LIÊU TRAI CHÍ DỊ
Chương 092 : Liên Tỏa
Dương Vu Úy dời nhà tới ở cạnh sông Tứ Thủy, phòng học liền với cánh đồng rộng, ngoài tường có nhiều ngôi mộ cổ. Đêm nghe cành lá bạch dương rung ào ào như sóng dâng, khuya dậy thắp đèn ngồi, đang buồn bã bâng khuâng chợt nghe ngoài tường có tiếng người ngâm thơ rằng ” Nguyên dạ thê phong khích đảo xuy, Lưu oanh nặc thảo phục triêm vi” (Hiu hắt đêm rằm gió lạnh qua, Lập lòe đom đóm đậu màn là), ngâm đi ngâm lại, âm thanh rất não nùng, Dương lắng tai nghe kỹ thấy dịu dàng như tiếng con gái, lấy làm ngờ vực. Hôm sau ra ngoài tường xem không thấy vết chân người nào cả, duy có một sợi dây lụa tía rơi trong bụi gai, bèn nhặt về để trên bậu cửa sổ. Đến canh hai lại nghe tiếng ngâm nga như đêm trước, Dương bắc ghế leo lên nhìn ra thì tiếng ngâm vụt tắt, biết đó là ma nhưng rất thích.
Đêm sau ra núp chờ bên tường, vừa hết canh một thấy có một cô gái trong đám cỏ lững thững đi ra, tỳ tay vào gốc cây nhỏ cúi đầu buồn bã ngâm nga. Dương khẽ đằng hắng, nàng vội lui vào đám cỏ rậm biến mất. Từ đó Dương cứ ra chờ, một đêm đợi cô gái vừa ngâm xong, liền cách tường đọc tiếp rằng “U tình khổ tự hà nhân kiến, Thúy tụ đơn hàn nguyệt thượng thì” (Tình riêng mối khổ nào ai rõ, áo biếc mong manh dưới nguyệt tà), hồi lâu vẫn thấy im ắng. Dương bèn trở vào phòng, vừa ngồi xuống chợt thấy một cô gái đẹp từ ngoài bước vào, khép nép nói “Chàng vốn là văn nhân phong nhã mà bấy lâu nay thiếp cứ sợ sệt trốn tránh”. Dương mừng rỡ kéo nàng ngồi, thấy ẻo lả như mặc áo không nổi. Hỏi quê quán nơi nào, ở đây bao lâu rồi, nàng đáp “Thiếp là người quận Lũng Tây (tỉnh Cam Túc) theo cha lưu lạc tới đây, năm mười bảy tuổi bị bạo bệnh chết, đến nay đã hơn hai chục năm rồi. Hồn ở suối vàng, thây vùi đồng trống, trơ trọi một mình, hai câu thơ thường ngâm là của thiếp làm ra để gởi gắm niềm u hận, lâu nay vẫn muốn làm trọn bài nhưng nghĩ không ra, được chàng nối giùm nên thiếp ở dưới suối vàng lấy làm vui sướng”. Dương muốn cùng giao hoan, nàng cau mày nói “Xương nát dưới dạ đài không như người sống, nếu còn nọ kia sẽ làm người ta tổn thọ, thiếp không nỡ gây họa cho bậc quân tử”, Dương mới thôi. Đùa thò tay nắn bóp ngực nàng thì đầu vú còn son, rõ ràng vẫn là xử nữ, lại muốn nhìn đôi hài dưới chân. Nàng cúi mặt cười nói “Anh chàng si cuồng tò mò quá”. Dương cầm chân nàng đùa giỡn, thấy hài làm bằng gấm màu nguyệt bạch nhỏ như bó tơ, nhìn kỹ thấy một chiếc thiếu giải lụa tía. Hỏi sao không buộc cả hai chiếc, nàng đáp “Đêm trước sợ chàng bỏ chạy, không biết đánh rơi chỗ nào”. Dương nói “Để ta thay sợi khác cho nàng rồi lấy sợi dây lụa tía trên bậu cửa sổ đưa cho cô gái. Nàng ngạc nhiên hỏi ở đâu ra, Dương kể lại nàng bèn giắt vào thắt lưng. Kế mở xem sách vở trên bàn, chợt thấy tập Liên xướng cưng từ* cảm khái nói “Lúc thiếp còn sống rất thích đọc tập thơ này, giờ nhìn thấy, giống như đang trong mơ vậy”. Dương cùng nói chuyện văn thơ, thấy nàng thông minh đáng yêu, chong đèn trò chuyện như gặp bạn quý.
*Liên xướng cung từ: tên tập thơ của Nguyên Chẩn, nhà thơ thời Đường.
Từ đó cứ đêm đến nghe tiếng ngâm thơ khe khẽ thì thấy nàng tới. Thường dặn Dương rằng “Xin chàng giữ kín đừng cho ai biết, thiếp từ nhỏ vẫn nhút nhát nên sợ có khách khứa hung dữ hiếp đáp” Dương ưng thuận. Hai người vui như cá nước gặp nhau, tuy chưa thật là vợ chồng nhưng trong chốn phòng khuê còn âu yếm đằm thắm hơn cả vợ chồng. Cô gái thường trước đèn chép sách cho Dương, nét chữ đoan chính đẹp đẽ. Lại tự chọn một trăm bài Cung từ chép để ngâm nga, còn dặn Dương sắm bàn cờ vây, mua đàn tỳ bà, đêm đêm dạy Dương đánh cờ, không thì nàng so phím lên dây gảy khúc Mưa sa tàu chuối bên songkhiến người phải não lòng. Dương không nỡ nghe hết khúc, thì nàng gảy bản Tiếng oanh trong vườn buổi sớm, chợt Dương thấy trong lòng khoan khoái. Thường chong đèn vui chơi quên cả đêm dài, thấy ánh mai hiện ra trên cửa sổ nàng mới vội vã ra đi.
Một hôm Tiết sinh tới chơi, gặp lúc Dương đang ngủ trưa, thấy trong nhà đủ cả bàn cờ nhạc khí, biết không phải là những môn Dương giỏi. Lại lật sách vở xem, gặp tập Cung từ thấy nét chữ ngay thẳng đẹp đẽ không phải chữ Dương, càng thêm ngờ vực. Dương thức dậy, Tiết hỏi bàn cờ nhạc khí từ đâu ra, Dương đáp là đang muốn học, lại hỏi về quyển thơ, Dương nói thác là mượn của bạn bè. Tiết giở ra xem đi xem lại, tới tờ cuối thấy có hàng chữ nhỏ đề ngày ấy tháng ấy Liên Tỏa viết bèn cười nói “Đây là tên con gái mà, sao dối nhau quá thế?”. Dương bí quá không biết trả lời thế nào, Tiết càng hỏi riết. Dương không chịu nói, Tiết bèn lấy tập thơ bỏ túi, Dương cùng đường phải nói thật.
Tiết xin cho gặp một lần, Dương nhắc lại lời Liên Tỏa dặn. Tiết càng hâm mộ cứ thiết tha xin gặp, Dương bất đắc dĩ đành nhận lời. Khuya cô gái tới, Dương tỏ ý Tiết, nàng giận nói “Trước đã dặn thế nào, mà lại ba hoa với người ta!”. Dương kể lại sự tình để phân trần, nàng nói “Duyên phận với chàng đến đây là hết rồi”. Dương tìm đủ lời năn nỉ khuyên giải mà nàng vẫn không vui, đứng dậy từ biệt, nói “Thiếp phải tạm lánh mặt”. Hôm sau Tiết tới, Dương cho biết là Liên Tỏa không chịu, Tiết ngờ là kiếm cớ thoái thác, chiều tối rủ hai bạn học nữa tới, dằng dai không chịu ra về, làm ầm ĩ suốt đêm, Dương bực lắm nhưng không biết làm sao. Họ thấy mấy đêm liền không có gì lạ cũng chán, dần dần yên lặng, chợt nghe tiếng ngâm thơ, cùng lắng tai nghe, thấy rất buồn thảm. Tiết còn đang chăm chú nghe, trong bọn có một người bạn học võ là Vương sinh lượm hòn đá to ném ra nói lớn “Làm bộ làm tịch không chịu ra mặt, thơ có ra gì mà ngâm nga sướt mướt nghe phát bực”, tiếng ngâm thơ tắt liền. Mọi người rất tức, Dương thì bực bội ra mặt. Hôm sau họ mới chịu đi, Dương ngủ một mình ở phòng sách chờ cô gái trở lại nhưng nàng biệt tăm.
Qua hai hôm nàng chợt tới khóc nói “Chàng đón những khách hung tợn tới làm thiếp sợ gần chết”. Dương chưa kịp xin lỗi, nàng đã bước ngay ra, nói “Thiếp đã nói duyên phận với chàng hết rồi, từ đây xin vĩnh biệt”. Dương định kéo lại thì nàng đã biến mất, suốt hơn tháng sau không thấy tới nữa. Dương nhớ nhung tới mức gầy ốm nhưng không còn cách nào gặp được nàng. Một đêm đang ngồi uống rượu một mình, chợt cô gái vén rèm bước vào. Dương mừng quá, nói “Nàng tha thứ cho ta rồi sao?”. Cô gái chảy nước mắt im lặng không đáp, hỏi mãi thì nàng muốn nói lại thôi, kế nói “Tức giận bỏ đi, lại có chuyện nguy cấp phải nhờ người, nghĩ mà hổ thẹn”. Dương gặng hỏi mấy lần, nàng nói “Có một tên lính lệ thô bỉ không biết ở đâu tới ép thiếp phải làm vợ lẽ của y. Thiếp nghĩ mình là con nhà thanh bạch, há lại chịu khuất phục một tên quỷ tốt, nhưng một thân yếu đuối làm sao chống cự. Nếu chàng coi thiếp như vợ chồng thì chắc không để mặc thiếp phải khổ”. Dương cả giận, căm tức tưởng chết nhưng lo người với ma khác loài, không thể giúp nàng được. Cô gái nói “Đêm mai cứ đi ngủ sớm, thiếp nhờ chàng trong mộng vậy”. Rồi cùng nhau chuyện trò đợi sáng, lúc nàng ra đi dặn Dương đi ngủ để giữ cái hẹn buổi tối, Dương theo lời.
Buổi chiều uống vài chén rượu rồi nhân lúc ngà ngà lên giường, để nguyên áo mà ngủ. Chợt thấy cô gái tới, đưa cho thanh bội đao rồi cầm tay dắt đi. Tới một căn nhà, vừa vào đóng cửa trò chuyện thì nghe có người đập cửa cô gái hoảng sợ nói “Kẻ thù tới đấy”. Dương mở cửa sấn ra, thấy một người mũ đỏ áo xanh, râu quai nón tua tủa như lông nhím, tức giận thét đuổi đi. Tên lính trợn mắt quát lại, lời lẽ rất ngạo mạn. Dương cả giận sấn vào, y vác đá ném như mưa, Dương bị ném trúng tay không cầm đao được nữa. Đang lúc nguy cấp, chợt thấy xa xa có một người đeo cung tên đi săn, nhìn kỹ chính là Vương sinh, bèn kêu lớn cầu cứu. Vương sinh giương cung chạy tới bắn trúng đùi tên lính, lại bắn thêm một phát giết chết luôn. Dương mừng rỡ cảm tạ. Vương hỏi duyên cớ, Dương kể lại đầu đuôi. Vương mừng đã chuộc được lỗi trước, bèn cùng vào nhà. Cô gái thẹn thùng sợ sệt đứng xa nhìn không nói một câu. Trên bàn có thanh đao nhỏ dài hơn một thước khảm vàng ngọc, rút ra khỏi vỏ thì long lanh sáng quắc. Vương khen ngợi không nỡ rời tay, trò chuyện qua loa với Dương, thấy cô gái sợ sệt rất đáng thương bèn bước ra chia tay rồi đi.
Dương cũng ra về, tới cổng thì ngã chúi, giật mình tỉnh dậy nghe gà trong thôn gáy ran. Thấy cánh tay đau buốt, sáng ra nhìn kỹ thì da thịt sưng lên đỏ bầm. Trưa Vương sinh tới, nói đêm qua nằm mơ rất lạ. Dương hỏi “Mơ thấy bắn tên phải không?”, Vương lấy làm lạ sao Dương biết. Dương đưa tay cho xem rồi nói rõ duyên cớ. Vương nhớ lại người đẹp trong mộng, hận chưa được thấy người thật, nhưng nghe may có chút công với cô gái nên lại xin cho được gặp. Đêm đến cô gái tới cảm tạ, Dương quy công cho Vương sinh rồi tỏ bày lòng thành của Vương. Nàng nói “Cái ơn giúp đỡ làm sao dám quên, nhưng y mạnh mẽ dữ tợn, thật thiếp sợ quá”. Kế lại nói “Y thích thanh bội đao của thiếp, thanh đao ấy là cha thiếp ngày trước mua ở đất Việt (tỉnh Quảng Đông) hết trăm lượng vàng. Thiếp thích nên cha cho tua buộc tơ vàng, vỏ nạm minh châu, cha thương thiếp mệnh bạc nên bỏ vào quan tài chôn theo. Nay xin dứt tình đưa tặng, y thấy đao cũng như gặp thiếp vậy”.
Hôm sau Dương tỏ ý ấy Vương thích lắm. Đến đêm, cô gái quả đem thanh đao tới, nói “chàng dặn y giữ cho kỹ, đây không phải là vật ở Trung Hoa đâu”, từ đó lại lui tới nhà Dương như trước. Vài tháng sau chợt nàng ngồi dưới đèn nhìn Dương như định nói gì, nhưng hai ba lần đỏ mặt rồi thôi. Dương ôm nàng hỏi han, nàng đáp “Lâu nay được chàng yêu mến, tiếp nhận sinh khí người sống, hàng ngày ăn những thức nấu nướng nên mớ xương khô chợt có sinh cơ, nhưng phải có tinh huyết của người sống mới có thể sống lại”. Dương cười nói “Vì nàng không muốn chứ ta có tiếc gì đâu”. Cô gái nói “Thiếp tiếp nhận tinh khí rồi thì chàng ắt ốm nặng hơn hai mươi ngày, nhưng uống thuốc là khỏi”, bèn cùng nhau giao hoan. Kế nàng mặc áo trở dậy, lại nói “Còn phải có một giọt máu tươi, chàng nhịn đau cho nhau đươc không?” Dương liền cầm dao sắc tự đâm vào tay lấy máu, cô gái nằm trên giường bảo nhỏ máu vào rốn, xong rồi đứng dậy nói “Thiếp không tới nữa. Chàng nhớ là sau đây một trăm ngày ra trước mộ thiếp, thấy có con chim xanh kêu trên ngọn cây thì lập tức đào lên”. Dương hứa theo lời. Lúc nàng ra cửa lại dặn “Chàng nhớ kỹ đừng quên, sớm hay trễ hơn đều không được đâu”, rồi đi.
Hơn mười ngày sau quả Dương phát bệnh, bụng trướng lên gần chết, thầy lang cho uống thuốc, xổ ra hôi thối như bùn, đúng mười hai hôm thì khỏi. Tính đủ trăm ngày, sai gia nhân mang cuốc ra chờ sẵn bên mộ, lúc mặt trời xế bóng quả thấy hai con chim xanh hót. Dương mừng nói “Đến lúc rồi”, rồi phát gai đào mồ, thấy quan tài đã mục nát mà dung mạo cô gái vẫn như còn sống, sờ vào người thấy âm ấm liền lấy chăn bọc lại khiêng về đặt vào phòng kín. Lát sau có hơi thở như sợi tơ, từ từ đổ nước cho, nửa đêm thì nàng sống lại. Thường nói với Dương “Hơn hai mươi năm* mà thấy như một giấc mộng thôi”.
* Hơn hai mươi năm: cả hai bản Đài Loan và Hương Cảng đều in là, thập dư niên” (hơn mười năm), có lẽ là sơ suất của tác giả, vì bên trên nhân vật Liên Tỏa có nói là đã chết hơn hai mươi năm. Đây tạm đính như trên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.