Định Vị Cá Nhân
CHƯƠNG 6 Kết hợp hoài bão chung và riêng với đạo đức kinh doanh; sự toàn vẹn chung
Tại thời điểm này, nhu cầu kinh tế cao nhất của Hoa Kỳ là các chuẩn mực đạo đức cao hơn – các chuẩn mực được thực thi bởi các quy luật khắt khe và được hậu thuẫn bởi những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm
—George W. Bush, Tổng thống Hoa Kỳ, bài phát biểu về trách nhiệm của công ty (2002)
Hệ thống thị trường của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào lòng tin – lòng tin vào thế giới của các đồng nghiệp và lòng tin vào thế giới của các đối tác làm ăn…
—Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hệ thống dự trữ Liên bang
Đạo đức kinh doanh hay đạo đức doanh nghiệp là một thuật ngữ xác định cách thức một công ty kết hợp hoài bão chung và sự toàn vẹn của cá nhân trong các chính sách, các thông lệ và quá trình ra quyết định của công ty đó. Ở Chương 4, tôi đã giới thiệu một khung thực hiện cho quá trình phát triển sự toàn vẹn cá nhân. Bước tiếp theo là hòa hợp sự toàn vẹn cá nhân vào một hệ thống gọi là sự toàn vẹn chung. Phạm vi đạo đức kinh doanh đã được mở rộng bao gồm các hoạt động của một công ty có liên quan đến bản chất và chất lượng các mối quan hệ mà công ty muốn thiết lập với tất cả các cổ đông của công ty. Các cổ đông cần quan tâm đến các vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội của công ty, đồng thời đảm bảo rằng các hành vi của họ phản ánh sự hòa hợp và các tiêu chuẩn đạo đức cao. Đạo đức dẫn dắt trách nhiệm của con người và trách nhiệm là nền tảng của đạo đức. Ngày nay, mọi người đều nhận thấy rằng mỗi công ty đều phải có trách nhiệm đạo đức (và pháp lý) với các cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, môi trường, người dân bản địa và cả các thế hệ tương lai. Mỗi cổ đông có tác động đến tổ chức và ngược lại cũng chịu ảnh hưởng của tổ chức đó.
Trách nhiệm của các cổ đông không chỉ là sự mong đợi của một người cấp trên đối với khoản đầu tư và cổ tức được trả cao hơn. Trách nhiệm đạo đức của các nhà quản trị doanh nghiệp và nhân viên là tạo nên một tổ chức sinh lời dựa trên sự đầu tư của người sở hữu. Trách nhiệm đạo đức của một công ty với các nhân viên không chỉ là việc tôn trọng giá trị và phẩm giá của các cá nhân, những người đã cống hiến sức lực cho công ty. Các nhà quản trị doanh nghiệp còn có trách nhiệm đạo đức là phải tăng quyền lợi của nhân viên như phát triển năng lực, tạo cơ hội nghề nghiệp, bảo đảm về công ăn việc làm và các điều kiện làm việc tốt. Trách nhiệm đạo đức với khách hàng bao gồm việc cung cấp đủ các sản phẩm hay dịch vụ theo các luật trách nhiệm và dựa trên các tiêu chuẩn cao. Các tổ chức còn có trách nhiệm đạo đức là bảo vệ khách hàng bằng cách chủ động thông báo với khách hàng về các thành phần trong các sản phẩm của mình, cho dù các thành phần đó có nguy cơ gây hại hay không, và có thể bằng cách thu hồi các sản phẩm mà họ nghi ngờ là có lỗi ở một phần nào đó hay có khiếm khuyết về mặt thiết kế. Trách nhiệm với nhà cung cấp vượt ra ngoài phạm vi cộng tác cần thiết để thu được sản phẩm chất lượng cao. Các công ty đối mặt với một số vấn đề đạo đức trong các mối quan hệ với nhà cung cấp của mình. Ví dụ, liệu có phải là đạo đức khi mua hàng từ những nhà cung cấp thuê lao động trẻ em, trả lương thấp hay điều kiện làm việc kém? Trách nhiệm đạo đức của công ty với cộng đồng nói chung vượt ra ngoài phạm vi thực tế là, tổ chức, với tư cách là một thành viên của xã hội, phải có bổn phận trở thành một công dân tốt. Điều này được minh chứng bằng các hình thức, ví dụ như trả thuế, có ý thức về sinh thái, hỗ trợ các hoạt động cộng đồng và tạo cơ hội việc làm. N. R. Narayana Murthy, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Infosys nói: “Tất cả chúng ta đều nhận thức được về các quyền công dân của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường không thừa nhận các trách nhiệm đi đôi với mỗi quyền đó. Trách nhiệm của chúng ta là hướng tới cộng đồng như một tổng thể, cũng như cộng đồng hướng tới gia đình chúng ta.”
Các vấn đề đạo đức kinh doanh quan trọng nhất mà các công ty phải đối mặt là nạn tham nhũng và hối lộ, sự thiếu minh bạch về kế toán và tài chính, bí mật giữa khách hàng và nhân viên, quảng cáo có đạo đức và những xung đột về lợi ích. Một loạt những vụ bê bối kế toán trong những năm qua đã làm giới doanh nghiệp chao đảo, gây thiệt hại cho các thị trường chứng khoán, hủy hoại các công ty lớn và đưa đến các khoản tiền phạt và án tù cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Việc Công ty Enron bị phá sản là một ví dụ điển hình, công ty này đã bị hủy hoại bởi hành vi phi đạo đức của ban lãnh đạo (xem phần trình bày trong khung phía dưới). Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng hoài bão cá nhân của ban lãnh đạo và các nhân viên với hành vi cá nhân của họ cũng như với hoài bão chung.
Enron: Một hoài bão chung táo bạo bị phá hủy bởi hành vi phi đạo đức của ban lãnh đạo công ty
Trước khi sụp đổ vào mùa thu năm 2001, Enron đã từng là một trong những công ty kinh doanh băng thông rộng, khí ga thiên nhiên và điện lớn nhất thế giới với doanh thu hơn 100 triệu đô la. Mục tiêu chiến lược của Enron là trở thành công ty truyền thông và năng lượng vững mạnh của thế kỷ XXI thông qua các nỗ lực kinh doanh trong bốn lĩnh vực chính – Bán buôn Enron, Băng thông rộng Enron, Năng lượng Enron và Vận tải Enron. Ban lãnh đạo của Enron khẳng định rằng mỗi bộ phận kinh doanh này đều củng cố cho hoài bão chung của công ty. Điều này được tuyên bố như sau:
Chúng tôi là ai và tại sao chúng tôi tồn tại được? Chúng tôi cung cấp rất nhiều giải pháp kỹ thuật, tài chính, vận tải và giải pháp thiên nhiên cho hàng nghìn khách hàng trên khắp thế giới. Mục đích kinh doanh của chúng tôi là tạo giá trị và cơ hội cho công việc kinh doanh của bạn. Chúng tôi thực hiện điều này bằng cách kết hợp các nguồn lực tài chính của chúng tôi, tiếp cận với các tiện nghi vật chất và tri thức để đưa ra các giải pháp mới giúp giải quyết các vấn đề về công nghệ. Chúng tôi nổi tiếng nhất với các sản phẩm điện và khí ga thiên nhiên, nhưng ngày nay chúng tôi còn cung cấp các sản phẩm băng thông rộng và bán lẻ năng lượng. Những sản phẩm này tạo cho khách hàng sự linh hoạt cần có giúp họ cạnh tranh trên thị trường.
Chúng tôi tin vào điều gì? Chúng tôi bắt đầu với một đức tin cơ bản vào sự sáng suốt vốn có của các thị trường mở. Chúng tôi tin chắc rằng cạnh tranh và lựa chọn của khách hàng sẽ dẫn đến sự đổi mới và giá cả thấp hơn. Enron là một phòng thí nghiệm của sự cải tiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi tuyển những người giỏi nhất và thông minh nhất. Và chúng tôi tin rằng mỗi nhân viên có thể tạo nên sự khác biệt ở đây. Chúng tôi khuyến khích mọi người tạo sự khác biệt bằng cách tạo ra một môi trường mọi người có thể phát huy tối đa năng lực của mình và ở đó mỗi người đều có phần đóng góp trong kết quả thu được. Chúng tôi nghĩ rằng cách thức kinh doanh này sẽ kích thích sức sáng tạo. Chúng tôi coi trọng sự đa dạng. Chúng tôi cam kết phá bỏ mọi rào cản đối với việc làm và sự thăng tiến dựa trên yếu tố giới tính, định hướng việc sinh con, chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, dân tộc, quốc tịch hay giới hạn tự nhiên. Thành công của chúng tôi được đo bằng thành công của các khách hàng. Chúng tôi cam kết đáp ứng các nhu cầu năng lượng của khách hàng. Và chúng tôi làm việc với họ theo những cách giúp tăng cường lợi ích từ sự cộng tác lâu dài với Enron. Trong mọi việc chúng tôi làm, chúng tôi hoạt động an toàn và luôn tính đến yếu tố môi trường. Đây là trách nhiệm mà chúng tôi rất chú trọng ở tất cả những nơi chúng tôi tiến hành kinh doanh. Chúng tôi đang thay đổi cách phân phối năng lượng cũng như thị trường tiêu thụ năng lượng. Chúng tôi đang sáng tạo lại nguyên tắc cơ bản của hình thức kinh doanh này bằng cách cung cấp năng lượng với giá thấp hơn và dưới nhiều hình thức tiện dụng hơn trước. Mọi việc chúng tôi làm là để thay đổi. Chúng tôi cùng nhau tạo ra một công ty năng lượng dẫn đầu trên thế giới. Chúng tôi cùng chung sức hoạch định một công ty năng lượng của tương lai.
Các giá trị cốt lõi là sự hòa hợp, sự tôn trọng, sự xuất sắc và sự giao tiếp. Chúng tôi làm việc với khách hàng và đón nhận các triển vọng một cách cởi mở, chân thành và trung thực. Khi chúng tôi nói sẽ làm gì thì chúng tôi sẽ làm việc đó; khi chúng tôi nói chúng tôi không thể hoặc sẽ không làm việc gì thì chúng tôi sẽ không làm. Chúng tôi không dung thứ cho cách cư xử vô lễ và bất kính. Sự tàn ác, sự nhẫn tâm và sự ngạo mạn không thuộc về nơi này. Chúng tôi hài lòng hơn cả với những gì tốt đẹp nhất trong mọi việc chúng tôi làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần này. Niềm vui thích lớn nhất ở đây là tất cả chúng tôi được khám phá khả năng thực sự của mình. Chúng tôi có nghĩa vụ phải giao tiếp. Ở đây, chúng tôi dành thời gian nói chuyện với nhau và lắng nghe. Chúng tôi tin rằng thông tin có nghĩa là chuyển động và rằng thông tin làm lay động con người.
Sai lầm trong chiến lược của Enron bắt đầu xuất hiện vào mùa thu năm 2001, khởi đầu bằng việc công ty bị phát giác là đang mắc nợ hàng tỷ đô la nhằm phát triển việc kinh doanh năng lượng, vượt xa con số ghi trong bảng cân đối kế toán. Khoản nợ ngoài quyết toán bị giấu nhẹm bởi những dòng chú thích bị che mờ phía cuối các trang báo cáo tài chính của công ty, liên quan đến các mối quan hệ mờ ám nhằm chuộc lợi riêng của giám đốc tài chính. Sau khi giá cổ phiếu của Enron trượt dốc từ khoảng 85 đô la xuống còn khoảng gần 40 đô la, bất chấp các khoản lãi lớn ghi trong các báo cáo, vào tháng 8 năm 2001, vị giám đốc tài chính của công ty đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Vài tuần sau, giám đốc tài chính của công ty bị yêu cầu thôi việc khi chi tiết về sự mâu thuẫn quyền lợi của ông này trong các mối quan hệ ngoài quyết toán bị đưa ra ánh sáng. Trong lúc đó, những nhà lãnh đạo cao cấp của công ty tiếp tục khẳng định tình trạng tài chính của công ty vẫn ổn định và việc kinh doanh của họ rất an toàn, với hy vọng giữ khách hàng không chuyển sang các công ty đối thủ và để trấn an các cổ đông.
Tuy nhiên, việc kinh doanh năng lượng của công ty (đem lại khoản thu nhập khoảng 60 triệu đô la theo báo cáo) được đưa ra kiểm toán sát sao, vừa kiểm toán khoản nợ lớn dùng để hỗ trợ khoản đầu tư kinh doanh khổng lồ đó và kiểm toán cả khoản lợi nhuận nhỏ bé của nó, trong đó có một số khoản đang bị nghi ngờ bởi các phương pháp kiểm toán do Arthur Andersen, công ty cố vấn kiểm toán cho Enron, áp dụng. Chỉ trong vài tuần lễ, Enron đã chuẩn bị phá sản. Giá cổ phiếu của công ty tụt xuống dưới 1 đô la/cổ phiếu và không còn được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Kết quả là một vụ bê bối quy mô lớn.
Công ty Arthur Anderson đã sa thải viên kiểm toán trưởng chuyên làm hồ sơ cho Enron khi phát hiện người này có dấu hiệu đang hủy các giấy tờ liên quan đến việc kiểm toán nhằm cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về sự sụp đổ của Enron. Ban lãnh đạo của Công ty Enron cắt hợp đồng tư vấn và kiểm toán với Arthur Anderson. Sau đó, người ta phát hiện Enron đang hủy các tài liệu (vào cuối tháng Giêng năm 2002) với mục đích che giấu nhân viên điều tra về các hoạt động của công ty. Chủ tịch và giám đốc điều hành của Enron từ chức. Cựu phó chủ tịch công ty định tự tử sau khi việc ông này hùng hồn bảo vệ các hoạt động kế toán của Enron trước đó, vào năm 2001, bị phơi bày trước công chúng. Thực tế các cựu lãnh đạo cao cấp của công ty đã bán hết các cổ phần của Enron nhiều tháng trước đó khi giá cổ phiếu bắt đầu trượt dốc. Các nhân viên của Enron – đa phần trong số đó đã đầu tư toàn bộ khoản tiết kiệm với tổng số tiền lên đến 401 nghìn đô vào cổ phiếu của Enron và họ lại bị ngăn không cho bán cổ phiếu ra, 4 nghìn người trong số đó đã bị sa thải trong nỗ lực cuối cùng của công ty nhằm cắt giảm chi phí – đã chứng kiến một cách vô vọng toàn bộ số tiền tiết kiệm hưu trí của họ ra đi. Quy mô hành vi phi đạo đức của ban lãnh đạo vẫn còn đang tiếp tục được điều tra. Nhưng rõ ràng là ban lãnh đạo của Enron không tuân thủ các nguyên tắc và giá trị mà nó đã đề ra.
Theo Tổ chức Kinh doanh vì trách nhiệm xã hội, các công ty nên nghiêm túc xem xét việc tăng cường các cương lĩnh đạo đức của mình để:
Tránh phá sản, tránh các khoản tiền phạt, các vụ kiện tụng và trách nhiệm hình sự: Rất nhiều các vụ bê bối công ty trong năm 2002 và 2003 là một sự cảnh tỉnh về các nguy cơ thảm khốc liên quan đến việc không tuân thủ đạo đức kinh doanh. Các công ty như Enron, Arthur Anderson, CitiGroup và WorldCom đối mặt với các vụ kiện tụng cá nhân và khởi kiện tập thể với số lượng lớn. Những vụ kiện này có thể kéo dài hàng năm trời. Ban lãnh đạo và ban giám đốc của các công ty đó trở thành mục tiêu của các vụ kiện tụng, truy tố dân sự và hình sự.
Bảo hộ và củng cố việc bán hàng, hình ảnh thương hiệu và danh tiếng: Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2002 với các khách hàng ở 25 quốc gia do Environics International thực hiện đã cho thấy hơn 1/3 số khách hàng ở các quốc gia được khảo sát đều tin rằng các công ty lớn “nên làm nhiều hơn chứ không chỉ chi tiền để giải quyết các vấn đề xã hội”. Một cuộc nghiên cứu tương tự cho thấy gần 50% số khách hàng đã xem xét hết sức nghiêm túc một công ty dựa trên các hoạt động xã hội của nó, và gần 30% số khách hàng đã thực sự tránh xa một công ty vì chính lý do này.
Củng cố lòng trung thành và sự tận tụy của nhân viên: Một cuộc khảo sát các nhân viên ở Mỹ do Walker Information tiến hành năm 2001 cho thấy trong số những nhân viên đánh giá lãnh đạo cấp trên của họ là vô đạo đức, chỉ có 6% có ý định tiếp tục trụ lại các công ty đó, trong khi đó có tới 40% số nhân viên tin rằng lãnh đạo của họ là những người có đạo đức muốn ở lại công ty. Một cuộc khảo sát đa thành phần được Hudson Institute tiến hành tại Mỹ vào năm 2000 cho thấy một mối tương quan rõ rệt giữa các tiêu chuẩn đạo đức cao, sự tận tụy với công việc, và lòng trung thành, đã đưa ra kết luận: “Các nhân viên tin rằng họ làm việc trong một môi trường có đạo đức sẽ trung thành hơn gấp 6 lần so với những nhân viên tin là tổ chức của họ phi đạo đức”. Một nghiên cứu khác về người lao động Mỹ do Viện Aon Loyalty thực hiện vào năm 2000 cho thấy khi các nhân viên cảm thấy không thể tin tưởng ban lãnh đạo thì việc tạo cho họ thêm quyền lợi cũng không tác động nhiều đến sự tận tụy của họ. Một nghiên cứu khác của Aon năm 2002 đã chỉ ra rằng sự tin tưởng của nhân viên vào ban lãnh đạo đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 1997. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nhân viên có các cảm giác tích cực hơn về bản thân và công việc của họ, đồng thời và thể hiện lòng trung thành nhiều hơn khi họ làm việc cho một công ty theo họ là có các giá trị tốt đẹp và các hành vi đạo đức.
Bảo vệ công ty, đặc biệt trong những thời điểm căng thẳng và giai đoạn chuyển đổi: Cuộc khảo sát về đạo đức kinh doanh quốc gia năm 2000 của Ethics Resource Center cho thấy các cương lĩnh đạo đức có thể mang lại lợi ích lớn hơn trong các giai đoạn chuyển đổi của tổ chức như sáp nhập, mua lại, tái cơ cấu và trong các tình huống căng thẳng khác, khi các nhân viên có thể không nhận được những chỉ dẫn thông thường từ ban lãnh đạo và họ bị đặt vào các tình huống hay trách nhiệm mới. Cuộc khảo sát công bố trong các tổ chức chuyển đổi có sử dụng các cương lĩnh đạo đức, chỉ có 30% số nhân viên cho biết họ nhận thấy tình trạng quản lý kém tại công ty trong năm vừa qua, trong khi đó, tại các tổ chức không có cương lĩnh đạo đức, có tới gần 50% số nhân viên nhận thấy điều này trong công ty.
Tránh kinh doanh thua lỗ: Khi các công ty lớn ngày càng coi trọng các hành vi đạo đức của chính mình và các nhà cung cấp của mình thì các công ty có các hành vi đạo đức kém sẽ bị hủy hợp đồng hoặc kinh doanh thua lỗ trong tương lai. Ví dụ, năm 2001, Royal Dutch/Shell đã hủy 100 hợp đồng với các công ty không tôn trọng các chính sách môi trường, vệ sinh an toàn và đạo đức của công ty. Các chính phủ cũng có thể hủy các hợp đồng hoặc phạt các công ty kinh doanh phi đạo đức. Năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã thu hồi giấy phép kinh doanh của Credit Suisse tại Nhật vì các hành vi kế toán tài chính “sai lệch và không phù hợp”, liên quan đến các giao dịch trị giá 4 triệu đô la. Năm 2002, công ty cơ khí của Canada là Acres International bị phát giác phạm tội hối lộ một quan chức ở Lesotho.
Tránh vi phạm các quy định chính phủ đề ra: Một cuộc thăm dò ý kiến được Washington Post/ABC Inc. tiến hành khi có một loạt bê bối tập đoàn xảy ra vào năm 2002 đã cho thấy 75% số người trả lời tin rằng những phát giác gần đây về những sai trái ở Enron, WorldCorn và các công ty khác là dấu hiệu của “các vấn đề lớn hơn trong cách thức báo cáo tình hình tài chính của các công ty”. 53% nói rằng để giải quyết vấn đề, chính phủ nên thực thi các luật hiện hành chặt chẽ hơn, trong khi đó 30% lại nghĩ là cần phải có các luật mới để quản lý quá trình báo cáo tài chính.
Hạn chế khả năng bị ảnh hưởng từ áp lực của những nhà hoạt động xã hội và sự tẩy chay: Các công ty hành xử phi đạo đức đối với các cổ đông, nhân viên hay cộng đồng sẽ trở thành mục tiêu của áp lực từ những nhà hoạt động xã hội, sự tẩy chay hay thậm chí là các vụ công kích “không sử dụng dịch vụ” trên mạng của họ. Ngược lại, các công ty đã thể hiện cam kết thực hiện hành vi đạo đức có thể tích lũy được một kiểu “vốn tổng thể” từ các cổ đông và công chúng. Điều này có thể giúp họ trong giai đoạn quản lý kém nói riêng hay những cuộc khủng hoảng khác mà không làm tổn hại đến sự tín nhiệm hay danh tiếng của họ. Johnson & Johnson là một ví dụ. Bất chấp một số vấn đề chung diễn ra vào năm 2001 và 2002, công ty này vẫn tiếp tục đứng trong số các công ty danh tiếng nhất ở Mỹ.
Được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn: Social Investment Forum (Diễn đàn Đầu tư Xã hội) báo cáo là trong năm 2001, hơn 2 nghìn tỷ đô la Mỹ dưới dạng tài sản được quản lý trong danh mục vốn đầu tư là dành cho việc kiểm tra các thông lệ đạo đức, môi trường và các thông lệ trách nhiệm mang tính xã hội khác. Nó chiếm gần 12% trong số 19,9 nghìn tỷ đô la từ quỹ quản lý chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ. Các công ty đã thể hiện cam kết thực hiện các trách nhiệm đạo đức, xã hội và môi trường sẽ được tiếp cận với một nguồn vốn ngày càng lớn; nếu không họ sẽ chẳng có được cơ hội này.
Có thể áp dụng nhiều phương pháp để cải thiện đạo đức kinh doanh, như:
Xây dựng đạo đức trong tuyên bố hoài bão chung và hoài bão cá nhân: Nền tảng của tuyên bố hoài bão phải dựa trên đạo đức. Nó bao gồm các tiêu chuẩn, các giá trị và các nguyên tắc đạo đức như sự toàn vẹn, độ tin cậy, sự tín nhiệm, sự hữu ích, sự thẳng thắn, v.v… Điều này giúp các nhà quản lý cao cấp và nhân viên hiểu rằng các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức là không thể thiếu trong tất cả các hoạt động của công ty cũng như trong các hoạt động giải trí.
Khuyến khích mọi người trong tổ chức hình thành TĐCBCN và kết hợp hoài bão cá nhân với hành vi cá nhân của họ:Tương tự, khuyến khích họ làm như vậy ở nhà. Giúp họ nhận thức rằng họ không được hành động trái với lương tâm, cả trong hay ngoài công việc. Giúp họ trở thành những con người hoàn thiện hơn. Dwight Eisenhower(15) từng nói: Một người coi trọng quyền lợi hơn các nguyên tắc sẽ sớm mất cả hai”.
Cam kết thực hiện hành vi đạo đức: Ban lãnh đạo cao nhất của công ty phải công khai cam kết việc thực hiện hành vi đạo đức và phải đưa ra sự chỉ đạo liên tục hướng tới và làm mới các giá trị của tổ chức. Mỗi người trong tổ chức phải nhận thức được hoài bão cá nhân của họ và các giá trị cốt lõi trong hoài bão công ty. Sự tâm huyết và tận tụy của nhân viên ở tất cả các cấp độ tổ chức là rất quan trọng, giúp nâng cao niềm tin và lòng tự hào. Các nhà lãnh đạo cấp cao phải tham gia vào các buổi đào tạo, đưa đạo đức trở thành một yếu tố thường xuyên trong các bài phát biểu, các cuộc nói chuyện, đồng thời phải kết hợp hành vi của cá nhân họ với các tiêu chuẩn đạo đức của công ty. Gắn kết các nhân viên trong tiến trình đạo đức bằng cách lập ra một ủy ban đạo đức hay ủy ban trách nhiệm của công ty, đưa vấn đề đạo đức thành một mục thảo luận thường xuyên trong chương trình làm việc của ban giám đốc. Cần đưa ra những chương trình đào tạo đặc biệt giúp các giám đốc tự tin thực hiện các trách nhiệm đạo đức của họ. Trong những năm gần đây, nhiều công ty tại Mỹ đã đưa ra các khóa đào tạo đạo đức cho ban giám đốc, một phần động cơ thúc đẩy của phong trào này là quyết định Caremark năm 1996, đã tạo tiền lệ các giám đốc sẽ chịu trách nhiệm pháp lý với những vi phạm về đạo đức trong công ty.
Kết hợp yếu tố đạo đức trong tất cả các lĩnh vực truyền thông của công ty: Phát triển các chương trình truyền thông nhấn mạnh vào đạo đức công ty và đạo đức cá nhân để cung cấp thông tin và thúc đẩy nhân viên, khách hàng, các nhà cung cấp, các cổ đông và công chúng. Giải thích cho các nhân viên nhận thức được yếu tố đạo đức là một phần không thể thiếu trong tất cả các hoạt động và trong quá trình ra quyết định.
Phát triển một điều lệ đạo đức hay điều lệ đạo đức kinh doanh: Nó hướng dẫn cho nhân viên và nhà quản lý cách hành động trong các tình huống khác nhau, nêu rõ rằng những người này phải nhận ra được tầm quan trọng của đạo đức trong các chính sách và hành động của công ty. Nó cũng bao gồm những gì mà nhân viên cần có, khi nào thì cho phép sự chậm trễ trong quá trình ra quyết định, nhân viên có thể đến đâu để xin lời khuyên hay báo cáo về những vi phạm và các vấn đề đạo đức nào là không thể thương lượng. Các điều lệ toàn diện được kết hợp với các giá trị của công ty và các quy tắc thích hợp, đưa ra được một loạt các tình huống khó xử về đạo đức mà nhân viên có thể gặp phải. Họ phải được cập nhật thường xuyên với những thách thức mới nảy sinh. Một nghiên cứu do Social Investment Forum tiến hành với 300 công ty lớn cho thấy các công ty thực hiện công khai cam kết về các điều lệ đạo đức sẽ kinh doanh tốt hơn 2-3 lần các công ty không làm như vậy.
Xác định và làm mới các giá trị cốt lõi của công ty: Các công ty không có một hệ thống giá trị cốt lõi rõ ràng sẽ gặp khó khăn khi phát triển các cương lĩnh đạo đức. Nghiên cứu cho thấy các cương lĩnh đạo đức sẽ cho hiệu quả cao nhất khi được tiếp nhận bởi những nhân viên hướng tới giá trị hơn là chỉ đơn thuần hướng tới sự phục tùng, và rằng các cương lĩnh dựa trên giá trị có hiệu quả nhất trong việc giảm bớt hành vi phi đạo đức, tăng cường sự cam kết của nhân viên. Nhiều công ty thực hiện các sáng kiến trong toàn công ty có liên quan đến các cấp nhân viên để làm mới các giá trị của công ty và cập nhật các giá trị đó vào thời điểm thích hợp. Một số công ty cũng phân biệt các giá trị đạo đức nào (sự toàn vẹn, sự công bằng, sự trung thực) trong số các giá trị công ty của họ tương phản với các giá trị biểu hiện (sự đổi mới, sự lãnh đạo, chi phí thấp) và giúp nhân viên nhận thức rõ rằng nếu các hệ thống giá trị này mâu thuẫn nhau thì các giá trị đạo đức phải được ưu tiên.
Thành lập các ủy ban trách nhiệm xã hội và đạo đức trong công ty: Hãy để các nhân viên đạo đức hay những nhà quản lý cao cấp khác, những người chịu trách nhiệm về vấn đề đạo đức, báo cáo trực tiếp chịu trách nhiệm cho ban lãnh đạo. Các nhân viên chịu trách nhiệm về đạo đức phải thường xuyên tiếp cận với những người ra quyết định trong ban quản trị. Các chức năng cơ bản của một nhân viên phụ trách vấn đề đạo đức là: nhận biết và làm mới các giá trị, phát triển một tập hợp quy định về đạo đức, giáo dục và đào tạo, cố vấn và hướng dẫn cho nhân viên các cấp.
Thiết lập các đường dây nóng dành cho việc khiếu nại và chỉ trích các hành vi phi đạo đức: Các nhân viên phải cảm thấy là họ có nghĩa vụ báo cáo về những vi phạm. Ngày có nhiều các công ty đi xa hơn trong việc thực hiện phương pháp này bằng cách phát triển các đường dây trợ giúp nhân viên hay những đường dây tư vấn cho phép nhân viên có thể xin lời khuyên hay nêu vấn đề mà không sợ bị lộ tên tuổi. Các công ty thấy rằng những đường dây trợ giúp như vậy là rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các việc làm thiếu đạo đức chứ không chỉ đơn thuần nhận ra các sự việc đó sau khi chúng xảy ra.
Tiến hành các buổi hội thảo TĐCBCN và các buổi hội nghị chuyên đề về vấn đề đạo đức trong công ty: Thiết kế một chương trình đào tạo đạo đức toàn diện giúp người lao động trở thành những người tham gia tích cực trong quá trình học tập.
Thực hiện việc Kiểm tra cẩn thận Vòng đời của Thẻ điểm hiệu quả tổng thể (xem Phụ lục II) ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo việc các cá nhân tuân thủ các vấn đề đạo đức. Mô hình thể hiện sở trường này sẽ dẫn dắt bạn vào quá trình cải thiện đạo đức kinh doanh liên tục.
Trừng phạt đối với hành vi phi đạo đức: Giới thiệu các quy trình bắt buộc, bao gồm các mức độ kỷ luật và sa thải do các vi phạm. Hãy để nhân viên biết số lượng những nhân viên đã bị kỷ luật hay bị buộc thôi việc vì đã có những vi phạm đạo đức trong một năm nào đó.
Thể hiện tính minh bạch và trách nhiệm: Thường xuyên xuất bản các báo cáo chi tiết về quá trình thành tích lâu dài/tư cách công dân, bao gồm các sáng kiến đạo đức cụ thể.
Ghi nhận và trao thưởng cho hành vi có đạo đức: Xây dựng hệ thống quỹ tiền thưởng cho hành vi có đạo đức.
Luân chuyển các giám đốc triển vọng, gắn họ với các giá trị đạo đức khi họ tiến đến nắm giữ các vai trò lãnh đạo.
Chú trọng đến các giá trị đạo đức cá nhân trong hoài bão cá nhân của các ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
Đóng vai trò như một hình mẫu.
Khung dưới đây thể hiện một thực tế lãnh đạo, là một ví dụ minh họa trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội công ty.
GƯƠNG LÃNH ĐẠO: TEXAS INSTRUMENTS(16)
Texas Instruments (TI) được công nhận là đã phát triển được một chương trình đạo đức mạnh mẽ kết nối chủ động với mọi nhân viên. Tập hợp các quy định về đạo đức của TI được viết ra lần đầu tiên vào năm 1961 và kể từ đó được cập nhật định kỳ. Một tập sách nhỏ với tựa đề Các giá trị và đạo đức TI đóng vai trò là cơ sở đạo đức cơ bản của TI. Tập sách được cập nhật gần đây nhất là vào năm 1998, khi công ty chuyển từ cách tiếp cận đạo đức dựa trên các luật sang cách tiếp cận tập trung chắc chắn hơn vào các giá trị. Tại thời điểm đó, rất nhiều các thủ tục và chính sách hiện hành đã bị loại bỏ và ủng hộ cho các tuyên bố dựa trên các giá trị cốt lõi của công ty là cách tân, hòa nhập và tận tụy. Trong khi tập hợp các quy định về đạo đức này đóng vai trò là nền tảng cho chương trình đạo đức thì Văn phòng đạo đức của TI đã củng cố nó bằng cách phát triển một kết cấu hỗ trợ mạnh mẽ và một số công cụ để giúp nhân viên tạo ra các quyết định đạo đức. Các tập sách đề cập đến rất nhiều vấn đề đạo đức (bao gồm các chủ đề như làm việc với các đối thủ cạnh tranh, hoạt động toàn cầu, làm việc với các nhà cung cấp, an toàn sản phẩm, trí tuệ kinh doanh, an toàn nơi làm việc và xã hội có hệ thống) đã được phổ biến rộng rãi cho nhân viên. Các tập sách này mô tả các tình huống thực tế, đề cập đến khả năng của hành vi không đúng, đưa ra chỉ dẫn về cách ra các quyết định phù hợp và liệt kê các nguồn có khả năng giúp đỡ. Mỗi nhân viên mới đều được đào tạo về đạo đức. Công ty dự định sáng tạo ra các khóa đào tạo trên mạng cho tất cả nhân viên, có sự điều chỉnh để phù hợp với từng phòng ban. Công ty còn cung cấp một trang web về đạo đức trên mạng Intranet(17), cung cấp ngay khả năng tiếp cận trực tuyến với các chính sách quan trọng, các mối liên hệ với chủ đề và tất cả các nguồn hỗ trợ, tài liệu in ấn. Một bài kiểm tra nhanh gồm bảy câu được sử dụng để giúp người lao động vượt qua những tình huống khó xử về đạo đức. Văn phòng đạo đức đã lập ra một hệ thống thư điện tử giấu tên và một đường dây miễn phí 24 giờ để phản hồi và báo cáo về các vấn đề.
Đạo đức kinh doanh không nên chỉ dựa trên các quy định chính thống và các chỉ dẫn chi tiết mà còn phải dựa trên cả những tình huống thực tế. Như trường hợp công ty Enron và các công ty khác, các cương lĩnh đạo đức không bảo vệ các công ty tránh khỏi những thất bại thê thảm tiềm tàng về mặt đạo đức. Đạo đức kinh doanh bắt đầu từ sự hòa hợp cá nhân. Nó phải là một quá trình tự học không chính thống, một cách sống dựa trên sự cân bằng liên tục giữa hoài bão cá nhân với hoài bão chung. Các chương trình đạo đức có thể được củng cố bằng cách khuyến khích ban lãnh đạo và nhân viên hành động theo các nguyên tắc và giá trị cá nhân của họ, như được trình bày trong TĐCBCN. Họ nên thực hiện hoài bão cá nhân của mình theo chu trình Lập kế hoạch — Thực hiện — Đánh giá — Thử thách, và trên cơ sở này liên tục tiếp nhận thêm các thử thách về đạo đức. Lối suy nghĩ đạo đức này nên được đẩy mạnh và phổ biến trong toàn công ty. Theo cách này hành vi đạo đức sẽ trở thành một thói quen trong tổ chức. Các nhà lãnh đạo và nhân viên sẽ hiểu thêm về trách nhiệm của họ liên quan đến hành vi đạo đức. Họ sẽ hiểu rằng họ có trách nhiệm hành động có đạo đức, trong cũng như ngoài giờ làm việc. Đây là một cách tiếp cận bền vững, toàn diện và có hệ thống với trách nhiệm xã hội và đạo đức.
Cuộc thảo luận thân mật về hoài bão tự nguyện giữa giám đốc phụ trách và nhân viên được mô tả ở phần trên là một cơ hội tuyệt vời để đẩy mạnh hành vi này. Một trong những câu hỏi đặt ra trong buổi gặp gỡ này là: Trong công việc bạn có gặp phải vấn đề đạo đức nào không? Miller và những người khác (1996) đã giới thiệu một cách để giải quyết vấn đề này:
- Đảm bảo chắc chắn rằng thực sự có xảy ra một cuộc xung đột. Đảm bảo là cả bạn và giám đốc của bạn đều đã có đầy đủ cơ sở lập luận. Kiểm tra lại hợp đồng lao động để xem hành động đó có được phép hay không.
- Quyết định mức độ rủi ro mà bạn có khả năng phải gánh chịu. Tiến hành phân tích những cái được và mất. Xem xét những người có liên quan và đánh giá đâu là lợi ích và sự thiệt hại cho mỗi nhóm.
- Thể hiện động thái của bạn. Nếu hành động phi đạo đức đó quan trọng đến mức khiến bạn phải mạo hiểm thì hãy nói với giám đốc của bạn là bạn không thể thực hiện hành động đó. Đừng lên tiếng kết tội. Hãy giữ thể diện cho vị giám đốc.
- Nếu gặp vấn đề gì, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu giám đốc của bạn nói rằng trong hoàn cảnh nào bạn cũng vẫn phải thực hiện hành động đó nhưng bạn lại cảm thấy mình không thể làm được thì bạn nên tìm đến một người nào khác có tầm ảnh hưởng trong công ty. Cố gắng đừng đề cập trực tiếp đến vị giám đốc của bạn (nghĩa là tìm một cách nói “bóng gió”), trừ phi đó là phương sách cuối cùng.
- Xem xét khả năng chuyển việc. Nếu người mà bạn tìm kiếm sự giúp đỡ cũng không làm thay đổi tình hình thì có lẽ bạn nên thôi việc. Hãy đánh giá hoài bão cá nhân của vị giám đốc và hoài bão chung của công ty. Nếu chúng mâu thuẫn với hoài bão của bạn thì việc ra đi có lẽ là cách tốt nhất.
TĐCBCN đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống, bền vững và toàn diện để củng cố các cương lĩnh đạo đức trong các tổ chức. Nó giúp các nhà quản lý và nhân viên hình thành và hiểu về tập hợp quy định đạo đức của công ty cũng như các giá trị hỗ trợ tập hợp đó. Quá trình này khởi đầu ở mức độ chiến lược và nên được áp dụng ở những cấp thấp hơn trong tổ chức. Tôi sẽ bàn đến vấn đề này ở chương sau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.