Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

CHƯƠNG 18



Sức bật của kim tứ đồ nhóm C

TRÒ CHƠI GIÀU NHẤT THỂ GIỚI

Những người tự thân vận động giàu nhất thế giới chính là những doanh nhân nhóm C. Họ giàu hơn nhiều so với những ngôi sao điện ảnh, vận động viên hay những nhà chuyên môn. Khi tôi qụyết định không đi theo con đường của người bố nghèo, chính người bố giàu đã đề nghị tôi bắt đầu bằng cách học xây dựng một doanh nghiệp. Ông nói: “Những người giàu nhất thế giới là những người nhóm C vì đây là nhóm khó thành công nhất. Nhưng một khi đã thành công, số tài sản của con sẽ tăng vọt. Nếu có thể xây dựng một doanh nghiệp nhóm C nghĩa là con đang tham gia trò chơi giàu nhất thế giới”.

Nhìn lại lịch sử gần đây, bạn sẽ thấy đó là những người như Bill Gates, Michael Dell, Thomas Edison, Henry Ford, Ted Turner, John D. Rockefeller và những người đứng đầu danh sách nổi tiếng của nhóm C. Còn rất nhiều người nữa dù không được nổi tiếng bằng. Tất cả họ đều là những người khổng lồ tài chính nhờ xây dựng một tài sản khổng lồ. Họ sử dụng loại sức bật mạnh mẽ nhất, sức bật của việc xây dựng doanh nghiệp, một doanh nghiệp có thể phục vụ cho hàng triệu người.

Người ta nói rằng sự đầu tư tốt nhất là đầu tư cho doanh nghiệp của chính bạn, và tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Lợi nhuận của món đầu tư này thách thức những tính toán đầu tư thông thường, nếu bạn biết mình đang làm gì. Bạn có thể biến vài trăm đôla thành hàng triệu đôla. Không những bạn có thể trở nên giàu có mà bạn còn có thể có được rất nhiều bạn bè, người thân, cộng sự kinh doanh, nhân viên và những nhà đầu tư. Đó là lý do vì sao tôi gọi đây là trò chơi giàu nhất thế giới.

Khi tôi còn trẻ, người bố giàu không ngừng nhắc nhở tôi rằng có 3 loại tài sản cơ bản:

1. Bất động sản

2. Tài sản trên giấy

3. Doanh nghiệp

Khi tôi vẫn còn đang vui chơi với những tài sản trên giấy và bất động sản,

người bố giàu lại khuyên khích tôi tập trung vào doanh nghiệp. Ông nói: “Hãy chịu khó lúc ban đầu, sau này mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”. Ngày nay tôi hoàn toàn đồng ý với ông.

CHIẾN LƯỢC KẾT THÚC

Trong cuốn sách này, tôi đã viết về tầm quan trọng của một chiến lược kết thúc như sau:

Nghèo             Dưới 25.000$ một năm

Trung lưu        Từ 25.000$ đến 100.000$ một năm

Khá giả         Từ 100.000$ đến 1 triệu đôla một năm

Giàu        Hơn 1 triệu đôla một năm

Cực giàu         Hơn 1 triệu đôla một tháng

Tôi muốn yêu cầu bạn hãy bắt đầu tập trung chú ý vào chiến lược kết thúc của mình, đồng thời hãy cân nhắc sự lựa chọn nhận thức và bối cảnh. Có phải bạn đang tự nhủ rằng “Tôi không thể làm được điều đó”, “Việc đó quá khó khăn” hay “Tôi không thông minh đến mức đó?”

Khi người bố giàu nói chuyện với tôi về chiến lược kết thúc, tôi đã phải vượt qua những nỗi nghi ngờ và những hạn chế do bối cảnh của mình gây ra. Sau vài tháng bàn luận, tôi biết cơ hội tốt nhất của mình là ở nhóm C. Theo tôi, ngay cả khi chọn chiến lược kết thúc, bạn cũng cần phải đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình và suy nghĩ xem nhóm nào sẽ đem đến cho bạn con đường ngắn nhất để về hưu sớm trong sự giàu có.

Gần đây, một học viên trong lớp đầu tư của tôi phát biểu: “Oprah Winfrey trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới trong lĩnh vực giải trí qua nhóm T”.

Khi đó tôi hỏi người này tại sao anh ta nghĩ như vậy, anh trả lời: “Vì bà ấy làm việc cho mình. Nếu ngừng làm việc thì bà ấy sẽ không còn thu nhập nữa”.

“Sao anh biết thế?” Tôi cười và hỏi anh ta có biết Sản phẩm HARPO là gì không. Anh ta không biết.

Tôi trả lời: “Sản phẩm HARPO, tên Oprah đọc ngược lại, chính là công ty của Oprah – doanh nghiệp kim tứ đồ nhóm C của bà ấy. Doanh nghiệp này được người khác quản lý và đầu tư vào những dự án kinh doanh khác. Có thể bà ấy là một ngôi sao trong kim tứ đồ nhóm T, nhưng bà ấy có một bối cảnh của nhóm C”.

Vấn đề chính ở đây là nhóm mà công việc của bạn ít liên quan đến ngành nghề chuyên môn của bạn nhất. Michael Jordan có thể làm việc cho Chicago Bulls, nhưng anh ta vẫn có một doanh nghiệp nhóm C riêng của mình. Một bác sĩ y khoa có thể thuộc nhóm L, T, C, hoặc Đ, tùy vào bối cảnh của họ. Và một người quét dọn cũng có thể thuộc cả 4 nhóm một lúc. Tôi nói điều này vì rất nhiều người chỉ muốn có một bối cảnh duy nhất mà không chịu học hỏi để có thêm một bối cảnh thứ hai. Những người với bức tường bối cảnh cứng nhắc này thường phải làm việc vất vả nhất, lâu dài nhất, và thường kết thúc với một số tiền ít ỏi nhất. Trong thời đại Công nghệ Thông Tin, chúng ta bắt buộc phải có nhiều hơn một bối cảnh và thuộc nhiều hơn một nhóm kim tứ đồ. Nếu có thể làm được điều đó, bạn sẽ thấy mình hoàn toàn có khả năng đạt đến một chiến lược kết thúc cao hơn, nhanh chóng hơn và có lẽ là thực tế hơn.

Nói cách khác, tôi và Kim có thể kết thúc ở mức cực giàu vì chủ yếu chúng tôi làm việc trên nhóm C. Thay vì làm việc để kiếm hàng ngàn hay hàng triệu đôla, chúng tôi làm việc để kiếm hàng chục triệu hoặc hàng trăm triệu đôla, và đó là chiến lược kết thúc của chúng tôi.

BÀI HỌC ĐẦU TƯ CỦA NGƯỜI BỐ GIÀU

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã viết về quyết định học hỏi để trở thành một doanh nhân. Trong tất cả mọi cuốn sách, tôi đều viết về những lần thất bại và cái giá phải trả để có thể đứng lên. Tôi cho rằng đó chính là bối cảnh để thành công, bất kể bạn thuộc nhóm nào. Tôi nhắc đến cuốn sách này vì toàn bộ nửa sau cuốn sách đều nói về việc xây dựng doanh nghiệp, tài sản lớn nhất và giàu có nhất trong số các tài sản. Nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp nhóm C, có thể bạn sẽ cần phải đọc đi đọc lại cuốn sách đó, vì tôi sẽ không nhắc lại làm thế nào để xây dựng một tài sản như thế trong chương này nữa.

Năm ngoái, một người bạn đến gặp tôi bảo: “Tôi được lợi 35% số vốn trong quỹ hỗ tương vào năm 1999”. Tôi thật lòng chúc mừng anh ta. Khi anh ta hỏi về số lợi nhuận của tôi, tôi bảo: “Tôi thực sự không biết”. Không phải tôi không biết chúng là bao nhiêu mà tôi không biết làm thế nào để nói với anh ta rằng số lợi nhuận của tôi không phù hợp với những chuẩn mực thông thường. Trong khi bạn tôi kiếm được 35% số vốn bằng cách đầu tư vào quỹ hỗ tương, một con số tương đối khá, thì tôi kiếm được hàng triệu đôla mà không cần vốn đầu tư. Chắc bạn còn nhớ chương trước chúng ta đã nói về vận tốc tiền bạc. Tôi cảm thấy khó lòng trả lời câu hỏi này vì tiền bạc của tôi thực sự luân chuyển và những lợi nhuận đầu tư của tôi là không có giới hạn. Chính vì vậy nên tôi không muốn nói gì nhiều và chỉ chúc mừng anh ta về những thành công trong thị trường năm 1999 mà thôi.

Xin nhắc lại là tôi hoàn toàn không có ý định khoe khoang những kết quả của mình. Tôi chỉ muốn nói về những khác biệt bối cảnh. Bạn tôi rất vui mừng khi có được 35% lợi nhuận trong khi một người chủ doanh nghiệp chưa chắc sẽ vui vẻ gì với con số này. Một người thuộc nhóm L và T thường có quan điểm khác về những điều có thể về mặt tài chính. Một người thuộc nhóm L và T thường sẵn sàng làm việc không ngừng và không bao giờ tự hỏi mình xem có cách gì khác để đạt được những điều mình muốn một cách nhanh chóng hơn hay không. Vì vậy nên tôi muốn giới thiệu công nghiệp tiếp thị trên mạng và chương trình giáo dục này chủ yếu là để cho các cá nhân có cơ hội mở rộng phạm vi bối cảnh của mình sang một quan điểm khác.

Nhân tiện tôi muốn nói thêm rằng sau tháng 03/2000, số lời 35% của bạn tôi đã tụt xuống thành số âm. Giờ thì anh ta rất giận dữ với Chủ tịch FED là Alan Greenspan và chỉ biết ngồi cầu cho thị trường tăng giá. Nếu không có thể anh ta sẽ phải đi làm trở lại.

TẠI SAO NGƯỜI TA KHÔNG XÂY DỰNG CÁC DOANH NGHIỆP NHÓM C?

Câu hỏi được đặt ra là nếu việc xây dựng một doanh nghiệp nhóm C thực sự sinh lợi như vậy thì tại sao người ta không làm? Một phần câu trả lời nằm trong bài học sau đây của người bố giàu.

Khi quyết định bắt đầu doanh nghiệp nhóm C đầu tiên của mình, tôi hỏi người bố giàu: “Nếu xây dựng doanh nghiệp là trò chơi giàu nhất thế giới thì tại sao đa số mọi người không muốn chơi? Có phải vì họ thiếu tiền bạc, tài nghệ hay năng lực không?”

Câu trả lời của người bố giàu rất ngắn gọn. Ông nói: “Điều khó nhất khi xây dựng một doanh nghiệp là làm việc với con người”.

“Con người à?”, tôi ngạc nhiên, “Làm việc với con người là điều khó nhất ư?”

Người bố giàu gật đầu: “Hầu hết mọi người không thể xây dựng doanh nghiệp vì họ thiếu kỹ năng quản lý nhân sự. Người ta làm việc với nhau suốt cả ngày, nhưng có thể làm việc với nhau không có nghĩa là họ có thể cùng nhau xây dựng doanh nghiệp. Và khi họ có thể cùng nhau xây dựng doanh nghiệp không có nghĩa là doanh nghiệp đó có thể lớn mạnh”.

“Vậy là nếu học được cách làm việc với con người, con có thể chơi được trò chơi giàu nhất thế giới này? Và có thể trở nên giàu có?”

Người bố giàu gật đầu.

NẾU CÓ THỂ LÀM VIỆC VỚI NHIỀU LOẠI NGƯỜI, BẠN SẼ TRỞ NÊN GIÀU CÓ

Qua nhiều năm, người bố giàu dành rất nhiều thời gian để dạy tôi và con trai ông học cách làm việc và cư xử với những loại người khác nhau. Hẳn bạn còn nhớ người bố giàu đã từng bảo tôi và con trai ông ngồi xem ông phỏng vấn những người xin việc. Học cách thuê mướn và sa thải nhân viên là một quá trình học tập rất thú vị, nhất là khi những người mà người bố giàu thuê mướn hoặc sa thải đều đã lớn tuổi khoảng bằng bố mẹ tôi. Với ông, việc dạy chúng tôi học cách cư xử với những loại người khác nhau là một trong những bước khởi đầu quan trọng nhất. Ông nói: “Nếu có thể làm việc với những loại người khác nhau, con có thể trở nên rất giàu có”.

Nếu đã đọc cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 2 hẳn bạn còn nhớ sơ đồ sau đây quan trọng đến thế nào đối với người bố giàu.

Người bố giàu đã tạo ra sơ đồ này để minh họa cho quan điểm rằng thế giới doanh nghiệp được tạo thành từ 4 loại người. Nhóm L là nhóm của những người lao động, T là nhóm của những doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ hay những người tự làm việc cho mình, C là nhóm các chủ doanh nghiệp và Đ là nhóm các nhà đầu tư.

Điểm chính của sơ đồ này là những người thuộc các nhóm khác nhau có bản chất hoàn toàn khác nhau. Người bố giàu bảo: “Để thành công ở nhóm C, con cần phải biết làm thế nào để giao thiệp và làm việc với những người thuộc cả bốn nhóm. Đây là nhóm duy nhất thật sự cần phải có khả năng này”. Nói cách khác, một trong những lý do khiến rất nhiều doanh nghiệp thất bại là vì người chủ doanh nghiệp không có khả năng làm việc hòa thuận với nhiều loại người khác nhau.

Trong những năm 1980, tôi quay về Hawaii và được người bố giàu mời tham dự một buổi họp ban quản trị mà ông là một trong những thành viên. Công ty đang gặp rắc rối và người bố giàu muốn tôi học hỏi kinh nghiệm trong những lúc khó khăn. Đây là một công ty nhỏ đang ở giai doạn đầu thăm dò các mỏ dầu ở Canada. Người bố giàu không thành lập công ty, nhưng khi gặp khó khăn, công ty này liền mời người bố giàu tham gia ban quản trị giúp họ vực công ty trở dậy.

Công ty này gặp khó khăn chỉ vì một quyết định của viên chủ tịch. Quyết định ấy đã khiến công ty mắc nợ nghiêm trọng và sắp sửa phá sản. Sau khi bắt đầu cuộc họp, người bố giàu hỏi những người còn lại trong ban quản trị: “Tại sao chủ tịch công ty lại có một quyết định tài chính quan trọng như vậy mà không hỏi ý kiến ban quản trị?”

Câu trả lời là: “Vì ông ấy đã từng là phó chủ tịch cấp cao của công ty XYZ, một công ty dầu mỏ khổng lồ”.

Người bố giàu cao giọng: “Thế thì sao? Nếu ông ấy từng là phó chủ tịch cấp cao của một công ty dầu mỏ khổng lồ thì đã sao nào?”

Một người đáp: “À, chúng tôi cho rằng ông ấy hiểu biết nhiều hơn chúng tôi, vì vậy nên chúng tôi để ông ấy muốn làm gì thì làm”.

Người bố giàu thong thả gõ ngón tay lên mặt bàn: “Có thể ông ấy từng là phó chủ tịch của một công ty khổng lồ, nhưng ông ấy vẫn chỉ là một nhân viên trong suốt 30 năm. Ông ấy được một công ty lớn thuê làm việc. Ông ấy không biết gì về việc quản lý một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập với một ngân quỹ giới hạn. Tôi cho rằng các anh nên thay ông ta bằng một người đã từng sở hữu một công ty và hoàn toàn có trách nhiệm tài chính, cho dù đó không phải là một công ty dầu mỏ. Có những khác biệt rất lớn giữa một nhân viên và một chủ doanh nghiệp bất kể ở ngành nào. Có những khác biệt rất lớn giữa quản lý một công ty nhỏ và điều hành một công ty lớn. Trong một công ty lớn, những sai lầm cỡ này không ảnh hưởng gì nhiều đến công ty. Nhưng một công ty nhỏ với một sai lầm như vậy có thể bị phá sản”.

Cuối cùng, công ty này thực sự bị phá sản. Một năm sau, tôi hỏi người bố giàu vì sao lại như vậy, ông đáp: “Công ty đã bị quản lý rất tồi bởi những nhà quản trị tệ hại. Dù công ty thuê được những nhân viên rất giỏi và trả lương cao cho họ nhưng những người này không bao giờ có thể trở thành một đội ngũ xuất sắc được. Những doanh nhân thành công là những doanh nhân tạo nên những đội ngũ xuất sắc. Đó là cách họ cạnh tranh với những công ty lớn có nhiều tiền bạc và nhân lực hơn”.

NHỮNG KỸ NĂNG KHÁC NHAU

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã viết về Tam giác C-Đ của người bố giàu.

Tam giác C-Đ rất quan trọng đối với những người muốn bắt đầu một doanh nghiệp nhóm C. Nó cũng rất quan trọng đối với những người có một ý tưởng trị giá hàng triệu đôla và muốn biến nó thành một doanh nghiệp. Nói cách khác, một trong những lý do mà người ta gặp khó khăn khi bắt đầu doanh nghiệp là vì một doanh nghiệp thực sự không chỉ đòi hỏi một kỹ năng hay một chuyên môn mà còn nhiều thứ khác nữa.

Hệ thống giáo dục của chúng ta tạo ra những con người với kỹ năng chuyên môn. Một doanh nhân muốn thành công cần phải biết kết hợp những kỹ năng này lại với nhau thành một đội ngũ để có thể xây dựng một công ty vững mạnh.

MỘT VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG

Vấn đề không chỉ là có được bốn nhóm trong doanh nghiệp và những kỹ năng chuyên môn khác nhau của Tam giác C-Đ. Vấn đề là phải tìm được một người lãnh đạo, một doanh nhân có khả năng kết hợp những người khác nhau với những kỹ năng khác nhau và giá trị khác nhau thành một đội ngũ thống nhất. Đó là lý do vì sao người bố giàu thường bảo: “Điều khó nhất khi xây dựng doanh nghiệp là làm việc với con người”. Ông cho rằng: “Kinh doanh sẽ dễ hơn nhiều nếu không phải đụng chạm gì đến vấn đề con người cả”.

Nói cách khác, một doanh nhân trước tiên phải là một nhà lãnh đạo giỏi. Và tất cả chúng ta đều có thể tự cải thiện khả năng lãnh đạo của mình.

THẾ NÀO LÀ MỘT DOANH NHÂN?

Người bố giàu đã dạy tôi và con trai ông trở thành những doanh nhân. Khi tôi hỏi ông thế nào là một doanh nhân, ông đáp: “Một doanh nhân là người thấy trước cơ hội, kết hợp một đội ngũ, và xây dựng một doanh nghiệp để thu lợi nhuận từ cơ hội đó”.

Sau đó tôi hỏi tiếp: “Thế nếu con nhìn thấy cơ hội và tận dụng cơ hội đó bằng chính sức mình và không cần một đội ngũ nào cả thì có được không?”

“Câu hỏi hay đấy”, người bố giàu trả lời, “Nếu con nhìn thấy cơ hội và tận dụng cơ hội đó bằng sức lực của mình thì con sẽ trở thành một chủ doanh nghiệp nhỏ hay một người chủ cửa hàng”. Ông tiếp tục giải thích cho chúng tôi về sự khác biệt giữa một chủ cửa hàng và một chủ doanh nghiệp. Ông bảo: “Một chủ cửa hàng là một người có thể tự mình tạo ra sản phẩm hay tự mình cung cấp dịch vụ, ví dụ như một họa sĩ tự mình vẽ tranh hay một nha sĩ đích thân chữa răng cho con chẳng hạn. Một doanh nhân thực thụ thì không thể tự làm tất cả những việc cần làm. Một doanh nhân phải có khả năng kết hợp những con người khác nhau vởi những kỹ năng khác nhau lại để đạt được một mục đích chung. Nói cách khác, một doanh nhân xây dựng những đội ngũ đảm nhận những công việc mà không một cá nhân nào có thể tự làm được. Hầu hết mọi người đều nhỏ bé vì họ chỉ giải quyết những vấn đề mà họ có thể giải quyết một mình”.

“Như thế nghĩa là một doanh nhân đảm trách những công việc đòi hỏi phải có một đội ngũ”, tôi nói, “Một người nhóm C sẽ không được trả công trừ phi đội ngữ của ông ta có thể làm những việc cần làm. Hầu hết các nhân viên và những người chủ cửa hàng nhỏ đều được trả công vì những việc mình đã làm. Còn một doanh nhân sẽ không được trả công trừ phi có được sự thành công của cả đội ngũ”.

Người bố giàu gật đầu giải thích thêm: “Cũng như một nhà thầu xây dựng dùng các nhân viên như thợ ống nước, thợ điện, thợ mộc và các nhà chuyên môn như kiến trúc sư, kế toán viên để xây một ngôi nhà, một doanh nhân cũng sử dụng các nhân viên, kỹ thuật viên và những nhà chuyên môn để giúp ông ta xây dựng doanh nghiệp”.

“Như vậy bố cho rằng một doanh nhân thực sự là một nhà lãnh đạo dù ông ta không thực sự làm việc trong đội ngũ đó ư?”

“Càng có thể lãnh đạo một đội ngũ những con người khéo léo và khôn ngoan mà không phải tham gia làm việc trong đội ngũ ấy thì con càng có thể trở thành một doanh nhân giỏi”, người bố giàu nói. “Bố sở hữu một vài công ty nhưng bố không làm bất cứ việc gì trong các công ty đó cả. Đó là cách càng ngày bố càng có thể làm ra nhiều tiền hơn và làm được nhiều điều hơn mà không phải làm việc. Đó là lý do vì

sao khả năng lãnh đạo là một kỹ năng thiết yếu để trở thành một doanh nhân thực thụ”.

“Kỹ năng lãnh đạo có thể học được không?” tôi hỏi.

“Có thể”, người bố giàu đáp, “Bố thấy tất cả chúng ta đều tiềm tàng kỹ năng lãnh đạo. Vấn đề là hầu hết mọi người đều dành thời gian để phát triển kỹ năng chuyên môn của mình, đó là lý do vì sao có rất nhiều người thuộc nhóm L và T. Rất ít người dành thời gian phát triển kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quan trọng nhất đối với những người nhóm C. Và như vậy, đúng là kỹ năng lãnh đạo vẫn có thể được học tập và rèn luyện”.

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CỦA CHÍNH BẠN

Việc mà bạn cần phải làm là chấp nhận những thử thách mà mọi người khác tránh né. Hẳn tất cả chúng ta đều đã từng nghe câu nói: “Đừng bao giờ tình nguyện làm gì cả”. Với tôi, đó là tín điều của một người sẽ thụt lùi trong cuộc sống. Người bố giàu thường nói: “Tầm cỡ của một nhà lãnh đạo được đo bằng tầm cỡ công việc mà họ đảm nhận”. Dwight Eisenhower được nhiều người biết đến vì ông đã đảm nhận cuộc xâm lược D-Day và chiến dịch châu Âu trong Thế chiến II. John Kennedy đảm nhiệm việc đưa con người lên mặt trăng. Những nhà lãnh đạo tìm kiếm những thử thách mà mọi người khác né tránh. Rất nhiều người không bao giờ có thể phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình chỉ vì họ có thói quen lùi bước trước thử thách. Họ có thói quen không bao giờ tình nguyện.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà thờ, mỗi hội từ thiện, mỗi cộng đồng đều cần có những người lãnh đạo. Mỗi tổ chức đều cho bạn một cơ hội để bước lên chịu trách nhiệm công việc. Mỗi cơ hội như vậy lại cho bạn một cơ hội để học hỏi những kỹ năng lãnh đạo vô giá cần thiết trong thế giới kinh doanh.

Nhiều người không đủ tiêu chuẩn để tham gia trò chơi giàu nhất thế giới này, trò chơi xây dựng doanh nghiệp, đơn giản vì họ không tự rèn luyện được kỹ năng lãnh đạo.

Chỉ cần bạn bước lên chịu trách nhiệm bữa ăn tối của nhà thờ nghĩa là bạn đã có thêm một chút kỹ năng lãnh đạo. Ngay cả khi không ai tình nguyện với bạn, bạn cũng sẽ học được một điều gì đó. Bạn sẽ biết làm thế nào để đứng lên và cất tiếng nói với người anh hùng nằm sâu trong mỗi người chúng ta. Nếu đã học được điều đố, những công việc lãnh đạo kế tiếp sẽ dễ dàng hơn, thành công hơn và bạn sẽ học được ngày càng nhiều hơn. Nếu bạn không phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình, cơ hội xây dựng một doanh nghiệp và tham gia trò chơi giàu nhất thế giới có thể sẽ không

bao giờ phát triển được. Tôi đã gặp rất nhiều người khôn ngoan với những ý tưởng kinh doanh tuyệt diệu, nhưng chỉ đơn giản là họ thiếu kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đòi hỏi phải nắm vững để xây dựng một đội ngũ kinh doanh và thông qua đội ngũ này để biến ý tưởng của họ thành hàng triệu hoặc hàng tỷ đôla. Trong trò chơi giàu nhất thế giới, khả năng lãnh đạo là điều chủ chốt, vì nó giúp một nhà lãnh đạo biến những cá nhân riêng rẽ thành một đội ngũ.

Nếu bạn đã xem bộ phim “Cứu lấy binh nhì Ryan”, theo tôi, đây là bộ phim thực tế nhất về chiến tranh mà tôi đã từng xem, trong bộ phim có một bài học tuyệt vời. Trong phim, Tom Hanks, một giáo viên trở thành trung úy quân đội, đã không thể bắn vào một tù nhân Đức. Tôi cho rằng đây là điểm then chốt của bộ phim, và cũng là một trong những bài học tuyệt vời của nó. Vì Tom Hanks không làm được điều này, trong trường hợp này là gạt bỏ một cá nhân, tù nhân Đức, nên anh ta đã gây nguy hiểm nghiêm trọng cho bản thân, cho đội ngũ và cho cả sứ mệnh của toàn đội nữa. Cuối cùng, không chỉ rất nhiều người của anh ta bị giết mà sứ mệnh của đội suýt nữa chịu thất bại và Tom Hanks bị giết chết bởi chính người mà anh từng tha mạng.

May mắn là hầu hết chúng ta không phải đối mặt với những cảnh khủng khiếp của chiến tranh cũng như những quyết định đau lòng mà đôi khi cũng cần phải thực hiện. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có những lúc cần phải có những quyết định khó khăn trong cuộc sống và công việc kinh doanh của mình. Sau đây là một vài ví dụ:

1. Trong một buổi tiệc ở nhà một người bạn, có một vị khách say xỉn quá mức. Khi anh ta đứng lên ra về, người chủ đòi giữ chìa khóa và định gọi taxi đưa anh ta về nhà. Vị khách rất bất mãn và cho rằng mình không hề say rượu. Một tình cảnh không mấy gì vui vẻ diễn ra và người chủ nhà khăng khăng đòi lấy chìa khóa xe, cuối cùng đã phải vật vị khách xuống đất để giành lấy chiếc chìa khóa. Họ gọi taxi đến và vị khách được đưa về nhà an toàn nhưng rất giận dữ. Kể từ đó, người khách và người chủ không nói chuyện với nhau nữa. Một số vị khách khác cho rằng người chủ nhà đã cư xử quá đáng và cũng quyết định không làm bạn với anh ta nữa. Trong chuyện này, cá nhân tôi cho rằng người chủ nhà đã rất can đảm và đã làm điều tốt nhất cho bạn mình. Người chủ có thể cư xử khác đi được không? Tất nhiên là có thể. Nhưng anh ta đã làm những gì anh cho là tốt nhất vào lúc đó. Và đó là những việc mà một nhà lãnh đạo sẽ làm.

2. Nhiều năm trước, người bố giàu của tôi phát hiện ra một trong các quản lý cấp cao của ông ngoại tình với một cô thư ký trong công ty. Ngay lập tức ông gọi vị quản lý lên và cho ông ta nghỉ việc. Cô thư ký cũng bị nghỉ việc theo. Khi tôi hỏi ông vì sao lại như vậy, ông chỉ trả lời đơn giản: “Cả hai đều đã có gia đình và con cái. Bất cứ ai có thể lừa gạt vợ hoặc chồng và con cái mình đều có thể lừa gạt những người

khác”. Tôi không nói người bố giàu đã làm đúng, nhưng một lần nữa, ông làm những điều mà ông cho là đúng nhất vào thời điểm đó. Dù cả hai nhân viên này đều rất quan trọng đối với ông nhưng ông cảm thấy việc họ đã làm không tương xứng với những giá trị mà ông muốn có ở công ty.

Hai câu chuyện trên là những ví dụ về kỹ năng lãnh đạo. Người ta nói rằng: “Các nhà lãnh đạo làm những việc đúng đắn còn các nhà quản lý làm mọi việc một cách đúng đắn”. Người bố giàu rất ưng ý với câu nói này. Ông nói: “Khả năng lãnh đạo không phải là một cuộc tranh tài đại chúng. Các nhà lãnh đạo khuyến khích người khác trở thành những nhà lãnh đạo”.

BÀI HỌC CUỐI CÙNG

Người bố giàu nói: “Một cây súng cao su vẫn chỉ là một cây súng cao su. Khi David bước lên nhận trách nhiệm giải quyết người khổng lồ Goliath, những lực lượng lớn mạnh hơn trên thế giới đã cùng bước lên với anh ta”. Ông cũng bảo tôi: “Hãy luôn luôn nhớ rằng trò chơi giàu nhất thế giới chỉ là một trò chơi với một sứ mệnh và một yêu cầu cao hơn”.

Và để kết thúc, tôi hy vọng bạn sẽ suy nghĩ về điều này. Mỗi ngày đều có những người khổng lồ Goliath mới sinh ra và những Goliath mới bước lên phía trước. Điều mà thế giới cần là ngày càng phải có nhiều David mới hơn, chỉ vũ trang một cây súng cao su nhưng lại được hỗ trợ bởi nhiều sức mạnh quyền năng trên thế giới. Bất kể bạn có chơi trò chơi giàu nhất thế giới hay không, chỉ cần biết rằng bạn có thể sử dụng nguồn lực đã cung cấp sức mạnh cho cây súng cao su của David. Tất cả những gì bạn cần biết là kẻ thù Gòliath của bạn là ai, sau đó hãy tìm sự can đảm để bước lên phía trước. Khi làm điều đó, bạn đã bắt đầu trò chơi giàu nhất thế giới, một trò chơi mà sự tưởng thưởng còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Khi bước lên, bạn sẽ chạm đến nguồn lực đằng sau cây súng cao su của David. Khi tìm thấy nguồn lực này, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Như trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, một phiên bản hiện đại của David và Goliath, đã nói: “Các lực lượng sẽ luôn bên anh”. Lực lượng vô hình này chính là sức bật mạnh mẽ nhất và tất cả chúng ta đều có thể sử dụng được. Tất cả những gì bạn phải làm là bước lên phía trước và đảm nhận một công việc lớn hơn bản thân mình.

Phần kết cuốn sách này nói về những tưởng thưởng khi xây dựng hay đạt được một tài sản có khả năng làm việc cho bạn để bạn không phải làm việc nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.