Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG X Cuộc cách mạng tình dục



Người Nam Phi thà chết còn hơn là phải sống theo chế độ một vợ một chồng. Còn rất nhiều những tín đồ của đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái thì thà nhận lấy sự trừng phạt của Thượng Đế còn hơn là phải sống với một bạn đời. Nói tóm lại, chẳng có cái chết hay nỗi sợ thánh thần nào đủ làm cho người ta thay đổi văn hóa tình dục cả.

Vậy còn sự ảnh hưởng của tiền bạc thì sao? Điều gì sẽ xảy ra khi trong một thời gian ngắn, trong không gian của đời sống tình dục của con người, một đất nước nghèo đói và cô lập lại có được thị trường kinh tế bùng nổ? Con người có thay đổi văn hóa tình dục của mình hay không? Và nếu có thì họ sẽ biện minh cho bản thân mình thế nào? Và những người vẫn giữ tư tưởng phong kiến thì sẽ ra sao?

Những câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi khi xe vừa băng qua đường biên La Hồ nằm giữa Hong Kong và Trung Quốc, lúc này là 8 giờ tối thứ 4. Bao quanh tôi là một đám đàn ông đang chờ đểvào Thẩm Quyến – thủ phủ của Trung Quốc nằm bên kia biên giới. Rất nhiều dân Hong Kong làm việc ở Thẩm Quyến nhưng đa phần đàn ông tối nay đến đây để ăn chơi. Họ thay đồng phục và mặc quần soóc, mang săng-đan, và rất nhiều người đi cùng bạn bè. Cứ cách 5 phút là có một chuyến xe lửa chở đầy ắp đàn ông vào nội địa.

Các vị thư ký, những người thợ sửa ống nước và cả mấy bác tài xế xe buýt đều không ngần ngại cái nóng hay xếp hàng – chưa kể đến cơn tam bành của vợ nhà và đôi khi còn có sự trừng trị của luật pháp – để hướng về hòn đảo Thẩm Quyến đầy gái trẻ đẹp mời gọi. Ở đó có đủ phụ nữ sẵn sàng thỏa mãn cho các ông, nhiều khi còn có những điều các ông chẳng bao giờ tưởng tượng tới được.

Thẩm Quyến là thiên đường ngoại tình. Bất cứ ai muốn tìm nguồn vui trong một đêm đều có thể chọn lựa trong hằng hà sa số gái gọi ở đây. Nhưng ngoài ra, thành phố này có lắm nơi mà truyền thông nội địa gọi là “các làng vợ lẽ”. Ở đây có những vùng chứa toàn những phụ nữ được “các ông chồng” Hong Kong chu cấp, hằng ngày chỉ ngồi chơi mạt chược, ôm ấp chó cưng và tung tẩy “những chiếc túi Louis Vuitton thứ thiệt” (Thẩm Quyến còn là nơi nổi tiếng về hàng nhái). Một phụ nữ Hong Kong, cũng từng là nhân tình, với giọng ghen tức bảo tôi rằng đa số các vợ lẽ ở Thẩm Quyến – còn gọi là yi lai – đều có thân hình đáy thắt lưng ong cả. Nghe đồn những đứa trẻ ngoài giá thú giữa đàn ông Hong Kong và phụ nữ Thẩm Quyến lên đến con số nửa triệu.

Nhằm cảnh tỉnh các ông, một nhà lập pháp đã đưa ra đề nghị dán đầy các tấm pa-nô ở phía Hong Kong ghi rằng CÁC CON ĐANG ĐỢI ÔNG Ở NHÀ. Nhưng cho dù các ông có nghĩ lại thì cũng không thể tức thì quay đầu lại được. Martin, 41 tuổi, làm nghề chạy việc vặt ở Hong Kong, đã có vợ nhưng thường ở với yi lai đến 4 hay 5 đêm một tuần, cho biết: “Phụ nữ Thẩm Quyến trẻ, đẹp và lại ít tốn kém hơn phụ nữ Hong Kong rất nhiều. Và ít tốn kém là nguyên do chính.” (Giống như những người Hoa ở Hong Kong, Martin có cả tên tiếng Hoa và tên tiếng Anh.)

Hiện tượng vợ hai bùng nổ ở Thẩm Quyến không phải là ngẫu nhiên. Vào đầu những năm 1980, Thẩm Quyến trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc mở cửa cho nước ngoài đầu tư. Từ một làng chài có dân số bản địa là 30.000, sau khi các công ty nước ngoài bắt đầu xây xưởng và người dân từ những vùng nghèo khó đổ về tìm việc thì dân số đột ngột tăng cao. Đến năm 2005 nơi đây đã trở thành nhà của 4,5 triệu người, hầu hết là dân tứ xứ. Những người nhập cư, đặc biệt là các cô gái đẹp, sớm nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền ở các quán karaoke và mát-xa nhiều hơn rất nhiều so với việc ngồi lắp ráp linh kiện máy tính. Nhưng trước khi họ kịp nhận ra điều đó thì những mạnh thường quân từ Hong Kong và nội địa Trung Quốc đã kịp đưa họ vào sống trong những căn hộ và lo cho họ cái ăn cái mặc.

***

PHẢI HIỂU ĐƯỢC HOÀN CẢNH TRONG QUÁ KHỨ mới cảm thông cho sự thay da đổi thịt thành mảnh đất tình dục của Thẩm Quyến như ngày nay. Vào những năm tháng cuối cùng của thời phong kiến, kéo dài đến đầu thế kỷ 20, đàn ông chỉ được lấy một vợ nhưng không cần chung thủy, họ có quyền nuôi vợ bé hoặc đi kiếm gái tùy thích. Còn người vợ thì chỉ được quan hệ với một người duy nhất trong đời, đó là chồng mình. Theo lời của nhà sử học Lisa Tran thì người chồng có thể trừng phạt hay thậm chí giết vợ nếu phát hiện cô ta ngoại tình.

Mọi việc chỉ được thay đổi từ đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc có chính phủ đại nghị và họ tuyên bố đem lại quyền bình đẳng nam nữ. Trong cùng thời điểm, xã hội đã thay đổi cái nhìn và cho rằng đàn ông cũng phải chung thủy. Những nhà lập pháp và quần chúng tranh luận về vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Mặc dù có những lý lẽ hợp pháp (vợ lẽ thì không phải là vợ hay sao?), nhưng đàn ông vẫn phải từ bỏ những đặc quyền khác của mình.

Khi đảng viên đảng Cộng Sản Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949 ông quyết định liệt chuyện nuôi vợ lẽ là vi phạm chế độ một vợ một chồng và đó là phạm pháp. (Nhưng ở Hong Kong thì vợ lẽ vẫn được cho phép vì vẫn là thuộc địa của Anh đến năm 1997). Chuyện mại dâm cũng bị bài trừ. Mao phê phán chuyện quan hệ bừa bãi là hành động “tư sản” và chỉ dành cho những loại đàn ông giàu có tự nuông chiều dục vọng ích kỷ của mình. Ông muốn xây dựng lại mọi thứ từ đầu và mọi người cùng xuất phát từ một giai cấp bằng nhau.

Mao còn quan tâm đến cả chuyện ngoại tình tư tưởng chứ không riêng về chuyện vụng trộm xác thịt. Những người chuyên quyền như ông ta thường cho rằng một khi nắm bắt được đời sống tình dục cá nhân thì sẽ thống trị được mọi thứ trong tay. Và ngoại tình – một loại tình dục bí ẩn nhất – chính là tử huyệt. Trong thời Liên minh Xô-viết, quan hệ ngoài hôn nhân đôi khi mở ra một lối thoát. Trong cuốn 1984 của George Orwell, viết về một chế độ chuyên chế giả tưởng ở London, các nhân vật chính cố gắng “thoát khỏi” đảng bằng cách ngoại tình (nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng mình đã bị chính phủ theo dõi từ những ngày đầu.)

Còn Trung Quốc ở thời Mao Trạch Đông thì ngoại tình không hẳn là tội danh nghiêm trọng mà là một hành động ngu ngốc khờ dại. Các ủy ban – thường được điều hành bởi các phụ nữ có đôi mắt cú vọ – luôn theo dõi sát sao từng tòa nhà nhằm phát hiện ra những ai có “cách sống không lành mạnh” và báo lại với tổ chức chính phủ. Lãnh đạo các nhóm công nhân có thể giáng chức hoặc thậm chí đuổi việc những người nào bị tình nghi là ngoại tình; ngoài ra, họ còn có thể bị bêu xấu và phải “tự kiểm điểm”. Những phụ nữ phạm tội vụng trộm, còn bị gọi là “giày hỏng”, sẽ bị đưa ra lăng mạ. Vì ngoại tình có hậu quả như vậy nên với nhiều người phải đi làm xa, mỗi năm chỉ được về nhà một tháng, thì thường phải cố gắng chịu đựng “ngủ chay”.

Cũng như nước Nga thời Liên Xô cũ, tìm được một chỗ để vụng trộm cũng là vấn đề lớn. Cuối năm 1988, nhà xã hội học Zha Bo và Geng Wenxiu cho rằng trong khi Anh Cả không còn săm soi vào đời tư của người khác thì: “Các khu nhà đông đúc không lý tưởng cho những người muốn ngoại tình vì sẽ luôn bị bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm dòm ngó.” Theo một khảo sát dân cư thành thị thì có khoảng 80% đàn ông và 87% phụ nữ vụng trộm bị phát hiện.

Tình yêu lãng mạn cũng là một nạn nhân khác ở Trung Hoa. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa kéo dài từ 1966 đến khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1967, những cư dân trẻ tuổi trong thành phố bị lôi ra khỏi nhà và bị bắt đi làm nông dân trong nhiều năm. Một trong những trại cải tạo lao động lớn nhất ở ngoại ô còn kiên quyết cấm “hút thuốc lá và yêu đương”. Zha và Geng giải thích rằng một số người lúc ấy chấp nhận kết hôn chỉ để được quay về thành thị, vì vậy hôn nhân của họ dựa trên “chính trị, kinh tế và hoàn cảnh gia đình” hơn là vì tình yêu. Ngoài ra, các cặp vợ chồng phải được sự chấp nhận của các vị chủ tịch đảng.

Emily Honig đã viết trong cuốn Tình dục trong chủ nghĩa xã hội rằng: “Thảo luận về đời sống cá nhân, quan hệ yêu đương hoặc tình dục bị coi là hành động của giai cấp tư sản, vì vậy đều bị cấm đoán.” Bà còn thuật lại tuổi trẻ “bị cầm tù” của thời ấy vì “tất cả sách văn học lãng mạn đều bị liệt vào văn hóa đồi trụy, các bản tình ca bị dán mác thấp hèn. Những cặp yêu đương bị xem là lưu manh.” Một chỉ thị được đưa ra nhằm cấm người dân Trung Hoa kể những chuyện cười tục tĩu. Người ta chỉ có thể bí mật chuyền tay nhau những bản viết tay của các tiểu thuyết tình cảm; và một trong những tác giả từng bị bắt bỏ tù vào năm 1975 vì tội truyền bá “tình yêu tư sản,” Honig cho biết.

Chính phủ còn kiểm duyệt khắt khe để thanh lọc mọi tình tiết liên quan đến tình dục trong các vở kịch được công diễn trên sân khấu trong thời đó. Theo Honig, khi các diễn viên nam và nữ xuất hiện cùng nhau trên sân khấu: “họ chỉ trò chuyện về công việc, cuộc cách mạng, đấu tranh giai cấp và gọi nhau là ‘đồng chí’”. Nhiều người không hề biết rằng chính Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông là người tiếp tay cho việc khởi xướng cuộc Cách Mạng Văn Hóa này.

Nhưng Mao Trạch Đông không hề tự tuân theo các điều cấm này. Vào năm 1994, Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng từng theo ông nhiều năm dài, đã viết một cuốn sách phơi bày những sự thật của ông, trong đó cho biết các tay chân thân tín của Mao Trạch Đông thường đi săn các cô gái “trẻ trung, quyến rũ và biết thận trọng về chính trị” để thỏa mãn nhu cầu tình dục của ông. Lý tiết lộ rằng Mao Trạch Đông rất thích gái trinh và tự ví mình như các Hoàng đế Trung Hoa ngày xưa được quyền có nhiều cung tần mỹ nữ. Ngày ấy, sau bữa ăn tối tại một biệt thự ngoại ô thì Mao Trạch Đông đã ở đó với nhân tình hiện tại cùng chị của cô ta suốt 3 ngày, và chỉ rời khỏi đó để đi họp với thị trưởng của Thượng Hải.

“Dân chúng thường gọi cuộc Cách Mạng Văn Hóa này là chủ nghĩa khổ hạnh. Nhưng chính quyền càng bắt dân chúng sống khổ hạnh và đưa ra những lời đạo đức bao nhiêu thì Chủ tịch của họ lại càng lún sâu vào chủ nghĩa khoái lạc bấy nhiêu,” vị bác sĩ từng viết. “Ông ta luôn lao mình vào hàng tá các cô gái trẻ. Trong thời điểm hà khắc nhất của cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì ông ta lại lên giường cùng 3, 4 hay thậm chí 5 cô một lúc.” Dấu hiệu nhận biết các phụ nữ này chính là căn bệnh giang mai mà Mao Trạch Đông lây nhiễm cho họ.

Khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, ông ta để lại một nền kinh tế tập trung. Những nhà cải cách trong đảng lên nắm quyền, nhưng họ phải bỏ đi một số cơ chế từng được áp dụng nhằm kiểm soát đời tư của người dân để mở rộng nền kinh tế của Trung Quốc. Và nhiều yếu tố khác dần dần bị đào thải: Các bà già mắt cú vọ đã biến mất khi các khu nhà được xây cất lên thành các cao ốc tráng lệ. Các tổ chức đoàn thể chính phủ trở nên không cần thiết đối với những người trẻ tuổi giàu có.

Khi có nhiều không gian cá nhân, nhiều tiền bạc hơn thì cơ hội ngoại tình cũng bùng phát. Các yi lai chỉ là một trong vô số hình thức ngoại tình. Tầng lớp điều hành bậc trung và chuyên gia Trung Quốc mới xuất hiện không màng động chạm tới các nông dân bần hàn kém học thức, họ bắt đầu qua lại với người cùng địa vị trong các công ty, và các sàn khiêu vũ mọc khắp nơi ở những thành phố lớn như Thượng Hải. Nhà hàng và khách sạn – những nơi không thể thiếu của chuyện ngoại tình – bất ngờ nằm trong tầm tay của người dân, và từ đây họ có thừa không gian riêng tư và thời gian thoải mái để “tìm hướng đi mới.” Còn đối với những người quá ngại ngùng không dám làm quen trực diện hoặc e ngại các dính vào chuyện tình công sở thì Internet chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất mà Chúa ban tặng.

Mặc dù những kẻ ngoại tình ở Trung Quốc thường đổ lỗi cho quá khứ đã ảnh hưởng đến họ nhưng rõ ràng rất nhiều thứ xuất phát từ thói quen tân thời. Đầu tiên là các thuật ngữ. “Tình một đêm” ở Trung Quốc thường ám chỉ mối quan hệ chóng vánh giữa những người lao động trí óc gặp nhau ở các quán bar kiểu Tây hoặc sàn nhảy. “Tình yêu mạng” và “Nhân tình trên mạng” có thể chỉ là gặp nhau qua môi trường ảo trên mạng. “Cảm giác thứ 4” bao gồm cả ba thứ cảm giác thông thường là tình bạn, tình yêu và tình dục, và thường xảy ra giữa đồng nghiệp chung công ty. Ngoài ra còn có một thuật ngữ dành riêng cho những người cố tình phá hoại hạnh phúc gia đình của nhân tình.

Nền kinh tế phát triển không những cho phép người ta vụng trộm mà còn sản sinh ra cả một nền công nghiệp ngoại tình. Nó hoàn toàn trái ngược với phiên bản của Mỹ và cổ vũ cho chuyện lăng nhăng. Những dịch vụ mai mối thường giới thiệu các doanh nhân nam đến công tác với phụ nữ địa phương. Các nhà tình dục học và những “chuyên gia” mới phát biểu về đạo lý của quan hệ ngoài hôn nhân trên các buổi tọa đàm quốc gia. Những phim truyền hình dài tập cải biên chuyện ngoại tình và đưa ra những kịch bản đạo đức mới. Nhiều thám tử tư qua các văn phòng môi giới như Grand Shanghai Investigation luôn theo dõi từng bước chân của các đối tượng bị tình nghi vụng trộm. (Một thám tử nổi tiếng còn được biết đến với biệt danh “Sát thủ hồ ly”). Rất nhiều công ty môi giới dạng này trở nên thành công đến mức có thể nhượng quyền thương hiệu và mở chi nhánh.

Trung Quốc còn xuất khẩu ngoại tình. Một số đại gia thường gửi nhân tình đi du học ở Úc thay vì ruồng bỏ họ. Báo chí Đài Loan xác nhận quan hệ ngoài hôn nhân là một kiểu “bệnh dịch”, một phần vì có quá nhiều thương gia bản địa nuôi vợ bé từ lục địa ở các thành phố mà họ thường đi công tác. Cuốn sách Chồng tôi là một thương gia Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc đại lục , nhằm chỉ cách cho các bà hạn chế chồng mình quan hệ bừa bãi khi các ông đi công tác xa, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất (mặc dù chính tác giả cũng bị chồng bỏ rơi theo vợ bé). Các bác sĩ Đài Loan công bố tỷ lệ làm phẫu thuật thắt ống dẫn tinh tăng đột biến, có lẽ vì yêu cầu của các bà vợ muốn hạn chế hậu quả chơi bời của chồng mình.

***

TIỀN BẠC ĐÃ SINH RA các cơ hội ngoại tình mới ở Trung Quốc. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả cho đồng tiền vì thật ra chính con người đã lợi dụng những cơ hội này. Để có thể làm vậy, xã hội Trung Quốc phải chấp nhận một số lý do biện hộ mới về việc vụng trộm với ai hay lúc nào là có thể thông cảm được. Người ta dùng những lý do này để biện minh cho chuyện ngoại tình của mình với các đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí để trấn an bản thân.

Một trong những lý do mới là tình yêu – hay nói rõ hơn là vụng trộm trên danh nghĩa tình yêu thì không đến nỗi nào, và lời bào chữa này khá giống với người phương Tây. Dĩ nhiên người Trung Quốc đã biết yêu từ hàng ngàn năm nay. Nhưng theo nhà xã hội học James Ferrer tìm hiểu thì đến cuối thế kỉ 20, người ta mới dám nghiêm túc nghĩ đến “tình cảm yêu đương”. Vào đầu những năm 80, các tạp chí danh tiếng đăng các bài tranh luận về chuyện con người nên ly hôn để chung sống với nhân tình hay cố gắng duy gì mối hôn nhân không tình yêu. Vấn đề này không bao giờ có thể được nghĩ tới trong vài năm trước đó.

Những người thành thị trí thức đặc biệt tin vào những logic tình yêu mới. Trong một khảo sát vào năm 1990 của Zha và Geng, có 84% đàn ông và 92% phụ nữ cho rằng vợ chồng phải chung thủy về cả thể xác. Nhưng khi được hỏi rằng liệu họ có tha thứ cho kẻ ngoại tình “vì tình yêu” hay không thì có 40% đàn ông và 28% phụ nữ có bằng đại học bảo rằng sẽ chấp nhận bao dung. (Trong khi đó những người ít học thức hơn sẽ khó có thể bỏ qua chuyện này hơn.)

Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy nạn ngoại tình đang bùng nổ hơn ở Trung Quốc vì không có khảo sát tình dục đàng hoàng nào được thực hiện dưới thời Mao Trạch Đông để đem ra so sánh. Nhưng một cuộc khảo sát toàn quốc vào năm 2000, mang tên Khảo sát sức khỏe và cuộc sống gia đình Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ đàn ông thành thị giàu có nhất nước lăng nhăng hơn hẳn đàn ông trong cả nước. Khoảng 18,3% đàn ông thành thị và 3,2% phụ nữ thành thị đã ngoại tình trong năm ngoái, còn con số này ở đàn ông cả nước là 10,5% (và không có tỷ lệ cho phụ nữ cả nước). Khoảng 40% người dân muốn ly hôn ở Thượng Hải vào năm 2000 cho biết họ muốn chia tay vì đã ngoại tình. Thủ tục ly dị trước đây rất rườm rà thì ngày nay chỉ mất 10 phút và chi phí còn rẻ hơn một ly cà phê đá xay.

Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc cũng khơi gợi lên ham muốn tình dục của người anh em Hong Kong. Người Hong Kong không trải qua dưới chế độ Cộng Sản vì họ là thuộc địa của Anh đến năm 1997 mới trở về với Trung Quốc. Nhưng chính vì những nguồn đầu tư mới ồ ạt từ Trung Quốc cuốn theo những yi lai đến biên giới Hong Kong làm đàn ông ở đây cũng bị đắm chìm vào cơn lũ tình ái. Martin, một người chạy việc vặt ở Hong Kong 41 tuổi, bô lô ba la với tôi về chuyện nuôi yi lai rẻ thế nào và còn nhấn mạnh rằng anh ta và người tình đã gặp nhau khi cô ấy mới 18 tuổi và lập tức đã yêu nhau thắm thiết. Anh ta kể lại lần gặp đầu tiên của họ trong tiệm mát-xa cứ như một buổi hẹn hò thật sự. Anh bảo: “Tôi biết rằng cô ấy cũng muốn chung sống với tôi,” và đó là lý do họ dọn vào ở chung trong một căn hộ.

Một tình yêu “không vụ lợi” sẽ càng được trân trọng hơn trong cái thời buổi mà đồng tiền quyết định tất cả này. Martin tự hào khẳng định lại nhiều lần rằng yi lai của anh chẳng bao giờ đòi hỏi tiền bạc như bà vợ ở nhà. Martin cho biết anh đến với nhân tình rất khiêm tốn ngay từ đầu nên họ có chung “văn hóa”. “Cô ấy nấu cho tôi bữa tối và phục vụ tôi như một vị vua. Sáng thức dậy đã thấy có sẵn tách trà và quần áo được chuẩn bị sẵn sàng. Còn các bà vợ Hong Kong thì đừng hòng có chuyện này.”

Martin xem yi lai của mình như vợ lẽ. Anh quốc thôn tính Hong Kong vào năm 1842 nhưng đến 1971 mới nghiêm cấm chuyện lấy vợ lẽ (chuyện này là hợp pháp từ thời nhà Thanh). Thời xưa vợ lẽ hay tì thiếp thường dành cho các danh môn vọng tộc nhưng giờ đây ngay đến những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động như Martin cũng có thể lập phòng nhì song song với gia đình chính thức.

Nhưng yi lai của Martin lại thích xem mình là vợ chính thức hơn. Martin cho biết chỉ có truyền thông và phụ nữ Hong Kong mới dùng từ yi lai . Cô bảo bạn bè rằng Martin vẫn còn độc thân và yêu cầu anh xưng hô với cô là “vợ, chồng” mặc dù chỉ biết ngồi lặng im mỗi khi Martin nói chuyện điện thoại với vợ chính thức. (Thường anh ta bảo với vợ rằng mình đang làm ca đêm). “Nếu tôi gọi cô ấy là yi lai thì cô ấy sẽ nghĩ rằng mình đang bị sỉ nhục. Cô ấy chấp nhận sự thật tôi đã có vợ ở Hong Kong nhưng khi đến Trung Quốc thì hãy đối xử với cô ấy như một người vợ đàng hoàng.”

Khi Martin đến Thẩm Quyến thì cô nàng bám dính lấy anh không cho các cô gái khác có cơ hội. (Giống như những ông chồng thật sự, anh thường đi cùng bạn đến trước giờ hẹn vài tiếng để “giải trí”). Martin khoe khoang rằng anh ta còn cho cô ấy biết cả tên thật của mình, không giống như những người đàn ông khác thường lấy tên giả để có thể tự do biến mất khi mất việc hoặc khi muốn tìm các cô khác trẻ đẹp hơn. Sau bốn năm rưỡi bên nhau, Martin và yi lai của anh đã có một kết thúc lãng mạn: Rốt cuộc cô có đi cưới chồng thì sẽ vẫn “qua lại” với anh.

Nói yi lai chấp nhận theo mình vì tình yêu chân thật chẳng khác nào xem con ở là người nhà. Thử không trả lương xem nó sẽ ở lại làm việc được bao lâu. Farrer và đồng nghiên cứu Sun Zhongxin đã phỏng vấn người Thượng Hải về chuyện ngoại tình thì thấy rằng người ta rất thích dùng “tình yêu” để che đậy cho chủ đích thật sự. Khi phép màu tình yêu tan biến bộ mặt thật của vụ lợi sẽ hiện rõ ra ngay. Sau khi Mimi, 31 tuổi, phát hiện ra nhân tình của mình không có ý định ly dị vợ thì cô ta bắt đầu đòi hỏi tiền bạc. Và cô ngày càng làm to chuyện hơn. Khi vợ của ông ta gọi đến văn phòng làm việc của họ thì Mimi nghe máy. Lúc bà ta bảo: “Tôi là bà Li ở Đài Bắc,” Mimi đáp lại ngay rằng: “Còn tôi là bà Li ở Thượng Hải.”

Những lý do biện hộ sẽ thay đổi tùy theo trường hợp. Khi người vợ đặt vấn đề thì người chồng thường bào chữa cho mình bằng một lý do cố hữu là: người đàn ông đi làm kiếm tiền nuôi gia đình không cần phải chung thủy. “Tất cả đàn ông nuôi vợ bé đều bảo rằng họ là những người chồng, người cha có trách nhiệm. Họ sẽ biện bạch rằng ‘Tôi phải mang tiền về nhà,’” nhà nhân loại học Siumi Maria Tam thuộc Đại học Trung Hoa ở Hong Kong bảo tôi. “Tiền bạc là yếu tố quyết định cho một người chồng tốt chứ tình cảm thì không có sức ảnh hưởng mấy… Cách dễ nhất để tỏ ra mình có trách nhiệm là đem tiền về nhà và biếu tiền cha mẹ.”

Cách mạng tình dục ở Trung Quốc rất dễ lây lan. Tôi luôn được nghe chuyện đàn ông phương Tây sau khi đến làm việc ở đây vài tháng thì đã thấy rằng họ không phải dạng người có thể sống một vợ một chồng. Xu hướng chung (áp lực từ những người cùng giai cấp) định hình cho một nền văn hóa tình dục. Khi mọi người xung quanh cho rằng ngoại tình là chuyện bình thường và bạn có quyền cho phép bản thân làm vậy và chẳng có hại gì thì bạn bắt đầu cảm thấy đó là ý kiến hay. Không phải Martin nuôi yi lai vì anh ta có khả năng mà vì bạn bè anh ta cũng làm vậy. Ở Thẩm Quyến, họ thường tổ chức gặp mặt theo nhóm với các mạnh thường quân Hong Kong khác và mang các yi lai đi cùng.

Những cuộc ngoại tình xen lẫn giữa tình yêu và nhiều tiền bạc được ca ngợi trong thời Trung Quốc hiện đại. Một trong những nhân vật truyền thuyết này là Wendi Deng. Sau nhiều mối tình, cuối cùng cô cũng tóm được ông chồng hời nhất: tỷ phú Rupert Murdoch. Con đường dẫn đến hôn nhân của cô chẳng khác nào một kim chỉ nam cho các cô gái Trung Quốc đầy tham vọng. Theo tờ Wall Street Journal, Deng là con của một giám đốc nhà máy, lúc cô 16 tuổi và đang học Đại học Y ở Quảng Châu thì gặp một phụ nữ Mỹ tên Joyce Cherry và được cô này dạy cho tiếng Anh. Chồng của Joyce tên Jake và làm nghề tư vấn lắp ráp kho lạnh cho một nhà máy Trung Quốc. Hai vợ chồng này mến Deng đến nỗi khi cô tỏ ý muốn đi học ở Mỹ thì họ liền tài trợ cho cô visa và giúp cô nộp đơn vào một trường đại học gần nhà họ. Họ thậm chí còn giúp đỡ cho đến khi cô tự lo được mọi việc. (Lúc đó cả hai vợ chồng nhà Cherry cùng quay về California.)

Ngay sau đó, bà Cherry phát hiện những tấm hình gợi cảm mà Jake chụp Deng trong một khách sạn ở Trung Quốc. Hai năm sau thì họ ly hôn và Jake cưới Deng. Theo tờ Journal , mối hôn nhân này chỉ kéo dài hơn thời gian Deng lấy quốc tịch Mỹ một chút. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Deng vào trường kinh tế của Yale, sau đó thực tập và được vào làm chính thức trong một công ty cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh khu vực châu Á của Murdoch mang tên Star TV. Tờ Journal cho biết, chỉ khoảng 9 tháng sau lần đầu tiên Deng xuất hiện trước công chúng dưới vai trò thông dịch viên tiếng Hoa của Murdoch ông đã thông báo với toàn bộ ban lãnh đạo rằng quan hệ giữa họ là “nghiêm túc”. Một năm sau thì Murch ly dị vợ và kết hôn với Deng.

Những câu chuyện kiểu này là kim chỉ nam cho một số tầng lớp phụ nữ Trung Quốc. Tam thuộc Đại học Trung Hoa ở Hong Kong phát biểu: “Hãy hỏi bất kì một phụ nữ học thức kém rằng ‘Mục tiêu của đời cô là gì?’ họ sẽ trả lời ngay rằng ‘Thì cưới chồng giàu chứ là gì nữa.’”

***

KHÔNG PHẢI AI cũng đồng tình với nền văn hóa tình dục mới của Trung Quốc. Nhiều quan chức chính phủ vẫn muốn lập lại nền văn hóa tình dục như những năm 70. Viễn cảnh hàng triệu cử tri của mình lăn lộn trên giường cùng với nhân tình không tuân theo luật lệ làm cho chính quyền Bắc Kinh lo lắng. Nếu đối với người dân trung lưu Trung Quốc, ngoại tình chỉ là biểu tượng cho tự do và thể hiện bản thân thì mặt khác đối với chính quyền đó chính là sự đánh mất quyền lực.

Khi một công chức khẳng định rằng ngoại tình sẽ phá hoại giá trị gia đình và làm tăng tỷ lệ giết người thì sự lo lắng của Bắc Kinh bắt đầu sôi sục. Ngoại tình là con ma thế thân hợp lý nhất cho bất kì chuyện gì, và người ta còn chuyển hướng đề tài sang những vấn đề nghiêm trọng hơn ví dụ như mức sống chênh lệch quá lớn giữa người dân nông thôn và thành thị.

Một trong những yếu tố phát sinh ra từ ngoại tình là nạn tham nhũng xuất hiện ngay trong bộ máy nhà nước. Một hội thẩm các chuyên gia đã điều tra được 95% công chức nhà nước từng ăn hối lộ đồng thời cũng có nhân tình, còn xét riêng về khu vực miền Nam (trong đó có Thẩm Quyến) thì tất cả bọn họ đều như vậy. Các chuyên gia kết luận rằng biện pháp ngăn ngừa tham nhũng và đồi trụy là phải nghiêm cấm chuyện ngoại tình. Luận điểm đưa ra ở đây dựa trên việc các công chức phải tham ô để đáp ứng nhu cầu của người tình như các chuyến đi nghỉ mát hoặc những đôi giày của các nhà thiết kế danh tiếng, vì vậy nếu họ không vụng trộm thì họ không phải thụt két nhà nước.

Thỉnh thoảng tổ chức chính quyền địa phương cũng thực hiện những hành động chống phá nạn ngoại tình. Thành phố Nam Kinh yêu cầu các công chức báo cáo về nhân tình của họ cho chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Đông, bao gồm Thẩm Quyến, quyết định xử phạt các đôi tình nhân chưa cưới nhưng sống chung quá 2 năm tại các trại lao động khổ sai. Luật này chủ yếu nhắm vào những người đàn ông đã có gia đình và các cô nhân tình ở lục địa. Nhưng chỉ vài trường hợp bị khởi tố, vì bản thân các bà vợ ở Hong Kong phải đâm đơn kiện và họ lại sống ở Hong Kong, nên điều đó nằm ngoài thẩm quyền của Trung Quốc.

Duy chỉ có một điểm sáng là cuộc thảo luận quốc gia gần như công khai và dân chủ nhất của Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh có nên đưa ngoại tình vào tội hình sự hay không, những trường hợp nào được coi là ngoại tình, và người thứ ba trong chuyện này có nên bị truy tố không. Thậm chí người ta còn đưa ra ý kiến xem việc vợ chồng không sống chung là bất hợp pháp. Nhưng nghĩ đến việc cảnh sát Trung Quốc dùng hầu hết thời gian để chuyển sang công tác đi lục soát các nhà nghỉ đã làm cho các nhà cầm quyền đảng Cộng Sản phải cân nhắc lại. Rốt cuộc phiên bản cuối cùng của luật hôn nhân chỉ cho phép người dân khởi kiện về đổ vỡ hôn nhân nếu có thể chứng minh được bạn đời của mình đang chung sống cùng kẻ khác.

Văn hóa tình dục mới của Trung Quốc không những làm phiền các nhà cầm quyền mà còn chẳng giúp ích được gì cho các ông chồng hay bà vợ đang có bạn đời lăng nhăng. Họ hài lòng với hệ thống văn hóa tình dục cũ vì nó bảo vệ gia đình của họ hiệu quả hơn.

Khi gặp Winnie, một thợ may tuổi 50 ở Hong Kong, sinh ra ở Trung Quốc và 20 tuổi mới đến đây, nhắc cho tôi nhớ rằng Trung Quốc có lẽ là nơi ở tệ hại nhất cho phụ nữ trung niên. Winnie có linh cảm xấu đầu tiên về hôn nhân của mình khi chồng cô bắt đầu bàn tán về phụ nữ. “Ông ta bảo, ‘Nếu tôi tìm được phụ nữ xấu hơn bà thì bà nghĩ sao? Còn nếu tôi tìm được người nào xinh như Lý Nhược Đồng [cựu hoa hậu Kong Kong – ND] thì bà nghĩ sao?’” Winnie cảm thấy buồn rầu. Cô có đôi tay thô kệch và khuôn mặt bèn bẹt, dĩ nhiên chẳng thể nào đem so sánh với Lý Nhược Đồng được.

Chồng cô đã dành nhiều thời gian trở lại Trung Hoa lục địa, quê của họ, cách Hong Kong khoảng 2 tiếng lái xe, để vờ giúp bạn mình tìm vợ. Và rồi có điều gì đó đã cướp mất hồn của anh ta. Anh ta không còn muốn ở nhà vào mỗi thứ 7 với Winnie và con cái nữa.

Khi Winnie cùng chồng về thăm quê thì có hai phụ nữ trẻ vào ngồi cạnh bàn ăn của họ trong nhà hàng nhưng chẳng nói năng gì. Một trong số họ nhìn rất giống Lý Nhược Đồng. Winnie cảm thấy đây là một sự thăm dò hay điều tra. Nhưng hôm sau khi cô hỏi chồng về chuyện này thì anh ta bảo không nhớ là đã thấy mấy cô gái đó.

Sự thật thì anh ta chẳng kể cho vợ nghe về chuyện gì đang xảy ra vì không lời biện bạch nào có thể thoát khỏi cặp mắt của Winnie cả. Và khi cô gọi đến công ty thì họ đều tưởng cô là người phụ nữ kia vì họ hỏi rằng: “Cô từ Trung Quốc đến Hong Kong phải không?” Ai cũng biết được điều này, duy chỉ có cô thì không. Chồng của cô cũng chẳng thẳng thắn thừa nhận chuyện gì cả nhưng thường ậm ừ rằng: “Chuyện này có vấn đề gì đâu, ai mà chẳng làm vậy.”

Winnie cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Một lần cô định đòi quyền lợi và bảo chồng rằng: “Nếu anh có thêm người phụ nữ khác thì em phải làm lớn, cô ta làm nhỏ và phải rót trà mời em để qua cửa.” Nhưng rốt cuộc cô chẳng nhận được tách trà nào cả vì chồng cô mang trong đầu một suy nghĩ hoàn toàn khác mà bạn bè và đồng nghiệp thêu dệt vào đầu anh. Trong suy nghĩ này, Winnie chẳng có địa vị đặc biệt gì cả. Winnie bảo: “Có lẽ ông ta đang cảm thấy quá tự hào vì bản thân mình sở hữu được hai người phụ nữ cùng một lúc.”

Winnie không theo đuổi văn hóa tình dục mới và cũng không dám ly hôn. Nhưng đến lúc giọt nước tràn ly thì cô cũng dọa chồng rằng sẽ ly dị nếu anh ta không từ bỏ người phụ nữ kia. Mặc dù anh ta biết lời đe dọa này không phải xuất phát từ thật tâm nhưng lại trở thành lý do để anh ta không trở thành người chồng ruồng bỏ vợ. Đến bây giờ Winnie vẫn bị sốc vì mình là người ly dị chồng và vẫn sẵn sàng tha thứ nếu anh ta biết trở về nhà. Vì dù sao Trung Quốc vẫn có câu “Lấy gà theo gà, lấy chó thì phải theo chó”.

Văn hóa tình dục ở Trung Quốc đã thay đổi triệt để và nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Ngày nay người dân ở đây không chỉ có tiền mà còn muốn tự thỏa mãn bản thân hơn rất nhiều so với cách đây mấy chục năm. Chẳng lạ gì khi quan niệm hôn nhân thời xưa không thể tồn tại trong thời đại này. Do không có số liệu thống kê lâu dài nào nên chỉ có thể nhìn vào thực tế để thấy được rằng người ta ngày càng ngoại tình nhiều hơn. Không chỉ vì có nhiều cơ hội để vụng trộm mà chính vì con người tự cho phép mình tận dụng những cơ hội này để ngoại tình nhiều hơn.

***

KHI BĂNG QUA biên giới vào Thẩm Quyến, tôi vẫn còn ấm ức về cuộc nói chuyện với Winnie và muốn biết rõ thực hư của sự việc.

Sau 20 phút đi taxi, tôi cùng bạn đồng hành (một người đàn ông Hong Kong sẵn lòng làm hướng dẫn viên và thông dịch viên không chính thức cho tôi) đã đến được “làng vợ lẽ”. Nhưng nơi đây lại nằm ở trung tâm thành phố, vì vậy, tôi không hiểu vì sao nó bị gọi là làng. Nhà cửa ở đây đa số thấp lè tè. Người dân thì ngang nhiên đi bộ ở giữa lòng đường và nơi đâu cũng thấy bóng dáng các cô gái trẻ, có lắm cô còn đang trong độ tuổi vị thành niên. Nếu như không hiểu rõ từ trước chắc tôi đã tưởng nhầm nơi đây là khu nghỉ dưỡng mùa hè dành cho sinh viên. Các cô ngồi la liệt trước các cửa hàng hoặc trên ghế xếp cạnh các nhà hàng tạm bợ. Họ ăn mặc cũng bình thường và tôi mất khoảng một phút để nhận được vẻ mặt chung của họ: sự buồn chán. Nơi đây có rất nhiều con đường nhỏ, một số nhỏ như những con hẻm và cảnh tượng các cô gái ngồi trên ghế xếp vẻ mặt buồn chán đều lặp đi lặp lại khắp nơi. Bạn đồng hành phải nhắc cho tôi nhớ ra rằng tất cả những phụ nữ ở đây đều là món hàng hoặc là đã có chủ.

Chúng tôi cứ đi dạo vòng quanh cho đến khi nhận ra rằng bạn đồng hành của mình đã định sẵn nơi đến của anh ta: một tiệm mát-xa. Chúng tôi đến một tiệm có vẻ quen thuộc với anh ta; ngoài cửa có nhiều cô gái trong các bộ váy bằng vải xa-tanh dài, đứng cầm bảng. Tôi ngại vào trong và nghĩ rằng bên trong sẽ đầy chất lưu dơ bẩn nên hối hận vì mình đang mang dép xỏ quai thay vì giày kín mũi.

Nhưng rồi chúng tôi cũng bước qua cửa và tôi thật sự ngạc nhiên khi không gian bên trong lại rất sạch sẽ. Các cô gái (tôi phải gọi như vậy vì họ còn rất trẻ) vận quần đi ngựa bằng vải xa-tanh hồng với mái tóc cột kiểu đuôi ngựa nhộn nhịp qua lại. Bạn đồng hành của tôi trao đổi với bà chủ rồi bọn tôi được dẫn vào một căn phòng lớn với tivi màn hình phẳng và một dãy ghế bọc nệm, bên dưới là chậu nước nóng để ngâm chân. Nơi này giống như tiệm làm móng chân đặt trong sàn nhảy. Tôi phải cẩn thận tự nhắc bản thân mình rằng mục đích đến đây là để điều tra và những nơi như thế này chính là nguồn gốc gây ra sự đau khổ cho Winnie.

Sau đó tôi biết giá một lần mát-xa chân là 3,5 đô-la cho 80 phút bao gồm cả nước trà và mấy lát dưa hấu. Khi tôi thả mình lên chiếc ghế êm ái thì một cô gái trong chiếc quần đi ngựa màu hồng liền tiến tới xoa bóp thái dương cho tôi (“mát-xa chân” ở đây lại bắt đầu từ đỉnh đầu). Ngay lúc này thì những suy nghĩ của tôi về Winnie và nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh viêm gan liền trôi tuột đi đâu mất. Trong đầu tôi giờ chỉ nghĩ đến việc làm thêm một suất mát-xa nữa và có lẽ sẽ còn trở lại Thẩm Quyến này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.