã nói: “Những người không giữ được các hợp đồng dù nhỏ là những người không thể tin tưởng được. Nếu con không được tin tưởng trong các hợp đồng nhỏ thì sẽ không ai giúp con biến những giấc mơ lớn thành hiện thực cả. Nếu con không giữ lời hứa, mọi người sẽ không tin tưởng vào con và những lời nói của con”.
Tôi đã thấy lời khuyên của hai người bố về sức mạnh ngôn từ là sáng suốt như thế nào. Tôi đã thấy rất nhiều người bộc lộ bản chất của mình khi gặp hoàn cảnh thúc bách, có một người bạn đã không giữ lời hứa với tôi trong một cuộc hẹn và đến giờ anh ta vẫn còn đang thắc mắc tại sao tôi không chịu giao dịch với anh ta. Anh ta cũng thường phá vỡ hợp đồng với những người khác như các đối tác, nhân viên, giám đốc ngân hàng và thường lừa gạt họ một cách hợp pháp. Dù rất thành công nhưng anh ta vẫn luôn phải tìm kiếm các đối tác mới. Thay vì xây dựng những mối quan hệ của mình, anh ta lại phá hủy chúng và luôn phải bắt đầu lại với những người hoàn toàn mới. Anh ta không gặp khó khăn gì trong việc tìm người mới nhưng cái mũi gỗ của anh ta đang ngày càng dài ra và trở nên khó che giấu hơn.
Một người bạn cũ khác của tôi thì lại thường nói dối những khi gặp áp lực. Thay vì nói thật, cô ấy lại nói dối và nghĩ rằng mình có thể xoay sở qua được những chuyện đó. Khi bị dồn vào chân tường hay phải đối mặt với những gì khó chịu, cô ấy thường bảo: “Đó không phải lỗi của tôi, tôi không còn cách nào khác cả… ” Người bố giàu của tôi đã nói: “Những người không giữ được các hợp đồng nhỏ là những người không thể tin tưởng được. Nếu con không được tin tưởng trong các hợp đồng nhỏ thì sẽ không ai giúp con biến những giấc mơ lớn thành hiện thực cả”.
Và như thế, tôi muốn chuyển lại cho bạn những lời nói khôn ngoan mà hai người bố của tôi đã khuyên tôi: “Hãy đảm bảo lời nói phải đi đối với việc làm”.
Khi nói về những từ chậm và những từ nhanh, tôi đã quả quyết với bạn rằng tôi phải cố hiểu rõ những từ ngữ này bằng cả trái tim và khối óc của mình. Người bố giàu luôn bảo tôi phải lên kế hoạch để tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Ông nói: “Cuộc đời con sẽ thay đổi một khi con đã học được cách mua cổ phiếu với giả sỉ chứ không phải giá lẻ. Khi con hiểu mình có thể giàu có đến mức nào bằng cách mua sỉ, con sẽ không bao giờ muốn mua hàng với giá lẻ nữa”. Ông cũng bảo rằng: “Cuộc đời con sẽ thay đổi mãi mãi một khi con đã biết phân biệt giữa tiết kiệm tiền và làm ra tiền, và vì sao sự giảm giá lại tốt hơn là ngồi hy vọng và chờ đợi sự tăng giá”. Ông nói: “Nếu con có thể áp dụng những từ ngữ này vào cuộc sống thì cuộc đời con sẽ khác xa những người chỉ hiểu được các từ ngữ này qua định nghĩa”.
Một phần quan trọng trong kế hoạch của tôi là phải biết áp dụng những từ mới và những từ nhanh đã học vào cuộc sống của mình. Theo cách nhìn của người bố giàu, tôi sẽ không còn hoàn chỉnh nữa nếu chỉ biết nói vung vít những từ ngữ này để tỏ ra mình rất thông minh, chỉ để gây ấn tượng với người khác mà không thực sự biết sử dụng chúng trong cuộc sống.
Và như vậy, bài học của người bố giàu và người bố nghèo mà tôi muốn truyền lại cho bạn chính là: khi thiết lập kế hoạch của mình, hãy biết áp dụng triệt để và hiểu rõ hoàn toàn sức mạnh của những ngôn từ mới mà bạn muốn có trong cuộc sống. Đừng nên chỉ biết được định nghĩa của chúng hay tệ hơn là đến cái định nghĩa cũng không biết mà còn “nổ” lung tung nhằm gây ấn tượng với những người không am tường lĩnh vực này. Khi đó bạn sẽ khai thác được sức mạnh của các ngôn từ.
Người bố giàu thường nói: “Có những người rất hay lên mặt dạy đời và hay bảo con phải làm gì nhưng bản thân họ lại không làm những gì họ chỉ bảo con. Thế giới tiền bạc, kinh doanh và đầu tư của chúng ta có rất nhiều kẻ lên mặt dạy đời”.
TÓM TẮT
Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, hãy dành thời gian để liên tục nâng cấp vốn từ vựng tài chính của mình và hãy bảo đảm lời nói đi đối với việc làm, không nên nói suông. Hãy luôn nhớ rằng ngôn từ là những công cụ của trí não và luôn có những từ nhanh cũng như những từ chậm trong công cuộc làm giàu.
TỪ NGỮ TIÊU CỰC NHẤT TRONG CÁC NGÔN TỪ
Người bố giàu thường nói: “Từ ngữ tiêu cực nhất trong tất cả các từ chính là hai chữ ‘ngày mai'”. Ông bảo: “Những người nghèo, người không thành công, người không vui vẻ, người không khỏe mạnh là những người thường sử dụng từ ‘ngày mai’ nhiều nhất. Họ thường nói: ‘Ngày mai tôi sẽ bắt đầu đầu tư’, ‘Ngày mai tôi sẽ bắt đầu ăn kiêng và tập thể dục’, hay ‘Ngày mai tôi sẽ bắt đầu đọc sách’, v.v…
Người bố giàu bảo hai chữ “ngày mai” là hai chữ có khả năng phá hoại cuộc sống con người nhiều nhất trong các từ ngữ. Ông nói: “Vấn đề với hai chữ ‘ngày mai’ là chúng ta không bao giờ thấy được ngày mai cả. Ngày mai không tồn tại. Ngày mai chỉ có trong suy nghĩ của những kẻ mơ mộng hão huyền và những người thất bại. Những người hay trì hoãn mọi việc đến ngày mai thường cảm thấy những tội lỗi và các thói quen xấu trong quá khứ luôn bắt kịp mình”. Ông kết thúc những nhận xét về “ngày mai” bằng câu nói: “Bố chưa bao giờ thấy được ngày mai. Tất cả những gì bố có là ngày hôm nay. Hôm nay là ngôn từ của những người chiến thắng và ngày mai là ngôn từ của những kẻ thất bại”.
Trong những chương sắp tới và những bài học kế tiếp, bạn sẽ học cách làm thế nào để làm được những việc đơn giản trong ngày hôm nay, những việc đơn giản có thể cải thiện rất lớn ngày mai của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.