Học Từ Thất Bại

5 Cải thiện: Tâm điểm của Học hỏi



Bạn cập nhật các tin tức địa phương, các sự kiện quốc gia và quốc tế, các tin tức mới nhất liên quan tới nghề nghiệp và sở thích của mình như thế nào? Phần lớn mọi người sử dụng phương tiện thông tin xã hội, vào xem các trang blog yêu thích và xem video qua Internet. Bạn có thể có bất kỳ thông tin nào bạn muốn một cách dễ dàng nhờ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính.

Thời đại Thông tin trước khi có Internet

Mọi thứ khác biệt vô cùng khi tôi còn trẻ. Bạn sẽ phải tốn khá nhiều công sức để có được tin tức và thông tin. Phần lớn mọi người đọc báo để cập nhật các sự kiện trên thế giới. Muốn nghe bản tin mới nhất lúc tối muộn thì nghe trên radio. Và nếu bạn muốn tra cứu chuyên sâu hơn thì tới thư viện. Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào những năm 1950 với sự xuất hiện của truyền hình và nó bùng nổ vào những năm 1960 khi các chương trình tin tức ban đêm được hình thành.

Quán quân xuất sắc của những chương trình đó – người đặt nền móng để chúng trở nên phổ biến tới từng gia đình trên nước Mỹ chính là Walter Cronkite. Từ năm 1962 đến năm 1981, Cronkite là ngôi sao của chương trình CBS Evening News. Mọi người gọi ông là “Bác Walter” bởi họ vô cùng yêu mến và tin tưởng ông. Năm 1972, kết quả của hai cuộc điều tra cho thấy ông được bình chọn là “người đàn ông được tin tưởng nhất nước Mỹ”. Ông từng dẫn các bản tin về các cuộc ám sát Tổng thống John F. Kennedy, Martin Luther King Jr. và Bobby Kennedy. Ông đảm nhận dẫn tin về việc tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng cũng như hủy bỏ nhiệm vụ của tàu Apollo 13. Ông đưa tin về vụ bê bối Watergate, Chiến tranh Việt Nam và khủng hoảng con tin tại Iran. Ông là người đưa tin trong suốt hai thập kỷ đầy sự kiện của lịch sử nước Mỹ. Rất nhiều người coi ông là con người tuyệt vời nhất. Brian Williams – ngôi sao hiện thời của chương trình tin tức đêmNBC Nightly News nói rằng: “Ông là cha đẻ đặt nền móng cho nghề nghiệp của chúng tôi.”

Ban đầu Cronkite khởi nghiệp là một phóng viên báo giấy và làm trong Thông tấn xã của Mỹ vài năm. Là phóng viên chiến tranh mảng Thế chiến thứ hai, ông chẳng biết sợ là gì. Ông bay sang lãnh thổ của địch cùng các lính phòng không, ngồi trên chiếc máy bay ném bom B-17 trong một nhiệm vụ ném bom ở Đức, đảm nhận việc đưa tin về trận đánh Battle of the Bulge(1). Andy Rooney – nhà biên kịch lâu năm của chương trình 60 Minutes, đã biết Cronkite khi ở Châu Âu vào thời gian chiến tranh. Trong những năm 1990, nhiều năm sau khi Cronkite nghỉ hưu, Rooney đã nói rằng: “Bất kỳ ai nghĩ rằng Walter Cronkite của ngày hôm nay là nhân vật đầy quyết đoán của các bản tin truyền hình đều sẽ phải ngạc nhiên khi biết ông lại là một phóng viên cứng rắn và đầy cạnhtranh trên những trang báo giấy. Ông trở thành người được mến mộ nhất từng có trong lịch sử truyền hình bởi ông hiểu về tin tức mình đưa và quan tâm đến nó. Ông là kẻ luôn tò mò. Người được ông phỏng vấn luôn cảm nhận được rằng Cronkite quan tâm đến điều mình nói và ông rất hiểu biết về vấn đề mình đang làm.”

Cronkite là một tài năng xuất sắc, nhưng khởi đầu của ông không hề dễ dàng. Sự nghiệp của ông thành công là bởi ông luôn nỗ lực trau dồi. Ông đã sớm rút được bài học cho mình khi được thuê làm phát thanh viên radio cho các trận bóng của đội Trường đại học Oklahoma. Ông là một phát thanh viên đầy tài năng nhưng ông không mặn mà gì với môn bóng bầu dục và cũng chẳng thuộc tên tất cả các cầu thủ. Vậy là ông lên một kế hoạch để giúp mình xác định tên các cầu thủ trong suốt thời gian phát sóng. Cronkite nhớ lại: “Tôi phát minh ra một loại bảng điện tử mà nhân viên xác định tên cầu thủ của đội bạn chỉ bằng thao tác nhấn một nút trên bảng có thể xác định giúp tôi tên của những người tham gia mỗi trận đấu.”

Cronkite tự tin sắp xếp mời các lãnh đạo cấp cao của đài cũng như các nhà tài trợ tham gia buổi tường thuật đầu tiên của mình. Nhưng trong trận đầu đã có vấn đề xảy ra. Cronkite kể lại: “Những nhân viên xác định tên cầu thủ làm việc chẳng ra gì, còn cái bảng điện tử thì vô dụng”. Ông chẳng thể gọi được tên cầu thủ nào. Ông vật lộn tìm kiếm thông tin trong chương trình và khi trận đấu diễn ra, những bình luận tại chỗ của ông quá chậm chạp đến nỗi phản ứng của khán giả với trận đấu còn diễn ra trước những tường thuật của ông. Như Cronkite nhận xét thì “Buổi tường thuật đó là một thảm họa”.

Rất may là ban lãnh đạo của đài đã đồng ý cho ông cơ hội thứ hai, nhưng ông biết rằng nếu muốn thành công, ông phải nỗ lực tự cải thiện rất nhiều. Do đó Cronkite đã đưa ra một kế hoạch mới. Ông giải thích:

Tôi đã thuê một nhân viên trong đài làm người xác định tên cầu thủ cho tôi, nhờ anh ấy nhấn các nút trên chiếc bảng điện tử cho tôi. Tôi và anh ấy học thuộc lòng tên và số hiệu áo, tuổi, đặc điểm thể chất cũng như quê nhà của mỗi một thành viên trong mỗi đội gồm 30 tới 40 cầu thủ – những đội sẽ đấu với đội trường đại học của tôi.

Mỗi ngày chúng tôi dành ra ba đến bốn tiếng để tập trung học thuộc. Mỗi người chúng tôi sẽ đọc to một thông tin về một cầu thủ – có thể là tên hoặc số hiệu. Sau đó người kia sẽ phải điền tất cả các thông tin khác về cầu thủ đó.

Nhiệm vụ đó không có gì thú vị và phải học thuộc như vẹt, bắt đầu từ thứ Hai và kéo dài tới ngày diễn ra trận đấu vào thứ Bảy kế tiếp. Chúng tôi đã bỏ lỡ vô số buổi tiệc chiêu đãi sau mỗi trận đấu vào các cuối tuần. Nhưng rồi quá trình thực hành đó đã có kết quả tốt, các buổi tường thuật của chúng tôi thành công vang dội từ trận thứ hai trở đi đó.

Trải nghiệm đầu đời trong sự nghiệp phát thanh của tôi đã dạy tôi một bài học vô giá… Với mỗi câu chuyện định đưa ra, tôi đều nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ những tài liệu có sẵn liên quan tới sự kiện đó, hoàn cảnh của nó và những người liên quan. Tôi cũng không lập kế hoạch hay thiết kế ra những chiếc máy giúp tiết kiệm công sức, cho phép tôi bỏ qua bước chuẩn bị tối quan trọng đó, nó làm giới hạn hoàn toàn khả năng của tôi. Khẩu hiệu của tôi là: Không có đường tắt cho sự hoàn hảo.

Bạn phản ứng lại thế nào?

Phần lớn chúng ta đều không mong đợi sẽ đạt được sự hoàn hảo, nhưng chúng ta muốn kết quả ở một mức độ cao hơn. Điều đó đòi hỏi phải có sự cải thiện. Người ta thường nói rằng ba từ khó thốt lên lời nhất đó là: “Tôi sai rồi”. Khi ta mắc một sai lầm hay thất bại nào đó, như Cronkite đã làm vào lần tường thuật trận đấu đầu tiên, ta không muốn thừa nhận việc đó. Thay vào đó ta lại thường làm một trong những việc sau:

 

  • Bùng nổ: Ta phản ứng lại bằng sự tức giận, oán hận, chỉ trích, tìm lý do bào chữa và thỏa hiệp.
  • Che giấu: Ta cố tìm cách che giấu lỗi lầm để bảo vệ cho hình ảnh của mình. Người đã phạm một sai lầm rồi lại đưa ra lý do bào chữa là người phạm hai sai lầm.
  • Lẩn trốn: Ta thu mình lại và bắt đầu tách biệt mình với những người có khả năng sẽ khám phá ra sai lầm của ta.
  • Từ bỏ: Ta giơ tay đầu hàng và từ bỏ. Ta không bao giờ giải quyết sai lầm đó một cách tích cực.

Chúng ta phản ứng giống như một cậu lính thủy đang trong lần tập trận. Chỉ huy đã yêu cầu tuyệt đối không được sử dụng bộ đàm. Vậy mà chàng lính trẻ lại vô tình bật bộ đàm của mình và mọi người đã nghe thấy cậu lẩm bẩm: “Trời ạ, mình bất cẩn quá!”

Vị chỉ huy ra lệnh cho bật tất cả các kênh lên rồi nói: “Yêu cầu người nào đã bật bộ đàm hãy xưng danh!”

Sau đó là một khoảng thời gian lặng thinh dài, rồi giọng cậu lính đó lại vang lên lần nữa: “Tôi đã bất cẩn rồi, nhưng sẽ không bất cẩn đến thế đâu!”

Được rồi, đây chỉ là câu chuyện cười ngớ ngẩn, nhưng con người chúng ta cũng hành động như thế trong đời thực. Chẳng hạn một lần John H. Holliday – người sáng lập đồng thời là biên tập viên của tờ Indianapolis News – lao ào ào vào phòng sáng tác, vẻ đầy kiên quyết tìm cho ra tên “thủ phạm” nào đã sử dụng sai từ high (tính từ) thành height (danh từ). Khi kiểm tra bản gốc thì họ phát hiện ra rằng chính ông là người đã dùng sai. Sau khi được báo cáo, ông nói: “Ồ nếu đấy là do tôi sử dụng thì chắc chắn phải là chính xác rồi”. Và trong 30 năm tiếp theo, tờ Indianapolis News vẫn sử dụng sai từ height. Đây là trường hợp trái ngược với phản ứng của Cronkite.

Những điều cốt lõi của việc cải thiện

Thời Đồ đá kết thúc không phải do khi đó con người đã dùng sạch đá. Nó chấm dứt là do con người luôn học hỏi và cải thiện bản thân. Ước mong cải thiện bản thân luôn nằm trong gen của mỗi người thành công. Đam mê trong nhiều năm nay của tôi đó là trở nên tốt đẹp hơn. Một phần của đam mê đó là nỗ lực hết mình để mỗi ngày một tốt hơn, tuy nhiên ước nguyện cải thiện bản thân còn nhắc nhở tôi phải biết học hỏi những người có chung đam mê với mình. Nó đã giúp tôi học hỏi được một số điều quan trọng trong cuộc sống và tôi muốn chia sẻ với bạn.

1. Tự cải thiện bản thân là bước đầu tiên để cải thiện những thứ khác

Vài năm trước tôi từng chủ trì một cuộc họp bàn tròn gồm 20 người thành công. Một người đã thể hiện sự tức tối khi không thể cải thiện tình hình kinh doanh cũng như cuộc sống cá nhân. Ông ta hỏi rằng: “Làm cách nào tôi có thể tránh được tình trạng này?”. Khi chúng tôi đưa ra các câu hỏi và ông cởi mở trả lời, chúng tôi đã phát hiện ra một điều. Ông ta lo lắng về thành công hơn là cho sự trưởng thành của bản thân. Ông ta đã để chuyện đó xảy ra.

 “Khả năng phát triển và cải thiện bản thân mới là thứ giúp những người lãnh đạo khác biệt với những kẻ khác.”

− Bennis và Nanus   

Thành công không phải lúc nào cũng đi đôi với trưởng thành, nhưng sự trưởng thành lại luôn củng cố cho thành công. Phần thưởng lớn nhất cho sự cực nhọc của ta không phải những gì ta có cho nó mà là những gì ta trở nên nhờ nó. Câu hỏi quan trọng nhất không phải “Tôi đang có gì?” mà phải là “Tôi đang trở thành người thế nào?”.

Hai tác giả Warren Bennis và Burt Nanus đã kết luận rằng: “Khả năng phát triển và cải thiện bản thân mới là thứ giúp những người lãnh đạo khác biệt với những kẻ khác”. Khả năng đó cũng giúp phân biệt người thành công với người không thành công. Và mỗi ngày qua đi, khả năng đó lại trở nên quan trọng hơn.

Thế giới đang quay với một tốc độ không tưởng. Tôi vừa kể vui về sự kết thúc của Kỳ Đồ đá. Một số nhà khảo cổ học tin rằng thời kỳ đó kéo dài hàng triệu năm. Tiếp sau đó là Kỳ Đồ đồng, kéo dài khoảng 2000 năm. Tiếp theo là Kỳ Đồ sắt, kéo dài chưa đến một nghìn năm. Mỗi một thời kỳ trong lịch sử kỹ thuật kéo đến ngày một nhanh.

Trong kỷ nguyên hiện đại này, tri thức, công nghệ và sự cải tiến vẫn liên tục tăng tốc. Giờ ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, do vậy thế giới di chuyển với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn nữa. Các nhà kinh tế học thuộc Trường đại học California Berkeley đã tính toán rằng trong năm 2000, số lượng thông tin được tạo ra trên toàn thế giới nhiều gấp 37.000 lần so với lượng thông tin của toàn bộ số sách và tài liệu có trong Thư viện Quốc hội Mỹ. Trong năm 2003, số lượng thông tin mới được tạo ra còn cao gấp đôi con số đó. Và số lượng thông tin này được tạo ra trước khi các ứng dụng Twitter, Facebook, YouTube và các lựa chọn ứng dụng tạo thông tin khác ra đời.

Thông tin trên đã quá rõ ràng. Nếu bạn không tiến lên phía trước thì thế giới sẽ bỏ qua bạn. Nếu bạn muốn cải thiện cho bản thân, gia đình, công việc, hoàn cảnh kinh tế, tầm ảnh hưởng của mình hay bất cứ thứ gì khác, điều đầu tiên bạn cần làm đó chính là tự cải thiện chính bản thân mình.

2. Sự cải thiện đòi hỏi ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình

Nhà văn Fyodor Dostoyevsky đã nhận xét rằng: “Thực hiện bước đầu tiên, phát âm một từ mới là thứ con người sợ hãi nhất”. Thay vào đó, con người chúng ta nên sợ hãi nhất thứ đối lập – chính là không thực hiện bước nào. Vì sao? Bởi nếu ta không bước lên phía trước, thoát khỏi vùng an toàn và đặt chân lên vùng đất đầy ẩn số, ta sẽ không thể cải thiện và trưởng thành. Sự an toàn không đưa chúng ta lên phía trước. Nó không giúp ta vượt qua các trở ngại. Nó không giúp ta hoàn thiện quá trình. Bạn sẽ không thể có được thứ gì đó thú vị nếu cứ luôn làm những việc an toàn. Ta phải hy sinh sự an toàn để có thể cải thiện.

Ta phải làm sao để có thể bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình? Theo như tôi quan sát, ta cần thực hiện hai điều:

Chế ngự ác cảm để có thể phạm sai lầm

Jack V. Matson, giáo sư danh dự ngành kỹ thuật môi trường của trường đại học Pennsylvania và là Giám đốc sáng lập của Trung tâm Leonhard vì Sự tiến bộ của Giáo dục Kỹ thuật, đã phát triển ra những khóa học về thiết kế sáng tạo dựa trên “sự thất bại nhanh chóng một cách thông minh”. Triết lý của ông đó là kích thích sự sáng tạo bằng cách khuyến khích các sinh viên dám chấp nhận thất bại và nhận ra rằng thất bại là điều tất yếu của thành công.

Trong thời gian giảng dạy ở Trường đại học Houston, ông đã sáng tạo ra một khóa học mang tên Thất bại 101 và tổ chức một buổi hội thảo quốc tế mang tên “Đón chào sự Thất bại”. Trong khóa học Thất bại 101, Madson yêu cầu cả lớp xây mô hình que kem các sản phẩm mà không ai muốn mua – từ bồn tắm nước nóng dành cho chuột lang đến các loại diều có thể bay trong bão. Matson nói rằng các sinh viên của ông đã học được cách cân bằng thất bại bằng sự sáng tạo, thay cho bị đánh gục và nó giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn mà thỏa sức làm những điều mới lạ.

Ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ Matson. Ta cần phải thất bại nhanh chóng để rồi có thể thoát ra khỏi nó. Nếu ta không thất bại hoặc không phạm sai lầm, điều đó có nghĩa là ta đang chơi quá an toàn. Chuyên gia về quản lý Peter Drucker đã giải thích rằng: “Tôi không bao giờ đề bạt một người lên vị trí cao nếu người đó chưa từng phạm sai lầm nào… Nói cách khác, anh ta chắc chắn là hạng tầm thường”.

Sai lầm không phải thất bại. Nó là bằng chứng cho thấy ta đang nỗ lực. Nếu hiểu được điều đó, ta có thể dễ dàng bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với cái mới và cải thiện bản thân.

Thoát khỏi cuộc sống bị cảm xúc kiểm soát

Cal Ripken (con). – cầu thủ huyền thoại của đội bóng chày Baltimore Oriole – đã chơi liên tiếp 2632 trận nhiều hơn tất cả các cầu thủ khác: Nghĩa là ông chưa từng bỏ lỡ một trận bóng nào trong hơn 16 mùa giải! Khi được hỏi đã bao giờ ông bước ra sân bóng với nỗi đau thể chất chưa, Ripken trả lời rằng: “Có chứ, gần như là hàng ngày”.

 “Đặc điểm thường thấy nhất ở những người thành công mà tôi thấy đó là họ chiến thắng được cám dỗ từ bỏ mọi thứ.”

− Peter Lowe   

Ripken không cho phép cảm xúc – ngay cả cảm xúc về nỗi đau thể chất, khiến ông gục ngã và không thể chơi bóng. Ông vượt qua chúng. Nếu bạn muốn thành công trong việc bước ra khỏi vùng an toàn để từ đó có thể cải thiện, hãy làm theo tấm guơng của ông.

Sự cải thiện đòi hỏi một lời cam kết sẽ tiến bước xa hơn sau khi tâm trạng khiến ta đưa ra quyết định cải thiện đó qua đi. Diễn giả Peter Lowe đã từng nói với tôi rằng: “Theo tôi, đặc điểm thường thấy nhất ở những người thành công mà tôi thấy đó là họ chiến thắng được cám dỗ từ bỏ mọi thứ”. Không bị cảm xúc chi phối nghĩa là ta có thể đối mặt với nỗi sợ hãi, bước ra khỏi vùng an toàn và thử làm những điều mới. Đó là một phần quan trọng của sự cải tiến.

3. Sự cải thiện không hợp với từ “Sửa lỗi nhanh”

 Người thua cuộc thất bại không phải vì họ tập trung vào thất bại. Họ thất bại là bởi họ chỉ tập trung vào việc vật lộn xoay xở.   

Chúng ta đang sống trong một xã hội với căn bệnh “về đích”. Có quá nhiều người chỉ muốn làm đủ để có thể “đến đích” sau đó họ sẽ về hưu. Kevin Myers – một người bạn của tôi đã nói thế này: “Mọi người đều tìm kiếm sự sửa chữa nhanh chóng nhưng cái họ thực sự cần lại là sự phù hợp. Những người tìm kiếm giải pháp sửa chữa sẽ không làm được điều đúng đắn khi áp lực được giảm bớt. Những người theo đuổi sự hòa hợp sẽ làm những việc họ nên làm cho dù có chuyện gì xảy ra.” Đó là sự thật. Người thua cuộc thất bại không phải vì họ tập trung vào thất bại. Họ thất bại là bởi họ chỉ tập trung vào việc vật lộn xoay xở.

Sự cải thiện không đến với những người chỉ mải mê tìm ra giải pháp sửa chữa nhanh chóng. Nó đến với những người chậm mà chắc, làm việc để có kết quả tốt hơn. Nếu bạn là người có tư duy mau chóng phải tìm ra giải pháp, bạn cần chuyển nó thành tư duy liên tục cải thiện. Điều đó đồng nghĩa với hai việc làm sau:

Chấp nhận thực tế rằng cải thiện là một trận đấu không hồi kết

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều nhất trí với nhà thơ Carl Sandberg khi ông nói rằng: “Có một con đại bàng trong tôi muốn bay vút lên và một con hà mã chỉ muốn đầm mình trong bùn”. Chìa khóa của thành công đó là hành động theo thôi thúc muốn bay vút lên chứ không phải niềm mong mỏi được đầm mình trong bùn. Và đó là một trận chiến không bao giờ có hồi kết, chí ít là đối với bản thân tôi. Tôi tin rằng bất kỳ người thành công nào cũng đều thành thật khi nói rằng: “Tôi vươn đến đỉnh cao một cách khó khăn, phải chiến đấu với sự lười biếng và ngu dốt của bản thân trên mỗi bước đường”.

Tác giả kiêm chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo Fred Smith – người từng hướng dẫn cho tôi nhiều năm, nói rằng có thứ gì đó thuộc bản chất con người khiến ta có xu hướng tìm kiếm sự ổn định và ở lại nơi làm ta cảm thấy thoải mái. Cái mà ông đang mô tả chính là cám dỗ rút lui khỏi cuộc chiến để giành được sự cải thiện. Fred nói rằng: “Dĩ nhiên đến một lúc nào đó chúng ta đều cần sự ổn định. Chúng ta leo cao rồi trở về trạng thái ổn định để hấp thu những thứ được học. Nhưng một khi đã tiếp thu được kiến thức, ta lại tiếp tục leo cao. Không may là khi ta tiếp thu được thì đó lại là lần leo cuối cùng của ta. Khi đó thì ta đã già, có thể là 40, cũng có thể là 80 tuổi.”

Nếu bạn mới chỉ bắt đầu hành trình tìm kiếm sự cải thiện, đừng nhụt chí. Xuất phát điểm không quan trọng. Cái quan trọng là bạn kết thúc ở đâu. Và bạn đến được đó là nhờ sự kiên trì đấu tranh với cuộc chiến về sự cải thiện. Trong quá trình đấu tranh, hãy ghi nhớ phương châm dưới đây:

Tôi không ở nơi mình định đến,

Tôi không phải người mình muốn trở thành,

Tôi không phải người như trước đây.

Tôi chưa học được cách đi tới đích;

Tôi mới chỉ học cách tiếp tục tiến lên.

Nếu áp dụng được những lời này vào cuộc sống, chắc chắn rồi bạn sẽ thành công.

Chấp nhận thực tế rằng cải thiện là kết quả của nhiều bước nhỏ khác nhau

 Những khác biệt nhỏ qua thời gian sẽ tạo nên khác biệt lớn! Sự cải thiện đạt được nhờ những tiến bộ dần dần từng chút một chứ không phải những tiến bộ lớn đột xuất.   

Ngày nay con người vẫn mải mê tìm kiếm bí quyết thành công. Họ muốn có một viên đạn thần kỳ, một câu trả lời dễ dàng, một thứ gì đó có thể đưa họ đến thành công hoặc nổi tiếng một cách chớp nhoáng. Thành công thường không đến theo cách đó. Andrew Wood(2) phát biểu rằng: “Thành công trong hầu hết mọi chuyện đều không đến từ một sự kiện quan trọng của số phận mà từ một quá trình đơn giản và có sự tích tụ lâu dài”. Nghe khá nhàm chán phải không? Có thể nó không thú vị nhưng nó lại là sự thật. Những khác biệt nhỏ qua thời gian sẽ tạo nên khác biệt lớn! Sự cải thiện đạt được nhờ những tiến bộ dần dần từng chút một chứ không phải những tiến bộ lớn đột xuất.

Thời trẻ tôi thường thấy và nghe nói về những người thành công, nhưng tôi thường tự nhủ: “Sẽ chẳng bao giờ mình làm được thế”. Và rồi tôi trở nên nhụt chí. Vì sao? Bởi tôi nhìn thấy có một khoảng cách quá lớn giữa tôi với người đó. Sự khác biệt giữa tôi và người đó là không thể vượt qua được. Nhưng thứ tôi không nhận ra đó là quá trình mà họ đi qua và những thành quả họ gặt hái được đều đến từ những bước nhỏ – những thành công nhỏ bé của lòng nhiệt thành, bỏ bớt một phần cái tôi và sự chính xác từ những điều rất nhỏ. Hầu hết mọi người đều không nhận ra những bước đã được ẩn đi của họ. Cũng như tôi, họ chỉ nhìn thấy thành quả tích lũy trong mỗi kết quả.

Nhà văn – nghệ sỹ Elbert Hubbard đã nói rằng: “Ranh giới giữa thất bại và thành công vô cùng mong manh, đến nỗi hiếm khi chúng ta biết được mình đã bước sang bên nào, mong manh đến nỗi ta thường đứng trên ranh giới đó mà thậm chí cũng không hay. Đã bao nhiêu lần một người giơ tay đầu hàng khi mà chỉ cần bỏ thêm chút công sức, một chút kiên nhẫn nữa thì họ đã thành công?” Đó là lý do mà ta nên thực hiện nhiều bước nhỏ trong quá trình cải thiện. Ai mà biết được khi bước nhỏ kế tiếp lại chính là bước đột phá mà ta vẫn hằng tìm kiếm?

4. Sự cải thiện là lời cam kết hàng ngày

David D. Glass, Chủ tịch kiêm CEO của chuỗi siêu thị Walmart khi được hỏi tại sao lại ngưỡng mộ Sam Walton – người sáng lập ra Walmart đã trả lời rằng: “Chưa từng có một ngày nào trong cuộc đời ông kể từ khi tôi quen ông mà ông ấy lại không tự mình cải thiện theo một cách nào đó”. Đúng là một thành tích! Nó thể hiện lời cam kết vững chắc cho sự cải thiện liên tục.

Vào những ngày đầu tiên trong hành trình trưởng thành cá nhân của tôi, tôi đã được nghe những câu chuyện về Earl Nightingale(3) và nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Ông ấy nói rằng: “Nếu bạn học một môn học một giờ mỗi ngày, năm ngày một tuần, trong vòng năm năm bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó”. Đó chính là lý do tôi đưa ra lời cam kết phải cải thiện trong lĩnh vực lãnh đạo mỗi ngày.

Một số thứ đơn giản là phải được thực hiện hàng ngày. Bạn đã nghe câu nói: “Mỗi ngày một quả táo giúp bạn tránh xa bác sỹ” chưa? Tất nhiên là ăn liền một lúc bảy quả táo sẽ không mang lại cho bạn lợi ích như vậy. Nếu muốn cải thiện thì ý định phát triển cần phải trở thành một thói quen. Thói quen là thứ mà ta làm liên tục chứ không phải chỉ một lần là đủ. Động lực có thể giúp bạn đi tiếp nhưng chính những thói quen tích cực và sự thực hành thường xuyên mới là thứ giúp bạn luôn cải thiện.

Khi tôi làm việc để cải thiện bản thân mỗi ngày, có hai từ giúp tôi luôn đi đúng hướng. Từ đầu tiên là ý định. Mỗi sáng thức dậy, tôi đặt ra mục đích học một thứ gì đó trong ngày. Nó giúp hình thành trong tôi tư duy phải tìm kiếm những điều có thể giúp mình cải thiện.

 “Những câu quan trọng nhất mà ta từng nói là những câu ta tự nói với bản thân, nói về chúng ta và khi ta ở một mình.”

− Al Walker   

Từ thứ hai là suy ngẫm. Thời gian ngồi một mình chính là điểm cốt yếu cho việc tự cải thiện. Khi tôi dành thời gian suy nghĩ về những thách thức, kinh nghiệm và quan sát của mình, nó cho phép tôi có được bức tranh toàn cảnh. Nó còn cho tôi thời gian để có thể đối thoại tích cực với bản thân. Nhà văn Al Walker đã phát biểu rằng: “Những câu quan trọng nhất mà ta từng nói là những câu ta tự nói với bản thân, nói về chúng ta và khi ta ở một mình”. Trong suốt thời gian “hội thoại” đó, ta tự kiểm điểm bản thân và khiến mình cảm thấy thông thái hơn, hoặc ta có thể học hỏi và mạnh mẽ hơn, từ đó trở nên tốt đẹp hơn.

Nếu bạn muốn dành ra chút thời gian mỗi ngày để cố gắng cải thiện bản thân, có thể bạn sẽ muốn tự hỏi mình ba câu hỏi sau đây vào cuối mỗi ngày, đó là:

 

  • Ngày hôm nay tôi học được gì? Cái gì đã nói với trái tim lẫn trí óc của tôi?
  • Ngày hôm nay tôi đã trưởng thành thế nào? Cái gì đã chạm tới trái tim tôi và ảnh hưởng tới hành động của tôi?
  • Tôi sẽ làm gì cho khác biệt? Nếu tôi không thể nói cụ thể mình dự định làm gì cho khác biệt thì tôi sẽ chẳng thể học hỏi được gì.

Có một điều tôi sẽ không làm đó là tự so sánh mình với người khác trong thời gian suy ngẫm đó. Tôi có lý do để không làm việc đó. Tôi không mong mình vượt trội so với người khác. Tôi chỉ mong mình tốt hơn so với chính bản thân mình trước đó. Ý định và sự suy ngẫm luôn thúc giục tôi làm điều đó.

Hãy chủ động cải thiện

Sự cải thiện nằm trong tầm với của tất cả mọi người, bất kể người đó giàu kinh nghiệm hay còn non nớt, đầy học thức hay ngu dốt, giàu hay nghèo. Để bắt đầu cải thiện ngay từ hôm nay, bạn cần thực hiện ba điều sau:

1. Quyết định rằng bạn xứng đáng cải thiện

Nếu muốn cải thiện bản thân, bạn phải tin rằng mình có thể cải thiện. Tác giả Denis Whitley đã đưa ra một định nghĩa vô cùng thú vị về sự phát triển cá nhân. Ông nói rằng đó là thứ niềm tin có giá trị trong ước mơ của bạn. Ông nói: “Phát triển cá nhân là niềm tin mà bạn xứng đáng bỏ ra công sức, thời gian và năng lượng cần thiết để tự mình phát triển. Nó cho bạn quyền được đầu tư cho chính mình để bạn có thể phát huy được những tiềm năng trong mình”.

 “Phát triển cá nhân là niềm tin mà bạn xứng đáng bỏ ra công sức, thời gian và năng lượng cần thiết để tự mình phát triển. Nó cho bạn quyền được đầu tư cho chính mình để bạn có thể phát huy được những tiềm năng trong mình.”

− Denis Whitley   

Bạn có thể đầu tư cho chính mình. Bạn không cần giấc mơ của ai cả, mà đó phải là giấc mơ của bạn. Và bạn cũng không cần phải trở thành ai khác để có thể cố gắng hết mình. Triết gia vĩ đại Thomas Carlyle đã từng viết rằng: “Hãy để mỗi người được trở thành tất cả những gì mà họ có tiềm năng trở thành”. Tôi không thể nghĩ ra một định nghĩa nào về thành công hay hơn nữa. Cuộc đời thử thách tất cả chúng ta phải phát triển những khả năng của mình ở mức cao nhất. Ta thành công khi ta chạm được đến đỉnh cao nhất trong mỗi chúng ta – khi ta nỗ lực hết sức có thể. Cuộc đời không bắt ta lúc nào cũng phải đứng ở vị trí dẫn đầu. Nó chỉ yêu cầu ta hãy làm hết sức mình để cải thiện những kinh nghiệm ta đang có, dù kinh nghiệm đó đang ở cấp độ nào.

2. Chọn một lĩnh vực cần cải thiện

Có một câu chuyện vui về một người giàu có ở Texas khi mất. Khi luật sư yêu cầu toàn thể gia đình tập trung để nghe di chúc, họ hàng gần xa đã tụ tập đông đủ để xem họ có tên trong di chúc hay không.

Vào ngày mọi người đã tề tựu đông đủ, ông luật sư ủ rũ mở di chúc ra và bắt đầu đọc:

“Gửi Ed em họ tôi, tôi để lại trang trại gia súc của mình.”

“Gửi Jim em trai tôi, tôi để lại các tài khoản tiền tệ của mình.”

“Gửi Fred, hàng xóm và là bạn tốt của tôi, tôi để lại cổ phần của mình.”

“Và cuối cùng, gửi người em họ George của tôi, người lúc nào cũng chỉ ngồi loanh quanh và chẳng bao giờ làm việc gì nhưng lại muốn được nhớ đến trong di chúc của tôi, tôi muốn nói rằng: ‘Chào George’. ”

Phần lớn chúng ta một là chẳng muốn cải thiện bản thân như trường hợp của George, hoặc lại thiếu kiên nhẫn để có thể trở thành tất cả những điều mình muốn tới nỗi cố gắng cải thiện tất cả mọi thứ vào cùng một lúc. Cả hai cách đều sai lầm. Bạn cần có sự tập trung. Nhà tâm lý học William Jones đã khuyên rằng: “Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn sẽ giàu có; nếu bạn muốn trở thành người tốt đẹp, bạn sẽ tốt đẹp; nếu bạn muốn trở nên thông thái, bạn sẽ thông thái. Nhưng hãy chỉ ước lần lượt từng điều thôi, đừng ước hàng trăm thứ bất khả thi cùng một lúc”.

Bạn sẽ có vô khối thời gian để cải thiện những kỹ năng khác trong cuộc đời. Giờ thì hãy tập trung vào một thứ giúp củng cố thế mạnh và gần với mục tiêu của bạn nhất. Ghi nhớ lời khuyên của Earl Nightingale về việc dành một giờ mỗi ngày để cải thiện lĩnh vực bạn mong muốn. Sau đó thực hiện từ từ nhưng phải đều đặn. Chúng ta luôn đánh giá quá cao những thứ ta có thể đạt được trong một ngày hoặc một tuần, nhưng lại đánh giá thấp những thứ ta có thể đạt được trong một năm. Hãy thử tưởng tượng xem bạn sẽ gặt hái được những gì trong vòng năm năm.

3. Tìm ra những cơ hội để cải thiện ngay khi bạn mới thất bại

Cải thiện bản thân một cách tập trung và có chiến lược là điều vô cùng quan trọng để có thể thành công. Việc học hỏi từ những lần thất bại ngay khi chúng mới đến cũng vậy. Tôi sẽ giải thích cặn kẽ hơn về vấn đề này trong các chương tiếp theo về nghịch cảnh, vấn đề và những trải nghiệm xấu. Tuy vậy hãy để tôi được nói điều này, một số bài học trong đời không chờ đợi ai. Bạn phải biết cách tận dụng chúng một cách tốt nhất khi chúng đến. Nếu không xem xét kỹ lưỡng vấn đề từ đâu ra trong khi những thông tin đó vẫn còn “nóng hổi”, bạn sẽ lỡ mất khả năng rút ra bài học từ nó. Hơn nữa, nếu bạn bỏ qua việc rút ra bài học ngay khi vấn đề xảy ra, có thể bạn sẽ lại phải trải qua thất bại thêm lần nữa!

 Tri thức có thể đến từ việc học trên ghế nhà trường, nhưng sự khôn ngoan lại đến từ việc học hỏi và cải thiện bản thân ngay khi mới mắc sai lầm.   

Giáo sư về kinh doanh George Knox đã nói rằng: “Khi bạn ngừng nỗ lực trở thành người tốt hơn là khi bạn ngừng trở thành người tốt. Khi bạn ngừng trưởng thành là khi bạn ngừng trở thành người hữu ích – một cây cỏ dại trong khu vườn thịnh vượng… Chúng ta là người của ngày hôm nay bởi chúng ta đã từng là người của ngày hôm qua. Và những suy nghĩ của ngày hôm nay sẽ quyết định hành động của chúng ta vào ngày mai.” Những người biết học hỏi từ thất bại tự cho mình cái quyền đó. Với tư cách là một người bạn, tôi cũng cho bạn quyền đó. Tri thức có thể đến từ việc học trên ghế nhà trường, nhưng sự khôn ngoan lại đến từ việc học hỏi và cải thiện bản thân ngay khi mới mắc sai lầm.

Tôi luôn tâm niệm rằng mình đang trong quá trình học hỏi. Khi duy trì được tư duy đó, tôi nhận ra rằng mình không cần phải trở thành người hoàn hảo. Tôi không cần phải có tất cả mọi thứ cùng một lúc. Tôi không cần phải cố gắng có được mọi câu trả lời. Tôi không cần phải biết hết mọi điều chỉ trong một ngày. Khi tôi mắc sai lầm, không phải bởi tôi là kẻ thất bại hay vô dụng. Chỉ là tôi đã chưa làm đúng việc gì đó vì tôi vẫn chưa cải thiện bản thân đủ ở một số phần trong quá trình đó mà thôi. Và điều đó thôi thúc tôi liên tục trưởng thành và cải thiện bản thân. Nếu tôi chưa hiểu rõ điều gì thì đó lại là cơ hội cho tôi để cải thiện mình trong lĩnh vực mới đó.

 “Tôi làm việc với cùng nguyên tắc như những người huấn luyện ngựa. Bạn bắt đầu từ những mức rào thấp, những mục tiêu dễ dàng đạt được rồi nâng dần lên.”

− Ian MacGregor   

Tôi đang đi trên cả một chặng đường dài. Tôi cố gắng làm giống như lời của nhà công nghiệp Ian MacGregor: “Tôi làm việc với cùng nguyên tắc như những người huấn luyện ngựa. Bạn bắt đầu từ những mức rào thấp, những mục tiêu dễ dàng đạt được rồi nâng dần lên.” Khi mới bắt đầu, mức rào của tôi thấp tới mức đáng xấu hổ. Nhưng dần dần tôi đã nâng được chúng lên. Đến hôm nay, tôi vẫn nâng mức rào lên từng chút, từng chút một. Đó là cách duy nhất mà tôi biết để có thể liên tục cải thiện bản thân và tôi luôn luôn muốn thực hiện điều đó bởi lẽ cải thiện chính là tâm điểm của việc học hỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.