Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG IX Trong phòng ngủ có Chúa Trời



Trong khi Shlomo gặp mặt người vợ tương lai thì thành viên cả hai gia đình đều đang ngồi đợi ngoài cửa. Hai bên bố mẹ đã tìm hiểu kĩ lý lịch của nhau nên giờ đây chỉ còn đợi xem cô dâu và chú rể tương lai này có chịu kí giấy kết hôn để sống bên nhau trọn đời hay không mà thôi.

“Chúng tôi vào phòng và chỉ nói, ‘Có bao nhiêu anh em trai? Có bao nhiêu chị em gái?’ Năm phút sau thì bố của cô ấy bước vào và hỏi ‘ Nu ?’… Tôi cũng đề nghị bố mình cho thêm năm phút và rồi bảo ông ‘Thôi được rồi.’”

Shlomo chỉ mới 18 tuổi rưỡi và đây là lần đầu tiên cậu được ở một mình với một người con gái không phải là thành viên gia đình. “Tôi được dạy dỗ trong trường giáo luật của tín đồ Do Thái rằng không được phép nghĩ về phụ nữ vì đó là tội lỗi.”

Đám cưới được tổ chức sau đó vài tháng và đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ hai bên hộ tống về nhà riêng. Mẹ cô dâu dẫn con mình vào bếp để truyền đạt kinh nghiệm về tình dục và chuyện bầu bì, còn Shlomo thì được một ông bạn của gia đình giáo huấn về vấn đề tương tự. Shlomo kể lại ông bảo cậu rằng: “Chú không rõ cháu đã biết gì và chưa biết gì… Đàn ông thì có dương vật ở giữa hai chân. Còn phụ nữ thì có cái này.” Đoạn ông đưa cho Shlomo một xấp giấy hướng dẫn kĩ càng cách hành sự. Cậu cùng người vợ mới cưới cùng ngồi xuống để học các luật lệ, trông cô có vẻ còn chưa hoàn hồn lại sau những thứ mới lạ vừa được mẹ truyền dạy trong bếp. Những luật lệ được viết như sau:

1.Vợ chồng phải cởi hết quần áo.

2.Trong lần đầu tiên Shlomo cho dương vật vào trong âm hộ của vợ thì sẽ làm rách màng trinh của cô và khiến cô chảy máu. Sau giai đoạn này cô dâu sẽ trở thành người đàn bà thực thụ. Vì vậy nếu Shlomo rút ra thì cậu ta sẽ không được đút vào lại lần nữa.

3.Cũng chính vì cô dâu không còn trong trắng nữa nên sau khi Shlomo rút ra thì hai vợ chồng không được đụng chạm vào nhau trong vòng từ 5 đến 7 ngày.

Cặp vợ chồng tân hôn phải mất hàng giờ liền để đọc hết các chỉ dẫn. Đến khi họ lên giường thì mặt trời đã ló dạng. Cô dâu thì lo sợ đến toát mồ hôi. Shlomo bắt đầu tiến vào trong vợ mình được vài giây thì ngượng ngùng nên lại rút ra, và có lẽ là chưa vào đủ sâu. Cả hai đều không biết rằng mình đã thực hiện đúng hết quy trình hay chưa, vì vậy trong ngày hôm đó Shlomo liền đến tâm sự với “giáo trưởng lớn”. Giáo trưởng nghe hết câu chuyện Shlomo thuật lại rồi một tay làm thành vòng tròn và đút hai ngón tay bên bàn tay kia vào trong để dựng lại mô hình kiểm chứng xem cậu ta đã vào được sâu cỡ nào và dương vật cậu ta lúc đó có “cứng như ngón tay này” hay không. Và Shlomo quả quyết rằng là có.

“Đoạn ông kết luận rằng vào sâu như vậy là đủ rồi,” Shlomo hồi tưởng lại, trên mặt cậu hiện lên vẻ nhẹ nhõm như chuyện mới hôm qua. “Cho dù không vào sâu đến hết thì cũng coi như đã hoàn thành rồi.”

Người Do Thái chính thống không phải là những người theo đạo duy nhất ngượng ngùng về tình dục. Chỉ cần đếm một lần thôi đã thấy 80% luật lệ của đạo đạo Hồi là dành cho hôn nhân và cách hành xử của phụ nữ. Một số bằng chứng cho thấy vào thế kỉ 17, sự đổ vỡ dẫn đến việc đạo Hồi chia thành phái Xu-ni và phái Si-ai đã bị châm ngòi từ chuyện tranh cãi xem vợ út của nhà sáng lập đạo Hồi Mohammed có ngoại tình với một chàng trai quyến rũ trẻ tuổi không hay chỉ vô tình cưỡi chung lạc đà với anh ta.

Đạo Hồi, đạo Do Thái và đạo Thiên chúa đều nghiêm cấm triệt để chuyện ngoại tình. Trong Mười Điều Răn của Chúa cũng cấm chuyện ngoại tình và khuyên răng các con chiên không được thèm muốn vợ của các ông hàng xóm. Thực tế Chúa Giê-su thậm chí còn không muốn các tín đồ nghĩ đến chuyện quan hệ ngoài hôn nhân. Ngài từng nói rằng bất cứ ai nhìn một người phụ nữ bằng con mắt “dâm dục” thì “cũng đã là ngoại tình trong tư tưởng” rồi.

Nhưng không có giáo phái lớn nào thật sự thi hành những chính sách cấm đoán ngoại tình. Sách giáo lý của đạo Cơ Đốc có viết: “Muốn đạt được sự tự chủ thì phải cố gắng lâu dài. Con người không thể tự hài lòng với bản thân vì đã một lần có thể tự chủ. Sự tự chủ phải liên tục được trui rèn trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống.” Tông đồ của Chúa Giê-Su, thánh St. Paul, gọi ngoại tình là sự giằng xé giữa tâm hồn và thể xác. Cả đạo Hồi và đạo Do Thái đều lên kế sách bao bọc phụ nữ và cách ly hai giới tính để làm giảm đi sự cám dỗ.

Liệu tất cả những sự chú trọng về ngoại tình này có giúp cho người ta không lạc lối không? Những luật lệ và biện pháp ngăn ngừa này có giúp con người tránh xa những cám dỗ của dục vọng để toàn tâm toàn ý cho gia đình hay không? Sự sợ hãi đối với cơn thịnh nộ của Chúa Trời có làm cho những con người chung thủy này có thể luôn chung thủy – hay ít nhất là chung thủy hơn những người không sùng đạo không?

Những số liệu nghiên cứu không thể trả lời câu hỏi này. Vì vậy, tôi quyết định điều tra thêm những cộng đồng tín ngưỡng khác để nhìn tận mắt người ta đấu tranh giữa những luật lệ của đạo giáo mình đang tôn thờ với những gì con người xung quanh họ thường làm. Dĩ nhiên điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các tôn giáo, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy được những áp lực và khó khăn ảnh hưởng đến họ.

***

ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA TÔI LÀ Brooklyn, New York. Brooklyn giống như thánh địa của những người Do Thái chính thống hay còn gọi là người Hasid (thành viên của phong trào Do Thái thần bí ở Đông Âu thế kỷ 18), những người trong giáo phái này sống thành từng nhóm và tập trung gần nhau thành một khu xuyên suốt. Một quan sát viên chuyên nghiệp có thể phân biệt được thành viên của các giáo phái khác nhau qua kiểu nón trên đầu và món tóc dài bên tai (còn gọi là payos ). Hầu hết người Hasid đều nói tiếng Yiddish (cổ ngữ của người Do Thái ở Trung Âu và Đông Âu) xuất xứ từ làng mạc Phần Lan hoặc Hungary, nơi tổ tiên của họ từng sống trước khi di cư đến đây. Tín đồ của Do Thái giáo thường là người Do Thái chính thống, còn thành viên của phái Hasidic thường tuân theo những “giáo sĩ” thuộc triều đại Do Thái giáo được hình thành sau đó một hoặc hai thế kỷ.

Satmar là một trong những phái kì lạ nhất của Hasidic. Mặc dù những tín đồ của Satmar sống rất gần Time Square (chỉ cách một trạm xe điện ngầm), nhưng họ cứ như người ở hành tinh khác đến. Đàn ông Satmar mang bít tất trắng dài đến đầu gối và đội nón lông hình tròn (kiểu nón dành riêng cho giới quý tộc ở Hungary). Những người phụ nữ có gia đình thì chấp hành quy định phải hiền lành một cách quá nghiêm túc đến nỗi họ cạo đầu rồi đội tóc giả và quấn cả khăn quanh cái đầu trọc ấy. Rất nhiều người Satmar chỉ biết nói viết tiếng Anh rất sơ đẳng và kiến thức về khoa học, toán và lịch sử chỉ ngang trình độ lớp 6. Chỉ có một số được học đại học vì những bà mẹ Hasidic chỉ muốn con mình trở thành học giả đạo giáo hơn là trở thành bác sĩ, kĩ sư. Đến tuổi 21, phụ nữ đã bị cho là quá thì và gần như không thể lấy được chồng.

Sau khi kết hôn, trong thời kì kinh nguyệt của người vợ thì vợ chồng Hasidic (cũng như những người Do Thái giáo chính thống) không chạm vào nhau, không đưa đồ vật cho nhau, không nói với nhau những lời âu yếm và chuyện này phải kéo dài thêm một tuần sau khi người vợ hết kinh để đảm bảo an toàn. Chạm cào nhau như vậy rất dễ kích thích khát khao tình dục giữa vợ chồng và làm cho họ dễ muốn quan hệ trong thời gian người vợ đang không được sạch sẽ. Một số cặp vợ chồng tỏ ra cực kì cẩn thận đến nỗi không bao giờ tâm sự với nhau điều gì, thậm chí còn không gọi tên nhau. Một cậu trai trẻ kể rằng bố của cậu gọi mẹ cậu là “ Herr nor ,” tiếng Yiddish có nghĩa là “Nghe này.” Điều này làm tôi nhớ đến chuyện vợ chồng Nhật gọi nhau là: “Này anh, này cô.”

Nhưng tôi nghe đồn rằng thế giới của Hasidic không thật sự trong sáng như vậy (nhất là không đến mức trong sáng như đêm tân hôn của Shlomo). Họ bảo rằng nhiều đàn ông Hasidic vẫn thường quan hệ với gái điếm, và họ lợi dụng những kẽ hở của giáo luật để hợp thức hóa hành động này. Chuyện này là sự thật hay chỉ là suy nghĩ của những kẻ ngoại đạo? Và làm cách nào để tôi đi sâu vào thế giới khép kín này để tìm hiểu ra sự thật nhỉ?

Thông qua nhiều mối liên hệ, rốt cuộc tôi cũng tìm được một câu lạc bộ Hasidic, nơi đàn ông thuộc mọi giáo phái đến chơi, nhưng phần lớn là đàn ông Satmar. Nó nằm trên tầng hai của một cao ốc mặt tiền thuộc khu Borough Park, nơi tập trung đông dân Do Thái chính thống nhất. Câu lạc bộ giải trí này là nơi trú ngụ của những người lập dị trong thế giới Hasidic – những người đàn ông hít thở bằng bầu không khí của văn hóa Hasidic nên không thể rút chân ra khỏi đó và họ cần một nơi an toàn để có thể chỉ trích nó. Đa phần trong số họ đều có payos dài và tuân theo luật lệ không được bật công tắc đèn trong ngày thứ 7 vì đó là ngày Jewish Sabbath (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa – ND). Nhưng có lẽ họ nghi ngờ sự tồn tại của Chúa Trời hoặc bị ảnh hưởng bởi phim truyện truyền hình dài tập mang tên 24 . Còn những người khác như Shlomo thì chỉ đơn giản chỉ muốn thoát ra khỏi sự sùng đạo quá đáng của các bà vợ mà thôi. Câu lạc bộ này khá bụi bặm (tôi tặng chiếc đèn đa chức năng cho người quản lý làm quà cám ơn), nhưng không khí thì rất dễ chịu và sôi động. Bánh quy xoắn của Do Thái và pizza được gọi liên tục, còn những người đàn ông thông thái khoác áo choàng đen thì ngồi kể chuyện cười, những câu nhấn mạnh trong câu chuyện của họ lại được kể bằng tiếng Yiddish.

Những người đàn ông này không thể đại diện hết cho những người Do Thái theo đạo và cũng chẳng thể đại diện hết cho những người thuộc phái Hasid. Nhưng đa phần bọn họ trưởng thành trong nền văn hóa đặc biệt của thế giới Hasidic nên họ mặc nhiên hiểu những gì chấp nhận được và cái gì không. Một anh bạn trẻ bảo rằng từng chui rúc trong thư viện công cộng để đọc tiểu thuyết suốt ngày; và anh ta cũng ly hôn mặc kệ bố mình khuyến cáo chuyện này sẽ làm ô nhục danh dự của cả gia đình và làm bệnh ung thư của mẹ anh trở nên trầm trọng hơn. (Người đàn ông đã ly hôn có quyền tái hôn nhưng phải chọn một phụ nữ “kém chất lượng” hơn, ví dụ như đã có con chẳng hạn.) Một cậu trai khác 22 tuổi, cực kì đẹp trai với payos đen nhánh thì cho biết mình thích nhảy nhót nhất và đã học thuộc lòng rất nhiều bài nhảy từ băng ca nhạc của Britney Spears. Nhưng bố của cậu cứ ép buộc cậu lấy vợ và đến nay thì cậu cũng không còn lý do gì để từ chối nữa. Cậu sợ rằng nếu mình làm chuyện quá khác lạ với truyền thống gia đình – ví dụ như ăn mặc khác họ – thì bố mẹ và 13 anh chị em ruột sẽ không nói chuyện với cậu nữa.

Mặc dù những người Hasid tôi gặp bị hạn chế tiếp xúc với nền văn minh hiện đại nhưng họ vẫn được dạy về tình dục. Tuổi niên thiếu của họ gần như gắn liền với các trường dòng một giới tính (chỉ có nam hoặc nữ học riêng), họ phải học mọi giáo luật Do Thái (Talmud), nhiều khi suốt 12 tiếng một ngày.

Talmud có hơn 12.000 trang trong đó bao gồm các lý lẽ, chuyện kể, luật Do Thái, và rất nhiều thảo luận chuyên sâu về tình dục. Cả cuốn sách viết về sotah , một người phụ nữ bị chồng cô nghi ngờ đã ngoại tình chỉ vì cô lỡ ở chung với một người đàn ông khác trong một nơi kín đáo. (Còn chuyện ngoại tình thật sự sẽ được thảo luận ở phần khác.) Giáo trưởng của giáo luật Do Thái đặt ra vấn đề đàn ông và đàn bà ở riêng rẽ gần nhau trong bao lâu thì bị quy kết là đã làm tình với nhau. Một số cho rằng trong thời xưa thì người ta thường “đánh nhanh rút gọn”. Một giáo trưởng cho rằng bằng khoảng thời gian đi một vòng quanh cây chà là, còn một giáo trưởng khác cho rằng bằng thời gian người phụ nữ cạy được mảnh gỗ ra khỏi kẽ răng (một cuộc tranh cãi chi tiết hơn nổ ra cho vấn đề này là mảnh gỗ ấy bị dính sâu vào răng tới mức nào nữa). Các học giả cũng khá có lý khi bỏ qua lời của Ben Azzai, một diễn giả vào thế kỷ thứ 2, ông này từng cho rằng một lần giao hợp kéo dài trong thời gian chiên chín một quả trứng. Vấn đề là Ben Azzai chưa từng kết hôn, vì vậy không thể (và cũng không nên) bàn luận gì về chuyện này cả.

Một câu chuyện khác trong Talmud bảo rằng người đàn ông có thể ly dị vợ khi cô ta làm hỏng nồi súp của anh ta. Thật ra ý nghĩa của chuyện này là nếu người đàn ông có thể bỏ vợ chỉ vì lý do này thì hôn nhân của họ đang thật sự gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn rồi.

Một anh chàng đậm người với giọng Yiddish nặng trịch đang có mặt trong câu lạc bộ cho biết, người phụ nữ nào quan hệ với đàn ông không phải người Do Thái thì cho dù được chồng tha thứ có thể sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. Chuyện này được giải thích là do người phụ nữ quá tận hưởng chuyện quan hệ với người đàn ông không đạo giáo kia nên làm cho chồng cô sau này lúc nào cũng có cảm giác bị so sánh. Anh chàng đậm người tỏ vẻ rất thích thú khi chia sẻ thông tin này với tôi. Anh ta bắt đầu đi sâu hơn vào những chi tiết nóng bỏng về các hành động bị quy vào tội ngoại tình, bao gồm cả chuyện đồng tính nữ. Khi tôi quay lại nói chuyện lần thứ hai, anh ta đề nghị dẫn tôi đi tìm hiểu thực tế ở một câu lạc bộ thoát y nữ mà đàn ông Hasidic thường lui tới. Nhưng tôi từ chối và lảng đi tìm vài miếng bánh quy xoắn.

Một người khác ở câu lạc bộ gửi email cho tôi một câu chuyện đang được truyền bá rộng rãi trên mạng. Chuyện kể về một sinh viên trường đạo Do Thái tên “Ari” say đắm “Chani” – vợ của bạn học cùng lớp Talmud. Rốt cuộc Ari cũng tiến tới khi bạn học của mình đi dự đám cưới ở Toronto và Chani gọi điện nhờ anh sửa hộ cánh cửa phòng ngủ của họ. Sau tiếng thở gấp gáp, váy áo của Chani tuột xuống còn payos của Ari bật tung phấp phới. Khi bộ ngực cỡ “36DD” của cô lộ ra, khoảnh khắc ấy thật choáng ngợp, như cả khung trời mở ra chờ được khám phá và “Ari thở ra thật chậm. Ôi! Hãy nghĩ về người được cưới nàng làm vợ và được ngắm nhìn vẻ đẹp này bất cứ lúc nào anh ta muốn mà xem!… Ari tự hỏi làm sao bạn mình đi học trường đạo được cơ chứ.” Đến đoạn cô gọi điện thoại hủy buổi dạy thế trong lúc Ari đang “cẩn trọng mân mê tòa thiên nhiên rực rỡ” của cô nàng thì tôi cũng bắt đầu bị cuốn hút vào câu chuyện.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi đỉnh điểm là khi Chani kích thích tình dục bằng miệng cho Ari – như được chén thánh trong những ao ước về tình dục trong đạo Hasidic. Khi nhà xã hội học Hella Winston, tác giả của cuốn sách tên Kẻ không được chọn lựa nói về những người nổi loạn Hasidic, nói với tôi về những người đàn ông Hasidic mà cô đang nghiên cứu thì tôi chợt vỡ lẽ ra một điều: “Sao tôi lại cảm thấy tất cả những chuyện này đều nói về kích thích tình dục bằng miệng vậy?” tôi hỏi cô.“Vâng, hẳn nhiên là về chuyện đó rồi!” Winston đáp. Chuyện kích thích tình dục bằng miệng hoàn toàn xa vời với thế giới trong sáng, và cũng không liên quan gì đến niềm vui được sinh sản nên các ông chồng không dám đòi hỏi vợ mình làm. Mặc dù cũng vi phạm vào điều cấm “gieo rắc tinh trùng,” nhưng không bị xem là ngoại tình, vì vậy nó nhẹ tội hơn chuyện giao hợp.

Đối với đa phần đàn ông ở đây, chuyện này cũng chỉ là mơ ước. Đàn ông và phụ nữ Hasidic đơn giản không có nhiều cơ hội để vụng trộm. Họ hiểu rõ cộng đồng của mình, nhưng ra ngoài xã hội khác thì họ chẳng khác nào người ngoài hành tinh. Cách hiệu quả nhất để tránh chuyện ngoại tình trong thế giới Hasidic không phải cảnh báo về hình phạt phân ly, mà là cắt đứt mọi cơ hội vụng trộm. Trong một số khu giáo phái, phụ nữ và đàn ông chưa vợ không được cấp bằng lái nhằm hạn chế việc họ tự đưa mình vào cám dỗ.

Nhưng có vẻ môi trường quá trong sạch này lại thôi thúc người ta tìm đến những khao khát dục vọng bị thiếu thốn trong đời mình nhiều hơn. Cánh cửa cơ hội ngoại tình được mở ra vào mùa hè, khi vợ và con cái đi nghỉ mát trong các bungalow ở vùng nông thôn, để các ông chồng ở lại làm việc và đến thăm họ vào mỗi cuối tuần. Tôi nghe kể lại rằng một giáo trưởng yêu cầu các tín đồ sắp xếp một chuyến xe đến các bungalow đó vào giữa tuần, giữ các ông chồng ở lại tối thứ 3 sau giờ làm việc và cho về sớm vào sáng hôm sau. “Chuyến xe này thật ra là chuyến xe tình dục – ai nghe cũng cười,” một giáo đồ Satmar bảo. “Nhưng nguyên do chủ yếu là để ngăn chặn các ông chồng tự do lạc bước tới những quán bar hay phạm phải điều cấm của Chúa: đi ngoại tình.”

Nhưng tôi chưa nghe người Hasidic ngoại tình với nhau. Một người đàn ông kể với tôi rằng anh từng thầm thương trộm nhớ một phụ nữ làm chung văn phòng nhưng sau đó cô kết hôn và rời khỏi công ty. Khi anh tình cờ nhìn thấy cô trên phố với chiếc bụng bầu vài tháng và mớ tóc giả trên đầu thì tất cả sự quyến rũ ngày nào hoàn toàn biến mất. Nhưng hẹn hò người ngoài thế giới đạo giáo này cũng không phải dễ với món payos dày 12 inch, một tủ áo choàng đen rộng thùng thình, mấy đôi bít tất trắng dài tới đầu gối và chiếc nón lông shtreimel trị giá 400 đô-la này chút nào. Khi tôi đang dạo vòng quanh Brooklyn thì bắt gặp một tấm hình kiểu “khoảnh khắc khó đỡ” được phát tán bằng email, trong đó là hai người đàn ông Hasidic trung niên đang đi nhảy đầm. Trong hoàn cảnh này tôi thật sự sốc khi nhận ra họ nhìn thật quái đản. Cả hai đều già hơn gần chục tuổi so với đám đông khoảng 20 tuổi xung quanh, và cái bụng mỡ lồ lộ phản ánh rõ hậu quả của việc cả đời ăn món mì thịt hầm Do Thái.

Hai người này đều không có ý định ngoại tình. Họ giống như đang hồi xuân hay tương tự mấy salarymen của Nhật đi chơi bời vậy. Họ muốn làm sống lại trong chốc lát tuổi xuân tươi đẹp cách đây 10 năm mà họ đã dành cho gia đình, con cái. Mà cũng có thể là họ đang tưởng tượng cả đời mình sẽ được tự do thoải mái như vậy. Một người trong số họ mặc áo choàng đen đang vung vẩy bộ râu rậm rạp và dường như đang nhảy nhót với hai nắm tay đang đung đưa hai bên mình. Người còn lại ăn mặc gần như tương tự và đang chộp lấy tấm lưng trần của một cô gái tóc vàng trong bộ váy dây màu hồng. Chẳng biết cô ta có quay lại và cho anh ta một bạt tai không nữa.

Với dáng vẻ như thế thì đàn ông Hasidic chẳng có cách nào khác để được kích thích tình dục bằng miệng ngoài việc trả tiền. Một số cộng đồng dường như mắt nhắm mắt mở với chuyện này miễn là họ không bị chụp hình đăng lên mạng. Ngoài ra cũng có một kẽ hở nhỏ trong luật lệ của Do Thái. Bản chất của ngoại tình là khi người phụ nữ có gia đình quan hệ tình dục với người đàn ông khác không phải chồng mình; còn đàn ông có vợ đi vụng trộm thì bị tội nhẹ hơn. Và luật lệ thực ra cũng cho phép đàn ông nuôi vợ bé miễn là cô này chưa chồng và tuân thủ những luật lệ trong sáng như không quan hệ trong hai tháng cấm kị và tham gia vào lễ tắm rửa tội gọi là mikvah .

Những kẽ hở luật pháp chính vô tình tạo ra các tấm bình phong che chắn cho các quán bar, sàn nhảy và tiệm mát-xa. “Lúc nào sự cấm đoán và sự nhân nhượng cũng tồn tại song song với nhau,” Hella Winston bảo. “Các bà vợ không bao giờ nói thẳng rằng ‘Được rồi, anh cứ đi và làm những gì anh thích.’ Nhưng các ông ngầm hiểu được sự cho phép đó.” Cô và một số người khác cũng từng đề cập đến chuyện đàn ông Hasidic thường tìm tới những gái điếm da đen, thường là không sạch sẽ và ít nhất là không phải người Do Thái, để cảm thấy bớt cắn rứt lương tâm. “Tất cả phụ nữ đều bảo rằng họ muốn lấy những người có học, vì theo họ thì, ‘người có học sẽ không lừa dối chúng tôi,’” Winston bảo.

Nhà xã hội học William Helmreich, cũng đã nghiên cứu về người Hasid, cho biết những người Do Thái theo đạo thường chú trọng thực hiện những lời răn dạy có liên quan tới những điều mà con người thực hiện một mình – và qua đó thể hiện lòng thành của mình với Chúa. Ngoại tình là chuyện giữa hai con người tự nguyện đến với nhau, vì vậy nó không liên quan lắm đến đạo Do Thái. “Tôi nghĩ rằng đây là nguyên nhân chính mà ngoại tình dễ được tha thứ hơn là chuyện ăn thịt heo,” Helmreich kết luận.

Mặc dù một mối quan hệ tuân theo mọi điều khoản hợp pháp thì một số giáo trưởng vẫn sẵn lòng công khai ủng hộ chuyện đàn ông có vợ lẽ. Những người Do Thái tinh ý sẽ không làm theo luật lệ một cách máy móc, và bất cứ lý lẽ nào trong Talmud đều có những phản đề đi kèm. Abraham, một trùm tiệc tùng ở câu lạc bộ, kéo tôi sang một bên và kể rằng: “Có hai anh chàng nọ, một anh trỗi dậy lòng ham muốn bèn đi tìm một cô gái chưa chồng, tìm hiểu kĩ rằng cô ta không vấy bẩn – đã từng tham gia tắm rửa tội – và rồi qua lại với cô nàng. Sau đó anh chàng kia cũng ham muốn và lên giường ngay với cô gái đầu tiên đồng thuận với mình.” Vậy hai anh chàng này bị phán quyết ra sao? “Giáo trưởng đuổi cổ anh chàng thứ nhất ra khỏi trường vì anh ta đã lên kế hoạch. Hành động toan tính như vậy thật không thể chấp nhận được. Còn anh chàng thứ hai chỉ hành động theo bản năng. Làm sao ngăn cấm được?” Ông ta bảo bài học đạo đức ở đây là: “Không phải vì bạn không tìm được chương nào hay tiết nào trong giáo lý bảo rằng điều này không đúng thì không có nghĩa là bạn được phép làm điều đó.”

Thật không rõ có bao nhiều đàn ông Hasidic thật sự qua lại với gái gọi. Một điều dễ nhận thấy là khi chỉ có một vài người đàn ông đội mũ đen xuất hiện trước cửa tiệm mát-xa thì càng làm mọi việc khó hiểu hơn. Mặc dù vậy, ở đây cũng có bằng chứng cho thấy đàn ông vẫn dồn nén nhu cầu về quan hệ ngoài hôn nhân. Vào năm 1996, một người đàn ông tự gọi mình là “Yossi” đã đi phân phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ mai mốt nghiêm túc cho những người theo đạo ở quanh Brooklyn. Dịch vụ này sẽ cung cấp vợ lẽ phù hợp và trải qua đủ các lễ nghi cho đàn ông theo đạo Do Thái chính thống. Chuyện Yossi tự nhận mình sở hữu một “đội ngũ các cô khát tình” sẵn sàng lên giường với đàn ông Hasid thật đáng ngờ. Nhưng một bài báo của tờ Washington Post khẳng định rằng Yossi thật sự nhận được hàng trăm cuộc gọi từ các khách hàng quan tâm đến dịch vụ này.

Lý do đầu tiên cũng dễ hiểu là vì họ tò mò. Người được chỉ bảo hàng loạt chỉ dẫn trong đêm tân hôn như Shlomo cho biết chưa có lần nào anh và vợ quan hệ tình dục thật sự nóng bỏng, mặc dù đến nay họ đã có 7 đứa con. Shlomo giờ đây đã hơn 40, gầy gò, nhợt nhạt với bộ râu nâu xám bù xù và đôi mắt xanh màu trời. Khi anh ngồi vắt chân và đong đưa điếu xì-gà thì nhìn chẳng khác thi sĩ Beat đang chuẩn bị xuất khẩu thành thơ. Ngược lại, vợ anh nhìn giống một khối vuông di động. Sau đêm tân hôn cô nhất quyết không chịu thoát y trước mặt chồng nữa. Mỗi khi anh đem về nhà mấy cuốn sách giáo lý răn dạy các đôi vợ chồng trẻ thì cô lao vào đọc ngấu nghiến và răm rắp tuân theo.

“Làm chuyện ấy đi!” Shlomo nhớ đã nói với vợ như vậy. “Mặc dù là người Hasidic nhưng em vẫn phải làm sao cho ra dáng phụ nữ chứ!” Thỉnh thoảng anh giả vờ đã đạt cực khoái để vợ cảm thấy thoải mái. Nhưng chiêu này thành công có vài lần.

Mọi sự huấn luyện của đạo giáo đều không giúp Shlomo chuyển tải năng lượng tình dục của anh vào trong hôn nhân được. Anh bắt đầu đi mát-xa và rồi gọi gái. Anh mua quần jeans và giấu payos của mình đi để nhìn giống người bình thường. Cuối cùng anh cũng bí mật thuê một căn hộ. Anh phân trần rằng không phải hoàn toàn để thỏa mãn nhu cầu tình dục mà còn là nơi để trốn tránh những ánh mắt khắc nghiệt của thế giới đạo giáo. Giờ đây đối với anh thì: “Chỉ cần ngồi yên tĩnh xem phim với một cô gái khác cũng đủ rồi.”

Có thể dù không theo đạo giáo thì Shlomo cũng vụng trộm. Nhưng bị giam cầm trong mối hôn nhân không có chút hài hước và gợi tình nào cũng chẳng giúp ích được gì. Anh hòa nhập vào xã hội nhưng về nhà vẫn là bản thân mình. Anh bảo một số bạn bè biết được những điều anh đang làm và một số thậm chí tham gia cùng anh. Nhưng chuyện này cũng nhanh chóng bị đưa ra ánh sáng. Những người học ở trường đạo gần căn hộ bí mật trông thấy anh đi dạo với một phụ nữ mặc áo ngắn tay và váy ngắn cũn cỡn. Ngay lập tức, lời đồn đãi, giống như mấy tấm hình chụp hai anh chàng đi sàn nhảy, bay đi không thể nào ngăn chặn lại được. “Họ liền đến gặp mấy giáo trưởng và mách ‘Có một gã Hasidic đi cùng với một shiksa (người phụ nữ không phải người Do Thái – ND)’”, anh thuật lại. “Sau đó họ gọi điện báo cho gia đình tôi và nói đại loại như ‘Gia đình ông tự mà lo liệu đấy nhé’”. Khi bố và anh của vợ đến gặp anh, họ chẳng màng cảnh báo anh về sự giày vò lương tâm vì tội lỗi, mà thẳng thừng đe dọa anh về chuyện ly hôn chia cách anh với con cái và cách ly anh với gia đình.

***

ĐẠO HỒI thì lại có phương cách khác để giúp các tín đồ không bị lạc lối: cho phép họ theo chế độ đa thê. Nếu một tín đồ không thể chấp nhận chỉ có một vợ thì cho anh ta được lấy đến 4 bà.

Tôi quyết định tìm hiểu phương cách này ở Indonesia, nơi tập trung đông đảo tín đồ Hồi Giáo nhất. Sau khi đặt chân tới nước này tôi liền ngồi xe suốt 24 tiếng đến thành phố Javanese thuộc Solo để gặp mặt người tự nhận là vua đa thê của Indonesia: ông Puspo Wardoyo. Thực tế nghe danh như vậy thì tôi đã thấy mất thiện cảm với ông ta rồi. Mọi người vẫn thường gọi ông ta là Puspo và ông đang tổ chức một cuộc thi Đa thê của năm và viết sách hướng dẫn những người khác cách thực hiện cuộc sống đa thê viên mãn với 4 bà vợ (độ tuổi các cô vợ mà ông đề nghị là từ 25 đến 40). Trong buổi tọa đàm, ông cố thuyết phục các phụ nữ đang giận đến sôi máu rằng ông thật sự muốn giúp họ giữ chân chồng mình khỏi gái điếm và tạo ra thêm nhiều đàn ông xứng đáng để lấy làm chồng cho xã hội.

Chế độ đa thê ở đây được hợp pháp hóa, nhưng đang bị phản đối kịch liệt. Những người dưới 40 tuổi cho biết, các ông và bố của họ đều có nhiều vợ, nhưng những người ngang tuổi họ thì không. Tướng Suharto, người cầm quyền ở Indonesia từ năm 1967 đến 1998, đã tạo nên sự thay đổi này bằng việc cấm người giúp việc và quân nhân lấy nhiều vợ. Ngày nay hầu hết những gia đình trung lưu xem việc con trai mình muốn lấy vợ lẽ là điều sỉ nhục, và những phụ nữ có học thức cũng cảm thấy xấu hổ khi phải làm phòng nhì – mặc dù trong một số hoàn cảnh thích hợp họ vẫn chấp nhận.

Mặc dù chỉ có một phần nhỏ dân số theo chế độ đa thê nhưng sự hợp pháp của nó làm cho vấn đề ngoại tình dễ được bào chữa hơn. Khoảng 95% dân Indonesia thừa nhận rằng tôn giáo “cực kì quan trọng” đối với họ, điều này làm cho Indonesia trở thành một trong những nước sùng đạo nhất trên thế giới và đứng nhất ở châu Á. Văn phòng làm việc trong các cao ốc đều có phòng dành riêng cho việc cầu nguyện, và để tiện hơn, đôi khi chúng được đặt ngay cạnh phòng ăn. Một đài phát thanh mà tôi từng viếng thăm treo đầy những tấm áp phích của ngôi sao ca nhạc phương Tây nhưng lại khen thưởng nhân viên xuất sắc của năm bằng một chuyến du lịch trọn gói đến thánh địa Mecca[5].

Tôn sùng đạo giáo là một cách để lấy danh tiếng. Trong những cuộc khảo sát, hơn nửa dân số thường cho rằng Indonesia nên thay đổi hệ thống luật pháp lâu đời của mình bằng luật đạo Hồi, nhưng khi được hỏi rằng họ có chấp nhận một số hình thức trừng phạt của đạo Hồi như chặt tay kẻ trộm hay ném đá những kẻ ngoại tình cho đến chết thì sự hào hứng về đạo luật này đã bị dập tắt hoàn toàn. Ngoại tình là bất hợp pháp nhưng thường bị phán quyết bởi những tòa án lâu đời và hình phạt khá nhẹ nhàng: nhiều nhất là 7 năm tù giam.

Nơi Puspo thường tổ chức những buổi tọa đàm nhằm phục hồi chế độ đa thê là chuỗi nhà hàng gà rán ăn nhanh. Ông sở hữu khoảng 40 tiệm trên khắp đất nước Indonesia. Cũng khó để phân định rạch ròi chiến dịch phục hồi chế độ đa thê là phương thức để quảng bá cho chuỗi nhà hàng hay ngược lại. Nhưng xét cho cùng thì nó không phải là một cách quảng cáo tốt. Một người bạn đi theo tôi để giúp phiên dịch cho biết, những cô bạn của mình ở Jarkata đều từ chối đi ăn ở các nhà hàng của Puspo.

Bài học thứ nhất: Chế độ đa thê rất hấp dẫn. Tại nhà hàng của Puspo ở Solo, nơi chúng tôi gặp ông ta để phỏng vấn và được ông mời ăn gà chiên giòn cay và đậu hũ sốt đậu phộng cay, giải khát bằng nước ép trái cây đặc biệt tên là “đa vị” vì nó có 4 thành phần (giống như đàn ông đạo Hồi được cưới 4 vợ).

Bài học thứ hai: Chế độ đa thê rất quyến rũ. Tôi cũng không hiểu vì sao chuyện này làm tôi ngạc nhiên, vì thật ra từ định nghĩa đa thê cũng có nghĩa thu hút nhiều phụ nữ về phía đàn ông rồi. Thoạt đầu tôi tưởng tượng Puspo, lúc này đã 47 tuổi, phải là người quyền uy và đáng sợ lắm. Nhưng ngược lại, trong thực tế ông lại có khuôn mặt rám nắng rất thu hút, hay cười và luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Ở một đất nước mà người giàu lại càng giàu hơn thì ông ta lại thuộc loại làm nên từ hai bàn tay trắng. Ông đã dám đánh cược gánh hàng bán gà nhỏ của bố mẹ để sở hữu chuỗi nhà hàng Wong Solo như bây giờ (người ta cũng hay gọi Puspo là “Wong Solo”). Ông cho biết doanh nghiệp của mình hoạt động dựa theo phương châm của đạo Hồi và bản thân ông cũng thường làm từ thiện.

Những nguyên lý về chế độ đa thê của Puspo hoàn toàn liên quan đến chuyện ngoại tình. Ông ta biện luận rằng nếu những người đàn ông đã kết hôn và giàu có như ông không lấy vợ lẽ thì chắc chắn họ sẽ đi ăn bánh trả tiền hoặc vụng trộm, chuyện này là tội lỗi và “bẩn thỉu”. “Tôi đã khuyên những người biết suy nghĩ nên lấy luôn nhân tình làm vợ còn hơn là vụng trộm mãi,” ông bảo. Puspo khẳng định, có vẻ đáng ngờ, rằng các bà vợ của ông ta chẳng bao giờ cãi vã. Nhưng ông ta cũng thừa nhận rằng điều khoản của đạo Hồi quy định bà vợ nhỏ chỉ được vào nhà nếu được các bà lớn chấp nhận là khá phiền phức.

Puspo cũng không đề cập đến lý do căn bản về chế độ đa thê của đạo Hồi là nhằm cưu mang những góa phụ có chồng hi sinh ngoài mặt trận. Nhà sáng lập đạo Hồi Mohammed từng cưới khoảng 13 bà vợ và hầu hết là góa phụ. (Trừ Aisha, lúc họ cử hành hôn lễ là khi cô chỉ khoảng 10 tuổi.)

Puspo có vẻ chú ý tới việc tránh rước vào nhà những phụ nữ béo ị hơn là chuyện cứu giúp những góa phụ. Ông tổ chức một cuộc thi sắc đẹp hẳn hòi để chọn ra người vợ thứ 4 và quy định rằng thí sinh phải dưới 25 tuổi và nặng dưới 55 kg (vì theo ông ta giải thích thì phụ nữ gầy có âm hộ nhỏ hơn và cũng dễ dàng thực hiện những tư thế làm tình khác nhau hơn). Và quả thật đúng như lời Puspo nói, đối với một nước nghèo như Indonesia thì những người đàn ông quyền lực thật sự có sức hấp dẫn: ngay từ vòng đầu đã có đến 350 phụ nữ đến ứng tuyển.

Số lượng dồi dào về phụ nữ trẻ đẹp và nghèo khó ở Indonesia có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với điều luật cấm ngoại tình của đạo Hồi (tiếng Ả Rập gọi là zina ). “Hầu hết người giàu và thành công đều vụng trộm. Các bạn của tôi đều lăng nhăng. Thường là ăn bánh trả tiền để giải trí. Còn các bà vợ thì không có khả năng ngăn chặn chồng mình vì khi phụ nữ nổi giận thì đàn ông càng ngoại tình nhiều hơn. Các bà nào ly dị vì chồng ngoại tình thì gặp ông chồng tiếp theo cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự thôi”, Puspo cho biết.

Nhưng liệu 4 vợ có đủ không, nhất là khi họ đã qua thời son sắc? Đối với Puspo, lấy được 4 vợ rồi thì chỉ tổ kích thích thêm sự thèm muốn của ông ta mà thôi. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng 4 không phải là giới hạn vì bản thân ngài Mohammed đã lấy nhiều hơn số đó mà. Ngay sau đó ông còn hỏi tôi có biết phụ nữ Mỹ nào đáp ứng được yêu cầu của ông đưa ra không? (Tôi thì bị loại ngay vì không đáp ứng được về cả số tuổi và cân nặng, thật đáng thất vọng nhỉ!)

Khi tôi nhận lời sẽ để ý giúp ông thì Puspo liền quay sangnhìn cô thông dịch viên gầy gò của tôi chằm chằm và buông những lời phỏng đoán đầy tính chất dụ dỗ: “Tôi biết tuýp người của em rồi. Người nào muốn thuyết phục rằng họ thật lòng yêu em sẽ phải mất rất nhiều công sức đấy. Nhưng em sẽ yêu người nào đã có 2 hay 3 bà vợ rồi cho mà xem.” Lời của ông làm cô xấu hổ ngượng ngùng đến mất cả phút sau mới lấy lại được bình tĩnh để phiên dịch lại câu nói ấy. Tôi đáp trả vẻ ghen tị bằng cách bảo ông ta đoán xem tuýp người đàn ông của tôi sẽ như thế nào. Puspo liền soi tôi từ đầu đến chân rồi nhận xét: “Cô thích loại người khỏe mạnh, vạm vỡ,” và rồi thẳng thừng khẳng định: “Cô sẽ thích một người như tôi.”

***

ĐẠI SẢNH CỦA tòa thánh án ở Jarkata cực kì vắng vẻ và gần như cũng chẳng có đồ đạc gì ngoài một thư ký đánh máy túc trực bên chiếc bàn gỗ và một tấm biểu đồ trên tường ghi lại những vụ án được xét xử trong năm. Nhưng ngay khi tôi vừa tựa vào bàn vì không có chiếc ghế nào để ngồi thì người thư ký này liền yêu cầu tôi tránh xa ra ngay.

Ý kiến cho rằng đàn ông sẽ ngoại tình nếu họ không được phép cưới nhiều vợ gần như không được xã hội ở đây quan tâm. Theo tôi biết thì nó chỉ là điều thường tình trong xã hội, một loại lẽ phải thông thường.

Tòa thánh án ở Indonesia thường xử lý những vấn đề về sinh đẻ, tử vong và hôn nhân. Nếu như ai muốn có vợ hai, vợ ba hay vợ tư thì phải đăng ký kết hôn ở đây. Ngoài quy định căn bản của đạo Hồi như người chồng phải đối xử công bằng với tất cả các người vợ và phải thông qua sự cho phép của vợ hiện tại để nạp thêm vợ mới thì luật pháp Indonesia còn thêm vào các điều khoản khắc nghiệt hơn như người vợ hiện tại phải bị vô sinh, đang bị bệnh thập tử nhất sinh hoặc không thể thỏa mãn chuyện chăn gối của chồng.

Nhưng đó chỉ là những gì ghi trong luật lệ. Trong lúc đi tham quan các phòng xử án được mạ vàng, người thư ký bảo đôi khi cũng có mấy bà vợ đến than phiền rằng chồng họ nạp thêm thiếp mà không thông qua họ. Ông ta cho biết đầu tiên tòa án sẽ xét xem người chồng giàu có đến đâu, sau đó sẽ xét đến chuyện người vợ có đáp ứng được nhu cầu tình dục cho chồng không. Ông không rõ họ dựa vào điều gì để đánh giá việc này nhưng đơn giản chỉ mỗi việc đang trong độ tuổi trung niên đã là sự thiệt thòi cho người vợ rồi. Ông bảo, “Người phụ nữ khi mãn kinh sẽ không còn ham muốn tình dục nữa, trong khi chồng của họ thì vẫn sung mãn. Đây là lý do dẫn đến chuyện đa thê.”

Tôi vẫn cảm thấy khó hiểu. Làm thế nào mà người chồng có thể tiếp tục nạp thiếp và không thông qua sự đồng ý của vợ cả? Một nhân viên tòa án khác bảo rằng thật ra mỗi năm chỉ có một hoặc hai cặp vợ chồng đến đây đăng ký hôn nhân đa thê, và nhìn lên tấm biểu đồ hiện tại thì năm nay còn chưa có ai cả. Người thư ký tòa án thứ hai giải thích rằng: “Có hai trường hợp đa thê: Những cặp đa thê lành mạnh sẽ đến tòa án xin phép. Những cặp không lành mạnh sẽ không màng để tâm đến đây làm gì và loại này chiếm đa phần.” Năm ngoái, trường hợp duy nhất là của một người đàn ông Malaysia, nhưng đang trong thời gian làm thủ tục thì ông ta biến mất. Dường như đã có ai đó cho ông ta biết mình đang làm chuyện rắc rối không cần thiết.

Về căn bản, một người đàn ông khi muốn lấy thêm vợ sẽ chẳng quan tâm đến chuyện đăng ký cho liên hợp vợ con của mình. Anh ta chỉ việc lo chuyện nhà cửa cho người phụ nữ đó và bắt đầu sinh con đẻ cái. Người vợ hoặc các bà vợ hiện tại là người biết chuyện này sau cùng. Tòa thánh án này là nơi để họ đến kiện tụng, nhưng gần như chẳng có điều gì hứa hẹn được giải quyết cả.

Người thư ký thứ hai bảo: cho dù người vợ có thể chứng minh được rằng cô ta mắn đẻ, khỏe mạnh và hoàn toàn đáp ứng được chuyện chăn gối cho chồng thì chánh án cũng vẫn xử theo ý muốn của người chồng, chỉ vì: “Nếu tôi không cho phép anh ta cưới thêm vợ thì anh ta sẽ lại đi ngoại tình để thỏa mãn dục vọng của mình mà thôi.”

***

THẬT KHÔNG MAY vì không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về tình dục ở Indonesia hay ở hầu hết các nước theo đạo Hồi khác. Ngay cả các nhà nghiên cứu khảo sát ở nhiều quốc gia cũng loại bỏ câu hỏi về tình dục trong những khảo sát trong thế giới của đạo Hồi. Việc này có nghĩa là không thể nào biết được mức độ ngoại tình ở những nước như Iran, nơi kẻ phạm tội vụng trộm có thể bị ném đá đến chết. Dựa theo một khảo sát vào năm 1999, ở Kazakhstan, với khoảng nửa dân số theo đạo Hồi, thì có khoảng 1,6% đàn ông đã có vợ hoặc đang chung sống với phụ nữ khác như vợ chồng và 0,9% phụ nữ cho biết họ có hơn 1 nhân tình trong năm ngoái. Còn theo một khảo sát vào năm 2003 thì ở Nigeria, cũng có khoảng nửa dân số theo đạo Hồi, tỷ lệ này là 15,2% cho đàn ông và 0,6% cho phụ nữ.

Cho dù thiếu những dữ liệu xác thực nhưng tôi bắt đầu nhận thấy được ngoại tình vẫn xảy ra đều đặn trong đất nước Indonesia và chuyện này cũng chẳng có gì là bí mật. Những người đàn ông và phụ nữ trung lưu tôi được gặp đều khẳng định vụng trộm là cực kì sai trái vì kinh Cô-ran đã nghiêm cấm nó. Nhưng câu tiếp theo đa phần đều thừa nhận rằng chuyện quan hệ ngoài hôn nhân này khá phổ biến và rất nhiều bạn bè của họ cũng đang làm vậy.

Paulus Wirutomo, Trưởng khoa xã hội học tại Đại học Indonesia phát biểu: “Đạo Hồi không dễ dãi và khá chú trọng về hình thức.” Những đặc tính của đạo giáo không hẳn ngăn chặn được nạn ngoại tình nhưng cũng góp phần định hình văn hóa tình dục. Rất nhiều người bảo tôi rằng họ luôn cẩn trọng khi vụng trộm vì không muốn làm gì tổn hại trực tiếp đến đạo Hồi.

Chế độ đa thê đã hợp thức hóa chuyện một vợ là không đủ và hoàn toàn tạo điều kiện thích hợp cho đàn ông có gia đình đi hẹn hò mặc dù đôi khi họ không có ý định lấy các nhân tình ấy về làm vợ. Wirotomo bảo: “Chế độ đa thê vô tình cổ vũ cho chuyện ngoại tình, trong khoảng thời gian qua lại với nhân tình trước khi cưới cô ta làm vợ chính là lúc vụng trộm.” Ngay cả những người phụ nữ có học thức cao cũng gượng cười mỗi khi tôi nhắc đến chuyện đa thê. Họ luôn bị ám ảnh rằng một lúc nào đó chồng mình sẽ có thể đề cập đến vấn đề này.

Người Indonesia đã quen với việc nhà nước quy định một đằng, dân chúng thực hiện một nẻo. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chuyên đánh giá mức độ tham nhũng của các nước trên thế giới, đã xếp Indonesia vào hàng tốp. Trong 158 nước được nghiên cứu thì chỉ có 21 nước thuộc tốp trên so với các nước còn lại về mức độ tham nhũng.

Ở đây còn có những từ ngữ cảm thán địa phương dành cho những mối quan hệ vụng trộm không ràng buộc như: bobok bobok siang hay BBS là cách nói lóng kiểu trẻ con thay cho “ngủ trưa”, ngoại tình là selingkuh và dịch sát nghĩa là “khoảng thời gian tuyệt vời”. Trong kiểu quan hệ này, cả hai bên đều biết rằng họ sẽ không làm tổn hại đến gia đình mình.

Nhưng ở đâu cũng vậy, ông ăn chả thì bà ăn nem. Một người tên là Ria, 24 tuổi, sống ở Jarkata, cô đang mang chiếc mạng che mặt bằng lụa trắng phủ lên làn da màu ô-liu của mình. Ria có một bé trai 3 tuổi, một ông chồng khá giả và một người tình mà cô quan hệ mỗi tuần một lần và nhắn tin tâm sự với anh ta ít nhất 10 lần trong ngày.

“Nhìn tôi này! Tôi theo đạo Hồi và mang mạng che mặt nhưng chẳng sao vì tôi cũng có một khung trời khác của mình mà,” cô vừa nói vừa vỗ nhẹ lên đầu. Đoạn cô chìa mấy chiếc nhẫn trên tay ra khoe: Hột xoàn thì được chồng cô tặng còn chân đế bằng vàng thì người tình cho (chuyện này chồng cô không hề biết). Bố mẹ của Ria rất sùng đạo và điện thoại hỏi thăm cô mỗi ngày, họ mà biết cô ngoại tình thì chắc sẽ nổi điên lên mất. Tình nhân của cô còn độc thân và sống gần nhà cô, giờ đây cô sống lệ thuộc vào tình nhân về tinh thần, một thứ mà cô không tìm thấy ở chồng mình. Nhưng dĩ nhiên cô vẫn trân trọng mối hôn nhân của mình. Chồng cô sẵn sàng chi trả học phí cho cô quay lại trường học nhưng chính tình nhân là người khích lệ cho cô thấy mình là người thông minh và có cơ hội thành công trong công việc mới. Cô bảo: “Tôi yêu chồng nhưng tôi vẫn cần một người cho tôi niềm tin vào cuộc sống.”

Ria cho biết, rất nhiều bạn bè của mình cũng có một ông chồng đáng kính và một người tình độc thân trẻ trung bên cạnh. Sáng hôm sau cô sắp xếp cho tôi gặp một trong số họ tại một khu mua sắm vắng vẻ. Cô này tên Dian, 29 tuổi, và đã bắt đầu cặp bồ sau khi biết chồng mình đang hẹn hò với bạn gái cũ mặc dù anh ta chống chế rằng chuyện này chỉ là “hương hoa qua đường” và chẳng có gì quan trọng.

Dian có bằng luật nhưng bị chồng cấm đi làm để có mặt ở nhà mỗi khi anh ta đi làm về. Sáng sáng cô chuẩn bị cặp tài liệu cho chồng, nếu cô lỡ bỏ sót món nào thì anh ta sẽ gọi điện thoại về mắng nhiếc ngay. Cô bảo: “Tôi cũng cảm thấy tội lỗi vì mối quan hệ vụng trộm này là sai trái. Nhưng tôi không thể thay đổi được sự thật là mình cần một người khác vì tôi đang quá cô đơn. Nhân tình của tôi luôn quan tâm đến tôi trong khi chồng tôi bận rộn. Anh ta thường hỏi tôi đã ăn trưa chưa, còn chồng tôi thì chẳng bao giờ để tâm như vậy cả.”

Những bà vợ đáng thương này lại trở thành miếng mồi ngon cho đàn ông ngoại quốc, những người này không nằm trong mạng lưới xã hội của họ và có bề ngoài cực kì gợi tình. Mike, một chàng trai Mỹ gần 30, đang lưu lại Jarkata để làm luận án nghiên cứu và tìm cho mình một thú vui là quan hệ với phụ nữ có chồng. Lý do anh ta ngừng theo đuổi các cô gái độc thân là vì sau một lần quan hệ với cô nọ, anh chỉ nghĩ đó là tình một đêm thì ngày hôm sau cô ta nhắn tin bảo rằng muốn có con với anh.

Mike bảo: “Hồi còn ở Mỹ tôi cũng chỉ là một thanh niên thường thường, cũng có quan hệ với phụ nữ nhưng không nhiều tới mức này. Mọi thứ ở đây thật đơn giản, chẳng cần giở trò này hay tung trò kia gì cả. Chỉ cần nói ‘ Mau kenal ’ có nghĩa là ‘anh muốn làm quen với em’ là cũng đủ để tán tỉnh rồi đấy.” Điều anh ta than phiền nhiều nhất là ngay cả những phụ nữ có chồng cũng luôn đợi đến lần thứ 5 gặp mặt mới chịu lên giường với anh ta vì họ muốn hai bên “hiểu rõ nhau hơn”. Nhưng sau khi quan hệ xong là họ chỉ nói “Cám ơn anh đã thỏa mãn cho em” sau đó là biến mất. Một người bạn người New Zealand của Mike, người từng sống ở Indonesia nhiều năm, cho tôi biết rằng chuyện ong bướm với phụ nữ có chồng rất hiếm khi dẫn đến quan hệ tình cảm nghiêm túc vì “đảo lộn trật tự bất cứ thứ gì ở Indonesia là không hay ho gì.”

Khi tôi nghi ngờ rằng mọi chuyện không đến mức dễ dàng như vậy thì Mike liền kéo tôi đến điểm săn hàng quen thuộc của anh. Chỗ này nằm gần quầy mỹ phẩm đằng trước một khu mua sắm tên Blok M Plaza, nơi đây các bà giàu có thường tụ tập nhìn qua cửa kính để xem tài xế đến đón mình hay chưa. Khi đến nơi, tôi có gợi ý một vài cô nhưng Mike đều gạt đi vì họ quá trẻ và có khả năng “dây dưa” rất cao. Chỉ mất vài phút để Mike ngắm được đối tượng phù hợp: một cô gái hơi gầy, tóc đen buông ngang đến thắt lưng, vận quần jeans bó và chiếc áo thun cầu thủ Brazil. Trông cô không quá 25 tuổi và trên tay là chiếc nhẫn đính hôn cực lớn. Mike tiếp cận cô ta trong khi tôi đứng chụp ảnh từ xa. Thật sự chỉ sau vài phút trò chuyện, họ cùng móc điện thoại ra trao đổi số.

Phải chăng trong đầu cô ta còn chút gì đó rất vô tư chăng? Tôi tự hỏi.

Mike nhìn tôi mỉm cười nhẫn nại. “Khi một người đàn ông như tôi hỏi số điện thoại của một phụ nữ như cô ta thì chỉ vì một lý do mà thôi.”

Một số đàn ông ngoại quốc cũng bị lún sâu vào các mối quan hệ hơn dự kiến. Ở Solo, tôi gặp một thanh niên người Ý tên Roman, 33 tuổi, đã có 4 vợ và 12 con, 2 trong số đó vừa sinh con vào 2 tuần trước. Anh ta cũng có vẻ ngoài quyến rũ như Puspo, đôi mắt nâu rất thơ ngây như cún con và mái tóc nâu gợn sóng. Nhưng anh ta không thích công khai đời tư và cũng chẳng giả vờ bảo rằng các bà vợ của mình hòa thuận: “Họ cực kì ghét nhau. Cuộc sống của tôi chẳng khác nào địa ngục! Tại sao họ không thể chung sống thuận hòa với nhau nhỉ?” Anh ta vừa cầm ly whisky vừa bảo, lúc này chúng tôi đang ở trong một quán bar nằm gần 4 ngôi nhà của anh.

Các bà vợ của Roman nằm trong khoảng từ 20 đến 22 tuổi. Hai trong số họ tốt nghiệp đại học, số còn lại thì chỉ học hết cấp 3. Anh ta bảo: “Sau người vợ thứ 3 thì tôi chẳng muốn cưới xin gì nữa đâu. Lấy vợ ở đây cũng giống như lấy cả nhà cô ta vậy. Tiền tài cứ phải “nộp hết” vào tay họ thôi.” Năm ngoái anh ta đã phải chuyển sang đạo Hồi để làm mọi chuyện ổn thỏa hơn. Mỗi lần lấy thêm một vợ là các bà hiện tại đều dọa sẽ tự tử. Công việc sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất cũng giúp anh ta trang trải được khoản chi phí tối thiểu 600 đô-la cho mỗi nhà. Hiện anh sống một mình nhưng vẫn bị các bà gọi điện vào lúc 4 giờ sáng để hỏi anh đang ở đâu và với ai. Nhưng dù sao đi nữa, bố mẹ của anh vẫn cảm thấy tự hào về con trai mình.

Roman tìm sự an ủi trong cuộc sống địa ngục của mình từ hàng tá nhân tình, trong lúc chúng tôi trò chuyện thì một cô gửi tin nhắn cho anh: “Cho anh biết nhé, có một người đang rất nhớ anh đấy!” Tin nhắn được viết bằng tiếng Anh vì Roman không biết tiếng Indonesia.

“Tôi không mạnh mẽ lắm đâu, tôi rất yếu đuối nên không thể cưỡng lại cám dỗ được,” anh ngậm ngùi. Trông anh ta thật đáng yêu làm tôi suýt nữa mủi lòng.

***

Ở ĐÂY CÓ MỘT TRUYỆN CƯỜI kể rằng sau khi được Chúa truyền lại Mười Điều Răn thì Moses xuống núi và bảo với dân Israel rằng: “Có tin xấu và tin tốt. Tin tốt là ta đã cố gắng thuyết phục Ngài dạy có 10 điều thôi. Còn tin xấu là trong đó vẫn có điều ngăn cấm về chuyện ngoại tình.”

Thật ra mọi đạo giáo thờ một thần đều nghiêm cấm chuyện ngoại tình ngay từ đầu. Nhưng tôi chưa thấy bằng chứng nào chỉ ra chuyện sùng đạo có thể ngăn cản người ta vụng trộm cả. Một khảo sát ở Mỹ vào năm 2001 cho thấy trong những người đánh giá hôn nhân của mình thuộc loại “khá hạnh phúc” hay “không hạnh phúc cho lắm” thì cho dù đi lễ một hay hai lần một tuần cũng khó mà ngăn được họ quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Nhưng thật ra, nếu thời gian đi lễ có ý nghĩa thì họ đã “sống rất hạnh phúc” rồi.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2000 cho thấy những người đàn ông hay đi lễ nhà thờ sẽ ít ngoại tình hơn nhưng phụ nữ thì không. Một lý do đơn giản là mấy vị linh mục lại là những người có điều kiện để trở thành những đối tượng ngoại tình lý tưởng nhất vì họ thường xuyên tư vấn riêng rẽ cho các tín đồ trong giáo hội của mình. Dave Carder, một linh mục theo phái Phúc Âm ở Fullerton – California, quyết định viết sách tự giúp bản thân về chuyện ngoại tình sau khi chứng kiến hai linh mục trên cấp của ông bỏ trốn cùng tín đồ. Ngoài ra trong hội trợ giúp những nạn nhân của ngoại tình tại Memphis mà tôi từng tham dự thì có đến 4 thành viên kết hôn với các linh mục.

Thật ra, những người có tín ngưỡng sẽ phần nào cảm thấy tội lỗi hơn khi vụng trộm. Điều này làm chúng ta phải xem xét lại sức mạnh lòng tin của họ cao đến mức nào. Một số tín đồ Thiên Chúa giáo ở Mỹ giải thích chuyện quan hệ ngoài hôn nhân rất đơn giản rằng: họ không thể cưỡng lại được vì bị nghiện tình dục. LIFE Ministries (một tổ chức cai nghiện), trụ sở tại Lake Mary – Florida, cho biết có hơn 100 tổ chức hỗ trợ trên khắp nước Mỹ về cai nghiện tình dục. Một tổ chức mang tên “sống tự do mỗi ngày” giải thích chứng nghiện tình dục bắt đầu từ “chuyện thủ dâm” vô hại, sau đó nâng cao lên đến tình dục qua mạng, sự ảo tưởng, và rồi sau cùng sẽ là các câu lạc bộ thoát y và gái điếm. Trong buổi họp mặt, các thành viên cầu nguyện và thực hành những bài tập trong giáo án của LIFE Ministries. Giám đốc của nhóm LIFE ở Florida cho tôi biết rằng một trong những thông điệp thường được nhắc đi nhắc lại là: “Cơ thể của tôi thuộc về vợ mình chứ không phải người nào khác.” Khi gặp những chủ đề không được nói rõ trong Kinh Thánh thì các thành viên sẽ phải tự vấn. “Thường chúng tôi sẽ hỏi, liệu Chúa có làm vậy không? Ngài có tự đặt bản thân mình vào trường hợp này không? Tôi nghĩ là không.”

Nhưng nói chung trên toàn thế giới, thật khó để tìm được sự liên quan giữa đạo giáo và chuyện ngoại tình. Người Pháp và Anh sùng đạo hơn rất nhiều so với người Mỹ, nhưng cả ba dân tộc đều có cùng tỷ lệ ngoại tình. Khu vực hạ Sahara là nơi con người sùng đạo nhất trên thế giới vì trên 80% người dân ở các quốc gia thuộc khu vực này đều khẳng định đạo giáo “cực kì quan trọng” đối với họ, nhưng thực tế thì tỷ lệ đàn ông lăng nhăng ở đây lại thuộc hàng cao nhất. Người dân châu Mỹ Latin cũng rất tín ngưỡng nhưng họ cũng vụng trộm rất nhiều.

Hồi giáo và Do Thái giáo đều có rất nhiều truyền thống phức tạp hơn rất nhiều so với mã số thuế của Mỹ, nhưng cũng hiện hữu nhiều lỗ hổng để hợp thức hóa chuyện quan hệ ngoài hôn nhân. Còn ở Indonesia thì dường như cho phép chuyện đa thê nên đàn ông được quyền có nhân tình. Một số đàn ông Do Thái tìm thấy những quy luật bí hiểm cho phép họ có vợ lẽ. Trớ trêu thay, so với việc tuyên truyền những lời cảnh tỉnh đạo đức một cách rộng rãi thì những đạo luật lại có thể làm cho con người dễ ngoại tình hơn và không cảm thấy quá tội lỗi.

Nói chung, tín ngưỡng đạo giáo cũng tùy thuộc vào từng vùng khác nhau. Thiên Chúa giáo ở Mỹ sẽ có lối hành xử giống kiểu Mỹ hơn Thiên Chúa giáo ở các nước khác. Tương tự, văn hóa tình dục ở Indonesia được định hình bởi hiện thực nghèo đói chứ không phải vì họ cực kì sùng đạo. Người Brazil có vụng trộm nhiều hay không còn tùy thuộc vào họ sống ở vùng giàu có và ít xu hướng ngoại tình hơn hay ở vùng nghèo khó phía Nam, chứ không hẳn tùy thuộc vào họ ngoan đạo đến mức nào.

Người Hasid ở Brooklyn theo trực giác cũng hiểu được nguy cơ mất dần những tập tục của quê hương họ. Vì vậy một số nơi thậm chí cấm TV. Nhưng tự tạo ra một cộng đồng nhỏ như một hòn đảo trong trắng giữa biển cả suy đồi bao la quả thật là một việc nguy hiểm. Người dân sẽ tò mò. Và chính vì họ phải ngấm ngầm đi tìm hiểu thế giới bên ngoài nên thường sẽ bị lạc vào những nơi hào nhoáng nhất.

Không có một người theo đạo nào ở bất cứ đâu bảo với tôi rằng mình sợ hậu quả vợ chồng phân ly khi bị phát hiện ngoại tình cả. Một số còn tỏ ra chẳng hối hận chút nào. Nhưng những người cảm thấy có lỗi đều bảo rằng họ sợ điều tiếng từ chồng, bố mẹ, cha xứ và bạn bè. Cũng giống như bệnh tật ở Nam Phi xa vời tựa những bóng ma phi thực tế, tương tự như Chúa vậy. Nếu muốn biết một người có hay ngoại tình không thì bạn đừng bận tâm hỏi họ theo đạo gì mà hãy yêu cầu cho xem hộ chiếu và gặp gỡ bạn bè của người đó.

Điểm đến tiếp theo là Trung Quốc và cũng là trạm cuối cùng trong chuyến đi vòng quanh thế giới của tôi. Người ta thường nói chính vì sự bùng nổ kinh tế đã tạo ra cuộc cách mạng tình dục ở Trung Quốc. Còn tôi thì muốn biết xem chuyện này có đi đôi với sự bùng nổ của chuyện ngoại tình hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.