Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

PHẦN IV SỨC BẬT TỪ BƯỚC ĐẦU TIÊN – CHƯƠNG 21



Người bố giàu nói: “Bước đầu tiên là phải xác định xem con muốn sống trong thế giới nào. Con muốn sống một cuộc sống nghèo khó, trung lưu hay giàu có?”

“Chẳng phải mọi người đều muốn sống trong giàu có sao?” tôi hỏi.

“Không”, người bố giàu trả lời, “Hầu hết mọi người đều mơ về một cuộc sống giàu có, nhưng họ bỏ qua bước đầu tiên. Một khi con đã quyết định và thật sự quyết định thì không có chuyện đổi ý. Vào khoảnh khắc quyết định của con, mọi thứ trong đời con sẽ thay đổi”.
Làm thế nào để tiếp tục

Người ta thường hỏi tôi: “Sau khi quyết định về hưu sớm, điều gì sẽ giúp anh và Kim tiếp tục? Làm thế nào để giải quyết rủi ro và không nản chí khi gặp lúc khó khăn?” Với hầu hết mọi người tôi đều trả lời bằng những câu sáo rỗng như phải quyết tâm, phải có ý chí kiên cường và phải nhìn xa trông rộng. Tôi dùng những câu nói sáo rỗng như vậy vì hiếm khi tôi có thời gian giải thích rõ ràng về những gì tôi đã giảng giải trong sách. Khi bạn đã đọc đến đây và hiểu được phần lớn những gì viết trong sách, tôi sẽ giải thích kỹ với bạn về những điều giúp chúng ta tiếp tục.

Trong số những câu chuyện cổ tích, có hai câu chuyện kinh điển rất có ý nghĩa của Lewis Carrol mà người bố giàu bảo tôi phải đọc là “Alice lạc vào xứ thần tiên” và “Qua tấm gương soi”. Cả hai câu chuyện đều kể về những chuyến phiêu lưu đến thế giới khác. Trong truyện “Alice lạc vào xứ thần tiên”, cô bé Alice theo xuống hang Thỏ trắng và lạc vào một thế giới khác, một thế giới khiến tôi nhớ đến ngành dịch vụ tài chính. Trong truyện “Qua tấm gương soi”, Alice một lần nữa lạc vào thế giới khác qua một tấm gương soi. Trong tấm gương, Alice tìm được những cuốn sách thủy tinh không thể đọc được trừ khi soi chúng trước gương, cũng như các bản kê tài chính cá nhân vậy. Tuy nhiên, đối với người bố giàu, giá trị của hai câu chuyện này nằm ở ý tưởng về việc đi từ nhận thức này sang nhận thức khác. Người bố giàu nói: “Vấn đề là phần lớn mọi người chỉ sống trong một thế giới và cho rằng thế giới của mình là duy nhất”.

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Thường mỗi khi được hỏi những câu hỏi đại loại như: “Điều gì giúp bạn và Kim tiếp tục? Anh làm thế nào khi hết tiền, mất việc và đang trên đà suy thoái tài chính?”, tôi trả lời bằng những câu sáo rỗng đơn giản: “Nhờ lòng quyết tâm” hay “Chúng tôi không bao giờ lùi bước”. Nhưng những câu nói này không thể nói lên gì cả. Tôi rất do dự khi thật sự giải thích vấn đề vì câu trả lời thường ngoài phạm vi nhận thức của hầu hết mọi người.

Vài tuần trước đây, trong một hội nghị chuyên đề, tôi có thời gian để giải thích đầy đủ điều gì đã giúp tôi và Kim tiếp tục. Khi bạn đã dọc đến đây tôi sẽ chia sẻ với bạn câu trả lời của mình. Tôi nghĩ đó không phải là một câu trả lời hoàn toàn đầy đủ nhưng nó sẽ giúp bạn có thể suy ngẫm thêm.

Khi hội nghị gần kết thúc, một sinh viên giơ tay hỏi: “Lúc tình hình trở nên tồi tệ nhất, điều gì giúp thầy và cô Kim tiếp tục? Em muốn nghe câu trả lời thực sự chứ không phải những điều thầy nói nãy giờ”.

CÂU TRẢ LỜI

Tôi cân nhắc câu hỏi này giây lát và cuối cùng quyết định bày tỏ động cơ đã thúc đẩy tôi và Kim tiếp tục khi quyết định về hưu sớm trong sự giàu có. Lời giải thích bắt đầu:

“Lúc tôi 20 tuổi, người bố giàu đã dạy tôi một bài học cũng bắt đầu bằng câu hỏi này. Bài học và những cuộc nói chuyện kéo dài hàng năm trời… Và ngay cả khi ông đã mất, tôi vẫn tiếp tục ôn lại bài học cũ và tìm kiếm những câu trả lời mới”.

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ RỦI RO VÀ KHÔNG CẦN TlỀN VỐN

Người bố giàu hỏi: “Con sẽ làm gì nếu không có rủi ro và không cần tiền vốn để làm giàu?”.

“Không rủi ro và không cần vốn?” tôi lặp lại, không rõ người bố giàu muốn dẫn câu chuyện đến đâu. Cuối cùng tôi hỏi: “Tại sao bố lại hỏi như vậy? Một thế giới như vậy không tồn tại đâu”.

Người bố giàu để tôi ngồi suy ngẫm câu trả lời của mình trong giây lát. Sự im lặng của ông muốn nói tôi cần phải suy nghĩ lại câu trả lời của mình. Cuối cùng ông nói: “Con có chắc rằng một thế giới như vậy không tồn tại?”

“Một thế giới không rủi ro và không cần vốn để làm giàu?” tôi hỏi lại. Tất cả những gì tôi từng nghe là những điều bố ruột tôi thường bảo: “Đầu tư là mạo hiểm” và “Phải có vốn thì mới có lời”.

Người bố giàu gật đầu: “Đúng vậy. Con sẽ làm gì nếu tồn tại một thế giới như vậy?”

“À, con sẽ đi tìm nó”, tôi nói, “Nhưng chỉ khi nào nó có thực cơ”.

“Vậy tại sao nó không có thực?” người bố giàu hỏi.

“Vì điều đó là không thể”, tôi trả lời, “Làm sao có thể có một thế giới không cần mạo hiểm và không cần vốn để trở nên giàu có được?”

“Xem nào, nếu con đã cho rằng không thể có một thế giới như vậy thì nó sẽ không tồn tại”. Người bố giàu nhẹ nhàng nói.

“Bố cho rằng nó thật sự tồn tại?”

“Vấn đề không phải là bố nghĩ gì. Quan trọng là con nghĩ như thế nào kia. Nếu con cho rằng nó tồn tại thì nó sẽ tồn tại. Bố nghĩ gì không quan trọng”.

“Nhưng một thế giới như vậy là không tưởng”, tôi nhắc lại, “Con chắc điều đó là không thể được. Luôn luôn có những rủi ro”.

“Vậy thì thế giới đó không tồn tại”, người bố giàu nhún vai, “Nếu con nghĩ thế giới đó là không tưởng thì nó không tồn tại”. Lúc này người bố giàu bắt đầu lớn tiếng với tôi: “Con không tin có một thế giới như vậy vì con vẫn bị ảnh hưởng bởi thực tế và những suy nghĩ của bố con. Con trung thành với những suy nghĩ này vì con đã lớn lên cùng với chúng. Bố sẽ không thể tiếp tục dạy con nếu con chưa sẵn sàng thay đổi niềm tin của mình. Bố có thể cho con nhiều, rất nhiều giải pháp để trở nên giàu có, nhưng những giải pháp của bố sẽ không có tác dụng nếu con vẫn tin vào những nhận thức của gia đình mình về tiền bạc và cuộc sống”.

“Nhưng… chẳng ai tin rằng có một thế giới không có tiền và không có rủi ro đâu”.

“Bố biết”, người bố giàu nói, “Đó là lý do tại sao rất nhiều người bám vào những công việc ổn định và thường cho rằng đầu tư là mạo hiểm hay là phải có tiền thì mới tạo ra tiền. Họ không nghi ngờ, không kiểm chứng suy nghĩ của mình. Thay vì thế, họ cho rằng suy nghĩ của họ đúng với thực tế, không bao giờ tự hỏi liệu có một thực tế hay một suy nghĩ nào khác không. Con không thể giàu hơn nếu trước tiên con không kiểm tra lại những suy nghĩ của mình. Đó là lý do rất ít người trở nên giàu có hay thật sự tự do về tài chính. Nhưng con vẫn chưa trả lời bố.

“Bố hỏi lại đi”, tôi đáp, cảm thấy hơi bực bội và băn khoăn không biết ông muốn nói gì về việc kiểm tra suy nghĩ của mình.

“Câu hỏi là con sẽ làm gì nếu không có sự rủi ro và không cần vốn để làm giàu”, người bố giàu lặp lại một cách chậm rãi và thận trọng.

“Con vẫn cho rằng đó là một câu hỏi thật buồn cười nhưng con sẽ trả lời”, tôi đáp.

“Sao con lại cho rằng đó là một câu hỏi buồn cười?” người bố giàu hỏi.

“Bởi vì một thế giới như vậy không tồn tại”, tôi cáu kỉnh, “Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn và mất thời gian. Tại sao con phải trả lời hay nghĩ về một vấn đề như vậy chứ?”

“Được rồi”, người bố giàu nói, “Thế là bố đã có câu trả lời. Đồng thời bố cũng thấy được những suy nghĩ cơ bản của con. Với con, chỉ nghĩ đến một thế giới như vậy cũng đã lãng phí thời gian nên con chẳng buồn suy nghĩ về câu hỏi của bố. Con nghĩ không thể có một thế giới như vậy nên con cho rằng việc xem xét ý kiến đó chỉ mất thời gian mà thôi. Con không muốn kiểm tra lại suy nghĩ của mình. Vì con không tin có một thế giới như vậy nên con không muốn nghĩ đến nó. Con chỉ muốn suy nghĩ theo những cách thông thường. Con muốn làm giàu nhưng lại sợ thua lỗ hoặc không đủ tiền. Đây là một nhận thức khác với bố nhưng bố có thể chấp nhận câu trả lời của con. Bố hiểu suy nghĩ của con vì đây là một suy nghĩ khá phổ biến”.

“Không, không”, tôi nói, “Con sẽ trả lời câu hỏi của bố. Con chỉ hỏi bố có chắc là có một thế giới như vậy không mà thôi?”

Người bố giàu im lặng, một lần nữa ông để tôi xem lại nhận thức của mình.

“Bố muốn con tin rằng có một thế giới như vậy ư?” tôi nóng nảy hỏi.

“Bố nhắc lại: vấn đề không phải bố tin vào điều gì, mà là con tin vào điều gì”.

“Nếu thật sự có một thế giới như vậy, một thế giới không có rủi ro tài chính và không cần phải tốn đồng nào để làm giàu thì con sẽ trở nên giàu có hơn cả trong những giấc mơ hão huyền nhất. Con sẽ không sợ gì cả. Con sẽ không phải xin lỗi vì mình không có tiền hay vì mình đã thất bại. Con sẽ sống trong sự xa hoa tột cùng, một cuộc sống có được tất cả những gì mình muốn. Con sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác, chắc chắn không phải là thế giới mà con đã lớn lên”.

“Vậy nếu có một thế giới như thế thì liệu có đáng để con thử không?”

“Dĩ nhiên rồi. Ai lại không muốn thử chứ!”

Người bố giàu nhún vai im lặng, một lần nữa để tôi suy ngẫm lại.

“Bố chắc là có một thế giới như vậy?” tôi hỏi lại.

“Điều đó: thì con phải chọn lựa. Con có thể quyết định rằng thế giới nào có thật. Bố không thể làm điều đó cho con được”, người bố giàu nói, “Nhiều năm trước bố đã quyết định mình muốn có thế giới nào tồn tại”.

“Bố đã tìm thấy thế giới của mình chưa?” tôi hỏi.

Người bố giàu chưa bao giờ trả lời câu hỏi đó của tôi. Ông chỉ đáp: “Con có nhớ câu chuyện ‘Qua tấm gương soi’ về cô bé Alice không?”

Tôi gật đầu.

“Nhiều năm trước bố đã đi qua một tấm gương soi. Nếu con tin là có một thế giới như vậy thì con có thể làm một cuộc hành trình đi qua tấm gương. Nhưng con chỉ có thể đi vào đó nếu con tin rằng một thế giới như vậy có khả năng tồn tại. Nếu không tin, con sẽ chỉ thấy một tấm gương bình thường và con đang đứng bên tấm gương nhìn thấy hình ảnh trong gương của mình mà thôi”.

CÂU TRẢ LỜI TRƯỚC LỚP

Khi tôi kể chuyện này, cả lớp đều im lặng. Tôi không biết câu trả lời của mình có ý nghĩa gì với họ không. Dù có hay không, tôi cũng đã đem đến cho họ một khía cạnh khác về ý nghĩa của câu chuyện. Kết lại, tôi nói: “Đó là lúc cuộc hành trình của tôi bắt đầu. Sau khi nói chuyện với người bố giàu, tôi vô cùng thắc mắc. Tôi đã nghĩ về những gì ông nói trong nhiều năm. Càng nghĩ tôi càng thấy chúng khả thi. Đến tuổi 30, tôi biết mình đã mở rộng được tầm nhận thức của mình. Tôi biết những ngày tháng học hỏi với người bố giàu đã kết thúc, ông không thể dạy tôi nhiều hơn hay giải đáp thêm nhiều điều nữa cho đến khi tôi quyết định thay đổi nhận thức và bắt đầu cuộc hành trình của chính mình. Có giải đáp thêm cũng chẳng được gì. Tôi cần một nhận thức mở rộng hơn. Tôi biết đã đến lúc con chim non phải rời tổ ấm, như người ta thường nói. Tôi không biết có một thế giới như vậy hay không nhưng tôi muốn nó tồn tại. Vì thế, cuộc hành trình của tôi bắt đầu khi tôi quyết định rằng có tồn tại một thế giới nhự vậy. Với quyết định này, tôi bắt đầu tìm kiếm nó, một thế giới không có rủi ro và không cần tiền để làm ra tiền. Tôi đã chán việc nhìn vào gương rồi và tôi không thích những gì tôi thấy trong gương. Đó là lúc mà tôi bắt đầu đi tìm thế giới qua chiếc gương soi”.

Cả lớp vẫn im lặng. Tôi thấy có vài người tiếp nhận ý tưởng này và một số người khác phản đối. Và tôi tiếp tục câu chuyện: “Ngay sau khi cho rằng tồn tại một thế giới như vậy, tôi gặp Kim và kể cho cô ấy nghe cuộc hành trình của mình. Vì một lý do nào đó, cô ấy muốn đi chung đường với tôi. Cô nói: ‘Những gì anh nói đã thay đổi suy nghĩ của em, suy nghĩ phải làm việc suốt đời. Em không thích thực tế hiện tại của mình và sẵn sàng đi tìm một thực tế khác”.

Kim là người phụ nữ đầu tiên tôi gặp sẵn sàng tán thành một ý tưởng diên rồ như vậy. Tôi rất do dự khi nói với cô ấy về những điều đó nhưng cô ấy đã không phản đối. Thay vì thế, cô ấy lắng nghe về một thế giới mà tôi cho rằng có thể tồn tại. Đó chính là lúc cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu. Mục đích không phải vì tiền mà vì muốn tìm một thế giới khác. Như vậy, tôi có thể nói chắc với các bạn rằng hơn hết thảy, chính việc tìm kiếm thế giới này đã giúp tôi và Kim tiếp tục.

Một khi đã quyết định, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi qua tấm gương. Chúng tôi biết rằng một khi đã bắt đầu, chúng tôi cần phải can đảm, khiêm tốn, vững chí, không ngừng học hỏi ngay khi có cơ hội và quan trọng nhất là phải gạt bỏ nhận thức cũ của mình vì chúng tôi biết cuộc hành trình này chỉ diễn ra trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi biết cuộc hành trình này chẳng có tác dụng gì đối với thế giới xung quanh và hoàn toàn chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của chúng tôi mà thôi. Khi mọi việc trở nên tồi tệ thì chính việc tìm kiếm một thực tế khác, một thế giới mới là động lực quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục. Một khi đã bắt đầu, chúng tôi không bao giờ ngừng lại. Việc tìm kiếm một thế giới mới đã giúp chúng tôi tiếp tục… ”

Cả phòng hội thảo im lặng. Bỗng có một nữ sinh viên giơ tay lên hỏi: “Vậy thấy có tìm thấy nó không? Nếu nó có thực, em rất muốn đến đó. Em không muốn bỏ ra 50 năm làm việc kiếm tiền. Em không muốn cả đời mình chịu sự sai khiến của tiền bạc, sợ không kiếm đủ tiền. Hãy cho em biết liệu có một thế giới khác không?”

Tôi lặng yên trong giây lát, như người bố giàu đã làm nhiều năm trước, cho họ thời gian để lắng nghe thực tế của bản thân mình. “Chị phải tự quyết định điều đó”, cuối cùng tôi đáp, “Vấn đề không phải tôi tin vào điều gì mà là chị tin vào điều gì. Nếu chị nghĩ có thể tồn tại một thế giới như vậy thì hãy đi qua tấm gương soi. Nếu không thì hãy đứng bên tấm gương và nhìn hình ảnh mình trong gương mà thôi. Khi gặp những vấn đề liên quan đến tiền bạc, chị cần phải có đủ sức mạnh để quyết định đâu là sự thật và mình muốn sống trong một thực tế như thế nào”. Lớp học chấm dứt. Phần đông sinh viên chìm trong suy nghĩ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.