Dạy Con Làm Giàu – Tập 5
CHƯƠNG 8
Cách nhanh nhất để làm giàu – tóm tắt phần sức bật trí não
Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4 tôi đã nói về việc tìm và phát triển những thiên tài bẩm sinh của con bạn, dù có thể không phải trong lĩnh vực đọc viết, cũng như nhu cầu phát triển kỹ năng quản lý tài chính của chúng.
Nội dung cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4 sẽ không giúp con bạn dễ tìm được việc làm hơn mà nhằm giúp con bạn dễ thất nghiệp hơn. Nếu muốn nghỉ hưu sớm và giàu có, bạn cần phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để khó kiếm việc hơn chứ không phải dễ kiếm việc hơn. Lại một lần nữa, sự khác biệt nằm ở nhận thức của bạn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẤT NGHIỆP?
Để tóm tắt lại tầm quan trọng của sức bật trí não, tôi muốn nhắc lại rằng nhận thức của bạn đơn giản là những gì bạn cho là thực. Hay như một câu nói thường nghe hơn: nhận thức của bạn chính là thực tế của bạn. Khi được hỏi: “Thay đổi nhận thức của một người có khó không?” Tôi trả lời: “Điều đó còn tùy”. Đối với tôi, việc từ bỏ những nhận thức của người bố nghèo với những điều ông cho là khôn ngoan để chấp nhận nhận thức của người bố giàu với những điều khôn ngoan khác thực sự là một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Có thể nói việc thay đổi từ nhận thức của một người nghèo sang nhận thức của một người giàu cũng giống như học ăn bằng tay trái sau hàng chục năm trời quen ăn bằng tay phải vậy. Dù việc đó không khó lắm và bất cứ ai cũng có thể làm được nếu có lòng kiên nhẫn nhưng đó vẫn không phải một việc dễ dàng.
Cách nhanh nhất để làm giàu là thay đổi nhận thức của bạn thật nhanh chóng. Tôi biết rằng với hầu hết mọi người thì lúc nào lời nói cũng dễ hơn việc làm. Tôi đã thấy rất nhiều người chấp nhận sự an nhàn trong nhận thức của mình, dù đó là nhận thức về một cuộc đấu tranh tài chính chật vật. Người bố giàu tin rằng hầu hết mọi người sẽ muốn được thoải mái khi làm việc vất vả suốt đời còn hơn là bị khó chịu trong vài năm thay đổi nhận thức dù sau đó sẽ được nghỉ ngơi suốt quãng đời còn lại. Nói một cách ví von thì hầu hết mọi người sẽ thà ăn những món ăn nghèo dinh dưỡng bằng tay phải còn hơn ăn những món ăn bổ dưỡng bằng tay trái.
NỘI DUNG VÀ BỐI CẢNH
Tôi đề nghị bạn hãy đăng ký mua tờ tạp chí Fast Company, một tờ tạp chí lớn. Gần đây trên tờ tạp chí này có một bài báo mang tựa đề “101 cách học”, trong đó có câu:
“Học là một công cụ quan trọng nhất đối với mọi người, mọi tổ chức, mọi công ty nếu muốn được phát triển nhanh chóng trong nền kinh tế mới”.
Bài báo trích dẫn một câu nói của Estee Solomon Gray, nhà tư vấn các chiến lược học qua mạng của công ty InterWise:
“Trong nền kinh tế cũ, nơi nào nội dung đóng vai trò chủ đạo thì trong nền kinh tế mới, chính bối cảnh sẽ đóng vai trò đó”.
Nói cách khác, việc học cách chuyển tay thuận từ phải sang trái quan trọng hơn việc bạn sử dụng loại muỗng nĩa nào để ăn.
Hệ thống giáo dục hiện nay vẫn còn đang cố gắng cung cấp cho bọn trẻ một nội dung tốt hơn thay vì nhìn lại xem thời đại Công nghệ Thông Tin đã thay đổi bối cảnh thế giới như thế nào. Ngay khi cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4 được xuất bản, nhà phê bình sách đã nói điểm duy nhất để bù đắp cho cuốn sách vì khả năng văn chương tệ hại của tôi là giúp bọn trẻ dễ tìm việc làm hơn, hầu hết các giáo viên cũng cố gắng tạo nội dung bài giảng với hy vọng có thể giúp con bạn dễ tìm việc làm hơn. Đó là lý do vì sao hệ thống giáo dục vẫn đang tiếp tục tập trung vào nội dung chứ không phảỉ bối cảnh.
Bối cảnh thế giới đã thay đổi. Khi bố mẹ tôi lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bối cảnh lúc đó là công việc rất hiếm và một công việc ổn định luôn là yếu tố hàng đầu. Đó là lý do tại sao bố mẹ tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi học để đạt điểm cao và tìm một công việc ổn định. Trong thời kỳ của bố mẹ tôi, nếu bạn tìm được một công việc bảo đảm trong một công ty tốt, nếu bạn trung thành và chịu khó, bạn sẽ ổn định được cuộc sống. Công ty đó sẽ chịu trách nhiệm về sự an toàn tài chính của bạn sau khi bạn nghỉ hưu. Ngày nay, sau cuộc giảm giá trị tiền tệ đầu năm 1990, hầu hết mọi người đều nhận ra rằng bối cảnh hay nguyên tắc làm việc đã thay đổi mãi mãi.
NỘI DUNG, BỐI CẢNH VÀ NĂNG LỰC
Người bố giàu không thường nói hai chữ “nội dung” và “bối cảnh” mà thường dùng chữ “nhận thức” hơn. Bên cạnh đó, ông vẫn hay bàn về vấn đề “năng lực”. Ông bảo: “Khi một người có một nhận thức nghèo, người đó không chỉ nghèo tiền bạc mà còn nghèo năng lực giữ tiền nữa”.
Ý của ông là khi một người nói: “Tôi sẽ không bao giờ giàu nổi” “Tôi không mua nổi” hay “Đầu tư là mạo hiểm”… điều đó làm giảm đi năng lực làm giàu của họ. Ông bảo: “Khi một người với nhận thức của một người nghèo bỗng có được một món tiền lớn, họ thường không đủ năng lực tinh thần và tình cảm để quản lý số tiền đó, vì vậy họ để số tiền này tràn ra ngoài và tiêu phí mất”. Chính vì vậy bạn thường nghe người ta nói “Tiền ra như nước” hay “Dù có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa thì cuối tháng tôi vẫn bị túng thiếu” hay “Tôi sẽ đầu tư khi nào tôi có dư tiền”.
Người bố giàu có một ví dụ rất đơn giản để hướng dẫn cho tôi và con trai ông. Ông đổ một bình nước lớn vào một cái ly nhỏ, chỉ trong chốc lát, cái ly sẽ dầy nước. Và nếu lúc đó người bố giàu vẫn tiếp tục đổ nước vào ly thì nước sẽ tràn ra ngoài. Người bố giàu nói: “Có rất nhiều tiền trên thế giới này. Nếu muốn giàu có, trước tiên con phải mở rộng nhận thức hay phạm vi bối cảnh của con để có thể giữ được phần tiền bị tràn ra ngoài này”. Trong các hội nghị, tôi cũng sử dụng ví dụ hình tượng này để giải thích về mối quan hệ giữa nội dung, bối cảnh và năng lực. Đầu tiên tôi đổ nước vào một cái ca lớn, sau đó đổ nước vào một chiếc ly nhỏ và cuối cùng là một chiếc ly lớn hơn. Dĩ nhiên cái ca lớn sẽ đựng được nhiều nước hơn hai chiếc ly kia. Đó là một ví dụ đơn giản để minh họa cho sự khác biệt về năng lực giữ tiền giữa người nghèo, người trung lưu và người giàu.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỞ RỘNG NĂNG LỰC CỦA BẠN?
Mỗi khi được hỏi: “Làm thế nào tôi có thể mở rộng nhận thức hay phạm vi bối cảnh của mình?”, tôi thường trả lời: “Bằng những ý tưởng của bạn”. Tôi thường nhắc lại một trong những câu nói ưa thích của người bố giàu: “Tiền bạc chỉ là một ý tưởng”. Tôi đưa ra câu trả lời bằng cách truyền đạt lại những lời khuyên mà người bố giàu đã cho tôi. Ông chỉ ra những câu nói tương tự như:
1. Tôi không mua nổi.
2. Tôi không làm được.
3. Như thế là sai lầm.
4. Tôi biết điều đó rồi.
5. Tôi đã thử rồi nhưng không được.
6. Điều đó là không thể.
7. Anh không thể làm được đâu.
8. Như thế là bất hợp pháp
9. Việc đó khó quá.
10. Tôi đúng, anh sai.
Người bố giàu nói: “Những kẻ hoài nghi và những kẻ điên rồ là anh em sinh đôi trên hai khía cạnh đối lập của những điều nhận thức và những điều có thể”. Ông nói thêm: “Nhưng kẻ điên rồ tin vào bất cứ một kế hoạch quá lố nào, còn những kẻ hoài nghi thì phê phán bất cứ điều gì không đúng với nhận thức của họ”. Ông kết thúc lời giải thích của mình bằng câu nói: “Nhận thức của một kẻ hoài nghi không cho phép bất cứ ý tưởng nào mới lạ xen vào, còn nhận thức của một kẻ điên rồ thì không có khả năng loại trừ những ý tưởng dại dột xuẩn ngốc. Nếu con muốn giàu có và dư dả, con cần có một đầu óc phóng khoáng, một nhận thức linh động và khả năng biến những ý tưởng mới mẻ thành sự thật”.
Nhắc lại câu nói trên tờ tạp chí Fast Company:
“Trong nền kinh tế cũ, nơi nào nội dung đóng vai trò chủ đạo thì trong nền kinh tế mới, chính bối cảnh sẽ đóng vai trò chủ đạo”.
Người bố giàu sẽ nói về điều đó như thế này: “Nếu muốn làm giàu nhanh chóng, con cần phải có một đầu óc phóng khoáng với những ý tưởng mới và phải có khả năng tiếp nhận những điều có thể lớn hơn khả năng hiện tại của con. Để làm được điều đó, con phải có một nhận thức có thể nhanh chóng thay đổi, mở rộng và phát triển. Cố gắng làm giàu với nhận thức của một người nghèo hay một nhận thức đến từ sự thiếu hụt và hạn hẹp là một nhiệm vụ bất khả thi”.
TẠI SAO KHÔNG LÀM GIÀU ĐƯỢC?
Trên đỉnh núi ở British Columbia vào năm 1985, tôi, Kim và Larry, bạn tôi, đã quyết định sẽ sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì để có thể bắt đầu một nhận thức mới nhằm đạt mục đích về hưu sớm trong sự giàu có. Khi được hỏi chúng tôi đã làm giàu như thế nào, tôi nói: “Chúng tôi không ngừng thay đổi nhận thức của mình. Khi được hỏi làm thế nào để thay đổi nhận thức, tôi chỉ trích dẫn câu nói ưa thích của Robert Kennedy:
“Một số người nhìn thấy điều gì đó và họ hỏi: ‘Tại sao?’ Còn tôi, tôi mơ thấy những điều chưa bao giờ có và tôi hỏi: ‘Tại sao lại không?'”
Nếu bạn muốn làm giàu nhanh chóng, vấn đề là ở chỗ bạn phải từ bỏ sự an nhàn nhận thức hiện tại để bước vào lĩnh vực của những khả năng mới trong cuộc sống. Như Robert Kennedy đã nói: “Tại sao lại không?”
Có được một trí não có thể nhanh chóng mở rộng nhận thức hoặc phạm vi bối cảnh của mình là một dạng sức bật rất quan trọng. Thực sự đó có thể là dạng sức bật quan trọng nhất, nhất là trong một thế giới thay đổi chóng mặt như ngày nay. Tôi tin rằng đó là kỹ năng lớn nhất của người bố giàu và đó cũng là lý do giúp ông liên tục đạt được những thành công về mặt tài chính. Nay đã trưởng thành và khôn ngoan hơn, tôi rất cảm ơn người bố giàu đã cấm tôi và con trai ông nói câu: “Tôi không mua nổi”. Trong những năm tháng sắp tới, khả năng thay đổi và mở rộng nhận thức chính là dạng sức bật quan trọng nhất của bạn. Như tờ tạp chí Fast Company đã nói: “Trong nền kinh tế mới, bối cảnh đóng vai trò chủ đạo”.
Nếu muốn nghỉ hưu sớm và giàu có, bạn cần phải có khả năng không ngừng thay đổi phạm vi bối cảnh của mình một cách nhanh chóng, bởi vì bối cảnh sẽ quyết định nội dung. Và bối cảnh cộng với nội dung thì sẽ bằng năng lực.
Dù sao thì chương này cũng đã khép lại những ý tưởng về tầm quan trọng của sức bật trí não. Dù đến đây là hết phần nói về nhận thức suy nghĩ của bạn nhưng các phần sau sẽ còn nhắc lại nhiều lần khái niệm rất quan trọng về sức mạnh nhận thức con người này.
Phần kế tiếp của cuốn sách nói về tầm quan trọng của dạng sức bật kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. Vì hầu hết mọi người đều mơ ước được về hưu sớm trong sự giàu có nhưng lại không lập được một kế hoạch thực hiện nên việc bạn phải có một kế hoạch là rất quan trọng. Cần phải biết mơ ước, nhưng để biến mơ ước thành hiện thực thì bạn cần phải lên kế hoạch để bắc cầu cho mơ ước của mình trở thành thực tế.
Vì chúng ta sẽ nói về những số tiền vượt xa thực tế của mọi người nên sức bật trí não của bạn sẽ được thử thách trong phần kế tiếp. Nếu những con số đó cũng nằm ngoài nhận thức hay phạm vi bối cảnh của bạn thì đối với bạn, chúng sẽ mãi mãi chỉ là những giấc mơ mà thôi. Như tôi đã nói, một người đang kiếm được chưa tới 50.000$ một năm sẽ rất khó lòng nghĩ đến việc về hưu trong vài năm nữa với hàng triệu đôla thu nhập. Dù hầu hết mọi người đều mơ ước một ngày nào đó sẽ được về hưu với sồ tiền đó nhưng chỉ có 1 % dân số Mỹ làm được điều đó mà thôi. Thực tế đó mãi mãi là giấc mơ đối với 99% người còn lại.
Có một điều may mắn là nếu bạn hiểu được tầm quan trọng của việc có được một nhận thức hay một bối cảnh đúng đắn và hiểu được tầm quan trọng của việc có được một kế hoạch thì cơ hội về hưu sớm trong sự giàu có của bạn sẽ tăng lên rất nhiều.
Nếu bạn có khả năng thay đổi nhận thức và có một kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ thấy là việc kiếm được 1 triệu đôla hoặc hơn mà không phải làm việc còn dễ dàng hơn rất nhiều so với làm việc suốt đời chỉ vì 50.000$. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một nhận thức hay một bối cảnh linh động và một kế hoạch để tiến hành. Trong phần kế tiếp, tôi sẽ nói về việc thiết lập một kế hoạch, một sức bật kế hoạch mạnh mẽ để về hưu sớm trong sự giàu có.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.