LIÊU TRAI CHÍ DỊ
Chương 121 : Thiệu Nữ
Sài Đình Tân người huyện Thái Bình (tỉnh An Huy), vợ là Kim thị không sinh nở được mà tính cả ghen. Sài bỏ ra trăm lượng vàng cưới thiếp, Kim đối xử rất tàn ác, qua năm sau thì người thiếp chết. Sài uất ức ngủ riêng, mấy tháng liền không đặt chân tới phòng vợ. Gặp ngày sinh nhật Sài, Kim tới ăn nói ngọt ngào làm lễ chúc thọ chồng, Sài không nỡ cự tuyệt, mới lại chuyện trò cười nói với nhau. Kim bày tiệc trong phòng mời Sài, Sài lấy cớ đã say để từ chối, Kim ăn mặc lộng lẫy tự tới phòng Sài nói “Thiếp đã hết lòng trọn ngày, dù chàng có say cũng xin uống một chén rồi về”. Sài bèn vào phòng, uống rượu trò chuyện. Vợ thong thả nói “Trước kia lỡ tay giết đứa tỳ nữ, nay đã hối hận, sao chàng còn để bụng oán hờn, há không còn tình vợ chồng sao? Từ nay về sau xin cứ nạp thiếp, thiếp không dám trách móc gì chàng đâu”. Sài càng mừng, từ đó lại yêu thương vợ như trước. Kim bèn gọi người mai mối tới bảo tìm người thiếp đẹp cho chồng, nhưng ngầm dặn cứ lờ đi, còn mình làm ra vẻ thúc giục. Cứ thế hơn năm, Sài không chờ được bèn dặn khắp bạn bè thân thích nhờ tìm hỏi cho mình, được con gái nuôi của nhà họ Lâm, Kim vừa gặp đã tỏ vẻ mừng rỡ, cho cùng ăn cùng ngủ với mình, áo quần nữ trang cho tùy ý lựa dùng.
Nhưng Lâm vốn sinh ở đất Yên (tỉnh Hà Bắc) nên không thạo việc nữ công, ngay việc khâu giày cũng phải có người giúp cho. Kim nói “Nhà ta vốn cần kiệm không phải như nhà vương hầu mà mua người như mua tranh để ngắm”, rồi từ đó đưa cho gấm lụa bảo Lâm học cắt may như thầy dạy trò rất nghiêm khắc, ban đầu còn mắng chửi, kế thì đánh đập. Sài trong lòng xót xa không biết làm sao, mà Kim lại càng tỏ vẻ yêu thương Lâm hơn trước, cứ đích thân trang điểm cho Lâm. Nhưng gót giày hơi có vết nhăn là lấy thước sắt đánh vào hai chân, tóc hơi rối là tát vào hai má, Lâm không chịu nổi treo cổ tự tử. Sài đau lòng xốn mắt, trách móc nặng lời. Vợ giận nói “Ta thay anh dạy dỗ nàng ta thì có tội gì?”, lúc ấy Sài mới biết sự gian xảo của vợ, dứt hẳn tình vợ chồng, ngầm xây dựng phòng ốc nơi khác, nghĩ cách cưới vợ đẹp ở riêng.
Thấm thoát hơn nửa năm vẫn chưa tìm được người nào, ngẫu nhiên tới dự đám tang ở nhà bạn thấy một nữ lang khoảng mười sáu tuổi đẹp lộng lẫy, cứ sững người ra ngắm nhìn. Cô gái thấy Sài có vẻ sỗ sàng bèn liếc nhìn rồi quay người đi, Sài hỏi người ta thì biết nàng họ Thiệu. Thiệu là học trò nghèo, chỉ có một con gái là nàng. Lúc nhỏ rất thông minh, cha dạy cho học, sách vở chỉ đọc qua là hiểu, lại rất thích đọc sách thuốc và sách xem tướng. Cha rất thương yêu, có ai tới hỏi cưới thì cho nàng quyết định, nhưng kẻ giàu người nghèo gì cũng không giỏi bằng nên mười bảy tuổi vẫn chưa lấy chồng. Sài hỏi rõ được ngọn ngành biết rõ là không thể hỏi cưới được nhưng vẫn bồi hồi, lại nghĩ rằng nhà Thiệu nghèo có thể lấy lợi làm động tâm, bèn bàn với vài bà mối nhưng không ai dám nhận lời, chán nản không còn hy vọng gì nữa.
Chợt có bà mối họ Giả tới bán ngọc cho Sài, Sài tỏ ý mình rồi cho nhiều tiền, nói “Chỉ cần bà nói rõ lòng thành của ta, còn họ có ưng hay không thì ta không trách gì bà. Còn nếu vạn nhất mà việc xong, thì ngàn vàng ta cũng không tiếc đâu”. Bà Giả thấy được nhiều tiền bèn vâng dạ, tìm tới chuyện dằng dai với vợ Thiệu, nhìn thấy cô gái ngạc nhiên ca ngợi, nói “Cô nương đẹp quá, nếu tới viện Chiêu Dương thì chị em nhà họ Triệu* có đáng gì!”. Lại hỏi đã hứa gả cho ai rồi, vợ Thiệu đáp chưa, bà ta nói “Sợ gì không có bậc vương hầu làm rể quý”.
*Chị em nhà họ Triệu: tức chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hơp Đức trong nội cung của Đường Minh Hoàng, được cho ở tại viện Chiêu Dương, rất được vua sủng ái.
Vợ Thiệu than “Nhà vương hầu thì không dám mong, chỉ cần tìm được thằng bé nào có học là tốt lắm rồi. Của nợ nhà ta cứ chọn lựa này nọ, cả chục người không ưng được một đám, thật chẳng hiểu nó muốn những gì”. Bà Giả nói “Phu nhân không cần phải trách móc, người đẹp như thế chẳng biết kiếp trước tu được bao nhiêu phúc đức mới cưới được kia. Hôm rồi có một chuyện rất buồn cười, là lang quân họ Sài nói thấy nhan sắc cô nương đây ở đám tang nhà ông Mỗ, xin dâng ngàn vàng làm sính lễ, há chẳng phải cú đói mơ sánh đôi với thiên nga sao? Già này đã mắng cho mới chịu thôi đấy!”. Vợ Thiệu cười khẽ chưa đáp, bà ta lại nói “Chỉ vì là nhà Tú tài khó mà sánh đôi, chứ nếu nhà khác thì như thế mất ít mà được nhiều, cũng nên ưng thuận”. Vợ Thiệu lại cười không đáp, bà ta bèn vỗ tay nói “Phải rồi, đứng về phía già này mà nói thì làm thế là sai đấy. Hàng ngày già được phu nhân yêu thương, lên thềm còn được ngồi xếp bằng cho uống rượu, chứ phu nhân mà được ngàn vàng, ra xe ngựa vào lầu gác thì già tới cổng sẽ bị người gác cổng thét đuổi ra ngay”.
Vợ Thiệu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đứng lên vào nói chuyện với chồng, lát sau ra gọi con gái vào, lát sau ba người cùng ra. Vợ Thiệu cười nói “Con nhãi nhà ta lạ thật, bao nhiêu đám tốt đều không chịu mà nghe nói làm vợ lẽ lại ưng, chỉ sợ các bậc văn nhân cười cho”. Bà Giả nói “Nếu về đó mà sinh được một tiểu ca, thì đại phu nhân mà bằng được à?”. Nói xong kể lại việc Sài định ở riêng, Thiệu càng mừng rỡ bèn gọi con gái nói “Cứ thử trò chuyện với bà Giả đi, việc này là do ngươi tự chủ trương, về sau đừng có hối hận mà oán trách cha mẹ”. Cô gái ngượng nghịu nói “Cha mẹ được phụng dưỡng chu đáo thì công nuôi con không uổng. Huống hồ con tự thấy mình phận bạc, nếu làm vợ chính ắt sẽ bị giảm thọ, nếu phải chịu đựng đau khổ chút ít thì cũng chưa chắc không phải là điều may. Hôm trước nhìn thấy chàng Sài, cũng có phúc tướng, con cháu ắt có kẻ làm nên”.
Bà mối cả mừng chạy về báo, Sài mừng rỡ vì được quá cả lòng mong ước, lập tức đem ngàn vàng sắp xe kiệu tới cưới cô gái về ở nhà riêng, tôi tớ không ai dám nói một câu. Cô gái nói với Sài rằng “Chàng tính toán có thể nói cũng như chim én làm tổ trên rèm*, không phải là kế lâu dài. Ngậm miệng lựa lời để giữ kín chuyện liệu có được không? Chẳng bằng xin cứ về nhà cho sớm, nói thật ra ngay thì tai họa còn nhỏ”. Sài lo là nàng sẽ bị đày đọa, nàng nói “Trên đời không có ai là kẻ không thể cảm hóa được, ta cứ giữ cẩn thận không có lỗi lầm thì bà ta làm sao giận được?”. Sài nói “Không phải thế đâu, bà ta hung dữ phi thường, không thể nói tình lý mà cảm hóa được”. Cô gái nói “Thân làm lẽ mọn thì bị hành hạ là phải thôi, nếu không chịu thế mà cứ tạm bợ cầu sống thì liệu có được lâu dài không?”, Sài cho là đúng nhưng rốt lại vẫn chần chừ không dám quyết.
*Chim én làm tổ trên rèm: lấy ý lời của Quý Trát thời Xuân thu nói với Tôn Văn Tử, chỉ người tính việc trước mắt mà không nghĩ tới tai họa về lâu dài.
Một hôm Sài đi vắng, cô gái mặc áo tỳ nữ ra cửa, sai đầy tớ dắt con ngựa cái già, có một bà già ôm cái bọc đi theo tới nhà Vợ Sài ở, lạy rạp xuống đất tự bày tỏ. Vợ Sài lúc đầu nổi giận, kế nghĩ nàng tự tới thú có thể tha thứ lại thấy ăn mặc khiêm nhường hèn mọn, cũng hơi nguôi giận bèn sai tỳ nữ lấy áo gấm ra cho mặc, nói “Ta bị gả bạc bẽo kia rêu rao nói xấu với mọi người nên chịu tiếng oan, chứ thật ra đều là vì chồng bất nghĩa, bọn tỳ thiếp mất nết có chỗ mà khích bác, ngươi nghĩ xem kẻ giấu vợ cưới thiếp còn có phải là người không kia chứ? Cô gái nói “Xem kỹ thì ông ấy cũng hơi hối hận, chỉ là không chịu xuống nước đó thôi. Lời ngạn nói Người trên không chịu thua người dưới, còn theo lễ mà bàn thì vợ đối với chồng cũng như con đối với cha, vợ thứ đối với vợ cả vậy. Nếu phu nhân chịu tỏ ra vui vẻ niềm nở thì có thể làm cho ông ấy hết hờn oán”. Vợ Sài nói “Tự y không chịu tới đây chứ ta có làm gì đâu?”, rồi lập tức sai các tỳ nữ dọn phòng cho cô gái ở, tuy không vui lắm nhưng cũng yên lòng.
Sài nghe tin cô gái tới nhà vô cùng hoảng sợ, thầm nghĩ dê vào miệng cọp thì không sao sống nổi, vội chạy mau về thì thấy trong nhà yên ắng, mới được yên lòng. Cô gái ra cửa đón tiếp khuyên lơn, bảo tới phòng vợ cả Sài tỏ vẻ khó khăn, nàng khóc ròng, Sài mới xiêu lòng. Cô gái tới gặp vợ Sài nói “Lang quân vừa về, tự thấy xấu hổ không còn mặt mũi nào tới gặp phu nhân, xin phu nhân tới cười cho một tiếng”. Vợ Sài không chịu, nàng nói “Thiếp đã nói rồi, chồng đối với vợ cũng như vợ cả đối với vợ lẽ. Mạnh Quang nâng án ngang mày* mà người ta không cho là nịnh nọt là vì sao? Vì phận sự phải như thế thôi”. Vợ Sài theo lời, tới gặp Sài nói “Chàng như con thỏ khôn có ba hang, về đây làm gì?”. Sài lừ mắt không đáp, cô gái lấy khuỷu tay huých ra hiệu bèn nhăn nhó cười gượng, vợ mới hơi dịu nét mặt.
*Mạnh Quang nâng án ngang mày: Hậu Hán thư, Lương Hồng truyện chép Lương Hồng lúc hàn vi có vợ là nàng Mạnh Quang, xấu người nhưng hiền đức, mỗi khi dọn cơm cho chồng ăn đều kính cẩn nâng mâm ngang mày (cử án tề mi).
Lúc vợ Sài ra, cô gái đẩy Sài theo, lại dặn nhà bếp làm tiệc, từ đó vợ chồng Sài lại hòa thuận. Cô gái sáng dậy sớm mặc áo xanh tới hầu vợ Sài, bưng nước rửa mặt, hầu hạ khăn lược, giữ lễ tỳ nữ rất cung kính. Sài vào phòng thì hết sức từ chối, hơn mười đêm mới cho ngủ lại một đêm, vợ Sài cũng thấy là hiền nhưng lại xấu hổ vì thấy mình không bằng nàng, thẹn thùng chuyển thành ghen ghét. Song cô gái hầu hạ cẩn thận, không có lỗi lầm nào để bới móc, có khi chửi mắng qua loa thì nàng chỉ vâng dạ. Một đêm vợ chồng có chuyện xích mích, sáng ra vợ Sài dậy trang điểm vẫn còn tức tối, cô gái bưng gương lỡ tay làm rơi vỡ, vợ Sài nắm tóc nàng trừng mắt nhìn. Cô gái sợ quá quỳ xuống cầu khẩn, vợ Sài không nguôi giận đánh luôn vài mươi roi. Sài không nhịn được nổi giận xông vào kéo nàng ra, vợ lu loa giằng lại. Sài nổi giận giật roi đánh vợ rách cả mặt mới bỏ đi, từ đó vợ chồng coi nhau như kẻ thù.
Sài cấm cô gái không được tới phòng vợ nữa nhưng nàng không nghe, sáng ra dậy sớm quỳ ngoài màn, vợ Sài đập giường chửi lớn, quát đuổi đi không cho tới trước mặt, đêm ngày mắm môi nghiến lợi, rắp tâm chờ lúc nào Sài đi vắng sẽ trút hờn lên cô gái. Sài biết ý, gác hết mọi việc, đóng cửa ở nhà không giao du với ai cả. Vợ Sài không biết làm sao, chỉ hàng ngày đánh đập bọn tỳ nữ cho hả giận, tôi tớ trong nhà đều không chịu nổi. Từ khi vợ chồng xích mích, cô gái cũng không dám cho Sài ngủ ở phòng mình, Sài từ đó ngủ một mình, vợ nghe biết cũng hơi yên lòng.
Có đứa tỳ nữ đã lớn vốn giảo hoạt, ngẫu nhiên trò chuyện với Sài, vợ Sài nghi là tư thông với nhau càng hành hạ tàn nhẫn, đứa tỳ nữ cứ lúc vắng người là căm tức chửi rủa. Một đêm tới phiên nó hầu, cô gái dặn Sài không được cho tới, nói “Mặt cô ta có sát cơ, khó lường lắm”. Sài theo lời gọi tới, giả vờ hỏi tại sao làm điều ám muội, đứa tỳ nữ khiếp sợ không đáp được, Sài càng nghi ngờ, xét trong áo tìm được con dao sắc, nó không còn lời gì để nói, chỉ quỳ mọp xin tha chết. Sài muốn đánh đòn, cô gái ngăn lại nói “Sợ phu nhân nghe được thì nó không còn cách sống. Tội nó vẫn không thể tha được, nhưng chẳng bằng bán đi cho nó được toàn mạng mà ta còn được tiền”. Sài cho là phải, gặp lúc có người mua tỳ thiếp vội bán đi. Vợ Sài thấy không bàn bạc gì với mình bèn trách móc chồng, lại giận lây qua cô gái, chửi mắng càng tàn tệ. Sài uất ức nhìn cô gái nói “Đây là nàng tự chuốc lấy đấy nhé, nếu trước cứ để cho nó giết đi thì làm gì có ngày hôm nay?”, nói xong bỏ đi.
Vợ Sài thấy lời nói kỳ quái, hỏi khắp cả người hầu nhưng không ai biết, hỏi cô gái nàng cũng không đáp, càng bực dọc phiền muộn, túm áo nàng chửi té tát. Sài bèn quay vào nói rõ mọi chuyện, vợ Sài cả kinh dịu giọng với cô gái, nhưng lại chuyển sang giận là không nói sớm với mình. Sài cho rằng vợ đã hết hiềm khích nên không đề phòng nữa, một hôm có việc đi xa, vợ Sài bèn gọi cô gái tới hỏi tội, nói “Kẻ giết chủ thì tội không tha được, người tha nó là có ý gì?”. Cô gái bị bất ngờ không đáp được, vợ Sài bèn nung đỏ sắt đốt mặt nàng, muốn phá hủy dung mạo. Đám tớ gái đều bất bình thay, nghe tiếng rú người nhà đều khóc lớn xin chịu chết thay nàng. Vợ Sài thấy thế không đốt mặt nữa, lấy kim đâm vào sườn nàng hơn hai mươi nhát mới đuổi đi.
Sài về thấy mặt cô gái bị thương, cả giận muốn qua tìm vợ, nàng nắm áo kéo lại nói “Thiếp đã biết rõ nơi đây là chậu lửa nhưng vẫn dám vào, chứ lúc lấy chàng há cho rằng nhà chàng là thiên đường hay sao? Cũng vì biết mình bạc phận nên làm thế để tạo vật bớt ghét thôi. Yên lòng nhịn nhục chịu khổ thì còn có lúc hết tai họa, chứ nếu lại làm trời tức giận, thì hố thẳm đã lấp bằng lại sụt xuống mất”. Rồi lấy thuốc băng bó những chỗ bị đất, vài ngày thì hơi đỡ, chợt cầm gương soi mừng rỡ nói rằng “Hôm nay thì chàng nên chúc mừng thiếp, bà ta nung đất làm đứt hết nhữug nét mờ tối trên mặt thiếp rồi”. Rồi lại sớm tới phụng sự vợ cả, chu đáo kính cẩn như xưa.
Kim trước thấy mọi người khóc lóc tự biết mình đã bị cô lập, hơi có ý hối hận, thường gọi cô gái vào cùng làm việc với mình, lời nói sắc mặt đều ôn hòa. Hơn một tháng chợt bị bệnh không ăn uống gì được, Sài giận là không chết ngay, không ngó ngàng gì tới. Vài hôm sau thì bụng Kim trướng lên to như cái trống, ngày đêm nằm rũ liệt, cô gái hầu hạ quên ăn quên ngủ, Kim càng biết ơn nàng. Cô gái nói là mình biết y lý, nhưng Kim nghĩ trước đây mình hành hạ nàng quá tàn ác, ngờ là nàng sẽ báo thù nên cố từ tạ. Kim là người coi sóc việc nhà có khuôn phép, tôi tớ đều răm rắp nghe lệnh nhưng từ khi mắc bệnh thì họ cũng bỏ bê việc nhà. Sài phải đích thân đứng ra coi sóc bận bịu vất vả nhưng gạo muối trong nhà không ăn mà tự hết, vì vậy lại có ý muốn vợ khỏe lại để coi sóc việc nhà, bèn đón thầy về cắt thuốc. Kim nói rằng mình uất ức sinh bệnh nên thầy nào bắt mạch cũng bảo là bị bệnh uất kết, đổi qua mấy thầy mà vẫn không khỏi, ngày càng nguy hơn.
Lại định sắc thuốc, cô gái bước lên nói “Loại thuốc này thì hàng trăm thang cũng vô ích, chỉ làm bệnh nặng thêm thôi”. Kim không tin, cô gái ngầm lấy thuốc riêng tráo vào, Kim uống xong, trong khoảng một bữa ăn thì đi ngoài ba lần liên tiếp, bệnh như khỏi hẳn, càng cười là cô gái nói sai, rên rỉ gọi nàng hỏi “Vị nữ Hoa Đà* kia, nay thì thế nào?”. Cô gái cùng đám tỳ nữ đều cười, Kim hỏi nguyên do, mọi người mới nói thật. Kim khóc nói “Thiếp hàng ngày vẫn đội ơn như trời che đất chở của nàng mà không biết, từ nay về sau xin tuy vẫn giữ việc gia chính nhưng được nghe nàng dạy bảo”.
*Nữ Hoa Đà: Hoa Đà là một vị danh y nổi tiếng ở Trung Hoa thời Tam quốc, đây Kim thị có ý chế nhạo nên gọi cô gái họ Thiệu như vậy.
Không bao lâu Kim khỏi bệnh, Sài mở tiệc ăn mừng, cô gái cầm bầu rượu đứng hầu bên cạnh, Kim đứng dậy giật lấy cái bầu rượu, kéo nàng ngồi sánh vai với mình. Đến khuya cô gái kiếm cớ rời bàn tiệc, Kim sai hai tỳ nữ kéo trở lại ép cùng mình ngủ chung với Sài, từ đó công việc thì cùng bàn ăn uống thì cùng mâm, chị em ruột cũng không hòa thuận bằng. Không bao lâu cô gái sinh được một trai, sinh nở xong hay bị bệnh, Kim đích thân chăm sóc như hầu hạ mẹ ruột. Về sau Kim bị mắc chứng đau tim, mỗi khi lên con đau thì mặt mày tái xanh chỉ muốn chết. Cô gái vội mua mấy mũi châm bạc, khi Kim lên cơn đau như tắt thở, nàng lại theo huyệt châm cứu thì lập tức hết đau. Hơn mười ngày lại phát đau, nàng lại châm, qua sáu bảy ngày lại phát, tuy cô gái châm cứu là theo tay hết đau ngay, không tới nỗi khổ sở lắm, nhưng Kim trong lòng cứ nơm nớp sợ bệnh lại phát.
Một đêm nằm mơ thấy tới một nơi như đền miếu, tượng thần trong điện đều cử động, thần hỏi “Ngươi là Kim thị phải không? Ngươi tội ác đa đoan, lẽ ra đã tận số rồi, nhưng nghĩ ngươi biết sửa lỗi nên chỉ giáng tai họa để trừng phạt qua loa thôi. Trước đây giết hai nàng tỳ thiếp thì đó là chuyện quả báo, chứ Thiệu thị có tội gì mà tàn nhẫn đến thế? Việc ngươi đánh đập nàng thì đã có Sài sinh trừng trị rồi, cũng coi như đã xong, nhưng ngươi còn thiếu một vết nung trên mặt và hai mươi ba nhát kim đâm vào sườn nàng, nay bị đau ba lần chỉ mới đủ số lẻ, lại muốn hết hẳn bệnh kia à? Ngày mai sẽ phát lại đấy?”. Kim tỉnh dậy sợ lắm, còn nghĩ rằng mộng mị không thật nhưng ăn sáng xong quả lên cơn đau, còn hơn cả mấy lần trước. Cô gái tới châm cho, cơn đau theo tay giảm ngay nhưng nàng ngờ vực nói “Bệnh này chỉ cần chữa như thế thôi mà sao gốc bệnh không dứt? Xin đốt ngãi để cứu, không thế không được, có điều sợ phu nhân không chịu nổi”. Kim nhớ lại giấc mộng nên không tỏ vẻ khó khăn, nhưng lúc cắn răng rên rỉ chịu đau lại nghĩ thầm còn mười chín vết đâm, không biết sẽ biến chứng ra những gì, chẳng bằng cứ chịu khổ luôn một hôm cho hết nợ, về sau khỏi phải chịu khổ nữa nên lúc mồi ngãi cứu cháy tàn rồi lại xin cô gái làm tiếp. Cô gái cười nói “Chuyện châm cứu chẳng lẽ cứ muốn là làm à?”, Kim nói “Không cần chọn huyệt đạo gì cả, xin cứ phiền đốt cho mười chín chỗ”, cô gái cười bò ra không chịu.
Kim càng nài nỉ, trở dậy quỳ trên giường lạy lục, cô gái vẫn không nỡ. Kim bèn kể thật lại giấc mộng, nàng bèn châm chước theo kinh mạch đốt cho đủ số. Từ đó Kim bình phục, quả nhiên không bị lên cơn đau nữa, tự mình ăn năn, đối xử với người dưới cũng không bao giờ có vẻ giận dữ. Đứa con trai tên là Tuấn, tuấn tú thông minh hơn người, cô gái nói “Đứa nhỏ này có tướng làm quan đây”. Năm tám tuổi Tuấn nổi tiếng là thần đồng, năm mười lăm tuổi thi đỗ Tiến sĩ được trao chức Hàn lâm. Năm ấy vợ chồng Sài đều bốn mươi tuổi, Thiệu phu nhân khoảng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi mà thôi, đem xe kiệu về thăm cha mẹ, làng xóm đều cho là vinh dự. ông Thiệu sau khi gả con gái thì nhà giàu hẳn lên nhưng các bậc văn nhân đều không muốn giao du, đến lúc ấy mới có người lui tới.
Dị Sử thị nói: Đàn bà ghen tuông xảo quyệt, đó là tính trời, nhưng kẻ làm tỳ thiếp lại khoe đẹp khoe khôn thì chỉ làm vợ cả thêm tức giận. Than ôi, tai họa là từ đó mà tới đấy. Như Thiệu thị chịu yên thân giữ phận, bị đày đọa bao nhiêu cũng không đổi lòng thì làm sao vợ lớn hành hạ thêm được! Còn như Kim thị được cứu sống mấy lần mới ăn năn tỉnh ngộ, than ôi, con người lại như thế ư! Bắt trả đủ số chứ không trị tội thêm, cũng là sự tha thứ của tạo hóa, mà lấy thuật làm nhân để trị kẻ ác, chẳng cũng điên đảo sao! Ta vẫn thấy kẻ ngu phu ngu phụ cứ đau ốm thì lập tức gọi đám đồng cốt ngu si tới mặc cho cắt da đốt thịt mà không dám rên rỉ, rất lấy làm lạ, đến nay mới hiểu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.