Định Vị Cá Nhân

Lời giới thiệu



Hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức hay mỗi nhóm làm việc bị tác động bởi rất nhiều yếu tố liên quan đến con người như: năng lực của người lãnh đạo; điều kiện làm việc; kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là thái độ và cảm xúc của nhân viên. Khái niệm Thẻ điểm cân bằng mới bắt đầu được nghiên cứu áp dụng từ năm 1987 tại Tập đoàn Analog Devices, tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn của Mỹ. Tập trung vào cả hiệu quả tài chính lẫn nguồn lực con người, Thẻ điểm cân bằng hỗ trợ các nhà quản lý dẫn dắt tổ chức của mình hướng tới những lợi ích lâu dài. Công cụ này, như một hệ thống quản lý chiến lược, giúp tập trung vào các thước đo hiệu quả và cân bằng các mục tiêu tài chính với các yếu tố khách hàng, các quy trình và nhân lực.

Hai giáo sư Đại học Harvard, Robert S. Kaplan and David P. Norton, đã tiếp tục phát triển các nghiên cứu từ năm 1992 và chính thức công bố kết quả vào năm 1996 trong cuốn The Balanced Scorecard: Measures That Drive Performance (Thẻ điểm cân bằng: Thước đo dẫn đường cho hiệu quả), được trao Giải cống hiến lý thuyết xuất sắc nhất năm 1997 của Hiệp hội kế toán Hoa Kỳ (American Accounting Association). Sau hơn một thập kỷ, khái niệm Thẻ điểm cân bằng đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo giới kinh doanh và học thuật, và được ứng dụng rất nhiều trong các tập đoàn và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung thường được thực hiện qua các bước: chuyển đổi tầm nhìn thành các mục tiêu hoạt động, truyền tải và liên kết tầm nhìn với các kết quả cá nhân, lập kế hoạch kinh doanh, thực hiện, thu nhận phản hồi và cuối cùng là điều chỉnh chiến lược. Nói như Robert S. Kaplan và David P. Norton, Thẻ điểm cân bằng là một hệ thống quản lý chiến lược cung cấp cho các nhà quản lý công cụ cần thiết để đạt được thành công trong tương lai.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của Thẻ điểm cân bằng trong lý thuyết của Kaplan và Norton là nó mới chỉ chú trọng vào các quá trình và kết quả công việc mà chưa quan tâm tới những yếu tố liên quan trực tiếp đến con người trong việc thực hiện các quá trình ấy. Là một trong những người kế tục các công trình nghiên cứu về Thẻ điểm cân bằng, Hubert K. Rampersad đã góp phần phát triển khái niệm Thẻ điểm hiệu quả tổng thể (Total Performance Scorecard), trong đó bao gồm bốn hệ thống: Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management), Thẻ điểm cân bằng tổ chức (Organizational Balanced Scorecard), Thẻ điểm cân bằng cá nhân (Personal Balanced Scorecard) và Quản lý tài năng (Talent Management).

Được coi là yếu tố quyết định sự thành bại của tổng thể, Thẻ điểm cân bằng cá nhân bao gồm bốn yếu tố chính: yếu tố nội tại (sức khỏe thể chất và tinh thần), yếu tố khách quan (mối quan hệ với những người khác), yếu tố kiến thức và việc học tập (các kỹ năng và khả năng học hỏi), yếu tố tài chính (sự ổn định về tài chính).

Thẻ điểm cân bằng cá nhân giúp chuyển hóa những hoài bão hay tham vọng thành những mục tiêu cá nhân cụ thể và rõ ràng với những thước đo hiệu quả, với các chỉ tiêu và hành động tự hoàn thiện, tạo nên cơ sở vững chắc cho việc cân bằng giữa hoài bão và hành vi cá nhân. Từ đó, nhà quản lý mới có thể khuyến khích sự tận tụy ở nơi làm việc, thúc đẩy việc học tập, khiến mọi người cảm thấy hài lòng, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc có những con người thông minh và sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Thẻ điểm cá nhân lúc này đóng vai trò như một công cụ kết nối các cá thể trong tổ chức, qua đó hoài bão cá nhân được kết hợp lại thành những hoài bão chung của tổ chức.

Tiến sỹ Hubert K. Rampersad là giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hành vi tổ chức và Quản trị kinh doanh. Là chủ tịch của TPS International Inc., chuyên đào tạo và tư vấn về Thẻ điểm hiệu quả tổng thể, cũng là cố vấn biên tập của rất nhiều tạp chí về chất lượng và quản lý quốc tế, ông cũng là tác giả của cuốn best-seller Total Performance Scorecard: Redefining Management to Achieve Performance with Integrity (Thẻ điểm hiệu quả tổng thể: định nghĩa lại hoạt động quản lý để đạt được hiệu quả toàn vẹn).

Cùng với cuốn Effective Personal and Company Brand Management (Quản trị thương hiệu công ty và cá nhân), Alpha Books hy vọng Định vị cá nhân: thông qua phương pháp Thẻ điểm cân bằng cá nhân này của Hubert K. Rampersad sẽ đem đến cho bạn đọc Việt Nam một công cụ phát triển cá nhân xuất sắc và tiên tiến, đặc biệt có thể áp dụng với mọi cá nhân, làm tiền đề cho các tổ chức và công ty xuất chúng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tháng 3/2008,

TRỊNH MINH GIANG

Phó Giám đốc, Alpha Books

Giám đốc Giáo dục, VIP School


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.