Giải Mã Dục Vọng

CHƯƠNG III Các nền văn hóa tình dục



Trên lý thuyết, một phụ nữ da trắng tốt nghiệp đại học (như tôi đây) dĩ nhiên vẫn có thể cặp kè và kết hôn với một anh chàng lao động Mê-hi-cô nhập cưkhông mảnh bằng cấp lận lưng. Nhưng mặc dù thi thoảng có cơ hội gặp gỡ tầng lớp lao động Mê-hi-cô, họ và tôi rõ ràng ở hai vùng rung động tình cảm khác nhau. Cơ hội yêu đương hay kết hôn của chúng tôi rõ ràng là một con số 0 tròn trĩnh. Giống như nhiều người Mỹ chính thống khác, tôi có người yêu với sắc tộc, bằng cấp, và nền tảng kinh tế ngang nhau. Cho dù họ nếu không phải là người Mỹ thì bạn trai tôi cũng là chuyên viên nghiên cứu chứng khoán hay nhà báo.

Cách thức chúng tôi phân loại bạn tình trở thành đề tài thú vị của các nhà nghiên cứu tại đại học Chicago. Họ muốn biết vì sao một người đàn ông Mê-hi-cô sống ở thành phố gần 3 triệu dân như Chicago lại chỉ có thể tìm người yêu là những cô gái cùng quê ở Michoacán. Đồng thời, những cô bạn gái của tôi cũng than thở rằng những người đàn ông xứng đáng để họ lấy làm chồng chỉ có thể là mấy vị luật sư ở New Jersey.

Các thống kê tình dục toàn quốc nói lên rất nhiều điều về đất nước đó. Trong thực tế, các vùng lân cận đều có những “nền văn hóa tình dục” giao thoa, chúng hình thành trong đầu người dân ở đó đối tượng nào nên ve vãn, quan hệ tình dục sẽ phát triển ra sao, khi nào và có nên chung thủy hay không. Nền văn hóa tình dục chính là hỗn hợp được tạo thành từ những luật lệ cá nhân mà tôi đã nhắc qua, bao gồm cả luật lệ chính thức và không chính thức. Những luật lệ này bị ảnh hưởng bởi số tiền người ta sở hữu, cảnh quan và môi trường sinh sống, và cả nơi làm việc – như trường lớp, công ty, tòa án – cũng phần nào có tiếng nói trong cách hành xử trong tình dục của họ. Phạm vi của văn hóa tình dục có thể to bằng cả một quốc gia nhưng cũng có thể nhỏ như một văn phòng luật, một công trường thi công, một câu lạc bộ đồng tính nữ, hay thậm chí là một phòng chat ảo trên mạng. Hầu hết chúng ta đều dao động giữa những khu vực đó. Một gã đồng tính làm việc ở một ngân hàng đầu tư có thể di chuyển qua lại giữa hai nền văn hóa tình dục khác nhau mỗi ngày. Điều quan trọng là mỗi người khi gia nhập vào một nền văn hóa tình dục nào đó phải hiểu rõ các luật lệ và tuân thủ chúng nghiêm ngặt.

Nhưng làm sao chúng ta có thể hội nhập vào một nền văn hóa tình dục và biết được những luật lệ của nó? Có ai bắt chúng ta thi hành hay không? Một nền văn hóa tình dục thay đổi ra sao theo thời gian? Truyền thông có vai trò ảnh hưởng gì đến chúng không?

Từ năm 1995 đến 1997, Edward Laumann, một nhà xã hội học của Đại học Chicago, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu sinh tìm ra sự tương quan về thói quen tình dục của bốn vùng lân cận của Chicago. Họ chỉ chú trọng vào các vùng lân cận với khoảng cách có thể lái xe hơi qua lại: khu vực của người Mỹ gốc Phi ở phía Nam Chicago, hầu hết người dân ở đây đều không tốt nghiệp trung học; kế tiếp là những người Mỹ da trắng và các gã đồng tính giàu có sống ven vùng Biển phía Bắc Chicago; chếch về phía Tây là tầng lớp lao động nhập cư Mê-hi-cô cùng gia đình; và cuối cùng là vùng cư dân nói tiếng Tây Ban Nha chủ yếu là người Puerto Rico và Mê-hi-cô chính gốc. Đồng thời, họ còn phỏng vấn một số người dân bất kì trong cả thành phố và những vùng lân cận khác để so sánh với 4 vùng nghiên cứu chính.

Sau cùng, kết quả của họ được đăng tải trên “Tổ chức tình dục của thành phố” và nó cho thấy rằng những người thuộc nền văn hóa tình dục khác nhau khi chạm mặt chẳng ai bị bối rối hay nhầm lẫn luật lệ của nhau, thậm chí chẳng cần biết những người sống vùng lân cận hay người ngồi kế họ trên tàu điện đang làm gì cả. Cặp kè với người lạ quả thật rất khó khăn. Vì vậy người ta thường thích có bạn tình được ai đó quen biết giới thiệu hay học cùng trường hoặc đi chung nhà thờ. Với những đối tượng như vậy, một khi đã quen biết nhau rất dễ đưa nhau lên giường.

Gần một nửa số đàn ông thích quan hệ tình dục với người khác giới ở vùng dân da trắng, các nhà khoa học gán cho họ biệt hiệu “Ven Bờ”, thường quen biết bạn tình của mình ở trường học hay công sở. Điều này cũng không có gì khó hiểu, hầu hết mấy tên Ven Bờ vừa tốt nghiệp đại học và chuyển đến sống tại vùng này vào năm ngoái. Họ cũng dành phần lớn thời gian làm việc (người phỏng vấn đã rất vất vả để gặp được mấy người này ở nhà hay trong những căn hộ cao tầng của họ.)

Không có người đồng tính nào sống cùng khu vực gặp gỡ bạn tình thời đại học, và chỉ có 9% cho biết đã gặp tình nhân tại công sở. Mặc dù vậy, tỉ lệ kết giao thành công rất lớn tại bar và vũ trường, khoảng 50% xác nhận điều này.

Các bar hay vũ trường đồng tính là địa điểm lý tưởng cho các cuộc hẹn hò chóng vánh; trong khi đó, trường học và công sở thường hướng các quý ông đích thực vào những cuộc tình ái dài lâu hơn. 43% dân đồng tính cho biết họ từng ngủ với hơn 60 bạn tình trong đời mình, trong khi đàn ông đích thực chỉ có 4% đạt được con số này. (Sự khác biệt quá lớn này thật khó giải thích vì những gã đàn ông Ven Bờ đích thực lại trẻ trung hơn.) Sự thật, hầu hết những quý ông đích thực có vẻ hiền lành hơn những gã đồng tính: Hơn 1/3 cho biết chỉ từng quan hệ với ít hơn 5 bạn tình trong đời mình (còn tỉ lệ các gã đồng tính chịu quan hệ ít như vậy chỉ có 2%).

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng đôi khi người ta hay truyền đi những nguyên tắc của văn hóa tình dục bằng “những câu chuyện có tính nhân quả” về những hậu quả mà những hành động sai trái trong quan hệ tình dục mang lại. Ví dụ một số nhóm thuộc đạo Cơ Đốc thường cảnh báo rằng tình một đêm có thể phá hoại mối quan hệ chính thức của mình trong nhiều năm sau. Một yếu tố trần tục khác như giá cả bất động sản cũng có thể hình thành một nền văn hóa tình dục. Hay tỉ lệ giữa đàn ông và phụ nữ hoặc cả chuyện có sống gần các thành viên trong gia đình hay không cũng ảnh hưởng. Hay đơn thuần như việc sở hữu được chiếc xe hơi cũng có thể thay đổi quan niệm của một người về tình dục nữa.

Ở vùng lân cận Mê-hi-cô, các nhà nghiên cứu gọi là “Miền Tây”, rất nhiều dân cư sống cùng với đại gia đình của họ. Những người Miền Tây có xu hướng gặp bạn tình ở nhà người thân hơn dân cư ở vùng khác. Phụ nữ ở Miền Tây này rất khó có cơ hội tiếp xúc với người lạ vì họ thuộc nhóm người không có khả năng sở hữu xe hơi nhất. Phụ nữ Miền Tây chỉ sống trong phạm vi cách bạn tình của mình khoảng 3 dặm, trong khi con số này ở Chicago là 10 dặm. Nói rõ hơn, họ chỉ kết đôi với những ai mà họ có thể thường đi bộ đến để gặp gỡ mà thôi.

Còn vùng người Mỹ gốc Phi được gán tên “Thị trấn phía Nam”, nơi hẹn hò thông dụng là những địa điểm công cộng như công viên, đường cái. Mặc dù những người dân của Thị trấn phía Nam đã sống ở đây ít nhất 10 năm và đều có ít nhất một nửa gia đình của họ cư ngụ tại Chicago nhưng không có lấy một người da đen nào cho biết họ gặp bạn tình của mình ở nhà người thân cả. Theo thực tế, khoảng 40% đàn ông ở Thị trấn phía Nam cho biết họ phải qua vùng khác để hẹn hò. Còn phụ nữ bị bỏ rơi lại đây thì thường xuyên đi nhà thờ hơn bất cứ nhóm đối tượng nghiên cứu nào. Có lẽ họ đi khẩn cầu tình yêu!

Ở Thị trấn phía Nam, nền kinh tế rất ảnh hưởng tới chuyện chung thủy một vợ một chồng. Tại thời điểm diễn ra cuộc khảo sát, một nửa dân cư ở đây đang thất nghiệp. Mà phụ nữ lại chịu ăn học hơn nên đa phần dân thất nghiệp là đàn ông. Việc này cho thấy đàn ông có sự nghiệp tại đây là mặt hàng khan hiếm và họ hiểu rất rõ điều này. Khoảng 39% đàn ông cho biết họ có hai mối quan hệ tình dục thay phiên nhau trong năm rồi. Còn 27% thì bảo họ có hai mối quan hệ tình dục cùng một lúc trong vòng 6 tháng hay lâu hơn, hành động này được các nhà nghiên cứu gọi là “lăng nhăng dây dưa.”

Các nhà nghiên cứu đoán rằng phụ nữ da đen chấp nhận hoàn cảnh này vì họ cho rằng những người đàn ông có sự nghiệp và ngoại tình vẫn tốt hơn những gã chung thủy nhưng không nghề ngỗng. Chỉ có 8% phụ nữ bảo họ có nhiều tình nhân trong năm qua, cho dù 20% phái đẹp cho biết bạn tình của mình có quan hệ với phụ nữ khác.

Một khi đàn ông da đen ở Chicago kết hôn, họ cũng rất chung thủy như đàn ông da trắng (97% trong số họ quan hệ duy nhất với bạn đời của mình trong năm rồi). Nhưng chỉ một số ít có thể giữ lòng sắt son đến cuối đời, vì theo các nhà nghiên cứu giải thích, đàn ông nào mà không thích lăng nhăng dây dưa, và điều này thì chẳng tốt cho hôn nhân chút nào cả. Số lượng dân da đen kết hôn ở Chicago thấp hơn rất nhiều so với dân da trắng. Các quý ông da đen có học thức cao ở độ tuổi trên 35, có công việc ổn định, rất hấp dẫn trong mắt phụ nữ, thì thường đều đã kết hôn.

Chỉ có các gã đồng tính và các quý ông thực thụ ở vùng da trắng lân cận, hay còn gọi là vùng Ven Bờ, là cân bằng tỉ lệ ngoại tình được với Thị trấn phía Nam. Nhưng họ lại chỉ thích “vui chơi qua đường”, hay nói rõ hơn là nhiều mối quan hệ đan xen nhau và chỉ kéo dài dưới 6 tháng. Đàn ông ở Thị trấn phía Nam thường bắt cá hai tay. Còn người vùng Ven Bờ thì thường hẹn hò với rất nhiều người cùng lúc để tìm hiểu trước khi bắt đầu quan hệ nghiêm túc với một trong số họ, hoặc sẽ chính thức ở bên một ai đó nhưng vẫn mèo mỡ bên ngoài. Kiểu người này dễ tiến tới hôn nhân hơn. Và một khi đã kết hôn thì đàn ông da trắng cũng giống đàn ông da đen, sẽ lại rất chung thủy.

Nói đến việc tôn vinh sự thủy chung thì phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha là lựa chọn hàng đầu. Chỉ có 2% phụ nữ ở vùng nhiều dân Mê-hi-cô và Puerto Rico cho biết họ có quan hệ ăn chơi qua đường với nhiều người trong năm rồi. Có vẻ phụ nữ ở đây bị giám sát chặt chẽ hơn vì họ sống cùng với người thân. Họ luôn nơm nớp lo sợ về các đấng ông chồng của mình: Cứ 5 phụ nữ thì có 1 người ở vùng Miền Tây tin chắc rằng chồng mình đã lạc lối. Nhưng sự ghen tuông này có vẻ đã bị thổi phồng quá mức, vì chỉ có 14% đàn ông vùng Miền Tây và 9% đàn ông thuộc vùng Mê-hi-cô và Puerto Rican thừa nhận rằng mình bắt cá hai tay. Đối chiếu theo tỉ lệ đó, xem ra đàn ông thuộc khu vực Latin chung thủy nhất và là chỗ dựa an toàn hơn mấy vị luật sư da trắng mà tôi đang đặt vào tầm ngắm.

***

NGHIÊN CỨU CHICAGO lột tả được vấn đề một thành phố mang nhiều nền văn hóa tình dục khác nhau. Nhưng còn một nền văn hóa tình dục cá biệt thay đổi theo thời gian thì sao nhỉ? Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, tôi đến viếng thăm “cộng đồng về hưu” của các bà trong độ tuổi 70 ở Florida. Nói chuyện với nhóm người này tôi cảm giác họ là một kiểu người Mỹ hoàn toàn khác biệt. Mặc dù thời hoàng kim ngoại tình của họ đã từ những năm 50 và 60 và đa số bạn tình của họ đều đã về bên kia thế giới, nhưng các bà vẫn tự hào rằng đó là quãng thời gian đẹp nhất của đời mình.

Những người dân Mỹ hiện đang ngoại tình hoặc vừa hoàn hồn lại từ vết thương này đều yêu cầu tôi thay đổi tên họ. Nhưng các bà ở Florida lại khẩn khoản yêu cầu tôi dùng tên họ thật; họ hoàn toàn không xấu hổ gì vể những cuộc phiêu lưu thời xuân sắc của mình. (Nhưng rốt cuộc tôi vẫn thay đổi thôi.) “Chúng tôi chẳng thấy tội lỗi gì cả,” một trong số họ bảo. “Ai cũng biết rằng khoảng thời gian đó rất thú vị và đầy kịch tính mà!”

Những quý bà này đều có cuộc sống sung túc, hầu hết là ở thị trấn da trắng của New Jersey, nằm bên này đầu cầu George Washington, bên kia là Manhattan. Trong 10 năm qua, họ cùng với những ông chồng còn sống sót di cư đến miền Nam, quanh khu vực bãi biển Palm.

Nền văn hóa tình dục của họ được hình thành từ thời hậu chiến. Vào thời điểm đó, phụ nữ chưa bị cuốn vào làn sóng lao động; chỉ có một vài người phải đi làm toàn thời gian. Hầu hết đều có người hầu trong nhà và hay đi nghỉ hè ở miền Nam nước Pháp. Mấy cậu con đều học hành để trở thành bác sĩ. Các vị phu quân thì sản xuất đồ tắm phụ nữ hoặc làm chủ những đế chế giặt ủi quần áo quy mô nhỏ. Vào dịp sinh nhật hay kỉ niệm ngày cưới họ thường được tặng những món trang sức quý giá. Nhưng cái cốt yếu là, họ đều kết hôn vào độ tuổi 22. Loretta, hiện đã 68 tuổi, nói: “Mẹ tôi bảo, ‘Nơi duy nhất đàn bà được đi một mình là nhà vệ sinh thôi.’ Phụ nữ bắt buộc phải kết hôn.”

Không giống như các đấng sinh thành, các bà trong thời kì của Loretta có cuộc sống sôi động hơn nhiều. Nền kinh tế bùng nổ theo Chiến tranh Thế giới thứ 2 làm cho họ trở nên giàu có hơn so với thế hệ trước rất nhiều. Thay vì hưởng thụ đời sống gia đình an nhàn với những người tình từ thời đi học thì họ khát khao danh vọng và tình ái nhiều hơn. Loretta, từng kết hôn 3 lần và hiện đang sống ở Lake Worth, Floria, bảo, “Chúng tôi đều học hỏi từ những siêu sao điện ảnh. Thời đó, ở New York ai cũng đeo găng tay đen dài và đội những chiếc mũ nhỏ xinh, rồi từ đó cô sẽ gặp gỡ hẹn hò với tình nhân của mình. Bên cạnh đó là những bài hát mang đậm ý thơ của Sinatra làm mình luôn phải nhắm mắt lắng nghe.”

Barb, hiện 77 tuổi, cửa hàng quần áo của bà từng là địa điểm thị phi nhất trong trấn, bà kể về một người khách hàng xưa kia rất chân thật, cứ như bà ấy vẫn còn thường đến mua hàng vậy. Giọng bà đặc sệt chất New Jersey như mọi người ở đây:

“Có bà kia thường vào tiệm và nhìn đồng hồ hỏi ‘1 giờ rồi phải không?’, vì bà ta sẽ gặp tình nhân của mình vào lúc 1 giờ mà.”

“Yvonne đã nhăng lăng với ông thợ mộc chồng của Helen đấy.”

“Linda là khách hàng nữ duy nhất mua đồ ở Bloomingdale lúc nửa đêm, song đó chỉ là cách dối gạt chồng của bà ta. Nhưng cứ nghĩ đến ông chồng làm nhân viên xuất khẩu đường biển xấu xí ấy thì bà ta lăng nhăng suốt cũng phải.”

“Alice thì có vẻ hạnh phúc trong hôn nhân lắm, nhưng không phải vậy đâu. Sau nhận được một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ thì ngay chiều hôm đó bà ta lên giường với một gã nào đó trong khách sạn. Từ đó họ hẹn hò cùng nhau, chẳng lâu sau chồng bà ta nhận được thư chia tay còn bà ấy thì dọn ra ngoài sống cùng hai con nhỏ.”

“Còn Bob thì bồ bịch với thư ký của chồng Judy.”

“Tôi nghĩ hầu hết mọi người đề biết vợ của Les đã vụng trộm suốt nhiều năm rồi phải không.”

“Có chuyện như phim Peyton Place ở đây mà,” Barb phân trần, bà hiện đang sống trong “cộng đồng người lớn tuổi năng động” ở Lake Worth. “Từ miệng của các bà ở đây, tôi thấy ở Long Island mọi thứ cũng diễn ra giống vậy.”

Do không ai thống kê ở những thời điểm xa đến vậy nên chẳng cách nào để biết được phụ nữ có hoàn cảnh giống như Barb vào những năm 60 có quan hệ yêu đương nhiều hơn phụ nữ ngày nay hay không. Trong một cuộc khảo sát toàn quốc vào năm 1994, khoảng 12% phụ nữ sinh ra trong những năm 30 cho biết họ chưa bao giờ có quan hệ ngoài hôn nhân – con số này ít hơn hai thế hệ sau. Tuy nhiên, 37% đàn ông sinh cùng thời lại bảo họ có vụng trộm, con số này lại nhiều hơn đàn ông hậu thế.

Ở đỉnh điểm thì nền văn hóa tình dục của New Jersey cũng gói gọn trong vài vũ trường ngoại ô. Nhưng những câu chuyện họ kể đã phác họa cho ta thấy một nền văn hóa tình dục sẽ thay đổi đến mức nào theo thời gian. Ngày nay, các bà lăng nhăng thường kể cho vài bạn thân nghe và bắt họ thề thốt giấu nhẹm chuyện này đi. Nhưng các bà ở New Jersey lại kể cho hàng tá người nghe về chuyện vụng trộm của mình, và nếu người tình này có khả năng trở thành chồng sau thì họ thậm chí còn giới thiệu với mẹ mình nữa. Trong trường hợp nào thì theo họ, rất dễ để biết “ai sẽ trong tay ai” thôi.

Trên đời này có hằng hà sa số cơ hội để vụng trộm. Ở các vũ trường ngoại ô, những buổi lễ từ thiện, và cả những bữa tiệc tại gia, họ nhảy nhót tán tỉnh nhau trong khi bạn đời của mình đang ở phòng kế bên. Ngoài ra, họ có bảo mẫu cho con cái và không phải đi làm (hay ít nhất rảnh rỗi 60 giờ một tuần) thì thời gian rảnh rỗi rất nhiều.

Những người phụ nữ đó không tin được sự cứng nhắc về vấn đề này của thế hệ trẻ. Nhiều người con phẫn uất đến nỗi không thèm nói chuyện với mẹ mình. “Mọi thứ bây giờ đã đổi thay. Con cái của bọn tôi khi bước vào tuổi 40 rất phản đối chuyện này,” Loretta bảo. Các bà này hiểu rõ rằng mình chỉ nên tỉ tê hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp ấy với nhau mà thôi.

Bây giờ quay lại với bản thân, tôi hẹn gặp hai người bạn của Barb là Elaine và Nancy tại một tiệm spa ở bãi biển Pompano, Florida, nơi họ đang đi nghỉ mát ngắn ngày. Họ bảo tôi có thể đến bất cứ lúc nào trước khi họ làm mát-xa lúc 4 giờ. Khi tôi đến nhà hàng lúc họ đang ăn trưa, hai bà liền săm soi tôi từ đầu đến chân. Mặc dù tôi trẻ hơn họ đến 40 tuổi nhưng tôi cảm nhận được họ đang so sánh tôi với thời son sắc của mình và chắc mẩm rằng hoàn toàn vượt trội tôi về mọi mặt. Elaine, một góa phụ 73 tuổi, trông rất thanh lịch theo kiểu hoàng gia với cặp mắt kính đen to đùng, chiếc đồng hồ kim cương, chiếc áo khoác màu đỏ dài chấm đất che phủ đi bộ đồ tắm và bộ ngực phì nhiêu. Còn Nancy thì đã 75 tuổi, với cặp mắt xanh, gò má cao, bà đang vận chiếc quần ngắn màu vàng, khoe đôi chân nuột nà không tưởng.

Một cuộc tranh luận nhỏ nổ ra để xem ai giành quyền kể chuyện trước. Đối với cả hai thì những chuyện yêu đương ngoài luồng chẳng khác nào những cuộc phiêu lưu tuyệt vời nhất trong đời mình. “Để tôi kể cho cô nghe cái ngày mà tôi gặp ông ấy ở New York và đã bị thám tử tư theo dõi ra sao!” Nancy bảo, bà ta nhìn hao hao nữ diễn viên Lauren Bacall. Đầu tiên, bà kể về Larry, một nhà phát triển địa ốc đã có gia đình, ngày ấy bà trông thấy ông ta đi ra từ sân gôn. “Dường như có vầng hào quang tỏa ra sau lưng ông ấy, và đôi mắt biếc xanh nhất mà tôi từng gặp.”

Mặt Nancy rạng ngời khi miêu tả âm mưu cùng Larry đi công tác ở Canada. “Tôi bảo chồng mình rằng muốn đi thăm bạn ở Florida, rồi ông ấy đồng ý ‘được rồi, bà nghỉ vài ngày ở Florida đi.’ Rồi thế là tôi đi Montreal… Tôi phải đi spa để tắm nâu. Rồi phải sắp xếp mọi chuyện, khi chồng tôi gọi điện đến nhà bạn ở Florida thì mẹ cô ấy sẽ trả lời rằng, ‘Ồ, chúng nó đi tắm biển rồi.’”

Càng về những thế hệ sau, phụ nữ càng có việc làm nhiều hơn, do vậy họ có đầy đủ khả năng để ly hôn mà không cần tìm một bến đỗ nào sẵn cả. Còn trong những năm 60, dạng phụ nữ như Elaine hay Nancy phải đổi từ ông chồng này sang người đàn ông khác. Mặc dù vài cuộc tình khi bắt đầu cũng chỉ là yêu đương bên lề nhưng tất cả phụ nữ dạng này tôi tiếp xúc rốt cuộc lại kết hôn với những bạn tình ấy và sống chung thủy đến trọn đời. Họ tiếp nhận liền kề từ tình thương của các ông bố đến sự chăm sóc của các đấng ông chồng. Trong thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục ly hôn, các ông chồng tương lai đã sẵn sàng đem họ và con cái về ở chung rồi.

Có vẻ những người đàn ông này được xem như bạch mã hoàng tử, vì vậy, sự lãng mạn trong cuộc tình này luôn bị thổi phồng như chuyện cổ tích cho trẻ con, trong đó tràn ngập những tiếng sét ái tình và bao phút giây nín thở trông chờ tiếng chuông điện thoại. Vào những năm 50, khi Elaine gặp Irwin, chuyện tình của họ mang chút hương vị của sự lãng mạn nơi siêu thị và “Con cáy trên mái nhà”:[4]

“Hôm đó tôi đến tham dự tiệc ở nhà chú, một nha sĩ trong trấn. Giữa bao người trong phòng, tôi bắt gặp anh ấy đứng đối diện mình. Nghe có vẻ sến, nhưng anh ấy tiếp cận tôi, tôi liền đáp lại bằng một cái nhìn trìu mến, ngay giây phút đó tôi biết rằng người đàn ông này là của mình, anh ấy thì thầm, “Gặp anh ở New York tối nay nhé.’”

Lúc ấy Elaine mới 25 tuổi. “Tôi đáp, ‘Em không biết đường lái xe đến New York… làm sao gặp anh tối nay được.’ Bà và bố mẹ tôi đều đang có mặt ở buổi tiệc, nhưng tôi biết rằng mình sẽ phải gặp anh ấy thôi.”

Vài ngày sau, Elaine vận đồ thật đẹp, giao lũ trẻ cho người giúp việc rồi lái xe đến nhà hàng Chandler trên đườngĐông 46 ở Manhattan. Khi Irwin tới nơi thì cô đang làm dáng bên quầy bar. Elaine nhớ lại lời Irwin lúc ấy, “Em biết không, anh không bao giờ làm vậy ở nơi mình sống . Nhưng không hiểu sức mạnh nào đã bắt anh phải gặp em.”

Ngay lúc này, Elaine chợt dừng lại rồi hỏi, “Cô không cần tôi tả lại chi tiết mây mưa ở đây phải không?”

“Xem nào, chúng tôi ăn tối rồi tôi tự bảo lòng mình ‘Đã muốn làm thì phải làm thôi…’ Sau đó chúng tôi vào xe hơi, lúc đầu chỉ hôn rồi ngồi nhìn nhau. Rồi chính tôi đã chủ động lao vào anh ấy, ngay trong xe hơi đấy nhé! Tôi lao vào, anh ấy bị động hoàn toàn! Tôi tự nhủ, ‘Đã làm rồi thì làm cho trót!”’

Mối quan hệ ấy cứ thế tiếp diễn đều đặn. “Anh ta bảo tôi, ‘Anh sẽ không bao giờ lấy em làm vợ đâu. Quan hệ của chúng ta bây giờ như kem đặc và quả sơ-ri tô điểm trên ly kem hôn nhân hiện tại. Anh sẽ không bao giờ cưới em nhưng chúng mình sẽ luôn sống hạnh phúc.’”

“Nhưng như vậy đâu làm tôi hài lòng, tôi kết thân với vợ anh ấy để hai gia đình luôn dính vào nhau, và như vậy chúng tôi sẽ luôn có thời gian kề cận. Nhiều lần tôi và Irwin trốn đến New York tự tình rồi ngủ quên và về nhà trễ mặc dù tối ấy có hẹn với vợ/chồng mình, nhưng họ cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Vợ của Irwin chẳng màng hỏi han, chỉ cần anh về đến để dẫn cô ta đi ăn tối là tốt rồi.”

Barb, chủ tiệm quần áo, hồi tưởng lại lúc Elaine đi mua sắm cùng vợ của Irwin. “Ngay tối đó Elaine sẽ gặp Irwin và kể lại những gì vợ anh ấy đã mua.”

Mẹ Elaine rất giận dữ khi biết cô dự định kết hôn với Irwin nhưng bố thì lại giúi tiền cho cô, còn bạn bè thì đều ủng hộ. Họ đã biết và có cảm tình với anh ấy. Barb chính là người giúp Elaine dọn đồ đạc ra khỏi nhà chồng cũ. “Chúng tôi để lại cho ông ấy chiếc giường, TV, máy pha cà phê, và bộ tách,” Barb nhớ lại.

Bao ngờ vực tội lỗi vì bỏ rơi chồng mình để chạy theo nhân tình của Elaine được giải tỏa bởi giáo trưởng của bà, mà theo bản thân bà, ông ấy là “một người đàn ông đầy trí tuệ”. “Tôi hỏi, ‘Thưa Giáo trưởng Stein, con đang dự định rời bỏ chồng mình, nhưng không biết điều này là đúng hay sai. Con lo lắng mình sẽ hủy hoại cuộc đời của bao nhiêu người xung quanh mình mất.’ Nhưng ông ta đáp, ‘Không đâu con, điều đó chỉ xảy ra khi con cố gắng ở lại. Nếu con quyết định ra đi, con sẽ cứu vớt tất cả bọn họ đấy’… Nghe rồi tôi phóng ra ngoài như mọc thêm đôi cánh… Giáo trưởng Stein quả là người đàn ông tuyệt vời, mà thật ra, chính ông ta cũng đã li dị cơ mà.”

Trong suốt quá trình điều tra Bill Clinton, người ta vẫn thường tự hỏi vì sao vào thời này đời sống tình dục của tổng thống lại trở thành tâm điểm của dân chúng. Họ thường nhớ lại vào những năm 60, khi ấy tổng thống John Kennedy cũng có rất nhiều mối quan hệ ngoài hôn nhân nhưng chả ai màng để tâm.

Kennedy đã sống trong cùng một nền văn hóa tình dục với những người phụ nữ tôi gặp ở Florida. Ông và những người bạn ngôi sao thân thiết của mình dường như đã góp sức tạo nên nền văn hóa này. Nhưng chính bản thân Kennedy cũng chỉ là một sản phẩm của thời đại mà ông ấy sống. Vấn đề không phải chỉ vì phụ nữ thời ấy hầu hết phụ thuộc kinh tế vào chồng mình, mà việc li dị cũng khó khăn hơn (nhất là đối với những người theo Thiên Chúa giáo La Mã). Ngoài ra, những con người có tiếng tăm xung quanh ông ta cũng lăng nhăng không kém. Nếu Kennedy sống thọ thêm vài năm nữa có lẽ ông sẽ gặp Henry Hyde, lãnh đạo của tổ điều tra Clinton sau này, đang cặp kè với nhân tình Cherie Snodgrass tại một hộp đêm ở Chicago rồi. Có hẳn một tấm hình chụp Snodgrass và Hyde công khai tay trong tay, quần là áo lụa và tạo dáng trước ống kính nữa cơ mà. Khi Hyde biện hộ cho mình việc đó là “lầm lạc của tuổi trẻ” thì có lẽ dù không nói ra nhưng đơn giản có nghĩa nó đã thuộc về một thời đại khác rồi.

***

VĂN HÓA TÌNH DỤC không nằm trong phạm vi quản hạch của cảnh sát, chẳng ai đi tuần tra để ghi giấy phạt cả, vậy thì ai áp đặt những luật lệ nhỉ? Một nhà xã hội học Mỹ tên Steven Ortiz đã trả lời câu hỏi này bằng cách nghiên cứu “văn hóa ngoại tình” cơ động lập nên bởi những tay bóng chày hàng đầu khi đồng hành cùng họ. Ortiz thời ấy đang giảng dạy tại Đại học bang Oregon.Ông đã mất 3 năm rong ruổi cùng nhiều đội bóng (ông không tiết lộ là đội nào) và công bố những điều mình nghiệm ra trên bài báo mang tên “Đồng hành cùng Câu lạc bộ Đội bóng.”

Thông thường sẽ có vài bà vợ đi theo đội bóng trong những chuyến du đấu. Một số bà sẽ luôn luôn tháp tùng, còn lại thì chỉ thi thoảng có mặt. Theo cách này, các bà đi theo đoàn sẽ về thông báo lại tình hình những gì xảy ra cho các bà khác ở nhà. Động thái này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những khoảng thời gian vui thú của các ông trên chuyến đi.

Để hạn chế điều này, các cầu thủ phân rõ ranh giới và phạm vi các bà không được xâm phạm. Trên những chiếc máy bay được cấp cho cầu thủ, các bà vợ chỉ được ngồi ở khoang trước và cấm tuyệt đối không bén mảng đến khoang sau. Ở đây các cầu thủ có thể thoải mái tụ tập cùng nhau và tán tỉnh các cô tiếp viên hàng không trước khi trận đấu diễn ra. Không ai chính thức lên tiếng nhưng các bà vợ đều hiểu được rằng mình không được chào đón khi bắt gặp những ánh mắt bực dọc của các cầu thủ mỗi lúc họ đi ngang qua hay cả đám đang rôm rả trò chuyện thì đột nhiên im bặt khi họ vừa xuất hiện. Hễ có bà vợ mới đi theo đoàn lần đầu lỡ đến cạnh chồng mình trò chuyện thì lập tức được chào đón bởi bầu không khí im lặng ngột ngạt và “những cái nhìn phản đối ra mặt” của các đồng đội khác. Một bà vợ tên Stacy phân trần, “Mỗi lần tôi đi vệ sinh cũng thấy ngại, đến nỗi cũng chẳng dám liếc ngang liếc dọc hay trò chuyện với ai vì biết cả đám cầu thủ đều ngồi đó cùng nhau…” (Ortiz hẳn đã thay đổi tên của bà ấy.)

Nếu những tín hiệu đó chưa đủ làm chùn bước các bà vợ thì các nữ tiếp viên sẽ làm cho họ hiểu rõ hơn bằng cách tiếp đãi lỗ mãng. Bà vợ tên Robyn giải thích, “Mỗi khi bạn yêu cầu phục vụ thì họ sẽ dằn lon Pepsi lên đĩa thức ăn hay thậm chí đẩy khay bữa tối về phía bạn chứ không mảy may đặt xuống một cách bình thường.” Có lửa thì mới có khói mà, vì các bà đều biết tỏng rằng các ông đã lẹo tẹo với mấy ả tiếp viên này hết rồi.

Các cầu thủ khi đến khách sạn còn phân khu vực hoạt động theo giới tính một cách rạch ròi hơn. Rất nhiều lần họ yêu cầu vợ mình không đến quán bar nơi cả đội đang ở. Ngoài ra họ còn liệt kê những quán bar khác, những sàn nhảy và nhà hàng không được ghé qua trong thành phố. Danh sách này thường thay đổi theo mùa chứ không cố định. Họ cẩn thận đánh vần rất rõ ràng từng cái tên thay vì để cho các bà vợ tự hiểu vì họ muốn tạo ra một vùng an toàn cho các cầu thủ không có vợ đi theo có thể hòa mình vào những cuộc chơi với “những cổ động viên nữ” (thường tụ tập ở ngay trong quán bar khách sạn) và các nơi họ có thể dẫn bồ bịch đi chơi mà không bị phát hiện.

Một số vận động viên, nhất là những người nổi tiếng, ít khi chịu lúc nào cũng chỉ tụ tập xung quanh đồng đội. Càng được các cổ động viên nữ hấp dẫn vây quanh thì địa vị của họ càng được nâng lên. Ortiz bảo, để chứng tỏ họ là những người đàn ông và những đồng đội thực thụ thì việc quan hệ với các cổ động viên nữ được xếp trên chuyện làm một người chồng tốt. Họ thường thích gặp gỡ những cô gái này ở quầy bar ở khách sạn hơn những nơi khác, vì ở đây, những đồng đội khác sẽ chứng kiến được thành tích của mình.

Thông thường thì các bà vợ là người phải giả vờ mắt nhắm mắt mở. Một số cho biết nếu họ tình cờ trông thấy một cầu thủ đã có vợ đang cặp kè cùng người phụ nữ khác thì họ sẽ làm lơ vờ như không biết. Một bà vợ khác kể lại rằng đã phải đứng quay mặt vào tường làm như mình đang “tàng hình” khi vô tình đi chung thang máy khách sạn với một cầu thủ đã kết hôn khác đi cùng một phụ nữ bản địa. “Nếu như bạn thừa nhận đã trông thấy và tỏ vẻ không hài lòng thì sẽ không còn được đi theo đoàn nữa vì họ sẽ nói thẳng vào mặt chồng bạn rằng, ‘Ông bảo vợ ông câm mồm đi nhé,’” một bà vợ tên Sheila bảo. Một số các bà thừa nhận rằng phải miễn cưỡng tin rằng người đàn bà bí ẩn đó chỉ là “họ hàng đến thăm nom, bạn bè của gia đình hoặc là em vợ!” mà thôi.

Nhưng dĩ nhiên, một khi chuyện lăng nhăng của cầu thủ bị truyền thông bắt gặp thì lại khác. Lúc đó, cầu thủ đó sẽ bắt buộc phải thừa nhận tội lỗi như mọi người dân bình thường để mong nhận được tha thứ từ dư luận. Theo tờ Sports Illustrated thì ngôi sao Kobe Bryant của đội Los Angeles Lakers đã phải “nuốt nước mắt vào trong” tại cuộc họp báo năm 2003 khi thừa nhận từng hẹn hò với một cô gái 19 tuổi trong khách sạn. Vào lúc người vợ “nắm lấy tay và nhìn thẳng vào mắt anh ta” thì Bryant đã nghẹn ngào cùng báo giới rằng, “Giờ đây trước mặt mọi người, tôi cảm thấy hận và kinh tởm bản thân mình vì đã làm nên chuyện ngoại tình lầm lạc này.” (Ortiz cũng từng du ngoạn cùng các cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và cho biết họ cũng có những luật lệ ăn chơi trên đường giống như các cầu thủ bóng chày này vậy.)

Nhưng không phải cầu thủ nào cũng tuân thủ luật lệ giống nhau. Ortiz nhận thấy rằng những cầu thủ có địa vị thấp như mới vào nghề, lương ít, bị thương hay sa sút phong độ thường thực hiện quy luật rất chặt chẽ, có lẽ vì họ cảm thấy tự ti và dễ bị tổn thương. Những cầu thủ hạng nhất thì hay phá luật hơn. Một phụ nữ hồi tưởng lại lúc một ngôi sao của đội bóng phớt lờ sự từ chối của cô để cố gắng mời cô và một người vợ khác vào uống rượu trong quán bar khách sạn. Khi vào trong, mặc dù đang được ngồi chung với người nổi tiếng nhưng cô cho biết “chỉ nhìn thẳng vào quầy rượu và cảm thấy chẳng thoải mái chút nào cả.”

Vậy vì sao các bà vợ lại chấp nhận tuân theo những luật lệ này, khi chúng làm giảm đi phẩm giá của họ và tạo điều kiện cho các ông chồng mặc sức vụng trộm khi họ không có mặt? Sao họ không cùng đoàn kết và chống lại để các ông không thể thỏa sức lăng nhăng nữa?

Lý do thứ nhất chính là tiền bạc. Nếu họ gây rối hoặc làm trái luật thì sẽ có thể làm mất địa vị của chồng mình trong đội bóng. Tuổi nghề của vận động viên rất ngắn và những bà vợ nào mà có thể đi theo chồng mình, thường là không có việc làm. Bất cứ đe dọa nào xảy ra cho địa vị của người chồng cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến kế sinh nhai của cả hai. Ortiz không hề đưa ra dẫn chứng nào về việc cầu thủ bị giáng cấp hay sa thải vì vợ mình làm xằng làm bậy, nhưng những hậu quả có thể xảy ra khi làm chồng mình mất danh dự cũng đủ để các bà vợ không dám hó hé rồi.

Bà vợ nào hay ba hoa lắm mồm cũng rất dễ trở thành đối tượng không được chào đón. Các cầu thủ thường thân thiện với những những bà vợ nào “biết điều” và lảng tránh các bà “hay bép xép”, sau đó dĩ nhiên là sẽ làm áp lực với người chồng cho bà ta ở nhà cho rảnh nợ. Người vợ nào không được tháp tùng chồng mình đi du đấu sẽ mất cơ hội canh chừng anh ta trong khoảng thời gian đó và nhất là sẽ đánh mất sự hào nhoáng và danh vọng khi được cùng song hành với một đội bóng chuyên nghiệp. Danh tiếng của người vợ vẫn được gìn giữ khi chồng của bà ta thi đấu cho đội bóng khác. Olivia, vợ một cầu thủ, phân trần, “Càng nói nhiều thì người ta càng ít tin tưởng mình vì giống như ai cũng làm như vậy cả. Bà nào đi rêu rao những điều mình thấy được sẽ bị đối xử như người bị bệnh truyền nhiễm, chẳng ai muốn lại gần nữa.”

Vì vậy, thay vì hợp sức chống đối thì họ lại giúp nhau tuân thủ những luật lệ nhằm tạo điều kiện cho chồng mình lăng nhăng. Họ khuyên người khác không nên bàn tán những gì mình thấy trên đường đi, và cũng chẳng ngại ngần mấy bà nhiều chuyện khác nhục mạ họ là “đồ giả tạo.” Một số thậm chí còn không muốn biết chồng mình đã từng làm gì. Nếu như có bà nào dại dột tọc mạch, các bà vợ khác sẽ đồn thổi rằng bà ta chỉ nói vậy nhằm che đậy rắc rối trong hôn nhân của mình mà thôi.

Điểm đặc sắc của nền văn hóa tình dục này là các bà chuyển từ việc bắt buộc phải tuân thủ luật lệ thành việc tự nguyện vì bản thân họ muốn như vậy. Mặc dù họ luôn phản đối chuyện ngoại tình nhưng rốt cuộc họ lại tin rằng những luật lệ tạo khe hở cho việc vụng trộm về bản chất cũng có ý nghĩa. Ortiz bảo, “Hầu hết các bà vợ đều nhất mực tin rằng không kể lại những gì mình đã trông thấy cho các bà vợ bị lừa dối biết là điều quan trọng.”

***

MỘT LOẠI VĂN HÓA TÌNH DỤC khác không cần khoảng không gian thực tế và những người tham gia không hề biết về nhau. Loại này tồn tại trong vương quốc của “giới truyền thông.” Ở Mỹ có rất nhiều tờ báo khổ nhỏ hữu ích, nhưng không nơi nào mà báo chí lại đào bới về chuyện ngoại tình nhiều như ở Anh. Tờ báo bán chạy nhất vào Chủ nhật hàng tuần là News of the World và Mail on Sunday thường dành trọn trang nhất cho những câu chuyện về ngoại tình. Nó tạo cảm giác như chuyện vụng trộm này là tin tức nóng hổi nhất trên toàn quốc gia vậy.

Thật ra trong cuộc sống thường nhật, người Anh vẫn phản ứng về chuyện lăng nhăng giống như hầu hết người Mỹ thôi. Họ cũng cho rằng tội ngoại tình phải bị trừng phạt bằng chuyện ly hôn hay tình trạng sống dở chết dở. Về tỉ lệ ngoại tình của họ cũng gần ngang bằng với các nước hùng mạnh khác.

Nhưng ở Anh, có một nền văn hóa tình dục chỉ tồn tại trong giới truyền thông. Ở đây chuyện ngoại tình được xem như một môn thể thao. Trong cuộc chơi đó, nhiệm vụ của họ là phải bắt gặp được một nhân vật tiếng tăm nào đang ở trong tình huống bẽ mặt nhất. Các phóng viên thậm chí sẵn sàng lục lọi chứng cớ trong thùng rác nếu cần. Những tờ báo lá cải luôn thèm khát những câu chuyện nóng hổi về ngoại tình đến nỗi nếu không bắt gặp được nhân vật thực sự nổi tiếng nào họ sẽ chuyển sang những “ngôi sao hết thời” của các chương trình truyền hình thực tế, những diễn viên hạng C, và cả những người dân Anh bình thường bị vướng vào tam giác tình yêu quái ác.

Một câu chuyện tiêu biểu trên trang nhất của tờ The Sun bán chạy nhất vào thường nhật ở Anh miêu tả về những khó khăn của “Amy Nuttall vụng trộm”, một diễn viên nhạc kịch 22 tuổi, về lời thú nhận đã phá hoại căn hộ của Ben, bạn trai cũ và là diễn viên đóng chung cùng cô. Người viết dùng giọng điệu cảm thông diễn giải rằng “trời đất như sụp đổ trong Amy khi cô biết được Ben đã quan hệ trong xe hơi sau tiếng sét ái tình với nữ nhân viên ngân hàng 19 tuổi Jenny Woodcock, cô nàng đã tự chủ động tiếp cận Ben trong quán bar.” Tờ The Sun còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi đăng tải rằng “Amy đã phải chịu đựng khi Jenny lên báo kể rõ chi tiết về cuộc gặp gỡ với Ben, từ đó Amy chửi rủa Ben là một người tình tồi tệ.” Nhưng trong bức ảnh trên bìa báo đó, Amy lại khêu gợi trong bộ bikini mỏng manh màu nâu. Ngoài ra bài báo còn đề cập đến việc cô ấy muốn bắt đầu sự nghiệp ca hát.

Những tựa báo khác thì có đủ các kiểu, từ loại trào phúng như: “Con chuột cống khổng lồ vẫn cản đường” đến mức quái đản như: “Con thiết kế hư hỏng ấy phá hoại đời tôi” nhằm giải thích rằng “với niềm tin vừa lấy lại được sau những vấp ngã – Denize không thể giữ kín được những chuyện riêng tư… à, chỉ một sự riêng tư này”.

Một số câu chuyện cũng được nhà báo đan xen vào vài bài học đạo đức nhưng độc giả thừa hiểu chúng chỉ nhằm làm tăng thêm tính giải trí mà thôi. Những tin tức quan trọng thực thụ sẽ được phát trên truyền hình hay đăng trong vài tờ báo lá cải. Để đảm bảo sự chú ý của độc giả, các tờ báo thường đăng tin về chuyện ngoại tình một cách úp úp mở mở với những chi tiết lập lờ kiểu khẳng định sự việc nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Ngoài ra, họ sẽ đính kèm hình ảnh của kẻ bị hại hay kẻ gây ra tội lỗi trong trang phục áo tắm bất cứ khi nào có thể.

Một số “tin tức” từ các báo hoàn toàn bị chế biến lại. Max Clifford là nhà báo đầu tiên người ta nghĩ tới mỗi khi muốn kể một câu chuyện gì đó, hay hơn nữa là muốn làm to chuyện lên. Theo lời Clifford phân trần trên tờ Financial Times rằng “Ngày nay, các cô gái trẻ thường đi hộp đêm với mục đích nhất định chẳng hạn như đánh giá chàng cầu thủ này có giá trị X, chàng cầu thủ kia có giá trị Y. Khi ở văn phòng, tôi thường nhận được những cú điện thoại từ các cô hỏi thẳng rằng ‘Nếu như phải chọn giữa giá trị X và Y thì những cầu thủ nào đình đám nhất?’ Thời buổi bây giờ thực dụng đến vậy đấy.” Với địa vị như vậy, Clifford nghiễm nhiên được hưởng 20% lợi nhuận của doanh số báo bán ra.

Thỉnh thoảng các báo cũng thực hiện những việc có mục đích cao cả hơn hay một thứ gì đó tương tự vậy: Họ theo dõi những công chức nhà nước. Mục đích của những sự công kích này chẳng phải để cải thiện thêm cho chính sách hoạch định gì đâu, mà chỉ nhằm đánh sập những tư tưởng mộ đạo chớm nở. Đến khi John Major lên làm thủ tướng Anh vào năm 1990 thì báo giới bắt đầu ít có cơ hội hoành hành. Trong hội nghị thường niên của đảng Bảo Thủ do Major tổ chức năm 1993, chính phủ phải cố gắng hết sức để làm giảm sự chú ý của công chúng về sự suy thoái và mở chiến dịch “Trở về nguồn cội”. Ngoài mặt việc này có vẻ nhấn mạnh về giáo dục, nhưng thông điệp và theo thông tin sau cánh gà thì nêu rất rõ: Đảng Bảo Thủ muốn khôi phục lại giá trị của gia đình ở Anh.

Chiến dịch “Trở về nguồn cội” này lại vô tình mở cửa cho giới báo chí soi mói vào đời tư của các chính trị gia đảng Bảo Thủ. Hậu quả tất yếu là các vụ bê bối tình dục nhanh chóng bị phơi bày. Stephen Milligan, ủy viên Quốc hội, được phát hiện đã chết tại gia trong tình trạng đang mang vớ phụ nữ và bao ny-lon trùm đầu, bằng chứng rõ ràng việc bắt chước theo mộthành động thủ dâm. Bá tước Caithness, từng là thứ trưởng, từ chức sau khi người ta điều tra được cái chết của vợ ông có liên quan đến việc ông ngoại tình với thư ký cũ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Tim Yeo thừa nhận có con ngoài giá thú với người tình của mình, giờ đây ông sống bằng nhuận bút viết bài cho chuyên mục đánh gôn trên báo. Bộ trưởng Bộ Cầu đường Stephen Morris bị phát hiện có đến 5 tình nhân bên ngoài (“Vâng, vâng, vâng, vâng, vâng thưa Bộ trưởng”, Tờ Daily Telegraph châm biếm đến 5 chữ Vâng thay vì 1 chữ Vâng trong chương trình hài hước “Vâng thưa Bộ trưởng” trên truyền hình.) Thư ký Giáo hội David Mellor từ chức sau khi cô nhân tình là diễn viên nghiệp dư Antonia de Sancha lên mặt báo kể rõ ông có sở thích ngậm mút ngón chân cái của cô khi cô ta bận chiếc áo thun của Chelsea – đội bóng yêu thích của ông ấy. Không lâu sau, cả nước châm biếm bằng cách đổi tên chiến dịch “Trở về nguồn cội” của đảng Bảo Thủ thành “Mời về Nhà tôi.”

Ngay cả đến John Major cũng có vết nhơ, mặc dù dân chúng gán cho ông biệt danh là “tên xám xịt” vì ông quá đần độn và từng bị châm biếm trên chương trình truyền hình “Hình ảnh đáng phỉ nhổ” với hình tượng một chú rối màu xám xịt ngồi ăn đậu cùng vợ mình. Bê bối của ông ta bị phát hiện khi nhật ký của Edwina Currie, cựu Bộ trưởng Bộ Sức khỏe, bị phơi bày, trong đó ghi rõ chuyện quan hệ gian díu suốt 4 năm trời với Major trong những năm 80.

Tôi hẹn gặp Currie ở London tại một nhà hàng gần Trạm xe điện Victoria để tìm hiểu về những bài báo lá cải của Anh và văn hóa tình dục nó đề cập tới. Currie hiện nay đã 59 tuổi, bà không những từng dính líu đến một vụ bê bối tình dục có liên quan đến thủ tướng mà còn từng mất ghế quốc hội vào năm 1997, từ đó bà bắt đầu sự nghiệp viết tiểu thuyết về các vụ xì-căng-đan tình dục của giới chính trị. Currie không phải thuộc tuýp các bông hồng e lệ của nước Anh, bà có thân hình nhỏ nhắn với cặp chân mày nâu đậm và mái tóc dày hung đỏ. Đặc biệt, bà ăn nói rất lưu loát và cực kì kiên định.

“Một trong những giá trị đáng quý của người Anh là sự nhã nhặn, vì vậy một người tốt sẽ không đi tọc mạch khắp nơi. Do đó một khi phát hiện ai đó có chuyện gì, giới báo chí sẽ cực kì phấn khích và theo đuổi người đó trong nhiều tuần để điều tra đến cùng, rốt cuộc họ sẽ hiểu rõ về người ấy còn hơn anh ta.”

Bà bảo người Mỹ thần tượng hóa các vị lãnh đạo quá mức nên sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra đời sống cá nhân bê bối của họ. Trong khi đó, người Anh lại thích nhìn thấy các vị anh hùng của mình trải qua thăng trầm khổ nạn và tin rằng luôn có vài vết nhơ sau những hình ảnh sạch bóng như gương mà các vị ấy bộc lộ ra ngoài. Vì vậy, một khi sự thật không xấu như vậy thì họ lại đâm ra thất vọng.

“Nói về người Mỹ, tôi nghĩ họ gây ấn tượng mạnh với chúng ta như những đứa trẻ vô tư: tràn đầy năng lượng, sức sống và tính ngựa non háu đá nhưng thực chất lại không biết đá vào đâu. Người châu Âu thì giống kiểu chững chạc hơn, tinh tế, điềm đạm và hơi vô cảm. Do đó, khi một chính trị gia Anh nào đứng lên hô hào rằng ‘trở về nguồn cội, về với giá trị thật của gia đình thôi nào,’ thì dân chúng sẽ đáp lại rằng, ‘Được thôi, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này, nhưng phải xem lại chiều Chủ nhật rồi ông đã làm cái trò gì đã.’”

Khi xếp bên cạnh những câu chuyện mang tính màn bạc của các nữ nghệ sĩ và các ngôi sáo bóng đá thì chuyện vụng trộm của Currie và Major gần gũi với đời thường hơn nhiều. Vào những năm 80 khi cả hai đều nằm trong làn sóng các nghị sĩ trẻ thuộc phe Bảo Thủ đang trỗi dậy tranh giành quyền lực trong Cuộc Cách mạng Thatcher. Cả hai đều thuộc tầng lớp lịch thiệp và cùng chí hướng lật đổ sự thống trị của đám cầm quyền hủ lậu thuộc đảng Bảo Thủ. Currie bảo, “Chúng tôi có nhiều điểm và mục đích chung và kết thân với nhau”, từ đó họ trở thành đồng đảng mưu phản cùng nhau.

Khi họ gặp gỡ trong căn hộ gần Tòa nhà Quốc hội, Major luôn giữ bên mình chiếc phong bì hành chính màu nâu để làm cớ thanh minh nếu bị ai bắt gặp. Lúc Currie than thở về những khó khăn trong con đường chính trị của bà thì chồng bà chỉ biết khuyên bà từ bỏ, nhưng Major thì luôn ủng hộ và cùng bà chiến đấu cùng chiến tuyến. Vì vậy đối với bà “Từ mối quan hệ cực kì khắng khít và bền vững ấy mình sẽ nhận được rất nhiều sự động viên, tình bạn và cả tình yêu nữa.”

Currie cho biết bà kết thúc mối quan hệ này vào năm 1988 khi cả hai đều đạt được vị trí nhất định, Currie trở thành Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và Major lên làm Tổng Thư ký Kho bạc quốc gia. Trong nhật ký của mình, bà ca thán rằng chính sự thành công đã làm ông ta thay đổi. “Khoảng thời gian tuyệt vời nhất là lúc ông ta đang chán nản cùng cực, đang trốn tránh bản thân mình và hoàn toàn tuyệt vọng; lúc ấy ông ta kể cho tôi mọi thứ về gia đình, những chuyện trong quá khứ, về chuyện không có việc làm, về chuyện suýt chết trong tai nạn… nói chung là tất cả những điều thầm kín nhất mà bình thường chỉ giữ trong lòng…”

Khi Major được bầu làm Thủ tướng vào năm 1990, Currie mong đợi ông ta sẽ cho bà phục chức Bộ trưởng hoàn toàn vì khả năng của bà chứ không phải vì mối quan hệ tình cảm của họ nhưng ông ta đã không thực hiện điều đó. (“Rất khó để lãng quên một người mình vừa chung chăn gối cách đây mới 18 tháng.”) Sau đó Currie theo dõi cuộc bùng nổ chính trị dẫn tới chiến dịch “Trở về nguồn cội”, lúc đó bà biết rằng “giá trị gia đình” của Major đang bị đe dọa và bà có thể một tay làm sụp đổ cả chính quyền này.

Đó chính là lúc mối quan hệ trên mức tình bạn của Currie và Major chuẩn bị trở thành đề tài nóng bỏng cho giới phóng viên các tờ báo khổ nhỏ trong tương lai, và Currie biết rằng đối với nền văn hóa tình dục của Anh thì một sự biến đổi lớn là khó có thể tránh khỏi. “Tôi biết rằng mình sớm muộn cũng sẽ nói ra mà thôi. Khi dính vào một thứ quan trọng như ngoại tình với một người và người đó trở thành Thủ tướng thì bạn biết rằng nó không phải là thông tin riêng tư của mình nữa. Một lúc nào đó bạn sẽ phơi bày mọi thứ ra ánh sáng.” Currie đợi cho đến khi đảng Bảo Thủ và Major mất quyền lực và bản thân bà cũng chính thức ly dị chồng. Vào năm 2002, tờ Times công bố những trích dẫn trong cuốn nhật ký của bà. Nhờ việc tiết lộ chuyện phòng the này, Currie trở thành nhân vật nổi tiếng. Khi tôi ngồi phỏng vấn bà thì rất nhiều phụ nữ lại gần và bảo “bà thật sự là một nguồn cảm hứng”.

Giống như dân Chicago, người Anh không nhầm lẫn văn hóa tình dục của mình. Văn hóa tình dục được tạo ra bởi các tờ báo lá cải chỉ là phần tố phụ cho cuộc sống thật. Không ai sống dựa vào những quy luật kì quái của nó cả vì họ không phải là những chính trị gia hay những ngôi sao truyền hình thực tế. Giống như Edwina Currie, những người đó cho rằng bất cứ chuyện phòng the nào của họ cũng có thể trở thành đề tài nóng bỏng của xã hội.

Mỹ có cả một diễn đàn dành riêng cho mọi người thảo luận và soi xét về chuyện ngoại tình hằng ngày. Nhưng không giống như ở Anh, diễn đàn ở Mỹ lại hành xử khác với thế hệ trước. Tôi gọi nó là “liên hợp kỹ nghệ hôn nhân.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.