Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG V Cái chết của “năm đến bảy”



Vào tháng 1 năm 1996, trong một ngôi làng của Pháp ở Jarnac, Francois Mitterrand đang nằm trong chiếc quan tài bằng gỗ sồi, hưởng thọ 79 tuổi. Cạnh đó, bà vợ Danielle và hai đứa con của họ đang lặng nhìn. Đứng lùi sau một bước là Anne Pingeot, người tình lâu năm của vị cựu tổng thống. Còn bên cạnh Danielle và các con là Mazarine Pingeot, đứa con gái 21 tuổi ngoài giá thú của Mitterrand và Anne.

Hình ảnh này phản ánh chân thực về những người mọi người trên thế giới biết về người Pháp: ở đây chuyện ngoại tình chỉ là trò tiêu khiển của cả nước, và những bà vợ Pháp luôn bao dung cho người tình của chồng (và có thể có vài người tình của riêng mình nữa). Chuyện ngoại tình như là chuyện hiển nhiên của một người có học thức ở Pháp, giống như chuyện họ phải luôn ăn gan ngỗng vậy. Mọi người đều cho rằng khi thấy bức ảnh này được đăng trên bìa báo buổi sáng thì cũng chẳng có người dân Paris nào sặc đến một ngụm cà phê.

Khi tôi chuyển từ New York đến Paris sinh sống, rất nhiều định kiến về người Pháp trước đó nhanh chóng được chứng thực. Phụ nữ Paris thật sự rất đẹp, tôi thường xuyên cảm thấy thua thiệt với các cô hầu bàn, làn da của họ láng mịn đến mức có thể làm quảng cáo cho hãng mỹ phẩm L’OREAL. Không ai đến hồ bơi công cộng mà thân thể có mỡ thừa, ngay cả những người đã làm mẹ. Các cô sinh con xong vài tuần sau đó có thể mặc quần jeans bó. Người Paris cũng rất chú trọng việc ăn mặc. Đến nỗi không ai đi mua đồ tạp hóa mà mặc quần thun lè phè cả. Người dân ở đây hiểu rất rõ về hậu quả của việc những người phụ nữ dám bỏ bê bản thân mình. Một phụ nữ đã có hai con than vãn với tôi rằng quá dễ thấy tổng thống Jacques Chirac là một người lịch lãm, vì chịu đựng được bà vợ Bernadette luôn cau có mặt mày.

Vẻ ngoài đẹp đẽ làm cho chuyện tán tỉnh thú vị hơn. Trong những buổi tiệc tối, chồng và bạn trai của người khác dám đáp lại ánh mắt của tôi lâu hơn cả những gã đàn ông dâm đãng Mỹ dám làm. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu xem điều này có dẫn đến những gì hơn nữa không, nhưng thật ra cũng không cần thiết lắm. Việc tán tỉnh bạn tình của người khác không bị xem là phản bội bạn đời của mình hay là cánh cửa dẫn đến quan hệ ngoài hôn nhân. Nó đơn giản chỉ là một thú vui.

Ở Pháp, ngoại tình là một ý niệm mà bạn có thể đùa cợt được và không nhất thiết bị sa ngã vào tội lỗi. Một trong những giáo viên dạy tiếng Pháp đề nghị tôi nâng cao tiếng Pháp của mình bằng cách école horizontale – nghĩa là ở cùng với một người đàn ông Pháp cho đến khi có thể phát âm động từ được lưu loát hơn. Chồng tôi tí nữa đã đồng ý cả hai chúng tôi thực hiện điều này, cho đến khi tôi phải giả vờ là đã chọn học “thầy dạy tiếng Pháp mới” cho qua chuyện.

Khi đi tàu điện ngầm ở Paris, tôi để ý thấy những áp phích quảng cáo của Pháp thường đùa cợt về chuyện vụng trộm. Một hệ thống rạp chiếu phim quảng cáo “thẻ ngoại tình” cho những khách hàng thân thiết trên đó ghi rõ MÙA HÈ ĐÃ QUA, CHUNG THỦY TRỞ LẠI. Trên bảng quảng cáo khi mua một cặp mắt kính dự phòng in hình chú rể mỗi tay ôm một cô dâu. Để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, một công ty sản xuất kẹo sô-cô-la còn nghiên cứu làm sao ông già Noel giữ ấm khi đi phát quà ngoài trời lạnh giá; sau đó một mẫu quảng cáo đăng hình ông ngồi trên xe kéo bên cạnh một cô gái quyến rũ trẻ đẹp mà rõ ràng không phải là bà già Noel rồi.

Bằng chứng về chuyện ngoại tình của dân Pháp có vẻ xuất hiện khắp nơi. Thực tế là mọi hài kịch lãng mạn tôi từng xem đều nói về những cặp vợ chồng đã kết hôn và tình nhân của họ. Và thường là chẳng có ai chết cả! Trong một cuốn phim kể về cặp vợ chồng đem con đến sống tại ngôi nhà chung của gia đình ở miền Nam nước Pháp, ngay lập tức nhân tình của người vợ xuất hiện và họ lén lút hẹn hò trên bãi biển, còn người chồng thì gặp bạn thời niên thiếu rồi phát hiện ra mình đồng tính. Đến cuối phim, cả hai đều nức nở thú tội cùng nhau, sau đó dẫn người tình về chung sống cùng nhà với con cái và hát hò vui vẻ chào tạm biệt khán giả. Trong điện ảnh Mỹ thì mọi thứ đều ngược lại, một khi đã vụng trộm thì sẽ trở thành nhân vật phản diện. Vì vậy, theo lối nói của điện ảnh Pháp, ngoại tình hiếm khi cho thấy nhân vật đó là vai chính.

Tóm lại, có vẻ như nước Pháp là vai trò chủ đạo của cuốn sách này. Tôi đã chuyển đến sinh sống tại thủ đô ngoại tình của thế giới và tôi chỉ cần tìm vài người ngoại tình thật sự để phỏng vấn và kết thúc câu chuyện ở đây.

Nhưng thật bực bội vì một số phần của câu chuyện lại không suôn sẻ như vậy. Sau khi lưu lại Paris vài tháng, một trong những tờ tuần báo hàng đầu đăng tải lên trang nhất câu chuyện kết thúc những điều cấm kỵ của ngoại tình. Chuyện này thật vô lý, vì trong nhận thức của tôi, làm gì có điều cấm kỵ nào cho ngoại tình ở cái thành phố này chứ. Mọi chuyện càng trở nên khó hiểu hơn khi diễn viên nữ chính người Pháp trong phim bảo rằng cô chỉ dám công bố chuyện lăng nhăng của bạn đời của mình sau khi thấy diễn viên Mỹ Uma Thurman làm điều này. Cô giải thích “Đúng là phong cách Mỹ, ở đây chẳng ai dám làm đâu.”

Tôi còn nhận thấy rằng tạp chí phụ nữ ở đây lại không đoái hoài lắm đến vấn đề ngoại tình. Còn ở Mỹ, họ đăng những câu chuyện chỉ cách cầm cương lại các gã đàn ông lăng nhăng, nên làm gì khi nghi ngờ người yêu mình đang lạc lối, làm sao để cắt đuôi được những “người bạn tốt” khác phái củangười mình yêu, và tình dục trên mạng có được tính là ngoại tình hay không. Phụ nữ Pháp giật mình khi tôi cho họ biết rằng trên thế giới họ được biết đến là dễ dãi nhất trong chuyện ngoại tình. Một bà liền bật lại, “Có ai mà muốn chồng mình lăng nhăng đâu?”

Và rồi các cuộc phỏng vấn của tôi lần lượt bốc hơi. Các bạn của bạn tôi hủy hẹn, không ai trả lời email. Những người trước đây từng tỏ vẻ thích thú đến chủ đề này đều rút lui ngay khi tôi lôi tập ghi chép ra. Mọi nơi ở Paris người ta đều miễn cưỡng nói về chủ đề này cho dù là trò chuyện ẩn danh. Khi tôi than phiền điều này với một người bạn và cô bạn gái người Pháp của anh ta, cô này bảo có lẽ tôi đã phạm vào pudeur , một từ Pháp có ý nghĩa nằm giữa sự e ngại, tính nhún nhường và sự riêng tư cá nhân. Rồi cô đề nghị giúp đỡ. Nhưng sau đó, chính côấy không trả lời điện thoại của tôi nữa. Nếu tôi chưa từng sống ở Pháp chắc tôi đã phải ra đi với quyển sổ trắng tinh rồi. Chắc chắn nếu trong thị trấn này có người có cinq à septs , chính là thời gian hẹn hò nổi tiếng từ “năm đến bảy” giờ khi họ gặp mặt người tình trước khi về nhà dùng cơm tối, thì hẳn phải có ai đó kể cho tôi nghe chứ nhỉ?

Sau đó tôi phát hiện một số thống kê chống lại hoàn toàn những chuẩn mực của Pháp. Khi so sánh những số liệu điều tra về tình dục, kết quả cho thấy tỷ lệ một vợ một chồng của Mỹ và Pháp ngang nhau. Hầu hết những người thành niên Pháp đều chung thủy một cách nhàm chán. Họ thường kết đôi vào cuối độ tuổi 20 hay đầu tuổi 30 rồi quan hệ tình dục an toàn trong hôn nhân chỉ với bạn đời của mình suốt năm này qua tháng nọ.

Alain Giami, đồng tác giả của một bài báo so sánh thói quen tình dục của dân Mỹ và dân Pháp, cho biết rằng người Pháp không chỉ chung tình hơn trong thời gian hẹn hò, mà ngay cả hôn nhân và ngoại tình cũng kéo dài hơn dân Mỹ. Giami còn viết: “Ở Pháp, một khi mối quan hệ đã có dính dáng đến tình dục thì mức độ chịu trách nhiệm cũng cao hơn ở Mỹ.”

Thói quen lừa dối nhiều phụ nữ một lúc của dân Mỹ lại rất lạ lẫm đối với người Pháp. Người Pháp một khi đã hôn và nhất là khi đã quan hệ với nhau thì họ sẽ chung thủy với bạn đời của mình. “Gặp được người mà mình thật sự yêu thương đã khó lắm rồi,” một người bạn Pháp làm luật sư ở độ tuổi 30 bảo tôi như vậy. “Thật là ngớ ngẩn hoặc cẩu thả” khi bắt cá hai tay. Cô ấy làm tôi nhớ lại cái lần cô miễn cưỡng “hẹn hò mà chưa biết mặt” (blind date) với một người bạn của tôi đến chơi từ New York. Cô thấy anh chàng ấy khá tốt nhưng cái kiểu hẹn hò “sắp đặt” này lại khắt khe quá. “Mình không nên gặp một người mà ngay từ đầu đã có ý định tiến xa hơn, chỉ là có thể thôi. Vì như vậy mọi phép màu hay điều thú vị đều mất hết cả rồi.”

Càng đào sâu, mọi thứ lại càng phức tạp hơn. Một biểu đồ điều tra ý kiến cho thấy chung thủy là yếu tố hàng đầu mà phụ nữ Pháp cần ở đàn ông, còn đối với đàn ông thì yếu tố này chỉ thua một chút so với yếu tố “dịu dàng”. Cả hai phái đều cho rằng trong những mấu chốt quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân thì sự chung thủy chỉ đứng sau chuyện “hợp nhau”. Nếu như được chọn lựa, người Pháp cũng như người Mỹ, đều muốn chung thủy và tin rằng quan hệ một vợ một chồng là con đường vững chắc dẫn đến mối hôn nhân bền vững.

Khi gặp gỡ thêm nhiều người, tôi nhận thấy chuyện đàn ông Pháp nuôi bồ nhí ở những căn hộ nhỏ nghe có vẻ xa lạ với người bình dân ở Paris tương tự như những người sống ở Cincinnati vậy. Chuyện này không thực tế chút nào. Tạm quên cái vụ cinq à sept này đi. Người thuộc tầng lớp trên mức trung lưu ở Pháp – là những người lẽ ra có khả năng lăng nhăng nhất – lại phải làm việc đến sớm nhất là 7 giờ tối và sau đó phải tốn nhiều thời gian về ngoại ô trên hệ thống RER – giống như hệ thống tàu điện Long Island nhưng được xây dựng ở Paris. Thời điểm tôi sống tại đây là lúc bất động sản lên giá vùn vụt. Khi những người Pháp trẻ tuổi kiếm được tiền bạc mua được xe nôi giá 900 USD cho con cái và trả được hết 10 năm tiền trả góp nhà thì cũng không còn được bao nhiêu để bao tình nhân, huống hồ gì đến việc tìm thời gian để hẹn hò nữa. Một bữa nọ, sau khi dùng bữa trưa ở Champs-Elysées cùng một tư vấn quản trị người Paris, ông cười khúc khích kể với tôi rằng: “Đôi khi vợ chồng tôi gây gổ, bà ấy buột miệng ‘tôi sẽ đi tìm thằng khác cho ông xem.’ Ngay sau đó, cả hai đều cười phá lên – vì làm vậy làm gì cho cuộc sống thêm phức tạp!”

Ngay cả đến bức ảnh ở đám tang của Mitterrand cũng trở lên phức tạp hơn tôi tưởng. Sau khi đọc một bài báo của Pháp, tôi mới biết rằng “phòng nhì” của Mitterrand cũng đã phải sống trong bí mật đến hai mươi năm. Mặc dù sự tồn tại của Mazarine đều được giới báo chí và chính trị biết đến, nhưng sự việc chỉ bị phanh phui 14 tháng trước đám tang khi một bức ảnh của bà và bố của mình đang bước ra từ một nhà hàng ở Paris xuất hiện trên tờ tuần báo Paris-Match .

Lúc đó Mitterrand rất lo lắng về dư luận sẽ đánh giá chuyện ông có phòng nhì như thế nào. Từ khi nhậm chức vào năm 1981, ông thành lập nhóm đặc nhiệm chống khủng bố. Mặc dù họ hoạt động dưới hình thức bảo vệ tổng thống nhưng họ dành hầu hết thời gian để nghe lén các cuộc điện thoại của những đối thủ chính trị khác và các nhà báo, nhằm tìm hiểu xem họ có nhắc đến cái tên Anne hay Mazarine hoặc lật tẩy những sự thật không hay ho về tổng thống hay không (bao gồm cả chuyện ông đang bị ung thư giai đoạn cuối). Phủ tổng thống hình như cấm xuất bản một cuốn sách viết về Mazarine mang tên Niềm vinh dự bị đánh mất của Ngài Mitterrand (cuốn sách này rốt cuộc cũng được công bố sau khi ông ta qua đời). Khi đội đặc nhiệm của Mitterrand biết được tác giả dự định thảo luận về bản viết tay của cuốn sách trên một chương trình truyền hình trực tiếp thì chương trình này đột ngột bị hủy bỏ. Theo báo chí đưa tin, chính phủ e ngại việc thông tin bị lộ đến mức họ còn đặt máy nghe lén ở tiệm cà phê của tác giả và cả ở nhà của người quản lý căn hộ của anh ta.

Nhiều năm sau, trong cuốn tự truyện tên Khâu chặt miệng xuất bản vào năm 2005, Mazarine còn tả lại bà đã phải trốn dưới ghế xe như thế nào khi rời khỏi phủ tổng thống. Trong các cuộc phỏng vấn, bà cho biết đã đau khổ ra sao khi lúc nào cũng phải “ẩn thân” đến nỗi phải đi điều trị tâm lý. Bà còn viết: “Tôi là đứa con ngoài giá thú và bị giấu giếm – thật là một điều xấu hổ cho nền Cộng Hòa và một sự lăng nhục về đạo đức.” Mitterrand rất thân cận trong quá trình trưởng thành của Mazarine nên cũng đồng ý điền tên mình vào giấy khai sinh của cô vào thời gian cuối đời nhưng vẫn đặt điều kiện rằng điều này phải được giữ bí mật đến khi ông chết. Ngay cả bức hình được đăng trên tuần báo Paris-Match cũng bị đồn đãi là sự sắp đặt của đội đặc nhiệm của Miterrand nhằm từng bước đưa Mazarine ra ánh sáng.

Vậy tôi phải làm sao với cả mớ thông tin này đây? Nước Pháp lẽ ra là địa điểm tuyệt vời nhất để tôi viết về chuyện ngoại tình, bây giờ đã trở nên quá phức tạp. Người Pháp không giống như những gì người ta thường nói. Mặc dù chỉ tìm hiểu được một ít nhưng tôi cũng thấy được những nguyên tắc về quan hệ ngoài hôn nhân ở đây khác với ở Mỹ. Nhưng trừ khi tôi tìm được người nào chịu kể cho tôi về chuyện của họ, bằng không đất nước 60 triệu dân này sẽ mãi nằm trong vòng bí ẩn.

***

ĐIỂM DỪNG CHÂN đầu tiên của tôi là nhà của Diane Johnson, bà là một tiểu thuyết gia Mỹ đã 70 tuổi và bay đi bay lại giữa Paris và San Francisco. Bà chuyên viết những truyện hài hước phức tạp về lối sống và cách cư xử ở Pháp, và hầu như lúc nào cũng liên quan đến chuyện ngoại tình. Mặc dù bà không phải là người bản địa nhưng việc trú thân giữa biên giới của hai nền văn hóa này sẽ làm Johnson có đủ khả năng gỡ mối tơ vò cho tôi.

Căn hộ Left Bank của Johnson thuộc loại cao cấp ở Paris: trần nhà đúc khuôn viền, sách xếp ngay ngắn trên những chiếc bàn cẩm thạch cổ, sàn nhà lót ván gỗ cứ kêu cót két dưới mỗi bước chân khi bà mang cà phê ra cho chúng tôi. Thế giới của Johnson cũng khép kín giống như những nhân vật trong truyện của mình, bà thừa nhận rằng phải mất một thời gian để nhận thấy rằng không phải người Pháp nào cũng có nhà ở ngoại ô. (“Mặc dù theo kinh nghiệm của tôi thì họ đều có vì những người tôi biết đều sở hữu trang viên mà,” bà bảo.)

Đến khi chúng tôi trò chuyện về thói quen tình dục của người Pháp thì Johnson cũng tỏ ra bối rối. “Tôi không thật sự biết nhiều về những nguyên tắc của dân Pháp vì chẳng dễ để tìm hiểu đâu. Nếu như cô là người Pháp thì sẽ tự khắc biết, và khi biết cô là người Mỹ, có một số chuyện nhất định họ sẽ không nói hết với mình,” bà phân trần. “Dĩ nhiên những gì cô thường nghe nói là đàn ông Pháp luôn có nhân tình… Cô muốn biết đó có phải là một phần của nước Pháp trong dĩ vãng hay chỉ là tưởng tượng ra không, kiểu như Colette thường viết ấy.”

Colette là một nhà văn Pháp trong giai đoạn đầu thế kỉ 20, những nhân vật trong tiểu thuyết của bà thường lao vào cuộc tình với những người đàn ông thuộc giai cấp tư sản đã có vợ. Phụ nữ đôi khi cần tiền hoặc sự sung túc có được từ những sự dàn xếp, càng dễ hiểu hơn khi phụ nữ thời đại này ít làm việc kiếm tiền, những cuộc hôn nhân của tầng lớp thượng lưu cũng phần nào đó được sắp đặt và ly hôn là điều cấm kị.

Ngày nay khi mọi người ở Pháp kết hôn hiển nhiên vì tình yêu, thời đại tiếp theo này không còn tồn tại nhiều vấn đề ngoại tình mà thực tế là đàn ông Pháp rất thích sự có mặt của người phụ nữ của mình kề bên. Johnson tả lại những kiểu tán tỉnh bà thường gặp hằng ngày khi đi chợ, kiểu như “‘miếng thịt cừu này chỉ dành cho em thôi, em yêu ạ.’ Phong cách này làm cho cảm giác đi mua thịt có vẻ thân thiết và gắn bó hơn giữa đôi bên bán và mua,” bà bảo.

Johnson kể rằng đàn ông có vợ trong vùng mà bà quen biết thường đọc tạp chí thời trang, hay ngắm nhìn các cửa hàng quần áo phụ nữ và rốt cuộc là hay tháp tùng các bà đi mua sắm. “Phụ nữ Pháp hay than phiền rằng mẹ chồng rất khó tính, hay cáu gắt và điều khiển con trai mình, nhưng chính những điều đó sẽ làm cho các đấng ông chồng ấy trở nên biết tôn trọng người khác hơn.”

Ngược lại, khi trở về Mỹ, bà lại thấy quan hệ giữa các phái chứa đựng nhiều sự xung đột và có chiều hướng khó kiểm soát được. Đàn ông Mỹ hay bị vẻ đẹp của phụ nữ cuốn hút nhưng luôn cho rằng sở thích của phụ nữ là quái gở, vì vậy họ tỏ ra thích ngồi xem thể thao với bạn bè hơn. “Có những khuôn mẫu như người phụ nữ muốn lấy thứ gì đó từ người đàn ông nhưng anh ta tìm mọi cách để giữ lại hoặc ngược lại… Rồi có giả thuyết là sẽ có những điều thất vọng hoặc oán hận xảy ra và mọi thứ phải được thương lượng.”

Bà bảo phụ nữ Mỹ đã bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng “thỏa mãn cho em”, bởi vậy, “một trong những lời phàn nàn thường xuyên nhất của họ là chồng chẳng màng trò chuyện cùng mình. Nhưng thật ra cái chính yếu họ muốn nói là mối quan hệ hiện tại… Nó đang diễn ra quá bình lặng và nhàm chán.” Ở đây ý nói rằng phụ nữ Pháp hiện đại có thể tự thân vận động mà không bị vướng vào những lời kết tội vô bổ và những phương thức trị liệu tâm lý dành cho chuyện ngoại tình ở Mỹ.

“Văn hóa Pháp,” Johnson vừa cho một viên đường nâu vào tách cà phê espresso vừa từ tốn nói, “là một kiểu lý tưởng hóa của bản thân chúng ta đấy.”

***

TÔI GẶP Charles tại một quán cà phê có tông màu khói đen gần Bastille, nơi tụ tập nhiều gã đàn ông Pháp trẻ trung, giàu có, hay còn gọi là “công tử.” Ở tuổi 43, Charles gần như lớn tuổi nhất ở đây. Nhìn thấy anh mặc áo sơmi trắng không cổ và đeo chiếc kính đen thời trang, tôi đoán anh thuộc về hạng giàu có trong đám công tử này.

Anh tự giới thiệu là một bác sĩ cư ngụ tại khu quận 5 giàu có nằm bên kia sông Seine của Paris. Nhìn anh rất giống với hình tượng các giáo sư thị thành được miêu tả trong phim ảnh Pháp. Anh thường đưa ba đứa con đi du ngoạn trên biển. Anh còn là tay chơi đàn vĩ cầm nghiệp dư trong một dàn nhạc giao hưởng. Anh gặp vợ mình 15 năm trước, cô cũng là bác sĩ và lúc đó họ cùng đang thực tập y khoa. Anh cũng có lúc sùng đạo nhưng tự cho mình là người theo thuyết bất khả tri.

Mặc dù chúng tôi gặp nhau để trao đổi về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân của Charles nhưng ngay từ đầu, anh đã khẳng định rằng mình tiến tới hôn nhân là muốn chung thủy cả đời và thật sự đã tuân theo chế độ một vợ một chồng suốt một thập kỷ đầu. Và lẽ ra anh sẽ luôn như vậy nếu như vợ anh biết làm tốt phần mình để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân. Cô cũng đáng yêu, cũng biết trìu mến, và là một người mẹ tốt, nhưng ngặt nỗi cô lại không chịu làm đẹp. Charles luôn năn nỉ vợ mình mang giày cao gót và những chiếc váy để tôn lên dáng dấp gợi cảm của mình. Nhưng mặc cho anh cố gắng nài nỉ nhiều năm, cô vẫn mặc đồ rộng thùng thình, hay ra khỏi nhà mà không màng đánh son môi. Và nhất là cô cũng chẳng tỏ ra có nhu cầu tình dục với chồng mình.

Cưới được người vợ thông minh cũng tốt thôi, nhưng Charles mong có một người vợ “nữ tính”. Chắc chắn sự đòi hỏi này của đàn ông là không quá đáng chút nào, nhất là đối với một người tự biết mình là một người lãng mạn như Charles. Nhưng vợ anh chẳng màng quan tâm. Sau cả một thập kỉ chịu đựng, mặc dù luôn được dạy bảo rằng hôn nhân là chỉ một vợ một chồng, Charles không còn lựa chọn nào khác là hẹn hò người phụ nữ khác.

Không giống như ở Mỹ, ở đây có những nguyên nhân hẳn hòi không chối bỏ được làm người ta phải ngoại tình. Anh bảo, “Tôi không cảm thấy có lỗi cho lắm, vì rất nhiều lần tôi đã yêu cầu cô ấy thay đổi, hãy ăn mặc đẹp hơn, quyến rũ hơn và chăm sóc tóc tai này nọ rồi mà.”

Một đêm nọ, trong quán bar gần nhà, anh gặp một người phụ nữ đã có chồng, bà là thợ làm tóc. Charles miêu tả lại người phụ nữ tên Danielle đó bằng giọng điệu ngưỡng mộ ra mặt: cô ấy có mái tóc vàng, cực kỳ gợi cảm và luôn đi tập thể thao mỗi ngày. Cô ấy luôn chú trọng đến vẻ bề ngoài của mình, khi cô đi nâng ngực, cô từ chối gặp Charles cho đến khi những vết sưng xẹp hẳn.

Thời gian đầu, tình yêu của họ rất lãng mạn với bao nhiêu quà tặng. (Vào thời kì đỉnh điểm của sự cuồng si, anh tặng cho cô cả chiếc đồng hồ hiệu Gucci đắt tiền.) Sau 5 năm, đến nay, nó còn hơn là một tình bạn say đắm. Vào mỗi thứ 6 hằng tuần khi Charles được nghỉ nửa ngày họ cùng nhau ăn trưa ở một nhà hàng nhất định gần ga tầu điện ngầm Odéon. Sau đó họ gần gũi nhau trong một studio ngay cạnh căn hộ của gia đình Charles.

“Đây hẳn không phải là cuộc sống tôi muốn có. Có lẽ chung thủy vẫn là lựa chọn tốt nhất nhưng vợ tôi cứ như vậy thì không thể nào. Đối với cô ấy, tôi phải thỏa hiệp và phải bắt mình phải làm quen với những điều đó.” Và vì những đứa con, đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi, anh không thể nghĩ đến chuyện ly hôn được.

Charles đã cố gắng cẩn trọng. Nhưng vài năm trước, khi anh đang đưa Danielle ra ga tàu điện thì bị vợ phát hiện, nhưng anh đã giải thích rằng đó chỉ là một lần lầm lạc khi say rượu để làm cô yên lòng. Đề tài này cũng kết thúc khi họ đi ngủ, nhưng đôi lúc khi cãi nhau vợ anh cũng hay đem chuyện này ra nói. (Họ thường nhắc đến điều này như một “lỗi lầm” của Charles). Nếu như cô nghi rằng có gì hơn thế nữa cô cũng chẳng nói ra.

Tôi luôn nghĩ rằng nếu như ở Mỹ, Charles đã bị gọi là kẻ tự tôn thái quá, một kẻ nghiện tình dục, hay thậm chí là loại người tồi tệ hơn thế nữa. Nhưng anh và cách nhìn nhận mối quan hệ với Danielle là thiên về thực tế hơn là đạo đức: Trong hoàn cảnh này, anh không tìm ra hướng để vừa làm người chồng chung thủy và vừa được thỏa mãn. “Tôi đã cảnh báo cô ấy rất nhiều lần. Tôi bảo, ‘Nếu như em không làm được những thứ anh muốn, anh sẽ tìm nó ở người phụ nữ khác.’ Nhưng cô ấy không chịu hiểu. Tôi đã cố gắng hết mình trong mười năm, nhưng chẳng thay đổi được gì.”

Vì vậy, anh không tự thấy có lỗi vì đã ngoại tình, ngay cả vài người bạn nghe anh kể cũng tỏ ra đồng quan điểm. Anh không cảm thấy xấu hổ với sự dàn xếp này nhưng cũng hiếm khi nhắc đến nó vì không muốn vợ mình phát hiện ra. Chẳng việc gì phải đánh mất đi một điều tốt đẹp hay đem oán hận vào hôn nhân của mình làm gì phải không?

Khi tôi nói cho Charles biết rằng dân Mỹ thường phải đi trị liệu tâm lý do quá căng thẳng vì phải phân mình cho quan hệ bắt cá hai tay giống anh thì Charles tỏ ra ngỡ ngàng khó hiểu. Khoảng 1 năm sau khi hẹn hò với Danielle, anh đã không cần tới vị bác sĩ tâm lý từng chữa trị cho anh trong 6 năm trời. Anh giải thích: “Tôi đã giải quyết vấn đề rồi. Vấn đề chỉ là hôn nhân và tình dục mà thôi.”

***

KẾT THÚC buổi gặp gỡ với Charles mà tôi vẫn cảm thấy choáng váng. Cuối cùng tôi cũng hé nhìn được những bí mật sau bức màn nhung. Tôi đã hiểu rằng không có gì khác biệt lắm về chuyện dân Pháp hay dân Mỹ có bao nhiêu mối tình vụng trộm, cái khác ở đây chính là những điều bên trong cuộc sống riêng của người ngoại tình và cách người ta đánh giá về họ thôi.

Điều gây bất ngờ nhất trong cuộc đối thoại giữa tôi và Charles là anh không hề nhắc đến chuyện: những người đang trong quan hệ yêu đương nên hoàn toàn thật thà thẳng thắn với nhau. Việc dối gạt vợ mình chẳng phiền lòng anh, và không có ai anh quen biết ở Pháp (trừ tôi) phản đối cả.

Điều này làm tôi nhớ đến những gì mà phóng viên Adam Gopnik của tờ New Yorker đã viết trong thời gian Clinton bị thẩm vấn: “Điều khác biệt nhất mà dân Mỹ khó có thể thừa nhận là không phải dân Pháp không hứng thú về tình dục bằng dân Mỹ, mà chỉ vì họ bình tĩnh hơn khi đối mặt với những lời dối trá mà thôi.”

Khi tôi trích ra câu châm ngôn của Mỹ: “Vấn đề không nằm ở chuyện tình dục mà chính là ở sự dối trá,” thì người Pháp tỏ vẻ ngỡ ngàng. Họ không hiểu làm sao ngoại tình mà không nói dối cho được? Họ còn cảm thấy khó hiểu hơn khi nghe người Mỹ tin tưởng tuyệt đối rằng vợ chồng không nên giữ bí mật nào cả. Chưa xét đến chuyện không đồng tình về triết lý, thì họ cũng cảm thấy điều này là không thực tế chút nào.

“Thái độ nhẫn nhịn – và có lẽ là đáng học hỏi – của người Pháp cho ta thấy rằng nói dối về tình dục đơn thuần chỉ là một sự vị tha trong xã hội mà thôi,” Gopnik đã viết. Ông còn tiếp lời rằng: “Ở Pháp, giả thuyết dễ chấp nhận nhất là những người bình thường như chính trị gia, tình nhân, nhà báo nói dối rất nhiều, có nghĩa là bạn có thể đối mặt trực tiếp với sự dối trá và dành cho chúng sự trừng phạt đích đáng mà không cần phải quy họ vào tội tử hình.”

Sự tự do hành động có vẻ là nền tảng của ngoại tình ở Pháp. Nhưng không giống người Mỹ, dân Pháp giữ im lặng về chuyện lăng nhăng của họ không phải vì cảm thấy xấu hổ hành động của mình mà chỉ vì không muốn đánh mất những điều tốt đẹp đang có vì lỡ miệng nói lung tung. Hơn nữa, chuyện tình vụng trộm ở Pháp thường kéo dài hơn những nước khác, vì vậy tốt hơn hết là giữ kín mọi chuyện.

“Họ không cảm thấy có gì bất ổn, chỉ là không muốn dính vào phiền phức gì thôi,” Alain Giami, đồng tác giả của một nghiên cứu về tình dục của Pháp-Mỹ, giải thích. “Có những khoảng tối tồn tại sau những mối quan hệ và không bao giờ được hé mở.”

Và nếu như dối trá không phải là vấn đề chính thì thú tội cũng không phải là giải pháp phù hợp. Một tác giả của cuốn sách tự giúp bản thân để trở nên chung thủy của Pháp bảo rằng đằng sau câu châm ngôn “Không nên nói hết sự thật,” chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ vỡ òa lên những lời thú tội về chuyện mình vụng trộm vì không thể đối diện với lương tâm của mình có vẻ như chỉ xảy ra trong phim ảnh Hollywood mà thôi.

Trên thực tế, một số chuyện ngoại tình của Pháp giống như cuộc Chiến tranh lạnh khi cả hai bên xung đột nhưng đều không giương súng. Franck, 42 tuổi, giám đốc của một công ty máy tính ở Paris, phát hiện ra vợ mình có nhân tình khi thấy phải đổ xăng xe nhiều hơn bình thường. Sau khi bà vợ chối bay mọi chuyện thì Franck liền bắt đầu hẹn hò với cô bạn đồng nghiệp. Vài tháng sau, khi vợ anh ta bảo muốn chuyển công việc đến Lyon thì Franck tự hiểu rằng “cô ấy kết thúc quan hệ vụng trộm của mình.”

Nhưng anh đã lầm. Vợ anh chuyển đến Lyon trước, và đến một ngày anh gọi đến công ty của cô thì phát hiện ra cô đang đi công tác qua đêm ở Paris nhưng lại chẳng màng liên lạc với anh. Sau đó, anh trả đũa bạo hơn bằng cách qua lại với bạn thân nhất của vợ mình.

Một thời gian sau, Franck nhận thấy quan hệ vụng trộm của vợ mình đã phai nhạt đi khi “sau vài tháng cô ấy vẫn đi công tác đến Paris nhưng không ở đêm nữa.” Rồi anh chuyển đến Lyon và hôn nhân của họ nồng ấm trở lại mà tuyệt nhiên không hé một lời nào về những chuyện đã qua. Franck đoán rằng vợ mình đã qua lại với một trong những người bạn tốt của anh nhưng lại “không cảm thấy muốn phanh phui nó, chỉ cần biết khi nào nó kết thúc là được rồi.”

Anh ta chấp nhận chuyện vợ mình giữ lời hứa với tình nhân rằng không bao giờ tiết lộ về những chuyện đã qua cũng như anh đã hứa với cô bạn thân nhất của vợ mình vậy. Anh phân trần: “Tôi nghĩ cô ấy đã thật sự yêu người khác chứ không còn lý do nào tốt hơn để giải thích cả.” Anh cũng không còn lo nghĩ về chuyện này và còn cảm thấy hài lòng khi giờ đây họ lại khắng khít bên nhau. Anh cho rằng: “Chỉ khi nào cô ấy muốn bỏ đi thì mới là vấn đề lớn.”

Đối với tôi, việc Franck chỉ cần biết bấy nhiêu là đủ thật khó tin, nhưng nhà nghiên cứu Pháp, Giami lại bảo trường hợp như Franck là bình thường, và lý giải: “Giống như kiểu người ta giả vờ không muốn biết. Không có gì rõ ràng nhưng cũng không có gì quá bí ẩn. Cũng không ai đi tự thú vì chẳng ai đi tự nhận là ‘Tôi có nhân tình.’ Người kia cảm thấy rằng người này có gì khác lạ hoặc có người nào đó đang xen vào quan hệ của mình nhưng cũng không muốn phanh phui sự việc ra làm gì.”

Còn Véronique, một giáo viên cấp 3 ở Paris khoảng ngoài bốn mươi tuổi, giải thích cho tôi thế này: “Tôn trọng bạn đời của mình là không luôn tìm cho ra lẽ những gì mình muốn biết, nên biết chấp nhận những gì người ấy nói và đừng cố vạch trần ra những thông tin mà người ấy muốn che giấu.”

Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi hầu hết những người tôi phỏng vấn đều không cảm thấy bị giày vò hay cắn rứt lương tâm về chuyện mình ngoại tình. Dường như tội lỗi không đóng vai trò gì quan trọng trong kịch bản về ngoại tình ở đây. Họ không cho rằng quan hệ ngoài hôn nhân sẽ dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức và cũng chẳng làm cho họ trở thành những “tội đồ”. Họ chỉ xem chuyện ngoại tình là một hành động đi quá giới hạn nhưng có thể thông cảm và tha thứ được. Trường hợp của cả Franck và Charles, họ đều hài lòng rằng mình đã đánh giá đúng sự việc và đưa ra những quyết định hợp lý. Trong thực tế, chẳng có người nào họ quen biết phản đối cả. Mà thật ra, một khi bí mật vụng trộm đã bị bại lộ thì chẳng có lý do gì họ lại không tự hưởng thụ. Vậy thì lo lắng thái quá để làm gì, chỉ tổ phá hỏng mọi thứ mà thôi!

Ngay cả những người phản đối chuyện ngoại tình mà tôi được gặp (số lượng này dựa theo nghiên cứu cũng khá nhiều) cũng ngại việc ra mặt giảng giải cho người khác. Họ bảo rằng chuyện người khác muốn làm trong giai đoạn ngoại tình hoàn toàn không liên quan đến họ. Chuyện này hoàn toàn đối lập với những kẻ ngoại tình ở Mỹ, những người này thường hay đổ lỗi một cách kì cục rằng họ không thuộc loại người thích lăng nhăng, chỉ có lẽ vì họ tin rằng dù có ngoại tình thì họ vẫn là người tốt. Ngay cả những người Mỹ có lý do ngoại tình chính đáng cũng không dám mạnh miệng. Chỉ vì khác với ở Pháp, ở Mỹ họ luôn hiểu một thông điệp ngầm cho toàn xã hội – được truyền qua phim ảnh, gia đình và bạn bè – rằng ngoại tình là sai trái và những kẻ mắc vào điều này sẽ trở thành những tội đồ.

Tín ngưỡng tôn giáo cũng chỉ đóng vai trò nhỏ trong sự khác biệt này. Mặc dù hầu hết dân Pháp đều theo đạo Công Giáo và có lẽ đều được rửa tội, nhưng chỉ có 11% cho rằng tôn giáo “rất quan trọng”, còn con số này ở Mỹ lên đến 59%. Trong khối châu Âu, Pháp đang là nước không đề cao tôn giáo nhất, đặc biệt là những người dưới 50 tuổi. Đối với người Pháp, ngụ ý về ngoại tình là vì Chúa không đưa ra luật lệ nào về chuyện phải chung thủy, chỉ là nếu chung thủy được thì cũng tốt. Vì vậy, có giữ được sự thủy chung hay không thì tùy trường hợp mà thôi.

Nhưng dù sao đi nữa, chế độ một vợ một chồng vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong thực tế, tất cả những người tôi tiếp xúc đều bảo rằng họ cũng muốn chung thủy. Nhưng một khi phát hiện ra chuyện ngoại tình, người Pháp không trở nên hốt hoảng hay cho rằng chuyện này sẽ đe dọa đời sống cộng đồng hay ảnh hưởng xấu đến công việc. Họ chỉ xem đó là một sự kiện riêng rẽ, không phải yếu tố gây nên sự suy đồi về đạo đức. Một cô gái ngoài hai mươi tuổi kể cho tôi rằng sau khi cô và người bạn trai đã kết hôn bước ra khỏi căn phòng để đồ và nhảy điệu xì-lô trong bữa tiệc Giáng sinh ở một công ty quan hệ cộng đồng của Pháp thì tất cả đồng nghiệp đều vỗ tay chúc mừng. Một điều hiển nhiên ở đây là họ đang yêu, và tình yêu lãng mạn luôn được trân trọng.

Còn người Mỹ chúng tôi thì chẳng e ngại gì việc lên án đạo đức cả, và cũng vì những lý do chính đáng thôi. Trong một câu chuyện ngoại tình nổi tiếng của Mỹ, những cuộc tình vụng trộm không được giải quyết thỏa đáng rõ ràng sẽ hủy hoại cả một đời người. Điều này lý giải rất rõ ràng cho mục đích của “các quy định về đạo đức” trong các trường đại học và các văn phòng làm việc. Nếu như những người điều hành công ty lừa dối bạn đời của mình thì khó tránh khỏi người ta sẽ nghĩ họ có thể biển thủ công quỹ hoặc làm giả sổ sách. Và vì ngoại tình là một tội ác bị xã hội lên án, những kẻ hai lòng ở Mỹ sẽ phải tỏ ra ăn năn hối hận với bạn bè, người làm công, các cử tri, người hâm mộ hay bất cứ những người nào bị họ “lừa dối”. Nhưng đối với Charles thì người duy nhất anh ta phải xin lỗi là vợ mình, mà nếu chuyện đó không xảy ra cũng chẳng sao.

***

VẬY NGƯỜI PHÁP CÓ THẬT SỰ LÀ phiên bản hoàn hảo của chúng ta không? Và chuyện chấp nhận ngoại tình là một thực tế cuộc sống hơn là một cú sốc tâm lý có làm cho người Pháp vui vẻ và khá giả hơn không? Tôi đặt câu hỏi này với Aurélie, một người phụ nữ thượng lưu hiện đại mà mỗi lần cô xuất hiện luôn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và làm tôi cảm thấy mình thật non nớt và thừa cân. Aurélie, 36 tuổi, sở hữu cặp chân dài miên man và mái tóc nâu dài. Cô ăn nói rất tế nhị, phát âm tiếng Anh rất chuẩn và luôn nhấn mạnh những lời quyết đoán của mình bằng những cái gật đầu đầy tự tin. Tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng kiểu của cô lại có thể ngồi ăn McDonald hay đi xem phim Chiến tranh giữa các vì sao . Cô hiện sống trong một căn hộ loft kiểu nghệ sĩ chứa đầy sách, nhiều cuốn trong đó là tác phẩm của cô (linh cảm cho tôi biết cô đồng ý nói chuyện với tôi vì sự đồng cảm giữa những người viết lách với nhau.)

Aurélie học chung cấp 3 với Mazarine, con gái của Mitterrand, và cho biết lúc ấy mọi sinh viên khác đều biết bố của Mazarine là ai, nhưng cũng chẳng ai nói gì với cô ấy cả. Aurélie giải thích rằng: “Tôi chẳng xét đoán quyết định cá nhân của ai cả, trừ khi nó xâm phạm đến tự do riêng tư của người khác.”

Aurélie đã ly hôn và hiện là một thành phần trong giới thượng lưu có học thức của Paris. Cô tư vấn cho chính phủ về những vấn đề giới tính và tham dự các buổi tiệc nơi những quý bà mình dây cùng những ông chồng bảnh trai bàn luận về “sự đối xử tích cực” và đưa ra những lời bình luận trực tiếp nhắm vào cuộc sống riêng tư của các chính trị gia. Aurélie bảo, một trong những điều thú vị ở các bữa tiệc này là mình vừa hẹn hò chiều hôm đó với người đàn ông ngồi đối diện mà lúc này anh ta đang ân cần đưa cho vợ mình đĩa phô mai.

Khi nhìn thấy phản ứng của tôi, cô chỉ đáp lại rất vô tư “Dân Pháp là vậy mà!” Cô còn bảo quan hệ ngoài hôn nhân chỉ trở thành ngoại tình khi bạn đời của mình phát hiện ra. Cô kể, “Khi điều đó xảy ra, tôi chẳng nghĩ nó có gì liên quan đến hôn nhân của mình. Tôi chẳng ngần ngại, cũng chẳng từ chối, và cứ để mọi chuyện diễn ra thôi. Đối với tôi và bạn bè của tôi, điều duy nhất mình phải đối mặt khi ngoại tình chính là cảm xúc của chồng… Còn nếu như nhìn từ góc độ giữa tôi và người tình thì chẳng có ai ngoại tình cả, chỉ có đôi uyên ương chúng tôi mà thôi.”

Tôi bảo Aurélie rằng người Mỹ thường cảm thấy mình tội lỗi cho dù không ai phát hiện ra chuyện ngoại tình của họ. Đối với những người sùng đạo, họ luôn cảm thấy dường như Chúa đang có mặt trong căn phòng ở nhà nghỉ. Ngay cả đối với những người không tin Chúa thì sự cắn rứt lương tâm cũng ray rứt không khác gì tội lỗi với Chúa.

Một điểm nhấn khác trong sự phức tạp của người Pháp là chủ nghĩa thế tục. “Chẳng có Chúa trời nào ở Pháp cả. Mọi thứ kết thúc, công việc của Ngài đến đây là chấm dứt rồi,” Aurélie vừa nói vừa phẩy tay. “Điều mang ý nghĩa đạo đức nhất nên để ý khi ngoại tình là phải nghĩ đến cảm nhận của người khác thôi.”

Càng ngày chuyện ngoại tình ở Pháp càng không bị coi là quan hệ ngoài hôn nhân. Cũng như nhiều nước khác ở châu Âu, dân Pháp bắt đầu chọn lựa sống chung hơn là kết hôn. Vào năm 1999, Pháp bắt đầu cấp PACS ( pacte civil de solidarité ), là quyền đăng ký kết hôn nhưng không cần làm lễ cưới, cho cả người bình thường và dân đồng tính. PACS bao gồm một số quyền hạn hợp pháp về tài chính như hôn nhân nhưng một bên có thể hủy bỏ nếu báo trước 3 tháng.

Dĩ nhiên có nhiều người Pháp lao vào những cuộc tình vụng trộm đầy đam mê và rời bỏ bạn đời để sống với tình nhân. Nhưng trong những chuyện ngoại tình thông thường, ngay cả những mối quan hệ nóng bỏng, người ta thường giới hạn tình cảm của mình, hay ít nhất là biết kìm nén cảm xúc vì sự tôn trọng với bạn đời. “Không ai lại nói ‘em yêu anh’ qua tin nhắn, email hay nói trước mặt trong những cuộc tình này, mà chỉ nói ‘em nhớ anh’. Mình chỉ dành câu ‘em yêu anh’ cho một người, và đó là người đang chờ đợi mình ở nhà,” Aurélie bảo vậy và quyết định dùng từ “quan hệ bất chính” để miêu tả cho mối quan hệ kiểu này.

Tôi có cảm giác sự thờ ơ với chuyện quan hệ ngoài hôn nhân này không phải tự nhiên mà có. Aurélie và những người cùng thời luôn cố gắng khẳng định cách hành xử kiểu Pháp của mình, cứ như “lối hành xử kiểu Pháp” này được đúc kết ra từ những nghiên cứu kĩ càng và kinh nghiệm thực tiễn vậy.

Báo chí Pháp cũng có kiểu viết tương tự. Họ nổi tiếng nhất trong việc chế nhạo sự thái quá của truyền thông Mỹ xoay quanh vụ bê bối của Clinton-Lewinsky. Khi tờ Paris-Match đăng tải những bức hình của Mitterrand và con gái, một nhà báo của nhật báo cao cấp Le Monde đã chỉ trích nó vì đã quên đi những nguyên tắc của lối hành xử kiểu Pháp: “’Bí mật’ trong đời sống riêng tư của những chính trị gia đáng kính chỉ nên được đào bới trong điều kiện người viết trả lời được hai câu hỏi: Chúng có phơi bày ra những hành động đi ngược lại với dư luận của người này hay không? Chúng có ảnh hưởng đến chức trách của ông ta hay không?”

Phải mất một thời gian để nhận ra những lời chỉ trích này được tính toán cẩn thận nhằm làm cho những kẻ ngoại đạo, của cả Mỹ và Pháp, cảm thấy mình giống như những người đàn bà thô kệch suốt ngày quanh quẩn ở nhà phải thấy xấu hổ khi nghe một câu chuyện khêu gợi. Nhưng ngay cả những tờ báo được thiết lập kĩ càng đôi khi cũng không thể giữ mãi bộ mặt thanh cao giả tạo với cả thế giới được. Vào thời điểm chuyện Monicagate nóng hổi nhất, Le Monde cũng đã vội vàng cho dịch bài báo dài 80.000 chữ từ Starr Report sang tiếng Pháp, bao gồm mọi chi tiết tiểu sử của các nhân vật liên quan. Để dành riêng cho những độc giả biết hai thứ tiếng, họ còn đăng cả phiên bản tiếng Anh lên trang web của mình.

Một trong những điểm nhấn mà lối hành xử kiểu Pháp tự đưa ra là phân chiết ý nghĩ về chung thủy cho đến khi nó thật sự sụp đổ. Chẳng cần quan tâm đến việc những cặp vợ chồng mới cưới ở Pháp luôn tuyên thệ rằng “sẽ chung thủy, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau suốt đời” ở nhà thờ. Vì trong đầu những người Paris khôn ngoan, dường như những lời hứa thầm kín ấy chẳng có tính chất ràng buộc gì cả. Trong thực tế, mỗi người dân Pháp trí thức tôi phỏng vấn luôn bắt đầu cuộc đối thoại bằng một lời bình luận Kinh Thánh về ý nghĩa của “sự chung thủy”.

“‘Chung thủy’, nhưng mà chung thủy với cái gì mới được chứ?” Véronique, nữ giáo viên người Paris hỏi tôi. Cô bảo quyết định chung sống theo chế độ một vợ một chồng với người chồng trước chỉ là một sự lựa chọn mang tính thực dụng. Véronique kể rằng chồng của đồng nghiệp đã bỏ cô ấy để theo tình nhân. Theo phân tích của Véronique, nếu anh ta còn chung sống với cô bạn mình thì anh ta cũng đâu còn hoàn toàn chung thủy vì trái tim đã dâng cho người khác mất rồi. “Sự bội phản đáng quan tâm nhất là: Bạn có trung thành với chính con người của mình hay không?” Véronique nói. Nhiều người bảo tôi rằng “sự chung thủy” có giá trị rất quan trọng nhưng đối với tình yêu nhiều hơn là với tình dục.

Những tri thức hóa thái quá về chuyện ngoại tình này cũng có lúc sụp đổ. Một năm sau lần gặp đầu tiên của chúng tôi, Aurélie đã cặn kẽ kể ra những khuất tất trong lòng mình. Cô kể rằng đang dính vào một vụ bê bối ngoại tình ngày càng rắc rối. Người tình mới nhất của cô, một người đàn ông cô quen biết qua công việc, đang chuẩn bị rời bỏ bạn gái và hai đứa con. Aurélie vui vì điều này nhưng lại rất hoang mang về lũ trẻ và với cả thân phận và vai trò chính thức của mình trong đời sống của người đàn ông ấy. Đã có rất nhiều sự xáo trộn cảm xúc trong cô và cô liên tục lặp lại rằng: “Tôi không còn chắc lắm về chuyện ngoại tình này nữa rồi.”

Dĩ nhiên, vấn đề luân thường đạo lý trong chuyện ngoại tình càng khó nói hơn khi xét kĩ về đời sống riêng tư của ai đó. Tuần báo L’Express miêu tả nó là: “Xã hội thì khoan dung, còn cá nhân lại tự giày vò”. Ngoại tình “thể hiện quyền tự do nhưng cũng sẽ làm cho những nạn nhân phản ứng một cách quyết liệt.” Điều này có nghĩa là, nếu như người nào không ngạc nhiên khi phát hiện bạn đời lừa dối mình thì thật ra bản thân họ vẫn bị tổn thương.

Khi xét về khía cạnh cảm xúc, dù sao người Mỹ và Pháp cũng có nhiều điều khác biệt. Hầu hết người Mỹ khi phát hiện ra chuyện bạn đời của mình vụng trộm, họ đều có xu hướng phục hồi lại tình trạng hôn nhân một vợ một chồng, với người cũ hay với một người mới. Việc điều trị tâm lý hôn nhân, những cuộc trao đổi kéo dài, và ngay cả ly dị đều giúp cho việc phục hồi lại tình trạng một vợ một chồng. Nói tóm lại, người Mỹ không đánh mất niềm tin vào sự chung thủy mặc dù họ từng bị lừa dối.

Ở Pháp thì dù sao đi nữa, “những nạn nhân” bị lừa dối cũng tỏ ra ít mơ mộng hão huyền hơn với những thử thách của mình. Vì chuyện chung thủy chỉ được coi là một ý nghĩ tốt chứ không phải là một sự cần thiết của Chúa, cho nên qua nhiều chuyện xảy ra, họ tự nhủ rằng chung thủy là chuyện bất khả thi. Tuần san Le Nouvel Observateur của Pháp đã trích dẫn lại lời của một chuyên viên săn sóc sắc đẹp ở độ tuổi 40, người đã rời bỏ chồng mình khi phát hiện ông ta tay trong tay với người phụ nữ khác trên phố. Thay vì tìm một người đàn ông chung tình khác như những người phụ nữ Mỹ thường làm trong hoàn cảnh này, thì cô lại đến với một người đã có vợ vì: “Ít nhất khi anh ta lừa dối mình thì tôi biết anh ta đang làm việc đó với người đàn bà nào.”

***

TÔI CÒN ĐƯỢC NGHE KỂ về một “triết gia trẻ tuổi” đang viết luận án về chuyện ngoại tình. Tôi rất hứng thú muốn gặp mặt cô, nhưng những giảng viên khác cảnh báo rằng cô ấy là “một người bảo thủ” và khuyên tôi nên cảnh giác.

Tôi đang trong tâm trạng sẵn sàng gặp một kẻ gàn dở thì Michela Marzano, 35 tuổi, với dáng vẻ xinh xắn nhỏ nhắn bước ra mở cửa. Rồi chúng tôi ngồi xuống nhâm nhi cà phê trong căn hộ bài trí theo phong cách hiện đại, tôi cứ trông chờ một phản ứng mạnh mẽ nhưng nó chẳng xuất hiện. Theo tiêu chuẩn của Mỹ thì Marzano trông có vẻ nghiêm chỉnh đến nhàm chán. Về cơ bản, cô chỉ tranh luận đôi điều về chuyện vợ chồng phải nên chung thủy với nhau trong chuyện chăn gối và sự dối trá của chuyện ngoại tình sẽ làm tổn thương đến quan hệ của họ.

Nhưng hình như đối với ngành sư phạm Pháp, quan điểm này có vẻ sặc mùi tôn giáo, quá gia trưởng và lỗi thời. Nó là điều mà một cá nhân phải tin trong chuyện chung thủy, nhưng theo những gì Marzano gợi ý – như cô viết trong quyển Chung thủy: Tình yêu bên bờ vực thẳm – thì những người khác cũng nên tin vào điều này.

Marzano là người Ý nhưng cô lại viết sách bằng tiếng Pháp và đã có vị trí tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Paris. Bản thân cô hiểu rằng mình đang chống lại điều gì. “Chẳng những ở đây đang tồn tại sự bài trừ đạo giáo mà còn là một kiểu suy đồi đạo đức nữa,” cô than phiền. Giới chức của Pháp không chịu thừa nhận rằng “có nhiều điều giá trị rất quan trọng với con người,” trong đó có sự chung thủy. Cô bảo dân Pháp ở độ tuổi 40 tự cho mình cái quyền được tự do. Nhưng sự tự do này không làm cho họ hạnh phúc, ngay cả chuyện ly hôn. Hãy nhìn xem những người ở độ tuổi 20 họ lãng mạn như thế nào và luôn cảm thấy sự chung thủy thật tuyệt vời biết bao.

Marzano cho rằng con người hạnh phúc hơn khi họ chấp nhận những giới hạn, ngay khi nhữnggiới hạn đó hạn chế thói quen của họ và bắt buộc họ phải hi sinh một số thú vui ngắn hạn khác, ví dụ như quan hệ ngoài hôn nhân. “Điều tôi muốn chứng minh là Don Juan không hề tự do; vì ông ta luôn là nô lệ của những cuộc phiêu lưu tình ái, và không thể nào xây dựng một cuộc sống đích thực,” cô giải thích. “Có lẽ bạn sẽ tự do hơn khi đồng ý tiếp nhận một số ràng buộc nhất định.”

Và nếu như hôn nhân một vợ một chồng cũng không làm bạn hạnh phúc thì sao? “Đúng, theo thực tế, một người thì không bao giờ là đủ cả,” cô bảo. “Nhưng con người đâu phải là thứ để bạn lấp đầy lỗ trống trong lòng mình. Con người đâu phải đồ vật.”

***

TRONG ĐỜI SỐNG Ở PHÁP, ngoại tình chỉ được chú trọng trong giới chính trị. Dĩ nhiên, chuyện một người đàn ông quyền lực có nhân tình không phải là tin tức lớn vì điều này chẳng có gì lạ lùng cả. Trong thực tế, những cử tri còn có chiều hướng nghiêng về những người lãnh đạo có khả năng hấp dẫn phụ nữ hơn. “Các chính trị gia là những người đi kêu gọi người khác, đôi lúc họ cũng phải là những con buôn giỏi nữa,” Franck, một chuyên viên lập trình, bảo với tôi như vậy. Trong một cuốn sách vạch trần sự thật có tên Đời sống tình dục của các chính trị gia có đề cập đến việc đảng viên đảng Xã Hội Lionel Jospin sẽ không bao giờ được thăng chức từ Thủ tướng lên Tổng thống vì ông ta không đủ quyến rũ. Thật ra người Pháp luôn dõi theo các vị lãnh đạo của mình đang ăn nằm với ai. Vào năm 2003, dư luận được dịp xôn xao khi một nhân viên lập pháp của chính phủ bị điều tra vì bị tình nghi đã đứng ra tổ chức những buổi tiệc thác loạn cùng gái mại dâm. Rất nhiều cuốn sách được chấp bút bởi các nhà báo tiếng tăm trong đó miêu tả chi tiết cả đến những lỗi lầm không đáng kể của các chính trị gia và tình nhân của họ như săm soi vào cả những gì họ gọi lên phòng khách sạn, điều này cũng trở thành vấn đề được bàn tán ở Paris. Nhưng người ta quan tâm đến đời sống riêng tư của các chính trị gia chủ yếu là để ngồi tán gẫu hơn là chú tâm vào việc tạo ra những vụ bê bối. Một lời đồn chưa được xác thực là Jacques Chirac có một đứa con người Nhật (mà thật ra còn lý do gì khác để giải thích về hàng tá chuyến công tác của ông đến đất nước ấy?) được nhiều người nhắc lại cho tôi vì họ muốn chứng minh rằng mình cũng là những hiểu chuyện chứ không phải vì phản đối việc làm của ông ta.

Báo chí ở Pháp cũng phải đấu tranh với những điều luật nghiêm ngặt về quyền riêng tư vì vậy họ thường chỉ bắt đầu lên tiếng khi câu chuyện bị đi lệch ra khỏi những tiêu chuẩn được phép của ngoại tình hoặc khi có quá nhiều chi tiết hấp dẫn trong sự việc này mà thôi. Do vậy kết quả hiển nhiên là những câu chuyện được công bố trên truyền thông ở Pháp không phải là những trường hợp thông thường mà luôn chính xác và trau chuốt để có thể làm bất ngờ độc giả Pháp. Chúng không phải là những bài học luân thường đạo đức hoặc không đề cập đến chuyện kiểu như một anh hùng đại chúng đã làm thần dân của mình thất vọng. Vì vậy tuyệt nhiên không có chuyện làm giảm uy tín và khả năng công tác của các chính trị gia. Đối tượng chỉ đơn thuần bị bắt gặp trong tình huống bất thường và xứng đáng bị đưa lên mặt báo.

Câu chuyện của Mitterrand xứng đáng bị đưa lên tuần san Paris-Match không phải vì ông có quan hệ ngoài hôn nhân mà có cả một gia đình ngoài hôn thú. Căn cứ vào các báo cáo sau cái chết của ông thì trong thời kì còn tại vị tổng thống, Mitterrand đã ngủ đêm với nhân tình Anne Pingeot, lúc đó đang là người phụ trách bảo tàng Orsay, cũng nhiều như ngủ với vợ ông. Ông sắp đặt cho Anne và Mazarine ở trong một căn hộ của chính phủ và dùng lực lượng an ninh quốc gia để bảo vệ họ. Vì vậy Pingeot ở đây đóng vai trò là một người vợ lẽ, một chuyện bất bình thường đốivới các vị tổng thống Pháp.

Vào mùa hè năm 2005, truyền thông Pháp lại được một phen nháo nhào lên vì một kịch bản bất thường khác: những vấn đề trong hôn nhân của Nicolas Sarkozy, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào lúc đó và sau này lên làm Tổng thống. Mặc dù chuyện xào xáo hôn nhân giữa Sarkozy và Cécilia, vợ ông, không phải là điều kì lạ gì trong giới chính trị gia, nhưng một số tình tiết trong đó lại đáng được đề cập tới.

Nicolas Sarkozy, 55 tuổi, từng là người được Tổng thốngJacques Chirac đỡ đầu. Từ năm 25 tuổi, khi còn là một đảng viên, ông đã biến 5 phút thảo luận ở đại hội trở thành 25 phút hùng biện và nhờ vậy liền được xem là một ngôi sao chính trị đang lên. Đứa con nhập cư với thân hình chắc nịch và mái tóc sẫm màu của Hung-ga-ri, ngài “Sarko” đã lãnh đạo nhiều bộ và không giấu giếm tham vọng trở thành Tổng thống một ngày không xa. Khát vọng và những thái độ rõ ràng ấy đã tạo dựng cho ông một hình tượng chính trị gia “kiểu Mỹ”.

Năm 1996, ông kết hôn với người vợ thứ hai là Cécilia, 48 tuổi, từng là người mẫu và là con gái của ông bố nhập cư người Nga và người mẹ Tây Ban Nha. Vóc dáng cao ráo và lộng lẫy của Cécilia luôn xuất hiện cạnh Sarkozy như một vị quân sư và là một hậu phương vững chắc. Khi sự nghiệp của Sarkozy thăng tiến, ông không giấu giếm rằng có sự ảnh hưởng nhất định từ sự tư vấn của vợ mình, và bà có hẳn một văn phòng cạnh phòng làm việc của ông. Một cố vấn chính phủ từng đi hội họp với họ cho tôi biết rằng Sarkozy luôn nhìn Cécilia để đưa ra các quyết định. Vì vậy hôn nhân của họ trở thành một phần của hình tượng quốc gia. Ông còn ra một quyết định bất thường là cho phép đăng tải lên tuần san Paris-Match bức ảnh ông cùng vợ đi dạo vào buổi sáng và đứa con trai nhỏ đang chơi đùa, đá một trái bóng xung quanh họ. Những bức ảnh này ẩn ý rằng họ đang sống giống “kiểu nhà Kennedy”.

Chính vì Sarkozy công khai đời sống hôn nhân của mình nên truyền thông Pháp cho rằng việc Cécilia không còn xuất hiện thường xuyên bên cạnh ông từ tháng 5 năm 2005 là sự việc đáng quan tâm. Lúc ấy Sarkozy thừa nhận với một phóng viên đài truyền hình Pháp rằng hôn nhân của họ đang gặp vấn đề. Một số lời đồn nổ ra xoay quanh việc Cécilia đang ngoại tình và sau đó một người bà con cũng khẳng định rằng vợ chồng họ đã chia tay. Sau đó, đến tháng 8 năm 2005, tuần san Paris-Match đăng tải những bức ảnh chụp Cécilia đang sánh đôi cùng Richard Attias, 49 tuổi, hiện là người đứng đầu một công ty tổ chức sự kiện của Pháp và từng tổ chức “lễ đăng quang” chủ tịch đảng cho Sarkozy. Một trong những bức ảnh đó, Attias và Cécilia đang ở phía Đông Manhattan và cùng nghiên cứu sơ đồ xây dựng căn hộ. Một tấm khác, họ đang tay trong tay bên chiếc bàn ngoài trời ở L’Esplanade tại trung tâm Paris, nơi hội họp của các nhà báo và chính trị gia gần Tòa nhà Quốc hội. Đây là một địa điểm đại chúng, nơi người ta thường đến khi muốn đưa ra một dấu hiệu gì đó. Và tít báo ghi là: “Cécilia Sarkozy: Thời khắc chọn lựa.”

Cécilia thật là một trường hợp lạ lùng. Có loại vợ của chính trị gia nào lại thay lòng ngay trước khi chồng mình sắp trở thành Tổng thống cơ chứ? Và tại sao bà lại công bố quan hệ mới này ở L’Esplanade? Bà có thật sự muốn từ bỏ cơ hội trở thành Đệ nhất Phu nhân để chạy theo tình yêu không? Lúc này thì Paris nháo nhào hết cả lên. Hay tất cả chuyện tư tình này chỉ là một trò siêu bịp cho thiên hạ?

Người chồng bị lừa dối và ruồng bỏ này cũng rất bất thường. Một tuần sau khi những bức ảnh kia được công khai, Paris-Match lại giật thêm một tít báo “Đau khổ vì hôn nhân tan vỡ,” với bức ảnh Nicolas u sầu thảm hại. Trong đó bài báo còn đoán rằng ông đã gầy mòn đi rất nhiều.

Hầu hết những bài viết đều không màng nhắc đến câu chuyện ngoại tình đứng sau hôn nhân của Sarkozy trong quá khứ mà các chuyên gia thường truyền tai nhau. Theo những lời đồn đãi này thì Sarkozy đã thầm yêu Cécilia từ năm 1984 khi ông đến dự lễ thành hôn của bà cùng chồng cũ là Jacques Martin, một người dẫn chương trình truyền hình. Lúc ấy Sarkozy đang là thị trưởng của một vùng trù phú ngoại ô Paris, Neuilly-sur-Seine, và đang sống cùng người vợ đầu và hai đứa con đã trưởng thành.

Vì vậy cũng chẳng có phép màu gì làm cho Sarkozy trở nên trung thành theo hôn nhân một vợ một chồng với Cécilia cả. “Ai nấy đều biết rằng bản thân Sarkozy cũng rất lăng nhăng,” một cố vấn chính phủ cho tôi biết. Điểm khác biệt ở đây chỉ là “những người vợ khác của Chirac, Mitterrand, Giscard d’Estaing, mặc dù biết chồng mình có nhân tình nhưng vẫn chung sống với họ.” Một trong những đối tượng mà Sarkozy chinh phục trước đó được đồn đãi chính là con gái nhỏ của Jacques Chirac, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa hai chính trị gia.

Theo những lời đồn đãi ở Paris thì Cécilia bắt đầu quan hệ với Attias sau khi xung đột với các cố vấn khác của Sarkozy về chiến lược ứng cử tổng thống. Tờ Le Nouvel Observateur sau đó cho biết ngay thời điểm Cécilia cảm thấy mệt mỏi với chuyện chính trị thì bà lại nhận được một bức thư nặc danh trong đó liệt kê đầy đủ “ngày tháng, tên và địa điểm” của những cuộc chinh phạt tình ái của Sarkozy. “Bình thường thì Cécilia sẽ không cần nghĩ ngợi và quăng bức thư đó vào thùng rác,” theo tạp chí thì bà làm vậy vì nghĩ rằng nó chỉ là một chiêu trò để chống lại chồng mình thôi. Nhưng lúc đó nó chợt dấy lên trong lòng bà sự bất bình. Không lâu sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, bà phát biểu rằng bản thân mình không phải “mẫu người” để trở thành Đệ nhất Phu nhân. “Tôi chẳng có gì phù hợp với chuyện chính trị cả. Tôi luôn mặc quần jeans, đồ rộng thùng thình và mang giày bốt cao bồi,” bà bảo. Ít lâu sau bà rời khỏi Paris để hội ngộ với Attias tại một hội nghị ông đang tổ chức ở Petra, Jordan, lúc đó cũng có mặt của Bill Clinton, sau đó họ cùng nhau đến New York.

Trở lại Paris, Sarkozy bắt đầu hành động nhằm cho Cécilia cảm thấy ghen tức. Ông hình như qua lại với một nhà báo gợi cảm của tờ Le Figaro , người từng cho in bình phẩm tiểu sử của Jacques Chirac. Cả hai thường đi mua sắm cùng nhau và Sarkozy còn giới thiệu cô với những người bạn xung quanh mình.

Nhưng đây cũng chỉ là chuyện bên lề vì có lẽ mọi thứ quá dễ đoán được. Kịch tính thật sự mà truyền thông Pháp đưa ra nằm ở chỗ Cécilia đưa ra một lựa chọn nằm ngoài dự đoán. Không một tờ báo của Pháp nào lên án đạo đức về hành động ngoại tình cùng lúc này của Sarkozy. Trong khi đó, thay vì đưa ra một lời xin lỗi như Mỹ thường làm thì Sarkozy lại ra lệnh cho truyền thông im lặng và yêu cầu một nhà xuất bản Pháp nhào nặn một cuốn tự truyện về vợ mình để dự phòng mang tên Cécilia Sarkozy: Đứng giữa con tim và lý trí . Ông còn công khai đe dọa khởi kiện một tờ báo đăng tên nữ nhà báo của tờ Figaro . Biên tập viên của tuần san Paris-Match cũng bị ép buộc phải từ chức vì đã đăng những bức ảnh của Cécilia và Attias.

Đến tháng 1 thì truyền thông Pháp lại nhận ra gia đình Sarkozy đã làm hòa khi phát hiện họ bên nhau khoảng 15 phút ở L’Esplanade trước bao ống kính của phóng viên. Đến cuối hè, vợ chồng họ lại tay trong tay trên bãi biển ở Cyprus. Một tờ báo của Pháp tên Gala đã cho đăng những bức ảnh của họ đang ngồi thư giãn dưới tán cây ở Morocco với tít báo “Mùa hè của Lòng vị tha.” Bên trong thuật lại Sarkozy đã “bí mật” bay đến New York để thuyết phục Célicia quay về với mình thế nào. Tờ Le Nouvel Observateur đoán rằng Cécilia bỏ đi chỉ vì “sự bồng bột của thời niên thiếu”. Kết cục có hậu này đã đem nhà Sarkozy trở lại quỹ đạo của các cặp vợ chồng chính trị khác, và có lẽ thỉnh thoảng lại lừa dối nhau trong tương lai.

Nhưng sự êm ấm này chẳng giữ được bao lâu. Cécilia lại mất bóng trong thời kì cuối nóng bỏng nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Sarkozy vào năm 2007, và cũng không xuất hiện để bỏ phiếu. Bà đúng là một Đệ nhất phu nhân khó hiểu và đã để Nicolas một mình tự thân vận động trong nhiều chức trách. Năm tháng sau thì Nicolas đắc cử, một phát ngôn viên của Tổng thống khẳng định một điều mà ai cũng biết: vợ chồng họ đã ly dị. Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Pháp, Cécilia thừa nhận mình có tư tình và khẩn khoản xin mọi người hiểu cho lý do ly hôn của mình. “Chuyện xảy ra với tôi cũng giống như bao người: Một ngày nào đó bạn nhận ra rằng mình không còn vị trí trong mối hôn nhân này nữa và nó chẳng còn là một điều quan trọng trong cuộc sống của mình nữa.”

Bernadette Chirac, đệ nhất phu nhân tiền nhiệm, theo dõi sát sao. Không giống như Cécilia, Bernadette xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp và cách bà hai thế hệ. Nhưng có dấu hiệu cho chúng ta được biết từ ngay cả cách nhìn nhận về vấn đề quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của dòng dõi quý tộc Pháp cũng có chiều hướng thay đổi qua hồi ký của Bernadette.

Vào mùa thu năm 2001, một năm trước khi Chirac tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần hai, tài xế riêng cũ của ông xuất bản một cuốn sách miêu tả lại toàn bộ những cuộc tình vụng trộm của ông với các nhân viên, diễn viên và thư ký. Theo người tài xế đã bị Chirac đuổi việc này thì những cuộc hẹn hò của Chirac xảy ra rất chóng vánh (“kể cả thời gian tắm táp thì chắc chỉ được khoảng 3 phút”, những nhân viên của ông thường đùa như vậy). Người tài xế còn cho biết rằng Chirac dường như rất ghen tị với tiếng tăm về chuyện ăn vụng bên ngoài và khả năng đưa bất cứ người phụ nữ nào ông ta muốn lên giường của ngài Tổng thống quá cố Mitterrand. Còn Bernadette, theo như lời người tài xế thuật lại, là một người phụ nữ chỉ biết ghen tuông và đứng bên khung cửa sổ đợi chồng mình về.

Những người quản lý của Chirac cảm thấy rằng chuyện người tài xế bôi nhọ về đời sống riêng tư của ngài Tổng thống sẽ làm hỏng cuộc tranh cử, và họ muốn thắng được lòng tin của Bernadette và chống lại phe đối lập. Vì vậy, ngay trước khi cuốn sách của người tài xế được phát hành thì Đệ nhất phu nhân Pháp cho ra đời quyển Đối thoại , trong đó bao gồm 228 trang thuật lại một cuộc phỏng vấn ngoài lề. Trong đó Bernadette thừa nhận rằng rất đau đớn vì bị chồng mình lừa dối và từng dự định rời bỏ ông. Nhưng ngay sau đó là một bước đi đầy chiến thuật trong ngành chính trị Pháp là bà không hoàn toàn thấy ông ta có lỗi. “Ông ấy là một người đàn ông đẹp mã và rất hào hoa, phong nhã. Vì vậy không trách được các cô gái lại điên cuồng lên vì ông ấy… Đương nhiên là tôi ghen tức… Có lẽ điều may mắn nhất mà ông ấy có được là một người vợ hiểu chuyện như tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng phải ghen tuông, rất nhiều là đằng khác! Ông ấy là một người rất điển trai và còn khéo miệng nữa, mà phụ nữ thì luôn yêu bằng tai… Một con người chứa đựng quá nhiều thứ như vậy. Một nhà phẫu thuật tài ba, một bác sĩ cừ khôi và còn là một Bộ trưởng. Dù sao cũng chỉ là con người. Nhưng ít ra con người cũng phải biết kiềm chế.”

Bà còn miêu tả chuyện ngoại tình theo chiều hướng giống như những vấn đề thông thường trong một mối quan hệ lâu dài. “Cuộc sống không phải là một dòng sông yên bình, nhưng một khi hai người quyết định xây dựng tổ ấm thì nó sẽ luôn vững bền. Theo tôi, đó chính là sự tuyệt diệu của hôn nhân.”

“Một hiệp định ngầm được đặt ra trong trường hợp là chồng ngã vợ nâng… Và mẹ chồng tôi từng nói ‘Không bao giờ có chuyện ly hôn trong gia đình này’.”

Mặc dù cuốn Đối thoại được xuất bản bốn năm trước chuyện ngoại tình của Sarkozy nhưng có vẻ nó nhắm vào những phụ nữ giống như Cécilia. “Gần đây, có một điều làm tôi băn khoăn là số lượng phụ nữ đã có gia đình gian díu với đồng nghiệp. Bỗng nhiên người chồng lộ ra toàn những nhược điểm và trong thoáng chốc, các bà rời bỏ họ ngay… Theo tôi đây là một hiện tượng bất thường. Nên nhớ rằng tôi chỉ quan sát thấy vậy chứ không đưa ra một lời đánh giá nào cả.”

“Bạn phải đủ dũng cảm để nói rằng, ‘Có những phong ba trong cuộc sống.’ Và cuộc sống nào chẳng có bão táp nhỉ?… Nhưng trong trường hợp nào đi nữa, tôi vẫn thường khuyến cáo [cho Chirac] rằng, ‘Ngày mà Napoleon ruồng bỏ Josephine, ông ta đã đánh mất tất cả.’”

Bỏ qua những giá trị truyền thống, lời tâm sự của Bernadette đã thắng lớn trong cuộc chơi truyền thông thời hiện đại. Đối thoại tiêu thụ được 200.000 bản trong tháng đầu tiên phát hành. Nhà xuất bản cuốn sách này giải thích cho tờ Le Monde rằng: “điều hấp dẫn của cuốn sách này vì nó lột tả được những gì xảy ra trong hậu trường.” Và dĩ nhiên, nhờ vậy, Chirac đắc cử nhiệm kì thứ hai.

Lời bàn tán của người nước ngoài về đàn ông Pháp có vẻ cũng đúng, giả dụ như việc Chirac là người khích lệ chuyện ngoại tình vì ông làm cho người ta thấy chuyện đó như một niềm vui trong cuộc sống, ngọt ngào như bánh flăng. Khi người Pháp ngoại tình, họ biết cách tận hưởng nó hơn người Mỹ. Và họ cũng không cố gắng đi tìm toàn bộ sự thật trong hôn nhân như người Mỹ.

Nhưng theo một cách cảm nhận khác, hầu hết người Pháp không giống với lời đồn. Đa phần những người thường không phải Tổng thống vẫn tin tưởng vào sự thủy chung. Họ không lăng nhăng bừa bãi. Mặc dù vậy, ở một đất nước cách đó không xa thì phần lớn người dân lại cực kì lăng nhăng và chẳng bao giờ cảm thấy tội lỗi. Đó là nước Nga.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.