Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG II Ôi những lời dối trá Những lời nói dối khốn kiếp Và chuyện ngoại tình



Từ khi bắt đầu thu thập tài liệu để viết cuốn sách này, tôi thấy rằng mình phải cho thêm vào một bảng xếp hạng tổng thể về tỉ lệ ngoại tình từ thấp đến cao của các quốc gia. Tôi cũng chẳng biết bảng xếp hạng này đã tồn tại hay tôi phải tự vẽ lên đây nhỉ. Nhưng cũng khó mà tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào và nước Mỹ sẽ xếp hạng mấy đây nữa? Quốc gia nào sẽ có sự khác biệt để nằm đầu bảng? Tỉ lệ giữa các quốc gia có chênh lệch lớn lắm không? Thứ tự xếp hạng có liên quan đến một yếu tố lạ lùng nào không, như thời tiết chẳng hạn?

Ý niệm mơ hồ đầu tiên đến với tôi khi gặp một người đàn ông Nga tự xưng là bố của một chuyên gia tình dục học, là ở Moscow, nơi người ta không dễ dàng gì thổ lộ những bí mật tình dục của mình cho người khác. Ông tên là Igor Kon, 76 tuổi, và nhìn có vẻ giống như ông nội hay một người ban phước lành cho vị chuyên gia kia thì hợp lý hơn. Ông chỉ cao hơn 1,5m một chút, đầu tóc bạc phơ, nụ cười trìu mến, và có một thói quen rất thú vị là hay kết hợp biệt ngữ khoa học như “thủ dâm” hay “cương cứng” trong câu nói của mình. Ông viết lách nhiều đến nỗi không nhớ mình đã cho ra đời bao nhiêu quyển sách mà chỉ áng chừng vào “khoảng 50 cuốn”. Những đồng nghiệp trong Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Thế giới gần đây tôn vinh những thành quả mà ông đạt được bằng chiếc huy chương vàng.

Bốn bề xung quanh căn phòng làm việc ở nhà Kon đều phủ kín sách, giấy viết, và những tập san viết bằng 6 ngôn ngữ. Trong những chồng sách đồ sộ đó tôi tìm thấy kết quả điều tra và con số thống kê về tỉ lệ ngoại tình ở Nga và hình như còn ở một số quốc gia khác. Tôi mường tượng ra viễn cảnh ngài Kon, lúc này trông giống như thầy Yoda, cầm danh sách tổng thể mà tôi hằng mơ tưởng đó ra và phì phò nói, “Bây giờ cô hãy đi tới Slovenia và sau đó là Niger.” Nhưng có lẽ ông ta sẽ khẽ ném cho tôi một ánh nhìn trêu ngươi rồi cất nó đi mất.

Ông ta rất vui vẻ cho đến khi tôi đề cập tới số liệu thống kê về tình dục của Nga thì trở nên cau có và bảo “Chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ có sự khảo sát toàn quốc nào được tiến hành cả.” Kon cho biết chính phủ luôn là nguồn tài trợ tất yếu cho những cuộc khảo sát tốn kém của quốc gia, bao gồm một vài thắc mắc về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân. Nhưng chính phủ Xô-Viết hầu như nghiêm cấm các nhà xuất bản phát hành bất kì thảo luận nào liên quan đến tình dục, huống hồ gì chuyện thực hiện một cuộc khảo sát có thể làm xấu mặt cả nước Nga khi vạch trần rằng chính họ cũng bị dính líu vào bê bối ngoại tình.

Mặc dù chính quyền Xô-Viết tan rã vào năm 1991 nhưng Giáo hội Cơ Đốc vẫn không cho phép chính phủ lâm thời tài trợ cho bất cứ hoạt động nào liên quan đến tình dục. Vì vậy, một kết quả khảo sát về tình dục toàn quốc chẳng khác nào báu vật đối với Kon và đồng nghiệp của ông. Thay vào đó, họ phải mày mò trên những tài liệu hạn hẹp thu thập được, trong đó hữu hiệu nhất có lẽ là khảo sát vào năm 1996 ở St. Petersburg.

Nghiên cứu về tình dục ở Nga chẳng được lợi lộc gì. Kon chỉ kiếm được khoảng 123 USD mỗi tháng từ chức vụ nghiên cứu trưởng tại Viện Khoa học Hàn lâm Nga. Số tiền ấy chỉ vừa đủ để mua thức ăn ở Moscow. Kon và các đồng nghiệp phải làm nhiều công việc khác nhau để sống qua ngày. Ngoài ra, công việc nghiên cứu về tình dục này cũng tiềm tàng nhiều hiểm nguy. Những người chống đối từng phá hoại cửa nhà của Kon. Ông còn cho tôi xem một cuốn sách bìa mềm dày 74 trang được thực hiện bởi một nhóm giảng sư Nga, trong đó họ lên án ông là “hiểm họa của xã hội và liên bang Nga”, đồng thời buộc tội ông ủng hộ cho chuyện quan hệ tình dục với trẻ con (đương nhiên là ông không hề làm thế bao giờ). Vào năm 2001, khi ông đang giảng bài ở Đại học Moscow, một nhóm lưu manh khoảng 20 tên đứng bên ngoài căng băng-rôn “cáo buộc” ông là dân đồng tính và ném cả bánh kem vào mặt ông nữa. Cũng may là Kon chưa bị đe dọa đặt bom trong nhà mình. Nếu như họ thật sự muốn làm thì đã không cần cảnh báo vậy rồi. Kon bảo “Giết người khi ấy không phải là một vấn đề lớn. Họ mà muốn giết tôi thì dễ như trở bàn tay.”

***

VIỆC NGHIÊN CỨU VỀ TÌNH DỤC Ở BẤT KỲ NƠI NÀO hẳn nhiên không dành cho những kẻ nhút nhát. Nhớ lại lúc tôi phỏng vấn Alain Giami, giám đốc nghiên cứu của Học viện Sức khỏe và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp, ông đã cắt ngang lời tôi và trở nên cực kì kích động đến mức làm tôi có cảm giác rằng ông ta sắp sửa chồm khỏi ghế vậy.

Vấn đề đụng chạm ông ta ở đây chỉ vì tôi dùng cụm từ “ngoại tình”.

“Ý cô nói ‘ngoại tình’ là sao? Tôi chẳng biết ‘ngoại tình’ là gì cả,” ông ta hét toáng lên. “Tôi không quan tâm đến vấn đề này nên sẽ không dùng cụm từ đó. Nó ảnh hưởng đến giá trị tôn giáo. Dùng từ ‘ngoại tình’ là đã tạo nên một giá trị tiêu cực. Điều đó hàm ý cô không chung thủy và là một kẻ dối trá.”

Tôi đã lâm vào cuộc chiến ngôn từ để xem những nhà khoa học xã hội nên gọi vấn đề vụng trộm này là gì. Khi viết về vấn đề này trong những tập san chuyên đề và các ấn phẩm giáo dục, họ thường cố gắng tỏ thái độ trung lập về phương diện đạo đức. Nhưng Giami thậm chí không thoải mái với những ngôn từ hàm ý việc người được phỏng vấn đã kết hôn chưa, hay có thích quan hệ tình dục với nhiều người không hay mối quan hệ vụng trộm có quan trọng hơn hôn nhân chính thức hay không. Ông ta yêu cầu dùng một cụm từ mà theo tôi nó nghe giống như tính toán hơn là chuyện tình dục: “Chúng tôi gọi đó là nhiều mối quan hệ song song cùng lúc”.

Các học giả có vẻ rất hứng thú trong việc đặt ra các tên gọi hấp dẫn mới mẻ. Nếu tôi có lăng nhăng thì sẽ nói với chồng mình là tôi chỉ tham gia vào “mạng lưới tình dục”, cụm từ này được các nhà nghiên cứu ở Nigeria sử dụng (trong đó các nữ nhân tình gọi tắt là SGFs, “steady girlfriends”, hay “bạn gái lâu dài”). Vào những năm 80, các học giả Mỹ thử tạo ra từ viết tắt EMC cho cụm từ “extramarital coitis” hay “giao cấu ngoài hôn nhân” nhưng không tồn tại lâu lắm vì nghe giống như một chứng bệnh y học. Không có học giả nào dùng từ “thông dâm” vì nghe có vẻ giống như một giọng nói tưởng tượng vang vọng xuống từ trên không trung “Mi đừng bao giờ thừa nhận.”

Nhưng những gì mà tất cả các cách biểu hiện này đề cập đến lại là một vấn đề khác. Một số khảo sát chỉ hỏi về chuyện “quan hệ tình dục” với người khác ngoài bạn đời của người được hỏi và mặc cho người trả lời quyết địnhý nghĩa của câu hỏi này. Một số khác cố gắng biểu đạt nó ở dạng một câu hỏi lạc quan như “Năm ngoái bạn có chung thủy một vợ một chồng không?” Trong một số trường hợp, tôi ước gì các câu hỏi ấy có thể mơ hồ hơn một chút. Vì khi nghĩ đến cách khảo sát vào năm 1990 ở Mỹ làm tôi cũng thấy đỏ mặt, họ tiến hành “gọi số điện thoại bất kì” và hỏi người nghe máy rằng, “Suốt năm vừa rồi bạn đã quan hệ tình dục trực tiếp và qua đường miệng với bao nhiêu người?”

Một số câu hỏi khác lại tác động đến tâm trạng. Một khảo sát vào năm 1992 ở Mỹ định nghĩa tình dục là “hành động tự nguyện từ hai phía, trong đó có tiếp xúc sinh dục và tạo hứng thú hoặc sự kích thích gợi dục gây nên trạng thái hưng phấn tột độ, cho dù không xảy ra hành động giao cấu hay không đạt được khoái cảm.” Đọc đến đây cũng đã đủ làm ta mường tượng đến việc lăng nhăng rồi.

Một số khảo sát rõ ràng chỉ mang tính chất tiêu khiển và không màng che giấu tính thiên kiến của chúng. Trong một bài báo điều tra dư luận ở Nam Phi, họ chia ra hai loại: đàn ông ngoại tình và đàn ông ngoại tình “trong lúc say xỉn.” Một bài thăm dò ý kiến ở Pháp lại chỉ đề cập đến “Phụ nữ ngoại tình để tiêu khiển,” trong đó họ được chọn 1 trong 3 loại tình nhân (lựa chọn được đánh nhiều nhất là “đàn ông cực kì vui tính, không cần phải đẹp mã hay thông minh”). Hầu hết sau khi cân nhắc, có một ô thứ tư cho phụ nữ nói rằng “tôi không lăng nhăng”.

Cuộc khảo sát về Sức khỏe và Cuộc sống gia đình vào năm 2000 ở Trung Quốc thì có một câu hỏi rằng “Trong xã hội ngày nay, một số người đã kết hôn có quan hệ tình dục với người khác ngoài bạn đời của mình (quan hệ ngoài hôn nhân, quan hệ với kẻ thứ ba). Bạn nghĩ rằng nên xét xử từng trường hợp hay tất cả bọn họ đều phải bị trừng phạt?”

Tại một đất nước như Trung Quốc, nghiên cứu về tình dục chỉ bắt đầu được tiến hành từ những năm 80 vì nghĩ đến việc phải ngồi đối diện với một người lạ và hé lộ ra chi tiết về đời sống tình dục của mình thì ai cũng mất hết cả nhuệ khí rồi. Vào giữa những năm 90, một học giả Trung Quốc tìm ra một sự thật trong thập kỉ trước là những đối tượng khảo sát đều cho rằng những người phỏng vấn nữ là “đàn bà hư hỏng”, còn những người phỏng vấn khác hỏi về chuyện tình dục vì chính bản thân họ đang tưởng tượng về hành động ấy. Học giả này còn cho biết khi hỏi đến các vấn đề tình dục thì “hầu hết phụ nữ đều cảm thấy buồn nôn.”

Những vấn đề này không giúp ích được nhiều cho biểu đồ ngoại tình của tôi. Làm sao tôi có thể so sánh chuyện ngoại tình ở các quốc gia khác nhau nếu như họ không thống kê cùng một thứ cơ chứ? Một số khảo sát hỏi về chuyện người ta ngoại tình trong hôn nhân hay cả trong quá trình đang ăn ở như vợ chồng với một người khác. Số khác thì chỉ khảo sát chuyện xảy ra trong vòng một năm trước đó vì cho rằng người ta sẽ nhớ những việc ngắn hạn tốt hơn. Một số bài trưng cầu ý kiến chỉ tập trung vào việc người ta có quan hệ tình dục hay không mà lại không đề cập đến hàng ngàn người khác chỉ quan hệ bằng miệng, hay trao nhau những nụ hôn nồng cháy trong bãi gửi xe. Chẳng phải những trường hợp đó cũng được tính là ngoại tình sao?

Những nhà nghiên cứu luôn làm mọi cách để thuyết phục đối tượng của mình khai ra sự thật. Họ sẽ hỏi cùng một câu hỏi bằng nhiều cách hoặc trong những thời điểm khác nhau trong cuộc phỏng vấn để xem những câu trả lời có nhất quán hay không. Một số người viết những câu hỏi nhạy cảm vào máy tính cá nhân và để cho đối tượng phỏng vấn tự điền vào câu trả lời, bằng cách này họ sẽ không phải “trực tiếp thú nhận” với người phỏng vấn. Trong một nghiên cứu vào giữa những năm 90, những người phỏng vấn thường yêu cầu bạn đời của đối tượng phỏng vấn lấy giúp mình cốc nước nhằm đẩy họ ra khỏi tầm nghe ngóng rồi lợi dụng thời cơ đó để hỏi hàng loạt các câu hỏi về tình dục.

Trong một cuộc khảo sát ở Trung Quốc vào năm 2000, các nhà nghiên cứu đã mời đối tượng phỏng vấn ra khỏi nhà, nhưng cách sắp xếp của họ lại gợi lên sự tò mò như đang dụ dỗ vậy: “Theo một quy luật nhất định, chúng tôi mời đối tượng phỏng vấn đến khách sạn được sắp đặt trước, và gặp người phỏng vấn cùng phái trong phòng kín để trao đổi trực tiếp; trong quá trình này, người phỏng vấn sẽ dùng mọi cách để làm đối tượng của mình cung cấp những câu trả lời trung thực nhất.” Vào những năm 90 ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago tìm hiểu các đối tượng trước khi phỏng vấn và rút ra kết luận là người Mỹ thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi trao đổi về vấn đề tình dục với những phụ nữ da trắng trung niên. Vì vậy họ bèn thuê một trung đội các phụ nữ theo tiêu chuẩn đó và huấn luyện để họ không nao núng khi các đối tượng phỏng vấn dùng “tiếng lóng” hoặc miêu tả chi tiết về những trải nghiệm tình dục của mình.

Dĩ nhiên, ngay cả những cuộc điều tra dư luận hoàn hảo nhất cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu như người đi thăm dò ý kiến không nhắm đến những đối tượng phỏng vấn phù hợp. Theo Thống kê 101: Mọi người trong nhóm đối tượng nghiên cứu phải được hoặc ít nhất là có cơ hội được chọn lựa. Theo cách này, thường được gọi là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, chúng ta sẽ phải lập nên một danh sách các đối tượng phù hợp sau đó chọn lựa ngẫu nhiên vô điều kiện hoặc tùy theo độ tuổi, giới tính để phỏng vấn. Nếu như bạn làm vậy với những người bộ hành ngẫu nhiên trên đường phố Paris thì kết quả sẽ không chắc chắn phản ánh điều gì về người dân ở đấy cả. Những người thường đi trên con đường đó sẽ có nhiều khả năng được mời phỏng vấn hơn số dân còn lại trong thành phố, và họ có thể có những cách cảm nhận và thói quen khác với người dân xung quanh mình. Một mẫu được chọn lựa ngẫu nhiên trong trường hợp này là một người dân Paris bất kì, người này sẽ là đại diện cho toàn thể nhân dân Paris vì mọi người dân ở đây đều có khả năng được mời phỏng vấn.

Cũng tương tự như trên nếu những đối tượng nghiên cứu tự nguyện chấp nhận phỏng vấn. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là Cuộc Khảo sát Tình dục Toàn cầu vào năm 2005 thực hiện bởi công ty Durex ở Anh chuyên sản xuất bao cao su. Durex dùng khảo sát này để cho ra một danh sách tổng hợp về ngoại tình mà tôi luôn mơ ước. Công ty này đã xếp hạng được tỉ lệ lăng nhăng của 41 quốc gia, cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (58% người dân thú nhận mình đã vụng trộm) đến thấp nhất là Israel (7%).

Durex cho biết kết quả này dựa trên sự khảo sát của 317.000 người. Nhưng tất cả bọn họ đều tự nguyện vào trang web của Durex rồi điền thông tin vào bảng khảo sát trực tuyến. Một số người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhiệt tình có thể tự vào lại hàng trăm lần. Vì vậy, khảo sát này chỉ đem lại một thông tin chính xác nhất là những người tham gia đa phần là thanh thiếu niên; lý do là trong một câu hỏi thì một phần ba trong số họ đã trả lời rằng rất thích lén vào phòng ngủ của bố mẹ để làm tình.

Những nghiên cứu hàn lâm về chuyện ngoại tình cũng gặp trở ngại tương tự vì những người nghiên cứu không được tài trợ để thực hiện những khảo sát có quy mô lớn. Vào năm 1992, Shirley Glass (mẹ của Ira Glass – Phát thanh viên đảm nhiệm chương trình ra-đi-ô công cộng) – một nhà tâm lý học uy tín – đã phải dùng đến phương thức đưa thư tay các mẫu khảo sát cho những người da trắng tại Sân bay Quốc tế Baltimore ở Washington và trong giờ ăn trưa vội vã ở bãi đậu xe văn phòng của Baltimore để thực hiện cuộc điều tra vì sao người ta lại vụng trộm. Kết quả thu được này có thể phản ánh vài điều về những con người đó, bất kể họ là ai, nhưng chúng không thể dùng để đưa ra lời nhận xét khái quát cho tất cả những người khác được. (Những phụ nữ tiêu biểu được phỏng vấn cố hết sức biện minh cho việc ngoại tình là do họ đã đem lòng yêu tình nhân của mình, trong khi hầu hết các đấng ông chồng đơn giản thanh minh rằng “hứng thú tình dục” là nguyên nhân vụng trộm. Ngoài ra chẳng còn minh chứng nào chỉ ra rạch ròi lý do ngoại tình của họ cả.)

Đến khi được biết đến Dự án Miêu tả Tình dục Toàn cầu, trong đó họ phỏng vấn người dân của 65 quốc gia, tôi thật sự cảm thấy hào hứng. Tạp chí Psychology Today trích dẫn lại những khám phá về xu hướng “cuỗm người tình” trên toàn cầu. Nhưng theo thực tế những người quản lý nghiên cứu này xác nhận lại thì đa số đối tượng phỏng vấn lại được chọn lọc ra từ những sinh viên đại học. Nhiều nơi có quá ít người chịu làm khảo sát đến nỗi các nhà nghiên cứu phải nhóm các nước Châu Phi lại thành một, và sau đó là phải nhóm đến cả các nước Nam Mỹ lại với nhau.

Khi các học giả muốn chứng minh tầm quan trọng của việc nghiên cứu về vấn đề ngoại tình, họ thường trích dẫn từ bài báo tên “Những nguyên nhân gây tan vỡ hôn nhân: Nghiên cứu giao thoa văn hóa,” trong đó nhà nhân loại học Laura Betzig đã chỉ ra rằng ngoại tình là nguyên do chủ yếu dẫn đến việc ly dị ở 186 nền văn hóa khác nhau. Rốt cuộc khi tôi đọc qua bài báo này thì thật sự nó không đủ cơ sở để phản ánh lối sinh hoạt của người dân sống trong các nước công nghiệp ngày nay. Những nền văn hóa mà Betzig miêu tả hầu hết thuộc các nhóm bản địa như Bella Coola, Yurok, và Posmo sống ở Bắc Mỹ; hơn nữa, bà chỉ dựa vào những thống kê hẹn hò ở thế kỷ 19 thôi.

***

ĐIỀU AN ỦI cho tôi trên hành trình tìm các số liệu thống kê là tôi đã biết được các con số của nước Mỹ: Một nửa đàn ông và một phần tư phụ nữ đã từng lừa dối bạn đời của mình. Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi cũng không rõ những con số này ở đâu ra nhưng tôi nghe thiên hạ bàn tán quá nhiều nên có vẻ như nó là sự thật.

Đến khi bắt đầu đào xới các số liệu khoa học về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân, thì các con số này cũng xuất hiện rất nhiều. Nguồn này tôi lấy từ Alfred Kinsey ở Đại học Indiana, ông từng là nhà động vật học chuyển sang thành nhà tình dục học và đã cho xuất bản nghiên cứu nổi tiếng về tình dục ở Mỹ vào năm 1948 và 1953. Những kết quả thực tế của Kinsey lại còn chính xác hơn những gì thường được trích dẫn: 50% đàn ông và 26% phụ nữ đã từng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở độ tuổi 40.

Cả nước Mỹ thực sự bị sốc khi Kinsey công bố những con số này. Mặc dù thật khó tưởng tượng được có nhiều người lăng nhăng quanh mình đến mức như vậy, nhưng đây là những thống kê đầu tiên về vấn đề này nên cũng chẳng có cái gì khác để đối chiếu. Bởi thế, những số liệu này bám chặt vào trí tưởng tượng chung của dân Mỹ và hình thành một ý niệm bất di bất dịch rằng ngoại tình là thảm họa quốc gia. Nhìn lại phần nghiên cứu của mình tôi thấy nhiều chuyên gia vẫn trích dẫn lại số liệu này.

Vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra những số liệu của Kinsey rất có vấn đề. Mặc dù phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên là tiêu chuẩn hàng đầu vào những năm 30 nhưng nghiên cứu về tình dục vẫn còn quá mới mẻ nên lúc đó Kinsey cho rằng những đối tượng Mỹ được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ không sẵn lòng thảo luận về đời sống tình dục của họ. Thay vào đó, ông cùng đội ngũ của mình đi vòng quanh nước Mỹ và thuyết phục những người họ gặp mặt chấp nhận ngồi xuống để kể lại những trường hợp trong quá khứ họ đã trải qua. Hầu hết dữ liệu Kinsey thu thập được đều lấy từ khoảng 18.000 người, đa số họ đều là người da trắng và trẻ tuổi. Nhằm bù đắp cho “sự thiên vị của tình nguyện viên” của mình, Kinsey đã phỏng vấn tất cả những người thuộc các nhóm phân loại. Nhưng xét cho cùng, các phân loại đó cũng do tự Kinsey đặt ra thôi. Vì thế, chẳng có lý do nào để tin tưởng rằng các đối tượng phỏng vấn của Kinsey có thể đại diện cho toàn thể dân Mỹ mà chỉ có thể cho chính họ thôi. Vào đầu những năm 50, một thành viên trong nhóm phê bình của Hiệp hội Thống kê Hoa Kỳ từng bảo Kinsey rằng: “Tôi sẽ trao đổi 18.000 bệnh sử đó bằng 400 mẫu xác suất thống kê.”

Vào những thập kỉ sau đó, nhiều khảo sát không rõ ràng vẫn củng cố thêm cho những số liệu của Kinsey hoặc còn “tìm ra” thêm tỉ lệ ngoại tình cao hơn thế nữa. Các cuốn tạp chí khảo sát độc giả của họ và cho ra những con số thái quá (Tạp chí Cosmopolitan xác nhận rằng có 69% phụ nữ có gia đình tuổi ngoài 35 đã vụng trộm). Vào những năm 70, các nhà tình dục học tự xưng như Shere Hite đưa ra cả đống khảo sát cho phụ nữ trong các nhóm chính trị và đăng quảng cáo trên các tạp chí phụ nữ. Những kết quả của họ rất buồn cười và được đăng tải trên nhiều báo, nhưng cũng rất mơ hồ. Hite cho rằng có 72% đàn ông ngoại tình, rồi trong cuộc khảo sát sau đó bà lại tuyên bố có 70% phụ nữ kết hôn sau 5 năm trở lên đã vụng trộm.

Nhưng các khảo sát này là tất cả những gì mọi người biết đến. Khi các nhà khoa học phát hiện ra vi-rút HIV vào năm 1984, họ phải dùng thống kê của Kinsey để ước định các đường lây nhiễm của vi-rút qua con người, trong đó nguy cơ cao nhất là ngoại tình và quan hệ tình dục qua hậu môn; những điều này được Julia Ericksen viết trong cuốn Hôn rồi nói (Kiss and Tell) của bà.

Các nhà nghiên cứu cần thêm những dữ liệu mới, nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng có vẻ lưỡng lự khi bàn luận về tình dục giống như chính phủ Xô-viết. Khi nghị viện chính phủ Hoa Kì yêu cầu các đề án thiết kế một khảo sát tình dục vào năm 1987, họ đã đặt cho dự án này một cái tên rất hoa mỹ là Những khía cạnh mang tính xã hội và hành vi của Khả năng sinh sản Liên quan tới các Tư cách đạo đức. Không có từ “tình dục” nào được nhắc đến trong các đề án. Sau đó, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học ở Trung Tâm Nghiên cứu Quan điểm Quốc gia tại Chicago đã giành được đề án này. Nhưng mặc dù đã duyệt chi phí cho nghiên cứu, những quan chức bảo thủ thuộc đảng Cộng Hòa trong Quốc hội lại cố gắng ngăn cản. Thượng nghị sĩ Jesse Helms của Bắc Carolina và những người khác miêu tả cuộc khảo sát như một âm mưu hợp thức hóa những mối quan hệ đồng tính, họ bắt các nhà nghiên cứu loại bỏ các câu hỏi về chuyện thủ dâm và không chất vấn những người tự nhận mình chung thủy một vợ một chồng. Nhưng những sự nhượng bộ này cũng không thấm vào đâu. Đến năm 1992 thì nguồn tài trợ cho khảo sát chính thức bị đình chỉ.

***

NGAY VÀO LÚC tôi bắt đầu cảm thấy chán nản trong việc tự lập cho mình bảng xếp hạng tỉ lệ về ngoại tình thì lại được biết về Phần Lan. Phần Lan được xếp hạng đầu trong các nghiên cứu tình dục ở Châu Âu. Người Thụy Điển đi đầu trong việc làm khảo sát tình dục quốc gia bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên vào năm 1967 nhưng người Phần Lan làm theo vào năm 1970 và luôn theo dõi về khả năng xuất tinh, rối loạn cương dương và quan hệ ngoài hôn nhân của dân chúng cho đến ngày nay.

Họ là những nhà cải cách trong lĩnh vực này. Để thực hiện khảo sát vào năm 1970, các nhà nghiên cứu Phần Lan phái những cô y tá mặc đồng phục đến gõ cửa từng nhà để phỏng vấn và 91% trong số đó chấp nhận trả lời. Osmo Kontula, người lãnh đạo công cuộc khảo sát quốc tế của Phần Lan vào năm 1992 và 1999 cho biết, “Một khi thấy y tá đến bấm chuông thì người ta khó có thể đuổi đi.”

Có rất nhiều vấn đề về tình dục có thể nghiên cứu. Một cuộc trưng cầu ý kiến vào năm 1999 cho thấy 41% đàn ông Phần Lan và 1/3 phụ nữ cho biết họ có “mối quan hệ song song” trong đời mình. Vào năm 1992, tỉ lệ này của đàn ông là 52, còn của phụ nữ là 29. Mặc dù tôi không ý thức về bối cảnh toàn cầu lắm, nhưng những con số này làm tôi hơi choáng vì con người ngoại tình quá nhiều.

Kontula cho biết, người Phần Lan không nói nước đôi về tình dục vì học cách nhìn nhận nó như một kinh nghiệm tích cực. Không giống như các nơi còn lại ở vùng Scandinavia, truyền thông của Phần Lan không chú trọng đến những hiểm họa phát sinh từ tình dục như bệnh tật hay mang thai ngoài ý muốn. Hơn nữa, người Phần Lan đi du lịch rất nhiều, điều này cũng góp phần tạo cơ hội cho họ ngoại tình. Tôi thật sự choáng khi đọc được những hồi ký tình dục mà Kontula và các đồng sự thu thập được. Trong đó, không như người Mỹ, người Phần Lan lại không cho rằng khi con người ở với nhau càng lâu thì tình dục chắc hẳn sẽ dần trở nên nhàm chán, ngược lại, hầu hết đều nghĩ rằng nó sẽ càng mặn nồng hơn.

Hiện nay, Kontula đang công tác trong Học viện Nghiên cứu Dân số ở Helsinki, ông cho biết, “Dĩ nhiên con người lúc nào cũng thiên về chiều hướng chung thủy với bạn đời của mình. Nhưng khi có cơ hội và cảm thấy rằng sẽ không có ai phát hiện ra thì họ khó có thể cưỡng lại được sự cám dỗ này. Những trải nghiệm này luôn được đánh giá theo chiều hướng tích cực và mang giá trị nhất định.”

Trong hồi ký ghi lại một đêm đi giải khuây cùng đồng nghiệp của một viên cảnh sát đã lập gia đình cùng 3 con nhỏ: “Sau khi xông hơi và ngồi tán gẫu, chúng tôi cùng nhau vào chơi ở một quán bar địa phương, hòa mình vào tiếng nhạc và hơi men… Ở đó tôi để ý đến một cô y tá ngồi cạnh mình. Rõ ràng cô lớn tuổi hơn tôi và tôi biết cô ấy vừa ly dị. Tôi mời cô ấy nhảy một bản rồi ghì chặt cô ấy vào mình đầy thèm muốn. Thật ra cô ấy không đẹp lắm, không bằng vợ tôi nữa, nhưng có gì đó ở cô ấy làm dục vọng trong tôi chợt dâng trào. Sau đó tôi cứ lải nhải yêu cầu cô ấy pha cho mình một ấm cà phê…”

Chắc chắn phải có gì đó ẩn chứa trong phần lạnh lẽo này của thế giới. Tôi đã lần mò tìm ra một nghiên cứu vào năm 1996 ở St. Petersburg, phải mất 5 tiếng đồng hồ đi tàu hỏa từ Helsinki để đến được đó. St. Petersburg không thể đại diện hết cho toàn nước Nga, nhưng kết quả nghiên cứu ở đây lại cho thấy rằng những thống kê toàn quốc của Nga có thể rất ghê gớm. Khoảng 55% đàn ông và 26% phụ nữ thừa nhận rằng họ có “quan hệ tình dục ngoài hôn nhân” song song với cuộc sống gia đình của mình.

Rốt cuộc cũng đến lượt nước Mỹ thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc thật sự. Vào năm 1998, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm Quốc gia đã thêm vào câu hỏi về số lượng nhân tình trong năm qua vào Khảo sát Toàn diện Xã hội, đây là một cuộc khảo sát có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể các hộ dân ở Mỹ mà họ vẫn tổ chức một hay hai năm một lần từ 1972 đến nay. Đến năm 1991 thì họ bắt đầu đưa vào câu hỏi về chuyện người dân có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay không.

Những kết quả thu được nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì Kinsey hay những nhà nghiên cứu tiếp bước ông từng tưởng tượng ra. Vào năm 1991, chỉ có 21% đàn ông và 10% phụ nữ Mỹ cho biết có quan hệ tình dục với người không phải bạn đời của mình. Con số có tăng lên trong một vài cuộc trưng cầu ý kiến sau đó nhưng không đến nỗi cao như số liệu của Kinsey. Đến năm 2004, 21% đàn ông và 12% phụ nữ – tổng cộng lại chỉ chiếm 16% số người trưởng thành Mỹ – thừa nhận rằng mình có sa ngã ít nhất một lần. Trung bình tính ra, trong một cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm người ta sẽ lỡ lầm một lần.

Khi hỏi rằng người ta có nhân tình hay không trong một năm trở về đây cũng có thể tính luôn khoảng thời gian trước khi họ kết hôn. Nhưng tôi muốn biết về thống kê tỉ lệ ngoại tình “trong cả cuộc đời” hơn vì trong chuyện chăn gối, kí ức sẽ phai mờ, còn hôn nhân thì đến rồi lại đi. Theo tôi nghĩ, dĩ nhiên nhắc về chuyện lăng nhăng hai mươi năm trước thì ai mà nhớ nổi, còn người bồ mới quen năm ngoái thì chắc chắn phải còn nằm trong tâm trí rồi.

Nếu tính theo chu kì một năm như vậy thì dân Mỹ có vẻ thật tiết hạnh. Vào năm 1991, chỉ có 5,4% đàn ông và 3,4% phụ nữ có gia đình cho biết trong một năm vừa qua họ có nhân tình. Đến năm 2004, tỉ lệ này chỉ còn 4% đàn ông và 3% phụ nữ. Điều này rõ ràng cho thấy người Mỹ không phải là thứ dân ham ngoại tình với những mối quan hệ tình dục bí ẩn. Thực tế, chúng tôi chỉ là loại người chung thủy theo chế độ một vợ chồng.

Tuy vậy cũng chẳng có cách nào chứng minh được những con số này phản ánh thực tế cách sống của dân Mỹ. Nhưng các nhà khảo sát cũng được khích lệ khi thấy số liệu về tỉ lệ ngoại tình trong Khảo sát Toàn diện Xã hội phù hợp với hầu hết với các thống kê trong Khảo sát Sức khỏe và Cuộc sống Xã hội trên toàn quốc, cuộc khảo sát về tình dục trên toàn quốc này được thực hiện vào năm 1994 bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học Chicago với nguồn tài trợ tự huy động.

Ngay sau đó, các nhà xã hội học khác bắt tay vào phân tích ngay dữ liệu thô lấy từ những cuộc khảo sát toàn quốc này. Đây là lần đầu tiên họ khảo sát dựa trên số liệu thực tế về những đối tượng và thời điểm ngoại tình. Một nhóm nghiên cứu khẳng định rằng phụ nữ thường có xu hướng lạc lối trong độ tuổi hai mươi, còn đàn ông thì trong độ tuổi 30. Đến tuổi trung niên thì có sự khác biệt rõ ràng. Một phụ nữ vào thời điểm năm ngoái có thể còn có khả năng ngoại tình, nhưng qua năm nay, khi bà ta 50 tuổi thì điều này chắc chắn không còn xảy ra nữa.

Năm trước, tỉ lệ ngoại tình của đàn ông ổn định ở mức hơn 3% trong độ tuổi 40 và 50, nhưng bắt đầu giảm khi bước vào độ tuổi 60. Tuy nhiên, ngay khi bạn nghĩ những lão già ấy chịu neo mình lại thì họ lại bắt đầu trỗi dậy. Khoảng 3% đàn ông có gia đình ở độ tuổi 70 cho biết họ có nhân tình trong năm rồi. Điều này có vẻ giống như một trường hợp kinh điển: Sau độ tuổi 65, cứ 3 người đàn ông sẽ có 4 người phụ nữ, và khoảng cách giữa hai giới ngày càng xa hơn khi người ta già đi.

Nhưng tất cả những người lớn sung sức của mọi sắc tộc cộng lại cũng không thể bằng với những người Mỹ gốc Phi. Vào khoảng thời gian từ 1988 đến 2004, 7,4% người da đen và 3,1% người da trắng đã kết hôn cho biết họ đã từng quan hệ ngoài giá thú với ít nhất với một người trong năm qua. Còn trong một cuộc khảo sát vào năm 1994, 12% đàn ông da đen bảo họ đã ngoại tình trong một năm qua, trong khi tỉ lệ ở đàn ông da trắng là 3%. Về phụ nữ, tỉ lệ phụ nữ da đen là 7%, còn da trắng chỉ hơn 1%.

Mặc dù vậy, không có dữ liệu xác đáng nào cho thấy việc ngoại tình thường dẫn đến li dị nhưng cũng chẳng lạ lùng gì khi chúng ta nhận thấy được sự liên quan chặt chẽ giữa chúng. Cuộc Khảo sát Toàn diện Xã hội từ năm 1991 đến 2004 cho thấy 10,5% người dân đã từng kết hôn và 11% những người góa chồng/vợ bảo họ từng ngoại tình. Tuy nhiên, lại có 31% những người đã li dị và 22% những người đã tái hôn cho biết họ từng lừa dối bạn đời của mình. Còn những người bảo mình đang “ly thân” chính là thành phần lăng nhăng nhất: 40% trong số họ thừa nhận mình đã quan hệ ngoài giá thú.

Địa điểm cũng là một yếu tố cần quan tâm. Theo Khảo sát Toàn diện Xã hội, người dân ở 12 thành phố lớn nhất của Mỹ có tỉ lệ ngoại tình lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ 1988 đến 2004. Khoảng 6% người dân ở thành phố lớn từng vụng trộm trong năm qua, tỉ lệ dân ngoại thành là 3%, còn người dân nông thôn chỉ có 2,6%.

Nhưng giới thượng lưu ở thành thị không phải là đối tượng ngoại tình chủ yếu. Theo những thống kê mới nhất, những người Mỹ thuộc tầng lớp thấp lại chiếm tỉ lệ vụng trộm chênh lệch hơn nhiều. Những hộ dân có thu nhập hằng năm dưới 10.000 USD có tỉ lệ ngoại tình gấp đôi so với những hộ có thu nhập trên 60.000 USD. Tương tự như vậy, những người chưa từng tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm tỉ lệ ngoại tình cao nhất (5,2%), sau đó đến những người đã tốt nghiệp trung cấp (3,4%) và những người tốt nghiệp cao đẳng (3,6%). Những người có bằng cử nhân thì con số này là 2,5%, còn những người tốt nghiệp đại học chiếm 3%, đây là đối tượng chung thủy nhất trong năm qua. Mặc dù vậy, tỉ lệ ngoại tình trong cả cuộc đời thì đều như nhau, không phân biệt trình độ học vấn.

Những thống kê về phụ nữ trong phạm trù này luôn được quan tâm nhất. Những biên tập viên của tạp chí luôn thích thú chuyện vụng trộm của các bà. Tôi đã từng thấy các phiên bản của “phụ nữ ngày càng ngoại tình nhiều hơn” ở Nhật, Nga, Brazil và Pháp; dĩ nhiên nó cũng sẽ tồn tại ở các quốc gia khác. Một phiên bản ở Mỹ là câu chuyện trên trang bìa của tờ Newsweek vào ngày 12/7/2005 với cái tựa rất kêu “Thâm cung bí sử của các phu nhân.” Câu chuyện đề cập đến việc các bà ngày nay đang xâm chiếm những lĩnh vực mà trước đây thuộc về các đức ông chồng. Tờ Newsweek giải thích việc này rằng: thời nay, các bà có nhiều cơ hội để gặp gỡ những đối tượng có thể trở thành tình nhân của họ ở nơi làm việc, và hơn nữa, họ đủ can đảm lao vào một cuộc phiêu lưu tình ái vì có nguồn thu nhập riêng của bản thân để tự lo cho mình một khi hôn nhân đổ vỡ. Người viết còn đề cập đến những người phụ nữ thích chơi bời tiêu khiển, thường là với huấn luyện viên cá nhân và những người giúp việc khác; điều mà trước đây chỉ có đàn ông thích làm. Họ còn trích dẫn những thống kê từ các khảo sát tình dục mới, qua đó, chúng ta được biết từ năm 1991 đến 2002, tỉ lệ không chung thủy của các bà đã nâng từ 10% lên 15%. Trong cùng khoảng thời gian đó, cấp độ ngoại tình của các ông có mức độ tăng trưởng thấp hơn nhiều, từ 21% lên 22% và chỉ bắt đầu tăng từ năm 1996.

Khi quan sát kĩ lại những con số thông kê của Mỹ, tôi thấy rằng “xu hướng” này ở Mỹ có vẻ không khác biệt đến vậy. Từ bốn cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện từ 1991 đến 1996, dựa vào đàn ông và phụ nữ dưới 40 tuổi có tỉ lệ ngoại tình ngang nhau, dựa vào một nghiên cứu chính thức có tên “Hiểu về ngoại tình: dựa theo sự tương quan với Mẫu thử nghiệm Ngẫu nhiên Toàn quốc.” Vào cuộc khảo sát năm 1992 ở Mỹ, phụ nữ từ 18 đến 29 tuổi có tỉ lệ ngoại tình cao hơn đàn ông cùng độ tuổi.

Ngay sau khi câu chuyện trên Newsweek được đăng tải thì những số liệu thống kê về ngoại tình của năm 2004 cũng được công bố. Kết quả cho thấy tỉ lệ ngoại tình cả đời đã giảm vào năm 2004, chỉ còn 11,7% so với 12,8% vào năm 1993. Còn tỉ lệ ngoại tình một năm về trước của năm 2004 thì tương đương với năm 1988 (3,1% so với 2,8%). Nói cách khác, không có minh chứng nào cho thấy tỉ lệ ngoại tình của phụ nữ đã nhảy vọt từ những năm 90. Tom W. Smith, giám đốc của cuộc Khảo sát Toàn diện Xã hội phát biểu, “Những khác biệt giữa các con số thống kê không đủ để ta có thể nhận định rằng tỉ lệ này đã tăng lên.”

Cũng chẳng có những bằng chứng rõ ràng nào cho thấy rằng các bà đã ngoại tình nhiều hơn trước. Tôi chờ đợi những thay đổi lớn trong cách ứng xử của các bà khi nói về ngoại tình, chẳng hạn như chuyện họ biện minh cho sai phạm của mình. Nhưng từ năm 1991 đến 2001, khoảng thời gian các bà có xu hướng thoát khỏi sự kìm kẹp của hôn nhân một vợ một chồng, thì người dân Mỹ lại càng phản ứng mạnh mẽ hơn với chuyện ngoại tình.

Cũng khó biết được rằng liệu phụ nữ đi làm sẽ có nhiều điều kiện để ngoại tình hơn như tờ Newsweek khẳng định hay không. Tỉ lệ các bà ngoại tình tăng vọt vào những năm 70 và 80. Nhưng nên nhớ rằng, những thống kê về tình dục đáng tin cậy chỉ xuất hiện từ năm 1988, vì vậy chẳng có cách nào để biết rõ các bà ngày nay có lăng nhăng hơn thời những năm 70 hay không. Trong chương sau, các bạn sẽ thấy rằng một số phụ nữ ở độ tuổi 70 ngày nay diễn tả những năm 60 và 70 là thời hoàng kim của ngoại tình, và họ không thể tin nổi cái kiểu cách đoan trang của con cái mình ngày nay. Những người phụ nữ này có nhiều thời gian để vụng trộm hơn vì họ không phải làm báo cáo cho công ty mỗi ngày. Ngay khi đối chiếu với khảo sát tình dục vào năm 1991 ở Mỹ, ngoại tình thường xảy ra với những người quanh quẩn ở nhà hơn; khi bạn đời của họ đi làm, một mình ở nhà nhàn rỗi thì khả năng ngoại tình lại cao hơn.

***

SĂN TÌM CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ về ngoại tình chẳng khác nào đuổi hình bắt bóng. Cứ mỗi lần tôi tìm thấy một nghiên cứu có vẻ đầy hứa hẹn thì những con số lại không chính xác; tuy nhiên, danh sách tham khảo của nó lại trích dẫn bốn hay năm bài nghiên cứu khác có hơi hướng triển vọng. Vì vậy tôi lại tiếp tục tìm đọc chúng, tôi đã phải tiêu cả gia tài để trả phí tải chúng về hay phải nài nỉ anh bạn David đang làm việc ở Thư viện Công cộng New York gửi chúng bằng email hay thư từ đến Paris cho tôi. Rốt cuộc, những bài viết mới này cũng không có những con số thống kê, nhưng tương tự, chúng lại có những danh sách tham khảo có vẻ hữu ích. Thế là tôi lại tiếp tục theo đuổi chúng.

Vòng bám đuổi này cứ luẩn quẩn suốt nhiều tháng trời đến khi tôi nhận được bì thư từ David. Bên trong có bài viết từ năm 1995 với tựa đề “Hành xử về tình dục ở các nước phát triển: Những liên quan đến vấn đề kiểm soát bệnh HIV.” Ở trang 2 có biểu đồ thể hiện số lượng những bạn tình “không thường xuyên” tại 18 thành phố mà các ông các bà đã qua lại 12 tháng trước khi cuộc khảo sát diễn ra. Hầu hết các thành phố này đều thuộc châu Phi, nhưng cũng có cả Hong Kong, Thái Lan, Sri Lanka và Rio de Janeiro. Họ đều dùng phương pháp lựa chọn mẫu ngẫu nhiên và đều dùng những câu hỏi giống nhau ở mọi thành phố, vì vậy việc đối chiếu kết quả trở nên dễ dàng hơn.

Biểu đồ này không thể hiện thứ hạng của việc ngoại tình ở các thành phố trên vì đối tượng phỏng vấn bao gồm cả những người độc thân. Nhưng đây là minh chứng cho thấy còn có nhiều nhà khoa học đang tìm kiếm những số liệu này giống như tôi và bảng xếp hạng ngoại tình toàn cầu của tôi có thể đã bao gồm trên 3 quốc gia. Tôi chợt cảm thấy hưng phấn đến tột độ, chân tay cuống cả lên. Lỡ tôi đánh mất mấy bài viết này và không nhớ nổi tựa đề thì sao? Lỡ như mưa tạt qua cửa sổ làm chúng ướt nhòa hết thì sao?

Tôi vội vàng gửi email cho một trong những tác giả của bài viết, ông ấy là một vị tai to mặt lớn ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới ở London danh tiếng. Hỏi rằng liệu ông ấy có đang sở hữu các số liệu về các cặp vợ chồng hoặc cặp đôi sống chung không? Ông trả lời và bảo tôi có thể liên lạc với Martine, một đồng nghiệp của ông đang chuẩn bị cho một bài viết với nhiều dữ liệu gần đây hơn. Vậy là có những số liệu mới sao? Tôi lại nín thở viết cho Martine, cô ấy hẳn đang rất bận cho bài nghiên cứu mới ấy, nhưng nếu tôi kiên trì liên lạc trong nhiều tuần chắc sẽ có được số liệu này mà thôi.

Ngày ấy, tôi cố gắng viết cho cô với giọng điệu thật bình thường:

“Xin chào Martine,

Mong rằng việc viết lách của cô vẫn diễn ra tốt đẹp – tôi rất đồng cảm với lượng thời gian cô đầu tư vào việc này. Có thể tôi đang làm phiền nhưng cô có thể chia sẻ cho tôi số người ĐÃ KẾT HÔN và có thêm nhân tình trong năm qua mà cô đã tính ra được không…”

Cô chuyển thư tôi cho đồng nghiệp Emma, và cô này trả lời cho tôi ngay ngày hôm sau:

“Xin chào Pamela,

Tôi có tính toán số lượng này cùng với 101 thứ khác nữa! Tôi gửi kèm cho cô một bảng biểu ghi lại tỉ lệ % những cặp vợ chồng hay cặp đôi chung sống cho biết họ có nhân tình trong năm qua nhé…”

Tôi thật sự nghe như có tiếng thiên thần khẽ hát trong khi tờ bảng biểu được mở ra. Trong đó bao gồm tỉ lệ ngoại tình của cả nam lẫn nữ ở 36 quốc gia, từ Armenia đến Zimbabwe. Đem bảng kết quả này ghép lại với những số liệu thống kê tôi đã thu thập rải rác ở các nơi khác có vẻ đã cho ra một bảng xếp hạng về ngoại tình toàn cầu. Nhưng bảng này chưa đầy đủ lắm vì không có Nhật, Ấn Độ và nhất là các nước châu Á và Trung Đông; hơn nữa, các dữ liệu cũng không hoàn toàn có thể so sánh được. Emma còn cảnh báo trước rằng tỉ lệ ở một số nơi có thể tăng cao vì chúng bao gồm cả những người theo chế độ đa thê, và trong các cuộc khảo sát về sau, những người phỏng vấn hay hối thúc người trả lời vì họ phải lặp lại cùng một số câu hỏi quá nhiều. Nhưng đối với những trở ngại lớn thường gặp phải trong việc nghiên cứu về tình dục thì bảng thống kê này cũng đã khá lắm rồi.

Số liệu Emma gửi cho tôi nêu ra mức độ ngoại tình đáng kinh ngạc ở các nước nghèo. Ở Nigeria, 15% các cặp vợ chồng và cặp đôi chung sống cho biết họ có nhân tình khác trong năm qua. Ở Haiti, 25% đàn ông thừa nhận điều này. Ở Bờ Biển Ngà và Cameroon là 36% đàn ông. Còn Togo, một quốc gia nằm ở phía Tây châu Phi có diện tích gần bằng miền Tây Virginia, thì xếp đầu bảng với 37%.

Những nhân tình Latin sống đúng theo tiếng tăm của họ. Tỉ lệ có nhân tình trong 12 tháng qua của đàn ông ở Bolivia là 8,6%, 12% cho Brazil và 13,5% cho Peru. Một khảo sát riêng rẽ vào năm 2001 dành cho đàn ông ở thành phố Mexico đẩy tỉ lệ ngoại tình ở đây lên đến 15%. Tôi cứ phải tự nhắc nhở mình rằng đây chỉ là những người đàn ông lạc bước trong năm trước. Tôi đang phải chú trọng vào tỉ lệ ngoài tình trong cả đời họ. Nếu như 29% đàn ông ở Mozambique lăng nhăng vào năm trước thì bao nhiêu trong số họ sẽ lạc bước cả đời? Tất cả bọn họ ư?

Trong phần cuối của biểu đồ bao gồm dân Úc, Mỹ và dân châu Âu. Thật ngạc nhiên khi thấy dân Mỹ chỉ nằm giữa bảng xếp hạng. Mặc dù đàn ông Ý nổi tiếng là những tay tán gái cự phách nhưng tỉ lệ 3,5% cả năm của họ lại thấp hơn đàn ông Mỹ với 4%. Còn đàn ông Thụy Sĩ chiếm 3% và Úc thì lượn lờ gần cuối bảng với 2,5%.

Nói về các bà thì lại là một cục diện hoàn toàn khác. Dựa theo danh sách này, trong khi các quý ông nghèo đói trên thế giới lang chạ với nhân tình bên ngoài thì bạn đời của họ lại thủ tiết ngoan ngoãn ở nhà. Trên toàn cầu, “nhân tố rủi ro” nhất cho việc ngoại tình đơn giản là các ông. Nhưng ở các nước nghèo thì tỉ lệ ngoại tình giữa các ông và các bà lại rất khác nhau. Trong cùng thời điểm thì 20% đàn ông ở Burkina Faso và Cộng hòa Dominica không chung thủy, trong khi đó chỉ có 1% các bà thừa nhận mình từng vụng trộm. Số quốc gia có trên 2% phụ nữ vụng trộm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn phụ nữ ở Nepal, Philippines và Mali lại chung thủy một cách kì lạ, tỉ lệ ngoại tình là con số 0 tròn trĩnh.

Ngược lại, phụ nữ ở các quốc gia phồn vinh lại có vẻ dễ lăng nhăng hơn ở các nước nghèo, nhưng tỉ lệ này cũng không khác biệt lắm.

***

VẤN ĐỀ NÀY ÁM ẢNH tất cả những nhà nghiên cứu về tình dục học ở khắp nơi. Vì sao số lượng phụ nữ ngoại tình lại ít hơn đàn ông? Chẳng lẽ các quý ông đã lập gia đình chỉ vụng trộm với phụ nữ độc thân hay với những cô nàng từ nơi khác đến? Hay theo vài nhà nghiên cứu vào những năm 1990 phát hiện ra rằng có một nhóm phụ nữ không tưởng, bao gồm gái điếm hoặc có thể là những cô nhân tình thời vụ, đang tồn tại quanh đây để phục vụ cho những người đàn ông đã lập gia đình?

Một khả năng khác có thể đề cập đến là những đối tượng phỏng vấn mắc phải chứng bệnh mà các nhà khoa học gọi là chứng “thiên vị bản thân”, hay nói đơn giản hơn là họ nói dối. Các ông thì phóng đại những cuộc chinh phục, còn các bà thì giấu nhẹm sai trái của mình đi, điều này cũng phù hợp với đặc điểm tính cách của từng giới. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ngay khi làm các cuộc trưng cầu dân ý khuyết danh thì người trả lời cũng phải đấu tranh để cho ra câu đáp “đúng”, mặc dù những lời đáp đó chẳng thực chút nào.

Hoặc có thể không phải mọi người đều nói dối mà chỉ có một số người nói dối quá mức thôi. Một học giả ở Anhnhận thấy rằng nếu loại những tên huênh hoang rằng mình đã từng quan hệ với hơn 20 cô trong đời ra thì tỉ lệ ngoại tình giữa hai giới tính có vẻ khá cân bằng nhau. Vì vậy, ông đề nghị loại bỏ hoàn toàn những nhân vật quá khác biệt này để tiến tới những con số thực tế hơn.

Một yếu tố thực tế liên quan đến chuyện ngoại tình là thời tiết. Nói chung, người dân ở các nơi ấm áp sẽ lăng nhăng hơn (Scandinavia và St. Peterburg là ngoại lệ.) Nhưng hầu hết, số liệu thống kê trên thế giới phân chia rạch ròi giữa các nước giàu nghèo; giàu thì vụng trộm ít hơn, còn nghèo thì tỉ lệ ngoại tình lại lên đến con số hàng chục. Tiền tài trong chuyện ngoại tình mang tính hai mặt như đường phân định ngày quốc tế. Xét ở mặt này bạn là kẻ lừa dối, lật qua mặt kia thì lại vô tội.

Chuyện gì cũng có ngoại lệ. Ở Kazakhstan, với một nửa dân số theo đạo Hồi và có thu nhập bình quân trên đầu người là 8.200 USD lại là quốc gia chung thủy nhất. Còn Nepal, với thu nhập bình quân là 1.400 USD cũng chung thủy không kém. Ngoài ra, đàn ông ở một số nước nghèo như Rwanda, Philippines, và Bangladesh có vẻ cũng khá chung thủy. Mặt khác, đàn ông Na-uy lại đang dần đạt đến tỉ lệ ngoại tình với con số hàng chục.

Theo quan sát của tôi, ngay cả người giàu sống ở những quốc gia nghèo cũng ngoại tình ngang ngửa hoặc hơn so với tầng lớp thu nhập thấp. Ở Brazil, các nhà nghiên cứu loại bỏ yếu tố thu nhập và rút ra rằng xu hướng ngoại tình của đàn ông phụ thuộc vào họ sống ở miền Nam hay miền Bắc. Qua đó cho thấy các quốc gia, đạo giáo hay ngay cả các vùng lân cận cũng có văn hóa tình dục khác nhau, chúng sẽ ảnh hưởng đến việc người dân có chung thủy một vợ một chồng hay không.

Dân Mỹ thường hay phản đối chuyện ngoại tình hơn các nước khác, nhưng xét theo hành động thực tế thì tỉ lệ vụng trộm tính theo đầu người cũng tương đương với các nước công nghiệp khác. Đồng thời, chúng tôi thường tự nghĩ nước mình toàn là những kẻ lăng nhăng vô độ, nhưng theo thực tế, nếu những số liệu thống kê này đáng tin thì chuyện quan hệ ngoài hôn nhân ở Mỹ lại hiếm xảy ra. Chỉ khoảng 16% dân Mỹ cho biết họ từng ngoại tình trong đời. Còn xét trong vòng 1 năm trở lại thì chỉ khoảng 3,5% thừa nhận có ngoại tình và tỉ lệ đó được giữ nguyên từ khi nước Mỹ bắt đầu lưu giữ các kỉ lục này từ năm 1988. Vì vậy chuyện ngoại tình không phải là một bệnh dịch dễ lây lan ở Mỹ mà chỉ là hành động sai trái của một phần dân số và xảy ra trong một thời gian nào đó mà thôi.

Vậy thì tại sao chuyện có nhiều người ngoại tình vẫn cứ luẩn quẩn suốt bấy lâu nay? Xin thưa, vì giống như bấtkì quốc gia nào khác, nước Mỹ không chỉ tồn tại một nền văn hóa tình dục, mà có rất nhiều là khác. Con người đâu chỉ làm theo các chương trình truyền hình hay lời khuyên của tổng thống để quyết định rằng có nên lừa dối bạn đời của mình hay không. Thực tế, họ nhìn vào gia đình, hàng xóm và bạn bè của mình đấy.

CÁI NHÌN SƠ BỘ VỀ VẤN ĐỀ NGOẠI TÌNH

Ngoại trừ có phiên bản nào khác, biểu đồ này cho thấy tỉ lệ % những người đã kết hôn hoặc đang chung sống như vợ chồng với người khác có thêm nhân tình bên ngoài trong một năm trước đây. Độ tuổi dao động nhưng chủ yếu từ 15-49 hoặc có thể có vài trường hợp khác. Biểu đồ này không phải chính xác hoàn toàn. Các con số cũng không hẳn hoàn toàn có thể so sánh với nhau. Một số kết quả bao gồm cả những người theo chế độ đa thê.

Nguồn: Khảo sát Toàn Xã hội, 2005; Khảo sát toàn quốc về thái độ tình dục và lối sống II, 2000-2001; Khảo sát về sức khỏe và đời sống gia đình ở Trung Quốc; Đo lường DHS, 2006; Khảo sát nhân khẩu và sức khỏe, từ 1984 đến nay; Dự án đối mặt học phần mới của EU, 2006; Khảo sát NEM; Rissel C. E., J. Richters, A. E. Grulich, R. O. de Visser và A. M. A. Smith. (2003); “Tình dục ở Úc: những đặc tính chọn lọc của quan hệ tình dục đời thường,” Phóng sự sức khỏe cộng đồng của Úc và New Zealand , 27(2): 124-130; kết quả phân tích bởi Emma Slaymaker, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London; M. Beltzer, M. Lagarde, L. Wu-Zhou, I. Gremy, Les connaissances, attitudes, croyances et comportements face au VIH/sida en France-Evolutions 1992-1994-1998-2001 et 2004,” báo cáo từ l’ORS Ile-de-France, tháng 11 năm 2005, trang 204.

QUAN HỆ NGOÀI HÔN NHÂN Ở MỸ

Tỉ lệ % dân Mỹ đã kết hôn từ 18 tuổi trở lên có nhân tình 12 tháng trước đây.

Nguồn: Khảo sát Toàn Xã hội


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.