Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG IV Liên hợp kỹ nghệ hôn nhân



Buổi ra mắt Hội nghị Hôn nhân Sáng suốt ở Dallas được tổ chức như một vũ hội. Trong khán phòng rộng như sân bóng, ban chủ quản hò hét về những phương cách cứu vãn hôn nhân trong bầu không khí rộn vang tiếng nhạc Mê-hi-cô. Nếu tôi lỡ để bắt gặp ánh mắt với bất cứ nhân viên bán hàng nào, họ liền vồ vập tới dúi tờ quảng cáo và đĩa CD vào tay tôi rồi vội vã trở về vị trí.

“Chúng tôi có quy trình rất hệ thống, trong đó bao gồm phương thức tự suy xét bản thân, ngoài ra còn có việc đánh giá và sự thấu cảm, vì vậy bạn sẽ cảm thấy được gắn kết hơn với phương thức điều trị,” tiếng của Giám đốc điều hành của Trung tâm Quan hệ Quốc tế Imago oang oang qua loa phóng thanh. Những người khác thì muốn dạy tôi “Làm sao để không lấy nhầm một tên khốn” hoặc “Làm sao để vui vẻ bắt đầu một cuộc hôn nhân mới tốt đẹp hơn.” Vài nhân viên bán hàng là chuyên gia tâm lý hẳn hoi, số còn lại là các nghệ sĩ hài độc thoại hay các nhà tư vấn quản lý đang dấn thân vào lãnh địa của hôn nhân.

Đến khi tận mắt chứng kiến những phương thức trị liệu này tôi mới biết được rằng hôn nhân có quá nhiều vấn nạn như vậy. Tôi chỉ mới kết hôn chưa đến một năm, nhưng nghĩ đến một ngày nào đó phải mời một cựu nhà văn chuyên viết hài kịch tình thế để “khơi dậy” lại “phần tri thức về hôn nhân” của mình hay tệ hơn là phải trị liệu 2 ngày trời về “lớp hôn nhân một vợ một chồng cấp tốc” thì thật là quá ngán ngẩm.

Hàng tá phương thức trị liệu trong lễ hội này là một phần trong khối liên hợp kỹ nghệ hôn nhân của Mỹ, chúng được đúc kết lại từ các chương trình truyền hình, những cuốn sách tự giúp bản thân, và từ hơn chục ngàn các nhà tư vấn hôn nhân có mặt ở đây để giải thích các vấn đề của hôn nhân gia đình. Ngoài ra còn có những nhóm hỗ trợ cho những người bị cắm sừng và những “con nghiện sex”; các website cho những kẻ ngoại tình và bạn tình của họ; những buổi phục hồi tinh thần cho nạn nhân đau khổ vì hậu quả của ngoại tình; và những chương trình giúp tìm lại hướng đi mới như của Trung tâm Phục hồi sau chuyện yêu đương ở Austin, Texas. Những chủ quản này truyền đạt lại kịch bản ngoại tình của nước Mỹ bằng thông điệp riêng của họ rằng: Cẩn thận. Đừng cố gắng tự mình giải quyết vấn đề này.

Trong buổi tọa đàm về những cuộc hôn nhân sáng suốt, các quầy thảo luận về ngoại tình ở dãy đầu tiên trên lối vào sảnh tấp nập toàn dân địa ốc có máu mặt. Anne và Brian Bercht, cả hai đơn thuần làm công việc tổ chức các buổi hội thảo kinh tế và làm thầu xây dựng, cũng đang quảng cáo cho cuốn tự truyện mới của mình mang tựa đề Chuyện lăng nhăng của chồng lại hóa thành Điều tốt đẹp nhất xảy đến cho tôi. Cuốn sách đã giúp cho Brian được làm khách mời trong Chương trình của Oprah Winfrey và đem lại cho họ công việc mới đó là làm người phát ngôn khích lệ tinh thần trong các chủ đề về hôn nhân, quan hệ cuộc sống và chuyện ngoại tình.

Ở đây, thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Michele Weiner-Davis hiện chỉ là nhân viên làm công tác xã hội nhưng ở quầy của cô, nhiều trợ lý đang phải ngược xuôi với biết bao công việc. Cô vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc khi cô nghĩ ra tên gọi cho phương pháp trị liệu quan hệ hôn nhân của mình. “Lúc đó tôi đang làm việc trong văn phòng, độ nhiên ý nghĩ ấy chợt lóe lên, ‘Đả đảo li dị, à, phải rồi, Đả phá li dị!’” cô mường tượng lại. “Giây phút ấy tôi biết chắc rằng mình đã nắm được chìa khóa thay đổi vận mệnh của bản thân.” Không lâu sau đó, vài phóng viên đã đến tham dự buổi tọa đàm với chủ đề “Đả phá li dị” của cô. Tiếp đến là những lời đề nghị xuất bản sách và tham dự các chương trình trên truyền hình. Giờ đây vào độ tuổi 52, Weiner-Davis dẫn đầu một vương quốc nhỏ của nhiều tựa sách, các buổi tư vấn và làm người phát ngôn trong các sự kiện trên toàn quốc. Hình ảnh đầy cương quyết và lạc quan của cô xuất hiện trên website riêng. Câu châm ngôn của cô là mọi cuộc hôn nhân đều có thể cứu vãn, mặc dù trải qua sóng gió của ngoại tình hay mặc dù chỉ có một trong hai người muốn vun vén lại nó. Theo cô, để có lại được người bạn đời lạc lối thì bản thân mình phải hành xử thật tự tin thay vì giày vò đau khổ. Trên bìa cuốn sách Đả phá li dị của cô còn in cả dòng chữ đảm bảo phương pháp này sẽ có kết quả trong vòng 1 tháng. Cô cho biết, “Thực tế hầu hết khách hàng của tôi đều đang có quan hệ lăng nhăng cả.”

Những nhà kinh doanh trên quan hệ hôn nhân của Mỹ dường như luôn tỏ ra quan tâm giúp đỡ đến mọi người xung quanh, nhưng thật ra họ đang kiếm tiền cả thôi. Cũng như liên hợp quân sự cần phải có chiến tranh để tồn tại, liên hợp kỹ nghệ hôn nhân cũng cần có những cặp đôi vụng trộm để người ta thấy được sự giúp đỡ cần thiết của những chuyên gia về mặt này. Nếu như mọi người ở Mỹ suy nghĩ giống thời cũ hay hầu hết dân chúng ở các nước khác cho rằng họ có thể tự giải quyết vấn đề này thì mấy tay kinh doanh đó đều sẽ thất nghiệp cả rồi.

Liên hợp kỹ nghệ hôn nhân đã đạt được thành công rực rỡ mặc dù dân Mỹ vẫn nhạo báng những cuốn sách sống đẹp và chẳng bao giờ thuê một “người tư vấn từ xa” để nhồi nhét vào đầu mình những lời vàng ngọc của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân cũng như chẳng cần quan tâm xuất xứ ngọn ngành từ đâu. Dù vậy từ đây dân Mỹ bắt đầu biết cách đối đầu với chuyện ngoại tình, chịu nghe tư vấn, tiếp nhận giúp đỡ hoặc tham gia những buổi tọa đàm và trị liệu dài hạn (có thể kéo dài cả đời). Người Mỹ tiếp nhận những sự kiện này qua các bài báo, chương trình truyền hình và cả những lời khuyên từ bạn bè. Nếu bạn từng ngồi xuống trò chuyện cùng bạn bè về quan hệ của mình, hoặc bạn tin rằng cần chia sẻ sau khi bắt gặp vợ mình vụng trộm, hoặc bạn nghĩ rằng vấn đề ngoại tình có thể giải quyết được thì liên hợp kỹ nghệ hôn nhân đã thấm nhuần vào trong ý nghĩ của bạn.

***

ANGELA đang quan sát cuộc trò chuyện giữa tôi và Hank – chồng cô. Hay nói chính xác hơn là cô đang ngấm ngầm canh chừng. Angela chỉ cho phép tôi nói chuyện với chồng cô khi có mặt cô. Tôi không hiểu cô sợ tôi sẽ quyến rũ chồng cô hay thật ra chỉ muốn nắm bắt mọi chi tiết của câu chuyện. Lúc này, cô đang ngồi chen giữa tôi và Hank trên sofa và thận trọng choàng tay ôm lấy chồng.

Hank năm nay 52 tuổi và thật sự quyến rũ. Anh có dáng người như một hậu vệ bóng bầu dục nhưng lại cư xử rất nhã nhặn và là tuýp người vui vẻ thoải mái để mời đi làm vài cốc bia. Nhưng rất tiếc việc này sẽ không xảy ra nữa vì Hank đã bỏ hẳn bia rượu, ngặt nỗi, hành động này không phải vì anh cai mà vì anh là một tội đồ ngoại tình đang sám hối. Anh thổ lộ, “Tôi sẽ phải mang cái tội danh lăng nhăng này cả đời mất thôi.”

Hank còn nhớ rất rõ chỗ mình từng đứng ở sân bay Pittsburgh để gọi điện về nhà và lưu lại tin nhắn vào hộp thư thoại, nhưng thay vì gọi tên vợ, anh lại nhầm sang tên người tình của mình. Cuộc đời anh đã lật sang trang mới, anh đánh mất chức Giám đốc kinh doanh và bắt đầu cuộc tái sinh của tâm hồn mình.

Angela trông đẫy đà nhưng xinh xắn với mái tóc nâu lượn sóng, cô năm nay 46 tuổi. Trước đó cô đã cảm thấy có gì không ổn mà theo lời cô kể thì dường như đã có sức mạnh của Đấng Tối Cao “thúc giục”mình. “Tôi chỉ biết cầu nguyện Chúa hãy cho tôi biết sự thật, tốt nhất hãy báo cho tôi qua một cuộc điện thoại nào đó. Và rốt cuộc tôi lại biết được qua điện thoại.”

Buổi sáng sau cú điện thoại oan nghiệt ấy, Hank trở về căn nhà ở vùng ven Atlanta và thú nhận mọi việc với Angela trong phòng làm việc của mình. Chuyện bắt đầu từ cuộc hội thảo ngoài thị trấn, Hank nối lại quan hệ với cô bạn gái cũ làm việc cho công ty của anh. “Chuyện là như vậy, không lâu sau khi chúng tôi cưới nhau. Trong cuộc họp đó, đột nhiên tôi cảm thấy ham muốn tột cùng và… đêm đó tôi đã phản bội Angela.” Dường như chuyện chỉ xảy ra một lần trong đêm ấy, nhưng từ đó quan hệ tình cảm của họ trở nên ngày càng khắng khít hơn.

Một buổi sáng sau đó, trong khi Angela cùng nghe điện thoại, Hank gọi để chia tay với người phụ nữ kia. Angela còn nhớ rằng, “Cô ta thì bảo, ‘Tại sao lại phải như vậy.’ Còn anh ấy thì cứ nhắc đi nhắc lại rằng anh rất yêu tôi và sẽ ở lại bên tôi.”

Hank không chỉ dừng lại ở việc thú nhận với Angela mà còn kể cho “hội anh em bạn bè” và những vị đứng đầu trong nhà thờ của anh ấy. Họ sắp xếp cho anh gặp mặt trò chuyện với “người sẻ chia” – một dạng như người quản giáo những tội đồ ngoại tình – ông này giới thiệu cho Hank đọc những cuốn sách đại loại như Tính bản thiện trước những thời khắc của cám dỗ .

Trong khi Hank nhận được rất nhiều sự giúp đỡ thì Angela lại rơi vào trạng thái rối bời. Thật ra chồng cũ của cô cũng ngoại tình nhưng sự phản bội của Hank đã thực sự trở thành một bước ngoặt lớn trong đời cô. Trên hành trình đi tìm lại sự cân bằng tâm lý, cô lại đọc phải một cuốn sách thống kê rằng 92 phần trăm dân Mỹ nói dối. Thêm vào đó, mẹ cô cũng từng phát hiện rằng bố của cô cũng ngoại tình. Tất cả những điều này ập đến làm cho mọi thứ đều sụp đổ trong cô. Cô ngao ngán, “Trước đây trong mắt tôi mọi thứ đều màu hồng với những con người tốt bụng. Nhưng có lẽ chỉ vì tôi chưa thấy được những sự khắc nghiệt của cuộc sống.”

Lúc ấy những buổi tư vấn hôn nhân đều không giúp ích được gì. Nhiều năm sau lầm lỗi của Hank, Angela vẫn không thể vượt qua nỗi đau và mong rằng “Chúa hãy ban cho một ai đó hiểu được lòng tôi”. Sau đó cô lên mạng tìm kiếm về “vấn đề ngoại tình” thì bắt gặp trang web của Peggy Vaughan, cô cho biết, “Tôi như tìm được lối thoát từ lúc tìm thấy trang web của Peggy”. Cô lắng nghe 90 phút tư vấn hôn nhân qua điện thoại từ Vaughan và đặt mua tất cả các cuốn sách của bà. Tâm lý của Angela bắt đầu được hồi phục từ ngày ấy.

Peggy Vaughan là một phụ nữ 69 tuổi đã lên chức bà, hiện sống ở San Diego. Bà đã dành cả đời mình cho sự nghiệp phục hồi tâm lý những nạn nhân của ngoại tình. Thật khó tưởng tượng ra rằng một tuýp người làm việc không ngơi nghỉ để mang lại những cải cách không tưởng này lại xuất hiện ở nước Mỹ. Hầu hết các buổi sáng, cứ đúng 6 giờ là bà thức dậy trả lời email từ các bang thuộc miền Đông duyên hải nước Mỹ (East Coast), thường là những lời tâm thư tuyệt vọng từ những người đang ở trong giai đoạn đầu hồi phục sau biến cố ngoại tình.

Thật ra Vaughan chẳng hề qua trường lớp trị liệu gì cả, những gì bà nói đều rút ra từ kinh nghiệm của bản thân mà thôi. Vào năm 1974, James – chồng bà thú nhận từng qua lại với những người phụ nữ khác suốt bảy năm trời. Bà kể lại bằng giọng nói lè nhè của người miền Nam nóng nảy: “Lúc đầu tôi không thể tin chuyện ấy là sự thật, vì nếu vậy, hẳn tôi phải ly dị ông ta và trở về sống với cha mẹ ở Mississippi rồi.” Nhưng rốt cuộc, vợ chồng nhà Vaughan đã ở lại và trở thành người dẫn đường cho những nạn nhân của ngoại tình. Họ cùng nhau phát hành một quyển sách vào năm 1980, trong đó quả quyết rằng chuyện vụng trộm không phải là bản án tử hình cho hôn nhân. Sau hàng trăm lần xuất hiện trên truyền hình, Vaughan phát hành những bản tin định kì về chuyện ngoại tình, rốt cuộc đã hình thành Mạng lưới Vượt qua Những chuyện ngoại tình (Beyond Affairs Network), hay chính xác hơn là một nhóm hỗ trợ cho những người bị cắm sừng và chương trình có chi nhánh ở khắp 28 tiểu bang. Vaughan cho rằng những cặp vợ chồng cần phải dành “hàng ngàn giờ đồng hồ” để thảo luận về mối quan hệ vụng trộm đã xảy ra. Bà giúp Angela hiểu được rằng chồng cô bị mắc chứng bệnh khát khao cảm xúc. “Nó là một hành động tự yêu bản thân mình quá đáng. Một hành động nhằm tự thỏa mãn. Đại loại giống như một loại thuốc phiện vậy,” Angela nói.

Vaughan tin rằng tệ nạn ngoại tình đã lan tràn khắp nước Mỹ. Bà dẫn chứng lại các thống kê về mức độ ngoại tình của Kinsey và cho rằng 80% con người sống trong hôn nhân đã từng ngoại tình, con số này cao gấp đôi so với những con số thống kê khoa học đáng tin cậy khác. Mặt khác, bà cho rằng tạp chí và phim ảnh đã tán dương chuyện lăng nhăng của những người nổi tiếng, góp phần làm ngoại tình trở thành chuyện nhỏ. Nhưng một khi chuyện này xảy ra với chính bản thân họ thì người Mỹ sẽ rất hổ thẹn khi thừa nhận rằng mình bị cắm sừng, trở nên phiền muộn và tự cô lập mình hơn.

Peggy lúc này trở thành tia sáng dẫn đường cho những linh hồn lạc lối. Trong một buổi thuyết giảng tại Dallas, bà đọc một dòng nhỏ trong những tấm thiệp chúc mừng nhằm chỉ trích những người vụng trộm là “đồ bẩn thỉu” và vì vậy không ai nên đùa giỡn với quan hệ bắt cá hai tay này. Câu chuyện về những tấm thiệp được đăng tải trên một tờ báo ở Bethesda và được truyền bá rộng rãi qua Internet giữa những lời bào chữa gây sốc cho hôn nhân. Còn tờ báo thì phát hành ngay một câu chuyện trích dẫn lại từ những phản hồi tiêu cực của độc giả. Nhưng thật ra những tấm thiệp này không thực sự tán tụng cho việc ngoại tình. Một tấm dành gửi vào những dịp nghỉ lễ có dòng “Khi đang quây quần cùng gia đình, anh sẽ nghĩ về em.” Một tấm khác dành gửi cho bạn đồng nghiệp viết “Em từng luôn trông ngóng đến những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng từ khi gặp anh, những ngày cuối tuần lại cứ như dài đằng đẵng.”

***

VÀO NĂM 1970 ở Mỹ chỉ có khoảng 3.000 nhà tư vấn hôn nhân gia đình. Hầu hết các nhà tâm lý học và các chuyên gia tâm thần học đều cho rằng việc đi sâu vào thế giới tâm linh rất nhạy cảm và không thể áp dụng trên cả hai người cùng một lúc. Nhưng sự hình thành của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân lại là tiền đề xoay quanh ý kiến cho rằng vợ chồng không phải là hai cá thể tâm hồn riêng biệt mà chính là một “hệ thống chung nhất” với lịch sử và động lực riêng biệt. “Mối quan hệ” nhanh chóng trở thành một chủ thể độc lập mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu. Lý thuyết về những hệ thống này giả định rằng trong khi một người trong hai vợ chồng ngoại tình thì người kia cũng đóng một vai trò tác động. Những nhà trị liệu bắt đầu xem xét về động lực của những cặp vợ chồng để tìm nguyên nhân và tìm hiểu về thời thơ ấu của họ nhằm phát hiện ra những mâu thuẫn tồn đọng để giải thích việc lăng nhăng của họ.

Trong lúc ấy, tỉ lệ li dị tăng lên rồi nhảy vọt vào năm 1979 và chính thức đưa những vấn đề trong quan hệ vợ chồng thành mối lo của cả nước. Con số các nhà tư vấn hôn nhân gia đình tăng lên đến khoảng 20.000 vào năm 1987, và một thập kỉ sau thì tăng lên gấp đôi.

Khái niệm xem “chuyện ngoại tình là một triệu chứng” bắt đầu xâm nhập vào hầu hết trí tưởng tượng thông thường của người Mỹ. Vào năm 1989, trong phim Khi Harry gặp Sally , Harry tâm sự với người bạn bạn thân nhất tên Jess của mình rằng vợ anh vừa cuốn gói theo một gã nhân viên thuế:

JESS: Hôn nhân không tan vỡ chỉ vì chuyện ngoại tình đâu. Nó chỉ là một triệu chứng cho điều gì đó không ổn đang xảy ra thôi.

HARRY: Thật đấy à? “Triệu chứng” ở đây là hắn ngủ với vợ tôi đấy.

***

Đến những năm 90, các chuyên gia vẫn không ngừng hoàn thiện quan điểm của mình về những nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ trong quan hệ. Deborah Tannen, tác giả của quyển sách bán chạy tựa đề Chỉ vì bạn không hiểu , tranh luận với John Gray, tác giả quyển Đàn ông sao Hỏa – đàn bà sao Kim, rằng đàn ông và phụ nữ lạc lối vì sự khác nhau trong cách giao tiếp chứ không phải vì gánh nặng tinh thần. Một số nhà trị liệu còn đổ mọi trách nhiệm lên người phạm vào chuyện ngoại tình cho dù người này có thể quay lại đổ lỗi cho cha mẹ mình.

Sau đó, vụ bê bối giữa Clinton và Lewinsky năm 1998 đã đẩy các chuyên gia về ngoại tình – kể cả những người còn non kinh nghiệm – vào thời gian hoạt động cao điểm. Đến mức nhà tâm lý học Don-David Lusterman, tác giả của cuốn Bí kíp vượt qua sự đau khổ của ngoại tình , phát biểu trên tờ New York Times rằng: “Khi tôi vào nghề cách đây 20 năm, còn chưa có ai nhắc đến cụm từ ngoại tình trong những cuốn sách về liệu pháp gia đình cả.”

Rốt cuộc phải cám ơn những cuộc điều tra toàn quốc mới về ngoại tình đã cho ra những số liệu xác thực. Các nhà khoa học lập ra các phương trình nhằm dự đoán “nhân tố lý trí” sẽ có nảh hưởng tới “tổng lợi ích” của chuyện ngoại tình ra sao và đo lường tầm quan trọng của sự việc như mức độ con người thường nghĩ đến tình dục và chuyện này làm họ cảm thấy có lỗi đến mức nào. Theo thống kê thì 98% nam giới và 78% nữ giới thường tơ tưởng đến người khác giới ngoài vợ hay chồng mình, còn những người ngày nào cũng nghĩ về chuyện tình dục sẽ có tỉ lệ vụng trộm cao hơn 22% so với những người chỉ nghĩ đến chuyện đó vài lần trong tuần. Họ còn điều tra được rằng những người thích ở bên cạnh bạn đời của mình sẽ có tỉ lệ ngoại tình thấp hơn 24% so với số còn lại.

Các nhà tâm lý học kết luận qua các giai thoại rằng vào những năm 90, từ “nhàm chán” đồng nghĩa với từ “lãnh cảm” dùng trong những năm 50. Vào thời đó, các ông chồng không tằng tịu với những cô thư ký trẻ đẹp mà lại thường lăng nhăng với các bà già xấu xí nhưng lại thú vị hơn vợ mình. Vì vậy tờLadies’ Home Journal khuyên độc giả rằng muốn giữ được chồng không phải bằng cách giảm cân hay mua quần lót mới mà nên “đọc, đọc và đọc nhiều hơn nữa! Và hãy thảo luận về sách, báo, phim ảnh và tin tức cùng nhau… Nên nhớ rằng một cuộc sống hôn nhân lành mạnh không chỉ dựa vào tình trạng ổn định và sự thoải mái về sinh lý. Nếu chỉ chăm chăm vào những thứ đó, hôn nhân của bạn sẽ tan vỡ.”

Càng ngày thông điệp càng được tuyên truyền nhiều hơn từ các nhà trị liệu đến các cặp vợ chồng. Vào năm 2004, lượng chuyên gia tâm lý học về hạnh phúc và hôn nhân gia đình ở Mỹ đã vượt qua con số 50.000. Một nhóm kỹ nghệ hôn nhân ước lượng mỗi năm có khoảng 2,6% các cặp vợ chồng đến tư vấn, con số này khá trùng hợp với tỉ lệ những người thừa nhận rằng mình có quan hệ ngoại tình trong năm vừa rồi. Các nhà tâm lý học, nhà tâm thần học và cả những người làm công tác xã hội cũng tham gia vào công việc tư vấn hôn nhân này. Nghiên cứu mới về ngoại tình cũng truyền thêm niềm tin và sức mạnh cho lực lượng đang ngày một đông đảo hơn những “chuyên gia tư vấn hôn nhân” trong Hội nghị Hôn nhân Sáng suốt. Họ tranh luận với nhau rằng những cặp vợ chồng gặp vấn đề này không cần thiết phải trải qua những cuộc trị liệu kéo dài từ năm này sang năm khác, mà chỉ cần những kĩ năng thực tế có thể học và áp dụng trong những ngày cuối tuần. Các chuyên gia này hiếm khi có bằng chứng khoa học để minh chứng cho ý kiến của mình mà chỉ đưa ra những bức thư chứng nhận đầy tình cảm của những khách hàng từng được họ tư vấn.

Trong cuốn sách KHÔNG chỉ đơn thuần là bạn xuất bản vào năm 2003, nhà tâm lý học Shirley Glass ở Maryland, đã đưa thêm một sự thật ra ánh sáng là cả những cặp vợ chồng hạnh phúc cũng ngoại tình. Cụ thể hơn là những người khác giới thường làm việc thêm giờ chung và đi công tác xa cùng nhau, khi đó tình bạn vô tình trở thành tình yêu lúc nào không biết. Điều này cũng xảy ra với cả những người có đời sống tình dục viên mãn ở nhà. Glass và những người khác cũng bắt đầu miêu tả về những “cuộc ngoại tình tư tưởng” còn dang dở mà khách hàng của họ tạo ra ở cơ quan hay trên Internet và luôn giữ bí mật với bạn đời của mình. Điều này lại dấy lên những lo ngại về ngoại tình, bây giờ ngoại tình không chỉ chủ yếu về nhu cầu tình dục mà ngoại tình còn tồn tại giữa những con người không cần lên giường cùng nhau. Đến lúc này, người Mỹ lại đặt ra một câu cửa miệng mới mà tôi thường hay nghe khắp đất nước: Vấn đề không nằm ở chỗ tình dục mà chính là sự dối trá.

***

KHI SỰ DỐI TRÁ được nhìn nhận là vấn đề thì nói ra sự thật lại trở thành phương thức cứu chữa cho chuyện ngoại tình của Mỹ. Hầu hết các nhà trị liệu đều tin rằng người vợ có quyền được hỏi chồng mình chi tiết của các tin nhắn và cả chuyện quan hệ tình dục bằng miệng với tình nhân của ông ta. Nguyên căn của việc này là do mối quan hệ giữa vợ chồng phải được rành mạch sáng tỏ. Một số cặp vợ chồng tự tạo nên những loạt sự kiện để che đậy cho chuyện ngoại tình, dù nó kéo dài trong nhiều năm. Chuyện này chỉ ngừng lại khi người vợ không còn chấp nhận nổi hoặc không thể giả vờ tin vào những lời nói dối của chồng mình nữa. Nếu những lời nói dối của người chồng ngoại tình sau này từ từ bị lật tẩy, người vợ sẽ luôn bị tổn thương khi hồi tưởng lại chúng.

Dân chúng ở các nước khác không tin khi tôi kể cho họ nghe về cách chữa trị bằng việc khai nhận toàn bộ sự thật của người Mỹ. Họ cho rằng biết chi tiết về chuyện ngoại tình chỉ làm các nạn nhân đau khổ hơn thôi. Nhưng phương pháp khai thật này lại trở nên rất phổ biến ở Mỹ và trở thành một sự thật không cần bàn cãi trên các trang web dành cho những nạn nhân của ngoại tình. Trên một trang mạng có số thành viên hoạt động tích cực nhất là SurvivingInfedility.com, “Erica” bảo rằng cô đã mất 20 tháng để tra hỏi chồng về chuyện ngoại tình của anh ta, và “với sự trợ giúp của lịch kế hoạch làm việc, hơn 1.000 bức email, kho ảnh, hóa đơn thẻ tín dụng, và những bản báo cáo tài chính cũ của chồng, tôi và ông ấy đã điểm lại toàn bộ các thời điểm trong cuộc vụng trộm kéo dài hai năm rưỡi của ông ấy.”

Thành viên của những trang mạng về ngoại tình là những người đạo đức một cách tàn nhẫn. Nhằm nhấn mạnh rằng mình là nạn nhân, họ dùng những tên tài khoản như “hoang mang” “nức nở” và “15 năm vô nghĩa”. Những thông điệp họ gửi cho nhau cũng sặc mùi mật mã chiến sự: “Đã hai tháng từ NPH, vì vậy tôi không biết rằng chúng tôi đã hoàn toàn PH chưa, mặc dù OCTLĐD của tôi luôn cố gắng để hàn gắn.”

NPH là “ngày phát hiện” ra chuyện vụng trộm. Thời gian mẫn cảm được tính bắt đầu từ NPH. PH là “phục hồi” và OCCTLĐD là “ông chồng cũ thay lòng đổi dạ”. Còn một số từ viết tắt khác như KTB (“kẻ thứ ba”), ĐGD (“đồ gian dối”), CLNĐÔK (“có lẽ người đàn ông khác”), NTX (“người tình xưa”), TMĐ (“tình một đêm”), KLH (“không liên hệ”), CTBT (“chìm trong bóng tối”), và TYBTTQ (“tự yêu bản thân thái quá”). “Kẻ bắt cá hai tay” không phải là người đi bắt cá mà là người chồng muốn giữ cả vợ lẫn chuyện tằng tịu với tình nhân.

Cuộc sống thì phức tạp nhưng quy tắc trên trang mạng này thì lại đơn giản. Một “ông chồng hay thay đổi” phải tự buộc mình vào một cuộc sống đầy sự ăn năn và hối lỗi. Còn khi một người phụ nữ tâm sự rằng mình sắp đi dự hội thảo nơi sẽ gặp lại tình nhân cũ thì người quản lý trang mạng này sẽ khuyên bà ta nói thế này với tình xưa rằng, “NTX ơi, em đang cố gắng hàn gắn lại mối hôn nhân của mình, xin anh đừng liên lạc hay trò chuyện quá thân mật với em nữa. Chúc anh một ngày tốt lành.”

Trong đời thực, người Mỹ hay dùng các câu chuyện để biện minh cho việc vụng trộm hay ít nhất là cho bản thân mình. Nhưng đặc biệt, trên những trang mạng này thì không có gì có thể bào chữa cho chuyện lăng nhăng cả. Những người nào bảo họ đang yêu bạn tình của mình thì đều được cảnh báo rằng họ đang trong tình trạng bán thôi miên hay còn gọi là “bức mây mù của vụng trộm”. Khi một phụ nữ sống tại Texas viết cô đang yêu vị hôn phu cũ thì một người phản hồi lại rằng, “Những gì chị đang cảm thấy là (phản ứng) hóa học… Chị đang trải qua một thứ giống như là cơn nghiện đấy.”

Trên mạng, tất cả mọi người đều muốn tỏ ra mình là người có đạo đức cao. Những thành viên của một trang mạng khác tên KTB (“Kẻ thứ ba”) miêu tả về mớ hỗn độn giữa sự tuyệt vọng, sự cô đơn và sự tự nghi ngờ bản thân theo một cách riêng. Một phụ nữ tâm sự, “Tôi muốn công khai mối tình vụng trộm của mình, nhưng bằng cách gián tiếp… Tôi không muốn trực tiếp nói thẳng với V (“vợ”) của anh ta, nhưng lại muốn bà ta khám phá ra. Mọi người có ý kiến gì không?” Chỉ trong vòng 3 ngày đã có đến 79 lời phúc đáp, từ chuyện ủng hộ và chỉ cô ta dùng bút dạ quang ký tên lên dương vật của người tình, đến việc cảnh báo rằng “NPH” sẽ là một ngày tồi tệ ập đến với “kẻ thứ ba” như cô.

***

TỪ “PHỤC CHẾ” từng làm tôi liên tưởng đến những cửa hàng bán dụng cụ hay những tiệm đồ gỗ cổ. Nhưng sau khi dành thời gian tiếp xúc với những người cải đạo theo Cơ Đốc giáo ở Mỹ, kì lạ thay, từ này lại cứ gợi cho tôi về chuyện quan hệ ngoài hôn nhân. Trên khắp nước Mỹ, những người theo đạo Cơ Đốc tự mình phát triển một chi nhánh thành công của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân, dựa trên cơ sở hôn nhân có thể được “phục chế” ngay cả sau khi trải qua sóng gió ngoại tình. Daryl McCray, một linh mục ở Kendall Lake, Florida đã phát biểu rằng: “Chúa luôn có mặt trong hoạt động phục chế hôn nhân. Đây chính là điều Ngài thích làm nhất.”

Mặc dù trong Kinh Tân Ước quy định ngoại tình sẽ bị trừng phạt bằng ly hôn, nhưng những người theo đạo Cơ Đốc ở Mỹ đã suy đi tính lại kĩ càng rằng, trừ khi không thể cứu vãn hôn nhân sau ngoại tình thì mới ly dị, vì chuyện hạn chế những rắc rối phát sinh bởi ly dị còn phức tạp hơn. Những ngày tháng mà những người chồng vụng trộm bị đuổi ra khỏi nhà thờ hay các linh mục đưa ra những lời lên lớp sáo rỗng lệch lạc về ngoại tình đã trôi vào dĩ vãng. Các nhà thờ ngày nay đã chuyển đổi những ngày giảng đạo vào Chủ nhật thành những hội thảo để trao đổi trực tiếp về vấn đề ngoại tình và đưa ra những giải pháp cho mọi người tự thân vận động. Nhằm hàn gắn những cặp vợ chồng không chung thủy, người cố vấn của đạo Cơ Đốc còn đưa ra các lời khuyên giúp cho việc trị liệu thông qua ngôn ngữ Kinh Thánh. Một trong số họ từng nói với tôi, “Chúng tôi không chỉ nhân danh Chúa để cầu nguyện cho mọi người rồi thôi đâu. Nó còn là những hành động mang tính nhận thức với những siêu hình học ẩn chứa trong đó nữa.”

Trong cuốn Tránh mắc phải hội chứng thích mới nới cũ của Nancy Anderson, người từng có mối quan hệ ngoại tình sâu sắc với một đồng nghiệp là đại diện kinh doanh và rời bỏ chồng mình, đã khuyên độc giả hãy tự hỏi bản thân mình rằng “ Tôi có dám làm điều này trước mặt bạn đời của mình không? Và nếu còn chưa chắc chắn thì hãy tự hỏi. Tôi có dám làm điều này trước mặt Chúa hay không? ” Anderson còn đưa ra những hướng dẫn giúp mọi người tránh xa “vùng nguy hiểm” của ngoại tình ở nơi làm việc. Cô đề nghị không nên ở riêng trên xe hơi với người khác giới, nên luôn nói những điều tốt đẹp về bạn đời của mình, và tránh “liếc mắt đưa tình”. Khi đi công tác xa, cô khuyên nên yêu cầu khách sạn khóa tất cả các chương trình TV có nội dung người lớn. Nếu đã làm đủ mọi cách phòng thủ như vậy mà cảm giác đối với đồng nghiệp vẫn còn xuất hiện thì độc giả nên “nghĩ đến chuyện chuyển qua phòng ban khác, đảm nhận một vị trí khác hoặc cùng lắm là thôi việc. Vì xét cho cùng, không có công việc nào có giá trị hơn hôn nhân của mình cả.”

Phần lớn những khóa học của đạo Cơ Đốc đều được giảng giải bởi những cặp vợ chồng như Ben và Ann Wilson ngụ tại Littleton, Colorado, hay nói rõ hơn, họ là những người rũ bỏ những tội lỗi của ngoại tình bằng tiếng gọi của Chúa. Ben vừa bắt đầu tham gia khoa Thần học ở Kansas City từ năm 1994, còn Ann đã 42 tuổi và thừa nhận rằng mình từng có một cuộc tình vụng trộm trong vòng 3 năm. Câu chuyện kể lại quá trình họ vượt qua ngọn lửa của địa ngục và hàn gắn lại mối hôn nhân bây giờ trở thành nền tảng của “Phục chế hôn nhân”, trong đó bao gồm trang blog, một khóa học trong 10 tuần được tổ chức tại nhà thờ thuộc phái Phúc Âm, và thực hành trong 3 ngày. Trong một tờ bướm quảng cáo của nhà thờ mô tả về khóa học là dành cho “những cặp vợ chồng đang gặp tình trạng xáo trộn trong hôn nhân,” nhưng tất cả những ai đến tham gia đều biết rõ đề tài chính được thảo luận ở đây là gì.

Trong khi tâm tình về câu chuyện của chính bản thân họ cho các cặp vợ chồng khác, Ben và Ann thường cố gắng tránh né những chi tiết dâm dục, thay vào đó họ nhấn mạnh về “Câu chuyện của Chúa về sự sai lầm và sự phục thiện.” Ben, năm nay 44 tuổi, bảo: “Thật ra bạn có thể thuyết trình theo dạng kể chuyện khiêu dâm cũng được”, nhưng ông thường trò chuyện cùng các cặp vợ chồng rằng: “Cách tốt nhất khi bản thân tôi phát hiện ra chuyện ngoại tình này, tôi cứ gặm nhấm nỗi đau mỗi ngày, và rồi chuyện cũng từ từ nguôi ngoai.” Ben và Ann thậm chí còn tư vấn cách cho họ bộc lộ điều này với con cái, cách mà họ từng làm là nói thẳng với con mình rằng, “mẹ của con ăn nằm với người đàn ông khác và bố đang rất giận mẹ, vì vậy phải mất một thời gian để bố mẹ có thể làm lành lại với nhau.”

Chuyện ngoại tình cũng là vấn đề khó khăn cho cả những người lính thuộc đạo Cơ Đốc vốn dĩ rất ngoan cường. Lớp học của nhà Wilsons không phải lúc nào cũng đông đúc và đôi khi những vết thương tinh thần vẫn hiện về khi họ thuật lại câu chuyện của mình. Ben thú thực, “Nếu trong 10 năm nữa, Chúa gọi tôi và bảo rằng, ‘Ta không còn cần con tư vấn về vấn đề ngoại tình nữa’ thì tôi mới được cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.”

Tổ chức chống đối việc ly dị mạnh mẽ nhất của đạo Cơ Đốc mà tôi tìm thấy có tên gọi Tổ chức những người Bảo vệ Hiệp ước, trụ sở ở Tulsa, Oklahoma. Tiêu chí của họ là không được kết thúc hôn nhân dưới bất kì hình thức nào. Những hội viên phải trải qua một quy trình “chờ đợi” hôn nhân của họ. Khi một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ hoặc đi tái hôn, cô ta sẽ từ chối quan hệ với những người đàn ông khác và nhịn ăn và cầu nguyện Chúa dẫn lối cho ông ấy quay về. Có khoảng 36 hội rải khắp đất nước để hỗ trợ về mặt tình cảm và tinh thần cho quy trình này và nó có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỉ.

Kinh Thánh bảo ngoại tình là tội lỗi, còn Tổ chức những người Bảo vệ Hiệp ước thì nhấn mạnh rằng chuyện này có thể “tha thứ” được, vì ly hôn còn tồi tệ hơn. Naomi, hiện ở North Carolina và quản lý của khu vực Đông Nam của Tổ chức những người Bảo vệ Hiệp ước, giải thích rằng: “Chúng tôi tin như vậy vì hôn nhân vốn là một hiệp ước, Chúa đã tạo ra một cá thể bằng xương bằng thịt. Khi bạn ly hôn, chẳng khác nào chặt mất cánh tay ra khỏi thân thể mình. Chính vì vậy chuyện ly hôn mới gây đau đớn đến mức ấy.”

Naomi kết hôn được 16 năm thì Alfred, chồng của cô, bỏ rơi vợ để chạy theo cô bạn đồng nghiệp làm chung công ty công nghệ viễn thông. Sau đó cô chẳng hẹn hò cùng ai và tự cho mình là “người phụ nữ đã có gia đình” mặc dù trong thực tế cô đã ly hôn. Cô bảo, “Tất cả bạn bè đều khuyên tôi rằng ‘Anh ta đã đi rồi và đã kết hôn với người khác rồi mà.’ Nhưng Chúa lại nói với tôi rằng ‘Hãy giữ lời thề ước của mình con ạ.’ Và thật sự Chúa muốn chúng ta thực hiện điều này cho dù bạn đời của mình có cùng làm như vậy hay không.” Còn khi nói về vợ mới của Alfred theo cách nghĩ về số phận kiểu tâm linh, “Tôi thấy rằng Chúa đã sắp đặt con đường và mục đích sống cho cô ấy nhưng trong đó không có chồng của tôi đâu.”

Sau 11 năm, Alfred thực sự trở lại. Họ tái hôn và sống cùng sau đó hơn cả thập kỷ. Nhưng không phải tất cả những bạn đời đã thay lòng đổi dạ sẽ đáp lại lời nguyện cầu ấy. Giám đốc điều hành của tổ chức này cho tôi biết rằng người sáng lập ra Tổ chức những người Bảo vệ Hiệp ước phi lợi nhuận từ năm 1987 sau khi bị chồng ruồng bỏ và đến nay vẫn “chờ đợi”. Naomi lại bảo rằng những người chưa được bạn đời trở về thì dù sao đi nữa họ vẫn được tán dương vì vẫn giữ lời thề ước của mình.

***

THẬT KHÓ để phóng đại mức độ phủ sóng của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân. Ngay cả những người coi thường nó cũng nhận thấy bản thân mình đi theo kịch bản mà nó đặt ra. Julia, năm nay 34 tuổi, và đang ở cách xa Tổ chức những người Bảo vệ Hiệp ước hay bất cứ tổ chức nào khác. Cô là nhà sản xuất cho chương trình truyền hình tự do lâu năm về chính trị ở Manhattan và sống ở ngoại ô New Jersey. Cô chẳng bao giờ tâm sự với người lạ về hôn nhân của mình và cũng chẳng trốn tránh tình cảm. Tuy nhiên, cô lại thấm nhuần đầy đủ các giá trị và câu chuyện của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân.

Tôi gặp Julia tại một nhà hàng sushi ở New Jersey. Cô hiện có một đứa con vừa chập chững biết đi và một đứa còn ẵm ngửa. Trông cô mảnh khảnh nhưng tràn đầy năng lượng và ăn nói rất lưu loát. Sau vài phút trò chuyện, tôi nhận ra cô đang trong thời kì ăn kiêng sau biến cố ngoại tình. Ngay sau NPH (ngày phát hiện), người ta thường biếng ăn. (Lúc chồng tôi vừa nghe được chuyện này anh liền phán rằng nếu tôi mà béo lên thì anh sẽ ngoại tình ngay.)

Julia bắt đầu nghi ngờ chồng mình khi phát hiện một bì thư màu hồng trong hộp thư gởi trong văn phòng tại nhà, trên đó đề địa chỉ người gởi là cô bạn đồng nghiệp. Anh giải thích đó chỉ là một tấm thiệp trên danh nghĩa bạn bè để an ủi cô ấy vừa ly hôn vì chồng ngoại tình.

Sau đó Julia kể việc này lại cho các bạn đồng nghiệp. “Những bạn đồng nghiệp nam thì bảo, ‘Đàn ông chẳng gửi thiệp bao giờ, nhất là không bao giờ dùng bì thư màu hồng cho bạn bè cả. Anh ta ngủ với ả đó rồi là cái chắc.’” Nghe vậy cô liền nghĩ chỉ là những lời nói lố bịch. Nhưng đến khi cô vào phòng chồng và thấy trên màn hình vi tính hiện lên bức email trong đó viết “HÔN EM ĐI” to tướng, anh ta lại bảo rằng chỉ là tán tỉnh bông đùa thôi. “Tôi bảo, ‘Em cũng biết tán tỉnh bông đùa giống như anh vậy nhưng chẳng ai lại viết “hôn em đi” cho người mà mình chưa thật sự hôn bao giờ cả.’” Không lâu sau đó, Julia liếc lên màn hình lại thấy email gửi từ người phụ nữ đó với nội dung cám ơn chồng mình vì đã dẫn cô ta đi xem buổi biểu diễn ở sân khấu Broadway New York.

“Lúc này thì tôi mất tự chủ, dĩ nhiên là vậy rồi. Tôi ra khỏi phòng làm việc và đi ra phòng khách để gặp anh ấy và nổi cơn tam bành ‘Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế này?’”

Chồng cô lại cố gắng giải thích rằng giữa họ chỉ là bạn bè nhưng Julia đã giận sôi gan rồi. Đêm đó cô ta làm một việc mà bản thân nghĩ rằng ai trong hoàn cảnh của mình lúc ấy cũng sẽ làm: “Lúc đó tôi bảo anh ta, ‘Anh biến đi.’” Vậy vì sao cô lại quyết định làm như thế? “Vì sao à, tôi không biết nữa, lúc đó ai cũng làm vậy thôi, phải không? Bị mình phát hiện ra tội lỗi thì anh ta phải biết đường mà cuốn gói đi chứ. Chứ phải nói sao nữa, chẳng lẽ lại bảo, ‘Thôi được rồi, anh vào giường ngủ ngon đi nhé?”’ Mặc dù tống cổ chồng ra khỏi nhà vào lúc đó có vẻ là điều duy nhất có thể làm, nhưng thực tế, nó cũng là một tình huống nằm trong kịch bản của văn hóa Mỹ.

Rốt cuộc sau đó chồng của Julia cũng trở về nhà nhưng vẫn khăng khăng bảo rằng anh ta và cô kia chỉ là bạn bè thân thiết. Lúc này tâm trạng Julia bán tín bán nghi. Mọi thứ đều lộ rõ là dấu hiệu của ngoại tình nhưng cô không có bằng chứng xác thực. Cô cứ phập phồng lo âu, nếu như không tìm ra ngọn ngành thì sẽ mãi bị chồng “qua mặt”. “Sau đó tôi tự mình bắt đầu một chiến dịch điều tra để tìm ra mọi thông tin có thể.”

Julia ra cửa hiệu mua những dụng cụ theo dõi lắp đặt trong phòng làm việc của chồng. Cứ 2 giờ sáng mỗi ngày khi lũ trẻ đang ngủ trên lầu còn chồng đang ngon giấc trên chiếc giường phụ ở tầng hầm thì cô lẻn vào văn phòng để kiểm tra email và tin nhắn. Sau đó cô dành nhiều giờ đồng hồ để nghe lại những cuộc đối thoại trong ngày của chồng mình. “Kể ra thì tôi đã không ngủ trong nhiều tháng. Tôi bị ám ảnh và bị sụt mất 15 pound, mà tôi có mập mạp gì cho cam. Rồi tôi ốm và không làm gì ra hồn cả. Suốt ngày tôi cứ run rẩy, cả người tôi là một mớ hỗn độn. Tóm lại tôi bị vụ theo dõi ấy ám ảnh.” Và xét lại thì cuộc truy lùng vết tích của ngoại tình này cũng lấy ra từ trong sách tiêu khiển của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân.

Julia có linh cảm rằng chồng mình đã lưu trữ lại những bức email cũ của người đàn bà kia nhưng trong máy tính của anh ta có quá nhiều tập tin tài liệu công việc nên việc tìm kiếm thật sự rất khó khăn. Một hôm, khi anh ta đi dự đám tang ở tỉnh khác, cô liền quyết tâm rà soát mọi tập tin trong máy vi tính. Cuối cùng cô cũng đào trúng mạch nước ngầm. Tập tin được lưu dưới tên thời con gái của người phụ nữ kia. Cô ta không nhớ gì về lần quan hệ tình dục đầu tiên vì đã say mèm nên trong những tin nhắn, chồng của Julia thuật lại tường tận mọi chi tiết. Julia còn đọc thấy được đầy đủ chi tiết các cuộc gặp gỡ của họ ở các thành phố khác nhau, mà lẽ ra lúc đó chồng cô đang phải đi công tác ở những nơi khác. Cô còn tìm thấy những ghi chép về hành trình các chuyến bay. Julia bảo, “Tôi ráp nối lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong hơn một năm rưỡi chồng mình vụng trộm. Một mặt có lẽ tôi cảm thấy rất phấn khích vì tìm ra sự thật. Nhưng một mặt, tôi chỉ muốn chết quách cho xong.” Sau đó cô in mọi thứ ra giấy và ngồi chờ chồng mình trở về.

Khi cô kể lại cho đồng nghiệp, họ liền nhao nhao lên rằng: “Thấy chưa, tôi đã bảo là đàn ông không mua thiệp màu hồng mà.”

Mặc dù kiến thức của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân có mặt ở khắp nơi, nhưng chỉ một số ít được kiểm nghiệm. Chẳng có bằng chứng rút ra qua kinh nghiệm nào bảo bạn rằng kể ra cho bạn đời của mình những chi tiết kinh tởm của chuyện vụng trộm thì để mọi chuyện trôi qua dễ dàng hơn, hay nói rõ hơn là các cặp vợ chồng sẽ sống hạnh phúc hơn khi họ nói thật mọi chuyện. Nếu như thật ra nên làm ngược lại là không cần thật thà quá sẽ tốt hơn thì sao? Và nếu như chúng ta không xem chuyện ngoại tình như bọn giặc ngoài hành tinh cần đánh đuổi mà nên chấp nhận nó như một thực tế của cuộc sống thì sao? Như vậy có giảm bớt đi sự đau khổ hay không? Sau đó, tôi khám phá ra rằng dân Pháp biết cách đối mặt với chuyện ngoại tình nhất. Vì vậy tôi liền lượn lờ quanh Paris, cũng là nơi tôi đang sinh sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.