Định Vị Cá Nhân

CHƯƠNG 4 Kết hợp hoài bão với hành vi, tính toàn vẹn cá nhân



Rõ ràng nền tảng của tính toàn vẹn tổ chức chính là tính toàn vẹn cá nhân.

Sam DiPiazza, Tổng Giám đốc điều hành PricewaterhouseCoopers

Sự cân bằng giữa hoài bão cá nhân và hành vi đạo đức là những bước tiếp theo của sự phát triển lâu dài của cá nhân, làm tăng tính trung thực và sự tin tưởng. Thời gian đã chín muồi cho một nền tảng đạo đức và sự lãnh đạo tinh thần mới dựa trên tính toàn vẹn cá nhân. Xin dẫn lời của Miller và Pruzan:(11) “Cần có một sự hồi sinh niềm tin trong các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đâu đó trong số những nhà lãnh đạo trực tiếp đã đánh mất sự khiêm tốn và vì vậy họ đã đánh mất lòng trắc ẩn, sự cảm thông và sự kết nối trong tâm hồn với Chúa.”

Tạo TĐCBCN, thực hiện nó kết hợp với chu trình LTĐT và tìm ra sự cân bằng giữa hoài bão và hành vi cá nhân dẫn đến việc tiếng nói từ tâm hồn đem đến sự an bình trong tâm hồn và khả năng được dẫn dắt bằng tiếng nói nội tâm. Tất cả những điều này giúp phát triển uy tín, niềm tin và tính toàn vẹn cá nhân. Những ai đạt được điều này sẽ ảnh hưởng được đến người khác và tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự tín nhiệm của họ. Khi con người đạt được sức mạnh nội tại này, họ cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến lòng trung thành, động lực và sự tận tâm của mọi người xung quanh. Theo Kouzes và Posner, sự tín nhiệm của mọi người phụ thuộc vào những điểm sau đây:

  • Những người đáng tín nhiệm hành động theo những gì đã tuyên bố.

  • Họ giữ lời hứa.

  • Họ làm đúng với lời nói và thực hiện những gì đã nói.

Thật vậy, trong khi chúng ta đánh giá bản thân bằng các khuôn mẫu hành vi vô hình, người khác lại đánh giá chúng ta qua những khuôn mẫu hành vi hữu hình – những gì chúng ta nói và làm. Quy trình cân bằng mà chúng ta nói đến là về sự giao thoa giữa khát vọng, ý định, mục đích, nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức, các giá trị – nói cách khác là hoài bão cá nhân – và cách người khác hiểu bạn (hành vi đạo đức của bạn). Luôn luôn có một sự khác biệt tiềm tàng (thường khó chấp nhận) giữa cách bạn nhìn nhận bản thân (người bạn muốn trở thành) và cách người khác nhìn nhận, đánh giá về bạn. Để trở thành người như hình dung trong hoài bão cá nhân, bạn cũng cần biết người khác nhìn nhận và nghĩ về bạn như thế nào. Khi bạn biết điều này, những hiểu biết về bản thân cũng tăng lên và bạn cũng có thể nâng cao hiệu quả của hành động. Do đó, quá trình phát triển này bao gồm sự cân bằng giữa hoài bão cá nhân (cái hình dung một cấp độ ý thức cao hơn) và hành vi cá nhân (cái liên quan đến hành vi hiện tại) (xem Biểu đồ 4.1). Như chúng ta đã thảo luận, hoài bão cá nhân cũng được hình thành bởi định kiến của bạn. Động lực và nhu cầu nội tại của bạn, biểu hiện qua hành vi, được ẩn đi phía sau những định kiến. Để đạt được sự phát triển và hoàn thiện bản thân thực sự, trước tiên bạn cần tìm ra sự cân bằng giữa hành vi và hoài bão cá nhân:

Cá nhân (<Sứ mệnh>, <Tầm nhìn>, <Các vai trò chính>) » Hành vi cá nhân

Hoài bão cá nhân » Hành vi cá nhân

Những câu hỏi trọng tâm của quá trình suy ngẫm này là:

  • Hành động của tôi có phù hợp với lương tâm không?

  • Những gì tôi nói và làm có nhất quán không?

  • Làm thế nào để những lý tưởng, hoài bão, mục đích, nhu cầu và những khát vọng lớn nhất phù hợp với hành động hiện tại của tôi?

  • Suy nghĩ và hành động của tôi có tương ứng không?

  • Tôi có hành động phù hợp với hoài bão cá nhân không?

  • Hoài bão cá nhân có ảnh hưởng đến khát vọng hành xử có đạo đức của tôi không?

  • Có gì mâu thuẫn trong hoài bão cá nhân của tôi không?

  • Hành vi ảnh hưởng đến tầm nhìn của tôi, và ngược lại, theo những cách nào?

Hoài bão cá nhân và hành động của bạn phải giống nhau. Khi con người tìm thấy sự hòa hợp giữa hoài bão và hành vi cá nhân, họ sẽ không hành động mâu thuẫn với lương tâm. Do đó họ có thể làm việc một cách xác thực và có mục đích với sự hoàn thiện và phát triển cá nhân liên tục mà không lãng phí năng lượng. Robin Sharma(12) đã nói: “Hãy làm chủ ý chí nhưng hãy là nô lệ của lương tâm.”

Theo Selvazajan Yesudian(13), lương tâm là tiếng nói từ bên trong với một sức thuyết phục mạnh mẽ, giúp chúng ta phân biệt giữa cái đúng và cái sai, giữa hiện thực và ảo tưởng. Đó là giọng nói mách bảo chúng ta về những gì chúng ta có thể làm tốt nhất và định hướng chúng ta trong các hoạt động hàng ngày. Đó là tiếng nói mà chúng ta có thể tin tưởng và xây dựng sự hiện hữu của mình trên đó. Đó là phạm vi đáng tin tưởng duy nhất để theo đuổi nếu có sự mâu thuẫn giữa ý chí để lý luận và trái tim để quyết định. Sự hòa hợp giữa hoài bão và hành vi cá nhân sẽ bảo đảm hành động phù hợp với lương tâm. Bạn sẽ hiểu hơn về hành vi, ưu điểm, nhược điểm và các mục tiêu cá nhân có liên quan. Hơn nữa, hoài bão cá nhân không chỉ hỗ trợ sự hiểu biết, mà còn hỗ trợ cho thực tế. Sự hòa hợp giữa hoài bão và hành vi cá nhân cũng liên quan đến sự lưu tâm, đó là luôn luôn hiểu rõ những gì mình làm và nhận thức ảnh hưởng của hành vi của bạn đến con người, loài vật, cây trồng và môi trường. Khi sự lưu tâm này phát triển, hành vi đạo đức của bạn sẽ tăng lên. Bài tập thở và giữ yên lặng đã được giới thiệu ở phần trước và sự suy ngẫm về sự giao thoa giữa hoài bão và hành vi cá nhân sẽ giúp thu hút sự chú ý của bạn. Bạn cũng sẽ trở thành một người tốt hơn.

Xem xét thành công bằng cách nào?

Cách tốt nhất để xem xét thành công là trả lời các câu hỏi:

  • Tôi có làm theo lương tâm mình không?

  • Tôi đã cố gắng hết sức chưa?

  • Những điều tôi làm có đúng không?

  • Tôi có học hỏi được từ những nỗ lực của mình không?

CÔNG THỨC CỦA HÀNH ĐỘNG CÁ NHÂN ĐÚNG ĐẮN

Kết hợp hoài bão cá nhân với hành vi cá nhân đảm bảo rằng các hành động của bạn trong xã hội là đúng đắn và phù hợp với lương tâm. Thomas Huxley đã nói: “Học điều hay để làm theo lẽ phải.”

Tôi định nghĩa hành động cá nhân đúng đắn bằng công thức sau:

Hành động cá nhân đúng đắn = Tồn tại + TĐCBCN + Thực hành + Kết hợp hoài bão với hành vi cá nhân

Theo Chatterjee, một chính trị gia Ấn Độ, hành động đúng đắn là hành động xuất phát từ sự tồn tại của chúng ta; tồn tại là một hành động tinh thần (thực hành). Tôi nghĩ bạn cũng nên có những hiểu biết về bản thân dựa trên TĐCBCN và hành vi của bạn cần phù hợp với hoài bão để hành động đúng đắn. “Hành động” cũng quan trọng khi bạn phát triển các kỹ năng dựa trên nó và liên tục bước vào những thử thách mới.

CÔNG THỨC CỦA SỰ TỰ TRI
(SỰ HIỂU BIẾT VỀ BẢN THÂN)

Để tóm tắt Phần I của cuốn sách này, tôi xin giới thiệu công thức của sự tự tri – hạt nhân của khái niệm TĐCBCN. Tự tri là hiểu biết tiềm ẩn trong đầu của bạn. Khi bạn có thể phát triển và kiểm soát sự tự tri tốt hơn, TĐCBCN chuyển sự tự tri này thành hiểu biết biểu hiện. Việc chuyển đổi hiểu biết tiềm ẩn thành biểu hiện ảnh hưởng lớn đến khả năng sáng tạo của bạn. Tôi đã định nghĩa sự tự tri là một chức năng của ba yếu tố cốt lõi: hoài bão cá nhân, suy nghĩ và hành động (xem Biểu đồ 4.2). Do đó, sự tự tri là một chức năng của hoài bão cá nhân, suy nghĩ và hành động.

<Sự tự tri> = f (<Hoài bão cá nhân>, <Suy nghĩ>,<Hành động>)

Hàm f chỉ ra mối quan hệ giữa sự tự tri với hoài bão cá nhân, suy nghĩ và hành động. Thành phần của hoài bão cá nhân liên quan đến nhận thức của bạn và chứa đựng thông tin về bạn. Nó được kết nối với động lực, giá trị, chuẩn mực, ý kiến, nguyên tắc và thái độ – nền tảng của hành vi. Suy nghĩ là cần thiết để giúp bạn hiểu về điều này. Ở trên tôi đã giới thiệu bài tập thở và giữ yên lặng. Trên thực tế, thở và khả năng suy nghĩ có cùng nguồn gốc trong bộ não người. Việc kiểm soát ý nghĩ theo sau việc kiểm soát hơi thở và ngược lại. Trên nền tảng của bài tập thở và giữ yên lặng, bạn có thể tập trung sự chú ý vào bên trong và kiểm soát nhận thức. Sự yên lặng bao gồm sự rèn luyện và hiểu hơn về tinh thần, đem lại trạng thái ý thức yên tĩnh hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn. Quá trình suy nghĩ này giúp bán cầu não trái cân bằng với bán cầu não phải. Hành động rất cần thiết để phát triển các kỹ năng dựa trên kinh nghiệm, để học hỏi từ đó và liên tục bước vào những thử thách mới. Vì mục đích này, tôi đã giới thiệu chu trình LTĐT. Học hỏi thông qua hành động là cần thiết, vì hoài bão của bạn không chỉ dựa trên sự tự tri mà còn dựa trên thực tế và phản hồi nhận được từ người khác. Do đó hành động liên quan đến khả năng, kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân; nói cách khác là những gì bạn có thể làm, biết và hiểu. Thomas Jefferson đã nói: “Bạn có biết mình là ai không? Đừng hỏi, hãy hành động! Hành động sẽ khắc họa và định nghĩa rõ nhất về bạn.”

Tầm quan trọng của việc học hỏi thông qua hành động được minh họa bằng các số liệu sau:

  • Sau khi đọc về vấn đề gì, bạn nhớ được 10%.

  • Sau khi nghe về vấn đề gì, bạn nhớ được 20%.

  • Sau khi thấy vấn đề gì, bạn nhớ được 30%.

  • Sau khi nghe và thấy vấn đề gì, bạn nhớ được 50%.

  • Sau khi tự mình làm việc gì, bạn sẽ nhớ đến 90%.

Học hỏi là một yếu tố quan trọng trong công thức tự tri. Để nâng cao hiệu quả, một người cần phải luôn luôn học hỏi. Học hỏi là một quá trình chuyển hóa bản thân liên tục. Đó là một quá trình mang tính chu kỳ và tích lũy để thật sự hiểu biết hơn về chính mình (thêm nhiều thông tin mới vào kho kiến thức của bạn) nhằm cải thiện chất lượng hành động của bạn. Đây là một sự thay đổi bền vững của sự tự tri, là kết quả của những kinh nghiệm lặp đi lặp lại. Theo mức độ của những sự chuyển dịch tăng dần từ sự làm việc cả đời thành khả năng làm việc cả đời, bạn phải đảm bảo luôn cập nhật những hiểu biết về bản thân. Trên hết, một người sẽ thành công hơn nếu có thể học hỏi và thực hành những hiểu biết về bản thân nhanh hơn. Một người không học hỏi liên tục, và không thể liên tục phát triển, thay đổi nhanh, xây dựng, đánh giá, tận dụng và duy trì sự tự tri sẽ không thể làm việc hiệu quả trong một xã hội phức tạp hơn bao giờ hết này.

Nói một cách ngắn gọn, để đạt được sự học hỏi tối ưu thì việc mọi người đều có cơ hội làm việc gì đó là rất quan trọng. Học hỏi có thể chia thành tự học và học nhóm (học theo đội hay học tập thể). Tự học, như tôi đã thảo luận ở trên, là nguồn gốc của mọi việc học hỏi. Vì vậy, nhận thức rõ về hoài bão cá nhân của mình là rất quan trọng. Những ai không có sự hiểu biết này sẽ trở thành những “học sinh kém”. Không có tự học thì sẽ không có việc học nhóm. Với việc tự học, các nhân viên có thể học hỏi một cách độc lập và trải nghiệm sự thay đổi hành vi cá nhân. Với việc học theo nhóm, họ cùng nhau học hỏi, học cùng và học từ người khác. Khi việc học nhóm diễn ra, cả tổ chức sẽ học hỏi và trải qua một sự thay đổi chung về hành vi, hay là sự thay đổi của tổ chức. Điều này cũng được áp dụng cho sự hiểu biết. Hiểu biết về bản thân cần được trau dồi trước tiên, trước khi bạn có thể tích lũy được kiến thức về thế giới hoặc về công ty của bạn. Do đó, việc đưa sự tự tri trở thành người bạn tốt nhất là rất quan trọng. Trong phần tiếp theo của cuốn sách này, tôi sẽ đi sâu hơn vào sự ứng dụng TĐCBCN như một công cụ quản lý tài năng hiệu quả trong tổ chức, tạo ra nhiều hứng thú và ý thức tham gia vào công việc của nhân viên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.