Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG VIII Chúng tôi phải có ít nhất một nhân tình phòng bị



Theo những gì người ta còn nhớ trong quá khứ, những người làm ngành y ở những vùng ngoại ô Alexandra của Nam Phi được mọi người coi là phi thường và được gán biệt danh là “hội chứng Alex”. Những người đàn ông da đen nghèo khổ, nhiều người đã ngót nghét 65 tuổi, vẫn đến phòng khám than phiền rằng mình bị “yếu sinh lý”. Nhưng chuyện yếu sinh lý ở đây có nghĩa là họ chỉ có thể làm tình một đến hai lần trong một đêm và liên tục không nghỉ ngày nào. Một chuyên gia tâm thần học làm việc ở phòng khám cho biết: “Họ có vợ và nhân tình. Sau khi ngủ với bồ, họ phải về nhà để “trả bài” cho vợ, và có lẽ họ chỉ có thể làm tình được một lần”.

Vấn đề này chắc chắn không chỉ tồn tại ở mỗi vùng ngoại ô đó. Tỷ lệ quan hệ ngoài hôn nhân của đàn ông thuộc châu Phi vùng hạ Sahara (khu vực miền Nam sa mạc Sahara) thì cao đến nỗi cả người Nga cũng phải hổ thẹn. Ở Mozambique, thủ đô là Maputo, cách Johannesburg 300 dặm, qua một cuộc khảo sát vào năm 2003 đã có 29% đàn ông đang ăn ở như vợ chồng với bạn tình thừa nhận rằng mình qua lại với nhiều người vào năm ngoái, con số này cao hơn gấp 7 lần so với đàn ông đã kết hôn ở Mỹ hay Pháp.

Trong những trường hợp một người có thể gạt vấn đề đạo đức sang một bên để bội phản lòng tin của bạn đời, làm phụ nữ khác không phải vợ mình mang bầu, và trao đổi tình dục lấy tiền và một số quyền lợi khác thì tôi cho đó là thông thường. Nhưng những chuyện này không thông thường ở Nam Phi chút nào. Trong 5 người lớn ở đây thì có 1 người nhiễm bệnh HIV và hơn 1 triệu người dân Nam Phi đã chết vì AIDS. Theo tôi, con vi-rút này chính là một cái án tử chậm. Chỉ có một phần rất nhỏ người bị nhiễm HIV có điều kiện dùng thuốc để kéo dài sự sống.

Điều này khiến cho ngoại tình từ một thú vui hư hỏng trở thành một mối hiểm họa. Ngoại tình là công cụ thích hợp và nhanh nhất để phát tán HIV ra cộng đồng. Một khi người ta có nhiều mối quan hệ tình dục một lúc, vi-rút có thể lây lan qua nhiều người trong thời kì ác tính nhất. (Con người dễ lây cho người khác nhất khi họ vừa mới bị nhiễm bệnh.) Vào năm 1991, ở Nam Phi cứ 100 người phụ nữ đi khám thai thì có ít hơn 1 người phát hiện bị HIV dương tính. Đến năm 2000 thì tỷ lệ này đã là 4 trên 100.

“Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng cao thì ngoại tình chính là một quả bom nổ chậm,” Allison Russell, Trưởng khoa điều trị bệnh nan y giai đoạn cuối của bệnh viện lớn nhất Nam Phi tên Soweto’s Chris Hani Baragwanath, phát biểu.

Trường hợp thường gặp nhất là người chồng bị nhiễm HIV từ tình nhân sau đó về nhà lây cho vợ. Con cái của họ cũng có thể bị lây nhiễm khi được sinh ra qua tử cung hoặc bú sữa của người mẹ đã bị nhiễm bệnh. Vợ chồng nào may mắn sẽ sống được thêm 10 năm, nhưng thường là chết trước thời hạn đó.

Biết hậu quả khủng khiếp như vậy nhưng vì sao người Nam Phi vẫn dám ngoại tình? Chẳng lẽ khát vọng sống và chuyện bảo vệ an toàn cho gia đình lại không có tầm quan trọng và không cưỡng lại được chuyện khát khao làm tình với nhiều người khác hay sao?

***

NẾU BẠN CHƯA BAO GIỜ chu du vòng quanh thế giới để tìm nhiều người trao đổi về chuyện ngoại tình thì bạn sẽ hiểu tôi cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào khi nhận được email từ Isak “Sakkie” Niehaus, một nhà nhân loại học của Đại học Pretoria. Bức email được gửi vài tuần trước khi tôi bay đến Nam Phi:

“Xin chào Pamela, cô đã tìm đúng người, chuyện quan hệ ngoài hôn nhân và bệnh AIDS là chuyên môn của tôi. Tôi đã viết rất nhiều sách về nó… Liên lạc với tôi ngay khi cô đến đây.”

Không cần phải nói thêm, khi vừa đến Johannesburg, tôi trực tiếp đi thẳng đến văn phòng của Sakkie. Từ Johannesburg đi xe đường cao tốc mất khoảng 1 tiếng để đến Pretoria. Dưới thời phân biệt chủng tộc thì sinh viên đại học đa phần là da trắng nhưng hiện nay có đến 40% da đen và thật khó tin khi họ có thể hòa hợp với nhau như vậy. Vào một ngày hè trời trong xanh, sinh viên đủ sắc tộc tụ tập dọc theo những bãi cỏ trải dài trên sân trường, họ cười nói vui vẻ như đang chuẩn bị chụp hình cho các cuốn kỷ yếu.

Sakkie có bộ râu quai nón hung đỏ, còn giọng nói trầm thường bật ra những tiếng cười trầm vui vẻ. Khi tôi cho biết mình tốn mất 60 đô-la tiền taxi, ông bật cười và bảo đó là số tiền mà đàn ông Nam Phi thường trả cho bố mẹ vợ tương lai. Nghĩ lại khả năng nấu nướng có hạn của bản thân, tôi thầm nghĩ xem mình có nên quên chuyện phỏng vấn này và đi mua cho mình một cô vợ không nhỉ?

Số liệu thống kê về ngoại tình không hẳn nắm bắt được sự biến động về quan hệ ở Nam Phi. Nhưng Sakkie đã nắm bắt được nó qua “cuốn hồi kí tình dục” của một đồng nghiệp nghiên cứu, anh chàng 38 tuổi tốt bụng tên Ace này sống ở vùng quê tên Bushbuckridge phía Bắc Pretoria. Nếu Ace làm những chuyện như vậy ở Boston hoặc Stockholm, anh sẽ bị xem là đồ đểu cáng và có lẽ sẽ dính vào vòng lao lý. Nhưng ở cái đất Nam Phi này, lịch sử của anh ta chỉ bình thường như những người quyến rũ và có chút tiền mà thôi.

Chúng ta nên xem xét những điểm nổi bật để biết sự thay đổi về thói quen tình dục của con người sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ. Ace đã bắt đầu yêu đương từ khi 19 tuổi và đi học xa nhà. Anh quan hệ với 5 người phụ nữ. Một trong số họ mang thai, anh chối bỏ trách nhiệm và trốn về quê. Về đến nhà, Ace qua lại với 2 phụ nữ: Helen và Iris. Kết quả Iris mang thai. Ace đưa cho bố mẹ Iris 37 đô-la, số tiền ít hơn quy định, làm sính lễ. Sau đó Ace sống chung thủy được một thời gian và có lẽ đó là thời một vợ một chồng duy nhất của anh ta. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi Ace được thuê làm công nhân trong một khu mỏ ở tỉnh ngoài thì hôn nhân của họ đổ vỡ. Trong thời gian Ace đi làm, Iris mang thai với vị linh mục trong nhà thờ cô hay đi lễ. Mặc dù cô ta phá thai nhưng bị Ace phát hiện và đánh cho cô nàng một trận. Iris bỏ về nhà bố mẹ và đem theo con trai của họ.

Rồi câu chuyện tiếp diễn như một vở kịch nhiều tập của Mê-hi-cô. Trở lại cuộc sống độc thân, Ace tái hợp cùng Helen, nhưng lúc này cô nàng đã kết hôn với một vị bác sĩ người Ni-giê-ri-a. Ace đành quay lại với công việc ở khu mỏ và lang chạ cùng gái điếm đến khi gặp được Lindiwe, một phụ nữ khá giàu có đã ly hôn và đang mang thai đứa con thứ ba. Sau đó Ace bị mất việc và thừa nhận rằng chỉ giả vờ yêu Lindiwe vì tiền và bia rượu miễn phí của cô. Rốt cuộc, Ace bị các đồng nghiệp của chồng cũ của Lindiwe tẩn cho một trận tơi bời. Vào lúc này, Ace chỉ mới 23 tuổi (nhưng đã được xem là đàn ông trung niên vì tuổi thọ của đàn ông Nam Phi chỉ khoảng 43 tuổi).

Sau đó Ace gặp một phụ nữ khác, thỉnh thoảng cô ta cũng hành nghề mại dâm, và có với cô ta 3 đứa con (2 đứa trong số đó anh ta vẫn luôn nghi ngờ có phải con thật của mình hay không), nhưng rồi khi phát hiện cô ta chung chạ với người đàn ông khác (chẳng có gì ngạc nhiên về điều này), anh ta lại đánh cô tơi tả rồi ruồng bỏ cô nàng. Tiếp theo Ace lại hẹn hò cùng một nhân viên bán quần áo nhưng chẳng lâu sau lại thất vọng khi biết được cô nàng cũng đang là bồ nhí của một người đàn ông giàu sang đã có hai vợ.

Đối với một tay chơi như Ace thì việc đuổi hình bắt bóng này cũng làm anh ta mệt mỏi. Anh bảo bản thân mình vẫn yêu nhất Iris, người mẹ của đứa con thứ hai của anh, vì ngoài một lần trót dại mang thai với gã linh mục thì cô luôn chung thủy với anh. Nhưng đến khi tìm lại được Iris thì cô ta đã qua đời. Hóa ra sau khi thoát khỏi Ace, cô kết hôn với một gã giàu có, hắn đã bị nhiễm bệnh HIV từ mấy cô bồ nhí và cũng đã tử vong.

***

CŨNG KHÔNG QUÁ KHÓ để hình dung chuyện con người biết kiềm chế lại bản năng tình dục một khi phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Những người đồng tính đã làm được điều đó. Vào tháng 7 năm 1981, bác sĩ ở New York và Los Angeles đã phải chữa trị cho 41 người đồng tính mắc phải chứng ung thư hiếm hoi và cực kì ác tính. Tất cả những trường hợp này đều có một điểm chung là “những người nam đồng tính có quan hệ tình dục thường xuyên với nhiều bạn tình khác nhau, bốn đêm một tuần và mỗi đêm 10 lần.” Một trong 9 người được điều trị ở LosAngeles cho biết họ thường đến New York. Những người này sống ngoài khu lý tưởng dành cho người đồng tính. Như John-ManuelAndriote từng viết trong cuốn Chiến thắng bị trì hoãn: Bệnh AIDS đã thay đổi cuộc sống của người đồng tính ở Mỹ như thế nào : “Đồng tính trong những năm 70 ám chỉ những gã đàn ông bảnh bao, thường xuyên sử dụng chất kích thích, nhảy nhót cuồng loạn và làm tình như cái máy.”

Trong ba năm sau, cộng đồng người đồng tính được thành lập và tập hợp những thông tin y học về căn bệnh để chỉ mọi người cách phòng chống. Vào năm 1984, tổ chức luật pháp nòng cốt ở thành phố New York mang tên Khủng hoảng Sức khỏe của dân Đồng tính đã đưa ra những hướng dẫn thực hiện tình dục an toàn đầu tiên. Những tổ chức của người đồng tính ở các quốc gia phương Tây khuyên đàn ông hạn chế số bạn tình, ngoài ra nên dùng bao cao su và chất bôi trơn mỗi khi quan hệ qua hậu môn. Vào năm 1985 ở thành phố New York, Bộ Sức khỏe bắt đầu đóng cửa những nhà tắm công cộng dành cho dân đồng tính vì đây là nơi thường xuyên xảy ra quan hệ tình dục nhất. Vì cộng đồng dân đồng tính thường tập trung ở các khu thành thị nên họ thường chứng kiến bạn mình bỏ mạng vì bệnh AIDS.

Những luật lệ về tình dục trong cộng đồng dân đồng tính phương Tây cũng thay đổi. Những người dân đồng tính có cốt cách lên án những hành động bừa bãi. Người nào có ý chế giễu những nguyên tắc tình dục an toàn mới sẽ bị cách ly ra khỏi cộng đồng duy nhất từng hoàn toàn chấp nhận họ. Điều này lập tức có hiệu quả và dân đồng tính bắt đầu tự kiểm soát bản thân mình. “Một cá nhân tự thay đổi thói quen sẽ khó khăn hơn là một cá thể phải thay đổi theo tiêu chuẩn và giá trị của cộng đồng,” Adam Carr, một nhà hoạt động xã hội vì bệnh AIDS của Úc, đã viết. Ông dẫn chứng một nghiên cứu vào năm 1990 cho thấy càng nhiều người bị “xã hội đồng tính” lôi kéo thì họ lại càng biết thực hiện tình dục an toàn hơn. Những người đứng ngoài hoặc còn bảo thủ – và không bị ảnh hưởng bởi nhóm người cùng tuổi – sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Kết quả nghiên cứu của nhà kinh tế học Emily Oster thuộc Đại học Chicago đã cho thấy từ năm 1984 đến 1988, dân đồng tính Mỹ đã giảm số lượng bạn tình đi 30%. Điều này không ngăn được bệnh AIDS nhưng làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng dân đồng tính.

Điều tương tự cũng xảy ra trong cộng đồng những người thích quan hệ với người khác giới ở Uganda. Theo một khảo sát của Chương trình Toàn cầu về bệnh AIDS, từ năm 1989 đến 1995, tỷ lệ đàn ông Uganda thừa nhận có ít nhất một bạn tình trong năm ngoái giảm từ 35% xuống 15%. Tỷ lệ này ở nữ cũng giảm từ 16% xuống 6%. Còn đối với dân đồng tính nam vào những năm 80 thì “phòng tránh quan hệ tình dục không an toàn đã trở thành nguyên tắc của cộng đồng” ở Uganda, những tác giả của báo cáo giải thích.

Uganda cũng chỉ biết những thông tin về bệnh AIDS như bao người dân ở các nước thuộc châu Phi khác. Nhưng chính cách tiếp thu nguồn thông tin này đã giúp cho họ thay đổi thói quen của mình. Dân Uganda hầu hết nhận thông tin về căn bệnh từ “các nguồn cá nhân” như bạn bè, linh mục, đồng nghiệp và bạn học. Giống như dân đồng tính nam ở phương Tây, dân Uganda lưu truyền thông điệp tình dục an toàn cho nhau. “Lời cảnh báo đáng tin tưởng và lời khuyên được truyền bá rộng rãi và hiệu quả thông qua mạng lưới xã hội ở Uganda,” hai nhà nghiên cứu Rand Stoneburner và Daniel Low-Beer viết như vậy.

“Đặc biệt ở Nam Phi chỉ tồn tại sự im lặng đáng sợ về vấn đề này. Vì nó là sự xấu hổ, không được chấp nhận và có thể làm khuấy lên những cảm giác hoang tưởng,” Brent Wolff, một nhà nghiên cứu bệnh dịch ở vùng Entebee của Uganda, cho biết. “Ở Uganda, chúng cũng là những vết nhơ nhưng ngược lại bạn được quyền nhắc đến HIV mà không bị người dân nghĩ rằng bạn đang thực hiện một âm mưu mang tầm cỡ quốc tế hoặc muốn bôi nhọ đất nước của họ.”

Ở Uganda, Bộ trưởng Bộ Sức khỏe đã sớm tuyên bố rằng đất nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khỏe có thể dẫn đến diệt vong. Đến cuối những năm 80, Tổng thống Uganda đã tổ chức một chiến dịch nhằm yêu cầu người dân “yêu đương cẩn thận” và “không thả rông” – ý nói thực hiện tình dục an toàn. (Nhưng điều này không có nghĩa nhất thiết họ phải thực hiện chế độ một vợ một chồng vì Uganda cho phép chuyện đa thê.) Họ treo những tấm bảng đề BỆNH AIDS LÀ CÁI CHẾT! HÃY CẨN TRỌNG! Các nhà thờ địa phương cũng tiếp nhận khẩu hiệu này và tuyên truyền cho các con chiên.

Uganda còn có hẳn một phiên bản giống Rock Hudson, ngôi sao điện ảnh Mỹ đầu tiên dám phá lệ công bố mình bị nhiễm bệnh AIDS vào năm 1985, người này là ca sĩ Philly Lutaaya. Trước khi qua đời vào năm 1989, ông đã viết những bản nhạc kể lại cuộc chiến của mình với căn bệnh thế kỷ và còn đi lưu diễn vòng quanh các trường học và nhà thờ để nói về nó. Đến nay bài “Cô đơn trong sợ hãi” của ông vẫn còn được phát trên ra-đi-ô.

***

NGƯỜI DÂN NAM PHI không hề bị thiếu thông tin về HIV. Thông điệp về thực hiện tình dục an toàn luôn được phát đi phát lại trên truyền hình và ra-đi-ô. Trong phòng vệ sinh các trường đại học còn có máy phân phát bao cao su miễn phí. Tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp tôi gặp đều có thể đọc thuộc lòng luật lệ như Kinh Thánh: Luôn luôn phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc chỉ làm tình với bạn tình chung thủy với mình. Ở Johannesburg, những thông cáo công cộng luôn yêu cầu người dân lái xe cẩn thận, vì khi họ đụng phải người bộ hành bị nhiễm HIV, họ có thể bị lây nhiễm qua đường máu tại hiện trường tai nạn.

Bất chấp những lời cảnh báo này, người dân Nam Phi vẫn không chung thủy hơn được chút nào cả. Người ta vẫn tiếp tục ngoại tình cho dù biết căn bệnh này có thể giết chết họ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những gì tôi biết về tính logic và bản năng phòng vệ của con người. Vào năm 2000, người dân của một thị trấn gần như đều “tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn” trước và sau 2 năm được giáo dục về HIV. Mặc dù hiểu rất rõ bệnh AIDS, chỉ có một phần ba đàn ông và một phần tư phụ nữ trong vùng quê này cho biết họ có sử dụng bao cao su với những bạn tình ngẫu nhiên. (Một bài báo viết về một vùng quê được đăng trên tạp chí học thuật có tựa đề: “Tôi nghĩ bao cao su cũng tốt thôi, nhưng ôi dào, tôi lại không ưa chúng tí nào cả.”)

Nhà kinh tế học Emily Oster phân tích các dữ liệu thu thập được từ 9 quốc gia thuộc châu Phi từ năm 1997 đến 2002, thời điểm thông tin về HIV được truyền bá nhanh chóng, và thấy rằng tỷ lệ đàn ông quan hệ ngoài hôn nhân giảm không đáng kể, trong khi tỷ lệ phụ nữ ngoại tình lại tăng một ít. Xét về người trưởng thành, đàn ông chỉ có hơn 1 bạn tình vào năm ngoái, còn phụ nữ có vẻ chỉ kém con số này chút ít.

Mặc dù mọi người đều biết luật nhưng chẳng khó để thấy rằng rất nhiều người không tuân theo. Nhà nhân loại học Jonathan Stadler bảo, trong vùng nghiên cứu thực tế của ông, họ đùa rằng 3 chữ cái đầu ABC của phương Tây dùng làm khẩu hiệu chống bệnh AIDS (A là “Abstinence” – kiêng cữ, B là “Be faithful” – chung thủy, và C là “use Condoms” – hãy dùng bao cao su) nên có thêm mẫu chữ cái D là “Death” – cái chết. Ông còn cho biết chẳng có ai chướng tai gai mắt gì khi biết “Người đàn ông của năm” của hội nhận thức về bệnh AIDS trẻ lại bị phanh phui đã từng làm cho 6 phụ nữ mang thai trong thời gian tại vị.

Mặc dù mọi thứ này đều được người dân Nam Phi cho là bình thường nhưng tôi thì vẫn không thể nào hiểu được. Vì sao người ta lại có thể đổi cái chết đau đớn để lấy vài phút sung sướng nhỉ? Tôi bèn đi tìm câu trả lời xác thực tại một trang trại gia đình ở tỉnh Mpumalanga, cách Johannesburg khoảng hai tiếng rưỡi đi xe về phía Đông. Tôi được một người chủ nhà xe tải cho đi nhờ xe. Từ khi ông ta cho biết đã đến địa phận nông trại thì phải mất 25 phút lái xe mới vào được văn phòng. Xung quanh chúng tôi giờ đây là bạt ngàn bắp và khoai tây. Ở đây thì đi đến đâu cũng thấy xa xôi cả. Có khoảng 120 gia đình sinh sống trong trang trại này nhưng nhà cửa và trường học cho con cái lại nằm rải rác rất xa nhau nên họ thường phải bắt nhờ xe như tôi hoặc phải đi bộ dọc suốt những con đường mòn. Một năm thì những công nhân làm việc theo mùa vụ đến đây để giúp việc thu hoạch vài lần, và có lẽ đây chính là nguồn gốc lây nhiễm của bệnh AIDS.

Dù không ai lưu trữ danh sách người lây nhiễm nhưng có vẻ bệnh AIDS đã viếng thăm tất cả mọi người ở đây. Đầu tiên tôi gặp Peter, 45 tuổi, anh làm nông dân ở đây được 10 năm, hiện sống với vợ và con cái. Peter khá gầy gò, khuôn mặt bị chia đôi ra bởi vết sẹo dài, còn chiếc áo vest hoa văn hình thoi nhàu nát lại tạo cho anh ta dáng vẻ của một thợ làm rong nhanh nhẹn. Anh ta cho biết đứa con trai 21 tuổi của mình vừa chết 2 năm trước, còn trước đó 1 năm thì một trong số nhân tình của anh ta cũng qua đời. Tổng cộng anh ta biết có 25 người trong nông trại này đã chết vì bệnh AIDS, hầu hết lìa đời trong vòng 5 năm trở lại đây. Tôi còn nghe nói một số đàn ông tự chữa bệnh cho mình bằng cách uống hỗn hợp của cà phê, tỏi, dầu ô-liu, rau diếp xoăn và dầu bôi trơn cho thắng xe.

Đến như vậy mà bệnh AIDS vẫn chưa được thừa nhận. “Rất nhiều người không tin,” anh ta bảo. Trong giấy chứng nhận tử vong, nguyên nhân chỉ được kết luận dưới những lý do bình thường như bệnh lao, nhưng dĩ nhiên nhìn vào ai cũng tự hiểu nó ám chỉ bệnh AIDS.

Peter khẳng định đã thay đổi thói quen của mình khi thấy những hậu quả xảy ra xung quanh, nhưng sự thay đổi này đa phần bị ảnh hưởng bởi những lời truyền miệng trong vùng hơn là nhận biết từ những gì đang được phát rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Anh ta hiện nay cũng không chung thủy với vợ vì thật ra anh ta có quyền làm như vậy. Gái điếm trong trang trại cũng khẳng định hiện nay đàn ông có dùng bao cao su và theo anh ta thì “các cô nhân tình khá an toàn vì họ chung thủy, đàn ông đa phần bị lây nhiễm bệnh AIDS từ gái gọi”. Khi tôi nhắc đến chuyện một trong những cô bồ của anh từng chết vì bệnh AIDS thì anh ta khẳng định rằng mình sẽ không bị lừa một lần nào nữa. “Mình có thể để ý thái độ của cô ta đối với người đàn ông khác, một khi đến thăm mà không thấy cô ả ở nhà là biết là người lăng nhăng rồi.”

Dù sao đi nữa Peter cũng cảm thấy không dễ dàng tuân theo mấy luật lệ đơn giản này cho lắm. Anh ta kể, vào những đêm say sưa ở các quán bar lậu thì cũng có lúc quan hệ không an toàn với các gái điếm vì “Khi chúng ta say thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xài bao cao su. Còn có lắm gái điếm cứ nhảy bổ vào và làm càn lúc đàn ông còn đang lưỡng lự.” Giá cả gái gọi ở đây vào khoảng 7 đô-la một “tua” và 36 đô-la cho cả đêm. Ngoài ra còn có giá ưu đãi 72 đô-la trong 1 tháng (quả là giá hời!) cho khách hàng đến hằng đêm.

Ranh giới giữa “nhân tình” và “gái điếm” cũng mập mờ. Peter kể cô bồ trước của anh đã đi theo người đàn ông khác vì tiền. Anh còn cho biết nhiều nữ công nhân nông trường là “công nhân tự do”, đến cuối tháng sẽ làm gái vì lúc này các ông đang rủng rỉnh tiền công. Phần thời gian còn lại trong tháng họ có thể làm tình nhân của một ai đó.

Nhìn quanh trang trại này thì thật khó để nói rằng nạn phân biệt chủng tộc đã qua đi. Người chủ toàn là da trắng và người làm công đều là da đen. Jabhi, một chàng trai trẻ hoạt bát được phong làm “biểu tượng sức khỏe” của trang trại, bảo rằng khi có đám tang anh cũng không biết là ai và chết vì lý do gì. Theo những gì anh biết thì không ai ở đây thừa nhận rằng mình nhiễm bệnh AIDS cả. Khi tôi nhắc đến việc một phòng khám công cộng gần thị trấn đang bắt đầu cung cấp thuốc kéo dài sự sống cho người nhiễm bệnh thì Jabhi chẳng biết gì và tỏ ý muốn tìm hiểu thêm về chuyện này.

Lúc tôi bảo rằng mình đang tò mò muốn biết về các gái điếm tự do thì Jabhi đề nghị chở tôi đi gặp họ. Vào giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, sau 15 phút lái xe xuyên ngang qua cánh đồng ngô đã được thu hoạch hết, tôi bèn lo sợ liếc nhìn Jabhi. Anh ta đang chở tôi đi đâu ấy nhỉ? Bất ngờ tôi nhìn thấy một mảng sàn phẳng móc vào máy kéo xuất hiện ngay giữa những cánh đồng, trên đó có khoảng 24 cô gái trẻ vừa thu hoạch xong ca sáng. Trông họ giống như một nhóm nhảy hiện đại với kiểu ăn mặc kì lạ kết hợp lộn xộn giữa váy ngắn, quần bó, găng tay và nón để tránh nắng mặt trời và những thân cây ngô. Một số còn bôi lên mặt các chất chống nắng màu hồng và màu vàng hoặc quấn khăn đủ màu trên đầu. Tất cả những thứ đó làm tôi hoa cả mắt. Họ trông thật rực rỡ và hình như tất cả đều đang mỉm cười. Khi tôi bước lại phía chiếc xe thì họ đồng loạt hò hét chào đón tôi.

Tôi và Jabhi kéo 6 người trong số họ ra khỏi xe. Anh ta giúp tôi chuyển ngữ tiếng Zulu về câu chuyện tình yêu của họ. Tất cả đều trong độ tuổi 20, đều có bạn trai và không ai sử dụng bao cao su với họ cả. “Tôi tin bạn tình của mình. Anh ta rất tận tâm với tôi, luôn nói sự thật và không bao giờ lừa dối tôi cả,” một cô 25 tuổi trong số họ bảo với tôi như vậy.

Vậy còn với những người đàn ông khác thì sao? “Nếu như quan hệ với người khác ngoài tình nhân của mình tôi sẽ xài bao cao su,” cô đáp.

“Quan hệ với người khác” là thế nào? Tôi hỏi rằng có khi nào họ quan hệ vì tiền hay không thì họ đồng loạt im bặt. Sau đó một phụ nữ quàng khăn đỏ đại diện phát biểu cho cả nhóm: “Trong tháng thì không. Cuối tháng thì có!” Rồi tất cả đều phì cười.

“Nhưng chúng tôi có sử dụng bao cao su!” họ nói nhỏ.

“Chúng tôi cũng khổ tâm lắm!” một cô gái khác cũng 25 tuổi bảo. “Khi chúng tôi cần tiền, chẳng có cách nào khác là phải bán dâm cả.” Cô bảo chỉ kiếm được khoảng 115 đô-la từ công việc đồng áng nhưng chi phí cần thiết cho mỗi tháng lên đến 215 đô-la. Cứ trong 2 tiếng hoan lạc là họ kiếm được 29 đô-la, khá trùng khớp với giá cả Peter báo. Khi tôi hỏi đến địa điểm hành sự thì họ đều chỉ về những cánh đồng ngô. Tôi đoán rằng họ không dùng tiền để đi chăm sóc sắc đẹp nhưng cũng không phải cho việc ăn uống. Họ đã phải làm lụng cả ngày ngoài đồng vì vậy chuyện này chắc còn là do niềm vui chứ không hẳn là mưu sinh. Một cô cho biết giấc mơ của mình là lấy chồng và có con. Một người khác thì hét toáng lên rằng: “Tôi muốn được hiểu biết hơn!” Họ tràn trề sức sống, rất tò mò và cũng muốn tự bảo vệ cho bản thân mình. “Nói cho chúng tôi biết về HIV đi!” sau đó còn bảo, “Kể cho chúng tôi nghe về các nước khác nữa!”

Nhưng những gã đàn ông có đủ tiền để trở thành khách-hàng-cuối-tháng của họ cũng thuộc nhóm người có nguy cơ đã nhiễm HIV nhiều nhất (vì chẳng ai muốn ngủ với những người nghèo khổ cả nên họ ít khi bị nhiễm bệnh). Trong một nghiên cứu về người dân Nam Phi cho thấy trong độ tuổi từ 15 đến 24 thì tỷ lệ phụ nữ nhiễm bệnh cao gấp 4 lần đàn ông cùng tuổi. Phụ nữ quan hệ với đàn ông lớn hơn vài tuổi sẽ dễ bị lây nhiễm nhất. Và một vấn đề hóc búa mà phụ nữ nghèo phải tuân theo là: Đàn ông có nghề nghiệp và xe hơi lại là đối tượng nên tránh xa nhất. Thật khó để phụ nữ ở bất cứ đâu có thể chấp nhận được sự thật này.

Ngoài ra, sai lầm trong kế hoạch của họ nằm ở câu nói mà khi tôi và Jabhi ra về vẫn còn nghe văng vẳng bên tai: “Tôi tin bạn trai của mình!”, cứ như nó là câu thần chú củng cố lòng tin của họ vậy.

***

THẬT TÂM TÔI VẪN KHÔNG THỂ HIỂU được vì sao người ta vẫn tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn cho dù điều này có thể giết chết bản thân và gia đình họ. Nhưng có lẽ tôi đã đánh giá thấp vai trò của quan hệ tình cảm ở một nơi mà đời sống đang vô cùng ảm đạm, chứ đừng nói đến chuyện có bệnh AIDS hay nạn phân biệt chủng tộc, như thế này. Tình yêu, dù trong hôn nhân hay trong mối quan hệ vụng trộm, cũng là nơi ẩn náu sau vấn nạn thất nghiệp và bạo lực đang bám lấy hầu hết người dân nơi này.

So với dân Nam Phi thì dân đồng tính nam ở phương Tây hòa nhập tốt hơn: Họ quyết định bỏ chuyện tình một đêm hoặc bắt đầu sử dụng bao cao su với những đối tượng mình chưa thân thiết. Còn với dân Nam Phi thì họ chỉ mới bắt đầu tập tành sử dụng bao cao su với gái điếm. Nhưng ở Nam Phi, thói quen sinh hoạt tình dục khi yêu đương cho dù họ có chung thủy vẫn là nguy hiểm nhất vì trong trường hợp này khó mà đòi họ sử dụng bao cao su được.

“Có thể nói rằng tình cảm của con người đối chọi lại với việc sử dụng bao cao su,” nhà nghiên cứu bệnh dịch ở Uganda – Brent Wolff cho biết. Yêu cầu ai đó sử dụng bao cao su ngầm ngụ ý bạn không tin tưởng họ, mà có lòng tin thì mới yêu thắm thiết cuồng si được. Wolffbảo rằng gần như không thể tìm được bất cứ ai ở bất kì đất nước nào luôn sử dụng bao cao su, ngay cả đối với những người đã từng thề thốt sẽ tuân thủ điều này.

Nghịch lý này dường như luôn ám lấy Khayelitsha, thủ phủ của những ngôi lều vách thiếc nằm rải rác bên lề đường cao tốc chạy từ Cape Town đến sân bay. Dân số của vùng quê này tăng lên đột ngột từ những luật lệ về phân biệt chủng tộc được hủy bỏ từ tháng 6 năm 1991 giúp cho người da đen được đi lại tự do. Hàng nghìn người từ Eastern Cape lũ lượt đổ về Cape Town để kiếm sống. Nhưng phần lớn đều không tìm được việc làm, điều này được minh chứng qua việc hầu hết trong 750.000 cư dân của Khayelitsha vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ và đốt đèn cầy lấy ánh sáng.

Một trong những kiến trúc trông có vẻ hiện đại nhất ở đây là trạm xá phụ sản. Một buổi sáng khi tôi đến thăm, các bà mẹ và em bé lần lượt kéo đến lấp đầy căn phòng chờ đến phiên mình. Các bà tán gẫu cùng nhau bằng một thứ ngôn ngữ kiểu “lách cách” gọi là Xhosa, nghe như tiếng động phát ra từ một chiếc đồng hồ cũ kĩ. Chẳng có ai cho con bú cả. Họ đang cùng tham gia một chương trình tư vấn có tên “từ các mẹ đến các mẹ”, được sáng lập bởiMitchell Besser, một thầy thuốc phụ khoa người Mỹ, nhằm hướng dẫn cho các bà mẹ bị nhiễm HIV cách giữ sức khỏe cho bản thân và con cái. Trên điện thoại ông đã nói với tôi rằng: “Tôi nghĩ rằng chuyện chung thủy ở đây đã thất bại rồi, vì vậy cách tốt nhất bây giờ là thực hiện chuyện ngoại tình một cách an toàn.”

Điều phối viên Pat Qolo cho biết trung bình cứ 4 phụ nữ đến khám thì có 1 người nhiễm bệnh. Nhưng dĩ nhiên đây không phải là tỷ lệ áp dụng cho mỗi ngày. Đầu tuần rồi, 30 người đến khám thì một nửa đã cho kết quả dương tính. Còn trong các ngày khác thì cô bảo rằng “chẳng bao giờ có dưới 10 người mắc bệnh.”

Zukiswa là một trong những phụ nữ đó, cô đã 32 tuổi và đang ngồi ở góc phòng, bồng trên tay đứa con mới 3 tháng tuổi. Zukiswa có dáng người nữ tính tròn trịa và ánh mắt sắc sảo, cương nghị. Cô gặp chồng mình lúc còn là cô nữ sinh 16 tuổi ở Eastern Cape, còn anh ta thì đã 36 tuổi và làm nghề lái taxi, khi đó họ quen nhau nhờ chuyện anh đề nghị dạy cô lái xe hơi.

Cô cho biết chưa bao giờ “lăng nhăng với ai” khi chồng mình vắng nhà, vì vậy cô biết mình bị lây bệnh từ đâu. “Cô biết đấy, đôi khi chồng mình đâu có ngủ ở nhà,” cô ngậm ngùi. Mặc dù anh ta biết cô nhiễm bệnh nhưng nhất quyết không chịu đi xét nghiệm. Và cho dù hứa với vợ rằng sẽ không đi đến mấy quán rượu lậu nhưng anh ta vẫn làm. Một trong những quán rượu lậu đó chẳng có gì ngoài những căn lều nền đất, bia thì đựng trong bình lớn và các ả điếm lởn vởn xung quanh. Theo lời miêu tả của Sakkie thì quán rượu lậu là một thế giới khác, nơi những luật lệ không được chấp hành. Chồng của Zukiswa cũng thế. “Anh ta bảo, ‘Khi say người ta không làm chủ được mình, vì vậy, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.’”

Đứa con vừa chào đời vài tháng của họ sẽ được xét nghiệm HIV vào tuần sau. Nếu đứa bé cũng bị nhiễm thì càng có lý do để chồng cô không đi xét nghiệm. Nếu như tình trạng của anh ta không được làm rõ thì sẽ không bị đổ lỗi là đã lây bệnh cho vợ và con. Ngay cả khi không đến quán rượu thì anh ta cũng sẽ ở lại một thế giới khác và đem vi-rút về nhà một cách bí ẩn hơn.

Mặc dù làm khổ vợ con như vậy nhưng trong mắt bạn bè thì anh ta chẳng làm gì sai. Ngược lại, nếu anh ta không đi đến mấy quán rượu lậu đó nữa thì sẽ bị coi là tên sợ vợ. Zukiswa có vẻ là một phụ nữ rất cứng cỏi nhưng cô lại không có quyền thay đổi những định kiến trong suy nghĩ của chồng. “Các ông chồng ở đây không thích bị phụ nữ điều khiển và bảo họ nên hay không nên làm gì. Đó chính là nguyên do,” cô bảo.

Pumza, người ngồi cách Zukiswa vài chiếc ghế, thì không trách cứ người bạn trai đã lây HIV cho cô lắm. Cô vẫn còn xúc động khi nhớ lại cái ngày được gặp anh bên đường ở Khayelitsha. “Anh ấy đang tản bộ thì nhìn thấy tôi và hỏi, ‘Anh có thể dẫn em đi đâu không?’” cô nghĩ lại rồi chợt cười hớn hở như cô học trò mới lớn. “Ôi, anh ấy thật dễ thương, đẹp trai và nói năng chậm rãi lắm.”

Pumza năm nay 26 tuổi, mái tóc ngắn, làn da màu sô-cô-la đen bóng và đôi mắt nâu to tròn. Hẳn rất nhiều người sẽ muốn xin số điện thoại của cô. Nhưng hai năm sau kể từ ngày gặp nhau trên phố thì bạn trai tương lai của cô qua đời vì bệnh AIDS. Đến phút cuối anh ta ốm đến nỗi cô cảm giác như không có ai đang nằm trên giường bệnh nữa.

Lúc đầu Pumza không biết chắc vì sao mình bị nhiễm bệnh vì trước đó cô cũng có một người bạn trai khác, cũng có thể do anh này lây cho cô. Sau đó cô nhắc đến chuyện xảy ra vào tuần trước khi cô tham gia một nhóm trợ giúp thì một người phụ nữ tiếp cận cô và bảo đã qua lại với bạn trai gần nhất của Pumza trước khi anh ta gặp cô. Người này đã biết mình nhiễm bệnh vào năm 1995 và cho anh ta hay. Cô ta đã nhìn thấy Pumza quanh quẩn ở Khayelitsha và đã muốn cảnh báo cho cô biết. Sau buổi trợ giúp cô ta nói với Pumza rằng: “Tôi không biết cô có quan hệ với anh ta không và có dùng bao cao su hay không nhưng tôi lo cho cô. Tôi biết anh ta đã nhiễm bệnh. Tôi không biết anh ta có cho cô biết điều này hay không nữa.”

Pumza không thể hòa hợp tin động trời này với hình ảnh lãng mạn của anh chàng đẹp trai xin số điện thoại của cô trên đường hôm ấy. “Trong suốt quãng thời gian đó anh ta biết mình mắc bệnh nhưng vẫn đến với tôi,” cô như đang nói với chính mình. Nhưng Pumza không biết làm sao để trách cứ vì vẫn còn đau lòng vì cái chết của anh ấy. Nhưng khi nghe tin này thì sự đau buồn dường như tan biến. “Tôi thật sự hận anh,” cô tức tưởi. “Nhưng bây giờ cũng có nghĩa gì đâu vì anh cũng đi mất rồi.”

***

KHI TÔI TRÒ CHUYỆN với đàn ông Nam Phi về chuyện ngoại tình thì họ luôn đề cập đến vị vua của Swaziland. Swaziland là một nước nhỏ bé được bao bọc bởi Nam Phi và Mozambique. Lãnh đạo của họ, Mswati Đệ Tam là vị vua thực quyền cuối cùng của châu Phi, và tất cả người dân thuộc miền Nam châu Phi đều tôn thờ ông là người đàn ông tối thượng. Ông ta mới 38 tuổi nhưng đã có cả một truyền kì về sự khao khát tình dục. Mỗi năm ông ta tổ chức một buổi lễ hoành tráng, lúc đó, 10.000 cô gái trẻ để ngực trần sẽ diễu hành để ông chọn ra một cô dâu mới cho mình. Khi tôi ở Nam Phi thì đọc được trong báo địa phương là ông ta đã bỏ ra 820.000 đô-la để mua 10 chiếc xe hơi hiệu BMW mới cho mấy bà vợ hiện tại.

Ngoài việc là một nước cực kì nghèo đói, Swaziland còn có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. Theo cuốn Sự thật trên thế giới , có đến 39% người lớn ở Swaziland nhiễm bệnh (tỷ lệ của cả Nam Phi chỉ là 22%). Tuổi thọ của đàn ông Swazi là 22 còn phụ nữ là 23. Ai cũng có thể tưởng tượng ra được những con đường HIV lây lan trên đất nước này. Vào năm 2000, đức vua cấm nữ sinh Swazi mặc váy ngắn để giảm nguy cơ quan hệ tình dục giữa trò và thầy. Năm sau đó ông cấm con gái dưới 18 tuổi không được làm tình nhưng rốt cuộc chính ông phá vỡ luật vì cưới người vợ thứ 9 mới 17 tuổi (và ông tự phạt mình một con bò).

Vua Mswati biện minh rằng ông có nhiều vợ để giữ gìn giá trị truyền thống mà các nước trong vùng đang đánh mất, và nhiều người châu Phi cũng tin vào điều này. Người dân Nam Phi bảo rằng tổ tiên của họ cũng theo chế độ đa thê. “Thời xưa” đàn ông không đi lăng nhăng vì họ có đủ đàn bà ở nhà để thỏa mãn dục vọng của mình. Còn ngày nay, chính vì không được có hơn 1 vợ nên họ mới có nhân tình.

Nhưng chuyện này xảy ra có lẽ vì họ không hiểu đúng về lịch sử. Hai nhà sử học Peter Delius và Clive Glaser của Đại học Witwatersrand ở Johannesburg từng ghi chép lại rằng: “Chuyện đa thê không hề lan rộng mà chỉ có một số người châu Phi trước thời thuộc địa mới có nhiều vợ, đa phần là những tù trưởng và người giàu có. Ngoài ra chuyện đa thê cũng không thỏa mãn được dục vọng của họ. Chuyện quan hệ bất chính ngoài hôn nhân cũng có ‘truyền thống lâu đời’ như chuyện đa thê.”

Delius và Glaser giải thích rằng, quan hệ ngoài hôn nhân trở nên phổ biến vào những năm 1930 khi các cặp vợ chồng da đen không chung sống cùng nhau vì chồng phải đi làm việc ở những khu mỏ xa xôi. Khi chồng vắng nhà, các bà vợ trở thành hàng hóa trao đổi tình dục, trong đó bao gồm cả tình yêu, tình bạn và dĩ nhiên là tiền bạc. Một cuộc khảo sát các khu ổ chuột ở Johannesburg vào những năm 1930 có đoạn viết, “chỉ có vài phụ nữ thừa nhận rằng mình có nyatsi (chồng hờ), nhưng những người cung cấp tin tức thì luôn hùng hồn khẳng định rằng hàng xóm của họ có ‘nhân tình’”.

Chuyện này trở nên phổ biến đến mức các ông trả tiền thuê nhà cho các bà để đổi lấy sex được gọi là “Bộ trưởng nhà đất,” người nào trả học phí thì được gọi là “Bộ trưởng giáo dục,” và dĩ nhiên “Bộ trưởng truyền thông” là những người trả phí điện thoại di động. (Còn cung cấp thức ăn chỉ được gọi là “mấy cậu bé cho bữa trưa.”) Helen Epstein, ngòi bút đứng đầu viết về bệnh AIDS ở các nước châu Phi thuộc miền Nam sa mạc Sahara, phát hiện ra rằng những phụ nữ này không chỉ bán thân vì tiền mà rõ ràng còn có sự hiện diện của tình yêu.

Một trong những người có khả năng bao gái ở đây là William, 47 tuổi, vận hành lò luyện kim cho công ty SA Metal Group ở Cape Town – công ty này có một chương trình nội bộ rất sáng tạo dành cho các công nhân nhiễm bệnh AIDS. William có thân hình vạm vỡ, gò má cao và hàm răng hô làm anh trông giống một con hải ly lúc nào cũng nhăn nhó. Anh được chuyển từ lò luyện kim đến ngồi trước mặt tôi trong văn phòng máy lạnh vì anh thuộc diện “giáo dục viên đồng đẳng” về bệnh AIDS của công ty. Có nghĩa là anh phải làm gương cho các đồng nghiệp. Nhưng cho dù anh truyền đạt mọi thông tin chính xác về bao cao su thì anh vẫn không hé môi nói lời nào về chuyện chung thủy. Vì theo anh thì: “Trong nền văn hóa của chúng tôi, ai cũng phải có nhân tình ở ngoài, nhiều khi có cả con ngoài giá thú nữa. Chuyện này không phải vấn đề lớn lao gì trong nền văn hóa của chúng tôi cả.”

Nhưng đối với các bà vợ thì chuyện này lại là vấn đề đấy. Anh thú nhận rằng: “Tôi không dám nói cho vợ mình biết vì sợ.” Thay vì vậy, hai lần một tuần, cứ đến khoảng 8 giờ tối là anh lại gọi về cho vợ và bảo rằng sẽ ở lại qua đêm với các “anh em” và vợ anh chưa bao giờ gọi để kiểm tra cả. Mặc dù vậy, William vẫn phải hành động lén lút và khẳng định chắc nịch rằng những gì mình đang làm là hoàn toàn đúng. Nói cho cùng thì cũng có những đêm vợ anh không muốn quan hệ tình dục. Và giống như mọi đàn ông khác, anh ta cũng sẽ không làm tình với vợ khi cô đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ. Anh bảo: “Chúng tôi là đàn ông mà, đàn ông thì phải có ít nhất một nhân tình để phòng hờ chứ.”

Thông điệp này còn được chấp hành ở cấp lãnh đạo. Vào năm 2006, tòa án tối cao Johannesburg tha bổng cho cựu Phó Tổng thống Jacob Zuma vì tội hiếp dâm một phụ nữ 31 tuổi ngay tại phòng ngủ chính trong nhà ông ở Johannesburg. Mặc dù chánh án kết luận đây là quan hệ tình dục tự nguyện từ đôi bên nhưng vẫn trừng phạt Zuma vì tội không mang bao cao su cho dù Zuma biết người phụ nữ đó đã bị mắc bệnh AIDS. Người phụ nữ này là nhà hoạt động xã hội về bệnh AIDS, còn Zuma, 61 tuổi, từng đứng đầu Hội đồng Bệnh AIDS Quốc gia.

Cả đất nước cùng chăm chú theo dõi lời khai của Zuma (hiện đã có vợ) về nguyên do vì sao ông lại không sử dụng bao cao su: “Tôi hôn và vuốt nhẹ khắp cơ thể cô ấy, đến vùng nhạy cảm thì cô ấy đã trong tình trạng sẵn sàng rồi.” Họ cũng đã định sử dụng bao cao su nhưng trong lúc đó không ai mang theo. Zuma bảo ông cũng ngại nhưng người phụ nữ đó cứ nài nỉ rằng ông “không thể bỏ mặc người phụ nữ trong hoàn cảnh này được,” Tờ Mail & Guardian của Nam Phi thuật lại. “Lúc đó tôi cũng tự nhủ, ‘Mình lớn lên trong văn hóa Zulu nên mình biết rằng nếu có bỏ mặc người phụ nữ trong hoàn cảnh đó thì cô ta cũng báo cảnh sát bắt mình vì tội hãm hiếp.’”

Sau đó người phụ nữ “dang rộng hai chân ra, họ hôn nhau rồi bắt đầu quan hệ xác thịt.” Zuma khai rằng sau khi quan hệ xong ông có tắm rửa kĩ càng và mong rằng sẽ có thể giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh. Trong phiên tòa thì luật sư của ông cũng lấy chuyện này ra để biện hộ.

***

TRÊN BÁO SOWETAN, mục tìm bạn bốn phương được đăng ngay trang trước của mục báo tử, nhìn chẳng khác nào cố ý nói ẩn dụ rằng tình yêu rất gần với cái chết. Con người ở hai mục nằm ở hai mặt giấy này dường như đang lên tiếng trả lời cho nhau. “Douglas M.” viết rằng anh ta “25 tuổi, độc thân và đang tìm một phụ nữ tuổi từ 18 đến 23, không con cái, hiền dịu, biết tôn trọng và có ý định tiến tới hôn nhân… Vui lòng trả lời bằng tiếng Anh, tiếng Zulu hoặc tiếng Shona và gửi kèm theo ảnh.” Bên kia có một người phụ nữ tên Lydia rất phù hợp với yêu cầu của anh ta: Cô 21 tuổi, hiện không con cái, và nhìn hình cũng khá dễ thương, nhưng có điều cô ta “được chôn vào thứ 7 tại Nghĩa trang Avalon”. Cạnh cô là báo tử của 17 người khác lẽ ra nên được đăng thông tin trên mặt kia: Hầu hết đều khoảng 30 tuổi hoặc trẻ hơn, như cậu bé Modiko với khuôn mặt búng ra sữa và chỉ mới 19 tuổi. Không ai trong số họ được đề nguyên nhân tử vong.

Làm gì có ai chấp nhận được chuyện này cơ chứ? Nhà kinh tế học Emily Oster quyết định kiểm chứng việc mọi người trên thế giới đều biết quý mạng sống của mình. Cô đưa ra một định đề là khi bị nhiễm HIV thì đàn ông đồng tính trung lưu ở Mỹ biết quý mạng mình hơn những người Phi châu nghèo khó và có cuộc sống ngắn ngủi hơn. Cô nghiên cứu về cả hai nhóm người trong thời điểm trước khi có thuốc kéo dài sự sống cho người nhiễm bệnh AIDS.

Để so sánh, Oster tạo ra một mô hình gọi là “cái giá phải trả cho bạn tình.” Trong này thể hiện số năm và tiền bạc một người đánh mất khi quan hệ với nhiều hơn một bạn tình trong vòng 12 tháng. Cô tính được rằng khi tỷ lệ nhiễm HIV tăng lên 1% ở một số nước châu Phi thì “cái giá” một bạn tình mới là 1.569 đô-la cho phụ nữ và 853 đô-la cho đàn ông. Còn đối với những người đồng tính nam trung lưu được khảo sát thì “cái giá” có thêm một bạn tình vào khoảng 5.500 đô-la.

Oster sử dụng số liệu từ Benin, Burkina Faso, Ethiopia, Ghana, Kenya, Malawi, Mali, Namibia, và Zimbabwe. Nam Phi là nước giàu hơn tất cả những nước còn lại trong khu vực miền Nam sa mạc Sahara lại không nằm trong khảo sát của cô.

Thêm một điều phù hợp với giả thuyết của Oster là cô nhận thấy cho dù là người châu Phi hay người đồng tính nam ở Mỹ thì người giàu và có tuổi thọ cao sẽ biết ý thức thay đổi thói quen tình dục hơn là những người nghèo và có tuổi thọ thấp. Kết quả này đồng nghĩa với việc một người đàn ông đang thất nghiệp và chứng kiến thực tế nhiều đàn ông khác đang chết trẻ quanh mình khi đến quán rượu lậu ở vùng quê Nam Phi sẽ chẳng ngại gì việc tán gái đẹp trước mắt. Nếu cho anh ta một công việc tốt hơn và tuổi thọ cao hơn thì người đó sẽ biết cân nhắc việc hẹn hò hơn.

Người Nam Phi rất bi quan. Tỷ lệ hôn nhân cũng sụt giảm trầm trọng. Nhà nhân loại học Jonathan Stadler cho biết, đàn ông trong vùng nông thôn ông đang nghiên cứu từng dành dụm nhiều năm để cưới vợ. Nhưng hiện nay, một số sẵn sàng tiêu xài hết tiền trợ cấp thất nghiệp vào quán bar trong vòng hai tuần. Tôi mong những câu chuyện về bệnh AIDS sẽ được đăng ở bìa báo địa phương mỗi ngày; hãy tưởng tượng xem, nếu 20% người Mỹ nhiễm bệnh này và không được chữa trị thì hậu quả sẽ ra sao! Nhưng hầu hết những bài báo viết về bệnh AIDS chỉ được đăng ở trang trong.

Không ai trong số những người tôi từng gặp ở đây bảo rằng họ sẽ thoát khỏi định mệnh này. Nhưng dù sao cũng có nhiều người sợ chết và muốn sống đủ lâu để có thể nuôi nấng con cái. Và dù sao đi nữa, nhìn thấy cái chết xảy ra khắp nơi cũng làm cho người ta phải suy nghĩ. Trong đó có Lucy, 32 tuổi, đang làm nghề lau dọn ở Johannesburg. Chồng, bố và cháu của cô đều chết vì bệnh AIDS. Khi biết mình cũng nhiễm bệnh, cô chỉ thản nhiên bảo, “Vâng, tôi biết rồi, tôi đang chờ đợi nó mà.” Chồng cô từng bắt cô ngủ trên sàn nhà trong phòng khách khi cô mang thai 9 tháng để ông ta làm tình với cô bồ trong phòng ngủ. Khi Lucy cảnh báo cô ả kia rằng chồng mình nhiễm bệnh thì ả phủi hết mọi chuyện và cho rằng Lucy đang ghen tức mới nói vậy.

Lucy cũng tự trách bản thân mình vì chuyện nhiễm HIV. Cô bảo chồng cô có lẽ sẽ không “lăng nhăng” nếu như cô chịu làm “chuyện đó” – chuyện kích thích bằng đường miệng. Dù thế nào đi nữa thì cô cũng hiểu chồng mình vẫn sẽ ham của lạ mà thôi. Bản thân cô cũng vụng trộm với người bạn trai cũ và hiện anh ta cũng đã có vợ. Cô bảo: “Đôi lúc cũng phải chán cơm thèm phở thôi.”

Quãng thời gian chồng cô phát bệnh lại chính là lúc hạnh phúc nhất trong hôn nhân của họ. Anh chồng rốt cuộc cũng dịu lại và họ vui vẻ bên nhau. Trong vài tháng, không có sự hiện diện của cô nhân tình nào và cô được “làm người phụ nữ đích thực trong nhà mình.” Không khí yên bình đó bị tan vỡ khi anh ta qua đời và gia đình anh ta quy cho cô đầu độc chồng bằng dược tình. “Mẹ chồng tôi bảo ‘Sao mày lại không bị bệnh chứ? Mày phải bị bệnh cùng với chồng mày mới phải.”’

Có quá nhiều thứ dằn vặt Lucy nhưng cuối cùng cô chọn lấy một cách suy nghĩ nhẹ nhàng nhất: Người vợ nên biết yêu chồng và người hữu tình sẽ không hại nhau bao giờ. Giờ đây khi nghĩ về chồng, cô chỉ thấy nhớ nhung. Cô hồi tưởng lại vào thứ 5 ngày nào anh ta còn mua gà và coca về bày trên bàn ăn. “Cô có tin không, bây giờ tôi lại rất nhớ tất cả những thứ đó. Thậm chí tôi còn nhớ những bước chân của anh trở về từ mấy quán rượu lậu, nhớ những lúc anhbước đi như một ông già. Tất cả những bước chân ấy, tôi thật nhớ chúng.” Cô tha lỗi cho anh vì anh đã lừa dối cô. Cô tha thứ cho anh vì anh đã lây bệnh AIDS cho cô. Và cô tha thứ cho anh vì anh nỡ chết đi để lại cô lẻ bóng. “Tôi phải tha thứ cho tất cả những gì anh ấy đã gây ra, vì bây giờ anh ấy đang bị Chúa hỏi tội rồi.”

Khi người Mỹ phát hiện ra bạn đời của mình lừa dối hoặc ngoại tình thì họ sẽ tự giày vò bản thân rằng: Vì sao một người yêu tôi lại có thể lừa dối tôi như vậy? Họ đánh mất phương hướng và tự cho rằng mọi thứ trong cuộc sống không như những gì họ từng nghĩ. Chuyện này làm họ bối rối và đau khổ nhưng dù gì cũng không đến nỗi phải chết.

Người dân Nam Phi cũng vẫn muốn tin tưởng người mình yêu. Cho dù chuyện ngoại tình ở đây xảy ra như cơm bữa nhưng các bà vợ vẫn mong rằng góc nhỏ hạnh phúc gia đình của mình sẽ không bị sự lừa dối và bệnh dịch ghé thăm. Nhưng một khi chúng đến – khi chồng vụng trộm hay nhiễm bệnh – thì phản ứng của họ không gay gắt mà trái lại sẽ rất dịu dàng. Họ không tự giày vò bản thân và cũng không ngồi hoang mang nghĩ ngợi rằng từ trước đến nay mình có đang “sống trong sự giả dối” hay không. Họ có xu hướng nhìn vào những gì màu hồng trong quan hệ của mình hơn. Ai lại muốn buông tay với tình yêu của mình chứ, nhất là khi biết được mình sắp lìa đời.

Khi đến Nam Phi, tôi từng nghĩ rằng điều quan trọng nhất của họ là sự sống. Nhưng bệnh dịch chỉ nằm trong thế giới của bác sĩ và khoa học. Nỗi sợ đối với cái chết không đủ làm cho người ta hạn chế chuyện ngoại tình mà trong thực tế, phụ nữ như Lucy hay đàn ông như Ace lại muốn tình yêu, dục vọng và sự đồng thuận từ bạn tình.

Vậy còn sự tôn sùng đối với Chúa trời có làm con người hạn chế việc ngoại tình hay không? Hay người theo đạo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bạn bè hơn là vì Chúa? Để trả lời câu hỏi này tôi phải thêm vài trang trong hộ chiếu của mình (vì hộ chiếu của tôi đã hết chỗ để dán visa và đóng dấu xuất nhập cảnh mới) và tiếp tục hành trình đi tìm sự chung thủy ở những đất nước khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.