Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

CHƯƠNG 12



Sức bật của những câu chuyện cổ tích

TỪ CHÚ VỊT CON XẤU XÍ ĐẾN CON THIÊN NGA XINH ĐẸP

Người bố giàu rất thích câu chuyện Thỏ và Rùa. Ông từng bảo tôi: “Bố thành công vì bố luôn tự xem mình là con rùa. Gia đình bố không giàu có. Bố học không giỏi và học không đến nơi đến chốn, bố chẳng có tài năng gì đặc biệt. Nhưng giờ đây bố lại giàu hơn nhiều người, đơn giản chỉ vì bố không bao giờ ngừng làm việc. Bố không ngừng trau dồi hay mở rộng phạm vi nhận thức của mình về những điều khả thi trong cuộc sống”.

Người bố giàu rất thích chuyện cổ tích và những câu chuyện trong kinh thánh.

Ở phần đầu cuốn sách này tôi đã kể cho bạn nghe câu chuyện về David và Goliath. Người bố giàu rất thích câu chuyện này, câu chuyện về một anh chàng nhỏ bé có thể hạ một gã khổng lồ bằng cách khéo léo sử dụng sức bật của giàn ná. Tuy người bố giàu không thường đọc sách nhưng ông có thể rút ra nhiều bài học từ những câu chuyện cổ tích, và những bài học này đã bổ trợ ông rất nhiều trong cuộc đời, khi ông bắt đầu từ số không và trở thành một ông trùm tài chính.

Đã nhiều lần khi vợ chồng tôi phá sản và phải sống rất tằn tiện, tôi ngồi im lặng nhớ lại câu chuyện Thỏ và Rùa. Tôi còn nhớ người bố giàu đã nói: “Trong cuộc sống, rất nhiều lần con sẽ gặp người giỏi hơn, nhanh hơn, giàu hơn, mạnh hơn và có nhiều năng khiếu hơn con. Chỉ vì họ có được một sự khởi đầu tốt không có nghĩa là con sẽ không có cơ hội chiến thắng cuộc đua. Nếu con luôn đặt niềm tin vào bản thân mình, làm những điều người khác không muốn làm, mỗi ngày lại tiến thêm một bước, con sẽ chiến thắng mọi cuộc đua trên đời”.

Một câu chuyên khác mà người bố giàu yêu thích là câu chuyện Ba chú heo con. Ông thường pha lẫn chuyện Thỏ và Rùa với chuyện Ba chú heo con. Khi tôi khoảng mười hai tuổi, người bố giàu bảo: “Người nghèo xây dựng ngôi nhà tài chính của mình bằng rơm cỏ, người trung lưu xây bằng gỗ và người giàu thì xây bằng gạch”. Ông nói thêm: “Để trở thành một chú rùa thành đạt, con có thể chậm nhưng phải chắc là mình đang từ từ xây nên một ngôi nhà gạch”.

Năm 1968, khi tôi rời học viện New York về nhà đón Lễ Giáng sinh, người bố giàu và con trai ông mời tôi đến thăm nơi ở mới của họ, trên tầng mái một khách sạn mới của ông. “Còn nhớ những chuyện bố kể cho con nghe chứ?” ông hỏi khi chúng tôi ngồi trên ban công ngắm bờ biển dài cát trắng và đại dương xanh trong vắt. “Chuyện Thỏ và Rùa và chuyện Ba chú heo con ấy?”

“Con vẫn nhớ ạ”, tôi đáp, vẫn còn kinh ngạc trước vẻ đẹp của ngôi nhà mới tít trên đỉnh khách sạn của ông, “Con vẫn nhớ rõ”.

“À, đây chính là một ngôi nhà gạch đấy con ạ”, ông mỉm cười nói.

Ngày hôm đó, người bố giàu không cần phải nói gì thêm nữa. Ông đã kể đi kể lại những câu chuyện cổ tích nhiều lần đến nỗi tôi biết rằng những câu chuyện đó có thể trở thành sự thật. Ông chính là con rùa đã chọn con đường dài hơn, chậm hơn, ít an toàn hơn nhưng giờ đây ông đã lên đến đỉnh và còn lên cao hơn nữa. Năm đó ông bốn mươi chín tuổi và đã qua mặt rất nhiều con thỏ trên đường đua.

GIÁ TRỊ CỦA MỘT CHÚ VỊT CON XẤU XÍ

Năm 1968, khi đứng trên ban công ngôi nhà tầng mái, người bố giàu lại gợi chọ tôi nhớ đến một câu chuyện cổ tích khác, một câu chuyện mà tôi không thể nhận ra nó có ý nghĩa như thế nào đối với ông vì chưa bao giờ ông nhắc đến câu chuyện này với tôi và Mike khi chúng tôi còn nhỏ. Ông hỏi tôi: “Con có biết câu chuyện Vịt con xấu xí không?”

Tôi gật đầu: “Dạ biết ạ”.

“Suốt đời, bố luôn tự xem mình là chú vịt con xấu xí đó”.

“Bố đùa đấy à? Làm sao bố có thể tự cho mình là chú vịt con xấu xí ấy được?” Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông nói như vậy – người bố giàu là một người đàn ông rất điển trai.

“Khi bỏ học năm mười ba tuổi, bố như một kẻ thừa đối với thế giới này – một con người không thích hợp, một con người bị bỏ rơi lại phía sau. Khi bố làm việc trong cửa hàng của bố mẹ, đám nam sinh chơi trong đội bóng trường trung học thường đến trêu chọc bố hoặc phá phách cửa hàng. Nhiều lần như vậy cho đến một ngày nọ, đám đầu bò đầu bướu này kéo đến đập phá đồ hộp, vứt cam ra đường và thách bố dám làm gì chúng”.

“Thế bố có phản ứng lại không?” Tôi hỏi.

“Có hai lần, nhưng đều thất bại thảm hại”, người bố giàu trả lời. “Nhưng bố không kể câu chuyện này cho con nghe để nói về những gã đô con hay bắt nạt người khác. Thế giới này còn có nhiều loại đầu trâu mặt ngựa khác nữa”.

Không biết người bố giàu muốn gửi gắm gì thông qua chuyện này, tôi chỉ đứng lắng nghe.

“Bố cũng biết có những kẻ hách dịch được ăn học đàng hoàng. Những người này thường bước vào cửa hàng và nói như ra lệnh với bố chỉ vì họ được ăn học tốt hơn. Họ làm vậy chỉ vì họ nghĩ mình thông minh hơn người khác và họ có quyền xem thường những người không được ăn học tử tế”.

“Ở trường con đầy rẫy hạng người này”, tôi tiếp lời. “Chỉ vì bọn họ nghĩ mình thông minh hơn hay đạt điểm cao hơn nên họ tự cho mình được quyền cười nhạo hoặc khinh rẻ người khác”.

Người bố giàu gật đầu. “Khi làm việc trong cửa hàng, bố cũng gặp những kẻ quý tộc kiêu ngạo. Họ xem thường mọi thứ chỉ vì họ sinh ra trong những gia đình giàu có hoặc do họ xinh đẹp, quyến rũ, điển trai, nổi tiếng… và là tâm điểm chú ý của đám đông. Đã nhiều lần bọn trẻ này cười ngạo bố khi bố phục vụ họ. Bố còn nhớ có lần bố mời một cô trong số này đi chơi và các cô bạn khác rú lên cười vì bố đã dám cả gan cất tiếng mời. Bố vẫn nhớ một cô bảo: ‘Bộ mày không biết một tiểu thư nhà giàu không bao giờ đi chơi với một thằng con nhà nghèo à?’ Câu nói đó khiến bố bị tổn thương nặng nề”.

“Loại người đó vẫn nhan nhản ra đấy”, tôi đáp. “Có lần một cô gái bảo con rằng cô ta sẽ không đi chơi với con chỉ vì con không học ở một trường đại học nổi tiếng”.

“Chà, ít ra thì con cũng vào được đại học”, người bố giàu đáp. “Khi bọn bạn cùng tuổi bố đi học đại học, bố cảm thấy thật cô đơn, thừa thãi và bị bỏ rơi. Và đó là lý do tại sao trong suốt những năm tháng đó, bố tự xem mình là chú vịt con xấu xí”.

Trước đây người bố giàu chưa bao giờ kể với tôi về quãng đời này của ông. Lúc ấy tôi hai mươi mốt tuổi, và tôi nhận thấy mình và con trai ông có những thuận lợi mà trước đây ông không có. Tôi biết rằng vào thời điểm đó, cuộc sống của ông rất vất vả về vật chất nhưng tôi không biết ông cũng đã gặp nhiều đau khổ về mặt tinh thần.

Đứng trên ban công một khách sạn nổi tiếng của ông, tôi bắt đầu nhận ra rằng không phải ông kể cho tôi nghe câu chuyện này là để tìm kiếm sự cảm thông. Người bố giàu mỉm cười và tỏ ra rất vui vẻ với câu chuyện. Tôi hỏi: “Bố dựa vào câu chuyện Vịt con xấu xí để làm động lực tiến lên phía trước, đúng không? Bố đã không dùng câu chuyện này để an ủi mình, phải không bố?”

“Đúng vậy”, ông gật đầu. “Bố đã dùng những câu chuyện Vịt con xấu xí, Ba chú heo con, Thỏ và Rùa, cùng chuyện chàng David và gã khổng lồ Goliath để làm động lực giúp mình tiến lên phía trước. Bố đã không để những hạng người ấy làm nhụt chí mình mà ngược lại, dùng những hành động hợm hĩnh của chúng để khuyến khích mình vươn lên. Ngày nay, bố có một ngôi nhà bằng gạch và bố đang đứng trên tầng mái ngôi nhà gạch ấy. Nếu không có những câu chuyện cổ tích đó thì chưa chắc bố có được ngày hôm nay. Bố không còn là chú vịt con xấu xí nữa. Dành thời gian để xây một ngôi nhà bằng gạch, tận dụng mọi sức mạnh có được của mình như David, sử dụng quỹ thời gian của mình theo cách của con rùa, bố đã lên đến đỉnh giàu sang”.

“Và bố đã biến thành con thiên nga?” Tôi cười hỏi.

“À, không được đến thế đâu”, người bố giàu bật cười. “Điều mấu chốt ở đây là tất cả chúng ta đều có thể trưởng thành hơn, có thể có những thay đổi lớn lao trong cuộc đời mỗi người nếu chúng ta muốn. Một điều quan trọng khác là chuyện cổ tích có thể biến thành sự thật. Vịt con xấu xí có thể trở thành thiên nga xinh đẹp và con rùa chậm chạp có thể chiến thắng cuộc dua”.

TỪ VỊT CON XẤU XÍ ĐẾN THIÊN NGA XINH ĐẸP

Trong những buổi hội thảo về đầu tư, tôi thường đưa ra những chiến lược kết thúc như sau:

Nghèo                   Dưới 25.000$ một năm

Trung lưu             Từ 25.000$ đến 100.000$ một năm

Khá giả                Từ 100.000$ đến 1 triệu đôla một năm

Giàu                       Hơn 1 triệu đôla một năm

Cực giàu             Hơn 1 triệu đôla một tháng

Tôi yêu cầu cả lớp thành thật trả lời xem họ sẽ kết thúc như thế nào với cách sống hiện tại. Tôi hỏi: “Nếu các anh chị tiếp tục sống và làm việc như hiện nay thì vào năm 65 tuổi, các anh chị có thể đạt được mức thu nhập nào?” Tôi cũng nhắc họ rằng tỉ số đạt được từ mức thu nhập khá giả trở lên chỉ là dưới 1%.

Nhiều người thừa nhận họ chỉ cần về hưu ở mức trung lưu là tốt rồi. Mối quan tâm đầu tiên của họ là không phải sống nghèo khổ. Cũng vì thế nên rất ít người hỏi những câu hỏi mà tôi mong đợi như: “Tôi phải làm gì để vượt hơn mức khá giả?”. Khi một người đặt ra câu hỏi này tức là họ đã có khả năng lột xác từ một chú vịt xấu xí biến thành một con thiên nga xinh đẹp.

Vào giai đoạn này của khóa học đầu tư, đôi khi tôi thường kể cho cả lớp nghe những câu chuyện cổ tích mà người bố giàu từng kể cho tôi. Tôi hỏi: “Các anh chị có thể nắm được những bài học từ những câu chuyện này và áp dụng chúng vào cuộc sống của mình hay không? Các anh chị có cho rằng những bài học rút ra từ những câu chuyện này rất thực tế và hữu dụng cho các anh chị không? Các anh chị có nghĩ đến việc biến mình từ một chú vịt xấu xí nghèo nàn về tài chính thành một con thiên nga xinh đẹp, giàu có, hùng mạnh hay không?” Một số người gật đầu còn những người khác thì chỉ nhìn tôi im lặng, không hiểu vì sao tôi lại nói về chuyện cổ tích trong một lớp học đầu tư.

Khi đó tôi nói: “Đối với tôi, việc mở rộng nhận thức từ mức trung lưu lên mức khá giả là một thay đổi rất lớn, cũng tương tự như việc một con vịt xấu xí biến thành một con thiên nga xinh đẹp vậy”.

TỪ MỘT KỂ HOẠCH CHẬM CHẠP ĐẾN MỘT KẾ HOẠCH CHỚP NHOÁNG

Một lần nọ trong lớp, một phụ nữ trẻ hỏi tôi: “Bước đầu tiên ta phải làm gì?”

Trước khi trả lời, tôi vẽ lên bảng bức hình sau:

Sau đó tôi nói: “Năm 1989, hai năm sau khi thị trường sụp đổ và cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu, vợ chồng tôi đang bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình. Đó là một kế hoạch chậm. Tôi và Kim thống nhất với nhau rằng trong mười năm, mỗi năm chúng tôi sẽ mua hai mẩu bất động sản. Khi thị trường mất giá, người ta càng hoang mang bao nhiêu thì chúng tôi càng tìm được nhiều vụ mua bán bấy nhiêu. Trong vòng chưa tới một năm, chúng tôi đã mua được 5 bất động sản nhỏ để cho thuê, tất cả đều đem lại cho chúng tôi một lưu lượng tiền mặt tích cực. Ước tính chúng tôi đã phải tìm kiếm trên 600 bất động sản rồi mới chọn được 5 ngôi nhà nhỏ để có thể đầu tư vào. Vào thời gian đó, tình hình thị trường càng lúc càng tệ và càng lúc chúng tôi càng tìm được nhiều vụ giao dịch hơn. Nhưng vấn đề là chúng tôi đã hết vốn”.

“Vậy tức là thầy có rất nhiều cơ hội nhưng thầy lại hết tiền ?” Người phụ nữ trẻ hỏi.

Chỉ vào chiếc ly trên hình vẽ, tôi đáp: “Tôi nhận ra rằng chúng tôi đã đụng đến giới hạn bối cảnh – giới hạn nhận thức của mình”.

“Và đã đến lúc thấy cần phải thay đổi thực tế?” Một sinh viên khác hỏi.

Tôi gật đầu: “Đúng vậy. Đó là lúc phải thay đổi, nếu không tôi sẽ bỏ lỡ cánh cửa cơ hội đang mở ra”.

Cả lớp im lặng. Biết chắc rằng họ đang chú ý nghe, tôi hỏi: “Trong các anh chị có bao nhiêu người đã từng gặp cơ hội nhưng không nắm bắt được nó?”

Hầu hết cả lớp giơ tay lên.

“Khi điều đó xảy ra”, tôi nói, “có nghĩa là các anh chị đã đụng đến giới hạn bối cảnh của mình – những điều các anh chị cho rằng có thể xảy ra và nội dung của mình

– kiến thức mà các anh chị thu nhặt được qua việc giải quyết các vấn đề khó khăn và vượt qua thử thách. Vào lúc đó, phần đông người ta sẽ đầu hàng và nói rằng ‘Tôi không làm nổi’ hay ‘Tôi không đủ tiền’. Nhiều người sẽ hỏi ý kiến bạn bè và được khuyên là nên chọn những biện pháp an toàn chứ không nên mạo hiểm”.

“Vậy thầy đã làm thế nào?” Một người khác hỏi. “Thầy đã làm gì khi nhận ra rằng kế hoạch của mình quá chậm, rằng có một cơ hội tuyệt vời mà thầy thì đã hết tiền?”

“À, đầu tiên phải thừa nhận rằng lúc đó tôi đang là con rùa muốn bỏ cuộc – dù trong thâm tâm tôi hiểu rằng đây không phải lúc bỏ cuộc mà là lúc phải gắng sức hơn nữa. Tôi cũng biết lúc này là lúc để trở thành một con thiên nga nếu không muốn tiếp tục làm một con vịt. Luôn ghi nhớ những bài học từ các câu chuyện cổ tích, tôi không bỏ cuộc mà tiếp tục cố gắng. Tôi biết mình cần phải làm một điều gì đó. Những ngày băn khoăn không biết mình cần phải làm gì đã kéo dài hàng tuần. Cho đến một ngày kia, vợ chồng tôi vừa trở về sau một chuyên đi nghỉ, thì chuông điện thoại reo vang. Đó là cú điện thoại của người môi giới nhà đất ruột của tôi, với giọng hết sức sôi nổi: ‘Tôi vừa mới tìm được một món rất hời. Nếu anh quan tâm thì tôi sẽ ưu tiên cho anh nửa tiếng trước khi gọi khách hàng khác. Một căn hộ mười hai phòng ngủ ở một vị trí rất tốt và giá chỉ có 335.000$, đưa trước 35.000$ và người bán cần bán gấp. Sau đó nhà môi giới này fax cho tôi một số chi tiết giá cả của ngôi nhà cùng bản kê thu nhập và chi phí.

Tôi bảo người môi giới cho tôi nửa giờ và tôi lái xe đi xem ngôi nhà đó. Khi đến nơi tôi nhận thấy ngay tại sao tay môi giới lại cho rằng đây là một món hời, vì vậy nên tôi lao đến điện thoại và bảo anh ta rằng tôi sẽ mua nó”.

“Thầy chấp nhận mua ngay cả khi thầy không có tiền à?” Một người khác hỏi.

“Vâng. Nhưng dù không còn tiền, chúng tôi vẫn đáp ứng được yêu cầu của người bán là đưa trước 35.000$ và trả sau 300.000$ với lãi suất 8% trong 5 năm nữa. Đây là một hợp đồng rất tuyệt mà tôi không thể bỏ qua”.

“Tại sao hợp đồng đó lại rất tuyệt?” Một người khác hỏi.

“Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất là vì người chủ căn nhà đã nhiều năm chưa tăng giá tiền thuê nhà, do người thuê là bạn của chủ nhà nên giá thuê thấp hơn giá thị trường ít nhất là 25%. Một lý do khác là vợ chồng chủ nhà đã quá già không quản lý nổi miếng đất này và họ muốn dọn đi nơi khác. Không phải là những nhà đầu tư lão luyện nên họ không nhận ra giá trị miếng đất của mình. Họ cũng lo giá đất sẽ tụt giảm theo cuộc khủng hoảng nên muốn bán gấp. Một lý do khác là có một nhà máy sản xuất vi mạch máy tính đang được xây dựng chỉ cách nhà một dặm và có hơn 1.000 lao động sắp chuyển đến vùng này, nghĩa là giá thuê nhà có thể tăng cao hơn nữa. Nhưng thật sự tôi không hề đến ngân hàng để vay số tiền cần thiết cho phi vụ này, dù tôi đã điện cho người môi giới và báo sẽ trả tiền đúng giá và đúng hạn. Vấn đề duy nhất bây giờ là tôi phải kiếm được 35.000$ trong vòng 30 ngày, cũng là lúc vợ chồng chủ nhà dời đi”.

“Vậy thầy luôn tự hỏi mình làm sao có được món tiền đó trong suốt 30 ngày ư?” Một người hỏi.

“Suốt hai ngày đêm liền, tôi và Kim ăn không ngon ngủ không yên. Chúng tôi không thắc mắc làm thế nào để có được số tiền đó mà tự hỏi tại sao mình có thể rồ dại đến như vậy. Tôi cứ tự hỏi mình đang làm gì thế này. Công việc của chúng tôi đang tốt đẹp, các mối đầu tư đều sinh lợi. Tại sao lại phải tự đẩy mình vào một tình cảnh khó khăn như thế! Tôi cứ nghĩ mãi về món tiền 35.000$. Tôi chợt nhận ra rằng con số đó lớn hơn nhiều so với số tiền mà nhiều người có thể kiếm được trong vòng một năm chưa kể thuế, vậy mà bây giờ tôi phải có được 35.000$ trong vòng một tháng. Tôi chỉ muốn bỏ quách cho rồi. Lòng tự tin của tôi bị dao động mạnh, tôi cảm thấy mình thật ngu xuẩn và khờ dại. Sau bốn đêm, cuối cùng tôi trấn tĩnh lại và bắt đầu đặt ra câu hỏi: ‘Làm thế nào để có được số tiền đó?'”

“Vậy thầy đã xoay sở như thế nào?”

“Cuối cùng, sau nhiều đêm trăn trở, cầu nguyện và cố gắng không bỏ cuộc, chúng tôi mang giấy tờ đến gặp giám đốc ngân hàng và trình bày kế hoạch của mình. Ông giám đốc từ chối kế hoạch này, nên tôi hỏi ông ta tại sao lại từ chối và cần phải làm gì để có được kết quả tốt hơn. Sau khi ông ta bảo tôi những điều cần làm, tôi đến ngân hàng thứ hai với những ý kiến của vị giám đốc ngân hàng đầu tiên và một lần nữa lại bị từ chối. Một lần nữa chúng tôi lại hỏi lý do tại sao. Đến ngân hàng thứ năm, tôi đã học được rất nhiều điều về những gì các ngân hàng mong muốn, tại sao họ muốn như vậy và họ muốn chúng tôi trình bày với họ như thế nào. Dù sự trình bày của chúng tôi đã tốt hơn trước nhiều nhưng chúng tôi vẫn bị từ chối ở ngân hàng thứ năm. Gần như muốn bỏ cuộc, chúng tôi đến ngân hàng thứ sáu. Lần này chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn trước rất nhiều. Vừa cố gắng thuyết phục giám đốc ngân hàng, chúng tôi vừa tự thuyết phục mình rằng đây là một vụ đầu tư rất tuyệt. Lần này bài trình bày của chúng tôi rõ ràng hơn và chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi dùng những từ ngữ mà vị giám đốc ngân hàng muốn nghe. Chúng tôi đưa ra những con số rõ ràng kèm theo những kết quả thu được từ 5 bất động sản khác của chúng tôi. Giờ đây chúng tôi có thể giải thích bằng ngôn ngữ ngân hàng vì sao món đầu tư này lại rất tuyệt vời. Vị giám đốc ngân hàng thứ sáu gật đầu. Hai ngày sau, ông ta đưa tôi tấm ngân phiếu 35.000$ và cho chúng tôi 3 ngày để làm giao kèo. Và thế là chúng tôi đi mua căn nhà với mười hai phòng ngủ đó”.

“Sau đó thì sao?” Một sinh viên hỏi.

“Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục tụt dốc và chúng tôi vẫn tiếp tục mua”, tôi đáp. “Dù còn rất ít tiền nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục mua. Đến năm 1994, thị trường hồi phục lại và lúc này chúng tôi hoàn toàn thoải mái về tài chính. Căn hộ mười hai phòng ngủ đó bán được hơn 500.000$ vào năm 1994 và chúng tôi bỏ túi hơn 1.100$ mỗi tháng vào thời điểm đó. Số lời 165.000$ được đầu tư hoãn thuế vào một căn hộ khác có 30 phòng, một trong những căn hộ mà chúng tôi còn giữ cho đến ngày hôm nay. Căn hộ 30 phòng ngủ này giúp chúng tôi có được hơn 5.000$ mỗi tháng. Với các bất động sản và các món đầu tư khác, mỗi tháng chúng tôi kiếm được hơn 10.000$ thu nhập thụ động, điều này đưa chúng tôi lên mức khá giả, và rồi chúng tôi về hưu. Mỗi tháng chúng tôi có khoảng 10.000$ thu nhập thụ động và chi phí hết khoảng 3.000$. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn toàn tự do về tài chính”.

“Như vậy là thầy không hề dựa vào may mắn mà là do kế hoạch của thầy được tăng tốc”.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội lớn và đã nắm bắt được nó”, tôi nói. “Vào khoảng sau năm 1994, giá bất động sản tăng vùn vụt và thật khó tìm được những món hời..”.

“Vậy là thầy đã kiếm được một số tiền khá lớn mà không phải bỏ ra xu nào?”

Một sinh viên hỏi.

“Đúng trong vụ giao dịch này, nhưng tôi không khuyên khích các bạn làm theo cách của tôi. Đầu tư vào bất động sản mà không bỏ tiền ra có thể sẽ rất nguy hiểm nếu các bạn không biết chắc mình đầu tư vào cái gì, nếu các bạn không có nguồn dự trữ về tiền mặt và rồi nếu mọi việc không xảy ra theo ý bạn. Tôi đã gặp nhiều người muốn mua một miếng đất mà không phải tốn đồng nào, cuối cùng chỉ để nhận ra rằng số tiền hàng tháng phải chi cho mảnh đất đó lớn hơn nhiều so với thu nhập của họ. Tôi cũng từng có những người bạn đã bị phá sản vì mua bất động sản hay lao vào những vụ làm ăn quá phiêu lưu. Chính vì vậy nên tôi chưa bao giờ công khai tán thành việc mua bán bất động sản mà không phải bỏ tiền ra. Tôi khuyên bạn nên thu thập kinh ngiệm mua bán và đặc biệt là kinh nghiệm quản lý bất động sản trước khi lao vào những hợp đồng phiêu lưu. Chúng tôi đã xem xét hàng trăm miếng đất khác trước khi mua căn nhà có mười hai phòng ngủ này, đồng thời chúng tôi cũng phải có lưu lượng tiền mặt từ công việc làm ăn của mình để kịp thời ứng cứu những tổn thất ngoài dự kiến của vụ đầu tư này. Vấn đề của việc mua bất động sản không bỏ vốn là nó thường tiến triển rất nhanh và những vụ đầu tư kiểu này có thể nuốt chửng bạn nếu có sự cố xảy ra. Vì vậy nên tôi nhắc lại một lần nữa, tôi không khuyên khích bất kỳ ai làm theo chúng tôi. Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này chỉ vì một lý do”.

Tôi quay lên bảng viết thêm vài chữ vào hình ảnh ban đầu.

“Đó là vì tôi muốn giải thích tầm quan trọng của việc sẵn sàng mở rộng bối cảnh cũng như nội dung của mình”.

“Vậy thì hôm nay, sắm một miếng đất trị giá 335.000$ đối với thầy là rất dễ dàng vì thầy đã mở rộng nhận thức cũng như kiến thức của mình. Có phải ý thầy muốn nói như vậy không?” .

“Đúng vậy. Bây giờ đối với tôi, số tiền 35.000$ không phải là nhiều và một căn nhà mười hai phòng ngủ cũng chưa phải là một giao dịch lớn. Điều quan trọng là tôi và Kim luôn sẵn sàng vượt qua phạm vi bối cảnh và nội dung của mình”.

“Vậy tức là phần đông mọi người đều không muốn vượt qua giới hạn của chính mình”, một người nói. “Phần đông thường cảm thấy dễ chịu hơn khi chọn một lối đi an toàn và bảo rằng: Tôi không mua nổi'”.

“Đó chính là kinh nghiệm của tôi”, tôi đáp. “Tôi cho rằng đó cũng là lý do chính tại sao chưa đến 1% dân số có thể đạt được mức sống từ khá giả trở lên. Đơn giản vì họ cảm thấy khó khăn khi phải làm những điều vượt quá nhận thức bản thân mình. Họ cố giải quyết các rắc rối tài chính của mình với những gì họ biết mà không chịu mở rộng nhận thức để có thể giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Thay vì đương đầu với những thách thức tài chính lớn, đa số mọi người suốt đời chỉ vật lộn với những rắc rối tài chính mà họ có thể giải quyết được. Họ thà chấp nhận nghèo nhưng là con thiên nga xinh đẹp trong phạm vi bối cảnh của mình hơn là mạo hiểm biến thành chú vịt con xấu xí trong một phạm vi bối cảnh khác”.

“Có bao giờ thầy trở lại là chú vịt con xấu xí chưa?” một người hỏi với một chút giễu cợt.

“Hẳn rồi”, tôi đáp. “Sau vụ ngôi nhà trị giá 335.000$, chúng tôi cảm thấy thật dễ dàng khi tăng mức đầu tư lên đến 2.500.000$. Từ năm 1994 đến năm 2001, chúng tôi đã nâng mức đầu tư lên 2.500.000$ và thu nhập của chúng tôi tăng đến 16.000$ một tháng mà không cần nhiều nỗ lực. Chắc chắn chúng tôi đã đạt đến mức khá giả và đã đến lúc phải tiến lên mức giàu có. Hẳn các bạn còn nhớ trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 1, tôi đã thiết kế trò chơi Cashflow vào năm 1996 và rồi quay lại thương trường. Cùng lúc đó, năm 1996, tôi biết đã đến lúc mình phải học cách cổ phiếu hóa một công ty qua IPO. Đó là lúc tôi gặp Peter, như tôi đã nói trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3. Cũng năm 1996, chúng tôi gặp Sharon Lechter, và cuốn “Dạy con làm giàu” đầu tiên được xuất bản. Sharon cùng vợ chồng tôi thành lặp Liên hiệp Công nghệ Cashflow vào mùa thu năm 1997. Chúng tôi bước vào một thế giới mới với những bối cảnh mới, nội dung mới và những người bạn mới”.

“Vậy tức là thầy đã cố mở rộng bối cảnh của mình trên những lĩnh vực khác nhưng vẫn chưa thay đổi bối cảnh của mình trong lĩnh vực bất động sản, có phải ý thầy là như vậy không?”

“Đúng vậy”, tôi đáp. “Cùng với Sharon vừa là cộng sự vừa là một đối tác kinh doanh, công ty bé nhỏ của chúng tôi đã phát triển hơn cả mong đợi. Không có Sharon, chúng tôi không thể có được những thành công như ngày hôm nay. Sau năm năm làm việc với Peter, chúng tôi có trong tay từ bốn đến sáu công ty được cổ phiếu hóa nhờ IPO trong vài năm kế tiếp. Cả trong lĩnh vực kinh doanh và IPO, nhận thức của chúng tôi về những vấn đề khả thi đã thay đổi rất nhiều. Bối cảnh của chúng tôi trong kinh doanh và IPO đã có những bước nhảy vọt”:

“Nhưng nhận thức của thầy về bất động sản vẫn không thay đổi”, một người nói. “Nó vẫn giữ nguyên kể từ khi thấy mua căn hộ mười hai phòng ngủ trị giá 335.000$. Nhận thức của thầy vẫn ở đâu đó giữa mức 335.000$ đến 2.500.000$ mà thôi. Đó có phải là bài học của thầy không?”

“Đúng như vậy”, tôi đáp. “Chỉ vì một người có thể tiến triển trong một lĩnh vực tài chính không có nghĩa là anh ta có thể khá hơn trong mọi lĩnh vực. Đó là tại sao vào năm 2001, vợ chồng tôi quyết định quay lại kinh doanh bất động sản và tiếp tục mở rộng bối cảnh của mình”.

VIỆC LÀM GIÀU TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN

Nhiều năm trước, người bố giàu từng bảo tôi: “Một trong những lý do khiến người giàu ngày càng giàu hơn là vì một khi con đã nắm được công thức làm giàu thì việc làm giàu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu con không tìm được công thức này thì việc làm giàu sẽ muôn đời khó khăn và tự nhiên con sẽ phải sống nghèo khó mãi mãi”.

Tôi đã dành nhiều thời gian để nói về nhận thức, bối cảnh và nội dung là vì đó chính là công thức của người bố giàu. Công thức đơn giản của ông là không bao giờ được nói: ‘Tôi không làm được’ hay ‘Tôi không mua nổi’ và thay vì thế phải mở rộng nhận thức của mình. Như các bạn đã biết, người bố giàu dùng những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện trong kinh thánh làm kim chỉ nam để giúp ông vượt qua khoảng thời gian nợ nần và lo sợ. Nhưng chính bài học tăng tốc tài sản của ông là bài học thú vị nhất đối với tôi. Ông nói: “Một khi đã biết công thức làm giàu là phải tiếp tục mở rộng nhận thức của mình, gia tăng các sức bật của mình, thì việc làm giàu đối với con sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Với những người bị mắc kẹt vào một nhận thức và cho rằng nhận thức của mình là nhận thức duy nhất, tốc độ làm giàu của họ sẽ bị giảm xuống”.

Hiểu được điều này nên tôi biết rằng một lần nữa đã đến lúc tôi và Kim phải mở rộng nhận thức của mình về bất động sản. Chúng tôi đã đầu tư trong 5 năm để mở rộng nhận thức của mình về doanh nghiệp và IPO; nhờ đó chúng tôi đã trở nên giàu có nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tôi biết ở mức giàu có kế tiếp, việc làm giàu sẽ chớp nhoáng hơn và dễ dàng hơn gấp bội. Tôi biết như vậy vì tôi đã thấy điều này diễn ra với người bố giàu của tôi.

SAU 5 TRIỆU ĐÔLA, MỌI VIỆC TRỞ NÊN RẤT DỄ DÀNG

Cuối năm 2000, thị trường chứng khoán sụp đổ, doanh nghiệp của chúng tôi không ngừng mở rộng nhanh chóng, những cuốn sách và các trò chơi của chúng tôi được bán ra trên thị trường quốc tế, các công ty cổ phiếu hóa của chúng tôi ngày càng phát triển và nhanh chóng đem lại nhiều lợi nhuận. Kim bảo tôi: “Em muốn quay lại với bất động sản. Chúng ta cần phải đầu tư vào bất động sản nhiều hơn nếu muốn duy trì sự giàu có của mình”. Và như vậy, chúng tôi quay lại thương trường và cố gắng phát triển nhận thức cũ của mình, những bối cảnh cũ và những nội dung cũ. Tôi có cảm giác như mình đang quay lại cái thời chạy đôn chạy đáo đi tìm 35.000$ để mua căn nhà trị giá 335.000$.

Lúc này, tôi và Kim bắt đầu tìm kiếm những đề án lên đến 4 triệu đôla. Chúng tôi cảm thấy thoải mái với con số này kể từ khi chúng tôi biết rằng mình có khả năng trả được hơn 1 triệu đôla tiền mặt nếu cần. Chúng tôi nghĩ mình biết được khá nhiều, nhưng mọi việc đã không diễn ra theo kế hoạch mới của chúng tôi. Khi đó tôi gọi điện cho một người bạn cũ tên Bill, một anh bạn có hàng trăm triệu đôla bất động sản. Sau khi gặp nhiều khó khăn về tài chính, tôi hỏi anh ta chúng tôi đã sai lầm ở chỗ nào. Bill trả lời: “Bốn triệu đôla là một thị trường khó nuốt. Các ngân hàng không ưa những món đầu tư hay những dự án lớn đến mức đó đối với những nhà đầu tư lão luyện nhưng chỉ có một mình. Nhưng sau 5 triệu đôla thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.

Khi nghe anh ta nói thế, tôi biết một lần nữa mình đã đụng đến giới hạn phạm

vi nhận thức và bối cảnh của mình. Bốn triệu đôla là tương đối dễ dàng và thoải mái nhưng năm triệu đôla thì bắt đầu vượt quá tầm với của tôi. Suy nghĩ của tôi bắt đầu la lên: “Chỉ có 4 triệu đôla mà giám đốc ngân hàng còn không cho mượn thì làm sao họ cho anh mượn 5 triệu đôla để đầu tư vào bất động sản được”. Tôi có thể nghe thấy tiếng nói phản đối trong nhận thức của mình. Nhưng tôi cũng nhớ lại những lời người bố giàu đã nói về những câu chuyện cổ tích và phải luôn nhớ rằng càng giàu có thì việc làm giàu càng dễ dàng hơn, chỉ cần làm theo công thức. Tôi biết đã đến lúc phải làm theo công thức làm giàu này và vượt qua phạm vi nhận thức của mình.

MỌI CHUYỆN THỰC SỰ DỄ DÀNG HƠN

Tôi đã viết về những luật thuế vụ luôn hỗ trợ những người nhóm C, Đ và chống lại những người nhóm L, T. Tôi cũng viết rằng hầu hết những người phàn nàn về thuế vụ đều là những người thuộc nhóm L và T. Nguyên nhân là với những người nhóm C và Đ, chính phủ muốn trở thành đối tác vì nhóm C và Đ tạo ra công ăn việc làm và có thể cung cấp nhà cửa cho nhiều người. Tôi cũng đã biết điều này nhờ người

bố giàu, nhưng tôi không biết chính phủ có thể tài trợ bao nhiêu cho những người sẵn lòng giúp đỡ lại chính phủ như chúng tôi, cho đến khi tôi bắt đầu xem xét những món đầu tư bất động sản trên 5 triệu đôla – cho đến khi tôi sẵn sàng mở rộng bối cảnh của mình.

Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu. Chúng tôi tìm kiếm những dự án lớn có khả năng khiến chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên. Vào cuộc họp đầu tiên của chúng tôi năm 2001 với một nhà kinh doanh bất động sản chuyên về nhà ở cho những người có thu nhập thấp do chính phủ tài trợ, chúng tôi đã cho nhà doanh nghiệp này xem danh mục đầu tư bất động sản hiện có của chúng tôi. Trong đó chúng tôi có hàng triệu đôla bất động sản, chủ yếu ở những căn hộ khoảng từ 30 đến 50 phòng.

“Anh biết cách quản lý những căn hộ cho nhiều gia đình à?” nhà doanh nghiệp nói, “Thế thì tốt lắm”.

“Tại sao vậy?” Kim hỏi.

“Vì một trong những yêu cầu của chính phủ là người vay tiền phải có kinh nghiệm trong việc quản lý thành công những căn hộ nhiều gia đình. Anh chị đã làm việc này hơn mười năm và đã thu được nhiều lợi nhuận. Nhiều người muốn vay tiền của chính phủ nhưng rất ít người đáp ứng được yêu cầu này. Anh chị biết đấy, hầu hết mọi người đã từng sở hữu một số tài sản đầu tư đều muốn quản lý bất động sản của chính mình, tự đi thu tiền thuê nhà và tự lo sửa chữa. Đó là lý do vì sao họ không bao giờ học được cách quản lý những bất động sản lớn như các anh chị”.

Tôi và Kim gật đầu. Chúng tôi biết đối với bất động sản có rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ đơn thuần đi thu tiền và sửa chữa vài cái nhà vệ sinh là xong. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều trong mười năm qua. Nhưng giờ đã đến lúc chúng tôi phải tiến bộ hơn. Nếu có thể tiến bộ hơn, chúng tôi sẽ có thể gặp gỡ được nhiều người mới, học được nhiều từ ngữ mới, và có thể sẵn sàng tham gia một trò chơi mới với quy mô lớn hơn. Lắng nghe kinh nghiệm của hai người mới quen này, tôi nhận ra rằng trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã trở thành những con thỏ và những con thiên nga trong một thị trường bất động sản chưa đến 4 triệu đôla. Như một câu tục ngữ đã nói, chúng tôi chỉ như những chú ếch ngồi đáy giếng. Đã đến lúc phải tiến lên và một lần nữa trở thành những con rùa chậm chạp và những con vịt con xấu xí trong một trò chơi với quy mô lớn hơn.

Ngồi bên nhà kinh doanh là một giám đốc ngân hàng đầu tư chuyên về công trái nhà ở miễn thuế của chính phủ. Khi tôi hỏi chính phủ có những chương trình tài chính nào, ông ta đáp: “Nếu anh chị có những dự án đạt yêu cầu, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho anh chị từ 95 đến 110%”.

“Anh muốn nói là chính phủ sẽ cho chúng tôi vay toàn bộ số tiền cần thiết để đầu tư, để mua tài sản cho bản thân chúng tôi ư?”

“Thậm chí nhiều hơn thế nếu anh chị đạt yêu cầu”, ông ta nói. “Thậm chí chính phủ sẽ cho anh chị vay tiền để sửa chữa hoặc xây dựng lại dự án nếu cần”.

“Ý anh là nếu dự án của chúng tôi trị giá 10 triệu đôla thì chính phủ sẽ cho chúng tôi vay toàn bộ 10 triệu đôla hoặc hơn nữa à? Và nếu cần 3 triệu đôla để sửa chữa thì họ cũng sẽ cho chúng tôi mượn số tiền đó luôn ư?”

Vị giám đốc ngân hàng gật đầu: “Chính phủ sẵn sàng cho anh chị vay 20 triệu đôla hoặc hơn nữa, nhưng khi mới bắt đầu thì 10 triệu đôla là đủ rồi. Khi anh chị đã hoàn thành một dự án trị giá 10 triệu đôla thì một dự án 20 hoặc 50 triệu đôla sẽ không thành vấn đề”‘

Tôi nhớ người bố giàu đã nói rằng mọi chuyện sẽ càng lúc càng dễ dàng hơn. Nhưng tôi không thể tin rằng mọi việc lại có thể trở nên quá dễ như vậy. Tôi vẫn chưa tin tưởng lắm: “Với những điều kiện như thế nào?”

“Điều kiện là tôi có thể bảo đảm tỉ số lợi nhuận từ 5 đến 7%, không đổi trong vòng 40 năm và không thế chấp”.

“Không thế chấp à?” Tôi kinh ngạc hỏi. “Ý anh là chính phủ sẽ không siết nợ những tài sản cá nhân của tôi nếu dự án thất bại và tôi không có khả năng trả tiền lại ư? Giám đốc ngân hàng của tôi rất ghét những món nợ không thế chấp. Mỗi lần tôi vay tiền ông ta đều phải bảo đảm rằng mọi tài sản sở hữu của tôi đều phải rõ ràng”.

“Đúng vậy”, vị giám đốc ngân hàng đầu tư nói. “Nhưng anh cũng thấy là có rất nhiều điều kiện và điều khoản khác áp dụng ở đây mà không áp dụng trong những giao dịch tài chính thông thường ở các ngân hàng”.

“Tôi biết, nhưng tôi thật không ngờ là chính phủ lại tốt đến thế”.

“Đôi khi thậm chí còn có những chương trình tốt hơn trong quỹ công trái miễn thuế của chính phủ. Có những món nợ không hoàn lại, khi đó chính phủ chỉ đơn giản là bỏ qua số tiền anh vay mượn nếu anh làm tốt mọi việc. Điều đó cũng tương tự như các khoản tài trợ vậy”.

“Tại sao chính phủ lại làm thế?” Tôi thắc mắc.

“Vì một trong những vấn đề lớn nhất mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt là nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Chính phủ e rằng nếu không có những người như anh thì hàng triệu triệu người sẽ phải sống trong những khu nhà ổ chuột

lụp xụp và tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội lộng hành. Thậm chí chính phủ còn bắt bỏ tù những người chủ các khu nhà ổ chuột này nữa. Họ là nỗi ám ảnh của những người nghèo và chính phủ muốn kết thúc tệ nạn này. Bên cạnh đó, chính phủ muốn tài trợ hàng tỷ đôla cho những người như anh, những người chứng tỏ mình là những nhà quản lý đầy trách nhiệm với những dự án lớn cho nhiều hộ gia đình”.

“Chính phủ sẵn sàng cho tiền để giúp tôi giàu có lên ư?”

“Đúng vậy”. Vị giám đốc ngân hàng gật đầu trong lúc nhà môi giới bất động sản mỉm cười. “Vấn đề không chỉ là tiền bạc. Nếu anh làm tốt mọi việc trong vài năm tới, tôi có thể giúp anh mượn thêm hàng tỷ đôla nếu anh muốn giàu đến mức đó. Năm ngoái, một chi nhánh của chúng tôi đã phải trả về hơn một tỷ đôla vì họ không thể tìm ra người nào đạt yêu cầu cả”.

Kim nói: “Vậy cách tốt nhất để làm giàu theo cách này là chúng ta cần đem lại lợi ích cho nhiều người. Tôi cảm thấy thật hứng thú khi nghĩ đến chuyện biến một khu nhà ổ chuột thành một nơi ở an toàn cho nhiều gia đình”.

“Đó chính là những việc mà chính phủ muốn anh chị làm. Chính từ các khu nhà ổ chuột này mà rất nhiều vấn đề nảy sinh, tội phạm phát triển. Nếu anh chị có thể biến những khu nhà ổ chuột thành những khu dân cư an toàn, anh chị sẽ thu được ngày càng nhiều tiền hơn”.

“Như vậy chúng tôi sẽ trở nên giàu có bằng cách làm đối tác với chính phủ ư?”

“Giàu đến cỡ nào cũng được”. Vị giám đốc ngân hàng đầu tư mỉm cười. “Tất cả những việc cần phải làm là những việc mà anh chị đã làm hơn 10 năm qua, sở hữu và quản lý các khu nhà đa hộ, biến 10 năm kinh nghiệm của anh chị thành tiền bạc. Và chúng tôi sẽ rất vui nếu có thể giúp anh chị trở nên giàu có hơn. Anh chị phải biết là rất khó tìm được những người có nhiều năm kinh nghiệm như anh chị. Hãy cho chúng tôi biết khi nào thì anh chị sẵn sàng. Người môi giới này sẽ giúp anh chị tìm bất động sản và tôi sẽ tìm cho anh chị tất cả những số tiền mà anh chị cần có”.

Buổi họp kết thúc. Chúng tôi cảm ơn họ và bước ra xe hơi. Ngồi trong xe hơi, chúng tôi im lặng và vẫn chưa tin được những gì mình vừa nghe. Cuối cùng Kim nói: “Anh có nhớ căn nhà 12 phòng mà chúng mình mua mười năm trước không?”

“Anh đang nghĩ đến nó đây”, tôi đáp.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu lúc đó chúng ta nói rằng: Tôi không mua nổi’? Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta dừng bước chỉ vì 35.000$?”

Tôi suy nghĩ một lúc và nói: “Anh nghĩ nếu lúc đó đã nói như vậy thì ngày nay

chúng ta vẫn sẽ nói như thế. Nếu lúc đó chúng ta dừng bước chỉ với 35.000$ thì có lẽ ngày nay chúng ta vẫn sẽ không tiến triển được”. Khi lái xe ra khỏi bãi đậu xe, tôi bỗng nhớ lại lời người bố giàu đã nói: “Tương lai của con được tạo ra bằng những việc con làm ngày hôm nay chứ không phải ngày mai”.

Chúng tôi lái xe về nhà trong im lặng phấn khích và cảm thấy mình thật may mắn. Người bố giàu từng bảo rằng một khi bạn đã giàu có thì việc làm giàu sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Nhiều người không bao giờ vượt qua mức trung lưu là vì họ không tin vào những câu chuyện cổ tích. Vì không tin vào những câu chuyện cổ tích nên họ không thể học được bài học từ những câu chuyện này. Khi bước ra khỏi xe hơi, tôi thầm cảm ơn người bố giàu và bỗng nhớ lại lời ông nói: “Hãy luôn nhớ rằng bằng cách này hay cách khác, những câu chuyện cổ tích hoàn toàn có thể trở thành sự thật”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.