Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG VII Bí mật của chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật



Tôi đang đứng ở khu bán vật dụng phòng ngủ trong một cửa hàng bách hóa to lớn nhưng thô kệch tại Tokyo, hay tiếng Nhật gọi là depaato , nằm trên đầu một trạm ga xe lửa thậm chí còn to lớn và thô kệch hơn thế nữa tại trung tâm Tokyo. Còn to lớn và thô kệch thế nào thì hãy cứ tưởng tượng giống như đem Siêu thị Bloomingdale đặt lên trên đầu Nhà ga Grand Central ở Mỹ ấy.

Khi tôi đang đảo vòng quanh những chồng nệm cứng màu nhạt kiểu Nhật thì một nhân viên bán hàng dáng vẻ phốp pháp tiến lại gần. Anh đeo một chiếc tạp dề màu đen, thêu hàng chữ HOME SHOW. Thật may cho tôi, anh đã từng du học ở New Zealand nên tiếng Anh khá tốt, giọng điệu cũng vui vẻ, mặc dù hơi vấp váp.

Sau một lúc, anh giới thiệu mình tên Toru và đồng tình với một nhận xét khách quan của tôi rằng: Ở đây chỉ có nệm cứng kiểu Nhật cho một người. Anh bảo cửa hàng có trữ giường kiểu Tây phương nhưng cũng chỉ có cỡ đơn (loại ở Mỹ thường gọi là giường “loại trung” và dùng cho trẻ con nằm).

Nhưng chẳng lẽ giường đôi không tiện dụng hơn sao? Và chẳng lẽ không ai trên đất nước này thích nằm rúc vào nhau mà ngủ à?

Toru nhíu mày rồi cúi gằm mặt xuống, một cử chỉ rõ ràng của người Nhật khi muốn nói, “Xin lỗi, những điều tôi sắp nói ra ở đây sẽ không làm bạn thích thú đâu.” Anh cho biết giường đôi ở đây chỉ cung cấp theo những đơn hàng đặc biệt, và theo anh biết thì chưa có người Nhật nào làm vậy. Những khách hàng có yêu cầu đặc biệt chỉ là những người nước ngoài như tôi mà thôi. “Và tất cả bọn họ đều đang làm việc tại lãnh sự quán hay đại loại là vậy,” anh đánh bạo khẳng định.

Nhật là vương quốc của những chiếc giường đơn. Có lẽ vợ chồng Nhật đặt hai chiếc nệm của mình cạnh nhau. Hay có thể họ co rúc vào nhau trên cùng một chiếc nệm đơn của nhau như ông bà tôi từng làm. Nhưng tuyệt nhiên không có nệm chung.

Điều này có quan trọng lắm không? Như bao người nước ngoài khác, tôi cũng đề phòng không đụng chạm đến những thói quen tình dục mà người Nhật vẫn tôn thờ. Tôi nhận thấy điều này trong 3 năm học tiếng Nhật và một học kì lưu trú ở Osaka. Vào lúc đó, tôi còn có bạn trai người Nhật tên Yuji, anh hay đội nón cao bồi và thích thú khi tên tôi cùng vần với chữ “camera” (máy ảnh). Nhưng thật không may lúc này Yuji lại chưa kết hôn nên không nằm trong đối tượng phỏng vấn hiện tại của tôi. Và dường như ở đây không tồn tại một số liệu thống kê về tình dục toàn quốc nào cả.

Tôi lên một kế hoạch phỏng vấn dày đặc ở Nhật nhằm tiếp xúc với thật nhiều dân thường và trò chuyện cùng các chuyên gia chính phủ cả các nhà xã hội học và giảng sư hàng đầu. Tôi còn hẹn gặp với các luật sư chuyên trách vấn đề ly hôn và các chuyên gia trị liệu tâm lý, ngoài ra còn thuê nhiều trợ lý chuyên về nghiên cứu để thu thập các số liệu và bài viết về chuyện ngoại tình.

Mục tiêu của tôi là tìm đến gốc rễ của bí mật về những chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật bằng mọi giá, không ngoại trừ việc phải xông vào tận phòng ngủ của họ. Vợ chồng Nhật có quan hệ thường xuyên với nhau không? Có khi nào họ không gần gũi nhau không? Hay đúng như tôi nghi ngờ là họ hoàn toàn không quan hệ tình dục với bất cứ ai khác?

***

TÔI ĐỒNG HÀNH cùng một thông dịch viên mới vào nghề tên Maiko với mức phí cao ngất ngưởng là 20 đô-la một giờ và phải bỏ qua chuyện mỗi khi ai đề cập đến chuyện ngoại tình thì cô nàng lại cứ cười khúc khích. Cuộc hẹn đầu tiên của tôi là với một “chuyên gia tư vấn hôn nhân”, cô có văn phòng tại một vùng thơ mộng ven Tokyo, nơi những tán cây rủ mình trên những hàng rào gỗ. Đôi khi tôi còn tưởng tượng từ trong những ngôi nhà nằm rải rác quanh đây, bọn trẻ con chợt nhào ra mở cửa khi bố chúng xách cặp táp trở về nhà và hô to “ Tadaima! ” – ý nghĩa đại loại là “Bố về rồi!”

Khi đến nơi, Maiko và tôi thay dép rồi bước vào một căn phòng sạch sẽ vô trùng để gặp Hiromi Ikeuchi. Cô là một phụ nữ xinh xắn vui vẻ, đang ở độ tuổi 45 với búi tóc phồng gọn ghẽ và viền son môi đỏ thắm. Chỉ trong vài phút cô đã cho biết rằng mình đã ly hôn. Và đây cũng là khẩu hiệu của cô “Tôi thích ly hôn! Tôi yêu ly hôn!” Vậy ra chuyên môn của cô là ly dị chứ không phải hôn nhân. Tờ quảng cáo cô đưa cho chúng tôi trong đó chỉ rõ văn phòng của cô có tên Phòng Thí nghiệm Hôn nhân Tokyo – Khoa Nghiên cứu, thảo nào không gian ở đây gần giống như phòng mổ.

Trên tấm bảng trắng, cô vẽ ra một sơ đồ tương quan giữa các tính cách của vợ chồng và phân chia chúng ra bằng một vạch đỏ. Chồng là người đứng đầu của gia đình ở Nhật, gia đình được gọi là ie (cùng âm với “eBay”). Khi người phụ nữ kết hôn, cô ta phụ thuộc vào ie của người chồng và chuyển thân phận từ “phụ nữ” thành “vợ”. Ikeuchi vẽ thêm nhiều mũi tên màu đỏ chỉ ra con cái sinh ra sẽ thuộc vào phần ie của người bố trong khi người mẹ luôn thuộc về phần bên kia đường vạch đỏ.

Không có ai viết tình ca về ie cả vì về bản chất nó nghiêng về tài sản và nghĩa vụ hơn là tình yêu. Ie ở đây trái ngược với ý nghĩa của hôn nhân Mỹ vì ở Mỹ người ta luôn cố gắng tìm hiểu để “làm tốt mối hôn nhân” của mình. Ikeuchi cho biết một số người chồng lớn tuổi ở Nhật thậm chí không gọi tên vợ mà chỉ dùng cách xưng hô thông thường là “cô/bà”. Ngay cả những cặp vợ chồng trẻ tuổi cũng bắt đầu gọi nhau là “Bố nó ơi và Mẹ nó ơi” sau khi có con.

Trở lại chuyện những chiếc giường đơn. Té ra: “Người mẹ” thường sẽ kéo nệm vào phòng con cái và ngủ ở đó đến khi nó 5 hay 6 tuổi (theo truyền thống thì người chồng sẽ thay thế vị trí của vợ mình bằng một dàn âm thanh hoành tráng và một chiếc TV màn hình phẳng). Ngay cả những cặp vợ chồng trẻ, mặc dù họ cũng xem hình mẫu ie truyền thống là cổ hủ thì vẫn có người cho rằng việc ôm nhau ngủ là không phổ biến.

Tôi bảo với Ikeuchi rằng điều đó với tôi chẳng có chút hấp dẫn gì cả và cô cũng đồng tình. Chính vì vậy mà họ gán cho nó cái tên “hôn nhân không tình dục”.

Hôn nhân không tình dục ư? Chẳng phải quá mâu thuẫn à?

Nhưng ở Nhật thì việc này không có gì là mâu thuẫn cả. “Hôn nhân không tình dục” (còn gọi là Hôn nhân vô dục ) dùng để miêu tả về những cặp vợ chồng ít hoặc không hề quan hệ tình dục, phần lớn là sau khi có con đầu lòng. Hội chứng này làm nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi 20 đến 30 rất phiền lòng, và nó có thể kéo dài hàng năm trời hay cả đời mà không ai dám hé nửa câu than vãn. Hiromi không biết chắc rằng có bao nhiêu cặp vợ chồng rơi vào tình trạng “hôn nhân vô dục” này nhưng có vẻ nó là một loại bệnh dịch địa phương. Cô đổ lỗi cho một số người đứng đầu của ie mang niềm kiêu hãnh lạ lùng vì mình có mối hôn nhân trong sạch. “Thậm chí có một số đàn ông tin rằng bạn không bao giờ nên đem công việc hay chuyện tình dục về nhà,” cô cho biết.

Câu chuyện này đã phần nào giải mã được cho bí ẩn của những chiếc nệm đơn. Vậy là chuyện tình dục rất ít khi xảy ra ở nhà. Vậy nó xảy ra ở đâu? Hay tôi đã tìm ra một nền văn hóa tình dục nơi người ta không quan hệ với nhau?

***

CUỘC HÀNH TRÌNH tìm hiểu nguyên do “hôn nhân vô dục” dẫn tôi đến phòng họp của một công ty xây dựng tầm trung ở Tokyo. Tôi đã hỏi người liên hệ ở đây xem mình có thể trao đổi với một vài người đàn ông không. Đột nhiên chính bản thân tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng khi cả 5 người đàn ông trong độ tuổi 30 và 40 đồng loạt sẵn sàng chia sẻ về hôn nhân của họ.

Cũng giống như Ikeuchi, họ thích nói về chuyện ly hôn hơn là chuyện hạnh phúc hôn nhân của mình. Sau khi bọn họ lần lượt giới thiệu về bản thân, tôi được biết tất cả đều đã ly hôn và trường hợp nào cũng là do người vợ kết thúc mối hôn nhân của họ. (Hầu hết người khởi xướng ly hôn ở Nhật là phụ nữ.) Khi tôi hỏi lý do thì bọn họ chỉ đưa ra những lời giải thích hời hợt, giả dụ như vợ họ không chịu được người nhà chồng hay họ bắt đầu chỉ quan tâm đến con cái. Tôi tự hỏi còn bao nhiêu điều họ còn giấu giếm ở đây.

Rốt cuộc một trong số họ, Mamoru, một chuyên gia phụ trách về chất lượng sản phẩm, 40 tuổi, thừa nhận rằng anh đã rất bối rối khi vợ anh bất ngờ đưa “tờ đơn ly dị” cho anh sau hai năm hôn nhân mà anh từng nghĩ là hạnh phúc.

“Cô ấy bảo, ‘Tên anh, làm ơn, kí vào đi, làm ơn,’” Mamoru hồi tưởng lại. Anh đang mặc bộ vest đồng phục màu xanh, áo sơmi trắng và cà vạt xanh, kiểu người quanh năm suốt tháng cứ ăn mặc y như vậy ở Nhật được gọi là salarymen . Một năm sau đó, anh vẫn giữ tờ đơn ly dị nhưng không kí tên, và cũng chẳng hỏi vợ anh về lý do. Trong thực tế, họ không nói với nhau nửa lời suốt thời gian ấy mặc dù sống chung dưới một mái nhà.

Đối với tôi, mường tượng về một cuộc chiến tranh lạnh kiểu này còn khó hơn là chuyện hôn nhân vô dục. Nhưng theo Mamoru thì anh sợ rằng đem vấn đề này ra thảo luận với vợ còn khó chịu hơn là chia tay với cô ấy. Anh bảo, “Tôi không dám hỏi nguyên do vì sợ danh dự bản thân mình bị hủy hoại.”

Cho dù nội tâm của họ có đang hỗn loạn đến đâu thì những salarymen như Mamoru đều không thuộc loại người nhạy cảm hay quyến rũ. Trong trí tưởng tượng của mọi người, họ luôn sặc mùi bia rượu, bụng bắt đầu phệ và luôn khoác lên mình bộ vest bằng vải pô-li-ét-xte xộc xệch. Mặc dù những nhân viên của các công ty khổng lồ như Mitsubishi và Nomura cũng có thêm chút thanh thế từ công việc của mình, nhưng ít nhất theo nguyên mẫu thì hầu hết các salarymen này đều là những nhân viên làm việc như cỗ máy, chẳng bao giờ dành thời gian cho các thú vui sau giờ làm việc hoặc học cách quyến rũ phụ nữ.

Những salarymen tôi gặp ở Tokyo thật sự có những điều kiện thuận lợi nhất để ngoại tình hơn bất cứ nơi nào khác. Họ thường dành phần lớn thời gian chè chén cùng nhau. James Farrer, một nhà xã hội học của Đại học Sophia ở Tokyo cho biết, “Ở Mỹ, nếu bạn đi dự tiệc mà không dắt vợ theo thì sẽ bị hỏi rằng, ‘Sao không dẫn vợ theo?’ Việc bỏ vợ ở nhà là một sự xúc phạm đối với cô ấy và đối với cả hôn nhân của bạn. Nhưng ở đây, dẫn vợ theo trong các buổi họp mặt ngoài xã hội lại bị xem là không nên và không phù hợp.”

Sự thông cảm và cởi mở vốn dĩ là chìa khóa giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng Mỹ lại không được ủng hộ ở Nhật. Một số đàn ông bảo rằng họ phải giữ danh dự của mình bằng cách không bao giờ chia sẻ với vợ, ngay cả đến những vấn đề trong công việc. “Đối với vợ, tôi là người đàn ông hoàn hảo. Tôi trao tình yêu cho cô ấy và không bao giờ cho cô ấy biết về những khó khăn của mình. Tôi phải là người mạnh mẽ và hoàn hảo đối với cô ấy,” một người chồng ở Tokyo tuyên bố như vậy.

Yoko Itamoto, một chuyên viên mai mối hiện đang chỉ đạo một cuộc nghiên cứu hôn nhân được chính phủ tài trợ, cho biết khoảng cách giữa vợ chồng ngày càng lớn vì vậy chuyện quan hệ tình dục trở nên ngượng ngùng. “Chúng tôi bắt đầu cảm thấy tình dục là chuyện dơ bẩn từ cơ thể lõa lồ, các chất nhờn, chuyện đụng chạm vào nhau. Cả nam và nữ đều nghĩ vậy,” Itamoto bảo.

***

VẬY NHỮNG NGƯỜI CHỒNG và các bà vợ này phải đi tìm sự sẻ chia từ người khác . Nhưng với ai mới được cơ chứ? Năm người đàn ông đã ly hôn đều sớm nhắc tới “các quán bar chị em,” nơi các doanh nhân thường trả phí theo giờ để trò chuyện cùng các cô gái trẻ. Những thành phố lớn như Tokyo đâu đâu cũng có các quán bar chị em, còn ở các thị trấn nhỏ thì ít nhất cũng có một cái gần ga xe lửa. Các công ty lúc nào cũng đầy ắp những hóa đơn tính tiền từ các hộp đêm sang trọng, nơi các sếp thường tiếp đãi khách hàng của mình.

“Tôi thích trò chuyện với các cô tiếp viên hơn là với vợ,” một Giám đốc dự án thú nhận; ông năm nay 42 tuổi và đã kết hôn được 10 năm. “Những cặp vợ chồng Nhật thường không vui vẻ trò chuyện với nhau, cũng chẳng hay đùa giỡn. Trong khi đó các cô tiếp viên lúc nào cũng biết nói đùa và trò chuyện vui vẻ với cánh đàn ông.”

Để vui thú hơn thì cái giá không hề rẻ. Ngoài chi phí tính theo giờ, khách phải trả thêm “phí chọn lựa” nếu muốn gặp lại cô tiếp viên cũ, rồi còn “phí hát karaoke”, “phí ngồi bàn”, “tiền nước”, “tiền thức ăn nhẹ”. (Một lý do làm người nước ngoài không thích đến những nơi này vì họ bực bội khi thấy trong hóa đơn xuất hiện quá nhiều chi phí phụ trội). Khi hết chuyện để nói, các tiếp viên liền móc điện thoại ra khoe với khách về mấy con thú cưng của mình. Đến khi khách ra về, các cô liền ghi lại ngày sinh nhật và các thông tin cá nhân của khách để dùng cho lần sau.

Các cô tiếp viên ở đây là sự kết hợp giữa gái gọi và nhà trị liệu tâm lý. Mục tiêu của họ là làm cho các ông dây dưa tình cảm với mình. Ở Nhật không chú trọng nhiều đến văn hóa phân tâm học, nhưng ở các quán bar chị em này họ lại thoải mái cởi mở về chuyện gia đình, vợ con. Lời than phiền quen thuộc nhất là thiếu thốn chuyện tình dục ở nhà. Đây cũng là khúc dạo đầu lý tưởng để dẫn dắt vào đề tài chính ở các quán bar chị em này: chuyện tình dục. Càng về đêm, khi “chi phí rượu bia” đã tăng cao, thì cũng là lúc các lời nói ám chỉ về tình dục bắt đầu chuyển thành những lời nói thẳng vào đề tài ấy. Một chiêu thông dụng là dạy cho các tiếp viên những cách biểu hiện cảm giác mới trong cách hành vi tình dục.

Nhưng hoạt động tình dục bị khiếm khuyết trong hôn nhân vô dục không phải ở đây vì không có chuyện quan hệ thật sự nào xảy ra ở các quán bar chị em này cả. Một số nơi cho phép “đụng chạm”, hay nói rõ hơn là khi đèn tối, khách hàng có thể sờ mó ngực các tiếp viên. Nhưng nói chung, tình dục là điều không tốt cho việc kinh doanh. Doanh thu phụ thuộc vào những khách hàng quen hay ghé lại ủng hộ, và các tiếp viên nhận thấy một khi đã ngủ được với họ thì khách hàng sẽ bắt đầu chán. Điều này được Joan Sinclair cho biết, cô từng chụp ảnh cho câu lạc bộ tình dục tưởng tượng của Nhật cho cuốn sách được đánh giá cao của mình mang tên Chiếc hộp màu hồng: Bên trong các câu lạc bộ tình dục Nhật .

Để chắc chắn được quan hệ tình dục, các khách hàng phải đến những câu lạc bộ tình dục cấp cao hơn, và họ thường đi theo nhóm. Có quá nhiều nơi để họ lựa chọn. Trong vùng phụ cận Kabuki-cho của Tokyo, hàng hà sa số các loại câu lạc bộ tình dục chen chúc cạnh nhau trong các tòa cao ốc nhìn giống như các hàng đồ chơi xếp hình Lego phát sáng và kéo dài đến tận chân trời (ở giữa là các tiệm bánh mì, tôi đoán đây là nơi khách hàng nạp năng lượng sau khi hành sự). Gần đó là các “khách sạn tình yêu” nổi tiếng của Nhật, ở đây các cặp tình nhân có thể thuê phòng mà không cần gặp mặt tiếp tân. Trong này có nhiều mức giá từ “nghỉ ngắn hạn 3 giờ” đến “ở qua đêm”, và quảng cáo kèm theo nhiều dịch vụ tận phòng như trò chơi điện tử, karaoke, và cả các kênh phim đồi trụy phát qua vệ tinh.

Cũng giống như các quán bar chị em, các câu lạc bộ tình dục cung cấp nhiều mức độ “phục vụ” khác nhau và bỏ xa các hình thức múa khêu gợi trên đùi và nhảy khêu gợi phòng vip ở các quán bar thoát y phần trên của Mỹ. Một hình thức tên “sức khỏe phong lưu” chuyên về mat-xa và thường kết thúc bằng quan hệ bằng miệng. Các câu lạc bộ “Thiên đường xà phòng” thì cho phép quan hệ tình dục. Họ sẽ bị tính phí thêm khi muốn được nuốt tinh trùng, được đạt cực khoái nhiều lần (phí thông thường chỉ cho phép phóng tinh một lần), và một thứ gọi là soku-shaku nhằm cho phép khách hàng không cần tắm rửa trước khi được các cô kích thích bằng miệng (hình như điều này làm tăng hưng phấn khi quan hệ). Nếu khách không biết chính xác hình thức của các câu lạc bộ, họ có thể hỏi người bảo kê luôn mặc đồ vest sang trọng, nơi nào là nuki ari , một cách nói uyển ngữ của “được tháo nút” nhưng trong hoàn cảnh này nó được hiểu là “Tôi có thể xuất tinh ở đây không?” (Người nước ngoài khi hỏi câu này thường bị nhận câu trả lời là “không”).

Một dạng biến thể của các câu lạc bộ nuki ari dành riêng cho các salarymen được thiết kế đúng như sự tưởng tượng về những chuyến tàu từ nhà đến nơi làm việc của họ. Hãy nghĩ xem sau khi bước ra khỏi một chiếc tàu điện thật đông đúc để bước vào câu lạc bộ tình dục chỉ để khám phá… một chiếc tàu điện đông đúc giả thì thật là nhảm nhí. Nhưng trong chiếc tàu điện này họ được quyền quấy rối những phụ nữ xinh đẹp. Mười khách hàng nam và mười cô tiếp viên cùng một lúc chui vào chikan-densha hay “tàu điện dâm ô”. (Phụ nữ thường hô lên “Chikan!” mỗi khi bị quấy rối để làm bẽ mặt các tên biến thái trên tàu điện thật). Ngoài ra còn có mô hình công viên, lớp học, và nhà hàng để cho khách hàng giả lập những cuộc hẹn trong mơ hoặc thực hiện lại những gì họ chưa dám làm trong quá khứ. Còn trong rạp chiếu phim giả, khi ham muốn dâng cao, khách hàng và “bạn tình” dắt nhau vào phòng riêng, trên tường có sẵn danh sách các “chuyện có thể làm” kèm theo giá cả “phục vụ”. Sinclair còn phát hiện ra những tiệc trà đạo dâm dục ở Câu lạc bộ Mammoth, trong đó toàn các cô mập mạp trần truồng; ngoài ra còn có câu lạc bộ nơi các tiếp viên sẵn sàng “đóng giả làm vợ ai đó”.

Thật khó để biết được có bao nhiêu ông chồng thuộc “hôn nhân vô dục” đi tìm niềm an ủi trong nền công nghiệp tình dục ở Nhật này. Nhưng một nhà kinh tế học đã ước lượng hằng năm Nhật thu được khoảng 20 tỷ đô-la từ đây, con số này chưa kể đến doanh thu DVD, tạp chí và các loại tình dục trên mạng. Nền công nghiệp này quá phát triển đến nỗi các nhân viên tình dục có hẳn một công đoàn lao động riêng. Một điều rõ ràng nữa là cách người ta trò chuyện về tình dục ở Nhật rất khác. Hầu hết đàn ông Mỹ không hé lộ cho đồng nghiệp biết rằng họ đi chơi gái điếm và yêu cầu các cô này mặc đồng phục học sinh. Nhưng ở Nhật, bạn không cần phải giả vờ bảo rằng mình chỉ quan hệ tình dục ở nhà với vợ. Đàn ông ở đây dù cho đi đến những câu lạc bộ tình dục kỳ quái nhất cũng không bị xem là đồi trụy hay biến thái gì cả mà chỉ bị gọi là các anhchàng trai ăn chơi thôi. Thêm vào đó, chuyện họ suốt ngày say xỉn cũng là một yếu tố biện hộ. “Đó chỉ là trò chơi,” Masahiro Yamada, một Giáo sư xã hội học ở Đại học Tokyo Gakugei, phát biểu.

Trò chơi này giúp cho các ông chồng xả hơi sau những lúc phải “tỏ ra mạnh mẽ” để lãnh đạo ie và gồng gánh hàng núi công việc. “Người Nhật rất coi trọng chuyện phụ thuộc,” một Giáo sư ở Đại học Kyoto bảo tôi. “Những mối quan hệ về tình dục ở đây không hề có sự ràng buộc trách nhiệm, đây chính là điểm hấp dẫn của nó.”

***

ĐÀN ÔNG NHẬT chỉ viết tiếp những truyền thống lịch sử. Vào thế kỷ 17, các tướng quân Nhật cách ly gái điếm vào những khu vực riêng biệt, một phần nhằm dễ dàng đánh thuế hiệu quả hơn. Đến cuối thế kỷ 19 thì triều Minh Trị bắt đầu mở rộng nước Nhật về phía Tây, công cuộc này giúp cho những khu đèn đỏ được nằm vào các khu vực kinh doanh được quản lý tốt. Hơn gần nửa thế kỷ sau, chuyện đi chơi ở các câu lạc bộ tình dục về cơ bản đã được chính phủ cho phép.

Phải đến năm 1974 thì chính phủ Nhật mới bắt đầu cấm một số hình thức mại dâm như các tổ chức gạ gẫm bán dâm hay ma cô dắt mối gái. Nhưng luật lệ mới vẫn cho phép đàn ông và phụ nữ đồng tình bán dâm trong nhà thổ. Lỗ hổng luật pháp này ngày càng bị lạm dụng. Chỉ có giao cấu qua đường âm hộ mới bị xem là mại dâm; còn lại những câu lạc bộ có giấy phép hợp pháp vẫn có thể kinh doanh kích dục bằng đường miệng hoặc giao cấu qua hậu môn hay bất cứ hình thức nào không liên quan đến giao cấu qua âm hộ. Khi một câu lạc bộ “phục hồi sức khỏe” gửi một phụ nữ đến nhà của khách thì trong thực tế đến lúc đó họ mới thỏa thuận với nhau sẽ làm gì.

Những cuộc gặp mặt giữa nam nữ kiểu đó có được cho là ngoại tình hay không còn phụ thuộc vào đối tượng đánh giá. Tôi chưa từng nghe chuyện hôn nhân ở Nhật đổ vỡ vì chồng đi gặp “gái” bao giờ cả. Một luật sư chuyên trách ly hôn cho tôi biết chuyện ăn bánh trả tiền không hề bị liệt vào bất cứ điều căn bản nào của chuyện ngoại tình – hay còn gọi là furin . Và những khách hàng đi chơi ở những câu lạc bộ này cũng chẳng bao giờ nghĩ mình đang furin cả. Rất nhiều người bảo tôi rằng có câu: “Nếu ăn bánh trả tiền thì không phải là ngoại tình.”

Dĩ nhiên, chẳng ai dại gì bảo vợ rằng mình vừa được một “cô y tá” bán khỏa thân kích dục bằng miệng hay chòng ghẹo cô tiếp viên cả buổi tối về bộ ngực của cô nàng cả. Nhưng các ông cũng cho biết rằng các bà vợ chẳng bao giờ hỏi họ đã đi đâu. Về phần các bà hình như cũng hay nói rằng: “Các ông ấy ra đường nhiều cũng tốt thôi, miễn an toàn về nhà là được rồi.”

Một sinh viên đã tốt nghiệp ở Tokyo đang nghiên cứu về vấn đề ngoại tình cho tôi biết, các bà vợ ở đây tin rằng “ngay cả người chồng tốt nhất, chung thủy nhất, đáng tin nhất, trung thành nhất cũng sẽ lăng nhăng.” Điều này không có nghĩa là các bà đồng tình. Các bà vợ cũng tan nát con tim khi phát hiện chồng mình ngoại tình, nhưng sự thật cứ phơi bày ra trước mắt như vậy nên hầu hết đều không nghĩ rằng mình có quyền ca thán.

Quy định không hỏi, không nói có vẻ không được những người trung lưu thành thị áp dụng triệt để lắm. Một trong những người đàn ông trong phòng họp của công ty xây dựng tên Satoshi, 39 tuổi với cái đầu hói, bảo tôi rằng một lần sau khi đi công tác xa về, anh ta bị người vợ, họ đã chung sống được 10 năm, lục giỏ xách và tìm thấy tờ bướm quảng cáo gái gọi ở Sendai, một thị trấn vùng biển nằm phía Bắc cách Tokyo 2 giờ đồng hồ đi xe. Anh ta bảo vợ mình đã hiểu lầm. Vì quý bà xà phòng này chẳng là thứ gì quan trọng cả, anh ta có hàng tá các cô như vậy! Nhưng vợ anh ta thì không hiểu rằng đây chỉ là chuyện, nói cho đúng là, chơi bời. Anh phân trần: “Tôi chẳng có chút tình cảm nào cho các ả gái mà tôi phải trả tiền để quan hệ cả. Nó đơn giản chỉ là sự đổi chác sòng phẳng thôi.”

Thay vì phiền muộn vì chuyện chồng lăng nhăng, vợ anh lại có xu hướng ghen tị với sự tự do của chồng mình hơn. Sau khi tìm thấy tờ quảng cáo đó, cô gia nhập vào một nhóm bạn bè mới ở câu lạc bộ thể dục rồi tham gia các buổi lặn với bình khí nén. Không lâu sau, Satoshi nhận được tờ đơn ly dị. Anh giải thích: “Khi phụ nữ có cuộc sống và sự chủ động riêng của họ thì rất khó để níu giữ nhau.”

Hiện nay Satoshi có vợ mới và đặt gia đình lên trên công việc. Vậy bây giờ anh ta sẽ không còn đi với gái gọi nữa, đúng không?

“Đúng vậy!” anh quả quyết. Nhưng dưới ánh nhìn của các đồng nghiệp, anh lại liếc ánh mắt lên trần nhà: “Nhưng mai thì tôi phải đi Hokkaido… giải trí một chút.”

***

VẬY CÒN VỀ CÁC BÀ THÌ SAO? Họ có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay không? Midori, một phụ nữ 40 tuổi cực kỳ quyến rũ với làn da như thạch cao tuyết hoa và mái tóc kiểu Farrah Fawcett, quả là một đối tượng lý tưởng cho việc ly hôn. Cô đã không còn làm tình với chồng từ năm 27 tuổi và họ cũng không trò chuyện mấy. (Cô cho biết: “Anh ta là loại đàn ông thích chè chén xong rồi lăn ra ngủ.”) Chồng cô là con trai trưởng nên họ phải chung sống với bố mẹ anh ấy. Anh là một nhân viên kinh doanh, không mạnh mẽ và cũng chẳng giàu có gì. (“Nếu vợ chồng tôi bị dạt lên đảo hoang chắc tôi sẽ là người phải đi câu cá cho cả hai.) Lúc nào cô cũng cảm thấy mình giống như mẹ của anh ấy vậy, tôi cũng thường nghe nhiều phụ nữ Nhật ca thán tương tự.

Nhưng dù vậy, Midori lại bảo cô vẫn hài lòng với mối hôn nhân hiện tại. Khi hai chúng tôi cùng đàm đạo trong một quán cà phê sang nằm gần ga xe lửa Tokyo, cô thú nhận rằng: mình có nhân tình. Cô bảo: “Bạn có thể duy trì nhiều loại tình yêu một lúc. Đối với chồng đó là tình cảm gia đình. Còn với người ấy, đó đơn giản là một thứ tình yêu khác.”

Cô cũng không trông đợi những cử chỉ yêu thương từ chồng đơn giản vì: “Mẹ và con trai có làm tình với nhau bao giờ đâu.”

Chồng của Midori chỉ đoán rằng cô đã bị lãnh cảm. Nhưng thật ra, mỗi tháng cô và tình nhân đều cùng nhau đến khách sạn tình yêu một lần. Song chuyện tình dục không phải là phần quan trọng nhất, mà ngoài ra, họ còn tâm tình cùng nhau. Tình nhân của cô kể cho cô nghe về nghề sản xuất những con rối, đây là công việc thứ hai của anh ấy. Và câu chuyện này luôn hấp dẫn Midori vì anh là một trong số ít những người dám từ bỏ công việc ổn định ở tập đoàn để theo đuổi đam mê của mình. Chính vì vậy, nếu như họ cùng bị bỏ lại trên đảo hoang, “anh ấy sẽ là người đi bắt cá… Anh ấy sẽ là kẻ sống sót trong mọi hoàn cảnh, còn chồng tôi thì chỉ là một cậu ấm hư hỏng thôi.”

Midori sở hữu đôi tay được tỉa tót cẩn thận và chiếc áo choàng đen được may khéo léo, những thứ này hoàn toàn nằm ngoài khả năng chi trả của một thợ làm rối. Khi kết hôn ở tuổi 23, cô hầu như chỉ muốn tìm một ai đó có thể lo lắng cho mẹ cô sau này vì bà cũng đã ly hôn. “Tôi đã yêu cầu chồng hứa rằng khi cưới không chỉ lo cho tôi và còn cả mẹ tôi, thế là chồng tôi bảo: ‘Em có thể tin vào anh”’.

Được tâm sự cùng tình nhân đồng thời giúp cho Midori phần nào hiểu được thêm về nội tâm của chồng mình. “Nghe thì có vẻ kì lạ, vì tôi chính là người bắt đầu cuộc ngoại tình này, nhưng từ đó tôi lại cảm thấy tôn trọng chồng mình hơn,” cô bảo.

Người ta bảo rằng người Nhật không cảm thấy tội lỗi như những người theo Cơ Đốc Giáo. (Cũng dễ hiểu vì chỉ có không tới 1% người Nhật theo đạo Thiên Chúa; đa số theo Thần đạo Nhật Bản và đạo Phật.) Tôi không tin lắm nên bèn tìm hiểu thực hư ở Midori. Khi tôi hỏi Midori có cảm thấy tội lỗi khi quan hệ ngoài hôn nhân không? Nhìn cái vẻ mặt nghệt ra của cô thì tôi nghĩ cô không hiểu câu hỏi này nên lặp lại một lần nữa, nhưng cô vẫn tỏ vẻ bối rối. Đến lúc này thì tôi mới tin rằng người Nhật như cô không hề cho ngoại tình là tội lỗi.

Nhưng khi một người phụ nữ bỏ chồng để theo người đàn ông thì tình cảm của họ cũng bị tổn thương. Một người đàn ông tôi từng phỏng vấn cho biết, vợ của anh ấy cảm thấy xấu hổ khi rời bỏ chồng trước của mình nên phạt bản thân không được gặp mặt con gái. Đây cũng chính là cách anh ta tự thừa nhận chuyện ngoại tình của mình.

Midori là một người sống rất nguyên tắc nên cô không hề có ý định bỏ chồng. Cô vẫn chung thủy với chồng bằng cách che đậy chuyện vụng trộm một cách kín đáo và vẫn làm trọn mọi bổn phận với gia đình. Còn chồng cô thì lại không được cẩn thận như vậy. Tám năm trước cô tìm thấy chiếc ví mới người ta tặng cho chồng mình trong xe hơi và anh cũng thừa nhận đó là quà của tình nhân. Lúc ấy Midori rất giận, nhưng không phải vì chuyện chồng mình có bồ mà vì anh ta để cho cô phát hiện ra sự việc. “Anh ấy làm sai nguyên tắc. Nếu muốn ngoại tình thì phải giấu kín đừng cho tôi biết, cho dù trời đất có sập xuống cũng không nên để tôi phát hiện ra,” cô bảo.

Những gì Midori nói trở nên dễ hiểu hơn khi tôi xem một bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc được ưa chuộng nhất trong thời gian tôi viếng thăm Nhật, tên Bản tình ca mùa đông . Khi ngôi sao của bộ phim này vừa đặt chân xuống Sân bay quốc tế Narita ở Tokyo thì anh chàng 31 tuổi với mái tóc nhuộm màu cam ấy bị chìm ngay vào đám đông những người hâm mộ, đa phần là phụ nữ trung niên. Hôm đó đã có 9 phụ nữ đã bị dẫm đạp đến bị thương trước khách sạn của ngôi sao này.

Nội dung của bộ phim xoay quanh một cô gái sắp 30 tuổi chợt gặp lại người tình từ thời còn đi học mà lâu nay cô tưởng anh đã chết. Sự éo le ở đây là: Người tình xưa (tiếng Nhật gọi là “Yon-sama”) đã bị mất trí nhớ và có thể là anh cùng mẹ khác cha với cô gái, còn cô gái thì đã đính hôn với bạn thân cũ của anh chàng này. Nhưng cốt truyện gây xúc động ở chỗ tình cảm của họ vẫn vẹn nguyên sau 10 năm xa cách mặc dù cô ấy tưởng anh đã chết, và giờ đây họ đang có cơ hội được trở về bên nhau. Để truyền tải nội dung này, người diễn viên nào khi ở góc quay gần cũng thể hiện vẻ mặt đau khổ cùng cực như đang bị chứng táo bón. Bộ phim chẳng khác nào một bản tình ca tệ hại.

Bản tình ca mùa đông đã đánh vào tâm lý của một thế hệ phụ nữ lấy những ông chồng thuộc tầng lớp công nhân đã vực lại nền kinh tế cho đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Họ chuyển tới ie của chồng và không dám hỏi gì khi các ông phờ phạc về nhà vào 11 giờ đêm rồi lại đi làm lúc 7 giờ sáng. Có lẽ lúc đi học họ cũng có bồ bịch nhưng rồi sẽ chấp nhận hi sinh tình yêu để kết hôn với những người giàu có hay ít nhất là “môn đăng hộ đối”.

Những mối hôn nhân này không hẳn là “hôn nhân vô dục” vì các cặp vợ chồng không trông đợi vào những cuộc mây mưa nóng bỏng đầy sang tạo. Hầu hết, kết hôn không phải là chuyện lãng mạn gì. Bản tình ca mùa đông làm rúng động lòng người vì dù sao đi nữa phụ nữ ở độ tuổi này vẫn còn mơ mộng đến sự lãng mạn (và cả tình dục), nhưng tất nhiên không phải với chồng mình (các ông này đến khi về hưu thì được gọi là sodai-gomi , hay “đống rác rưởi béo ú vô dụng”). Những người đàn ông trong mơ – như Yon-sama – chẳng những không hay ngồi trên ghế sofa quát tháo vợ mang rượu ra, mà có lẽ không bao giờ ở nhà. Nhưng cũng chẳng sao vì đối với các bà, người tình trong mộng không để sở hữu mà để nhung nhớ khát khao.

“Bạn không thể nào đoán được họ có tái hợp với nhau hay không,” Tamako, 58 tuổi đã ly hôn và sống ở Tokyo, giải thích. Bà có tướng người béo lùn, mái tóc ngắn và nụ cười toe toét mang nhiều cảm xúc. Bà từng tốt nghiệp đại học và đang là cố vấn cho những nông trại của Nhật, một công việc mà hiếm có phụ nữ ở độ tuổi này đảm đương được.

Tamako cho rằng chuyện say mê Yon-sama khá là ngớ ngẩn và khẳng định bản thân bà không thể nào ham muốn một cậu trai diễn viên trạc tuổi con mình được. Bà cũng cho biết vì quá bận nên cũng không thể đi tham quan đảo Hàn Quốc nơi từng được chọn làm cảnh quay về hồi ức tuổi thơ của các nhân vật trong phim. (Một trang mạng cho biết, “Cảnh đạp xe trong phim trở nên quá nổi tiếng đến nỗi người ta cho thuê hẳn xe đạp để đi lại theo đúng con đường Bản tình ca mùa đông mà các nhân vật chính từng đi qua.”)

Nhưng sau đó trong một buổi chiều chủ nhật ngồi nhâm nhi cà phê với tôi ở Tokyo, Tamako thừa nhận rằng bà đã ghi hình lại tập phim tối qua và xem lại vào buổi sáng trước khi gặp tôi. Cả tôi cũng xem nó ở khách sạn và không thể không than phiền về cái kiểu diễn xuất lúc nào cũng đơn độc đầy nội tâm của Yon-sama và tính bất hợp lý của cốt truyện. (Một cảnh éo le nữa của bộ phim là mẹ của Yon-sama lại nhồi nhét vào đầu anh ta những kí ức mới trong đó không hiện hữu khoảng thời gian anh từng gặp người yêu thời học sinh của mình.)

Nhưng Tamako lại không quan tâm đến những chi tiết này. “Tôi hiểu được cảm xúc bộ phim muốn truyền tải chứ không phải nội dung của nó,” bà bảo. “Phụ nữ vào tuổi 70 và 80 chỉ còn nhớ về thời son trẻ và tình yêu ngọt ngào trong quá khứ.” Trong thực tế, cuộc sống Tamako đang hưởng thụ cũng là một bản sao của Bản tình ca mùa đông , chỉ khác là người tình năm xưa đang vừa cặp kè lại với bà lại cùng tuổi và đã có gia đình. Theo bà thì ông ta là “một người đàn ông trung niên bình thường” (tiếng Nhật là ojisan ). Họ làm việc cùng ngành và gặp nhau cách đây đã 20 năm nhưng chỉ mới hẹn hò 5 năm trở lại đây.

Ông ta cũng không phải thuộc dạng đẹp mã gì, và trong tương lai sẽ trở thành một thứ vô dụng đối với người khác. Nhưng điều hấp dẫn Tamako là hầu như bà không nắm bắt được ông ta. Bọn họ thường dành thời gian nhung nhớ về nhau hơn là gặp mặt vì ông ta ở cách xa Tokyo (khoảng hơn 1 giờ đi xe) và cũng đi công tác rất nhiều, bởi thế họ chỉ ở bên nhau hai lần trong năm. Trong thời gian xa cách họ chỉ tán tỉnh và tâm tình cùng nhau qua email và tin nhắn. (Tamako đợi 3 ngày mới trả lời tin nhắn của ông ta nhưng lại dương dương tự đắc rằng ông ta luôn trả lời bà trong cùng ngày.) Có vẻ bà hứng thú với chuyện thư từ qua lại này hơn là những buổi hẹn hò vụng trộm trong khách sạn.

Bà cũng chẳng quan tâm là ông ta có thêm nhiều bạn tình khác hay không. (Vì một lần ông ta đã cám ơn vì mấy cái bánh của bà nhưng bản thân bà không hề gửi.) Vì ông ta tốt hơn rất nhiều so với ông chồng mà bà ly hôn cách đây 10 năm. “Tôi thích có được cảm giác yêu cuồng yêu dại thế này,” bà bảo. “Rất nhiều bạn tôi, nhất là bạn từ thời còn đi học, đang độc thân nhưng đều có bạn trai hoặc những mối quan hệ tương tự. Tôi thì không biết gì về chi tiết những mối quan hệ ấy, chỉ biết rằng họ bảo, ‘Bên cạnh tôi đang có một người đàn ông’ và tôi cũng bảo họ điều tương tự.”

Kiểu tình yêu cuồng dại và không bao giờ nắm giữ được trong tay của Bản tình ca mùa đông đã ăn sâu vào văn hóa tình dục của Nhật. Nhà văn Ian Buruma thuộc trường phái Anglo của Hà Lan từng nói “nỗi buồn” và “luyến tiếc” là những từ hay xuất hiện nhất trong cả văn học cổ điển của Nhật và trong những bản tình ca đồng quê hiện đại. Ông ta còn tìm thấy nó trong phiên bản tiểu thuyết dạng “chick lit” của Nhật. “Khóc ròng vì luyến tiếc không phải là hành động thường thấy trong văn học phương Tây. Không phải vì họ vô cảm mà vì họ không thường biểu hiện nó ra một cách quá kịch, hay có lẽ vì những gì nghe có vẻ kịch trong tiếng Anh thì lại trở thành hoàn toàn bình thường trong tiếng Nhật.”

Một tình yêu đã nguội lạnh trong quá khứ không “hoàn hảo” bằng một tình yêu đã chết thảm ngay trước khi có cơ hội bắt đầu ( Bản tình ca mùa đông lại có cả hai). Phiên bản thảm thiết nhất của chuyện tình này là khi cả hai đều tự vẫn. Ngày nay ở Nhật mặc dù chuyện ly hôn rất phổ biến nhưng chuyện cùng tự tử vì yêu này vẫn còn tồn tại qua nghệ thuật. Những vở kịch Nhật trong thời Edo (từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18), luôn ám ảnh với chuyện cả hai ôm nhau mà chết, và đến nay chúng vẫn còn được tái diễn. Như Buruma đã viết, đây chính là thời “tình yêu thường kết thúc trong bi kịch vì không có chốn dung thân cho tình yêu ở Nhật. Giữa hai vợ chồng chẳng tồn tại sự lãng mạn nào cả. Tình yêu đã chết ở ngưỡng cửa hôn nhân”.

Thật khó tưởng tượng một cuộc hôn nhân có thể tồn tại trong cái nền văn hóa có tiêu chuẩn tình yêu không tưởng như vậy. Những nhân vật trong thời đại ấy mỗi khi bị bắt buộc chọn lựa giữa nhân tình và bạn đời, họ thường thà chết với tình nhân. Giây phút họ cùng nhau tự vẫn chính là đỉnh điểm của lãng mạn trong câu chuyện. Trong Sonezaki Shinju , một trong những vở kịch rối Bunraku nổi tiếng nhất thời Edo, một gái điếm hạng sang đề nghị tình lang cùng mình quấn trong chiếc thắt lưng kimono của cô rồi tự tử trong rừng để họ “đến chết vẫn đẹp.”

Tình tiết hư cấu này vẫn còn ảnh hưởng đến những tác giả cùng thời. Thiên đường bị đánh mất, một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất ở Nhật vào năm 1997 nói về một đôi trai gái ngoại tình tuyệt vọng vì không thể ở bên nhau, và nếu có bên nhau thì tình yêu của họ cũng sẽ không còn được tinh khôi như thuở ban đầu. Vì vậy, họ chọn cái chết trong lúc làm tình (vào ngay lúc cả hai cùng “lên đỉnh điểm” trong quan hệ). Đúng theo kế hoạch, lúc cảnh sát phát hiện thì hai cái xác đã cứng đờ và thật sự không thể tách rời nhau.

***

NHƯNG THEO THỜI GIAN mọi thứ cũng thay đổi ở Nhật. Vài năm sau, dư luận báo chí được một phen xôn xao với “Ly hôn kiểu Narita.” Các cô trong tuần trăng mật cảm thấy chán nản với những ông chồng mới cưới nên vừa về đến sân bay Tokyo thì bỏ chạy ngay lập tức.

Những cô dâu ngày nay ít khi bằng lòng chịu đựng mòn mỏi. Họ muốn gặp gỡ và kết hôn với người đàn ông phù hợp và nhất là không có chuyện quan hệ ngoài luồng. Khi tôi thử dò ý kiến về chuyện “Nếu phải trả tiền thì không phải là lừa dối” với Ayako, một cô gái 26 tuổi thông minh và đang sống cùng bạn trai, thì cô trả lời qua email rằng, “Ai bảo với cô như vậy? Theo tôi thì chắc là từ miệng của những gã không hiểu gì về cảm nhận của phụ nữ rồi!”

Cảm giác là thứ quan trọng đối với thế hệ phụ nữ như Ayako. Khi tôi hỏi những cô gái tuổi đôi mươi về phẩm chất của người đàn ông họ mong muốn thì luôn bao gồm tayori ni naru – một người có thể chở che. Một người đàn ông tayori ni naru có thể đang công tác tại Mitsubishi. Anh ta chắc chắn có thu nhập tốt và làm chủ được gia đình. Nhưng anh ta lại là salarymen có tâm hồn – kiểu chỗ dựa tinh thần và cởi mở. Phụ nữ vẫn còn nghĩ về hôn nhân tồn tại mối quan hệ dạng cha mẹ và con cái. Nhưng với quan niệm mới này, họ sẽ đóng vai trò là con cái. Họ hình dung những anh chồng tayori ni naru này sẽ kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của mình và cho ra những lời khuyên sáng suốt. “Một người có thể hỗ trợ mình không những về tiền bạc mà còn có thể giúp mình vượt qua muộn phiền, bối rối hay khi gặp chuyện,” Ayako giải thích và nói thêm. “Nhưng kiểu này thật khó tìm.”

Vấn đề nằm ở chỗ, khi phụ nữ Nhật đòi hỏi nhiều hơn thì hầu hết đàn ông chẳng màng quan tâm. Emi, 30 tuổi, hiện là trợ lý cấp cao tại một cửa hàng thời trang ở Tokyo, luôn hoài nghi về những người đàn ông tự nhận là mình có làm việc nhà. “Trước hôn nhân thì có thể, nhưng sau đó họ thường yêu cầu vợ quán xuyến mọi thứ,” cô bảo. “Tôi đã từng nghe bạn bè than phiền về chồng họ nhiều rồi.” Kết hôn vì tình yêu là lý tưởng nhất, nhưng khi một tạp chí Nhật khảo sát những người ly hôn vào độ tuổi 20 đến 30 vì sao họ lấy nhau, thì một phần ba trong số họ đã trả lời: nantonaku, tức là chẳng vì lý do gì đặc biệt cả.

Thay vì chấp nhận rất nhiều phụ nữ chọn cách trì hoãn hôn nhân. Makoto Atoh, Tổng Giám đốc của Học viện Khảo sát Dân số và An ninh xã hội Quốc gia cho biết, vào năm 2000, 25% phụ nữ Nhật ở độ tuổi 30 đến 34 vẫn chưa kết hôn, trong khi con số này vào năm 1975 là 7%; và hiện bà vẫn đang đau đầu vì đứa con gái 34 tuổi của mình cũng vừa mới chia tay bạn trai. Phụ nữ ngày nay độc lập về tài chính hơn là thế hệ các bà sau thời chiến và cũng chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Họ tốt nghiệp từ các đại học Anh và sở hữu toàn bộ DVD của sáu mùa phim Tình dục và thành phố (Sex and the city) . Vì vậy họ chẳng muốn sống với các ông chồng ở Nhật chút nào.

Nhiều phụ nữ khác thì lại muốn rút ngắn giai đoạn cho hôn nhân. Atsuko Okano, một nữ doanh nhân Tokyo, và đang điều hành trường dạy cách ứng xử cho các salarymen và vợ. Cô là một thầy liệu pháp tâm lý giống kiểu Mỹ nhất mà tôi gặp. Cô còn là tác giả của nhiều cuốn sách tự giúp bản thân, trong đó có cuốn Một người khác gọi là “chồng tôi”, và cho biết đã từng trị liệu cho khoảng 4.000 người trong 30 năm hành nghề. Một nửa số khách hàng của cô đều nằm trong dạng hôn nhân vô dục và hầu như tất cả đều muốn lôi kéo bạn đời của mình trở về.

Okano hiện 49 tuổi và đã ly hôn, cô cũng thừa nhận rằng đang qua lại với ba người tình cùng một lúc: một anh chàng ngọt ngàoở Kyoto, người sẵn sàng mát-xa cho cô hàng giờ nếu cô muốn; một chàng khác nhỏ hơn cô 12 tuổi, từng là khách hàng tư vấn sau ly hôn của cô, thuộc dạng trai ăn chơi; và một chàng nữa 53 tuổi, người mà cô buồn bã bảo rằng: “Anh ta đẹp trai, mạnh mẽ, thông minh và có tiền, nhưng tiếc thay là đã có vợ.”

Okano nhận thấy cả các ông chồng và mấy bà vợ đều ngoại tình vì họ khao khát sự cảm thông, những niềm vui giúp họ bớt căng thẳng, sự đỡ đần lẫn nhau và cả tình dục. Bí kíp trị liệu của cô là giúp cho vợ chồng tìm thấy những điểm này ở đối phương. Nhưng chẳng có lý do gì mà vợ chồng lại thảo luận về mối quan hệ của mình với đối phương hay với nhà trị liệu, vì vậy Okano mang đến một loại chuyên gia khác: Những người phụ nữ đang làm việc trong nền công nghiệp tình dục. Okano miêu tả về những cách thức tư vấn của mấy gái gọi này chẳng khác nào họ là một nhóm làm việc ăn ý từ McKinsey & Company. Mà thật ra ai có thể biết cách chiều chuộng đàn ông và hướng dẫn lại cho các bà vợ hơn họ chứ?

Khi các ông đến thực tập, mấy “quý bà xà phòng” (soap lady) này dạy cho họ biết rằng vợ mình không hề thích thú với những kiểu nhập cuộc mây mưa chóng vánh mà họ thường làm trong các câu lạc bộ tình dục. Mấy quý bà xà phòng này chỉ cho họ về chuyện thắp ánh sáng tạo cảm giác, đốt nến và nói những lời khích lệ. “Phụ nữ thường quan tâm đến môi trường xung quanh và khúc dạo đầu. Họ không thích nhào vào là làm làm lia làm lịa. Nhưng các ông thì không để tâm,” Okano giải thích.

Các bà vợ thì được lột xác theo kiểu Eliza Doolittle, bắt đầu từ chuyện vứt bỏ những chiếc áo thun quá cỡ và những chiếc quần lót rộng thùng thình cổ lỗ. Mấy quý bà xà phòng này dạy cho các bà biết cách bắt chéo chân và làm đỏm trước mặt chồng. Ngoài ra còn một thay đổi điển hình: Thay vì khi chồng về nhà, họ thường lui cui trong bếp và hét lớn ra để chào thì bây giờ họ được học cách đi ra cửa và ôm chầm lấy chồng (còn có thể khuyến khích các ông bóp mông mình nữa, Okano cho biết).

“Các chuyên gia này không dạy họ những kĩ thuật làm tình mà là dạy cách thức để khơi gợi chuyện tình dục.” Đến với Okano, khóa đào tạo trong 3 tháng (tốn khoảng 2.500 đô-la) dành cho những trường hợp thông thường, còn khóa 6 tháng (tốn khoảng 4.200 đô-la) là dành cho các bà vợ “không xinh đẹp”. Cô cung cấp các cuộc tư vấn qua điện thoại mỗi tuần. Khi bà vợ đau khổ gọi than vãn với cô rằng chồng mình đã đi gặp nhân tình thì Okano luôn khuyên rằng “Hãy bình tĩnh nào. Cô sẽ trả thù sau, bây giờ hãy cười lên. Đừng tỏ vẻ tức giận với ông ấy vì như vậy chỉ làm cho ông ấy ghét cô hơn mà thôi.” Trong quá trình này, chồng và vợ không tranh luận gì về chuyện ngoại tình.

Mua đồ lót quyến rũ mới không có tác dụng nếu người chồng đã vướng vào tình cảm sâu đậm với nhân tình. Trong trường hợp này, theo Okano, thì người vợ phải tiêu diệt tình địch. Okano lựa chọn vũ khí đánh vào sự xấu hổ. Cô huấn luyện cho người vợ cách lôi kéo ông chủ của chồng về phía mình bằng một cuộc hẹn kín đáo để bàn với ông ta về “chuyện kinh doanh”. Và quan trọng là phải mang theo những món quà đắt tiền. (“Người Nhật rất dễ xiêu lòng khi nhận được quà cáp,” Okano bảo). Khi báo cho ông chủ biết về chuyện chồng mình có nhân tình, người vợ không chỉ nhấn mạnh về sự suy đồi đạo đức của ngoại tình mà còn đề cập đến chuyện chồng mình chối bỏ trách nhiệm với gia đình ra sao. Nếu ông chủ biết thông cảm hoặc không muốn chuyện trở nên phức tạp hơn, ông ta sẽ làm áp lực bắt người chồng từ bỏ nhân tình.

Nếu cách này không thành công, Okano sẽ tiến lên thêm một bước nữa. Cô ta sẽ gửi thư nặc danh đến bố mẹ của cô nhân tình vạch trần chuyện con gái họ ngủ với chồng người khác. Đợi một thời gian cho họ tiêu hóa bức thư, Okano sau đó dựng lên một cảnh phục kích. Cô, người vợ và một số phụ tá rình bên ngoài nhà họ, thường là mất nhiều giờ chờ đợi họ trở về nhà. Sau đó cả nhóm sẽ tiếp cận họ và giải thích mục đích rồi xin phép vào nhà trò chuyện. Thường cả nhóm sẽ trình bày lại mọi thứ trong phòng khách, xen vào đó người vợ sẽ van nài khẩn khoản con gái họ trả lại hạnh phúc cho hôn nhân và con cái của mình. Sau chuyện này, các bậc cha mẹ hầu hết sẽ nói chuyện với con gái mình buộc cô ta chấm dứt mối quan hệ sai trái ấy.

***

ĐIỂM ĐẾN CUỐI CÙNG của tôi trên con đường hôn nhân vô dục này lại tạo cảm giác như điểm xuất phát: một buổi tiệc mai mối của Nhật. Đây là một trong những sự kiện xã hội kỳ cục nhất mà tôi từng tham dự. Có 80 người, số lượng đàn ông và phụ nữ gần bằng nhau lượn lờ trong phòng khiêu vũ lớn. Phụ nữ diện những trang phục mùa hè mát mẻ nhất, còn đàn ông thì đóng bộ cứng nhắc. Trên đầu họ là chiếc băng-rôn đề chữ TIỆC HÈ ĐẶC BIỆT. Họ phải trả khoảng 63 đô-la để được tham dự và hầu hết khi bước vào thì ai cũng tỏ vẻ hối hận. Người dẫn chương trình vui vẻ bảo họ hãy hòa vào nhau để làm quen, nhưng rốt cuộc họ đều chỉ đứng xếp hàng đợi lấy bia.

Thật chẳng thể nào tưởng tượng được những con người này sẽ tạo được cho người khác cảm giác muốn làm tình với mình. Họ rất hiếm khi dám nhìn thẳng vào mặt nhau. Người tổ chức chương trình đoán rằng ít nhất có một cặp sẽ dẫn đến hôn nhân từ buổi tiệc này nhưng sau đó phải rút lại lời nói.

Tôi cũng tiếp cận vài người, một phần là để phỏng vấn họ và một phần cũng vì họ có vẻ quá tuyệt vọng. Fumiko, 38 tuổi, gầy gò, tóc đen và hàm răng thưa. Cô hiện là thư ký trong một bệnh viện nhưng đang muốn nghỉ việc và kết hôn. Tôi hỏi cô trông đợi điều gì ở chồng, nhưng câu trả lời không nằm trong dự đoán của tôi là “có tính hài hước” hay “có vé dài hạn đi xem đội bóng chày Yomiuri Giants” mà là “một người mình có thể dựa dẫm.”

Cô hỏi: “Có thật rằng người Mỹ yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên không?” Sau đó cô liền chồm tới thì thầm vào tai tôi, “Cô có tìm bạn trai trên mạng bao giờ chưa?”

Tiếp đó tôi bước qua làm quen với Sato, 36 tuổi, vì trông gương mặt anh ta cũng dễ thương và là một trong số ít những người không thắt cà-vạt. Sato giải thích rằng anh thường dành hết thời gian cho cửa hàng điện tử của mình nên hiếm có dịp gặp gỡ phụ nữ. Yêu cầu về người vợ của anh ta cũng khá dễ dãi: một người vợ “không hay ngại ngùng”. Nhưng trong đám đông này yêu cầu đó lại có vẻ trở nên quá xa xỉ.

Để tiếp tục câu chuyện, tôi bắt chuyện với Junko, 33 tuổi, làm trong thư viện và đang vận trên mình chiếc váy hoa. Cô đang đứng một mình ngoài đám đông, nhưng cũng không cách xa chúng tôi lắm và có vẻ đang rất thư giãn. Thực tế thì cô vừa từ chối một anh chàng mời cô uống bia vì anh ta trông có vẻ yếu đuối. Cô bảo: “Đàn ông Nhật không đủ nhiệt tình”. Bản thân cô cũng gặp khó trong việc tìm được bạn tình tiềm năng vì đồng nghiệp của cô chỉ có hai ngườinam và đều đáng tuổi cha cô. Còn ở đây mặc dù có hàng tá đối tượng nhưng Junko chỉ nhìn quanh rầu rĩ: “Hôm nay tôi đến xem nhưng chưa chọn được ai. Họ cũng không đến nỗi xấu nhưng tôi muốn tìm thấy điều gì đó hơn nữa.” Tôi động viên cô hãy lạc quan lên, chọn lấy một người rồi kết hôn, nhiều khi anh ta chỉ ở gần đây thôi.

***

TÔI HẦU NHƯ CHẲNG tìm thấy những yếu tố thiếu tình dục trong “những mối hôn nhân vô dục” này. Có thể người Nhật làm tình ít hơn so với tất cả dân chúng ở các nước còn lại trong quyển sách này. Họ không thường làm tình trong hôn nhân, đàn ông cũng ít làm chuyện này trong các câu lạc bộ tình dục, và ngay cả chuyện ngoại tình cũng có vẻ trong sáng vì họ thường nhớ nhung đến nhau nhiều hơn là chuyện xác thịt.

Tôi ngờ rằng đàn ông Nhật thiếu thốn tình dục và dĩ nhiên là các bà cũng vậy. Phụ nữ không quan tâm lắm đến chuyện chung thủy nhưng cũng giống như bao Eva khác trên thế giới, họ cũng muốn có mối hôn nhân lãng mạn và thỏa mãn về tình dục. Và chính vì đàn ông Nhật hầu hết không có cùng quan niệm này, ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật chọn sống độc thân.

Nhưng thật khó để đổ lỗi cho những salarymen tội nghiệp đó. Một khi tình dục bị lôi vào vương quốc của sự tiêu khiển và sự tưởng tượng thì làm sao các phụ nữ trong đời thường – với hơi thở hôi vào buổi sáng và tính khí thất thường – so kè được. Hãy tưởng tượng cùng đồng nghiệp sau giờ làm việc đi ăn sushi bày trên thân thể lõa lồ của một cô gái trẻ thay vì về nhà ăn món gà hâm lại với vợ thì đương nhiên sẽ chọn sushi. Nhưng ngày nay ở Nhật, các bà vợ sẽ chọn cách hâm nóng những miếng gà cuối cùng để ăn rồi ly dị.

Có một đất nước hoàn toàn khác, nơi đàn ông cũng hay tán tỉnh với phụ nữ để tiêu khiển và thư giãn. Nhưng ở Nam Phi, người ta phải trả một cái giá đắt hơn nhiều so với những câu lạc bộ tình dục đắt đỏ nhất ở Nhật: chính là bệnh AIDS và kết cục luôn là cái chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.