Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

PHẦN III SỨC BẬT HÀNH ĐỘNG “HÃY LÀM ĐI!” -NIKE -CHƯƠNG 14



“Lời nói rất rẻ tiền. Hãy học cách nghe bằng đôi mắt. Hành động có tiếng nói quan trọng hơn ngôn từ. Hãy nhìn những gì họ làm chứ đừng nghe những gì họ nói”.

NGƯỜI BỐ GIÀU

MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ GIÀU CÓ?

Có lần tôi hỏi người bố giàu rằng có phải mọi người đều có thể giàu có hay không? Câu trả lời của ông là “Có thể. Những điều một người phải làm để trở nên giàu có không quá khó khăn. Thực sự, làm giàu là rất dễ dàng, vấn đề là hầu hết mọi người lại thích làm theo những cách khó khăn hơn. Nhiều người làm việc suốt đời và sống tằn tiện, đầu tư vào những thứ họ không hiểu rõ, chăm chỉ làm việc cho những người giàu thay vì làm việc tích cực để làm giàu cho chính mình, và làm những việc mà người khác vẫn làm thay vì làm những việc mà người giàu vẫn làm”.

Hai phần đầu cuốn sách này chủ yếu nói về quá trình chuẩn bị tinh thần và lên kế hoạch để đạt đến sự giàu có. Cả hai quá trình này đều rất quan trọng để chuẩn bị cho việc về hưu sớm trong sự giàu có. Phần kế tiếp sau đây nói về việc người ta phải và có thể làm gì để về hưu sớm trong sự giàu có. Dù quá trình chuẩn bị tinh thần và lên kế hoạch là rất quan trọng nhưng cuối cùng thì những gì bạn phải làm mới là điều phải tính đến.

Có rất nhiều cuốn sách hướng dẫn bạn cách làm giàu. Nhưng vấn đề là hầu hết đều bảo bạn làm những việc quá khó khăn đối với hầu hết mọi người. Trong phần này, tôi sẽ nói về những việc đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Sau khi đọc xong phần này, bạn sẽ thấy là mình cũng có khả năng làm giàu nếu muốn. Hoặc ít nhất bạn cũng sẽ tìm được một vài việc bạn có thể làm để trở nên giàu có hơn. Sau khi đọc xong phần này, câu hỏi duy nhất còn lại là bạn có thực sự muốn làm giàu hay không.
Sức bật của thói quen

Người bố giàu nói: “Có những thói quen sẽ giúp con giàu lên và có những thói quen sẽ khiến con nghèo đi. Hầu hết mọi người đều nghèo là do họ có những thói quen nghèo. Nếu muốn giàu có, tất cả những gì con phải làm là tự rèn luyện cho mình những thói quen giàu có”.

Nếu bạn nghiêm túc trong việc muốn trở nên giàu có, hãy thường xuyên thực hiện những điều sau đây, lặp đi lặp lại trong suốt đời mình. Mọi người đều có thể và có đủ khả năng để làm những điều này. Vấn đề là chỉ có một số ít người có ý định làm, chịu làm và sẽ làm những điều đó mà thôi.

THÓI QUEN THỨ 1: THUÊ MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ SỔ SÁCH

Ở đầu cuốn sách này, tôi viết rằng đi mượn một triệu đôla thì dễ hơn nhiều so với để dành được một triệu đôla. Ở đây có một cái bẫy nhỏ. Trước khi người giám đốc ngân hàng đồng ý cho bạn mượn một triệu đôla, ông ta sẽ muốn biết xem bạn có đáng tin cậy để cho mượn tiền hay không. Một trong những cách giúp người giám đổc ngân hàng cảm thấy yên tâm khi cho bạn mượn tiền là khi bạn có một hồ sơ tài chính chuyên nghiệp dưới dạng những báo cáo tài chính.

Hầu hết mọi người không đủ khả năng mượn được những món tiền lớn vì họ có những hồ sơ không đầy đủ. Nhiều người phải trả lãi suất cao hơn cần thiết vì hồ sơ tài chính của họ quá tệ hại. Trong các cuốn “Dạy con làm giàu”, tôi đã viết về tầm quan trọng của những hiểu biết tài chính. Nền tảng cơ bản của những hiểu biết tài chính là một bản báo cáo tài chính và đó là thứ mà các giám đốc ngân hàng muốn xem trước khi cho bạn mượn một món tiền đáng kể.

Cho dù bạn không có một quá trình kinh doanh nào thì cuộc sống của bạn cũng vẫn là một dạng doanh nghiệp và mọi doanh nghiệp đều phải có người quản lý sổ sách. Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn nên thuê một người quản lý sổ sách. Khi có một người quản lý các thu nhập, chi phí, tài sản và tiêu sản một cách hệ thống, bạn sẽ có được những hồ sơ tài chính chuyên nghiệp. Tôi thực sự khuyên bạn hãy ngồi xuống bên người giữ sổ sách của bạn và xem xét kỹ lưỡng các con số mỗi tháng. Hãy lặp lại những gì chúng ta đã học và khi đó, bạn không chỉ có được một thói quen tốt mà còn có được những hiểu biết sâu sắc hơn về cách sử dụng tiền bạc của mình, có thể nhanh chóng sửa chữa sai lầm và cuối cùng là có thể hoàn toàn kiểm soát được tài chính của mình.

Tại sao không nên tự làm việc đó? Tại sao phải thuê một người khác? Sau đây là một số lý do.

1. Bạn muốn bắt đầu làm một người nhóm C hoặc nhóm Đ. Tất cả những người chuyên nghiệp nhóm C hoặc nhóm Đ luôn có những người quản lý sổ sách chuyên nghiệp. Ngay bây giờ hãy xem cuộc sống tài chính của mình như một doanh nghiệp. Như tôi đã nói trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 1, một trong 6 bài học của người bố giàu là “hãy nghĩ đến doanh nghiệp riêng của mình”, và điều đó bắt đầu bằng việc thuê một người quản lý sổ sách chuyên nghiệp.

2. Bạn muốn đứng ngoài xem xét tiền bạc và các thói quen tiêu dùng của mình một cách khách quan. Bạn biết đấy, tiền bạc có thể là một vật rất dễ gây xúc động, nhất là những món tiền của bạn. Nếu có người tham gia chuyện tài chính với bạn mà không bị ảnh hưởng gì về mặt cảm xúc, người đó có thể sắp xếp mọi thứ và nói chuyện với bạn một cách rõ ràng hơn và hợp lý hơn. Tôi nhớ mỗi lần nói đến chuyện tiền bạc, không phải bố mẹ tôi thảo luận mà thực sự là cãi cọ và la lối nhau. Như thế không thể là một cách quản lý hoặc bàn luận khách quan về tiền bạc được.

3. Người bố nghèo không muốn nhắc đến chuyện tài chính của ông. Ông giữ bí mật những khó khăn tài chính của chúng tôi, che giấu người khác, giấu gia đình và giấu cả chính bản thân mình nữa. Khi còn nhỏ, chúng tôi biết gia đình mình gặp nhiều khó khăn tài chính nhưng chúng tôi không bàn luận về vấn đề đó mà im lặng và giữ bí mật. Các nhà tâm lý gọi điều đó là những chất độc bí mật gia đình, nghĩa là những bí mật này đang đầu độc cả gia đình chúng tôi. Tôi biết những nỗi đau xúc cảm do đấu tranh tài chính thực sự đã ảnh hưởng nhiều đến tất cả chúng tôi, dù chúng tôi đã cố giữ bí mật về chúng.

4. Khi thuê một người quản lý sổ sách chuyên nghiệp không bị ảnh hưởng về cảm xúc bạn có thể công khai những thử thách tài chính của mình. Qua việc thảo luận về các bản báo cáo tài chính với người quản lý sổ sách chuyên nghiệp này, bạn có thể thoải mái nói về chủ đề tiền bạc và tài chính doanh nghiệp. Nếu mọi chuyện được công khai và nếu được bàn bạc các vấn đề tài chính với một nhà chuyên môn, bạn sẽ có khả năng thay đổi nhiều hơn hoặc khả năng quyết định chính xác hơn trước khi các vấn đề tài chính trở thành những chất độc.

5. Nếu bạn kiếm được ít hơn 50.000$ và đang ở nhóm L, việc thuê một người giữ sổ sách sẽ không tốn quá 100$ hay 200$ một tháng. Có nhiều người bảo tôi rằng thà họ dùng số tiền đó mua thức ăn hoặc quần áo còn có lý hơn. Vấn đề là việc suy nghĩ về chuyện mua thức ăn hoặc quần áo sẽ không giải quyết được những rắc rối về tiền bạc của bạn và sẽ không giúp bạn giàu lên. Như người bố giàu vẫn luôn nói rằng: “Có những món nợ tốt và những món nợ xấu, những thu nhập tốt và những thu nhập xấu, những chi phí tốt và những chi phí xấu”. Ông bảo việc thuê một người quản lý sổ sách và những nhà tư vấn tài chính chuyên môn khác là một chi phí tốt, đơn giản vì đó là những chi phí sẽ giúp bạn giàu lên, giúp cuộc sống của bạn được thoải mái hơn và chuẩn bị cho bạn một tương lai tốt đẹp hơn.

Nếu bạn thực sự không đủ tiền thuê một người giữ sổ sách thì hãy tìm và đề nghị trao đổi với họ. Bạn có thể lau nhà hoặc quét sân cho họ và đổi lại, họ tính toán sổ sách giúp bạn. Bạn phải làm điều này bằng mọi giá vì cái giá về lâu dài sẽ rất cao. Như người bố giàu đã nói: “Chi phí lớn nhất trong cuộc đời con là những số tiền mà con không làm ra được”.

6. Quan trọng nhất, việc thuê một người quản lý sổ sách chuyên nghiệp sẽ xác nhận với chính bạn rằng mình đang bắt đầu xem trọng vấn đề tài chính. Điều đó có nghĩa là ít nhất một lần một tháng, bạn sẽ ngồi nói chuyện với người quản lý sổ sách của mình, tính toán, học hỏi, sửa chữa, và định hướng lại tương lai tài chính cho cuộc sống của mình.

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4, tôi bắt đầu lời giới thiệu của mình bằng câu nói: “Tại sao các giám đốc ngân hàng không hỏi học bạ của bạn?” Những gì họ cần là các bản báo cáo tài chính. Người bố giàu nói: “Các bản báo cáo tài chính chính là phiếu điểm của con khi con không còn đến trường học nữa”. Ở trường, chúng ta nhận được các phiếu điểm ít nhất là một học kỳ một lần. Ngay cả khi học kém, bạn vẫn nhận được phiếu điểm và bố mẹ bạn sẽ biết bạn giỏi môn gì, yếu môn gì để có thể giúp bạn sửa chữa. Trong cuộc sống, những người không có các bản báo cáo tài chính không thể sửa chữa được nếu họ không biết tình hình tài chính của mình trong tháng, trong quý hoặc trong năm đó như thế nào. Hãy xem những bản báo cáo tài chính của bạn là các phiếu điểm và hãy làm việc chăm chỉ để những phiếu điểm tài chính của bạn có thể được đo bằng hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ đôla. Đó là lý do vì sao một người giữ sổ sách là rất quan trọng. Anh ta sẽ cung cấp phiếu điểm cho bạn mỗi tháng.

Có 3 việc mà bạn cần làm:

1. Tìm thuê một người giữ sổ sách.

2. Mỗi tháng hãy tính toán tình hình tài chính của mình.

3. Mỗi tháng hãy xem xét lại các bản kê tài chính với một nhà tư vấn để có thể kịp thời sửa chữa sai lầm.

THÓI QUEN THỨ 2: THÀNH LẬP MỘT ĐỘI NGŨ CHIẾN THẮNG

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4, tôi đã viết rằng nhóm C và nhóm Đ là những đội thể thao. Nhóm L và T thường gặp khó khăn khi chuyển chỗ vì họ không quen với việc có được một đội ngũ hỗ trợ các kế hoạch và những quyết định tài chính của họ.

Khi còn nhỏ, tôi thấy người bố nghèo thường tự gánh vác các vấn đề tài chính. Ông thường ngồi trầm ngâm trong bữa ăn tối khi gặp khó khăn, thỉnh thoảng cãi nhau với mẹ tôi những khi thất bại, và sau đó thì ngồi lặng lẽ một mình suốt buổi tối. Nhiều lần khi trở về nhà, tôi thấy mẹ đang khóc vì bà biết gia đình đang gặp khó khăn tài chính nhưng không có ai để chia xẻ cả. Trong chuyện tiền bạc, bố tôi luôn rất độc đoán và không bao giờ bàn bạc về những khó khăn tài chính của mình với bất kỳ ai.

Trái lại, người bố giàu thì cùng đội ngũ của mình ngồi quanh bàn ăn, thảo luận thoải mái về các vấn đề tài chính. Ông bảo: “Mọi người đều gặp khó khăn về tài chính, người giàu, người nghèo, các doanh nghiệp, chính phủ, nhà thờ, v.v… Điều quyết định một người sẽ giàu hay nghèo chính là cách họ giải quyết những khó khăn này. Người nghèo thường nghèo chỉ đơn giản vì họ giải quyết những vấn đề của mình một cách tồi tệ”. Đó là lý do tại sao người bố giàu bàn bạc công khai các khó khăn với đội ngũ hỗ trợ tài chính của mình. Ông nói: “Không ai biết hết tất cả mọi thứ cả. Nếu con muốn chiến thắng trong trò chơi tiền bạc thì con phải có những cái đầu thông minh và khôn ngoan nhất trong đội ngũ của mình”. Người bố nghèo thất bại vì ông nghĩ rằng mình có thể giải quyết mọi vấn đề, mà thực tế thì không phải vậy.

Sau khi người giữ sổ sách cung cấp cho bạn những bản báo cáo tài chính mỗi tháng thì hãy tổ chức các cuộc họp hàng tháng với đội ngũ của mình. Có thể đó là những giám đốc ngân hàng, kế toán viên, luật sư, nhà môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm và nhiều người khác nữa. Mỗi chuyên gia sẽ đến bàn họp với một cách nhìn khác nhau và cách giải quyết vấn đề khác nhau. Thu thập được nhiều ý kiến không có nghĩa là bạn phải làm theo một ý kiến nào trong số đó. Hãy lắng nghe những người khôn ngoan hơn bạn trong những lĩnh vực chuyên môn khác nhau và cuối cùng thì hãy tự quyết định lấy.

Khi người ta hỏi tôi làm thế nào mà tôi học được nhiều thứ như thế về tiền bạc, đầu tư và kinh doanh, tôi trả lời một cách đơn giản: “Đội ngũ của tôi đã hướng dẫn tôi”. Tôi đã học nhiều về đầu tư và kinh doanh trong dời sống hơn trong trường học, đơn giản vì cuộc đời chính là trường học của tôi. Tôi quan tâm đến việc giải quyết những khó khăn tài chính của mình hơn là ngồi trong lớp tập giải quyết những vấn đề tưởng tựợng.

Sau đây là một ví dụ cho thấy đội ngũ của tôi đã hướng dẫn tôi như thế nào. Một ngày nọ, tôi gặp một trong các luật sư của mình. Ông cố giải thích cho tôi hiểu về cách làm thế nào để sử dụng các phiếu nợ miễn thuế của chính phủ. Lời giải thích của ông quá phức tạp và ông dùng những từ ngữ mà tôi chưa bao giờ nghe trước đây. Thay vì lãng phí thời gian của cả hai người, ngồi nghe ông ta nói và giả vờ là mình đã hiểu, tôi ngưng cuộc họp và lên kế hoạch sẽ tiếp tục vào một lúc khác. Vào buổi họp kế tiếp, tôi mời Kim và kế toán viên của tôi cùng tham dự và hai người họ cố giải thích giúp tôi những gì vị luật sư nói theo cách của chúng tôi.

Trước đây tôi đã nói rằng ngôn từ là công cụ của trí não. Mỗi lĩnh vực, chuyên gia sẽ sử dụng những ngôn từ khác nhau. Ví dụ như các luật sư sẽ dùng những từ ngữ khác những từ mà các kế toán viên hay những người giữ sổ sách hay dùng. Khi đầu tư thời gian để tìm hiểu rõ ràng và nhờ người khác giải thích những từ này, tôi có thể sử dụng và áp dụng chúng tốt hơn trong cuộc sống. Nói cách khác, tôi dùng các chuyên gia như những người phiên dịch để có thể sử dụng những từ ngữ này trong cuộc sống của mình. Càng hiểu rõ và sử dụng được nhiều từ thì tôi càng có thể làm ra tiền nhanh hơn và tương lai tài chính của tôi sẽ càng trở nên tốt hơn.

Cuộc họp đó làm tôi tốn khoảng vài trăm đôla chi phí, nhưng tôi biết số lời sẽ lũy thừa lên gấp nhiều lần. Nó giúp tôi hiểu được làm thế nào để mượn được hàng chục triệu đôla của chính phủ với một lãi suất rất thấp. Những kiến thức tổng hợp từ người luật sư và viên kế toán trong chủ đề này sẽ làm tăng tốc rất lớn các tỉ số sức bật của tôi. Như tôi đã nói, bạn có thể tăng thu nhập của mình dần dần hoặc tăng theo lũy thừa cấp tiến. Khi đầu tư cho vốn từ vựng và sự hiểu biết của mình, của cải của tôi đã tăng theo số lũy thừa cấp tiến.

Vì vậy, hãy bắt đầu tập trung đội ngũ của mình. Nếu bạn không đủ tiền để thuê một đội ngũ chuyên gia đắt giá, hãy tìm những người đã về hưu nhưng vẫn đang muốn giúp đỡ và hướng dẫn người khác. Nhiều khi bạn chỉ cần đãi họ một bữa ăn là đủ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người muốn chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống và giúp đỡ những người khác. Tất cả những gì bạn cần làm là hãy tỏ ra tôn trọng, đừng tranh cãi, và hãy chăm chú lắng nghe. Cứ một tháng một lần như thế, tương lai của bạn sẽ giàu có mãi mãi.

THÓI QUEN THỨ 3: LIÊN TỤC MỞ RỘNG PHẠM VI BỐI CẢNH VÀ NỘI DUNG CỦA MÌNH

Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại Công nghệ Thông Tin chứ không phải trong thời đại Công nghiệp. Trong thời đại Công nghệ Thông Tin, những tài sản lớn nhất của bạn không phải là chứng khoán, cổ phiếu, quỹ hỗ tương, doanh nghiệp hay bất động sản nữa. Tài sản lớn nhất của bạn bây giờ là những thông tin trong đầu bạn và thời đại của chúng. Nhiều người bị tụt hậu vì những thông tin trong đầu họ là những thông tin của thời lịch sử cổ đại và họ luôn trung thành với những câu trả lời đúng đắn của ngày hôm qua nhưng lại sai lầm vào hôm nay. Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn sẽ cần phải theo kịp một thế giới thông tin thay đổi chớp nhoáng.

Và làm thế nào để theo kịp thời đại Công nghệ Thông Tin? Sau đây là một số việc tôi thường làm để không ngừng học hỏi. Nếu nó cũng có ích cho bạn thì rất tốt, còn nếu không thì hãy tìm con đường riêng của bạn.

1. Thư viện audio của Nightingale-Conant. Năm 1974, sau khi quyết định đi theo con đường của người bố giàu, tôi biết mình cần nhiều nhà tư vấn hơn chứ không chỉ mỗi người bố giàu là đủ. Tôi biết mình cần những thông tin không có trong các lĩnh vực giáo dục truyền thống. Năm 1974, tôi tình cờ tìm được một số băng cassette chứa những thông tin vô giá, những thông tin không chỉ bổ sung cho nội dung mà còn có thể mở rộng phạm vi bối cảnh của tôi nữa. Những cuốn băng này vừa có thể đem đến các thông tin thích hợp và xác đáng vừa có thể mở rộng thêm tầm nhận thức của tôi.

Đến hôm nay, hơn 25 năm sau, tôi vẫn còn sử dụng những sản phẩm của Nightingale-Conant. Mỗi khi cần cập nhật thông tin, tôi lại đến tìm trong danh mục của họ các chương trình có thể dạy tôi những gì tôi muốn biết. Mỗi khi cần những thông tin vô giá của các bậc vĩ nhân trên thế giới, tôi cũng đến tìm trong danh mục của họ.

Sau đây là một số cuốn băng mà bạn có thể bắt đầu tìm nghe:

1. “Đứng đầu mọi lĩnh vực” của Earl Nightingale. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển vượt thời gian. Earl Nightingale là một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh hiện đại và sự thông thái cùng kinh nghiệm lãnh đạo là những điều mà tất cả chúng ta đều cần có nếu muốn theo kịp thời đại Công nghệ Thông Tin.

2. “Kiếm tiền trên mạng Internet” của Seth Godin. Cuốn băng này chứa những thông tin thực tế, cơ bản và hữu ích về việc làm thế nào để bắt đầu một ngành kinh doanh trên mạng Internet. Ngay cả khi bạn không định kinh doanh trên mạng thì cuốn băng này cũng có rất nhiều thông tin quan trọng cho bất cứ ai muốn trở nên giàu có.

3. “Nhìn xa trông rộng” của Brian Tracy. Cuốn băng này rất thiết yếu cho những ai nghĩ rằng tầm nhìn của mình quá hẹp. Một trong những lý do người ta thường gặp hoàn cảnh khó khăn hay không có đủ tiền là do họ thường suy nghĩ quá hạn hẹp. Cuốn băng này sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn đến những triển vọng rộng lớn hơn trong cuộc sống.

4. “Nghệ thuật sống cao cả” của Jim Rohn. Đây là một chương trình giáo dục mở rộng bối cảnh rất tuyệt vời vì nhiều người cho rằng họ phải làm được những điều cao cả hay vượt qua những trở ngại to lớn thì mới trở nên vĩ đại. Jim Rohn đã chỉ ra rằng có một khác biệt giữa việc thực hiện những hành động vĩ đại và sống một cuộc sống cao cả, làm những điều đơn giản trong đời một cách cao cả. Sau khi nghe cuốn băng, tôi ngưng không cố gắng làm những điều tuyệt vời nữa mà thay vì thế, làm những điều bình thường một cách thật tốt đẹp.

5. “Làm thế nào để trở thành một người không có giới hạn” của tiến sĩ Wayne Dyer. Đây là một cuốn băng tuyệt vời về việc làm thế nào để mỗi ngày của bạn đều trở nên có ích trong việc mở rộng bối cảnh hay nhận thức để cho phép mình có được nhiều cơ hội hơn, một sức khỏe tốt hơn, một cuộc sống hạnh phúc hơn và đối mặt với các vấn đề bằng một thái độ tích cực hơn.

Mỗi khi tập thể dục hoặc lúc đang lái xe, tôi thường lắng nghe một cuộn băng của Nightingale-Conant. Khi người ta hỏi tôi về việc tìm kiếm các nhà tư vấn dày kinh nghiệm, tôi thường chỉ họ đến danh mục băng cassette của Nightingale- Conant và tìm nhà tư vấn mà họ muốn học hỏi.

2. Tôi đăng ký các bản tin tài chính doanh nghiệp sau:

1. “Phố Wall của Louis Rukeyser” của Louis Rukeyser. Tôi thấy những thông tin của ông ta rất sâu sắc. Các bản tin này rất quan trọng đối với những ai muốn theo kịp những gì đang diễn ra trên phố Wall.

2. “Chiến lược đầu tư” của James Dale Davidson và Lord Rees Mogg. Hai người này có một viễn cảnh toàn cầu về kinh tế thế giới. Những thông tin của họ cũng rất sáng suốt và rất hữu ích cho các nhà đầu tư giàu có.

3. “Tóm lược sách kinh doanh audio”. Hàng tháng tổ chức này xuất bản các bấn in tóm lược và một chương trình trên audio cassette về những cuốn sách kinh doanh mới nhất. Tôi thấy tốt hơn là nên đọc phần tóm tắt và nghe cuốn băng trước khi quyết định mình có muốn đọc cuốn sách này hay không.

Chúng ta đang tiến đến một kỷ nguyên của những cơ hội chưa từng có. Nếu tất cả những gì bạn muốn là một số lương cao, bạn sẽ bỏ lỡ kỷ nguyên này trong lúc những người khác đang trở nên siêu giàu có. Nếu không muốn bỏ lỡ nó, hãy tập một thói quen tiến lên phía, trước và nhìn thấy điều mà người khác không thấy.

THÓI QUEN THỨ 4: TIẾP TỤC TRƯỞNG THÀNH

Một ngày kia, một người bạn đến than phiền với tôi là anh ta đã mất vài triệu đôla trong thị trường chứng khoán. Đây là lần đầu tiên anh ta đầu tư, năm 1995, và đã phải mượn tiền để mua chứng khoán, sau khi thị trường sụp đổ thì gần như anh ta bị mất hết mọi thứ, kể cả ngôi nhà đang ở. Anh ta liên tục ca cẩm và cuối cùng thì tôi thấy như thế là đủ rồi. Tôi bảo: “Thôi nào đứng lên đi chứ. Anh đã lớn rồi chứ có phải trẻ con đâu. Điều gì khiến anh nghĩ rằng thị trường chứng khoán luôn luôn tăng giá!”

Lời nói của tôi không xoa dịu được anh ta. Anh ta tiếp tục nói: “Sao Alan Greenspan không hạ lãi suất sớm hơn? Sao lại phải tăng chúng lên? Chính tại lỗi của ông ta và lỗi của người môi giới chứng khoán mà bây giờ tôi mất hết mọi thứ. Làm sao tôi trả nợ được đây? Tại sao chính phủ liên bang không làm một điều gì đó để giúp đỡ những người thất bại trong thị trường chứng khoán chứ?”

Tôi quay lưng bước đi và nhắc lại: “Hãy đứng lên”.

Người bố giàu thường nói: “Người ta già đi nhưng không nhất thiết đã lớn lên. Nhiều người đi từ vòng tay che chở của bố mẹ sang nương tựa nơi các công ty hay chính phủ. Nhiều người hy vọng người khác sẽ lo lắng cho họ hay chịu trách nhiệm về sự thiếu khôn ngoan và chín chắn của họ. Chính vì vậy nên họ tìm kiếm những công việc bảo đảm hoặc sự quan tâm của chính phủ. Rất nhiều người suốt đời tìm kiếm một công việc ổn định, suốt đời né tránh rủi ro, né tránh sự trưởng thành và luôn luôn tìm kiếm những bậc đại diện bố mẹ để chăm sóc cho mình”. Tôi biết nhiều người sẽ không thể sống sót nếu không có Bảo hiểm Xã hội. Tôi biết nhiều người chưa đủ tuổi để được rút Bảo hiểm Xã hội, vậy mà họ vẫn tiếp tục tin tưởng rằng Bảo hiểm Xã hội và Y tế sẽ chăm sóc cho họ trong tương lai. Mạng lưới an sinh xã hội này được tạo ra trong thời đại Công nghiệp và chỉ dành cho những người thực sự cần kíp. Không may là ngày nay, nhiều người, kể cả những trí thức học vấn cao, cũng đang trông chờ chính phủ sẽ chăm lo cho họ. Chúng ta đang ở trong thời đại Công nghệ Thông Tin và đã đến lúc chúng ta bắt đầu phải tự trưởng thành về mặt tài chính.

Khi rời trung học, tôi nghĩ mình đã trưởng thành và biết hết tất cả mọi thứ, nhưng hôm nay thì tôi thường nói: “Ước gì mình có thể tìm hiểu lại tất cả những gì mình đã biết”. Tôi cho rằng trưởng thành không có nghĩa là làm mọi việc khác di khi

chúng ta lớn lên. Trong cuộc sống, tiếp tục làm cùng một việc mỗi ngày sẽ đưa đến sự phát triển tinh thần và tình cảm theo một cách nào đó. Thế giới đang thay đổi, sự trưởng thành cũng phức tạp hơn và chúng ta cũng vậy.

Một trong những thay đổi của thế giới là sẽ không có nhiều công việc bảo đảm và an toàn tài chính nữa. Các công ty đang đẩy mọi người ra một thế giới lạnh lùng và bảo họ: “Đừng hy vọng chúng tôi sẽ chăm lo cho anh một khi anh không còn làm việc cho chúng tôi nữa”. Họ cũng nói rằng: “Tốt hơn anh nên tìm cách dựa vào thị trường chứng khoán khi không còn làm việc nữa”. Tuy nhiên, trong một thế giới thực sự lạnh lẽo và khắc nghiệt như vậy, trông chờ thị trường chứng khoán tăng giá quả là ngớ ngẩn. Trưởng thành có nghĩa là sẵn sàng chịu trách nhiệm ngày càng nhiều hơn về chính mình, về những hành vi cử chỉ cũng như việc học hỏi không ngừng và sự chín chắn của bản thân. Nếu muốn có một tương lai tài chính đảm bảo và an toàn, bạn cần hiểu rằng thị trường lên xuống rất thất thường và không ai ở đó để bảo vệ cho bạn cả. Càng trưởng thành nhanh chóng và càng có thể đối mặt với một thực tế khắc nghiệt như vậy, bạn càng có thể trưởng thành hơn trong tương lai. Trong thời đại Công nghệ Thông Tin, ngày càng có nhiều người cần phải trưởng thành và thoát khỏi những

ý tưởng của thời đại Công nghiệp cũ với hy vọng một người nào đó sẽ chịu trách nhiệm về sự ổn định công việc và an toàn tài chính cho mình.

Tôi e rằng trong vòng chưa đến 10 năm nữa, thời đại Công nghiệp sẽ biến mất không còn dấu tích. Chúng ta sẽ nhận ra điều đó khi chính phủ công nhận phá sản và không thể giữ được những lời hứa về tài chính của họ. Nếu trong 20 năm tới, khi nhiều người bắt đầu hốt hoảng rút tiền trong tài khoản 401(k) ra thì thị trường sẽ bắt đầu sụp đổ, nhiều người sẽ thất vọng và Mỹ có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn kỳ hoặc thậm chí là tình trạng đình đốn trầm trọng. Nếu điều này xảy ra, cuối cùng thì hàng triệu người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số Mỹ cũng sẽ phải trưởng thành với con cái họ. Trưởng thành có nghĩa là bạn ngày càng ít phụ thuộc vào người khác hơn, ngày càng có khả năng chăm lo cho bản thân và những nhu cầu của mình cũng như của người khác. Với tôi, trưởng thành là một quá trình lâu dài, một quá trình mà nhiều người né tránh bằng cách tìm kiếm một công việc bảo đảm và một sự an toàn tài chính do người khác cung cấp, một người nào khác chứ không phải chính bản thân họ.

Tiếp tục trưởng thành là một thói quen quan trọng. Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn sẽ cần phải trưởng thành nhanh hơn nhiều người khác.

THÓI QUEN THỨ 5: SẴN SÀNG THẤT BẠI

Khác biệt lớn nhất giữa người bố giàu và người bố nghèo là người bố nghèo của

tôi không bao giờ sẵn sàng chấp nhận thất bại. Ông nghĩ rằng phạm lỗi là dấu hiệu của sự thất bại, nói cho cùng ông vẫn là một giáo viên. Người bố nghèo cũng cho rằng mỗi vấn đề trong cuộc sống chỉ có một câu trả lời duy nhất là đúng đắn.

Người bố giàu thường phiêu lưu vào những lĩnh vực mà ông không hiểu biết nhiều. Ông tin vào việc có những mơ ước lớn, chấp nhận những thử thách mới và phạm những sai lầm nhỏ. Lúc cuối đời, ông bảo tôi: “Suốt đời bố con luôn giả vờ rằng mình biết hết tất cả mọi thứ và luôn né tránh sai lầm dù là nhỏ nhất. Đó là lý do tại sao vào những lúc cuối dời, ông ấy bắt đầu phạm những sai lầm lớn”. Người bố giàu còn nói: “Một trong những điều tuyệt vời của việc sẵn sàng thử những điều mới và chấp nhận phạm sai lầm là chúng sẽ giúp con trở nên khiêm tốn hơn. Những

người khiêm tốn luôn học hỏi được nhiều hơn những người kiêu căng ngạo mạn”.

Trong nhiều năm, tôi đã thấy người bố giàu lao vào các dự án kinh doanh đầy rủi ro mà ông chưa biểu biết nhiều về chúng. Ông ngồi lắng nghe và đặt câu hỏi suốt hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng cho đến khi có được những kiến thức cần thiết. Ông luôn tỏ ra khiêm tốn và đặt những câu hỏi ngớ ngẩn. Ông bảo: “Tỏ ra mình thông minh mới thật sự là ngu ngốc”.

Người bố giàu luôn sẵn lòng phạm sai lầm. Khi phạm lỗi ông luôn sẵn sàng xin lỗi. Ông không cố gắng chứng tỏ mình đúng vào mọi lúc. Ông nói: “Ở trường chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất. Nhưng trong đời sống thì thường không chỉ có một giải pháp đúng. Nếu người khác có một giải pháp tốt hơn con thì hãy nắm lấy, khi đó con sẽ có hai giải pháp đúng”. Ông còn nói thêm: “Những người chỉ có một câu trả lời đúng thường có ba đặc tính. Thứ nhất, họ thường rất thích tranh cãi và luôn tự phòng thủ. Thứ hai, họ thường là những người rất tẻ nhạt. Và thứ ba, họ thường rất cổ hủ vì họ không nhận ra rằng khi thời gian trôi qua thì đôi khi, câu trả lời của họ không còn chính xác nữa”.

Và như thế, lời khuyên của người bố giàu là: “Hãy biết sống. Hãy làm những điều táo bạo và mỗi ngày hãy mạo hiểm một chút. Ngay cả khi không trở nên giàu có, thói quen này cũng sẽ giúp cuộc sống thú vị hơn và giúp con người trẻ trung hơn”.

Không may là người bố nghèo của tôi suốt đời chỉ làm những việc duy nhất đúng đắn. Ông trở thành một giáo viên, ông đụng chạm với các sếp vì bực bội với sự tham những trong chính phủ và cũng bởi vì đó là một điều đúng đắn phải làm. Vào những năm cuối đời, suốt hai mươi năm ông ngồi trước TV giận dữ vì ông đã làm những điều đúng đắn mà dường như không ai quan tâm đến. Ông rất tức giận khi nghĩ về những người cùng thế hệ mà ông cho là đã làm những việc sai trái nhưng giờ lại rất giàu có hoặc lên đến những địa vị cao.

Người bố giàu nói: “Đôi khi những điều đúng đắn khi con mới bước vào đời lại không còn đúng nữa vào lúc cuối cuộc đời của con. Rất nhiều người không thành công đơn giản vì họ sợ thay đổi hoặc không thể thay đổi với thời gian. Đôi khi để được đúng đắn, chúng ta cần phải sai lầm. Nếu chúng ta muốn học cách đi xe đạp, chúng ta phải chấp nhận phạm sai lầm trong một thời gian. Hầu hết mọi người không thành công bởi vì họ muốn đúng mà không sẵn sàng sai. Chính nỗi sợ bị thất bại đã khiến họ thất bại. Chính nỗi khao khát được hoàn hảo đã khiến họ không hoàn hảo. Chính nỗi lo mọi việc sẽ trở nên tồi tệ đã khiến họ cảm thấy bản thân hoàn toàn tồi tệ”.

Với những người sợ thất bại hoặc sợ phạm lỗi, tôi đã viết một chương trình audio cassette với Nightingale-Gonant có tựa đề “Những bí mật của người bố giàu”, đó là một thế giới được tạo ra để chúng ta không thất bại, thế giới này được thiết lập để chúng ta có thể chiến thắng. Nhưng điều khó khăn nhất là bạn phải sẵn sàng thất bại trước rồi mới chiến thắng sau. Cuốn băng này sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ thất bạt. Một khi đã hiểu được Những bí mật của người bố giàu, bạn sẽ sẵn sàng thất bại hơn để chuẩn bị cho chiến thắng. Như người bố giàu đã nói: “Những người né tránh thất bại cũng là né tránh sự thành công. Thất bại là mẹ thành công”.

Tóm lại, mỗi ngày người bố giàu đều sẵn sàng chấp nhận thất bại một chút. Người bố nghèo của tôi thì lại gắng hết sức để không bị thất bại. Sự khác biệt giữa những thói quen vặt vãnh này đã tạo nên một khác biệt rất lớn vào lúc cuối cuộc đời họ.

THÓI QUEN THỨ 6: HÃY LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH

Thói quen cuối cùng và quan trọng nhất đối với những ai muốn về hưu sớm trong sự giàu có là hãy tập lắng nghe chính mình. Người bố giàu thường nói: “Quyền lực mạnh mẽ nhất mà bố có được là những điều bố tự nhủ với chính mình và những điều mà bố tin tưởng”. Thói quen này là một cách khác để diễn tả nhận thức hay phạm
vi bối cảnh của bạn. Nói cách khác, hãy chú ý đến những điều bạn tự nhủ với mình vì mỗi ngày trôi qua, chúng sẽ trở thành thực tế của bạn.

Người bố giàu bảo: “Những người thất bại thường tập trung nhiều vào những gì họ không muốn trong cuộc sống chứ không tìm hiểu cụ thể những gì họ muốn. Đó là sự khác biệt. Đó là thói quen. Và đối với tiền bạc cũng vậy”.

Tôi đáp: “Như vậy có một sự khác biệt lớn giữa những người thường nói rằng:

‘Tôi không muốn nghèo khổ’ và những người nói rằng: ‘Tôi muốn giàu có”‘.

Người bố giàu gật đầu: “Với ta thì trí não con người không nghe được những chữ ‘muốn’ hay ‘không muốn’. Nó chỉ nghe được những chủ đề đang được bàn luận, những chữ như mập, ốm, khỏe, yếu, giàu, nghèo. Chủ đề đó là gì thì con cũng sẽ trở nên như vậy”.

Tôi hỏi: “Vậy khi một người nói rằng ‘Tôi không muốn mất tiền thì trí não của anh ta chỉ nghe được hai chữ ‘mất tiền’ thôi à?”

Người bố giàu trả lời: “Với ta thì như vậy đấy”.

“Vậy nghĩa là mọi người thường chỉ nói về những điều họ không muốn hoặc nói về những điều họ không thể có”.

“Đúng vậy. Nhưng bố thường làm nhiều hơn thế, và đó là một trong những thói quen của bố”.

Tôi hỏi: “Làm nhiều hơn là nói ra những gì bố muốn à?”

Người bố giàu gật đầu và giải thích cho tôi một trong những thói quen quan trọng nhất trong cuộc sống. Ông nói: “Tất cả chúng ta đều luôn cảm thấy lo lắng, ngập ngừng và ngờ vực. Đó là một phần con người. Khi bố có những cảm giác đó, đầu tiên bố sẽ kiểm tra lại suy nghĩ của mình. Nếu cảm thấy mọi thứ thật tệ hại hay đang e sợ điều gì, bố biết mình đã nói hay đã nghĩ đến cái gì đó có thể dẫn đến những cảm giác ấy”.

“Đúng thế, rồi sao nữa ạ?”

“Khi đó bố sẽ thay đổi những suy nghĩ hay lời nói của mình thành những điều mình muốn. Ví dụ, nếu sợ mất tiền trong một chuyến đầu tư, bố sẽ tự nhủ: ‘Mình sợ điều gì chứ? Thực sự mình muốn những gì? Và mình cần phải làm gì để có được điều mình muốn?’ Nếu để ý, con sẽ thấy tất cả đều là những câu hỏi mở rộng nhận thức đến những khả năng và những thực tế mới”.

Tôi gật đầu: “Sau đó thì sao?”

“Sau đó bố sẽ ngồi yên lặng cho đến khi không còn cảm giác sợ hãi nữa và bắt đầu có được những cảm giác mình muốn. Khi đã có những cảm giác và những suy nghĩ mà mình muốn thì bố bắt đầu hành động. Trước tiên bố sẽ chuẩn bị cho bản thân, chuẩn bị một tinh thần đúng đắn và một cảm xúc mà mình muốn có chứ không phải một cảm xúc mình không muốn, sau đó bố sẽ bắt tay vào hành động”.

Tóm tắt quá trình này là:

1. Hãy chú ý đến những suy nghĩ bạn không muốn và đổi chúng thành

những suy nghĩ về những điều bạn muốn.

2. Hãy chú ý đến những cảm xúc bạn không muốn và đổi chúng thành những cảm xúc về những điều bạn muốn.

3. Hãy hành động và tiếp tục tiến lên, hãy sửa chữa nếu cần, cho đến khi có được những gì bạn muốn chứ không phải những gì bạn không muốn.

THỰC HIỆN

Một vài năm trước, tôi đang ở Las Vegas vào một buổi tối. Tôi thường không chơi những trò cờ bạc nhưng vì lúc đó khá rảnh rỗi nên tôi quyết định chơi vài ván. Ngay khi vừa chạm đến bàn cờ, tôi cảm thấy người mình như căng ra vì nỗi lo sợ sẽ bị mất tiền, khi đó trí não tôi bắt đầu nói: “Mình chỉ mất khoảng 200$ thôi, sau đó mình sẽ dừng lại”.

Ngay lập tức tôi thay đổi suy nghĩ của mình sang một hướng khác: “Mình có 200$ để chơi và chừng nào thắng được 500$ thì mình sẽ dừng lại”. Tôi đã có chiến lược bắt đầu và chiến lược kết thúc. Sau đó tôi ngồi xuống bàn và nhìn nhà cái chia bài, nhưng tôi vẫn không thể đặt tiền ra. Tôi có thể cảm thấy nỗi lo thất bại nhảy tưng tưng trong lồng ngực. Tôi tập trung sự chú ý vào việc thay đổi những cảm giác thất bại thành những cảm giác chiến thắng. Chỉ khi tôi có thể cảm thấy sự tự tin của một người chiến thắng trong tâm can mình thì tôi mới bắt đầu chơi. Và dù ban đầu tôi thua mất một ít nhưng tôi vẫn luôn tập trung vào những suy nghĩ và những cảm giác chiến thắng. Sau một giờ, tôi bước ra với số tiền 500$ trong túi.

Một buổi tối nữa, tôi có việc quay trở lại Las Vegas. Một lần nữa tôi trở lại quá trình này. Vấn đề là lần này tôi không thắng được dù đã cố gắng tập trung những suy nghĩ và cảm giác của mình. Khi đã thua trắng 200$, tôi phải chiến đấu với những cảm giác của mình, không đặt thêm tiền nữa. Bước khỏi bàn chơi là một trong những việc khó nhất mà tôi phải làm. Tôi muốn theo đuổi số tiền của tôi.

Khi bước đi, tôi có thể nghe thấy lời người bố giàu vang vọng đâu đó: “Mặc dù có những suy nghĩ và những cảm xúc tích cực nhất, đôi khi mọi việc vẫn không theo

ý con muốn. Người chiến thắng là người biết được lúc nào nên chấm dứt và kết thúc. Một người chiến thắng cần phải hiểu rằng thất bại là mẹ thành công. Chỉ có một người thất bại mới ngồi lại mãi mãi và đánh mất mọi thứ với hy vọng chứng tỏ rằng mình không phải là một người thất bại”.

NHỮNG MỐI QUAN HỆ TUYỆT VỜI

Quá trình lựa chọn cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn cũng rất có ích trong các mối quan hệ. Có những khi tôi cảm thấy rất bực bội khi nghĩ về những việc mà Kim, vợ tôi, không chịu làm. Và đôi khi tôi cảm thấy yêu cô ấy say đắm khi nghĩ đến những việc mà cô ấy đã làm cho tôi hoặc những việc chúng tôi đã cùng làm với nhau.

Ban nhạc Righteous Brothers có một bài hát nổi tiếng nhan đề: “Anh đã đánh mất cảm giác yêu thương”. Trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, nhiều người đã “đánh mất cảm giác chiến thắng”.

HÃY GIỮ LÒNG TRUNG THỰC

Trong giai đoạn từ 1985 đến 1994, tôi và Kim đã tập trung vào những điều chúng tôi muốn và cố gắng hết sức để có được những cảm xúc theo ý muốn và những cảm xúc như khi giấc mơ của chúng tôi trở thành sự thực. Dù có những lúc mọi việc không diễn ra theo ý muốn nhưng chính việc tập trung vào những điều mình muốn đã giúp chúng tôi vượt qua những lúc khó khăn. Lựa chọn cách suy nghĩ và cách cảm nhận là một thói quen quan trọng mà người bố giàu đã dạy tôi.

Điểm cốt lõi của thói quen này là tôi luôn cố gắng có được những suy nghĩ và cảm xúc mà mình muốn, nhất là mỗi khi cảm thấy lo ngại hay nghi ngờ bản thân. Với tôi, đó là một thói quen tốt thay vì để cho những cảm giác ngờ vực và ngại ngùng điều khiển cuộc sống của mình. Dù việc đó không thể bảo đảm rằng tôi sẽ luôn luôn chiến thắng nhưng nó vẫn là một thói quen tốt cho phép tôi đôi lúc chiến thắng khi đang muốn rút lui. Hãy luôn nhớ rằng đôi khi người chiến thắng cũng thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải suy nghĩ và cảm nhận như một kẻ thất bại.

Như Nike đã nói: “Hãy làm đi”. Trong cuộc sống, dường như những người chiến thắng luôn tập trung vào những gì họ muốn và những kẻ thất bại luôn tập trung vào những gì họ không muốn. Đó là lý do vì sao thói quen lắng nghe tiếng nói của chính mình là rất quan trọng. Những người chiến thắng luôn giữ những cảm giác và suy nghĩ chiến thắng dù họ đang thất bại. Đó là một thói quen rất cần thiết trong cuộc sống.

BẠN CÓ THỂ TẬP NHỮNG THÓI QUEN NÀY ĐƯỢC KHÔNG?

Trước khi tiếp tục, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng: những thói quen cơ bản này rất quan trọng. Chúng là những thói quen dễ dàng mà bất cứ ai trên 18 tuổi đều có thể làm được. Tuy nhiên, dù những việc đó rất dễ nhưng tôi e rằng có rất ít người có thể biến chúng thành những thói quen.

Nếu bạn có thể làm cho những việc đơn giản này trở thành những thói quen suốt đời, những bước hành động trong các chương sau sẽ rất dễ dàng đối với bạn. Người bố giàu đã nói: “Câu chuyện ‘Ba chú heo con’ không chỉ là một câu chuyện cổ tích. Đó là một câu chuyện thực. Nếu con muốn xây một ngôi nhà gạch thì con cần có những thói quen tốt, vì những thói quen tốt chính là những viên gạch xây nên sự giàu có”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.