Học Từ Thất Bại

10 Trải nghiệm xấu: Nhận thức của Học hỏi



Nếu như vụ khẩu súng ở sân bay là sai lầm ngớ ngẩn duy nhất tôi từng làm trong đời thì quá tuyệt. Đáng tiếc, sự thực không như vậy. Đó là lần tồi tệ nhất, nhưng tôi còn nhiều lần hành xử ngốc nghếch khác.

Một vụ khác từng xảy ra năm 2000. Lúc đó, tôi đang viết cuốn 17 Quy tắc không thể chối cãi khi làm việc nhóm (The 17 Indisputable Laws of Teamwork). Khoảng một tháng trước khi tới hạn nộp bản thảo, tôi có lịch đi diễn thuyết 2 tuần tại châu Phi. Đây là cơ hội để hoàn thành việc viết sách, tôi nghĩ vậy. Và đúng là thế. Tôi vẫn nhớ cảm giác thỏa mãn tại thác Victoria khi hoàn thành cuốn sách, ngay sát ngày tôi trở lại Hoa Kỳ. Với cảm giác tuyệt vời của sự mãn nguyện khi hoàn thành, tôi cất bản thảo vào cặp và về nhà.

Khi về đến Hoa Kỳ, cậu con rể Steve đón tôi tại sân bay Atlanta. Steve sẽ lái xe thẳng tới Highlands, North Carolina vì Margaret và Elizabeth, con gái tôi – vợ của Steve, đang ở đó đợi chúng tôi. Chuyến bay dài khiến tôi cảm thấy đói. Chúng tôi dừng lại kiếm ít đồ ăn Mexico trên đường rời Atlanta, và rồi chúng tôi khởi hành.

Khi Steve lái xe, tôi ngồi ở ghế sau và chuẩn bị ăn, nhưng lại làm rơi cái nĩa. Tôi cố cúi xuống nhặt, nhưng không được. “Steve, dừng lại một chút được không?”, Tôi nói. Đã quen với tật xấu này của tôi, Steve dừng lại bên lề đường để tôi bắt đầu công cuộc tìm kiếm. Tôi bước ra khỏi xe, nhìn xung quanh, nhưng vẫn không tìm được. Cuối cùng, tôi nhấc cái cặp vẫn đặt cạnh mình sang chỗ khác, và cái nĩa ở đó. Tuyệt vời! Ăn thôi! Tôi vào lại xe và chúng tôi khởi hành.

Ôi không!

Khoảng 20 phút sau, sau khi ăn xong, tôi nhìn xung quanh và hỏi: “Cái cặp của ba đâu?”. Lúc đó tôi mới chợt nhớ ra mình đã đặt cái cặp ở bên đường khi tìm nĩa. Và tôi vẫn chưa để nó lại vào trongxe!

Mất cái cặp đã đủ tệ hại rồi, nhưng bạn phải hiểu rằng tôi không dùng máy tính khi viết. Tôi viết tất cả lên bản ghi chép tay với bút chì bốn màu và vẽ vời các trích dẫn, hình ảnh minh họa lên giấy. Không có bản dự phòng. Chỉ có một bản duy nhất và nó tiêu tốn hàng tháng làm việc của tôi.

Cho đến khi tôi nhận ra mình đã làm gì, chúng tôi đã đi được 20 dặm. Chúng tôi quay lại ngay lúc đó. Trong lúc quay lại, tôi gọi cho Linda – trợ lý của tôi. Cô ấy sống cách chỗ tôi để bản thảo khoảng năm dặm, và có thể tới đó nhanh hơn.

Một vài phút sau, chuông điện thoại kêu. Tôi trả lời với hy vọng ngập tràn, nhưng tim tôi như rụng xuống khi được Linda thông báo rằng cô không thấy cái cặp đâu cả! Khi Steve và tôi đến nơi, Linda đang ở đó. Cô ấy chắc chắn đã tìm đúng chỗ, nhưng không có dấu hiệu nào của cái cặp. Tôi thấy toàn thân rã rời.

Tôi để ý thấy có vài cửa tiệm gần đó và chúng tôi tới hỏi từng của hàng xem có ai nhặt cái cặp và mang tới đó không. Thật không may. Cái cặp và bản thảo đã biến mất!

Trong nhiều ngày sau, lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Tôi cảm thấy:

 

  • Ngu ngốc: Tôi tự hỏi làm thế nào mà một người đủ thông minh để viết một cuốn sách lại đủ ngu ngốc để vứt nó ở bên đường.
  • Lo âu: Việc tìm thấy cái cặp là vô vọng, nên tôi đã dành nhiều giờ viết lại tất cả những gì có thể nhớ được trong bản thảo. Sau vài ngày, tôi kết luận mình có thể viết lại cuốn sách đó, nhưng sẽ phải mất ít nhất sáu tháng. Và vì lúc đó tâm trạng tôi rất tệ, tôi cảm thấy chắc chắn rằng nó sẽ không được hay như bản đầu tiên.
  • Áp lực: Không có cách nào để kịp thời hạn của nhà xuất bản. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian. Giá mà tôi đã làm một bản dự phòng.
  • Tuyệt vọng: Tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân. Nếu tôi không thể viết lại cuốn sách này thì sao? Tôi tự hỏi.

Lúc đó, tôi nhớ tới bài thơ Miền đất Bắt đầu lại (The land of Beginning Again) của Louisa Fletcher Tarkington:

Tôi ước rằng có một nơi tuyệt vời

Gọi là Miền đất Bắt đầu lại

Nơi tất cả lỗi lầm và sầu muộn,

Và tất cả nỗi thống khổ ích kỷ đáng thương

Sẽ bị bỏ lại, như chiếc áo khoác cũ treo ngoàicửa,

Không bao giờ phải mặc lại.

Khi tôi cảm thấy chán nản, Linda lại không hề nản chí. Cô ấy gọi tới trụ sở cảnh sát địa phương để kiểm tra xem họ có nhận được cái cặp bị thất lạc hay không. Tới ngày thứ tư, Linda đã gặp may. Cái cặp được chuyển tới đồn cảnh sát. Hơn thế nữa, mọi thứ vẫn ở đó – bao gồm cả bản thảo. Tất cả chúng tôi đều vui mừng, cuốn sách được xuất bản, mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, tới tận bây giờ, bất cứ khi nào cầm cuốn 17 Quy tắc không thể chối cãi khi làm việc nhóm (The 17 Indisputable Laws of Teamwork), tôi lại nghĩ về trải nghiệm xấu đã qua và bài học mà mình có được.

Biến mất mát thành nhận thức

Hiển nhiên là không ai muốn có trải nghiệm xấu cả. Nhưng sự thực là các trải nghiệm tiêu cực lại có tác dụng tích cực, nếu chúng ta sẵn lòng tiếp nhận. Nếu bạn có một trải nghiệm xấu trong tương lai, hãy để nó giúp bạn:

1. Chấp nhận rằng bạn cũng chỉ là con người

Cho dù cố gắng thế nào, tài năng ra sao, các tiêu chuẩn có cao đến đâu, chúng ta vẫn sẽ mắc sai lầm. Vì sao? Vì chúng ta là con người. Không có ai hoàn hảo, và khi chúng ta có trải nghiệm xấu, chúng ta phải cho phép điều đó để nhắc nhở bản thân rằng chúng ta cần thừa nhận sự không hoàn hảo trong mỗi người.

Tôi từng đọc một bài báo của Larry Libby viết về Tổng thống George H. W. Bush. Bài báo nhắc nhở tôi rằng mỗi người đều có một ngày tồi tệ, dù là tổng thống. Libby viết:

Ông mong chờ một khoảnh khắc sáng chói duy nhất. Một hành động quyết định trong sự nghiệp dài được ngợi ca của mình. Đó là một bữa tối trọng thể tại Tokyo. Các tướng quân chính trị và kinh tế của Nhật Bản ngồi quanh một chiếc bàn lấp lánh lụa trắng, đồ dùng bằng vàng và hoa trang trí lộng lẫy. Các thế lực kinh doanh từ Hoa Kỳ cũng ở đó, lặng lẽ giúp đỡ lãnh đạo của họ ném trả tất cả những nụ cười chiếu cố vào mặt những người chủ nhà. Giới truyền thông bu lấy phía sau hội trường, microphone chĩa ra, camera ghi hình quay lia lịa. Vấn đề là, cả sáng nay trong người ông cảm thấy hơi kỳ lạ. Một chút choáng váng. Một chút run rẩy. Nhưng đây là một trong số những lần mà nhu cầu cá nhân phải bị gạt sang một bên. Những buổi gặp mặt này – ngay bữa tối này – có ý nghĩa rất lớn với nền thương mại của Hoa Kỳ và kinh tế thế giới.

Ông chỉ cần đứng ở đỉnh cao nhất, chỉ cần tạo một ấn tượng chỉ huy. Ông mới vừa ăn xong món thứ hai – cá hồi sống và trứng cá muối – và đang nhìn chằm chằm đầy nghi ngại vào món thứ ba – thịt bò nướng sốt tiêu. Ông quay sang trái, gật đầu với vị chủ nhà đang mỉm cười – Thủ tướng Kiichi Miyazawa. Rồi ông nôn vào lòng Thủ tướng và ngã ra sàn. Khi phu nhân, các nhân viên an ninh và bác sỹ riêng hoảng sợ quỳ lên sàn nhà cạnh ông, ông rên rỉ: “Hãy đẩy tôi vào dưới bàn cho đến khi bữa tối kết thúc”. Nằm đó trên tấm thảm phương đông cao cấp, Tổng thống George Bush có thể đang nghĩ về cuốn băng ghi hình. Ông có thể hình dung ra CNN đang phát lại toàn bộ sự việc. Phát đi phát lại. Trong hầu hết thời gian. Quay chậm. Đầy màu sắc. Và ông đã đúng.

Một lúc sau, khi Trợ lý Báo chí Marlin Fitzwater đứng trước đám truyền thông hỗn loạn phương Tây, ông phải nói ra điều đã trở nên hiển nhiên với mọi người.

“Tổng thống,” ông phát biểu, “cũng là một con người. Và cũng bị cúm giống như những người khác.”

Khi bạn có một trải nghiệm xấu, tôi hy vọng bạn sẽ tự khoan dung cho bản thân ở mức nào đó – cho dù nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn hay do lỗi của bạn. Bạn chỉ là một con người và bạn không nên kỳ vọng sự hoàn hảo ở bản thân.

2. Học cách mỉm cười với bản thân và cuộc sống

 Tiếng cười giống như việc thay tã cho em bé – nó không giải quyết vĩnh viễn vấn đề, nhưng nó khiến mọi thứ trở nên chấp nhận được trong một khoảng thời gian.   

Tôi phát hiện ra rằng nếu tôi sẵn lòng nhìn nhận sự hài hước trong trải nghiệm xấu của mình, tôi sẽ không bao giờ thiếu cái để cười. Liệu cười có thể khắc phục mọi thứ? Có thể không. Nhưng nó có tác dụng. Tiếng cười giống như việc thay tã cho em bé – nó không giải quyết vĩnh viễn vấn đề, nhưng nó khiến mọi thứ trở nên chấp nhận được trong một khoảng thời gian.

Một trong số những câu chuyện ưa thích của tôi liên quan tới trải nghiệm xấu kể về một người đàn ông đặt hàng gửi hoa chúc mừng người bạn doanh nhân vào ngày khai trương của anh ta. Tuy nhiên, cửa hàng hoa đã xử lý ẩu, và doanh nhân đó nhận được một bó hoa vốn chỉ dành cho đám tang. Nó được đính kèm một tấm thiệp ghi rằng: “Xin gửi gắm sự cảm thông sâu sắc của tôi trong thời điểm đau buồn này”.

Khi anh ta gọi điện cho bạn để chúc may mắn, người doanh nhân đó vô cùng bối rối. “Thế quái nào mà anh lại tặng tôi hoa chia buồn?” người doanh nhân hỏi.

Người tặng hoa ngay lập tức yêu cầu người bán hoa đưa ra lời giải thích.

“Tôi thực sự xin lỗi về sự nhầm lẫn này”, người bán hoa nói, hiển nhiên rất đau khổ, “nhưng tôi hy vọng ông thông cảm. Tình hình của ông cũng không tệ hơn người đang ở chỗ nhà tang lễ đâu. Những người thân đó nhận được hoa của ông cùng với tấm thiệp “Dành tặng anh những lời chúc tốt lành nhất ở vị trí mới”.

Tổng thống Abraham Lincoln, từng lãnh đạo Hoa Kỳ qua những thời khắc đen tối nhất, nổi tiếng với việc tìm cách cười chính mình và những tình huống khó khăn phải đối mặt. Ông bị chỉ trích vì việc này, nhưng không vì vậy mà ông dừng lại. Phát biểu trước một nhóm các nhà phê bình, ông nói: “Thưa các vị, tại sao các vị không cười? Với sự căng thẳng sợ hãi tôi phải chịu đựng cả ngày lẫn đêm, nếu không cười được, tôi sẽ chết mất.”

Đôi khi, rất khó để tìm thấy sự hài hước trong một trải nghiệm khó khăn. Tôi thường tự nhủ rằng: “Hôm nay chẳng vui vẻ gì, nhưng ngày mai có lẽ sẽ khác”. Đó là trường hợp tôi mang khẩu súng tới sân bay. Hôm đó, tôi vô cùng xấu hổ và nhục nhã. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi thấy rằng hành động của mình thật là hài hước và phi lý. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều nếu bạn tìm cách để cười khi phải đối mặt với trải nghiệm xấu.

3. Duy trì quan điểm đúng đắn

Khi bạn có một trải nghiệm xấu, trong số những câu sau đây, câu nào đại diện cho suy nghĩ của bạn?

 

  • Tôi chưa bao giờ muốn thực hiện công việc đó ngay từ đầu, ai quan tâm chứ?
  • Tôi là một sai lầm, cuộc đời tôi thế là tiêu rồi.
  • Tôi muốn từ bỏ và không bao giờ thử lại nữa.
  • Tôi đang có thêm kinh nghiệm từ sai lầm của mình; tôi tự hỏi liệu có ai giúp được mình không.
  • Tôi đã biết được ba cách không hiệu quả, tôi sẽ thử lại lần nữa.

 “Sai lầm gây đau đớn khi chúng xảy ra, nhưng nhiều năm sau, một bộ sưu tập những sai lầm sẽ được gọi là kinh nghiệm.”

− Denis Waitley   

Câu trả lời sẽ cho bạn thấy rõ hơn về quan điểm của mình, chứ không phải trải nghiệm xấu. Đó là lý do vì sao các phản ứng cho cùng một trải nghiệm xấu có thể rất khác nhau.

Tác giả kiêm diễn giả Denis Waitley nói rằng: “Sai lầm gây đau đớn khi chúng xảy ra, nhưng nhiều năm sau, một bộ sưu tập những sai lầm được gọi là kinh nghiệm.” Thấy được khó khăn là kinh nghiệm chính là một vấn đề của quan điểm. Nó giống như sự khác biệt khi đi ra biển lúc bạn còn nhỏ và lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, những cơn sóng thật khổng lồ, và bạn sợ rằng chúng sẽ đè bẹp bạn.

Khi đối mặt với khó khăn, việc duy trì quan điểm không hề dễ dàng, nhưng rất đáng giá để đấu tranh. Khi bạn làm việc để duy trì quan điểm đúng đắn, hãy ghi nhớ ba điều sau trong đầu.

Đừng đặt giá trị bản thân vào một trải nghiệm xấu

Bạn không phải là kết quả lao động của mình. Và bạn không cần phải định nghĩa bản thân theo những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Vì vậy đừng đặt hình ảnh của mình vào những điều đó, mà hãy hiểu và chấp nhận giá trị của mình như là một con người. Nếu bạn thất bại, đừng bao giờ tự nhủ: “Tôi thật thất bại”. Thay vào đó, hãy giữ quan điểm và nói rằng: “Tôi có thể lỡ cơ hội đó, nhưng tôi vẫn ổn. Tôi vẫn có thể là người chiến thắng!”

Đừng hối tiếc cho bản thân

Một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là đánh mất quan điểm khi bắt đầu hối tiếc cho bản thân. Được rồi, nếu có trải nghiệm xấu, bạn có thể thấy hối tiếc cho chính mình trong 24 giờ, nhưng sau đó phải tự nâng mình dậy và tiếp tục. Vì nếu bạn đắm mình vào đó, bạn sẽ chỉ gặp khó khăn mà thôi.

Bác sỹ tâm thần học Frederick Flach đề cập trong cuốn Sức bật(Resilience) của mình rằng những người tồn tại trong trải nghiệm xấu không để những điều tiêu cực định hình cuộc sống của họ, và họ không đắm chìm trong hối tiếc. Họ không tin những trải nghiệm xấu đó là điều tồi tệ nhất trên đời. Thay vào đó, họ cho rằng Những điều xảy ra với tôi có thể xấu, nhưng với người khác còn tồi tệ hơn. Tôi sẽ không kêu ca.

Nếu bạn thấy mình là hậu quả của một trải nghiệm xấu, hãy cố nhớ rằng nếu bạn vẫn hít thở được, sự việc đáng lẽ còn có thể tồi tệ hơn. Hãy cố tập trung vào điều tốt mà bạn có thể thực hiện trong lúc khó khăn. Vì với trải nghiệm có được, bạn thậm chí có thể giúp những người khác từng trải qua khó khăn tương tự.

Hãy coi sai lầm là một quá trình để học hỏi và tiến bộ

Khi chúng ta sai lầm hoặc có trải nghiệm xấu, chúng ta cần học hỏi các nhà khoa học và nhà phát minh. Khi nghiên cứu của họ không thành công, họ gọi đó là một thí nghiệm không hiệu quả, một giả thiết, hoặc là thu thập dữ liệu. Họ giữ quan điểm của mình, không xem xét nó với quan điểm cá nhân, học hỏi từ nó, và tận dụng nó cho thành công trong tương lai. Thật là một cách tuyệt vời để nhìn nhận sự việc.

 “Đôi khi bạn sẽ thất bại. Lúc đó, hãy thua một cách xứng đáng.”

− Casey Stengel   

Bác sỹ tâm lý học Joyce Brothers quả quyết rằng: “Người yêu thành công phải học cách nhìn nhận sai lầm là một phần có lợi và không thể tránh được của quá trình đi tới thành công.” Hoặc nói cách khác, như người quản lý đội bóng chày lâu năm Casey Stengel từng nói: “Đôi khi bạn sẽ thất bại. Lúc đó, hãy thua một cách xứng đáng.”

4. Đừng từ bỏ

Vận động viên bơi lội Eric Shanteau từng gọi những vòng đấu loại môn bơi để được thi đấu tại Olympic của Hoa Kỳ năm 2004 là “trải nghiệm khủng khiếp nhất trong đời tôi”. Đó là một lời tuyên bố hùng hồn, khi mà anh được chẩn đoán ung thư vào năm 2008. Điều gì khiến những lần thi chọn đội tuyển Olympic đó khó khăn như vậy? Anh về thứ ba, và chỉ hai vị trí đầu tiên được chọn vào đội tuyển Olympic. Trong thực tế, điều này xảy ra hai lần. Anh mất vị trí thứ hai ở cự ly 400 mét cá nhân với chỉ 0,99 giây và 200 mét cá nhân với chỉ 0,34 giây. Shanteau nhớ lại:

Phản ứng ban đầu là giận dữ. Lúc đó tôi đang đi xuống sàn trong tâm trạng cực kỳ thất vọng. Bạn thấy một mục tiêu dài hạn trượt khỏi tầm tay trong 5 mét cuối và nó vô cùng tàn bạo. Rất, rất khó khăn. Tôi không muốn thấy bất kỳ thứ gì liên quan tới môn thể thao này trong bảy tuần sau đó. Về đích thứ ba trong cuộc thi đó cũng chẳng khác gì về bét.

Anh đã muốn từ bỏ, nhưng lại không làm vậy. Anh trở lại bể bơi và tập luyện thêm bốn năm. Thành quả là, vào năm 2008, anh vào đội tuyển ở nội dung 200 mét bơi ếch. Mặc dù không đạt được huy chương tại Bắc Kinh, anh đã bơi hết sức mình. Anh tiếp tục luyện tập và trở lại đại hội Olympic 2012 ở London. Anh đoạt huy chương vàng với kiểu bơi ếch ở nội dung 400 mét tiếp sức hỗn hợp.

Shanteau biết gì về trải nghiệm xấu mà phần lớn mọi người không biết? Anh biết rằng:

 

  • Sai lầm là cái giá của việc tìm kiếm thách thức mới.
  • 90% những người sai lầm không thực sự bị đánh bại, đơn giản là họ từ bỏ.
  • Có hai loại người liên quan tới thất bại: người ở dạng lỏng, họ rơi xuống đáy, tan ra, và ở lại dưới đáy; và người đàn hồi, họ đập vào đáy, kết hợp và bật ngược trở lại.
  • Thành công nằm ở nỗ lực bỏ ra; thất bại nghĩa là chưa bao giờ cố gắng.
  • Phần lớn những người thất bại có thói quen bào chữa.

Nếu muốn thành công trong cuộc sống, bạn không được từ bỏ.

Tác giả kiêm diễn giả Og Mandino – tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn với tôi – từng nói rằng: “Bất cứ khi nào bạn mắc sai lầm hoặc bị cuộc sống đánh ngã, đừng nhìn lại quá lâu. Sai lầm là cách thức cuộc sống dạy bảo bạn. Khả năng thường xuyên mắc sai lầm ngớ ngẩn của bạn không thể tách rời khả năng đạt được mục tiêu của bạn. Không ai luôn chiến thắng, và sai lầm mà bạn mắc phải chỉ là một phần trong quá trình trưởng thành. Hãy thoát khỏi những sai lầm ngớ ngẩn đó. Làm sao bạn có thể biết được hạn chế của mình mà không có một sai lầm ngẫu nhiên?” Ông nói tiếp: “Rồi sẽ tới lượt bạn.” Thật là một lời khuyên tuyệt vời!

5. Đừng để trải nghiệm xấu trở thành những trải nghiệm tồi tệ hơn

Trở lại thời điểm mà cách duy nhất để xem thể thao là trên tivi (trừ phi bạn trực tiếp tham dự sự kiện), chương trình hàng đầu lúc đó là ABC’s Wide World of Sports. Trong suốt ba thập kỷ rưỡi, chương trình này được bắt đầu với nhiều hình ảnh thể thao khác nhau và lời giới thiệu “Mang đến cho bạn tin tức thể thao đa dạng trên toàn cầu… sự hồi hộp của chiến thắng… nỗi đau của thất bại.” Sau đó, để minh họa, chương trình luôn phát hình ảnh một vận động viên nhảy trượt tuyết đang lao xuống dốc, và rồi đột nhiên lao vọt lên, xoay tròn, đâm qua cấu trúc hỗ trợ, và sau đó đập lên mặt đất. Giống như một vụ tai nạn khủng khiếp.

Phần lớn mọi người không biết rằng cú rơi đó không phải là một tai nạn bất thường. Anh ta chọn rơi thay vì hoàn thành cú nhảy. Là một vận động viên giàu kinh nghiệm, anh nhận ra rằng đoạn dốc đã phủ băng, anh ta có thể sẽ rơi xuống ở vị trí xa hơn khu dốc hạ cánh và đập xuống đất, điều này có thể sẽ giết chết anh. Nên thay vào đó, anh đã đổi hướng. Thứ trông giống như một tai nạn vô cùng đau đớn thảm khốc hóa ra lại chỉ gây chút đau đầu, trong khi thứ trông có vẻ như một cú nhảy đẹp có thể gây chết người.

Bài học rút ra ở đây là gì? Một trong số những điều tồi tệ hơn cả một trải nghiệm xấu chính là để trải nghiệm xấu đó trở nên tồi tệ hơn – nếu bạn đủ sức để ngăn chặn nó. Làm thế nào để bạn đủ sức nhận biết khi nào thì một trải nghiệm từ xấu trở nên tồi tệ hơn?

Nếu bạn thấy mình đang có trải nghiệm xấu, điều đầu tiên bạn cần cố gắng thực hiện là xác định xem trải nghiệm xấu đó có phải do sự thiếu hiểu biết hay sự ngu dốt. Thiếu hiểu biết nghĩa là bạn không có đủ nhận thức để thực hiện điều đó một cách đúng đắn. Khó mà có thể đổ lỗi cho một người vì điều đó. Ngu dốt là kết quả của việc biết phải làm gì, nhưng không hành động theo sự hiểu biết đó.

Trải nghiệm xấu do thiếu hiểu biết

“Tôi không biết rõ, nên tôi làm như vậy.”

“Tôi không biết rõ, nên tôi không làm như vậy.”

Trải nghiệm xấu do ngu dốt

“Tôi biết rõ, nhưng tôi vẫn làm.”

“Tôi biết rõ, nhưng tôi vẫn không làm.”

Trải nghiệm xấu do thiếu hiểu biết yêu cầu học hỏi. Nếu bạn có tinh thần học hỏi, như đã trao đổi ở Chương 7, bạn không chỉ có thể ngăn trải nghiệm xấu trở nên tồi tệ hơn, mà còn có thể làm cho nó tốt hơn. Mặt khác, trải nghiệm xấu do sự ngu dốt thường do thiếu kỷ luật và lựa chọn cẩu thả. Thay đổi những điều này không chỉ cần tinh thần học hỏi mà còn phải thay đổi hành vi. Nếu bạn không thực hiện những thay đổi này, trải nghiệm xấu sẽ tiếp tục tới và trở nên tồi tệ hơn.

6. Hãy để trải nghiệm xấu đưa bạn tới một trải nghiệm tốt

Mỗi người đều có trải nghiệm xấu trong đời. Nhưng không phải ai cũng hành động để biến trải nghiệm xấu thành tốt. Điều này trở nên khả thi chỉ khi chúng ta biến mất mát thành học hỏi kinh nghiệm. Bạn chỉ cần nhớ rằng những trải nghiệm xấu là xấu chỉ khi chúng ta không học hỏi từ chúng. Và những trải nghiệm tốt gần như luôn là kết quả của những trải nghiệm xấu trước đó.

Tôi là một người sưu tập bút mực lâu năm. Có thể là do trong thực tế tôi dùng bút máy để viết chứ không phải máy tính. Khi tìm kiếm những chiếc bút máy hay ho, tôi tình cờ biết được câu chuyện về một nhân viên bán bảo hiểm trẻ tuổi đã phải mất rất nhiều thời gian để dành được một khách hàng. Cuối cùng, anh ta thành công và thuyết phục được người đàn ông đó và đưa ra một ý tưởng quan trọng.

Nhân viên đó đi tới văn phòng của khách hàng tiềm năng nọ với hợp đồng đã sẵn sàng để ký. Anh ta đặt nó lên bàn của người đàn ông và đưa một chiếc bút máy. Nhưng khi anh ta tháo nắp bút, mực văng ra khắp bản hợp đồng và làm hỏng nó.

Nhân viên đó chuẩn bị bản hợp đồng khác nhanh nhất có thể, nhưng khi anh ta quay lại, cơ hội đã đóng lại. Người đáng-lẽ-sẽ-là khách hàng đã thay đổi quyết định và từ chối thương vụ này với chàng nhân viên.

Anh rất phẫn nộ với cây bút và vấn đề nó gây ra đã khiến anh ta dành thời gian để chế tạo ra một cây bút đáng tin cậy. Chàng nhân viên trẻ đó là Lewis E. Waterman, và công ty của ông đã hoạt động trong ngành sản xuất bút mực chất lượng cao trong 120 năm. Ông không chỉ nắm lấy trải nghiệm xấu và biến nó thành trải nghiệm tốt, mà còn tạo ra một công việc kinh doanh sinh lợi và có uy tín từ nó.

Tôi bắt đầu chương này với câu chuyện về trải nghiệm tồi của tôi, để lạc mất cặp và bản thảo trong đó. Làm thế nào để tôi nắm lấy trải nghiệm xấu đó và làm nó trở nên tốt hơn? Từ hôm đó, tôi quyết định bất kỳ thứ gì tôi viết ra đều sẽ có bản sao đi kèm với bản chính đang giữ. Tôi cũng học được rằng mình nên đưa tất cả những gì mình tạo ra cho Linda, trợ lý của tôi, quản lý ngay khi tôi vừa hoàn thành, cho dù nó là một chương trong cuốn sách hay bài giảng mà tôi đang viết. Và tôi không bao giờ mang một bản thảo hoàn chỉnh trong cặp.

Liệu tôi có làm thất lạc tài liệu viết lách của mình trong tương lai? Có thể. Tôi không cẩn thận cho lắm. Tài liệu mà tôi sẽ thất lạc chỉ có một bản sao duy nhất? Không bao giờ! Đó là nhận thức mà tôi có được từ trải nghiệm xấu.

Trải nghiệm xấu là thuốc kích thích cho thành công

Khi đối mặt trải nghiệm xấu, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng bạn hiếm khi thấy được lợi ích khi bạn đang chịu cảnh khó khăn. Bạn thường có được nhận thức sau khi vượt qua nó. Điều đó chắc chắn đúng với Giuseppe, người được đặt tên theo cha mình, một người nhập cư gốc Ý định cư ở California. Khi sống ở Mỹ, gia đình gọi cậu là Joe. Nhưng người cha lại đặt biệt danh cho cậu ta là: Vô-tích-sự. Tại sao Giuseppe lại bị gọi như vậy? Vì Joe ghét câu cá. Đó là điều tồi tệ đối với cha cậu, vì ông ấy làm nghề đánh cá. Ông ấy yêu việc đánh cá. Và tất cả những người con khác cũng vậy, trừ Joe. Cậu bé không thích ở trên thuyền, mùi cá khiến cậu khó chịu.

Cậu muốn được làm việc trong văn phòng hoặc phụ trách sửa lưới, nhưng bố cậu vì thế mà tức giận và nói rằng cậu vô tích sự.

Joe không ngại lao động vất vả, đi giao báo và đánh giày kiếm tiền cho gia đình, nhưng lại không chịu đánh bắt cá, nên cậu vẫn bị người lớn coi là vô tích sự.

Joe ghét câu cá, nhưng thích bóng rổ. Anh trai cậu thường chơi bóng ở khu đất trống, và Joe thường đi theo anh. Joe chơi giỏi – một kiểu huyền thoại trong số đám bạn cùng chơi. Khi Joe lên mười sáu, cậu quyết định bỏ học làm vận động viên bóng rổ. Khi hoàn thành sự nghiệp bóng rổ, Joe trở thành huyền thoại. Ông được đặt tên thánh là Giuseppe, nhưng cả nước lại biết đến cậu với cái tên Joe DiMaggio, vận động viên toàn diện nhất ở thế hệ đó.

Cha cậu nghĩ gì về chuyện này? Mặc dù ông muốn tất cả con trai tham gia việc kinh doanh của gia đình, cuối cùng ông vẫn tự hào về Joe và trân trọng những gì mà cậu đạt được. Làm sao mà không tự hào cho được? Joe đã nắm lấy trải nghiệm xấu và biến chúng thành trải nghiệm tốt thông qua nhận thức về việc học hỏi.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.