Học Từ Thất Bại
12 Trưởng thành: Giá trị của Học hỏi
Bạn sẽ nhận được gì nếu thực hiện theo tất cả các ý mà tôi thảo luận trong cuốn sách này? Liệu có phải là một hũ vàng ở chân cầu vồng? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn:
- Tu dưỡng khiêm tốn: Tinh thần của học hỏi
- Đối mặt hiện thực: Nền tảng của học hỏi
- Trách nhiệm: Bước đầu tiên của học hỏi
- Tìm kiếm sự cải thiện: Tâm điểm của học hỏi
- Nuôi dưỡng hy vọng: Động cơ của học hỏi
- Phát triển tinh thần ham học: Lộ trình học hỏi
- Vượt qua nghịch cảnh: Chất xúc tác của học hỏi
- Biết cách tận dụng vấn đề: Cơ hội của học hỏi
- Chịu đựng trải nghiệm xấu: Quan điểm của học hỏi
- Nắm bắt sự thay đổi: Cái giá của học hỏi
Chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn có được Trưởng thành – Giá trị của học hỏi!
“Người giỏi là người có được tri thức từ thất bại. Chúng ta nhận được rất ít tri thức từ thành công.”
− William Saroyan
Tôi nói trưởng thành ở đây không phải là tuổi tác. Nhiều người cho rằng trưởng thành là kết quả tất yếu khi nhiều tuổi. Khi gặp một người chưa trưởng thành, người ta thường nói “Vài năm nữa rồi anh ta sẽ trưởng thành.” Không hẳn vậy. Trưởng thành không phải lúc nào cũng đi kèm tuổi tác. Đôi khi, tuổi tác đi một mình! Không, đối với tôi, một người trưởng thành thường học hỏi từ mất mát, có được trí tuệ, và sở hữu tinh thần mạnh mẽ cũng như tâm lý ổn định khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
Tác giả William Saroyan nhận định: “Người giỏi là người có được tri thức từ thất bại. Bạn biết đấy, chúng ta nhận được rất ít tri thức từ thành công.” Thứ mà Saroyan mô tả chính là loại trưởng thành này. Đối với một số người, phẩm chất này có từ rất sớm. Còn một số người khác, nó không bao giờ tồn tại.
Geogre Reedy – trước đây là trợ lý báo chí của Tổng thống Lyndon Johnson – từng thuyết phục tổng thống rằng ông không cần bất kỳ trợ lý nào dưới 40 tuổi và chưa từng chịu đựng thất vọng nào lớn trong đời. Tại sao? Vì họ được cho là chưa đủ trưởng thành để tư vấn cho tổng thống. Những người chưa từng trải qua mất mát lớn thường hay cho rằng họ bất khả xâm phạm. Họ bắt đầu tin rằng bản thân tốt hơn những gì họ thực tế đang có và thường có xu hướng lạm dụng quyền lực. Bất kỳ ai có đóng góp lớn trong cuộc sống đều biết mắc sai lầm là như thế nào.
Fred Smith, người thầy của tôi trong nhiều năm, thường nói rằng: “Tôi không nghĩ Chúa quan tâm tới thành công của chúng ta vì Người có trong sự trưởng thành của chúng ta.” Đó là một lời đánh giá khiêm tốn, nhưng tôi đồng ý với câu nói đó. Sự trưởng thành thường hay có được trong thất bại chứ không phải chiến thắng. Nhưng chúng ta đối mặt với thất bại thế nào mới là vấn đề thực sự. Mọi người lúc nào cũng sợ hãi thất bại, mắc sai lầm và chịu đựng trải nghiệm xấu mà không phát triển sự trưởng thành.
Nguồn gốc của sự trưởng thành
Nếu bạn muốn có được giá trị thực sự của việc học hỏi tới từ sự trưởng thành, hãy ghi nhớ những nguyên tắc sau:
1. Trưởng thành là kết quả của kiếm tìm lợi ích từ thất bại
Trước hết, bạn phải học hỏi từ sai lầm và thất bại. Đó là đề tài chung của cuốn sách này. Học hỏi là điều mà nhà đầu tư Warren Buffet thường làm. Mọi người biết ông là một trong số những người giàu nhất thế giới. Vị chuyên gia cao tuổi này được kính trọng bởi kỹ năng và sự am hiểu về tài chính, nhưng các phẩm chất đó có được nhờ học hỏi từ thất bại. Ông thường nói: “Tôi mắc phải nhiều sai lầm và tôi sẽ còn mắc nhiều sai lầm hơn nữa. Đó là một phần của cuộc chơi. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng những điều đúng đắn sẽ còn lại sau những sai lầm”.
Các sai lầm của Buffet bao gồm việc trả quá nhiều tiền để mua các công ty (Conoco Phillips và USAir), mua lại các doanh nghiệp đang xuống dốc (Blue Chip Stamp), bỏ lỡ các cơ hội lớn (Capital Cities Broadcasting), thuê người điều hành kém và tự điều hành hoạt động trong khi đáng ra không nên làm như vậy. Tuy nhiên một trong số những lý do ông thành công khi đối mặt với thất bại là học hỏi từ những sai lầm chứ không day dứt vì chúng. Tôi cho rằng chìa khóa dẫn tới sự giải thoát khỏi bóng ma của những sai lầm và thất bại trong quá khứ là học được bài học và quên đi chi tiết. Điều đó không chỉ làm tinh thần trở nên mạnh mẽ mà còn giải phóng cảm xúc.
Học hỏi từ sai lầm rất tuyệt vời, nhưng tác dụng sẽ rất nhỏ bé nếu bạn không biết cách biến bài học thành lợi ích. Điều này xảy đến khi bạn đem những gì học được áp dụng vào các hành động trong tương lai. Đó là điều tôi luôn cố thực hiện, dù nó khiến tôi mất nhiều thời gian để học được cách làm. Dưới đây là một vài ví dụ về các khó khăn mà tôi từng đối mặt, chúng đã ảnh hưởng tới tinh thần của tôi như thế nào, và tôi đã cố thay đổi lối tư duy rồi tìm kiếm lợi ích từ trải nghiệm ra sao:
- Khi tôi đã quá sức để viết một bài chú giải vềKinh Thánh: Tôi cảm thấy chán nản, muốn từ bỏ, và tôi tự cho rằng mình mềm yếu. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục thực hiện, nhận được giúp đỡ và có được một số cách thức mới để học hỏi. Hai năm sau, tôi hoàn thành dự án. Lợi ích từ trải nghiệm này: Tôi định nghĩa lại bản thân là một người ngoan cường. Và tôi không bao giờ cho phép các khó khăn của một dự án viết lách ngăn cản tôi hoàn thành nó một lần nữa.
- Khi tôi bị đau tim: Tôi nhận ra rằng mình đang đánh đổi sức khỏe. Tôi tự cho mình là người vô kỷ luật và lo lắng về tương lai của mình. Nhưng tôi cho phép trải nghiệm này thay đổi cách mà tôi ăn uống và luyện tập. Tôi bắt đầu tập bơi mỗi ngày. Lần đầu tiên trong đời tôi định nghĩa lại bản thân là người có kỷ luật về lĩnh vực này. Lợi ích: Tôi đang sống khỏe mạnh mỗi ngày để có thêm vài năm cùng Margaret và con cháu của mình.
- Khi mẹ tôi qua đời: Tôi mất đi người đã cho tôi tình yêu vô bờ bến mỗi ngày trong suốt sáu mươi năm cuộc đời. Tôi mất tinh thần. Tôi thấy mất mát. Bao nhiêu người có được một người như vậy trong đời? Và rồi mất đi! Nhưng rồi tôi nhận ra rằng bà là một món quà, và tôi thấy biết ơn. Lợi ích: Tôi quyết định yêu thương mọi người xung quanh mình hơn nữa.
- Khi tôi mất một triệu đôla từ một quyết định kinh doanh: Tôi thấy chán nản vì phải bán một số khoản đầu tư để bù đắp thiệt hại, và chúng tôi không thể chịu được việc này. Tôi trừng phạt chính mình vì đã quá bất cẩn. Lợi ích: Tôi thực hiện một số thay đổi cần thiết trong quy trình ra quyết định của mình, và cảm thấy khôn ngoan hơn nhờ trải nghiệm này.
Những trải nghiệm then chốt này đã thay đổi tôi. Chúng cho tôi các bài học, và tôi được lợi khi áp dụng các bài học đó. Hồi còn trẻ, tôi từng hiểu sai rằng khi tôi già hơn và có nhiều trải nghiệm, tôi sẽ mắc phải ít sai lầm và chịu ít tổn thất hơn. Điều đó không đúng. Tôi khám phá ra rằng mình vẫn mắc sai lầm và đối mặt với thất bại, nhưng học hỏi nhanh hơn từ những thất bại đó và có thể tiếp tục nhanh chóng hơn xét về mặt tâm lý.
Nếu bạn muốn có được lợi ích từ thất bại và sai lầm, đừng để chúng giam hãm cảm xúc của bạn. Giám đốc ngân hàng kiêm diễn giả Herbert V. Procknow nhận định: “Người chưa bao giờ mắc sai lầm thường nhận lệnh từ một người mắc sai lầm.” Vì sao? Bởi một người có sự nghiệp phát triển phải đối mặt với rủi ro, sai lầm, học hỏi và áp dụng bài học đó để đạt được lợi ích. Hãy quan sát một người thành công, bạn sẽ thấy người đó không coi sai lầm là kẻ thù. Nếu bạn có bất kỳ sự hối hận nào, chúng sẽ giống như điều mà nữ diễn viên Tallulah Bankhead nói: “Nếu tôi có cơ hội sống lại cuộc đời mình, tôi sẽ mắc lại những sai lầm đó, nhưng sớm hơn”.
2. Trưởng thành là kết quả của học hỏi để bồi dưỡng cảm xúc đúng đắn
Nhiều năm trước, tôi tình cờ đọc được một đoạn thơ, mà theo tôi, mô tả chính xác trạng thái của con người.
Hai bản chất đấu tranh trong ngực tôi
Một là xấu xa, một là may mắn.
Cái này tình yêu, cái kia căm thù,
Cái tôi cảm thấy sẽ chiến thắng.
Tôi tin rằng cảm xúc tốt và xấu luôn tồn tại trong mỗi người. Có những người luôn nói rằng chúng ta nên cố gắng loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực khỏi cuộc sống, nhưng tôi chưa bao giờ làm được điều đó. Tôi đã cố, nhưng phát hiện ra rằng đơn giản là không thể. Tuy nhiên, điều tôi có thể làm là trau dồi suy nghĩ tích cực cho tới khi chúng lấn át những suy nghĩ tiêu cực.
Tướng George Patton, chiến binh can đảm của Quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai, được cho là một người vô cùng dũng cảm. Khi một quan chức ca ngợi hành động anh hùng của ông, Patton trả lời như sau: “Thưa ngài, tôi không phải là người dũng cảm. Sự thật là trái tim tôi luôn hèn nhát. Trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ nghe tiếng súng hoặc thấy cảnh đánh nhau mà không sợ hãi. Tôi luôn đổ mồ hôi tay và cảm thấy nghẹn họng.” Làm sao một người hèn nhát lại có thể can đảm như vậy? Ông đã trau dồi những cảm xúc đúng đắn. Hoặc như Patton nói về mình: “Tôi học hỏi từ rất sớm trong đời để không chú ý tới nỗi sợ hãi của bản thân.”
“Trưởng thành là thực hiện điều bạn cần làm, vào thời điểm cần thực hiện, dù cảm xúc của bạn lúc đó như thế nào.”
− Dorm Capers
Tôi luôn cố gắng tự mình trau dồi cảm xúc đúng đắn bằng cách hành động theo cảm xúc mà tôi muốn chiến thắng. Như Mark Twain từng nói: “Mỗi ngày, hãy làm điều gì đó mà bạn không muốn làm.” “Đây là quy tắc vàng để đạt được thói quen thực hiện công việc mà không đau đớn.” Hành động với cảm xúc đúng đắn sẽ đưa bạn tới thành công. Hành động với cảm xúc sai lệch sẽ kéo bạn tới sai lầm.
Tôi từng có dịp ăn trưa với Dom Capers, huấn luyện viên của đội NFL danh tiếng. Đây là một trong số những điều ông đề cập trong buổi nói chuyện, “Trưởng thành là thực hiện điều bạn cần làm, vào thời điểm cần thực hiện, dù cảm xúc của bạn lúc đó như thế nào”. Đó là sự thật. Chìa khóa tới thành công là hành động. Chúng ta luôn muốn đem cảm xúc vào hành động, trong khi thực tế cần biến hành động thành cảm xúc. Nếu thực hiện đúng đắn, chúng ta sẽ có cảm xúc đúng đắn.
3. Trưởng thành là kết quả của học hỏi để phát triển thói quen tốt
Og Mandino, tác giả cuốn Người bán hàngvĩ đại nhất thế giới (The Greatest Salesman in the World) từng nói: “Thực ra, khác biệt duy nhất giữa những người thất bại và thành công nằm ở thói quen của họ.” Hãy đẩy mạnh những cảm xúc đúng đắn trong chúng ta thông qua những hành động tích cực trong một khoảng thời gian dài, chúng ta có thể thực sự hình thành thói quen hành động đúng đắn. Và điều này thường dẫn tới kết quả tích cực. Như nhà thơ John Dryden từng nói: “Chúng ta tạo nên thói quen và thói quen sẽ tạo nên chúng ta.”
Trong cuốn Những bài học lớn nhất của cuộc sống (Life’s Greatest Lessons), Hal Urban viết về sức mạnh của thói quen tốt như sau:
Ý nghĩa ban đầu của thói quen là “áo quần” hoặc “mảnh vải”. Và với những bộ quần áo này, chúng ta mặc thói quen mỗi ngày. Tính cách của mỗi người thực tế là sự tổng hòa của thái độ, thói quen và vẻ bề ngoài. Nói cách khác, tính cách mỗi người là những đặc điểm mà chúng ta được người khác nhìn nhận, những điều trong con người mà ta phản ánh ra bên ngoài. Giống như với quần áo, mọi thói quen đều không có sẵn. Chúng ta không sinh ra cùng quần áo. Chúng ta học hỏi chúng, giống như học hỏi thái độ của bản thân. Chúng phát triển theo thời gian và được củng cố khi thực hiện lặp đi lặp lại.
Thói quen tốt cần kỷ luật và thời gian để phát triển. Urban tiếp tục miêu tả cách thức mà Benjamin Franklin(1) phát triển những thói quen mà ông cho là có lợi cho bản thân. Franklin liệt kê mười ba phẩm chất ông mong muốn có được, xếp hạng theo tầm quan trọng, và mỗi phẩm chất được ghi vào một trang trong cuốn sổ tay của mình. Ông tập trung vào một phẩm chất mỗi tuần, ghi chép vào sổ tay. Theo đúng kế hoạch, ông phát triển được các phẩm chất mà mình ngưỡng mộ, và thay đổi bản thân thành kiểu người mà ông mong muốn.
Những người có sự nghiệp áp lực cao thường sớm có được bài học này, hoặc họ sẽ không đạt được thành công ở mức cao nhất. Ví dụ, đối với môn trượt băng chuyên nghiệp, họ gọi nó là “đang được lập trình”. Khi một vận động viên trượt băng làm theo thường lệ, nếu anh ta mắc sai lầm hoặc bị ngã, anh ta sẽ đứng dậy ngay lập tức và thực hiện chương trình của mình – cho dù anh ta đang thi đấu tại giải Olympics trước những con mắt tinh tường như diều hâu của các vị giám khảo và hàng triệu khán giả truyền hình hay đang tự luyện tập vào sáng sớm. Điều này yêu cầu sự tập trung và thái độ sống trọn cho từng khoảnh khắc cuộc đời. Tại sao lại quan trọng như vậy? Vì nếu muốn thành công ở tầm cao, bạn không thể để thách thức khiến bạn lệch hướng. Bạn cần trau dồi thói quen thực hiện và hoàn thành.
“Bạn chưa thành công? Hãy tiếp tục! Vẫn chưa thành công? Hãy tiếp tục!”
− Fridtjof Nansen
Nếu muốn có được giá trị của học hỏi, chúng ta cần có thói quen thực hiện ở mức độ cao, mưa hay nắng, thành công hay thất bại, bế tắc hay vượt qua. Chúng ta cần chú ý lời khuyên của Fridtjof Nansen, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình: “Bạn chưa thành công? Hãy tiếp tục! Vẫn chưa thành công? Hãy tiếp tục!”
4. Trưởng thành là kết quả của việc học cách hy sinh ngày hôm nay cho thành công của ngày mai
Tôi từng đề cập điều này, nhưng vẫn phải nhắc lại. Giữa thành công và sự sẵn lòng hy sinh của một người có mối quan hệ nhất định. Nhà văn Arthur C. Brooks từng có bài đánh giá trên tờ Wall Street Journal về chủ đề này. Trong đó, Brooks khẳng định rằng: “Một người không thể trì hoãn sự hài lòng trước mắt sẽ có xu hướng thất bại, còn hy sinh chính nó là một phần của thành công trong kinh doanh”. Ông trích dẫn một nghiên cứu từ năm 1972 của nhà tâm lý học tại Stanford, Walter Mischel, về trẻ con và kẹo dẻo. Các nhà nghiên cứu đưa cho bọn trẻ một chiếc kẹo dẻo và nói rằng chúng có thể nhận thêm một cái nữa nếu đợi được 15 phút trước khi ăn cái đầu tiên. Hai phần ba trong số bọn trẻ không thể đợi được.
Điều hấp dẫn nhất của nghiên cứu này chính là điều mà họ khám phá ra sau đó. Khi theo dõi những đứa trẻ để xem cuộc sống của chúng biến chuyển ra sao, họ thấy rằng những đứa trẻ có khả năng trì hoãn sự thèm muốn làm được trung bình hơn 210 điểm trong bài thi SAT, trượt đại học ít hơn, có thu nhập cao hơn và có ít vấn đề về ma túy và rượu hơn.
Để giải thích một số tác động của nghiên cứu này, Brooks viết:
Bằng chứng này còn phát hiện ra rằng những người có thể trì hoãn sự ham muốn nói chung sẽ thành công hơn.
Khi chúng ta nghe kể về những nhà đầu tư thành công, ta cảm thấy như thể họ là những ông vua Midas, chạm vào đâu cũng ra vàng. Một sinh viên trẻ mặt đầy trứng cá mơ mộng về một công ty Internet trong giờ học tẻ nhạt tại đại học Harvard, và ngay trước bữa trưa, cậu đã là tỷ phú. Cuộc sống thực tế lại không như vậy. Steven Rogers, chuyên gia tại Đại học Northwestern, đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư trung bình phải trải qua bốn lần thất bại trước khi đạt được thành công.
Khi được hỏi về thành công sau cùng, các nhà đầu tư lại kể về tầm quan trọng của các thử thách mà họ gặp phải. Khi tôi hỏi một nhà sáng lập công ty đầu tư huyền thoại Charles Schwab về thành công của tập đoàn trị giá 15 tỷ USD của ông, ông đã kể câu chuyện về việc phải đem văn tự thế chấp thứ hai ra khỏi nhà chỉ để làm bảng lương trong những năm đầu.
Tại sao phải chú trọng vào cố gắng? Các nhà đầu tư biết rằng khi họ hy sinh, họ đang học hỏi và tiến bộ, đó chính xác là điều họ cần để tìm được thành công từ chiến tích của mình. Mỗi hy sinh và thỏa mãn được trì hoãn khiến họ khôn ngoan hơn và tốt hơn, cho họ thấy rằng không có gì là miễn phí. Khi thành công sau cùng xuất hiện, họ sẽ không đổi những ngày trước đó cho bất kỳ điều gì, thậm chí cho dù có cảm thấy tệ hại vào lúc đó.
Nếu bạn muốn trở nên trưởng thành và có được giá trị của việc học hỏi, bạn cần học cách từ bỏ một số điều của hôm nay để đạt được lợi ích lớn hơn vào ngày mai.
Sẵn sàng để hy sinh không hề dễ dàng. Về bản chất, con người có xu hướng thích nghi với các thói quen khiến họ cảm thấy thoải mái. Mọi người đều thích thoải mái, tiện nghi, tiêu khiển và có xu hướng muốn trải nghiệm lại chúng. Nếu lặp đi lặp lại việc này, chúng ta có thể bị “nghiện” hoặc buồn chán, và rồi tìm tới những thỏa mãn lớn hơn. Đối với một số người, đây là mục tiêu để theo đuổi cả đời. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề. Một người không thể hy sinh sẽ không bao giờ thuộc về chính mình. Anh ta thuộc về bất kỳ điều gì mà bản thân anh ta không thể từ bỏ. Nếu bạn muốn trở nên trưởng thành và có được giá trị của việc học hỏi, bạn cần học cách từ bỏ một số điều của hôm nay để đạt được lợi ích lớn hơn vào ngày mai.
5. Trưởng thành là kết quả của việc học hỏi để có được sự tôn trọng với bản thân và người khác
Bọn trẻ nhà tôi đã lớn, kết hôn và có gia đình riêng. Nhưng khi chúng còn nhỏ, Margaret và tôi đôi khi phải tìm tới lời khuyên của một người bạn. Chúng tôi đều cảm thấy gánh nặng trong trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, và chúng tôi có được lợi ích từ lời khuyên của cô. Trong những lần thảo luận đó, cô từng mắng tôi rằng: “Anh đang quá tích cực với bọn trẻ, muốn giúp chúng quá nhanh khi chúng đang gặp rắc rối.”
Tôi đã ngạc nhiên bởi câu nói đó và trở nên bảo thủ. “Sao lại có thể quá tích cực được cơ chứ?” Tôi hỏi. “Và tại sao cha mẹ không nên giúp đỡ con mình khi chúng gặp rắc rối?”
Cô ấy biết rằng, đối với tôi, sự nhìn nhận tích cực về giá trị bản thân là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của một người. Cô ấy cũng biết rằng tôi muốn hỗ trợ cho bọn trẻ. Nhưng cô ấy lo lắng rằng tôi đang nuôi dưỡng không đúng cách về lòng tự trọng cho bọn trẻ.
“Nghe này,” cô nói: “Anh có thể bảo bọn trẻ cả ngày rằng chúng rất tuyệt, dù có đúng như vậy hay không, và điều đó có thể khiến chúng cảm thấy vui vẻ. Nhưng rồi chúng sẽ bước ra đời thực với kỳ vọng nhận được sự đối xử tương tự như vậy từ người khác, và chúng sẽ bị chà đạp.” Lời của cô đã cảnh tỉnh tôi. Cô nói tiếp: “Cách tốt nhất để nâng cao lòng tự trọng trong cuộc sống của bọn trẻ là cho chúng công cụ để có thể khiến cuộc sống tốt hơn”.
Lời khuyên của cô được Margaret tán thành. Sự thật là tôi đã muốn che chắn gia đình khỏi những rắc rối. Từ ngày đó, tôi cố hết sức để thay đổi. Tôi nhận ra rằng mình không thể cho bọn trẻ lòng tự trọng. Tôi có thể yêu chúng vô điều kiện nhưng chúng phải tự tìm kiếm lòng tự trọng qua hành động và lựa chọn của mình. (Nhân đây, nếu bạn lớn lên cùng bậc cha mẹ tích cực, hãy biết ơn, nhưng hãy quyết định thực hiện một cách xuất sắc, chịu trách nhiệm về bản thân khi bạn không thành công, và học hỏi từ sai lầm mà không bảo thủ.)
Từ quý trọng nghĩa là “đánh giá cao thứ xứng đáng, giữ lấy với lòng yêu mến sâu sắc, có sự tôn trọng chân thành”. Vì vậy tự trọng nghĩa là “tự tôn trọng”. Nó xuất phát từ nhân cách của chúng ta. Chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân khi đưa ra lựa chọn đúng đắn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong thực tế, nếu thói quen của chúng ta là tích cực khi đối mặt với hoàn cảnh tiêu cực, nó sẽ xây dựng nên nhân cách và lòng tự trọng. Điều này xuất phát từ bên trong mỗi chúng ta. Càng chuẩn bị tốt để đối mặt với khó khăn, chúng ta càng có cơ hội học hỏi và trở nên trưởng thành hơn.
Nhà văn kiêm diễn giả Brian Tracy từng nói: “Tự trọng là danh tiếng của bạn với chính mình.” Nếu bạn muốn nó được vững chắc và lâu dài, bạn cần tích lũy và xác nhận nó từng ngày. Điều này diễn biến từ trong bản thân rồi thể hiện ra ngoài. Và một khi đã vững chắc, các tác động đối nghịch từ bên ngoài sẽ không thể lay chuyển được nó. Bạn sống đúng với cốt lõi bản thân, học hỏi từ sai lầm và tiếp tục tiến lên phía trước.
50 năm học hỏi, con đường gian khó
Trong hơn 50 năm, Gail Borden Jr. chưa từng thành công, dù không thiếu nỗ lực. Sinh năm 1801, tuổi thơ của Borden lớn lên tại New York, Indianna và Mississippi. Ông không nhận được nhiều nền giáo dục chính thống, chỉ tới trường trong hai năm ở tuổi thiếu niên. Ông học nghề khảo sát và vào khoảng năm 25 tuổi, ông trở thành cán bộ khảo sát ở Amite, Mississippi. Ở đó, ông trưởng thành và nỗ lực không ngừng nghỉ, và năm 28 tuổi ông theo cha và anh trai chuyển tới Texas. Trong một thời gian ngắn, ông làm nông trại và chăn nuôi gia súc, nhưng đó cũng không phải việc cuối cùng ông muốn làm. Vì vậy khi có cơ hội thay thế anh trai – một cán bộ khảo sát chính thức, vùng thuộc địa của Stephen F. Austin, có trụ sở ở San Felipe – ông đã nhận vị trí này. Nhưng công việc cũng không kéo dài lâu.
Khi đã ngoài 30, Borden tham gia hợp tác với anh trai và một người khác lập ra một tờ báo – dù không ai trong số họ có kinh nghiệm về báo chí. Họ xuất bản ấn phẩm đầu tiên chỉ vài ngày sau khi cuộc Cách mạng Texas nổ ra. Họ xuất bản danh sách đầu tiên về những người Texas đã chết trong trận chiến Alamo, và họ truyền bá lời kêu gọi “Tưởng nhớ Alamo”.
Trong suốt cuộc Cách mạng Texas, họ chạy trốn khỏi quân đội Mexico với cái máy in của mình, nhưng máy in vẫn bị giữ lại. Bọn lính ném máy in xuống sông Buffalo Bayou. Ngay sau khi cuộc cách mạng kết thúc, Borden thế chấp mảnh đất của mình để mua một chiếc máy in mới. Nhưng do các khó khăn tài chính, cuối cùng ông phải bán cổ phần của mình trong tờ báo.
Đó là lúc Borden sử dụng các mối quan hệ chính trị để đảm bảo một chân trong chính phủ. Sam Houston chỉ định Borden làm nhân viên thu phí hải quan tại Galveston. Dù có được thành công nhất định ở vị trí này, Borden vẫn bị cho ra rìa bởi người kế nhiệm Sam Houston. Vì vậy, ông cố gắng nhúng tay vào bất động sản.
Đối với một số người, trưởng thành tới trễ hơn
Đối với lòng tin của mình, Borden không bao giờ từ bỏ. Ông cho thấy sự bền bỉ tuyệt vời. Nhưng một trong số những chỉ trích mạnh mẽ nhất về ông đó là ông mất đi sự hứng thú với các nỗ lực của mình quá nhanh và sẽ nhào tới điều hứng thú mới. Khi tới tuổi năm mươi, một mức độ trưởng thành cuối cùng có vẻ như đã được thiết lập. Trong những năm 1840, ông bắt đầu sáng chế. Khi được biết về Cơn sốt vàng California(2), ông dành toàn bộ chú ý vào các loại thực phẩm tích lũy để chúng có thể được bảo quản trong một thời gian dài. Borden từng nói: “Tôi có ý định đặt một củ khoai tây vào hộp đựng thuốc, một quả bí ngô vào muỗng canh, và một quả chanh lên đĩa.”
Nỗ lực đầu tiên của Borden có tên là bánh quy thịt. Ông chiết xuất tất cả dinh dưỡng từ thịt bò bằng cách đun sôi. Sau đó, ông lọc chất lỏng này và cô đặc thành một loại si-rô, thứ mà ông trộn với bột mì và nướng thành bích quy khô. Cuối cùng, ông cũng có được bằng sáng chế cho quy trình này và đủ thành công để nhận một hợp đồng sản xuất bánh quy cho Quân đội Hoa Kỳ. Ông cũng nhận được huy chương của Hội đồng thành phố tại triển lãm mang tên Great Exhibition ở London năm 1851. Tuy vậy đóng góp lớn nhất của ông đối với xã hội lại là sản phẩm khác.
Trong chuyến tàu trở về từ Anh Quốc, Borden thấy lũ trẻ bị chết do uống phải sữa nhiễm độc. Ông đã thề tìm cách lọc sữa và bảo quản để sữa trở nên an toàn cho người sử dụng.
Ban đầu, ông tiếp cận công việc này theo cách tương tự như bánh quy thịt. Ông đổ sữa vào ấm đun và đun sôi nước, nhưng quá trình này thất bại. Sữa bị khét. Ông cố thử vài cách khác, nhưng phải cho tới khi nhìn thấy loại đường keo được cô đọng trong một cái chảo chân không được bịt kín, ông mới tìm ra được quá trình có tác dụng. Ông đã thành công, nhưng lúc đó ông gần như đã khánh kiệt. Vì vậy ông tìm tới một số đối tác. Với sự giúp đỡ của họ, ông mở một nhà máy tại Connecticut năm 1856. Tuy nhiên, hoạt động này không đem lại lợi nhuận ngay tức khắc, các nhà đầu tư tháo chạy và cơ sở bị đóng cửa. Với sự giúp đỡ của một nhà đầu tư khác, Borden mở một cơ sở khác. Nhưng nó cũng bị đóng cửa do khủng hoảng kinh tế trên toàn quốc.
Nhiều người có lẽ đã từ bỏ ở thời điểm này. Thực ra, nếu những sự kiện này xảy ra sớm hơn trong cuộc đời Borden, có lẽ ông sẽ từ bỏ. Nhưng lúc này, ông đã có đủ trưởng thành để học hỏi từ thất bại và nắm bắt cơ hội khi nó tự xuất hiện. Khi Borden gặp nhà tài phiệt Jeremiah Milbank trên một chuyến tàu, Borden đã thuyết phục được ông ta trở thành đối tác. Họ lập ra Công ty Sữa đặc New York năm 1857, một công ty thành công. Sau này, công ty được đổi tên thành Công ty Borden. Khoản đầu tư 100.000 đôla Mỹ của Milbank được cho là có giá trị 8 triệu đôla khi ông mất năm 1884.
Sữa đặc trở thành phương tiện làm giàu của Borden. Ông phát triển hàng loạt quy trình khác để bảo quản thực phẩm, kiểu như các loại nước ép trái cây dạng đặc. Nhưng sản phẩm sữa đặc của ông sẽ luôn được người ta nhớ tới. Cuộc đời của ông là minh chứng cho giá trị của việc học hỏi khi một người đã có đủ trưởng thành và thu được các bài học từ thất bại, sai lầm và mất mát. Đó là bài học mà Borden đã học hỏi rất nhiều. Trên bia mộ của mình, ông yêu cầu được ghi dòng chữ sau: “Tôi đã cố gắng và thất bại. Tôi lại cố gắng và thành công”. Còn có thể kỳ vọng một người làm được gì nhiều hơn như vậy nữa không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.