Dạy Con Làm Giàu – Tập 5
CHƯƠNG 17
Sức bật của chứng khoán
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẦU TƯ VỚI ÍT RỦI RO HƠN VÀ NHIỀU LỢI NHUẬN HƠN?
Vài tháng trước đây, một người bạn bảo tôi rằng anh ta vừa mất hàng triệu đôla trong thị trường. Giờ thì anh ta phải đi làm lại. Khi tôi hỏi tại sao lại mất nhiều tiền đến thế, anh ta trả lời: “Tôi có thể làm gì nữa bây giờ? Tôi đã làm theo lời khuyên của các nhà tư vấn, mua những món hạ giá, thế là tôi mua những món hạ giá và liên tục thua lỗ. Giờ thì tôi đã mất hơn một triệu đôla, các nhà tư vấn lại khuyên tôi hãy tiếp tục kiên trì và đầu tư dài hạn. Tôi không còn bao nhiêu năm nữa để chờ đợi cả”.
Đầu tư không có nghĩa là bắt buộc phải mạo hiểm. Người bố giàu đã nói: “Trong đầu tư có những rủi ro nhưng không phải là mạo hiểm”. Bạn cũng không bắt buộc phải thua lỗ khi thị trường đổi hướng. Thực sự, khi thị trường bắt đầu đi xuống, nhiều nhà đầu tư lão luyện sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Sau đây là những bài học của người bố giàu về việc làm thế nào để đầu tư vào thị trường chứng khoán và gặt hái lợi nhuận, bất kể thị trường đi lên hay đi xuống.
GIỮ MỘT BỐI CẢNH LINH HOẠT
Trong phần này, một đầu óc phóng khoáng và một bối cảnh linh hoạt là rất quan trọng. Nếu bạn nghe thấy phạm vi bối cảnh của mình lên tiếng: “Điều đó là không thể được”, hay “Anh không làm thế được đâu”, hay “Làm thế là bất hợp pháp”, hay “Như thế quá liều lĩnh”, hay “Việc đó quá khó”, thì chỉ cần nhắc nhở mình mở rộng phạm vi bối cảnh để có thể nghe thấy những nội dung đang được trình bày.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VỚI BẢO HIỂM
Có lần người bố giàu hỏi tôi: “Con có chịu mua xe hơi không có bảo hiểm không?”
“Không. Như thế thật điên rồ. Sao bố lại hỏi con như vậy?”
Người bố giàu mỉm cười và hỏi tiếp: “Vậy con có chịu đầu tư mà không có bảo hiểm không?”
“Không”, tôi đáp. “Nhưng con đầu tư bất động sản. Con có thể bảo đảm các tài sản của mình không bị thua lỗ. Thật ra thì ngân hàng quy định con phải mua bảo hiểm cho tất cả các bất động sản của mình”.
“Câu trả lời hay đấy”, người bố giàu nói.
Tôi hỏi lại: “Tại sao bố lại hỏi con về vấn đề bảo hiểm?”
“Bởi vì đã đến lúc con phải học cách đầu tư vào các loại tài sản trên giấy như chứng khoán, cổ phiếu và quỹ hỗ tương”.
“Bố có thể đầu tư chứng khoán với bảo hiểm sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi. “Bố muốn nói là bố có thể bảo đảm không bị thua lỗ hoặc tối thiểu hóa thua lỗ à?”
Người bố giàu gật đầu.
“Thế thì đầu tư vào những tài sản trên giấy đâu có gì mạo hiểm!”
“Không hề”, người bố giàu nói. “Đầu tư không có gì là mạo hiểm, nếu con biết con đang làm gì”.
“Nhưng đầu tư có mạo hiểm đối với những nhà đầu tư trung bình không, thưa bố? Các nhà đầu tư trung bình có thể đầu tư và được bảo hiểm không?”
Người bố giàu lại gật đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Đó là lý do tại sao bố dạy con điều này. Bố không muốn con làm một nhà đầu tư trung bình. Những nhà đầu tư trung bình luôn chỉ quan tâm đến các tầm mức trung bình. Đó là lý do tại sao họ luôn mãi mãi là những nhà đầu tư trung bình. Đó là lý do tại sao tồn tại những chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones. Những con số trung bình là dành cho những người trung bình. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nghe lời các nhà tư vấn tài chính và rất vui vẻ khi họ nói rằng: ‘Trung bình cứ 40 năm thì thị trường lời được 12%’, hay ‘Quỹ hỗ tương đã lời được trung bình 16% trong 5 năm qua’. Các nhà đầu tư trung bình chỉ thích những con số trung bình mà thôi”.
“Mức trung bình thì có gì xấu đâu ạ?”
“Không thực sự xấu”, người bố giàu nói. “Nhưng nếu con muốn giàu có, con cần phải vượt lên hơn mức trung bình”.
“Vậy tại sao người ta không thể làm giàu được với mức trung bình chứ?” Tôi hỏi.
“Bởi vì những chỉ số trung bình là kết quả của những chỉ số chiến thắng và những chỉ số thất bại. Chẳng hạn như đúng là thị trường chứng khoán trung bình đã tăng giá trong hơn 40 năm qua, nhưng trên thực tế thì nó có lúc đi lên và có lúc đi xuống”.
“Thế thì sao ạ? Ai cũng biết điều đó mà?”
“Đúng vậy, ai cũng biết điều đó. Nhưng tại sao phải chịu thua trong khi con có thể thắng? Các nhà đầu tư trung bình có tiền khi thị trường đi lên và mất tiền khi thị trường đi xuống. Chính vì vậy nên họ mới là những nhà đầu tư trung bình. Thử nghĩ xem chỉ số trung bình của con sẽ như thế nào nếu con có tiền khi thị trường đi lên và có tiền cả khi thị trường đi xuống?”
“Được thế thì tuyệt vời quá. Nhưng những nhà đầu tư lão luyện sẽ làm gì để có được điều đó? Họ không sử dụng chỉ số trung bình sao?”
“Có, họ có sử dụng chỉ số trung bình, nhưng họ dùng những chỉ số trung bình khác, vấn đề bố muốn nói ở đây là các nhà đầu tư trung bình chỉ biết làm thế nào để kiếm tiền khi thị trường tăng giá mà thôi, chính vì vậy nên họ cảm thấy vui vẻ khi biết được trung bình thị trường đi lên trong những năm qua. Các nhà đầu tư lão luyện thì không tìm kiếm những thông tin trung bình. Họ không thực sự quan tâm xem trung bình thì thị trường đi lên hay đi xuống, bởi vì họ có thể làm ra tiền trong mọi hoàn cảnh”.
“Bố muốn nói là họ không bao giờ thất bại sao?”
“Không, bố không nói thế. Tất cả các nhà đầu tư thỉnh thoảng đều gặp phải thất bại. Nhưng bố muốn nói là những nhà đầu tư lão luyện có khả năng chiến thắng cả khi thị trường đi lên lẫn đi xuống. Các nhà đầu tư trung bình thì chỉ có một chiến lược chiến thắng khi thị trường đi lên và chấp nhận thất bại khi thị trường đi xuống. Các nhà đầu tư lão luyện thì không muốn chấp nhận những thất bại mà các nhà đầu tư trung bình phải chấp nhận. Không phải lúc nào họ cũng đúng, cũng có lúc họ thất bại… nhưng khác biệt là ở chỗ với những sự rèn luyện, những kỹ năng, công cụ, chiến lược… của mình. Họ bị thua lỗ ít hơn và có được lợi nhuận lớn hơn nhiều so với các nhà đầu tư trung bình”.
Nhiều năm qua, tôi cảm thấy thật lạ lùng khi người ta có thể đầu tư những số tiền mà họ đã rất vất vả mới kiếm được, nhưng lại không đầu tư nhiều thời gian vào việc học cách đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Sau những năm học hỏi với người bố giàu, tôi không thể hiểu được tại sao nhiều người thà làm việc vất vả suốt đời còn hơn là học cách khiến tiền bạc làm việc cho mình. Và khi họ đầu tư những đồng tiền xương máu của mình vào thị trường thì họ sẵn sàng chấp nhận thất bại mà không cần một sự bảo hiểm thua lỗ nào cả. Tôi nghĩ về người bố nghèo của tôi người đã làm việc
vất vả suốt đời và luôn miệng nói rằng: “Đầu tư là mạo hiểm”. Ông nói thế nhưng lại không hề nghiên cứu chút gì về đầu tư. Người bố giàu đã dạy tôi làm thế nào để đầu tư một cách an toàn vào bất động sản và giờ thì ông đang dạy tôi làm thế nào để đầu tư một cách an toàn vào chứng khoán và các loại tài sản trên giấy.
“Thế thì đầu tư vào thị trường chứng khoán không cần mạo hiểm sao, thưa bố?” Tôi hỏi rõ hơn.
“Không, hoàn toàn không”. Người bố giàu nói.
“Thế nhưng hàng triệu người đã đầu tư mà không hề được bảo hiểm thua lỗ và không hề có chút kiến thức nào cả, như thế họ đã trở thành nhừng nhà đầu tư mạo hiểm”.
“Cực kỳ mạo hiểm”, người bố giàu đáp. “Đó là lý do tại sao bố hỏi những bất động sản đầu tư của con có được bảo hiểm không. Bố biết là có, vì các giám đốc ngân hàng yêu cầu điều đó. Nhưng những người trung bình trong thị trường chứng khoán thì không hề được bảo hiểm. Hàng triệu người đầu tư cho tương lai khi họ về hưu mà không có một bảo hiểm thất bại nào. Như thế mới là mạo hiểm, cực kỳ mạo hiểm”.
“Vậy tại sao các nhà tư vấn tài chính, những nhà môi giới chứng khoán và những người mua bán công trái không cho họ biết điều đó?” tôi hỏi.
“Bố không biết. Bố cũng thường tự hỏi như vậy. Bố nghĩ lý do là vì hầu hết các nhà tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán và những người mua bán công trái, bản thân họ cũng không thực sự là những nhà đầu tư chứ đừng nói là những nhà đầu tư lão luyện. Hầu hết các chuyên gia tài chính này đều là những người được trả lương hoặc hưởng hoa hồng, họ cũng làm việc để được trả công như khách hàng của họ vậy”.
“Và họ đưa ra những lời khuyên cho người khác, những nhà đầu tư trung bình, những người cũng giống như họ”.
Người bố giàu gật đầu: “Một nhà đầu tư lão luyện có thể kiếm tiền khi thị trường đi lên cũng như đi xuống. Một nhà đầu tư trung bình thì thỉnh thoảng mới có được lợi nhuận khi thị trường lên giá và bị thua lỗ khi thị trường xuống giá. Sau đó khi đã bị thua lỗ khá nhiều thì nhà đầu tư trung bình này mới gọi điện thoại cho nhà tư vấn tài chính và hỏi: ‘Giờ thì làm sao đây?'”
“Khi đó thì nhà tư vấn của họ sẽ nói gì?”
“Họ thường nói: ‘Hãy kiên nhẫn, thị trường sẽ lên giá trong vài tháng nữa’, hoặc ‘Hãy mua thêm đầu tư khi giá đôla trung bình giảm xuống'”.
“Bố sẽ không làm thế chứ?”
“Không. Bố không làm thế, nhưng những nhà đầu tư trung bình thì làm như thế đấy”.
“Bố muốn nói là con có thể đầu tư với ít rủi ro hơn và kiếm được nhiều tiền hơn trên thị trường chứng khoán?”
“Đúng vậy. Tất cả những gì con cần làm là đừng trở thành một nhà đầu tư trung bình”.
NHỮNG TỪ NGỮ GIÚP BẠN GIÀU CÓ
Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã viết rằng người nghèo và người trung lưu thường chủ yếu đầu tư vào quỹ hỗ tương. Sau đó tôi cũng viết rằng người giàu thích đầu tư vào quỹ rào hơn. Một lần nữa, sức mạnh từ ngữ lại vào cuộc. “Rào” là một từ rất quan trọng đối với các nhà đầu lão luyện, và đó là cả một thế giới khác biệt giữa quỹ hỗ tương và quỹ rào. Thuật ngữ “rào” trong bối cảnh này có nghĩa là bảo hiểm. Cũng như một người làm vườn dựng nên một cái rào để bảo vệ vườn cây tránh các súc vật ăn cỏ, một nhà đầu tư lão luyện cũng dựng nên một cái rào để bảo vệ tài sản của mình.
Đơn giản hơn, chữ “rào” trong bối cảnh này hàm nghĩa bảo vệ khỏi thất bại. Cũng như bạn không nên lái xe không có bảo hiểm, một nhà đầu tư cũng không nên đầu tư không có bảo hiểm hay không có một rào cản những thua lỗ lớn. Thông thường, một nhà đầu tư trung bình thường đầu tư trần, cũng là một từ được các nhà đầu tư lão luyện sử dụng. Đầu tư trần ở đây có nghĩa là một mối đầu tư không được bảo vệ khỏi thua lỗ. Một nhà đầu tư lão luyện không thích phải đầu tư trần, nghĩa là không thích phải trân mình ra trước những rủi ro không cần thiết. Một nhà đầu tư lão luyện sẽ đầu tư với một vị thế tài chính được bảo vệ. Cũng như một người bán bảo hiểm thường hỏi: “Anh có được bảo hiểm không?” Các nhà đầu tư lão luyện cũng sẽ tự hỏi mình câu hỏi đó. Nói chung, một nhà đầu tư trung bình và một nhà đầu tư vào quỹ hỗ tương là đầu tư trần vì họ không được bảo hiểm chống lại thua lỗ.
KHÔNG BẢO VỆ TÀI SẢN CỦA MÌNH LÀ MẠO HIỂM
Vài ngày trước, tôi là một trong những diễn giả chủ chốt tại một hội nghị các nhà đầu tư. Diễn giả chính là một nhân vật truyền hình rất nổi tiếng, báo cáo viên của một trong những mạng truyền hình tài chính lớn nhất. Bài nói của bà rất hàm súc và tôi học hỏi được rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thật thú vị khi bà nói rằng bà chỉ
đầu tư vào quỹ hỗ tương mà thôi.
Bỗng có một thính giả giơ tay hỏi: “Không lẽ bà không hề cảm thấy tội lỗi khi chịu trách nhiệm về hàng tỷ đôla mà các khán giả truyền hình đã thua lỗ trong thị trường chứng khoán hay sao?” Giọng ông ta có vẻ giận dữ, và tôi có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư cũng đồng ý với ông như vậy. Dường như nhiều nhà đầu tư đến với hội nghị này không phải để học cách đầu tư mà là để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với số tiền thua lỗ của họ.
“Tại sao tôi phải cảm thấy tội lỗi?” diễn giả trả lời. “Công việc của tôi là cung cấp thông tin cho các anh và thực sự tôi đã cung cấp rất nhiều thông tin. Tôi không hề đem đến cho các anh những lời khuyên về đầu tư. Tôi chỉ đem đến cho các anh những thông tin thị trường. Thế thì tại sao anh lại bảo tôi cần phải có cảm giác tội lỗi?”
“Bởi vì bà là một người cổ vũ hàng đầu trong vụ giá cả thị trường tăng vọt”, vị thính giả giận dữ nói. “Vì bà mà tôi đã đầu tư không ngừng và giờ thì tôi mất tất cả”.
“Tôi không phải một người cổ vũ hàng đầu”, bà ta nói. “Tôi chỉ cung cấp những thông tin về một thị trường tốt cũng như hôm nay tôi cung cấp thông tin về một thị trường xấu vậy”.
Trong vài phút sau, cơn giận bùng nổ. Một số người đồng ý với vị thính giả đang giận dữ còn những người khác lại đứng về phía nữ diễn giả. Cuối cùng thì mọi thứ dịu xuống. Diễn giả hỏi xem còn câu hỏi nào nữa không.
Một cánh tay giơ lên: “Tại sao bà không bảo khán giả phải tối thiểu hóa rủi ro bằng các quyền chọn?”
“Các quyền chọn? Tại sao tôi phải nói với họ về các quyền chọn?”
Người giơ tay đáp: “Nó cũng giống như một rào cản chống đỡ khi thị trường sụt
giá”.
“Tôi không bao giờ làm thế cả”, bà ta nói. “Các quyền chọn là rất mạo hiểm. Còn thắc mắc nào nữa không?”
Tôi không thể tin được những gì vừa nghe. Nhân vật truyền hình này là một trong những người được đề cao nhất trong giới báo chí tài chính. Bà ta có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người khác. Nhiều người tìm kiếm những lời khuyên đầu tư từ bà ta và giờ thì bà ta bảo rằng: “Các quyền chọn là rất mạo hiểm”. Với tôi, không bảo vệ tài sản của mình mới là mạo hiểm. Với tôi, không hiểu biết về tài chính mới là mạo hiểm. Việc sử dụng, các quyền chọn để bảo vệ những tài sản trên giấy của mình là rất dễ dàng và không khó đến mức đó. Thực sự, nếu bạn có một người môi
giới chứng khoán giỏi thì tiến trình này không có gì phức tạp cả. Đến một đứa trẻ cũng có thể làm được. Tất cả những gì bạn phải làm là hiểu được định nghĩa của một số từ ngữ mới, tìm một nhà môi giới giỏi, và bắt đầu với chút ít tiền để rút tỉa kinh nghiệm. Thay vì vậy, tôi thấy hàng ngàn người trong phòng gật đầu đồng ý rằng đầu tư với quyền chọn là mạo hiểm.
Khi ngồi nhìn những môn đồ trung thành của nữ diễn giả gật đầu đồng ý rằng quyền chọn là mạo hiểm, tôi mơ màng nhớ đến những bài học đầu tiên của người bố giàu về đầu tư chứng khoán. Ông nỏi: “Hàng trăm năm trứớc, ở nước Nhật cổ đại, các nông dân Nhật đã bắt đầu sử dụng quyền chọn để bảo vệ giá cả hoa màu của mình”.
“Hàng trăm năm trước ư?” tôi hỏi. “Hàng trăm năm trước họ đã biết sử dụng các quyền chọn như một hàng rào bảo vệ thua lỗ ư?”
Người bố giàu gật đầu: “Đúng vậy, hàng trăm năm trước. Bắt đầu vào Kỷ nguyên Cải cách Ruộng đất, những doanh nhân khôn khéo đã biết dùng quyền chọn để bảo vệ doanh nghiệp của mình khỏi bị thua lỗ. Ngày nay các doanh nhân khôn ngoan vẫn tiếp tục làm thế”.
Quay lại với căn phòng ở Chicago nơi vị nữ phóng viên truyền hình đang nói chuyện, tôi tự hỏi: “Nếu những doanh nhân khôn ngoan đã sử dụng quyền chọn hàng bao năm trời thì tại sao con người đầy thế lực này lại đánh lạc hướng các khán giả của mình như thế?” Và tôi lại tự nhủ: “Điều gì là mạo hiểm hơn? Mua một cổ phiếu hay quỹ hỗ tương và nhìn nó sụt giá 40 hoặc 60%, thậm chí 90% giá trị mà không hề tự bảo vệ mình hay sao? Các giám đốc ngân hàng luôn yêu cầu tôi phải mua bảo hiểm bất động sản. Vậy tại sao ngành công nghiệp trên giấy này lại không yêu cầu các nhà đầu tư mua bảo hiểm cho những tài sản trên giấy của họ. Những tài sản mà hàng triệu người sẽ phải dựa dẫm vào nó khi về già?”
Mãi đến nay, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho các câu hỏi này. Như đã nói trước đây, nếu nhà bạn bị cháy, bạn có thể thay thế nó trong vòng chưa đến một năm và được công ty bảo hiểm chi trả. Nhưng nếu kế hoạch hưu trí của bạn bị sụp đổ cùng thị trường chứng khoán sau khi bạn đã về hưu thì bạn sẽ làm gì đây? Mua, giữ và tiếp tục cầu nguyện ư? Hay ngồi đó hy vọng thị trường sẽ tăng giá lại? Và như thế tôi tiếp tục thắc mắc tại sao các giám đốc ngân hàng yêu cầu các nhà đầu tư phải mua bảo hiểm nhưng ngành công nghiệp trên giấy này lại không. Tôi tiếp tục tự hỏi tại sao những nhà đầu tư lão luyện đầu tư với bảo hiểm, nhưng những nhà đầu tư trung bình, những nhà đầu tư hoàn toàn phó mặc sự an toàn tài chính của mình cho thị trường chứng khoán một khi không còn làm việc nữa, lại đầu tư trần một cách không bảo đảm như thế?
VỐN TỪ VỰNG VỀ BẢO HIỂM
Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, nhất thiết bạn phải đầu tư một ít thời gian vào việc học cách bảo vệ tài sản của mình, nhất là khi muốn giàu có bằng những tài sản trên giấy. Bạn có thể làm điều đó bằng cách tìm hiểu những thứ mà người bố giàu của tôi gọi là “ngôn ngữ của các nhà đầu tư lão luyện”. Trong các hội nghị chuyên đề về đầu tư, tôi gọi chúng là “vốn từ vựng về bảo hiểm”.
Trước khi đi vào những từ ngữ này, tôi tin rằng chúng ta cần nhắc lại một số từ ngữ khác. Sau đây là những từ cần được định nghĩa trước khi bước vào những từ ngữ về bảo hiểm:
1. Nhà đầu tư và nhà buôn: Hầu hết những người cho rằng mình là một nhà đầu tư thực sự thường chỉ là một nhà buôn. Cũng như hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tiêu sản là tài sản, nhiều nhà đầu tư là những nhà buôn chứ không phải những nhà đầu tư thực thụ. Còn một điểm nữa, nhiều người nghĩ mình là một nhà đầu tư nhưng thực chất chỉ là một người tiết kiệm. Đó là lý do tại sao nhiều người có những kế hoạch hưu trí 401(k), IRA hay Keogh thường nói: “Tôi đang tiết kiệm tiền để về hưu”. Một người tiết kiệm đơn giản chỉ bỏ tiền vào tài khoản và không làm gì cả. Một nhà đầu tư là một người chủ động quản lý danh mục đầu tư hoặc tài khoản của riêng mình.
Thế thì đâu là sự khác biệt giữa một nhà đầu tư và một nhà buôn? Một nhà đầu tư mua để giữ còn một nhà buôn thì mua để bán. Khi một người nói: “Tôi mua cổ phiếu hay bất động sản này vì tôi biết nó sẽ tăng giá… ” đó là một nhà buôn thực thụ. Nói cách khác, họ mua chỉ để buôn bán chứ không phải để sử dụng. Đó là lý do tại sao tôi nói hầu hết mọi người đều là các nhà buôn chứ không phải những nhà đầu tư. Một nhà buôn thường muốn giá tài sản tăng để có thể được lời nhiều hơn. Một nhà đầu tư thì thường muốn món đầu tư đem lại số tiền vốn cho mình càng sớm càng tốt nhưng vẫn giữ được tài sản đó. Người bố giàu nói: “Một nhà đầu tư mua con bò để vắt sữa và sinh bê con. Còn một nhà buôn mua con bò để giết thịt”.
Nếu bạn muốn thành công trong thế giới đầu tư, bất kể là đầu tư vào các tài sản trên giấy, vào doanh nghiệp hay vào bất động sản, bạn cần phải biết cách vừa là một nhà đầu tư vừa là một nhà buôn. Một nhà đầu tư biết phải phân tích những gì và quản lý việc đầu tư ra sao, còn một nhà buôn biết phải mua bán như thế nào. Một nhà đầu tư thường muốn có được lưu lượng tiền mặt từ tài sản còn một nhà buôn lại muốn có lời bằng cách mua rẻ bán đắt.
2. Một nhà đầu tư cơ bản và một nhà đầu tư kỹ thuật: Một nhà đầu tư cơ
bản xem xét các bản kê tài chính của một công ty hay một bất động sản. Một nhà đầu tư cơ bản thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đội ngũ quản lý và tiềm năng dài hạn của việc kinh doanh. Một nhà đầu tư kỹ thuật thuần túy không quan tâm đến những vấn đề cơ bản của một doanh nghiệp. Họ thậm chí còn không để ý xem công ty có được nhiều lợi nhuận không hay có được quản lý tốt không. Nhà đầu tư kỹ thuật chỉ quan tâm đến độ nhạy thị trường vào thời điểm đó. Trong khi một nhà đầu tư cơ bản xem xét các bản kê tài chính thì một nhà đầu tư kỹ thuật xem xét biểu đồ lịch sử phản ánh độ nhạy thị trường của công ty. Phần sau chương này sẽ nói về một số biểu đồ như thế.
Một nhà đầu tư kỹ thuật có thể là một nhà đầu tư kỹ thuật giỏi và chỉ thua lỗ khi thiếu những nền tảng thích hợp. Nhiều “nhà buôn công nhật” cuối cùng cũng bị thất bại hay phá sản vì họ có những nền tảng quản lý tiền bạc cá nhân tệ hại. Đối với một nhà đầu tư cơ bản cũng vậy. Nhiều nhà đầu tư cơ bản tự hỏi tại sao mình không kiếm được tiền, hoặc tại sao mình thất bại dù đã đầu tư vào một công ty tốt, vững chắc và có nhiều lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư cơ bản thất bại ngay cả khi đầu tư với những nền tảng tốt vì họ thiếu kiến thức về thương mại kỹ thuật.
Thực tế này là lý do tại sao người bố giàu muốn tôi và con trai ông phải trở thành những nhà đầu tư lão luyện, đầu tư với cả những kỹ năng cơ bản thành thạo và kỹ năng kỹ thuật khéo léo.
3. Một nhà đầu tư trung bình và một nhà đầu tư lão luyện: Một nhà đầu tư trung bình hiếm khi hiểu được bản kê tài chính là gì. Nhà đầu tư trung bình thường đầu tư dài hạn, đầu tư vào quỹ hỗ tương, sau đó mua, giữ và cầu nguyện. Một nhà đầu tư lão luyện là người có tiền và hiểu được cả những kỹ thuật đầu tư nền tảng lẫn những kỹ thuật thương mại chuyên môn.
NHỮNG TỪ NGỮ GIÚP BẠN CHIẾN THẮNG TRÊN MỌI THỊ TRƯỜNG
Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, việc bảo vệ hay bảo hiểm tài sản của mình tránh khỏi những thua lỗ nặng nề là rất quan trọng. Một nhà đầu tư chứng khoán trung bình không bao giờ cảm thấy an toàn. Đó là lý do tại sao họ cảm thấy đầu tư là mạo hiểm và đối với họ thì thực sự là như thế. Vì cảm thấy không an toàn nên họ giao phó tiền bạc của mình cho một người quản lý quỹ tiền bạc, một người bà con làm môi giới chứng khoán, hoặc một nhà kế hoạch tài chính, hy vọng người này sẽ bảo vệ họ tránh khỏi những thảm họa thị trường. Vấn đề là những nhà quản lý quỹ tiền bạc trung bình hoặc những nhà môi giới trung bình không thể bảo vệ họ khỏi những cơn suy sụp và cũng không giúp họ kiếm ra tiền trên một thị trường ế ẩm.
Cách chiến thắng và bảo vệ tài sản của mình trên mọi thị trường là học hỏi và thực sự tìm hiểu những từ vựng của các nhà đầu tư cơ bản và kỹ thuật, nhất là với những tài sản trên giấy. Mọi việc rất dễ dàng nếu bạn chịu khó đầu tư một chút thời gian. Cũng như một giám đốc ngân hàng sẽ hỏi bạn kê tài chính của bạn trước khi cho bạn mượn tiền, một điều rất cơ bản, và yêu cầu bạn phải có một tài sản, quyền sở hữu và bảo hiểm cầm cố cho một mục đầu tư bất động sản, nhằm bảo đảm cho những rủi ro kỹ thuật hoặc những rủi ro lớn, bạn cũng cần phải đòi hỏi chính mình những điều đó nếu muốn đầu tư vào những tài sản trên giấy. Bạn có thể làm việc này bằng cách bắt đầu tìm hiểu những từ ngữ về bảo hiểm khi đầu tư vào tài sản giấy tờ. Một số các từ như vậy bao gồm:
1. Xu hướng
2. Chỉ số trung bình biến động
3. Lệnh mua bán chứng khoán
4. Quyền chọn mua cổ phiếu
5. Quyền chọn bán cổ phiếu
6. Hợp đồng chứng khoán hai chiều
7. Bán trước hạn
8. Và nhiều nữa…
Một nhà đầu tư trung bình có thể đã nghe nói về những thuật ngữ này nhưng có lẽ không hiểu hết hoặc chưa bao giờ dùng đến chúng. Nhiều nhà đầu tư trung bình thậm chí còn không thèm đếm xỉa đến những từ ngữ rất quan trọng này: “Như thế quá mạo hiểm”. Nói một điều gì đó quá mạo hiểm cũng có nghĩa là bạn muốn nói rằng: “Tôi lười biếng đến mức không muốn nghiên cứu về nó”.
NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI BIẾT
Nếu muốn giữ được những tài sản trên giấy, bạn phải biết làm thế nào để bảo hiểm chúng chống lại sự sụp đổ thị trường. Sau đây là ví dụ những điều bạn cần biết. Một lần nữa, mọi thứ bắt đầu bằng những từ ngữ.
XU HƯỚNG
Mọi nhà đầu tư lão luyện đều phải hiểu được các xu hướng. Có một câu nói mà tất cả những nhà đầu tư lão luyện đều hay nói: “Xu hướng là bạn đồng hành của anh”.
Hãy nhớ và hãy sử dụng câu nói này.
Vậy xu hướng là gì? Cách tốt nhất để giải thích điều này với bạn là một câu chuyện ngắn. Khi còn là một thiếu niên, tôi lớn lên ở Hawaii. Hầu hết bạn bè tôi đều được huấn luyện để trở thành những nhà lướt sóng lớn. Mỗi mùa đông, khi những cơn sóng cồn tràn về từ phương bắc, chúng tôi lao xuống nước để chứng tỏ lòng can đảm và nâng cao kỹ thuật của mình. Một năm kia, có một sinh viên mới đến từ đại lục. Anh ta khá giỏi môn lướt sóng với những đợt sóng mùa hè. Khi mùa đông đến, anh ta thử vận may rủi của mình dưới nước, nghĩ rằng chẳng có gì khác biệt ngoại trừ độ cao con sóng. Chuyến đầu tiền trên một con sóng lớn, anh ta không điều khiển được và bị quét xuống đáy nước. Ngọn sóng khổng lồ cuộn quá và chúng tôi không còn thấy anh ta đâu nữa. Rất lâu sau đó, anh ta xuất hiện ở khá xa chúng tôi, ho sặc sụa và vất vả đi lại. Một trong những người bạn đã cùng lướt sóng với anh ta không thể tin vào những gì xảy ra. Chúng tôi không thể tin là anh ta đã cố gắng bơi ngược dòng nước. Cuối cùng một người nói: “Không, tôi không tin là anh ta đã cố bơi ngược dòng chảy. Không ai khỏe đến thế cả”.
Sau khi những cơn sóng lớn dập vào bờ, chúng lại từ từ rút về biển cả. Chính sự rút ra biển này đã tạo nên một dòng chảy nước xoáy. Với chúng tôi, những người lớn lên trên các hòn đảo, chúng tôi biết chỉ cần thư giãn và để dòng chảy đưa mình ra vùng nước sâu hơn. Khi dòng chảy bắt đầu tản mạn, chúng tôi biết cần phải bơi hoặc lướt vào một kênh an toàn. Người bạn mới này không hiểu một dòng chảy nước xoáy có sức mạnh đến độ nào. Thay vì đi theo dòng chảy, anh ta lại cố gắng tranh đấu với nó, mệt lả và suýt nữa là chết đuối. Với những nhà đầu tư mới cũng vậy.
Chu kỳ đầu tư đi theo hình lượn sóng, cũng như những đợt sóng ngoài đại dương. Chúng cũng thay đổi theo mùa. Những người lướt sóng phải học cách tôn trọng sự thay đổi sức mạnh con sóng và dòng nước theo mùa. Các nhà đầu tư lão luyện cũng phải làm như thế. Đó là lý do vì sao họ thường nói: “Xu hướng là bạn đồng hành của anh”. Cũng như một nhà lướt sóng giàu kinh nghiệm không bao giờ chống lại con sóng hay dòng nước, những nhà đầu tư lão luyện đi theo xu hướng, thay đổi chiến lược khi cần, hoặc đứng ngoài cuộc chơi khi mọi thứ trở nên quá bất ổn. Những nhà đầu tư trung bình thì tiếp tục mua và giữ, hoặc khi quá lo sợ thì họ gọi điện thoại cho nhà môi giới và hỏi: “Thị trường có còn sụt giá nữa không?”
BA XU HƯỚNG CƠ BẢN
Có ba xu hướng cơ bản ảnh hưởng đến các tài sản trên giấy cũng như những sản phẩm đầu tư khác. Thứ nhất là thị trường xu hướng tăng, thường gọi là một thị trường đầu cơ giá lên. Thứ hai là thị trường xu hướng giảm, còn gọi là thị trường đầu
cơ giá hạ. Thứ ba là thị trường xu hướng ngang, nghĩa là một thị trường không tăng không giảm. Các nhà đầu tư lão luyện sử dụng những chiến lược khác nhau với những xu hướng khác nhau. Những nhà đầu tư trung bình thì chỉ có một chiến lược và cố dùng nó cho cả ba xu hướng. Đó là lý do tại sao cuối cùng thì họ cũng thất bại. Ý tưởng đầu tư dài hạn về cơ bản là một ý tưởng hay, nhưng đầu tư dài hạn với một chiến lược duy nhất thì lại là cách đầu tư của những người thất bại.
Ngay cả động vật cũng nhận thức được sự thay đổi của các mùa. Khi cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông tràn về, hầu hết các động vật đều biết chúng cần phải chuẩn bị cho những thay đổi mà mùa đông đem đến. Các nhà đầu tư lão luyện cũng vậy. Chỉ có những nhà đầu tư trung bình mới tin vào lời nói của các nhà tư vấn tài chính: “Hãy đầu tư dài hạn. Hãy mua và giữ các cổ phiếu ngay cả khi thị trường hạ giá”. Nếu động vật đủ thông minh để biết rằng mọi thứ đang thay đổi thì tại sao con người lại không?
CHỈ SỐ TRUNG BÌNH BIẾN ĐỘNG
Xu hướng là do những người mua bán gây ra. Nếu người mua nhiều hơn người bán thì xu hướng tăng, và ngược lại thì xu hướng giảm. Một nhà đầu tư trung bình chỉ cảm thấy thoải mái khi người tư vấn tài chính bảo rằng: “Thị trường đang tăng lên trong hơn 40 năm qua”. Một nhà đầu tư lão luyện thì không xem xét những chỉ số trung bình dài hạn mà lại xem xét những chỉ số trung bình biến động. Cũng như một người lướt sóng chú ý mức thủy triều lên xuống mỗi ngày, nhà đầu tư lão luyện chú ý đến sự tăng giảm số tiền ra vào thị trường. Một nhà đầu tư lão luyện chú ý đến những biểu đồ này vì chúng cho họ biết khi nào cần thay đổi chiến lược.
Sau đây là một biểu đồ của chỉ số trung bình biến động. Như tôi đã nói, những nhà đầu tư cơ bản xem xét các bản kê tài chính và đội ngũ quản lý, còn một nhà đầu tư kỹ thuật lại xem xét các biểu đồ, và sau đây là một trong số các biểu đồ mà họ xem xét.
LÀM THẾ NÀO BIẾT ĐƯỢC XU HƯỚNG ĐANG THAY ĐỔI?
Thị trường có tín hiệu nào báo cho bạn biết nó sắp sửa thay đổi không? Câu trả lời là có. Đây không phải là một khoa học chính xác, nhưng chắc chắn bạn sẽ không phải đoán mò, linh cảm hay đầu tư vào những điểm nóng.
Hầu hết chúng ta đều biết rằng các nhà khí tượng có thể đoán trước một cơn bão lớn. Dù việc dự đoán thời tiết không phải là một khoa học chính xác nhưng ngày nay chúng ta vẫn được cảnh báo rộng rãi trước khi một cơn bão lớn kéo đến. Một nhà buôn kỹ thuật cũng có thể hành động tương tự. Có nghĩa là trong khi những nhà đầu tư trung bình đang giữ yên chứng khoán và ngồi cầu cho thị trường tăng giá thì những nhà đầu tư chuyên môn kịp thời bán chúng đi trước khi cơn bão ập đến.
Có rất nhiều dấu hiệu mà một nhà buôn kỹ thuật có thể tìm kiếm. Những biểu đồ sau cho thấy một trong những khuôn mẫu chỉ báo mà một nhà đầu tư kỹ thuật thường xem xét.
Những nhà buôn kỹ thuật gọi khuôn mẫu này là mẫu ngọn kép. Khi các nhà đầu tư kỹ thuật nhìn thấy khuôn mẫu này, họ trở nên cẩn thận và bắt đầu thay đổi chiến lược đầu tư hoặc hoàn toàn thoát ly khỏi thị trường. Nếu chú ý bạn sẽ thấy giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng ngay sau hai lần lên đến đỉnh điểm.
Một khuôn mẫu tương tự diễn ra ở mức thấp nhất của thị trường. Khuôn mẫu này gọi là mẫu đáy kép. Khi các nhà đầu tư kỹ thuật thấy được khuôn mẫu này, họ cũng lại thay đổi chiến lược, bắt đầu mua cổ phiếu nhiều hơn trong khi các nhà đầu tư trung bình đang từ bỏ hy vọng và cố gắng bán chúng đi.
Có nhiều loại khuôn mẫu khác nhau mà các nhà đầu tư kỹ thuật thường tìm kiếm. Nhưng trong đó không có một khuôn mẫu nào là tuyệt đối hay hoàn toàn bảo
đảm cả. Tuy nhiên, chúng thực sự cho phép các nhà đầu tư lão luyện có được nhiều thuận lợi đáng kể hơn các nhà đầu tư trung bình, những người không có một manh mối nào về những tín hiệu thị trường này. Một thuận lợi lớn mà một nhà đầu tư kỹ thuật có được là họ có thời gian để bảo vệ giá cả tài sản của mình bằng bảo hiểm. Một nhà đầu tư trung bình chỉ ngồi trơ ra đó, không được bảo hiểm và không được bảo vệ. Hàng triệu nhà đầu tư đã đặt tương lai tài chính của mình trước nguy hiểm, hy vọng và cầu nguyện rằng những lời khuyên của các nhà tư vấn tài chính sẽ bảo vệ họ tránh khỏi những cơn bão lui tới thường xuyên ở bất cứ một thị trường tài chính nào.
Mỗi lần nghe một người tự xưng là chuyên gia tài chính khuyên rằng: “Hãy đầu tư dài hạn. Đừng hoang mang. Hãy kiên nhẫn. Hãy luôn nhớ rằng trung bình thị trường tăng giá hơn 40 năm qua… ” tôi chỉ biết nhún vai. Khi nghe những chuyên gia này nói thế, tôi cảm thấy thật tồi tệ cho hàng triệu người nghe theo và giao phó toàn bộ tương lai tài chính của mình cho họ. Đầu tư không có gì là mạo hiểm nếu bạn biết bạn đang làm gì.
CÔNG CỤ CỦA MỘT NHÀ ĐẦU TƯ LÃO LUYỆN
Một nhà đầu tư trung bình chỉ có hai lựa chọn khi thị trường đổi hướng. Họ có thể giữ lại và thất bại hoặc bán đi và cũng thất bại. Một ngày nọ, tôi nghe một nhà tư vấn đầu tư nói: “Vào tháng 02/2000, tôi đã bảo anh bán mọi thứ đi”. Đây có thể là một lời khuyên tốt cho một nhà đầu tư trung bình nhưng một nhà đầu tư lão luyện thì có thể có nhiều lựa chọn hơn.
Sau đây là một số công cụ trí não mà các nhà đầu tư lão luyện dùng để bảo vệ tài sản của mình và kiếm tiền cả khi thị trường tăng hoặc giảm.
LỆNH MUA BÁN CHỨNG KHOÁN
Một nhà đầu tư lão luyện có thể gọi điện cho người môi giới và đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán nếu anh ta nghi ngờ giá thị trường có thể sụt giảm, nhất là khi thị trường có xu hướng giảm. Một nhà đầu tư trung bình không làm gì cả và nếu giá thị trường sụt giảm thì họ chỉ biết ngồi nhìn. Không biết phải làm gì, chiến lược mua, giữ và cầu nguyện của họ vẫn là chiến lược mua, giữ và cầu nguyện.
Đây là cách làm việc của một lệnh mua bán chứng khoán. Giả sử hôm nay giá cổ phiếu của bạn là 50$ và các biểu đồ cho bạn biết thị trường đang có xu hướng giảm. Tất cả những gì bạn cần làm là gọi điện cho người môi giới và đặt lệnh bán chứng khoán, giả sử với giá 48$. Nếu giá cổ phiếu đã bắt đầu giảm thì hãy giả sử là
30$, vì khi có càng nhiều người bán tham gia thị trường, lệnh bán chứng khoán của bạn sẽ trở thành một lệnh thị trường và khi chứng khoán được bán với giá 48$, bạn sẽ chỉ thua lỗ 2$. Trong khi đó, một nhà đầu tư trung bình sẽ mất 18$ và vẫn còn đang bám lây các cổ phiếu.
Dù lệnh mua bán chứng khoán thường được dùng như một biện pháp bảo hiểm cho các nhà đầu tư, nhưng không phải lúc nào các nhà đầu tư lão luyện cũng dùng đến chúng.
Thường thì giá cổ phiếu có khuynh hướng lấp đầy khoảng trống giữa các giao dịch mở và những nhà đầu tư lão luyện đã có đủ thông tin và đã quyết định nên bán cổ phiếu hay nên hủy bỏ lệnh giới hạn mua bán. Sau đây là hai lý do tại sao lệnh mua bán chứng khoán có thể không thành công trong một thị trường sụt giá hoặc không ổn định.
Lý do thứ nhất mà một nhà đầu tư chuyên môn không thể dùng lệnh mua bán chứng khoán là vì xu hướng giảm đang diễn ra quá nhanh. Đôi khi trong một thị trường sụt giá quá nhanh, lệnh mua bán chứng khoán có thể được chuyển qua mà không được thực hiện. Ví dụ như giả sử giá cổ phiếu là 50$, khi thị trường có xu hướng giảm, nhà đầu tư đặt lệnh bán cổ phiếu với giá 48$. Như thế có nghĩa là khi giá cổ phiếu giảm xuống 48$ thì cổ phiếu này sẽ được tự động bán ngay. Nhưng nếu thị trường đột ngột giảm giá thì có thể cái giá 48$ sẽ bị “khoảng trống” hoặc bị bỏ qua. Như thế nghĩa là có quá nhiều người bán đến nỗi không ai mua nó với giá 48$, và như thế lệnh bán chứng khoán được chuyển qua. Nếu cái giá ngừng lại ở mức 40$ vì một số người mua lấn lướt, điều tốt nhất nhà đầu tư có thể làm là giữ lại ở mức 40$ hoặc bán đi ở mức 40$. Khi đó thì lệnh bán của họ đã bị chuyển qua rồi.
Một lý do nữa mà lệnh mua bán cổ phiếu có thể không được một nhà đầu tư chuyên môn sử dụng là vì họ không chắc chắn về xu hướng thị trường. Ví dụ như giá hiện tại là 50$ và lệnh bán với giá 48$. Theo như mong đợi, cổ phiếu giảm giá còn 47$ và nó được bán đi với giá 48$. Nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm cho đến khi anh ta chợt nhận ra rằng xu hướng thị trường bỗng đột ngột tăng lên và giá cổ phiếu của mình bây giờ là 65$. Không chỉ họ bị lỗ 2$ một cổ phiếu mà còn bị mất đến 17$ cơ hội.
LỜI TO HAY LỖ NẶNG
Chúng ta thường nghe nói: “Tôi vừa mới lời to”. Trong thời đại bùng nổ hệ thống mạng, có rất nhiều người bị ám ảnh bởi ý tưởng làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận qua Internet, và thay vì vậy, họ lại bị thua lỗ nặng nề. Ngày nay, nhiều người cười vào mũi những con nghiện Internet này: “Sao người ta có thể khờ khạo đến thế?”
Nhưng họ không hề nghe nói về những người thực sự đã thu được nhiều lợi nhuận cả trên những thị trường tăng giá lẫn những thị trường giảm giá.
Một người bạn tôi đã rất may mắn vào thời kỳ đầu kỷ nguyên Internet. Anh ta được lời to, như người ta thường nói. Anh ta cũng thu được nhiều lợi nhuận khi thị trường sụt giá. Vào cuối những năm 1999, ngay trước khi giá cổ phiếu lên đến đỉnh điểm, anh ta bán đi mọi cổ phiếu trên mạng mà anh ta có được. Sau đó khi đỉnh điểm này đến gần, anh ta bắt đầu bán trước hạn một cách có lựa chọn (như sẽ giải thích dưới đây) một số cổ phiếu của các công ty trên mạng đã giúp anh ta giàu có trên đường tăng giá. Sau đó, trong số các công ty này, có ba công ty bị suy sụp nhanh chống đến mức phá sản. Như thế anh ta đã thu được nhiều lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng và còn thu được nhiều lợi nhuận hơn nữa khi giá cổ phiếu giảm. Vì sao vậy? Anh ta kiếm được nhiều tiền khi giá cổ phiếu giảm là do anh ta không hề dùng tiền của mình và không phải trả thuế cho số tiền kiếm được bằng cách bán trước hạn những cố phiếu của các công ty bị phá sản.
Khi tôi hỏi lý do tại sao, anh ta nói: “Tôi bán trước hạn các cổ phiếu khi giá cổ phiếu đạt mức cao nhất, nghĩa là tôi mượn nợ họ. Sau đó các công ty này suy sụp và phá sản. Tôi chưa trả thuế vì chưa kết thúc giao dịch, và như vậy tôi không phải đóng đồng thuế nào cả. Tôi chỉ bán đi các cổ phiếu không phải của mình hoặc các cổ phiếu đi mượn, giờ thì tôi đang chờ đến lúc có thể mua lại và trả cho người mà tôi đã mượn”. Ngày nay, anh ta kiếm được gần 875.000$ bằng cách bán trước hạn và thu lời miễn thuế, số lời từ số tiền có được bằng cách bán cổ phiếu không phải của mình. Anh ta nói: “Tôi đang chờ cơ hội mua lại những cổ phiếu này, nhưng đến lúc đó thì tôi đã có đủ số lời trên số vốn miễn thuế ấy rồi”.
Nếu bạn không hiểu rõ sự giao dịch này thì cũng đừng quá lo lắng. Hầu hết mọi người cũng không hiểu. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn, hãy liên hệ với một nhà môi giới hay kế toán viên của mình và nhờ họ giải thích rõ hơn.
Vấn đề ở đây là, nếu muốn lời to khi cổ phiếu tăng giá, bạn cần phải biết làm thế nào để lời to khi cổ phiếu giảm giá. Nếu không bạn sẽ bị lỗ nặng bởi những người thu được những món lời to này.
Còn rất nhiều điều phải học về những công cụ thương mại chuyên môn như vậy. Còn rất nhiều thứ để đầu tư với các công cụ này chứ không chỉ lệnh cho nhà môi giới mua hay bán chứng khoán. Các nhà đầu tư lão luyện cần có nhiều công cụ hơn các nhà đầu tư trung bình, nếu không thì họ cũng sẽ bị lỗ nặng trong khi những người khác được lời to.
Sự thuận lợi bất công này của các nhà đầu tư lão luyện là lý do vì sao khi có
người hỏi tôi rằng: “Anh có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư trung bình không?” Tôi trả lời: “Đừng trung bình”. Tôi nói như thế vì tương lai và sự an toàn tài chính của bạn là rất quan trọng, đừng đặt chúng ở mức trung bình.
Một lời khuyên cáo: Cuốn sách này không nói về thương mại kỹ thuật. Ví dụ trên về lệnh mua bán chứng khoán chỉ là một sự giải thích đơn giản. Một nhà đâu tư lão luyện biết làm thế nào và khi nào thì nên dùng phương pháp bán trước hạn vì phương pháp này có lúc đạt hiệu quả nhưng có lúc lại không. Hãy nghiên cứu, tìm hiểu, tham dự các lớp học và thu thập kinh nghiệm trước khi thử áp dụng bất cứ kỹ thuật nào được mô tả trong cuốn sách này vào cuộc sống.
Lý do trước nhất mà tôi liệt kê một số kỹ thuật ở đây là để những người cho rằng đầu tư là mạo hiểm có thể thấy được rằng việc đầu tư không có gì mạo hiểm cả. Mọi việc tùy thuộc vào từng cá nhân và kiến thức riêng của từng người nếu họ muốn sử dụng những kỹ thuật này.
QUYỀN CHỌN MUA CỔ PHIẾU
Đây là một từ ngữ nữa của vấn đề bảo hiểm. Nói một cách đơn giản, một quyền chọn mua cổ phiếu cho phép người chủ sở hữu được lựa chọn quyền mua các cổ phiếu chứng khoán với một cái giá nào đó trong một thời gian trước khi quyết định. Một quyền chọn mua cổ phiếu là một chính sách bảo hiểm, bảo vệ nhà đầu tư trước những sự tăng giá bất ngờ. Ví dụ như trong trường hợp xu hướng và các biểu đồ trung bình biến động cho thấy ngày càng có nhiều người mua trong thị trường, khi đó giá cổ phiếu tăng và nhà đầu tư muốn đảm bảo mình có thể mua cổ phiếu với một cái giá tốt hơn trong trường hợp giá trị cổ phiếu tăng nhanh. Ví dụ như giá hôm nay là 50$ một cổ phiếu. Nhà đầu tư gọi điện cho người môi giới và yêu cầu mua một quyền chọn mua cổ phiếu cho 100 cổ phiếu chứng khoán với giá 50$. Có thể anh ta sẽ phải trả thêm mỗi cổ phiếu 1$ để có được quyền chọn này, nghĩa là anh ta sẽ mất 100$ để có quyền chọn mua cho 100 cổ phiếu. Làm như thế, anh ta có thể bảo vệ mình khỏi những biến động tăng giá đột ngột.
Ba tuần sau, nhà đầu tư trở về sau chuyến du ngoạn và thấy giá cổ phiếu tăng lên 60$. Về mặt kỹ thuật, quyền chọn mua cho phép nhà đầu tư mua 100 cổ phiếu với giá 50$. Khi đó nếu muốn, anh ta có thể bán đi 100 cổ phiếu này với giá 60$.
Mặt khác, nếu trên thị trường giá cổ phiếu giữ nguyên 50$ hoặc giảm thấp, quyền chọn mua sẽ hết hiệu lực.
Trong ví dụ giá cổ phiếu tăng 60$, một nhà đầu tư trung bình sử dụng quyền chọn mua sẽ dùng 5.000$ mua 100 cổ phiếu với giá mỗi cổ phiếu 50$ và bán chúng đi
được 6.000$, được lời 900$ (6.000$ trừ 5.000$ và phí mua quyền chọn 100$). Trái lại, một nhà đầu tư lão luyện sẽ bán quyền chọn mua của mình với giá 10$ một cổ phiếu, và được 1.000$ cho 100 cổ phiếu, và được lời 900$ (1.000$ trừ phí mua quyền chọn 100$).
Khi xem xét giao dịch này, bạn sẽ thấy là một nhà đầu tư trung bình bỏ ra 5.000$ để kiếm được 900$. Nhưng một nhà đầu tư lão luyện chỉ cần bỏ ra 100$ và cũng kiếm được 900$. Trong ví dụ đã được đơn giản hóa rất nhiều này, theo bạn thì nhà đầu tư nào sẽ kiếm được nhiều tiền hơn?
Câu trả lời tôi muốn đưa ra ở đây chính là nhà đầu tư đã mua bán quyền chọn. Một nhà đầu tư trung bình bỏ ra 5.000$ để có được 900$, hay anh ta có được 18% tiền lời trong một tháng. Một nhà đầu tư lão luyện bỏ ra 100$ và kiếm được 900$ trong vòng chưa đến một tháng, nghĩa là được 900% tiền lời.
Một lần nữa, đây là một ví dụ đã được đơn giản hóa và tôi thật lòng khuyên bạn hãy nghiên cứu thêm, thu thập kinh nghiệm và tìm một nhà môi giới chứng khoán giỏi để giúp bạn tìm hiểu quá trình này.
Ví dụ này đã làm rõ lý do tại sao người bố giàu không muốn sở hữu quá nhiều mà chỉ muốn có được khả năng kiểm soát. Các quyền chọn cho phép bạn có được khả năng kiểm soát quá trình mua bán. Nó cũng làm rõ một điển hình về việc có thể tạo ra sức bật bằng tài sản trên giấy ra sao và có thể sử dụng dạng sức bật này như thế nào với ít rủi ro hơn và nhiều lợi nhuận hơn nếu bạn biết mình đang làm gì. Trong ví dụ này, một nhà đầu tư lão luyện chỉ bỏ ra 1$ cho mỗi quyền chọn và một nhà đầu tư trung bình bỏ ra 50$. Quay lại với cuộc thảo luận về vận tốc tiền bạc, theo bạn thì tiền bạc của nhà đầu tư nào chuyển động nhanh hơn? Nhà đầu tư nào có thể làm giàu nhanh hơn?
NGƯỜI GIÀU KHÔNG THÍCH SỞ HỮU
Bạn có thể thấy một điều gì đó trong ví dụ cuối cùng này. Bạn có thể thấy là không cần phải sở hữu chứng khoán thì mới được sở hữu quyền chọn. Những chi tiết thường bị bỏ qua này có thể đem đến những kết quả tài chính tuyệt vời nếu bạn hiểu được nó.
Điểm chính ở đây là người bố giàu không bao giờ muốn sở hữu một thứ gì còn người bố nghèo lại muốn sở hữu mọi thứ. Người bố nghèo thường nói: “Ngôi nhà này do tôi đứng tên”, hay “Chiếc xe do tôi đứng tên”. Người bố giàu thì nói: “Đừng cố gắng sở hữu bất cứ thứ gì. Hãy cố gắng kiểm soát chúng”. Quyền chọn là một ví dụ nữa của cách suy nghĩ. Người bố nghèo muốn sở hữu chứng khoán còn người bố giàu
thì chỉ muốn sở hữu quyền mua bán chúng mà thôi. Ngày nay, tôi thấy nhiều người rất tự hào khi sở hữu được các chứng khoán mà việc sở hữu quyền mua bán chúng sẽ đem đến nhiều sức bật hơn nhiều. Nói cách khác, mua bán quyền chọn cần ít tiền vốn hơn nhiều nhưng lại thu được lợi nhuận rất nhiều.
QUYỀN CHỌN BÁN CỔ PHIẾU
Trong ví dụ trước, bạn đã thấy quyền chọn mua được sử dụng để kiếm tiền như thế nào trong một thị trường tăng giá. Khi thị trường có xu hướng giảm, các nhà đầu tư lão luyện sẽ dùng quyền chọn bán không chỉ để kiếm ra tiền mà còn để bảo vệ giá trị cổ phiếu của mình trong trường hợp giá cả bắt đầu sụt xuống.
Ví dụ, giá cổ phiếu là 50$. Thị trường sụt xuống và giá cổ phiếu còn 40$. Một nhà đầu tư trung bình sẽ mất 10$ một cổ phiếu. Nếu arth ta có 100 cổ phiếu, anh ta sẽ mất 1.000$, trên giấy tờ. Vấn đề ở đây là nhà đầu tư này chỉ mất tiền trên giấy tờ chứ không phải thực tế. Nếu anh ta bán các cổ phiếu này với giá 40$ thì anh ta sẽ thực sự bị lỗ. Chính ý tưởng thua lỗ trên giấy tờ này là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư thất bại nói: “Tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài”. Nói như vậy nghĩa là nhà đầu tư này đang chờ cho đến khi cổ phiếu tăng giá lên lại đến 50$, chờ một tháng sau, một năm sau, hoặc sẽ chờ mãi mãi. Đó chính là chiến lược mua, giữ và cầu nguyện của một người luôn luôn lạc quan hoặc một người không muốn thừa nhận thất bại.
Một nhà đầu tư lão luyện thì sẽ đầu tư theo kiểu khác. Thay vì ngồi lo lắng vì giá thị trường sụt giảm, nhà đầu tư này sẽ bảo người môi giới ra một lệnh bán cổ phiếu hoặc mua quyền chọn bán cổ phiếu. Một lần nữa, có những lý do khác biệt giữa việc sử dụng lệnh bán cổ phiếu hoặc quyền chọn bán cổ phiếu, và những lý do ấy vượt quá phạm vi của cuốn sách này. Ở đây tôi chỉ muốn nói là các nhà đầu tư lão luyện sẽ làm một điều gì đó trong trường hợp thị trường đổi hướng và bắt đầu hạ giá.
Thay vì ngồi cầu trời cho thị trường đừng hạ giá nữa, giả sử như nhà đầu tư lão luyện này mua một quyền chọn bán với giá 1$ một cổ phiếu để có quyền bán 100 cổ phiếu với giá 50$, và như thế anh ta phải bỏ ra 100$. Khi giá cổ phiếu hạ xuống còn 40$, sẽ có nhiều người mua hơn. Nhà đầu tư sành sỏi này sẽ rất vui vẻ vì đã bảo vệ giá trị cổ phiếu của mình ở mức 50$. Giá trị giảm dưới 50$ của các cổ phiếu sẽ được bù lại bằng giá trị tăng của quyền chọn bán. Nhà đầu tư không có quyền chọn bán sẽ thua lỗ khi giá cổ phiếu giảm xuống. Nhưng giá cổ phiếu của một nhà đầu tư lão luyện vẫn không đổi. Những thua lỗ cổ phiếu đã được bù lại bằng quyền chọn bán.
Làm thế nào một nhà đầu tư lão luyện có thể kiếm tiền bằng quyền chọn bán khi một nhà đầu tư trung bình thua lỗ? Một nhà đầu tư lão luyện có thể dùng quyền
chọn bán để bán 100 cổ phiếu với giá mỗi cổ phiếu 50$ và nhận được 5.000$. Nếu ra thị trường thì anh ta có thể dùng 4.000$ mua 100 cổ phiếu với giá 40$. Kết quả thực là anh ta vẫn còn giữ được 100 cổ phiếu và có thêm 900$ (trừ 100$ chi phí). (Còn nhiều quy tắc và điều lệ an toàn nữa cần phải xem xét và tuân theo).
Một nhà đầu tư trung bình không sử dụng quyền chọn bán chỉ có các cổ phiếu anh ta đang sở hữu mà thôi, các cổ phiếu này đang bị giảm giá trị và vẫn chưa đem được tiền vốn về cho anh ta.
Nếu bạn cảm thấy những chuyện này quá lộn xộn thì cũng đừng lo lắng. Chúng lộn xộn với hầu hết mọi người lần đầu tiên nghe nói đến chúng. Nhưng hãy nhớ kỹ những gì được viết ở đầu cuốn sách này về nhu cầu suy nghĩ đối lập. Với nhiều người, việc học cách sử dụng quyền chọn cũng giống như học cách ăn bằng tay trái. Việc đó có thể thực hiện được, chỉ cần chịu khó luyện tập một chút. Điểm cốt yếu cần ghi nhớ là quá trình sử dụng quyền chọn để bảo vệ tài sản của mình cũng như kiếm tiền trong một thị trường tăng giảm không phải là một quá trình phức tạp. Hầu hết mọi người đều có thể học được nếu họ chịu dành chút thời gian tìm hiểu. Tôi muốn nhắc lại vì điều này rất quan trọng, đầu tư không có gì là mạo hiểm cả, nếu bạn có được những lời khuyên đúng đắn và những nhà tư vấn giỏi. Bạn sẽ không phải lo lắng suốt đời về danh mục đầu tư trên giấy của mình khi thị trường sụp đổ. Thay vì thế, bạn có thể chuẩn bị để trở nên ngày càng giàu hơn bất kể thị trường tăng giảm thế nào.
Một điều quan trọng cần lưu ý là một nhà đầu tư trung bình bị thua lỗ thường ngồi chờ và nghe theo lời khuyên của các nhà tư vấn tài chính như “Hãy kiên nhẫn đầu tư dài hạn”. Họ làm thế vì họ chỉ có một chiến lược cho một xu hướng thị trường, mà như bạn đã biết, thị trường có đến ba xu hướng.
MỘT NHÀ ĐẦU TƯ LÃO LUYỆN CÓ THỂ KHÔNG CẦN MUA CHỨNG KHOÁN
Có những nhà đầu tư lão luyện không bao giờ thèm mua bán cổ phiếu. Họ chỉ mua bán quyền chọn. Khi tôi hỏi những người bạn chuyên mua bán quyền chọn rằng tại sao anh ta lại đầu tư vào quyền chọn chứ không phải cổ phiếu, anh ta đáp: “Đầu tư cho các cổ phiếu quá chậm chạp. Tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn với ít vốn hơn khi đầu tư vào quyền chọn. Tôi cũng có thể kiếm nhiều tiền hơn với thời gian ngắn hơn. Đầu tư vào cổ phiếu và hy vọng nhờ đó mà kiếm tiền được thì cũng giống như ngồi chờ sơn khô rồi mới được sử dụng vậy”.
HỢP ĐỒNG CHỨNG KHOÁN HAI CHIỀU
Hợp đồng chứng khoán hai chiều là một biện pháp bảo hiểm cơ bản. Nói một cách đơn giản, hợp đồng chứng khoán hai chiều cho phép mua và bán với giá quy định. Ví dụ, nếu giá một cổ phiếu là 50$, một nhà đầu tư lão luyện có thể mua quyền chọn mua với giá 52$ và quyền chọn bán với giá 48$. Nếu thị trường đột ngột tăng giá lên 62$ thì nhà đầu tư vẫn có quyền mua với giá 52$. Nhưng nếu thị trường giảm giá xuống còn 42$ thì nhà đầu tư vẫn có quyền bán với giá 48$ và tối thiểu hóa thua lỗ. Nếu giá thị trường 42$ và nhà đầu tư có quyền chọn bán cổ phiếu với giá 48$, quyền chọn này sẽ trở nên rất có giá trị và trong một số trường hợp, nó còn có giá hơn cả chính bản thân cổ phiếu nữa. Vấn đề ở đây là hợp đồng chứng khoán hai chiều được dùng để bảo vệ trước những rủi ro cả khi thị trường tăng giá lẫn giảm giá. Nó có thể là một chiến lược cực kỳ thủ cựu nếu bạn biết mình đang làm gì.
Tôi muốn nhắc lại rằng đây không phải là một cuốn sách về thương mại quyền chọn. Dĩ nhiên là tôi đã đơn giản hóa các quá trình trên rất nhiều chỉ để giới thiệu với bạn những hiểu biết cơ bản về các quyền chọn. Cũng còn rất nhiều chiến lược đầu tư phức tạp khác mà bạn có thể dùng để bảo vệ tài sản của mình và gia tăng lợi nhuận.
BÁN TRƯỚC HẠN
Khi còn là một đứa trẻ, tôi không hề dám đụng đến những gì không thuộc về mình. Nhưng trong thị trường chứng khoán thì không phải như vậy. Khi một người bán trước hạn một chứng khoán nghĩa là họ bán một thứ gì đó mà họ không sở hữu. Nếu mẹ tôi biết tôi đang làm những việc này, ắt hẳn bà sẽ “lên lớp” tôi một trận. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng mẹ tôi không phải một nhà đầu tư.
Trước tiên, việc bán trước hạn không phải là một quyền chọn. Khi một người
nói: “Tôi bán cổ phiếu này trước hạn”, nghĩa là họ đang mua bán cổ phiếu chứ không
phải mua bán quyền chọn. Một nhà đầu tư lão luyện hiểu rõ sự khác biệt giữa việc bán
trước hạn và bán quyền chọn. Anh ta cũng biết khi nào nên và khi nào không nên
dùng đến chúng. Và việc đó nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này.
Tại sao phải bán trước hạn một cổ phiếu? Nói chung, nếu một nhà đầu tư lão luyện cảm thấy giá cổ phiếu quá cao và thị trường đang có xu hướng giảm, anh ta sẽ thấy việc bán trước hạn đem lại nhiều lợi nhuận. Bán trước hạn một cổ phiếu chỉ đơn giản là mượn cổ phiếu của một ai đó, bán ra thị trường và bỏ tiền vào túi mình. Khi nào giá thị trường giảm thì mua lại cổ phiếu trả người cho mượn.
Ví dụ, giả sử giá cổ phiếu của công ty XYZ là 50$ và thị trường đang có xu hướng giảm. Một nhà đầu tư muốn bán trước hạn sẽ làm như sau:
1. Nhà đầu tư gọi điện cho người môi giới và yêu cầu bán trước hạn 100 cổ phiếu của công ty XYZ.
2. Khi đó người môi giới sẽ mượn 100 cổ phiếu trong tài khoản của một khách hàng khác và bán chúng đi được 5.000$.
3. Người môi giới bỏ 5.000$ này vào tài khoản của nhà đầu tư, người không phải sở hữu chủ của các cổ phiếu.
4. Trong tài khoản của người khách hàng cho mượn, có một giấy ghi nợ 100 cổ phiếu chứ không phải nợ 5.000$.
5. Một thời gian sau, giá cổ phiếu công ty XYZ giảm còn 40$.
6. Nhà đầu tư gọi điện cho người môi giới và yêu cầu mua 100 cổ phiếu của công ty XYZ.
7. Người môi giới mua 100 cổ phiếu với giá 40$ và trả lại 100 cổ phiếu này vào tài khoản của vị khách hàng cho mượn.
8. Người môi giới trả tiền mua 100 cổ phiếu này bằng 5.000$ có được nhờ bán cổ phiếu với giá bán ban đầu trong tài khoản của nhà đầu tư.
9. Nhà đầu tư lời được 1.000$ với ít phí tổn, hoa hồng và thuế hơn khi bán những cổ phiếu mà mình không sở hữu. Anh ta kiếm tiền mà không phải mất đồng vốn nào. Và đó là quy trình được đơn giản hóa của việc bán trước hạn.
Một số điểm cần lưu ý:
Điểm thứ 1: Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá 40$ và trả 100 cổ phiếu này cho người khách hàng đã cho mượn, anh ta đã “chi trả thuế trước hạn” của mình. Đây là những từ ngữ rất quan trọng cần ghi nhớ.
Điểm thứ 2: Như bạn thấy, có một sự rủi ro rất lớn khi chơi trò bán trước hạn. Một nhà đầu tư có thể mất rất nhiều tiền trong việc bán trước hạn nếu xu hướng thị trường tăng và giá cổ phiếu tăng. Trong ví dụ trên, nhà đầu tư có thể mất đến 1.000$ nếu giá cổ phiếu tăng lên 60$. Nhưng như người bố giàu đã nói: “Nếu có rủi ro cũng không có nghĩa là phải mạo hiểm”. Có nhiều nhà đầu tư lão luyện sử dụng hợp đồng chứng khoán hai chiều khi bán trước hạn bằng cách mua quyền chọn mua với giá 51$. Nếu xu hướng thị trường tăng và giá cổ phiếu lên đến 60$ thì nhà đầu tư sẽ chỉ trả 51$ một cổ phiếu thay vì 60$ một cổ phiếu và nhờ đó mà giảm thiểu thua lỗ.
Điểm thứ 3: Hẳn bạn để ý là tôi nhắc rất nhiều đến xu hướng thị trường. Hãy nhớ rằng “Xu hướng là bạn đồng hành của anh”. Đừng làm như người bạn của tôi, cố
gắng bơi ngược dòng nước xiết. Ngoài ra, không chỉ hiểu được định nghĩa của những từ như bán trước hạn, hợp đồng chứng khoán hai chiều, quyền chọn, v.v… , bạn còn cần phải hiểu sự liên hệ giữa chúng. Nói cách khác, việc bán trước hạn khá an toàn trong một thị trường xu hướng giảm, và khá mạo hiểm trong một thị trường xu hướng tăng hay xu hướng ngang.
Điểm thứ 4: Nếu bạn chưa hiểu rõ những gì tôi vừa nói thì cũng đừng lo lắng. Bạn sẽ phải mất một ít thời gian và phải luyện tập một chút thì mới có thể hiểu rõ và sử dụng được những từ ngữ này. Vấn đề chính ở đây là đầu tư không có gì mạo hiểm cả, nếu bạn sẵn sàng đầu tư thời gian để mở rộng vốn hiểu biết, như bạn đang làm lúc này. Một khi đã học được cách tối thiểu hóa rủi ro, bạn có thể gia tăng số lợi nhuận thu được của mình gấp nhiều lần vì bạn không còn hành động như những nhà đầu tư trung bình nữa.
VÌ SAO KHÔNG CẦN CÓ TIỀN CŨNG TẠO RA TIỀN?
Người ta thường hỏi tôi: “Chẳng lẽ không cần tiền cũng tạo ra tiền được sao?” Nếu hiểu rõ quá trình bán trước hạn một cổ phiếu, bạn sẽ có câu trả lời cho câu này. Khi một người bán trước hạn một cổ phiếu, họ thu được tiền bằng cách bán một thứ không phải của mình. Như thế thực sự là không cần phải có tiền cũng kiếm được tiền. Tuy nhiên, câu trả lời thực sự cho câu hỏi nêu trên lại là: “Còn tùy vào người đầu tư”.
Người bố giàu bảo tôi: “Càng kém thông minh về tài chính, con sẽ càng tốn nhiều công sức và tiền bạc hơn và kiếm được càng ít tiền hơn. Nếu thông minh trong lĩnh vực tài chính, con sẽ kiếm được rất nhiều tiền mà không cần chút vốn nào cả”. Ví dụ sau đây sẽ minh họa cho điểm này và cũng minh họa cho những giá trị của một vốn từ tài chính phong phú và sinh động.
Vài tháng trước, tôi gọi điện cho người môi giới chứng khoán và nói: “Hãy viết cho tôi 10 hợp đồng quyền chọn bán trần công ty XYZ”.
Người môi giới của tôi, Tom, hỏi thêm vài câu nữa rồi bảo: “Xong rồi”. Những gì anh ta hỏi tôi là về tầm thời gian quyền chọn và một số câu khác nằm ngoài phạm vi cuốn sách này.
Tôi vừa bán đi các quyền chọn bán chứ không phải là mua chúng. Đây là một điểm rất quan trọng vì cho đến nay, các quyền chọn được dùng như những chính sách bảo hiểm, đó là lý do vì sao hầu hết mọi người bỏ tiền mua các quyền chọn. Khi bạn dùng từ “viết một quyền chọn”, có nghĩa là bạn đang bán nó đi chứ không phải mua nó. Những người rất giàu bán các quyền chọn cũng như bán đi các cổ phiếu chứ không phải mua chúng. Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới bằng cách bán cổ
phiếu của Microsoft chứ không phải mua cổ phiếu của Microsoft. Mọi thứ cũng tương tự trong thế giới của các quyền chọn, chúng chỉ nhanh hơn, dễ hơn và lợi nhuận nhiều hơn, nếu bạn biết mình đang làm gì.
Khi tôi bảo người môi giới của mình: “Hãy viết cho tôi một quyền chọn bán trần”, tôi muốn nói rằng: “Tôi muốn bán các quyền chọn của những cổ phiếu không phải của tôi”. Trong trường hợp này, chúng là những quyền chọn bán, và tôi muốn có 10 hợp đồng, nghĩa là 1.000 cổ phiếu, vì một hợp đồng là 100 quyền chọn.
Cuối ngày hôm đó, Tom gọi lại báo với tôi: “Anh được 5$”.
Tôi nói: “Cảm ơn”, và vụ giao dịch kết thúc trong thời gian đó. Tôi không cần xem xét các cổ phiếu thị trường và có dư thời gian rảnh để làm những gì mình muốn. Khi Tom nói “Anh được 5$” nghĩa là anh ta đã chuyển 5.000$ vào tài khoản của tôi trong ngày hôm đó. Nói cách khác, tôi không cần đến 5 phút để kiếm được 5.000$. Trên hết, tôi không mất đồng vốn nào và cũng không bán đi thứ vật chất hữu hình nào. Tôi không bán gì cả và kiếm được 5.000$ trong vòng chưa đến 5 phút. (Cũng cần nói rõ rằng dù không bỏ vốn ra và không bán thứ vật chất hữu hình nào nhưng tôi có những tài sản khác trong tài khoản môi giới, được xem như đồ ký quỹ trong vụ giao dịch, cho phép tôi làm việc với nhà môi giới theo phương pháp này).
LỜI GIẢI THÍCH
Trước tiên, không phải tôi đưa ví dụ này ra là để khoác lác. Tôi viết về vụ giao dịch thực sự này chỉ để minh họa cho sức mạnh của ngôn từ. Đối với tôi, chúng không chỉ là những từ ngữ bình thường mà chúng thực sự rất sống động trong suy nghĩ của tôi. Chúng là những công cụ, những công cụ giúp tôi giàu có, những công cụ cho phép tôi kiếm ra tiền mà không cần bỏ vốn. Như người bố giàu đã nói: “Có những từ ngữ giúp con giàu lên và có những từ ngữ sẽ khiến con nghèo đi”.
Khi tôi bảo Tom: “Hãy viết cho tôi một quyền chọn bán trần”, nghĩa là tôi muốn nói: “Hãy bán cho người khác quyền được bán cho tôi những chứng khoán họ sở hữu với một cái giá nhất định”. Ngày hôm đó, giá cổ phiếu công ty XYZ vào khoảng 45$. Quyền chọn bán của tôi bảo hiểm cho người mua quyền chọn bán là tôi sẽ mua cổ phiếu của anh ta với giá 40$. Nói cách khác, tôi bán bảo hiểm cho người sở hữu các cổ phiếu của công ty XYZ. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống dưới 40$, tôi vẫn sẽ mua nó với giá 40$, nhằm bảo đảm cho anh ta không bị thua lỗ nữa.
Khi Tom gọi lại cho tôi và nói: “Anh được 5$”, anh ta muốn nói là với mỗi cổ phiếu, tôi thu được 5$ do các quyền chọn đem lại. Theo ngôn ngữ của các nhà mua bán quyền chọn, “viết” có nghĩa là “bán”. Từ này cũng được dùng trong công nghiệp
bảo hiểm. Nhiều người trong chúng ta đã nghe những người bán bảo hiểm nói: “Tôi viết cho anh một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trợ cấp ma chay 100.000$”. Một từ nữa thường dùng trong công nghiệp bảo hiểm là “bao mua”, nghĩa là họ bảo đảm cho bạn mua một món hàng gì đó với một cái giá nhất dịnh. Trong trường hợp này, tôi đang bao mua sự rủi ro các cổ phiếu 45$ của nhà đầu tư với 5$ một cổ phiếu. Nghĩa là tôi bảo đảm với anh ta rằng tôi sẽ mua cổ phiếu của anh ta với giá 40$ ngay cả khi giá hạ thấp hơn. Và như thế, tôi trở thành một công ty bảo hiểm, đó là lý do vì sao tôi phải “viết một quyền chọn bán trần”. Tôi đang bảo hiểm cho một thứ không thuộc về minh, đó là việc mà các công ty bảo hiểm thường làm.
BỐI CẢNH CỦA MỘT NGƯỜI THẤT BẠI
Có thể bạn đang bảo rằng: “Nhưng như thế quá mạo hiểm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thị trường chứng khoán sụp đổ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh thực sự phải mua các cổ phiếu với giá 40$?” Như tôi đã nhắc đi nhắc lại suốt cuốn sách này, một người cần phải biết mở rộng tầm nhìn nếu muốn học hỏi một điều gì đó. Hay như người bố giàu đã nói: “Nếu có rủi ro cũng không có nghĩa là phải mạo hiểm”.
Tôi để phần này ở cuối cuốn sách vì tôi muốn chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận các thông tin này. Trước đây tôi chưa bao giờ viết về những điều này vì tôi chưa bao giờ biết về tầm quan trọng của bối cảnh. Với hầu hết mọi người, phạm vi bối cảnh của họ không thể bao trùm được hết những điều tôi đang cố giải thích. Nếu bạn đã kiên trì đọc cuốn sách này đến tận đây, tôi xin gởi đến bạn lời chúc mừng chân thành. Khi tôi nói chuyện với bạn bè hoặc những người khác về bối cảnh của một người thất bại, nói đúng hơn là bối cảnh đã đưa người ta đến nỗi sợ bị thất bại, họ không thể nghe những gì tôi đang nói và định nói vì nỗi sợ thất bại của họ đã lấn át hết cả. Nỗi sợ rủi ro và thua lỗ đã khiến suy nghĩ của họ bắt đầu chuyển sang những đề tài khác: “Như thế mạo hiểm lắm. Anh đừng nói nữa. Tôi không làm được đâu”. Và như thế, tôi muốn cảm ơn bạn vì đã kiên nhẫn đọc cho đến lúc này.
Với cuộc giao dịch trong vòng 5 phút, về cơ bản tôi đã đồng ý mua 1.000 cổ phiếu của công ty XYZ với giá 40$ nếu nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu chịu trả trước cho tôi 5$. Số tiền này, 5.000$, sẽ được chuyển vào tài khoản của tôi. Vài tuần sau đó, giá cổ phiếu sụt xuống còn khoảng 43$ và thế là quyền chọn hay hợp đồng bảo hiểm của tôi hết hạn. Số tiền 5.000$ này vẫn là của tôi và phải chi rất ít chi phí, hoa hồng hoặc thuế má. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc đó mất chưa đến 5 phút, tôi không bán gì cả, không phải làm gì cả, nghĩa là tôi không phải ngồi trước màn hình máy tính theo dõi sự lên xuống của thị trường nhưng vẫn kiếm được 5.000$. Có nhiều người không thể kiếm được 5.000$ một tháng và nếu có, họ cũng phải trả thuế nhiều hơn rất
nhiều. Một người lao động kiếm được 5.000$ từ thu nhập tiền lương còn tôi kiếm được 5.000$ từ thu nhập đầu tư.
TIỀN TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG
Trước khi tiếp tục, tôi cho rằng, bạn cần suy nghĩ lại xem làm thế nào tôi có thể kiếm được 5.000$ từ trên trời rơi xuống này. Khi kiểm tra lại vụ giao dịch, bạn sẽ bắt đầu nhận ra là tôi đã bán đi một thứ không phải của mình. Và tôi cũng có thể kiếm tiền bằng cách bán đi những thứ không tồn tại, cho đến khi tôi quyết định là nó tồn tại. Vụ giao dịch này cũng giống như kiếm được một món tiền trên trời rơi xuống. Nếu thực sự hiểu rõ những gì xảy ra trong vụ giao dịch, cả về vật chất lẫn tinh thần, bạn sẽ bắt đầu hiểu được sức mạnh trí não có thể làm ra tiền từ con số không như thế nào. Khả năng này cũng có thể gọi là một kiểu giả kim. Bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn vì sao người bố giàu bắt tôi làm việc không công khi tôi còn là một đứa trẻ. Ông muốn huấn luyện cho tôi cách suy nghĩ về việc làm ra tiền chứ không phải làm việc vì tiền. Ông muốn tôi phát triển được một bối cảnh khác, một bối cảnh không bị phụ thuộc vào công việc vất vả để có thể làm giàu.
GIÚP NHỮNG NGƯỜI THẤT BẠI ĐƯỢC VUI VẺ
Hiếm khi tôi nói với người khác về quá trình này. Tôi mệt mỏi vì phải tranh luận và cố gắng giải thích những điều này cho một người thất bại. Mỗi lần nói về chúng, tôi thường nghe những câu như:
1. Việc đó mất nhiều thời gian quá. Tôi không muốn mất cả ngày để xem xét thị trường.
2. Việc đó quá mạo hiểm và tôi không muốn thất bại.
3. Tôi chẳng hiểu anh đang nói gì cả.
4. Anh không làm thế được. Như thế là bất hợp pháp.
5. Người môi giới của tôi bảo rằng việc đó không đơn giản đâu.
6. Thế nếu anh sai lầm thì sao?
7. Anh nói dối. Anh không thể làm thế được.
Nói cách khác, những người thất bại bị thất bại vì họ không thể lắng nghe những điều không thuộc phạm vi bối cảnh của họ. Cuốn sách này nói về bối cảnh và thực tế của một con người. Tôi thường do dự khi trao cho họ phần nội dung bởi vì
phạm vi bối cảnh của hầu hết mọi người không thể xử lý được những nội dung mà tôi đưa ra. Đến lúc này đã gần hết cuốn sách, tôi muốn thảo luận với bạn nhiều hơn về những nội dung mà rất nhiều người mong muốn. Tôi tin rằng phạm vi bối cảnh của bạn sẽ cho phép bạn tiếp thu, sử dụng những nội dung này và biến chúng thành hành động.
Khi người ta hỏi tôi về những việc đã làm và tôi kể cho họ nghe, rất nhiều lần tôi nhận được câu trả lời từ phạm vi bối cảnh của họ. Những bối cảnh này phản đối, tranh luận hoặc tìm lý do vì sao những điều đó là bất khả. Đến lúc này, vì tôi đã giải thích rõ về phạm vi bối cảnh nên tôi sẽ cung cấp cho bạn phần nội dung cuối cùng về lý do tại sao việc viết quyền chọn bán trầnlà một món đầu tư ít rủi ro và lợi nhuận cao ngay cả khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn.
Giá hạ còn 35$
Đầu tiên, tôi không thực sự quan tâm đến chuyện đi kiếm 40.000$ để chi trả thế trước hạn của tôi. Sau đây là ba lý do vì sao tôi không quan tâm đến chuyện mình có sai lầm hay không:
1. Tôi có đủ tiền để chi trả thế trước hạn trong trường hợp bị buộc phải mua các cổ phiếu.
2. Lịch sử đã chứng minh rằng 85% tất cả các quyền chọn đều hết hạn mà không được thực thi. Và 85% cơ hội chiến thắng thì tốt hơn nhiều so với những con số lẻ của thị trường chứng khoán hay của các sòng bạc Las Vegas.
3. Dù sao thì tôi cũng muốn sở hữu các cổ phiếu này. Tôi chỉ muốn mua chúng với giá rẻ hơn mà thôi.
Và như vậy, vấn đề ở đây là có khi nào giá cổ phiếu giảm và tôi bị buộc phải mua chúng với giá 40$ một cổ phiếu hay không? Câu trả lời là có. Đó là một thỏa thuận mà tôi đã bán như một quyền chọn bán trần. Sự khác biệt là một người với phạm vi bối cảnh của một kẻ chiến thắng biết rằng mình có thể thắng dù đang bị thua. Đó là lý do vì sao họ không sợ thất bại. Một người thất bại thì chỉ nghĩ đến thất bại và đó là lý do vì sao họ ít khi chiến thắng.
Giả sử giá cổ phiếu hạ xuống còn 35$ một cổ phiếu. Một người với phạm vi bối cảnh của một kẻ thất bại sẽ chỉ thấy được những thua lỗ và không bao giờ chiến thắng. Hẳn anh ta sẽ nói: “Tôi vừa mất 40.000$ vì phải mua 1.000 cổ phiếu với giá 40$”. Anh ta sẽ thấy mình đã liều lĩnh quá sức và không bao giờ muốn lặp lại nữa. Anh ta không thể suy nghĩ sâu xa hơn vì những cảm xúc tiêu cực đã khiến anh ta không còn nhìn thấy gì cả. Anh ta sẽ thấy việc mất 40.000$ còn nghiêm trọng hơn cả
việc kiếm được 5.000$ trong 5 phút. Trên hết, nếu giá cổ phiếu hạ còn 35$, anh ta sẽ thấy là mình bị mất thêm 5.000$ chi phí cơ hội nữa. Bối cảnh của một người thất bại sẽ chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí con người này.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở đầu cuốn sách để nói về sức bật trí não chính vì những ví dụ giao dịch như thế này đây. Khi tôi kể cho một người nghe những việc mình đã làm, bất kể là về xây dựng doanh nghiệp, đầu tư bất động sản hay đầu tư chứng khoán, thông thường chính phạm vi bối cảnh của người đó sẽ quyết định những giá trị nội dung của tôi. Một người luôn luôn thất bại cho rằng những việc tôi đã làm là quá mạo hiểm, dù thực sự không phải vậy. Một người luôn luôn nghèo cho rằng mình không có đủ tiền để làm những việc mà tôi đã làm. Một người làm việc chăm chỉ thường sẽ nói: “Tôi không có thời gian như anh vì tôi bận làm việc”. Và một người không quan tâm đến những gì tôi nói thì sẽ bảo: “Chuyện đó có vẻ phức tạp quá. Tôi không hiểu gì cả. Vả lại tôi cũng không quan tâm đến tiền bạc”.
Hầu hết mọi người không bao giờ có thể về hưu sớm trong sự giàu có được vì phạm vi bối cảnh của họ không có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải dành rất nhiều thời gian ở đầu cuốn sách để nói về sức bật trí não và sức bật kế hoạch. Bối cảnh quan trọng hơn nhiều so với nội dung. Những gì tôi đã và đang làm để về hưu sớm trong sự giàu có rất đơn giản, miễn là bạn có được một bối cảnh đúng đắn. Những việc tôi làm không quá khó khăn mà cũng không hề phức tạp. Như tôi đã nói, tôi không cần đến 5 phút để kiếm được 5.000$. Với nhiều người, điều đó vượt quá phạm vi bối cảnh của họ, hay nằm ngoài tầm nhận thức của họ. Nhiều người sẵn sàng làm việc trong 30 ngày để kiếm 5.000$ vì phạm vi bối cảnh của họ cho phép họ nghĩ rằng 5.000$ trong 30 ngày là có thể được. Nhưng 5.000$ trong 5 phút đối với họ là điều không thể. Vì vậy nên ý tưởng này thường sẽ gặp phải câu trả lời: “Anh nói dối, như thế quá mạo hiểm, tôi không thể làm như vậy được”. Nói cách khác, bối cảnh của họ bác bỏ những khả năng có thể và chỉ bắt kịp những điều thích hợp với nó. Đó là lý do vì sao rất nhiều người thà làm việc vất vả suốt đời chứ không chịu mở rộng phạm vi bối cảnh của mình. Họ thà làm việc vì tiền chứ không chịu mở rộng bối cảnh tài chính của mình và tăng cường những nội dung tài chính trong suy nghĩ.
BỐI CẢNH CỦA MỘT NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Câu hỏi mà một người chiến thắng sẽ đặt ra là: “Làm thế nào để chiến thắng nếu phải thất bại?” “Điều gì sẽ xảy ra nếu giá cổ phiếu của XYZ hạ xuống dưới 40$? Khi đó thì làm thế nào tôi có thể chiến thắng?” Đó là bối cảnh của một người chiến thắng. Họ biết họ có thể chiến thắng ngay cả khi thất bại. Quan trọng nhất, họ luôn giữ một
đầu óc phóng khoáng rộng mở, dù những điều họ nghe được vượt quắ phạm vĩ bối cảnh của mình, hoặc khiến họ e ngại hay đó là những điều hoàn toàn mới mẻ đối với họ. Như người bố giàu vẫn nói: “Suy nghĩ của một người thất bại khép lại nhanh hơn suy nghĩ của một người chiến thắng”.
Ở đầu cuốn sách tôi đã viết về tầm quan trọng của một chiến lược kết thúc. Một người chiến thắng luôn tìm kiếm một chiến lược kết thúc thắng lợi ngay cả khi thất bại. Hãy lấy quyền chọn bán trần làm ví dụ. Trước khi đi đến vụ giao dịch này, tôi đã có sẵn một chiến lược kết thúc cho phép tôi chiến thắng, ngay cả khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng bối cảnh quan trọng hơn nội dung. Bất kể trong thị trường chứng khoán, bất động sản hay doanh nghiệp, chính một bối cảnh chiến thắng sẽ cho phép người ta chiến thắng. Một người thất bại chỉ thấy được những rủi ro nguy hiểm mà không bao giờ thấy được khả năng chiến thắng. Một người thất bại chỉ chấp nhận mạo hiểm nếu họ được bảo đảm rằng mọi việc sẽ diễn ra đúng ý mình muốn. Đó là lý do tại sao rất nhiều người muốn có được những số lợi nhuận bảo đảm. Họ thích sự bảo đảm hơn các khả năng. Một người chiến thắng sẽ tìm kiếm cơ hội và biết rằng họ sẽ chiến thắng ngay cả khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn. Đó không chỉ là một người lạc quan. Người bố giàu đã nói: “Nhiều người có những suy nghĩ tích cực nhưng lại ở trong bối cảnh của một người thất bại. Có được bối cảnh của một người chiến thắng nghĩa là biết được mình sẽ thắng, ngay cả khi đang thua”.
LÀM THỂ NÀO ĐỂ CHIẾN THẮNG KHI ĐANG THẤT BẠI
Khi gọi điện cho Tom, tôi đã biết một số điều sau trước khi đặt lệnh bán:
1. Thị trường đang có xu hướng giảm.
2. Giá cổ phiếu của XYZ gần đây đang hạ khoảng 20$, còn 45$. Nhà đầu tư nào đang giữ cổ phiếu hẳn là đang rất lo lắng.
3. Tôi biết XYZ là một công ty tốt, với một số lợi nhuận và cổ tức khá nhiều. Công ty này được quản lý tốt và có thể phát triển được cả trong những nền kinh tế thuận lợi lẫn bất lợi.
4. Đây là một công ty được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
5. Đây là một công ty mà tôi muốn sở hữu và giữ các cổ phiếu của nó nếu giá cả phải chăng.
6. Tôi có 100.000$ trong một tài khoản có thể sinh lời nếu phải mua cổ phiếu. Tất cả những việc Tom phải làm là chuyển tiền và anh ta có quyền làm điều đó.
Nếu giá cổ phiếu giảm còn 35$, tôi vẫn sẽ rất vui vẻ, ngay cả khi phải trả 40.000$ để thực hiện thỏa thuận quyền chọn bán này. Vì sao vậy? Một lần nữa, câu trả lời nằm ở chiến lược kết thúc của tôi.
Ví dụ như tôi phải mua 1.000 cổ phiếu này với giá 40.000$. Vậy giá chứng khoán thực sự mà tôi phải mua là bao nhiêu?
Câu trả lời là 35.000$, vì tôi đã nhận được 5.000$ từ các quyền chọn. Như vậy, dù giá thị trường giảm xuống thấp hơn giá quyền chọn bán của tôi là 40$, tôi vẫn chỉ phải trả 35$ một cổ phiếu mà thôi, dù sao thì đây cũng là một cái giá khá hời cho những cổ phiếu như vậy, và tôi được sở hữu chúng.
Bước kế tiếp sẽ là bán ngay mười quyền chọn mua đã chi trả (100 cổ phiếu cho mỗi quyền chọn mua) với giá 5$ một cổ phiếu cho 1.000 cổ phiếu mà tôi sở hữu. Lúc này chúng được gọi là “đã chi trả” vì tôi thực sự đã sở hữu những cổ phiếu mà tôi muốn bán quyền chọn. Trước kia tôi nói “quyền chọn bán trần” vì tôi chưa sở hữu chúng. Một lần nữa, hầu hết mọi người sẽ bảo rằng: “Bán đi một thứ không phải của mình là quá mạo hiểm”. Và điều đó thực sự mạo hiểm nếu bạn không có được một bối cảnh và nội dung đúng đắn.
Tại sao phải bán đi các quyền chọn mua đã chi trả? Câu trả lời nằm ở vận tốc tiền bạc, một thuật ngữ mà chúng ta đã thảo luận trước đây. Khi bán một quyền chọn mua đã chi trả, tôi đồng ý bán các cổ phiếu của mình với cái giá giả sử là 40$, trong trường hợp giá cả đột ngột tăng nhanh. Người nào sợ lỡ vận khi thị trường tăng giá sẽ trả tiền mua các quyền chọn này. Nếu giá cổ phiếu tăng, giả sử là 50$, tôi sẽ bị buộc phải bán 1.000 cổ phiếu này với 40.000$. Trong trường hợp đó, tôi sẽ lấy lại được toàn bộ số tiền cùng số lời thu được từ các quyền chọn. Như vậy tôi vẫn sẽ chiến thắng dù phải thất bại.
Nếu giá cổ phiếu không tăng, tôi vẫn có thể thu được một số tiền, ở đây là 5.000$, nhờ các quyền chọn mua. Một nhà đầu tư trung bình sẽ giữ nguyên thế thất bại của các cổ phiếu này và ngồi nghe nhà tư vấn tài chính của anh ta nói: “Hãy đầu tư dài hạn. Hãy kiên nhẫn. Trung bình thị trường đã tăng lên trong hơn 40 năm qua. Hãy kiên nhẫn chờ đợi”. Đó chính là biện pháp mua, giữ và cầu nguyện mà hầu hết các nhà đầu tư và các nhà tư vấn đầu tư làm theo.
Khi bán các quyền chọn mua đã chi trả, tôi có thể bỏ thêm 5.000$ nữa vào túi mình, nghĩa là giảm giá các cổ phiếu mình đã mua xuống còn 30$, điều đó sẽ khiến tôi rất vui vẻ vì dù sao thì tôi cũng muốn có được những cổ phiếu này. Nhờ các quyền chọn mua bán, thay vì phải trả 40.000$ cho các cổ phiếu, thực sự tôi chỉ phải trả 30.000$ mà thôi, dù rằng trong ví dụ này, giá thị trường phải là 35.000$.
HỌC ĂN BẰNG TAY TRÁI
Một lần nữa, nếu bạn không hoàn toàn hiểu rõ những điều này thì cũng đừng lo lắng. Về lý thuyết, chúng rất đơn giản và không có gì là khó hiểu nếu bạn bỏ ra chút thời gian để nghiên cứu về chủ đề này. Cũng tương tự như tập ăn bằng tay trái sau khi đã quen ăn bằng tay phải, mọi chuyện rất đơn giản một khi bạn đã hiểu được cách làm. Nhưng chính việc học cách suy nghĩ và hành động theo một chiều hướng khác mới là khó khăn.
MỌI NGƯỜl ĐỀU CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC
Với tôi, việc mua quyền chọn để bảo vệ tài sản của mình là rất có ý nghĩa và việc bán quyền chọn để có tiền là một niềm vui. Tôi không hề lo lắng chuyện tiền bạc đơn giản vì tôi biết mình có thể đi ra thị trường và kiếm được trong một phút số tiền nhiều hơn hầu hết mọi người kiếm được hàng tháng trời, và vẫn phải trả thuế ít hơn.
Có phải ai cũng có thể làm được những điều mà tôi đã làm không? Chắc chắn là như vậy, nhưng chỉ khi họ sẵn sàng đầu tư một ít thời gian để mở rộng và gia tăng phạm vi bối cảnh tài chính của mình mà thôi.
Như vậy những việc mà mọi người đều có thể làm được là gì? Tôi đề nghị một số việc như sau:
1. Hãy mượn thư viện một cuốn sách về thương mại quyền chọn. Đầu tiên hãy nghiên cứu về định nghĩa các từ ngữ và đọc kỹ để có thể hiểu sâu hơn.
2. Hãy mua một cuốn sách về vấn đề này ở một hiệu sách gần nhà hay đặt mua qua mạng. Tôi khuyên bạn nên xem qua cuốn sách trước khi mua vì có thể bạn sẽ muốn bắt đầu với một cuốn sách đơn giản trước.
3. Hãy tham dự một hội nghị chuyên đề thương mại quyền chọn. Có rất nhiều hội nghị mà bạn có thể tham dự.
4. Hãy tìm một nhà môi giới chứng khoán có thể hướng dẫn bạn xuyên suốt quá trình này.
5. Hãy chơi trò chơi Cashflow 101 ít nhất là 12 lần để có thể có được một bộ óc đầu tư cơ bản. Sau khi đã nắm vững trò chơi này, bạn có thể chuyển sang trò chơi Cashflow 202, trò chơi dạy cho người ta cách sử dụng quyền chọn mua, quyền chọn bán, bán trước hạn và hợp đồng chứng khoán hai chiều. Quan trọng nhất, Cashflow 202 dạy bạn cách suy nghĩ đa chiều tùy theo xu hướng thị trường. Hầu hết
các nhà đầu tư thất bại là do họ được huấn luyện ở nhà, ở trường và tại nơi làm việc chỉ để suy nghĩ theo một hướng. Một nhà đầu tư lão luyện cần phải nghĩ cách làm thế nào để kiếm tiền trong một thị trường xu hướng tăng, một thị trường xu hướng giảm lẫn một thị trường xu hướng ngang. Cashflow 202 dạy bạn cách suy nghĩ theo hướng này, vừa chơi vừa học với tiền bạc trong trò chơi chứ không phải tiền thật.
ĐẦU TƯ CÓ MẠO HIỂM KHÔNG?
Như vậy, đầu tư có mạo hiểm không? Câu trả lời của tôi là hoàn toàn không. Theo ý tôi, chính sự không hiểu biết mới là mạo hiểm. Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, việc cơ bản trước nhất là phải học cách bảo hiểm tài sản của mình chống lại những mất mát rủi ro. Chính những nhà đầu tư trung bình không chịu nghiên cứu mà luôn miệng nói đầu tư là mạo hiểm mới là những người dễ gặp rủi ro nhất. Như tôi đã nói: “Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có quá nhiều người đánh liều tương lai và sự an toàn tài chính của mình cho một thị trường lên xuống bất thường như thế. Điều đó là mạo hiểm chỉ vì những nhà đầu tư này biết rằng nó mạo hiểm nhưng lại không làm gì để tự bảo vệ mình cả. Như người bố giàu đã nói: “Bản thân sự đầu tư không có gì là mạo hiểm. Nhưng không hiểu biết gì về tài chính và chỉ biết nghe lời các nhà tư vấn cũng không hiểu biết gì về tài chính là rất mạo hiểm. Điều đó không chỉ là mạo hiểm mà còn phải trả một cái giá rất đắt, không chỉ mất tiền bạc mà còn mất cả thời gian nữa. Hàng triệu người suốt đời bám vào những công việc ổn định mà không tìm kiếm sự tự do tài chính vì họ không hiểu biết về tài chính. Cũng vì lý do này mà rất nhiều người sống bám vào số lương tháng ít ỏi chứ không chịu tìm kiếm sự dư dả tiền bạc trong phạm vi khả năng của họ. Cũng vì lý do này, người ta để tiền vào tài khoản hưu trí và ngồi lo lắng không biết khi họ cần đến thì chúng có còn
ở đó hay không. Và cũng vì lý do này, hàng triệu người chăm chỉ làm việc, giúp những người giàu ngày càng giàu hơn, mà không dành thời gian để làm giàu cho chính bản thân mình. Bố không bao giờ cho rằng đầu tư là mạo hiểm. Chính sự không hiểu biết về tài chính mới là mạo hiểm và người ta phải trả một cái giá rất đắt cho điều đó”.
Những kiến thức ở đây chỉ nhằm mục đích giáo dục và dựa trên các báo cáo, thông tin cũng như các nguồn đáng tin cậy khác. Tuy nhiên, những kiến thức này chưa được thẩm tra và chúng tôi không tuyên bố rằng chúng hoàn toàn chính xác. Các giao dịch quyền chọn có thể đưa đến một số mức độ rủi ro nhất định. Trước khi có bất cứ hành động giao dịch quyền chọn nào, tất cả các nhà đầu tư đều cẩn phải tìm kiếm
sự hướng dẫn và những lời khuyên chuyên môn quyền chọn được đăng ký.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.